Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/02/2023

Tìm hiểu thêm về NATO

BBC tiếng Việt - Bùi Tuấn An

NATO là gì và vì sao Thổ Nhĩ Kỳ ngăn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập ?

BBC, 03/02/2023

Năm ngoái, Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập NATO - liên minh phòng thủ của phương Tây - sau khi Nga xâm lược Ukraine.

nato1

Để được gia nhập NATO đòi hỏi tất cả 30 thành viên phải chấp thuận, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đang ngăn cản họ gia nhập sau một số cuộc biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ ở Thụy Điển.

NATO là gì ?

NATO, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, là một liên minh quân sự phòng thủ, được thành lập vào năm 1949 bởi 12 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Canada và Pháp.

Các thành viên đồng ý giúp đỡ lẫn nhau nếu một trong các nước thành viên bị tấn công vũ trang.

Mục tiêu ban đầu của NATO là thách thức sự bành trướng của Liên Xô ở Châu Âu sau Thế chiến thứ II.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nhiều quốc gia Đông Âu từng là đồng minh của Nga trong Hiệp ước Warsaw đã trở thành thành viên của NATO.

Nga từ lâu đã tranh cãi rằng việc NATO chấp thuận các quốc gia này sẽ đe dọa an ninh của họ. Nga kịch liệt phản đối yêu cầu gia nhập liên minh của Ukraine vì lo ngại điều này sẽ xâm phạm quá gần lãnh thổ của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ ngăn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO như thế nào ?

Tháng 6/2022, Thụy Điển và Phần Lan cùng xin gia nhập NATO.

Tất cả 30 quốc gia NATO phải chấp thuận các thành viên mới gia nhập. 28 nước đã đồng ý, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary thì chưa.

Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái cho biết Thụy Điển và Phần Lan trước tiên phải dẫn độ khoảng 150 công dân Thổ Nhĩ Kỳ mà nước này coi là "những kẻ khủng bố".

Những người này được cho là thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), bị cấm ở Thổ Nhĩ Kỳ và những người mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho là đã tham gia vào một âm mưu đảo chính bất thành vào năm 2016.

Thụy Điển và Phần Lan nói dẫn độ là vấn đề của tòa án nước họ, nhưng họ đã đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ để cố gắng đạt được thỏa thuận để dọn đường vào NATO. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến ​​bắt đầu vào tháng Hai.

Vào tháng Giêng, một nhóm các nhà hoạt động đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria.

Họ treo cổ chân một hình nộm mô phỏng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Khoảng một tuần sau, một nhóm cực hữu đã đốt Kinh Koran.

Tổng thống Erdogan đã hủy các cuộc đàm phán sắp tới giữa những tranh cãi xung quanh các cuộc biểu tình.

Tiến sĩ Jonathan Eel, chuyên gia an ninh Châu Âu tại Viện Royal United Services, nói rằng ông không mong đợi ông Erdogan sẽ giải quyết vấn đề với Thụy Điển hoặc Phần Lan cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Năm.

"Ông ta sẽ sử dụng việc này để cải thiện hình ảnh của mình. Ông ấy sẽ muốn cử tri nghĩ rằng ông là một nhân vật quan trọng trong các vấn đề quốc tế", ông Eel nói.

nato2

Bản đồ Thụy Điển và Phần Lan trong tương quan với Nga

Vì sao Thụy Điển và Phần Lan rất kiên quyết gia nhập NATO ?

Thụy Điển đối mặt với Nga qua Biển Baltic và Phần Lan chia sẻ biên giới đất liền dài 1.340 km với Nga.

Trong bảy thập kỷ, cả hai đã chọn thế trung lập hơn là gia nhập NATO.

Nhưng việc Nga xâm lược Ukraine đã thay đổi tư duy hai nước này và họ yêu cầu được gia nhập "nhanh chóng".

Giáo sư Tracey German thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc phòng tại Đại học Kings College London cho biết : "Cuộc xâm lược khiến họ cảm thấy rằng an ninh tập thể mà NATO cung cấp là thứ họ cần".

Hai nước sẽ góp 280.000 quân cho lực lượng của NATO (bao gồm cả quân dự bị) và hơn 200 máy bay chiến đấu.

Tuy nhiên, Giáo sư German nói, nếu Thổ Nhĩ Kỳ (và Hungary) ngăn cản hai quốc gia này gia nhập khối trong thời gian lâu hơn nữa, điều đó có thể gây rủi ro cho họ.

Bà nói : "Giữ Thụy Điển và Phần Lan trong vùng xám này, nơi họ không có sự bảo vệ an ninh tập thể nào của NATO, đồng nghĩa đang đặt họ vào một tình thế nguy hiểm".

"Họ có thể dễ bị tấn công trước áp lực hoặc sự can thiệp của Nga".

nato3

Các nước NATO đang hỗ trợ Ukraine như thế nào ?

Mỹ gửi 31 xe tăng Abrams, Anh gửi 14 xe tăng Challenger 2 và Đức gửi 14 xe tăng Leopard 2.

Các quốc gia khác như Ba Lan, Phần Lan, Na Uy, Hà Lan và Tây Ban Nha cho biết họ cũng sẽ gửi xe tăng Leopard 2 từ quân đội của mình.

Họ cũng đã gửi các vũ khí như hệ thống phòng không, hệ thống tên lửa tầm xa Himars, tên lửa chống tăng, xe chiến đấu bọc thép, pháo tự hành, pháo và máy bay không người lái.

Tuy nhiên, Mỹ đang từ chối gửi F-16 hoặc các máy bay chiến đấu khác cho Ukraine vì lo ngại chúng có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công vào các mục tiêu bên trong nước Nga - điều mà Nga có thể hiểu là một hành động chiến tranh.

Vì sao NATO không gửi quân giúp Ukraine ?

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, các quốc gia NATO đã đồn trú 40.000 quân ở Đông Âu, trên lãnh thổ của các thành viên liên minh như Litva và Ba Lan, và họ có 300.000 quân khác trong tình trạng báo động cao.

Tuy nhiên, không có quân đội nào của NATO chiến đấu ở Ukraine.

Điều này là do việc gửi quân đến đó sẽ khiến NATO xung đột trực tiếp với Nga và các quốc gia hàng đầu trong liên minh, chẳng hạn như Mỹ, cho rằng điều này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến rộng lớn hơn.

Vì lý do tương tự, các nước NATO cũng từ chối vận hành vùng cấm bay trên lãnh thổ các nước này.

Tại sao Ukraine không ở trong NATO ?

NATO nói với Ukraine vào năm 2008 rằng Ukraine có thể gia nhập khối vào một thời điểm nào đó trong tương lai, nhưng gần đây NATO đã từ chối yêu cầu gia nhập "nhanh chóng" của Ukraine.

Điều này là vì Điều 5 của hiến chương NATO nói rằng, nếu một thành viên bị tấn công, tất cả các thành viên trong khối sẽ bảo vệ nước đó.

Nếu Ukraine trở thành thành viên, các nước NATO về mặt kỹ thuật sẽ phải gây chiến với Nga.

Nguồn : BBC, 03/02/2023

****************************

NATO là gì ? NATO gồm những nước nào ? Những điều cần biết về NATO ?

Bùi Tuấn An, luatminhkhue.vn, 29/11/2020

1. NATO là gì ?

NATO là cách viết tắt của North Atlantic Treaty Organization - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là một tổ chức quân sự - chính trị thành lập năm 1949, ban đầu gồm Hoa Kỳ, Canada và một số nước Tây Âu. Mục đích thành lập NATO là để ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô lúc đó đang trên đà phát triển rất mạnh ở Châu Âu có thể gây phương hại đến an ninh của các nước thành viên. Trụ sở của liên minh quân sự này được đặt tại Brussels (Bỉ). 

Cơ quan quyền lực cao nhất là Hội đồng NATO, bên cạnh có Ủy ban Kế hoạch phòng thủ gồm các bộ trưởng quốc phòng phụ trách vạch kế hoạch và chính sách quân sự thống nhất. Về quân sự, cơ quan quyền lực cao nhất là Ủy ban Quân sự gồm Tổng tham mưu trưởng các nước thành viên do Tổng Thư kí NATO đứng đầu.

Ngoài lực lượng vũ trang riêng của từng nước, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương có lực lượng thống nhất dưới sự chỉ huy của Bộ Tổng chỉ huy Liên minh khu vực. Trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Mỹ và các lực lượng vũ trang Mỹ đóng vai trò chủ đạo. Những chức vụ quan trọng trong Bộ Tổng chỉ huy và trong các lực lượng vũ trang thống nhất đều do các tướng và đô đốc Mỹ nắm giữ. Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là người Mỹ. Từ ngày thành lập, NATO luôn thực hiện chính sách đẩy mạnh chạy đua vũ trang chuẩn bị chiến tranh, đặc biệt là việc tăng cường sức mạnh hạt nhân, tạo nên tình hình căng thẳng thường xuyên ở Châu Âu và trên thế giới.

Sau khi Tổ chức Hiệp ước Warszawa giải thể (1991), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương vẫn khẳng định sự tiếp tục tồn tại của mình đồng thời tiến hành cải tổ cơ cấu, mở rộng thành viên, kết nạp hầu hết các nước trong Hiệp ước Warszawa, một số nước thuộc Liên Xô cũ, Tiệp Khắc, Nam Tư trước đây đưa tổng số thành viên lên 28 nước nhằm tăng cường vai trò ở khu vực và trên thế giới.

2. Đặc điểm của NATO

NATO là một liên minh chính trị - quân sự đảm bảo quyền tự do và an ninh của tất cả quốc gia thành viên thông qua các chính sách chính trị và quân sự.

NATO tuân thủ nguyên tắc phòng thủ tập thể, rằng một cuộc tấn công chống lại một hoặc nhiều thành viên của liên minh được coi là một cuộc tấn công chống lại NATO nói chung. Hiệp ước quy định : Trong trường hợp "có cuộc tiến công vũ trang" vào một hoặc một số nước thành viên thì các nước khác phải nhanh chóng giúp đỡ, kể cả sử dụng lực lượng vũ trang.

Nguyên tắc phòng thủ tập thể là trọng tâm của hiệp ước thành lập NATO. Nó là một nguyên tắc duy nhất và lâu dài gắn kết các thành viên NATO với nhau ; cam kết rằng họ bảo vệ lẫn nhau và thiết lập tinh thần đoàn kết trong Liên minh.

Phòng thủ tập thể có nghĩa là một cuộc tấn công chống lại một Đồng minh được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các Đồng minh của NATO. Ví dụ, thực tế NATO đã nhiều lần thực hiện các biện pháp phòng thủ tập thể, bao gồm cả để đối phó với tình hình ở Syria và cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga.

NATO là một liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa các quốc gia ở Châu Âu và Bắc Mỹ cho phép tất cả quốc gia thành viên tham vấn, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, thực hiện các hoạt động quản lý khủng hoảng, đa quốc gia với nhau.

3. NATO bao gồm những nước nào ?

Tính đến ngày 6/7/2022, NATO bao gồm 30 nước thành viên. Sau đây là danh sách 30 nước thành viên và thông tin về năm gia nhập NATO của các nước.

nato4

4. Mục đích thành lập NATO

Việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được thành lập có mối quan hệ mật thiết với tình hình thế giới lúc bấy giờ. Vào thời điểm này, sức ảnh hưởng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản đang phát triển rất mạnh mẽ ở Châu Âu. Điều này tất nhiên khiến các nước tư bản chủ nghĩa lo ngại, vì thế lý do NATO được thành lập chính là để phòng vệ và ngăn chặn sự tác động của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản.

5. Quá trình phát triển của NATO

Việc thành lập NATO dẫn đến việc các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu thành lập Tổ chức Hiệp ước Warszawa để làm đối trọng. Sự kình địch và chạy đua vũ trang của hai khối quân sự đối địch này là cuộc đối đầu chính của chiến tranh lạnh trong nửa cuối thế kỷ XX.

Đầu những năm 1990, sau khi Hiệp ước Warszawa giải thể, đã có khá nhiều kiến nghị đòi giải tán NATO với lý do đã không còn sự đối đầu Đông - Tây nữa. Tuy nhiên, tình hình đã không diễn ra như vậy. Hiện nay, NATO vẫn đang tồn tại, tiếp tục phát triển và mở rộng không ngừng. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, NATO đã đưa ra những cải cách về cơ cấu, nội dung như sau :

Thứ nhất, xác định "đặc tính phòng thủ Châu Âu". Do trong nhiều năm chiến tranh, quyền chỉ huy NATO luôn nằm trong tay Mỹ. Chính vì vậy, sau khi chiến tranh kết thúc, các nước thành viên trong khối NATO đã lên tiếng đòi phân chia quyền lực công bằng tương đối giữa các quốc gia Châu Âu và Mỹ.

Thứ hai, xây dựng đội quân liên hợp đặc phái đa quốc gia, đa binh chủng. Đội quân này ra đời khiến cho hoạt động của NATO ngày càng linh hoạt và hiệu quả hơn. Đây là bước ngoặt quan trọng của NATO sau Chiến tranh Lạnh.

Thứ ba, xây dựng cơ cấu chỉ huy quân sự mới như : Điều chỉnh cơ cấu Bộ Tư lệnh tối cao quân Đồng minh Châu Âu của NATO ; Tinh giản cơ cấu chỉ huy quân sự ; Thành lập Tổ Điều hành Hiệp đồng Chính trị ; Chú trọng đến tầm quan trọng của Địa Trung Hải đối với an ninh Châu Âu.

Ngoài việc thực hiện những cải cách mang tính nội bộ, NATO không ngừng theo đuổi kế hoạch mở rộng biên giới sang phía Đông. Hành động này của NATO là một sự kiện quan trọng kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Nó không chỉ làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Mỹ, Nga và Châu Âu mà còn làm ảnh hưởng đến an ninh khu vực Châu Âu và sự phát triển tiến trình đa cực hóa của thế giới. Sau Chiến tranh lạnh, nhiều nước Đông Âu đã trở thành thành viên của NATO. Lộ trình "Đông tiến" của NATO đã tiến tới sát cửa ngõ của nước Nga khi hiện nay cánh cửa vào NATO đang được mở rộng (Ukraine, Moldavia và Georgia muốn xin gia nhập), nhằm đạt mục tiêu chiến lược là mở rộng tầm ảnh hưởng ra hầu hết không gian "hậu Xô-viết". Nếu như trong suốt thời kỳ "Chiến tranh lạnh", NATO chỉ kết nạp 04 nước, thì sau khi "Chiến tranh lạnh" kết thúc và cho đến hiện nay, NATO đã nâng tổng số thành viên lên 30 nước. Theo đó, biên giới NATO cũng mở rộng tiến sát Liên bang Nga - nước mà NATO coi là "đối thủ" thế chân Liên Xô. Nguyên nhân của việc nhiều nước Đông Âu hay một số nước từng thuộc Liên bang Xô Viết trước đây muốn trở thành thành viên của NATO là do các nước này muốn thông qua NATO để tìm sự bảo trợ an ninh quốc gia trước những sự đe dọa từ các nước lớn trong châu lục. Bên cạnh đó, khi trở thành thành viên của NATO, các nước này sẽ có cơ hội tiếp cận với những nền kinh tế phát triển mạnh của phương Tây để từ đó tìm cơ hội phát triển cho mình. Tuy nhiên, số lượng thành viên tăng nhanh cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp; trong đó, sự "gắn kết", "thống nhất", vốn được coi là nhân tố "sống còn" của NATO thì ngày càng bị suy giảm.

Trên đây là bài viết cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về NATO - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Hy vọng bài viết này đã đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Xin chân thành cảm ơn !

Bùi Tuấn An

Tham vấn bởi Luật sư Lê Minh Trường

Nguồn : luatminhkhue.vn, 29/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt, Bùi Tuấn An
Read 367 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)