Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Belarus thông báo khách mời NATO đã tới (RFI, 17/09/2017)

Cuộc tập trận song phương Nga-Belarus, diễn ra từ ngày 16 đến ngày 20/09/2017, bị khối NATO nghi ngờ là không minh bạch. Hôm 16/09, Belarus ra thông báo trấn an là đại diện nhiều nước thành viên NATO, trong đó có Ba Lan và ba nước vùng Baltic, đã tới quan sát tập trận.

zapad1

Trực thăng Belarus tham gia cuộc tập trận Zapad 2017. Reuters/Vasily Fedosenko

Bộ quốc phòng Belarus ra thông báo khẳng định đã mời đại diện bảy nước trong khu vực bao gồm Latvia, Litva, Estonia, Ba Lan, Thụy Điển, Na Uy và Ukraine, và hôm qua, đại diện bảy nước nói trên, gồm hai quan sát viên mỗi nước, đã tới thủ đô Minsk.

Theo Bộ quốc phòng Belarus, lời mời này đáp ứng "mong muốn phát triển các quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia láng giềng, cũng như các nguyên tắc có đi có lại, cởi mở và minh bạch", theo các thỏa thuận quốc tế mà Belarus tham gia.

Theo chính quyền Minsk, cuộc tập trận "hoàn toàn mang tính phòng vệ" và "không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào". Moskva khẳng định khoảng 12.700 binh sĩ Nga và Belarus được triển khai trong khuôn khổ cuộc tập trận mang tên "Zapad 2017" (Zapad có nghĩa là Hướng Tây).

Tuy nhiên, có nhiều lo ngại tại các nước láng giềng Châu Âu. Litva và Estonia cho rằng đợt tập trận có thể huy động đến 100.000 quân. Ukraine và Ba Lan, lo ngại, ẩn dưới hoạt động này là một mưu toan xâm lược. Tổng tham mưu trưởng NATO Jens Stoltenberg cho rằng số lượng hai quan sát viên mỗi nước không bảo đảm tính minh bạch theo quy định của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE.

Nhìn từ Litva, thông tín viên Marielle Vitureau tại Kudirkos Naumiestis, biên giới với Nga, cho biết dân cư trong vùng đánh giá lo ngại bị Nga xâm chiếm của chính quyền Vilnius là quá đáng :

"Hàng ngày, qua cửa sổ, Jonas Valaitis đều trông thấy nước Nga. Kudirkos Naumiestis từng là thị trấn nằm sát lằn ranh, dòng sông Sesupe là biên giới với Kalinigrad. Ở phía bên kia con sông, là ruộng, đất bỏ trống thuộc khu vực quân sự của Nga. Trại lính thì còn nằm ở mãi rất xa.

Jonas Valaitis là một nông dân cung cấp khoai tây cho cả vùng. Ông không ngại sống ở khu vực giáp giới này. Ông nói : từ khi đường biên giới đóng cửa, cách nay đã 25 năm, ông chưa từng thấy bóng dáng một người lính biên phòng nào lảng vảng bên phía lãnh thổ Nga. Đối với dân cư trong vùng, an ninh được Liên Minh Bắc Đại Tây Dương bảo đảm hơn bao giờ hết.

An ninh được bảo đảm cả ngày lẫn đêm. Trong mắt dân cư sống tại sát vùng biên giới này duy trì một mối bang giao tốt là điều rất quan trọng. Họ cho rằng, lo ngại của Vilnius là quá đáng. Tuy vậy, từ khi xung đột tại Ukraine bùng lên, người dân ở đây lo ngại trước thái độ khó đoán trước của Nga.

Một làn sóng yêu nước đang trỗi dậy tại Litva, quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết. Năm nay chẳng hạn, ngân sách quốc phòng của Litva đạt 2% so với GDP. Cho dù lãnh đạo Litva tỏ thái độ hòa hoãn, nhưng hiện đại hóa và nâng cao khả năng phòng thủ của Không Quân là một ưu tiên của chính quyền Vilnius".

Tú Anh

*******************

Nga - Belarus bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất năm 2017 (VnExpress, 14/09/2017)

Đợt tập trận Zapad-2017 diễn ra từ ngày 14 đến 20/9 với sự tham gia của hàng trăm xe tăng thiết giáp và hàng chục máy bay Nga và Belarus.

zapad2

Lính Nga tham gia huấn luyện trước Zapad-2017. Ảnh: TvZvezda.

Bộ Quốc phòng Belarus cho biết cuộc tập trận Zapad-2017 (Phương Tây - 2017) sẽ là cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong năm của Nga và Belarus, TASS đưa tin.

Lực lượng tham gia Zapad-2017 gồm 138 xe tăng, 231 xe thiết giáp, 241 hệ thống pháo và tên lửa đạn đạo chiến thuật, cùng 40 máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ tuần tra cảnh giới trên không. Nga dự kiến triển khai 12.700 binh sĩ, trong đó 10.200 người sẽ tham gia tác chiến tại Belarus. Một số nguồn tin cho rằng Quân đoàn Tăng Cận vệ số 1 mới tái lập của Nga cũng góp mặt trong Zapad 2017, nhưng thông tin này chưa được xác nhận.

Đợt tập trận Zapad 2017 được cho là cơ hội để Nga thử nghiệm nhiều khái niệm chiến thuật mới, trong đó có những chiến thuật được rút ra từ kinh nghiệm ở Syria. Theo Bộ Quốc phòng Nga, trọng tâm của cuộc tập trận năm nay là lập kế hoạch hiệp đồng, xây dựng chiến thuật chỉ huy và triển khai đội hình quân binh chủng hợp thành.

Nga và Belarus đều mời quan sát viên từ Liên Hợp Quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), NATO, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (CIS) tới theo dõi cuộc tập trận.

NATO chào đón lời mời của Moscow và Minsk, nhưng cũng nhấn mạnh "lời mời này không thể thay thế các hoạt động giám sát được quy định trong Văn kiện Vienna". Thỏa thuận này cho phép quan chức quốc phòng NATO tham gia các cuộc báo cáo và phỏng vấn binh sĩ về cuộc tập trận. Năm 2015, Nga cũng áp dụng điều khoản của Văn kiện Vienna để gửi nhóm chuyên gia tới giám sát đợt tập trận Joint Warrior của NATO.

Tập trận Zapad bắt nguồn từ thời Liên Xô, được tổ chức lần đầu tiên năm 1973. Trong đó, Zapad 81 là cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử, kéo dài trong 8 ngày với sự tham gia của 100.000-150.000 binh sĩ Liên Xô và khối hiệp ước Warsaw.Liên Xô đã thử nghiệm nhiều khí tài mới trong Zapad 81, như tên lửa đạn đạo tầm xa RDS-10, loại vũ khí sau đó bị cấm bởi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF).

Hoạt động diễn tập này bị ngừng lại sau khi Liên Xô tan rã và chỉ được nối lại bằng Zapad 2013. Đây là cuộc tập trận mà Nga lần đầu tiên sử dụng máy bay không người lái để định vị mục tiêu cho pháo binh dội hỏa lực và đánh giá thiệt hại đối phương sau oanh tạc.

Tử Quỳnh

******************

Nga tập trận Zapad-2017 làm láng giềng lo lắng (BBC, 11/09/2017)

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng cuộc tập trận Zapad-2017 của Nga ở Belarus từ 14 đến 20/09 có thể chỉ là 'màn khói' để quân Nga xâm lăng lãnh thổ nước ông.

zapad3

Hồi 2015 Nga cũng có một cuộc tập trận trên lãnh thổ của họ

Chừng 13 nghìn quân Nga sẽ tham gia tập trận với tên gọi "Zapad" - Phía Tây, diễn ra cả trên bộ và trên Biển Baltic.

zapad4

Tầm vóc của cuộc tập trận Zapad-2017

Tuy thế, theo phóng viên ngoại giao và quốc phòng của BBC, Jonathan Marcus thì giới quan sát từ Nato không chia sẻ quan ngại về một cuộc "xâm lăng toàn bộ" nhằm vào Ukraine.

Chuyên gia về Nga, Keir Giles, nhà nghiên cứu tại Viện Chatham House ở London, thừa nhận đúng là "các cuộc tập trận trước của Nga nói ở tầm vóc này đã chuẩn bị cho quân đội có các chiến dịch như chống lại Georgia năm 2008 và Ukraine năm 2014".

Nhưng ông Giles cũng nói, phần trên bộ của cuộc tập trận là nằm bên trong lãnh thổ Belarus, "chứ không phải ngay gần biên giới Ba Lan và Lithuania" nên đây là chỉ dấu Belarus muốn giảm thiểu mọi khả năng gây ra hiểu lầm.

zapad5

Phi cơ F-15 của Không quân Ba Lan- hồi tháng 8, Ba Lan và các đồng minh Nato cũng có diễn tập quân sự ở tầm vóc khiêm tốn

Tuy thế, phóng viên BBC cho rằng cuộc tập trận Zapad-2017 tuần này vẫn khiến cho các nước láng giềng của Nga "phải chú tâm một cách lo lắng".

Chú tâm lo lắng

Theo kênh TV24.pl của Ba Lan, dù tin chính thức của Quân đội Liên bang Nga nói chỉ có 12,7 nghìn quân tham gia tập trận, con số thực được huy động về phía Nga có thể lên tới 100 nghìn và có 700 đơn vị các binh chủng khác nhau tham gia.

Báo Anh, từ Financial Times trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania, Linas Linkevicius nói các nước Baltic và Nato cần "chuẩn bị tốt hơn" khi Nga mở cuộc tập trận.

Zapad-2017 là cuộc tập trận liên binh chủng cấp chiến lược gồm quân Nga và Belarus, bắt đầu hôm 14/09 tại khu quân sự Kaliningrad, nằm bên bờ Baltic, giáp biên giới Ba Lan, để sau đó chuyển vào phần trên bộ ở Belarus.

Dự kiến cuộc diễn tập chỉ kéo dài một tuần nhưng nó thể được gia hạn, theo Jonathan Marcus.

Mỗi năm, Nga tổ chức tập trận ở một vùng địa lý, từ Tây (Zapad), sang Đông, Trung Tâm và Caucaus, theo lịch bốn năm lại quay vòng.

Nhưng lần này cuộc tập trận Phía Tây khiến các nước Đông Âu và Baltic thuộc Nato lo ngại hơn hồi năm 2013, khi Nga có cuộc diễn tập tương tự.

Lý do là vào năm 2014 Nga đã sáp nhập Crimea, lãnh thổ Ukraine ở Biển Đen bằng vũ lực.

Cuộc tập trận Zapad-2009 kết thúc bằng cuộc tấn công hạt nhân trên mô hình nhằm vào Warsaw, thủ đô Ba Lan.

Bốn năm sau, vẫn cuộc diễn tập cùng tên để quân Nga chuẩn bị cho một trận oanh kích giả tưởng bằng bom vào Stockholm của Thụy Điển.

Published in Quốc tế

Tập trận "Zapad 2017" : Nga-Belarus lên gân với NATO ?

Nga và Belarus chuẩn bị một cuộc tập trận quy mô lớn, mang tên "Zapad 2017" (Phương Tây 2017) diễn ra từ ngày 14 đến 20/09/2017, ngay sát sườn Liên Hiệp Châu Âu. Theo nhận định của cả nhật báo Le Monde Le Figaro (31/08/2017), "cuộc tập trận lớn Nga-Belarus khiến NATO lo ngại".

zâpd1

Thứ trưởng Quốc Phòng Belarus giới thiệu cuộc tập trận "Zapad 2017" giữa Nga và Belarus tại một cuộc họp báo ở Minsk, ngày 29/08/2017. Reuters/Vasily Fedosenko

Cả hai nhật báo Pháp đều cho biết, chính thức sẽ có 12.700 quân nhân tham gia (hơn 4.700 người so với cuộc tập trận năm 2015), trong đó có 7.200 quân nhân Belarus và 5.500 quân nhân Nga, cùng với 70 máy bay và máy bay trực thăng, 250 xe tăng, 200 pháo và 10 tầu chiến. Tuy nhiên, phía chính quyền Belarus lại đưa ra con số 13.800 quân nhân, khiến khối Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương - NATO nghi ngờ, đồng thời cho rằng số liệu này bị cố tình giảm nhẹ, so với con số ước tính gần 100.000 người của Latvia, quốc gia nằm sát nơi tập trận. Le Figaro nhấn mạnh sự thiếu minh bạch như vậy hoàn toàn đi ngược với các hiệp ước quốc tế.

Theo kịch bản giả định của cuộc tập trận chung, Belarus bị một nước tưởng tượng Veishnoria chiếm 1/4 diện tích ở phía tây. Với sự trợ giúp của hai nước tưởng tượng khác là Loubenia và Vessbaria (với đường biên giới giống với hai nước Ba Lan và Lithuaniaa hiện nay), "liên quân phương Tây" ảo này có nhiệm vụ "gây bất ổn tình hình" ở Belarus và "phá hoại quan hệ giữa hai đồng minh" Nga và Belarus.

Nga khẳng định cuộc tập trận hoàn toàn mang tính "phòng vệ" với kịch bản là "các nhóm khủng bố" thâm nhập vào Belarus và vùng đất Kaliningrad của Nga, nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Thứ trưởng Quốc Phòng Nga Alexandre Fomine, cáo buộc phương Tây tuyên truyền cái được gọi là "mối đe dọa Nga" vì "một số nước sẽ cho rằng cuộc tập trận Zapad 2017 được tiến hành để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược và chiếm Lithuania, Ba Lan hoặc Ukraine". Và để tỏ ra "minh bạch", Nga còn quyết định mời truyền thông phương Tây đến đưa tin về cuộc tập trận, thể theo yêu cầu của chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Châu Âu, Ben Hodges.

Chính quyền Minks khẳng định kịch bản quân sự này là kết quả hoàn toàn logic của việc NATO mới đây triển khai bốn đội quân chiến lược ở Estonia, Latvia, Lithunia và Ba Lan.

Trong khi đó, NATO giải thích việc tăng cường quân sự ở sườn Đông của khối là do Nga sáp nhập bán đảo Crimée và tham gia vào cuộc xung đột ở vùng Donbass, phía đông Ukraine, dù Moskva luôn bác bỏ. Ngoài việc triển khai các nhóm quân chiến lược tại các nước vùng Baltic và việc quân đội Mỹ mở một tổng hành dinh mới ở Ba Lan, vào đâu tháng 06/2017, khoảng 1.500 quân nhân Anh, Mỹ, Lithuania và Ba Lan đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập chưa từng có tập trung vào việc bảo vệ cửa ngõ Suwalki, nằm trên lãnh thổ Ba Lan, nhưng lại bị kẹt giữa Kaliningrad và Belarus. Trong khi đó, một phần cuộc tập trận "Zapad 2017" sẽ diễn ra ở vùng quân sự Kaliningrad, chỉ cách Suwalki 100 km.

Là nước bị tác động trực tiếp, Lithuania lo ngại Moskva lấy cớ tập trận để từng bước tích lực lượng quân sự bên sườn Đông của NATO. Trong thời gian tập trận Nga và Belarus, NATO sẽ điều thêm 7 chiến đấu cơ F-15 của Mỹ tuần tra trên lãnh thổ các nước Baltic nhằm răn đe. Như để "trấn an", chính quyền Minsk hứa là các lực lượng Nga sẽ rút khỏi lãnh thổ Belarus ngay sau ngày 20/09.

Bão Harvey : Liệu tổng thống Mỹ có thay đổi quan điểm về khí hậu ?

Cơn bão Harvey tiếp tục tàn phá Houston, thành phố lớn thứ tư của Hoa Kỳ, với thiệt hại được thẩm định có thể lên đến 160 tỉ đô la, tương đương với tổng thiệt hại của hai cơn bão Katrina (2005) và Sandy (2012).

Nhật báo Libération lưu ý ba tháng sau quyết định rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định khí hậu Paris, cơn bão Harvey bỗng chốc nhắc lại cho tổng thống Donald Trump thực trạng khí hậu đang xấu đi. Giải thích về sức tàn phá của Harvey, một chuyên gia về khí tượng thủy văn cho rằng nhiệt độ trái đất tăng lên do biến đổi khí hậu, nên cường độ của bão Harvey đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 38 giờ trên vịnh Mexico, nơi hiện có nhiệt độ cao hơn từ 1,5° đến 4°C so với mức trung bình.

Biến đổi khí hậu cũng khiến các cơn bão có sức tàn phá hơn. Bão đẩy nước biển vào bờ và khi chạm đất liền sẽ gây ra những đợt sóng lớn. Với mực nước biển dâng cao, các cơn lốc mang một lượng nước lớn và khi đến mặt đất, sẽ tàn phá nhiều hơn.

Tại bang Texas, việc thành phố Houston không có những biện pháp thích ứng đã bị chỉ trích ngay lúc đầu, không phải do vấn đề tài chính mà do chính quyền không có biện pháp để giảm bớt thiệt hại. Thành phố được xây trên vùng đồng bằng dễ bị ngập lụt và nước không thoát được. Dù đã xảy ra nhiều trận ngập lụt, chính quyền địa phương vẫn tỏ ra ưu tiên những lợi ích trước mắt mà bỏ qua vấn đề đảm bảo an toàn lâu dài cho người dân. Các nhà khí tượng học lấy làm tiếc là chính quyền bang Texas, nơi từng chịu hậu quả do mực nước biển tăng, vẫn nằm trong số những người nghi ngờ nhất Hoa Kỳ về hiện tượng trái đất nóng lên. Libération đặt câu hỏi : Với những hậu quả này, liệu tổng thống Trump có hối hận về quyết định rời khỏi thỏa thuận khí hậu Paris hay không ?

"Bão Harvey là một trong những đợt thiên tai tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ" là đánh giá trên trang nhất của Le Figaro. Đặc phái viên của nhất báo Le Monde nhận định "hiện chưa rõ thiệt hại về người, nhưng hậu quả về tài chính và vật chất do bão Harvey gây ra vô cùng lớn". Những khó khăn và hỗn loạn mà người dân tại Houston đang phải đối mặt được phóng viên của Le Monde thuật lại trong bài viết : "Lòng tương ái và nỗi sợ tại Houston".

Ấn Độ : Bombay bị tê liệt vì mưa lớn

Mưa bão tại thành phố Bombay, Ấn Độ cũng được Le MondeLa Croix đề cập, với cùng nhận định lượng mưa rơi xuống thủ đô kinh tế của Ấn Độ đạt kỷ lục trong một thời gian ngắn.

Le Monde đưa tin "Bombay bị tê liệt vì mưa lớn". Ngoài tinh thần tương ái của người dân, việc thiếu dự án quy hoạch đô thị và sự bất lực của chính quyền chắc chắn sẽ bị lên án. Tuy nhiên, lượng mưa năm 2017 mới chỉ cung cấp được cho Bombay, tùy theo từng khu vực, khoảng 71% đến 86% lượng nước cần thiết cho suốt 9 tháng hạn hán.

"Hỗn loạn thời tiết tại Bombay" là tựa bài viết của La Croix, dù nông dân tại đây đang rất cần mưa. Nhật báo công giáo cũng nhận định người dân tại đây đã thể hiện tình đoàn kết và giúp đỡ nhau, đặc biệt là những người lái taxi và richshaw, sẵn sàng chở miễn phí người bị nạn.

Venezuela : "Chính quyền đàn áp và gieo rắc sợ hãi"

Chính phủ lập pháp của tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bị lên án trong một bản báo cáo ngày 30/08/2017 của cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Theo đó, các nhà lãnh đạo đối lập thường chịu những lời đe dọa nghiêm trọng.

Theo một phần nội dung bản báo cáo, được trích trong bài viết : "Liên Hiệp Quốc lên án hành động đàn áp và sợ hãi ở Venezuela" của nhật báo La Croix, tại Venezuela tồn tại một chính sách đàn áp các tiếng nói chỉ trích và gieo rắc sợ hãi trong người dân để chấm dứt những hành động phản kháng. Liên Hiệp Quốc tố cáo lực lượng an ninh và người ủng hộ chính phủ đã gây ra cái chết cho ít nhất 73 người biểu tình chống chính phủ từ tháng 04/2017. Thủ phạm các vụ giết người còn lại, trên tổng số 130 trường hợp tử vong, vẫn chưa được xác định.

20 năm ngày công nương Diana qua đời

Ngày 31/08/2017 là tròn 20 năm công nương Diana qua đời. Khác với cách đây 10 năm, với một buổi hòa nhạc lớn ở Wembley thu hút rất nhiều ngôi sao nổi tiếng thế giới, năm nay, Luân Đôn tưởng nhớ công nương Diana một cách giản dị, không một sự kiện chính thức nào được tổ chức. Thái tử Charles và hai hoàng tử William, Harry, sẽ viếng mộ Diana Spencer ở Althorp Estate, nơi cha bà từng sống, nằm ở miền trung Anh Quốc.

Theo La Croix, việc không có hoạt động nào được tổ chức giải thích là thời gian bắt đầu bào mòn hình ảnh của công nương trong tâm trí người dân Anh. Giới trẻ hiện nay chú ý đến bất kỳ hoạt động nào của Catherine Middleton, được gọi thân mật là Kate. Hoàng hậu tương lai của Anh đang dần chiếm chỗ của "Bông hồng xứ Wales".

Nhật báo Le Figaro dành riêng một trang để nói về sự kiện này. Có lẽ nhân cách và phong cách sống của công nương Diana có thể được hiểu rõ hơn trong phát biểu của cựu thủ tướng Anh Tony Blair, được Le Figaro trích dẫn : "Phải hình dung ra được 20 năm về trước để hiểu rằng Diana là người đầu tiên trong hoàng gia mà người dân có cảm giác đã hành động như một người bình thường".

Trang nhất các nhật báo

Loạt cải cách luật lao động và kinh tế là chủ đề chính trên hầu hết trang nhất của các nhật báo Pháp trong số ra hôm nay.

Le Monde quan tâm đến "Dự thảo của chính phủ để giảm bớt thuế tài sản (ISF) và thuế khóa của các doanh nghiệp". Theo bộ trưởng Kinh tế, Bruno Le Maire, biểu thuế doanh nghiệp sẽ giảm dần từ 33% hiện nay xuống còn 28% vào năm 2018.

Thuế về tài sản sẽ chỉ áp dụng đối với bất động sản, không tính đến bất động sản dành cho công việc. Như vậy, Nhà nước sẽ mất một khoản thuế lên đến 3 tỉ euro.

Đây cũng là chủ đề trên trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos "Macron đánh cược vào cải cách thị trường lao động". Còn Libération giới thiệu chân dung nữ bộ trưởng Lao Động Pháp Pénicaud, người sẽ giới thiệu những sắc lệnh sửa đổi luật lao động.

Le Figaro đưa hàng tựa lớn : "Hồi giáo đã thâm nhập vào trường học như thế nào ?". Còn nhật báo công giáo La Croix quân tâm đến "Những mặt trận sau thời kỳ Daesh".

Thu Hằng

Published in Quốc tế