Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kết quả bầu cử tại Hoa Kỳ ngày 5/11 vừa qua cho thấy đa số cử tri đã chọn đường hướng chính trị bảo thủ cho nước Mỹ trong bốn năm tới. Ứng viên Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump đã chiến thắng với 312 phiếu đại cử tri và 76,7 triệu phiếu phổ thông (50%), trong khi phía Dân chủ Phó Tổng thống Kamala Harris được 226 phiếu đại cử tri và 74,1 triệu phiếu phổ thông (48,3%).

BuiVanPhu 2024 1121 BauCuMy H04 IVoted

Phòng phiếu tại vùng Vịnh San Francisco trong ngày bầu cử 5/11 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Hai tuần sau ngày bầu cử, kết quả cũng cho thấy Đảng Cộng hòa đã chiếm đa số tại Thượng viện và Hạ viện. Như thế, ít nhất trong vòng hai năm từ 2025 đến 2027, lãnh đạo Cộng hòa sẽ đề xuất chương trình nghị sự và ban hành các chính sách từ di dân, y tế, môi sinh, giáo dục, an ninh cho đến đối ngoại. Nếu có thay đổi thì tháng 11/2026 sẽ bầu lại toàn thể 435 dân biểu Hạ viện và một phần ba, tức 33 nghị sĩ, Thượng viện.

Sự kiện Donald Trump thắng cử nhiệm kỳ hai đã không làm nổi lên làn sóng biểu tình phản đối như bầu cử 11/2016 khi ông thắng cử lần đầu. Khi đó, ngay sau khi các đài truyền hình đưa tin cho rằng Donald Trump đã thắng Hillary Clinton với số phiếu đại cử tri, nhưng thua phiếu bầu phổ thông thì tại nhiều thành phố từ New York qua California đã có cuộc biểu tình với hàng nghìn người xuống đường mang khẩu hiệu "He’s not my President" – Ông ấy không phải là tổng thống của tôi.

Tại thành phố Berkeley và trong khuôn viên đại học đã có mấy chục cuộc biểu tình chống Trump từ cuối năm 2016 cho đến năm 2019 và nhiều lúc đã có bạo động.

Năm nay tình hình California và trên toàn nước Mỹ sau ngày tổng tuyển cử rất yên tĩnh. Tối 6/11 truyền hình địa phương KTVU-2 ở vùng Vịnh San Francisco đưa tin có vài chục sinh viên biểu tình trước Sproul Plaza, Đại học U.C. Berkeley và vài chục người khác xuống đường ở San Jose để bày tỏ quan ngại về chính sách trục xuất di dân, về người đồng tính và chuyển giới mà Donald Trump sẽ cho thi hành.

Mọi người đang chờ xem sau khi Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ hai nước Mỹ sẽ đi về đâu. Cử tri đã chọn đường hướng bảo thủ, nhưng bảo thủ đến mức nào, vì ngay cả trong nhiệm kỳ đầu, những hoạch định chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Trump không ai đoán trước được. Và đó là điều mà nhiều người cũng như lãnh đạo thế giới phải chú ý.

Như nếp sinh hoạt chính trị Mỹ, đại diện cho đảng đối lập là Phó Tổng thống Kamala Harris đã phát biểu tại Đại học Howard sau khi chấp nhận thua cuộc, nhưng không từ bỏ những lý tưởng đã theo đuổi và tiếp tục "chiến đấu tại phòng phiếu, trước tòa và tại những quảng trường công cộng".

Đầu năm 2017, khi vừa vào Nhà Trắng, hai pháp lệnh đầu tiên Tổng thống Donald Trump ký ban hành đã gây chấn động trong và ngoài nước, tạo ra làn sóng biểu tình phản đối nhiều nơi trên đất Mỹ. Một pháp lệnh cấm công dân của nhiều quốc gia hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ và một pháp lệnh về đối ngoại, rút khỏi TPP – Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đã cùng 11 nước ký hồi đầu năm 2016 tại New Zealand.

Với chủ trương America First, lo cho nước Mỹ trước đã, Tổng thống Trump muốn quân bình chính sách trao đổi mậu dịch với các quốc gia, mà TPP có mục đích giảm thuế nhập khẩu để hàng hóa nước ngoài ào ạt vào Mỹ, điều này không công bằng nên ông đã tăng cao mức thuế với nhiều mặt hàng từ khắp nơi trên thế giới nhập vào thị trường Mỹ. Trung Quốc là nước bị ảnh hưởng nặng nhất và chính sách này còn kéo dài qua bốn năm sau của Tổng thống Dân chủ Joe Biden.

Quan hệ đóng băng với Trung Quốc từ đó. Hiện nay thêm sự kiện Nga xâm lăng Ukraine, xung đột vũ lực ở Trung Đông, Trump sẽ lãnh đạo nước Mỹ như thế nào và có chính sách đối ngoại ra sao trong bốn năm tới, cả thế giới đang hồi hộp chờ xem.

Cuộc chiến giữa Do Thái và Hamas trong Dải Gaza nay đã lan sang quốc gia láng giềng Lebanon ở phía bắc và có thể lan rộng trong khu vực. Chiến tranh ở Trung Đông, ở Châu Âu mà Hoa Kỳ hiện ủng hộ Do Thái và Ukraine với cả trăm tỉ đô la viện trợ cũng là điều mà cử tri quan tâm trong ngày tổng tuyển cử 5/11 vừa qua.

Nhìn lại chiến tranh Việt Nam, có lúc lan sang Cam Bốt (1970), Lào (1971) và cuộc chiến ở Trung Đông, Ukraine hiện nay, theo tôi hai chính đảng Mỹ đã có quan điểm đảo ngược về việc ủng hộ hay chấm dứt chiến tranh.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1972, ứng viên Cộng hòa Richard Nixon tái tranh cử chức vụ tổng thống với đối thủ là Thượng nghị sĩ Dân chủ George McGovern. Khi đó quan điểm của Nixon là rút quân nhưng tiếp tục viện trợ quân sự để Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu chống cộng sản, còn McGovern muốn rút hết quân Mỹ cùng lúc chấm dứt viện trợ cho miền Nam Việt Nam.

Kết quả, Nixon đại thắng tại 49 tiểu bang, được 520 phiếu đại biểu cử tri và 60,7% phiếu phổ thông và McGovern được 17 phiếu đại cử tri và 37,5% phiếu phổ thông.

Trong của bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, ứng viên Cộng hòa Donald Trump không muốn tiếp tục yểm trợ cho Ukraine, còn ứng viên Dân chủ Kamala Harris muốn Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ cho Ukraine chống Nga xâm lược.

Những tổng thống Dân chủ như Jimmy Carter, Bill Clinton, Barack Obama được xem là chủ hòa, còn tổng thống Cộng hòa như Ronald Reagan, George H.W. Bush (cha), George W. Bush (con) là chủ chiến.

Năm 1972, diều hâu là Cộng hòa và bồ câu là Dân chủ. Năm 2024, Dân chủ đã thành diều hâu và Cộng hòa thành bồ câu.

Trước đây giới quan sát chính trị thường nhận định rằng dù đảng nào lãnh đạo nước Mỹ thì chính sách đối ngoại đều giống nhau là vì quyền lợi và an ninh của Hoa Kỳ. Nay nhận định trên không còn chính xác, như đã thấy Donald Trump thắng cử và quyền lợi của Hoa Kỳ với khẩu hiệu "Make America Great Again" – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, không phải để mở rộng ảnh hưởng ở nước ngoài.

Với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, đặc biệt là ở California nơi có đông người Việt sinh sống nhất cũng có người theo Dân chủ, cũng có kẻ ủng hộ Cộng hòa và các ứng viên gốc Việt của hai đảng cũng có kẻ thắng, người thua trong kỳ bầu cử vừa qua.

Chiêu bài chống cộng hay thân cộng, ủng hộ hay chống Trung Quốc đã phảng phất trong cuộc vận động tranh cử giữa hai ứng viên gốc Châu Á là Michelle Steel, gốc Nam Hàn và Derek Trần, gốc tị nạn Việt Nam.

BuiVanPhu 2024 1121 BauCuMy H03 DerekMichelle

Ứng viên Dân biểu Địa hạt 45 : Derek Tran, bên trái, và Michelle Steel (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Bà Steel, 69 tuổi, là dân biểu đương nhiệm thuộc Đảng Cộng hòa, đại diện Địa hạt 45 bao gồm Quận Cam là thủ phủ của người Việt. Ông Trần, 44 tuổi, đại diện cho Đảng Dân chủ, là con của một gia đình tị nạn, là cựu chiến binh từng tham chiến ở Iraq và hiện là luật sư chuyên môn về luật lao động. Đây là lần đầu tiên ông tham gia ứng cử.

Vì là địa hạt dao động trong các kỳ bầu cử trước nên cuộc đua giữa Steel và Trần được xem là tốn kém nhất, lên đến mấy chục triệu đôla, và những lãnh đạo cấp cao của cả hai đảng như cựu Tổng thống Bill Clinton, trưởng khối thiểu số Hạ viện Kareem Jeffries đã đến Quận Cam vận động cho Trần và bên Cộng hòa có chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đến vận động cho Steel.

Kết quả tính đến chiều ngày 21/11 Trần hơn Steel 480 phiếu trong số hơn 310 nghìn phiếu bầu đã kiểm và từ nay cho đến ngày tiểu bang chứng thực kết quả, phần thắng xem như thuộc về Trần. Theo báo Orange County Register, tuần này Trần đã có mặt tại thủ đô Washington để tham dự chương trình hướng dẫn cho các thành viên quốc hội vừa đắc cử lần đầu tiên.

Việc kiểm phiếu kéo dài đã trên hai tuần và còn tiếp tục là vì theo luật bầu cử của California mọi cử tri đã ghi danh bầu cử đều nhận được phiếu bầu gửi đến nhà bốn tuần trước ngày 5/11. Với lá phiếu đó, cử tri có thể bầu chọn, xong đem bỏ vào các thùng phiếu của quận hạt, hay gửi qua đường bưu điện. Nếu phiếu gửi qua bưu điện có đóng dấu trước hoặc trong ngày 5/11 mà đến văn phòng bầu cử trong vòng 7 ngày, nghĩa là đến chậm nhất là 12/11, thì phiếu đó sẽ được đếm.

Vì có nhiều phiếu bầu theo cách mail-in, tức cử tri không trực tiếp đến phòng phiếu, nên những lá phiếu đó phải được kiểm tra để xác minh chữ ký của cử tri.

BuiVanPhu 2024 1121 BauCuMy H05 CampaignBoard OC

Bảng vận động tranh cử treo trước một trung tâm thương mại ở Quận Cam, California (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Cũng còn những trường hợp cử tri mới dọn về khu vực đôi ba tháng và muốn tham gia bầu cử tại địa phương, những lá phiếu đó được cho là tạm thời, chờ kiểm tra địa chỉ và để biết một cử tri đã không bầu phiếu ở nơi khác.

Những việc làm đó rất tốn thời giờ và văn phòng tổ chức bầu cử của từng quận hạt muốn đảm bảo tính trung thực và toàn vẹn của kết quả bầu cử sau khi đã công bố. Vì thế rất ít khi các khiếu nại đếm phiếu lại sẽ làm thay đổi kết quả thắng thua giữa hai ứng cử viên dù cách biệt chỉ vài chục, có khi chỉ vài phiếu trong số cả trăm nghìn phiếu.

Kết quả của Địa hạt 45 tại khu vực Little Saigon, Quận Cam ngay sau ngày bầu cử Michelle Steel hơn Derek Trần 11 nghìn 300 phiếu. Nhưng khi phiếu bầu mail-in được kiểm thì Derek Trần mỗi ngày giảm số cách biệt để đến cuối tuần qua bắt đầu vượt lên hơn Steel vài chục rồi vài trăm. Đến chiều ngày 21/11 số phiếu của Trần hơn Steel là 480 phiếu và còn khoảng 6 nghìn phiếu nữa cần kiểm tra.

Nếu Derek Trần tiếp tục hơn phiếu Steel, mà tôi tin là ông sẽ thắng, thì ông sẽ là dân biểu gốc Việt đầu tiên đại diện cho khu vực Little Saigon, Quận Cam. Đây là một dấu mốc lịch sử vì sau 50 năm định cư, lần đầu tiên thủ phủ của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ có đại diện trong chính quyền liên bang.

Một số ứng viên gốc Việt khác tại California thành công trong kỳ bầu cử 5/11 vừa qua có :

- Hạ viện tiểu bang, Địa hạt 10, vùng Sacramento : Stephanie Nguyễn (Dân chủ) tái thắng cử với 67,7% số phiếu.

BuiVanPhu 2024 1121 BauCuMy H01 TriTa StephanieNguyen CaliforniaAssembly

Dân biểu Hạ viện California Trí Tạ, bên trái, và Stephanie Nguyễn (Ảnh : Bùi Văn Phú)

- Hạ viện tiểu bang, Địa hạt 70, Quận Cam : Trí Tạ (Cộng hòa) tái thắng cử với 54,7% số phiếu.

- Giám sát viên Quận Cam, Đơn vị 1 : Janet Nguyễn thắng với 61,2%, dù trước ngày bầu cử vài tuần ông Andrew Đỗ, giám sát viên đương nhiệm đã phải từ chức vì bị cáo buộc tham nhũng, hối lộ.

BuiVanPhu 2024 1121 BauCuMy H02 BettyDuong JanetNguyen Supervisors

Giám sát viên quận hạt : Betty Dương của vùng San Jose, bên trái, và Janet Nguyễn của Quận Cam. (Ảnh : Bùi Văn Phú)

- Giám sát viên Quận Santa Clara, Đơn vị 2 vùng San Jose : Betty Dương thắng với 53,4%. Chiến thắng của bà Dương ghi dấu lần đầu tiên có đại diện gốc Việt trong hội đồng giám sát quận hạt vùng San Jose, nơi có trên 100 nghìn cư dân gốc Việt sinh sống, đông thứ nhì ở California.

Nhìn vào kết quả từ Quận Cam, dù Kamala Harris đạt 49,7 % số phiếu và Donald Trump đạt 47,1%, những ứng viên gốc Việt theo Đảng Cộng hòa vẫn đắc cử vào những chức vụ cao nhất, như Janet Nguyễn và Trí Tạ.

Ứng viên Cộng hòa Michelle Steel đang thua Derek Trần là thua ở khu vực thuộc quận hạt Los Angeles nơi Trần được 19.036 phiếu (56,2%) và Steel được 14.822 phiếu (43,8%). Còn trong phạm vi Quận Cam, Steel được 141.274 phiếu (50,7%) và Trần được 137.540 phiếu (49,3%).

So với kỳ bầu cử 2022 khi Michelle Steel đối đầu với ứng viên Dân chủ Jay Chen, tại khu vực thuộc quận hạt Los Angeles, Chen được 13.121 phiếu (57,75%) và Steel được 9.598 phiếu (42,25%), con số gần như giống kết quả năm nay. Tại Quận Cam, Steel đạt số phiếu 104.362 (53,6%) so với 90.345 phiếu (46,4%) cho Chen.

Những số liệu trên cho thấy có nhiều cử tri gốc Việt theo Đảng Cộng hòa ở Quận Cam, nơi có hai thành phố Garden Grove và Westminster với mật độ người Việt cao, đã chọn Derek Trần vì số phiếu cho Steel ở đây đã giảm từ 53,6% trong bầu cử 2022 xuống 50,7% trong cuộc bầu cử ngày 5/11 vì nay có nhiều cử tri gốc Việt theo Dân chủ hơn.

BuiVanPhu 2024 1121 BauCuMy H06 CampaignBoard OC

Bảng vận động tranh cử ở Quận Cam, California (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Rất có thể tháng 11/2026 cuộc bầu cử tại Địa hạt 45 sẽ là cuộc chạy đua giữa Cộng hòa Janet Nguyễn và Dân chủ Derek Trần. Khi đó dù ai thắng, Quận Cam vẫn có đại diện là người gốc Việt trong Quốc hội Hoa Kỳ.

Cuộc tranh cử chức thị trưởng Garden Grove cũng cần quan tâm phân tích kết quả. Có tất cả 7 ứng viên, trong đó có 4 gốc Việt, kết quả như sau :

- Stephanie Klopfenstein : 15.585 phiếu, 27,02%

- Diedre Thu-Ha Nguyen : 14.209 phiếu, 24,63%

- Lan Nguyen : 10.055 phiếu, 17,43%

- Phat Bui : 7.693 phiếu, 13,34%

- John R. O’Neill : 7.365 phiếu, 12,77%

- Musaab B. Mughal : 1.451 phiếu, 2,52%

- Thomas Thai Nguyen : 1.329 phiếu, 2,30%

Như thế người về nhất Stephanie Klopfenstein, đang là nghị viên thành phố, sẽ là thị trưởng của Garden Grove.

Thành phố này có 170 nghìn cư dân, 42% gốc Châu Á mà đại đa số là người Việt. Trong hội đồng thành phố với 7 nghị viên, hiện có 3 gốc Việt. Nhìn vào kết quả trên, nếu chỉ có một hoặc hai ứng viên gốc Việt, thay vì 4, thì cơ hội cho người Việt nắm chức thị trưởng sẽ rất cao. Rõ ràng đã có tình trạng chia phiếu vì quá nhiều ứng viên gốc Việt.

Garden Grove, cùng với Westminster, là hai thành phố mà nhiều chính trị gia gốc Việt tại Quận Cam đã đặt bước chân đầu tiên vào chính trường Hoa Kỳ, trong đó có Janet Nguyễn, Trần Thái Văn, Diedre Thu-Ha Nguyễn, Trí Tạ.

Bùi Văn Phú

Nguồn : BBC, 22/11/2024

Tác giả là giảng viên đại học cộng đồng và là một báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California

Additional Info

  • Author Bùi Văn Phú
Published in Diễn đàn

Trong chuyến đi tới Hoa Kỳ tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Báo chí Việt Nam đưa tin rằng : "Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với Đảng cộng sản, tổ chức cánh tả và bạn bè Hoa Kỳ tại New York… Đông đủ các đại biểu đến từ các bang khác nhau, đại diện tiêu biểu cho hàng ngàn bạn bè Hoa Kỳ yêu mến Việt Nam, trong đó có lãnh đạo Đảng cộng sản Hoa Kỳ, các tổ chức cánh tả, các nhà hoạt động hòa bình, cựu chiến binh, bạn bè, đại diện các tổ chức từ thiện, nhân đạo, tôn giáo, phi chính phủ và các doanh nghiệp đã tham dự cuộc gặp".

Nghĩa là có cuộc gặp mà trong đó, có mặt của Đồng Chủ tịch Đảng cộng sản Hoa Kỳ Rossana Cambron.

haihuoc0

Tại Việt Nam, nhiều "đồng chí" đã và đang mong chờ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ đem lại kết quả như họ mong đợi.

Nhiều người ở Việt Nam hy vọng rằng, với chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Mỹ trên cương vị Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, đồng chí Tô Lâm sẽ tranh thủ trao đổi kinh nghiệm cho Đảng cộng sản Mỹ trong việc điều hành đất nước.

Tiếc rằng điều đó không có tác dụng. Điển hình là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hiện nay.

Ghi chú : Ngay cả tại Việt Nam, nhiều "đồng chí" đã và đang mong chờ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ đem lại kết quả như họ mong đợi. Sự mong đợi ấy, phụ thuộc vào trình độ nhận thức, quan điểm và lập trường tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên khác nhau.

Người thì mong bà Kamala Haris trở thành nữ Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, để chứng minh nền dân chủ Mỹ vẫn là mẫu mực của sự bình đẳng, của quyền công dân… không phân biệt giới tính, màu da, xuất thân hoặc nói đơn giản là không cần biết "bố mày là ai" như ở Việt Nam chúng ta.

Người thì mong cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc, để rồi như ông ta tuyên bố là sẽ tiếp tục cuộc chiến Mỹ - Trung về nhiều mặt, mà trước hết là về thương mại. Để loại trừ khả năng nếu phe đối lập thắng vào Tòa Bạch Ốc, thì cả đất nước Hoa Kỳ lại phải đi học tiếng Trung Quốc ngay. Thậm chí, có người còn hy vọng rằng biết đâu Trump trở lại Tòa Bạch Ốc thì khi chiến thắng Trung Quốc, biết đâu Trump lại giải phóng hộ Việt Nam cả Hoàng Sa, cả Trường Sa trả lại cho Việt Nam cũng nên.

Vậy thì quả là "nhất cử lưỡng tiện".

Thế nên, bầu cử Mỹ, nhưng độ nóng ở Việt Nam là không hề kém cạnh.

Vậy trên cách nhìn, quan điểm của "Đảng ta", người ta thấy gì ở cuộc bầu cử Mỹ ?

Bầu cửu Mỹ : tốn kém và phức tạp

Tốn kém :

Đến hẹn lại lên, cứ sau 4 năm thì nước Mỹ lại nhốn nháo vì những cuộc bầu cử Tổng thống. Năm nay, năm 2024 cũng không là ngoại lệ. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã đến thời kỳ cực điểm căng thẳng và đày kịch tính.

Cho dù hàng chục tỷ đôla đã bỏ ra, hai đảng chính trị lớn của Mỹ là Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã đổ biết bao nhiêu công sức, tiền của, đầu tư cho hai chiến dịch của hai đảng, thì đến tận hôm nay, chỉ mấy ngày trước khi cả nước "Tổng tuyển cử" mà người dân Mỹ vẫn chưa thể biết được ai sẽ làm chủ Tòa Bạch Ốc vào năm sau.

Mấy năm nay, ngay từ khi tuyên bố tiếp tục ra ứng cử lần thứ 3 vào Tòa Bạch Ốc, cựu Tổng thống Donald Trump đã liên tục dùng đủ mọi cơ hội, đù mọi cách bằng sự kiên trì, bền bỉ và đủ mọi hình thức để xin tiền người ủng hộ, dù ông ta là một tỷ phú, là người giàu có nổi tiếng chứ không hẳn là một người bình dân hoặc trung lưu.

Thế rồi hễ cứ mỗi lần bị Tòa gọi, bị bắn, bị có âm mưu ám sát… hoặc có cơ hội để quảng cáo, để bán hàng, ông ta đã ngay lập tức không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để bán từ Kinh Thánh đến chiếc mũ MAGA, từ chiếc đồng hồ hàng trăm ngàn đôla đến những vật đeo chìa khóa làm kỷ niệm… Từ việc tổ chức những buổi tiệc hoặc họp hành với các tỷ phú để quyên tiền, từ những lời hứa hẹn về công việc nếu ông ta trúng Tổng thống sắp tới, cho đến những email ngày đêm kiên nhẫn kêu gọi đóng góp từ 5,10 đến 20 đô la cho chiến dịch "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại MAGA)". Nghĩa là tất tần tật miễn có cơ hội để kiếm tiền thì ông đều tận dụng.

Vậy mà xem ra vẫn chưa ăn nhằm gì so với những ngày bà Phó Tổng thống mới ra ứng cử cho đến nay chỉ vài ba tháng. Con số tiền bà ta thu vào đạt kỷ lục về huy động tiền cho cuộc bầu cử này. Chỉ là kẻ năm đồng, người mươi đô, thì hàng tỷ đô la đã được người dân Mỹ tự nguyện quyên góp cho chiến dịch này của phía bên Đảng Dân Chủ trước đây đại diện là tổng thống Joe Biden và nay để lại cho bà Phó.

Nói đến điều đó, để thấy rằng người dân Mỹ hết sức quan tâm đến đời sống chính trị của đất nước. Mà họ quan tâm bằng việc làm hẳn hoi, bằng những quan điểm, bằng những đòi hỏi ở các ứng cử viên, bằng những chọn lựa cho mình và xã hội một nhân vật trong thể chế chính trị để bảo đảm rằng quyền hành thuộc về nhân dân là ông chủ của đất nước. Trước hết, sự quan tâm đó thể hiện bằng tiền của chính họ bỏ ra hẳn hoi chứ không chỉ là "đắp chăn hô khẩu hiệu".

Điều này, theo quan điểm của đảng ta, tạo nên sự nghịch lý. Bởi đã chính trị, là phải trong sạch, muốn vận động bầu cử, cũng chỉ bằng mồm mà thôi chứ làm sao lại có chuyện can thiệp của tiền bạc ở đây ? Ở ta, sẽ có các cuộc họp tại Hội trường, các cử tri đã được chọn sẵn làm cò mồi để phát biểu, để ca ngợi, để đề nghị… rồi về chuẩn bị cho ngày hội bầu cử toàn dân. Chuyện tiền bạc đã được trích từ ngân sách nhà nước ra – nghĩa là cũng từ tiền dân thôi, nhưng nó bình đẳng hơn bên Mỹ mỗi đảng phải đi vận động. Ở ta, số tiền chi ra bao nhiêu, tùy thuộc vào đại biểu ấy quan trọng đến mức nào. Đặc biệt là cách làm ở ta có sự tập trung, nghĩa là tập trung cho các đại biểu đã được "Quán triệt trúng cử" mà thôi. Đỡ tốn kém và nhiêu khê, phức tạp.

Hẳn nhiên, sẽ có nhiều đồng chí "bò đỏ" với tư duy của đảng ta mà phán rằng : Vậy thì bầu cử chỉ dành cho kẻ có lắm tiền, và bầu cử đó đâu có phải của dân nghèo ở Mỹ như đảng ta vẫn vận dụng và kêu gọi là tất cả cho giai cấp vô sản ? Vậy thì không có tiền là không thể làm được Tổng thống hoặc quan chức bên Mỹ. Vậy thì đảng ta thường tuyên truyền là nền chính trị và quan chức Hoa Kỳ chỉ dành cho bọn tư bản đâu có gì sai ?

Ở điểm này, có một chi tiết các "đồng chí" chưa lưu ý, đó là tiền để cho các ứng cử viên đó đi vận động, quảng cáo, ứng cử đó lại cũng là từ dân, nhưng dân tự nguyện đóng góp chứ không "tập trung dân chủ" như ở Việt Nam ta.

Thế nên, phải nói rằng Bầu cử Mỹ hết sức tốn kém "thì giờ và tiền bạc của nhân dân" (Nói theo cách của Di Chúc Hồ Chí Minh). Con số tiền bạc được huy động, được sử dụng cho cuộc bầu cử Mỹ, có lẽ là con số chi phí lớn nhất trong các cuộc bầu cử trên thế giới.

Phức tạp :

Điều mà các "đồng chí" ở Việt Nam thấy rõ nhất và bất bình nhất, đó là nước Mỹ, qua các cuộc bầu cử từ nghị viên, thống đốc cho đến quan chức và Tổng Thống, tất cả xã hội Mỹ chẳng có ông nào thật sự là tốt sất. Không một cá nhân nào mà không mang đầy mình khuyết điểm. Những khuyết điểm của những ứng cử viên thì đầy rẫy, khuyết điểm thật cũng có, mà khuyết điểm giả thì cũng không thiếu. Hai bên cứ vậy mặc sức tung ra dồn bên kia đến sự khốn khổ và lo mà chống đỡ.

Ai lại một cựu Tổng thống hẳn hoi, đi ra ứng cử lại chức vụ này, lẽ ra báo chí phải loan tin ngay từ đầu rằng : "Đồng chí Donald Trump sẽ tái đắc cử chức Tổng thống Hoa Kỳ" với số tín nhiệm bầu là tuyệt đối. Thì ngược lại, chúng tìm cách mô tả, lôi những chuyện từ xa xửa xa xưa như "cụ" đã có thời trót ăn nằm với cô đào phim người lớn rồi chi tiền bịt miệng. Thậm chí lại còn lôi "cụ" ra tận tòa cho đám bồi thẩm đoàn nó ngồi nó nghe mô tả "cụ"như thế nào, "cụ" đã làm gì, "cụ" đã khai gian ra sao… Mà chuyện có gì đâu chứ, khi đó, nghe nói vợ "cụ" đang ở cữ nên mới ra nông nỗi ấy. Chẳng bù cho ở ta, đồng chí bố của Vũ Trung là ai, chẳng ai thèm hỏi một câu nữa là. Còn nhớ, có lần người ta hỏi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh theo kiểu "Mày biết bố mày là ai không" thì cụ Tổng bí thư chỉ nhe hàm răng trắng nhởn ra trả lời : "Cả đất nước Việt Nam có đến mấy chục triệu con cháu Hồ Chí Minh". Chỉ đơn giản vậy thôi mà khối đứa khiếp mà chép miệng : Làm gì có ai khỏe đến thế chứ.

Và đâu chỉ có vụ đó, còn mấy vụ nữa chúng lại cũng âm mưu lôi cụ ra tòa tiếp như vụ Tài liệu mật bị "cụ" mang về nhà đọc cho vui. Thật ra thì điều đó có gì đâu, chỉ là tài liệu "cụ" đã đọc và "cụ" đã nói là "Tao đã giải mật bằng ý nghĩ của tao rồi". Vậy mà chúng vẫn không tha.

Rồi còn vụ bạo loạn ngày 6 tháng giêng nữa. "Cụ" có làm gì đâu ngoài việc kêu gọi dân đến vào ngày đó và hô hào họ đi sang Quốc hội mà yêu nước, tao cũng sẽ đi. Tuy nhiên, "cụ" có đi đâu, "cụ" chỉ về nhà cụ xem Tivi thôi.

Thậm chí, cái vụ "cụ" gọi điện đến tiểu bang, yêu cầu "chúng mày kiếm cho tao khoảng hơn chục phiếu để tao thắng cái lão Bảy Đờn kia đi". Thế mà chúng lại lôi "cụ" ra tòa vì cái tội can thiệp bầu cử.

Ngược lại, phía bên kia, một "cụ" già Biden - tục danh mà những người Việt yêu nước, tín nhiệm cựu Tổng thống Trump hay gọi là Bảy Đần – thì được mô tả chẳng ra cái gì về hình ảnh lãnh đạo. Nào là đi thì vấp ngã linh tinh, nói năng thì sau lẫn trước, lập bập nói không ra hơi… đủ cả mọi cái để có thể nói ngắn gọn lại là "Không thể làm Tổng thống tiếp theo được".

Và dư luận, và sức ép đến mức "cụ" phải tuyên bố : Thôi, tao dừng chơi, tao coi chuyện đất nước quan trọng hơn chuyện cá nhân tao, nên tao nhường đuốc lại cho đứa phó của tao.

Thế là mũi dùi lại chĩa vào bà Phó Tổng thống mà trước đó còn yên chí ăn ngon, ngủ yên kệ Tổng thống muốn tranh luận hay làm gì thì làm. Thế là bà ấy lại lo chống đỡ đến từng chi tiết. Nào là cứ cười ha hả vậy thì làm sao nghiêm túc mà lãnh đạo đất nước. Nào là "bây giờ bà tự nhiên xưng là da đen để kiếm phiếu chứ trước đến giờ tao có nghe nói da đen da đỏ gì đâu". Nào là mấy năm làm Phó Tổng thống thì có làm được gì đâu, biên giới dân vẫn cứ vào, và mọi cái cứ ú ớ chẳng biết gì sất. Ngữ này mà làm lãnh đạo thì nước Mỹ chỉ có mà gặp họa…

Những chi tiết về đời tư của những người muốn ra phục vụ nhân dân, mà lẽ ra, như ở Việt Nam chúng ta sẽ phải thuộc vào diện "Bí mật quốc gia" thì nay lại cứ phơi tênh hênh lên mặt báo.

Vậy mà báo chí cũng đưa tin cho được, lại còn khai thác chi tiết nọ kia làm mất uy tín lãnh đạo quá thể. Nếu ở Việt Nam, thì cái tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ" là chắc chắn được sử dụng cho đám báo chí Mỹ nói về bầu cử rồi.

Quả là buồn cười và phức tạp với cách bầu cử và xã hội Mỹ.

Đảng cộng sản Mỹ cần rút kinh nghiệm

Theo dõi những thông tin từ bầu cử Mỹ, chúng ta thấy điều gì ?

Đó là sự lộn xộn, chẳng đâu vào đâu khi các đảng đưa người ra ứng cử. Những tranh luận, những chỉ trích chẳng có tác dụng gì ngoài việc người dân biết được là ông nọ, bà kia nếu được chọn phục vụ dân thì nó sẽ làm gì cho mình. Để rồi qua đó, người ta thấy dân cần gì cho họ và họ muốn mình làm gì cho họ. Qua đó, các ứng viên điều chỉnh những kế hoạch của mình cho phù hợp nếu được bầu.

Tuy nhiên, cái lợi ấy không quan trọng cho bằng việc qua đó, tiết lộ những bí mật động trời mà lẽ ra chỉ một nhóm nhỏ trong đảng được biết mà thôi. Cùng lắm, thì chỉ đến khi đồng chí bị lộ" – nghĩa là khi bị các đồng chí ở nhóm khác, phe khác muốn tiết lộ bí mật nhà nước – thì dân chúng mới có thể hóng tin mà thôi. Thế nên, lợi bất cập hại.

Một điều nữa, đó là sự quá trớn của báo chí tư bản. Báo chí đưa tin vô tội vạ những vấn đề đời tư của các ứng cử viên mà xem như dân thường vậy, cứ cái gì xấu nhất, hỏng nhất thì đưa ra mà chẳng co dòng nào như "Đồng chí là học trò xuất sắc, là lạnh tụ vô vàn kính yêu của đất nước của dân tộc… đã từng kinh qua nhiêu chức vụ, cương vị lãnh đạo, và ở đâu cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình được đảng và nhà nước giao phó…". Tuyệt nhiên không.

Hèn chi mà "cụ" cựu Tổng thống Trump đã nói thẳng : "Báo chí là kẻ thù của nhân dân". Vậy mà vẫn không chịu quán triệt.

Một sự phức tạp nữa ở bầu cử Mỹ, đó là quá trình thăm dò, cạnh tranh, vận động của các ứng cử viên quá bát nháo và không chịu theo kế hoạch, chủt trương của đảng. Vì thế, nó tạo ra sự bát nháo.

Bát nháo đến mức là ngay hôm nay, chỉ còn có dăm ngày nữa là đến "Ngày hội toàn dân đi bầu cử" vậy mà vẫn chưa biết ai sẽ là Tổng thống. Đó là một sự nguy hiểm. Bởi với tình hình dân chủ quá trớn kiểu này, thì rất có thể người nhiều phiếu lại chưa hẳn là người đã được quy hoạch làm Tổng thống.

Ngộ nhỡ dân nó lại bầu một người mà không chịu đi theo "Con đường của đảng và bác đã chọn" thì ăn làm sao, nói làm sao bây giờ ?

Đó là nỗi lo, nỗi phân vân mà các đồng chí luôn cần phải quan tâm để điều chỉnh cho phù hợp.

Và các đồng chí từ Chủ tịch cho đến đảng viên Đảng cộng sản Mỹ phải rút kinh nghiệm sâu sắc một cách nhanh chóng.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 30/10/2024

Additional Info

  • Author JB Nguyễn Hữu Vinh
Published in Diễn đàn

Lần thứ ba chạy đua vào Nhà Trắng, ông Donald Trump tiếp tục gây ồn ào trên báo chí, mạng xã hội và mang đến không khí căng thẳng trong các gia đình, hội đoàn người Việt.

chiare1

Trong một buổi gặp mặt đại gia đình tôi hồi tháng 8 vừa qua, câu chuyện rồi cũng đến lúc nói về chính trị. Một số người hăng hái nhất đã lên tiếng, "Bầu cho ông Trump thôi. Lần này thì ông Donald Trump thắng cử chắc rồi. Ông ấy được Chúa bảo vệ mà".

Đây không phải là lần đầu tôi nghe kiểu dành sự ủng hộ cho ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa như thế.

Trong trận lũ tin giả

"Bầu cho ông Donald Trump đi, chứ bà Harris mà làm được gì". Tôi đã nhiều lần nghe những câu nói đại ý như thế trong các cuộc hội thoại bằng tiếng Việt sau khi Đảng Dân chủ thay người hồi tháng 7.

Và không ít người Việt lo ngại như những MAGA (Make America Great Again, Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) thực thụ, "Bà Harris mà thắng cử rồi đến dân Ấn Độ sẽ tràn lan ở Mỹ". Hay đó cũng là một kiểu tư duy rất quen thuộc, "Một người làm quan cả họ được nhờ" ?

Những người đưa ra lời này thuộc đủ giới tính, ở mọi lứa tuổi. Công việc của họ không giống nhau, thợ làm nail, nhân viên văn phòng, đến chủ doanh nghiệp…

Tin giả đã có từ xa xưa, nhưng từ khi Donald Trump xuất hiện trên chính trường thì tin giả và không đúng sự thật, cùng những lời đe dọa, xỉ vả nhau lây lan như đại dịch tại Mỹ.

Nó được phát tán từ những người có ảnh hưởng nhất ở tầm quốc gia, YouTuber, nghệ sĩ, đến công nhân, thợ làm nail, bà nội trợ, từ người Mỹ da trắng tóc vàng, đến cộng đồng gốc Việt.

chiare2

Chẳng lạ khi người ủng hộ cho Donald Trump tung tin rằng bà Kamala Harris mà làm tổng thống thì nước Mỹ sẽ trở thành xã hội chủ nghĩa, người Mỹ sẽ phải đi học tiếng Trung. Bởi chính ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa đã không ngừng đưa ra lời dọa dẫm dân Mỹ như vậy. Nó như rót thêm nỗi lo ngại trong tiềm thức về Trung Quốc từ bao đời nay trong lòng người Việt.

Mới đây, ca sĩ Chung Tử Lưu sinh sống ở California nhận được tin nhắn của một chị ca sĩ lớn tuổi kêu gọi bầu cho Donald Trump, nếu không muốn Tập Cận Bình làm hoàng đế, vì Kamala sẽ bán nước Mỹ cho Trung Cộng.

Không chỉ người già, hoặc không giỏi tiếng Anh bị các YouTuber, Facebooker thao túng. Ngay người Việt có học hơn, giới đang làm là bác sĩ, kỹ sư… cũng tung tin vô lý để gieo rắc nỗi sợ chính trị, hòng tìm cái nhìn thiện cảm dành cho ông Donald Trump.

Chưa bao giờ các tờ báo ở Mỹ phải bận rộn hơn với việc kiểm tra thật hay giả, đúng sai khi thông tin đó được Donald Trump và người ủng hộ ông đưa ra. Lịch sử báo chí ở Mỹ chắc chắn sẽ còn nhắc đến kiểu thông tin Donald Trump trong vài thế hệ.

Để giúp cộng đồng nhận định tin giả, một nhóm người Việt đã tập hợp lại để tổ chức các buổi thảo luận cách nhận biết tin không đúng sự thật, cũng như đưa ra các công cụ kiểm tra trên internet.

Hiện nay, nhóm Viet Fact Check đã tạo một công cụ kiểm chứng thông tin với chức năng tin nhắn trên Facebook. Trước một thông tin nghi ngờ, chỉ cần nhắn tin vào trang Facebook Việt Điểm Tin sẽ tự động đưa ra kết quả kiểm tra để đối chiếu.

Có lẽ những nỗ lực như thế này đã đem lại kết quả. Nếu trong cuộc bầu cử năm 2020 có 48% người Việt ủng hộ cho Donald Trump, theo khảo sát của Tổ chức nghiên cứu về người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương (APIAVote), thì bốn năm sau gió đã đổi chiều. Cũng theo tổ chức này, vào tháng 9/2024, có đến 77% người Việt ủng hộ cho Kamala Harris, nhưng chỉ 20% ủng hộ cho Donald Trump.

Bất hòa vì Donald Trump

Có lẽ chưa có chính trị gia nào ở Mỹ gây căng thẳng, chia rẽ trong gia đình, bạn bè, các hội đoàn vì ủng hộ, hoặc không ủng hộ, nhiều như từ khi ông Donald Trump làm chính trị.

Bà Yến đã sống ở Mỹ 45 năm tại thủ phủ người Việt ở Mỹ. Bà tham gia ca đoàn trong một cộng đoàn Công giáo người Việt từ khi đến Mỹ và là thành viên chủ chốt. Tuy nhiên, khi biết bà không bầu cho Donald Trump, các thành viên khác trong ca đoàn trở nên xa lánh và cô lập bà. Trong cách nhìn của họ, họ xem bà Yến như một người lầm lạc.

Tôi vẫn thường hay nói chuyện với một linh mục và đang là giáo sư giảng dạy tại một trường đại học nằm trong top đầu ở Mỹ. Vị linh mục này thi thoảng chia sẻ các bài báo của những tờ báo uy tín ở Mỹ, những thông tin bị người ủng hộ Donald Trump nhìn nhận không có lợi cho ông ấy.

chiare3

Hai ứng viên tổng thống Mỹ : bà Kamala Harris từ Đảng Dân chủ và ông Donald Trump từ Đảng Cộng hòa

Vì thế linh mục này bị người thân trong gia đình trách móc, "đi tu biết gì về chính trị mà nói". Để bầu không khí trong gia đình không trở nên căng thẳng, ông đã hạn chế đưa tin tức về bầu cử Mỹ.

Một người bạn khác của tôi thường bày tỏ quan điểm chính trị trên Facebook. Điều này luôn làm cho nhiều người thân trong gia đình khó chịu với anh ấy.

Sự căng thẳng, như anh ấy nói, hiển hiện trong những lần gặp mặt đại gia đình. Trước áp lực, anh ấy đã tuyên bố không viết chính trị Mỹ trên Facebook nữa.

Nhưng chỉ được vài tháng, anh ấy lại lập Facebook lấy tên khác và nhắn tin cho tôi kết bạn và chia sẻ lý do. Bị sức ép của gia đình anh ấy phải ngưng Facebook cũ, lập cái mới để người thân trong gia đình không biết để kiểm chứng các phát ngôn của ông Donald Trump.

Bản thân tôi cũng bị một số đồng hương ngưng cộng tác trong công việc chung khi tôi trở thành người điều phối cho cả nhóm vì việc không ủng hộ ứng viên giống họ trong bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Tìm lý do để bầu cho Donald Trump

"Bầu cho ông Donald Trump đi vì ông Trump sẽ cho du học sinh được ở lại Mỹ". Tôi đã được nhiều người Việt truyền nhau tin này để thuyết phục bầu cho ứng viên Đảng Cộng hòa.

Thông tin trên xuất phát từ thông điệp trên podcast được phát sóng vào chiều ngày 20/6/2024, cùng người dẫn chương trình David Sacks. Ông là một nhà đầu tư Thung lũng Silicon và ủng hộ chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Trump. Tại đó, Donald Trump đã đưa ra những du học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng ở Mỹ nên tự động được cấp thẻ xanh để ở lại Mỹ.

Thông điệp này trái ngược với chính sách lên án nhập cư trong suốt con đường chính trị của Donald Trump. Cựu tổng thống đưa ra điều này mâu thuẫn trực tiếp với chính ông. Khi còn là chủ nhân Nhà Trắng, ông đã chỉ trích thị thực theo diện H-1B được các công ty công nghệ ưa chuộng để thuê lao động có tay nghề nước ngoài. Ông cũng đã lên án và muốn chấm dứt nhập cư diện di cư theo gia đình.

Khi ông Donald Trump đưa ra tuyên bố không đánh thuế trên tiền tip, nhiều người Việt làm nail đẩy lên để củng cố sự ủng hộ cho ông.

Đồng tiền trước mắt khiến họ quên mất điều khác quan trọng hơn, ông Trump đã nhiều lần tìm các hủy bỏ Obamacare (Đạo luật chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng) nhưng không thành công. Nhiều người Việt đang làm nghề nail, hoặc nhân viên các nhà hàng, trong các doanh nghiệp nhỏ đã và đang được thụ hưởng bảo hiểm Obamacare.

Nhưng khi bà Kamala Harris cũng đưa ra thông điệp muốn không đánh thuế lên tiền tip, thì người Việt nói "bắt chước tổng thống Donald Trump mà thôi".

Nhiều người Việt đưa ra lý do, vì ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa là một tỷ phú nên ông sẽ giỏi làm kinh tế hơn.

Điều này trái ngược với các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, rằng nếu những chính sách của Trump được thực hiện, như tăng thuế lên hàng nhập khẩu, sẽ khiến các gia đình ở Mỹ chi tiêu tăng thêm hơn hai ngàn đô là mỗi năm và kéo lạm phát tăng trở lại. Việc giảm thuế cho những người giàu có sẽ làm cho nước Mỹ thêm thâm hụt và mức nợ tăng lên nhanh hơn. Cũng như việc bóp lại các khoản phúc lợi xã hội sẽ khiến người nghèo thêm thiệt hại.

California hay Texas, nơi có các cộng đồng người Việt đông đảo nhất nước Mỹ, không phải là chìa khóa để bà Kamala Harris hay ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ kế tiếp.

Ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử vào ngày 5/11 chủ yếu sẽ được định đoạt ở 7 tiểu bang chiến trường, nơi các ứng viên hai đảng đang tập trung thuyết phục cử tri.

Võ Ngọc Ánh

Nguồn : BBC, 03/10/2024

Tác giả Võ Ngọc Ánh đang sinh sống tại bang Washington, Hoa Kỳ.

Additional Info

  • Author Võ Ngọc Ánh
Published in Quan điểm

tranh-luan-ptt-00-resized

Cuộc tranh luận giữa các ứng viên phó tổng thống JD Vance của Đảng Cộng hòa và Tim Walz của Đảng Dân chủ đã diễn ra trong bầu không khí tương đối kiềm chế, tập trung vào các vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm hàng đầu trước thềm cuộc bầu cử ngày 5/11/2024.

Cuộc tranh luận vào tối 1/10 (sáng 2/10 tại Việt Nam) không giống các cuộc tranh luận tổng thống trước đó giữa ông Joe Biden và ông Donald Trump hồi tháng Sáu và sau đó là giữa bà Kamala Harris và ông Trump vào tháng Chín.

Trong hơn 90 phút tranh luận trực tiếp trên sân khấu của đài CBS News ở New York, hai ứng viên phó tổng thống dành thời gian để công kích ông Trump và bà Harris, người đồng hành của đối phương thay vì nhắm vào nhau.

Ông Walz, người được bà Harris chọn làm phó tướng, đã có một khởi đầu khó khăn nhưng sau đó đã thể hiện tốt khi nói về vấn đề phá thai và cuộc bạo loạn ở Điện Capitol.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận có phần ôn hòa, tập trung vào chính sách, với ít đòn công kích chính trị, có lẽ mang lại lợi thế cho JD Vance - phó tướng của ông Trump và là một diễn giả lão luyện trước công chúng.

Nếu ông Vance được ông Trump chọn vì mang lại chiều sâu tư tưởng cho chủ nghĩa dân túy bảo thủ của ứng viên Đảng Cộng hòa, thì trong cuộc tranh luận hôm 2/10, ông cũng đã thể hiện một bộ mặt lịch sự và khiêm tốn cho điều đó.

“Những người này thường đưa ra rất nhiều tuyên bố rằng nếu Donald Trump trở thành tổng thống, sẽ có nhiều hậu quả khủng khiếp xảy ra,” ông JD Vance phát biểu. “Nhưng thực tế là, Donald Trump đã từng là tổng thống. Khi đó, lạm phát thấp. Lương thực lĩnh cao hơn.”

Có những lúc ứng cử viên Đảng Cộng hòa tỏ ra khó chịu vì những gì ông cho là kiểm chứng thông tin không công bằng từ hai người điều phối của đài CBS, và tại một thời điểm, micro của cả hai ứng cử viên đều bị tắt tạm thời.

Nhưng phần lớn thời gian, các cuộc tranh luận trên sân khấu đều diễn ra một cách ôn hòa.

Và có một vài khoảnh khắc, hai phó tướng đã nhất trí về các vấn đề - và đã nói ra điều đó.

“Có rất nhiều điểm chung ở đây,” ông Walz nói vào cuối buổi tranh luận.

Khi ông Walz nói về việc cậu con trai 17 tuổi của ông từng chứng kiến một vụ xả súng tại một trung tâm cộng đồng, ông Vance tỏ ra thực sự lo lắng.

“Tôi rất tiếc về điều đó và tôi hy vọng cậu ấy ổn,” ông nói. “Lạy Chúa, thật kinh khủng.”

Thân thiện - nhưng có vài xung đột

Những bất đồng gay gắt nhất diễn ra vào cuối cuộc tranh luận, liên quan đến việc ông Trump lặp đi lặp lại tuyên bố sai sự thật rằng ông đã bị đối thủ “đánh cắp” chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020.

Khi được hỏi liệu ông Trump có thua cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất không, ông Vance đã né tránh câu hỏi và chỉ trích điều mà ông gọi là sự kiểm duyệt của bà Kamala Harris.

Đối thủ Tim Walz nhanh chóng chỉ ra rằng đó là một "câu trả lời không thỏa đáng".

"Việc phủ nhận những gì đã xảy ra vào ngày 6/1/2021, lần đầu tiên một tổng thống Mỹ hoặc bất kỳ ai cố gắng đảo ngược một cuộc bầu cử, điều này phải chấm dứt," ông Walz nói. "Điều đó đang làm đất nước chúng ta tan rã."

Ông Walz tiếp tục nói rằng lý do duy nhất khiến Mike Pence, cựu phó tổng thống của ông Trump, không có mặt trên sân khấu lần này là vì ông Pence đã chứng nhận chiến thắng của Tổng thống Joe Biden.

Ông Vance không trả lời câu hỏi đó, nhấn mạnh rằng mặc dù ông có vẻ thân thiện và dễ chịu, nhưng ông sẽ không tách rời khỏi quan điểm của ông Trump.

Hai phong cách khác nhau

Hai phó tướng JD Vance và Tim Walz bước vào cuộc tranh luận này với những kỹ năng khác nhau. Ông Vance đã có kinh nghiệm tranh luận với các phóng viên trên truyền hình trong những cuộc trao đổi căng thẳng. Trong khi đó, ông Walz lại khá thoải mái, sử dụng lối diễn đạt dân dã để tạo sự khác biệt với những chính trị gia bóng bẩy hơn.

Vào đầu cuộc tranh luận, cả hai ứng cử viên đứng sau bục phát biểu trong trường quay ở thành phố New York, ông Vance có vẻ thoải mái hơn nhiều. Câu trả lời của ông trôi chảy và luôn đúng trọng tâm, liên tục nhắc nhở khán giả rằng với tất cả những lời hứa của Phó Tổng thống Kamala Harris, Đảng Dân chủ đã nắm giữ Nhà Trắng trong ba năm rưỡi qua.

"Nếu Kamala Harris có những kế hoạch tuyệt vời như vậy về cách giải quyết các vấn đề của tầng lớp trung lưu, thì bà ấy nên thực hiện ngay bây giờ," ông nói.

Về phần mình, ông Tim Walz có vẻ ngập ngừng và không chắc chắn trong phần mở đầu, khi đề cập đến cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel hôm 1/10 và liệu các ứng cử viên có ủng hộ một cuộc tấn công phủ đầu của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran hay không. Thống đốc bang Minnesota hiếm khi nói về chính sách đối ngoại, và sự khó chịu của ông về vấn đề này được thể hiện rõ ràng.

Ứng viên của Đảng Dân chủ đã dần ổn định hơn khi cuộc tranh luận tiếp diễn, và trong các cuộc trao đổi với ông Vance về chủ đề nhập cư - một lĩnh vực là thế mạnh của Đảng Cộng hòa - cả hai đều đưa ra những thông điệp sắc nét.

Ông Vance đã bác bỏ những cáo buộc rằng ông đã khuếch đại những tuyên bố sai sự thật về việc người nhập cư Haiti ăn trộm và ăn thịt thú cưng ở bang Ohio.

"Những người mà tôi lo lắng nhất ở Springfield, Ohio là những công dân Mỹ có cuộc sống đã bị các chính sách biên giới của Kamala Harris hủy hoại," ông nói.

Ông JD Vance cho biết tình trạng nhập cư không có giấy tờ gây ra gánh nặng cho các nguồn lực của thành phố, đẩy giá cả lên cao và đẩy tiền lương xuống thấp.

Trong khi đó, ông Tim Walz chỉ ra sự phản đối của ông Trump đối với luật nhập cư lưỡng đảng được đề xuất vào đầu năm nay.

“Tôi tin rằng Thượng nghị sĩ Vance muốn giải quyết vấn đề này, nhưng khi đứng về phía Donald Trump và không cùng nhau tìm ra giải pháp, vấn đề này sẽ trở thành chủ đề bàn tán, và khi trở thành chủ đề bàn tán như thế này, chúng ta sẽ biến những người khác thành kẻ xấu và mất nhân tính.”

tranh-luan-ptt-01-resized

Hai ứng viên phó tổng thống có phong cách trái ngược nhau. Getty Images/ BBC

Khi chủ đề chuyển sang quyền phá thai – một lĩnh vực mà theo các cuộc thăm dò là thế mạnh của Đảng Dân chủ – thì ông Vance là người phải phòng thủ, thừa nhận rằng Đảng Cộng hòa phải làm nhiều hơn nữa để giành được lòng tin của cử tri Mỹ.

 

"Tôi muốn chúng ta, với tư cách là một Đảng Cộng hòa, trở thành đảng ủng hộ gia đình theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này,” ông nói. "Tôi muốn chúng ta tạo điều kiện giúp các bà mẹ đủ khả năng sinh con dễ dàng hơn. Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm trong lĩnh vực chính sách công chỉ để mang đến cho phụ nữ nhiều lựa chọn hơn."

Ông Walz phản bác bằng cách nói rằng quan điểm của Đảng Dân chủ về quyền phá thai rất đơn giản : "Chúng tôi ủng hộ phụ nữ. Chúng tôi ủng hộ quyền tự do đưa ra lựa chọn của riêng bạn."

Nếu ông Walz có phần nhấn mạnh hơn về vấn đề phá thai, ông đã không đẩy mạnh công kích khi chủ đề chuyển sang kiểm soát súng.

Sau khi ông Vance nói rằng điều quan trọng là phải tăng cường an ninh trong trường học, làm cho cửa ra vào và cửa sổ "chắc chắn hơn", ông Walz đã nói về việc kiểm tra lý lịch thay vì ủng hộ các yêu cầu của Đảng Dân chủ về việc cấm vũ khí tấn công và các hạn chế khác đối với súng.

Trong tư cách là một nghị sĩ, ông Walz đã thường xuyên bỏ phiếu ủng hộ quyền sở hữu súng và phản đối nhiều biện pháp kiểm soát súng, giành được lời khen ngợi của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA).

Trong cuộc tranh luận, ông Walz cho biết quan điểm của ông về kiểm soát súng đã thay đổi sau vụ xả súng tại trường học Sandy Hook năm 2012, nhưng một số đảng viên Dân chủ có thể thất vọng vì ông không gây sức ép nhiều hơn với ông Vance.

Tranh luận phó tổng thống có ảnh hưởng đến cuộc đua tổng thống không?

Lịch sử chính trị Mỹ cho thấy các cuộc tranh luận phó tổng thống không thực sự quan trọng.

Năm 1988, ứng viên Đảng Dân chủ Lloyd Bentsen đã đánh bại ứng viên Đảng Cộng hòa Dan Quayle. Vài tháng sau, ông Quayle tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống sau khi đảng của ông giành chiến thắng áp đảo.

Có thể cuộc tranh luận này cũng không có ý nghĩa nhiều đối với kết quả của cuộc bầu cử tháng 11. Tuy nhiên, trừ khi có một cuộc tranh luận bất ngờ vào phút chót, thì đây sẽ là lần cuối cùng mà cả hai đảng có cơ hội tranh luận trước ngày bầu cử.

Ông Walz không làm tổn hại đến số phiếu của Đảng Dân chủ và thể hiện một số sức hấp dẫn miền Trung Tây vốn đã khiến ông trở thành lựa chọn của bà Harris.

Nhưng màn trình diễn mạnh mẽ của ông JD Vance có khả năng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Đảng Cộng hòa trong những ngày tới.

Và tác động lâu dài của cuộc tranh luận có thể là thuyết phục các thành viên trong Đảng Cộng hòa rằng thượng nghị sĩ mới 40 tuổi của bang Ohio có một tương lai trong đảng chính trị bảo thủ quốc gia, với khả năng truyền đạt rõ ràng các ưu tiên tư tưởng của họ trên các sân khấu lớn nhất.

Anthony Zurcher, BBC, 02/10/2024

Additional Info

  • Author Anthony Zurcher, BBC
Published in Quốc tế

Thượng nghị sĩ Dân chủ Catherine Cortez Masto được bầu lại ở bang Nevada, theo kết quả được truyền thông Mỹ công bố ngày 12/11/2022. Với đa số ở Thượng Viện, chính quyền Joe Biden sẽ bớt chật vật hơn trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Thượng Viện có thể chặn những dự thảo luật được thông qua ở Hạ Viện, dự kiến sẽ do đảng Cộng hòa chiếm đa số. 

baucumy1

Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ Catherine Cortez Masto trong tối bầu cử 08/11/2022, tại Las Vegas, bang Nevada, Mỹ. AP - Gregory Bull

Tổng thống Joe Biden cũng có thể bổ nhiệm nhiệm và xác nhận các thẩm phán mà không bị cản trở như dưới thời tổng thống Barack Obama khi Thượng Viện nằm trong tay đảng Cộng hòa. 

Thông tín RFI Loubna Anaki tại New York cho biết thêm thông tin : 

"Đây là một chiến thắng sát sao. Bà Catherine Cortez Masto chỉ hơn đối thủ Cộng hòa Adam Laxalt chưa đầy 5.000 phiếu. Nhưng những lá phiếu này giúp cho đảng Dân chủ có thêm được một ghế ở Thượng Viện. Kết quả hiện giờ, 50 ghế thuộc về đảng Dân chủ, 49 ghế cho đảng Cộng hòa. Có nghĩa là trong mọi trường hợp, đảng Dân chủ vẫn giữ đa số ở Thượng Viện, dù cuộc bầu cử vòng hai ở bang Georgia chỉ được ngã ngũ vào tháng 12.

Rõ ràng đây là một tin vui cho đảng Dân chủ và cũng là cú tát cho đảng Cộng hòa của ông Donald Trump : rất nhiều ứng viên đã thua trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Điểm này cũng được thượng nghị sĩ Chuck Schumer, tiếp tục đứng đầu phe đa số ở Thượng Viện, nói vào tối hôm qua (12/11). Ông cho rằng kết quả là bằng chứng cho thấy "người dân Mỹ bác bỏ những lập trường cực đoan của những người ủng hộ ông Trump trong đảng Cộng hòa".

Đây cũng là nhận định của tổng thống Joe Biden và ông hoan nghênh kết quả tại bang Nevada. Nguyên thủ Mỹ biết rằng với đa số ở Thượng Viện, chính quyền của ông sẽ ở thế thoải mái hơn dự kiến suốt hai năm sắp tới". 

Trump tìm mọi cách để không ra điều trần về vụ 06/01 

Theo nguyên tắc, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump có thời hạn đến ngày 14/11 để hợp tác với Ủy ban Điều tra vụ chiếm đồi Capitol ngày 06/01/2020. Tuy nhiên, hôm 11/11, luật sư của ông đã khởi động thủ tục pháp lý để phản đối trát đòi thân chủ của họ ra làm chứng. Ngoài đặt nghi vấn về tính chính đáng của Ủy ban Điều tra, luật sư còn cho rằng ông Trump được hưởng đặc quyền hành pháp và sự phân lập quyền lực cấm Quốc Hội bắt một tổng thống ra làm chứng. 

Theo thông tín viên RFI tại New York, hàng loạt lập luật được đội luật sư của cựu tổng thống Mỹ đưa ra cho thấy thủ tục sẽ còn kéo dài. Và đây là mục đích của ông Donald Trump, do Ủy ban Điều tra sẽ không bị giải thể do đảng Cộng hòa tạo nên được "làn sóng đỏ".

Thu Hằng

Additional Info

  • Author Thu Hằng
Published in Quốc tế

Năm 2020 đã đi qua. Đây là một năm có nhiều sự kiện lớn. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên xin lựa chọn những sự kiện có tính bước ngoặt, trên tiêu chí chung là những việc xảy ra sẽ ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu về sau, trên mọi lĩnh vực.

1. Đại dịch Covid- 19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố vào ngày 11/3/2020 là virus corona đã gây ra “Đại dịch toàn cầu”, 4 tháng sau khi các ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán – Trung Quốc. Virus này còn được biết đến với tên gọi là Covid-19 hay Sars-Cov-2. Tới thời điểm này, trên thế giới đã có khoảng 84 triệu người bị nhiễm và 1,8 triệu người tử vong, virus đã xuất hiện ở 213 nước.

Đại dịch phơi bày vô số vấn đề trên khắp thế giới, từ thể chế tới văn hóa của mỗi quốc gia. Đại dịch bắt buộc thế giới phải định hình lại các lĩnh vực trọng yếu cũng như tiêu chuẩn sống và công ăn việc làm. Một thể chế dân chủ giàu mạnh như Mỹ lại có số ca nhiễm cao nhất khiến chúng ta phải suy tư về mô hình chính trị của Mỹ. Việc bảo vệ, cân bằng giữa các giá trị dân chủ, nhân quyền, văn hóa và kinh tế đối với sức khỏe của người dân sẽ là một ưu tư lớn của các nước dân chủ.

Covid-19 tàn phá các nền kinh tế, đặt lại suy tư về năng lực của hệ thống y tế công cũng như cơ hội và sự bình đẳng về sự rủi ro. Đại dịch cũng cho thấy sự mong manh của con người trước thiên nhiên. Sự liên đới giữa các quốc gia trong đại dịch cho thấy trái đất đang nhỏ lại và các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào nhau.

Thế giới sẽ thay đổi sâu sắc sau đại dịch này. Con người ngày càng phải “xa nhau” hơn, ít nhất là trong vòng 3-4 năm tới. Sự kết nối, thông cảm và chia sẻ giữa con người với con người ngày càng quan trọng và cần thiết để chúng ta cảm thấy bớt cô đơn hơn.

2020-1

Đại dịch Covid-19 làm cho 1,8 triệu người thiệt mạng. Đây là nỗi đau lớn nhất trong thời bình.

2. Biển Đông

Biển Đông là tên gọi mà Việt Nam đặt riêng cho vùng biển có tên gọi quốc tế là biển Nam Trung Hoa. Đây là vùng biển có diện tích khoảng 3.5 triệu km2, mở toàn bộ lãnh thổ Việt Nam ra với Thái Bình Dương và có giá trị quyết định tới sự sinh tồn của đất nước Việt Nam.

40% hàng hóa của thế giới và 80% của Châu Á đi qua Biển Đông vì vậy sự xung đột tại khu vực này là điều khó tránh khỏi khi Trung Quốc muốn chiếm lấy làm của riêng. Câu hỏi đặt ra là xung đột quân sự sẽ đến mức độ nào? Việt Nam, nước có nhiều quyền lợi nhất trên Biển Đông, dưới chính quyền cộng sản, luôn rụt rè khi nhắc về Trung Quốc và chỉ mới dám gọi thẳng tên hay “phản đối” Trung Quốc tập trận gần đây. Trước kia, phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ gọi Trung Quốc là “Nước lạ” và tàu nước này là “Tàu lạ” khi phát hiện họ xâm phạm lãnh hải.

Năm 2020 chứng kiến đây là điểm nóng của thế giới. Đã có khoảng 100 cuộc tập trận tại vùng biển này, với sự tham gia của các cường quốc như Pháp, Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, Anh…Dĩ nhiên là có cả Trung Quốc với “đường lưỡi bò” tự xưng, tương đương gần 90% vùng biển này. Thực tế Trung Quốc chỉ hiện diện tại đây sau khi đánh chiếm một số đảo của Việt Nam năm 1988 với sự “đồng lõa” của chính quyền cộng sản Việt Nam. Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) vào tháng 7/2016 đã phủ nhận toàn bộ đòi hỏi vô lý này của Trung Quốc.

Biển Đông là lối mở duy nhất về đường biển của Trung Quốc ra với thế giới. Không chiếm được Biển Đông thì Trung Quốc chỉ là một quốc gia lục địa và không thể đạt được giấc mộng bá quyền thế giới. Vì thế, yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc sẽ biến vùng biển này thành mối bận tâm toàn cầu.

2020-11

Năm 2020 đã có gần 100 cuộc tập trận lớn nhỏ ở Biển Đông. Đây là điểm nóng của thế giới trong hiện tại lẫn tương lai.

3. Các chế độ dân túy suy thoái

Một vòng quanh các chế độ dân túy nổi cộm trên thế giới: Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ) đã mất dần ảnh hưởng khi đảng AKP của ông mất quyền kiểm soát ở thủ đô Ankara và thành phố lớn nhất là Istanbul sau cuộc bầu cử thị trưởng năm 2019. Quyền lực sau 17 năm cầm quyền của Erdogan có thể đang tới hồi kết. Istanbul còn là căn cứ chính trị nhiều năm của Erdogan và chính ông từng nói “ai thắng ở Istanbul, người đó sẽ thắng ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Cuộc thăm dò dư luận về sự tín nhiệm của dân chúng với tổng thống Putin đang giảm thấp nhất trong 6 năm trở lại đây và điện Kremlin phải nhờ các chuyên gia xã hội học tìm hiểu tại sao. Tại Belarus, tổng thống Lukashenko dù được Putin hậu thuẫn nhưng ngày càng bị chống đối từ phía người dân. EU đã đưa ông vào danh sách đen vì đàn áp đối lập. Nhìn sang Brazil, Bolsorano, người từng đi biểu tình phản đối các biện pháp nghiêm ngặt phòng Covid -19 gần như mất hẳn sự ủng hộ của dân chúng. Nhưng thất bại lớn nhất của các chế độ dân túy chính là là việc thất cử của Donald Trump.

Một cách tự nhiên, làn sóng dân chủ lần thứ 4 sẽ vỗ bờ trở lại sau khi trào dâng 10 năm trước với Mùa xuân Ả Rập. Thế giới sẽ phải có bộ luật ứng xử trên mạng xã hội khi nó trở thành công cụ mà các lãnh tụ dân túy lợi dụng để gây chia rẽ, khuyến khích chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Chúng ta đã chứng kiến Trump chống lại tự do báo chí dữ dội như thế nào từ khi nhậm chức năm 2017.

2020-2

Putin đang ngày càng bị mất tín nhiệm tại Nga và đó cũng là lý do khiến Duma Nga ra luật không truy tố các cựu tổng thống…

4. Mỹ mất ảnh hưởng tại Trung Đông

Mỹ đã đột ngột rút quân khỏi Syria và cũng kéo quân khỏi Iraq đầu năm nay bỏ mặc đồng minh, các điểm nóng và cả các giếng dầu. Tổ chức kháng chiến của người Kurd và chính quyền Kabul không khác gì thân phận Việt Nam Cộng Hòa năm 1973. Mỹ dưới thời Trump cũng đã tiến hành ám sát thiếu tướng Soleimani tại sân bay Baghdad – Iraq. Mỹ cũng đã hậu thuẫn quá mức Israel và biến nơi đây thành “lò lửa” của Trung Đông sau khi nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chọn ngày 14-5-2018 (ngày kỷ niệm 70 năm tuyên bố thành lập của Israel với cuộc thảm sát Nakba diễn ra hôm sau) để dời Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem.

Điều gì sẽ xảy ra tại Trung Đông, trung tâm dầu mỏ thế giới, trọng tâm trong đối ngoại của Mỹ? Chắc chắn sẽ là một vòng xoáy phức tạp và Mỹ không còn chi phối được nữa. Thời kỳ dầu mỏ không thể chấm dứt vài ngày hay vài năm. Vấn đề lớn hơn nằm ở việc cường quốc nào sẽ thay thế Mỹ tại đây. Nga và Trung Quốc là hai ứng viên tiềm năng nhất nhưng cũng là hai chế độ chuyên chế lớn nhất thế giới đang thay thế Mỹ ở khu vực này. Sự xung đột thường trực trong lòng Trung Đông sẽ kéo theo làn sóng di dân và tị nạn. Đây là một bài toán khó giải cho các quốc gia EU khi sự xung đột giữa văn hóa phương Tây và Hồi giáo vẫn chưa được giải quyết triệt để.

2020-3

4 năm dưới nhiệm kỳ của Donald Trump, Mỹ đã “bỏ chạy” khắp nơi trên thế giới…

5. Cuộc bầu cử Mỹ 2020

Lẽ thường thì đây chỉ là một sự kiện định kỳ của Mỹ. Nhưng Donald Trump đã biến nó thành một sân khấu ồn ào nhất thế giới. Những dấu ấn vô tiền khoáng hậu được xác lập như số cử tri đi bỏ phiếu (65%) cao nhất trong lịch sử, không có quá trình chuyển giao quyền lực, Trump không thừa nhận thất bại dù kết quả bầu cử đã rõ ràng…

Điều đáng suy tư là cách hành xử thiếu tử tế và lương thiện của Trump khi ông ta không tôn trọng luật chơi dân chủ. Trump là hậu quả quá trình suy thoái của nước Mỹ sau nhiều năm tập trung làm giàu mà bỏ quên liên đới xã hội. Mỹ là một hợp chúng quốc, gồm nhiều tiểu bang và nhiều sắc dân khác nhau. Văn hóa bản địa không phải là nền tảng để chấn hưng và nối kết con người mà chính giá trị tinh thần vĩ đại như tự do, cao thượng được dẫn dắt bởi giới tinh hoa đã tạo thành sợi dây gắn kết. Nay thì thời thế đã khác, giáo dục không được thành phần người Mỹ da trắng ở ngoài thành thị coi trọng. Dân trí tương ứng thấp theo. Thời của mạng xã hội tạo ra một sợi dây kết nối nhưng vị kỉ thay vì vị tha, cảm xúc thay cho sự thật. Donald Trump đã thành công từ những điều đó và rồi biến chính trường thành một rạp xiếc. Sự uy nghiêm và đứng đắn của chính trị bị thay bằng các trò hề rẻ tiền. Chế độ tổng thống có còn phù hợp cho nước Mỹ?

Hậu quả lớn nhất và nghiêm trọng nhất mà Trump để lại cho nước Mỹ đó là làm chia rẽ dân tộc. Nước Mỹ mất đoàn kết trầm trọng và đứng trước tình thế lưỡng nan: Làm thế nào để chống phân biệt chủng tộc, hàn gắn quốc gia và khôi phục vị thế số một. Đây là một gánh nặng cho Biden và những người kế nhiệm ông. Mỹ sẽ mất dần vị thế siêu cường số một thế giới.

daochinh-2

Trump đã biến cuộc bầu cử 2020 thành một trò hề…

6. Các cuộc biểu tình tại Thái Lan

Một sự kiện quan trọng trong khu vực Đông Nam Á là các cuộc biểu tình của tuổi trẻ Thái Lan phản đối hoàng gia Thái và chính quyền quân đội. Cho đến bây giờ đất nước Thái Lan vẫn do các tập đoàn tướng lãnh thay nhau cầm quyền. Đây là các chế độ dân chủ về hình thức nhưng độc tài quân phiệt trong nội dung.

Các cuộc đảo chính diễn ra liên miên nhưng vẫn dựa trên ba cột trụ chính: tính chính đáng của nhà vua, liên minh quyền và tiền giữa các tập đoàn quân phiệt-tài phiệt và sự thụ động của Phật giáo Tiểu thừa. Giờ đây sự chính đáng của đức vua và hoàng gia đã không còn như trước, ảnh hưởng của Phật giáo Tiểu thừa cùng đã giảm đi đáng kể. Trong ba trụ cột đó đã mất đi hai chỉ còn lại sự cai trị của một liên minh giữa tập đoàn quân sự và giới tài phiệt người Thái gốc Trung Quốc. Thái Lan sẽ thay đổi trong những ngày sắp tới và điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam.

thai01

Thái Lan đang thay đổi và sẽ thay đổi…

Quốc Bảo

(4/1/2021)

Additional Info

  • Author Quốc Bảo
Published in Quan điểm

Ngày 06/01/2021, hai viện Quốc hội Hoa Kỳ sẽ họp phiên toàn thể để kiểm phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 03/11/2020, theo đó ứng cử viên Joe Biden thuộc đảng Dân chủ đã chiến thắng với 306 phiếu, còn ứng cử viên đảng Cộng hòa, tổng thống đương nhiệm Donald Trump bị thua với 232 phiếu.

quochoi1

Trụ sở Quốc hội Mỹ (Capitol), Washington DC. Ảnh 28/12/2020.  Reuters – Leah Millis

Cuộc kiểm phiếu này của Quốc hội là bước cuối cùng để tái xác nhận chiến thắng của ông Biden, sau khi đại cử tri đoàn, ngày 14/12/2020 đã chính thức bầu ông Joe Biden làm tổng thống Hoa Kỳ.

Lẽ ra, cuộc kiểm phiếu của Quốc hội Mỹ chỉ là một sự kiện bình thường, mang tính chất thủ tục và ít được chú ý. Thế nhưng, do việc ông Trump dứt khoát không chấp nhận thất bại và liên tục có những nỗ lực nhằm đảo ngược kết quả cuộc bỏ phiếu, sự kiện này đã rất được quan tâm, nhất là khi tổng thống Mỹ không che giấu ý định ngăn không cho Quốc hội xác nhận chiến thắng của đối thủ Biden.

Sau hàng loạt thất bại trong việc kiện đối phương gian lận trước tòa nhưng không đưa ra được bằng chứng, cũng như không ép buộc được các bang chiến địa thay đổi kết quả theo hướng có lợi cho mình, tổng thống mãn nhiệm Mỹ đã lại tìm cách vận động các nghị sĩ trong đảng Cộng hòa tại Quốc hội bác bỏ giá trị các phiếu đại cử tri ở một số bang đã bầu cho ông Joe Biden nhân phiên kiểm phiếu ngày 06/01/2021.

Theo hãng tin Mỹ AP, ngày 21/12 vừa qua, khoảng hơn một chục dân biểu đảng Cộng hòa, theo đề xuất của ông Mo Brooks, dân biểu đảng Cộng hòa bang Alabama, đã đến Nhà Trắng để bàn bạc về cách ngăn không cho Quốc hội xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống.

Ý tưởng chính của kế hoạch này là các nghị sĩ Cộng hòa sẽ đặt vấn đề về các phiếu đại cử tri tại một số bang mà ông Biden thắng cử để buộc hai viện Quốc hội xem xét từng trường hợp phản đối, với mục tiêu là vô hiệu hóa các phiếu đó, mở đường cho ông Trump chiến thắng.

Trong một bài phân tích ngày 16/12, hãng AP đã giải thích rõ thủ tục kiểm phiếu đại cử tri tại Quốc hội để đi đến kết luận rằng một lần nữa tổng thống Trump và những người thân cận với ông trong đảng Cộng hòa sẽ khó có thể đảo ngược được tình thế.

Quy trình kiểm phiếu tại Quốc hội lưỡng viện

Theo AP, công việc kiểm và đếm phiếu đại cử tri do Quốc hội thực hiện là giai đoạn tối hậu của tiến trình xác định người sẽ lên làm tổng thống Mỹ, mà bước kế tiếp chỉ là lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống. Đây là một sự kiện đi theo một kịch bản cụ thể.

Vào ngày đó, cuộc họp chung của Thượng Viện và Hạ Viện sẽ mở ra dưới quyền chủ tọa của phó tổng thống Mike Pence trong tư cách là chủ tịch Thượng Viện. Nếu vì một lý do nào đó mà phó tổng thống vắng mặt, người thay thế sẽ là thượng nghị sĩ thâm niên nhất của phe đa số tại Thượng Viện, cụ thể lần này là ông Chuck Grassley, 87 tuổi, thuộc đảng Cộng hòa ở bang Iowa

Theo chương trình, phiên họp kiểm phiếu sẽ khai mạc vào lúc 13 giờ, giờ Washington D.C. Chủ tọa phiên hợp sẽ mở các giấy xác nhận kết quả đã được niêm phong từ các bang gởi lên. Đại diện được chỉ định trước từ cả hai đảng trong cả hai viện sẽ đọc to các kết quả bầu của đại cử tri từ mỗi bang – theo thứ tự chữ cái (alphabet) và chính thức "đếm" số phiếu.

Ứng cử viên có số phiếu đại cử tri cao lớn nhất sẽ trở thành tổng thống Mỹ và chủ tịch Thượng Viện sẽ tuyên bố người chiến thắng.

Một kịch bản trái với thông lệ cũng đã được dự trù : Trong trường hợp hai ứng cử viên có cùng một số phiếu, thì Hạ Viện được giao quyền bỏ phiếu bầu tổng thống, nhưng theo nguyên tắc mỗi đoàn dân biểu đại diện cho từng bang được một phiếu bầu, chứ không phải là mỗi dân biểu một phiếu như thường lệ.

Theo AP, đây là điều chưa từng xảy ra kể từ những năm 1800 và năm nay cũng sẽ như vây vì theo kết quả bầu phiếu của đại cử tri đoàn, Joe Biden đã có chiến thắng quyết định với 306 phiếu so với 232 phiếu của Donald Trump.

Khi có khiếu nại

Điều gì sẽ xẩy ra nếu có dân biểu hay thượng nghị sĩ đứng ra phản đối kết quả bầu phiếu của các đại cử tri, một kịch bản mà tổng thống Trump và những nghị sĩ ủng hộ ông từng khẳng định sẽ thúc đẩy vào ngày 06/01 tới đây.

Theo AP, sau khi kết quả bầu phiếu đại cử tri tại một bang nào đó được đọc lên, bất kỳ thành viên nào cũng có thể đứng lên và phản đối kết quả tại bang đó với bất kỳ lý do nào. Tuy nhiên, để được xem xét, lời khiếu nại phải được ghi lại thành văn bản và có chữ ký của ít nhất một dân biểu và một thượng nghị sĩ.

Trong trường hợp có khiếu nại hợp lệ, phiên họp chung sẽ tạm ngừng để Hạ Viện và Thượng Viện họp riêng để xem xét, trong thời hạn tối đa là 2 tiếng đồng hồ. Để được chấp nhận, một khiếu nại phải được cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện đồng ý trong một cuộc bỏ phiếu với đa số đơn giản. Nếu khiếu nại bị bác bỏ, các phiếu đại cử tri ban đầu được duy trì.

Theo AP, lần sau cùng có khiếu nại hợp lệ là vào năm 2005, khi nữ dân biểu Stephanie Tubbs Jones bang Ohio và nữ thượng nghị sĩ Barbara Boxer bang California, cả hai đều thuộc đảng Dân chủ, phản đối phiếu đại cử tri của bang Ohio với lý do có những điều bất thường không hợp lệ trong cuộc bỏ phiếu. Cả hai viện Quốc hội Mỹ khi ấy đã tranh luận và bác bỏ lời khiếu nại.

Đây là một sự cố rất hiếm, chỉ mới có hai lần trong lịch sử Mỹ. Nhưng năm nay, xác suất xẩy ra rất cao với quyết tâm phản đối qua tuyên bố của các nghi sĩ "chí cốt" với tổng thống Trump, đi đầu là dân biểu Mo Brooks của bang Alabama.Ông đã cho hãng AP biết ý định khiếu nại số phiếu đại cử tri tại các bang Michigan, Wisconsin, Pennsylvania, Georgia và Nevada đều đã lọt vào tay ông Biden.

Điều đáng nói là ở Thượng Viện, một số thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa cũng để ngỏ khả năng ủng hộ nỗ lực của các đồng nghiệp tại Hạ Viện, như thượng nghị sĩ Tommy Tuberville vừa được bầu tại bang Alabama nhờ hậu thuẫn của ông Trump.

Nỗ lực vô ích

Câu hỏi sau cùng là liệu tổng thống Trump và giới nghị sĩ thân cận có sẽ thành công trong việc biến ngày kiểm phiếu tại Quốc hội Mỹ thành ngày "chiến thắng" hay không. Trên vấn đề này, hầu hết các quan sát viên đều trả lời "không". Thậm chí hãng tin Mỹ AP còn gọi đó là một "nỗ lực vô bổ tối hậu".

Trước hết, cho đến lúc này, nếu một số dân biểu đảng Cộng hòa ở Hạ Viện rất hăng hái trong ý định phản đối, thì tại Thượng Viện, vấn đề chưa rõ ràng. Lãnh đạo phe đa số thuộc Đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ Mitch McConnell cùng những phó tướng của ông đã yêu cầu các thượng nghị sĩ trong đảng không ký tên vào bất kỳ lời phản đối nào đến từ Hạ Viện, để khỏi bị "khó ăn khó nói" với ông Trump khi phải bỏ phiếu chống lại các khiếu nại.

Ngoài ra, kể cả khi được hậu thuẫn của một thượng nghị sĩ, những khiếu nại sẽ bị bác bỏ khi hai viện Quốc hội bỏ phiếu về các đề nghị này.

Tại Hạ Viện, nơi mà đảng Dân chủ vẫn nắm đa số, những lời phản đối chắc chắn sẽ không được thông qua. Còn ở Thượng Viện, nơi đảng Cộng hòa chỉ nắm được được đa số sít sao, khả năng khiếu nại được thông qua cũng rất ít, trong bối cảnh nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa đã công nhận chiến thắng của ông Joe Biden.

Mai Vân

Additional Info

  • Author Mai Vân
Published in Quốc tế

Bầu cử Mỹ : Khủng hoảng pháp lý sắp chấm dứt, nhưng khủng hoảng chính trị thì chưa

Những hy vọng cuối cùng của Donald Trump lật ngược một cách hợp pháp kết quả bầu cử tổng thống đã biến thành mây khói. Việc Tối Cao Pháp Viện bác đơn kiện của Texas đã đặt dấu chấm hết cho cuộc tấn công pháp lý đáng kinh ngạc của tổng thống mãn nhiễm kéo dài 40 ngày.

hoagiai0

Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tập trung bên ngoài Tối Cao Pháp Viện, Washington, Hoa Kỳ, ngày 08/12/2020. Reuters – Erin Scott

Báo thiên hữu Le Figaro nhận định việc Donald Trump từ chối thừa nhận kết quả bầu cử trong suốt "5 tuần điên rồ" là một thử thách cho sự vững chắc của các định chế của Hoa Kỳ.

Cho dù về pháp lý, cuộc khủng hoảng này dự kiến ​​s chm dt vi cuc b phiếu ca c tri đoàn, din ra vào hôm nay. Nhưng theo Le Figaro, v mt chính tr, cuc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc. 17 bang, cùng với 126 dân biểu Cộng hòa, kể cả người đứng đầu nhóm thiểu số Hạ Viện Kevin McCarthy, đã ủng hộ yêu cầu của Texas. Donald Trump, người tiếp tục nắm quyền đến ngày 20/01/2021, vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ trong đảng Cộng hòa và từ cử tri. Một dấu hiệu khác cho thấy nước Mỹ đang bị chia rẽ : 3/4 cử tri phe Cộng hòa vẫn coi là cuộc bầu cử tổng thống vừa qua có gian lận.

Một cuộc khủng hoảng có thể dự báo trước

Đối với Le Figaro, cho dù là khó tin, nhưng cuộc khủng hoảng hậu bầu cử lần này thực ra đã được dự báo. Kể từ khi Donald Trump bắt đầu sự nghiệp chính trị, tất cả những ai không nhìn nhận nghiêm túc về ông đều đã phải trả giá đắt. Vả lại, kịch bản hậu 03/11 cũng đã được chính tổng thống Donald Trump thông báo cách nay vài tháng : khẳng định phe Dân chủ chỉ thắng nếu có gian lận, phản đối phương thức bỏ phiếu qua đường bưu điện, dọa kiện lên Tòa Tối Cao, từ chối từ bỏ quyền lực ôn hòa nếu thất cử. 

Trong khi phe Dân chủ tố cáo một cuộc đảo chính dựa trên luật pháp do Trump cố gắng thực hiện, ở phe Cộng hòa, nhiều người vẫn coi đảng Dân chủ đã đánh cắp chiến thắng của họ. Nhưng trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng có nhiều luồng ý kiến trái ngược về tổng thống Trump, về kết quả bầu cử, sự chia rẽ giữa truyền thông và Trump cũng ngày càng lớn. Tất cả đều bị thuyết phục là đang đối mặt với một kẻ thù đe dọa nền dân chủ Hoa Kỳ. Tường thuật cặn kẽ những chuyện xoay quanh Trump với kết quả bầu cử, báo thiên hữu Le Figaro kết luận, mặc dù tổng thống Donald Trump không thể lật ngược kết quả cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho mình, nhưng ông đã thành công trong việc biến cuộc đấu pháp lý của mình thành một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Hậu quả của 40 ngày sau bầu cử vừa qua vẫn chưa thể dự đoán được hết.

Joe Biden liệu có hòa giải được người Mỹ ?

Cũng nhìn về nước Mỹ, La Croix chạy tựa trang nhất "Hòa giải người Mỹ với nhau" trên nền bức ảnh chụp tổng thống tân cử Joe Biden. La Croix quan tâm đến việc vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ liệu có xoa dịu được những căng thẳng giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa, liệu có trở thành người đứng giữa để tập hợp người dân Mỹ ở hai phe lại với nhau không, trong bối cảnh kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đã đào sâu thêm hố ngăn cách giữa hai phần của nước Mỹ.

Người Mỹ đang tự hỏi 4 năm tới sẽ mang lại cho họ những điều gì ? Những người lạc quan đặt cược vào sự gắn kết xã hội mới và ý thức về lợi ích chung. Nhưng nhiều người lại lo sợ là sự chia rẽ sẽ biến thành một kiểu chiến tranh du kích chính trị thường trực.

Một bước tiến lớn của Liên Âu

Về thời sự Châu Âu, phát hành sớm từ chiều thứ Bảy 12/12, Le Monde quan tâm đến vụ Hungary và Ba Lan ngăn chặn kế hoạch tái thiết lịch sử của Liên Âu vào thời điểm châu lục đang chìm vào một cuộc khủng hoảng y tế lớn với những hậu quả kinh tế khôn lường.

Trong bài xã luận, Le Monde khen ngợi "Một bước tiến lớn của Liên Âu". Lý trí và trách nhiệm đã chiếm ưu thế tại hội nghị thượng đỉnh quy tụ 27 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của các nước thành viên Liên Âu tại Bruxelles trong hai ngày 10 và 11/12. Ba Lan và Hungary đã ngưng dùng quyền phủ quyết sau khi đồng ý với một đề xuất của Đức, nước giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu cho đến cuối năm 2020.

Nhờ vậy, kế hoạch tái thiết kinh tế, gắn với ngân sách nhiều năm, có thể được đưa ra từ năm 2021, với tổng số tiền lớn chưa từng có. Đây là một bước tiến vô cùng lớn đối với Châu Âu, cả về quy mô và bản chất, vì lần đầu tiên kế hoạch tái thiết kinh tế tạo ra một khoản nợ chung cho Liên Âu. Các nước thành viên sẽ phải đoàn kết hơn, hội nhập tốt hơn. Việc xây dựng Châu Âu như vậy đã có một bước nhảy vọt đáng kể về chất.

Không chỉ có vậy, trước thềm kỷ niệm 5 năm hiệp định khí hậu Paris, Liên Âu cũng đã cam kết giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức 40% được ấn định trước đây, để đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050. Nhóm 27 nước cũng đã vượt qua sự chia rẽ để đưa ra quyết định trừng phạt "các hành động bất hợp pháp và gây hấn" của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải. Một lần nữa các nước lại đạt thỏa hiệp, bởi quyết định trừng phạt Ankara dù chỉ ở dưới mức Paris mong muốn, nhưng đã vượt qua được sự phản đối ban đầu của một số nước thành viên, trong đó có cả Đức.

Le Monde nhận định không có quyết định nào trong số các quyết định nói trên được đưa ra dễ dàng. Không có thỏa hiệp nào hoàn toàn thỏa mãn hoặc thể hiện đủ tham vọng của các thành viên. Nhưng đây là cách mà Châu Âu của 27 nước tiến lên, thông qua tranh luận, thương lượng và thỏa hiệp. Và nếu các nhà lãnh đạo Châu Âu thành công trong việc đưa Liên Hiệp tiến bước trong năm đặc biệt này, đó là bởi vì họ đã nhận ra sự cần thiết tuyệt đối của Liên Âu.

Chính sự cần thiết này đã khiến Warsawa và Budapest phải nhượng bộ, khi đối mặt với khả năng bị 25 nước đối tác gạt ra ngoài kế hoạch tái thiết. Cơ chế gắn kết việc phân bổ các quỹ của Châu Âu với việc tôn trọng Nhà nước pháp quyền của các thành viên đã thực sự được thiết lập. Cho dù không hoàn hảo, nhưng cơ chế này là không thể tránh khỏi. Le Monde kết luận lý trí đã thắng thế trong tuần qua và chắc chắn Liên Âu cần áp dụng phương cách tương tự để giải quyết hồ sơ Brexit với Anh Quốc.

Cũng về hồ sơ Liên Âu, La Croix trong bài xã luận "Châu Âu tiến lên" nhấn mạnh thành công vừa rồi là nhờ phần lớn vào nước Đức trên cương vị chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Hợp tác chặt chẽ với Pháp và tất cả các đối tác và tổ chức chính, thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà ngoại giao Đức đã có thể xây dựng các thỏa hiệp.

Chiến tranh thương mại : Châu Âu phải trang bị vũ khí cho mình

Vẫn liên quan đến Châu Âu, về thương mại, nhất là trong bối cảnh Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO/OMC) bị tê liệt, sự bành trướng của Trung Quốc và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng của Mỹ, Le Monde nhấn mạnh Liên Hiệp Châu Âu phải tìm một lối đi mới để bảo vệ nền công nghiệp và tái lập chủ quyền ở một mức nào đó.

Le Monde tổng hợp ý kiến của một số chuyên gia. Chẳng hạn, ông Pascal Lamy, cựu tổng giám đốc OMC, cho rằng vì các quy tắc thương mại quốc tế về trợ cấp không còn đủ để bảo đảm cho Châu Âu có thể cạnh tranh bình đẳng với Trung Quốc, nên Bruxelles có hai lựa chọn : hoặc xem xét lại quy định để khắc phục những điểm còn thiếu sót, hoặc tiếp tục huy động các công cụ phòng vệ thương mại như Liên Âu đã làm trong 4 năm qua.

Trong khi đó, bà Tara Varma, giám đốc cơ quan tư vấn Châu Âu về quan hệ quốc tế ECFR, chi nhánh Paris, khuyến cáo nếu muốn vươn lên dẫn đầu, Bruxelles phải cho thấy rõ hơn các ưu tiên kinh tế và địa chính trị như Trung Quốc và Mỹ luôn làm. Châu Âu cũng phải tạo cho mình khả năng đáp trả cứng rắn nếu bị trừng phạt. Về vấn đề này, Châu Âu đã nhận thức được nhưng còn xa mới thực hiện nổi, vì việc tạo dựng một sự đồng thuận mạnh mẽ giữa 27 thành viên, với những lợi ích đôi khi khác nhau, không phải là điều dễ dàng.

Ngoài ra, theo Le Monde, Châu Âu nên lấy cảm hứng từ mô hình Bắc Âu để phát triển việc đào tạo người lao động, nhằm cho phép họ thay đổi lĩnh vực lao động khi hoạt động trong ngành nghề họ đang làm bị giảm sút, đồng thời phải bảo đảm không có khu vực nào thiếu vắng dịch vụ công và mạng lưới giao thông, đây thường là bước đầu tiên dẫn đến sự suy giảm hoạt động công nghiệp ở các địa phương.

Funk Kirkegaard, kinh tế gia thuộc tổ chức Marshall, nhận định, nếu không muốn bị các đối thủ bỏ lại phía sau, Châu Âu cũng nên đầu tư nhiều hơn vào các ngành công nghiệp của tương lai, như Châu Âu đã làm để phát triển lĩnh vực sản xuất pin điện ở một số nước thành viên. Nhưng chuyên gia này lấy làm tiếc là trong kế hoạch tái thiết 750 tỉ euro, Bruxelles không tăng cường tài trợ cho lĩnh vực sáng chế.

Covid-19 : Nỗi sợ của Châu Âu trước thềm Giáng Sinh

Kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh đã cận kề, Libération quan tâm đến biện pháp phòng dịch ở các nước Châu Âu đang bị dịch nặng. Tình hình chung là các nước Châu Âu, như Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Bỉ, Anh, Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha… đều thắt chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch bùng phát vào dịp lễ tết cuối năm. Kể từ thứ Ba, biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ, nước Pháp trở lại với lệnh giới nghiêm. Nhưng đây không phải một ngoại lệ ở Châu Âu, nhiều nước láng giềng cũng có biện pháp tương tự.

Nắm giữ kỷ lục đáng buồn về số ca tử vong ở Châu Âu (trên Anh và Pháp), nước Ý xếp các vùng theo màu xanh lá cây, cam và đỏ, tùy theo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Lệnh giới nghiêm đã được áp dụng với nhà hàng, quán bán đồ giải khát, bảo tàng, cơ sở biểu diễn và phòng thể thao phải đóng cửa. Ở vùng đỏ, tất cả các cửa hàng đều đóng cửa, ngoại trừ cửa hàng nhu yếu phẩm. Từ ngày 21/12/2020 đến ngày 06/01/2021 tháng Giêng, việc di chuyển các khu vực sẽ bị cấm, bất kể mức độ hạn chế ở địa phương.

Thụy Sĩ cũng ra lệnh đóng cửa quán bán đồ uống và nhà hàng từ lúc 7 giờ tối. Nhưng giám đốc bệnh viện Zurich đang kêu gọi các biện pháp hạn chế mạnh hơn ở cấp độ quốc gia, do virus đang lây lan theo cấp số nhân. Nhìn sang Tây Ban Nha, tùy vùng, giờ bắt đầu đóng cửa nhà hàng dao động trong khoảng 18-22g. Bất cứ ai trên 6 tuổi đều phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Các cuộc gặp gỡ giữa người thân được giới hạn tối đa là 10 người và chỉ trong các ngày 24-25-31/12 và 01/01.

Tại Bỉ, các cuộc tụ tập tại nhà riêng bị hạn chế, quán cà phê và nhà hàng vẫn đóng cửa. Lệnh giới nghiêm đã được đưa ra, nhưng giờ giới nghiêm thay đổi tùy theo khu vực. Vương quốc Anh cũng áp dụng biện pháp hạn chế theo khu vực, nhưng nới lỏng phần nào quy định từ ngày 23/12 để dân mừng Giáng Sinh.

Sức khỏe tâm thần, một đại dịch khác

Cũng quan tâm đến đại dịch Covid-19, nhưng báo kinh tế Les Echos hôm nay chú ý đến khía cạnh sức khỏe tâm thần. Cuộc khủng hoảng y tế và biện pháp phong tỏa đã làm tăng nguy cơ con người bị trầm cảm.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, 1/5 dân Pháp đã nghiêm túc tính đến chuyện tự vẫn nếu mọi chuyện còn xấu đi. Theo khảo sát CoviPrev vào giữa tháng 11, 21% dân số Pháp bị trầm cảm, chủ yếu do tình hình tài chính khó khăn, lười vận động, có tiền sử rối loạn tâm lý… Điều đáng chú ý là thanh niên bị tác động nhiều nhất, và xu hướng này ngày càng nghiêm trọng. 29% người dưới 24 tuổi hiện bị trầm uất.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Hai tuần sau ngày tổng tuyển cử 3/11, việc đếm phiếu đã gần hoàn tất. Tuy chưa chính thức nhưng cựu Phó Tổng thống Joe Biden coi như thắng cử với 79 triệu phiếu phổ thông và 306 phiếu cử tri đoàn, Tổng thống Donald Trump được 73,3 triệu phiếu và 232 phiếu cử tri đoàn.

baucu1

Đã và đang có khiếu kiện tại một số tiểu bang từ phía thua cuộc về cách cử tri bỏ phiếu, thời hạn nhận phiếu và cách đếm phiếu, nhưng không hy vọng kết quả sẽ đảo ngược.

Tuy Đảng Dân chủ giành được chiến thắng để làm chủ Bạch Ốc trong bốn năm tới và tại Hạ viện vẫn nắm đa số nhưng không còn cao như trước vì mất 5 ghế về tay Cộng hòa. Thượng viên hiện có kết quả 50 Cộng hòa và 48 Dân chủ, hai ghế còn lại từ tiểu bang Georgia sẽ bầu vòng hai vào ngày 5/1.

Tại Hạ viện, kết quả mới nhất là 219 Dân chủ và 204 Cộng hòa. Ba trong 5 ghế được chuyển từ Dân chủ sang Cộng hòa là từ California nơi có đông người Việt sinh sống.

Khi làn sóng xanh quét qua chính trường Mỹ trong bầu cử 2018, Cộng hòa mất đa số tại Hạ viện và Quận Cam, thành trì của Cộng hòa ở California, cũng nhuộm mầu xanh khi các dân biểu cộng hòa đương nhiệm bị đánh bại.

Hôm 3/11 Cộng hòa đã lấy lại được Đơn vị 39 với dân biểu dân chủ đương nhiệm Gil Cisneros thua phiếu ứng viên cộng hòa gốc Hàn quốc là bà Young Kim. Đơn vị 48 với ứng viên cộng hòa Michelle Steel, cũng gốc Hàn quốc, đánh bại dân biểu dân chủ đương nhiệm Hardy Ronda.

Đơn vị 21 ở miền trung California là vùng nông nghiệp, ứng viên Cộng hòa David Valadao đánh bại dân biểu dân chủ đương nhiệm TJ Cox.

Riêng trong cộng đồng người Việt, cử tri gốc Việt tại nhiều tiểu bang cũng rất quan tâm bầu cử năm nay, từ tranh cử đến vận động cho hai liên danh của Donald Trump và Joe Biden.

Quan điểm chính trị của người Mỹ gốc Việt, theo thăm dò do AAPI và AAJC đưa ra vào cuối hè liên quan đến bầu chọn tổng thống thì 48% ủng hộ Trump, 36% Biden.

Trước ngày bầu cử 3/11, khảo sát của America’s Voice cho thấy người Việt có 61% ủng hộ Biden và 36% ủng hộ Trump. Người Việt ủng hộ Trump cao thứ nhì, sau người gốc Philippines với 38%, trong các sắc dân Châu Á. Các sắc dân Hoa, Ấn, Nhật, Hàn ủng hộ Biden ở mức 70% hay cao hơn.

Sau bầu cử, ngày 13/11 Asian American Legal Defense and Education Fund đưa ra kết quả thăm dò những người đã bỏ phiếu thì người Mỹ gốc Việt có 57% chọn Donald Trump và 41% chọn Joe Biden.

Dù các thăm dò đưa ra những kết quả khác nhau, kỳ bầu chọn vừa qua hầu hết ứng viên gốc Việt vào lập pháp tiểu bang tái thắng cử đều là người của Đảng Dân chủ.

Địa hạt 7 Florida, dân biểu quốc hội Mỹ Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung) tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

baucu2-StephanieMurphy

Nữ Dân biểu quốc hội liên bang Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung)

Bee Nguyễn tái tranh cử dân biểu tiểu bang Georgia và không có đối thủ.

bee

Nữ Dân biểu quốc hội tiểu bang Georgia Bee Nguyễn

Massachusetts có Trâm Nguyễn, Washington có Thái Mỹ Linh, Texas có Hubert Võ, Nevada có Rochelle Nguyễn đều tái đắc cử và là người Đảng Dân Chủ

baucu4-TramNguyen

Nữ Dân biểu quốc hội tiểu bang Massachusetts Trâm Nguyễn

baucu5-HubertVo

Nam Dân biểu quốc hội tiểu bang Texas Hubert Võ

baucu6-RochelleNguyen

Nữ Dân biểu quốc hội tiểu bang Nevada Rochelle Nguyễn

Tiểu bang Virginia có Kathy Trần và Washington có Thượng Nghị sĩ Joe Nguyễn là những dân cử đương nhiệm không tranh cử kỳ này cũng thuộc Đảng Dân chủ.

Về phía Cộng hòa, ở Massachusetts có Thượng Nghị sĩ tiểu bang Dean Trần là dân cử cộng hòa gốc Việt trong chính trường từ năm 2017. Ông tái tranh cử và thua trong bầu cử vừa qua.

baucu7-JanetNguyen

Nữ Dân biểu quốc hội tiểu bang South California Janet Nguyễn

Quận Cam, ở miền nam California, Janet Nguyễn của Đảng Cộng hòa thắng Diedre Nguyễn của Đảng Dân chủ để đại diện cho Địa hạt 72 trong Hạ viện Tiểu bang. Janet Nguyễn trước đây từng là thượng nghị sĩ tiểu bang và thất bại trong kỳ tái tranh cử hai năm trước.

Bà sẽ thay Dân biểu Tyer Diệp ở Hạ viện California. Ông Diệp mới vào lập pháp hai năm trước, nhưng thua bà Janet trong bầu cử sơ bộ hôm tháng Ba.

Hai thành phố có đông người Việt ở Quận Cam là Westminster và Garden Grove. Trong số 30 ứng viên gốc Việt trong vùng, có thành công cũng như thất bại.

Kimberly Hồ tái đắc cử nghị viên Westminster Khu vực 3, sau khi thành phố có thay đổi về cách bầu chọn nghị viên.

Khu vực 2 của Westminster có ba người tranh ghế nghị viên, hai người Việt là NamQuan Nguyễn và Trung Tạ và đã thua ứng viên Carlos Manzo.

Tại thành phố này, với 91 nghìn cư dân và mật độ gốc Việt gần 50%, cao nhất tại Hoa Kỳ, 77% cử tri cũng thông qua luật giới hạn nhiệm kỳ của dân cử thành phố, là nghị viên hay thị trưởng, thời gian trong chính trường tổng cộng tối đa chỉ được 3 nhiệm kỳ, tức 12 năm. Westminter tương lai sẽ có nhiều sôi nổi trong mùa bầu cử.

Bên Garden Grove, dân số 171 nghìn với khoảng 40% gốc Việt, Nghị viên Kim Bernice Nguyễn tái tranh chức nghị viên và đắc cử. Trong khi Nghị viên Phát Bùi tranh chức thị trưởng và Julie Diệp tranh chức nghị viên không thành công.

Hiện nay số dân cử gốc Việt các cấp tập trung đông nhất là ở hai thành phố Westminster và Garden Grove.

Thủ phủ của Quận Cam là thành phố Santa Ana lần đầu tiên sẽ có một người Việt trong hội đồng thành phố là cô Phan Việt Thái, một luật sư, thắng cử trong Khu vực 1. Cô Thái, 32 tuổi, được sinh ra trong một trại tị nạn ở Thái Lan.

Tại cấp quận hạt, giám sát viên đương nhiệm Andrew Đỗ tái thắng cử qua một mùa vận động gặp nhiều khó khăn, đạt 51,8% số phiếu so với đối thủ Sergio Contreras 48,2%.

Fountain Valley cũng có người Việt tranh cử vào hội đồng thành phố. Trong 7 ứng cử viên đã có 4 người Việt. Cử tri chọn hai. Kết quả Ted Bùi về nhì và sẽ là nghị viên của thành phố này. Ngạc nhiên nhất là ứng cử viên Mai Khanh Trần, bác sĩ, từng ứng cử dân biểu liên bang năm 2018 nhưng bà chỉ đạt hạng tư trong số 7 ứng cử viên.

Một số ứng cử viên gốc Việt cũng trúng cử vào hội đồng giáo dục hay ủy ban tiện ích công cộng về vệ sinh, thủy cục địa phương.

Trên Thung lũng Hoa Vàng, kết quả bầu cử là tin không vui cho cộng đồng ở San Jose khi Nghị viên Lân Diệp đại diện Khu vực 4 thất cử.

Như thế không còn người gốc Việt trong nghị trường San Jose, nơi từ năm 2005 có cô Madison Nguyễn là dân cử gốc Việt đầu tiên và có lúc đã có hai người gốc Việt trong hội đồng thành phố, tuy dân gốc Việt chỉ chiếm gần 10%.

Thành phố San Jose từng có các nghị viên Madison Nguyễn, Mạnh Nguyễn, Tâm Nguyễn và Lân Diệp.

Với gần một triệu dân, San Jose là thành phố có đông người Việt nhất tại Hoa Kỳ. Không còn người Việt trong nghị trường, đây là một thất bại chính trị lớn cho cộng đồng người Việt trong khu vực.

Bên cạnh San Jose là thành phố nhỏ Milpitas, dân số 80 nghìn, kết quả bầu cử có những tin vui hơn. Thị trưởng Richard Trần tái tranh cử và thắng vẻ vang. Hội đồng thành phố có nghị viên trẻ Anthony Phan tái đắc cử.

Vài người Việt khác từ vùng San Jose đạt thành công tranh cử vào hội đồng giáo dục địa phương. Bryan Đỗ vào East Side Union High School District, Khoa Nguyễn tái trúng cử vào Berryessa Union School District và Scott Hưng Phạm vào Alum Rock Unified School District.

Bầu cử 3/11 vừa qua là một kỳ bầu cử sôi nổi tuy có nhiều giới hạn vì dịch Covid-19. Con số cử tri tham gia bầu phiếu đạt kỷ lục, tổng cộng 154 triệu, so với năm 2016 là 135 triệu.

Vì Covid-19 nên hầu hết các tiểu bang cho phép cử tri bầu bằng thư nên con số cử tri tham gia bỏ phiếu tăng 19 triệu so với 2016, là điều có lợi cho Đảng Dân chủ. Nhiều ứng viên Dân chủ gốc Việt đã chiến thắng vẻ vang tại nhiều tiểu bang.

Nhưng không phải là một chiến thắng lớn (landslide) cho Đảng Dân chủ. Kết quả 306 phiếu cử tri đoàn cho Biden và 232 cho Trump, cũng giống như Trump đã bất ngờ đạt được số phiếu cử tri đoàn như thế bốn năm trước.

Tới nay Tổng thống Donald Trump và nhiều người ủng hộ Đảng Cộng hòa vẫn không muốn công nhận kết quả bầu cử, chính trị Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sôi nổi từ nghị trường xuống đường phố trong hai năm trước mặt, bốn năm sắp tới.

Bốn năm trước, tháng 11 sau bầu cử cũng sôi động làn sóng chống đối. Tình hình năm nay dường như đang lập lại, nhưng có nguy cơ gây khủng hoảng cao hơn.

Bùi Văn Phú

Nguồn : © 2020 Buivanphu, 19/11/2020

Additional Info

  • Author Bùi Văn Phú
Published in Diễn đàn

"Ngay cả khi Donald Trump thua, chủ nghĩa Trump sẽ tồn tại".

Ý tưởng này đã xuất hiện trong một số bài bình luận hình dung ra chiến thắng của ứng cử viên Joe Biden của Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 3/11, theo SCMP.

Với việc Biden được xác nhận làm tổng thống thứ 46 của Mỹ - do đó đưa Trump vào vị trí tổng thống một nhiệm kỳ - ý nghĩa đầy đủ của "Chủ nghĩa Trump sẽ tồn tại" chỉ mới bắt đầu được cảm nhận.

Biden đã sẵn sàng tiếp quản Nhà Trắng khi giành được nhiều phiếu bầu nhất từng có cho một ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ ; nhưng kết quả cũng cho thấy Trump đã mở rộng sự ủng hộ ở các khu vực nông thôn và có khả năng cứu được đa số thượng viện của đảng ông trong quá trình này.

Chủ nghĩa Trump, một học thuyết bao gồm sự pha trộn mạnh mẽ của sự thô lỗ, chủ nghĩa dân tộc kinh tế, chủ nghĩa chuyên chế - và theo nhiều nhà phê bình, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và ve vãn chủ nghĩa độc tài - tiếp tục được nhiều người ngưỡng mộ, theo bài báo của SCMP.

baucu2

Joe Biden : 'Không có bang đỏ bang xanh, chỉ có nước Mỹ'

Kết quả mới nhất cho thấy Trump giành được hơn 70 triệu phiếu, tương đương 48% tổng số phiếu bầu - bất chấp một số dự đoán có "làn sóng xanh" do cách xử lý tồi tệ của chính quyền Trump đối với đại dịch Covid-19.

Như nhà bình luận chính trị Edward Luce của Financial Times viết trong một bài báo trước cuộc bầu cử, các thành phần dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa Trump ở Hoa Kỳ sẽ không sớm biến mất : tính đảng phái cuồng nhiệt trong nước, sự tuyệt vọng của tầng lớp lao động, sự trỗi dậy của Trung Quốc ("mối đe dọa Trung Quốc"), và sự bất an của tầng lớp trung lưu.

Ảnh hưởng của chủ nghĩa Trump có nhiều khả năng sẽ hiện ra trong hành động của các cuộc họp kín tại quốc hội và thượng viện do đảng Cộng hòa nắm giữ.

Daniel Sneider, một học giả về chính sách đối ngoại của Mỹ ở Châu Á tại Đại học Stanford, nói : "sức mạnh hiện nay của phong trào Chủ nghĩa Trump chủ yếu sẽ được cảm nhận trong chính Đảng Cộng hòa, nơi các nhà lập pháp sẽ miễn cưỡng phản đối Trump vì khả năng thống trị được khối cử tri ủng hộ then chốt của ông.''

Các nhà phân tích trên khắp thế giới cũng hoàn toàn nhận thức được thực tế chính trị này.

Thitinan Pongsudhirak, một học giả về khoa học chính trị từ Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, nói rằng nếu Biden tha thiết muốn hàn gắn những rạn nứt giữa hai đảng phái với mục tiêu thúc đẩy cơ hội cho đảng của mình trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, "ông sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc giữ lại một số sáng kiến và chương trình của Trump ".

baucu3

Nước Mỹ chia rẽ mà ông Biden phải đối mặt

TPP ? Hãy cứ mơ tiếp đi

Vậy ảnh hưởng kéo dài của chủ nghĩa Trump sẽ có tác động gì đối với Châu Á trong kỷ nguyên của một tổng thống Biden ?

Các cuộc phỏng vấn với giới phân tích chính trị Hoa Kỳ, học giả và nhà ngoại giao về Châu Á cho thấy dấu hiệu rõ ràng nhất về ảnh hưởng Trump sau ngày 20/1 (ngày nhiệm kỳ của Trump kết thúc) sẽ được nhìn thấy trong chính sách thương mại.

Các nền kinh tế thương mại của Châu Á như Nhật Bản và Singapore - và những người ủng hộ thương mại tự do của Mỹ - nuôi hy vọng rằng nếu Biden chiến thắng, ông sẽ nhanh chóng đưa Mỹ trở lại bàn đàm phán để hồi sinh hiệp ước thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Trump đã bãi bỏ trong vòng vài tuần sau khi nhậm chức.

Frank Lavin, đại sứ Hoa Kỳ tại Singapore từ năm 2001 đến năm 2005, nói với This Week in Asia trong đêm bầu cử rằng "dấu hỏi lớn nhất và duy nhất" đối với chính sách thương mại của Biden là lập trường của ông về TPP, đứa con tinh thần của cựu tổng thống Barack Obama - ông sếp cũ của Biden.

Deborah Elms, giám đốc điều hành công ty tư vấn Asian Trade Centre, đưa ra ba lý do tại sao các lực lượng 'Trump học' sẽ ngăn cản Biden thậm chí khỏi tơ tưởng đến tham gia vào hiệp ước đa phương.

Elms nói rằng ngay từ đầu, Biden sẽ gặp khó khăn để thượng viện phê chuẩn các quan chức bộ thương mại, và có khả năng bị đồng minh của Trump là Mitch McConnell kiểm soát.

Ông cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn với Thẩm quyền Quảng bá Thương mại (TPA) - một cơ chế cho phép chính quyền đương nhiệm gửi các thỏa thuận thương mại tới Quốc hội để lấy phiếu trực tiếp mà không cần sửa đổi - sẽ cần gia hạn vào cuối tháng 6.

Nếu Biden muốn có một thỏa thuận thương mại đa phương trong chương trình nghị sự của mình, ông ấy phải trình bày với Quốc hội sớm nhất là vào quý 2 năm 2021.

Thượng viện do McConnell lãnh đạo có khả năng không chấp thuận điều này cho Biden. Thật vậy, thượng viện có thể sẽ trao cho chính quyền mới rất ít không gian lập pháp.

Elms dự đoán sẽ thượng viện sẽ thông qua tất cả trừ TPP và TPA vào năm 2021 trước khi trở nên ngày càng 'khó khăn hơn'.

"Không gian cho Biden xoay sở sau Trump sẽ luôn bị hạn chế", chuyên gia thương mại kỳ cựu này nhận định.

baucu4

Kamala Harris, nữ phó tổng thống Mỹ đắc cử là ai ?

''Thêm vào đó những trở ngại mà nhóm sắp mãn nhiệm của Trump đưa ra, cộng với những hỗn loạn về thương mại cho cả hai bên, thời hạn hành động gấp gáp, các chính sách kế thừa khó thoái lui, bạn sẽ có công thức của một chính phủ Mỹ có khả năng tập trung vào nhiều thứ, nhưng có lẽ không nhiều về thương mại.''

Chính sách đối ngoại 'Trump học'

Di sản của Trump có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến Biden trong các khía cạnh khác của chính sách đối ngoại, đặc biệt là khi nói đến Trung Quốc.

Trung Quốc là một tâm điểm trong các cuộc tranh luận tổng thống trước cuộc bầu cử, với việc Trump cáo buộc rằng Biden sẽ giảm bớt áp lực lên Bắc Kinh về thương mại và an ninh.

Vài ngày trước cuộc bầu cử 3/11, các cố vấn của Biden nói với Reuters rằng về cuộc chiến thương mại - do Trump khởi xướng - đảng Dân chủ "sẽ không đưa ra quan điểm sớm nào trước khi thấy chính xác những gì chúng ta đang thừa hưởng", nhưng sẽ tham khảo ý kiến các đồng minh.

Michael Vatikiotis, giám đốc khu vực Châu Á của Trung tâm Đối thoại Chủ nghĩa Nhân đạo, nói : "Điều sẽ thay đổi là cách tiếp cận của Washington, sẽ mang tính ngoại giao hơn và ít khó đoán hơn. Một mức độ nhất quán và tập trung thực sự có thể làm cho các chính sách này hiệu quả và có tác động hơn, điều mà nhiều nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ sẽ hoan nghênh".

Nhiều người cho rằng Biden sẽ giữ được sự cứng rắn của Trump với Bắc Kinh nhưng tránh cách tiếp cận hiếu chiến.

Tuy nhiên, Sneider cảnh báo các phe cánh của đảng Cộng hòa ủng hộ Trump có khả năng tấn công "bất kỳ bằng chứng nào họ thấy hoặc tạo ra, về việc Biden mềm mỏng với Trung Quốc", do đó có thể buộc tổng thống mới phải thận trọng về việc thay đổi đường lối.

"Tôi vẫn nghĩ rằng ông ấy sẽ muốn thiết lập lại quan hệ với Bắc Kinh, mặc dù không rút lại một số chính sách như xử lý Huawei và cạnh tranh công nghệ", Sneider nói. "Tất nhiên, nếu lãnh đạo Trung Quốc quyết định thách thức chính quyền Biden về Đài Loan, Biển Đông hoặc ở các khu vực khác, thì điều đó sẽ buộc Mỹ phải có một phản ứng cứng rắn".

Tuy nhiên, nhìn chung, ngay khi có một thượng viện do Đảng Cộng hòa nắm giữ, chính sách của Biden ở Châu Á vẫn có thể "mạch lạc và nhất quán", Lee Morgenbesser, một học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Griffith của Úc, nói.

Một số học giả khác cho rằng chống lại Chủ nghĩa Trump yêu cầu cần phải có cái nhìn vượt xa ra khỏi cá nhân Trump.

"Mối nguy thực sự đối với nền dân chủ ở Hoa Kỳ là một ứng cử viên dân túy có sự hấp dẫn của Trump, nhưng không có tất cả các góc cạnh thô ráp của ông ấy. Một nhà lãnh đạo như vậy được dự đoán là sẽ xuất hiện từ [Đảng Cộng hòa]", Morgenbesser nói.

Nguồn : BBC, 11/11/2020

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 3