Bầu cử Mỹ : Giấc mơ chiếm Quốc hội của Dân chủ đã tan
Bầu cử tổng thống Mỹ và Hồi giáo cực đoan chọn Pháp làm mục tiêu tấn công là hai chủ đề chính của các tuần báo Pháp kỳ này. Trang bìa Courier International đăng hình một người thợ chụp ảnh đầu trùm kín trong lá cờ Mỹ, ống kính hướng vào một chiếc ghế bỏ trống, chạy tựa "Tổng thống bí ẩn".
Người ủng hộ tổng thống Donald Trump phản đối kết quả sơ khởi được thông báo ngày 05/11/2020 tại
"Nước Pháp đối mặt với Quốc tế Hồi giáo", Le Point báo động, với ảnh tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trên trang nhất. L’Obs đăng ảnh một cô gái mang khẩu trang với hàng chữ "Khủng bố", "Phong tỏa" và chạy tựa "Nước Pháp trước thử thách". L’Express dùng nền đen làm bìa báo, với bản đồ nước Pháp màu đỏ trong tầm ngắm của họng súng và hàng tựa lớn "Tại sao phe Hồi giáo cực đoan căm ghét nước Pháp".
Gian lận bầu cử đã có từ thế kỷ 19 ở Mỹ
"And the winner is…" (Người chiến thắng là…) Cho đến khi các tuần báo lên khuôn, vẫn là một tổng thống bí ẩn, cho dù cử tri Mỹ đã đi bầu đông đảo. Có đến 100 triệu người Mỹ bỏ phiếu trước ngày 03/11, một điều chưa từng xảy ra kể từ một thế kỷ. Cứ ngỡ rằng ông Joe Biden sẽ hưởng lợi, nào ngờ kết quả sát nút chưa từng thấy. Courrier International cho biết vẫn quyết định dành số báo kỳ này cho cuộc bầu cử mang tính lịch sử.
Tuần báo Pháp trích dịch những bài viết hầu hết nhằm phê phán ông Trump, như Los Angeles Times đánh giá Donald Trump là "tổng thống tệ hại nhất trong lịch sử Mỹ", "phản khoa học" theo tờ Science và Nature. BBC Mundo đặt câu hỏi bức tường của ông Trump tới đâu rồi, The Sunday Times cho rằng kinh tế Mỹ dưới chính quyền Trump tăng tiến nhưng chỉ là lửa rơm. Washington Post thì chê cả "gu" của ông Trump, và đặc biệt chỉ trích việc doanh nhân Donald Trump, mới 34 tuổi hồi năm 1990, đã mua lại thương xá sang trọng Bonwit Teller ở Manhattan rồi phá hủy công trình kiến trúc Art Deco này để xây lên tòa tháp Trump Tower đầu tiên.
Về việc Donald Trump từ trước bầu cử đã nói bóng gió về nạn gian lận, The Spectator điều này không tốt cho truyền thống dân chủ. Tuy nhiên tờ báo cũng nhận định từ thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ 20, gian lận bầu cử vẫn thường xuyên diễn ra ở Mỹ. Chẳng hạn cuộc bầu cử năm 1876, ứng cử viên Cộng hòa Rutherford Hayes, người hùng trong cuộc nội chiến đối mặt với Samuel Tilden của đảng Dân chủ. Do kết quả bị tranh cãi, một ủy ban trọng tài được thành lập gồm các thành viên Quốc hội và các thẩm phán Tối cao Pháp viện. Phe Cộng hòa có hơn một đại diện, và ông Hayes được lên làm tổng thống với 185/184 phiếu. Kết quả chung cuộc được loan báo bốn tháng sau ngày bầu cử.
Tuy nhiên trong hậu trường, hai bên đã thương lượng với nhau : để đổi lấy chức tổng thống, Cộng hòa hứa sẽ cho rút đi quân đội liên bang vẫn đang chiếm đóng miền Nam sau chiến tranh. Phe Dân chủ da trắng, người miền Nam và chủ trương duy trì chế độ nô lệ, từ chối Nhà Trắng nhưng giữ được thành trì của mình, tái lập những ưu đãi cũ so với người da đen.
Tiến gần Nhà Trắng, nhưng giấc mơ chiếm Quốc hội bất thành
The Economist trong số tuần trước đã công khai cổ vũ bầu cho Joe Biden, tuần này lấy làm tiếc là tuy ông Biden đang tiến gần đến ngưỡng cửa Nhà Trắng, nhưng "Giấc mơ chiếm được Quốc hội của đảng Dân chủ đã tan biến". Đa số hiện nay của Dân chủ ở Hạ Viện bị giảm xuống, và Cộng hòa vẫn chiếm ưu thế ở Thượng Viện.
Có ít nhất 100 triệu đô la đã được đóng góp cho ứng cử viên Dân chủ để lật đổ Lindsey Graham, nhưng thượng nghị sĩ Cộng hòa của Nam Carolina lại dẫn trước 14 điểm. Đến 88 triệu đô la được dồn vào Kentucky nhằm chiếm cho được chiếc ghế của Mitch McConnell, nhưng người đứng đầu phe đa số của đảng Cộng hòa lại chiến thắng với 21 điểm cách biệt !
Tờ báo thử lý giải vì sao tuy tất cả đều dự báo Donald Trump sẽ thua, nhưng thực tế đang so kè sát nút với Joe Biden. Sự ủng hộ bền bỉ dành cho ông Trump cho thấy tâm lý chống di dân, giới tinh hoa thành thị và toàn cầu hóa vốn đã tăng lên sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, sẽ còn tiếp tục.
Đảng Dân chủ tỏ ra bất lực trong việc thu hút cử tri da trắng vùng nông thôn. Nhiều cử tri da đen và Mỹ la-tinh, nữ giới vẫn bỏ phiếu cho Donald Trump, cho thấy Cộng hòa vẫn được cảm tình của các nhóm thiểu số, và các nhóm này không đồng nhất. Người Mỹ gốc Cuba luôn thù địch với chủ nghĩa xã hội, người gốc Mêhicô không quan tâm nhiều đến chính sách chống nhập cư của ông Trump như người ta tưởng.
Trung Quốc, Trung Đông và chính sách "ngoại giao dùi cui"
Tuần báo cánh tả L’Obs cho rằng chưa bao giờ nước Mỹ chia rẽ đến thế, nền kinh tế không tăng tiến và quan hệ quốc tế đáng lo ngại. Hồ sơ của tờ báo mở đầu bằng bài phỏng vấn ông Paul Auster, theo nhà văn Mỹ thì Donald Trump là "thuốc độc" cho Hoa Kỳ.
Về mặt đối ngoại, L’Obs chỉ trích chính sách "ngoại giao dùi cui" mà theo tờ báo, ông Trump đã thành công trong việc gieo rắc hỗn loạn. Vừa lên nắm quyền, tổng thống Mỹ đã chỉ trích NATO quá tốn kém, tỏ ra hứng thú trước Brexit. Lần đầu tiên kể từ Đệ nhị Thế chiến, châu Âu bị mất đi người bảo trợ, trở thành đơn độc trước tham vọng của Trung Quốc và Nga, hơn nữa còn bị Washington đe dọa về thuế quan. Nghịch lý là tuy muốn làm tan rã Liên Hiệp Châu Âu, ông Trump lại vô hình chung giúp các nước châu Âu đoàn kết với nhau hơn.
L’Obs công nhận thành quả ngoạn mục của chính quyền Trump khi chỉ trong vài tháng đã giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập Sunni, tuy nhiên lại không quan tâm đến Palestine.
Đối với Trung Quốc, tờ báo cho rằng mãi đến giữa tháng Ba, khi làn sóng dịch bệnh bắt đầu tràn ngập nước Mỹ, làm phương hại đến thỏa thuận thương mại và cơ hội tái đắc cử, Donald Trump mới cho phép những con diều hâu trong ê-kíp thẳng thừng đối đầu với Bắc Kinh. Một sự leo thang chưa từng thấy trên khắp các mặt trận : đẩy nhanh việc chia cắt giữa hai nền kinh tế, cấm buôn bán với khoảng mấy chục công ty Trung Quốc vi phạm nhân quyền, trừng phạt các quan chức phụ trách việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và người dân Hồng Kông, cấm đoán nhiều ứng dụng Trung Quốc.
Bên cạnh đó Nhà Trắng cho đóng cửa một số lãnh sự quán, gởi các hàng không mẫu hạm đến Biển Đông, bán vũ khí tối tân cho Đài Loan, thậm chí viên chức cao cấp Mỹ còn đến thăm Đài Bắc…Washington tỏ ra hoàn toàn thù địch với chế độ Bắc Kinh, được gọi là "kẻ thừa kế của Stalin quyết tâm áp đặt bá quyền lên thế giới". Loạt đại pháo cấp tập này lần đầu tiên đã giúp đưa ra ánh sáng mối đe dọa từ Trung Quốc đối với các nền dân chủ, nhưng tờ báo không tin rằng Mỹ có thể làm cho "tân hoàng đế đỏ" bị chao đảo.
Donald Trump có ra đi, chủ nghĩa Trump vẫn sẽ tồn tại
"Chủ nghĩa Trump vẫn sẽ tồn tại" - ông Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Washington nhận định. Theo tác giả bài viết trên Le Point, trong bốn năm qua, vị tổng thống độc đáo này đã làm một cuộc cách mạng về cung cách làm chính trị, sẽ có ảnh hưởng lâu dài về sau.
Ngay sau khi có kết quả bầu cử hôm 08/11/2016, vị đại sứ nhận thấy tất cả các đối tác dù Cộng hòa hay Dân chủ đều sững sờ. Washington không thể hiểu được, cũng không chấp nhận chiến thắng của nhà tỉ phú. Bốn năm của nhiệm kỳ ông Trump là khoảng thời gian đáng nhớ trong đời sống chính trị nước Mỹ, với cuộc nội chiến truyền thông dữ dội. Tuy nhiên phía sau những tranh cãi liên miên, Donald Trump có chính sách rõ ràng. Ông được bầu lên để "lật đổ", thế nên Trump không tôn trọng những quy chuẩn cổ điển kể cả của những người tiền nhiệm Cộng hòa.
Giới tinh hoa hy vọng trong vài tháng nữa hoặc tệ hơn là đến năm 2024, một tổng thống mới sẽ đặt lại mọi thứ trên đường ray, tất cả sẽ trở về như cũ. Nhưng theo cựu đại sứ Pháp, phương thức điều hành của Donald Trump đã gây ấn tượng mạnh và còn tồn tại mãi.
Về phía châu Âu tất nhiên là mong Joe Biden đắc cử, vì Hoa Kỳ sẽ lại tham gia Hiệp định khí hậu Paris cũng như hiệp ước nguyên tử Iran, sẽ mở đối thoại với các đồng minh, tôn trọng vai trò của các tổ chức quốc tế, có chính sách dễ hòa hợp và dễ đoán định hơn. Tuy nhiên dù là Trump hay Biden, Hoa Kỳ vẫn bước vào giai đoạn co cụm. Tập trung vào việc bảo vệ lợi ích trước mắt của mình và ít can dự vào những vấn đề quốc tế, Mỹ sẽ trở thành một người cạnh tranh khó tính hơn với châu Âu, là một đồng minh ít tin cậy hơn.
Tác giả kết luận : "Sau khi phàn nàn về người đàn anh phách lối, chúng ta có thể tiếc nuối sự vắng mặt của người ấy trong khu rừng rậm, mà những con thú dữ chưa chi đã mừng rỡ trước sự ra đi này".
Pháp : Mục tiêu hàng đầu của khủng bố Hồi giáo
Về chủ đề lớn thứ hai là nạn khủng bố Hồi giáo, hồ sơ của L’Express lý giải vì sao nước Pháp là mục tiêu hàng đầu, trong đó các nhà thờ Công giáo thường là nạn nhân. Tờ báo cũng đề cập đến mạng lưới gây ảnh hưởng của Erdogan tại Pháp, và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách trở thành lãnh tụ tinh thần của thế giới Hồi giáo như thế nào.
Courier International dịch bài viết của tờ báo Ý La Republica khẳng định "Pháp là mục tiêu chiến lược của bọn khủng bố", chứ không phải chỉ là hành động của những con sói đơn độc. Hồ sơ 28 trang của Le Point nhận định, Pháp ngày càng cô độc giữa những lời kêu gọi tẩy chay từ các nước đạo Hồi, còn phương Tây chỉ ủng hộ nửa vời.
L’Obs cũng dành đến 16 trang báo để nói về nhiều khía cạnh, trong đó có tâm trạng khủng hoảng của người dân trong bối cảnh phong tỏa vì đại dịch corona và một loạt các vụ khủng bố. Trong bài xã luận trên L’Obs, tác giả Sara Daniel khẳng định "Chúng ta phải chiến đấu với bọn Hồi giáo phát-xít này".
Công khai cổ vũ giết người
Trục xuất con chó Pháp", "Chặt đầu kẻ báng bổ"…Từ Tunisia đến Pakistan, hàng trăm ngàn tín đồ đạo Hồi hung hăng đả kích tổng thống Pháp. Ở Bangladesh, người biểu tình đốt hình ông Emmanuel Macron và quốc kỳ Pháp. Tại dải Gaza, người Palestine tham gia các cuộc xuống đường chống Pháp. Bảo vệ một lãnh sự quán Pháp ở Saudi Arabia bị tấn công bằng dao, tại Iran, chân dung ông Macron được vẽ thành quỷ sứ với đôi tai và răng nanh nhọn.
Không chỉ trên đường phố : một giáo sĩ ở Ai Cập kêu gọi đưa ra trước tòa án. Một cựu thủ tướng Malaysia là Mahathir Mohamad cho rằng "người Hồi giáo có quyền giận dữ và giết chết hàng triệu người Pháp". Một tổng thống đương nhiệm, Recep Tayyip Erdogan, cáo buộc tổng thống Pháp là "có vấn đề về tâm thần".
Điều gì đã gây ra làn sóng kêu gọi giết người này ? Đó là do Paris tái khẳng định ủng hộ tự do ngôn luận và quyền thế tục, sau khi thầy giáo Samuel Paty bị chặt đầu vô cùng dã man, chỉ vì giải thích cho học sinh về truyền thống biếm họa của Pháp. Và tổng thống Macron rốt cuộc cũng đã nói về "cuộc khủng hoảng Hồi giáo" và "chủ nghĩa ly khai của Hồi giáo cực đoan".
Không thể coi nhẹ tầm quan trọng của sự thù địch này, khi "chiến lược thánh chiến toàn cầu" ngày càng rõ nét, bọn khủng bố trên đất Pháp được vũ trang. Theo IFOP, có ít nhất 750.000 người tại Pháp có cảm tình với Hồi giáo cực đoan ! Thế nhưng máu của các nạn nhân bị sát hại thô bạo tại nhà thờ ở Nice chưa kịp khô, lại có những lời kêu gọi nên thỏa hiệp với đạo Hồi.
Đành rằng đã có những trí thức Hồi giáo lên tiếng, nhưng vấn đề là họ không hành động, những người Hồi giáo ôn hòa ngày nay chỉ dám thầm thì với nhau. Tác giả cho rằng có thể hình dung kinh Coran không phải do thiên thần Gabriel đọc cho Mahomet, có thể phân tích văn bản này đồng thời đặt lại trong bối cảnh mới, và bây giờ vẫn còn kịp.
Hồi giáo cực đoan đã được quốc tế hóa
Le Point cũng tỏ ra bực tức trước sự việc mà tuần báo gọi là một trò hề rẻ tiền cay độc : Trong lúc Trung Quốc giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ, thì nước Pháp lại bị quy chụp là đối xử tệ hại với người theo đạo Hồi !
Không chỉ có thủ tướng Canada Justine Trudeau, mà cả những tờ báo lớn của Mỹ như New York Times, Washington Post, New Yorker cũng buông lời chỉ trích. Quốc tế Hồi giáo đã có trước Erdogan, nhưng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy lên cao với phương tiện của một Nhà nước mạnh mẽ. Le Point cho rằng chủ nghĩa Hồi giáo là chủ nghĩa đế quốc. Trước khi sát hại những người vô tội ở Toulouse, Paris, Nice, Hồi giáo cực đoan cũng đã giết người ở Alger, Karachi, Kabul, Bagdad…
Tuy vậy nước Pháp có lịch sử lâu đời, chỉ chiếm chưa đầy 1% dân số thế giới vẫn phải là vùng đất hứa cho những quyền tự do bị ruồng bỏ, cho hàng triệu nạn nhân của chủ nghĩa toàn trị đã không có cơ hội được sinh ra trong một quốc gia tự do.
Bắc Kinh muốn xóa đi lịch sử Mông Cổ
Trên lãnh vực văn hóa, Le Monde Magazine đề cập đến "Pháp-Trung, nghệ thuật nhượng bộ", cụ thể là hậu trường của việc hủy bỏ cuộc triển lãm về Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) đáng lẽ diễn ra ở Nantes vào ngày 12/10. Mong muốn vẫn là đối tác ưu tiên của Trung Quốc, các viện bảo tàng Pháp đành phải chấp nhận kiểm duyệt – một sự dễ dãi đáng lo ngại đối với một chế độ ngày càng độc tài hơn.
Ba năm trời chuẩn bị của viện bảo tàng Nantes đành đổ sông đổ biển : Trung Quốc đòi hỏi ba từ khóa sau đây phải được gỡ bỏ không chỉ trên hiện vật mà trong toàn bộ thông tin : "Thành Cát Tư Hãn", "đế quốc" và "Mông Cổ". Ông Bertrand Guillet, giám đốc bảo tàng phẫn nộ : "Họ muốn viết một cuốn tiểu thuyết khác về Trung Quốc, xóa sạch lịch sử Mông Cổ !"
Là đối tác hàng đầu của Trung Quốc về mặt văn hóa, Pháp có thái độ mềm mỏng để tiếp tục hiện diện tại Hoa lục, nhất là người Trung Quốc vốn ưa thích hàng xa xỉ, rượu và nghệ thuật Pháp. Sức mạnh kinh tế Trung Quốc khiến khó ai có thể quay lưng, và giám đốc bảo tàng Rodin còn nói thẳng là hợp đồng với một địa phương Trung Quốc mang lại rất nhiều tiền trong khi cơ sở của bà không hề nhận được trợ cấp nhà nước.
Tuy nhiên từ năm 2000 xuất khẩu văn hóa sang Trung Quốc không mang lại mấy lợi lộc : trung tâm Pompidou chỉ thu được 2,75 triệu euro một năm. Để so sánh, việc mở chi nhánh bảo tàng Louvre ở Abou Dhabi được thương lượng với giá 1 tỉ euro. Và tiền bạc không phải là tất cả.
Vương Khắc Bình (Wang Keping), điêu khắc gia Trung Quốc sống tại Pháp cho rằng Paris nhượng bộ Bắc Kinh quá nhiều. "Các bảo tàng phương Tây không biết rằng, Trung Quốc chấp nhận các tác phẩm của họ như các đại đế Trung Hoa ngày xưa phô bày những vật phẩm triều cống, để chứng tỏ quyền năng của mình".
Thụy My
Chiến dịch tranh cử của Joe Biden sử dụng một slogan rất kêu : "Cuộc chiến giành lại Linh hồn của Tổ quốc" (Battle for the Soul of the Nation). Tuy nhiên, nếu theo đúng ý của câu này, thì Biden nên nhường ghế tổng thống cho Trump, vì Trump mới là người xứng đáng để đại diện cho linh hồn Mỹ.
Sâu hơn tất cả mọi thứ, cốt lõi của linh hồn Mỹ là tinh thần phản kháng, lật đổ, nổi loạn. Tổ tiên người Mỹ đã làm điều này với các cấu trúc quyền lực ở Châu Âu thế kỷ 16, và hôm nay Trump đang làm chính xác việc đó với hệ thống quyền lực ở Washington D.C. Dù trận này Trump có thể sẽ thua, nhưng những gì ông đã làm ở ghế tổng thống – và toàn bộ cuộc đời ông – chính là biểu hiện mạnh mẽ nhất của cái gọi là linh hồn Mỹ.
Mặt khác, việc đa số người Việt ủng hộ Trump (dù Việt Nam hay ở Mỹ) lại phô bày cho ta thấy vẻ đẹp của linh hồn Việt. Có thể dễ dàng thấy rằng bất kỳ bài viết tiếng Việt ủng hộ Trump nào của bất kỳ ai – từ dân ngu cu đen cho tới giáo sư tiến sĩ – hễ phân tích lý luận về việc tại sao nên ủng hộ Trump đều nghe rất phi lý. Phi lý vì về bản chất, việc ủng hộ Trump của họ không hề dựa vào logic hay thực tế, mà hoàn toàn thuộc về trực giác và cảm tính. Đó cũng chính là lý do những bài hát như "Ngày 3 tháng 11 hãy đi bầu cho Tổng Thống Trump" của Hợp ca Hồn Việt lại cực kỳ dễ thương. Nó chẳng cần một tí lý luận nào. Nó nông cạn, háo hức, và nhà quê. Nó đầy ắp niềm tin yêu hy vọng. Và đó mới chính là linh hồn Việt Nam chân chính.
Đây là chỗ mà các bạn Việt Nam Âu hóa và các thế hệ Việt Kiều Mỹ thứ 2, thứ 3 không thể hiểu được. Không hiểu được vì họ đang cố gắng dùng logic và facts, dùng hệ giá trị "tiến bộ", "dân chủ" hay "nhân văn" để phân tích, để diễn giải. Họ cố gắng dùng não, trong khi để hiểu được ông cha họ, họ phải dùng tới gan ruột, tới bộ đồ lòng, và phải nhìn ra cho được cái di sản không chỉ của một hai thế hệ, mà từ hàng trăm, hàng nghìn năm.
Vậy linh hồn Việt Nam là gì ? Đó là linh hồn của một kẻ muôn đời bị bắt nạt luôn ấm ức khát khao có đứa mạnh hơn đến trấn áp giúp gã du côn to xác hay bắt nạt mình. Là tâm hồn thổn thức của một thiếu nữ nhà quê say mê hình ảnh vị soái ca giàu có và mạnh mẽ, dù soái ca có rất nhiều dấu chấm hỏi về đạo đức (điều này tương đồng với, dù ở mức độ thấp hơn nhiều, trường hợp Khá Bảnh hay Huấn Hoa Hồng). Là lòng căm phẫn của một kẻ suốt đời sống trong đói nghèo và sợ hãi, suốt đời bị thiên hạ đè đầu cưỡi cổ, chỉ mong một ngày được (và vì thế thần tượng ai) vỗ ngực sống ngang tàng, coi trời bằng vung (nên mới chế ra chuyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn). Là nỗi lòng một kẻ suốt đời ít học, ít chữ, văn hóa mỏng, hiểu biết nông, cạn nghĩ, ít trí tưởng tượng, chỉ muốn một ngày (và vì thế tôn vinh ai) dùng sự giàu có và quyền lực cá nhân của mình để phỉ nhổ vào mọi quy tắc lề thói, mọi hệ thống tri thức và khoa học, để sống một cách tùy tiện, bản năng, thích gì làm nấy. Là một linh hồn non nớt luôn bị buộc phải sống vì cái chung, chưa từng được trải nghiệm sự trưởng thành của cái Tôi cá nhân – và khao khát biết bao được công nhận, được kính nể, được sống tự do như một cá thể độc lập. Là sự háo hức của một kẻ tuyệt đối ham vui, thích hít drama, thích nhìn thế giới hỗn loạn tung tóe – chỉ cần vui là được. Thử hỏi một linh hồn như thế nếu không hết lòng hết dạ yêu Trump thì còn yêu ai vô đây nữa ?
Nhưng tất cả những điều đó không hề mang nghĩa rằng linh hồn Việt Nam xấu xí hay yếu ớt. Ngược lại là đằng khác. Nó đẹp một cách độc đáo và mạnh mẽ theo kiểu riêng của nó. Phải mạnh thế nào nó mới chịu đựng được chừng đó ấm ức và vẫn còn đang tiếp tục chịu đựng. Phải mạnh tới thế nào nó mới sinh sôi ra hơn trăm triệu con cháu trên khắp địa cầu và được liệt vào hàng những dân tộc hạnh phúc nhứt thế giới. Sức mạnh đó của sự nhẫn nại, gan lỳ, linh hoạt và chill trong mọi hoàn cảnh, những kẻ hung hăng và thô lỗ như linh hồn Mỹ không bao giờ có thể hiểu được.
Tại nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn nông cạn của mình, Việt Nam ôm ấp một tấm lòng thơ trẻ, háo hức, nồng nhiệt, say mê, đầy sáng tạo. Mà sáng tạo chính là hủy diệt. Linh hồn Việt Nam thích chọn sự hủy diệt, nhưng tất nhiên là ở càng xa càng tốt, phía bên kia địa cầu thì càng hay. Còn ở trên dải đất hình chữ S, sự hủy diệt đã được chọn xong lâu rồi, đất đã bán và rừng đã trọc, giờ chúng ta chỉ cần được yên ổn để uống nốt cốc cà phê và chém gió nốt status này, trước khi tất cả cùng bị cuốn trôi ra biển…
Tiếu sĩ Ngu Ngu
Nguồn : fb.osinhuyduc, 05/11/2020
Cử tri gốc Việt với Covid-19 : thất bại của Trump hay trò chính trị của phe Dân chủ ?
Trong lịch sử bầu cử Mỹ, hiếm khi một vấn đề phi truyền thống như dịch bệnh lại có sức chi phối lá phiếu của cử tri Mỹ cũng như định hình cả cuộc bầu cử như dịch Covid-19.
Ông Trump ném khẩu trang về phía đám đông trong cuộc vận động tranh cử đầu tiên sau khi ông hết Covid ở Sanford, bang FloridaPhoto : Reuters
Bắt đầu từ mùa xuân năm 2020 mà chưa có dấu hiệu lắng dịu, virus corona đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân Mỹ, làm thay đổi chương trình nghị sự của Nhà Trắng và nhất là có tác động lớn đến lá phiếu của cử tri.
Một cuộc khảo sát của Cheddar/Survey USA giữa tháng 10 cho thấy dịch bệnh là mối quan tâm hàng đầu của các cử tri Mỹ. Trong khi đó, kinh tế, lĩnh vực mà đương kim Tổng thống Donald Trump có thế mạnh, bị đẩy xuống hàng thứ hai. Trên thực tế, Covid-19 là một chủ đề chi phối các cuộc tranh luận tổng thống.
Hôm 30/10, tức 4 ngày trước bầu cử, Mỹ đã ghi nhận con số nhiễm mới ở mức kỷ lục là hơn 100.000 ca trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm vượt mốc 9 triệu trong khi số người chết cũng lên đến 230.000 người tính đến cuối tháng 10. Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về cả số ca nhiễm lẫn số ca tử vong.
Trong khi Tổng thống Trump cho rằng nước Mỹ đã ‘vượt qua khúc quanh’ (turn the corner) về dịch bệnh và cần ‘học cách chung sống với Covid-19’, chiến dịch của ông Biden cho rằng thành tích chống dịch của chính quyền Trump là ‘thất bại thảm hại nhất trong các đời tổng thống Mỹ’.
‘Bị chính trị hóa’
Có mặt tại Little Saigon những ngày này, chúng tôi nhận thấy cuộc sống ở đây dường như đã trở lại bình thường như trước khi có dịch. Dấu hiệu cho thấy dịch bệnh vẫn còn hiện hữu là nhiều người đã đeo khẩu trang nơi công cộng và nhiều cửa tiệm, hàng quán bắt buộc khách phải mang khẩu trang mới cho vào.
Đa số các nhà hàng vùng Little Saigon đã mở cửa cho khách vào ăn bên trong. Tại một quán ăn khuya có tên là Ốc&Lẩu, khách hàng ken đặc không còn một chỗ trống mặc dù các bàn được ngăn cách với nhau bằng tấm màn nhựa và trên mỗi bàn đều có đặt dung dịch sát khuẩn.
Tại một cuộc tuần hành ủng hộ Tổng thống Donald Trump trước Thương xá Phước Lộc Thọ, một số người vẫn không đeo khẩu trang mặc dù khi tuần hành họ giữ khoảng cách với nhau.
Anh Ryan Tăng, một nhân viên chính phủ tham gia tuần hành, nói với chúng tôi anh phải ra xem tình hình trước coi có an toàn không rồi mới cho vợ con tham gia và bản thân gia đình anh chỉ đứng ngoài rìa cuộc tuần hành.
Cũng có mặt trong buổi tập hợp đó, ông Bùi Mạnh Cường, nhà môi giới bất động sản và là tiếng nói bình luận thời sự-chính trị trên các kênh truyền thông địa phương, giải thích với chúng tôi rằng ông lúc nào cũng thủ sẵn khẩu trang nhưng không đeo mà chỉ khi nào ‘bị bắt buộc mới đeo’.
"Tôi thấy vấn đề đeo khẩu trang hay Covid đã bị chính trị hóa", ông Cường phân bua khi tiếp chúng tôi ở văn phòng làm việc của ông. Trong văn phòng có hơn một chục nhân viên và tất cả đều không đeo khẩu trang. "Họ như vậy cả mấy tháng nay rồi mà có cái gì đâu ?" ông nói.
"Covid-19 có hiện hữu nhưng không quá trầm trọng như người ta nói. Ngoài ra những trường hợp không phải Covid mà chết vì bệnh này bệnh kia nhưng các cơ quan y tế lợi dụng cơ hội để làm tiền chính phủ", ông nói thêm.
Ông nói việc các bác sĩ Mỹ, lâu nay có tiếng là có lương tâm và trung thực, có hành động như vậy là ông ‘nghe lại từ những người quen biết làm trong nhà thương hay con cái làm bác sỹ’.
Ông Cường, hiện đã ngoài 70 tuổi, cho biết ông đã đi ra ngoài tiếp xúc khách hàng, đến nơi đông người, đi du lịch đến tiểu bang khác, tụ tập bạn bè ăn uống ở nhà với hàng chục người cũng ‘gần cả tháng nay rồi’.
‘Sẽ hết sau bầu cử’
"Nếu không có cuộc bầu cử này thì vấn đề Covid nó không có lớn như vậy", ông nhận định và tiên đoán ‘Covid sẽ xẹp dần sau ngày bầu cử’.
Khi được hỏi về cảnh báo của các nhà khoa học Mỹ rằng nước Mỹ sẽ thấy dịch bệnh tăng cao trở lại trong thời gian tới, ông cho rằng ‘các nhà khoa học có trách nhiệm nên thường phải nói nhiều hơn thực tế’.
"Các vị ấy ngồi bàn giấy nói về các con số thống kê nhưng Tổng thống Trump đã nói là tin giả rất nhiều vì lý do tiền bạc, quyền lợi của các cơ sở đó", ông giải thích.
Một dẫn chứng ông đưa ra để chứng minh ‘Covid không nghiêm trọng’ là bản thân Tổng thống Trump bị nhiễm bệnh ‘chỉ có 2-3 ngày thôi đã ra viện’,
"Nếu chữa trị tốt và đúng lúc thì không có vấn đề gì", nhà môi giới nhà đất này nói và dẫn chứng thêm trong nhóm bạn bè của ông đi cắm trại chung cách nay một tháng có ‘vài người bị dương tính nhưng sau vài ba ngày đều khỏi hết’.
Cảnh báo bằng tiếng Việt về các triệu chứng Covid trước một bệnh viện trong vùng Little Saigon
Ông Cường cho biết ông lo về thiệt hại kinh tế của việc đóng cửa chống dịch. "Các cơ sở kinh doanh xung quanh vùng Little Saigon đã mất khoảng 60-70% thu nhập", ông nói.
Mặc dù nhìn nhận với tư cách là tổng thống, ông Trump phải có trách nhiệm về việc kiểm soát dịch bệnh ở Mỹ nhưng ông Cường lập luận : "Trách nhiệm đó có phải là lỗi của ông ấy hay lỗi của người khác ?"
"Tổng thống Trump ngoài trách nhiệm về Covid còn có trách nhiệm mở cửa nền kinh tế, có như vậy thì người dân mới không phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ", ông phân tích và cho rằng sức khỏe người dân và nền kinh tế ‘nên được ưu tiên ngang nhau’.
Ông biện hộ cho kết quả chống dịch của ông Trump so với những nước sát Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam là ‘những nước đó nói gì thì người dân phải nghe, chứ ở Mỹ bảo người ta đeo khẩu trang người ta không đeo anh làm gì được ?’.
Về việc ông Trump bị cáo buộc là đã che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh với người dân Mỹ, ông Cường nói ‘ai ở trong cương vị ông Trump cũng phải làm thế nào để trấn an người dân’ nhưng cho rằng ‘không nên che giấu như Tập Cận Bình mà phải nói ra một phần nào đó’.
Ông Cường nói dựa vào những gì ông theo dõi ông Joe Biden nhiều năm qua, ông ‘không tin vào kế hoạch chống dịch của ông Biden’. Thay vào đó, ông nói nếu có vaccine vào đầu năm sau thì dịch sẽ kiểm soát được.
Mặc dù ông Biden có hứa là nếu đắc cử, ông sẽ yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, ông Cường cho rằng ông Biden ‘không thể bắt buộc vấn đề này’.
"Đeo khẩu trang có hại cho sức khỏe, những người lớn tuổi như tôi khó thở", ông phân trần. "Khẩu trang không phải là cách thực tế chống dịch mà phải là vaccine".
‘Sống không bằng chết’
Chúng tôi đã tìm đến ông Ngô Bá Định, một bác sĩ chuyên Nội khoa tại Orange Coast Medical Center, để tìm hiểu về dịch bệnh có thật sự nghiêm trọng hay không. Bác sĩ Định là người trực tiếp chữa trị các bệnh nhân Covid-19 và bản thân ông cũng bị nhiễm virus corona nhưng sau khi được chữa trị đã bình phục.
Bác sĩ Định cho biết kể từ khi bang California mở cửa nền kinh tế, số bệnh nhân gốc Việt trong vùng nhập viện vì Covid-19 ‘tăng nhanh so với người gốc Mexico’.
Ngay trước bệnh viện Orange Coast, nơi ông Định làm việc, là một tấm bảng bằng cả ba thứ tiếng Anh, Việt và Tây Ban Nha cảnh báo những triệu chứng nhiễm Covid-19.
"Với tư cách là một bác sĩ và là một bệnh nhân đã nhiễm Covid-19, tôi không cho là nó đã bớt nguy hiểm", ông nói và dẫn ra số liệu trong ngày hôm đó nước Mỹ đã có 70-80 ngàn người nhiễm với hơn 1.000 ca tử vong.
Ông dự báo với số người nhiễm tăng vọt như vậy thì ‘trong 4-6 tuần nữa số ca tử vong sẽ tăng lên’. Do đó, ông cho rằng tuyên bố của Tổng thống Trump rằng ‘nước Mỹ đã vượt qua khúc quanh về dịch bệnh’ là ‘hoàn toàn sai trên cả số liệu và khoa học’.
Vị bác sĩ này đã kể lại cho chúng tôi những câu chuyện mà ông cam đoan là "mắt thấy tai nghe" để chứng minh là Covid-19 là có thật và nghiêm trọng. "Người sắp tắt thở vì Covid nhìn khó mà quên được. Có một bác gái tôi đưa cho điện thoại để nói chuyện qua FaceTime với chồng con mà nói cũng không được chỉ thở mà thôi", ông cho biết.
Bác sĩ Định cũng kể lại cảm giác khi ông đang nằm điều trị vì Covid-19 : "Tôi nghĩ đến số người chết, lúc đó chỉ có mấy chục ngàn người. Tôi biết sẽ có 200, 300, 400 người sẽ chết. Lúc đó tôi đã khóc".
Ông nói lúc đó ông chỉ có lấy ngón tay nhấn điện thoại để nhắn tin ‘mà cũng không nổi’. Ông muốn nói chuyện với vợ con qua FaceTime mà ‘cũng mệt vô cùng’. Ông không còn thiết ăn thiết uống, ngồi dậy cũng mệt, chỉ muốn nằm và ‘đấu tranh để thở’, ông kể.
"Lúc đó tôi mới biết cảm giác sống không bằng chết", ông nói và cho biết khi chữa trị cho bệnh nhân ông đã mặc ba lớp đồ bảo hộ mà vẫn bị lây nhiễm virus.
Bác sĩ Định cho biết "có nhiều bác đến hỏi các bác sĩ chúng tôi ‘cái này không có thật phải không bác sỹ, chỉ vì chính trị mà họ làm lớn chuyện lên thôi phải không ?’". "Chúng tôi nghe mà muốn điên lên được", ông bức xúc.
"Chúng ta đang ở giữa đại dịch còn kinh khủng hơn Chiến tranh thế giới thứ Ba. Chiến tranh còn có bom đạn, máu đổ đầu rơi chứ đại dịch giết người một cách thầm lặng, chết trong cô đơn buồn tủi không được nắm tay người thân giã từ lần cuối", ông Định cảnh tỉnh.
‘Số chết nhiều hơn thực tế’
Ông Định nói ông thông cảm với một số người Việt coi trọng việc đi làm kiếm tiền nhưng ông cho rằng tính mạng, sức khỏe phải cần được ưu tiên trước hết rồi mới đến kinh tế và rằng dù có phải phong tỏa để chống dịch đi nữa thì ‘ở nước Mỹ không ai chết đói’.
Vị bác sĩ này phản bác cáo buộc bác sĩ Mỹ thổi phồng số bệnh nhân Covid để trục lợi. Theo lời ông thì để chứng nhận một bệnh nhân chết vì Covid-19 ‘phải qua nhiều tầng’ là bác sĩ điều trị, nhà thương (nếu gian dối có thể bị phạt cả chục triệu đô la), quan chức y tế công cộng (phải điều tra hồ sơ rồi mới xuất giấy chứng tử) và Trung tâm Ngăn ngừa kiểm soát Dịch bệnh (CDC). "Phải có xét nghiệm dương tính, phải lên máy thở và được chữa trị bằng thuốc remdisivir thì mới được chứng nhận là chết vì Covid", ông cho biết.
Covid không trực tiếp gây ra cái chết ở những người thường đã có bệnh nền mà khiến bệnh của họ thêm trầm trọng dẫn đến tử vong, ông giải thích. Thậm chí, ông còn dẫn thống kê của CDC, các Đại học Yale và John Hopkins cho rằng ‘con số tử vong của Mỹ là thấp hơn thực tế’.
"Trong 9 tháng đầu năm số người chết nhiều hơn năm ngoái là 300 ngàn người, nếu trừ số người chết vì Covid thì còn 60 ngàn người nữa chết vì đâu trong khi đâu có động đất hay chiến tranh gì đâu", ông nghi vấn. "Có những người chết mà chưa được xét nghiệm, hoặc chưa kịp đến nhà thương".
Do đó, ông kêu gọi cộng đồng gốc Việt ở Little Saigon tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, nghe theo khoa học, tôn trọng các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch chứ không phải lên án, chửi bới, công kích họ.
Ông khuyên mọi người ‘lúc nào cũng nghĩ rằng mình có thể phát tán virus cho người thân nên phải tuân thủ khuyến cáo càng nhiều càng tốt’. Ông lập luận rằng không thể cho rằng các biện pháp phòng ngừa đó là ‘lấy đi tự do cá nhân’ và so sánh việc đeo khẩu trang như lái xe phải bắt buộc thắt dây an toàn.
‘Không thể ở trong nhà’
Tuy nhiên, cô Kim Trương, chủ tiệm làm tóc Bolsa Salon ở thành phố Westminster, không cho rằng đeo khẩu trang sẽ có tác dụng chống dịch.
"Nếu khẩu trang có hiệu quả thì tại sao phải giãn cách, nếu giãn cách có hiệu quả thì tại sao cần phong tỏa ?" cô lập luận với chúng tôi khi đang hớt tóc cho khách ngay tại tiệm của cô. Cả cô và khách hàng đều không đeo khẩu trang.
Cô Kim Trương nói cô không bao giờ tin vào khẩu trang
Theo lời cô thì có đến 99% khách của cô là khách hàng quen nên không thắc mắc việc cô không đeo khẩu trang khi làm việc. "Nếu khách nào muốn đeo và muốn mình đeo thì mình vẫn đeo thôi", cô nói.
Khi được hỏi có lo ngại sẽ lây bệnh cho những người xung quanh hay không nếu nhiễm bệnh mà không có triệu chứng, cô Kim nói : "Mỗi buổi sáng tôi test bằng cách nín thở 10 giây nếu thấy không bị khạc ra một cái là OK. Tại vì nếu mình bị nhiễm thì sẽ có cái gì đó mình phải biết".
Cô kể lại buổi đón tiếp Tổng thống Trump đến California mà cô có mặt là ‘ông Trump không đeo khẩu trang, cả đám đông cũng không ai đeo khẩu trang vì chúng tôi không tin tưởng cái đó’. "Không có luật nào bắt chúng tôi phải đeo khẩu trang hết", cô nhấn mạnh.
Theo lời cô thì những người xung quanh cô ‘không nghe nói có ai nhiễm bệnh gì hết’.
"Dịch bệnh gần 6 tháng rồi, tháng đầu mọi người cũng sợ nên ở trong nhà, những tháng sau mọi người đã ùa ra đường bình thường rồi. Bây giờ chỉ có người già là còn trong nhà mà thôi", cô cho biết. Giống ông Cường, cô Kim cho rằng ‘dịch bệnh bị làm lớn chuyện vì mục đích chính trị trong năm bầu cử’.
Cô không cho rằng Tổng thống Trump đã xem nhẹ dịch bệnh vì theo cô, bệnh này ‘rất nhẹ’ và ‘đến giờ tôi vẫn thấy như là cúm mùa thôi mà’. "Tháng nào năm nào cũng có người bị cúm mà", cô phân trần.
Chính quyền tiểu bang California của Đảng Dân chủ đã hai lần đóng cửa tiểu bang để chống dịch. Cô Kim phản đối quyết liệt việc này và cho rằng đó là ‘trò chính trị’ của Đảng Dân chủ ‘làm kinh tế đi xuống để đổ lỗi cho ông Trump’. Cô nói rằng nếu tiểu bang phong tỏa lần nữa thì cô sẽ ‘bất tuân’ vì ‘không có luật nào cấm người ta mở cửa làm ăn hết’.
Cũng giống như nhiều người Việt khác, cô Kim có tiền dành dụm nên vẫn có thể sống được trong mấy tháng phong tỏa, cô cho biết. Lý do cô phản đối phong tỏa là vì ‘muốn ra ngoài để trở lại cuộc sống bình thường’, cô nói.
"Ở trong nhà như ở tù. Ngày nào cũng ở nhà 24 tiếng sao tôi chịu nổi", cô bức xúc. "Tôi không được đi gym, không tụ tập với bạn bè, không đi hát karaoke được".
Theo lập luận của cô Kim thì việc phong tỏa không hiệu quả, vì ‘nếu hiệu quả thì đã hết bệnh rồi’. Cô nói cô cần mở cửa để có tiền trả tiền thuê mặt bằng, vốn đã được cho hoãn mấy tháng nay.
"Khổ nhất là những người tiểu thương như chúng tôi, tôi đã mất đi 50-70% thu nhập", cô nói thêm và cho biết cô đang trông chờ gói cứu trợ tiểu thương thứ hai của chính quyền.
Là một ủng hộ viên nhiệt thành của ông Trump, cô Kim đánh giá cao cách chống dịch của ông. Cô dẫn chứng là việc ông Trump ‘ngày nào cũng họp báo, nói khô nước miếng để thông báo tình hình cho người dân’.
"Nếu ông ấy giấu dịch, không lo cho dân thì tại sao ra đường tôi thấy ai cũng tung hô Trump hết vậy ?"
Ngoài việc làm tóc, trong mùa bầu cử, cô Kim còn bán mũ nón, cờ, biểu ngữ ủng hộ ông Trump. Cô khoe với chúng tôi chiếc áo dài ủng hộ Trump mà cô đặt may ở Việt Nam. Cô bày tỏ tin tưởng dịch bệnh sẽ qua một khi vaccine có sớm vào cuối năm nay.
"Cả thế giới bị dịch chứ không riêng gì nước Mỹ thì làm sao có thể đổ lỗi cho ông Trump được", người chủ tiệm tóc này lập luận và cho rằng dưới ông Trump còn có cả một ban bệ chống dịch ‘nên đâu phải một mình tổng thống quyết định hết được’.
Cô bày tỏ nghi ngờ các bác sĩ ở Mỹ khai khống các bệnh khác là chết vì Covid trong khi ở Việt Nam có chết vì Covid thì ‘họ cũng giấu chứ đâu có khai đủ’. "Tại sao Mỹ xa vậy mà bị nặng còn các nước gần Trung Quốc lại bị nhẹ ? Thật vô lý", cô bức xúc.
Cô Kim nói cô dùng trái tim đánh giá nên ‘cảm’ được Tổng thống Trump ‘là người có tâm, có đức, thương dân, yêu nước Mỹ’ nên cô hết lòng ủng hộ.
"Tôi đã ở đây hai mươi mấy năm chưa bao giờ đi bầu hết. Năm này tôi đi bầu và tổ chức tuần hành cho ông Trump. Tôi muốn ông ấy ở thêm bốn năm nữa vì ông ấy đã đi vào guồng rồi", cô bày tỏ.
‘Vô trách nhiệm’
Bác sĩ Ngô Bá Định (phải) từng thoát chết từ Covid-19
Trái với cô Kim Trương, bác sĩ Ngô Bá Định chỉ trích mạnh mẽ cách chính quyền Trump đối phó dịch bệnh mà ông gọi là ‘vô trách nhiệm’.
"Con số người chết không thể nói dối được. Mỹ chỉ chiếm 4,25% dân số thế giới nhưng chiếm đến 22-23% tỷ lệ tử vong", ông chỉ ra và nói thêm rằng nếu tính theo tỷ lệ người chết thì Mỹ có 700 trên 1 triệu người so với chỉ 11 người của Nhật Bản.
Ông lên án ông Trump đã biết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh từ sớm nhưng ‘cố tình giấu nhẹm vì lý do kinh tế, vì thị trường chứng khoán rồi vấn đề bầu cử sắp tới’.
Bác sĩ Định chỉ ra việc ông Trump dù đã từng nhiễm virus corona nhưng vẫn nhiều lần đi vận động tranh cử với đông đảo cử tri và ‘đứng sát bên nhau mà không đeo khẩu trang’.
"Một người lãnh đạo mà dân mình chết mấy trăm ngàn người mà nói rằng ‘it is what it is’ (chuyện thế là phải thế thôi) thì đâu có được", ông bức xúc.
Theo lập luận của ông thì trách nhiệm của tổng thống Mỹ là lo cho dân, không để dân chết nhiều ‘chứ không phải đổ thừa cho Trung Quốc là thủ phạm mà mình không lo cho được’.
Ông Định than phiền Tổng thống Trump đã không tin dùng mà còn công kích bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm, người có 35 năm kinh nghiệm đánh đại dịch.
"Tổng thống Trump đã không bảo vệ được bản thân mình trước Covid thì liệu ông có thể bảo vệ cho người dân Hoa Kỳ trước Covid được không", ông Định nói, ý nhắc đến việc ông Trump và phu nhân của ông đều bị nhiễm loại virus này.
Một hành động khác của ông Trump là ông Định bức xúc là sau khi khỏi bệnh, trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump còn kéo khẩu trang xuống để kêu gọi ‘mọi người đừng có sợ’.
"Đáng lẽ ông ấy phải học được bài học là phải tiếp tục giãn cách xã hội, phải đeo khẩu trang chứ", ông Định. "Lẽ ra ông ấy phải làm tấm gương cho người dân".
Ông Định cũng không đồng ý việc ông Trump kêu gọi ‘sống chung với đại dịch’. "Đại dịch là kẻ sát nhân không thể nào sống chung được mà phải chiến đấu với nó, tiêu diệt nó. Sống với nó là miễn dịch bầy đàn, tức là phải có 60-70% dân có kháng thể. Được như vậy là phải chết mười mấy triệu người".
Vị bác sĩ này cũng cho rằng ông Trump không học được từ kinh nghiệm chống dịch cúm lợn
H1N1 của chính quyền Barack Obama hồi năm 2009. "Tổng thống Obama có thành lập ban đặc nhiệm phòng chống đại dịch nhưng sau khi lên ông Trump lại dẹp bỏ", ông chỉ ra.
Về việc nghiên cứu và chế tạo vaccine, ông nói rằng không phải tuân theo ý muốn chính trị của tổng thống Trump được. "Chín hãng dược đã đoàn kết lại để không bị chính quyền áp lực mà chính trị hóa việc sản xuất vaccine", ông cho biết.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 02/11/2020
Bầu cử Mỹ : Donald Trump chỉ trích bác sĩ Fauci, phe Cộng Hòa bất bình
Tú Anh, RFI, 20/10/2020
Bác sĩ Anthony Fauci, người được công luận Mỹ kính phục trong cuộc chiến chống Covid-19, bị tổng thống Mỹ "chê lên, chê xuống". Trong một cuộc điện đàm với các cộng sự viên và được kể lại, Donald Trump xem bác sĩ Fauci và "một thảm họa", cho dù chính ông đã bổ nhiệm chuyên gia này vào bộ phận xử lý khủng hoảng đại dịch ở Nhà Trắng.
Hôm thứ Hai 19/10, tiếp xúc với cử tri Cộng hòa ở bang Arizona, tổng thống Donald Trump lại một lần nữa tấn công bác sĩ Anthony Fauci, nhưng với lời lẽ nhẹ hơn.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
«Bang của quý vị đạt kết quả tốt trong đại dịch này". Donald Trump khẳng định như thế, trong khi bang Arizona báo cáo có 748 ca lây nhiễm mới hôm thứ Hai 19/10/2020.
"Đại dịch Covid, Covid, Covid … người ta nghe CNN nói mãi đến chán". Cùng với tuyên bố này, tổng thống Mỹ gọi nhà báo của CNN là "bọn con hoang ngu ngốc". Tiếp theo, ông gián tiếp tấn công bác sĩ Anthony Fauci : "Quý vị có biết là Joe Biden muốn phong tỏa nước Mỹ và nghe lời bác sĩ Fauci. Và bác sĩ Fauci đã nói "không cần đeo khẩu trang", quý vị đã thấy nhé. Bây giờ thì ông ấy nói là phải đeo khẩu trang … Người ta khen bác sĩ Fauci là một nhân vật tuyệt vời ! Ông ấy tuyệt vời thật, và tôi cũng mến ông ấy lắm, nhưng ông ấy ném banh tệ lắm …"
Trong tiếng cười phụ họa của cử tọa, tổng thống Donald Trump nhái điệu bộ vụng về của bác sĩ Fauci ném trái banh dã cầu. Những lời công kích liên tục chống lại một trong những vị bác sĩ được kính phục nhất nước Mỹ đã gây ra những phản ứng bất bình, kể cả trong nội bộ đảng Cộng hòa.
Tú Anh
Bắc Kinh dọa giữ "con tin" Mỹ ở Trung Quốc để trả đũa Washington
Thu Hằng, RFI, 18/10/2020
Bắc Kinh cảnh báo Washington là có thể bắt giam công dân Mỹ ở Trung Quốc để đáp trả việc Hoa Kỳ bắt giữ nhiều nhà khoa học Trung Quốc. Theo báo Wall Street Journal ngày 17/10/2020, thông điệp này được Bắc Kinh gửi đến chính quyền Mỹ rất nhiều lần và thông qua nhiều kênh khác nhau, kể cả thông qua đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh.
Thông điệp của Trung Quốc rất rõ : Washington phải ngừng ngay việc truy tố các nhà khoa học Trung Quốc, nếu không công dân Mỹ ở Trung Quốc cũng có nguy cơ rơi vào cảnh vi phạm luật pháp Trung Quốc.
Lời cảnh báo được đưa ra ngay từ mùa hè, sau khi Hoa Kỳ bắt đầu hàng loạt vụ bắt giữ các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu tại các trường đại học Mỹ, cáo buộc họ không trung thực khi khai hồ sơ nhập cư và che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, tiếp theo là vụ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vào tháng 07.
Những lời đe dọa này có thể biến thành hiện thực vì theo báo Mỹ Wall Street Journal, chính quyền Trung Quốc vẫn vô cớ bắt công dân nước ngoài để phục vụ cho chiến lược ngoại giao của họ, một chiến lược bị Washington gọi là "ngoại giao con tin".
Trường hợp hai công dân Canada bị Trung Quốc kết tội "làm gián điệp" là ví dụ điển hình và thực tế nhất. Vụ bắt giữ từ tháng 12/2018 hai ông Michael Kovrig và Michael Spavor được cho là nhằm trả đũa việc Canada bắt giam bà Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Mỹ.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân : Đại hội của Đảng và cũng là Đại hội của Nhân dân.
"Đại hội Đảng bộ là để Đảng kiểm điểm trách nhiệm thông qua sự đánh giá của người dân. Đồng thời, những mong muốn, nguyện vọng của từng người dân phải được thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng.
Đại hội của Đảng cũng là Đại hội của Nhân dân. Vì vậy, việc lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến đóng góp và giao nhiệm vụ của Nhân dân là rất quan trọng" – Đó là lời của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị gặp gỡ các cơ quan báo chí trước Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 được tổ chức vào chiều 02/10/2020.
Tứ trụ triều đình nay còn ba - Ảnh minh họa
Thế nhưng trên thực tế liệu người dân nào nằm trong cụm từ được viết hoa "Nhân dân" ấy mà ông Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh muốn nói đến ?
Trong khi đó thì trong bài báo đăng trên tờ Tuổi Trẻ, phát hành ngày 5/10/2020, có đưa kết quả về khảo sát "Người Mỹ gốc Việt chọn ai ?". Bài báo cho biết :
"Theo một cuộc khảo sát được tiến hành với 1.600 người Mỹ gốc Á hồi tháng 9/2020, có 48% người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump so với 36% dành cho ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, ông Joe Biden. Điều này có phần ngược lại ở các nhóm người Mỹ gốc Hoa, gốc Nhật, gốc Hàn và gốc Ấn. Tỉ lệ ủng hộ ông Biden lên tới 54% trong các nhóm này, trong khi ông Trump chỉ nhận được 30% tán thành.
Trong đợt bầu cử lần này, nhiều tổ chức của người Việt vận động cho ông Trump đã xuất hiện và kêu gọi ủng hộ bằng nhiều hình thức như ca hát, quảng cáo. "Đời sống của người Mỹ gốc Á dưới thời ông Trump được cải thiện rất nhiều, nền kinh tế rất mạnh và gần như ai cũng có việc làm trước khi đại dịch bùng phát", một người đứng đầu hội vận động cho ông Trump nói với báo South China Morning Post (SCMP) ngày 3-10.
Tuy nhiên, theo giáo sư Lien-Hang T. Nguyen thuộc Đại học Columbia (Mỹ), kết quả các cuộc khảo sát người Mỹ gốc Việt có thể không thực sự sát thực tế. Giáo sư Lien nhận xét quan điểm chính trị của người Việt phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ giáo dục, tuổi tác, địa vị kinh tế – xã hội. Những người Việt trẻ sinh ra trên đất Mỹ có quan điểm chính trị đặc biệt khác với cha mẹ và ông bà của mình, theo báo SCMP".
Liệu nếu có một cuộc khảo sát bỏ túi tương tự trong giới bình dân cà phê hè phố ở Sài Gòn, với phần ra đề "Nếu có lá phiếu quyền dân về bầu ‘tứ trụ’, sẽ chọn ai ?", thì có mấy ai dám công khai bày tỏ chính kiến và báo chí dám đăng mà không ngại bị chụp chiếc mũ chính trị hóa ?
Tứ trụ là danh xưng để chỉ 4 vị quan lớn nhất, có vai trò trụ cột của triều đình phong kiến.
Dưới thời Nguyễn, tứ trụ triều đình còn được hiểu là Tứ trụ Đại học sĩ là 4 chức quan Đại học sĩ cao cấp thời phong kiến Việt Nam, bao gồm : Cần Chánh điện Đại học sĩ ; Văn Minh điện Đại học sĩ ; Võ Hiển điện Đại học sĩ ; Đông Các điện Đại học sĩ. 4 vị quan này đều hàm Chính nhất phẩm, cao hơn cả Thượng thư (hàm Chính nhị phẩm, tương đương Bộ trưởng thời nay) và Tổng đốc.
Khi có biến, 4 viên quan đó ("Tứ trụ triều đình") mặc nhiên trở thành Phụ chính Đại thần và lập ra Hội đồng Phụ chính. Hội đồng Phụ chính là tổ chức cao cấp trong triều đình phong kiến, chỉ hình thành khi vua vắng mặt hoặc còn nhỏ tuổi, để điều hành công việc đất nước.
Hiện tại thì trong thể chế chính trị ở Việt Nam, cụm từ "tứ trụ" hiểu đơn giản hơn dùng để chỉ 4 chức vụ lớn nhất của các nhà lãnh đạo Việt Nam gồm : Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ ; trong đó quyền lực tối cao chỉ có "nhất trụ" Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.
Xét về tuổi tác thì các vị Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thiện Nhân, Ngô Xuân Lịch, Tòng Thị Phóng, Trương Hòa Bình, Trần Quốc Vượng đều sẽ phải về hưu.
Như vậy chỉ còn 7 người đủ tiêu chuẩn để cạnh tranh các vị trí trong tứ trụ, bao gồm : Bộ trưởng Công an Tô Lâm (1957), Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (1958), Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh (1959), Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai (1958), Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ (1957), Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình (1961) và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (1970).
Ứng viên cho "nhất trụ", nếu một ngoại lệ về tuổi tác được chấp thuận, thì có khả năng cao là ngoại lệ sẽ cho trường hợp ông Trần Quốc Vượng và ông ta sẽ là Tổng bí thư tiếp theo vì lý do kinh nghiệm.
Ông Vượng có kinh nghiệm ở Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan trung ương đảng – nơi ông là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương (2011), Ban Bí thư (từ tháng 5 /2013) và Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng (2016), Thường trực Ban Bí thư (từ tháng 3 năm 2018). Ông Trần Quốc Vượng sinh ở Thái Bình. Ông là cánh tay phải của ông Trọng trong chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra.
Cạnh tranh với ông Trần Quốc Vượng trong trường hợp chấp nhận ngoại lệ, đó là ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ.
"Tam trụ" còn lại sẽ rất có thể nằm trong số Tô Lâm, Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai, Phạm Bình Minh, và Nguyễn Văn Bình – riêng ông Võ Văn Thưởng thì có đồn đoán là sẽ tự rút lui.
Nếu bạn là "thường dân" và được hỏi ý kiến, bạn sẽ chọn ai ?
Hoài Giang
Nguồn : VNTB, 08/10/2020
Theo kết quả do hãng Gallup khảo sát được công bố vào tháng 8/2018, có tới 51% số người trẻ ở Mỹ và 57% số người theo đảng Dân chủ thích chủ nghĩa xã hội.
Bài viết trước "Vì sao giới trẻ Mỹ nay thích chủ nghĩa xã hội ? (BBC News tiếng Việt) đã giải thích hiện tượng nói trên.
Đồng tiền còn có 2 mặt, nói chi một xã hội tự do và đa nguyên nhất thế giới như nước Mỹ, hôm nay xin tiếp tục giải thích về thành phần bảo thủ tại Mỹ.
Giá trị Mỹ bị đảo ngược…
Vào những năm cuối thập niên 1950, nhà xã hội học Michael E. Harrington, người khai sinh tổ chức Dân chủ Xã hội Hoa Kỳ, nhận xét có hai nước Mỹ, một của người giàu và một của người nghèo.
Quyền lực kinh tế và chính trị đều nằm trong tay người giàu, vì vậy chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, người đã giàu lại càng giàu hơn.
Muốn thay đổi xã hội phải dứt khoát từ bỏ đấu tranh giai cấp do Karl Marx đề ra, phải thực hiện đấu tranh chính trị, phải tái cấu trúc hệ thống các đảng chính trị và phát động cuộc chiến chống lại nghèo khó ngay trên đất Mỹ.
Tư tưởng nói trên ảnh hưởng đến chính sách của Tổng thống John Kennedy (1961-63), một kế hoạch chống lại nghèo đói và bất công đã ra đời, và đã được Tổng thống Lyndon Johnson (1963-69) tiếp tục thực hiện.
Tư tưởng xã hội chủ nghĩa, các phong trào bình đẳng giới tính, bình đẳng sắc tộc, chống chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1960 làm đảo lộn mọi giá trị truyền thống của người Mỹ.
Tư tưởng xã hội chủ nghĩa dần dà không chỉ trở thành chính sách của đảng Dân chủ, mà còn ảnh hưởng đến chính sách của đảng Cộng hòa, và ảnh hưởng đến nước Mỹ.
Những người trưởng thành trong thập niên 1960 và thập niên 1970 trở thành những nhà báo, nhà làm phim, nhà hoạch định chính sách, nhà hoạt động xã hội và chính trị, nhà giáo dục…, ảnh hưởng đến xã hội và đến thế hệ trẻ hơn.
Bởi thế ngay cả Hiến pháp và các giá trị truyền thống Mỹ những người trẻ ít được biết đến, họ được giáo dục, được đọc sách, đọc báo, xem phim ảnh, theo quan điểm của người cấp tiến xã hội chủ nghĩa.
Bảo thủ là thế nào ?
Nước Mỹ theo thể chế Cộng hòa, công dân Mỹ phải trung thành với Hiến pháp, nhưng mỗi người hiểu Hiến pháp mỗi khác.
Tối cao Pháp viện là cơ quan có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, tuyên bố các đạo luật liên bang, đạo luật tiểu bang là vi hiến, hoặc tuyên bố các hoạt động của hành pháp liên bang và tiểu bang là vi hiến.
Tối cao Pháp viện gồm chín thẩm phán do Tổng thống bổ nhiệm trọn đời và Thượng viện phê chuẩn chấp nhận.
Các thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ giải thích Hiến pháp và các đạo luật theo nghĩa gốc ban đầu tạo ra chính nó.
Còn các thẩm phán theo khuynh hướng cấp tiến giải thích ý nghĩa của Hiến pháp theo hoàn cảnh, theo thời gian hoặc theo các tài liệu chứng cứ xung quanh việc ban hành đạo luật.
Tối cao Pháp viện có khi do phía cấp tiến nắm giữ và có lúc do phía bảo thủ quyết định.
Thành phần bảo thủ như vậy là những người muốn duy trì giá trị truyền thống do những nhà lập quốc Hoa Kỳ truyền lại trong Hiến pháp.
Quyền phá thai
Phụ nữ bang North Dakota xuống đường đòi quyền được phá thai trước ngày án lệ Roe v. Wade có hiệu lực
Án lệ Roe v. Wade về quyền phá thai là án lệ gây tranh cãi và chia rẽ trong suốt 40 năm qua.
Án lệ được thành phần cấp tiến nhiệt tình ủng hộ vì nó đáp ứng quyền riêng tư và nữ quyền, nhưng đã phạm vào niềm tin và tín ngưỡng của thành phần bảo thủ.
Án lệ được Tối cao Pháp viện phán quyết ngày 22/1/1973, theo Tu chính án số 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, người phụ nữ có quyền phá thai và quyền này được quy định trong suốt thời gian người phụ nữ mang thai.
Nhưng Tối cao Pháp viện đồng thời lại cho phép các tiểu bang ấn định khi nào bào thai có khả năng tồn tại độc lập, vì thế ở một số tiểu bang bảo thủ quyền phá thai gần như không được thi hành.
Quan điểm bảo thủ…
Những người có tín ngưỡng tin rằng bào thai là nguồn sống được Thượng đế ban cho con người và đất nước Hoa Kỳ, nên không ai được quyền tước đi mạng sống của người khác.
Những người bảo thủ còn tin rằng việc phá thai, sẽ dẫn đến việc xa rời đức tin tôn giáo, phá bỏ truyền thống gia đình và xã hội.
Trong khi những người cấp tiến tin vào kế hoạch hóa gia đình, thì người bảo thủ lập luận việc phá thai khiến nước Mỹ bị lão hóa phải nhận thêm di dân, càng đông di dân càng hủy hoại giá trị truyền thống của người Mỹ.
Vào năm 1995, bà Norma McCorvey người tạo ra án lệ Roe v. Wade trở thành một tín hữu Tin Lành, bà nhìn nhận khi còn trẻ bị hoàn cảnh đưa đẩy dẫn đến án lệnh này.
Bà McCorvey rất hối hận nên đã trở thành một nhà hoạt động chống phá thai, bà đã từng điều trần trước Quốc Hội chống lại việc phá thai.
Phán quyết đổi chiều…
Vào đầu tháng 6/2019, Tối cao Pháp viện Mỹ bất ngờ ủng hộ một điều luật của tiểu bang Indiana là tất cả các bào thai dù bị sẩy thai hoặc phá thai đều phải được chôn cất hoặc hỏa táng.
Quyết định này được xem là bước đầu công nhận bào thai không phải là chất thải y tế, mà là con người khi mất phải được đối xử trang nghiêm.
Khi đã xem bào thai là con người, bước kế tiếp là bào thai có quyền được sống được hưởng mọi thứ quyền mà công dân Hoa Kỳ được hưởng.
Nhưng các thẩm phán Tối cao Pháp viện cẩn thận đưa ra một phán quyết khác là trong một số trường hợp phụ nữ ở tiểu bang Indiana tiếp tục có quyền phá thai.
Người có tín ngưỡng ủng hộ ông Trump
Tổng thống Trump chống lại việc phá thai, nhưng lại đồng ý trong trường hợp người phụ nữ bị hãm hiếp, hay loạn luân, hay để bảo vệ cuộc sống của người mẹ, người phụ nữ có quyền phá thai.
Mặc dù, quan điển này không được giới chống phá thai đồng ý, nhưng họ đều biết chính nhờ ông Trump đã bổ nhiệm 2 thẩm phán bảo thủ nên mới có được kết quả nói trên.
Ngay sau đó đã có tới mười tiểu bang ban hành các quy định phá thai và cấm phá thai nhằm thách thức Tối cao Pháp viện phải xét lại quyền phá thai.
Con số phá thai đã giảm rất nhiều, nhiều phòng khám phá thai đã phải đóng cửa, tiểu bang Missouri không có phòng khám phá thai nào…
Theo khảo sát được Democracy Institute/Sunday Express công bố ngày 14/7/2020, đa số người Mỹ có tín ngưỡng ủng hộ Tổng thống Trump tái đắc cử.
Đặc biệt, 90% người theo Công giáo Phúc âm (Evangelical Christians) bày tỏ ủng hộ ông Trump, chỉ có 8% nói họ sẽ bỏ phiếu cho ông Joe Biden.
56% người theo Tin lành ủng hộ ông Trump, 42% bỏ phiếu cho ông Biden.
Còn người theo Công giáo Roma 52% ủng hộ ông Trump, 44% ủng hộ ông Biden.
Ông Biden nhận được sự ủng hộ của đa số người theo Do Thái giáo (61%) và những người vô thần (90%).
Xóa bỏ chủ nghĩa tư bản …
Ngày 9/7/2020, ông Joe Biden, ứng cử viên đảng Dân chủ, tại Dunmore, tiểu bang Pennsylvania đã công khai kế hoạch tranh cử Tổng thống trong đó có việc "chấm dứt kỷ nguyên chủ nghĩa tư bản cổ đông" (era of shareholder capitalism).
Ông cho biết sẽ thay thế bằng một hệ thống quản trị xí nghiệp dựa trên quyền lực của các nghiệp đoàn lao động và dựa trên các cộng đồng người da đen, da màu và người Mỹ bản địa.
Ông định mức lương tối thiểu 15 Mỹ kim một giờ và dự định tăng thuế thu nhập công ty từ mức thuế 21% hiện nay lên 28%, trở lại mức thuế thời Tổng thống Obama.
Việc Tổng thống Trump vào năm 2017 giảm thuế công ty xuống còn 21%, đã vực dậy nền kinh tế Mỹ, giảm thất nghiệp đến mức thấp nhất trong vòng mấy chục năm, nhất là giảm thất nghiệp trong cộng đồng người Mỹ gốc da đen.
Những chính sách của ông Biden tương tự với ý tưởng của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một người cực tả, có lập trường đối nghịch với thành phần bảo thủ kinh tế những người tin vào kinh tế tự do, chính phủ không can thiệp vào hoạt động xí nghiệp, giảm thiểu thuế công ty.
Bảo thủ chống chủ nghĩa xã hội
Hai thí dụ trong bài nói lên sự khác biệt về xã hội và kinh tế giữa thành phần bảo thủ và thành phần cấp tiến theo xã hội chủ nghĩa tại Mỹ.
Ngay từ thời Tổng thống John F. Kennedy (1961-63), những cuộc tranh cử Tổng thống và tranh cử giữa kỳ tại Mỹ, đều là những cuộc giao đấu chính trị giữa hai khuynh hướng bảo thủ và xã hội.
Những đề tài chính trị khác, như bình đẳng giới tính, bình đẳng sắc tộc, bảo vệ môi trường, toàn cầu hóa, thương mãi Mỹ-Trung, mở cửa phục hồi kinh tế sau đại dịch…, sẽ là những đề tài tranh cãi giữa các ứng cử viên trong cuộc tranh cử 2020 sắp tới.
Cuối cùng khối cử tri trung dung, thầm lặng quan sát, cân nhắc và quyết định kết quả cuộc bầu cử.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi, 17/07/2020
Chỉ còn hơn sáu tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Đây là lúc kiểm điểm lại những sự kiện đã và đang xẫy ra trong vài năm qua liên quan đương kim Tổng thống Donald Trump và Hoa Kỳ. Tự những sự kiện này sẽ nói lên sự thật.
Cá nhân
1. Tòa án New York phạt Trump 3,8 triệu USD vì lạm dụng tiền của quỹ từ thiện Trump Foundation. Tòa cũng ra lệnh đóng cửa tổ chức này (11/2019).
2. Hai tòa án liên bang Hoa Kỳ tại New York và San Francisco phạt Trump University 25 triệu USD và ra lệnh đóng cửa trường này vì lừa bịp học viên (2/2018).
3. Hoạt động kinh doanh thất bại của Trump : Trump Airlines, Trump Casinos, Trump Mortgage, Trump University, Trump Vodka, Trump Steaks, China Connection.
4. Sáu lần khai phá sản : Trump Taj Mahal Associates, Atlantic City Casino (1991), Trump Castle Hotel & Casino, Atlantic City Casino (1992), Trump Plaza Associates, Atlantic City Casino (1992), Plaza Operating Partners, Manhattan Hotel (1992), Trump Casino Holdings, Atlantic Casinos (2004), Trump Entertainment Resorts, Atlantic City Casinos (2009).
5. Trump nói dối hoặc tung tin không xác thực 16.241 lần trong đúng 3 năm đầu làm Tổng thống tính đến ngày 20/1/2020.
6. Giáo sư William T Kelley : "Donald Trump là môt sinh viên đần độn nhất từ trước tới nay của tôi" tại University of Pennsylvania.
7. Dalai Lama nói Trump thiếu những nguyên tắc đạo đức (6/2019).
8. Giáo hoàng Francis chỉ trích Trump không phải là người Thiên Chúa giáo vì có những hành vi không theo tinh thần Thiên Chúa giáo (1/2019).
9. Trump dọa kiện các trường học nếu họ tiết lộ điểm của Trump vì sợ lòi ra điểm xấu.
10. Bốn lần tìm cách trốn tránh quân dịch với lý do học vấn. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông lấy lý do có cục xương ở gót chân (1968).
11. Trên 40 phụ nữ Hoa Kỳ và ngoại quốc công khai tố cáo Trump tấn công tình dục. Hai trường hợp đang được tòa án cứu xét.
12. Trump bị tố cáo nhờ luật sư cá nhân trả cho cô đào cởi truồng Stomy Daniels 130.000 USD trước cuộc bầu cử 2016 để cô này giữ yên lặng về liên hệ giữa cô và ông Trump. Nhưng vụ này bị báo Wall Street Journal phanh phui ra. Tòa án New York District đang thụ lý vụ vi phạm luật bầu cử này. Ủy ban Tư pháp Hạ viện cũng đang tiến hành cuộc điều tra (9/2019).
13. Trump bị kiện bởi E. Jean Carroll về trường hợp hiếp dâm vào 1996. Trump xin hủy bỏ bản án này nhưng Tối cao Pháp viện New York tại Manhattan quyết định cho tiến hành (1/2020).
Chính trị và ngoại giao
1. 157 học giả Hoa Kỳ xếp hạng Trump là một trong ba Tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ (1/2020).
2. Patti Davis, con gái của Tổng thống Reagan bầy tỏ quan điểm trên Washington Post : "Cả thế giới biết một đứa trẻ đang chiếm giữ Nhà Trắng" (12/2018).
3. Những hoạt động sau đây đang bị điều tra hình sự : Tổ hợp Trump (Trump Organization), chiến dịch tranh cử (Trump campaign), chuyển tiếp chính quyền (Trump transition) và lễ nhậm chức (Trump inauguration).
4. Đô đốc William H. McRaven (về huu) tuyên bố "Chế độ Cộng hòa của chúng ta bị Tổng thống tấn công. Nếu Tổng thống không chứng tỏ tài lãnh đạo mà nước Mỹ cần, đây là lúc để cho một người mới vào phòng bầu dục... Tấn công của Tổng thống vào truyền thông là một đe dọa lớn nhất đối với chế độ dân chủ của chúng ta trong suốt cuộc đời của tôi" (10/2019).
5. Sir Kim Darroch, Đại sứ Anh tại Hoa Kỳ, báo cáo với chính phủ Anh rằng Trump là người vớ vẩn, bất ổn, và thiếu khả năng. Ông nói thêm rằng tình hình Nhà Trắng hỗn loạn và sự nghiệp của Tổng thống sẽ chấm dứt trong nhục nhã. Sau khi tin này được tiết lộ ra ngoài, Anh quốc đã thay đại sứ mới (7/2019).
6. Tạp chí nổi tiếng Christianity Today kêu gọi truất phế Tổng thống Trump vì ông công khai mời gọi nước ngoài can thiệp vào chính trị Hoa Kỳ. Đây là một vi hiến trầm trọng (12/2019).
7. Trump là một trong ba Tổng thống Hoa Kỳ bị Hạ viện luận tội vì lạm dụng quyền lực ép buộc một nước đồng minh bôi nhọ một đối thủ chính trị của mình, nhưng ông may mắn không bị Thượng viện cách chức vì đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện (12/2019).
8. Trong 2 năm rưỡi, chính quyền của Tổng thống Trump nhận 37 bản cáo trạng buộc tội, 7 án phạt hình sự và 6 án tù. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Obama không có một tai tiếng nào cả.
9. Trong vòng 30 tháng, kể từ 1/2017 - 7/2019, đã xẩy ra 49 vụ từ chức hay bãi nhiệm trong chính quyền hỗn loạn của Tổng thống Trump.
10. Tổng thống Trump mạ lỵ chiến tranh bảo vệ tự do của Mỹ tại Việt Nam : "Tôi không bao giờ thích chiến tranh đó cả. Đó là một cuộc chiến tồi tệ đáng lẽ không bao giờ Hoa Kỳ nên tham dự vào" (6/2019).
11. Trong hơn ba năm qua, Hoa Kỳ đã phải chịu đựng những thất bại ngoại giao từ Venezuela, Iran, Bắc Triều Tiên, Syria, Iraq và Palestine. Công nhận Golan Heights của Syria là một phần đất của Do Thái và Jerusalem là thủ đô của Do Thái là những vi phạm luật pháp quốc tế. Rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership), Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Thỏa hiệp Paris về Thay đổi khí hậu là những sai lầm lớn. Các nước đồng minh truyền thống dần dần xa lánh Hoa Kỳ.
12. Giáo sư Brett Bruen, Georgetown University : "Thất bại là nét đặc biệt của chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump… Không có chiến lược, không có cộng tác viên giỏi, và không có đồng minh hỗ trợ, cuối cùng Trump sẽ đưa Hoa Kỳ vào những cuộc xung đột tốn kém" (6/2019).
13. Giáo sư Stephen M. Walt, Harvard University : "Sau hơn hai năm của nhiệm kỳ đầu, một thành tích nổi bật nhất của Trump về chính sách ngoại giao là hình ảnh của Hoa Kỳ trên toàn cầu giảm xuống không ngừng và rõ rệt. Và đây là một thảm họa thực sự. Ngoại trừ Trump sau cùng sẽ bị hạ bệ vì những rắc rối về pháp luật, ông ta sẽ có thể sống cuộc đời còn lại trong an nhàn, bao quanh bởi một đoàn tùy tùng gồm những kẻ bợ đỡ, cầu cạnh, và những hèn hạ mà ông ta đã nuôi dưỡng được trong suốt cuộc đời của mình. Còn lại, chúng ta sẽ là những người sẽ phải thanh toán những phí tổn do sự đổ vỡ của một nhiệm kỳ Tổng thống gây ra" (3/2019).
14. Tổng thống Trump đã thu nạp khá nhiều thành phần da trắng thượng đẳng và cực hữu vào trong chính quyền. Trong hơn ba năm qua, tội ác về kỳ thị chủng tộc lan rộng khắp nơi trên đất Mỹ. Theo báo cáo của FBI, riêng trong năm 2018 xẩy ra 4.571 vụ xô sát vì mầu da, con số cao nhất trong 16 năm qua, đặc biệt nhắm vào người gốc Châu Mỹ La Tinh. Thực tế cho thấy Trump đã kích động, khơi gợi, dung túng và bao che cho những hành vi kỳ thị, thúc đẩy phong trào da trắng thượng đẳng được che đậy dưới lớp vỏ bọc phong trào dân túy.
Kinh tế
1. Ngân sách thiếu hụt tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong những năm vừa qua từ 585 tỉ USD trong tài khóa 2016, tương đương với 3,1% GDP, lên đến 1.083 tỉ USD trong tài khóa 2020, tương đương với 4,8% GDP.
2. Nợ công tăng từ 19.573 tỉ USD trong tài khóa 2016, tương đương với khoảng 104% GDP, lên đến 24.057 tỉ USD trong tài khóa 2020, tương đương với 108% GDP. Đây là những con số kỷ lục. Khi tranh cử Trump hứa sẽ cân bằng ngân sách và xóa sạch nợ khi làm Tổng thống.
3. Vào đầu năm nay, Tổng thống Trump đã đệ trình Quốc hội ngân sách 4,8 ngàn tỉ USD cho tài khóa 2020-2021. Ông đề nghị cắt giảm đáng kể hầu hết những chương trình an sinh xã hội, buộc những người có lợi tức thấp phải gánh chịu hậu quả của chính sách kinh tế sai lầm của ông. Đây là một việc bất công và thất nhân tâm (2/2019).
4. Chính sách giảm thuế 2018 đã thất bại khiến cho ngân sách thiếu hụt trầm trọng và nợ công kỷ lục và mức phát triển kinh tế không đạt được mục tiêu như ông Trump hứa hẹn 4%-6%.
5. Mức phát triển kinh tế trong năm 2019 là 2,2%. Dự đoán trước đây cho 2020 là 2%, nhưng vì ảnh hưởng của đại dịch kinh tế có thể suy giảm 50% và tỉ lệ thất nghiệp sẽ có thể lên đến 30%. Hi vọng tình trạng này sẽ không kéo dài.
6. Tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục cải thiện từ thời Tổng thống Obama 4,7% vào cuối năm 2016 xuống còn 3,5% vào cuối năm 2019. Vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉ lệ thất nghiệp đã bắt đầu tăng. Vào tháng 3/2020, tỉ lệ thất nghiệp là 4,4%. Gần 7 triệu người khai thất nghiệp tuần cuối cùng của tháng 3. Trong mùa đại dịch tỉ lệ thất nghiệp có thể đạt tới mức 30% theo dự đoán của Federal Reserve Bank of St. Louis. Kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục suy giảm trong những tháng tới với mức độ nghiêm trọng như thời kỳ đại khủng hoảng kinh tế.
7. Chiến tranh thương mại do Tổng thống Trump gây ra với Trung Quốc và một số nước đồng minh vào đầu năm 2018 đã làm cho kinh tế thế giới suy giảm và đặc biệt gây thiệt hại đáng kể cho Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hầu hết các dự án đầu tư bị trì hoãn hay hủy bỏ vì tình trạng thị trường bất ổn. Nông dân Hoa Kỳ điêu đứng vì thuế quan. Khu vực công nghệ rơi vào tình trạng co cụm. Giới tiêu thụ Hoa Kỳ đã phải chi thêm khoảng 34 tỉ USD trong 2 năm đầu vì thuế quan. Như tôi đã dự đoán trước, cuộc chiến thuế quan rơi vào bế tắc và thiệt hại quá to lớn khiến đôi bên đã phải thỏa thuận giải pháp cho giai đoạn I. Ông Trump từng tuyên bố nhiều lần "Tôi là người của thuế quan… Chiến tranh thương mại tốt và dễ thắng." Thực tế đã chứng minh ông đã sai lầm một cách nghiêm trọng.
Covid-19
1. Tổng thống Trump xem đại dịch là một tin bịa đặt của đảng Dân chủ để hại ông và không tin cả vào báo cáo của tình báo Hoa Kỳ vào đầu năm. Sau đó ông tuyên bố sẵn sàng đối phó với đại dịch Covid-19. Sự thực là Hoa Kỳ thiếu thốn trầm trọng mọi thiết bị y tế, ngay cho cả các bệnh viện. Nay con số người nhiễm coronavirus tại Hoa Kỳ đã lên đến 422.350 người được xác nhận và 14.257 người chết, đứng đầu thế giới. Các con số này trên thực tế có thể cao hơn nữa vì các cơ sở y tế không có đủ máy thử nghiệm, trái với điều Tổng thống Trump nói. Hoa Kỳ đã lãng phí khoảng hai tháng. Ông ưu tiên chú trọng tới kinh tế mà bỏ bê việc chuẩn bị đối phó với Covid-19.
2. Kể từ ngày Tổng thống Trump công bố tình trạng khẩn cấp về Covid-19, ông liên tục tung ra những thông tin sai lầm hoặc thiếu chính xác khiến một số cơ quan truyền thông không trực tiếp truyền thanh hay truền hình các buổi họp báo nữa hoặc không tham dư.
3. Sau đây là một vài thông tin sai lầm về Covid-19 do Tổng thống phổ biến :
a) Đến tháng Tư trời ấm sẽ có ảnh hưởng mạnh trên loại coronavirus. Sự thật là còn quá sớm để có thể nói nếu khí hậu ấm sẽ giảm sự lan truyền của coronavirus. Những con virus tấn công bộ phận hô hấp có thể theo mùa, tuy nhiên theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), con coronavirus mới này có thể truyền đi trong tất cả mọi vùng kể cả những nơi có thời tiết nóng và ẩm.
b) Sự bùng phát coronavirus chỉ tạm thời. Một ngày nào đó nó sẽ biến đi như một phép lạ.
c) Ai cần thử nghiệm sẽ được thử nghiệm. Sự thật khả năng thử nghiệm vô cùng giới hạn.
d) Các công ty dược phẩm sẽ có thuốc chủng tương đối sớm. Các chuyên viên đã phải cải chính rằng cần ít nhất một năm hay 18 tháng mới thể có được thuốc chủng.
e) FDA đã chấp thuận chloroquine để trị Covid-19. Ông Stephen Hahn, Giám đốc FDA, đã phải mau mắn cải chính rằng thuốc này chưa được chấp thuận, cần phải thử nghiệm.
f) Những công ty xe hơi ngay bây giờ đang tình nguyện chế tạo những thiết bị y tế. Tuy nhiên trước đó hai hãng Ford và General Motors đã tuyên bố ngưng sản xuất xe hơi ở Bắc Mỹ và cần vài tháng mới có thể sản xuất máy thở (ventilator).
g) Các bệnh viện thổi phồng nhu cầu về khẩu trang và thiết bị y tế. Những thứ này có thể bị tuồn ra cửa sau hoặc cất giữ. Theo tìm hiểu của báo chí, chuyện này không xẩy ra. Vào đầu tháng Ba, Thống đốc Cuomo chỉ nói rằng có người sẽ lợi dụng cơ hội này để tăng giá.
h) Ông Trump nói ông luôn luôn biết đây là một đại dịch. Sự thật lúc đầu ông coi thường Covid-19 xem nó như những dịch cúm khác và cho là một tin vịt do đảng Dân chủ tung ra để hại ông.
i) Chính quyền Obama phản ứng đối với dịch H1N1 là một thảm họa, nhiều ngàn người chết, và không được gì đáng kể để sửa chữa cách thử nghiệm cho tới bây giờ. Sự thật là Tổng thống Obama đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp chỉ 2 tuần lể sau khi những trường hợp nhiễm bệnh đầi tiên phát hiện tại California. Vấn đề khó khăn là thuốc chủng, chứ không phải là thử nghiệm. Trong khi đó, Trump đợi bẩy tuân lễ mới công bố tình trạng khẩn cấp.
j) Nếu kinh tế bị ngưng trệ, sẽ có nhiều người tự tử hơn là chết vì Covid-19. Điều này mâu thuẫn với ước tính của chính Nhà Trắng rằng sẽ có khoảng từ 100.000 đến 240.000 người chết vì đại dịch. Trong khi đó số người tự vẫn ở Hoa Kỳ là 47.000 người vào năm 2017.
Nguyễn Quốc Khải
12/04/2020
Sự bùng phát của dịch Covid-19 trong năm bầu cử 2020 đang gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc bầu cử đối với cuộc chiến chống lại dịch bệnh này sẽ cần được quan trọng và tập trung hơn.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 trong năm bầu cử 2020 đang gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Ngày 13/3, sau gần 8 tuần Mỹ công bố có ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, Chính quyền Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và đây là lần thứ 6 Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kể từ khi lên nắm quyền đến nay. Ngày 14/3, Tổng thống Trump, người được cho là một tuần trước đó đã tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago xác nhận hôm 13/3 đã làm xét nghiệm và kết quả sẽ được công bố sau một đến hai ngày. Tuy nhiên, ngay sau đó Nhà Trắng công bố kết quả xét nghiệm là âm tính. Từ việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đến việc Trump có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, về cơ bản cho thấy Chính quyền Trump đã buộc phải có những phản ứng tích cực trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang tiếp tục lây lan tại Mỹ.
Câu hỏi mà mọi người thường nghe thấy thời gian gần đây là liệu dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ hiện nay không ? Nếu nói rằng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump hơn 3 năm qua giống như "hồ Thiên nga đen", thì sự bùng phát của dịch bệnh trong năm bầu cử 2020 chỉ đơn giản là sự việc xảy ra bất ngờ nhưng tiềm ẩn nguy cơ tác động mạnh đến việc cầm quyền của Tổng thống Trump.
Dịch bệnh sẽ tác động đến tình hình bầu cử ?
Thông thường, tác động của dịch Covid-19 đối với bầu cử Mỹ ít nhất sẽ thể hiện theo hai hướng : Một là làm giảm tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ; hai là khiến cử tri quan tâm nhiều đến các vấn đề chính sách liên quan đến dịch bệnh. Tuy nhiên, quy luật cơ bản này không hoàn toàn đúng trong một số trường hợp, bởi lẽ vấn đề này còn có một điều kiện tiên quyết đó là phạm vi và thời gian của dịch Covid-19 tại Mỹ có đủ để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử vào ngày 3/11 hay không. Liệu điều kiện tiên quyết đó có diễn ra hay không, hoặc tình trạng khẩn cấp mà Chính quyền Trump ban bố có hiệu quả hay không, điều đó cần thời gian hoặc các chuyên gia y tế thẩm định. Trong trường hợp chưa có đánh giá chuyên môn rõ ràng, việc dự đoán tác động của dịch Covid-19 đối với bầu cử Mỹ chỉ có thể dựa trên một số giả thuyết khác nhau.
Chẳng hạn như, dịch Covid-19 tiếp tục lây lan ở Mỹ nhưng có dấu hiệu giảm trước cuộc bầu cử, tức là vào khoảng tháng 7/2020, khi đó ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến bầu cử Mỹ không lớn. Giai đoạn này cũng trùng với thời điểm bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ hiện nay, nên có thể sẽ có sự thay đổi nào đó trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Chẳng hạn, Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ đã hủy việc khán giả xem trực tiếp phiên tranh luận giữa hai ứng cử viên Joe Biden và Bernie Sanders ở thành phố Phoenix, bang Arizona ngày 15/3 ; hai bang Louisiana và Georgia cũng tuyên bố lùi thời gian tổ chức bầu cử sơ bộ đến tháng 5 và 6 thay vì vào/3 và 4 như dự kiến.
Tuy nhiên, sự thay đổi trình tự này có thể sẽ không gây ra bất kỳ tác động nào đáng kể. Việc không có khán giả tham dự phiên tranh luận hay sự điều chỉnh của hai bang Louisiana và Georgia trên thực tế cũng không ảnh hưởng nhiều đến tình hình bầu cử. Tuy lượng cử tri của hai bang ít (Louisiana 54 phiếu, Georgia 105 phiếu) nhưng cũng không thể thiếu số cử tri này ; thì cũng không loại trừ khả năng các bang áp dụng các phương pháp khác để tiến hành bầu cử sơ bộ như thông qua Internet, và chỉ cần hoàn thành trước thời điểm tổ chức đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ vào ngày 13/7.
Đồng thời, nếu dịch Covid-19 khiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm, thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến cử tri trẻ tuổi. Hiện tại do bùng phát dịch Covid-19, cử tri trong đảng Dân chủ lại quan tâm hơn đến việc mở rộng hệ thống bảo hiểm y tế. Sự thay đổi theo hướng này có lợi cho Bernie Sanders, ứng cử viên đang được thanh niên ủng hộ, hơn nữa ông còn chủ trương đẩy mạnh chương trình "bảo hiểm y tế toàn dân". Tuy nhiên, liệu điều đó có đủ mạnh để giúp Bernie Sanders phá bỏ sự đồng thuận cao của đảng Dân chủ hiện nay rằng Joe Biden có thể đánh bại Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hay không ? Hiện xem ra xác suất này không cao. Kết quả cuối cùng có thể là Joe Biden sẽ tăng cường diễn thuyết hơn về chính sách y tế, thậm chí chấp nhận một số ý tưởng của Bernie Sanders.
Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục lây lan tại Mỹ, thậm chí đến ngày bầu cử vẫn không thể khống chế được, khi đó, sự ứng phó với tình trạng khẩn cấp của Chính quyền Trump là không hiệu quả, thậm chí còn tác động mạnh đến việc tái đắc cử của Trump và cuộc bầu cử. Tình hình trên rõ ràng là không có lợi cho Trump và đảng Cộng hòa. Dự kiến số ý kiến không hài lòng sẽ phá vỡ tỷ lệ 45-55% mà Trump đã duy trì hơn 3 năm qua. Đồng thời, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm lại có lợi cho các ứng cử viên đảng Dân chủ đang nhận được sự ủng hộ của các cử tri trẻ, thậm chí số này còn sử dụng Internet rất thành thạo, và điều này không có lợi cho Trump.
Ngoài ra, sự thay đổi trên cũng sẽ dẫn đến hai kết quả : Một là những lo ngại về triển vọng kinh tế sẽ làm giảm độ tin cậy đối với thành tích cầm quyền của Trump ; hai là những quan tâm của cử tri đối với hệ thống y tế đã cho thấy rõ những thiệt hại mà đảng Cộng hòa gây ra cho Đạo luật cải cách y tế Obamacare. Những nhân tố đó sẽ tạo thành những trở ngại khó có thể dự đoán đối với khả năng tái đắc cử của Trump, cũng không loại trừ khả năng tác động đến tình hình bầu cử của đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng vẫn còn hơn 7 tháng nữa bầu cử mới diễn ra, liệu tình hình dịch bệnh liên tục thay đổi có tác động đến tình hình bầu cử cũng liên tục thay đổi hay không. Nhưng, có thể khẳng định rằng Chính quyền Trump vẫn chiếm ưu thế do đang kiểm soát phần lớn vấn đề và quyền đối phó với tình hình dịch bệnh. Nếu có thể khống chế được dịch bệnh, thì có thể khống chế được tác động của nó đối với bầu cử. Xét về mặt số liệu, mặc dù hiện có đến 49% dân chúng không hài lòng đối với các biện pháp chống dịch của Chính quyền Trump, nhưng về cơ bản chỉ ở mức tương đương với sự không hài lòng đối với Tổng thống Trump trong hơn 3 năm qua. Điều này cũng có nghĩa là Trump vẫn còn có khả năng xoay chuyển được tình hình.
Một chỉ số quan trọng khác là ít nhất tính đến đầu tháng 3, khi chỉ có 43% người Mỹ hài lòng với phản ứng của Chính quyền Trump, 87% thành viên trong đảng Cộng hòa vẫn ủng hộ Trump. Điều khó hiểu ở chỗ là các thành viên của đảng Cộng hòa còn chia sẻ quan điểm về virus SARS-CoV-2 với Trump : Trái ngược với với 68% đảng Dân chủ lo lắng về dịch bệnh, 63% thành viên đảng Cộng hòa lại không lo lắng về dịch bệnh này. Sự phân cực giữa hai đảng về dịch Covid-19 ít nhất cũng cho thấy sự phát triển của dịch Covid-19 hiện nay không làm thay đổi xu thế cơ bản "Trump hóa" của đảng Cộng hòa.
Do đó, biến số quan trọng nhất là liệu biện pháp ban bố tình trạng khẩn cấp hiện nay của Chính quyền Trump có thể phát huy hiệu quả hay không, nếu có, tình hình bầu cử sẽ có hy vọng ; nếu không, thì cũng có thể đoán trước được tình hình.
Dịch Covid-19 dưới tác động của bầu cử
Mặc dù vấn đề quan trọng nhất quyết định xu hướng bầu cử phụ thuộc vào hiệu quả của công tác phòng chống dịch, nhưng điều này không có nghĩa phải đẩy mạnh công tác phòng chống dịch gắn với bầu cử, vì như vậy nhiều khả năng sẽ phản tác dụng. Trong lịch sử bầu cử Mỹ, ví dụ điển hình nhất là công tác phòng chống dịch cúm lợn trong bối cảnh cuộc bầu cử năm 1976.
Trong cuộc bầu cử năm 1976, tổng thống đương nhiệm cũng tìm cách tái tranh cử, nhưng cuộc bầu cử này có ý nghĩa đặc biệt vì Gerald Ford là Tổng thống Mỹ duy nhất không trải qua bầu cử. Vào thời điểm đó, Gerald Ford không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh của Ronald Reagan trong đảng, mà còn phải đối mặt với những tranh cãi do Richard Nixon gây ra, đảng Dân chủ chỉ cần tập trung vào những vấn đề đó mà không cần phải chú ý tới những vấn đề khác. Gerald Ford vì muốn chứng minh khả năng của bản thân thông qua một cuộc bầu cử chính thức nên đã gặp phải rắc rối ngay đầu năm bầu cử.
Ngày 4/2/1976, một người lính 19 tuổi tại căn cứ Fort Dix thuộc bang New Jersey đã thiệt mạng do nhiễm chủng cúm mới, khi đó Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã tiến hành xét nghiệm cho 19 người và sau đó 13 người phải nhập viện. CDC cho rằng đây là một chủng của bệnh cúm lợn, nhiều khả năng sẽ phát triển thành đại dịch toàn cầu giống như đại dịch năm 1918 khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. CDC cho biết ít nhất 80% người Mỹ phải tiêm phòng vắc-xin.
Giữa tháng 2/1976, Bộ trưởng Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi Mỹ David Mathews tuyên bố bệnh cúm lợn cũng giống như đại dịch năm 1918 sẽ bùng phát vào mua Thu năm đó. Ngày 15/3, Tổng thống Gerald Ford tuyên bố ủng hộ chương trình miễn dịch toàn dân, và ngày 4/5 ông đã giành được khoản tài trợ 135 triệu USD từ Quốc hội. Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng dịch bệnh ở Mỹ chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ bùng phát mạnh, nhưng Chính quyền Ford vẫn tổ chức chương trình tiêm chủng toàn dân vào tháng 10 năm đó.
Theo thống kê, khoảng 40/45 triệu người Mỹ đã được tiêm vắc-xin (chiếm 1/3 dân số của Mỹ thời điểm đó). Tổng thống Gerald Ford đã được tiêm vắc-xin tại Nhà Trắng vào ngày 14/10. Tuy nhiên, cũng trong tháng đó, tại một phòng khám ở Pittsburgh đã có 3 người bị tử vong sau khi tiêm chủng do có tiền sử bệnh tim. Hai tháng sau, trên toàn nước Mỹ có khoảng 500 người bị bệnh nặng và biến chứng sau khi tiêm vắc-xin, trong đó có 30 người chết, do đó chương trình tiêm chủng vắc-xin bị dừng lại. Đến thời điểm dừng tiêm vắc-xin, dịch cúm năm 1976 đã khiến 1 người thiệt mạng, 13 người nhập viện và 240 người nhiễm bệnh. Nghiên cứu về vắc-xin sau đó cho biết do thời gian gấp, nhà sản xuất vắc-xin đã sử dụng virus sống giảm động lực chứ không phải virus bất hoạt, đã dẫn đến những phản ứng nguy kịch thậm chí có thể chết người và biến chứng sau khi tiêm chủng.
Vào thời điểm Mỹ kêu gọi dừng chương trình tiêm chủng vắc-xin cúm lợn, Gerald Ford đang là Tổng thống tạm quyền. Rất khó xác định kết quả thất bại của Gerald Ford trước Jimmy Carter năm đó với 240 so với 297 phiếu đại cử tri và 48% so với 51% phiếu phổ thông có phải là do khả năng ứng phó yếu kém của ông đối với dịch cúm lợn hay không. Nhưng mặt khác, nếu không phải là năm bầu cử, hoặc không phải trong tình thế được mất của Gerald Ford thì liệu Chính phủ Mỹ có đi ngược lại quy luật khoa học như vậy để đẩy nhanh sản xuất vắc-xin và chương trình tiêm chủng vắc-xin hay không ? Lịch sử không thể đưa ra giả thuyết nhưng có lẽ là không phải.
Ford của năm 1976 chính là hình ảnh của Trump hiện nay. Sự "nôn nóng" của Ford giống như sự "chậm rãi" của Trump, cũng đều là sự tính toán để đảm bảo có thể tái đắc cử. Ví dụ của Gerald Ford đã đưa ra một bài học lịch sử đó là logic bầu cử không thể bao trùm quy luật khoa học và hiện thực khách quan. Trước tình hình đại dịch Covid-19 toàn cầu như hiện nay, vấn đề mấu chốt giúp Chính quyền Trump có thể ứng phó hiệu quả dịch bệnh nằm ở chỗ họ có thái độ và hành động tôn trọng khoa học, cùng với thế giới chung tay chống dịch hay không.
Diao Daming
Nguyên tác :
联邦明察局㉗|当选情遇上疫情:选举逻辑与科学规律孰先孰后 (Cục Kiểm tra Liên bang ㉗ Bầu cử gặp phải dịch bệnh : logic bầu cử và luật khoa học), The Paper, 16/03/2020
Minh Anh giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 30/03/2020
Diao Daming là nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc gia của Đại học Nhân dân Trung Quốc và tổng thư ký của Trung tâm nghiên cứu Mỹ của Đại học Nhân dân Trung Quốc. Bài viết được đăng trên The Paper
Có nhiều điều đáng nói về cuộc bầu cử Mỹ giữa kỳ vào tuần qua.
Điện Capitol Hạ viện Mỹ - vào thu - Hình minh họa
Trước hết, kết quả là hỗn hợp. Dân chủ thắng hạ viện, Cộng hòa thắng thượng viện. Không bên nào thua hoàn diện hay thắng hoàn diện kỳ này. Cả hai viện cần làm việc với nhau trong hai năm trước mặt để thông qua bao nhiêu dự luật bế tắc hay cần thiết. Đó là các dự luật phải thông qua để có thể giải quyết trần nợ (debt ceiling) hay ngăn cản sự ngưng hoạt động của chính phủ (government shutdown). Ngoài ra họ có sẵn sàng để làm việc với nhau, để thỏa hiệp vì quyền lợi chung của quốc gia không, thì chưa có gì rõ ràng cả. Sự phân hóa chính trị vẫn còn rất sâu sắc trong lòng người dân Mỹ hiện nay.
Kế tiếp, những người bầu cho Trump vẫn mạnh mẽ tiếp tục ủng hộ ông, và họ sẽ không đi đâu cả trong thời gian tới. Phía Dân chủ dường như hy vọng rằng người dân sẽ nhìn ra được bao nhiêu vấn đề về cách điều hành quốc gia của Trump trong hai năm qua và qua đó sử dụng lá phiếu của họ khác đi kỳ này. Nhưng điều đó không xảy ra. Chính Trump biết rất rõ điều này khi ông nói trong cuộc họp báo sau đó là "Tôi nghĩ họ thích tôi". Họ đây là các cử tri trung thành nòng cốt đã ủng hộ ông trong cuộc bầu cử 2016. Và số này không nhỏ. Nói cách khác có rất ít xác xuất những người ủng hộ Trump sẽ thay đổi quan điểm của họ, và có rất nhiều xác xuất họ vẫn muốn ông tiếp tục tái nhiệm vào năm 2020. Do đó Đảng Dân chủ nếu muốn thắng cử năm 2020 thì không thể mong đợi chuyển hóa họ mà phải tìm căn cứ cử tri khác, như những người trong hơn 50 phần trăm dân số cử tri chưa đi bầu hiện nay.
Sau cùng, điều có lẽ đáng nói nhất qua kỳ bầu cử này là sự tham gia tích cực của người Việt ở tầm liên bang, tiểu bang và địa phương. Đại đa số là trẻ và thuộc thế hệ thứ hai. Người Việt tại Mỹ có ít nhất một dân biểu liên bang, nhiều dân biểu hoặc thượng nghị sĩ tiểu bang, và nhiều nghị viên và thị trưởng của các hội đồng thành phố đã thắng cử kỳ này. Điều đáng nói nữa là tỷ lệ phụ nữ Việt Nam nói riêng, của nữ giới nói chung, muốn thể hiện quan điểm và mạnh dạn tranh cử kỳ này. Sự quyết tâm dấn thân vào con đường này và thắng được những người đương nhiệm đầy kinh nghiệm là điều cần ghi nhận và tuyên dương. Số lượng người ghi danh và tham dự cuộc bầu cử này đã đạt con số kỷ lục 113 triệu người (tuy vẫn chỉ là 49 phần trăm số lượng cử tri có tư cách bỏ phiếu, nhưng đó vẫn là kỷ lục). Con số kỷ lục này có thể một phần là vì nhân tố Trump, dù ủng hộ hay chống đối. Nhưng dù theo Cộng hòa hay Dân chủ, sự quan tâm, tham vọng và hành động dấn thân vào chính trường để có tiếng nói, để đại diện cho các ý tưởng và lý tưởng của mình và của những người khác, là những yếu tố vô cùng cảm kích. Thế hệ này có đủ sự tự tin, ngôn ngữ, kiến thức và, trên hết, quan niệm rằng bằng cách dấn thân vào chính trị giòng chính thì mọi ước nguyện hay tham vọng thay đổi xã hội mới trở thành hiện thực.
Dấu hiệu tích cực này chưa thấy ở những cộng đồng người Việt khác ngoài Hoa Kỳ. Có thể vì không có cộng đồng người Việt nào lớn bằng tại Hoa Kỳ, và văn hóa chính trị tại đây thuận tiện và thích hợp hơn những nơi khác (mặc dầu hầu như ai cũng biết vận động chính trị tại Mỹ là cực kỳ tốn kém). 43 năm qua, sau khi đã hội nhập tương đối thành công, đã ổn định về chỗ ở và công ăn việc làm, đã "tu thân", "tề gia", thì bây giờ là "trị quốc" ? Phải chăng đây là lúc mà nhu cầu về sự kính trọng và tự hiện thực, hai bậc thang nhu cầu cuối cùng (sau sinh lý học, an toàn, và yêu thương và thuộc về) mà nhà tâm lý học Abraham Maslow từng biện luận trong tác phẩm về các thứ tự nhu cầu, đã trở thành ưu tiên hiện nay ?
Tại Úc, trong kỳ bầu cử tiểu bang Victoria sắp tới có tiến sĩ Kiều Tiến Dũng ra tranh cử thượng viện tiểu bang, ứng viên cùng Đông Nam Melbourne, thuộc Đảng Lao động. Ngoài tiến sĩ Dũng thì được biết có thêm vài người trẻ khác thuộc các đảng Tự do, đảng Xanh và độc lập cũng ra tranh cử. So với các kỳ trước thì tỷ lệ kỳ này vẫn tích cực hơn và xác xuất có thêm người Việt vào quốc hội tiểu bang cũng tương đối cao. Hiện tại đã có một bạn trẻ Việt Nam tên Trương Hương thuộc Đảng Xanh đã được bầu vào thượng viện vào tháng Hai năm nay khi người tiền nhiệm ghế này từ nhiệm. Tuy nhiên cô Hương cũng như 39 ghế thượng viện khác, và 88 ghế hạ viện của quốc hội tiểu bang đều phải bầu lại vào ngày 24 tháng này.
Hiện tượng người Việt tại Hoa Kỳ, Úc, Canada v.v… gia tăng tham chính trong thời gian qua là một dấu hiệu tích cực. Nó chứng minh sự hội nhập và trưởng thành về nhiều mặt, nhất là tâm thức chính trị. Tuy nhiên nó vẫn chủ yếu mang tính cách tự phát và cá nhân. Nếu các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau được gia đình (nhất là cha mẹ) khuyến khích từ nhỏ, được chuẩn bị và trang bị bằng kiến thức, tinh thần và kinh nghiệm (qua các hoạt động tập thể từ trong nhà trường và ngoài xã hội) để trau dồi khả năng phục vụ, lãnh đạo cũng như các kỹ năng mềm, và được thực hiện một cách khoa học và hệ thống, thì các thế hệ trẻ Việt Nam kế tiếp sẽ thay đổi bộ mặt cộng đồng Việt Nam tại khắp nơi trên thế giới trong những thập niên tới.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 14/11/2018
Phòng phiếu đã đóng cửa ở Mỹ. Cả hai phe Cộng hòa, Dân chủ đều cho mình đã thắng. Sự thực, kết quả không phải là "một thắng lợi ngoài sức tưởng tượng" như Trump quả quyết, cũng không phải là "làn sóng xanh" (mầu tượng trưng cho đảng Dân chủ) như phe đối lập mong đợi. Hạ viện rơi vào tay Dân chủ. Thượng viện vẫn ở trong tay Cộng hòa.
Nữ Dân biểu Nancy Pelosi và Tổng thống Donald Trump - Ảnh minh họa
Mỗi phe có lý do để nói mình thắng, hay có lý do để thất vọng.
1. Phe Dân chủ
Đảng Dân chủ có thể mừng vì đã lấy lại được Hạ viện, nhưng thất vọng vì những bất mãn về cá nhân và tư cách Trump không cuốn trôi phe Cộng hòa như dự đoán, nhất là chuyện tranh cử của phe Cộng hòa đều xoay quanh Trump, như một cuộc trưng cầu dân ý về Donald Trump, mặc dù đó là một cuộc bầu cử địa phương.
Không có, hay chưa có chuyện xã hội Mỹ chối bỏ Trump như nhiều médias tiên đoán. Cái sợ di dân và ổn định kinh tế (nhờ Trump hay không là chuyện khác) khiến hậu thuẫn cửa tri của Trump vẫn còn mạnh.
Vai trò của Thượng viện quan trọng hơn Hạ viện, nhưng với Hạ viện trong tay, phe Dân chủ sẽ có khả năng gây khó khăn cho Trump, thí dụ về chuyện biểu quyết ngân sách, chính sách di dân, thành lập những uỷ ban điều tra về chuyện kinh tài, thuế má của Donald Trump. Ứng cử viên dân chủ nổi nhất của Dân chủ, Beto O'Rourke thua thượng nghị sĩ đương nhiệm cộng hòa Ted Cruz ở Texas, nhưng là ngôi sao mới nổi mà đảng Dân chủ đang tìm kiếm, để tranh cử Tổng thống hai năm tới, nếu không muốn lôi Hillary Clinton trở lại.
Vấn đề của đảng Dân chủ là phải tìm ra lãnh đạo, và phải minh bạch hơn về chính sách, phải biết mình muốn gì, định làm gì. Chống Trump không phải là một chính sách. Đó cũng là những khó khăn các đảng phái cổ điển ở Châu Âu đang lúng túng, nhất là phe tả. Thế giới đã thay đổi, khó thuyết phục cử tri với những lý luận của thế kỷ trước.
2. Phe Cộng hòa
Với Thượng viện trong tay, Trump vẫn rảnh tay về ngoại giao nhưng sẽ phải thương lượng, sống chung, thoả hiệp với Hạ viện trên những địa hạt khác.
Tới nay, Trump cai trị như chỗ không người. Hai năm tới, Trump sẽ phải chứng tỏ có khả năng lãnh đạo một quốc gia dân chủ bình thường, có đối lập, có những người nghĩ khác mình.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống 2020, chắc chắn Trump sẽ nói không thực hiện được những điều đã hứa vì bị Hạ viện ngăn cản, chọc gậy bánh xe. Nhìn dưới lăng kính đó, mất Hạ viện không chừng lại trở thành một lợi khí tranh cử cho Trump. Thí dụ về vụ xây tường, Trump sẽ nói không xây được vì Hạ viện của đảng Dân chủ, trong khi ngay cả khi đa số là Cộng hòa, chuyện biểu quyết ngân sách đã gặp khó khăn. Và không một chuyên viên nào nghĩ rằng một bức tường có thể chận đứng được di dân.
Những lý luận đó, cử tri có nghe không là tùy tình trạng kinh tế, xã hội của nước Mỹ trong 2 năm tới.
Trái với một nước độc tài, lãnh tụ leo lên ngai vàng là ngồi lỳ tới chết, ở một xứ dân chủ, hai năm là một thời gian đủ dài để xẩy ra nhiều chuyện, để cử tri ngả về phe này hay phe kia.
3. Nền dân chủ vững mạnh
Trong một cuộc tranh cử gay cấn nhất, gay go nhất và tốn kém nhất trong lịch sử, cử tri Mỹ đã đưa nhiều khuôn mặt trẻ, nữ giới, thuộc mọi chủng tộc, mọi giai cấp vào một Quốc hội tới nay đa số là đàn ông, da trắng, thuộc giai cấp thượng lưu. Điển hình là Alexandria Ocasio-Cortez, dân biểu mới New York, 29 tuổi, mẹ người Portoricaine, xuất thân từ giới bình dân, hoạt động xã hội từ khi còn rất trẻ.
Chưa bao giờ số cử tri tham dự đông như vậy, trẻ như vậy ; số ứng cử viên phụ nữ cũng chiếm kỷ lục. Người có công mang những người vốn thờ ơ đến với chính trị, với sinh hoạt xã hội là… Donald Trump. Nếu không bất bình với những lời tuyên bố của Trump về đàn bà, về người da mầu, chắc chắn những người đó đã đi shopping, hay câu cá trong ngày bầu cử.
Kết quả bầu cử cho thấy một nước Mỹ chia đôi, khó hàn gắn, như Quốc hội Hoa Kỳ phản ảnh đúng xã hội Mỹ. Điều đó xác nhận nhận xét của Alexis de Tocqueville : mặc dầu có nhiều khuyết điểm, Hoa Kỳ có một thể chế dân chủ đủ mạnh, có khả năng quân bình hóa sinh hoạt chính trị, để vượt qua những giai đoạn sóng gió (*).
Nước Mỹ chia làm hai, nước Mỹ của thành phố và nước Mỹ của vùng quê. Nước Mỹ của những người muốn đóng cửa, bên cạnh những người muốn mở rộng. Những người cùng một chính kiến sống với nhau trong một khu, đọc một tờ báo, coi một đài TV phe kia coi như không có.
Mỗi người có lý do của mình. Ngay cả giới di dân bầu bán cũng khác nhau. Đa số người Mễ bầu Dân chủ, nhưng có nhiều người Mễ bầu Trump vì sợ những người Mễ khác sang… giành phần bánh mì của mình. Đa số người Nhật, Đại Hàn, Ấn Độ bầu Dân chủ, vì nghĩ Trump kỳ thị chủng tộc. Đa số người Việt ủng hộ Trump kịch liệt vì nghĩ Trump sẽ đánh tan hoang Trung Quốc để từ đó đánh sụp chế độ cộng sản Việt Nam…
Cái vết rạn đó, sẽ rất khó hàn gắn
Kết quả bầu cử khiến nhiều người thất vọng, vì "phe ta" không đại thắng. Một chính phủ có đối lập sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến phong trào dân túy (mị dân) lên cao khắp thế giới. Người ta bắt đầu hoài nghi về dân chủ vì thấy nó không hữu hiệu, vì nhà nước không có toàn quyền. Quên rằng đó cũng chính là một ưu điểm của dân chủ, vẫn theo Tocqueville : nó ngăn chặn độc tài, tránh hỗn loạn.
Từ Thức
Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 09/11/2018
(*) Các bạn trẻ, nếu muốn hiểu về dân chủ Hoa Kỳ, hay dân chủ nói chung (đủ mọi góc cạnh của dân chủ), những cuốn sách đầu tiên nên đọc là tác phẩm của Alexis de Tocqueville. Mặc dầu tác giả là người Pháp, viết từ đầu và giữa thế kỷ 19, tác phẩm của Tocqueville vẫn trẻ, mới như vừa viết hôm qua.