Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/03/2020

Covid-19 và bầu cử Mỹ

Diao Daming

Sự bùng phát của dịch Covid-19 trong năm bầu cử 2020 đang gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc bầu cử đối với cuộc chiến chống lại dịch bệnh này sẽ cần được quan trọng và tập trung hơn.

covi1

Sự bùng phát của dịch Covid-19 trong năm bầu cử 2020 đang gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. 

Ngày 13/3, sau gần 8 tuần Mỹ công bố có ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, Chính quyền Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và đây là lần thứ 6 Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kể từ khi lên nắm quyền đến nay. Ngày 14/3, Tổng thống Trump, người được cho là một tuần trước đó đã tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago xác nhận hôm 13/3 đã làm xét nghiệm và kết quả sẽ được công bố sau một đến hai ngày. Tuy nhiên, ngay sau đó Nhà Trắng công bố kết quả xét nghiệm là âm tính. Từ việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đến việc Trump có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, về cơ bản cho thấy Chính quyền Trump đã buộc phải có những phản ứng tích cực trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang tiếp tục lây lan tại Mỹ.

Câu hỏi mà mọi người thường nghe thấy thời gian gần đây là liệu dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ hiện nay không ? Nếu nói rằng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump hơn 3 năm qua giống như "hồ Thiên nga đen", thì sự bùng phát của dịch bệnh trong năm bầu cử 2020 chỉ đơn giản là sự việc xảy ra bất ngờ nhưng tiềm ẩn nguy cơ tác động mạnh đến việc cầm quyền của Tổng thống Trump.

Dịch bệnh sẽ tác động đến tình hình bầu cử ?

Thông thường, tác động của dịch Covid-19 đối với bầu cử Mỹ ít nhất sẽ thể hiện theo hai hướng : Một là làm giảm tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ; hai là khiến cử tri quan tâm nhiều đến các vấn đề chính sách liên quan đến dịch bệnh. Tuy nhiên, quy luật cơ bản này không hoàn toàn đúng trong một số trường hợp, bởi lẽ vấn đề này còn có một điều kiện tiên quyết đó là phạm vi và thời gian của dịch Covid-19 tại Mỹ có đủ để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử vào ngày 3/11 hay không. Liệu điều kiện tiên quyết đó có diễn ra hay không, hoặc tình trạng khẩn cấp mà Chính quyền Trump ban bố có hiệu quả hay không, điều đó cần thời gian hoặc các chuyên gia y tế thẩm định. Trong trường hợp chưa có đánh giá chuyên môn rõ ràng, việc dự đoán tác động của dịch Covid-19 đối với bầu cử Mỹ chỉ có thể dựa trên một số giả thuyết khác nhau.

Chẳng hạn như, dịch Covid-19 tiếp tục lây lan ở Mỹ nhưng có dấu hiệu giảm trước cuộc bầu cử, tức là vào khoảng tháng 7/2020, khi đó ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến bầu cử Mỹ không lớn. Giai đoạn này cũng trùng với thời điểm bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ hiện nay, nên có thể sẽ có sự thay đổi nào đó trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Chẳng hạn, Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ đã hủy việc khán giả xem trực tiếp phiên tranh luận giữa hai ứng cử viên Joe Biden và Bernie Sanders ở thành phố Phoenix, bang Arizona ngày 15/3 ; hai bang Louisiana và Georgia cũng tuyên bố lùi thời gian tổ chức bầu cử sơ bộ đến tháng 5 và 6 thay vì vào/3 và 4 như dự kiến.

Tuy nhiên, sự thay đổi trình tự này có thể sẽ không gây ra bất kỳ tác động nào đáng kể. Việc không có khán giả tham dự phiên tranh luận hay sự điều chỉnh của hai bang Louisiana và Georgia trên thực tế cũng không ảnh hưởng nhiều đến tình hình bầu cử. Tuy lượng cử tri của hai bang ít (Louisiana 54 phiếu, Georgia 105 phiếu) nhưng cũng không thể thiếu số cử tri này ; thì cũng không loại trừ khả năng các bang áp dụng các phương pháp khác để tiến hành bầu cử sơ bộ như thông qua Internet, và chỉ cần hoàn thành trước thời điểm tổ chức đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ vào ngày 13/7.

Đồng thời, nếu dịch Covid-19 khiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm, thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến cử tri trẻ tuổi. Hiện tại do bùng phát dịch Covid-19, cử tri trong đảng Dân chủ lại quan tâm hơn đến việc mở rộng hệ thống bảo hiểm y tế. Sự thay đổi theo hướng này có lợi cho Bernie Sanders, ứng cử viên đang được thanh niên ủng hộ, hơn nữa ông còn chủ trương đẩy mạnh chương trình "bảo hiểm y tế toàn dân". Tuy nhiên, liệu điều đó có đủ mạnh để giúp Bernie Sanders phá bỏ sự đồng thuận cao của đảng Dân chủ hiện nay rằng Joe Biden có thể đánh bại Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hay không ? Hiện xem ra xác suất này không cao. Kết quả cuối cùng có thể là Joe Biden sẽ tăng cường diễn thuyết hơn về chính sách y tế, thậm chí chấp nhận một số ý tưởng của Bernie Sanders.

Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục lây lan tại Mỹ, thậm chí đến ngày bầu cử vẫn không thể khống chế được, khi đó, sự ứng phó với tình trạng khẩn cấp của Chính quyền Trump là không hiệu quả, thậm chí còn tác động mạnh đến việc tái đắc cử của Trump và cuộc bầu cử. Tình hình trên rõ ràng là không có lợi cho Trump và đảng Cộng hòa. Dự kiến số ý kiến không hài lòng sẽ phá vỡ tỷ lệ 45-55% mà Trump đã duy trì hơn 3 năm qua. Đồng thời, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm lại có lợi cho các ứng cử viên đảng Dân chủ đang nhận được sự ủng hộ của các cử tri trẻ, thậm chí số này còn sử dụng Internet rất thành thạo, và điều này không có lợi cho Trump.

Ngoài ra, sự thay đổi trên cũng sẽ dẫn đến hai kết quả : Một là những lo ngại về triển vọng kinh tế sẽ làm giảm độ tin cậy đối với thành tích cầm quyền của Trump ; hai là những quan tâm của cử tri đối với hệ thống y tế đã cho thấy rõ những thiệt hại mà đảng Cộng hòa gây ra cho Đạo luật cải cách y tế Obamacare. Những nhân tố đó sẽ tạo thành những trở ngại khó có thể dự đoán đối với khả năng tái đắc cử của Trump, cũng không loại trừ khả năng tác động đến tình hình bầu cử của đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng vẫn còn hơn 7 tháng nữa bầu cử mới diễn ra, liệu tình hình dịch bệnh liên tục thay đổi có tác động đến tình hình bầu cử cũng liên tục thay đổi hay không. Nhưng, có thể khẳng định rằng Chính quyền Trump vẫn chiếm ưu thế do đang kiểm soát phần lớn vấn đề và quyền đối phó với tình hình dịch bệnh. Nếu có thể khống chế được dịch bệnh, thì có thể khống chế được tác động của nó đối với bầu cử. Xét về mặt số liệu, mặc dù hiện có đến 49% dân chúng không hài lòng đối với các biện pháp chống dịch của Chính quyền Trump, nhưng về cơ bản chỉ ở mức tương đương với sự không hài lòng đối với Tổng thống Trump trong hơn 3 năm qua. Điều này cũng có nghĩa là Trump vẫn còn có khả năng xoay chuyển được tình hình.

Một chỉ số quan trọng khác là ít nhất tính đến đầu tháng 3, khi chỉ có 43% người Mỹ hài lòng với phản ứng của Chính quyền Trump, 87% thành viên trong đảng Cộng hòa vẫn ủng hộ Trump. Điều khó hiểu ở chỗ là các thành viên của đảng Cộng hòa còn chia sẻ quan điểm về virus SARS-CoV-2 với Trump : Trái ngược với với 68% đảng Dân chủ lo lắng về dịch bệnh, 63% thành viên đảng Cộng hòa lại không lo lắng về dịch bệnh này. Sự phân cực giữa hai đảng về dịch Covid-19 ít nhất cũng cho thấy sự phát triển của dịch Covid-19 hiện nay không làm thay đổi xu thế cơ bản "Trump hóa" của đảng Cộng hòa.

Do đó, biến số quan trọng nhất là liệu biện pháp ban bố tình trạng khẩn cấp hiện nay của Chính quyền Trump có thể phát huy hiệu quả hay không, nếu có, tình hình bầu cử sẽ có hy vọng ; nếu không, thì cũng có thể đoán trước được tình hình.

Dịch Covid-19 dưới tác động của bầu cử

Mặc dù vấn đề quan trọng nhất quyết định xu hướng bầu cử phụ thuộc vào hiệu quả của công tác phòng chống dịch, nhưng điều này không có nghĩa phải đẩy mạnh công tác phòng chống dịch gắn với bầu cử, vì như vậy nhiều khả năng sẽ phản tác dụng. Trong lịch sử bầu cử Mỹ, ví dụ điển hình nhất là công tác phòng chống dịch cúm lợn trong bối cảnh cuộc bầu cử năm 1976.

Trong cuộc bầu cử năm 1976, tổng thống đương nhiệm cũng tìm cách tái tranh cử, nhưng cuộc bầu cử này có ý nghĩa đặc biệt vì Gerald Ford là Tổng thống Mỹ duy nhất không trải qua bầu cử. Vào thời điểm đó, Gerald Ford không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh của Ronald Reagan trong đảng, mà còn phải đối mặt với những tranh cãi do Richard Nixon gây ra, đảng Dân chủ chỉ cần tập trung vào những vấn đề đó mà không cần phải chú ý tới những vấn đề khác. Gerald Ford vì muốn chứng minh khả năng của bản thân thông qua một cuộc bầu cử chính thức nên đã gặp phải rắc rối ngay đầu năm bầu cử.

Ngày 4/2/1976, một người lính 19 tuổi tại căn cứ Fort Dix thuộc bang New Jersey đã thiệt mạng do nhiễm chủng cúm mới, khi đó Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã tiến hành xét nghiệm cho 19 người và sau đó 13 người phải nhập viện. CDC cho rằng đây là một chủng của bệnh cúm lợn, nhiều khả năng sẽ phát triển thành đại dịch toàn cầu giống như đại dịch năm 1918 khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. CDC cho biết ít nhất 80% người Mỹ phải tiêm phòng vắc-xin.

Giữa tháng 2/1976, Bộ trưởng Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi Mỹ David Mathews tuyên bố bệnh cúm lợn cũng giống như đại dịch năm 1918 sẽ bùng phát vào mua Thu năm đó. Ngày 15/3, Tổng thống Gerald Ford tuyên bố ủng hộ chương trình miễn dịch toàn dân, và ngày 4/5 ông đã giành được khoản tài trợ 135 triệu USD từ Quốc hội. Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng dịch bệnh ở Mỹ chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ bùng phát mạnh, nhưng Chính quyền Ford vẫn tổ chức chương trình tiêm chủng toàn dân vào tháng 10 năm đó.

Theo thống kê, khoảng 40/45 triệu người Mỹ đã được tiêm vắc-xin (chiếm 1/3 dân số của Mỹ thời điểm đó). Tổng thống Gerald Ford đã được tiêm vắc-xin tại Nhà Trắng vào ngày 14/10. Tuy nhiên, cũng trong tháng đó, tại một phòng khám ở Pittsburgh đã có 3 người bị tử vong sau khi tiêm chủng do có tiền sử bệnh tim. Hai tháng sau, trên toàn nước Mỹ có khoảng 500 người bị bệnh nặng và biến chứng sau khi tiêm vắc-xin, trong đó có 30 người chết, do đó chương trình tiêm chủng vắc-xin bị dừng lại. Đến thời điểm dừng tiêm vắc-xin, dịch cúm năm 1976 đã khiến 1 người thiệt mạng, 13 người nhập viện và 240 người nhiễm bệnh. Nghiên cứu về vắc-xin sau đó cho biết do thời gian gấp, nhà sản xuất vắc-xin đã sử dụng virus sống giảm động lực chứ không phải virus bất hoạt, đã dẫn đến những phản ứng nguy kịch thậm chí có thể chết người và biến chứng sau khi tiêm chủng.

Vào thời điểm Mỹ kêu gọi dừng chương trình tiêm chủng vắc-xin cúm lợn, Gerald Ford đang là Tổng thống tạm quyền. Rất khó xác định kết quả thất bại của Gerald Ford trước Jimmy Carter năm đó với 240 so với 297 phiếu đại cử tri và 48% so với 51% phiếu phổ thông có phải là do khả năng ứng phó yếu kém của ông đối với dịch cúm lợn hay không. Nhưng mặt khác, nếu không phải là năm bầu cử, hoặc không phải trong tình thế được mất của Gerald Ford thì liệu Chính phủ Mỹ có đi ngược lại quy luật khoa học như vậy để đẩy nhanh sản xuất vắc-xin và chương trình tiêm chủng vắc-xin hay không ? Lịch sử không thể đưa ra giả thuyết nhưng có lẽ là không phải.

Ford của năm 1976 chính là hình ảnh của Trump hiện nay. Sự "nôn nóng" của Ford giống như sự "chậm rãi" của Trump, cũng đều là sự tính toán để đảm bảo có thể tái đắc cử. Ví dụ của Gerald Ford đã đưa ra một bài học lịch sử đó là logic bầu cử không thể bao trùm quy luật khoa học và hiện thực khách quan. Trước tình hình đại dịch Covid-19 toàn cầu như hiện nay, vấn đề mấu chốt giúp Chính quyền Trump có thể ứng phó hiệu quả dịch bệnh nằm ở chỗ họ có thái độ và hành động tôn trọng khoa học, cùng với thế giới chung tay chống dịch hay không.

Diao Daming

Nguyên tác :
联邦明察局㉗|当选情遇上疫情:选举逻辑与科学规律孰先孰后 (Cục Kiểm tra Liên bang Bầu cử gặp phải dịch bệnh : logic bầu cử và luật khoa học), The Paper, 16/03/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 30/03/2020

Diao Daming là nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc gia của Đại học Nhân dân Trung Quốc và tổng thư ký của Trung tâm nghiên cứu Mỹ của Đại học Nhân dân Trung Quốc. Bài viết được đăng trên The Paper

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diao Daming
Read 577 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)