RFA, 08/11/2023
Hơn năm tháng thực hiện phong tỏa nhiều tỉnh, thành để phòng chống dịch Covid-19 – làm hơn 40 ngàn người chết, hàng triệu người đói vì mất việc làm- cùng với việc đối diện với hai đại án tham nhũng liên quan đến Covid là Việt Á và Chuyến bay giải cứu, mà hậu quả của nó khiến hàng loạt quan chức ngồi tù, người dân chịu thiệt thòi, nhưng Thủ tướng Việt Nam mới đây vẫn dõng dạc tuyên bố "Việt Nam đã chống dịch thành công".
Ông Chính hôm cuối tháng 10/2023 còn khẳng định "Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức".
Ngoài nêu cao tinh thần "không lùi bước", Thủ tướng Việt Nam không quên ca ngợi các biện pháp chống dịch của Chính phủ Việt Nam, và các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ người dân trong mùa dịch.
Trái ngược với cách "tô hồng" trong bài phát biểu của Thủ tướng, một số người dân mà RFA phỏng vấn lại có cái nhìn rất khác.
Người dân tập trung xét nghiệm Covid trong mùa dịch 2021 ở Hà Nội. Ảnh : Reuters
Ông Cao Hà Trực ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết cả gia đình ông có 16 người nhiễm Covid và một người không qua khỏi. Ông đánh giá chiến lược cách ly và điều trị tập trung là sai lầm. Nó khiến cho hệ thống y tế quá tải, người bệnh không được chăm sóc chu đáo nên dẫn tới tình trạng bệnh nặng càng nặng hơn :
"Mình không hiểu cái thành công mà ông ấy (Thủ tướng - PV) nói là gì nhưng đối với nhìn nhận của một người dân như tôi thì tôi nghĩ không có ai coi là thành công hết đó là một sự thất bại ê chề.
Nhà tôi có 16 người. Anh tôi bị bệnh tiểu đường cho nên khi phong tỏa như thế thì anh tôi không thể đi bệnh viện chữa trị cho nên bệnh của anh ấy bị mất khả năng kiểm soát và khi Covid nhập vào anh ta bị mất kháng thể và chết rất nhanh.
Họ (cán bộ địa phương - PV) nói rằng thuốc men để họ đi mua nhưng thực tế thì trong một tuần họ chỉ cho một bịch thuốc và mấy củ cải mà chắc chỉ ăn một ngày là hết, trong khi nhà tôi có đến 16 người, một tuần lễ sau họ mới đến hỏi thăm một lần nữa. Nếu như tôi không thể ra ngoài mua hoặc không có người dân khác hỗ trợ thì chúng tôi chết ngay trong nhà, không chết vì Covid thì cũng chết vì đói".
Ngoài ra, theo ông Trực, chiến lược truy vết rồi đưa bệnh nhân đi cách ly tập trung còn tạo ra sự kỳ thị, nghi kỵ lẫn nhau trong cộng đồng :
"Cuộc cách ly đó làm cho con người ta hoảng sợ đến nỗi nghi kỵ lẫn nhau, đó mới là nguy hiểm. Nó làm mất tình người, bởi vì đi đâu người ta cũng sợ lây nhiễm, rồi người này kỳ thị người kia, cho nên làm cho tình người bị ngăn cách, rất nhiều người bị khủng hoảng tinh thần".
Theo thống kế của Bộ Y tế, tổng số người tử vong do dịch Covid-19 tại Việt Nam là 43.178 người.
Từ đầu tháng 5/2021, dịch bùng phát ở các tỉnh - thành phía Nam. Lúc bấy giờ, theo thông tin từ truyền thông, Chính phủ Việt Nam lần lượt ra các quyết định "giãn cách xã hội" nhưng thực chất là phong tỏa toàn bộ khiến tất cả hàng quán, chợ truyền thống phải đóng cửa, mỗi hộ gia đình chỉ được ra đường 2-3 lần/mỗi tuần để mua thực phẩm trong các siêu thị.
Thời điểm đó, mỗi ngày trên mạng xã hội đều xuất hiện những lời kêu gọi cứu đói, hỗ trợ thực phẩm cho người dân, đặc biệt là ở các xóm trọ nghèo, dân lao động phổ thông nhập cư.
Bà Ph. - hiện đang ở Thành phố Hồ Chí Minh - nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid hồi cuối năm 2021 – nói, không biết Nhà nước đã dựa vào các tiêu chuẩn nào để đánh giá là đã chống dịch thành công, vì theo bà, trong thời điểm phong tỏa gắt gao nhất, mọi người đều vô cũng lao đao, khủng hoảng với phương thức phòng dịch cực đoan của Chính phủ.
Bà Ph. nói với RFA :
"Chắc do ông Thủ tướng ở trên cao không thấy được những việc ở dưới dân.
Có lần mình nhớ đi đến một xóm trọ ở gần bến xe Miền Đông, có một bà cụ bị mù một mắt dắt theo mốt đứa nhỏ xin quà của mình, bà nói bà không biết và cũng không có điện thoại để lên mạng kêu cứu.
Khi bắt đầu mở phong tỏa cho Sài Gòn vào cuối tháng 10/2021, lúc đó có rất nhiều người hoảng loạn chạy về quê. Nếu chống dịch thành công sao nhiều người tháo chạy vậy ?
Tất cả những điều vừa kể không biết chính phủ có ghi nhận không, hay là tốt đẹp nhận hết còn cái xấu thì lờ đi ?
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến hết quý 3/2021, có hơn 28,2 triệu người bị mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập… do tác động của dịch Covid-19.
Mất việc làm và không được hỗ trợ kịp thời dẫn tới hệ quả hàng triệu người lao động ùn ùn tháo chạy khỏi các thành phố lớn phía Nam đổ về quê. Cũng theo Tổng cục thống kê, đến tháng 9/2021, có khoảng 1,3 triệu lao động về quê vì cuộc sống quá khó khăn.
Lợi dụng tình hình dịch bệnh và tâm lý hoang mang của người dân, hàng chục quan chức đầu ngành tại hai bộ Y tế và Ngoại giao đã "móc túi" người dân không thương tiếc qua hai đại án được phanh phui sau đó là Việt Á và "chuyến bay giải cứu".
Về vụ án "Chuyến bay giải cứu" – tính đến tháng 8/2023 đã có ít nhất 54 quan chức ngoại giao cấp cao bị kết án vì nhận hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng để dàn xếp các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước trong thời gian phong tỏa do đại dịch Covid-19, ông Cao Hà Trực nói :
"Vì vậy Nhà nước đã vẽ ra một bức tranh rất đẹp là các chuyến bay giải cứu rất nhân đạo, lúc bấy giờ chưa ai phát hiện ra như thế nào là nhân đạo.
Sắp sau này vỡ lẽ ra thì mọi người mới biết ra đó chỉ là một bức tranh mà họ vẽ ra thôi họ cường điệu hóa lên để cho người ta dễ tin và cuối cùng trở thành một cạm bẫy. Bây giờ nổ ra một số quan chức lớn phải đi tù, bị truy tố. Nó cho thấy rằng một sự tuyên truyền láo, không thực tế".
Trong vụ nâng giá kít xét nghiệm Việt Á, tính đến tháng 8/2023, Cơ quan điều tra Bộ Công an công bố đã có kết luận điều tra vụ, đề nghị truy tố 38 bị can, trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Cô Minh Trang, thạc sỹ chuyên ngành Quyền và Thực hành quyền nhận định với RFA rằng, trong thời gian Chính phủ Việt Nam thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, một số quyền của người dân bị xâm phạm, bao gồm quyền riêng tư cá nhân, chỗ ở, thư tín và đặc biệt là quyền tự do đi lại.
Cô phân tích, theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị quy ước, Quyền tự do đi lại bao gồm các thành tố sau : tự do lựa chọn nơi ở khi đang sống hợp pháp tại một quốc gia, tự do rời khỏi một đất nước, và tự do quay trở về tổ quốc.
Trong khi đó, suốt thời gian dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã đóng cửa biên giới, khiến cho nhiều công dân Việt Nam gặp khó khăn hoặc không thể trở về nước, là vi phạm quyền tự do đi lại của người dân.
Mặc dù điều 12 của Công ước này chỉ ra rằng trong một số trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia hoặc y tế công cộng thì quyền tự do đi lại có thể bị hạn chế nhưng các biện pháp hạn chế này phải tuân theo luật định và không mâu thuẫn với các quyền khác trong Công ước.
Bình luận chung số 27 về quyền tự do đi lại của Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng trong bất kỳ trường hợp nào, một người cũng không thể bị tuỳ tiện tước đoạt quyền trở về tổ quốc. Mọi hành động can thiệp của nhà nước phải được tiến hành theo luật định, tuân theo tôn chỉ và mục đích của Công ước này.
Việc Nhà nước tổ chức các chuyến bay "giải cứu" để đưa người dân về nước, theo bà Trang, cũng không làm thay đổi thực tế rằng quyền tự do trở về đã bị vi phạm. Bà Trang phân tích, thứ nhất, chỉ một số rất ít người dân có thể trở về trong khi rất nhiều người khác bị kẹt lại ở nước ngoài. Thứ hai, các chuyến bay "giải cứu" này có giá vé cao gấp nhiều lần so với các chuyến bay thương mại thông thường nên không phải ai cũng có khả năng chi trả chi phí đó.
Do đó, bà Trang cho rằng, không có bằng chứng nào cho thấy việc hạn chế quyền trở về của công dân sẽ mang lại hiệu quả trong việc phòng chống dịch. Vì vậy hạn chế quyền này là không hợp lý.
Ngày 27/05/2023, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 họp phiên cuối để công bố kết thúc nhiệm vụ. Sau hơn ba năm dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam ghi nhận hơn 11,6 triệu ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ và có hơn 43.200 ca tử vong. Dù từ đầu tháng 04/2023, số ca nhiễm mới, bệnh nhân nặng có xu hướng gia tăng, nhưng không nguy cấp nên Việt Nam chuẩn bị hồ sơ để công bố hết dịch.
Một khu phố ở Vũng Tàu bị phong tỏa trong thời gian dịch Covid-19 phát triển mạnh ở Việt Nam, ngày 13/09/2021. AP - Hau Dinh
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Tuy nhiên, tiến sĩ Angela Pratt, đại diện WHO tại Việt Nam, đã khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát sao năng lực các cơ sở chăm sóc, đồng thời có thể cần điều chỉnh các biện pháp ứng phó phù hợp. Đại diện của WHO nhấn mạnh : "Chúng ta không muốn quay trở lại tình trạng mà các quốc gia phải trải qua trong hơn 3 năm qua. Vì vậy, tất cả những điều trên thực sự rất quan trọng ngay tại thời điểm hiện tại khi mà số ca mắc đang gia tăng tại Việt Nam".
Khuyến cáo được đưa ra vào thời điểm, Việt Nam, cũng như khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng mạnh, chiếm tới 40% số ca Covid-19 được báo cáo trên toàn cầu trong chu kỳ 28 ngày gần nhất, theo báo cáo ngày 19/05 của WHO.
Trả lời RFI tiếng Việt ngày 20/05, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhận định :
"Theo tôi, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới đối với Việt Nam là hơi quá. Mới đây thủ tướng chính phủ Việt Nam đã đề nghị Bộ Y tế làm một tờ trình để đưa bệnh Covid ra khỏi nhóm A để trở thành nhóm B, có nghĩa là thành bệnh đặc hữu. Ở Việt Nam phân ra nhóm A, nhóm B. Nhóm A là bệnh truyền nhiễm rất độc hại. Còn nhóm B là bệnh đặc hữu. Và thủ tướng chính phủ đã đề nghị Bộ Y tế làm việc đó.
Còn theo tôi, ở Việt Nam, nền miễn dịch gần như vững hơn nhiều nước. Tại vì tỉ lệ chích mũi 3 rất là cao. Cho nên, số người thoát miễn dịch không phải là vấn đề. Tỉ lệ đó rất thấp. Và chúng ta nên nhớ là dù là đặc hữu hay không đặc hữu thì bệnh gì cũng vậy, cũng sẽ có đối tượng nguy cơ, cũng sẽ có người trở nặng. Chứ không bao giờ chúng ta nói là Covid sẽ không hiện hữu hoặc là Covid sẽ không làm một người nào chết hết. Điều đó không đúng vì bây giờ nó đã là một virus của con người".
Đầu tháng 05, số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tăng vọt so với những tháng trước, đỉnh điểm là gần 3.400 ca hôm 06/05. Sau nhiều ngày trung tuần tháng 5 ở mức khoảng 2.000 ca, số ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm xuống, hiện khoảng 1.100 đến 1.400 ca, theo số liệu đến ngày 26/05. Bác sĩ Trương Hữu Khanh giải thích xu hướng ca nhiễm tăng trở lại ở Việt Nam trong thời gian qua :
"Theo tôi, một bệnh lý hô hấp quay trở lại với một virus mà độ miễn dịch của người dân kém đi thì phải mất 3-4 tuần, thậm chí 5 tuần mới lui, cho nên biến thể này có thể sẽ gặp lại những người mà miễn dịch chưa hoàn hảo. Họ sẽ mắc bệnh nhưng sẽ hết, chứ không có gì đặc biệt. Cho nên tiếp tục phát hiện những đối tượng nguy cơ sớm để đưa họ tới bệnh viện, đừng để họ tới trễ. Thứ hai là bù đắp lại vac-xin của những người chưa đủ mũi".
2023 vẫn miễn phí tiêm vac-xin ngừa Covid-19
Tính đến nay, Việt Nam đã hoàn thành tiêm chủng liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm tổng cộng hơn 266,4 triệu liều. Phát biểu trong phiên họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 76 tại Geneve ngày 23/05, thứ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh "Việt Nam đạt mức bình quân 273,7 liều vac-xin ngừa Covid-19 đã tiêm/100 người dân, cao gấp 1,6 lần mức trung bình toàn thế giới (170,1) và cao hơn hầu hết các nước phát triển. Tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản của Việt Nam cao gấp 1,4 lần và tỉ lệ tiêm nhắc lại cao gấp 2 lần so với mức trung bình của thế giới".
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới vẫn tỏ ra lo ngại về độ bao phủ của các liều nhắc lại ở Việt Nam, bởi vì dù tỉ lệ tiêm liều cơ bản rất tốt nhưng tỉ lệ mũi nhắc lại lại không như mong đợi. Mới đây, Bộ Y tế đã lập kế hoạch tiếp tục triển khai tiêm cho các đối tượng mới đến độ tuổi tiêm vac-xin ngừa Covid-19 và tiêm các mũi nhắc lại. Đối tượng được ưu tiên cao là người cao tuổi, người trưởng thành có bệnh nền nặng (như tiểu đường/tim mạch), người có bệnh lý miễn dịch kể cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, phụ nữ có thai và cán bộ y tế tuyến đầu. Đối tượng ưu tiên trung bình là người trưởng thành khỏe mạnh dưới 50 hoặc 60 tuổi không có bệnh nền, trẻ em và trẻ vị thành niên mắc các bệnh nền. Đối tượng ưu tiên thấp là trẻ em và trẻ vị thành niên từ 6 tháng tới 17 tuổi.
Theo tính toán, đến hết năm 2023, Việt Nam cần gần 4 triệu liều vac-xin. Năm 2023, tiêm vac-xin ngừa Covid-19 vẫn được miễn phí và có thể lồng ghép với hoạt động tiêm chủng thường xuyên vì Covid-19 sẽ còn hiện diện trong cuộc sống trong tương lai gần. Nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch tiêm phòng này được lấy từ ngân sách nhà nước, Quỹ vac-xin phòng Covid-19 và nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước cùng các nguồn vốn hợp tác khác.
Làn sóng dịch nhỏ hiện nay ở việt Nam một phần là do biến thể phụ Omicron. Vào cuối tháng 03, trên thế giới ghi nhận khoảng 500 biến thể phụ Omicron nhưng con số này hiện đã lên đến 600. Các biến thể phụ lưu hành ở các nước thì cũng được ghi nhận ở Việt Nam. Liệu những biến thể đó có nguy hiểm hơn không ? Bác sĩ Trương Hữu Khanh giải thích :
"Thực ra trên thế giới, người ta cũng không thấy những biển thể mới này nguy hiểm. Nó vẫn lây nhanh hơn, và có một số đối tượng sẽ thoát miễn dịch, chứ không phải là tất cả những người khác đều thoát miễn dịch. Cho nên, đó cũng không phải là gánh nặng gì đối với ngành y tế.
Chúng ta biết khi một dịch bệnh xảy ra thì số ca bệnh không quan trọng bằng việc có làm quá tải khối điều trị hay không. Đó mới là điều quan trọng. Ở Việt Nam cũng có nhiều dịch bệnh, cả trăm ngàn, mấy trăm ngàn nhưng không quá tải đối với khối điều trị, thì người ta vẫn phòng ngừa như thông thường, chứ không đến nỗi phải huy động giống như đợt đại dịch trước đó".
Tuyên bố hết dịch để phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa Y tế Công cộng trường Đại học Y-Dược Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định với trang Tuổi Trẻ (21/05) rằng thời điểm lý tưởng nhất để công bố hết dịch Covid-19 là vào khoảng nửa sau tháng 6 do tình hình dịch hiện nay tương đối lạc quan, khi số ca mắc và tử vong vì Covid-19 đã giảm mạnh.
Thủ tướng chính phủ Việt Nam cũng đã yêu cầu Bộ Y tế căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và thực tế dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam để xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch giai đoạn 2023-2025. Có nghĩa là có thể coi Covid-19 là dịch cúm thông thường ở Việt Nam không ? Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhận định :
"Sắp tới đây tôi nghĩ nó cũng sẽ là một bệnh như những bệnh đường hô hấp khác. Thực sự ở Việt Nam còn nhiều gánh nặng đối với những bệnh chưa có vac-xin hoặc là những bệnh xảy ra hàng năm, như tay chân miệng, sốt xuất huyết có gánh nặng nhiều hơn nhiều so với Covid-19. Cho nên chỉ vài ngàn ca bệnh Covid-19 vẫn không là gì so với các đợt dịch bệnh của sốt xuất huyết hay tay chân miệng. Vì thế đổ sức vào phòng ngừa căn bệnh đó (Covid-19) thì rất tốn kém trong khi cho tới giờ nó không có gì đặc biệt. Mình để lực để phòng ngừa những căn bệnh thông thường mà hàng năm xảy ra mà phải đối phó".
Theo truyền thông Việt Nam, dù chưa chuyển Covid-19 từ nhóm A - các bệnh truyền nhiễm rất độc hại sang nhóm B - các bệnh đặc hữu, nhưng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn "quản lý bền vững" dịch bệnh, như mở cửa biên giới, không cấm đi lại, tổ chức hội họp, sự kiện, không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc, nới lỏng cách ly Hiện chỉ còn một số hoạt động coi Covid-19 là nhóm A như quy định giám sát dịch, chữa bệnh miễn phí cho người nhiễm Covid-19, tiêm vac-xin miễn phí… Điều này cũng có nghĩa khi chuyển Covid-19 sang nhóm B, người bị bệnh sẽ không còn được điều trị miễn phí như trước.
Sau khi công bố dịch trên toàn quốc từ ngày 01/04/2020, khoảng hai năm sau, từ đầu năm 2022, nhiều lần thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị liên quan tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn chưa cụ thể hóa được các chủ trương này. Kể cả khi đã tiêm đủ hai mũi vac-xin cho nhóm từ 12 tuổi nhưng Bộ Y tế vẫn đề xuất chưa công bố hết dịch vì lo ngại biến thể mới nguy hiểm hơn. Đề xuất xây dựng kế hoạch ứng phó Covid-19 lần này lại diễn ra vào đúng thời điểm Việt Nam có đợt dịch bùng phát nhỏ và có thể xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 trong thời gian tới.
Tình hình này khiến Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra khuyến cáo và cam kết đồng hành với Việt Nam trong công cuộc phòng chống dịch. Ngoài ra, tổ chức của Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra 7 khuyến nghị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các quốc gia khi chuyển từ phòng chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch bền vững, lâu dài.
Công bố hết dịch sẽ giúp Việt Nam mở cửa kinh tế mạnh hơn, tăng tốc phục hồi kinh tế. Do đó, theo ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng được báo Tuổi Trẻ trích dẫn hôm 22/05, kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới của Việt Nam phải "làm sao theo dõi được sát tình hình dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp, không bất ngờ, vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống nhưng không tốn kém, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân, đặc biệt lưu ý các hoạt động giám sát, dự phòng cá nhân, tiêm chủng, truyền thông, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương".
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 29/05/2023
Nhận định Covid-19 sắp tới sẽ chỉ như dịch cúm mùa, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 17/03/2023, hy vọng năm nay có thể tiếp tục hạ mức báo động Covid-19, hiện đang ở mức cao nhất.
Ảnh minh họa virus corona. © Getty Images / iStockphoto - BlackJack3D
Theo AFP, lãnh đạo các chương trình khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Micheal Ryan, tại một cuộc họp báo hôm qua ở Genève, phát biểu : "Tôi nghĩ chúng ta đã đến điểm có thể nhìn nhận Covid-19 theo cùng cách chúng ta nhìn nhận bệnh cúm mùa, tức là một mối đe dọa cho sức khỏe, virus sẽ tiếp tục làm chết người, nhưng không gây rối loạn xã hội và hệ thống y tế".
Trong khi đó, tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, tỏ ý hài lòng khi lần đầu tiên số ca tử vong hàng tuần, mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới ghi nhận trong 4 tuần qua, đã giảm so với hồi thế giới bắt đầu sử dụng từ "đại dịch" Covid-19 cách nay 3 năm. Người đứng đầu WHO lạc quan, nhận định rằng tình hình hiện giờ tốt hơn bất kể thời điểm nào trong thời gian đại dịch.
Điều đáng lưu ý là câu hỏi về nguồn gốc đại dịch vẫn chưa có lời giải đáp. Do đó, tổng giám đốc WHO hôm qua hối thúc chính quyền Trung Quốc thể hiện "sự minh bạch" qua việc chia sẻ các dữ liệu về Covid-19.
Theo WHO, sau 3 năm, đã có tổng cộng "7 triệu ca tử vong vì Covid -19 được ghi nhận, nhưng số người chết trên thực tế cao hơn".
Thùy Dương
Từ ngày 8/1/2023, quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này bắt đầu dỡ bỏ mọi biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Theo Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, tổng lưu lượng hành khách đi lại trong kỳ Xuân vận này dự kiến sẽ đạt gần 2,1 tỷ lượt, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong ngày 7/1/2023, có 6 triệu hành khách di chuyển bằng đường sắt.
Khách Trung Quốc đến Việt Nam được áp dụng biện pháp kiểm dịch như khách từ các quốc gia khác, và chỉ xét nghiệm những du khách có biểu hiện, nghi ngờ mắc Covid-19.
Trước đó, ngày 6/1/2023, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc khuyến cáo người dân hạn chế đi lại và tụ tập ngày Tết, nhất là khi có người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và những người có bệnh nền. Người dân dùng phương tiện giao thông công cộng cũng được khuyến cáo đeo khẩu trang, đặc biệt chú ý đến sức khỏe và vệ sinh cá nhân.
Với thông báo trên cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cách chống dịch của chính quyền Trung Quốc, vốn trước đây luôn khuyến cáo người dân ở nhà trong dịp lễ Tết.
Tính đến hiện tại thì ở các cửa khẩu biên giới Việt – Trung, phía Trung Quốc đưa ra yêu cầu để nhập cảnh vào Trung Quốc, cần có kết quả xét nghiệm Covid bằng phương pháp RT-PCR âm tính trong thời gian 48 tiếng. Chính quyền Việt Nam đã thực hiện các xét nghiệm này theo đề nghị của Trung Quốc.
Ghi nhận từ sáng sớm ngày 8/1/2023, trong gần 2.000 người tập trung tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh chờ làm thủ tục xuất cảnh về Trung Quốc, thì chủ yếu là các công nhân người Trung Quốc làm việc tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Không có người về Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái
Theo báo cáo của Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn thì từ 7g sáng 8/1/2023, hơn 1.000 người tập trung tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tiến hành các bước thủ tục xuất cảnh, phòng chống dịch Covid-19. Chỉ trong vòng 2 tiếng sau, số lượng đã lên đến hơn 3.000 người.
Ở các cửa khẩu quốc tế Việt – Trung, tính đến chiều ngày 8/1/2023, thì công dân Việt Nam và công dân nước thứ ba tạm thời vẫn chưa được phép nhập cảnh vào Trung Quốc.
Đáng chú ý, ở chiều nhập cảnh từ Trung Quốc về Việt Nam, theo ghi nhận từ nhà chức trách thì đang có hàng ngàn người xếp hàng chờ làm thủ tục thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Đây là số lao động Việt Nam đi làm việc, kinh doanh tại Trung Quốc mong muốn trở về thăm người thân, quê hương sau gần 3 năm ở lại Trung Quốc khi nước này phong tỏa biên giới để chống dịch Covid-19.
Nếu như phía Trung Quốc yêu cầu người Trung Quốc muốn trở về quê hương phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid bằng phương pháp RT-PCR, thì ở chiều ngược lại phía Việt Nam không đưa ra yêu cầu gì tương tự cho người Trung Quốc sang Việt Nam.
Cập nhật tin tức cho biết, ngày 11/1/2023, Vietjet Air tổ chức chuyến bay charter – tức thuê trọn gói của khách từ Trung Quốc bay sang tỉnh Khánh Hòa (sân bay quốc tế Cam Ranh). Dự kiến có 8 chuyến bay đến và đi như vậy giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung bình mỗi chuyến sẽ có khoảng 150 – 180 khách. "Số chuyến bay tùy thuộc vào nhu cầu đi lại của hành khách, chủ yếu từ Trung Quốc", bà Lê Thị Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh, cho biết.
Khánh Hòa là địa phương đón nhiều khách Trung Quốc nhất cả nước. Năm 2019, tỉnh có 3,5 triệu khách quốc tế lưu trú, trong đó Trung Quốc chiếm 70%, còn lại là Nga và các nước khác.
Cũng thu hút du lịch, tuy nhiên bắt đầu từ ngày 9/1/2023, Thái Lan tái áp dụng các yêu cầu về phòng dịch Covid-19 khi nhập cảnh. Tất cả hành khách bay đến Thái Lan đều phải trình chứng nhận đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin Covid-19, hoặc đã khỏi bệnh từ tháng 7/2022 đến nay. Những hành khách chưa tiêm chủng phải có báo cáo lý do vì sao không tiêm. Các quy định trên áp dụng cho đến ngày 31/1/2023.
Cho đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với khách Trung Quốc. Hơn 10 quốc gia đã áp đặt hạn chế đi lại mới đối với những người đến từ Trung Quốc, trong đó có nhiều nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu.
Trong khi đó, khách Trung Quốc đến Việt Nam được áp dụng biện pháp kiểm dịch như khách từ các quốc gia khác, và chỉ xét nghiệm những du khách có biểu hiện, nghi ngờ mắc Covid-19.
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 09/01/2023
WHO chỉ trích Bắc Kinh không minh bạch số liệu Covid-19
Thùy Dương, RFI, 05/01/2023
Bắc Kinh hôm 05/01/2023 kêu gọi Tổ Chức Y Tế Thế Giới ( WHO ) có quan điểm "đúng đắn, dựa trên cơ sở khoa học khách quan và công bằng" về dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi hôm qua, ông Michael Ryan, phụ trách các tình huống khẩn cấp y tế của WHO, nhận định các số liệu mà Bắc Kinh công bố không phản ánh đúng thực tế dịch Covid-19.
Trụ sở của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tại Genève, Thụy Sĩ. Reuters - Denis Balibouse
Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche tường trình :
"Không thể chấp nhận được", Bắc Kinh nói như vậy khi đề cập đến biện pháp xét nghiệm Covid-19 áp dụng đối với hành khách đến từ Trung Quốc. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đáp lại : "Đó là điều bình thường". Định chế của Liên Hiệp Quốc nhận định cho dù biện pháp nói trên không hẳn phù hợp dưới góc độ y tế, nhưng vẫn có thể hiểu được. Đó là bởi vì Trung Quốc không minh bạch, từ chối chia sẻ dữ liệu về tình hình bùng phát Covid hiện nay.
Michael Ryan, giám đốc đặc trách các hoạt động khẩn cấp tại WHO, phát biểu : "Việc bắt buộc mọi người xét nghiệm không cản trở việc di chuyển. Đây không phải là một chính sách quá nghiêm ngặt. Xin quý vị nhớ lại : Chính Trung Quốc đã có một chính sách rất gắt gao đối với tất cả những ai muốn đến nước này trong suốt 3 năm qua. Thực tế là nhiều nước không có đủ thông tin về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, nên họ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa bằng cách yêu cầu du khách xét nghiệm".
Cuộc họp hôm thứ Ba (03/01) giữa các nhà khoa học Trung Quốc và các thành viên của WHO không mang lại thay đổi lớn nào. Chúng ta vừa biết rằng các biến thể lây lan tại Trung Quốc tạm thời vẫn giống trước đây, nhưng lại không có số liệu mới về bệnh nhân tại khoa chăm sóc đặc biệt hay số ca tử vong. Nói tóm lại là không có các số liệu đáng tin cậy. Ông Michael Ryan nói tiếp : "Chúng tôi nghĩ rằng các số liệu Trung Quốc hiện giờ công bố chưa phản ánh đúng tác động thực sự của dịch bệnh". Theo lối nói ngoại giao, một lần nữa điều đó có nghĩa là Bắc Kinh đang nói dối về chủ đề này".
Thùy Dương
Covid-19 tại Trung Quốc : Nguy cơ xuất hiện biến thể nguy hiểm hơn ?
Chi Phương, RFI, 04/01/2023
Theo Financial Times, tại Trung Quốc hiện nay ít nhất 250 triệu người đã bị nhiễm Covid-19. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng ít nhất 1 triệu người Trung Quốc có nguy cơ tử vong vì Covid-19 trong năm 2023. Với tốc độ lây lan chóng mặt của dịch bệnh, giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến thể mới, nguy hiểm hơn và lây lan nhanh hơn.
Bệnh nhân tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 03/01/2023. Reuters - Staff
Kể từ ngày 07/12/2022, Trung Quốc đã chính thức thông báo chấm dứt chính sách Zero Covid nghiêm ngặt với các đợt xét nghiệm hàng loạt, cách ly và phong tỏa nhiều thành phố từ 3 năm qua. Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng dịch, được cho là chủ yếu do BF.7 (tên đầy đủ là BA.5.2.1.7), một biến thể phụ của Omicron BA.5 - được phát hiện vào tháng 05/2022. Kể từ ngày 25/12, chính quyền Bắc Kinh ngừng cung cấp thông tin thường nhật về số ca nhiễm mới. Do vậy có rất ít thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, trong khi nhiều bệnh viện, nhà mai táng quá tải.
Thế giới lo ngại vì thiếu thông tin từ Trung Quốc
Trước thông tin Trung Quốc mở cửa biên giới, cho phép người dân tự do di chuyển kể từ ngày 08/01, chính phủ nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Pháp, đã nhanh chóng thực hiện biện pháp kiểm soát, xét nghiệm Covid-19 với hành khách đến từ Trung Quốc, vì lo ngại một làn sóng dịch mới bùng lên, khó kiểm soát. Trên mạng xã hội Twitter, giám đốc của Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) Tedros Adhanom Grebreyesus cho rằng "vì thiếu thông tin đầy đủ từ Trung Quốc, rất dễ hiểu khi các quốc gia trên toàn giới có hành động như vậy vì họ muốn bảo vệ công dân của họ".
Ngày 16/12 vừa qua, giám đốc Viện sức khỏe toàn cầu, trực thuộc Đại học Geneva, ông Antoine Flahaul cho biết trên Twitter rằng : "BF.7 sẽ có tỷ lệ sinh sản (RO) từ 10 đến 18,6. Điều này có nghĩa là trung bình một người nhiễm bệnh sẽ truyền virus cho từ 10 đến 18,6 người khác, so với mức trung bình là 5,08 đối với Omicron". Theo viện nghiên cứu Pasteur, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với RO của chủng SARS-CoV-2 ban đầu, ước tính là 3, hoặc là 6 hoặc 7 đối với biến thể Delta.
Các triệu chứng của người nhiễm chủng BF.7 tương tự như với các triệu chứng nhiễm Omicron vốn nhẹ hơn so với chủng corona virus được phát hiện ở Vũ Hán. Bệnh nhân có thể bị sốt, ho, đau họng, sổ mũi và mệt mỏi, một số ít trường hợp có biểu hiện nôn mửa và tiêu chảy. Tuy nhiên, BF.7 có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch. Điều này có nghĩa là những người đã có kháng thể do đã nhiễm Covid-19 hoặc đã được chích ngừa, đều có thể bị nhiễm BF.7. Ngoài ra, biến thể phụ này có một đột biến R346T, nằm trong gen mã hoá protein tăng đột biến. Đây là loại protein ở trên bề mặt của virus cho phép bám và lây nhiễm vào tế bào của con người. Đột biến này cho phép BF.7 có thể chống lại khả năng vô hiệu hoá virus mà vac-xin tạo ra hoặc kháng thể có được vì đã nhiễm corona virus.
"Lò thử nghiệm" tạo ra biến thể mới
Nhà virus học Christian Bréchot, kiêm giám đốc của Global Virus Network, trả lời trên đài truyền hình BFMTV ngày 26/12, cho biết mặc dù về mặt chính thức, chính quyền Bắc Kinh không cung cấp nhiều thông tin, nhưng các nhà khoa học Trung Quốc vẫn duy trì trao đổi thông tin với các đồng nghiệp nước ngoài. Bắc Kinh dường như không còn kiểm soát được số ca nhiễm, nhưng giới nghiên cứu Trung Quốc vẫn có các thước đo giám sát, theo dõi dịch bệnh. Tuy vậy, ông Christian Bréchot cũng bày tỏ quan ngại :
"Khi có tới 250 triệu người nhiễm bệnh đồng loạt, một cách nhanh chóng, thì đây chẳng khác nào cuộc thử nghiệm tạo ra các loại biến thể mới và nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn. Thêm vào đó, cũng còn một nguy cơ khác về kinh tế, đó là Trung Quốc đóng cửa".
BQ.1.1, BQ.1, BA.2.3.20, BA.2.75.2, BF.7, BJ.1, XBB... L’Express miêu tả các biến thể phụ của Omicron, Delta hoặc Alpha, giống như một bầy thú có sức tấn công lớn, lây lan nhanh. Các biến thể phụ này thông thường được tạo ra khi những người có hệ miễn dịch kém nhiễm bệnh và không có khả năng loại bỏ virus ra khỏi cơ thể. Do vậy, virus có thời gian để thực hiện đột biến, đến mức tạo ra một nhánh mới trong cây phả hệ của Sars-CoV-2. Đối với các biến thể phụ từ Omicron, giáo sư sinh học tiến hoá tại Đại học Guelph ở Canada, trả lời l’Express rằng "virus càng lưu thông nhanh, thì càng có cơ hội tạo đột biến. Việc sửa đổi bộ gen xảy ra ngẫu nhiên, nhưng sau đó một số được giữ lại khi virus thấy có lợi thế để tồn tại". Theo tạp chí khoa học Science et Vie của Pháp, virus cần phải biến đổi để có thể tiếp tục tồn tại được. Đó là nguyên tắc của quá trình chọn lọc tự nhiên, nghĩa là sinh vật nào thích ứng tốt hơn với môi trường mới thì có thể tồn tại lâu hơn.
Tỷ lệ lây nhiễm cao vì dân Trung Quốc chưa được miễn dịch
Riêng đối với loại biến thể phụ BF.7, đang hoành hành tại Trung Quốc, bác sĩ về nhiễm trùng học Benjamin Davido, tại bệnh viện Raymond-Poincarée, ở Garches, Pháp, trả lời đài truyền hình France 5 ngày 30/12, nhận định rằng : "Mức độ cảnh báo là tối đa. Bởi vì trước khi nói đến một loại biến thể mới thì chúng ta cần phải hiểu đằng sau nó vẫn luôn là Covid. Trong mỗi làn sóng dịch Covid-19, thường có một loại biến thể mới".
Tuy nhiên, BF.7 lại không phải là biến thể phụ nguy hiểm nhất hiện nay. Tờ IndianExpress cho biết biến thể phụ khác của Omircon BQ.1 có thể chống lại khả năng trung hoà virus của vac-xin, cao gấp 10 lần so với BF.7. Các chuyên gia cho rằng không phải biến thể BF.7 có khả năng lây truyền cao hơn hay có cơ chế lẩn trốn hệ miễn dịch cao hơn khiến các ca bệnh ở Trung Quốc gia tăng, mà là do dân số chưa được miễn dịch. Tiến sĩ Anurag Agarwal, cựu giám đốc của Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG), một mạng lưới các phòng thí nghiệm do chính phủ thành lập để theo dõi các biến chủng của Covid-19, đã thực hiện giải trình tự bộ gen Covid-19, cho biết : "Trung Quốc hiện đang trải qua sự gia tăng của các ca nhiễm do Omicron và các biến thể phụ như các quốc gia khác. Điều này cũng giống như trường hợp của Hồng Kông khi nới lỏng các hạn chế".
Nghi vấn về vac-xin do Trung Quốc sản xuất
Tại Trung Quốc, hai loại vac-xin chủ yếu được sử dụng là CoronaVac và Sinopharm, các hai đều được phát triển và sản xuất ở Trung Quốc. 90 % dân số Trung Hoa được trích ngừa ít nhất 2 liều vac-xin này. Khi dịch bùng phát mạnh, nhiều tin đồn được loan ra cho rằng các loại vac-xin Trung Quốc sản xuất không hiệu quả. Nhà dịch tễ học Ben Cowling tại Đại Học Hồng Kông bác bỏ thông tin này, đồng thời cho biết trên trang National Public Radio (NPR) của Hoa Kỳ, là "vac-xin Trung Quốc không giống các loại vac-xin của phương Tây (mRNA) như Pfizer hay Moderna". Công nghệ mà Trung Quốc sử dụng cũ hơn, nhưng đã được khoa học chứng minh rằng có thể vô hiệu hoá hoặc loại bỏ các hình thức của virus SARS-CoV-2.
Phòng hơn là tránh
Theo bà Anne Sénéquier, bác sĩ và đồng giám đốc của Viện theo dõi sức khoẻ (IRIS) trả lời trong chương trình C’est dans l’air của đài truyền hình France 5 hôm 30/12, việc đóng cửa biên giới không có hiệu quả để ngăn ngừa dịch, mà thay vào đó phải củng cố hệ thống y tế :
"Hiện giờ, mục đích là làm sao để truy dấu vết và cố gắng dự phóng và không phải lúc nào cũng trong tình trạng "phản ứng ra sao" và chịu tác động từ dịch bệnh như thế nào. Chúng tôi đã bị chỉ trích rất nhiều trong những năm qua vì không có khả năng dự phóng. Chúng tôi cũng đã học được khá nhiều từ 3 năm qua. Chúng ta biết virus lây nhiễm như thế nào và làm sao để tự bảo vệ, có khẩu trang, làm thoáng khí, v.v. Đúng là có hiện tượng chán nản mệt mỏi với dịch trong dân chúng ở khắp các nước trên thế giới. Nhưng thật đáng buồn là, giống như những vấn đề lớn khác của thế kỷ XXI, chúng ta cần phải học cách sống cùng nó và không để virus trở thành một hạn chế".
Biến thể Omicron đã xuất hiện từ tháng 12 năm 2021 và được cho là biến thể có độ lây nhiễm cao nhất, đã tạo ra vô số "hậu duệ". Trong vòng hơn một năm qua, khoảng hơn 500 biến thể phụ của Omicron đã được phát hiện trên toàn thế giới. Giới chuyên gia cho rằng không cần phải quá lo lắng vì các biến thể phụ lây nhiễm ở Trung Quốc vốn đã xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới, tại Châu Âu hay Châu Á. Các loại vac-xin hiện nay vẫn có hiệu quả và tỷ lệ chủng ngừa cao.
Tuy nhiên, theo tạp chí Nature, nguy cơ xuất hiện một biến thể mới hung hãn hơn là hoàn toàn có thể xảy ra. Những gì xảy ra ở Trung Quốc cho thấy sang năm 2023 không nên tự mãn, cho rằng Covid-19 đã qua đi. Một biến thể mới được cho là đáng lo ngại nếu có cơ chế lẩn tránh hệ miễn dịch tốt hơn và gây ra những chứng bệnh nghiêm trọng hơn và dễ lây lan hơn các biến thể hiện hành.
Chi Phương
Liên Âu khuyến khích nước thành viên xét nghiệm du khách đến từ Trung Quốc
Thu Hằng, RFI, 05/01/2023
Sau cuộc họp ngày 04/01/2023, các chuyên gia dịch tễ Châu Âu đã khuyến nghị 27 nước thành viên yêu cầu hành khách đến từ Trung Quốc phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 48 tiếng trước khi lên máy bay. Nhiều biện pháp cũng được thông qua và sẽ được triển khai "từ giờ đến giữa tháng 1".
Một du khách từ Trung Quốc qua điểm xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Charles de Gaulle ở Roissy, ngoại ô Paris, ngày 01/01/2023. AFP – Julien de Rosa
Thông tín viên RFI Laure Broulard tại Bruxelles cho biết thêm :
"Sau nhiều giờ thảo luận, các đại diện của khối 27 nước đã nhất trí về nhiều khuyến cáo. Trước tiên, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu rất được khuyến khích đòi hỏi kết quả xét nghiệm âm tính đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc. Xét nghiệm phải được thực hiện trong vòng 48 tiếng trước khi khởi hành. Các nước cũng khuyên hành khách đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay.
Thông cáo chính thức cũng nêu nhiều biện pháp bổ sung, như triển khai xét nghiệm ngẫu nhiên khi hành khách đến các nước thành viên hoặc phân tích nước thải tại các sân bay đón các chuyến bay đến từ Trung Quốc.
Những quyết định của cơ chế phối hợp đối phó khủng hoảng của Hội Đồng Châu Âu (IPCR - The integrated political crisis response) không mang tính ràng buộc về pháp lý, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu có quyền chọn áp dụng hoặc không. Nguồn tin từ một người tham dự cuộc họp cho biết : "Tất cả các nước thành viên nhất trí về việc phải có tầm nhìn phối hợp ở Châu Âu về hồ sơ này".
Một số khuyến nghị, như xét nghiệm lúc khởi hành hoặc tại nơi đến, đã được Ý, Tây Ban Nha và Pháp thông qua - những biện pháp mà Bắc Kinh coi là "không chấp nhận được". Trong khi đó, Áo và Bỉ thông báo ý định phân tích nước thải của các chuyến bay đến từ Trung Quốc".
Liên Hiệp Châu Âu hoàn toàn có cơ sở để lo ngại tình hình dịch bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Theo trang RTL, ngày 04/01, người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Veran cho biết một sân bay của Pháp đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 đối với hành khách trên một chuyến bay từ Trung Quốc hôm 03/01. Kết quả là 1/3 số hành khách nhiễm Covid-19. Kể từ ngày 05/01, Pháp bắt buộc hành khách đến từ Trung Quốc phải có xét nghiệm âm tính Covid trong vòng 48 tiếng trước khi xuất phát.
Về phía Đức, bộ trưởng Y Tế Karl Lauterbach lo ngại về độ nguy hiểm của biến thể Omicron XBB.1.5 đang hoành hành tại Mỹ, chiếm đến 40% số ca nhiễm. Trên mạng Twitter, ông cho biết Berlin "đang theo dõi liệu XBB.1.5 đã có ở Đức chưa và lây như thế nào" và hy vọng nước Đức "sẽ qua được mùa đông trước khi một biến thể như vậy lây lan mạnh".
Thu Hằng
Liên Âu có thể yêu cầu xét nghiệm Covid đối với hành khách đến từ Trung Quốc
Thu Hằng, RFI, 04/01/2023
Có nhiều khả năng Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu du khách đến từ Trung Quốc phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 để nhập cảnh vào khối này. Biện pháp được dự kiến đưa ra trong cuộc họp ngày 04/01/2023 tại Bruxelles. Trước đó, chuyên gia dịch tễ của các nước thành viên đã nhất trí về biện pháp trên.
Nhân viên y tế tại khu vực chờ xét nghiệm Covid-19 ở sân bay Charles de Gaulle, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 01/01/2023. AP - Aurelien Morissard
Thông tín viên RFI Jean-Jacques Héry tường trình từ Bruxelles :
"Tất cả các nước thành viên đã nhất trí về "cách tiếp cận có phối hợp", theo giải thích của Ủy Ban Châu Âu. Tại Bruxelles, mọi người cũng thở phào sau một tuần do dự và chỉ có các biện pháp đơn phương. Thực vậy, khối 27 nước bị chia rẽ nặng nề. Một mặt là do phía các cơ quan dịch tễ Châu Âu không hề báo động. Mặt khác do thông tin từ Trung Quốc được cho là không đáng tin cậy về khả năng xuất hiện của một biến thể mới.
Ủy Ban Châu Âu cũng nhấn mạnh rằng hiện giờ, "đa số áp đảo các nước thành viên Liên Âu thông báo ủng hộ biện pháp xét nghiệm Covid-19 triệt để đối với hành khách đến từ Trung Quốc trước khi họ khởi hành đến Châu Âu".
Nhiều biện pháp khác cũng được tính đến. Trước tiên là bắt buộc hành khách đến từ Trung Quốc đeo khẩu trang, tiếp theo là xác định khả năng có những biến thể mới, kiểm tra nước thải của các máy bay và tăng số lượng xét nghiệm giải trình tự gien tại các sân bay.
Những biện pháp này được đưa ra thảo luận tại Bruxelles hôm nay (04/01) trong cuộc họp của IPCR, một cơ quan đặc biệt của Châu Âu chịu trách nhiệm đưa ra quyết định nhanh chóng và phối hợp giữa 27 nước thành viên của Hội Đồng Châu Âu. Những khuyến nghị cũng sẽ được nêu lên tại cuộc họp và sau đó sẽ được các nước thành viên bảo đảm".
Song song với các biện pháp kiểm dịch đối với du khách đến từ Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu cũng đề xuất cung cấp miễn phí vac-xin thích ứng với biến thể Omicron cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong buổi họp báo ngày 03/01, người phát ngôn của Ủy Ban Châu Âu không nêu rõ là loại vac-xin nào. Chính quyền Bắc Kinh chưa trả lời về đề xuất này. Trả lời Reuters, một người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định tỉ lệ tiêm phòng và khả năng xử lý dịch bệnh tiếp tục gia tăng ở Trung Quốc và nước này có kho dự phòng "phù hợp".
Mỹ : Yêu cầu xét nghiệm "chỉ dựa trên khoa học"
Tokyo cũng tăng cường biện pháp phòng dịch với du khách trên các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc đến Nhật Bản, cụ thể là từ ngày 08/01/2023, phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi lên máy bay. Theo Reuters, trong buổi họp báo ngày 04/01, thủ tướng Fumio Kishida cho biết biện pháp này bổ trợ cho các biện pháp kiểm soát có hiệu lực từ ngày 30/12/2022. Chính phủ Nhật Bản tiếp tục yêu cầu các hãng hàng không hạn chế số chuyến bay đến từ Trung Quốc.
Về phía Mỹ, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Ned Price khẳng định hôm 03/01 rằng yêu cầu của Washington về việc du khách đến từ Trung Quốc phải trình xét nghiệm âm tính Covid-19 tại cửa khẩu là "chỉ dựa trên khoa học". Trước đó, Bắc Kinh chỉ trích biện pháp được vài chục nước áp dụng là "thiếu khoa học" và "không chấp nhận được".
Thu Hằng
Bắc Kinh lại lên án các nước siết chặt kiểm soát dịch tễ với khách Trung Quốc
Trọng Thành, RFI, 04/01/2023
Ngày càng có thêm nhiều quốc gia siết chặt kiểm soát dịch tễ với khách từ Trung Quốc, trong bối cảnh dịch Covid bùng lên với quy mô chưa từng có tại quốc gia 1,4 tỷ dân, cùng lúc với việc Bắc Kinh bãi bỏ các hạn chế, khiến số người Trung Quốc ra nước ngoài sẽ tăng vọt. Bắc Kinh phản ứng dữ dội với những biện pháp nói trên.
Du khách đến từ Trung Quốc tại khu vực chờ xét nghiệm Covid-19 ở sân bay Charles de Gaulle, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 01/01/2023. AP - Aurelien Morissard
Hôm 03/01/2022, Trung Quốc một lần nữa khẳng định việc các nước đòi khách Trung Quốc phải có xét nghiệm âm tính là "không có cơ sở khoa học". Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục đòi xét nghiệm âm tính với Covid đối với người nhập cảnh Trung Quốc.
Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
"Đây là lần thứ ba liên tiếp bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên án điều mà họ cho là quyết định ‘‘không có cơ sở khoa học’’. Trước báo giới, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) chỉ trích ‘‘một số quốc gia đã đưa ra các hạn chế chỉ nhắm vào du khách đến từ Trung Quốc. Những hành vi này là không thể chấp nhận được’’. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết thêm là Bắc Kinh có thể áp dụng các biện pháp trả đũa, trên nguyên tắc có đi có lại.
Các tuyên bố nói trên của chính quyền Trung Quốc được đưa ra một tháng sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, gây ra làn sóng lây nhiễm ở các vùng đô thị lớn của Trung Quốc, khiến hệ thống bệnh viện quá tải.
Các tuyên bố này cũng được đưa ra sau gần 3 năm Trung Quốc đóng cửa biên giới, với các biện pháp kiểm dịch khắc nghiệt đối với những người nhập cảnh. Các biện pháp nói trên, đặc biệt là việc cách ly đối với người nhập cảnh sẽ bị bãi bỏ từ Chủ Nhật 08/01, nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn buộc hành khách đến từ các nước khác phải có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ".
Bắc Kinh phản bác mọi chỉ trích về chính sách Covid
Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc hôm qua một lần nữa tỏ ra lạc quan, khi khẳng định "Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc chắc chắn sẽ chiến thắng hoàn toàn dịch bệnh", đồng thời bác bỏ mọi phê phán về các chính sách đã dẫn đến phong trào phản kháng chưa từng có tại Trung Quốc cuối năm qua.
Việc Bắc Kinh che giấu thông tin về mức độ trầm trọng của dịch khiến người dân phẫn nộ. Trung Quốc chỉ thừa nhận trung bình chưa đến 5 người chết/ngày kể từ khi từ bỏ chính sách "Zero Covid". Reuters hôm nay 04/01/2022 dẫn lời một cư dân ở Bắc Kinh, xin ẩn danh, cho biết riêng trong gia đình ông đã có "bốn người thân" chết từ đầu đợt dịch lớn này. Ông kêu gọi chính quyền "hãy thành thật với người dân, với thế giới về những gì đang thực sự diễn ra" tại Trung Quốc.
Hôm qua, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới đã có buổi làm việc với giới y tế Trung Quốc để một lần nữa yêu cầu Bắc Kinh minh bạch thông tin về dịch bệnh.
Trọng Thành
Covid-19 : Trung Quốc hạ thấp mức độ nghiêm trọng trước cuộc gặp với WHO
Minh Anh, RFI, 03/01/2022
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đà lây nhiễm Covid-19 trước cuộc họp với các nhà khoa học thuộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS), dự kiến diễn ra hôm 03/01/2023.
Bệnh nhân được xe cứu thương chở đến một bệnh viện ở tỉnh Tứ Xuyên,Trung Quốc, ngày 31/12/2022. AP
Reuters cho biết, hôm qua, Trung Quốc loan báo có 3 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì nhiễm Covid-19 lên thành 5.253 người kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các chuyên gia Trung Quốc trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, còn cho rằng căn bệnh do virus gây ra là tương đối nhẹ đối với mọi người.
Đồng Triệu Huy (Tong Zhaohui), phó giám đốc bệnh viện Triều Dương tại Bắc Kinh, khẳng định : "Số ca bệnh nặng và nguy kịch chiếm từ 3-4% số bệnh nhân nhập viện để điều trị tại các bệnh viện được chỉ định ở Bắc Kinh". Lãnh đạo bệnh viện Tianfu, thuộc đại học Tứ Xuyên ở miền Tây Trung Quốc, thì đưa ra tỉ lệ 1% số ca được đưa vào chăm sóc đặc biệt.
Nhưng trong khi đó ở Thượng Hải, hãng tin Anh thuật lại lời một nhân chứng cho biết khu cấp cứu ở bệnh viện Trung Sơn chật cứng bệnh nhân trong ngày hôm nay, phần đông là người lớn tuổi. Nhiều người phải nằm ngoài hành lang, đắp chăn và được điều trị bằng truyền dịch qua tĩnh mạch, trong khi một hàng người dài chờ được khám bệnh.
Những con số này được đưa ra vào lúc WHO mời họp các nhà khoa học Trung Quốc, đề nghị chia sẻ dữ liệu về số ca nhập viện, tử vong và tiêm ngừa. Một số nhà quan sát tỏ ra bi quan, "không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiết lộ thông tin" như nhận định của Alfred W, phó giáo sư Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu, đại học Quốc gia Singapore với Reuters.
Bắc Kinh hôm nay đã phản đối mạnh mẽ việc nhiều nước phương Tây ban hành các quy định hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ Trung Quốc, mà họ cho là "không thể chấp nhận được", "thiếu cơ sở khoa học" và "không hợp lý". Bắc Kinh dọa sẽ đưa ra "những biện pháp đáp trả theo nguyên tắc có qua có lại".
Trong bối cảnh này, Liên Hiệp Châu Âu hôm nay đã tiếp xúc với Bắc Kinh đề nghị cung cấp miễn phí vac-xin ngừa Covid-19 để hỗ trợ ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc.
Liên Hiệp Châu Âu cũng thông báo mở cuộc họp khẩn cấp vào ngày mai, thứ Tư 04/01 nhằm tìm kiếm một đối sách chung ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 đến từ Trung Quốc.
Minh Anh
Các nhà tang lễ và trung tâm hỏa táng bận rộn vì Covid lan rộng
BBC, 18/12/2022
Ghi nhận của Reuters tại một trung tâm hỏa táng ở Bắc Kinh vào ngày thứ Bảy 17/12 cho thấy một hàng dài các quan tài, trong khi các nhân viên tại hàng chục nhà tang lễ bận rộn hơn ngày thường.
Nhân viên trong trang phục y tế di chuyển một thi hài tại một nhà tang lễ ở Bắc Kinh vào ngày 17/12
Tình trạng này xảy ra sau khi Trung Quốc đảo ngược chính sách kiểm doát dịch bệnh nghiêm ngặt. Trong những ngày gần đây, dịch bệnh lan rộng vì chủng mới Omicron đã tác động đến từ dịch vụ ăn uống đến giao bưu kiện.
Các nhà tang lễ và những trung tâm hỏa táng trên khắp Bắc Kinh, thành phố gồm 22 triệu dân đã phải chật vật khi càng nhiều nhân viên và tài xế bị dương tính với Covid.
Trung Quốc chưa chính thức công bố số ca tử vong nào kể từ ngày 07/12, khi đột ngột chấm dứt nhiều điểm quan trọng trong chính sách zero-Covid vốn được Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi, theo sau các cuộc biểu tình chưa từng có.
Institute of Health Metrics and Evaluation (IHME), viện nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ hồi tuần này nói rằng Trung Quốc có thể chứng kiến sự bùng nổ ca nhiễm và hơn một triệu người có thể tử vong vì Covid trong năm 2023.
Việc tăng vọt số ca tử vong có thể là phép thử đối với chính quyền trong vấn đề loại bỏ việc xét nghiệm, phong tỏa và các lệnh hạn chế đi lại hà khắc, nhằm để hòa chung với một thế giới mà phần lớn các quốc gia đã mở cửa và sống chung với căn bệnh này.
Vào chiều ngày thứ Bảy 17/12, một phóng viên của Reuters thấy có 30 xe chở quan tài phải dừng chờ trên đường đến nhà tang lễ Đông Giao, một trung tâm hỏa táng được chỉ định dành riêng cho các nạn nhân Covid ở Bắc Kinh.
Đậu dọc theo xe chở quan tài là xe cứu thương và một xe chở thi hài, sau đó được nhân viên trong trang phục bảo hộ đưa vào phòng chờ hỏa táng. Ba cột khói liên tục hoạt động.
Chỉ cách trung tâm hỏa táng vài mét, tại phòng tang lễ, nhà báo Reuters thấy có khoảng 20 bao thi thể màu vàng được đặt trên sàn. Reuters không thể ngay lập tức xác nhận đây là những thi thể nạn nhân tử vong vì Covid.
Một người điều hành an ninh khu vực đậu xe và một người chủ cửa hàng bán bình đựng tro cốt giấu tên nói với Reuters rằng số lượng người tử vong đã tăng hơn mức trung bình trong thời gian này, và hơn mức trước khi dỡ bỏ các lệnh hạn chế vì Covid vào ngày 07/12 vừa qua.
Những người bị nhiễm bệnh cũng đã lây lan cho nhân viên ở khoảng một chục phòng tang lễ tại Bắc Kinh.
"Chúng tôi giờ có ít xe và nhân viên hơn," một nhân viên giấu tên tại nhà tang lễ Mật Vân nói với Reuters qua điện thoại, và cho biết thêm là có tình trạng nhu cầu hỏa táng ngày càng tăng lên. "Chúng tôi có nhiều nhân viên bị nhiễm Covid".
Hiện không rõ ràng là nhu cầu hỏa táng tăng cao là vì số lượng ca tử vong vì Covid tăng hay là không.
Tại nhà tang lễ Hoài Nhu thì một nhân viên cho biết một thi thể bị để trong ba ngày trước khi có thể hỏa táng.
"Có thể tự đưa thi thể đến nay, gần đây tình hình trở nên bận rộn," một nhân viên cho biết.
Một nhân viên trong trang phục bảo hộ hướng dẫn xe tang di chuyển vào một nhà tang lễ ở Bắc Kinh hôm 17/12
Giới chức y tế Trung Quốc lần cuối công bố số ca tử vong vì Covid là vào ngày 03/12. Bắc Kinh báo cáo số ca tử vong lần cuối là vào ngày 23/11.
Cho đến nay, thì trang tin Caixin (Tài Tân) của Trung Quốc báo cáo vào ngày thứ Sáu 16/12, có hai nhà báo nhà nước kỳ cựu đã tử vong vì Covid tại Bắc Kinh, nằm trong số những ca tử vong vì Covid đầu tiên kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ hầu hết chính sách zero-Covid của mình.
Ngày thứ Bảy 17/12, Caixin thông tin có một sinh viên y 23 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên tử vong vì Covid vào ngày 14/12.
Cho đến nay, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm thứ bảy 17/12 đã không công bố có sự thay đổi nào kể từ mức tử vong chính thức là 5.235 trường hợp kể từ khi đại dịch bùng phát tại Vũ Hán vào cuối năm 2019.
Kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã yêu cầu 1,4 tỷ người dân ở nhà nếu có triệu chứng nhẹ, trong bối cảnh các thành phố trên khắp đất nước chuẩn bị đón nhận làn sóng lây nhiễm đầu tiên.
Nếu các chính sách hạn chế được dỡ bỏ sớm hơn, ví dụ như vào ngày 03/01 năm nay, thì 250.000 người tại Trung Quốc đã chết, chuyên gia dịch tễ học nổi tiếng của Trung Quốc, ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou) nói hôm thứ Bảy 17/12.
Tính đến ngày 05/12, tỷ lệ số bệnh nhân bị bệnh nghiêm trọng đã giảm xuống mức 0,18% số ca được báo cáo, ông Ngô cho biết, so với mức 3,32% hồi năm ngoái và 16,47% vào năm 2020.
Điều này cho thấy tỷ lệ tử vong tại Trung Quốc vì Covid đang giảm từ từ, ông Ngô cho biết nhưng không bình luận thêm.
Các con số chính thức về số ca nhiễm đã trở thành một chỉ dẫn không đáng tin cậy khi công tác xét nghiệm được tiến hành ít hơn sau khi các chính sách zero-Covid được nới lỏng.
Trung Quốc cũng đã chấm dứt việc đăng tin số ca nhiễm mà không biểu hiện triệu chứng kể từ ngày thứ Tư 14/12, viện dẫn lý do thiếu xét nghiệm PCR đối với những người không có triệu chứng.
Việc thiếu con số tử vong vì Covid chính thức trong vòng 10 ngày qua đã làm nổ ra tranh cãi trên mạng xã hội liên quan đến việc công bố dữ liệu, cũng vì thiếu số liệu liên quan đến số ca nhập viện và số ca bệnh nghiêm trọng.
"Tại sao những số liệu thống kê này không thể được tìm thấy ? Điều gì đang diễn ra ? Họ không thống kê hay là họ chỉ không công bố chúng ?" một người trên mạng xã hội ở Trung Quốc đặt câu hỏi.
Tại Thượng Hải, cách hơn 1.000 km về phía nam Bắc Kinh, giới chức giáo dục địa phương hôm thứ Bảy 17/12 cũng đã yêu cầu hầu hết các trường tổ chức giảng dạy online bắt đầu vào thứ Hai 19/12 để đối phó với tình hình lây nhiễm vì Covid nghiêm trọng hơn trên khắp đất nước.
Với dấu hiệu về tình hình không đủ nhân viên sắp tới, Shanghai Disney Resort nói hôm thứ Bảy 17/12 là các hoạt động giải trí có thể giảm vì nhân sự giảm, mặc dù công viên này vẫn hoạt động bình thường.
Tại một chợ Giáng sinh ở Thượng Hải, ngay trung tâm thành phố, có rất ít du khách vào ngày hôm qua.
"Mọi người đều rất sợ hãi," một nhân viên tại quầy bán vé nói.
Giới chuyên gia : Hơn 1 triệu người Trung Quốc có nguy cơ tử vong vì Covid-19
Chi Phương, RFI, 17/12/2022
Trong bối cảnh Trung Quốc nới lỏng các hạn chế nhằm chống dịch, Viện Đo Lường và Đánh Giá Y Tế (IHME) trụ sở tại Hoa Kỳ ngày hôm 16/12/2022, đã dự báo rằng số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc sẽ lên đến đỉnh điểm vào tháng Tư năm 2023, với số người thiệt mạng có thể lên đến 320 000 người. Trước đó, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Anh Nature cho rằng số ca tử vong vì Covid tại Trung Quốc có thể vượt mức 1 triệu rưỡi trong vòng 6 tháng.
Những người đàn ông khiêng quan tài bên ngoài một lò hỏa táng ở Bắc Kinh, ngày 17/12/2022. Những ca tử vong vì Covid-19 xuất hiện ngày càng nhiều ở Trung Quốc sau nhiều tuần chính quyền báo cáo không có trường hợp tử vong nào, ngay cả khi nước này đang chứng kiến sự gia tăng các ca bệnh. AP - Ng Han Guan
Báo cáo của Viện Đo Lường và Đánh Giá Y Tế được thực hiện dựa trên các số liệu liên quan đến đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron gây ra ở Hồng Kông. Hãng tin Reuters trích dẫn nhận định của giám đốc của viện này, ông Christopher Murray, giải thích rằng, kể từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc rất hiếm khi báo cáo trường hợp tử vong. "Đó là lý do vì sao chúng tôi xét đến tình trạng ở Hồng Kông để tìm hiểu về tỷ lệ lây nhiễm". Theo ông Murray, có khả năng một phần ba dân số Trung Quốc sẽ bị nhiễm corona virus.
Theo một số nghiên cứu khác, số ca tử vong vì Covid có thể cao hơn rất nhiều. Một báo cáo của Đại Học Hồng Kông hôm 14/12 cho rằng trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng Giêng 2023, với việc mở cửa toàn bộ các tỉnh thành tại Trung Quốc và dỡ bỏ tất cả các hạn chế phòng dịch, Trung Quốc có thể bị đến 964.000 người chết vì Covid.
Trước đó, trong một báo cáo công bố vào tháng 7 trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Phúc Đán ở Thượng Hải đã nói đến con số 1,55 triệu ca tử vong trong một khoảng thời gian 6 tháng.
Cho đến nay, số người tử vong vì Covid mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra là chỉ là 5.235 người. Từ đầu tháng 12, Trung Quốc đã thông báo nới lỏng nhiều hạn chế trong chính sách zero covid. Số ca nhiễm đã tăng mạnh, ít nhất là 10.000 ca mỗi ngày.
Bắc Kinh : Lò thiêu quá tải
Từ đầu tuần này, về mặt chính thức Trung Quốc thông báo không có ca tử vong nào vì Covid-19. Tuy nhiên, theo ghi nhận của thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, nhiều nhà hỏa táng trong tình trạng quá tải.
"Các xe cứu thương ra vào liên tục giữa bệnh viện và nhà xác. Các xe tang chờ đợi trước nhà tang lễ. Rất khó để biết liệu những người tử vong này có liên quan đến Covid-19 hay không, nhưng điều chắc chắn là các dịch vụ tổ chức tang lễ bị quá tải ở thủ đô và nhiều thành phố ở Hồ Bắc, trong đó có Thạch Gia Trang.
Một nhân viên của nghĩa trang cách mạng Bát Bảo Sơn cho biết lò thiêu hoạt động 24/24 và không có lịch hỏa táng nào còn trống trước ngày 21/12. Dịch vụ tang lễ Tian Shung Xiang tại Bắc Kinh cũng đưa câu trả lời tương tự.
"Các dịch vụ tổ chức tang lễ đã kín chỗ, hiện chúng tôi không nhận thêm được ai nữa. Ngay cả những người mất vì điều trị cấp cứu cũng không có chỗ. Chúng tôi đã hoạt động hết công suất. Chuyện này không xảy ra trong điều kiện bình thường, nhưng giờ ngay lập tức, chúng tôi đã kín lịch".
Chính quyền Trung Quốc thì muốn truyền tải thông điệp để trấn an người dân. Theo ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), một nhân vật trung tâm trong việc chống lại Covid, các bệnh lý liên quan đến biến thể Omicron không thể được coi là một căn bệnh virus corona mới, mà kể từ giờ giống như bệnh cúm. Trên mạng xã hội, nhiều người dùng mạng ghi nhận đây là "một bệnh cúm nghiêm trọng".
Một số cho rằng tình trạng quá tải ở bệnh viện là do Trung Quốc mở cửa quá nhanh, sau 3 năm thực hiện chính sách zero covid. Một số khác thì nhìn nhận với tính hài hước, cho rằng "hiện nay ít nhất thì chúng ta có thể tự do đi đến bệnh viện".
Số phòng khám sốt tạm thời được mở ra tại Bắc Kinh, đã tăng từ 94 đến 303, theo số liệu của ủy ban y tế của thành phố. Một bệnh viện "dã chiến" vừa được mở ra tại cung văn hóa, thể thao ở quận Chaoyang, có thể tiếp 400 bệnh nhân Covid-19. Thủ đô Bắc Kinh không bày tỏ quan ngại về tình trạng hạ tầng y tế.
Trong một bản chỉ thị được công bố ngày hôm qua, cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Quốc Vụ Viện đã yêu cầu chính quyền địa phương và bệnh viện ở vùng nông thôn, chuẩn bị cho cơn sóng thần Covid-19, trong khi mà hàng triệu người Trung Quốc sẽ đi nghỉ lễ năm mới vào cuối tháng Giêng.
Còn tại Thượng Hải, do số ca nhiễm tăng cao, hôm nay, cơ quan Giáo Dục của thành phố đã yêu cầu các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học và trung học phổ thông, bắt đầu giảng dạy qua hình thức trực tuyến kể từ ngày 19/12.
Số ca nhiễm Covid ở Trung Quốc tăng cao kỉ lục, nhiều thành phố phong tỏa
VOA, 24/11/2022
Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm Covid-19 cao kỉ lục vào ngày thứ Năm, với các thành phố trên khắp cả nước áp đặt phong tỏa cục bộ, xét nghiệm hàng loạt và thực thi các biện pháp hạn chế khác và điều này đang khiến người dân thêm bất mãn.
Trong bức ảnh được cung cấp ngày 23/11/2022, những người biểu tình đối đầu với nhân viên an ninh mặc quần áo bảo hộ màu trắng tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Apple ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc.
Con số 31.444 ca nhiễm Covid-19 mới tại địa phương trong ngày thứ Tư phá vỡ kỉ lục được thiết lập vào ngày 13/4, khi trung tâm thương mại Thượng Hải với 25 triệu cư dân bị tê liệt do phong tỏa toàn thành kéo dài suốt hai tháng.
Tuy nhiên lần này những vụ bùng phát lớn xuất hiện nhiều và ở những nơi xa xôi, với vụ lớn nhất ở thành phố Quảng Châu ở miền nam và Trùng Khánh ở tây nam, dù hàng trăm ca nhiễm mới được báo cáo hàng ngày ở các thành phố như Thành Đô, Tế Nam, Lan Châu và Tây An, theo Reuters.
Trong khi số ca nhiễm được ghi nhận chính thức thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu, Trung Quốc cố gắng dập tắt mọi chuỗi lây nhiễm, một thách thức khó khăn hơn khi Trung Quốc đối mặt với mùa đông đầu tiên chống lại biến thể Omicron rất dễ lây lan.
Các biện pháp hạn chế đang tác động đến người dân bị phong tỏa cũng như sản lượng tại các công xưởng, bao gồm cả nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, hiện đang trong tình trạng bất ổn vì các vụ đụng độ giữa công nhân và nhân viên an ninh trong một biểu hiện thái độ bất đồng hiếm hoi, Reuters cho biết.
Giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách zero-Covid đặc trưng của Chủ tịch Tập Cận Bình, ngay cả khi phần lớn thế giới cố gắng cùng tồn tại với virus. Trung Quốc nói cần phải cứu mạng người và ngăn hệ thống y tế bị quá tải.
Trung Quốc gần đây đã bắt đầu nới lỏng một số quy định về xét nghiệm hàng loạt và cách li, trong khi nước này cân nhắc tránh các biện pháp áp dụng đại trà như phong tỏa toàn thành phố.
Thay vào đó, các thành phố đang áp dụng các biện pháp phong tỏa cục bộ hơn và thường không báo trước.
Thành phố Cáp Nhĩ Tân ở vùng đông bắc xa xôi đã áp đặt phong tỏa ở một số khu vực vào ngày thứ Năm.
Nhiều thành phố đã quay trở lại xét nghiệm hàng loạt, điều mà Trung Quốc hi vọng sẽ giảm bớt khi chi phí tăng cao. Những nơi khác, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và thành phố nghỉ mát Tam Á trên đảo Hải Nam, đã ra quy định hạn chế di chuyển đối với những người mới đến.
***********************
Biểu tình đòi quyền lợi tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trung Quốc
Phan Minh, RFI, 23/11/2022
Hôm 23/11/2022, nhân công tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu, Trung Quốc, thuộc sở hữu của Foxconn, nhà thầu Đài Loan Foxconn, đã biểu tình phản đối điều kiện làm việc và sinh hoạt. Nhiều vidéo và ảnh đã được phát tán trên các mạng xã hội.
Lối vào khu công nghiệp ở Trịnh Châu, nơi có nhà máy sản xuất iPhone, đóng cửa sau khi phát hiện 64 ca nhiễm Covid-19, ngày 02/11/2022. AP - Mark Schiefelbein
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm :
Những hình ảnh đã ngay lập tức bị kiểm duyệt trên mạng xã hội Vi Bác (Weibo) nhưng lại lan truyền trên mạng Twitter. Hình ảnh những công nhân trẻ đeo khẩu trang biểu tình. "Hãy bảo vệ quyền lợi của chúng ta" : những người biểu tình hét lên trước những cảnh sát trong bộ đồ bảo hộ màu trắng khiến chúng ta nhớ đến những người lính trong bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao.
Phong trào biểu tình mới này bắt đầu vào cuối tuần qua, các công nhân đã giật đổ hàng rào ngăn một phần của khu phức hợp Foxconn Trịnh Châu, nơi sản xuất phần lớn những máy iPhone mới. Với việc dịch bệnh bùng phát trở lại, các nhà máy của nhà thầu của Apple đang hoạt động khép kín. Nỗi sợ hãi về virus và điều kiện sống bên trong những khu ký túc xá bị cách ly đã khiến hàng chục nghìn nhân viên phải bỏ trốn khỏi nhà máy vào cuối tháng 10.
Kể từ đó, Foxconn đã cấp tiền thưởng, trả lương theo giờ để thu hút những nhân viên mới. Chính họ là những người đã biểu tình hôm nay, thất vọng vì những lời hứa. Các bình luận nhanh chóng bị xóa, và cũng có thông tin nói rằng các khoản tiền thưởng được công bố sẽ bị hoãn lại cho đến tháng 3 năm sau để giữ chân các nhân viên ở lại nhà máy. Một sự bất bình có thể khiến bùng nổ phong trào đấu tranh xã hội nhỏ, điều hiếm thấy ở Trung Quốc. Những người làm việc trong nhà máy mà chúng tôi thường liên lạc hôm nay không nhấc điện thoại.
Phan Minh
**************************
Nhà máy Foxconn sản xuất iPhone tăng lương để giữ nhân viên
Phan Minh, RFI, 02/11/2022
Foxconn, nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, đang làm mọi cách, trong đó có việc tăng lương cho người lao động. Biện pháp này nhằm giữ chân những người bất bình với các biện pháp y tế và sợ hãi trước sự lây lan của Covid-19 sau khi ở đây phát hiện một trường hợp dương tính.
Bên ngoài một nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến, Trung Quốc, ngày 27/05/2010. AFP - STR
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :
Như mỗi lần sự ổn định bị đe dọa, cụ thể trong trường hợp này là nguy cơ trục trặc trong khâu sản xuất của nhà máy xuất khẩu lớn thứ 3 Trung Quốc, cơ quan chức năng phải vào cuộc. Bí thư Thành ủy thành phố cho biết phải duy trì sản xuất và trật tự xã hội bên trong khuôn viên nhà máy Foxconn Trịnh Châu, nơi có tới 300.000 nhân viên và trong những ngày gần đây đã có một phần bỏ đi, và để thực hiện yêu cầu này của chính quyền thì phải tăng lương.
Anh Qin, 30 tuổi, công nhân thời vụ cho biết : "Foxconn đã thay đổi chính sách. Bây giờ nhà máy giả thêm cho chúng tôi 400 nhân dân tệ, tức khoảng 60 euro mỗi ngày. Tình hình vừa có thay đổi, chúng tôi nhận được tin nhắn trên điện thoại. Tình hình dịch Covid quá nghiêm trọng, không ai muốn đi làm nữa. Khi đợt lây nhiễm đầu tiên bùng phát, nhiều người đã từ chức và bỏ đi. Nếu kiếm sống đơn giản chỉ là ăn, làm việc và lây Covid thì thực sự là không đáng".
Xét nghiệm dương tính, sau đó là bị cách ly trong khu tập thể mà công nhân không muốn. Giống như những người khác, anh Qin được đưa bằng xe buýt đêm đến một căn hộ cách ly của chính quyền địa phương. Một cách để trấn an số ít nhân viên khác vẫn đang làm việc trong nhà máy.
Anh Qin nói tiếp : "Tình hình dịch bệnh vẫn còn nghiêm trọng ở Trịnh Châu và có ít người làm việc trong nhà máy. Tôi thấy rằng họ đã khởi động một chiến dịch tuyển dụng mới, nhưng chúng tôi thấy rằng ngay cả các lãnh đạo cũng không đi làm. Tôi đã gọi cho một đồng nghiệp ngày hôm qua. Anh ấy nói là chỉ có một mình tại dây chuyền lắp ráp".
Theo nguồn tin của Reuters, sản lượng iPhone có thể giảm 30% trong nhà máy, nhưng tập đoàn đã phủ nhận thông tin này.
Phan Minh
*************************
Nhiều trường học, nhà hàng tại Bắc Kinh đóng cửa do số ca nhiễm Covid tăng kỷ lục
Chi Phương, RFI, 22/11/2022
Bất chấp các tác động đối với nền kinh tế, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid. Tại Bắc Kinh vào tuần trước, nhiều trường học, nhà hàng một lần nữa bị đóng cửa, một số nơi bị phong tỏa. Hôm 22/11/2022, Bắc Kinh ghi nhận 1438 ca nhiễm, đây là con số kỷ lục từ khi đại dịch Covid 19 bắt đầu.
Nhân viên bảo vệ đứng gác lối vào một khu nhà bị cách ly phòng ngừa Covid 19, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/11/2022. © Thomas Peter / Reuters
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình :
Nếu như Bắc Kinh vẫn chưa chính thức bị phong tỏa, thì rõ ràng là có ít xe cộ di chuyển trên đường hơn. Các quán ăn, quán cà phê chỉ bán hàng đem về chứ không phục vụ tại chỗ. Học sinh tiểu học, trung học và phổ thông phải học trực tuyến và tình trạng này có nguy cơ kéo dài ít nhất là từ nay đến cuối tuần. Học trực tuyến và cả làm việc từ xa. Yêu cầu này vẫn chưa chính thức được đưa ra nhưng khi chúng tôi cố gắng kết nối với dịch vụ công thì không có ai trả lời điện thoại hoặc được trả lời rằng cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp Nhà nước được yêu cầu ở nhà. Đó là điều mà ở đây gọi là sự im lặng của các khu phố, đôi khi là của toàn bộ thành phố.
Việc các hạn chế này được siết chặt trở lại liên quan đến 3 ca tử vong vì virus corona từ thứ Bảy tuần trước, ở những người cao tuổi, và đây là những ca tử vong vì Covid-19 đầu tiên được thông báo chính thức kể từ 6 tháng qua ở Trung Quốc và nhất là liên quan đến đợt bùng phát dịch vào cuối mùa thu ở nhiều thành phố lớn. Hơn 26 800 ca nhiễm mới được ghi nhận vào Chủ Nhật vừa qua, trong đó có 594 ca nhiễm mới ở Bắc Kinh. Con số này gần bằng với đỉnh điểm dịch vào tháng Tư vừa qua.
Theo thông báo của chính phủ Trung ương, (ngày 11/11) nhiều thành phố đã thông báo chấm dứt việc xét nghiệm Covid hàng ngày. Các trạm xét nghiệm PCR được dựng trên đường đã bị đóng, kể cả ở Bắc Kinh. Thế nhưng sau đó, các trạm này đã mở lại. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở Thạch Gia Trang, thủ phủ của Hồ Bắc. Tại thành phố đi đầu về tối ưu hóa hoặc chỉnh sửa các biện pháp hạn chế Zero Covid, các đợt xét nghiệm hàng loạt đã quay trở lại, cũng như là các lệnh phong tỏa bán phần.
Trong khi lệnh phong tỏa không được áp dụng trên diện rộng như năm ngoái, những người bị phong tỏa cho biết lối vào tòa nhà của họ bị khóa, bởi vì có một cư dân dương tính với Covid-19 sống ở vài tầng trên hoặc ở dưới. Họ phải ở nhà nhưng không bị đưa đến các trại cách ly tập thể. Một số khác cố gắng nhìn nhận tình hình với đầu óc hài hước trên mạng xã hội, giống như là những bà mẹ ở Bắc Kinh : Họ đồng tình với việc phong tỏa nếu con cái họ được giữ ở trường cùng với giáo viên và chồng của họ thì ở lại nơi làm việc".
Chi Phương
**************************
Biểu tình ở Quảng Đông, phản đối biện pháp chống dịch nghiêm ngặt
Minh Anh, RFI, 16/11/2022
Hôm 14/11/2022, dân cư một huyện ở tỉnh Quảng Đông, siêu đô thị ở đông nam Trung Quốc, đã xuống đường biểu tình phản đối chính sách chống dịch "Zero - Covid" và lật đổ các rào chắn. Đây là những lao động ở nông thông phải lên các thành phố lớn để làm việc. Do vậy, họ phản đối những hạn chế di chuyển vừa được ban hành do dịch bệnh bùng phát.
Biểu tình chống các biện pháp Zero Covid nghiêm ngặt, tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 15/11/2022. © Video obtained by Reuters/via Reuters
Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài RFI, Stephane Lagarde tường thuật :
"Đằng sau những tiếng la ó của đám đông là những tiếng ầm ầm như tiếng trống vang. Sau đó là cảm giác một cơn mưa kim loại đang rơi xuống mặt đất. Những hình ảnh và âm thanh rào chắn bị đổ do những cú đạp của người dân địa phương hầu như đã trở nên quen thuộc trong những tuần gần đây tại Trung Quốc.
Những hình ảnh video lưu truyền trên mạng xã hội phản ảnh cơn phẫn nộ của 1,8 triệu cư dân huyện Hải Châu, bị hạn chế đi lại từ tháng 10 vừa qua. Đây cũng là huyện có số ca nhiễm Covid nhiều nhất ở Quảng Đông. Những người sinh sống ở đây thường là những lao động di dân nghèo và họ không thể chờ đợi lâu hơn được nữa. Cách nay năm ngày, một số người đã tấn công cả các nhân viên y tế và cảnh sát trong bộ quần áo bảo hộ mầu trắng.
Tối thứ Hai, sự phẫn nộ rõ ràng còn cao hơn nữa. Những người biểu tình giương khẩu hiệu "Chúng tôi không muốn xét nghiệm nữa !". Đó là những người sống bằng nghề lao động tay chân và họ đã không được trả lương khi không có mặt tại nhà xưởng.
Thêm vào đó là tình trạng khan hiếm nguồn cung lương thực, tình trạng hạn chế lặp đi lặp lại và đó là động lực của tình trạng "thậm chí không còn sợ hãi". Nhiều hình ảnh, thật sự là hiếm có, cho thấy một chiếc xe cảnh sát đã bị người biểu tình lật đổ".
Minh Anh
*********************
Trung Quốc lại phong tỏa các thành phố lớn do Covid-19, tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng
Phan Minh, RFI, 28/10/2022
Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 vừa kết thúc, cuộc chiến chống Covid-19 lại tiếp tục tại Trung Quốc. Theo ngân hàng Nomura, được RFI trích dẫn, hơn 200 triệu người tiếp tục hứng chịu các biện pháp cách ly, phong tỏa ở các mức độ khác nhau. Chính sách kiểm duyệt cũng như tuyên truyền ngày càng khó có thể dập tắt sự phản đối của người dân về chính sách zero-Covid.
Nhân viên an ninh, mặc quần áo bảo hộ, đứng gác ở cửa một khu nhà người bị nhiễm Covid, ngày 22/10/2021 Reuters – Thomas Peter
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm thông tin :
Bài hát "Resuan" nói về xét nghiệm PCR mà mọi người dân Trung Quốc bắt buộc làm ba ngày một lần hoặc ít hơn kể từ mùa xuân năm ngoái, đã dấy lên nhiều bình luận chế giễu trên mạng xã hội. Bài hát do các quan chức địa phương ở một tỉnh miền đông Trung Quốc sáng tác, với nội dung là những học sinh đeo khẩu trang đề nghị các thi sĩ có tên tuổi làm xét nghiệm.
Ở Bắc Kinh, Thượng Hải, cũng như ở hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc, biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trở lại trước khi mùa đông tới. Các hàng rào sắt cũng được lắp ở xung quanh các chung cư, như ở Vũ Hán. Đây là một dấu hiệu xấu đối với Audrey, một phụ nữ Pháp sống ở thành phố là cái nôi của đại dịch và chiến lược zero-Covid.
Audrey nói : "Tình hình bắt đầu xấu đi vào thứ Sáu tuần trước, các nhà hàng xung quanh trường học của tôi chỉ còn bán cho những khách mua hàng mang đi. Giờ đây, không thể chấp nhận tình hình này được nữa. Các hàng rào xuất hiện trở lại, tất cả các nhà hàng đều đóng cửa, ở đây chúng tôi vẫn chưa chính thức bị phong tỏa nhưng tôi nghĩ rằng biện pháp này sắp được áp dụng vì nhân viên trường học đã chuẩn bị cho chúng tôi đi chợ để ăn trong một tuần bị phong tỏa hoặc thậm chí lâu hơn một chút".
Mạng xã hội thường xuyên nhắc đến những vụ phong tỏa này, đặc biệt là ở phía Tây Trung Quốc. Những bình luận, hoặc là những bức ảnh bị kiểm duyệt, chẳng hạn như cuộc biểu tình của công nhân ở Lhasa cách nay hai ngày, tình trạng thiếu lương thực ở Tây Ninh hoặc thậm chí những người tiếp xúc với những ca dương tính bị cách ly trong nhà vệ sinh công cộng với túi ngủ sát bồn tiểu ở Lân Châu. Nhà vệ sinh công cộng, nơi không có camera giám sát, sự bất bình chống lại chính sách y tế được thể hiện thông qua các bức vẽ trên tường.
Chính sách zero-Covid tác động mạnh đến kinh tế. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) hôm nay 28/10/2022 cảnh báo rằng, tăng trưởng kinh tế ở Châu Á phải đối mặt với nhiều sóng gió với việc nền kinh tế Trung Quốc bị đè nặng bởi chính sách zero-Covid.
Phan Minh
*************************
Biểu tình ở Tây Tạng phản đối phong tỏa chống Covid
Thùy Dương, RFI, 29/10/2022
Vài trăm người Tây Tạng đã biểu tình tại thủ phủ Lhassa, phản đối các quy định phong tỏa chống dịch khắc nghiệt với chủ trương Zero-Covid. Theo AFP, điều đáng nói là hiếm khi xảy ra biểu tình tại Tây Tạng, một vùng tự trị ở miền tây Trung Quốc bị chính quyền Bắc Kinh kiểm soát nghiêm ngặt.
Xét nghiệm Covid tại thủ phủ Lhasa, Tây Tạng. © AFP
Người dân thủ phủ Lhassa của vùng tự trị Tây Tạng phải sống trong cảnh phong tỏa với các biện pháp Zero-Covid nghiêm ngặt suốt từ 3 tháng qua. Trong số người biểu tình, có nhiều lao động ngoại tỉnh đòi chính quyền để họ rời khỏi thủ phủ Lhassa để trở về quê nhà.
Các video được chia sẻ trên trang Douyin, mạng video Tiktok phiên bản Trung Quốc, cho thấy vài trăm người xuống đường biểu tình hôm thứ Tư 26/10 và bị cảnh sát chặn lại. Một số hình ảnh khác cho thấy có đụng độ giữa một đám đông và cảnh sát. Một người giận dữ cho biết dân chúng bị giam nhốt quá lâu, áp lực tâm lý quá lớn, không thể kìm nén được, trong khi đã mất hết thu nhập.
300.000 công nhân một nhà máy iPhone bị phong tỏa
Nhìn rộng ra Trung Quốc, hôm qua 28/10, chính quyền ghi nhận có hơn 1.000 ca nhiễm mới trên toàn quốc. Trước đó, tập đoàn Foxconn, có trụ sở tại Đài Loan, đối tác chuyên lắp ráp sản phẩm cho hãng Mỹ Apple, hôm thứ Tư thông báo phát hiện một ổ lây nhiễm Covid-19 ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới tại thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou), miền trung Trung Quốc.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde ngày 28/10/2022 cho biết thêm chi tiết :
"Từ hơn 1 tuần nay, nhà máy của Foxconn đặt tại thành phố Trịnh Châu hoạt động khép kín nhằm duy trì sản xuất điện thoại iPhone 14. Toàn bộ các ca dương tính với virus corona và các ca tiếp xúc với những người nhiễm Covid-19 bị cách ly. Căng-tin bên trong nhà máy không hoạt động. 300.000 nhân công phải ăn ngay tại khu ký túc xá. Họ chỉ có thể di chuyển, nếu đeo khẩu trang và chỉ được đi theo các tuyến đường mà các đội y tế đã xác định nghiêm ngặt.
Thế nhưng, nhiều nhân viên nhà máy chia sẻ trên các mạng xã hội là những biện pháp kể trên cũng đã không giúp ngăn ngừa được lây nhiễm. Một công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính và bị cách ly trong khu nhà ở của nhân công kể lại : "Trong ký túc xá của chúng tôi, có một công nhân khác đã bị cách ly 5 ngày. Thế mà vẫn chưa có ai đến gặp anh ấy. Ở đây có những người bị sốt, ho… Có một nữ công nhân không có chăn đắp trong khi cô ấy đang bị sốt. Chúng tôi thậm chí còn không biết mình có dương tính hay không. Không ai đến gặp chúng tôi, họ chỉ cấp cho chúng tôi thức ăn. Nhưng chúng tôi không được xét nghiệm, cứ chờ đợi như vậy thôi".
Đối mặt với sự thiếu chăm sóc, trong khi thực phẩm nhiều khi được tiếp tế chậm, cơn giận đang bùng nổ trên các mạng xã hội, nhưng các mạng đã nhanh chóng bị chính quyền kiểm duyệt. Về phần ban lãnh đạo công ty, họ khẳng định là chỉ có "một số ít nhân viên" nhiễm Covid-19 tại nhà máy của Foxconn. Nhà máy của Foxconn vốn được xem là một thành phố nằm trong thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, miền trung đất nước. Giới công nghệ được trấn an là việc sản xuất điện thoại thông minh vẫn "tương đối ổn định".
Thùy Dương
Báo chí Pháp ra ngày 30/06/2022 quả là thiếu tập trung, với mỗi tờ một tựa lớn trang nhất khác nhau, dù hầu hết đều khai thác thời sự Pháp, từ tình trạng bất động tạm thời của chính phủ Macron trên Le Monde, gánh nặng lạm phát trên La Croix, cho đến ý nghĩa phiên tòa xét xử vụ khủng bố năm 2015 tại Paris trên Le Figaro, hay nguy cơ Covid bùng phát trở lại trên Libération. Riêng Les Echos nhìn ra quốc tế, lo ngại trước hướng suy giảm mạnh của các thị trường tài chánh.
Ảnh minh họa Một quán cà phê tại Paris trong ngày Pháp dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19, hôm 14/03/2022. AP - Francois Mori
Về nước Pháp, một vấn đề đáng lo ngại đã được nhật báo thiên tả Libération đưa lên ngay trang nhất trong tựa hàng tựa lớn đầy tính châm biếm : "Covid : Hãy che giấu ngay…", mô phỏng một lời thoại nổi tiếng trong vở kịch Tartuffe của Molière tố cáo tính đạo đức giả.
Tờ báo nhấn mạnh : "Bất chấp sự bùng phát mạnh trở lại của các ca nhiễm Covid, chính phủ Pháp vẫn duy trì thái độ phủ nhận thực tế và từ chối tái lập các biện pháp hạn chế trong thời điểm hiện tại".
Trong bài "Làn sóng Covid thứ bảy : Hành pháp đá ngược về gốc", chơi chữ trên thành ngữ đá bóng ra biên, chỉ việc né tránh hành động, Libération ghi nhận : "Số ca nhiễm đang tăng mạnh, nhưng không tạo ra được một phản ứng tương xứng nơi chính phủ. Tình trạng chia năm xẻ bảy về mặt chính trị trong Quốc hội Pháp khiến cho việc thông qua các biện pháp phòng chống mới không còn chắc chắn.
Phản ứng rụt rè vào lúc ca nhiễm tăng mạnh
Theo tờ báo : "Bị mắc kẹt giữa những tin tức đen tối về cuộc chiến ở Ukraine và những diễn biến không hay tại Quốc hội, sự trỗi dậy của dịch Covid-19 tại Pháp hiện mới chỉ là chủ đề của các chỉ thị và phát biểu rụt rè của chính phủ. Vào hôm 29/06, Pháp đã ghi nhận hơn 70.000 trường hợp dương tính hàng ngày (tính trung bình trong bảy ngày), một mức tăng khoảng 53% trong một tuần".
Thế nhưng không có vấn đề tái lập các biện pháp hạn chế, thậm chí không có cả biện pháp đeo khẩu trang tại những nơi khép kín. Bị chất vấn, bộ trưởng Y tế Brigitte Bourguignon chỉ kêu gọi mọi người thực hiện "nghĩa vụ công dân" để "bảo vệ người khác và đặc biệt là những người dễ bị bệnh nhất". Một hôm sau, chính thủ tướng Elisabeth Borne, thông qua một thông cáo báo chí, đã nêu lên "trách nhiệm của tất cả". Một cố vấn chính phủ giải thích : "Người Pháp biết rõ các cử chỉ phòng chống… Trong metro, người ta đã có phản xạ đeo khẩu trang khi đông người".
Chính phủ tái lập sai lầm thời trước đại dịch ?
Giới chuyên gia, theo Libération, rất bất bình trước phản ứng thụ động đó. Trả lời Libération, một giáo sư dịch tễ học và y tế công cộng tại Đại học Versailles-Saint-Quentin báo động : "Chẳng bao lâu Pháp sẽ lên đến mức 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, nhưng ai cũng nhắm mắt làm ngơ. Cứ như là cuộc khủng hoảng Covid-19 đã bị đẩy xuống hạng ba và bị bỏ xó, bất chấp 20.000 người chết từ tháng Giêng đến nay".
Điều đáng ngại, theo tờ báo thiên tả, là chiến dịch tiêm chủng lại đang lâm vào một giai đoạn hết sức uể oải, mới chỉ có 2,5 triệu người được chích mũi thứ tư trong tổng số 8 triệu người cần được chích ngừa vì để bị nhiễm bệnh.
Thái độ chần chờ, thiếu quyết đoán trong việc chống dịch có nguy cơ khiến chính phủ bị lên án – đúng theo nghĩa đen của từ ngữ này. Trong bài "Covid-19 : Nhà nước bị kết án là đã sai trong việc không dự trữ đủ khẩu trang, nhật báo Le Monde cho biết là tòa án hành chánh Paris vừa ra phán quyết cho rằng chính quyền Pháp đã phạm "nhiều lỗi" trong việc quản lý cuộc khủng hoảng y tế trong giai đoạn trước tháng 5 năm 2020.
Về tình hình chính trị Pháp, dưới hàng tựa lớn : "Luật lệ, cải cách : Các công trình đang bị treo của ngành hành pháp", Le Monde ghi nhận rằng do việc đang cố gắng thành lập một "chính phủ hành động", tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Elisabeth Borne đã phải đặt các hồ sơ quan trọng vào tình trạng chờ đợi.
Tờ báo ghi nhận : Để tạo ra cảm tưởng là việc nước vẫn chạy đều, các bộ trưởng bị thất cử trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua – và trên nguyên tắc sẽ phải từ chức - vẫn tiếp tục tại chức và xử lý công việc hàng ngày, trong bối cảnh các vấn đề xã hội, kinh tế và sinh thái thiết yếu ngày càng chồng chất mà không ai dám giải quyết.
Bà Yaël Braun-Pivet, thuộc đảng của tổng thống Macron, người phụ nữ đầu tiên được bầu làm chủ tịch Quốc hội (tức là Hạ Viện) Pháp, sẽ phải gánh vác một nhiệm vụ nặng nề là điều hành một nghị viện không có đa số rõ ràng.
Le Monde trích dẫn cựu thủ tướng Pháp Lionel Jospin thuộc đảng Xã hội trả lời phỏng vấn của tờ báo cho rằng: "Tổng thống (Macron) phải thừa nhận rằng ông sẽ không còn điều kiện ấn định tất cả các nhịp điệu của thời gian", ý muốn nói là việc mất đa số tuyệt đối tại Quốc hội sẽ không cho phép người đứng đầu Nhà nước muốn làm gì thì làm như trong nhiệm kỳ trước đây.
La Croix hết sức lo ngại trước tình trạng vật giá leo thang, mới đây còn được cho là chỉ tạm thời, hiện lại đang có dấu hiệu bám trụ lâu dài, và càng lúc càng đè nặng hơn trên sức mua của người dân.
Phóng viên của tờ báo đã đến tìm hiểu thực tế tại thành phố Chartres cách Paris không đầy 100 cây số, nơi mà từ các hộ gia đình, các hộ buôn bán, cho đến các cấp chính quyền, tất cả đều đã cảm giác được tình trạng giá cả leo thang từ nhiều tháng nay. Nếu thành phố là thủ phủ của tỉnh Eure et Loir này vẫn còn được thừa hưởng một bối cảnh kinh tế thuận lợi trước hai tháng hè truyền thống, thì mọi người đều lo sợ là từ tháng 9 tới đây, khi các hoạt động trở lại bình thường, tình hình sẽ khó khăn hơn.
Theo Le Figaro, "Sau 10 tháng tranh tụng, được đánh dấu bằng những cảm xúc dâng trào và tính chất chặt chẽ về thủ tục, công lý đã được thực thi, nhưng các chấn thương vẫn còn đó".
Đối với tờ báo đây quả là một phiên tòa lịch sử, nơi mà mọi tác nhân đều làm đúng vai trò của mình, đến nỗi mà cả bên nguyên cáo lẫn bên bị cáo đều lắng nghe và tôn trọng nhau.
Dĩ nhiên là không có gì là hoàn hảo. Le Figaro đã hóm hỉnh điểm lại một số khuyết điểm mà người ta "sẽ quên đi" như những lời lẽ thừa thãi và tràng giang đại hải của những "nhân chứng vĩ đại", vốn đã kể lể mọi điều trên các phương tiện truyền thông và tập trung vào việc tự biện minh, đi đầu trong số này là cựu tổng thống Pháp Hollande.
Theo tờ báo, cũng có thể kể đến những lời khai "quái dị" của các nhà điều tra Bỉ khiến người ta thắc mắc là làm thế nào mà họ đã qua được cuộc thi tuyển vào ngành cảnh sát; hoặc các bài "thuyết trình" về chủ nghĩa khủng bố đến từ các "học giả" dù không nắm vững hồ sơ nhưng vẫn cho rằng mình vượt trội về trí tuệ nên đã biến phiên tòa thành một hội nghị chuyên đề.
Theo Les Echos, sau một năm 2021 kỷ lục, nửa đầu năm 2022 kết thúc bằng những chỉ số tụt giảm khủng khiếp. Mọi loại tài sản đều bị áp lực nặng nề : Trong lúc lãi suất chỉ đạo tăng cao, thì các chỉ số trên các thị trường chứng khoán lớn đều tuột giảm, giá trị các loại tiền ảo đều sụp đổ.
Điều đáng ngại, theo Les Echos là trong những tháng tới đây, tình hình bấp bênh về mặt kinh tế được cho là sẽ tiếp tục đè nặng trên các thị trường.
Trọng Nghĩa
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu phải cụ thể hóa địa chỉ, mức độ sai phạm không chung chung "hai sôi ba lạnh". Đây là điều đúng đắn và cần thiết. Vấn đề là với hai đại án Kit Test Việt Á và chuyến bay giải cứu cần gọi đúng tên là lãnh phí hay tham nhũng ? Ai phải chịu trách nhiệm để xảy ra tội ác tài trời này ? Nếu cứ để mấy chú đánh máy Phạm Quốc Việt làm Lê Lai thì chẳng sớm muộn gì xứ Đông Lào sẽ thành Châu huyện của xứ bạn vàng.
AFP
Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải nêu thẳng thắn, rõ địa chỉ nơi nào làm tốt, việc gì nổi bật so với năm trước để động viên, đồng thời nêu cụ thể bộ, ngành, địa phương nào gây lãng phí chứ không nói chung chung, chỉ ghi chú. Chủ tịch Quốc hội : 'Anh nào làm không tốt nói thẳng chứ sao phải né, ngại ?' (1).
Quan điểm cụ thể hóa, cá nhân hóa trách nhiệm với sai phạm là rất đáng hoan nghênh, cần thực hiện nghiêm túc chứ không nên dừng lại ở ý kiến cá nhân. Hơn nữa, với hai đại án Kit test Việt Á và các chuyến bay giải cứu chưa từng có tiền lệ cả về quy mô lẫn tính chất mức độ tác hại mượn thảm họa toàn cầu, nhiều quan chức Chính phủ, nhiều bộ ngành đã dàn dựng kịch bản, tung hứng nhau để hút máu cả dân tộc thu vén quyền lợi cá nhân nhiều ngàn tỷ đồng được Chính phủ xem là lãng phí liệu có khiên cưỡng ?
Trước khi dịch bùng phát, Chính phủ yêu cầu, Quốc hội cũng đã chuẩn y, ra nghị quyết cho Chính phủ cơ chế đặc biệt để mua sắm thiết bị, điều hành chống dịch, giúp người dân, doanh nghiệp vượt khó khăn trong đời sống sản xuất.Thủ tướng Phạm Minh Chính vốn nổi tiếng điều hành công việc sát sao, thần tốc, mướt mồ hội đi kiểm tra đến từng phường xã, thần tốc xây dựng mỗi xã phường thành pháp đài, lô cốt, Văn phòng Chính phủ có studio hoành tráng để Thủ tướng làm việc trực tuyến với toàn bộ xã phường trong cả nước, thương dân đến mức điều động cả quân đội, xe thiết giáp đi chợ cho dân.
Chính phủ đòi cơ chế nhưng chậm triển khai thực hiện
Ấy vậy mà báo cáo của Chính phủ trong thực hành tiết kiệm lại cho thấy có nhiều sơ hở, bê trễ, thiếu sót chết người. Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, về công tác hoàn thiện thể chế, trong bối cảnh chuyển công tác phòng, chống dịch Covid-19 sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19", Chính phủ chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chưa điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, chỉ tiêu của chương trình tổng thể Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan chậm ban hành quy định, hướng dẫn chi tiết.
Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến nay Chính phủ, Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân từ những bất cập của hệ thống văn bản pháp luật trong quản lý khoa học, đấu thầu, mua sắm tài sản công, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vắc xin, thuốc, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới (2).
Những ý kiến đánh giá góp ý của bà Thanh nêu trên là hoàn toàn chính xác. Nhưng vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng ; đưa hối lộ ; nhận hối lộ ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á" hay vụ ánh các chuyến bay giải cứu ở Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao được đưa vào báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm người dân rất hoang mang. Nghe qua cứ tưởng như gọi tên con voi là con chuột.
Theo luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì "Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định" (3).
Theo định nghĩa này có thể hiểu rằng lãng phí là hành vi vô ý, do năng lực kém gây ra hậu quả tốn kém cao hơn mức dự định.
Người Việt lên máy bay từ Singapore về Việt Nam trong đại dịch Covid-19 hôm 7/8/2020. Reuters
Biến voi thành chuột
Qua kết quả điều tra bước đầu với hàng chục tướng lĩnh, sĩ quan cấp tá bị kỷ luật, khởi tố ; hai Bộ Trưởng Ủy Viên Trung ương Đảng bị đề nghị kỷ luật ; hàng chục cán bộ cấp Vụ trưởng, Vụ phó, Giám đốc CDV cấp tỉnh bị khởi tố bắt giam cho thấy Vụ Kit test Việt Á mang tính chất hoàn toàn khác hẳn. Đây là bản đại hợp xướng được dàn dựng công phu hoành tráng, có sự tham gia của rất nhiều ngành : Quân Đội, Khoa Học Công Nghệ, Y Tế, Tài Chính, Ban Thi Đua Khen Thưởng Trung ương, đặc biệt được toàn thể hệ thống báo chí truyền thông lề phải nhiệt tình tung hô cổ vũ. Nhà nước chi 19 tỉ đồng nghiên cứu đề tài khoa học, sản phẩm ảo. Thực chất là mua Kit test Trung Quốc về dán nhãn Việt Nam. Các bộ, ngành diễn tuồng nghiệm thu, cấp phép, chào bán với giá trên trời. Báo Chí đưa nhau đưa tin giả sản phẩm được WHO công nhận, được xuất khẩu sang Châu Âu… Chủ tịch nước cũng được lôi vào tròng trao Huân Chương lao động trang trí nâng cao sự hào nhoáng, sang trọng cho hàng ảo. Cú lừa hoành trong vô tiền khoáng hậu, vụ ăn chia trị giá 4.000 tỉ đồng mà tiền lót tay hoa hồng trên 800 tỉ đồng bị xem là lãng phí quả là "oan ức" cho công lao và tài năng tinh vi các bị can và những bị can diễn viên và đạo diễn sao cánh gà còn chưa lộ hình.
Tương tự, đại án các chuyến bay giải cứu đã khởi tố một thứ trưởng ngoại giao và nhiều quan chức, trong đó có công an, tổ chức hàng trăm chuyến bay đến nhiêu nước, chặt chém hàng trăm ngàn người Việt xa quê, thu lợi hàng ngàn tỉ đồng nhất định không thể xem là lãng phí.
Một nhân viên của Công ty Việt Á làm việc trên kit test ở nhà máy tại Bình Dương hôm 2/3/2020. Reuters
Tham nhũng lũng đoạn nhà nước không thể là lãng phí !
Về tính chất, việc lợi dụng thảm họa toàn cầu, dùng quyền lực nhà nước để lừa bịp, rút rỉa ngân sách (thực chất là tiền thuế của dân) bóp cổ móc túi trực tiếp người dân để trục lợi thể hiện tâm địa vô lượng, vô sỉ, lòng tham tanh tưởi không chút lương tri. Chính phủ, Quốc hội xếp loại hai đại án này vô hàng lãng phí thì một lần nữa khinh bỉ, sỉ nhục 100 triệu người dân đã từng là nạn nhân của nó
Nói bỗ bã theo dân gian thì Chính phủ, Quốc hội, gọi tên, xếp loại đại án Việt Á chỉ là lãng phí là hành vi hiếp dâm ngôn ngữ.
Vậy theo quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phải xếp loại, gọi tên hai vụ án này như thế nào ? Phải chăng luật pháp, ngôn ngữ Việt Nam không đủ từ để gọi cho chính xác ?
Không ! Chính báo chí lề phải của Đảng dù bị bịt mắt, bịt miệng cũng đã từng gọi đúng tên. Báo Đại Đoàn Kết của Mặt Trận Tổ Quốc từng có bài viết tiêu đề "Phòng, chống tham nhũng nhìn từ vụ Việt Á : Cấu kết trục lợi trên diện rộng" (5)
Báo Vetnamnet của Bộ Thông Tin Truyền Thông không chỉ quy kết về hình sự mà còn lưu ý về sai phạm chính trị "Đây không chỉ là tham nhũng mà sự tha hóa quyền lực trầm trọng, một sự tự diễn biến, tự chuyển hóa" (5).
Trên diễn đàn quốc tế, BBC tiếng Việt cũng gọi tên theo quan điểm khách quan "Việt Á : Vụ kit xét nghiệm là dấu hiệu 'lũng đoạn nhà nước' được chuẩn bị công phu" (6).
Như vậy đây là hai đại án tham nhũng, phải gọi đúng tên và xếp vào báo cáo về phòng chống tham nhũng
Trong kỳ họp Quốc hội trước đây, khi vụ án mới được khởi tố, chỉ mới bắt giam Phạm Quốc Việt và Giám đốc CDC Hải Dương thì Chính Phủ đã báo cáo "Hiện vụ án đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo khẩn trương tiến hành điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bất chính" (7).
Tại sao hiện nay khi vụ án đã mở ra khởi tố nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương thì lại xếp vào nhóm lãng phí ?
Trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm cá nhân !
Cùng ngày 25/4, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành kết luận số 34 của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín ; việc miễn nhiệm, từ chức, trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực (8).
Theo tinh thần đó, với hai đại án tham nhũng có liên quan đến cán bộ chủ chốt ít nhất là bảy bộ ngành trong chính phủ thì ai là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ?
Hơn thế nữa, với cả hai vụ án, về trách nhiệm cá nhân, có những dấu hiệu ít nhiều có liên quan trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng chính phủ.
Đối với vụ án kit test Việt Á, chủ trương xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm đại trà trên diện rộng không có ý nghĩa, tác dụng trong phòng chống dịch khi dịch đã lan tỏa sâu. Nhiều chuyên gia y tế đã phản biện, góp ý nhưng chính Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hô hào thành một áp lực với các địa phương buộc phải xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm đại trà, một người bị nhiễm xét nghiệm cả làng, xét nghiệm để phân loại tô màu cho từng vùng… Vào Google dùng từ khóa "Thủ tướng chỉ đạo thần tốc xét nghiệm" sẽ tìm thấy Khoảng 3.260.000 kết quả (9). Áp lực xét nghiệm thần tốc này là điều kiện vàng để Việt Á tiêu thụ và nâng giá kit cao ngất ngưởng.
Về tổ chức các chuyến bay giải cứu, chính Thủ tướng đã ký quyết định phân công nhiệm vụ cho từng bộ ngành tham gia hoạt động này. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể từng tiết lộ với báo chí và giải trình với cơ quan điều tra "thực hiện chủ trương nhân đạo của Đảng, Nhà nước về tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nhu cầu về nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19, theo phân công nhiệm vụ của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ GTVT đã phối hợp rất tích cực với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng trong công tác bảo hộ công dân" (10).
Gọi đúng tên, đúng người sai phạm, một quan điểm đúng đắn liệu có được ông Vương Đình Hệ thực thi hay là chỉ nói để cho vui sẽ được thể hiện trong kỳ họp tới,
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 26/04/2022
Tham khảo :
5. https://vietnamnet.vn/vu-viet-a-khong-chi-la-tham-nhung-811276.html
Đối mặt với làn sóng Omicron của Covid-19, các nhà chức trách Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp quyết liệt để kiềm chế dịch, bao gồm việc cách ly các trường hợp dương tính tại các trung tâm cách ly tập thể khổng lồ, nơi một số công nhân viên bất bình về điều kiện làm việc của họ.
Ảnh minh họa : Thượng Hải (Trung Quốc) thời bị phong tỏa vì dịch Covid-19, ngày 10/04/2022. AP
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
"Anh em ơi, các trung tâm cách ly đang bóc lột các tình nguyện viên và một số những người này đang phản đối" đó là những điều mọi người có thể nghe thấy trong nhiều video được phát tán trên mạng Douyin (TikTok ở Trung Quốc) trong những ngày gần đây. Các hình ảnh cho thấy những nhân viên quản lý mặc áo vét màu vàng đang thách thức các nhân viên.
"Các bạn đòi được trả 500 nhân dân tệ ( tương đương với 70 euro mỗi ngày, nhưng không thể như thế được ! Hoặc chấp nhận 300 nhân dân tệ, còn không thì hãy ra khỏi nơi đây !".
Tuy nhiên, họ không thể rời đi : đối mặt với sự bùng nổ của các ca lây nhiễm, các nhà chức trách ngày càng cần nhiều không gian hơn. Các trung tâm triển lãm và thậm chí các tòa tháp văn phòng được trưng dụng để biến thành các khu cách ly tập thể khổng lồ dành cho những bệnh nhân không có triệu chứng. Họ cần giường, cần cả nhân viên nữa. Ngoài những nhân viên chăm sóc tham gia vào cuộc chiến chống dịch, các nhân viên bảo trì và nhân viên an ninh cũng được tuyển dụng, kể cả ở ngoài Thượng Hải. Họ là những người được trông thấy phản đối trong những video này mà đôi khi rất khó xác định. Những tình nguyện viên nói rằng hợp đồng của họ không được tôn trọng.
"Tất cả những người bạn thấy tụ tập ở đây đều muốn ra đi", một phụ nữ mặc bộ đồ bảo hộ màu trắng và đeo khẩu trang màu xanh nước biển nói như trên. "Ban đầu chúng tôi được thông báo rằng chúng tôi phải dọn dẹp xung quanh trung tâm cách ly, nhưng bây giờ họ yêu cầu chúng tôi làm việc 12 tiếng mỗi ngày ở cả bên trong trung tâm cách ly. Chúng tôi bị mắc kẹt, họ không muốn thả chúng tôi". Có khả năng tiếp xúc với những trường hợp dương tính, những nhân viên được tuyển dụng bởi những nhà thầu tư nhân này không thể về nhà. Nỗi tức giận làm tăng thêm sự bất bình chung.
Vẫn về chủ đề dịch bệnh, hôm nay 22/04/2022 Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức khuyến cáo các bệnh nhân mắc Covid-19 có bệnh nền sử dụng thuốc viên Paxlovid của hãng dược phẩm Pfizer. Theo WHO, loại thuốc viên này có thể làm giảm tỷ lệ nhập viện đến gần 85%.
Phan Minh