Các số liệu được công bố vào lúc 16 giờ chiều ngày 02/12/2021 cho biết trong vòng 24 giờ, Việt Nam ghi nhận có 13.677 ca nhiễm mới tại 60 tỉnh thành, trong đó có 21 ca nhiễm Covid-19 du nhập từ bên ngoài. Trước đó một ngày, lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo đình chỉ giai đoạn ba thử nghiệm vac-xin Covid-19 do Việt Nam bào chế.
Covid-19 : ảnh chụp tại trung tâm tiêm chủng Củ Chi, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 27/10/2021. AP - Thu Huong
Theo thông báo của bộ Y tế Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu bảng với số ca nhiễm thường nhật (1.738 người). Số liệu công bố cho thấy dịch bệnh bùng phát mạnh tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía nam, Đông và Tây Nam Bộ. Tính đến hôm 02/11/2021, Việt Nam ghi nhận tổng cộng có gần 1.266.300 ca nhiễm Covid-19, hơn một triệu người được chữa lành và gần 25.660 người chết vì virus corona.
Chiến dịch tiêm chủng tại Việt Nam đang được tăng tốc và mở rộng sang đối tượng học sinh – sinh viên trong độ tuổi từ 15-17 để có thể mở cửa trở lại trường học. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng cũng đã gặp một vài sự cố nghiêm trọng.
Theo trang mạng VnExpress, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh tỉnh Thanh Hóa ngày hôm qua cho đình chỉ sử dụng lô vac-xin của Pfizer sau khi 120 học sinh phải nhập viện do có những phản ứng nghiêm trọng như buồn nôn, sốt cao hay khó thở. Nguyên nhân gây ra các triệu chứng này hiện vẫn chưa được xác định.
Trong quá trình tiêm chủng, Việt Nam cũng ghi nhận một số ca tử vong do bị phản ứng thuốc. Cách đây hơn một tuần, ba trẻ em ở tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, và Bình Phương đã tử vong sau khi tiêm Pfizer. Gần đây nhất là 4 công nhân nhà máy giày Kim Việt ở Thanh Hóa bị thiệt mạng sau khi tiêm vac-xin Vero Cell của Trung Quốc. Tất cả đều được cho là do bị "phản ứng quá mức" với vac-xin.
Cũng trong ngày hôm qua, ông Vũ Đình Thiêm, giám đốc Trung tâm Thử nghiệm Lâm sàng thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thông báo đình chỉ thử nghiệm giai đoạn ba vac-xin Covivac ngừa Covid-19 do Việt Nam nghiên cứu và bào chế, nguyên nhân là do thiếu tình nguyện viên. Theo giải thích của ông Thiêm, giai đoạn ba cần khoảng 4.000 người để thử nghiệm.
Trang mạng VnExpress nêu rõ một số loại vac-xin khác của Việt Nam cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba : ARCT-154, do hãng Vingroup sản xuất theo công nghệ Mỹ và vac-xin Covid-19 của hãng dược Shionogi Nhật Bản. Ngoài ra, Vabiotech của Việt Nam cũng đang sản xuất vac-xin Sputnik của Nga.
Minh Anh
Sau hơn một năm không đi chơi xa, vì dịch Covid-19, nên khi các tiểu bang gỡ bỏ giới hạn chúng tôi rủ nhau du lịch nội địa. Nhiều người thân quen đi chơi Hawaii hay Cancún bên Mexico, chúng tôi chọn Miami, Florida.
Chụp ảnh kỷ niệm ở Little Havana, Miami (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Cả tháng trước đã mua vé máy bay, đặt chỗ ở và thuê xe. Đến giữa tháng Tám có thông tin Covid biến chủng Delta đang lây lan nhanh. Đã có thuốc tiêm chủng nên số người nhập viện và chết không cao như hồi đầu năm, trên 90% tử vong là những người đã không chích ngừa.
Cách suy nghĩ của người Mỹ về Covid lạ lắm vì có vắc-xin rồi mà chỉ chừng 60% đã chích cả hai mũi. Mấy chục triệu ca nhiễm và hơn 700 nghìn người Mỹ đã chết vì dịch, nhưng nhiều người vẫn không muốn chích ngừa, ngay cả binh lính cũng không muốn. Họ chấp nhận "sống với lũ", nói theo ngôn ngữ của người Việt.
Thống đốc Ron DeSantis của tiểu bang Florida còn ký lệnh không cho ai được quyền buộc dân phải chích ngừa hay đeo khẩu trang. Ông cho đó là quyền tự do chọn lựa của dân. Bên tiểu bang Texas Thống đốc Greg Abbott cũng có chính sách như thế.
Cột mốc đánh dấu mũi đất cực nam của lục địa Hoa Kỳ, cách Cuba chỉ 90 dặm (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Lãnh đạo các tiểu bang Cộng hòa như Florida, Texas bị phe Dân chủ tấn công, chỉ trích ; còn các bang Dân chủ như California, New York là nơi có nhiều luật lệ nghiêm ngặt phòng chống Covid thì bị Cộng hòa chỉ trích. Theo dõi các chính sách liên quan đến phòng chống Covid ở những tiểu bang này được các nhà bình luận phê phán thì cứ như mấy vị thống đốc đang dọn đường ra tranh cử tổng thống năm 2024.
Còn hơn ba năm nữa mới bầu tổng thống mà chính trường Mỹ đã sôi nổi với Thống đốc Andrew Cuomo của New York phải từ chức vì sàm sỡ với phụ nữ, còn Thống đốc Gavin Newsom của California phải đối đầu với cuộc bầu cử bãi nhiệm ngày 14/9 và ông thắng vẻ vang với 62% ủng hộ để tiếp tục lãnh đạo tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ.
Các cây trái từ vườn ở Homestead, Florida (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Florida với đợt tăng thứ ba vào giữa tháng Tám, cao nhất từ trước đến nay về số ca nhiễm Covid-Delta và số tử vong. Đến cuối tháng thì qua đỉnh điểm. Chúng tôi cũng đã chích ngừa đầy đủ hai mũi nên tiến hành chuyến du lịch về miền nắng ấm biển xanh, nơi có miệt vườn Việt Nam.
Tôi đã tới vùng Tampa-St. Pete của Florida nhiều lần, tắm biển ở Clearwater, Saratosa, đi chơi Disney World ở Orlando và thăm St. Agustine là nơi các nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân lên lục địa Mỹ. Biển Florida dù nằm ở bên đông hay bên tây đều có cát trắng, nước trong xanh và ấm.
Còn Miami, đã quá cảnh sân bay cả chục lần mà chưa bao giờ tôi ghé đây tham quan, thành phố nổi tiếng qua sô truyền hình "Miami Vice".
Máy bay không còn chỗ trống. Mọi người đeo khẩu trang. Sau gần 6 giờ bay, phi cơ đáp khi trời đã tối hẳn. Bên ngoài mưa như thác đổ. Về đến Hallandale Beach là gần nửa đêm. Trời ngừng mưa. Chúng tôi ăn vội mì gói rồi đi ngủ cho khoẻ để mai đi chơi.
Lúc đó mới là 9 giờ tối ở California. Chưa quen ngủ sớm, tôi ra ban công xem bên ngoài thế nào. Khuya mà trời gió mát. Từ tầng 18 nhìn ngắm thành phố ven biển toàn nhà cao tầng với ánh đèn lấp lánh dưới nước. Đẹp như Venice về đêm.
Khu thương xá có siêu thị bán thực phẩm Việt (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Sáng hôm sau một bình minh tuyệt đẹp chào đón chúng tôi trước khi lên đường đi thăm vườn cây trái Việt. Chạy qua Miami, theo xa lộ 95 xuôi nam rồi qua hướng tây xuống vùng Homestead có vườn bà Chín, vườn cô Trinh và một vườn nữa, cả ba được nhiều người giới thiệu trên Youtube.
Ra đường tôi chú ý ngay giá xăng, chưa đến 3 đô một gallon, rẻ hơn vùng Vịnh San Francisco đến một đô. Chạy xa lộ cứ một đoạn lại thấy máy nháy đèn tính lộ phí. Trên đường thấy phượng còn lác đác hoa. Vào những con đường nhỏ có phượng nhiều hơn. Nhớ lại một lần từ Miami đi Cuba vào tháng Sáu, khi máy bay cất cánh, qua cửa sổ tôi đã thấy cả một vùng đỏ rực bên dưới.
Đến vườn bà Chín, ra khỏi xe mới cảm thấy nóng. Nhiệt độ ở tầm hơn 90 độ F nhưng không ẩm thấp nên cũng dễ chịu.
Mùa này còn cóc, nhãn, na, ổi, khế, mít, thanh long. Không còn sa-pô-chê hay mãng cầu. Nhà kho với những thùng hàng để phân phối đi nhiều nơi. Mấy thanh niên người Nam Mỹ, vì nghe họ nói tiếng Tây Ban Nha, đang rửa xịt nước rửa mấy chục rổ to đầy rau lang.
Ba chị em mặc cả mua bán còn tôi đi loanh quanh xem vườn. Không được phép đi quá xa vào trong, ngay bên nhà kho là cây mít có trái to từ ngọn xuống gốc, mấy cây sa-pô-chê sai trái. Hỏi bà chủ là khi nào trái chín, bà cho biết tháng 11 và tháng 3 là mùa sa-pô-chê. Các em mua ổi, thanh long, nhãn, cóc, khế.
Ra khỏi vườn bà Chín, tôi ngừng xe chụp hình hoa phượng trước cổng. Đang bấm máy, một xe van táp vào, mấy thiếu nữ hỏi tôi có biết vườn bà Chín ở đâu. Tôi chỉ lối vào. Một cô hỏi anh làm ở đây, giờ còn sa-pô-chê không ? Tôi nói mình cũng là du khách và đã mua hết sa-pô-chê rồi, để chọc ghẹo mấy cô gái cũng thích loại trái này. Như nhà tôi.
Ca nhạc cuối tuần tại bãi biển Hollywood, Florida (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Qua vườn cô Trinh, trông nhỏ hơn. Nơi đón khách có tấm phông in hình các loại trái cây. Có măng cụt nhưng cô nói rõ là hàng từ Mexico nhập qua, không phải từ vườn nhà. Nơi đây còn bán nước mía ép tại chỗ, 4 đôla một ly to, rẻ hơn nhưng không ngon thơm bằng nước mía Ninh Kiều trong Grand Century Mall ở San Jose.
Vườn có vú sữa đang ra hoa, nhiều chậu đinh năng là loại cây ngày còn ở bậc tiểu học tôi đã thấy trong sân nhà cụ giáo Đồng ở Nghĩa Hoà, Ngã ba Ông Tạ, giờ hơn nửa thế kỷ qua mới thấy lại. Người em nói ở Việt Nam ngày nay lá này dùng ăn gỏi.
Ba chị em mua thêm nhiều trái cây, cả thùng na hơn 100 đô. Chuẩn bị rời vườn cô Trinh thì lại thấy mấy cô lúc trước vừa hỏi đường cũng tới đây là đoàn du khách từ Texas với hơn chục người.
Nhiều người Việt ở Mỹ đã biết Florida nổi tiếng với các vườn cây trái mang hương vị quê nhà, nhiều nhất ở khu vực Homestead. Ở đâu có điều kiện dễ để làm ăn, người Việt luôn có đầu óc kinh doanh. So với đất California, với Central Valley là vựa rau, là những cánh đồng bát ngát cây trái nhưng không có cây trái Việt, có thể vì luật lệ trồng cây nông nghiệp khó khăn ? Chứ không phải thổ nhưỡng không thích hợp vì vườn sau nhà của nhiều người Việt ở Quận Cam California đã trồng được ổi, cam, na, thanh long cho đến đu đủ, mít, nhãn, xoài, roi. Đất California không dễ để kinh doanh nên có người Việt đã qua Mexico thuê đất trồng mít, xoài, măng cụt vì có thị trường tiêu thụ.
Sau khi thăm vườn bà Chín và cô Trinh, chúng tôi biết mùa này chỉ có một số trái cây nhất định nên không đi vườn khác. Mấy cô em có nhận xét bà Chín "hơi chảnh" còn cô Trinh "dễ thương" hơn. Ở hai nơi chúng tôi đã tiêu 200 đôla mua nhiều loại trái cây, để ăn dần trong mấy ngày du lịch.
Chuẩn bị phóng jetski ra biển lớn (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Trên đường về lại Miami ghé vào một nhà hàng Cuba. Thực ra thức ăn của người Cuba không có gì đặc sắc hay ngon lắm theo tôi biết, vì đã có dịp qua thăm đất nước của Fidel Castro.
Miami có Little Havana nổi tiếng của cộng đồng người Cuba tị nạn. Ở đây vào thập niên 1990 đã có có những dân biểu quốc hội hết lòng ủng hộ thành lập đài Á Châu Tự do và những vận động cho dân chủ, nhân quyền của cộng đồng người Việt. Từ nơi này vào năm 2000 Lý Tống đã tạo kinh ngạc và sự khâm phục trong lòng người Mỹ gốc Cuba khi ông lái máy bay qua Havana rải truyền đơn trong ngày đầu năm.
Tháng 11/1999 có bé trai Elián Gonzalez 7 tuổi cùng người thân vượt biển tới được Mỹ đã gây ra cuộc tranh cãi về quyền giám hộ, về luật tị nạn. Người gốc Cuba ở Miami xuống đường ủng hộ để bé được ở lại Mỹ với người thân, trong khi cha mẹ còn ở Cuba muốn em được trả về cho họ. Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton đã quyết định trả em về nên tháng 4/2000 đã có cuộc bố ráp của giới chức năng với súng ống, đột nhập vào nhà người thân, bắt em đưa về lại cho cha mẹ.
Cuối năm 2000 cả nước Mỹ lại hướng về quận hạt Miami-Dade với cuộc kiểm phiếu bầu tổng thống đầy căng thẳng kéo dài sang đến tháng 12, với kết quả sau cùng George W. Bush (Con) chỉ hơn Al Gore 500 phiếu để thắng cử.
Vừa vào đến Little Havana là nghe rổn rang điệu nhạc salsa vui tươi, cùng hàng chữ Free Cuba ở nhiều nơi. Con đường chính là Calle Ocho – 8th Street – nhỏ hơn về bề ngang cũng như ngắn hơn so với Bolsa của Little Saigon, nhưng nằm gần trung tâm Miami. Quanh phố có tượng đài khắc ghi lời của José Marti, nhiều quán rượu, nhà hàng ăn uống, cả McDonald, pizza và dĩ nhiên không thiếu nơi sản xuất và bán xì-gà. Domino Park đông người lớn tuổi đang chơi cờ truyền thống, trên tường có hình vẽ chân dung nhiều tổng thống Mỹ và những nhân vật người Cuba tranh đấu cho tự do.
Hai chính phủ Cuba và Việt Nam bắt tay nhau xây dựng xã hội chủ nghĩa, thay nhau thức ngủ để "bảo vệ hòa bình thế giới" còn người Cuba và người Việt tại Mỹ mơ ước một xã hội tự do dân chủ cho quê hương nguồn cội.
Những ngày rong chơi chúng tôi ghé nhiều bãi biển, mà cô em gái gọi đó là "đặc sản Florida". Từ Hallandale, lên phía bắc là Hollywood, Ft. Lauderdale, Pompano, Palm Beach. Chỗ nào cũng đẹp, nước ấm trong xanh, nhưng thích nhất là khi phóng jetski ra xa bờ nhồi sóng. Gần Key West có bãi biển Bahia Honda Beach với cát trắng mịn như bột, nước trong xanh mầu ngọc bích.
Ft. Lauderdale nổi tiếng là bến cảng của du thuyền đưa khách đi chơi cảc đảo quốc trong vùng Caribean. Xa xa ngoài khơi có hai du thuyền lớn là dấu chỉ ngành du lịch này đang dần trở lại hoạt động.
Một buổi xế chiều. Vừa ghé bãi biển Delray tôi nhảy xuống nước ngay, trong khi mấy người em còn đang thay quần áo tắm. Dăm phút sau nghe tiếng còi huýt, nhìn lên chòi gác, tưởng mình ra quá xa bờ biển nên bị huýt còi, hay có ai bị nạn. Người trên chòi thổi còi liên thanh, rồi ra tay vẫy kêu mọi người lên bờ. Mây đen kéo vào và lúc sau trời đổ mưa. Tháng Chín là đang mùa mưa bão ở đây.
Qua đến đây đi tìm mua nước mắm, bánh phở là một trải nghiệm. Gú-gồ vùng Miami có hiện lên vài tiệm Châu Á, điện thoại hỏi trước thì không có bán nước mắm. Vào Walmart gần condo đang ở cũng thế, chỉ có xì dầu với mì. Sáng hôm sau ghé cà phê Starbucks ở Ft. Lauderdale, bên cạnh có một tiệm làm đẹp móng tay, vào hỏi thì được biết gần đây có siêu thị bán thực phẩm Việt.
Chiều đến siêu thị Á Đông có bán các thứ để nấu phở và món ăn Việt. Tiệm cũng có trái cây miệt vườn, có bán bánh trung thu "Bà Năm Cali".
Siêu thị này đã mở từ những năm 1980, trong khu thương xá Oakland Shopping Center, lối vào có những cột cờ cao, trên đó lá cờ di sản của người Việt tự do với ba sọc đỏ. Cửa kính siêu thị có dán bích chương quảng cáo sinh hoạt lễ vu lan tại chùa, tháng trước có trình diễn thời trang áo dài, tháng tới là văn nghệ dạ vũ ở sòng bài Seminole Casino Resort với Đan Nguyên, Như Loan và ca sĩ địa phương.
Tuần báo Trẻ phát hành từ Orlando có bán trong siêu thị. Nhu cầu đọc báo in tiếng Việt còn nên báo này đã ra được 675 số. Tờ báo dày 200 trang với nhiều tin tức, bài vở và quảng cáo thương mại của người Việt Florida.
Đi chơi, trưa ăn đồ Mỹ, tối về condo bữa nào cũng rượu bia cùng thưởng thức những món của ba đầu bếp nữ : bít-tết, bò nướng lá lốt, bò lúc lắc, bò xào đậu rồng, bò xào rau muống, gà xào đậu đũa, lẩu hải sản, có phở gà, phở bò với hành ngò, rau húng mua ở siêu thị Á Đông, Costco, chợ cá Hallandale và chợ nông dân Yellow Green Farmers Market. Tráng miệng có đủ loại trái cây tươi từ vườn, có trái hồng quân vỏ tím, ruột như nhãn nhưng mầu xanh nhạt, thơm. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức trái này. Chợ nông dân này rất lớn, bán nhiều trái cây, rau, nước đá bào, nước mía ép, có bán nhang, đèn nến, mỹ phẩm, có sân khấu trình diễn nhạc. Chúng tôi ăn trưa ở đây với thịt heo nướng và dồi cùng khoai tây, bắp, chuối hấp. Nước mía 14 đôla nửa gallon ép tại chỗ, dừa xiêm 4 đô một trái. Không thơm, ngọt cho lắm.
Mỗi tối, ăn cơm xong chúng tôi xem ti-vi chốc lát. Chỉ thấy đài OAN, Newsmax và vài đài địa phương, không có CNN, Fox hay MSNBC.
Sinh hoạt chính trị Florida hơn 20 năm về trước rất mạnh mẽ ủng hộ ứng viên tổng thống Cộng hòa như Reagan, Bush (cha), sau này đa số cử tri cũng chọn Clinton, Obama. Vùng Orlando, District 7, từ năm 2016 có Dân biểu Stephanie (Ngọc Dung) Murphy là người gốc Việt, thành viên Đảng Dân chủ hiện có nhiều ảnh hưởng tại quốc hội Hoa Kỳ. Năm đó cũng có Thuy Lowe là người Đảng Cộng hòa tranh cử vào quốc hội, District 10, nhưng không thành công.
Lái xe qua khu cư dân thấy còn có người luyến tiếc Tổng thống Donald Trump vì trước nhà treo cờ Trump mầu xanh dương. Chạy qua Mar-O-Lago là khu đánh gôn và nghỉ dưỡng mà lúc làm tổng thống ông Trump hay về đây cuối tuần. Biệt thự này nằm trên đường S. Ocean Blvd. ở Palm Beach là con đường chật hẹp. Tôi nghĩ dân quanh đó không thích mỗi khi tổng thống về đây vì việc bảo vệ an ninh gây phiền cho cư dân rất nhiều.
Trong một tháng qua số ca nhiễm và tử vong vì Covid ở Florida làm nhiều người quan ngại. Ngoài đường phố có người đeo khẩu trang người không. Condo nơi chúng tôi ở bắt mọi người ra vào phải đeo. Khách vào Costco, Walmart, McDonald cũng đeo khẩu trang. Ngoài biển thì không. Đi nghe nhạc ở bãi biển Hollywood, hàng trăm người đứng ngồi, nhảy múa và chỉ có mấy anh em chúng tôi mang khẩu trang. Không biết người khác thấy chúng tôi họ nghĩ gì, hay như thống đốc Florida từng tuyên bố đeo hay không là quyền tự do của mỗi người.
Tháng Chín phượng còn nở hoa ở Key West (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Một ngày chúng tôi đi thăm đất mũi của Hoa Kỳ. Vùng Key West là một dãy đảo nhỏ nối liền với nhau bằng những chiếc cầu, dài nhất là 7 dặm. Từ Miami đến cực nam của nước Mỹ, đoạn đường chưa tới 150 dặm nhưng mất bốn tiếng đồng hồ vì tốc độ giới hạn là 40 mph. Hai bên đường toàn lau, đước, sậy, qua vài thị xã là những nơi thuê thuyền và bán mồi câu cá. Nơi đây như làng quê Việt Nam, dân sống dọc quốc lộ và chắc cũng nhiều muỗi như rừng U Minh vì trên đường có bảng quảng cáo diệt muỗi.
Khí hậu ở đây nóng ẩm như Việt Nam. Du khách thuê xe máy, xe đạp đi tham quan phố có những cây phượng còn nhiều hoa đỏ. Ghé xe bán dừa, ông bán hàng gốc Cuba biết ngay chúng tôi là người Việt.
Đứng ở mũi đất, nhìn ra biển xa xa là đất Cuba, hình dung ra căn nhà của văn hào Ernest Hemingway ở ngoại ô Havana mà tôi đã có dịp thăm, có con tầu Pilar ông dùng đi đi về về giữa Havana và ngôi nhà ở Key West, là những chuyến du lịch trước cách mạng Cuba 1959, rồi sau đó quan hệ ngoại giao chấm dứt, ngăn cách đôi bờ.
Khi chờ chụp hình ở cột mốc cực nam Hoa Kỳ, tôi nghĩ đến những người Cuba tị nạn. Họ không được như chúng ta vì sống cách xa cố hương chưa đến một trăm dặm mà đường về vẫn khó khăn. So với người Việt California có hai thập niên quê hương nghìn trùng xa cách, chiều chiều ra biển ngó mặt trời lặn mà lòng quặn đau, nhưng từ năm 1995 khi hai nước bang giao, nếu nhớ quê thì lên máy bay ngủ một giấc là thấy lại Sài Gòn, Huế, Nha Trang, Vũng Tầu, Rạch Giá. Năm 2015 Hoa Kỳ và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng người Cuba muốn về quê cũng không dễ vì còn cấm vận.
Anh bạn nhà báo Kính Hòa biết tôi đi chơi Key West, sau khi xem hình trên Facebook có viết lời bình : "Bơi qua Cuba đi anh, nói là anh xuất thân từ Berkeley thổ tả, thế nào cũng được đón tiếp trọng thể".
Tôi trả lời : "Hai vợ chồng phóng jetski gần đến nơi thì bơi vào. Đến cửa Havana, gặp Thánh Fidel hỏi lúc ở dương trần các con đã làm được gì cho anh em. Mình trả lời đã giúp anh em Xã hội Chủ nghĩa canh giữ hòa bình thế giới. Thánh Fidel bảo thế thì cho vào thiên đường. Bà xã nghe sợ quá, nói : thôi mình đừng vào thiên đường, về địa ngục vui hơn".
Thế là chúng tôi phóng jetski như bay trên nước để về lại địa ngục trần gian. Nơi có nhãn lồng, thanh long, xoài, na, cóc, ổi, dưa gang, mãng cầu. Đặc biệt có khế, ngọt ơi là ngọt.
Bùi Văn Phú
(14/11/2021)
Biến thể Delta cướp đi hơn 2 điểm GDP của Việt Nam trong năm 2021. Báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới tháng 10/2021 giảm dự phóng tăng trưởng của Việt Nam đang từ 4,8 % xuống còn từ 2 đến 2,5 % do "những bất cập và sự chậm trễ trong biện pháp chống dịch".
Khách hàng đi mua sắm đồ tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 01/10/2021. Reuters - Sringer
Việt Nam vấp phải hai trở ngại để có thể nhanh chóng bình phục như mùa xuân 2020, song Covid-19 cũng là một cơ hội để quốc gia Đông Nam Á này trở thành một nền kinh tế "phát triển hơn". Trên đây là phân tích của kinh tế trưởng Ngân Hàng Thế Giới tại Hà Nội, Jacques Morisset trong bài trả lời phỏng vấn qua điện thoại dành cho RFI tiếng Việt.
RFI : Công tác tại Hà Nội từ hai năm nay, thưa ông Jacques Morisset, câu hỏi đầu tiên Ngân Hàng Thế Giới đánh giá thế nào về mức độ sụt giảm đột ngột của kinh tế Việt Nam năm nay, đến nỗi mà lần đầu tiên, định chế tài chính đa quốc gia này giảm dự phóng tăng trưởng đến hơn hai điểm trong chưa đầy hai tháng ?
Jacques Morisset : Để hiểu được tình hình hiện tại ở thời điểm cuối 2021, chúng ta cần nhìn lại 2020 : Tăng trưởng của Việt Nam năm ngoái là 2,9 %. Đó là một trong những thành tích cao nhất so với tất cả các quốc gia khác. Phải nói là năm ngoái, Việt Nam đã rất thành công trong việc ngăn chận dịch lây lan với những quyết định y tế vừa sớm, vừa thích hợp. Nhờ vậy đã nhanh chóng phục hồi. Bước sang đầu năm nay, tại sao kinh tế lại lao đao ? Thống kê của quý ba 2021 cho thấy GDP giảm 6,17 %. Từ 40 năm qua, chưa khi nào tăng trưởng của Việt Nam lại tệ như vậy. Đây cũng là lần đầu tỷ lệ này ở số âm và cũng chưa bao giờ các hoạt động kinh tế lại giảm mạnh đến mức độ này. Tất cả mọi người, kể cả Ngân Hàng Thế Giới đều đã ngỡ ngàng.
RFI : Vì sao kinh tế Việt Nam đổ dốc mạnh trong 9 tháng đầu 2021 ?
Jacques Morisset : Thứ nhất là do y tế và thứ hai là kinh tế. Về y tế, cuối tháng Tư năm nay, biến thể Delta lan mạnh, dịch Covid-19 bùng phát vào lúc mà Việt Nam không sẵn sàng để đối phó. Có nghĩa là khi đó, tỷ lệ tiêm ngừa của Việt Nam rất thấp, nếu không muốn nói là con số không. Thêm vào đó là thái độ thả lỏng trước tình hình dịch tễ. Đầu 2020 Việt Nam cho xét nghiệm đại trà nhưng do có rất ít trường hợp dương tính nên đã lơ là vì cho rằng Covid-19 đã thuộc về quá khứ. Chẳng ngờ lại phải đối mặt với biến thể Delta. Nguyên nhân thứ hai là kinh tế : năm nay chính quyền đã không sẵn sàng đưa ra những quyết định để ngăn chận hậu quả khủng hoảng y tế gây nên. Thí dụ về ngân sách : Việt Nam vẫn dư thừa ngân sách vào thời điểm mà nhẽ ra phải nới lỏng chi tiêu để giới hạn những hệ quả về kinh tế, về xã hội Covid-19 gây nên. Trong chín tháng đầu năm nay, Việt Nam bội thu ngân sách : Việt Nam vẫn cứ tiết kiệm chi tiêu và để dành.
RFI : Giới phân tích đã nhấn mạnh nhiều đến những biện pháp chống dịch không phù hợp và thậm chí là đã được chính phủ Việt Nam ban hành quá trễ ?
Jacques Morisset : Cuối tháng Tư vừa qua, phản ứng của chính phủ không dứt khoát như ở vào hồi đầu năm 2020. Thí dụ như trong miền nam, các biện pháp cách ly, giới hạn đi lại không được ban hành ngay lập tức. Phải đợi nhiều tuần lễ thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận mới bị phong tỏa. Trong khi đó thì virus lây lan : cuối tháng 5 –đầu tháng 6 số ca dương tính với virus corona đã rộ lên. Kế tới về mặt kinh tế, cũng đã có những bất cập : nhẽ ra là phải nhanh chóng hỗ trợ những thành phần bị tác động qua các chương trình xã hội. Nhưng mãi đến đầu tháng 7, những biện pháp giúp đỡ đó mới đến tay người dân, tức la có một sự chậm trễ từ hai đến ba tháng kể từ đầu khủng hoảng.
RFI : Sau ba tháng phong tỏa chặt chẽ, Việt Nam đang bắt đầu mở cửa lại, chính vì nhờ có vac-xin. Nhìn lại giai đoạn từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9/2021 mọi sinh hoạt gần như ngừng lại hoàn toàn nhất lai tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh. Các cửa hàng, hàng quán, công sở đóng cửa tòa bộ.. Giờ đây Việt Nam có hy vọng nhanh chóng bật dậy như năm 2020 ?
Jacques Morisset : Đà phục hồi vấp phải hai trở ngại : Rất nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian khủng hoảng với các sinh hoạt kinh tế hoàn toàn bị tê liệt như vừa nói trong gần ba tháng. Những hộ gia đình nghèo, không có tiền tiết kiệm thì họ không có phương tiện để chi tiêu trong những tháng tới. hệ quả kềm theo, là tiêu thụ nội địa không chóng phục hồi, đơn giản là vì một phần dân dư không có tiền. Thêm vào đó là tâm lý lo âu, không biết dịch sẽ kéo dài tới khi nào, kinh tế có chóng phục hồi hay không … thành thử người dân không dám mạnh dạn chi tiêu. Khuynh hướng chung là người ta để dành tiền tiết kiệm. Trong khi đó, từ nhiều thập niên qua, tiêu thụ nội địa là một trong những cột trụ của tăng trưởng Việt Nam. Do vậy Ngân Hàng Thế Giới chờ đợi trong ngắn hạn đà phục hồi sẽ ở mức trung bình.
Trở ngại thứ nhì, như đã biết, xuất khẩu là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam, vậy mà từ đầu năm đến nay, hoạt động trong ngành bị khựng lại, thậm chí là sụt giảm đôi chút vì những lý do như sau : dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều nhà máy công nghiệp phải đóng cửa ; tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng chịu tác động do các phí tổn chuyên chở hàng hóa tiên tục tăng lên từ nhiều tháng qua. Với hai trở ngại này, theo thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới đà phục hồi kinh tế của Việt Nam lần này không được tốt như hồi năm 2020.
RFI : Vậy Việt Nam phải làm gì để vượt qua được hai trở ngại đó ?
Jacques Morisset : Như vừa nói, động lực tăng trưởng của Việt Nam từ nhiều năm qua, không phải là Nhà nước, mà là do lĩnh vực kinh tế tư nhân, do tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc tăng trưởng của Việt Nam có thể trông cậy nhiều hơn vào chính phủ. It ra là trong ngắn hạn. Có điều Việt Nam chưa sẵn sàng. Lĩnh vực công vẫn còn bị kẹt vì một số yếu tố, thí dụ như là về hành chính, thiếu một sự phối hợp giữa cấp trung ương và các địa phương. Trong trường hợp cụ thể của chính sách trợ cấp xã hội chẳng hạn, chính phủ thiếu những thống kê đầy đủ để xác định ai là những thành phần cần được giúp đỡ, để viện trợ nhanh chóng đến tay những người này.
RFI : Sau kinh nghiệm những tháng qua, Ngân Hàng Thế Giới đánh giá như thế nào về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới ?
Jacques Morisset : Đây là một cuộc khủng hoảng nhất thời, như với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới. Câu hỏi còn lại là dịch bệnh này sẽ kéo dài bao lâu. Không riêng gì Việt Nam, mọi người đều mong mỏi đẩy lùi được Covid-19, tình hình sáng sủa hơn. Các dự báo cho năm 2022 có khuynh hướng khả quan hơn trước viễn cảnh phần nào kiểm soát được virus corona. Ngân Hàng Thế Giới chờ đợi tăng trưởng của Việt Nam bật dậy, ở mức tối thiểu là 6 % cho năm 2022.
Chúng tôi lạc quan bởi vì những yếu tố nền tảng vẫn tồn tại. Những yếu tố đó là ổn định về đối nội, Việt Nam kiểm soát được những bất cân đối cả về mặt ngân sách lẫn ngoại thương, lạm phát, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng đang ở mức khá cao từ nhiều năm qua… Nói cách khác, nhiều chỉ số kinh tế của Việt Nam vẫn vững chắc. Tuy nhiên bênh cạnh đó tôi nghĩ rằng đây cũng là cơ hội để chính phủ tiến hành những biện pháp cải tổ cần thiết về mặt cơ cấu để Việt Nam thực hiện tham vọng trở thành một nền kinh tế phát triển hơn trong những năm sắp tới. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần đẩy mạnh những phát minh về công nghệ, nâng cao đầu tư vào công việc đào tạo nhân sự".
RFI : Xin một câu hỏi chót, trước đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp quốc tế đã bắt đầu chuyển hướng, di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc- một phần do tác động từ xung khắc thương mại Mỹ- Trung. Nhật Bản chẳng hạn đã khuyến khích các tập đoàn đi tìm những bãi đáp mới, mà Việt Nam là một điểm đến được quan tâm. Covid-19 có nguy cơ làm mất đi sức thu hút đó của Việt Nam hay không ?
Jacques Morisset : Chúng ta cần phân biệt xu hướng chung với những khó khăn nhất thời. Từ trước đại dịch, một phần do căng thẳng Mỹ-Trung, nhiều công ty đã di dời cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam. Xu hướng đó sẽ tiếp tục bởi vì Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh tương đối chẳng hạn như là nhân công rẻ … và những yếu tố đó vẫn tồn tại. Điều này giải thích vì sao đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam. Bên cạnh đó thì có yếu tố ngắn hạn cũng khá tiêu biểu. Năm ngoái, Việt Nam hưởng lợi nhưng năm nay tình huống đang bất lợi cho Việt Nam : Năm 2020 khi nhiều nước trên thế giới phải đóng cửa, Việt Nam với những biện pháp ít nghiêm ngặt hơn đã thúc hối nhiều doanh nghiệp đưa một số hoạt động sang Việt Nam. Ngành dệt may chẳng hạn đã chuyển một phần khâu sản xuất từ Bangladesh hay Mêhicô qua Việt Nam. Ngược lại năm, do Việt Nam bị nặng về mặt y tế, nhiều khu vực công nghiệp phải tạm đóng cửa, thậm chí là một số hải cảng cũng đã ngừng hoạt động hồi tháng Tư vừa qua … Địa bàn sản xuất có phần dời Việt Nam sang những khu vực khác. Nhưng đó chỉ là những thay đổi trong ngắn hạn.
RFI : RFI Việt ngữ thành thật cảm ơn ông Jacques Morisset, kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội.
Thanh Hà thực hiện
Nguồn : RFI, 19/10/2021
Trọng Thành, RFI, 22/10/2021
Tại một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, hàng chục quốc gia đã ra một tuyên bố chung chỉ trích chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và yêu cầu Bắc Kinh ngay lập tức để các quan sát viên độc lập tới khu vực này.
Ảnh tư liệu chụp ngày 03/12/2018 tại Trung tâm Dạy nghề Artux, tỉnh Tân Cương, Trung Quốc. AP - Ng Han Guan
Theo hãng tin AFP, tại cuộc họp của Ủy ban phụ trách nhân quyền của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (tên chính thức là Ủy ban thứ Ba, phụ trách các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa), hôm qua 21/10/2021, đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, ông Nicolas de Rivière, đã thay mặt 43 quốc gia đọc bản tuyên bố chung, bày tỏ "mối quan ngại đặc biệt về tình hình tại vùng tự trị Tân Cương".
Tuyên bố của nhóm 43 nước nêu lên các thông tin đáng tin cậy về tình trạng "giam cầm một cách độc đoán" hơn một triệu người trong "các trại cải tạo". Tuyên bố nhấn mạnh đến các hành động tra tấn, cách đối xử độc ác, phi nhân tính và hạ nhục con người, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và kỳ thị giới tính, cũng như tách trẻ em khỏi gia đình, nhắm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng sắc tộc thiểu số khác. Tuyên bố kêu gọi chính quyền Trung Quốc "cho phép ngay lập tức và không gây trở ngại các quan sát viên độc lập, bao gồm Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền và các thành viên của Phủ Cao Ủy vào khu vực Tân Cương".
Tuyên bố chung lên án Bắc Kinh xâm phạm nhân quyền tại Tân Cương có sự tham gia của Hoa Kỳ, nhiều nước châu Âu, châu Á và châu Phi. Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số 43 nước ký tên. Từ nhiều năm nay, các xâm phạm nhân quyền của Trung Quốc tại Tân Cương đã liên tục bị lên án tại diễn đàn của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, cách nay hai năm, mới chỉ có 23 quốc gia ký tên vào tuyên bố chung. Hồi năm ngoái, bản tuyên bố đã được 39 nước ủng hộ. Đến năm nay, có thêm ba quốc gia mới tham gia, là Thổ Nhĩ Kỳ, Eswatini (châu Phi) và Cộng Hòa Séc.
Ngay sau tuyên bố chung của nhóm 43 nước, đại sứ Trung Quốc Trương Quân (Zhang Jun) đã lên án "các vu cáo" và "một mưu đồ nhằm gây tổn hại cho Trung Quốc". Theo đại sứ Trung Quốc, Tân Cương đang phát triển và "người dân Tân Cương luôn tự hào về các tiến bộ đã đạt được". Đại sứ Cuba bảo vệ Bắc Kinh, chỉ trích 43 nước can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Bắc Kinh lên án ngược lại Mỹ, Pháp và Anh về"những xâm phạm nhân quyền khủng khiếp",chuyển đến báo chí một tài liệu lên án Hoa Kỳ tình trạng "thanh lọc sắc tộc chống lại thổ dân" và "sự gia tăng các hành động quấy nhiễu nhắm vào các công dân Mỹ gốc Á"tại Mỹ. Trung Quốc còn cáo buộc Pháp "thảm sát hàng chục nghìn người vào thời kỳ thực dân", "phạm tội ác chống nhân loại". Tài liệu nói trên cũng nhấn mạnh đến "nạn bài Hồi giáo" và "tình trạng tồi tệ trong các nhà tù" tại Pháp.
Theo nhiều nhà ngoại giao, hàng năm, chính quyền Trung Quốc vẫn liên tục gây áp lực lên các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nào ký tên vào bản tuyên bố chung về tình hình Tân Cương.
Haiti và Thụy Sĩ rút khỏi tuyên bố chung
Theo AFP, Haiti và Thụy Sĩ đã rút khỏi tuyên bố chung nói trên: Haiti vì đang trong giai đoạn quan hệ tế nhị với Trung Quốc, từ khi chính quyền nước này công nhận Đài Loan. Thụy Sĩ vì muốn tạo điều kiện cho đối thoại Mỹ - Trung, sau khi làm nơi tổ chức cuộc gặp giữa hai phái đoàn cao cấp Mỹ - Trung mới đây.
Trọng Thành
**********************
Thanh Phương, RFI, 21/1/2021
Hôm 21/10/2021, Trung Quốc đã hủy hàng trăm chuyến bay, đóng cửa nhiều trường học và đẩy mạnh xét nghiệm đại trà để cố ngăn chận sự lây lan từ một ổ dịch mới xuất phát từ một nhóm du khách.
Xét nghiệm Covid-19 trong dân cư sau khi xuất hiện cá nhiễm mới tại thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, ngày 20/10/2021 via Reuters - Stringer
Theo hãng tin AFP, ổ dịch mới liên quan đến một cặp vợ chồng lớn tuổi đã từng đi du lịch theo đoàn rất đông người. Họ đã đi từ Thượng Hải đến thành phố Tây An, tỉnh Cam Túc và vùng Nội Mông. Đã có hàng chục ca nhiễm được phát hiện có liên quan đến chuyến đi của họ, tại ít nhất 5 tỉnh và vùng, trong đó có khu vực thủ đô Bắc Kinh.
Để ngăn chận sự lây lan từ ổ dịch nói trên, các chính quyền địa phương đã tiến hành xét nghiệm đại trà, đóng cửa nhiều địa điểm du lịch, giải trí, nhiều trường học tại các vùng đang có dịch, đồng thời phong tỏa một số khu chung cư.
Một số nơi như Lan Châu, thành phố khoảng 4 triệu dân ở miền tây bắc Trung Quốc, đã yêu cầu người dân không nên ra ngoài nếu không thật sự cần thiết. Những ai ra đường đều phải trình kết quả xét nghiệm âm tính.
Trong khi đó, các sân bay tại những vùng bị dịch đã hủy hàng trăm chuyến bay. Khoảng 60% số chuyến bay đến hai sân bay chính ở Tây An và Lan Châu đã bị hủy.
Theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, hôm nay đã có 13 ca nhiễm mới trong nước được ghi nhận.
Theo thông báo của thống đốc vùng Tokyo Yuriko Koike hôm thủ đô Nhật Bản sẽ dỡ bỏ các hạn chế về giờ mở cửa các quán bar, nhà hàng, do số ca nhiễm Covid-19 tại thành phố này đã giảm xuống mức thấp nhất từ 16 tháng qua.
Tính trên toàn quốc, số ca nhiễm mới từ mức kỷ lục 25.851 ngày 20/08 đã giảm xuống chỉ còn 387 ca hôm qua. Riêng Tokyo, thành phố có đến 14 triệu dân, trong tuần qua chỉ ghi nhận trung bình mỗi ngày 47 ca nhiễm mới.
Theo các chuyên gia, tình hình dịch tễ được cải thiện như vậy chính là nhờ Nhật Bản đã đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, sau khi khởi đầu rất chậm.
Thanh Phương
Hội nghị Trung ương IV thừa nhận tác động tiêu cực sâu rộng của dịch Covid-19 đối với Việt Nam
RFA, 04/10/2021
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùg phát từ cuối tháng tư vừa qua gây ra những tác động tiêu cực sâu rộng đối với đất nước Việt Nam. Đây là thừa nhận của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Khóa XIII diễn ra ngày 4/10 (gọi tắt là Hội nghị Trung ương IV).
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 4 mặc niệm những người đã chết vì Covid-19 tại lễ khai mạc ở Hà Nội hôm 4/10/2021 - VGP
Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng như vừa nêu và cho biết đây là nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương IV kéo dài cho đến ngày 7/10.
Hội nghị được nói sẽ tập trung bàn về các biện pháp phòng/chống Covid-19, quan điểm và chính sách về công tác này trong tình hình mới mà Thủ tướng chính phủ Hà Nội gọi là ‘thích ứng an toàn’ với dịch Covid-19.
Tin cho biết, các ủy viên trung ương tham dự hội nghị đã dành một phút để mặc niệm gần 20 ngàn người dân chết tính đến ngày 4/10 vì dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Hội nghị cũng đề cập đến vấn đề về tư tưởng mà Đảng cộng sản luôn nhắc đến là ‘tự chuyển hóa’, ‘tự chuyển biến’ của các đảng viên từ cấp cao đến cơ sở.
Tin nói Hội nghị Trung ương IV cũng tìm cách tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo lời ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đây là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với Đảng cộng sản Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được cho là người khởi xướng công cuộc ‘đốt lò’ chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy đảng và Nhà nước.
Gần đây nhất, vào tuần qua, một loạt tướng, tá của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật vì những sai phạm trong quản lý và tham nhũng.
Nguồn : RFA, 04/10/2021
********************
RFA, 04/10/2021
Chính phủ Việt Nam hôm 3/10 vừa ra chỉ thị về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
AFP Photo
Truyền thông nhà nước loan tin vừa nói cùng ngày theo Chỉ thị số 27 của Chính phủ, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành.
Theo ông Thành, hiện nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phải hủy nhiều đơn hàng sản xuất trong nước, thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất. Do đó, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp với địa phương thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động... nhưng phải bảo đảm an toàn phòng dịch.
Ngoài ra, các UBND tỉnh, thành phố phải thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất để phối hợp các doanh nghiệp trên địa bàn, để vừa sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chỉ thị yêu cầu Bộ Y tế phân bổ kịp thời vắc-xin cho người lao động và ban hành các quy định về giãn cách, xét nghiệm, xử lý khi phát hiện người lao động nhiễm Covid-19 tại doanh nghiệp.
Bộ Giao thông vận tải được Chính phủ yêu cầu bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh...
Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng được Chính phủ Việt Nam yêu cầu phối hợp trong chỉ thị số 27.
Trước đó, vào ngày 2/10, tại buổi tiếp xúc cử tri trực tuyến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các địa phương không ‘cát cứ’ (chia cắt lãnh thổ, không phục tùng chủ quyền trung ương) trong chống dịch.
Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, việc áp dụng các quy định phòng, chống dịch mỗi nơi một kiểu đang làm khó cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ông Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội Việt Nam – vừa gặp vạ miệng.
***
Hôm 23/9/2021, tại buổi họp giữa Đoàn Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội với các Sở Lao động Thương binh Xã hội, Tài chính và Y tế của thành phố này để giám sát về các chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, ông Ngân cho rằng : Sau khi ki ểm soát dịch bệnh, Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh nên xây dựng những tượng đài vinh danh ngành y tế. Trong các cuộc chiến, chúng ta vinh danh bộ đội, chiến sĩ giải phóng quân thì trong chống dịch cũng nên vinh danh ngành y tế.
Vì sao dân chúng Việt Nam vốn cảm phục, biết ơn đội ngũ nhân viên y tế lại nổi giận sau khi nghe đề nghị này, kể cả độc giả của một số cơ quan truyền thông chính thức ?
Trên diễn đàn của tờ Thanh Niên, trong hàng trăm bình luận về đề nghị của ông Ngân, có hàng chục người tỏ ra bực bội hoặc ngán ngẩm vì l ại xây tượng đài !Nhiều người bày tỏ những suy nghĩ na ná như Van Minh Nguyen : Dùng ti ền xây tượng đài để hỗ trợ các y bác sĩ chống dịch hay bệnh nhân thì có ý nghĩa hơn. Hay Te Tran : Nhân viên y t ế không cần tượng đài, cái họ cần là nhà nước hãy chăm lo cho họ tốt hơn.Hoặc Nguyen Nguyen : Nên dành ti ền xây tượng đài đầu tư cho hạ tầng, như bệnh viện, trang thiết bị, tăng thu nhập cho nhân viên y tế. Có người như Hung Tran, tự giới thiệu là một nhân viên y tế thì chỉ mong số tiền đó sẽ giúp ng ười bệnh có giường nằm (1).
Còn trên mạng xã hội – trước giờ vẫn tự do hơn thì Mùi Thị Lê mỉa mai thế này : Mình nghĩ m ỗi tỉnh nên xây một tượng đài hoành tráng vì chống dịch là huy động ngành y toàn quốc. Giờ chỉ xây một cái hóa ra các tỉnh còn lại không được vinh danh. Mỗi tỉnh một tượng đài, y bác sỹ có đói, có mệt, ngắm tượng đài là tan biến hết vất vả. Ủng hộ vị đại biểu quốc hội này. Phải ‘bào’ cho tới. Trả lời thắc mắc của một người bạn : Th ất bại toàn tập mà đòi vinh danh - Mùi viết thêm : Ph ải vinh danh chứ. Chẳng hoa hồng nào cao như xây tượng đài, làm một phát là có tiền tỉ đút túi, còn y bác sĩ lại tiếp tục được ca ngợi, được nhận suất ăn chết đói để làm anh hùng. Anh hùng cần gì ăn (2).
Một facebooker lấy nickname là Ký giả thời cuộc dành thời gian viết hẳn một thư ngỏ gửi riêng cho ông Trần Hoàng Ngân. Thư đại khái thế này.
Theo tôi, anh lo tìm giải pháp hồi phục kinh tế cho thành phố của mình khi mà nó có thể sập tiệm bất cứ lúc nào vì tình trạng phong tỏa lâu nay, thay vì dành thời gian rảnh rỗi đề nghị tào lao vớ vẩn. Kinh tế lao đao, ngân sách trống rỗng, dân khô máu, lấy tiền đâu xây tượng đài hả anh Ngân ? Liệu ngành y cả nước mà đứng đầu là Bộ trưởng Long có xứng đáng được xây tượng đài khi tham mưu thực hiện các giải pháp chống dịch quá ẹ ? Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hai ông giám đốc Sở Y tế cũng ẹ không kém. Nỗ lực của các nhân viên y tế trong chống dịch rất đáng ghi nhận. Họ cần động viên bằng các phần thưởng vật chất giá trị chứ họ cần ko tượng đài gì đâu anh Ngân. Không tin anh cứ hỏi họ xem tôi nói có đúng ko. Riêng lãnh đạo ngành của họ thì không hề xứng đáng chút nào. Nhiều nhóm lợi ích trong ngành y còn lợi dụng dịch để kiếm chác kia kìa. Nhân viên y tế chống dịch cực khổ quá bỏ việc hay trốn việc thì Bộ y tế còn nhẫn tâm ra văn bản đòi tước giấy phép hành nghề của họ mà.
Đủ thứ chuyện như vậy, liệu tượng đài ngành y của anh có lý do chính đáng để xây dựng không ? Sao anh không đề xuất dựng tượng đài về nhân dân chịu đựng đói khổ hay tử vong vì dịch ? Hay là anh bắt chước mấy ông tòa án tạc tượng thẩm phán, trong khi án oan ngút trời ? Chắc anh muốn lấy lòng anh Long Thái Bình hả anh Ngân ? Bỏ ý nghĩ tượng đài đi anh Ngân ơi, hãy lắng nghe dân chửi đề xuất của anh kìa. Một Phó Giáo sư, Viện trưởng như anh mà để tư duy tượng đài chi phối là hỏng bét rồi. Tôi là một công dân phải đóng thuế, tôi nói không với tượng đài của ngành y. Muốn xây tượng đài, anh nên bỏ tiền túi ra mà xây. Vậy nha (3) !
Bên cạnh những bình luận dài, trên mạng xã hội cũng có không ít những góp ý rất ngắn cho đề nghị dựng tượng đài vinh danh ngành y tế và không thèm giấu diếm sự khinh miệt như Chanh Tam : Phác th ảo tượng đài chống dịch - một pháo đài hình cái bô được trí thức nâng. Nên thi tìm kiếm gương mặt trí thức ấy cho tượng đài. Bạn bè của Chanh Tam đã bàn luận sôi nổi cả về việc nên chọn diện mạo của ai và nên dựng ở đâu. Phần lớn tán thành việc chọn dựng tượng đài ở Bình Hưng Hòa – một địa danh nổi tiếng mà dân chúng Thành phố Hồ Chí Minh ai cũng biết do có lò thiêu (4).
***
Giữa lúc thiên hạ đang xôn xao bình phẩm về sáng kiến dựng tượng đài vinh danh ngành y, Hoang Linh đề nghị một sáng kiến mới : Dựng tượng đài ghi nhớ hoạt động ngoáy mũi và đề xuất luôn cả tên cho tượng đài này là "Hoan hỉ ngoáy". Facebooker này giải thích : Tôi không nh ớ gia đình mình đã test bao nhiều lần rồi. Ngoáy mũi có lẽ là ấn tượng khó quên của nhiều người. Với tôi cũng vậy, một cảm giác khó tả.
Có vị bác sĩ không đồng tình với việc xét nghiệm bằng ngoáy mũi vì : "Khoang mũi là nơi cực kỳ nhạy cảm có chức năng sưởi ấm không khí, bắt lấy mầm bệnh, tiết chất nhầy bao phủ bụi bặm để bảo đám không khí thật sạch trước khi vào phổi. Khi hít trúng bụi bặm, hệ thần kinh vùng mũi sẽ bị kích thích tạo nên phản xạ hắt hơi để tống khứ chất lạ ra khỏi mũi. Việc chọc ngoáy bằng que xét nghiệm sẽ làm tổn thương niêm mạc mũi, chảy máu do rách niêm mạc hoặc chọc trúng mạch máu, nhiễm trùng mũi xoang. Bất đắc dĩ mới phải đưa que vào mũi để lấy dịch nhầy làm xét nghiệm. Đây là một can thiệp xâm lấn, có gây hại. Người ta cố gắng tìm cách xét nghiệm bằng mẫu nước bọt, hơi thở, mồ hôi… để không đụng chạm đến phần nhạy cảm của mũi".
Bác sĩ nói sao sao chứ tôi thì ngoáy mũi hoài đâm ghiền, tôi cứ chờ tin ông tổ trưởng rồi xung phong đại diện đi ngoáy mũi nếu là xét nghiệm đại diện. Nghe tin có đề xuất xây tượng đài ấn tượng cho mùa dịch, cũng hay hay. Ấn tượng của người dân là ngoáy mũi nhưng mà đề xuất với cấp cao thì người ta cười cho. Nên tôi điện thoại nhờ anh Phùi, chủ lò gốm nổi tiếng ở Lái Thiêu đặt làm tượng đi test Covid-19 mà không biết đặt tên chi. Anh Phùi đề xuất tên "Hoan hỉ ngoáy". Tôi OK ngay. Người dân hoan hỉ ngoáy cho nở mũi còn mấy đơn vị nhập khẩu bộ test thì hoan hỉ đếm tiền là cái chắc (5).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/09/2021
Chú thích :
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/dbqh-tphcm-de-xuat-xay-dung-tuong-dai-vinh-danh-nganh-y-te-1453727.html
(2) https://www.facebook.com/100000215374376/posts/5018361041514359/
(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=277876334158284&id=100233518589234
(4) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/3954888451284059
(5) https://www.facebook.com/hoang.linh.7146/posts/4222530184534146
Ông Chu Tiến Dũng – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh – cho biết đã đại diện cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nêu lên các đề xuất, kiến nghị tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp vào sáng 26/9, như sau :
Thứ nhất, tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, chỉ có 652/1.412 doanh nghiệp hoạt động "3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) với 51.000 công nhân, chiếm khoảng 18% năng lực sản xuất của toàn bộ các doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và khu chế xuất, tỉ lệ duy trì hoạt động "3 tại chỗ" chiếm khoảng 15%. Số lượng doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất trong 3 tháng qua là khoảng 70%, tương ứng năng lực sản xuất còn hoạt động của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm khoảng 30%.
Các doanh nghiệp "3 tại chỗ" đều báo cáo thua lỗ, chủ yếu bảo đảm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì nguồn lao động chủ chốt của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ngừng sản xuất cũng chịu thiệt hại nặng khi đứt gãy hoàn toàn thị trường, chuỗi cung ứng và không kiểm soát được nguồn nhân lực, chi phí duy trì. Đồng thời, chi phí lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng ăn mòn vào vốn của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp không có khả năng phục hồi.
Thứ hai, qua khảo sát nhanh các doanh nghiệp đầu tháng 9 vừa qua, có đến 40% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng vốn chỉ còn đủ hoạt động trong 1 tháng.
Theo chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tại hội nghị do Thủ tướng chủ trì, ông đã kiến nghị cần tháo gỡ vướng mắc trong 3 nhóm vấn đề, gồm : công tác phòng chống dịch, chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tháo gỡ các vướng mắc khi thực thi các chính sách đã ban hành.
Thứ ba, đối với công tác chống dịch, ông Dũng kiến nghị Chính phủ, chính quyền địa phương công bố công khai thông tin về chiến lược phòng chống dịch, bộ tiêu chí phòng chống dịch và kịch bản điều hành kinh tế xã hội tương ứng với các tình huống.
"Ý thức, trách nhiệm phòng chống dịch của người dân và doanh nghiệp nâng cao, vì vậy đề nghị ngành y tế không quy định bắt buộc các doanh nghiệp hoạt động phải xét nghiệm toàn bộ người lao động định kỳ 3 ngày hay 7 ngày/lần mà chuyển sang chỉ xét nghiệm đối với đối tượng có nguy cơ cao trong doanh nghiệp, nhân sự mới, để giảm bớt gánh nặng chi phí", ông Dũng nêu kiến nghị.
Bên cạnh đó, thời gian qua chính sách phòng chống dịch của các địa phương có nhiều khác biệt nên đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trong nước, do đó ông Dũng đề xuất Chính phủ cần có các quy định chỉ đạo nhất quán để các địa phương không ban hành các quy định gây cản trở ách tắc hoạt động lưu thông phân phối, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ tư, đối với chính sách tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ông Dũng cho hay dù dịch ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp, song mức độ thiệt hại khác nhau, nhất là đối với các doanh nghiệp ở trong vùng tâm dịch phải cách ly, giãn cách thời gian dài như Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, ông Dũng đề nghị Thủ tướng khi ban hành các chính sách cần có quan tâm ưu tiên tới tính chất đặc thù, có thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề sớm được phục hồi…
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới. Theo đó cần ban hành một văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… vốn được ban hành từ thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Văn bản pháp luật mới này có nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm "sống chung lâu dài với dịch bệnh".
Hơn nữa, "Chỉ thị của Thủ tướng" không phải một hình thức văn bản pháp luật, chỉ nên sử dụng trong trường hợp cấp bách, không nên sử dụng lâu dài như hiện nay.
Từ ‘chống dịch như chống giặc’, Việt Nam chuyển sang ‘sống chung với dịch’
RFA, 17/09/2021
Lãnh đạo Việt Nam đề cập đến chủ trương ‘sống chung với dịch Covid-19’ thay cho ‘chống dịch như chống giặc’ được hô hào lâu nay.
Tấm biển đề chống dịch như chống giặc ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/7/2021 - AFP
Truyền thông Nhà nước vào ngày 17/9 dẫn phát biểu của ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) cần chuẩn bị tâm thế sống chung với dịch bệnh Covid-19, không thể theo đuổi chiến lược ‘zero F0’.
Phát biểu của ông Đam được đưa ra tại cuộc làm việc giữa Tổ Công tác Đặc biệt của Chính phủ với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thủ phủ kinh tế lớn nhất nước Việt Nam vào tối ngày 16/9.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận đến lúc này, các lực lượng chống dịch và người dân thành phố đã rất mệt mỏi sau thời gian dài giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch lây lan. Thế nhưng số người tử vong và dịch vẫn tiếp diễn.
Ông Vũ Đức Đam cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và một số tỉnh, thành khác không thể tiếp tục chiến lược ‘zero F0’ mà phải sẵn sàng tinh thần sống chung với dịch bệnh.
Tại Hà Nội, vào ngày 17/9, Tổ trưởng Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Nghị quyết liên quan công tác phòng, chống Covid-19, ông Nguyễn Khắc Định, cũng cho biết đơn vị này cũng đang bàn đến triển vọng ‘sống chung an toàn với đại dịch Covid-19’.
Từ đầu tháng tư năm ngoái, sau khi Việt Nam báo cáo có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào cuối tháng một, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định công bố dịch trên toàn quốc ; và tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động trong quyết định nêu rõ ‘chống dịch như chống giặc’ ; toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lại bước vào cuộc chiến đấu trong thời bình.
Khẩu hiệu này được người kế nhiệm Phạm Minh Chính lặp lại hồi tháng năm vừa qua, sau khi bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam. Lần này ông Phạm Minh Chính hô hào thực hiện tinh thần ‘chống dịch như chống giặc quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, thần tốc hơn.’
Thống kê do Bộ Y tế Việt Nam đưa ra vào tối ngày 17/9 cho thấy có 16.637 trường hợp tử vong vì Covid-19 tính đến lúc này. Số nhiễm trong cộng đồng từ ngày 27/4/2021 cho đến nay là 663.232 ca.
*********************
Việt Nam kêu gọi người dân trong và ngoài nước đóng góp tiền chống dịch Covid-19
RFA, 16/09/2021
Tiểu ban vận động và huy động xã hội thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 16/9 vừa ra mắt một trang web có địa chỉhttp://vandongxahoi.mattran.org.vn để kêu gọi người dân trong và ngoài nước đóng góp tiền của giúp chống dịch Covid-19. Truyền thông Nhà nước loan tin vào cùng ngày.
Tiếp nhận tiền đóng góp của tổ chức và cá nhân tại lễ phát động hôm 16/9/2021 ở Hà Nội - VOV
Đây là một phần của chương trình tiếp tục đợt vận động "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19".
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại lễ phát động rằng dịch bệnh đợt thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay bùng phát mạnh, lây lan nhanh đã gây tổn thất đặc biệt nghiêm trọng. Ông cho biết, do tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp nên nhiều nơi còn thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch. Do đó, số người gặp khó khăn trong đời sống do phải ở trong khu phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội, thiếu việc làm… cần được hỗ trợ, giúp đỡ khá lớn. Trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn, Mặt trận Tổ quốc kêu gọi sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đảm bảo an sinh cho người nghèo, người yếu thế, người cơ nhỡ, mất việc làm, một phần kinh phí mua vắc-xintiêm cho toàn dân để sớm đưa đất nước trở lại hoạt động bình thường trong điều kiện mới.
Lời kêu gọi được hướng tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ các lực lượng vũ trang ; các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ; các tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài ; các tổ chức tôn giáo ; các tầng lớp nhân dân…
Cũng trong buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban) Phạm Quang Hiệu đã thay mặt cộng đồng người Việt tại Mỹ, Anh, Nhật Bản và Ukraine trao số tiền hơn một tỷ đồng đóng góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch trong nước cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo truyền thông Nhà nước, tính đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ hơn 60 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước.
Trong những tháng qua, do giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đã xuất hiện nhiều vụ người dân ở các địa phương tập trung lên phường, xã, quận, huyện đòi tiền trợ cấp vì không có thực phẩm. Một số nơi, đặc biệt là ở các tỉnh miền Nam, nơi dịch lây lan mạnh, người dân đã phá rào chắn chống dịch vì bức xúc.
*********************
Anh Vũ, RFI, 16/09/2021
Sau gần một tháng thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ cao, bắt đầu từ hôm nay, 16/09/2021, chính quyền Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu cho nới dần một số biện pháp phòng chống dịch liên quan đến sinh hoạt của người dân.
Một bé trai theo học giờ Thể dục trên mạng, trong khi người cha ngồi trông cửa hàng. Hà Nội, ngày 16/09/2021. AFP – Nhac Nguyen
Theo truyền thông Việt Nam, hôm qua 15/09 chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh đã có công văn điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, theo đó cho phép, từ 12h ngày 16/9, mở lại một số hoạt động kinh doanh : Văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập ; dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng ; dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Các biện pháp nới lỏng này chỉ được áp dụng đối với những địa bàn không xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồngtừ ngày 03/09. Từ ngày 03/09, Hà Nội đã phân vùng nguy cơ dịch theo 3 màu đỏ (nguy cơ cực cao), cam (nguy cơ cao) và xanh (nguy cơ thấp).
Việc đi lại của người dân trong thành phố những ngày qua được kiểm soát chặt theo giấy đi đường cấp cho một số đối tượng cụ thể. Các tuyến đường liên thông giữa các vùng bị chốt chặn nghiêm ngặt gây nhiều bất cập cho hoạt động trong thành phố.
Hôm nay lãnh đạo thành phố cũng cho biết sẽ xem xét dừng kiểm tra giấy đi đường đối với người dân tại 19 quận, huyện được đánh giá ở trạng thái "bình thường mới".
Hiện thành phố còn một quận nguy cơ rất cao (Thanh Xuân) và hai quận có nguy cơ cao (Hoàng Mai, Đống Đa), con số này cách đây 2 tuần là 11 quận huyện, theo báo cáo của cơ quan Y Tế Hà Nội.
Thành phố Hồ Chí Minh, tâm dịch của cả nước từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, hôm nay là ngày đầu tiên được nới lỏng một số hoạt động, dù thành phố vẫn tiếp tục áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 của chính phủ thêm 2 tuần từ sau ngày 15/09. Sau 25 ngày siết chặt, hôm nay người giao hàng được hoạt động trở lại, một số dịch vụ kinh doanh cũng bắt đầu được phép mở cửa lại. Người dân tại quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ bắt đầu được phép đi chợ, một lần trong tuần. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến phố các chốt kiểm soát đi lại vẫn còn hoạt động.
Về tình hình dịch, theo số liệu chính thức của bộ Y Tế, đến tối ngày hôm qua, Việt Nam vẫn ghi nhận 10.583 ca nhiễm mới ở 34 tỉnh thành và 250 ca tử vong. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu với số nhiễm mới trên 5 nghìn ca và 189 ca tử vong. Hà Nội ghi nhận 14 ca nhiễm mới.
Anh Vũ
*********************
Trọng Thành, RFI, 15/09/2021
Theo dữ liệu của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia Việt Nam, tính đến ngày 15/09/2021, đã có hơn 31 triệu liều vac-xin Covid-19 được chích cho người dân, có nghĩa là gần 1/3 ba dân số Việt Nam đã được tiêm chủng ít nhất một liều. Trong 6 ngày liên tiếp (từ ngày 09 đến 14/09), mỗi ngày đều có hơn 1 triệu mũi tiêm được thực hiện.
Chuyến hàng đầu tiên chở vac-xin AstraZeneca trong khuôn khổ chương trình quốc tế Covax đến sân bay Nội Bài (Hà Nội - Việt Nam) ngày 01/04/2021. AFP – Nhac Nguyen
Cho đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được 7,4 triệu liều vac-xin, tương đương 100% dân số trong độ tuổi được tiêm chủng của thành phố (trên 18 tuổi), trong đó khoảng 900.000 người đã hoàn thành mũi tiêm thứ hai. Khoảng 4,4 triệu liều vac-xin đã được tiêm tại Hà Nội (chiếm 77% dân số thành phố), trong đó có hơn 550 nghìn người hoàn tất mũi tiêm thứ hai.
Cho đến nay, Việt Nam đã nhận được tổng cộng gần 37 triệu liều vac-xin Covid-19, với gần 12 triệu liều thông qua chương trình Covax, theo thông báo của bộ Y Tế Việt Nam hôm 14/09. Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam sẽ nhận được thêm hơn 103 triệu liều vac-xin vào cuối năm nay (22,8 triệu liều đến vào tháng 9 ; 31,2 triệu vào tháng 10, 23,9 triệu vào tháng 11 và 25,5 triệu vào tháng 12).
Hôm qua, đại diện chính phủ Pháp và Ý tổ chức lễ bàn giao tổng cộng 1,47 triệu liều vac-xin Covid-19 cho Việt Nam tại trụ sở bộ Ngoại Giao ở Hà Nội. Pháp tặng Việt Nam 670.000 liều vac-xin AstraZeneca và Ý 800.000 triệu liều vac-xin cùng loại. Cả hai đều thông qua chương trình chia sẻ vac-xin toàn cầu Covax của Liên Hiệp Quốc. Trong số các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Pháp và Ý là hai trong số các nhà tài trợ lớn nhất cho sáng kiến Covax.
Trọng Thành
Hôm 11/09/2021, chính phủ Việt Nam đã có một phiên họp đặc biệt nhằm sơ kết lại các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, đồng thời để chuẩn bị cho chiến lược mới để đối phó với đại dịch, dự kiến sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến đầu năm tới.
Covid : Hàng rào phong tỏa tại một khu phố tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 29/08/2021. AFP – Manan Vatsyayana
Truyền thông trong nước đặc biệt chú ý đến nhận định của thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh đến việc nếu "phòng dịch tốt thì không phải chống dịch ", với so sánh "một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch, và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân". Cách nay hai tuần, ngày 29/08, thủ tướng Việt Nam tuyên bố cuộc chiến với dịch không thể sớm kết thúc, cần phải chấp nhận "sống chung lâu dài" với Covid. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh nhiều lãnh đạo tại Việt Nam ở cấp trung ương và địa phương lâu nay vẫn ưu tiên coi việc nhanh chóng "dập" dịch là mục tiêu cần dốc sức thực hiện, và là điều hoàn toàn khả thi.
Tuyên bố nói trên của thủ tướng Phạm Minh Chính được nhiều chuyên gia và nhà quan sát tại Việt Nam coi như một "bước ngoặt" trong chính sách với Covid của chính quyền. Trong xã hội Việt Nam, rất nhiều người lo ngại chủ trương "dập" dịch khẩn cấp trong bối cảnh vac-xin chưa có đủ, và dịch đã vào sâu trong cộng đồng ở nhiều nơi, lợi bất cập hại, đã và đang gây nhiều tổn thất nặng nề. Một chiến lược "tổng thể" để ứng phó "hiệu quả" hơn với đại dịch, với khâu "phòng dịch" được coi là "quyết định", có những khác biệt gì so với chiến lược hiện tại ? Và chiến lược mới này có khả năng thực thi hay không ?
RFI đặt câu hỏi với Bác sĩ Tiến sĩ y khoa Trần Tuấn (Hà Nội), thành viên Liên minh Vận động Phát triển Chính sách Y tế dựa trên Bằng chứng Khoa học (EBHPD).
------------------
Trần Tuấn : Truyền thông hôm qua đưa tin về chỉ đạo của thủ tướng giao cho Bộ Y tế xây dựng "Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19", truyền thông cũng nhấn mạnh về mặt dự phòng. Về mặt tổng quan, nếu đúng là như vậy, thì đây là một bước tiến mới, thể hiện rằng người đứng đầu chính phủ đã có nhìn nhận lại cách thức, chiến lược đòi hỏi ứng phó hiệu quả hơn. "Hiệu quả" có nghĩa là đạt được mục tiêu, nhưng chi phí phải thấp. Tôi mong đợi rằng sẽ có sản phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới.
Yêu cầu của thủ tướng tuy ngắn gọn, nhưng thực ra sẽ là một thách thức đối với Bộ Y tế. Tại sao ? Vì trong việc "hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng - chống dịch trong thời kỳ mới", thì muốn phòng được phải chủ động được trong việc nhận định về diễn biến của dịch. Hay nói cách khác, hệ thống thông tin, giám sát dịch phải được xây dựng, phải đáp ứng được "tính yêu cầu cao". Thế mà, nhìn lại việc chống dịch của Hà Nội và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, dù gần đây đã có điều chỉnh, nhưng một thời gian khá dài tính ra đến hàng quý, việc phòng chống dịch chưa thể hiện đúng đã được dẫn đường bởi khoa học. Việc "PHÒNG" chưa bảo đảm, và (hệ thống y tế) bị động.
Vấn đề "PHÒNG" là thách thức với Bộ Y tế. Muốn Phòng dịch được thì bộ phận "Giám sát dịch" phải chuẩn mực và khoa học. Đấy là thách thức thứ nhất. Thách thức thứ hai là chính sách tổ chức phát hiện bóc tách hết F0, khi dịch "đã vào sâu trong cộng đồng" là không hiệu quả. Trong khi đó, chỉ đạo của bộ trưởng Y tế ngay trong thông điệp với toàn dân vẫn có câu là toàn dân thực hiện xét nghiệm. Bộ Y tế cần xem lại tính hiệu quả của việc này. Thách thức thứ ba là vấn đề vac-xin triển khai chậm. Tất nhiên, những ngày gần đây Hà Nội đã điều chỉnh, nhanh hơn, mạnh hơn. Việc này Bộ Y tế cần có kế hoạch điều chỉnh tương tự với các tỉnh khác. Thách thức thứ tư là điều trị. Gánh nặng bệnh tật dồn lên hệ thống bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lý do chính là do thiếu chính sách thực hiện ưu tiên vac-xin cho người già (và các nhóm cần ưu tiên khác, như người có bệnh nền), cho nên làm chậm khả năng ứng phó, tạo ra gánh nặng khi dịch lan tràn. Có những biểu hiện cho thấy hệ thống y tế bị quá tải dẫn đến những tổn thất thực sự không đáng có.
Bộ Y tế muốn thay đổi được thực tế này, phải thay đổi cách đề cập chống dịch. Trong giai đoạn dịch đã là "nội sinh", vào sâu trong cộng đồng, không thể tiến hành xét nghiệm rộng rãi toàn dân để thực hiện "bóc tách F0" được. Tôi chưa rõ công tác xây dựng "Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả" đặt ra cho Bộ Y tế thì ai sẽ làm, bởi vì nếu như tiếp tục đội ngũ cũ, thì tôi cho rằng khó có thể họ thay đổi được, tiếp ứng được cách làm mới. Dường như cần phải có một đội ngũ chuyên gia mới, cách làm mới, lấy dịch tễ học dẫn đường. Và cần một cách đề cập khác : phải dựa vào dân, phải tạo hệ thống giám sát dịch, và đi kèm việc thực hiện đồng bộ khả năng ý thức tự phòng chống thực hiện 5K, phối hợp vac-xin, đi kèm với củng cố hệ thống điều trị, và chuyển đổi mục tiêu "phong tỏa", phong tỏa không phải để ngăn sự đi lại của người dân, mà làm sao cho giảm nguy cơ xảy ra các tập trung đông người. Đấy là một thách thức với Bộ Y tế. Thách thức cụ thể là : Liệu Bộ Y tế có được nhóm chuyên gia nào để thực hiện việc xây dựng Chiến lược tổng thể mới đáp ứng yêu cầu thủ tướng đưa ra không ?
Trần Tuấn : Khi đã nói đến PHÒNG có nghĩa là CHỦ ĐỘNG. Có các hoạt động đi trước, có kế hoạch, có khung hành động tổng thể, có mục tiêu rõ ràng. Nhìn trước, dự kiến trước những tình huống xảy ra. Đấy gọi là PHÒNG. Với Hà Nội, chúng ta sẽ xem, thế nào là PHÒNG, thế nào là CHỦ ĐỘNG.
Tình hình dịch hiện nay có thể nói là đã lan sâu trong cộng đồng, và dịch chỉ dừng khi khối "cảm nhiễm" còn lại dừng ở mức dưới 30%. Có nghĩa là có ba phần tư cộng đồng đã "miễn dịch" rồi, lúc đó dịch mới quay đầu đi xuống. Vấn đề phòng muốn làm được lúc này là phải tăng tốc tiêm vac-xin cho người dân. Đấy là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là chúng ta đều biết bản thân vac-xin cũng có những hạn chế, và giữa hiệu lực vac-xin trên nghiên cứu có khác với hiệu lực vac-xin trên thực tế, bởi có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng, làm giảm đi ảnh hưởng của vac-xin trong thực tế. Cho nên muốn phòng được, thì phải chủ động đánh giá được mức độ miễn dịch trong cộng đồng đạt được bao nhiêu, với các nghiên cứu, đánh giá, đo lường.
Ví dụ như Hà Nội cần thiết lập được hệ thống giám sát dịch, trong hệ thống đó, có một phần, mà theo tôi, Hà Nội chưa làm, các tỉnh khác chưa làm, Việt Nam chưa làm. Đó là thực hiện "các nghiên cứu định hướng chính sách", mà chúng ta gọi là các nghiên cứu điểm (sentinel site), sử dụng "xét nghiệm kháng thể". Nếu làm được vấn đề này, kết hợp với số liệu của hệ thống giám sát thường xuyên về số ca mắc, số ca truy vết, thì mới có thể nhận định chính xác "mức độ miễn dịch cộng đồng" tích lũy được, tăng được đến đâu.
Chúng ta cũng biết là đại dịch Covid này có đặc điểm là tính biến chủng cao. Cụ thể là chủng Delta. Và có khả năng trong tương lai xuất hiện các chủng khác với chủng Delta cả về tốc độ lây nhiễm với chỉ số R0, Re. Và có thể cũng có cả vấn đề khả năng đáp ứng của vac-xin hiện tại với các chủng mới. Như vậy, bắt buộc chúng ta phải có các nghiên cứu theo dõi. Thế giới đang tập trung nghiên cứu theo dõi, Việt Nam nên nghiên cứu theo dõi ở chỗ nào ? Điểm thứ nhất là phải thực hiện được các điểm giám sát dịch tễ học, theo thời gian, có trọng điểm, để ghi nhận các diễn biến. Cụ thể là diễn biến đáp ứng miễn dịch của cộng đồng. Cần dùng xét nghiệm kháng thể để đo lường.
Trần Tuấn : Cho đến giai đoạn này, xét nghiệm kháng thể có nên đặt ra hay không, khi tỉ lệ tiêm chủng đã đạt được ở mức ví dụ như Hà Nội trong những ngày tới sẽ có 100% dân cư trên 18 tuổi đã tiêm chủng lần một ? Chúng ta biết, bản thân vac-xin khi tiêm một mũi thì khả năng bảo vệ còn thấp. Theo một số báo cáo, tỉ lệ bảo vệ chỉ là 30%. Như thế, kể cả tiêm mũi một, dịch vẫn lan truyền. Điểm thứ hai là bản thân việc tiêm chủng cả hai mũi đi nữa, vẫn có khả năng lây nhiễm nhất định. Một số nước ghi nhận khả năng bảo vệ chỉ là 60 đến 70%. Như thế, muốn đánh giá xem dịch bệnh lan truyền đến đâu, muốn sát thực, thì phải có các nghiên cứu đo lường "hiệu lực miễn dịch đạt được cụ thể". Để đo được hiệu lực này phải có xét nghiệm kháng thể, hay xét nghiệm huyết thanh.
Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh là xét nghiệm kháng thể này là nhằm mục tiêu nghiên cứu, đo lường hiệu lực miễn dịch, mức độ kháng thể, chứ không phải chỉ là : có hay không có kháng thể (bằng xét nghiệm nhanh). Nghiên cứu này làm nhằm mục tiêu định hướng chính sách, cho vấn đề dự phòng, chứ không phải cho mục tiêu chứng nhận một cá nhân đã miễn nhiễm không, hay cho mục tiêu "thương mại".
Đứng về mặt dự báo phòng dịch, để lập kế hoạch, đối với một quốc gia, một thành phố lớn, thì việc chẩn đoán chính xác việc miễn dịch cộng đồng đạt được bao nhiêu là một yêu cầu trong dự phòng ("tỉ lệ tiêm chủng" là khác với "tỉ lệ miễn dịch cộng đồng đạt được", vì nhiều yếu tố làm giảm hiệu lực của vac-xin). Và cần phải có chi phí cho chuyện này.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cần làm dù đã tiêm chủng nhiều. Thứ hai là đối với các tỉnh thành thì tùy theo dịch có thể đang ở mức độ khác nhau. Có những tỉnh ví dụ như vài ba tuần không xuất hiện trường hợp nhiễm mới nào, thì chúng tôi không đặt ra vấn đề làm xét nghiệm kháng thể vào lúc này, mà là vấn đề hệ thống giám sát dịch tễ cần phát triển trước, bằng việc phát hiện các triệu chứng nghi ngờ lâm sàng, để xem các diễn biến, cái "phổ thể hiện lâm sàng" bệnh đường hô hấp ở cộng đồng như thế nào, để xem xét mức độ gia tăng của thực tế này, để góp phần định hướng, chỉ điểm cho việc thực hiện xét nghiệm "kháng nguyên", để nhận biết sớm các trường hợp nhiễm virus, nếu có sự xâm nhập trong cộng đồng. Nếu dịch mới phát triển, tỉ lệ lây nhiễm rất thấp, chưa cần phải làm xét nghiệm kháng thể. Xét nghiệm kháng thể dùng lúc nào ? Chỉ cần làm khi nghi ngờ dịch (đã phát triển mạnh), và để giúp mình có thông số về tốc độ diễn biến của dịch. Tôi nói đây là với các nước nghèo. Mình là nước nghèo. Còn đối với các nước giầu, có thể làm từ sớm hơn.
Trần Tuấn : Với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài số người trưởng thành đã và sẽ được tiêm chủng gần hết, còn vấn đề khối dân cư dưới 18 tuổi. Với Việt Nam, vấn đề trẻ em trong thời gian vừa rồi có hay không bị bệnh Covid-19, và tỉ lệ nặng là bao nhiêu trên tổng số trẻ em có dấu hiệu lâm sàng Covid-19, hiện chưa có số liệu. Tôi chưa có số liệu này. Tôi tin là hệ thống giám sát dịch ở Việt Nam chưa được củng cố để thực hiện mục tiêu này, nên chúng ta khó khăn cho vấn đề đánh giá. Giả sử như tôi là lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, và trong tay tôi có đủ vac-xin để tiêm cho khối dân cư (dưới 18 tuổi) này, thì câu hỏi đặt ra là cần biết được mức độ có kháng thể là bao nhiêu, chọn các điểm điều tra là nơi dịch nổ ra mạnh nhất, để xem xem trẻ em miễn nhiễm như thế nào. Để từ đó, cũng trên các đối tượng đó tiến hành điều tra xem trong vòng vài ba tuần qua, có hay không các biểu hiện lâm sàng của các bệnh đường hô hấp, để tìm ra mối liên hệ giữa khả năng hoành hành của dịch này ở trẻ dưới 18 tuổi và gánh nặng với hệ thống bệnh viện ra sao, để từ đó định lượng mức độ ác tính, mức độ khẩn thiết cần can thiệp dự phòng cho đối tượng này. Để có cơ sở đưa ra câu trả lời, có hay không cần tiêm chủng rộng rãi các trẻ dưới 18 tuổi. Tất nhiên, nếu có đủ vac-xin cho tất cả thì cứ làm, nhưng phải cân nhắc điều này vì trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, khi chưa có đủ vac-xin từ nay đến cuối năm, và chắc chắn dịch đã lan tràn sang các tỉnh khác, và đối tượng trên 18 tuổi cần tiêm vac-xin còn rất lớn.
Trần Tuấn : Vừa rồi Hà Nội, và tổng cộng 23 tỉnh, thành phố đã và đang thực hiện biện pháp "thần tốc" xét nghiệm toàn dân, để phát hiện và lọc ra hết các trường hợp nhiễm virus, gọi là F0, để thực hiện cách ly, nhằm trả lại cho cộng đồng tình trạng "không có người nhiễm", coi như khống chế hoàn toàn dịch bệnh. Khi tìm hiểu, tôi biết là quyết tâm này là dựa trên kinh nghiệm của Trung Quốc. Ở đây tôi có hai lời bàn.
Lời bàn thứ nhất là : Trung Quốc hiện nay là một nước mà công tác phòng chống dịch, kinh nghiệm mà họ đưa ra không được thể hiện bằng các nghiên cứu khoa học, tức không được đánh giá một cách khách quan. Nói khác đi, những gì mà Trung Quốc gọi là có kinh nghiệm trong phòng chống dịch, theo giới khoa học chúng tôi nhìn nhận là chưa đáng tin cậy. Cho nên tôi khuyến cáo là khi "học" kinh nghiệm của Trung Quốc cần hết sức cẩn thận. Bằng chứng là trong đại dịch Covid-19 này, ngay từ đầu, Trung Quốc không phải là nước có hệ thống giám sát tốt, và kiểm soát phòng chống dịch dẫn đường bởi khoa học. Tôi cho rằng Trung Quốc thiếu sự minh bạch.
Về điểm thứ hai, việc Việt Nam, 23 tỉnh thành thực hiện chính sách nói trên thì như thế nào. Có thể chia thành hai nhóm. Riêng về nhóm đã là nội sinh, như ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, cách làm này hết sức thiếu hiệu quả, và chi phí tốn kém không đáng có. Cụ thể là chi phí cho các xét nghiệm. Giá cả mỗi nơi một khác, nhưng nhìn chung có thể đưa ra con số 200.000 đồng cho một xét nghiệm, tức xấp xỉ 10 đô la. Ví dụ như Hà Nội đặt mục tiêu 5 triệu xét nghiệm, con số khổng lồ như thế mang lại kết quả thế nào ? Trong những ngày vừa rồi, Hà Nội làm khoảng từ 1,2 triệu đến 1,4 triệu, thì số ca dương tính tôi thấy đưa tin là chỉ có vài chục ca (theo sơ kết của báo Thanh Niên ngày 10/09, trên tổng số 900.000 xét nghiệm PCR và xét nghiệm nhanh tại Hà Nội đầu tháng 9, chỉ phát hiện được 9 ca dương tính). Mà, theo khoa dịch tễ học, trong số đó có những trường hợp "dương tính giả". Bỏ ra số tiền lớn như vậy mà chỉ phát hiện ra rất ít trường hợp. Mà trong số đó, một phần lớn lại là không có diễn biến lâm sàng, nhiễm rồi tự hết. Kết quả như vậy không có ý nghĩa phòng chống dịch về thực tế, trong lúc chi phí rất tốn kém. Chưa kể khi mình tổ chức làm như vậy, có những trường hợp "âm tính giả", tạo tâm lý chủ quan trong khi sinh hoạt trong cộng đồng. Trong khi đó, việc tập trung đông người khi làm xét nghiệm (cộng với thao tác sai của người làm xét nghiệm) tạo môi trường lây nhiễm. Chủ trương "xét nghiệm thần tốc" (phát hiện F0) này lợi bất cập hại và rất tốn kém. Tôi nghĩ rằng không có nước nào khi dịch bệnh về đường hô hấp đã ở trạng thái nội sinh mà lại làm như thế cả.
Trọng Thành thực hiện
Nguồn : RFI, 13/09/2021
Trần Hoàng, Thoibao.de, 11/09/2021
"Theo tôi, cách chống dịch hiện nay là chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Đó là lời bác sĩ Đinh Đức Long nói về cách chống dịch của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh.
Suất cơm thực tế mà y bác sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh chụp lại.
Kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay, dường như Chính phủ bất lực trong việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Người dân cảm thấy bất an với hàng loạt chỉ thị được Chính phủ ban hành bị coi là trái hiến pháp và pháp luật khi ngăn cản người dân đi lại, cấm đoán các hoạt động kinh tế, tước đoạt nhiều quyền tự do khác của người dân. Giãn cách nối tiếp giãn cách với hàng loạt công văn được ban hành.
Công văn đầu tiên ban hành yêu cầu toàn dân thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội trong 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 9 tháng 7 năm 2021.
Công văn mới nhất được ban hành ngày 15 tháng 8 yêu cầu toàn dân thành phố tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đến hết ngày 15 tháng 9 năm 2021 với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó".
Tình hình dịch bệnh Covid-19 được cho là đã vượt tầm kiểm soát của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Theo số liệu báo cáo chính thức từ Bộ Y tế, trong bốn tháng qua đã có hơn 13.000 người tử vong vì Covid-19 ; số ca nhiễm mới của cả nước hơn 500.000 người. Tỷ lệ tử vong cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.
Sau này họ mới biết đó là khẩu phần ăn theo tiêu chuẩn 120.000đ/ngày đã bị cắt xén. Suất cơm này nếu mua ở quán cơm tư nhân thì chỉ có giá 10-15 ngàn đồng
Một số chuyên gia y tế cho rằng, chính quyền đã đi sai hướng nên dịch bệnh bùng phát. Bác sĩ Đinh Đức Long nói với RFA :
"Các nước chống dịch phải dựa vào các chuyên gia dịch tễ học lâm sàng, tức là các nhà y học chuyên ngành về lâm sàng.
Đằng này, Việt Nam, cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh lại chống dịch dựa vào các nhà chuyên gia về hành chính công.
Mà nói về luật hành chính, quan hệ hành chính là quan hệ phục tùng. Nghĩa là cấp dưới phục tùng cấp trên.
Như vậy tư duy chống dịch của họ sai khi chống dịch bằng quan hệ hành chính. Tư duy đó là tư duy trấn áp, mệnh lệnh. Không thể ra lệnh cho con vi-rút không được phát triển.
Tại hội nghị trực tuyến Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh hôm 25 tháng 7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thừa nhận không khống chế được dịch là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp.
Thêm vào đó, việc giãn cách của người dân không hoàn toàn nghiêm túc làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch.
Sư cô Diệu Hạnh ở quận Bình Thạnh chia sẻ với RFA cách chống dịch của chính quyền mà cô cho rằng sẽ không thành công nếu cứ tiếp tục :
"Mấy ổng lúng túng thấy rõ. Thay đổi quy định liên tục dân không biết đâu mà lần, mà tin. Thay đổi cả trưởng ban chống dịch luôn. Nói cho dân nghèo mỗi người triệu rưởi có thấy đâu.
Tự nhiên đem y bác sĩ từ ngoài Bắc vô, đem quân đội vô rầm rộ làm dân sợ chứ không thấy an toàn, an tâm chút nào hết.
Mấy ổng có cả năm trời học mấy nước khác chống dịch mà không chịu học, không chịu chuẩn bị vắc xin cho dân. Tiền dân đóng thuế, đóng vô quỹ vắc xin đâu hết rồi ? Dân đói, dân bịnh, dân chết nhiều như vậy mấy ổng chịu trách nhiệm như thế nào ?
Người ta nói lãnh đạo dốt, dân khổ. Tui thấy đúng quá. Đến lúc dân phản đối thì bắt người ta. Chống dịch bằng công an, bằng nghị quyết. Cách chống dịch đó không bao giờ thành công".
Chủ quan, kiêu ngạo
Khi dịch bệnh đang căng thẳng, dường như vượt tầm kiểm soát ở thành phố Hồ Chí Minh thì Thủ tướng Phạm Minh Chính được phân công thay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19.
Quyết định được đưa ra khi ông Đam đang đi thị sát chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, hôm 24 tháng 8.
Trước đó vài ngày, một cuộc "thay tướng giữa đường" trong lúc đợt dịch Covid-19 thứ tư đang diễn biến nghiêm trọng tại thành phố Hồ Chí Minh cũng xảy ra. Đó là Bộ Chính trị ban hành quyết định điều chuyển đương kim Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Người thay thế là ông Phong là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.
Hôm 9/9, chính quyền đã nhận sai và xin lỗi sau khi hàng trăm người dân phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh tập trung tại trụ sở chính quyền phường để chất vấn về vấn đề cứu trợ trong đại dịch Covid-19
Anh Tùng, một người dân quận 6 nhận định rằng, cách chống dịch ở Việt Nam hiện nay không lấy dân làm trọng mà lấy chế độ làm trọng. Họ không nghĩ đến dân mà chỉ nghĩ làm sao để bảo vệ chế độ đừng sụp đổ nên họ chống dịch bằng công an, quân đội. Anh nói : "Việt Nam sẽ không chống dịch thành công bởi thiếu cả hai yếu tố : lãnh đạo giỏi và tài chánh đủ mạnh.
Thứ nhất, dàn lãnh đạo hiện tại ở Việt Nam không được dân bầu lên từ những cá nhân tài giỏi.
Họ ngạo nghễ trên cái mà họ cho là chiến thắng đại dịch hồi năm ngoái, không có tầm nhìn xa trông rộng.
Các phương thức của Việt Nam đang làm hiện nay không dựa theo khoa học để đối phó với đại dịch, kiểm soát đại dịch, mà dựa trên phương thức Nhà nước để quản lý người dân.
Muốn kiểm soát người dân bằng cách nhốt dân trong nhà theo chỉ thị ‘ai ở đâu ở yên đó’ thì Chính phủ phải chu cấp tiền cho dân. Đây là điểm yếu thứ hai của Việt Nam.
Bao nhiêu tiền đem đi xây tượng đài, cổng chào và chui vào túi các quan chức từ địa phương trung ương.
Cứ nhìn những vụ quan chức tham nhũng, chui vào ‘lò’ của ông Trọng thì sẽ hiểu.
Nếu dân được chính quyền lo cho cái bao tử trong mùa đại dịch thì dân sẽ ở yên trong nhà. Họ đói thì họ phải lăn ra đường kiếm sống thôi. Đâu ai muốn ra đường để đem mầm bệnh về nhà.
Thêm vào đó, nếu tài chánh đủ mạnh thì Chính phủ mới có thể mua vắc xin về chích cho dân chúng. Cứ chích ngừa đầy đủ cho dân thì sẽ ngăn được dịch lây lan, sẽ hạn chế số người tử vong thiêu không kịp như hiện nay".
Vào thời điểm này năm ngoái, khi cả thế giới điêu đứng vì Covid-19. Số người nhiễm, người chết nhiều đến mức một số nước phải tính xem nên cứu ai, bỏ ai ; một vài tiểu bang ở Mỹ đã phải chôn tập thể những người chết vô thừa nhận thì Việt Nam được coi là chống dịch thành công.
Lúc bấy giờ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong một phát biểu tại Quốc hội Việt Nam đã dùng câu nói của người dân Việt về nạn bỏ nước ra đi sau 1975 để ví von ngược lại rằng, thực tại nước Mỹ những tháng qua thì "nếu cột điện ở Mỹ biết đi nó sẽ về Việt Nam".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên Trưởng Ban Phòng Chống Dịch Covid-19, cũng từng tuyên bố : "Dù có nhiều ca nhiễm, dù con vi-rút này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được".
Số liệu chi ngân sách cho Bộ Công an là 96 ngàn tỷ, trong khi đó chi cho Bộ y tế chỉ có 9,1 ngàn tỷ. Cho thấy ngành Công an được chi gấp 10 lần so với ngành y tế. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ tử vong vì covid-19 ở Việt Nam gần như cao nhất thế giới
Anh Quang, một người dân ở Quy Nhơn đánh giá cách chống dịch của chính quyền hiện nay là chủ quan và kiêu ngạo. Anh giải thích :
"Cách chống dịch thời gian qua cho thấy chính quyền rất lúng túng. Nó thể hiện ở chỗ đưa ra một giải pháp để thực hiện, thấy không ổn lại thay bằng giải pháp khác.
Đảo lộn liên tục làm dân không biết đâu mà lần. Nội chuyện cái giấy đi đường, lúc giấy này lúc giấy khác…
Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, việc lúng túng của chính quyền nó xuất phát từ theo kiêu ngạo gọi là ‘thói kiêu ngạo cộng sản’.
Năm ngoái, khi cả thế giới điêu đứng vì dịch thì số ca nhiễm ở Việt Nam rất ít, số người chết đếm trên đầu ngón tay. Từ đó Việt Nam tự phụ cho rằng chống dịch tốt.
Chính quyền chủ quan khiến dân cũng chủ quan. Đến khi dịch bùng phát thì trở tay không kịp. Vì chủ quan nên không chuẩn bị các điều kiện vật chất, y tế đối phó dịch bệnh".
Cách chống dịch của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh bị coi là mắc quá nhiều sai lầm thì mới đây, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy Hà Nội lập lại những sai lầm tương tự, như chủ trương xét nghiệm toàn thành phố, cấp giấy đi đường, thành lập các chốt chặn…
Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông :
"Dịch bệnh hay nói cách khác là Covid, là một hiện tượng động mà tính động của nó rất mạnh nhưng hiện nay rất nhiều người Việt Nam tiếp nhận nó theo quan điểm tĩnh.
Ví dụ chủ trương xét nghiệm toàn bộ dân Hà Nội trong vài ngày để phân loại và tách riêng nhóm mắc bệnh và không mắc bệnh là tư duy tĩnh, không phải tư duy động. Như vậy là đưa một giải pháp tĩnh để giải quyết một hiện tượng động thì sẽ không có hiệu quả. Tôi chỉ muốn lấy một ví dụ và nhìn sự việc dưới góc nhìn toán học như thế.
Tất nhiên là không ai quen với việc chống đại dịch, nhưng quan trọng là khi nghe thấy đã chọn phương pháp sai thì phải dám thừa nhận để thay đổi tư duy, thay đổi phương thức khác tốt hơn.
Cùng nhau ‘mò mẫm’ trong cách chống đại dịch. Tức là phải có môt thái độ thành tâm tiếp nhận vấn đề. Một người khôn nói một trăm câu cũng có câu dại ; một người dại nói một trăm câu cũng có câu đúng. Đó là cách tiếp cận".
Giáo sư Đặng Hùng Võ kết luận, lãnh đạo giỏi phải biết nhìn xa. Hôm nay có thể được coi là chiến thắng thì phải biết chuẩn bị cho trận chiến tiếp theo nếu có, không thể hả hê, ngủ quên trên chiến thắng để đến khi bị tấn công thì trở tay không kịp.
Trần Hoàng (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 11/09/2021
************************
Covid ở Việt Nam : Khi lãnh đạo ‘thất học’
Nguyễn Hùng, VOA, 11/09/2021
Với khí thế của chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập ở Sài Gòn cách đây đã hơn 45 năm, Việt Nam bước vào "cuộc chiến" chống Covid vẫn ở cùng thành phố, nay với tên Hồ Chí Minh, hồi tháng Tư năm nay.
Một chốt chặn kiểm soát dịch bệnh ở Quảng Ninh, ngày 29/1/2021.
Sài Gòn năm xưa thất thủ nhưng Hồ Chí Minh năm nay lại cũng chào thua. Covid chủng mới chẳng ngán gì ý thức hệ và các loại "vũ khí" vừa lạc hậu và vừa được triển khai muộn.
Vậy sau nửa năm "chống dịch" gần đây nhất, Việt Nam giờ ở đâu ?
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới được cập nhật hôm 9/9/2021, Số ca nhiễm ở Việt Nam đang tiến dần tới con số 600.000 ca nhiễm và số người chết vì Covid đã vượt quá 14.000. So với hai nước láng giềng, Cam-Pu-Chia có gần 100.000 người nhiễm và 2.000 người tử vong ; Lào có gần 17.000 người nhiễm và 16 người tử vong.
Nhưng phải so với Thái Lan mới thấy khả năng chữa trị và phòng bệnh của Việt Nam yếu kém tới đâu so với khu vực. Thái Lan có hơn 1,3 triệu ca nhiễm, gấp hơn hai lần Việt Nam nhưng số người chết của họ chưa tới 14.000, kém số ca tử vong ở Việt Nam.
Chỉ có hai yếu tố lý giải được tỷ lệ tử vong thấp bằng nửa Việt Nam của Thái Lan ; sự chăm sóc và cứu chữa bệnh nhân của họ tốt hơn và số người đã được tiêm vắc-xin của họ cũng nhiều hơn Việt Nam. Điều này có thể hiểu được vì Thái Lan chi tiêu nhiều hơn cho y tế so với Việt Nam và khả năng quản trị xã hội của họ cũng nhỉnh hơn. Theo số liệu của World Bank, được cập nhật lần cuối vào năm 2018, Thái Lan có chi tiêu bình quân đầu người cho y tế là 275 đô la, đứng thứ 101 trên thế giới trong khi Việt Nam xếp thứ 125 với mức chi tiêu 151 đô la.
Một điều đã được nhiều người chỉ ra là sự kiêu ngạo không đúng lúc của Việt Nam đã góp phần tạo ra sự vỡ trận. Niềm tin vô căn cứ rằng Việt Nam có dư khả năng "thắng" Covid khiến các nhà lãnh đạo không có sự chuẩn bị về mặt y tế dẫn tới sự quá tải, về mặt an sinh xã hội dẫn tới người nghèo khó bị bỏ rơi, về mặt chính sách dẫn tới việc ban hành những mệnh lệnh không có tính khả thi và làm tình hình thêm tồi tệ.
Kết quả là nhiều ngàn người đã chết oan vì Covid, chưa kể những người chết vì đói và chết vì các bệnh khác do ngành y tế quá tải không cứu chữa được họ. Đó là còn chưa kể tới sự trả giá khác trong đó có sức khoẻ tâm thần, sự phá sản của các doanh nghiệp khiến không những chủ mà cả nhân viên sẽ điêu đứng sau dịch và sự chững lại của cả nền kinh tế mà khả năng hồi phục của nó bị xếp thứ125/125 nước có tên trong danh sách của Nikkei từ Nhật Bản hồi cuối tháng Tám.
Hô 4.0, dùng 0.4
Các nhà lãnh đạo Việt Nam không những không chịu học những bài học chống dịch từ cả năm trước của thế giới. Họ cũng không chịu học từ chính những thất bại của họ. Chẳng hạn thành phố Hồ Chí Minh từng thay đổi chính sách giấy đi đường vào cuối tuần để áp dụng ngay đầu tuần sau đó khiến người dân xếp hàng dài chờ qua các chốt kiểm soát trong điều kiện không đảm bảo giãn cách xã hội. Thế nhưng Hà Nội vẫn đi theo vết xe đổ này nhiều tuần sau đó, ngay cả khi Đà Nẵng đã thành công trong việc cấp giấy đi đường qua mạng để hạn chế tiếp xúc khi người dân cần có giấy phép. Chuyện bắt người dân phải lên phường hay tới cơ quan công an cũng khiến người dân đặt câu hỏi liệu có phải chính quyền đang hô hào công nghệ 4.0 nhưng lại dùng công nghệ 0.4.
Một trong những bài học nữa mà Việt Nam không chịu học của thế giới là người già cần được tiêm vắc-xin trước những người trẻ tuổi vì họ dễ tử vong vì Covid hơn vài chục lần so với những người trẻ hơn họ vài chục tuổi. Nhưng "vắc-xin ông ngoại", ông anh, ông quen biết khiến cho nhiều người già ở thành phố Hồ Chí Minh chưa kịp tiêm vắc-xin đã qua đời. Việt Nam cũng có quy trình tiêm vắc-xin kéo dài cả tiếng cho mỗi người, lâu gấp nhiều lần so với các nước có nền y tế tiên tiến trên thế giới. Điều này, cộng với sự thiếu hụt nhân lực, khiến cho quy trình tiêm vắc-xin chậm hơn nhiều so với mức cần thiết. Người ta cũng có thể đặt câu hỏi liệu có phải Việt Nam không muốn ưu tiên toàn bộ vắc-xin cho người có tuổi bởi vì họ không còn có thể đóng góp nhiều cho xã hội và nếu họ có qua đời nhà nước thậm chí còn khỏi phải trả lương hưu cho họ ?
Ngoài ra Việt Nam cũng là nước hiếm hoi trên thế giới khổ vì chữ F. Hết F0, tới F1, F2… bị truy vết, bị bắt nhốt và bị kỳ thị. Chính sách bắt nhốt người lây nhiễm hay những ai tiếp xúc với người lây nhiễm khiến nhiều người mắc bệnh oan vì điều kiện cách ly không đảm bảo vệ sinh và không đủ không gian để có giãn cách xã hội đúng mức.
Điều cuối cùng Việt Nam hiểu ra quá muộn màng, sau khi hơn một vạn người đã chết vì Covid chỉ trong vài tuần, là "cuộc chiến" chống Covid không thể dùng lý luận, khẩu hiệu và hung khí. Nó cần tới não, tới khoa học và tới công nghệ. Tiếc thay cả ba thứ này của các nhà lãnh đạo Việt Nam đều thật là thiểu não. Bảo sao họ vẫn có thể chẳng sượng sùng mà nói "Việt Nam đã bao giờ được như thế này chưa" trong khi nước đông dân trong tốp 20 của thế giới nghiên cứu mãi chưa sản xuất ra vắc-xin và người dân bảo "vắc-xin là vác rá đi xin".
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 11/09/2021
**********************
Đại dịch, thân phận và phẩm giá không có giá trị !
Trân Văn, VOA, 11/09/2021
UBND thành phố Vũng Tàu (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa rút lại yêu cầu : Người cần cấp cứu và những người vận chuyển họ phải có giấy cho phép đi lại. Yêu cầu vừa kể được nêu trong quy định mới về hạn chế đi lại, được công bố chiều 9 tháng 9 và sau khi bị chỉ trích kịch liệt, đến cuối ngày, trong hướng dẫn thực thi không đề cập đến nữa (1).
Dòng người kéo nhau về quê vào ngày 15/8/2021 sau khi Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thực hiện giãn cách xã hội thêm một tháng.
Nhiều người biết chuyện xem yêu cầu vừa kể là ngu dốt, song nhận định đó dường như chưa thật sự chính xác.
Dẫu có dấu hiệu ngu dốt nhưng giống như vô số qui định, yêu cầu mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam ban hành trong gần bốn tháng vừa qua, nguyên nhân chính dẫn tới bất toàn, bất cập trong ban hành, thực thi các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, khiến hậu quả của đại dịch Covid-19 thêm nặng nề, trầm trọng chính là sự tự tin thái quá vào quyền lực nên hành xử tùy tiện, bất kể hậu quả, bất chấp các yêu cầu, qui định đó ảnh hưởng thế nào đến phẩm giá của công dân.
Nếu chỉ vì không đủ tri thức, hiểu biết, thì sau những tình huống "dở khóc, dở cười", sau hậu quả thê thảm đối với cả kinh tế lẫn dân sinh vì những biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm hết sức cực đoan, thiếu viễn kiến ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã không vài lần náo loạn bởi các yêu cầu quái gở liên quan tới giấy đi đường.
Cứ xem thật kỹ những qui định liên quan tới giấy đi đường ở khắp nơi, chắc chắn sẽ nhận ra sự khinh miệt của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền với thường dân : Xem thường cả cá nhân công dân lẫn những pháp nhân đã ra đời và đang hoạt động hợp pháp, nên tất cả giấy đi đường phải được cơ quan hành chính và công an xem xét, phê duyệt !
Tương tự, bất kể chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã bị thực tế đẩy vào thế bị buộc phải chấp nhận cho F0 (những người bị nhiễm Covid-19) cách ly và điều trị tại nhà, thậm chí từ trung tuần tháng 7, hết Bộ Y tế tới Thủ tướng bắt đầu nói đi, nói lại về việc phải chuẩn bị hỗ trợ cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà nhưng sau đó cả tháng.
Người ta vẫn thấy nhiều nơi như Nghệ An - các viên chức hữu trách ở địa phương cạy cửa thông gió, đột nhập vào tư gia một phụ nữ, phá cửa phòng riêng, dùng bạt cuốn bà lại mang vào khu cách ly chỉ vì bà là F1 (có tiếp xúc với F0) (2). Hoặc như Cà Mau, Chủ tịch một phường ở thành phố Cà Mau ra lệnh cho thuộc cấp xông vào nhà cưỡng bức một người đàn ông 49 tuổi, đem ông nhốt vào khu cách ly tập trung chỉ vì ông không hợp tác lấy mẫu test sàng lọc trong cộng đồng (3).
Tại sao ? Hãy nhìn Thủ tướng kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid của Việt Nam. Ông Chính vừa là người chỉ đạođiều trịF0 ngay tại xã, phường vừa yêu cầu nhanh chóng phát hiện F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng(4). Ông Chính cũng là người hô hào "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" thực thi nghiêm ngặttruy vết, cách ly, cô lập người nhiễm Covid-19, khu vực có người nhiễm Covid-19 (5), rồi tuyên bố phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối (6).
Chỉ ở Việt Nam, lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền mới dám thản nhiên phô bày sự bất nhất, tùy tiện đến vô lối như thế bởi dẫu có thế nào họ cũng không phải chịu trách nhiệm. Đại dịch là dịp để thiên hạ có thể thấy rõ hơn, trong mắt của các viên chức hữu trách, dân không phải là đối tượng họ phải phục vụ, dân là đối tượng bị trị.
Nếu… đẩy lùi dịch bệnh vì dân, chắc chắn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cấp trên sẽ không thể để thuộc cấp muốn làm gì thì làm. Tuy mỗi nơi một kiểu nhưng rất nhất quán về bản chất : Bất chấp cả sinh mạng lẫn nhân phẩm công dân, bất kể dân sinh sẽ như thế nào. Sau khi được thực thi, thân phận con người chẳng khác gì rơm, rác.
Đó là lý do hồi hạ tuần tháng 8, thị trấn Văn Điển thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội vừa dỡ bức vách bằng tôn cao 2 mét, dài 200 mét, chia đôi ngõ 54 phố Ngọc Hồi để cô lập dân cư phía bên kia ngõ này vì thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội (7) thì sang thượng tuần tháng 9, tới lượt phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, khóa cổng, không cho dân ngõ 56 phố Đặng Xuân Bảng ra đường cho dù chẳng có ai trong ngõ bị nhiễm Covid-19 hay tiếp xúc với F0 (8).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/09/2021
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/vung-tau-bo-quy-dinh-cap-cuu-phai-xin-phep-phuong-xa/20210910105417509.htm
(2) https://www.facebook.com/100002755938991/posts/3956971707737988/
(3) https://plo.vn/phap-luat/cuong-che-cach-ly-nguoi-tu-choi-test-covid19-nen-khong-1013046.html
*********************
Gió Bấc, RFA, 10/09/2021
Chưa từng kinh qua quản lý nhà nước, lên ngôi ngay lúc đại dịch bùng phát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã sớm chứng tỏ tài năng thiên bẩm, sự tận tâm tận lực. Trên phương tiện truyền thông, ngày nào cũng xuất hiện hình ảnh, diễn ngôn của Thủ tướng. Không như người tiền nhiệm quanh đi quẩn lại chỉ một từ "đầu tàu phát triển", ông Chính đã có nhiều sáng tạo mới lạ. Chống dịch như chống giặc nhưng "phải đạt mục tiêu kép", phải chủ động tấn công dịch dù trong tay không có lấy một liều vắc-xin.
Người Lao Động
Ngặt một nỗi, cấp thừa hành quá yếu kém. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Phong ngoan ngoãn tuân chỉ lệnh, cách ly phong tỏa, ba tại chỗ, một điểm đến hai con đường nhưng tư duy, tầm nhìn nông cạn, chỉ mới sáng tạo được kịch bản 100.000 ca nhiễm và bệnh viện dã chiến 50.000 giường lại còn đòi hỏi 28.000 tỉ đồng và trên 100.000 tấn gạo. Chỉ tách một phát, ông Phong được chuyển về Ban Kinh tế trung ương nghiên cứu chính sách.
Ông Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch trung ương Vũ Đức Đam quá lỏng tay, chỉ mỗi việc phân cấp vắc-xin mà phải năn nỉ ỉ ôi các tỉnh, thành chia sẻ cho Thành phố Hồ Chí Minh lại cao giọng thách thức "ai không làm được hãy đứng sang một bên"
Chỉ một ngày sau, ngày 24/8 lãnh đạo chủ chốt thống nhất phân công Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch ; đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là và thay thế kịp thời các cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch (1).
Ông Đam bị mất chức mà không được đứng sang bên như ông Phong, vẫn phải tiếp tục nằm trong Ban Chỉ đạo.
Quả nhiên, khi trực tiếp nắm Trưởng ban, Thủ tướng đã đưa cuộc chiến chống dịch lên tầm cao mới với hàng đoàn Quân đội, Công an từ miền Bắc, từ Tây Nguyên với xe bọc thép, súng AK tiến vào Thành phố Hồ Chí Minh hừng hực khí thế như đại thắng mùa xuân năm nào. Dây kẽm gai, hàng rào sắt dựng lên từ đường chính đến hang cùng ngỏ hẻm. "Ai ở đâu, ở đó". "Mỗi phường xã thành một pháo đài". Chỉ có quân đội gác đường và đi chợ hộ người dân. Làn sóng hàng vạn người lao động nhập cư các tỉnh trả nhà trọ "chạy giặc" về quê đã được bộ đội chặn đường thuyết phục phải quay về lơ ngơ tìm nơi nương náu. Hàng vạn người thiếu hiểu biết, hoang mang đi vét hàng dự trữ ùn ứ các cửa hàng cũng được quân đội, công an thuyết phục quay về.
Đường phố sạch bóng con người. Shipper ngừng hoạt động. Siêu thị, cửa hàng thực phẩm không bán trực tiếp cho khách hàng mà chỉ qua kênh mua hộ của Bộ đội. Trong vòng một ngày, kinh tế hàng hóa thị trường lạc hậu đã thẳng tiến lên kinh tế xã hội chủ nghĩa mua theo nhu cầu bán theo khả năng combo. Muốn mua cọng rau phải kèm con cá, cần mua nước mắm phải lấy tương chao. Đặt hàng hôm nay sẽ nhận ngày mai, ngày kia tùy hỉ…
Hình ảnh gần dân của Thủ tướng Phạm Minh Chính lại càng ngời sáng không có gì so sánh nổi với "cái áo đẫm mồ hôi" khi đi thị sát nhiều địa điểm khác nhau ở các vùng tâm dịch.
Nó không chỉ là ẩn dụ lấn át ngọn đèn đom đóm của ai đó mà báo chí lề phải còn nhấn mạnh sự so sánh lộ liễu "tạo hẳn một sự khác biệt so với hình ảnh lãnh đạo được che ô. Nhưng điều quan trọng hơn mà người dân mong ở tất cả các cấp lãnh đạo, là phải gần dân hơn nữa để có quyết sách phù hợp thực tiễn" (2). Chẳng biết báo chí đá xéo ai mà hiểm rứa ?
Ở đây dù rất ngưỡng mộ tấm áo đẫm mồ hôi của Thủ tướng nhưng cho tôi được phép thay mặt 90 triệu dân bày tỏ lòng tin yêu và thông cảm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc phải có người che ô thậm chí dìu đi đó chẳng qua là do tuổi cao sức yếu chứ tấm lòng vì dân, gần dân của Tổng bí thư thì khó ai so sánh được. Nếu chẳng gần dân, vì dân thì Người hẳn đã vui thú điền viên chứ đâu mãi cặm cụi lao tâm khổ tứ cho công cuộc đốt lò suốt năm này qua tháng khác.
Chính sau những chuyến vi hành sát sao ấy, Thủ tướng đã có phát kiến vĩ đại về tầm quan trọng và trách nhiệm của xã phường. Dân cần chi cứ gọi điện cho phường. Đỉnh cao hơn nữa, Thủ tướng tận dụng công nghệ để quản lý trực tiếp xã phường. Ngày 5/9, hệ thống chỉ huy chống dịch được kết nối từ phòng làm việc của Thủ tướng đến tận cấp xã.
Với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và truyền thông, các tập đoàn viễn thông, hệ thống chỉ huy, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn phòng chống dịch đã được kết nối từ nơi làm việc của Thủ tướng tới tận cấp xã, phường, thị trấn.
Chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban chỉ đạo với các địa phương.
Cuộc họp được kết nối tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước, để đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp trọng tâm phòng chống dịch thời gian tới (3).
Mô hình Thủ tướng một đất nước gần 100 triệu dân trực tiếp chỉ đạo, quản lý kiểm tra trên 9.000 xã, phường quả là độc nhất vô nhị trên thế giới và chứng tỏ năng lực quản lý điều hành siêu việt của người lãnh đạo.
Ấy vậy mà Thủ tướng rất cầu thị, đã làm việc với 70 nhà khoa học ; các giáo sư, bác sĩ ; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu ngành y dược học ; đại diện các hội đồng khoa học và cơ quan quản lý khoa học ngành y tế lắng nghe ý kiến đóng góp cho chương trình chống dịch.
Ai như Bí thư Nguyễn Văn Nên, cả Sài Gòn chỉ mời được có chín người, đã vậy lai còn lằng nhằng góp ý sửa lưng đòi cho F0 không triệu chứng cách ly ở nhà, đòi tăng cường bệnh viện, giảm tử vong… Rách việc !
Các nhà khoa học cấp quốc gia rất sáng suốt ca ngợi tung tóe chủ trương, biện pháp chống dịch như chống giặc của Thủ tướng. Từ quyết tâm truy quét loại khỏi cộng đồng, tiêu diệt F0, phân vùng xanh đỏ đến chủ trương sống chung với dịch đều chính xác và khoa học.
Đề nghị duy nhất của họ cũng rất thiên tài và mang tầm cỡ quốc tế về đề tài mà đám khoa học của bọn tư bản giãy chết bù đầu nghiên cứu hàng chục năm nay vẫn chưa làm được. Đó là : "đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho cơ sở sản xuất vắc-xin của Việt Nam nghiên cứu sản xuất vắc-xin cho trẻ dưới 12 tuổi" (4).
Ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với viễn kiến của Thủ tướng, khi làm việc với đại diện Tổ chức y tế thế giới - WHO, đã đề nghị tổ chức này giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ sản xuất vắc-xin để trở thành "cường quốc sản xuất vắc-xin của khu vực".
Thủ tướng đã ưu ái tặng cho các nhà khoa học cái hũ sành biểu trưng cho túi khôn nhân loại. Ấy vậy mà có kẻ xấu miệng cho rằng nó giống các hũ tro cốt của nạn nhân Covid-19 tử vong.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hũ gốm cho các nhà khoa học hôm 1/9/2021. Hình : Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh
Nhờ sự điều hành sáng suốt của Thủ tướng, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 576.096 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chỉ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) : số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 571.745 ca,
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.470 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới 2,1% (5).
Đấy là nhờ Thủ tướng quyết liệt mạnh tay, nếu không tử vong còn cao hơn nhiều nữa vì do Bộ Y tế cảnh báo biến chủng Delta của Việt Nam nó lai từ biến chủng của Anh với Ấn độc hơn Delta thường !
Hiện nay Hà Nội đang theo gót Thành phố Hồ Chí Minh truy quét, xét nghiệm diện rộng, mở thêm bệnh viện dã chiến Covid-19, không khôn ngoan sống chung với lô cốt, pháo đài chắc sẽ bị diệt nay mai. Mục tiêu số 1 kiểm soát dịch bệnh của Thủ tướng tất có ngày thành công mỹ mãn.
Riêng cái chuyện pháo đài xã phường lại phát sinh thêm pháo đài huyện tỉnh thành nên việc đi lại vân chuyển hàng hơi khó tí xíu. Ấy vậy mà bọn xấu lại làm to chuyện. Nhiều hiệp hội kiến nghị lên Thủ tướng về giấy đi đường mới. Quy định cấp giấy đi đường mới khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng (7).
Ấy nhưng có lẽ do tập trung quản lý kiểm tra các pháo đài nên kinh tế vỉ mô có vài diễn biến trong mức cho phép ! Theo Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và đầu tư, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 8/2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020 (6).
Đó chỉ là chuyện nhỏ, diệt xong F0, Thủ tướng phất tay sẽ có hàng vạn doanh nghiệp khác mọc ra, doanh nghiệp của bạn vàng Trung Quốc sẵn sàng thuê đất 90 năm để ổn định lâu dài. Chẳng có gì phải ngại.
Rồi doanh nghiệp thủy sản than khan hiếm nguồn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI cũng rộn ràng than vãn khó khăn không thể thực hiện hợp đồng có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, õng ẹo đòi chuyển địa bàn… Mục tiêu kép phát triển kinh tế song song với chống dịch thì thôi cứ chờ đấy, đến nhiệm kỳ hai không đạt được thì nhiệm kỳ ba. Có chi phải vội ?
Ấy vậy mà vẫn còn trục trặc nhỏ là bọn xấu hay dùng thủ đoạn chống phá.
Ngày 24/08, ngay khi bộ đội đi chợ hộ dân, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) trong buổi livetream "Dân hỏi Thành phố Hồ Chí Minh trả lời" đã tố cáo nhiều người dân Sài Gòn bom hàng làm khó bộ đội, nhiều thế lực lợi dụng mạng xã hội để gây chia rẽ tình quân dân cá nước thắm thiết làm mấy ngày sau hình ảnh bộ đội tay súng tay hàng cho dân không còn xuất hiện trên báo đài.
Thủ tướng đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi 'bom hàng' đi chợ hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh gây khó khăn cho bộ đội, tình nguyện viên, làm dư luận nhân dân bức xúc (8).
Ấy vậy mà Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh dám trả lời rằng "Công an thành phố rà soát các công ty vận chuyển hàng đều nhận thông tin chưa phát hiện tình trạng "bom hàng" (9). Y còn đỗ lỗi do giao hàng chậm người mua đã dời đi chỗ khác, do giao hàng không đúng ý đặt mua… cứ như bộ đội của ta có lỗi…
Bộ đội giao hàng tại nhà người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 24/8/2021. Reuters
Đã vậy báo chí Thành phố Hồ Chí Minh còn tung tin thất thiệt cho rằng "tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số mặt hàng thực phẩm chế biến có hiện tượng thiếu hàng. Các nhà cung ứng cho biết gặp khó khăn về nguyên liệu và lao động nên khó đáp ứng đủ nhu cầu thị trường" (10)
Tức thật, Thủ tướng đã mướt mồ hôi dựng pháo đài chống dịch. Bộ trưởng Phan Văn Giang hùng hồn tuyên bố chưa hết dịch chưa về ấy vậy mà bọn xấu vẫn cứ đặt điều. Thủ tướng quản lý sâu đến tận 9.000 xã phường bằng công nghệ ấy vậy mà có kẻ hoài nghi bảo quản lý xã phường Phạm Minh Chính không đáng Thủ tướng chỉ tầm Chủ tịch quận Việt Nam ?
Chúng còn bảo chỉ cái giấy phép đi đường từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội đổi đi cấp lại bốn năm lần theo công nghệ 0.0 gây ùn tắt, vi phạm 5 K, làm lây nhiễm dịch mà diễn tuồng Thủ tướng quản lý xã phường bằng công nghệ 4.0.
Bọn xấu còn kích động cho bác sĩ, hộ lý tuyến đầu bỏ việc than van, đòi chính sách, đòi chế độ bảo hiểm an toàn. Chờ nhé, quét sạch F0, Thủ tướng sẽ nghiền nát, tiêu diệt bọn mày như tiêu diệt Covi !
Đừng đùa ! Nói sống chung với dịch là Thủ tướng chỉ mẹo đánh lừa cho Covid chủ quan thôi chứ sống chung với dịch là sống chung thế nào ? Ông ngoáy toét mũi hết 90 triệu dân đen thì Covid có đường lên trời mà sống. Năm trước Nguyễn Xuân Phúc bất quá ăn may với con Alpha tầm thường. Thiên tài như Thủ tướng Phạm Minh Chính thì không chỉ cây cột đèn mà cả đến tượng Nữ Thần Tự Do cũng phải xách dép chạy qua Việt Nam.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 10/09/2021
Tham khảo :
1. https://tienphong.vn/thu-tuong-lam-truong-ban-chi-dao-quoc-gia-phong-chong-dich-post1369221.tpo
7. https://zingnews.vn/nhieu-hiep-hoi-kien-nghi-len-thu-tuong-ve-giay-di-duong-moi-post1255198.html
9. https://vnexpress.net/ly-do-nhieu-don-hang-di-cho-ho-khong-co-nguoi-nhan-4353381.html
10. https://zingnews.vn/nguy-co-dut-nguon-cung-mi-goi-va-do-hop-o-tphcm-post1260058.html
*****************************
Đề xuất trích Quỹ vắc xin Covid-19 cho nghiên cứu gây bất bình
Diễm Thi, RFA, 10/09/2021
"Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng. Để một lần nữa, chúng ta lại ghi danh viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Chiến thắng đại dịch Covid-19".
Một phụ nữ đang được chích vắc xin Covid-19 tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 năm 2021. AFP
Đó là lời Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gửi đến dân chúng Việt Nam qua một video clip trên trang web của Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19. Cũng theo trang web này, tổng cộng số tiền đã chuyển vào quỹ tính tới 5 giờ chiều ngày 9 tháng 9 năm 2021 là 8.662 tỷ đồng (Đã bao gồm quy đổi từ ngoại tệ về VNĐ).
Dữ liệu được thống kê toàn cầu cho thấy, tính đến ngày 10 tháng 9 năm 2021, tổng số người được chích đủ hai mũi vắc xin ngừa Covid-19 ở Việt Nam hiện nay là gần 4,5 triệu người. Tổng số liều thuốc đã được chích cho toàn dân là 25,9 triệu liều. Như vậy, Việt Nam nằm trong những nước có tỷ lệ chính ngừa Covid-19 thấp nhất thế giới.
Trong khi đại đa số người dân chưa được chích ngừa đầy đủ vì nguồn vắc xin trong nước khan hiếm thì hôm 8 tháng 9, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đề xuất phương án sử dụng Quỹ vắc xin Covid-19 cho nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vắc xin trong nước. Trước đó, khi trao đổi với truyền thông Nhà nước, Giám đốc Ban quản lý Quỹ vắc xin cho biết, tính đến chiều ngày 7 tháng 9, quỹ đã trích 373 tỉ đồng để mua vắc xin. Số còn lại đang được gửi tại bốn ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 3,3%/năm và 3%/năm tương ứng kỳ hạn gửi tiền là ba tháng và một tháng.
Song song với Quỹ vắc xin, Chính phủ Việt Nam tiếp tục kêu gọi người dân góp tiền chống dịch bằng cách vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên toàn quốc ủng hộ mỗi người ít nhất một ngày lương cho công tác phòng chống dịch ; tổ chức chương trình "Triệu trái tim hướng về Tổ quốc" để huy động sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài.
Một chuyên gia y tế ở Hà Nội, không muốn nêu tên, bày tỏ quan điểm của mình với RFA sáng ngày 10 tháng 9 :
"Chủ trương của Đảng và Nhà nước là dựa vào sức của dân, nói cách khác là họ vắt sức dân. Bây giờ dân chúng thất nghiệp đang cần Nhà nước cứu thì họ lấy đâu ra tiền mà đóng góp theo ngày lương ?
Nếu kêu gọi thì phải nói rõ là những người lao động đang có việc làm, ví dụ như Thủ tướng, Chủ tịch nước, Tổng bí thư, các Bộ trưởng… chứ kêu gọi người lao động thì tội cho dân mà nghe nó phản cảm. Muốn vét đến đồng bạc cuối cùng trong túi dân hay sao !
Việc lấy quỹ vắc xin để hỗ trợ nghiên cứu vắc xin hay đang gửi ngân hàng lấy lãi là sử dụng sai mục đích ban đầu. Tiền thì có mà vắc xin thì thiếu. Đó là sử dụng quỹ không đúng mục đích. Hiện nay Quỹ vắc xin chỉ cho biết số thu chứ không biết đã chi vào việc gì, lãi được bao nhiêu. Tức là không minh bạch trong việc giải ngân.
Hiện giờ tỷ lệ chích ngừa ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới. Đấy là nhờ có Đảng quang vinh lãnh đạo".
Chuyên gia này nói thêm rằng, ngay từ đầu mục đích của Quỹ vắc xin là dân góp tiền để mua vắc xin. Bây giờ không mua vắc xin mà thêm vô là nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Điều này dễ dẫn đến vừa đá bóng vừa thổi còi. Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp sân sau bằng cách tài trợ tiền cho nghiên cứu xong lại mua sản phẩm của họ. Như thế không công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân.
Những vỏ chai vắc xin Sinopharm tại một điểm chích ngừa ở Hà Nội hôm 10/9/2021. AFP
Quỹ vắc xin Covid-19 được Chính phủ thành lập vào cuối tháng 5 năm 2020 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc xin trong và ngoài nước. Quỹ cũng tiếp nhận các nguồn vốn hợp pháp khác để mua, nhập khẩu cũng như nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vắc xin Covid-19.
Cô Thi, một công nhân từ Tây Ninh lên Thành phố Hồ Chí Minh làm việc từ năm 2009, nay phải trở về quê nói với RFA sáng ngày 10 tháng 9 :
"Tui là dân, tui chỉ biết là Nhà nước kêu gọi đóng tiền mua vắc xin chứ không phải để Nhà nước gửi ngân hàng hay để nghiên cứu vắc xin. Ngay cả tiền Nhà nước cho một triệu rưởi tui cũng không được nhận vì tổ trưởng nói là để dành mua vắc xin. Bây giờ tiền đó đem gửi ngân hàng lấy lãi là điều không chấp nhận được. Còn nếu nói là không có vắc xin để mua thì đó là tội của mấy ổng.
Cả năm qua không lo chuẩn bị, không nhìn xa thì sao mà lãnh đạo tốt được. Bây giờ kêu đóng góp nữa hả ? Một đồng cũng không. Thứ nhất là đang ở nhà vì công ty đóng cửa làm gì có lương mà góp. Thứ hai là góp để mấy ổng gửi ngân hàng là điều
Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả -Bộ Tài chính,nêu thực tế là cấp lãnh đạo cao nhất trong Chính phủ đang rất nóng lòng tìm kiếm vắc xin khắp nơi nhưng vẫn chưa đủ cho dân chúng. Ông nói :
"Hiện nay thực tế không có vắc xin để mua. Vừa rồi Chủ tịch Quốc hội phải đi các nước Châu Âu ngoại giao về vắc xin. Giao Bộ trưởng Bộ ngoại giao đi tìm mua vắc xin trong bối cảnh dịch bệnh lại bùng phát ở Mỹ và nhiều nước bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho dân nên vắc xin lại càng thiếu.
Cái chính là ngay từ đầu Chính phủ Việt Nam đã chủ quan trong định hướng, chỉ chủ trương 5K. Bây giờ mới thấy 5K phải kèm vắc xin mới là đúng. Đến lúc nhìn thấy tầm quan trọng của vắc xin thì không có để mua. Từ đó cho thấy tư duy và cách chống dịch ngay từ đầu là chủ quan, không đi đúng hướng. Phải nói thẳng như thế !
Trung Quốc cho Việt Nam Sinopharm nhưng người dân Việt từ Bắc tới Nam nghe tới là họ ngại. Người ta sợ nó không có tác dụng bây giờ mà lại còn tiềm ẩn hậu hoa sau này, bởi Tàu thì nó thâm lắm. Nhưng cũng có một số người phải chấp nhận tiêm Sinopharm vì không tiêm thì họ không được mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán".
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Vương Đình Huệ đang có chuyến thăm các nước Châu Âu bao gồm Áo, Bỉ, Phần Lan nhằm kêu gọi Châu Âu viện trợ, giúp đỡ Việt Nam về vắc xin và thuốc điều trị Covid-19.
Số lượng vắc xin trên thế giới hiện không còn nhiều vì các nhà máy sản xuất không kịp trong tình hình dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Thêm vào đó, một số nước bắt đầu chương trình chích mũi vắc xin thứ ba cho người dân.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 10/09/2021
*********************
Thế giới nhìn vào cách Việt Nam chống dịch : "Đói khổ là hình ảnh thấy rõ nhất"
Tuấn Khanh, RFA, 09/09/2021
Năm 2020, Việt Nam là một câu chuyện được bàn tán về việc thành công trong ngăn chặn Covid-19, thế nhưng các đợt phong tỏa mới nhất, khiến việc mọi người không thể bước chân ra khỏi nhà, ngay cả khi đi tìm thức ăn, đang khiến hàng chục nghìn người lâm vào cảnh thiếu đói.
Phát gạo cứu trợ dân trong dịch bệnh Covid-19 ở một nhà thờ tại Hà Nội hôm 23/4/2020 - AFP
Sau những lệnh cấm nghiêm ngặt nhất được áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh, thì cho đến nay, cô Hảo, một công nhân nhà máy, được chính quyền cho biết rằng sẽ giúp cho cô và gia đình cô phần thực phẩm đủ trong khi phải ở nhà vì phong tỏa. Nhưng trong hai tháng qua, gia đình cô đã thật sự thiếu thốn đủ mọi thứ.
Cô đã bị công ty cho nghỉ việc, không lương hay trợ cấp gì từ tháng bảy, trong khi chồng cô, một công nhân xây dựng, đã không kiếm được việc làm trong nhiều tháng. Họ đang nợ tiền thuê nhà, cùng với một khoản thanh toán khác sẽ sớm đến hạn.
"Tôi đang cố gắng cầm cự càng lâu càng tốt, nhưng không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", cô Hảo nói. "Tôi không biết phải nói sao bây giờ ? Tôi chỉ muốn hỏi rằng : Sao Chính phủ chẳng hỗ trợ gì cả ? Chính phủ nói rằng họ sẽ gửi những phần hỗ trợ cho những người như tôi, nhưng tới nay vẫn không có gì cả", cô nói. "Tất cả mọi người sống xung quanh tôi đang đối mặt với đủ thứ nguy khó".
Nhưng cô Hảo không phải là người duy nhất. Thành phố lớn nhất của Việt Nam đang bị khóa chặt, người dân không được phép ra khỏi nhà ngay cả khi đi tìm kiếm thức ăn. Các hạn chế hiện tại có thể kéo dài đến ngày 15 tháng 9, vào giai đoạn có tin các nhà lãnh đạo thành phố đề nghị nối lại hoạt động kinh tế. Ngay cả trước khi có lệnh "ai ở đâu ở yên đó", vào ngày 23 tháng 8, cô Hảo cũng như hàng triệu người khác, đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Chính quyền cứ hứa sẽ cung cấp thức ăn cho tất cả mọi người, và đem cả quân đội vào thành phố để giúp cung cấp nguồn thực phẩm cho những người có nhu cầu, nhưng rất đông dân chúng lại không nhận được gì. Tuần trước, báo chí Việt Nam cũng đưa tin hơn 100 người dân ở một huyện trong thành phố đã xuống đường biểu tình vì quá thiếu thốn.
Chính phủ Việt Nam đã từng được ca ngợi là một câu chuyện thành công toàn cầu trong việc giải quyết đại dịch vào năm 2020. Vào lúc các quốc gia trên thế giới thương khóc những người chết vì đại dịch, và áp đặt các lệnh cấm vận trên toàn quốc, thì có vẻ như chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn vi-rút bằng cách dựa vào các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, truy vết những người nhiễm bệnh và cô lập các địa phương.
Tính đến đầu tháng năm năm nay, Việt Nam chỉ ghi nhận dưới 4.000 ca nhiễm và 35 ca tử vong. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi, biến thể Delta đang gây náo loạn tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Trong tháng qua, cả quốc gia ghi nhận có đến 299.429 trường hợp mắc mới và 9.758 trường hợp tử vong. Ở thành phố Hồ Chí Minh, số trường hợp tử vong chiếm 4,2% số trường hợp được ghi nhận ; Hơn 200 người chết và 5.000 trường hợp mới được báo cáo hàng ngày trong thành phố. Tỉnh lân cận Bình Dương cũng có con số tương tự.
Khi các quy định hạn chế nghiêm ngặt hơn được áp dụng kể từ đầu tháng sáu, người nghèo là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nhà máy và nơi buôn bán đã được lệnh phải đóng cửa và kéo theo hàng ngàn người mất việc. Tài xế taxi, người bán hàng rong, công nhân nhà máy và công nhân xây dựng vốn đã cận kề mức nghèo khổ, nay lại không thể kiếm ra đồng nào trong nhiều tháng. Hơn nữa, họ lại bị mắc kẹt trong những khu nhà ở chật chội và đông đúc ở các điểm lây nhiễm Covid bùng phát.
Số liệu thống kê chính thức cho biết, chỉ riêng tại Tp Hồ Chí Minh đã có 3-4 triệu người rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính do đại dịch.
Các tổ chức xã hội dân sự ở thành phố đang bị ngập lụt với hàng chục ngàn lời xin trợ giúp thực phẩm mỗi ngày, mà không thể nào đáp ứng đủ nhu cầu. Food Bank Vietnam, một doanh nghiệp xã hội do Nguyễn Tuấn Khôi, người cũng có công việc kinh doanh riêng, đang hỗ trợ 10.000 người mỗi ngày. Trang web và các kênh truyền thông xã hội của tổ chức này xác nhận họ nhận được yêu cầu nhiều gấp đôi hoặc gấp ba lần khả năng của mình.
Các con số kêu cứu mới bắt đầu tăng vào tháng trước, nhưng giờ thì đã tăng vọt trong hai tuần qua. Khôi nói : "Đại dịch này đã ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của mọi người. Việc phong tỏa hoàn toàn đã khiến nguồn cung cấp thực phẩm bị gián đoạn. Chúng tôi và các tổ chức từ thiện khác đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận những người cần sự giúp đỡ. Nhu cầu hiện nay là rất lớn ".
Trong 20 năm làm từ thiện, Khôi chưa bao giờ trải qua chuyện như thế này. Anh nói : "Người Việt Nam đã trải qua những ngày khó khăn nhất trong vài tuần qua. Tôi chưa bao giờ thấy số lượng người chết và mất mát như vậy, điều mà tôi nghĩ là không thể nào lại có thể vậy được. Trước đại dịch, chúng ta có đói và nghèo, nhưng ít ra lương thực vẫn dễ dàng cho nhiều người. Tôi sinh ra sau chiến tranh, vì vậy những khó khăn xung quanh cái chết và cái đói là điều chúng tôi chỉ nghe kể và đọc trong sách. Giờ tôi mới hiểu được thế nào là khốn khó".
Người dân nhận gạo từ máy ATM gạo trong đại dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/4/2020. Reuters
Saigon Children, nơi giúp đỡ những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn được học hành và đi làm, cũng bị cuốn vào việc cứu trợ cho đại dịch. Damien Roberts, Giám đốc tổ chức từ thiện, nói : "Thông thường, chúng tôi đang xây dựng trường học, thực hiện những nhu cầu đặc biệt. Bây giờ 90% công việc của chúng tôi là cứu trợ Covid. Đói khổ đang lan rộng vào lúc này".
"Tôi không biết rõ con số cần giúp là bao nhiêu nhưng chỉ trong tám tuần qua, chúng tôi đã giúp 16.000 người, nhưng cảm thấy như mình chưa làm được gì cả".
Các ứng dụng trên điện thoại như Zalo và SOSmap.net, mỗi ứng dụng hàng ngày đưa tin ở thành phố có đến hàng chục nghìn người kêu cứu trên toàn thành phố.
Chính quyền thành phố nói rằng đến ngày 26 tháng 8, đã cung cấp hỗ trợ bao gồm 1,2-1,5 triệu đồng (khoảng 50 USD) và một túi thực phẩm thiết yếu cho hơn 1,2 triệu người gặp khó khăn. Nghe nói họ đang đề xuất chi thêm 9,2 tỷ đồng để hỗ trợ người dân bị phong tỏa.
Song song với nạn đói là hệ thống y tế trở nên quá tải. Các bệnh viện đang thiếu nhân sự, không đủ thuốc men, việc cung cấp ô-xy chỉ cầm chừng. Các phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập những câu chuyện về những người kêu cứu mà không được giúp đỡ, cũng như những hình ảnh và video đáng lo ngại về những người xếp hàng vào lò hỏa táng và những người nằm gục trên đường phố.
Bác sĩ Trần Hoàng Đăng Khoa, bác sĩ hồi sức tích cực của một bệnh viện điều trị những ca Covid nặng nhất, phụ trách 14 bệnh nhân trong mỗi ca và nói ông đã kiệt sức. Ông Khoa kể rằng 700 giường luôn kín chỗ, mỗi ngày lại có thêm nhiều ca ; Một nửa trong số những người mà anh ta tiếp nhận là không qua khỏi.
Bác sĩ nói : "Hệ thống y tế của chúng tôi không được chuẩn bị cho điều này và nguy hơn là chúng tôi còn chưa đạt đến đỉnh dịch. Chúng tôi thiếu mọi thứ - nhân viên, thuốc men và máy thở - nhưng tôi biết đổ lỗi cho ai bây giờ".
Tình hình hiện tại, cũng phản ánh sự chậm trễ đối với chương trình tiêm chủng toàn dân của Việt Nam. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, một chuyên gia y tế công cộng của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Hà Nội thì "Tỷ lệ chấp nhận vắc xin cao", cô nói, "nhưng chúng tôi không có đủ vắc-xin được cung cấp trong nước. Bất kể cam kết từ các nhà cung cấp vắc xin, cũng như chương trình COVAX, số lượng vắc xin đến với người dân, thực tế thấp hơn so với dự kiến".
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 1/9, Việt Nam đã xuất ra 20 triệu liều vắc xin Covid-19. Nhưng chỉ 3,6% dân số 75 triệu người trưởng thành nhận được hai mũi tiêm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, với dân số ước tính từ 10 đến 13 triệu, 5,8 triệu người trưởng thành đã tiêm mũi đầu tiên và 337.134 người đã tiêm cả hai mũi. Chương trình tiêm chủng đang bị trì trệ bởi bộ máy hành chính cồng kềnh, dẫn đến sự chậm trễ, theo một tuyên bố từ Bộ vào tháng Sáu.
Các nỗ lực đang tập trung vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng bác sĩ Thu Anh nói, vi-rút đã lây lan vượt dự tính. "Vấn đề là chúng tôi đang cố gắng phân bổ vắc-xin cho Thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng phân bổ cho các tỉnh khác là khá ít, vì vậy đó lại là một thách thức khác nữa".
Bên ngoài các thành phố lớn, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng còn tồi tệ hơn nhiều. Các bác sĩ cũng như giới chuyên gia đang lo sợ ảnh hưởng của Covid đối với các cộng đồng ở đó.
Trong căn phòng 15 mét vuông ở Thành phố Hồ Chí Minh, cô Hảo cùng chồng và con trai 8 tuổi của cô đang mắc kẹt trong một tòa nhà, cùng hàng trăm công nhân nhà máy khác. Cô Hảo đang tuyệt vọng chờ đợi để được trở lại làm việc. Kỳ học mới sắp bắt đầu trực tuyến, nhưng cô không có máy tính, và vì vậy hiện tại, việc học của con trai cô ấy sẽ phải lùi lại.
"Tôi không biết nghĩ sao nữa về việc học của con trai tôi ngay bây giờ", cô nói. "Tôi còn phải lo lắng về việc kiếm bữa ăn tiếp theo của cả gia đình, và tiền thuê nhà tháng này".
Bên kia thị trấn, Nguyễn Lâm Ngọc Trúc, 21 tuổi, cũng nói mình cần kiếm tiền trở lại. Cô sống trong một khu ổ chuột bên bờ sông cùng với 30-40 gia đình khác. Cô bán hàng rong cho sinh viên nhưng không làm gì ra tiền từ tháng sáu. Ba mẹ và anh trai của cô ấy cũng mất việc. Họ sống sót lâu này nhờ gạo và mì gói được phát từ các tổ chức từ thiện và hàng xóm.
Trong khu vực lân cận của cô Trúc sống, hàng xóm cũng là một trong cộng đồng di cư khổng lồ của thành phố. Nhiều người trong số họ không có giấy tờ gì và do đó không được quản lý, và cũng vô hình đối với chính quyền trong danh sách cứu trợ.
Cô Trúc nói : "Chính phủ nên giữ lời hứa khi họ nói rằng sẽ hỗ trợ mọi người. Họ nên đưa thức ăn đến cho mọi người. Không ai nói cho chúng tôi biết khi nào thì mình được cứu giúp".
Tổng hợp theoGuardian
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 09/09/2021
Tên của những nhân vật trong bài đã được thay đổi
**************************
Dân nghĩ gì về cách chống Covid-19 của chính phủ?
Diễm Thi, RFA, 08/09/2021
‘Chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa’
"Theo tôi, cách chống dịch hiện nay là ‘chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa’."
Đó là lời bác sĩ Đinh Đức Long nói về cách chống dịch của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh.
Một người dân nhận hàng từ shipper qua hàng rào trong khu vực cách ly ở Hà Nội ngày 6 tháng 9 năm 2021 - Reuters
Kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay, dường như Chính phủ bất lực trong việc kiểm soát, không chế dịch bệnh. Người dân cảm thấy bất an với hàng loạt chỉ thị được Chính phủ ban hành bị coi là trái hiến pháp và pháp luật khi ngăn cản người dân đi lại, cấm đoán các hoạt động kinh tế, tước đoạt nhiều quyền tự do khác của người dân. Giãn cách nối tiếp giãn cách với hàng loạt công văn được ban hành.
Công văn đầu tiên ban hành yêu cầu toàn dân thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội trong 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 9 tháng 7 năm 2021. Công văn mới nhất được ban hành ngày 15 tháng 8 yêu cầu toàn dân thành phố tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đến hết ngày 15 tháng 9 năm 2021 với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó".
Tình hình dịch bệnh Covid-19 được cho là đã vượt tầm kiểm soát của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Theo số liệu báo cáo chính thức từ Bộ Y tế, trong bốn tháng qua đã có hơn 13.000 người tử vong vì Covid-19; số ca nhiễm mới của cả nước hơn 500.000 người. Tỷ lệ tử vong cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.
Một số chuyên gia y tế cho rằng, chính quyền đã đi sai hướng nên dịch bệnh bùng phát. Bác sĩ Đinh Đức Long nói với RFA :
"Các nước chống dịch phải dựa vào các chuyên gia dịch tễ học lâm sàng, tức là các nhà y học chuyên ngành về lâm sàng. Đằng này, Việt Nam, cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh lại chống dịch dựa vào các nhà chuyên gia về hành chính công. Mà nói về luật hành chính, quan hệ hành chính là quan hệ phục tùng. Nghĩa là cấp dưới phục tùng cấp trên.
Như vậy tư duy chống dịch của họ sai khi chống dịch bằng quan hệ hành chính. Tư duy đó là tư duy trấn áp, mệnh lệnh. Không thể ra lệnh cho con vi-rút không được phát triển. Theo tôi, cách chống dịch hiện nay là ‘chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa’."
Tại hội nghị trực tuyến Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh hôm 25 tháng 7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thừa nhận không khống chế được dịch là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Thêm vào đó, việc giãn cách của người dân không hoàn toàn nghiêm túc làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch.
Sư cô Diệu Hạnh ở quận Bình Thạnh chia sẻ với RFA cách chống dịch của chính quyền mà cô cho rằng sẽ không thành công nếu cứ tiếp tục:
"Mấy ổng lúng túng thấy rõ. Thay đổi quy định liên tục dân không biết đâu mà lần, mà tin. Thay đổi cả trưởng ban chống dịch luôn. Nói cho dân nghèo mỗi người triệu rưởi có thấy đâu. Tự nhiên đem y bác sĩ từ ngoài Bắc vô, đem quân đội vô rầm rộ làm dân sợ chứ không thấy an toàn, an tâm chút nào hết.
Mấy ổng có cả năm trời học mấy nước khác chống dịch mà không chịu học, không chịu chuẩn bị vắc xin cho dân. Tiền dân đóng thuế, đóng vô quỹ vắc xin đâu hết rồi? Dân đói, dân bịnh, dân chết nhiều như vậy mấy ổng chịu trách nhiệm như thế nào ?
Người ta nói lãnh đạo dốt, dân khổ. Tui thấy đúng quá. Đến lúc dân phản đối thì bắt người ta. Chống dịch bằng công an, bằng nghị quyết. Cách chống dịch đó không bao giờ thành công".
Chủ quan, kiêu ngạo
Khi dịch bệnh đang căng thẳng, dường như vượt tầm kiểm soát ở thành phố Hồ Chí Minh thì Thủ tướng Phạm Minh Chính được phân công thay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19. Quyết định được đưa ra khi ông Đam đang đi thị sát chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, hôm 24 tháng 8.
Trước đó vài ngày, một cuộc "thay tướng giữa đường" trong lúc đợt dịch Covid-19 thứ tư đang diễn biến nghiêm trọng tại thành phố Hồ Chí Minh cũng xảy ra. Đó là Bộ Chính trị ban hành quyết định điều chuyển đương kim Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Người thay thế là ông Phong là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.
Anh Tùng, một người dân quận 6 nhận định rằng, cách chống dịch ở Việt Nam hiện nay không lấy dân làm trọng mà lấy chế độ làm trọng. Họ không nghĩ đến dân mà chỉ nghĩ làm sao để bảo vệ chế độ đừng sụp đổ nên họ chống dịch bằng công an, quân đội. Anh nói:
"Việt Nam sẽ không chống dịch thành công bởi thiếu cả hai yếu tố : lãnh đạo giỏi và tài chánh đủ mạnh.
Thứ nhất, dàn lãnh đạo hiện tại ở Việt Nam không được dân bầu lên từ những cá nhân tài giỏi. Họ ngạo nghễ trên cái mà họ cho là chiến thắng đại dịch hồi năm ngoái, không có tầm nhìn xa trông rộng. Các phương thức của Việt Nam đang làm hiện nay không dựa theo khoa học để đối phó với đại dịch, kiểm soát đại dịch, mà dựa trên phương thức Nhà nước để quản lý người dân.
Muốn kiểm soát người dân bằng cách nhốt dân trong nhà theo chỉ thị ‘ai ở đâu ở yên đó’ thì Chính phủ phải chu cấp tiền cho dân. Đây là điểm yếu thứ hai của Việt Nam. Bao nhiêu tiền đem đi xây tượng đài, cổng chào và chui vào túi các quan chức từ địa phương trung ương. Cứ nhìn những vụ quan chức tham nhũng, chui vào ‘lò’ của ông Trọng thì sẽ hiểu. Nếu dân được chính quyền lo cho cái bao tử trong mùa đại dịch thì dân sẽ ở yên trong nhà. Họ đói thì họ phải lăn ra đường kiếm sống thôi. Đâu ai muốn ra đường để đem mầm bệnh về nhà.
Thêm vào đó, nếu tài chánh đủ mạnh thì Chính phủ mới có thể mua vắc xin về chích cho dân chúng. Cứ chích ngừa đầy đủ cho dân thì sẽ ngăn được dịch lây lan, sẽ hạn chế số người tử vong thiêu không kịp như hiện nay."
Một trạm kiểm soát quân sự ở Hồ Chí Minh ngày 23 tháng 8 năm 2021. Reuters
Vào thời điểm này năm ngoái, khi cả thế giới điêu đứng vì Covid-19. Số người nhiễm, người chết nhiều đến mức một số nước phải tính xem nên cứu ai, bỏ ai; một vài tiểu bang ở Mỹ đã phải chôn tập thể những người chết vô thừa nhận thì Việt Nam được coi là chống dịch thành công. Lúc bấy giờ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong một phát biểu tại Quốc hội Việt Nam đã dùng câu nói của người dân Việt về nạn bỏ nước ra đi sau 1975 để ví von ngược lại rằng, thực tại nước Mỹ những tháng qua thì "nếu cột điện ở Mỹ biết đi nó sẽ về Việt Nam".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên Trưởng Ban Phòng Chống Dịch Covid-19, cũng từng tuyên bố: "Dù có nhiều ca nhiễm, dù con vi-rút này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được".
Anh Quang, một người dân ở Quy Nhơn đánh giá cách chống dịch của chính quyền hiện nay là chủ quan và kiêu ngạo. Anh giải thích :
"Cách chống dịch thời gian qua cho thấy chính quyền rất lúng túng. Nó thể hiện ở chỗ đưa ra một giải pháp để thực hiện, thấy không ổn lại thay bằng giải pháp khác. Đảo lộn liên tục làm dân không biết đâu mà lần. Nội chuyện cái giấy đi đường, lúc giấy này lúc giấy khác…
Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, việc lúng túng của chính quyền nó xuất phát từ ‘thói kiêu ngạo cộng sản’. Năm ngoái, khi cả thế giới điêu đứng vì dịch thì số ca nhiễm ở Việt Nam rất ít, số người chết đếm trên đầu ngón tay. Từ đó Việt Nam tự phụ cho rằng chống dịch tốt. Chính quyền chủ quan khiến dân cũng chủ quan. Đến khi dịch bùng phát thì trở tay không kịp. Vì chủ quan nên không chuẩn bị các điều kiện vật chất, y tế đối phó dịch bệnh."
Cách chống dịch của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh bị coi là mắc quá nhiều sai lầm thì mới đây, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy Hà Nội lập lại những sai lầm tương tự, như chủ trương xét nghiệm toàn thành phố, cấp giấy đi đường, thành lập các chốt chặn…
Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông :
"Dịch bệnh hay nói cách khác là Covid, là một hiện tượng động mà tính động của nó rất mạnh nhưng hiện nay rất nhiều người Việt Nam tiếp nhận nó theo quan điểm tĩnh. Ví dụ chủ trương xét nghiệm toàn bộ dân Hà Nội trong vài ngày để phân loại và tách riêng nhóm mắc bệnh và không mắc bệnh là tư duy tĩnh, không phải tư duy động. Như vậy là đưa một giải pháp tĩnh để giải quyết một hiện tượng động thì sẽ không có hiệu quả. Tôi chỉ muốn lấy một ví dụ và nhìn sự việc dưới góc nhìn toán học như thế.
Tất nhiên là không ai quen với việc chống đại dịch, nhưng quan trọng là khi nghe thấy đã chọn phương pháp sai thì phải dám thừa nhận để thay đổi tư duy, thay đổi phương thức khác tốt hơn. Cùng nhau ‘mò mẫm’ trong cách chống đại dịch. Tức là phải có môt thái độ thành tâm tiếp nhận vấn đề. Một người khôn nói một trăm câu cũng có câu dại; một người dại nói một trăm câu cũng có câu đúng. Đó là cách tiếp cận."
Giáo sư Đặng Hùng Võ kết luận, lãnh đạo giỏi phải biết nhìn xa. Hôm nay có thể được coi là chiến thắng thì phải biết chuẩn bị cho trận chiến tiếp theo nếu có, không thể hả hê, ngủ quên trên chiến thắng để đến khi bị tấn công thì trở tay không kịp.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 08/09/2021
***********************
Sao có thể nói ‘mỗi trường học là một pháo đài chống dịch’ ?
RFA, 07/09/2021
"Mỗi trường học là một pháo đài chống dịch ; mỗi giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên là một chiến sĩ để chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19".
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn Courtesy moet.gov.vn
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi khởi động phong trào thi đua nhân khai giảng năm học 2021/2022 vào ngày 1/9.
Những ngày sau đó, dư luận mạng xã hội đã bàn tán rất nhiều về phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo ‘mỗi trường học là một pháo đài chống dịch’ Thậm chí có người còn phản ứng cho rằng, chẳng lẽ Bộ trưởng muốn đưa các em học sinh lên tuyến đầu chống dịch.
Chị Huỳnh Hằng, một phụ huynh hiện sống ở Đà Nẵng, khi trao đổi với RFA hôm 7/9, nói :
"Tướng lĩnh, binh hùng còn chưa chống lại đại dịch, nghĩa lý gì các em học sinh đúng không ? Những lời nói như rập khuôn từ một lập trình đã soạn sẵn, nếu dịch Covid-19 chưa ổn thì tất cả học sinh cần được ở nhà để an toàn, chúng ta đang cần một Bộ trưởng cầu thị, biết lắng nghe, nhưng rốt cuộc toàn sáo rỗng".
Tuy nhiên cũng có nhiều phụ huynh khác nhận định trên trang cá nhân của mình rằng đây có thể chỉ là cách nói cường điệu của vị Bộ trưởng Giáo dục.
Khi nói mỗi trường học, mỗi cơ sở giáo dục là một ‘pháo đài chống dịch’ ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, tập thể lãnh đạo nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch nhằm ứng phó với dịch bệnh và hoàn thành các nhiệm vụ năm học 2021/2022.
Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, nhận định với RFA hôm 7/9 :
"Các lãnh đạo Việt Nam hay nói địa phương này, kia là pháo đài chống dịch, rồi giờ Bộ trưởng Giáo dục lại nói mỗi trường học là pháo đài chống dịch theo tôi, các câu có tính chất khẩu hiệu này các đồng chí lãnh đạo không nên nói nữa. Bởi vì bây giờ nó không thiêng, chúng ta chỉ nên dùng những từ dân dã thôi. Ví dụ có thể nói các trường học phải lên kế hoạch phòng chống dịch cho tốt, chứ dùng những câu kia khiến mạng xã hội phân tích, nó không hay. Tuy nhiên nếu nói nghiêm túc, việc chống dịch trước hết là của các cơ quan chức năng, còn người dân thì tuân thủ các biện pháp chống dịch… Riêng học sinh mà nói đưa lên làm nhiệm vụ tuyến đầu, là pháo đài chống dịch thì không phù hợp các em. Thay vào đó phải nói các em thực hiện biện pháp 5K để phòng chống dịch cho tốt. Nói dân dã nhưng đúng bản chất thì hay hơn là dùng từ pháo đài chống dịch".
Tất nhiên, nếu ông Bộ trưởng chỉ nói các trường nên chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh và sẵn sàng chuyển trạng thái hoạt động sang trực tuyến nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn thì chắc hẳn ai cũng ủng hộ.
Một bé học sinh đang học online (ảnh minh họa). Reuters.
Trước đó, Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam đưa ra khung thời gian khai giảng năm học 2021/2022, sớm nhất là ngày 23/8 các địa phương có thể cho học sinh lớp 1 tựu trường, các khối lớp còn lại là 1/9 Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, với tình hình dịch bệnh hiện nay thì nên lùi thời điểm khai giảng năm học mới.
Liên quan vấn đề này, Thầy Đỗ Việt Khoa nhận định :
"Nếu khai giảng online như Hà Nội vừa rồi và học online luôn thì cũng được, tình thế phải làm vậy, chứ dạy học tập trung từ bây giờ thì phải căn cứ vào từng địa phương. Nếu địa phương nào 15 ngày không có dịch thì khai giảng truyền thống cũng được, còn lại địa phương nào có dịch mà làm như thế thì rất nguy hiểm. Các địa phương phải lưu ý cái này, vừa rồi chúng ta đã trả giá đắt vụ tổ chức 30/4 ở Sài Gòn, rồi tổ chức thi tốt nghiệp ở một số địa phương đang có dịch đã gây ảnh hưởng, làm dịch bùng phát phải rút kinh nghiệm".
Trong khi đó, một phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu tên cho biết, việc khai giảng năm học mới nên lùi lại vài tuần :
"Thành phố thì đang giãn cách xã hội, ngành y tế thì đang gồng mình chống dịch, theo ý kiến cá nhân tôi, việc lùi ngày khai giảng vài tuần cũng khá là hợp lý".
Sở dĩ có ý kiến này vì tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có quyết định cho các trường tiểu học bắt đầu năm học mới từ ngày 8/9 với việc tổ chức lớp và củng cố kiến thức và đến ngày 20/9 học qua internet. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tại Thành phố Hồ Chí Minh có con vào lớp 1 niên học 2021/2022 khi trao đổi với phóng viên RFA TV bày tỏ lo ngại việc học online sẽ bị phá hỏng, vì kỹ năng tiếp thu qua máy tính của các bé lớp Một chưa có, do đây là lứa tuổi lo chơi hơn học.
Trở lại với cách nói của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn rằng ‘mỗi trường học là một pháo đài chống dịch’. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, khi trao đổi với RFA tối 7/9, giải thích :
"Ngôn ngữ phản ánh tư duy, mà Việt Nam thì có một lịch sử chiến tranh có thể nói là nặng nề và kéo dài hơn nhiều nước khác. Do đó thì cái tư duy nhìn mọi việc theo kiểu chiến tranh nó lan vào ngôn ngữ bình thường, ngôn ngữ hàng ngày. Và cái đó không chỉ riêng giáo dục, ông Thủ tướng nói chống dịch như chống giặc, sinh viên mùa hè đi giúp dân thì gọi là chiến dịch mùa hè xanh rồi người ta hay nói mấy ông bộ trưởng là Tư lệnh ngành những cách nói theo kiểu quân đội, theo kiểu chiến tranh đấy đầy rẫy trong cách ăn cách nói của người Việt nói chung, chứ không chỉ ông Bộ trưởng giáo dục. Thành ra có thể nói chiến tranh chưa ra khỏi đầu óc của người Việt. Cho nên khi người ta phản ứng nói không lẽ giáo dục cũng đưa chiến tranh vào, thì phản ứng đó lành mạnh. Là vì người ta thấy đã đến lúc nên chia tay với tư duy chiến tranh đó".
Tuy nhiên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng không tin rằng, những phản ứng đó có đủ sức làm thay đổi ngay được cách ăn, cách nói kiểu quân đội như thế. Bởi vì ngôn ngữ mà muốn thay đổi thì con số hàng chục năm đã là quá ngắn và phải lâu lắm mới thay đổi được.
Nguồn : RFA, 07/09/2021
*********************
Nhốt tù toàn dân, Phạm Minh Chính muốn ra đòn gì ?
Bích Ngọc, Thoibao.de, 06/09/2021
Với cách chống dịch cực đoan như hiện nay, ông Phạm Minh Chính đã chứng tỏ cho cả thế giới biết : chính quyền cộng sản Việt Nam không có chiến lược nào chống dịch. Chỉ là đè lên nỗi khổ lên đầu dân mà thôi. Điều mà người dân có thể nhận thấy là không khí ngột ngạt bị cấm đoán khắp nơi. Với chính sách cực đoan như vậy, nếu chống được dịch thì không nói gì, đàng này đã qua 3 tháng ròng mà không kiểm soát nổi cơn đại dịch.
Tờ Le Journal de Montreal của Canada đăng bài “Hà Nội nhà tù lộ thiên”
Với cách chống dịch quái đản như vậy, AFP đã giật tít, "Hà Nội biến thành nhà tù". Sau đó là tờ Metrotime của Bỉ đăng lại, tờ Le Point đăng lại và tờ Le Journal de Montreal cũng đăng lại. Nói chung thông tin tràn ngập trên báo chí tiếng Pháp khắp thế giới. Thêm vào đó là tờ Nikkei Asia xếp Việt Nam đứng đội sổ về khả năng chống dịch với vị thứ 121/121 quốc gia khảo sát. Năm 2020, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rêu rao về khả năng chống dịch của chính quyền cộng sản Việt Nam đầy vẻ kiêu ngạo với nào "tập đoàn quân tinh nhuệ", nào là nhất để tấn công "mấy trăm du kích quân F0" và sớm khải hoàn. Còn kiêu ngạo đến mức ông Vũ Đức Đam lại nói "con virus ở đâu nó nguy hiểm chứ ở Việt Nam ta nó sẽ không làm gì được". Chính quyền cộng sản đã mất một thời gian khá dài, tự rung đùi tán thưởng mà không hề chuẩn bị cho tình huống giả định nào cả. Để rồi đến nay khi đại dịch ập đến thì trở tay không kịp.
Điều gì phải đến đã đến khi mà Covid-19 thực sự đe dọa, nguồn lực trong dân đã bị cạn kiệt sau mấy lần bị cách li chặn đứng các phương kế mưu sinh dân ; nguồn lực quốc gia cũng đã huy động tối đa nhưng đánh vào không khí. Đặc biệt, đội ngũ y tế đang hằng ngày bị vắt cạn từng sinh lực cần phải biết sử dụng tiết kiệm, nhưng chính quyền cộng sản đã lãng phí nhân lực làm cho ngành y không đủ khả năng chữa trị nhiều ca nặng. Kết quả là tỷ lệ tử vong ở Việt Nam cao ngất ngưởng, cao gần gấp 3 lần so với Thái Lan. Có thể nói hoàn cảnh Việt Nam hiện nay là tan hoang, dân thì không biết chết do đói hay chết do bệnh. Chống dịch đã thất bại thảm hại. Tuy nhiên cho tới hôm nay vẫn chưa thấy Đảng cộng sản có dấu hiệu nhận ra sai lầm. Họ vẫn trượt theo lối mòn bất chấp việc dân kiêu cứu thấu trời xanh.
Nhốt tù toàn dân là hoàn toàn chính xác
Có những y bác sĩ, đã ba tháng nay chưa được về nhà. Phần vì công việc quá tải không có người thay thế, phần vì chính quyền cộng sản ngăn sông cấm chợ, không có lưu thông, có muốn về cũng về không được. Không những dân bị nhốt tù mà cả những bác sĩ, y tá cũng bị nhốt tù. Đến 3 tháng ròng rã mà không được đặt chân về nhà thì quả là kinh hoàng. Dân cũng kinh hoàng mà bác sĩ, y tá, điều dưỡng cũng cảm thấy kinh hoàng.
Nếu tới ngày 21/9/2021, Hà Nội vẫn cứ không thuyên giảm lượng F0 như hiện nay, thành phố định sẽ "nhốt dân" thêm bao lâu ? Chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền nhìn nhận ra cái sai của họ. Những người điều hành đất nước mà phớt lờ tiếng nói phản biện thì hậu quả thật là kinh khủng. Hàng triệu người bị nhốt, trong khi đó con virus nó tấn công rất nhiều nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Nhưng không một quốc gia nào nhốt tù toàn dân như Việt Nam, ngoại trừ nhà nước Trung Quốc. Cái hay của Trung Quốc thì nhà nước cộng sản không chịu học mà lại đi học cái dở của họ. Chính vì học cái dở của người ta mà nay dân Việt Nam càng ngày càng khốn khổ.
Cách chống dịch của Đảng cộng sản Việt Nam không vì sinh mạng và sức khoẻ người dân mà là vì thành tích thì đúng hơn. Chính vì thế mà suốt 22 tháng ròng rã, các nước trên thế giới chìm trong hoạ dịch covid nhưng Đảng cộng sản không biết chuẩn bị mà ngược lại, họ chỉ biết tô vẽ thành tích để báo chí ca tụng. Rồi đây hoạ Covid khủng khiếp hôm nay họ cũng tìm cách chối bỏ trách nhiệm và đổ tại "thiên tai" như mọi khi cho mà xem. "Mất mùa đổ tại thiên tai, được mùa thì bảo tại thiên tài đảng ta", dân gian thường sử dụng câu nói ấy để ám chỉ bản chất của chế độ này. Quả là không sai. Thực tế cho thấy, suốt năm 2020, Đảng cộng sản đẩy lùi được dịch là do may mắn nhưng nộ máy tuyên giáo đã hoạt động hết công suất để ca tụng thành quả. Một nhà nước mà thích tự sướng và vô trách nhiệm như thế thì người dân Việt Nam còn gánh khổ dài dài. Rất đáng lo ngại.
Nhiễm tư duy chuyên chính vô sản quá nặng
Chuyên chính vô sản hay còn gọi là bạo lực cách mạng, là cách dùng súng đạn giải quyết vấn đề mà không cần dùng lí lẽ. Mỗi lần bế tắc thì Chính quyền cộng sản lị mang súng đạn ra giải quyết, và trường hợp dịch Covid vẫn vậy, Đảng cộng sản cứ nghĩ đó là thời chiến và họ đã huy động quân đội mang súng AK vào cuộc. Kết quả thất bại như thế nào thì ai cũng thấy, dân bị hạch sách, bị ngăn cản đủ đường nhưng dịch thì vẫn không kiểm soát được. Đây là thực tế nhãn tiền đang diễn ra.
Chống dịch cần tư duy khoa học chứ không phải cần bạo lực. Chống dịch là để giảm thiểu nhất mối đe dọa của dịch tới tính mạng con người chứ không phải để tạo thêm những sang chấn lên sức khỏe tâm thần của con người. Chống dịch là để một quốc gia, một thành phố và người dân trong đó vẫn vận hành với độ an toàn cao nhất chứ không phải để họ bị đe doạ cao nhất. Doạ cho dân sợ, ép cho dân hết đường sống thì cũng không thể diệt được virus.
Thực trong số những người nhiễm virus, thường có khoảng 80% là nhẹ và trung bình, 20% nặng và nguy kịch. Tử vong thường xảy ra ở những người chuyển nặng này mà không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. 77% bệnh tử vong ờ Sài Gòn trong tháng qua chủ yếu xảy ra ờ "tầng 2" : nơi không có đủ thuốc men và trang thiết bị (máy thở oxy dòng cao, oxy từ bồn), khi cần chuyển viện thì tháp trên lại quá tải, bệnh nhân chết trên xe cấp cứu… Tuy nhiên với tư duy chống dịch như chống giặc thì chính quyền cộng sản đã quá lãng phí nhân lực ngành y.
Hà Nội vẫn còn thời gian để học những bài học từ Sài Gòn. Thay vì sợ hãi "bung, toang" như Sài Gòn rồi siết chặt mà phải chuẩn bị tình huống khi dịch lây lan như Sài Gòn vẫn không bị rơi vào bị động.
Càng không muốn tình huống xấu nhất xảy ra càng phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Nên tập trung vaccine tiêm cho nhóm nguy cơ cao (trên 55 tuổi và có bệnh nền) ; nên tập trung vaccine cho nhóm lao động mà khi dịch lan rộng người dân vẫn cần như shippers, nhân viên bán hàng… Sự có mặt của lực lượng vũ trang trong vùng dịch cũng làm được nhiều việc rất ý nghĩa. Nhưng, lực lượng vũ trang cũng là con người, cũng có nguy cơ trở thành F0 lại không chuyên nghiệp khi mua bán và giao hàng như đội quân bán hàng, shippers chuyên nghiệp.
Thay vì cấm nhà thuốc bán về đêm như Sài Gòn, Hà Nội nên làm ngược lại, trong một khu phố phải đảm bảo có nhà thuốc bán về đêm. Người dân vẫn mắc các bệnh thường xuyên và trong trường hợp khi có F0 tự điều trị tại nhà vẫn có thể kịp thời mua thuốc.
Phạm Minh Chính bất lực ai xử lí ?
Phạm Minh Chính đã loại bỏ Vũ Đúc Đam ra khỏi vai trò là người đứng đầu Ban chỉ đạo về phòng chống dịch. Muốn tước bỏ quyền của Vũ Đức Đam, ông Phạm Minh Chính dựa vào khả năng chống dịch kém, vậy thì khi ông Chính chống dịch kém ai xử lý ? Sẽ không có ai, vì trong chính phủ ông Phạm Minh Chính là người có vị trí cao nhất. Mà trong chế độ cộng sản ai đã cao nhất thì luật pháp bất lực.
Thay thế Vũ Đức Đam nhưng ông Phạm Minh Chính vẫn dẫm lại vết xe đổ mà ông Vũ Đức Đam để lại. Vẫn cấm, mọi vận hành của xã hội bị chặn lại làm doanh nghiệp và hộ gia đình điêu đứng. Từ các hành động chống dịch cho thấy Phạm Minh Chính không hề chuẩn bị kế sách mới nào để khắc phục những thứ tồi tệ mà ông Vũ Đức Đam đã làm.
Nguyễn Xuân Phúc giờ đây là chủ tịch nước. Về vấn đề chống dịch dường như ông Phúc không màn tới nữa. Ông Phúc gần như không tư vấn gì cho ông Phạm Minh Chính. Không phối hợp với ông Chính để ra quyết sách phù hợp.
Hiện nay các địa phương cấm chợ. Sự lạm quyền đã dẫn đến những quyết định ngu ngốc như khóa cổng nhà dân ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa hay hủy hoại tài sản công dân, dứt khoát phải đưa một F1 đi cách li tập trung trong khi điều kiện cách li tại nhà của họ tốt hơn như ở Diễn Châu, Nghệ An.
Các lãnh đạo ở Hà Nội cũng không khá hơn. Cũng tự quyết định biện pháp chống dịch cho Hà Nội. Nhân dân và doanh nghiệp vẫn đang điêu đứng vì những thứ giấy đi đường vớ vẩn hành hạ. Phạm Minh Chính là người chịu trách nhiệm cao nhất trong công tác chống dịch, nhưng ông này dường như thả nổi cho địa phương nào nấy tự ý quyết định.
Phạm Minh Chính giờ là thế lực mạnh nhất nhì trong Đảng cộng sản, công việc lớn đầu tiên trên cương vị thủ tướng xem ra ông này không hoàn thành trách nhiệm. Duy ý chí và rất ngoan cố không nghe lời dân. Lỗi ông Phạm Minh Chính rất lớn, tuy nhiên, không ai có thể xử lý được ông này. Dân phải chấp nhận khổ thôi.
Bích Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn : – Thoibao.de, 06/09/2021
************************
Hạ một số phó thủ tướng, ông Phạm Minh Chính đang muốn "dọn rác" chính phủ
Nguyễn Duy, Thoibao.de, 05/09/2021
Có thể nói chỉ mới ngồi ghế thủ tướng không bao lâu mà ông Phạm Minh Chính đã biết tạo sức mạnh cho mình. Bước đầu tiên là củng cố liên minh với Nguyễn Tấn Dũng bằng cách gia cố quyền lực vững chắc cho Nguyễn Thanh Nghị. Nếu Nguyễn Thanh Nghị không phải là con của Nguyễn Tấn Dũng thì sẽ không có chuyện ông Chính tham gia cuộc họp Bộ Xây Dựng ngay khi cuộc họp đầu tiên của bộ này được triển khai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh minh họa
Đứng bên cạnh Nguyễn Thanh Nghị là ý đồ rất rõ của Phạm Minh Chính. Vì sao Phạm Minh Chính chọn thế lực tưởng như hết thời để liên minh mà không chọn thế lực mạnh nhất hiện nay ? Câu trả lời cũng khá đơn giản, thế lực Nguyễn Tấn Dũng đang hồi sinh với Nguyễn Thanh Nghị nhưng thế lực ông Nguyễn Phú Trọng tuy mạnh nhưng đang hết thời vì không có con kế vị. Cùng lắm là hết nhiệm kỳ thứ ba ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải về vườn. Đó là lý do ông Phạm Minh Chính ngã về phe Ba Dũng. Tuy nhiên ông Chính cũng rất khôn khéo là rất vâng lời với người "sĩ phu Bắc Hà" chứ không chống. Nói chung đường lối của ông Phạm Minh Chính là thêm bạn bớt thù. Bài học gây thù chuốc oán của ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải trả giá như thế nào giờ ông Phạm Minh Chính tút ra bài học rất tốt.
Nguyễn Tấn Dũng xây dựng lợi ích nhóm từ vị trí Thủ tướng và sau đó phủ đầu vị trí Tổng bí thư thế nào thì đó là bài học rất có giá trị cho Phạm Minh Chính. Muốn vậy, ông Chính cần phải xây dựng chính phủ toàn là tay chân thân tín để tạo nên sức mạnh. Mới làm thủ tướng chưa được bao lâu nhưng ông Phạm Minh Chính đã bắt tay làm nhiều điều. Về vấn đề cây dựng mối quan hệ thân hữu, ông Phạm Minh Chính tỏ ra vượt trội hơn người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc. Đó là điều rất dễ thấy.
Phạm Minh Chính đang dọn rác trong chính phủ ?
Khi mới lên nắm quyền thì Phạm Minh Chính chưa thể tạo nên một chính phủ như ý. Vẫn còn rất nhiều người trong chính phủ thuộc phe khác. Khác với Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Minh Chính đã tạo nhiều dấu ấn trong việc củng cố quyền lực hơn ông Nguyễn Xuân Phúc.
Người đầu tiên mà ông Chính muốn đẩy đi, đó là Trương Hòa Bình. Trương Hòa Bình vốn là một người của liên minh Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang. Trương Tấn Sang thì không còn quyền lực gì nữa xem như hết thời và cũng chẳng có thế hệ tiếp nối để hồi sinh, còn Nguyễn Phú Trọng thì quyền lực vẫn còn nhưng là thế lực đang xuống dốc, hết nhiệm kỳ này Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ chẳng còn quyền lực gì, vả lại bản thân ông Trọng cũng không muốn giúp Trương Hòa Bình. Ông Trọng chỉ không đẩy Trương Hòa Bình rời ghế sớm mà thôi, vì thế mà tại Đại hội 13, Trương Hòa Bình đã mất chức ủy viên Bộ Chính Trị và cũng chẳng còn ủy viên Trung Ương Đảng. Với người không còn đứng trong Bộ Chính Trị thì ta tay loại khỏi chính phủ là dễ nhất. Không lý do gì Trương Hòa Bình không thực hiện. Điều đáng nói là sau khi loại Trương Hòa Bình, Phạm Minh Chính chốt luôn danh sách phó thủ tướng chỉ còn 4 người chứ không phải là 5 người như trước đây. Với ít phó, quyền lực sẽ tập trung về thủ tướng nhiều hơn. Đó là lý do tại sao, Phạm Minh Chính không giữ nguyên 5 phó thủ tướng.
Cùng với việc tước quyền làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch của Vũ Đức Đam thì rõ ràng Phạm Minh Chính đang muốn giành lấy quyền lực từ tay phó thủ tướng. Có hai cách thâu tóm quyền lực, cách thứ nhất là loại bỏ đối thủ, cách thứ nhì là tước bỏ quyền lực đối thủ. Với Trương Hòa Bình thì ông Phạm Minh Chính loại bỏ đối thủ, với Vũ Đức Đam là tước bỏ quyền lực đối thủ. Thực tế cho thấy, Phạm Minh Chính đấu đá nhau rất giỏi. Gần như khó có đối thủ nào sánh bằng ngoại trừ ông Nguyễn Phú Trọng.
Vì sao Phạm Minh Chính có sức mạnh vượt trội như vậy ?
Cho đến bây giờ, muốn có thế lực mạnh trong Đảng cộng sản thì phải thân Bắc Kinh. Nếu không thân thì khó mà làm các thế lực khác sợ. Cho đến nay người ta không tìm ra bằng chứng nào cho thấy Nguyễn Phú Trọng thâu tóm tiền bạc, tuy nhiên những kẻ có tiền đầy nhà phải chịu thua trước Nguyễn Phú Trọng. Đó là cái giá của việc thân Trung Quốc. Ông Phạm Minh Chính là con người sắc sảo nên ông ta nhìn ra những lợi thế đó và đã không bỏ lỡ cơ hội để gầy dựng khi làm bí thư tỉnh Quảng Ninh.
Với việc nắm ghế thủ tướng, với nền kinh tế đất nước nằm gọn trong tay, ông Phạm Minh Chính được xem như là có tất cả. Tất vì thể Phạm Minh Chính không ăn lộ liễu như Nguyễn Tấn Dũng để củng cố quyền lực bằng tiền mà Phạm Minh Chính sẽ khôn ngoan hơn. Đó là thực tế mà nếu quan sát kỹ sẽ nhận ra thôi.
Hiện nay có 4 phó thủ tướng là Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành. Ông Phạm Bình Minh được xem là Phó Thủ tướng thường trực, tuy nhiên ông Phạm Bình Minh được xem là lành tính, không thích va chạm vì vậy ông Phạm Minh Chính không lo bị tiếm quyền, còn ông Lê Minh Khái và Lê Văn Thành được xem là người của Phạm Minh Chính. Còn lại Vũ Đức Đam tuy là phó thủ tướng kỳ cựu nhưng lại là người không thủ tướng nào ưa. Từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng, đến thời ông Nguyễn Xuân Phúc rồi đến giờ là Phạm Minh Chính không ai ưa ông Đam. Không ai biết lý do tại sao ông Đam lại bị ghét bỏ như vậy, đã 3 nhiệm kỳ ủy viên trung ương đảng mà vẫn chưa vào được Bộ Chính trị là một câu hỏi to tướng. Đây là điều bất thường.
Ông Vũ Đức Đam được mác Tây học nói tiếng Anh tốt, ông Đam luôn tỏ ra là người có năng lực trước công chúng làm lu mờ đồng nghiệp và cả cấp trên. Tuy nhiên, thực tế là ông Đam không có năng lực như người ta nghĩ, tất cả những gì người dân nghĩ chỉ là hào nhoáng bề ngoài. Qua việc chống đỡ dịch Covid đã phơi bày điều đó. Chính vì thế ùà ông Đam thuộc loại không ai ưa. Và tất nhiên Phạm Minh Chính cũng không ưa ông Đam.
Tham vọng của ông Phạm Minh Chính
Có thể nói không lý do gì để loại bỏ Vũ Đức Đam. Chỉ tước bỏ dần quyền lực của ông Đam thì xem như các phó thủ tưởng nằm gọn trong tầm điều khiển của ông Phạm Minh Chính. Phần còn lại là dọn một số bộ trưởng.
Người mà ông Phạm Minh Chính muốn đẩy đi nhất hiện nay là ông Nguyễn Văn Thể. Ông Thể là người gây rất nhiều tai tiếng nhưng lại không thuộc phe. Vậy nên đưa Nguyễn Văn Thể đi là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Từ sau Đại hội 13 đã có tin ông Nguyễn Văn Thể sẽ về nắm chức phó bí thư thường trực thành phố. Vị trí này sau đó ông Phan Văn Mãi đã chiếm lấy, tuy nhiên mới đây Trung ương đã đẩy Nguyễn Thành Phong đi nên ông Phan Văn Mãi trám vào, và cuối cùng là chiếc ghế phó bí thư thường trực lại trống. Đây là cơ hội tốt để ông Nguyễn Văn Thể ra đi. Ông Thể ra đi trám vào vị trí ông Mãi bỏ lại thì vừa tốt cho ông Phạm Minh Chính và lại vừa tốt cho Nguyễn Văn Thể. Tốt cho ông Phạm Minh Chính là ông ta sẽ có một chính phủ đồng lòng hơn để củng cố quyền lực, tốt cho ông Thể là để ông ta khỏi lạc lõng ở chính phủ Phạm Minh Chính. Vả lại, Bộ Giao thông và vận tải là bộ có khá nhiều người đã đi tù, nếu ông Thể ngồi lại ghế bộ trưởng thì lành ít dữ nhiều. Điều dữ đôi khi nó đến từ ông Phạm Minh Chính.
Ông Phạm Minh Chính là nhân vật chính trị đang lên, và ông Chính đang ráo riết củng cố quyền lực chứ không như ông Nguyễn Xuân Phúc. Trong vòng 6 tháng qua thành tích chống dịch của ông Phạm Minh Chính chỉ là con số không, nhưng thành tích củng cố quyền lực của ông Chính là rất ấn tượng. Nếu ông Chính cứ củng cố quyền lực như thế này, thì có thể nói rằng 5 năm sau, thế lực của ông Phạm Minh Chính sẽ là số một trong Đảng cộng sản.
Tham vọng chính trị thì quan chức cộng sản nào cũng có, nhưng để toan tính củng cố quyền lực cho mình thì khó có ai bì lại ông Phạm Minh Chính ngoại trừ ông Nguyễn Phú Trọng. Chính phủ sau vài lần dọn rác, thì hiện lên toàn phe ông Phạm Minh Chính. Đến lúc đó, sức mạnh chính trị của Phạm Minh Chính sẽ trở nên vô đối.
Nguyễn Duy (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 05/09/2021