Cách chống Covid-19 của chính phủ dưới mắt người dân
Trần Hoàng, Thoibao.de, 11/09/2021
"Theo tôi, cách chống dịch hiện nay là chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Đó là lời bác sĩ Đinh Đức Long nói về cách chống dịch của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh.
Suất cơm thực tế mà y bác sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh chụp lại.
Kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay, dường như Chính phủ bất lực trong việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Người dân cảm thấy bất an với hàng loạt chỉ thị được Chính phủ ban hành bị coi là trái hiến pháp và pháp luật khi ngăn cản người dân đi lại, cấm đoán các hoạt động kinh tế, tước đoạt nhiều quyền tự do khác của người dân. Giãn cách nối tiếp giãn cách với hàng loạt công văn được ban hành.
Công văn đầu tiên ban hành yêu cầu toàn dân thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội trong 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 9 tháng 7 năm 2021.
Công văn mới nhất được ban hành ngày 15 tháng 8 yêu cầu toàn dân thành phố tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đến hết ngày 15 tháng 9 năm 2021 với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó".
Tình hình dịch bệnh Covid-19 được cho là đã vượt tầm kiểm soát của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Theo số liệu báo cáo chính thức từ Bộ Y tế, trong bốn tháng qua đã có hơn 13.000 người tử vong vì Covid-19 ; số ca nhiễm mới của cả nước hơn 500.000 người. Tỷ lệ tử vong cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.
Sau này họ mới biết đó là khẩu phần ăn theo tiêu chuẩn 120.000đ/ngày đã bị cắt xén. Suất cơm này nếu mua ở quán cơm tư nhân thì chỉ có giá 10-15 ngàn đồng
Một số chuyên gia y tế cho rằng, chính quyền đã đi sai hướng nên dịch bệnh bùng phát. Bác sĩ Đinh Đức Long nói với RFA :
"Các nước chống dịch phải dựa vào các chuyên gia dịch tễ học lâm sàng, tức là các nhà y học chuyên ngành về lâm sàng.
Đằng này, Việt Nam, cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh lại chống dịch dựa vào các nhà chuyên gia về hành chính công.
Mà nói về luật hành chính, quan hệ hành chính là quan hệ phục tùng. Nghĩa là cấp dưới phục tùng cấp trên.
Như vậy tư duy chống dịch của họ sai khi chống dịch bằng quan hệ hành chính. Tư duy đó là tư duy trấn áp, mệnh lệnh. Không thể ra lệnh cho con vi-rút không được phát triển.
Tại hội nghị trực tuyến Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh hôm 25 tháng 7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thừa nhận không khống chế được dịch là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp.
Thêm vào đó, việc giãn cách của người dân không hoàn toàn nghiêm túc làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch.
Sư cô Diệu Hạnh ở quận Bình Thạnh chia sẻ với RFA cách chống dịch của chính quyền mà cô cho rằng sẽ không thành công nếu cứ tiếp tục :
"Mấy ổng lúng túng thấy rõ. Thay đổi quy định liên tục dân không biết đâu mà lần, mà tin. Thay đổi cả trưởng ban chống dịch luôn. Nói cho dân nghèo mỗi người triệu rưởi có thấy đâu.
Tự nhiên đem y bác sĩ từ ngoài Bắc vô, đem quân đội vô rầm rộ làm dân sợ chứ không thấy an toàn, an tâm chút nào hết.
Mấy ổng có cả năm trời học mấy nước khác chống dịch mà không chịu học, không chịu chuẩn bị vắc xin cho dân. Tiền dân đóng thuế, đóng vô quỹ vắc xin đâu hết rồi ? Dân đói, dân bịnh, dân chết nhiều như vậy mấy ổng chịu trách nhiệm như thế nào ?
Người ta nói lãnh đạo dốt, dân khổ. Tui thấy đúng quá. Đến lúc dân phản đối thì bắt người ta. Chống dịch bằng công an, bằng nghị quyết. Cách chống dịch đó không bao giờ thành công".
Chủ quan, kiêu ngạo
Khi dịch bệnh đang căng thẳng, dường như vượt tầm kiểm soát ở thành phố Hồ Chí Minh thì Thủ tướng Phạm Minh Chính được phân công thay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19.
Quyết định được đưa ra khi ông Đam đang đi thị sát chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, hôm 24 tháng 8.
Trước đó vài ngày, một cuộc "thay tướng giữa đường" trong lúc đợt dịch Covid-19 thứ tư đang diễn biến nghiêm trọng tại thành phố Hồ Chí Minh cũng xảy ra. Đó là Bộ Chính trị ban hành quyết định điều chuyển đương kim Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Người thay thế là ông Phong là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.
Hôm 9/9, chính quyền đã nhận sai và xin lỗi sau khi hàng trăm người dân phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh tập trung tại trụ sở chính quyền phường để chất vấn về vấn đề cứu trợ trong đại dịch Covid-19
Anh Tùng, một người dân quận 6 nhận định rằng, cách chống dịch ở Việt Nam hiện nay không lấy dân làm trọng mà lấy chế độ làm trọng. Họ không nghĩ đến dân mà chỉ nghĩ làm sao để bảo vệ chế độ đừng sụp đổ nên họ chống dịch bằng công an, quân đội. Anh nói : "Việt Nam sẽ không chống dịch thành công bởi thiếu cả hai yếu tố : lãnh đạo giỏi và tài chánh đủ mạnh.
Thứ nhất, dàn lãnh đạo hiện tại ở Việt Nam không được dân bầu lên từ những cá nhân tài giỏi.
Họ ngạo nghễ trên cái mà họ cho là chiến thắng đại dịch hồi năm ngoái, không có tầm nhìn xa trông rộng.
Các phương thức của Việt Nam đang làm hiện nay không dựa theo khoa học để đối phó với đại dịch, kiểm soát đại dịch, mà dựa trên phương thức Nhà nước để quản lý người dân.
Muốn kiểm soát người dân bằng cách nhốt dân trong nhà theo chỉ thị ‘ai ở đâu ở yên đó’ thì Chính phủ phải chu cấp tiền cho dân. Đây là điểm yếu thứ hai của Việt Nam.
Bao nhiêu tiền đem đi xây tượng đài, cổng chào và chui vào túi các quan chức từ địa phương trung ương.
Cứ nhìn những vụ quan chức tham nhũng, chui vào ‘lò’ của ông Trọng thì sẽ hiểu.
Nếu dân được chính quyền lo cho cái bao tử trong mùa đại dịch thì dân sẽ ở yên trong nhà. Họ đói thì họ phải lăn ra đường kiếm sống thôi. Đâu ai muốn ra đường để đem mầm bệnh về nhà.
Thêm vào đó, nếu tài chánh đủ mạnh thì Chính phủ mới có thể mua vắc xin về chích cho dân chúng. Cứ chích ngừa đầy đủ cho dân thì sẽ ngăn được dịch lây lan, sẽ hạn chế số người tử vong thiêu không kịp như hiện nay".
Vào thời điểm này năm ngoái, khi cả thế giới điêu đứng vì Covid-19. Số người nhiễm, người chết nhiều đến mức một số nước phải tính xem nên cứu ai, bỏ ai ; một vài tiểu bang ở Mỹ đã phải chôn tập thể những người chết vô thừa nhận thì Việt Nam được coi là chống dịch thành công.
Lúc bấy giờ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong một phát biểu tại Quốc hội Việt Nam đã dùng câu nói của người dân Việt về nạn bỏ nước ra đi sau 1975 để ví von ngược lại rằng, thực tại nước Mỹ những tháng qua thì "nếu cột điện ở Mỹ biết đi nó sẽ về Việt Nam".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên Trưởng Ban Phòng Chống Dịch Covid-19, cũng từng tuyên bố : "Dù có nhiều ca nhiễm, dù con vi-rút này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được".
Số liệu chi ngân sách cho Bộ Công an là 96 ngàn tỷ, trong khi đó chi cho Bộ y tế chỉ có 9,1 ngàn tỷ. Cho thấy ngành Công an được chi gấp 10 lần so với ngành y tế. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ tử vong vì covid-19 ở Việt Nam gần như cao nhất thế giới
Anh Quang, một người dân ở Quy Nhơn đánh giá cách chống dịch của chính quyền hiện nay là chủ quan và kiêu ngạo. Anh giải thích :
"Cách chống dịch thời gian qua cho thấy chính quyền rất lúng túng. Nó thể hiện ở chỗ đưa ra một giải pháp để thực hiện, thấy không ổn lại thay bằng giải pháp khác.
Đảo lộn liên tục làm dân không biết đâu mà lần. Nội chuyện cái giấy đi đường, lúc giấy này lúc giấy khác…
Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, việc lúng túng của chính quyền nó xuất phát từ theo kiêu ngạo gọi là ‘thói kiêu ngạo cộng sản’.
Năm ngoái, khi cả thế giới điêu đứng vì dịch thì số ca nhiễm ở Việt Nam rất ít, số người chết đếm trên đầu ngón tay. Từ đó Việt Nam tự phụ cho rằng chống dịch tốt.
Chính quyền chủ quan khiến dân cũng chủ quan. Đến khi dịch bùng phát thì trở tay không kịp. Vì chủ quan nên không chuẩn bị các điều kiện vật chất, y tế đối phó dịch bệnh".
Cách chống dịch của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh bị coi là mắc quá nhiều sai lầm thì mới đây, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy Hà Nội lập lại những sai lầm tương tự, như chủ trương xét nghiệm toàn thành phố, cấp giấy đi đường, thành lập các chốt chặn…
Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông :
"Dịch bệnh hay nói cách khác là Covid, là một hiện tượng động mà tính động của nó rất mạnh nhưng hiện nay rất nhiều người Việt Nam tiếp nhận nó theo quan điểm tĩnh.
Ví dụ chủ trương xét nghiệm toàn bộ dân Hà Nội trong vài ngày để phân loại và tách riêng nhóm mắc bệnh và không mắc bệnh là tư duy tĩnh, không phải tư duy động. Như vậy là đưa một giải pháp tĩnh để giải quyết một hiện tượng động thì sẽ không có hiệu quả. Tôi chỉ muốn lấy một ví dụ và nhìn sự việc dưới góc nhìn toán học như thế.
Tất nhiên là không ai quen với việc chống đại dịch, nhưng quan trọng là khi nghe thấy đã chọn phương pháp sai thì phải dám thừa nhận để thay đổi tư duy, thay đổi phương thức khác tốt hơn.
Cùng nhau ‘mò mẫm’ trong cách chống đại dịch. Tức là phải có môt thái độ thành tâm tiếp nhận vấn đề. Một người khôn nói một trăm câu cũng có câu dại ; một người dại nói một trăm câu cũng có câu đúng. Đó là cách tiếp cận".
Giáo sư Đặng Hùng Võ kết luận, lãnh đạo giỏi phải biết nhìn xa. Hôm nay có thể được coi là chiến thắng thì phải biết chuẩn bị cho trận chiến tiếp theo nếu có, không thể hả hê, ngủ quên trên chiến thắng để đến khi bị tấn công thì trở tay không kịp.
Trần Hoàng (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 11/09/2021
************************
Covid ở Việt Nam : Khi lãnh đạo ‘thất học’
Nguyễn Hùng, VOA, 11/09/2021
Với khí thế của chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập ở Sài Gòn cách đây đã hơn 45 năm, Việt Nam bước vào "cuộc chiến" chống Covid vẫn ở cùng thành phố, nay với tên Hồ Chí Minh, hồi tháng Tư năm nay.
Một chốt chặn kiểm soát dịch bệnh ở Quảng Ninh, ngày 29/1/2021.
Sài Gòn năm xưa thất thủ nhưng Hồ Chí Minh năm nay lại cũng chào thua. Covid chủng mới chẳng ngán gì ý thức hệ và các loại "vũ khí" vừa lạc hậu và vừa được triển khai muộn.
Vậy sau nửa năm "chống dịch" gần đây nhất, Việt Nam giờ ở đâu ?
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới được cập nhật hôm 9/9/2021, Số ca nhiễm ở Việt Nam đang tiến dần tới con số 600.000 ca nhiễm và số người chết vì Covid đã vượt quá 14.000. So với hai nước láng giềng, Cam-Pu-Chia có gần 100.000 người nhiễm và 2.000 người tử vong ; Lào có gần 17.000 người nhiễm và 16 người tử vong.
Nhưng phải so với Thái Lan mới thấy khả năng chữa trị và phòng bệnh của Việt Nam yếu kém tới đâu so với khu vực. Thái Lan có hơn 1,3 triệu ca nhiễm, gấp hơn hai lần Việt Nam nhưng số người chết của họ chưa tới 14.000, kém số ca tử vong ở Việt Nam.
Chỉ có hai yếu tố lý giải được tỷ lệ tử vong thấp bằng nửa Việt Nam của Thái Lan ; sự chăm sóc và cứu chữa bệnh nhân của họ tốt hơn và số người đã được tiêm vắc-xin của họ cũng nhiều hơn Việt Nam. Điều này có thể hiểu được vì Thái Lan chi tiêu nhiều hơn cho y tế so với Việt Nam và khả năng quản trị xã hội của họ cũng nhỉnh hơn. Theo số liệu của World Bank, được cập nhật lần cuối vào năm 2018, Thái Lan có chi tiêu bình quân đầu người cho y tế là 275 đô la, đứng thứ 101 trên thế giới trong khi Việt Nam xếp thứ 125 với mức chi tiêu 151 đô la.
Một điều đã được nhiều người chỉ ra là sự kiêu ngạo không đúng lúc của Việt Nam đã góp phần tạo ra sự vỡ trận. Niềm tin vô căn cứ rằng Việt Nam có dư khả năng "thắng" Covid khiến các nhà lãnh đạo không có sự chuẩn bị về mặt y tế dẫn tới sự quá tải, về mặt an sinh xã hội dẫn tới người nghèo khó bị bỏ rơi, về mặt chính sách dẫn tới việc ban hành những mệnh lệnh không có tính khả thi và làm tình hình thêm tồi tệ.
Kết quả là nhiều ngàn người đã chết oan vì Covid, chưa kể những người chết vì đói và chết vì các bệnh khác do ngành y tế quá tải không cứu chữa được họ. Đó là còn chưa kể tới sự trả giá khác trong đó có sức khoẻ tâm thần, sự phá sản của các doanh nghiệp khiến không những chủ mà cả nhân viên sẽ điêu đứng sau dịch và sự chững lại của cả nền kinh tế mà khả năng hồi phục của nó bị xếp thứ125/125 nước có tên trong danh sách của Nikkei từ Nhật Bản hồi cuối tháng Tám.
Hô 4.0, dùng 0.4
Các nhà lãnh đạo Việt Nam không những không chịu học những bài học chống dịch từ cả năm trước của thế giới. Họ cũng không chịu học từ chính những thất bại của họ. Chẳng hạn thành phố Hồ Chí Minh từng thay đổi chính sách giấy đi đường vào cuối tuần để áp dụng ngay đầu tuần sau đó khiến người dân xếp hàng dài chờ qua các chốt kiểm soát trong điều kiện không đảm bảo giãn cách xã hội. Thế nhưng Hà Nội vẫn đi theo vết xe đổ này nhiều tuần sau đó, ngay cả khi Đà Nẵng đã thành công trong việc cấp giấy đi đường qua mạng để hạn chế tiếp xúc khi người dân cần có giấy phép. Chuyện bắt người dân phải lên phường hay tới cơ quan công an cũng khiến người dân đặt câu hỏi liệu có phải chính quyền đang hô hào công nghệ 4.0 nhưng lại dùng công nghệ 0.4.
Một trong những bài học nữa mà Việt Nam không chịu học của thế giới là người già cần được tiêm vắc-xin trước những người trẻ tuổi vì họ dễ tử vong vì Covid hơn vài chục lần so với những người trẻ hơn họ vài chục tuổi. Nhưng "vắc-xin ông ngoại", ông anh, ông quen biết khiến cho nhiều người già ở thành phố Hồ Chí Minh chưa kịp tiêm vắc-xin đã qua đời. Việt Nam cũng có quy trình tiêm vắc-xin kéo dài cả tiếng cho mỗi người, lâu gấp nhiều lần so với các nước có nền y tế tiên tiến trên thế giới. Điều này, cộng với sự thiếu hụt nhân lực, khiến cho quy trình tiêm vắc-xin chậm hơn nhiều so với mức cần thiết. Người ta cũng có thể đặt câu hỏi liệu có phải Việt Nam không muốn ưu tiên toàn bộ vắc-xin cho người có tuổi bởi vì họ không còn có thể đóng góp nhiều cho xã hội và nếu họ có qua đời nhà nước thậm chí còn khỏi phải trả lương hưu cho họ ?
Ngoài ra Việt Nam cũng là nước hiếm hoi trên thế giới khổ vì chữ F. Hết F0, tới F1, F2… bị truy vết, bị bắt nhốt và bị kỳ thị. Chính sách bắt nhốt người lây nhiễm hay những ai tiếp xúc với người lây nhiễm khiến nhiều người mắc bệnh oan vì điều kiện cách ly không đảm bảo vệ sinh và không đủ không gian để có giãn cách xã hội đúng mức.
Điều cuối cùng Việt Nam hiểu ra quá muộn màng, sau khi hơn một vạn người đã chết vì Covid chỉ trong vài tuần, là "cuộc chiến" chống Covid không thể dùng lý luận, khẩu hiệu và hung khí. Nó cần tới não, tới khoa học và tới công nghệ. Tiếc thay cả ba thứ này của các nhà lãnh đạo Việt Nam đều thật là thiểu não. Bảo sao họ vẫn có thể chẳng sượng sùng mà nói "Việt Nam đã bao giờ được như thế này chưa" trong khi nước đông dân trong tốp 20 của thế giới nghiên cứu mãi chưa sản xuất ra vắc-xin và người dân bảo "vắc-xin là vác rá đi xin".
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 11/09/2021
**********************
Đại dịch, thân phận và phẩm giá không có giá trị !
Trân Văn, VOA, 11/09/2021
UBND thành phố Vũng Tàu (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa rút lại yêu cầu : Người cần cấp cứu và những người vận chuyển họ phải có giấy cho phép đi lại. Yêu cầu vừa kể được nêu trong quy định mới về hạn chế đi lại, được công bố chiều 9 tháng 9 và sau khi bị chỉ trích kịch liệt, đến cuối ngày, trong hướng dẫn thực thi không đề cập đến nữa (1).
Dòng người kéo nhau về quê vào ngày 15/8/2021 sau khi Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thực hiện giãn cách xã hội thêm một tháng.
Nhiều người biết chuyện xem yêu cầu vừa kể là ngu dốt, song nhận định đó dường như chưa thật sự chính xác.
Dẫu có dấu hiệu ngu dốt nhưng giống như vô số qui định, yêu cầu mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam ban hành trong gần bốn tháng vừa qua, nguyên nhân chính dẫn tới bất toàn, bất cập trong ban hành, thực thi các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, khiến hậu quả của đại dịch Covid-19 thêm nặng nề, trầm trọng chính là sự tự tin thái quá vào quyền lực nên hành xử tùy tiện, bất kể hậu quả, bất chấp các yêu cầu, qui định đó ảnh hưởng thế nào đến phẩm giá của công dân.
Nếu chỉ vì không đủ tri thức, hiểu biết, thì sau những tình huống "dở khóc, dở cười", sau hậu quả thê thảm đối với cả kinh tế lẫn dân sinh vì những biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm hết sức cực đoan, thiếu viễn kiến ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã không vài lần náo loạn bởi các yêu cầu quái gở liên quan tới giấy đi đường.
Cứ xem thật kỹ những qui định liên quan tới giấy đi đường ở khắp nơi, chắc chắn sẽ nhận ra sự khinh miệt của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền với thường dân : Xem thường cả cá nhân công dân lẫn những pháp nhân đã ra đời và đang hoạt động hợp pháp, nên tất cả giấy đi đường phải được cơ quan hành chính và công an xem xét, phê duyệt !
Tương tự, bất kể chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã bị thực tế đẩy vào thế bị buộc phải chấp nhận cho F0 (những người bị nhiễm Covid-19) cách ly và điều trị tại nhà, thậm chí từ trung tuần tháng 7, hết Bộ Y tế tới Thủ tướng bắt đầu nói đi, nói lại về việc phải chuẩn bị hỗ trợ cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà nhưng sau đó cả tháng.
Người ta vẫn thấy nhiều nơi như Nghệ An - các viên chức hữu trách ở địa phương cạy cửa thông gió, đột nhập vào tư gia một phụ nữ, phá cửa phòng riêng, dùng bạt cuốn bà lại mang vào khu cách ly chỉ vì bà là F1 (có tiếp xúc với F0) (2). Hoặc như Cà Mau, Chủ tịch một phường ở thành phố Cà Mau ra lệnh cho thuộc cấp xông vào nhà cưỡng bức một người đàn ông 49 tuổi, đem ông nhốt vào khu cách ly tập trung chỉ vì ông không hợp tác lấy mẫu test sàng lọc trong cộng đồng (3).
Tại sao ? Hãy nhìn Thủ tướng kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid của Việt Nam. Ông Chính vừa là người chỉ đạođiều trịF0 ngay tại xã, phường vừa yêu cầu nhanh chóng phát hiện F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng(4). Ông Chính cũng là người hô hào "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" thực thi nghiêm ngặttruy vết, cách ly, cô lập người nhiễm Covid-19, khu vực có người nhiễm Covid-19 (5), rồi tuyên bố phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối (6).
Chỉ ở Việt Nam, lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền mới dám thản nhiên phô bày sự bất nhất, tùy tiện đến vô lối như thế bởi dẫu có thế nào họ cũng không phải chịu trách nhiệm. Đại dịch là dịp để thiên hạ có thể thấy rõ hơn, trong mắt của các viên chức hữu trách, dân không phải là đối tượng họ phải phục vụ, dân là đối tượng bị trị.
Nếu… đẩy lùi dịch bệnh vì dân, chắc chắn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cấp trên sẽ không thể để thuộc cấp muốn làm gì thì làm. Tuy mỗi nơi một kiểu nhưng rất nhất quán về bản chất : Bất chấp cả sinh mạng lẫn nhân phẩm công dân, bất kể dân sinh sẽ như thế nào. Sau khi được thực thi, thân phận con người chẳng khác gì rơm, rác.
Đó là lý do hồi hạ tuần tháng 8, thị trấn Văn Điển thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội vừa dỡ bức vách bằng tôn cao 2 mét, dài 200 mét, chia đôi ngõ 54 phố Ngọc Hồi để cô lập dân cư phía bên kia ngõ này vì thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội (7) thì sang thượng tuần tháng 9, tới lượt phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, khóa cổng, không cho dân ngõ 56 phố Đặng Xuân Bảng ra đường cho dù chẳng có ai trong ngõ bị nhiễm Covid-19 hay tiếp xúc với F0 (8).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/09/2021
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/vung-tau-bo-quy-dinh-cap-cuu-phai-xin-phep-phuong-xa/20210910105417509.htm
(2) https://www.facebook.com/100002755938991/posts/3956971707737988/
(3) https://plo.vn/phap-luat/cuong-che-cach-ly-nguoi-tu-choi-test-covid19-nen-khong-1013046.html
*********************
Phạm Minh Chính : Thủ tướng hay Chủ tịch huyện Việt Nam ?
Gió Bấc, RFA, 10/09/2021
Chưa từng kinh qua quản lý nhà nước, lên ngôi ngay lúc đại dịch bùng phát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã sớm chứng tỏ tài năng thiên bẩm, sự tận tâm tận lực. Trên phương tiện truyền thông, ngày nào cũng xuất hiện hình ảnh, diễn ngôn của Thủ tướng. Không như người tiền nhiệm quanh đi quẩn lại chỉ một từ "đầu tàu phát triển", ông Chính đã có nhiều sáng tạo mới lạ. Chống dịch như chống giặc nhưng "phải đạt mục tiêu kép", phải chủ động tấn công dịch dù trong tay không có lấy một liều vắc-xin.
Người Lao Động
Kém là thay, không lằng ngoằng !
Ngặt một nỗi, cấp thừa hành quá yếu kém. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Phong ngoan ngoãn tuân chỉ lệnh, cách ly phong tỏa, ba tại chỗ, một điểm đến hai con đường nhưng tư duy, tầm nhìn nông cạn, chỉ mới sáng tạo được kịch bản 100.000 ca nhiễm và bệnh viện dã chiến 50.000 giường lại còn đòi hỏi 28.000 tỉ đồng và trên 100.000 tấn gạo. Chỉ tách một phát, ông Phong được chuyển về Ban Kinh tế trung ương nghiên cứu chính sách.
Ông Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch trung ương Vũ Đức Đam quá lỏng tay, chỉ mỗi việc phân cấp vắc-xin mà phải năn nỉ ỉ ôi các tỉnh, thành chia sẻ cho Thành phố Hồ Chí Minh lại cao giọng thách thức "ai không làm được hãy đứng sang một bên"
Chỉ một ngày sau, ngày 24/8 lãnh đạo chủ chốt thống nhất phân công Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch ; đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là và thay thế kịp thời các cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch (1).
Ông Đam bị mất chức mà không được đứng sang bên như ông Phong, vẫn phải tiếp tục nằm trong Ban Chỉ đạo.
Thương dân áo mướt mồ hôi
Quả nhiên, khi trực tiếp nắm Trưởng ban, Thủ tướng đã đưa cuộc chiến chống dịch lên tầm cao mới với hàng đoàn Quân đội, Công an từ miền Bắc, từ Tây Nguyên với xe bọc thép, súng AK tiến vào Thành phố Hồ Chí Minh hừng hực khí thế như đại thắng mùa xuân năm nào. Dây kẽm gai, hàng rào sắt dựng lên từ đường chính đến hang cùng ngỏ hẻm. "Ai ở đâu, ở đó". "Mỗi phường xã thành một pháo đài". Chỉ có quân đội gác đường và đi chợ hộ người dân. Làn sóng hàng vạn người lao động nhập cư các tỉnh trả nhà trọ "chạy giặc" về quê đã được bộ đội chặn đường thuyết phục phải quay về lơ ngơ tìm nơi nương náu. Hàng vạn người thiếu hiểu biết, hoang mang đi vét hàng dự trữ ùn ứ các cửa hàng cũng được quân đội, công an thuyết phục quay về.
Đường phố sạch bóng con người. Shipper ngừng hoạt động. Siêu thị, cửa hàng thực phẩm không bán trực tiếp cho khách hàng mà chỉ qua kênh mua hộ của Bộ đội. Trong vòng một ngày, kinh tế hàng hóa thị trường lạc hậu đã thẳng tiến lên kinh tế xã hội chủ nghĩa mua theo nhu cầu bán theo khả năng combo. Muốn mua cọng rau phải kèm con cá, cần mua nước mắm phải lấy tương chao. Đặt hàng hôm nay sẽ nhận ngày mai, ngày kia tùy hỉ…
Khác biệt với lãnh đạo che ô !
Hình ảnh gần dân của Thủ tướng Phạm Minh Chính lại càng ngời sáng không có gì so sánh nổi với "cái áo đẫm mồ hôi" khi đi thị sát nhiều địa điểm khác nhau ở các vùng tâm dịch.
Nó không chỉ là ẩn dụ lấn át ngọn đèn đom đóm của ai đó mà báo chí lề phải còn nhấn mạnh sự so sánh lộ liễu "tạo hẳn một sự khác biệt so với hình ảnh lãnh đạo được che ô. Nhưng điều quan trọng hơn mà người dân mong ở tất cả các cấp lãnh đạo, là phải gần dân hơn nữa để có quyết sách phù hợp thực tiễn" (2). Chẳng biết báo chí đá xéo ai mà hiểm rứa ?
Ở đây dù rất ngưỡng mộ tấm áo đẫm mồ hôi của Thủ tướng nhưng cho tôi được phép thay mặt 90 triệu dân bày tỏ lòng tin yêu và thông cảm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc phải có người che ô thậm chí dìu đi đó chẳng qua là do tuổi cao sức yếu chứ tấm lòng vì dân, gần dân của Tổng bí thư thì khó ai so sánh được. Nếu chẳng gần dân, vì dân thì Người hẳn đã vui thú điền viên chứ đâu mãi cặm cụi lao tâm khổ tứ cho công cuộc đốt lò suốt năm này qua tháng khác.
Quản trực tuyến hơn 9.000 cái pháo đài !
Chính sau những chuyến vi hành sát sao ấy, Thủ tướng đã có phát kiến vĩ đại về tầm quan trọng và trách nhiệm của xã phường. Dân cần chi cứ gọi điện cho phường. Đỉnh cao hơn nữa, Thủ tướng tận dụng công nghệ để quản lý trực tiếp xã phường. Ngày 5/9, hệ thống chỉ huy chống dịch được kết nối từ phòng làm việc của Thủ tướng đến tận cấp xã.
Với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và truyền thông, các tập đoàn viễn thông, hệ thống chỉ huy, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn phòng chống dịch đã được kết nối từ nơi làm việc của Thủ tướng tới tận cấp xã, phường, thị trấn.
Chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban chỉ đạo với các địa phương.
Cuộc họp được kết nối tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước, để đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp trọng tâm phòng chống dịch thời gian tới (3).
Mô hình Thủ tướng một đất nước gần 100 triệu dân trực tiếp chỉ đạo, quản lý kiểm tra trên 9.000 xã, phường quả là độc nhất vô nhị trên thế giới và chứng tỏ năng lực quản lý điều hành siêu việt của người lãnh đạo.
Cầu thị, tặng hũ gốm cho các nhà khoa học
Ấy vậy mà Thủ tướng rất cầu thị, đã làm việc với 70 nhà khoa học ; các giáo sư, bác sĩ ; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu ngành y dược học ; đại diện các hội đồng khoa học và cơ quan quản lý khoa học ngành y tế lắng nghe ý kiến đóng góp cho chương trình chống dịch.
Ai như Bí thư Nguyễn Văn Nên, cả Sài Gòn chỉ mời được có chín người, đã vậy lai còn lằng nhằng góp ý sửa lưng đòi cho F0 không triệu chứng cách ly ở nhà, đòi tăng cường bệnh viện, giảm tử vong… Rách việc !
Các nhà khoa học cấp quốc gia rất sáng suốt ca ngợi tung tóe chủ trương, biện pháp chống dịch như chống giặc của Thủ tướng. Từ quyết tâm truy quét loại khỏi cộng đồng, tiêu diệt F0, phân vùng xanh đỏ đến chủ trương sống chung với dịch đều chính xác và khoa học.
Đề nghị duy nhất của họ cũng rất thiên tài và mang tầm cỡ quốc tế về đề tài mà đám khoa học của bọn tư bản giãy chết bù đầu nghiên cứu hàng chục năm nay vẫn chưa làm được. Đó là : "đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho cơ sở sản xuất vắc-xin của Việt Nam nghiên cứu sản xuất vắc-xin cho trẻ dưới 12 tuổi" (4).
Ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với viễn kiến của Thủ tướng, khi làm việc với đại diện Tổ chức y tế thế giới - WHO, đã đề nghị tổ chức này giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ sản xuất vắc-xin để trở thành "cường quốc sản xuất vắc-xin của khu vực".
Thủ tướng đã ưu ái tặng cho các nhà khoa học cái hũ sành biểu trưng cho túi khôn nhân loại. Ấy vậy mà có kẻ xấu miệng cho rằng nó giống các hũ tro cốt của nạn nhân Covid-19 tử vong.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hũ gốm cho các nhà khoa học hôm 1/9/2021. Hình : Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh
Nhờ mạnh tay, tử vong chỉ cao hơn thế giới 0,4% !
Nhờ sự điều hành sáng suốt của Thủ tướng, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 576.096 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chỉ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) : số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 571.745 ca,
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.470 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới 2,1% (5).
Đấy là nhờ Thủ tướng quyết liệt mạnh tay, nếu không tử vong còn cao hơn nhiều nữa vì do Bộ Y tế cảnh báo biến chủng Delta của Việt Nam nó lai từ biến chủng của Anh với Ấn độc hơn Delta thường !
Hiện nay Hà Nội đang theo gót Thành phố Hồ Chí Minh truy quét, xét nghiệm diện rộng, mở thêm bệnh viện dã chiến Covid-19, không khôn ngoan sống chung với lô cốt, pháo đài chắc sẽ bị diệt nay mai. Mục tiêu số 1 kiểm soát dịch bệnh của Thủ tướng tất có ngày thành công mỹ mãn.
Chỉ có hơn 80.000 doanh nghiệp rời thị trường
Riêng cái chuyện pháo đài xã phường lại phát sinh thêm pháo đài huyện tỉnh thành nên việc đi lại vân chuyển hàng hơi khó tí xíu. Ấy vậy mà bọn xấu lại làm to chuyện. Nhiều hiệp hội kiến nghị lên Thủ tướng về giấy đi đường mới. Quy định cấp giấy đi đường mới khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng (7).
Ấy nhưng có lẽ do tập trung quản lý kiểm tra các pháo đài nên kinh tế vỉ mô có vài diễn biến trong mức cho phép ! Theo Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và đầu tư, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 8/2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020 (6).
Đó chỉ là chuyện nhỏ, diệt xong F0, Thủ tướng phất tay sẽ có hàng vạn doanh nghiệp khác mọc ra, doanh nghiệp của bạn vàng Trung Quốc sẵn sàng thuê đất 90 năm để ổn định lâu dài. Chẳng có gì phải ngại.
Rồi doanh nghiệp thủy sản than khan hiếm nguồn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI cũng rộn ràng than vãn khó khăn không thể thực hiện hợp đồng có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, õng ẹo đòi chuyển địa bàn… Mục tiêu kép phát triển kinh tế song song với chống dịch thì thôi cứ chờ đấy, đến nhiệm kỳ hai không đạt được thì nhiệm kỳ ba. Có chi phải vội ?
Ấy vậy mà vẫn còn trục trặc nhỏ là bọn xấu hay dùng thủ đoạn chống phá.
Bọn xấu bày chuyện bom hàng !
Ngày 24/08, ngay khi bộ đội đi chợ hộ dân, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) trong buổi livetream "Dân hỏi Thành phố Hồ Chí Minh trả lời" đã tố cáo nhiều người dân Sài Gòn bom hàng làm khó bộ đội, nhiều thế lực lợi dụng mạng xã hội để gây chia rẽ tình quân dân cá nước thắm thiết làm mấy ngày sau hình ảnh bộ đội tay súng tay hàng cho dân không còn xuất hiện trên báo đài.
Thủ tướng đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi 'bom hàng' đi chợ hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh gây khó khăn cho bộ đội, tình nguyện viên, làm dư luận nhân dân bức xúc (8).
Ấy vậy mà Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh dám trả lời rằng "Công an thành phố rà soát các công ty vận chuyển hàng đều nhận thông tin chưa phát hiện tình trạng "bom hàng" (9). Y còn đỗ lỗi do giao hàng chậm người mua đã dời đi chỗ khác, do giao hàng không đúng ý đặt mua… cứ như bộ đội của ta có lỗi…
Bộ đội giao hàng tại nhà người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 24/8/2021. Reuters
Tay công an này quả là bọn xấu !
Đã vậy báo chí Thành phố Hồ Chí Minh còn tung tin thất thiệt cho rằng "tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số mặt hàng thực phẩm chế biến có hiện tượng thiếu hàng. Các nhà cung ứng cho biết gặp khó khăn về nguyên liệu và lao động nên khó đáp ứng đủ nhu cầu thị trường" (10)
Tức thật, Thủ tướng đã mướt mồ hôi dựng pháo đài chống dịch. Bộ trưởng Phan Văn Giang hùng hồn tuyên bố chưa hết dịch chưa về ấy vậy mà bọn xấu vẫn cứ đặt điều. Thủ tướng quản lý sâu đến tận 9.000 xã phường bằng công nghệ ấy vậy mà có kẻ hoài nghi bảo quản lý xã phường Phạm Minh Chính không đáng Thủ tướng chỉ tầm Chủ tịch quận Việt Nam ?
Chúng còn bảo chỉ cái giấy phép đi đường từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội đổi đi cấp lại bốn năm lần theo công nghệ 0.0 gây ùn tắt, vi phạm 5 K, làm lây nhiễm dịch mà diễn tuồng Thủ tướng quản lý xã phường bằng công nghệ 4.0.
Bọn xấu còn kích động cho bác sĩ, hộ lý tuyến đầu bỏ việc than van, đòi chính sách, đòi chế độ bảo hiểm an toàn. Chờ nhé, quét sạch F0, Thủ tướng sẽ nghiền nát, tiêu diệt bọn mày như tiêu diệt Covi !
Đừng đùa ! Nói sống chung với dịch là Thủ tướng chỉ mẹo đánh lừa cho Covid chủ quan thôi chứ sống chung với dịch là sống chung thế nào ? Ông ngoáy toét mũi hết 90 triệu dân đen thì Covid có đường lên trời mà sống. Năm trước Nguyễn Xuân Phúc bất quá ăn may với con Alpha tầm thường. Thiên tài như Thủ tướng Phạm Minh Chính thì không chỉ cây cột đèn mà cả đến tượng Nữ Thần Tự Do cũng phải xách dép chạy qua Việt Nam.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 10/09/2021
Tham khảo :
1. https://tienphong.vn/thu-tuong-lam-truong-ban-chi-dao-quoc-gia-phong-chong-dich-post1369221.tpo
7. https://zingnews.vn/nhieu-hiep-hoi-kien-nghi-len-thu-tuong-ve-giay-di-duong-moi-post1255198.html
9. https://vnexpress.net/ly-do-nhieu-don-hang-di-cho-ho-khong-co-nguoi-nhan-4353381.html
10. https://zingnews.vn/nguy-co-dut-nguon-cung-mi-goi-va-do-hop-o-tphcm-post1260058.html
*****************************
Đề xuất trích Quỹ vắc xin Covid-19 cho nghiên cứu gây bất bình
Diễm Thi, RFA, 10/09/2021
"Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng. Để một lần nữa, chúng ta lại ghi danh viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Chiến thắng đại dịch Covid-19".
Một phụ nữ đang được chích vắc xin Covid-19 tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 năm 2021. AFP
Đó là lời Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gửi đến dân chúng Việt Nam qua một video clip trên trang web của Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19. Cũng theo trang web này, tổng cộng số tiền đã chuyển vào quỹ tính tới 5 giờ chiều ngày 9 tháng 9 năm 2021 là 8.662 tỷ đồng (Đã bao gồm quy đổi từ ngoại tệ về VNĐ).
Dữ liệu được thống kê toàn cầu cho thấy, tính đến ngày 10 tháng 9 năm 2021, tổng số người được chích đủ hai mũi vắc xin ngừa Covid-19 ở Việt Nam hiện nay là gần 4,5 triệu người. Tổng số liều thuốc đã được chích cho toàn dân là 25,9 triệu liều. Như vậy, Việt Nam nằm trong những nước có tỷ lệ chính ngừa Covid-19 thấp nhất thế giới.
Trong khi đại đa số người dân chưa được chích ngừa đầy đủ vì nguồn vắc xin trong nước khan hiếm thì hôm 8 tháng 9, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đề xuất phương án sử dụng Quỹ vắc xin Covid-19 cho nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vắc xin trong nước. Trước đó, khi trao đổi với truyền thông Nhà nước, Giám đốc Ban quản lý Quỹ vắc xin cho biết, tính đến chiều ngày 7 tháng 9, quỹ đã trích 373 tỉ đồng để mua vắc xin. Số còn lại đang được gửi tại bốn ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 3,3%/năm và 3%/năm tương ứng kỳ hạn gửi tiền là ba tháng và một tháng.
Song song với Quỹ vắc xin, Chính phủ Việt Nam tiếp tục kêu gọi người dân góp tiền chống dịch bằng cách vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên toàn quốc ủng hộ mỗi người ít nhất một ngày lương cho công tác phòng chống dịch ; tổ chức chương trình "Triệu trái tim hướng về Tổ quốc" để huy động sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài.
Một chuyên gia y tế ở Hà Nội, không muốn nêu tên, bày tỏ quan điểm của mình với RFA sáng ngày 10 tháng 9 :
"Chủ trương của Đảng và Nhà nước là dựa vào sức của dân, nói cách khác là họ vắt sức dân. Bây giờ dân chúng thất nghiệp đang cần Nhà nước cứu thì họ lấy đâu ra tiền mà đóng góp theo ngày lương ?
Nếu kêu gọi thì phải nói rõ là những người lao động đang có việc làm, ví dụ như Thủ tướng, Chủ tịch nước, Tổng bí thư, các Bộ trưởng… chứ kêu gọi người lao động thì tội cho dân mà nghe nó phản cảm. Muốn vét đến đồng bạc cuối cùng trong túi dân hay sao !
Việc lấy quỹ vắc xin để hỗ trợ nghiên cứu vắc xin hay đang gửi ngân hàng lấy lãi là sử dụng sai mục đích ban đầu. Tiền thì có mà vắc xin thì thiếu. Đó là sử dụng quỹ không đúng mục đích. Hiện nay Quỹ vắc xin chỉ cho biết số thu chứ không biết đã chi vào việc gì, lãi được bao nhiêu. Tức là không minh bạch trong việc giải ngân.
Hiện giờ tỷ lệ chích ngừa ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới. Đấy là nhờ có Đảng quang vinh lãnh đạo".
Chuyên gia này nói thêm rằng, ngay từ đầu mục đích của Quỹ vắc xin là dân góp tiền để mua vắc xin. Bây giờ không mua vắc xin mà thêm vô là nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Điều này dễ dẫn đến vừa đá bóng vừa thổi còi. Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp sân sau bằng cách tài trợ tiền cho nghiên cứu xong lại mua sản phẩm của họ. Như thế không công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân.
Những vỏ chai vắc xin Sinopharm tại một điểm chích ngừa ở Hà Nội hôm 10/9/2021. AFP
Quỹ vắc xin Covid-19 được Chính phủ thành lập vào cuối tháng 5 năm 2020 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc xin trong và ngoài nước. Quỹ cũng tiếp nhận các nguồn vốn hợp pháp khác để mua, nhập khẩu cũng như nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vắc xin Covid-19.
Cô Thi, một công nhân từ Tây Ninh lên Thành phố Hồ Chí Minh làm việc từ năm 2009, nay phải trở về quê nói với RFA sáng ngày 10 tháng 9 :
"Tui là dân, tui chỉ biết là Nhà nước kêu gọi đóng tiền mua vắc xin chứ không phải để Nhà nước gửi ngân hàng hay để nghiên cứu vắc xin. Ngay cả tiền Nhà nước cho một triệu rưởi tui cũng không được nhận vì tổ trưởng nói là để dành mua vắc xin. Bây giờ tiền đó đem gửi ngân hàng lấy lãi là điều không chấp nhận được. Còn nếu nói là không có vắc xin để mua thì đó là tội của mấy ổng.
Cả năm qua không lo chuẩn bị, không nhìn xa thì sao mà lãnh đạo tốt được. Bây giờ kêu đóng góp nữa hả ? Một đồng cũng không. Thứ nhất là đang ở nhà vì công ty đóng cửa làm gì có lương mà góp. Thứ hai là góp để mấy ổng gửi ngân hàng là điều
Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả -Bộ Tài chính,nêu thực tế là cấp lãnh đạo cao nhất trong Chính phủ đang rất nóng lòng tìm kiếm vắc xin khắp nơi nhưng vẫn chưa đủ cho dân chúng. Ông nói :
"Hiện nay thực tế không có vắc xin để mua. Vừa rồi Chủ tịch Quốc hội phải đi các nước Châu Âu ngoại giao về vắc xin. Giao Bộ trưởng Bộ ngoại giao đi tìm mua vắc xin trong bối cảnh dịch bệnh lại bùng phát ở Mỹ và nhiều nước bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho dân nên vắc xin lại càng thiếu.
Cái chính là ngay từ đầu Chính phủ Việt Nam đã chủ quan trong định hướng, chỉ chủ trương 5K. Bây giờ mới thấy 5K phải kèm vắc xin mới là đúng. Đến lúc nhìn thấy tầm quan trọng của vắc xin thì không có để mua. Từ đó cho thấy tư duy và cách chống dịch ngay từ đầu là chủ quan, không đi đúng hướng. Phải nói thẳng như thế !
Trung Quốc cho Việt Nam Sinopharm nhưng người dân Việt từ Bắc tới Nam nghe tới là họ ngại. Người ta sợ nó không có tác dụng bây giờ mà lại còn tiềm ẩn hậu hoa sau này, bởi Tàu thì nó thâm lắm. Nhưng cũng có một số người phải chấp nhận tiêm Sinopharm vì không tiêm thì họ không được mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán".
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Vương Đình Huệ đang có chuyến thăm các nước Châu Âu bao gồm Áo, Bỉ, Phần Lan nhằm kêu gọi Châu Âu viện trợ, giúp đỡ Việt Nam về vắc xin và thuốc điều trị Covid-19.
Số lượng vắc xin trên thế giới hiện không còn nhiều vì các nhà máy sản xuất không kịp trong tình hình dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Thêm vào đó, một số nước bắt đầu chương trình chích mũi vắc xin thứ ba cho người dân.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 10/09/2021
*********************
Thế giới nhìn vào cách Việt Nam chống dịch : "Đói khổ là hình ảnh thấy rõ nhất"
Tuấn Khanh, RFA, 09/09/2021
Năm 2020, Việt Nam là một câu chuyện được bàn tán về việc thành công trong ngăn chặn Covid-19, thế nhưng các đợt phong tỏa mới nhất, khiến việc mọi người không thể bước chân ra khỏi nhà, ngay cả khi đi tìm thức ăn, đang khiến hàng chục nghìn người lâm vào cảnh thiếu đói.
Phát gạo cứu trợ dân trong dịch bệnh Covid-19 ở một nhà thờ tại Hà Nội hôm 23/4/2020 - AFP
Sau những lệnh cấm nghiêm ngặt nhất được áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh, thì cho đến nay, cô Hảo, một công nhân nhà máy, được chính quyền cho biết rằng sẽ giúp cho cô và gia đình cô phần thực phẩm đủ trong khi phải ở nhà vì phong tỏa. Nhưng trong hai tháng qua, gia đình cô đã thật sự thiếu thốn đủ mọi thứ.
Cô đã bị công ty cho nghỉ việc, không lương hay trợ cấp gì từ tháng bảy, trong khi chồng cô, một công nhân xây dựng, đã không kiếm được việc làm trong nhiều tháng. Họ đang nợ tiền thuê nhà, cùng với một khoản thanh toán khác sẽ sớm đến hạn.
"Tôi đang cố gắng cầm cự càng lâu càng tốt, nhưng không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", cô Hảo nói. "Tôi không biết phải nói sao bây giờ ? Tôi chỉ muốn hỏi rằng : Sao Chính phủ chẳng hỗ trợ gì cả ? Chính phủ nói rằng họ sẽ gửi những phần hỗ trợ cho những người như tôi, nhưng tới nay vẫn không có gì cả", cô nói. "Tất cả mọi người sống xung quanh tôi đang đối mặt với đủ thứ nguy khó".
Nhưng cô Hảo không phải là người duy nhất. Thành phố lớn nhất của Việt Nam đang bị khóa chặt, người dân không được phép ra khỏi nhà ngay cả khi đi tìm kiếm thức ăn. Các hạn chế hiện tại có thể kéo dài đến ngày 15 tháng 9, vào giai đoạn có tin các nhà lãnh đạo thành phố đề nghị nối lại hoạt động kinh tế. Ngay cả trước khi có lệnh "ai ở đâu ở yên đó", vào ngày 23 tháng 8, cô Hảo cũng như hàng triệu người khác, đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Chính quyền cứ hứa sẽ cung cấp thức ăn cho tất cả mọi người, và đem cả quân đội vào thành phố để giúp cung cấp nguồn thực phẩm cho những người có nhu cầu, nhưng rất đông dân chúng lại không nhận được gì. Tuần trước, báo chí Việt Nam cũng đưa tin hơn 100 người dân ở một huyện trong thành phố đã xuống đường biểu tình vì quá thiếu thốn.
Chính phủ Việt Nam đã từng được ca ngợi là một câu chuyện thành công toàn cầu trong việc giải quyết đại dịch vào năm 2020. Vào lúc các quốc gia trên thế giới thương khóc những người chết vì đại dịch, và áp đặt các lệnh cấm vận trên toàn quốc, thì có vẻ như chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn vi-rút bằng cách dựa vào các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, truy vết những người nhiễm bệnh và cô lập các địa phương.
Tính đến đầu tháng năm năm nay, Việt Nam chỉ ghi nhận dưới 4.000 ca nhiễm và 35 ca tử vong. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi, biến thể Delta đang gây náo loạn tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Trong tháng qua, cả quốc gia ghi nhận có đến 299.429 trường hợp mắc mới và 9.758 trường hợp tử vong. Ở thành phố Hồ Chí Minh, số trường hợp tử vong chiếm 4,2% số trường hợp được ghi nhận ; Hơn 200 người chết và 5.000 trường hợp mới được báo cáo hàng ngày trong thành phố. Tỉnh lân cận Bình Dương cũng có con số tương tự.
Khi các quy định hạn chế nghiêm ngặt hơn được áp dụng kể từ đầu tháng sáu, người nghèo là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nhà máy và nơi buôn bán đã được lệnh phải đóng cửa và kéo theo hàng ngàn người mất việc. Tài xế taxi, người bán hàng rong, công nhân nhà máy và công nhân xây dựng vốn đã cận kề mức nghèo khổ, nay lại không thể kiếm ra đồng nào trong nhiều tháng. Hơn nữa, họ lại bị mắc kẹt trong những khu nhà ở chật chội và đông đúc ở các điểm lây nhiễm Covid bùng phát.
Số liệu thống kê chính thức cho biết, chỉ riêng tại Tp Hồ Chí Minh đã có 3-4 triệu người rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính do đại dịch.
Các tổ chức xã hội dân sự ở thành phố đang bị ngập lụt với hàng chục ngàn lời xin trợ giúp thực phẩm mỗi ngày, mà không thể nào đáp ứng đủ nhu cầu. Food Bank Vietnam, một doanh nghiệp xã hội do Nguyễn Tuấn Khôi, người cũng có công việc kinh doanh riêng, đang hỗ trợ 10.000 người mỗi ngày. Trang web và các kênh truyền thông xã hội của tổ chức này xác nhận họ nhận được yêu cầu nhiều gấp đôi hoặc gấp ba lần khả năng của mình.
Các con số kêu cứu mới bắt đầu tăng vào tháng trước, nhưng giờ thì đã tăng vọt trong hai tuần qua. Khôi nói : "Đại dịch này đã ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của mọi người. Việc phong tỏa hoàn toàn đã khiến nguồn cung cấp thực phẩm bị gián đoạn. Chúng tôi và các tổ chức từ thiện khác đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận những người cần sự giúp đỡ. Nhu cầu hiện nay là rất lớn ".
Trong 20 năm làm từ thiện, Khôi chưa bao giờ trải qua chuyện như thế này. Anh nói : "Người Việt Nam đã trải qua những ngày khó khăn nhất trong vài tuần qua. Tôi chưa bao giờ thấy số lượng người chết và mất mát như vậy, điều mà tôi nghĩ là không thể nào lại có thể vậy được. Trước đại dịch, chúng ta có đói và nghèo, nhưng ít ra lương thực vẫn dễ dàng cho nhiều người. Tôi sinh ra sau chiến tranh, vì vậy những khó khăn xung quanh cái chết và cái đói là điều chúng tôi chỉ nghe kể và đọc trong sách. Giờ tôi mới hiểu được thế nào là khốn khó".
Người dân nhận gạo từ máy ATM gạo trong đại dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/4/2020. Reuters
Saigon Children, nơi giúp đỡ những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn được học hành và đi làm, cũng bị cuốn vào việc cứu trợ cho đại dịch. Damien Roberts, Giám đốc tổ chức từ thiện, nói : "Thông thường, chúng tôi đang xây dựng trường học, thực hiện những nhu cầu đặc biệt. Bây giờ 90% công việc của chúng tôi là cứu trợ Covid. Đói khổ đang lan rộng vào lúc này".
"Tôi không biết rõ con số cần giúp là bao nhiêu nhưng chỉ trong tám tuần qua, chúng tôi đã giúp 16.000 người, nhưng cảm thấy như mình chưa làm được gì cả".
Các ứng dụng trên điện thoại như Zalo và SOSmap.net, mỗi ứng dụng hàng ngày đưa tin ở thành phố có đến hàng chục nghìn người kêu cứu trên toàn thành phố.
Chính quyền thành phố nói rằng đến ngày 26 tháng 8, đã cung cấp hỗ trợ bao gồm 1,2-1,5 triệu đồng (khoảng 50 USD) và một túi thực phẩm thiết yếu cho hơn 1,2 triệu người gặp khó khăn. Nghe nói họ đang đề xuất chi thêm 9,2 tỷ đồng để hỗ trợ người dân bị phong tỏa.
Song song với nạn đói là hệ thống y tế trở nên quá tải. Các bệnh viện đang thiếu nhân sự, không đủ thuốc men, việc cung cấp ô-xy chỉ cầm chừng. Các phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập những câu chuyện về những người kêu cứu mà không được giúp đỡ, cũng như những hình ảnh và video đáng lo ngại về những người xếp hàng vào lò hỏa táng và những người nằm gục trên đường phố.
Bác sĩ Trần Hoàng Đăng Khoa, bác sĩ hồi sức tích cực của một bệnh viện điều trị những ca Covid nặng nhất, phụ trách 14 bệnh nhân trong mỗi ca và nói ông đã kiệt sức. Ông Khoa kể rằng 700 giường luôn kín chỗ, mỗi ngày lại có thêm nhiều ca ; Một nửa trong số những người mà anh ta tiếp nhận là không qua khỏi.
Bác sĩ nói : "Hệ thống y tế của chúng tôi không được chuẩn bị cho điều này và nguy hơn là chúng tôi còn chưa đạt đến đỉnh dịch. Chúng tôi thiếu mọi thứ - nhân viên, thuốc men và máy thở - nhưng tôi biết đổ lỗi cho ai bây giờ".
Tình hình hiện tại, cũng phản ánh sự chậm trễ đối với chương trình tiêm chủng toàn dân của Việt Nam. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, một chuyên gia y tế công cộng của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Hà Nội thì "Tỷ lệ chấp nhận vắc xin cao", cô nói, "nhưng chúng tôi không có đủ vắc-xin được cung cấp trong nước. Bất kể cam kết từ các nhà cung cấp vắc xin, cũng như chương trình COVAX, số lượng vắc xin đến với người dân, thực tế thấp hơn so với dự kiến".
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 1/9, Việt Nam đã xuất ra 20 triệu liều vắc xin Covid-19. Nhưng chỉ 3,6% dân số 75 triệu người trưởng thành nhận được hai mũi tiêm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, với dân số ước tính từ 10 đến 13 triệu, 5,8 triệu người trưởng thành đã tiêm mũi đầu tiên và 337.134 người đã tiêm cả hai mũi. Chương trình tiêm chủng đang bị trì trệ bởi bộ máy hành chính cồng kềnh, dẫn đến sự chậm trễ, theo một tuyên bố từ Bộ vào tháng Sáu.
Các nỗ lực đang tập trung vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng bác sĩ Thu Anh nói, vi-rút đã lây lan vượt dự tính. "Vấn đề là chúng tôi đang cố gắng phân bổ vắc-xin cho Thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng phân bổ cho các tỉnh khác là khá ít, vì vậy đó lại là một thách thức khác nữa".
Bên ngoài các thành phố lớn, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng còn tồi tệ hơn nhiều. Các bác sĩ cũng như giới chuyên gia đang lo sợ ảnh hưởng của Covid đối với các cộng đồng ở đó.
Trong căn phòng 15 mét vuông ở Thành phố Hồ Chí Minh, cô Hảo cùng chồng và con trai 8 tuổi của cô đang mắc kẹt trong một tòa nhà, cùng hàng trăm công nhân nhà máy khác. Cô Hảo đang tuyệt vọng chờ đợi để được trở lại làm việc. Kỳ học mới sắp bắt đầu trực tuyến, nhưng cô không có máy tính, và vì vậy hiện tại, việc học của con trai cô ấy sẽ phải lùi lại.
"Tôi không biết nghĩ sao nữa về việc học của con trai tôi ngay bây giờ", cô nói. "Tôi còn phải lo lắng về việc kiếm bữa ăn tiếp theo của cả gia đình, và tiền thuê nhà tháng này".
Bên kia thị trấn, Nguyễn Lâm Ngọc Trúc, 21 tuổi, cũng nói mình cần kiếm tiền trở lại. Cô sống trong một khu ổ chuột bên bờ sông cùng với 30-40 gia đình khác. Cô bán hàng rong cho sinh viên nhưng không làm gì ra tiền từ tháng sáu. Ba mẹ và anh trai của cô ấy cũng mất việc. Họ sống sót lâu này nhờ gạo và mì gói được phát từ các tổ chức từ thiện và hàng xóm.
Trong khu vực lân cận của cô Trúc sống, hàng xóm cũng là một trong cộng đồng di cư khổng lồ của thành phố. Nhiều người trong số họ không có giấy tờ gì và do đó không được quản lý, và cũng vô hình đối với chính quyền trong danh sách cứu trợ.
Cô Trúc nói : "Chính phủ nên giữ lời hứa khi họ nói rằng sẽ hỗ trợ mọi người. Họ nên đưa thức ăn đến cho mọi người. Không ai nói cho chúng tôi biết khi nào thì mình được cứu giúp".
Tổng hợp theoGuardian
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 09/09/2021
Tên của những nhân vật trong bài đã được thay đổi
**************************
Dân nghĩ gì về cách chống Covid-19 của chính phủ?
Diễm Thi, RFA, 08/09/2021
‘Chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa’
"Theo tôi, cách chống dịch hiện nay là ‘chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa’."
Đó là lời bác sĩ Đinh Đức Long nói về cách chống dịch của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh.
Một người dân nhận hàng từ shipper qua hàng rào trong khu vực cách ly ở Hà Nội ngày 6 tháng 9 năm 2021 - Reuters
Kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay, dường như Chính phủ bất lực trong việc kiểm soát, không chế dịch bệnh. Người dân cảm thấy bất an với hàng loạt chỉ thị được Chính phủ ban hành bị coi là trái hiến pháp và pháp luật khi ngăn cản người dân đi lại, cấm đoán các hoạt động kinh tế, tước đoạt nhiều quyền tự do khác của người dân. Giãn cách nối tiếp giãn cách với hàng loạt công văn được ban hành.
Công văn đầu tiên ban hành yêu cầu toàn dân thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội trong 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 9 tháng 7 năm 2021. Công văn mới nhất được ban hành ngày 15 tháng 8 yêu cầu toàn dân thành phố tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đến hết ngày 15 tháng 9 năm 2021 với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó".
Tình hình dịch bệnh Covid-19 được cho là đã vượt tầm kiểm soát của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Theo số liệu báo cáo chính thức từ Bộ Y tế, trong bốn tháng qua đã có hơn 13.000 người tử vong vì Covid-19; số ca nhiễm mới của cả nước hơn 500.000 người. Tỷ lệ tử vong cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.
Một số chuyên gia y tế cho rằng, chính quyền đã đi sai hướng nên dịch bệnh bùng phát. Bác sĩ Đinh Đức Long nói với RFA :
"Các nước chống dịch phải dựa vào các chuyên gia dịch tễ học lâm sàng, tức là các nhà y học chuyên ngành về lâm sàng. Đằng này, Việt Nam, cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh lại chống dịch dựa vào các nhà chuyên gia về hành chính công. Mà nói về luật hành chính, quan hệ hành chính là quan hệ phục tùng. Nghĩa là cấp dưới phục tùng cấp trên.
Như vậy tư duy chống dịch của họ sai khi chống dịch bằng quan hệ hành chính. Tư duy đó là tư duy trấn áp, mệnh lệnh. Không thể ra lệnh cho con vi-rút không được phát triển. Theo tôi, cách chống dịch hiện nay là ‘chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa’."
Tại hội nghị trực tuyến Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh hôm 25 tháng 7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thừa nhận không khống chế được dịch là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Thêm vào đó, việc giãn cách của người dân không hoàn toàn nghiêm túc làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch.
Sư cô Diệu Hạnh ở quận Bình Thạnh chia sẻ với RFA cách chống dịch của chính quyền mà cô cho rằng sẽ không thành công nếu cứ tiếp tục:
"Mấy ổng lúng túng thấy rõ. Thay đổi quy định liên tục dân không biết đâu mà lần, mà tin. Thay đổi cả trưởng ban chống dịch luôn. Nói cho dân nghèo mỗi người triệu rưởi có thấy đâu. Tự nhiên đem y bác sĩ từ ngoài Bắc vô, đem quân đội vô rầm rộ làm dân sợ chứ không thấy an toàn, an tâm chút nào hết.
Mấy ổng có cả năm trời học mấy nước khác chống dịch mà không chịu học, không chịu chuẩn bị vắc xin cho dân. Tiền dân đóng thuế, đóng vô quỹ vắc xin đâu hết rồi? Dân đói, dân bịnh, dân chết nhiều như vậy mấy ổng chịu trách nhiệm như thế nào ?
Người ta nói lãnh đạo dốt, dân khổ. Tui thấy đúng quá. Đến lúc dân phản đối thì bắt người ta. Chống dịch bằng công an, bằng nghị quyết. Cách chống dịch đó không bao giờ thành công".
Chủ quan, kiêu ngạo
Khi dịch bệnh đang căng thẳng, dường như vượt tầm kiểm soát ở thành phố Hồ Chí Minh thì Thủ tướng Phạm Minh Chính được phân công thay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19. Quyết định được đưa ra khi ông Đam đang đi thị sát chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, hôm 24 tháng 8.
Trước đó vài ngày, một cuộc "thay tướng giữa đường" trong lúc đợt dịch Covid-19 thứ tư đang diễn biến nghiêm trọng tại thành phố Hồ Chí Minh cũng xảy ra. Đó là Bộ Chính trị ban hành quyết định điều chuyển đương kim Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Người thay thế là ông Phong là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.
Anh Tùng, một người dân quận 6 nhận định rằng, cách chống dịch ở Việt Nam hiện nay không lấy dân làm trọng mà lấy chế độ làm trọng. Họ không nghĩ đến dân mà chỉ nghĩ làm sao để bảo vệ chế độ đừng sụp đổ nên họ chống dịch bằng công an, quân đội. Anh nói:
"Việt Nam sẽ không chống dịch thành công bởi thiếu cả hai yếu tố : lãnh đạo giỏi và tài chánh đủ mạnh.
Thứ nhất, dàn lãnh đạo hiện tại ở Việt Nam không được dân bầu lên từ những cá nhân tài giỏi. Họ ngạo nghễ trên cái mà họ cho là chiến thắng đại dịch hồi năm ngoái, không có tầm nhìn xa trông rộng. Các phương thức của Việt Nam đang làm hiện nay không dựa theo khoa học để đối phó với đại dịch, kiểm soát đại dịch, mà dựa trên phương thức Nhà nước để quản lý người dân.
Muốn kiểm soát người dân bằng cách nhốt dân trong nhà theo chỉ thị ‘ai ở đâu ở yên đó’ thì Chính phủ phải chu cấp tiền cho dân. Đây là điểm yếu thứ hai của Việt Nam. Bao nhiêu tiền đem đi xây tượng đài, cổng chào và chui vào túi các quan chức từ địa phương trung ương. Cứ nhìn những vụ quan chức tham nhũng, chui vào ‘lò’ của ông Trọng thì sẽ hiểu. Nếu dân được chính quyền lo cho cái bao tử trong mùa đại dịch thì dân sẽ ở yên trong nhà. Họ đói thì họ phải lăn ra đường kiếm sống thôi. Đâu ai muốn ra đường để đem mầm bệnh về nhà.
Thêm vào đó, nếu tài chánh đủ mạnh thì Chính phủ mới có thể mua vắc xin về chích cho dân chúng. Cứ chích ngừa đầy đủ cho dân thì sẽ ngăn được dịch lây lan, sẽ hạn chế số người tử vong thiêu không kịp như hiện nay."
Một trạm kiểm soát quân sự ở Hồ Chí Minh ngày 23 tháng 8 năm 2021. Reuters
Vào thời điểm này năm ngoái, khi cả thế giới điêu đứng vì Covid-19. Số người nhiễm, người chết nhiều đến mức một số nước phải tính xem nên cứu ai, bỏ ai; một vài tiểu bang ở Mỹ đã phải chôn tập thể những người chết vô thừa nhận thì Việt Nam được coi là chống dịch thành công. Lúc bấy giờ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong một phát biểu tại Quốc hội Việt Nam đã dùng câu nói của người dân Việt về nạn bỏ nước ra đi sau 1975 để ví von ngược lại rằng, thực tại nước Mỹ những tháng qua thì "nếu cột điện ở Mỹ biết đi nó sẽ về Việt Nam".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên Trưởng Ban Phòng Chống Dịch Covid-19, cũng từng tuyên bố: "Dù có nhiều ca nhiễm, dù con vi-rút này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được".
Anh Quang, một người dân ở Quy Nhơn đánh giá cách chống dịch của chính quyền hiện nay là chủ quan và kiêu ngạo. Anh giải thích :
"Cách chống dịch thời gian qua cho thấy chính quyền rất lúng túng. Nó thể hiện ở chỗ đưa ra một giải pháp để thực hiện, thấy không ổn lại thay bằng giải pháp khác. Đảo lộn liên tục làm dân không biết đâu mà lần. Nội chuyện cái giấy đi đường, lúc giấy này lúc giấy khác…
Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, việc lúng túng của chính quyền nó xuất phát từ ‘thói kiêu ngạo cộng sản’. Năm ngoái, khi cả thế giới điêu đứng vì dịch thì số ca nhiễm ở Việt Nam rất ít, số người chết đếm trên đầu ngón tay. Từ đó Việt Nam tự phụ cho rằng chống dịch tốt. Chính quyền chủ quan khiến dân cũng chủ quan. Đến khi dịch bùng phát thì trở tay không kịp. Vì chủ quan nên không chuẩn bị các điều kiện vật chất, y tế đối phó dịch bệnh."
Cách chống dịch của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh bị coi là mắc quá nhiều sai lầm thì mới đây, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy Hà Nội lập lại những sai lầm tương tự, như chủ trương xét nghiệm toàn thành phố, cấp giấy đi đường, thành lập các chốt chặn…
Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông :
"Dịch bệnh hay nói cách khác là Covid, là một hiện tượng động mà tính động của nó rất mạnh nhưng hiện nay rất nhiều người Việt Nam tiếp nhận nó theo quan điểm tĩnh. Ví dụ chủ trương xét nghiệm toàn bộ dân Hà Nội trong vài ngày để phân loại và tách riêng nhóm mắc bệnh và không mắc bệnh là tư duy tĩnh, không phải tư duy động. Như vậy là đưa một giải pháp tĩnh để giải quyết một hiện tượng động thì sẽ không có hiệu quả. Tôi chỉ muốn lấy một ví dụ và nhìn sự việc dưới góc nhìn toán học như thế.
Tất nhiên là không ai quen với việc chống đại dịch, nhưng quan trọng là khi nghe thấy đã chọn phương pháp sai thì phải dám thừa nhận để thay đổi tư duy, thay đổi phương thức khác tốt hơn. Cùng nhau ‘mò mẫm’ trong cách chống đại dịch. Tức là phải có môt thái độ thành tâm tiếp nhận vấn đề. Một người khôn nói một trăm câu cũng có câu dại; một người dại nói một trăm câu cũng có câu đúng. Đó là cách tiếp cận."
Giáo sư Đặng Hùng Võ kết luận, lãnh đạo giỏi phải biết nhìn xa. Hôm nay có thể được coi là chiến thắng thì phải biết chuẩn bị cho trận chiến tiếp theo nếu có, không thể hả hê, ngủ quên trên chiến thắng để đến khi bị tấn công thì trở tay không kịp.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 08/09/2021
***********************
Sao có thể nói ‘mỗi trường học là một pháo đài chống dịch’ ?
RFA, 07/09/2021
"Mỗi trường học là một pháo đài chống dịch ; mỗi giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên là một chiến sĩ để chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19".
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn Courtesy moet.gov.vn
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi khởi động phong trào thi đua nhân khai giảng năm học 2021/2022 vào ngày 1/9.
Những ngày sau đó, dư luận mạng xã hội đã bàn tán rất nhiều về phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo ‘mỗi trường học là một pháo đài chống dịch’ Thậm chí có người còn phản ứng cho rằng, chẳng lẽ Bộ trưởng muốn đưa các em học sinh lên tuyến đầu chống dịch.
Chị Huỳnh Hằng, một phụ huynh hiện sống ở Đà Nẵng, khi trao đổi với RFA hôm 7/9, nói :
"Tướng lĩnh, binh hùng còn chưa chống lại đại dịch, nghĩa lý gì các em học sinh đúng không ? Những lời nói như rập khuôn từ một lập trình đã soạn sẵn, nếu dịch Covid-19 chưa ổn thì tất cả học sinh cần được ở nhà để an toàn, chúng ta đang cần một Bộ trưởng cầu thị, biết lắng nghe, nhưng rốt cuộc toàn sáo rỗng".
Tuy nhiên cũng có nhiều phụ huynh khác nhận định trên trang cá nhân của mình rằng đây có thể chỉ là cách nói cường điệu của vị Bộ trưởng Giáo dục.
Khi nói mỗi trường học, mỗi cơ sở giáo dục là một ‘pháo đài chống dịch’ ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, tập thể lãnh đạo nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch nhằm ứng phó với dịch bệnh và hoàn thành các nhiệm vụ năm học 2021/2022.
Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, nhận định với RFA hôm 7/9 :
"Các lãnh đạo Việt Nam hay nói địa phương này, kia là pháo đài chống dịch, rồi giờ Bộ trưởng Giáo dục lại nói mỗi trường học là pháo đài chống dịch theo tôi, các câu có tính chất khẩu hiệu này các đồng chí lãnh đạo không nên nói nữa. Bởi vì bây giờ nó không thiêng, chúng ta chỉ nên dùng những từ dân dã thôi. Ví dụ có thể nói các trường học phải lên kế hoạch phòng chống dịch cho tốt, chứ dùng những câu kia khiến mạng xã hội phân tích, nó không hay. Tuy nhiên nếu nói nghiêm túc, việc chống dịch trước hết là của các cơ quan chức năng, còn người dân thì tuân thủ các biện pháp chống dịch… Riêng học sinh mà nói đưa lên làm nhiệm vụ tuyến đầu, là pháo đài chống dịch thì không phù hợp các em. Thay vào đó phải nói các em thực hiện biện pháp 5K để phòng chống dịch cho tốt. Nói dân dã nhưng đúng bản chất thì hay hơn là dùng từ pháo đài chống dịch".
Tất nhiên, nếu ông Bộ trưởng chỉ nói các trường nên chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh và sẵn sàng chuyển trạng thái hoạt động sang trực tuyến nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn thì chắc hẳn ai cũng ủng hộ.
Một bé học sinh đang học online (ảnh minh họa). Reuters.
Trước đó, Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam đưa ra khung thời gian khai giảng năm học 2021/2022, sớm nhất là ngày 23/8 các địa phương có thể cho học sinh lớp 1 tựu trường, các khối lớp còn lại là 1/9 Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, với tình hình dịch bệnh hiện nay thì nên lùi thời điểm khai giảng năm học mới.
Liên quan vấn đề này, Thầy Đỗ Việt Khoa nhận định :
"Nếu khai giảng online như Hà Nội vừa rồi và học online luôn thì cũng được, tình thế phải làm vậy, chứ dạy học tập trung từ bây giờ thì phải căn cứ vào từng địa phương. Nếu địa phương nào 15 ngày không có dịch thì khai giảng truyền thống cũng được, còn lại địa phương nào có dịch mà làm như thế thì rất nguy hiểm. Các địa phương phải lưu ý cái này, vừa rồi chúng ta đã trả giá đắt vụ tổ chức 30/4 ở Sài Gòn, rồi tổ chức thi tốt nghiệp ở một số địa phương đang có dịch đã gây ảnh hưởng, làm dịch bùng phát phải rút kinh nghiệm".
Trong khi đó, một phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu tên cho biết, việc khai giảng năm học mới nên lùi lại vài tuần :
"Thành phố thì đang giãn cách xã hội, ngành y tế thì đang gồng mình chống dịch, theo ý kiến cá nhân tôi, việc lùi ngày khai giảng vài tuần cũng khá là hợp lý".
Sở dĩ có ý kiến này vì tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có quyết định cho các trường tiểu học bắt đầu năm học mới từ ngày 8/9 với việc tổ chức lớp và củng cố kiến thức và đến ngày 20/9 học qua internet. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tại Thành phố Hồ Chí Minh có con vào lớp 1 niên học 2021/2022 khi trao đổi với phóng viên RFA TV bày tỏ lo ngại việc học online sẽ bị phá hỏng, vì kỹ năng tiếp thu qua máy tính của các bé lớp Một chưa có, do đây là lứa tuổi lo chơi hơn học.
Trở lại với cách nói của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn rằng ‘mỗi trường học là một pháo đài chống dịch’. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, khi trao đổi với RFA tối 7/9, giải thích :
"Ngôn ngữ phản ánh tư duy, mà Việt Nam thì có một lịch sử chiến tranh có thể nói là nặng nề và kéo dài hơn nhiều nước khác. Do đó thì cái tư duy nhìn mọi việc theo kiểu chiến tranh nó lan vào ngôn ngữ bình thường, ngôn ngữ hàng ngày. Và cái đó không chỉ riêng giáo dục, ông Thủ tướng nói chống dịch như chống giặc, sinh viên mùa hè đi giúp dân thì gọi là chiến dịch mùa hè xanh rồi người ta hay nói mấy ông bộ trưởng là Tư lệnh ngành những cách nói theo kiểu quân đội, theo kiểu chiến tranh đấy đầy rẫy trong cách ăn cách nói của người Việt nói chung, chứ không chỉ ông Bộ trưởng giáo dục. Thành ra có thể nói chiến tranh chưa ra khỏi đầu óc của người Việt. Cho nên khi người ta phản ứng nói không lẽ giáo dục cũng đưa chiến tranh vào, thì phản ứng đó lành mạnh. Là vì người ta thấy đã đến lúc nên chia tay với tư duy chiến tranh đó".
Tuy nhiên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng không tin rằng, những phản ứng đó có đủ sức làm thay đổi ngay được cách ăn, cách nói kiểu quân đội như thế. Bởi vì ngôn ngữ mà muốn thay đổi thì con số hàng chục năm đã là quá ngắn và phải lâu lắm mới thay đổi được.
Nguồn : RFA, 07/09/2021
*********************
Nhốt tù toàn dân, Phạm Minh Chính muốn ra đòn gì ?
Bích Ngọc, Thoibao.de, 06/09/2021
Với cách chống dịch cực đoan như hiện nay, ông Phạm Minh Chính đã chứng tỏ cho cả thế giới biết : chính quyền cộng sản Việt Nam không có chiến lược nào chống dịch. Chỉ là đè lên nỗi khổ lên đầu dân mà thôi. Điều mà người dân có thể nhận thấy là không khí ngột ngạt bị cấm đoán khắp nơi. Với chính sách cực đoan như vậy, nếu chống được dịch thì không nói gì, đàng này đã qua 3 tháng ròng mà không kiểm soát nổi cơn đại dịch.
Tờ Le Journal de Montreal của Canada đăng bài “Hà Nội nhà tù lộ thiên”
Với cách chống dịch quái đản như vậy, AFP đã giật tít, "Hà Nội biến thành nhà tù". Sau đó là tờ Metrotime của Bỉ đăng lại, tờ Le Point đăng lại và tờ Le Journal de Montreal cũng đăng lại. Nói chung thông tin tràn ngập trên báo chí tiếng Pháp khắp thế giới. Thêm vào đó là tờ Nikkei Asia xếp Việt Nam đứng đội sổ về khả năng chống dịch với vị thứ 121/121 quốc gia khảo sát. Năm 2020, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rêu rao về khả năng chống dịch của chính quyền cộng sản Việt Nam đầy vẻ kiêu ngạo với nào "tập đoàn quân tinh nhuệ", nào là nhất để tấn công "mấy trăm du kích quân F0" và sớm khải hoàn. Còn kiêu ngạo đến mức ông Vũ Đức Đam lại nói "con virus ở đâu nó nguy hiểm chứ ở Việt Nam ta nó sẽ không làm gì được". Chính quyền cộng sản đã mất một thời gian khá dài, tự rung đùi tán thưởng mà không hề chuẩn bị cho tình huống giả định nào cả. Để rồi đến nay khi đại dịch ập đến thì trở tay không kịp.
Điều gì phải đến đã đến khi mà Covid-19 thực sự đe dọa, nguồn lực trong dân đã bị cạn kiệt sau mấy lần bị cách li chặn đứng các phương kế mưu sinh dân ; nguồn lực quốc gia cũng đã huy động tối đa nhưng đánh vào không khí. Đặc biệt, đội ngũ y tế đang hằng ngày bị vắt cạn từng sinh lực cần phải biết sử dụng tiết kiệm, nhưng chính quyền cộng sản đã lãng phí nhân lực làm cho ngành y không đủ khả năng chữa trị nhiều ca nặng. Kết quả là tỷ lệ tử vong ở Việt Nam cao ngất ngưởng, cao gần gấp 3 lần so với Thái Lan. Có thể nói hoàn cảnh Việt Nam hiện nay là tan hoang, dân thì không biết chết do đói hay chết do bệnh. Chống dịch đã thất bại thảm hại. Tuy nhiên cho tới hôm nay vẫn chưa thấy Đảng cộng sản có dấu hiệu nhận ra sai lầm. Họ vẫn trượt theo lối mòn bất chấp việc dân kiêu cứu thấu trời xanh.
Nhốt tù toàn dân là hoàn toàn chính xác
Có những y bác sĩ, đã ba tháng nay chưa được về nhà. Phần vì công việc quá tải không có người thay thế, phần vì chính quyền cộng sản ngăn sông cấm chợ, không có lưu thông, có muốn về cũng về không được. Không những dân bị nhốt tù mà cả những bác sĩ, y tá cũng bị nhốt tù. Đến 3 tháng ròng rã mà không được đặt chân về nhà thì quả là kinh hoàng. Dân cũng kinh hoàng mà bác sĩ, y tá, điều dưỡng cũng cảm thấy kinh hoàng.
Nếu tới ngày 21/9/2021, Hà Nội vẫn cứ không thuyên giảm lượng F0 như hiện nay, thành phố định sẽ "nhốt dân" thêm bao lâu ? Chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền nhìn nhận ra cái sai của họ. Những người điều hành đất nước mà phớt lờ tiếng nói phản biện thì hậu quả thật là kinh khủng. Hàng triệu người bị nhốt, trong khi đó con virus nó tấn công rất nhiều nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Nhưng không một quốc gia nào nhốt tù toàn dân như Việt Nam, ngoại trừ nhà nước Trung Quốc. Cái hay của Trung Quốc thì nhà nước cộng sản không chịu học mà lại đi học cái dở của họ. Chính vì học cái dở của người ta mà nay dân Việt Nam càng ngày càng khốn khổ.
Cách chống dịch của Đảng cộng sản Việt Nam không vì sinh mạng và sức khoẻ người dân mà là vì thành tích thì đúng hơn. Chính vì thế mà suốt 22 tháng ròng rã, các nước trên thế giới chìm trong hoạ dịch covid nhưng Đảng cộng sản không biết chuẩn bị mà ngược lại, họ chỉ biết tô vẽ thành tích để báo chí ca tụng. Rồi đây hoạ Covid khủng khiếp hôm nay họ cũng tìm cách chối bỏ trách nhiệm và đổ tại "thiên tai" như mọi khi cho mà xem. "Mất mùa đổ tại thiên tai, được mùa thì bảo tại thiên tài đảng ta", dân gian thường sử dụng câu nói ấy để ám chỉ bản chất của chế độ này. Quả là không sai. Thực tế cho thấy, suốt năm 2020, Đảng cộng sản đẩy lùi được dịch là do may mắn nhưng nộ máy tuyên giáo đã hoạt động hết công suất để ca tụng thành quả. Một nhà nước mà thích tự sướng và vô trách nhiệm như thế thì người dân Việt Nam còn gánh khổ dài dài. Rất đáng lo ngại.
Nhiễm tư duy chuyên chính vô sản quá nặng
Chuyên chính vô sản hay còn gọi là bạo lực cách mạng, là cách dùng súng đạn giải quyết vấn đề mà không cần dùng lí lẽ. Mỗi lần bế tắc thì Chính quyền cộng sản lị mang súng đạn ra giải quyết, và trường hợp dịch Covid vẫn vậy, Đảng cộng sản cứ nghĩ đó là thời chiến và họ đã huy động quân đội mang súng AK vào cuộc. Kết quả thất bại như thế nào thì ai cũng thấy, dân bị hạch sách, bị ngăn cản đủ đường nhưng dịch thì vẫn không kiểm soát được. Đây là thực tế nhãn tiền đang diễn ra.
Chống dịch cần tư duy khoa học chứ không phải cần bạo lực. Chống dịch là để giảm thiểu nhất mối đe dọa của dịch tới tính mạng con người chứ không phải để tạo thêm những sang chấn lên sức khỏe tâm thần của con người. Chống dịch là để một quốc gia, một thành phố và người dân trong đó vẫn vận hành với độ an toàn cao nhất chứ không phải để họ bị đe doạ cao nhất. Doạ cho dân sợ, ép cho dân hết đường sống thì cũng không thể diệt được virus.
Thực trong số những người nhiễm virus, thường có khoảng 80% là nhẹ và trung bình, 20% nặng và nguy kịch. Tử vong thường xảy ra ở những người chuyển nặng này mà không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. 77% bệnh tử vong ờ Sài Gòn trong tháng qua chủ yếu xảy ra ờ "tầng 2" : nơi không có đủ thuốc men và trang thiết bị (máy thở oxy dòng cao, oxy từ bồn), khi cần chuyển viện thì tháp trên lại quá tải, bệnh nhân chết trên xe cấp cứu… Tuy nhiên với tư duy chống dịch như chống giặc thì chính quyền cộng sản đã quá lãng phí nhân lực ngành y.
Hà Nội vẫn còn thời gian để học những bài học từ Sài Gòn. Thay vì sợ hãi "bung, toang" như Sài Gòn rồi siết chặt mà phải chuẩn bị tình huống khi dịch lây lan như Sài Gòn vẫn không bị rơi vào bị động.
Càng không muốn tình huống xấu nhất xảy ra càng phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Nên tập trung vaccine tiêm cho nhóm nguy cơ cao (trên 55 tuổi và có bệnh nền) ; nên tập trung vaccine cho nhóm lao động mà khi dịch lan rộng người dân vẫn cần như shippers, nhân viên bán hàng… Sự có mặt của lực lượng vũ trang trong vùng dịch cũng làm được nhiều việc rất ý nghĩa. Nhưng, lực lượng vũ trang cũng là con người, cũng có nguy cơ trở thành F0 lại không chuyên nghiệp khi mua bán và giao hàng như đội quân bán hàng, shippers chuyên nghiệp.
Thay vì cấm nhà thuốc bán về đêm như Sài Gòn, Hà Nội nên làm ngược lại, trong một khu phố phải đảm bảo có nhà thuốc bán về đêm. Người dân vẫn mắc các bệnh thường xuyên và trong trường hợp khi có F0 tự điều trị tại nhà vẫn có thể kịp thời mua thuốc.
Phạm Minh Chính bất lực ai xử lí ?
Phạm Minh Chính đã loại bỏ Vũ Đúc Đam ra khỏi vai trò là người đứng đầu Ban chỉ đạo về phòng chống dịch. Muốn tước bỏ quyền của Vũ Đức Đam, ông Phạm Minh Chính dựa vào khả năng chống dịch kém, vậy thì khi ông Chính chống dịch kém ai xử lý ? Sẽ không có ai, vì trong chính phủ ông Phạm Minh Chính là người có vị trí cao nhất. Mà trong chế độ cộng sản ai đã cao nhất thì luật pháp bất lực.
Thay thế Vũ Đức Đam nhưng ông Phạm Minh Chính vẫn dẫm lại vết xe đổ mà ông Vũ Đức Đam để lại. Vẫn cấm, mọi vận hành của xã hội bị chặn lại làm doanh nghiệp và hộ gia đình điêu đứng. Từ các hành động chống dịch cho thấy Phạm Minh Chính không hề chuẩn bị kế sách mới nào để khắc phục những thứ tồi tệ mà ông Vũ Đức Đam đã làm.
Nguyễn Xuân Phúc giờ đây là chủ tịch nước. Về vấn đề chống dịch dường như ông Phúc không màn tới nữa. Ông Phúc gần như không tư vấn gì cho ông Phạm Minh Chính. Không phối hợp với ông Chính để ra quyết sách phù hợp.
Hiện nay các địa phương cấm chợ. Sự lạm quyền đã dẫn đến những quyết định ngu ngốc như khóa cổng nhà dân ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa hay hủy hoại tài sản công dân, dứt khoát phải đưa một F1 đi cách li tập trung trong khi điều kiện cách li tại nhà của họ tốt hơn như ở Diễn Châu, Nghệ An.
Các lãnh đạo ở Hà Nội cũng không khá hơn. Cũng tự quyết định biện pháp chống dịch cho Hà Nội. Nhân dân và doanh nghiệp vẫn đang điêu đứng vì những thứ giấy đi đường vớ vẩn hành hạ. Phạm Minh Chính là người chịu trách nhiệm cao nhất trong công tác chống dịch, nhưng ông này dường như thả nổi cho địa phương nào nấy tự ý quyết định.
Phạm Minh Chính giờ là thế lực mạnh nhất nhì trong Đảng cộng sản, công việc lớn đầu tiên trên cương vị thủ tướng xem ra ông này không hoàn thành trách nhiệm. Duy ý chí và rất ngoan cố không nghe lời dân. Lỗi ông Phạm Minh Chính rất lớn, tuy nhiên, không ai có thể xử lý được ông này. Dân phải chấp nhận khổ thôi.
Bích Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn : – Thoibao.de, 06/09/2021
************************
Hạ một số phó thủ tướng, ông Phạm Minh Chính đang muốn "dọn rác" chính phủ
Nguyễn Duy, Thoibao.de, 05/09/2021
Có thể nói chỉ mới ngồi ghế thủ tướng không bao lâu mà ông Phạm Minh Chính đã biết tạo sức mạnh cho mình. Bước đầu tiên là củng cố liên minh với Nguyễn Tấn Dũng bằng cách gia cố quyền lực vững chắc cho Nguyễn Thanh Nghị. Nếu Nguyễn Thanh Nghị không phải là con của Nguyễn Tấn Dũng thì sẽ không có chuyện ông Chính tham gia cuộc họp Bộ Xây Dựng ngay khi cuộc họp đầu tiên của bộ này được triển khai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh minh họa
Đứng bên cạnh Nguyễn Thanh Nghị là ý đồ rất rõ của Phạm Minh Chính. Vì sao Phạm Minh Chính chọn thế lực tưởng như hết thời để liên minh mà không chọn thế lực mạnh nhất hiện nay ? Câu trả lời cũng khá đơn giản, thế lực Nguyễn Tấn Dũng đang hồi sinh với Nguyễn Thanh Nghị nhưng thế lực ông Nguyễn Phú Trọng tuy mạnh nhưng đang hết thời vì không có con kế vị. Cùng lắm là hết nhiệm kỳ thứ ba ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải về vườn. Đó là lý do ông Phạm Minh Chính ngã về phe Ba Dũng. Tuy nhiên ông Chính cũng rất khôn khéo là rất vâng lời với người "sĩ phu Bắc Hà" chứ không chống. Nói chung đường lối của ông Phạm Minh Chính là thêm bạn bớt thù. Bài học gây thù chuốc oán của ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải trả giá như thế nào giờ ông Phạm Minh Chính tút ra bài học rất tốt.
Nguyễn Tấn Dũng xây dựng lợi ích nhóm từ vị trí Thủ tướng và sau đó phủ đầu vị trí Tổng bí thư thế nào thì đó là bài học rất có giá trị cho Phạm Minh Chính. Muốn vậy, ông Chính cần phải xây dựng chính phủ toàn là tay chân thân tín để tạo nên sức mạnh. Mới làm thủ tướng chưa được bao lâu nhưng ông Phạm Minh Chính đã bắt tay làm nhiều điều. Về vấn đề cây dựng mối quan hệ thân hữu, ông Phạm Minh Chính tỏ ra vượt trội hơn người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc. Đó là điều rất dễ thấy.
Phạm Minh Chính đang dọn rác trong chính phủ ?
Khi mới lên nắm quyền thì Phạm Minh Chính chưa thể tạo nên một chính phủ như ý. Vẫn còn rất nhiều người trong chính phủ thuộc phe khác. Khác với Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Minh Chính đã tạo nhiều dấu ấn trong việc củng cố quyền lực hơn ông Nguyễn Xuân Phúc.
Người đầu tiên mà ông Chính muốn đẩy đi, đó là Trương Hòa Bình. Trương Hòa Bình vốn là một người của liên minh Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang. Trương Tấn Sang thì không còn quyền lực gì nữa xem như hết thời và cũng chẳng có thế hệ tiếp nối để hồi sinh, còn Nguyễn Phú Trọng thì quyền lực vẫn còn nhưng là thế lực đang xuống dốc, hết nhiệm kỳ này Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ chẳng còn quyền lực gì, vả lại bản thân ông Trọng cũng không muốn giúp Trương Hòa Bình. Ông Trọng chỉ không đẩy Trương Hòa Bình rời ghế sớm mà thôi, vì thế mà tại Đại hội 13, Trương Hòa Bình đã mất chức ủy viên Bộ Chính Trị và cũng chẳng còn ủy viên Trung Ương Đảng. Với người không còn đứng trong Bộ Chính Trị thì ta tay loại khỏi chính phủ là dễ nhất. Không lý do gì Trương Hòa Bình không thực hiện. Điều đáng nói là sau khi loại Trương Hòa Bình, Phạm Minh Chính chốt luôn danh sách phó thủ tướng chỉ còn 4 người chứ không phải là 5 người như trước đây. Với ít phó, quyền lực sẽ tập trung về thủ tướng nhiều hơn. Đó là lý do tại sao, Phạm Minh Chính không giữ nguyên 5 phó thủ tướng.
Cùng với việc tước quyền làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch của Vũ Đức Đam thì rõ ràng Phạm Minh Chính đang muốn giành lấy quyền lực từ tay phó thủ tướng. Có hai cách thâu tóm quyền lực, cách thứ nhất là loại bỏ đối thủ, cách thứ nhì là tước bỏ quyền lực đối thủ. Với Trương Hòa Bình thì ông Phạm Minh Chính loại bỏ đối thủ, với Vũ Đức Đam là tước bỏ quyền lực đối thủ. Thực tế cho thấy, Phạm Minh Chính đấu đá nhau rất giỏi. Gần như khó có đối thủ nào sánh bằng ngoại trừ ông Nguyễn Phú Trọng.
Vì sao Phạm Minh Chính có sức mạnh vượt trội như vậy ?
Cho đến bây giờ, muốn có thế lực mạnh trong Đảng cộng sản thì phải thân Bắc Kinh. Nếu không thân thì khó mà làm các thế lực khác sợ. Cho đến nay người ta không tìm ra bằng chứng nào cho thấy Nguyễn Phú Trọng thâu tóm tiền bạc, tuy nhiên những kẻ có tiền đầy nhà phải chịu thua trước Nguyễn Phú Trọng. Đó là cái giá của việc thân Trung Quốc. Ông Phạm Minh Chính là con người sắc sảo nên ông ta nhìn ra những lợi thế đó và đã không bỏ lỡ cơ hội để gầy dựng khi làm bí thư tỉnh Quảng Ninh.
Với việc nắm ghế thủ tướng, với nền kinh tế đất nước nằm gọn trong tay, ông Phạm Minh Chính được xem như là có tất cả. Tất vì thể Phạm Minh Chính không ăn lộ liễu như Nguyễn Tấn Dũng để củng cố quyền lực bằng tiền mà Phạm Minh Chính sẽ khôn ngoan hơn. Đó là thực tế mà nếu quan sát kỹ sẽ nhận ra thôi.
Hiện nay có 4 phó thủ tướng là Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành. Ông Phạm Bình Minh được xem là Phó Thủ tướng thường trực, tuy nhiên ông Phạm Bình Minh được xem là lành tính, không thích va chạm vì vậy ông Phạm Minh Chính không lo bị tiếm quyền, còn ông Lê Minh Khái và Lê Văn Thành được xem là người của Phạm Minh Chính. Còn lại Vũ Đức Đam tuy là phó thủ tướng kỳ cựu nhưng lại là người không thủ tướng nào ưa. Từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng, đến thời ông Nguyễn Xuân Phúc rồi đến giờ là Phạm Minh Chính không ai ưa ông Đam. Không ai biết lý do tại sao ông Đam lại bị ghét bỏ như vậy, đã 3 nhiệm kỳ ủy viên trung ương đảng mà vẫn chưa vào được Bộ Chính trị là một câu hỏi to tướng. Đây là điều bất thường.
Ông Vũ Đức Đam được mác Tây học nói tiếng Anh tốt, ông Đam luôn tỏ ra là người có năng lực trước công chúng làm lu mờ đồng nghiệp và cả cấp trên. Tuy nhiên, thực tế là ông Đam không có năng lực như người ta nghĩ, tất cả những gì người dân nghĩ chỉ là hào nhoáng bề ngoài. Qua việc chống đỡ dịch Covid đã phơi bày điều đó. Chính vì thế ùà ông Đam thuộc loại không ai ưa. Và tất nhiên Phạm Minh Chính cũng không ưa ông Đam.
Tham vọng của ông Phạm Minh Chính
Có thể nói không lý do gì để loại bỏ Vũ Đức Đam. Chỉ tước bỏ dần quyền lực của ông Đam thì xem như các phó thủ tưởng nằm gọn trong tầm điều khiển của ông Phạm Minh Chính. Phần còn lại là dọn một số bộ trưởng.
Người mà ông Phạm Minh Chính muốn đẩy đi nhất hiện nay là ông Nguyễn Văn Thể. Ông Thể là người gây rất nhiều tai tiếng nhưng lại không thuộc phe. Vậy nên đưa Nguyễn Văn Thể đi là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Từ sau Đại hội 13 đã có tin ông Nguyễn Văn Thể sẽ về nắm chức phó bí thư thường trực thành phố. Vị trí này sau đó ông Phan Văn Mãi đã chiếm lấy, tuy nhiên mới đây Trung ương đã đẩy Nguyễn Thành Phong đi nên ông Phan Văn Mãi trám vào, và cuối cùng là chiếc ghế phó bí thư thường trực lại trống. Đây là cơ hội tốt để ông Nguyễn Văn Thể ra đi. Ông Thể ra đi trám vào vị trí ông Mãi bỏ lại thì vừa tốt cho ông Phạm Minh Chính và lại vừa tốt cho Nguyễn Văn Thể. Tốt cho ông Phạm Minh Chính là ông ta sẽ có một chính phủ đồng lòng hơn để củng cố quyền lực, tốt cho ông Thể là để ông ta khỏi lạc lõng ở chính phủ Phạm Minh Chính. Vả lại, Bộ Giao thông và vận tải là bộ có khá nhiều người đã đi tù, nếu ông Thể ngồi lại ghế bộ trưởng thì lành ít dữ nhiều. Điều dữ đôi khi nó đến từ ông Phạm Minh Chính.
Ông Phạm Minh Chính là nhân vật chính trị đang lên, và ông Chính đang ráo riết củng cố quyền lực chứ không như ông Nguyễn Xuân Phúc. Trong vòng 6 tháng qua thành tích chống dịch của ông Phạm Minh Chính chỉ là con số không, nhưng thành tích củng cố quyền lực của ông Chính là rất ấn tượng. Nếu ông Chính cứ củng cố quyền lực như thế này, thì có thể nói rằng 5 năm sau, thế lực của ông Phạm Minh Chính sẽ là số một trong Đảng cộng sản.
Tham vọng chính trị thì quan chức cộng sản nào cũng có, nhưng để toan tính củng cố quyền lực cho mình thì khó có ai bì lại ông Phạm Minh Chính ngoại trừ ông Nguyễn Phú Trọng. Chính phủ sau vài lần dọn rác, thì hiện lên toàn phe ông Phạm Minh Chính. Đến lúc đó, sức mạnh chính trị của Phạm Minh Chính sẽ trở nên vô đối.
Nguyễn Duy (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 05/09/2021