Hôm 11/09/2021, chính phủ Việt Nam đã có một phiên họp đặc biệt nhằm sơ kết lại các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, đồng thời để chuẩn bị cho chiến lược mới để đối phó với đại dịch, dự kiến sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến đầu năm tới.
Covid : Hàng rào phong tỏa tại một khu phố tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 29/08/2021. AFP – Manan Vatsyayana
Truyền thông trong nước đặc biệt chú ý đến nhận định của thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh đến việc nếu "phòng dịch tốt thì không phải chống dịch ", với so sánh "một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch, và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân". Cách nay hai tuần, ngày 29/08, thủ tướng Việt Nam tuyên bố cuộc chiến với dịch không thể sớm kết thúc, cần phải chấp nhận "sống chung lâu dài" với Covid. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh nhiều lãnh đạo tại Việt Nam ở cấp trung ương và địa phương lâu nay vẫn ưu tiên coi việc nhanh chóng "dập" dịch là mục tiêu cần dốc sức thực hiện, và là điều hoàn toàn khả thi.
Tuyên bố nói trên của thủ tướng Phạm Minh Chính được nhiều chuyên gia và nhà quan sát tại Việt Nam coi như một "bước ngoặt" trong chính sách với Covid của chính quyền. Trong xã hội Việt Nam, rất nhiều người lo ngại chủ trương "dập" dịch khẩn cấp trong bối cảnh vac-xin chưa có đủ, và dịch đã vào sâu trong cộng đồng ở nhiều nơi, lợi bất cập hại, đã và đang gây nhiều tổn thất nặng nề. Một chiến lược "tổng thể" để ứng phó "hiệu quả" hơn với đại dịch, với khâu "phòng dịch" được coi là "quyết định", có những khác biệt gì so với chiến lược hiện tại ? Và chiến lược mới này có khả năng thực thi hay không ?
RFI đặt câu hỏi với Bác sĩ Tiến sĩ y khoa Trần Tuấn (Hà Nội), thành viên Liên minh Vận động Phát triển Chính sách Y tế dựa trên Bằng chứng Khoa học (EBHPD).
------------------
RFI : Xin Bác sĩ cho biết nhận định chung của ông về sự kiện này.
Trần Tuấn : Truyền thông hôm qua đưa tin về chỉ đạo của thủ tướng giao cho Bộ Y tế xây dựng "Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19", truyền thông cũng nhấn mạnh về mặt dự phòng. Về mặt tổng quan, nếu đúng là như vậy, thì đây là một bước tiến mới, thể hiện rằng người đứng đầu chính phủ đã có nhìn nhận lại cách thức, chiến lược đòi hỏi ứng phó hiệu quả hơn. "Hiệu quả" có nghĩa là đạt được mục tiêu, nhưng chi phí phải thấp. Tôi mong đợi rằng sẽ có sản phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới.
Yêu cầu của thủ tướng tuy ngắn gọn, nhưng thực ra sẽ là một thách thức đối với Bộ Y tế. Tại sao ? Vì trong việc "hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng - chống dịch trong thời kỳ mới", thì muốn phòng được phải chủ động được trong việc nhận định về diễn biến của dịch. Hay nói cách khác, hệ thống thông tin, giám sát dịch phải được xây dựng, phải đáp ứng được "tính yêu cầu cao". Thế mà, nhìn lại việc chống dịch của Hà Nội và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, dù gần đây đã có điều chỉnh, nhưng một thời gian khá dài tính ra đến hàng quý, việc phòng chống dịch chưa thể hiện đúng đã được dẫn đường bởi khoa học. Việc "PHÒNG" chưa bảo đảm, và (hệ thống y tế) bị động.
Vấn đề "PHÒNG" là thách thức với Bộ Y tế. Muốn Phòng dịch được thì bộ phận "Giám sát dịch" phải chuẩn mực và khoa học. Đấy là thách thức thứ nhất. Thách thức thứ hai là chính sách tổ chức phát hiện bóc tách hết F0, khi dịch "đã vào sâu trong cộng đồng" là không hiệu quả. Trong khi đó, chỉ đạo của bộ trưởng Y tế ngay trong thông điệp với toàn dân vẫn có câu là toàn dân thực hiện xét nghiệm. Bộ Y tế cần xem lại tính hiệu quả của việc này. Thách thức thứ ba là vấn đề vac-xin triển khai chậm. Tất nhiên, những ngày gần đây Hà Nội đã điều chỉnh, nhanh hơn, mạnh hơn. Việc này Bộ Y tế cần có kế hoạch điều chỉnh tương tự với các tỉnh khác. Thách thức thứ tư là điều trị. Gánh nặng bệnh tật dồn lên hệ thống bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lý do chính là do thiếu chính sách thực hiện ưu tiên vac-xin cho người già (và các nhóm cần ưu tiên khác, như người có bệnh nền), cho nên làm chậm khả năng ứng phó, tạo ra gánh nặng khi dịch lan tràn. Có những biểu hiện cho thấy hệ thống y tế bị quá tải dẫn đến những tổn thất thực sự không đáng có.
Bộ Y tế muốn thay đổi được thực tế này, phải thay đổi cách đề cập chống dịch. Trong giai đoạn dịch đã là "nội sinh", vào sâu trong cộng đồng, không thể tiến hành xét nghiệm rộng rãi toàn dân để thực hiện "bóc tách F0" được. Tôi chưa rõ công tác xây dựng "Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả" đặt ra cho Bộ Y tế thì ai sẽ làm, bởi vì nếu như tiếp tục đội ngũ cũ, thì tôi cho rằng khó có thể họ thay đổi được, tiếp ứng được cách làm mới. Dường như cần phải có một đội ngũ chuyên gia mới, cách làm mới, lấy dịch tễ học dẫn đường. Và cần một cách đề cập khác : phải dựa vào dân, phải tạo hệ thống giám sát dịch, và đi kèm việc thực hiện đồng bộ khả năng ý thức tự phòng chống thực hiện 5K, phối hợp vac-xin, đi kèm với củng cố hệ thống điều trị, và chuyển đổi mục tiêu "phong tỏa", phong tỏa không phải để ngăn sự đi lại của người dân, mà làm sao cho giảm nguy cơ xảy ra các tập trung đông người. Đấy là một thách thức với Bộ Y tế. Thách thức cụ thể là : Liệu Bộ Y tế có được nhóm chuyên gia nào để thực hiện việc xây dựng Chiến lược tổng thể mới đáp ứng yêu cầu thủ tướng đưa ra không ?
RFI : "PHÒNG" dịch trong lúc dịch đã vào sâu trong cộng đồng có vẻ là chuyện đầy mâu thuẫn. Vì sao lại nói đến chuyện này ? Xin Bác sĩ giải thích rõ hơn.
Trần Tuấn : Khi đã nói đến PHÒNG có nghĩa là CHỦ ĐỘNG. Có các hoạt động đi trước, có kế hoạch, có khung hành động tổng thể, có mục tiêu rõ ràng. Nhìn trước, dự kiến trước những tình huống xảy ra. Đấy gọi là PHÒNG. Với Hà Nội, chúng ta sẽ xem, thế nào là PHÒNG, thế nào là CHỦ ĐỘNG.
Tình hình dịch hiện nay có thể nói là đã lan sâu trong cộng đồng, và dịch chỉ dừng khi khối "cảm nhiễm" còn lại dừng ở mức dưới 30%. Có nghĩa là có ba phần tư cộng đồng đã "miễn dịch" rồi, lúc đó dịch mới quay đầu đi xuống. Vấn đề phòng muốn làm được lúc này là phải tăng tốc tiêm vac-xin cho người dân. Đấy là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là chúng ta đều biết bản thân vac-xin cũng có những hạn chế, và giữa hiệu lực vac-xin trên nghiên cứu có khác với hiệu lực vac-xin trên thực tế, bởi có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng, làm giảm đi ảnh hưởng của vac-xin trong thực tế. Cho nên muốn phòng được, thì phải chủ động đánh giá được mức độ miễn dịch trong cộng đồng đạt được bao nhiêu, với các nghiên cứu, đánh giá, đo lường.
Ví dụ như Hà Nội cần thiết lập được hệ thống giám sát dịch, trong hệ thống đó, có một phần, mà theo tôi, Hà Nội chưa làm, các tỉnh khác chưa làm, Việt Nam chưa làm. Đó là thực hiện "các nghiên cứu định hướng chính sách", mà chúng ta gọi là các nghiên cứu điểm (sentinel site), sử dụng "xét nghiệm kháng thể". Nếu làm được vấn đề này, kết hợp với số liệu của hệ thống giám sát thường xuyên về số ca mắc, số ca truy vết, thì mới có thể nhận định chính xác "mức độ miễn dịch cộng đồng" tích lũy được, tăng được đến đâu.
Chúng ta cũng biết là đại dịch Covid này có đặc điểm là tính biến chủng cao. Cụ thể là chủng Delta. Và có khả năng trong tương lai xuất hiện các chủng khác với chủng Delta cả về tốc độ lây nhiễm với chỉ số R0, Re. Và có thể cũng có cả vấn đề khả năng đáp ứng của vac-xin hiện tại với các chủng mới. Như vậy, bắt buộc chúng ta phải có các nghiên cứu theo dõi. Thế giới đang tập trung nghiên cứu theo dõi, Việt Nam nên nghiên cứu theo dõi ở chỗ nào ? Điểm thứ nhất là phải thực hiện được các điểm giám sát dịch tễ học, theo thời gian, có trọng điểm, để ghi nhận các diễn biến. Cụ thể là diễn biến đáp ứng miễn dịch của cộng đồng. Cần dùng xét nghiệm kháng thể để đo lường.
RFI : Việc tiêm chủng đã hoặc sắp gần như phủ khắp tại Hà Nội hay Sài Gòn (với người trên 18 tuổi) có khiến việc điều tra bằng "xét nghiệm kháng thể", để phục vụ cho định hướng chính sách phòng dịch, trở nên không cần thiết ?
Trần Tuấn : Cho đến giai đoạn này, xét nghiệm kháng thể có nên đặt ra hay không, khi tỉ lệ tiêm chủng đã đạt được ở mức ví dụ như Hà Nội trong những ngày tới sẽ có 100% dân cư trên 18 tuổi đã tiêm chủng lần một ? Chúng ta biết, bản thân vac-xin khi tiêm một mũi thì khả năng bảo vệ còn thấp. Theo một số báo cáo, tỉ lệ bảo vệ chỉ là 30%. Như thế, kể cả tiêm mũi một, dịch vẫn lan truyền. Điểm thứ hai là bản thân việc tiêm chủng cả hai mũi đi nữa, vẫn có khả năng lây nhiễm nhất định. Một số nước ghi nhận khả năng bảo vệ chỉ là 60 đến 70%. Như thế, muốn đánh giá xem dịch bệnh lan truyền đến đâu, muốn sát thực, thì phải có các nghiên cứu đo lường "hiệu lực miễn dịch đạt được cụ thể". Để đo được hiệu lực này phải có xét nghiệm kháng thể, hay xét nghiệm huyết thanh.
Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh là xét nghiệm kháng thể này là nhằm mục tiêu nghiên cứu, đo lường hiệu lực miễn dịch, mức độ kháng thể, chứ không phải chỉ là : có hay không có kháng thể (bằng xét nghiệm nhanh). Nghiên cứu này làm nhằm mục tiêu định hướng chính sách, cho vấn đề dự phòng, chứ không phải cho mục tiêu chứng nhận một cá nhân đã miễn nhiễm không, hay cho mục tiêu "thương mại".
Đứng về mặt dự báo phòng dịch, để lập kế hoạch, đối với một quốc gia, một thành phố lớn, thì việc chẩn đoán chính xác việc miễn dịch cộng đồng đạt được bao nhiêu là một yêu cầu trong dự phòng ("tỉ lệ tiêm chủng" là khác với "tỉ lệ miễn dịch cộng đồng đạt được", vì nhiều yếu tố làm giảm hiệu lực của vac-xin). Và cần phải có chi phí cho chuyện này.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cần làm dù đã tiêm chủng nhiều. Thứ hai là đối với các tỉnh thành thì tùy theo dịch có thể đang ở mức độ khác nhau. Có những tỉnh ví dụ như vài ba tuần không xuất hiện trường hợp nhiễm mới nào, thì chúng tôi không đặt ra vấn đề làm xét nghiệm kháng thể vào lúc này, mà là vấn đề hệ thống giám sát dịch tễ cần phát triển trước, bằng việc phát hiện các triệu chứng nghi ngờ lâm sàng, để xem các diễn biến, cái "phổ thể hiện lâm sàng" bệnh đường hô hấp ở cộng đồng như thế nào, để xem xét mức độ gia tăng của thực tế này, để góp phần định hướng, chỉ điểm cho việc thực hiện xét nghiệm "kháng nguyên", để nhận biết sớm các trường hợp nhiễm virus, nếu có sự xâm nhập trong cộng đồng. Nếu dịch mới phát triển, tỉ lệ lây nhiễm rất thấp, chưa cần phải làm xét nghiệm kháng thể. Xét nghiệm kháng thể dùng lúc nào ? Chỉ cần làm khi nghi ngờ dịch (đã phát triển mạnh), và để giúp mình có thông số về tốc độ diễn biến của dịch. Tôi nói đây là với các nước nghèo. Mình là nước nghèo. Còn đối với các nước giầu, có thể làm từ sớm hơn.
RFI : Bác sĩ nghĩ gì về vấn đề chính sách "dự phòng" Covid với khối dân cư dưới 18 tuổi ?
Trần Tuấn : Với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài số người trưởng thành đã và sẽ được tiêm chủng gần hết, còn vấn đề khối dân cư dưới 18 tuổi. Với Việt Nam, vấn đề trẻ em trong thời gian vừa rồi có hay không bị bệnh Covid-19, và tỉ lệ nặng là bao nhiêu trên tổng số trẻ em có dấu hiệu lâm sàng Covid-19, hiện chưa có số liệu. Tôi chưa có số liệu này. Tôi tin là hệ thống giám sát dịch ở Việt Nam chưa được củng cố để thực hiện mục tiêu này, nên chúng ta khó khăn cho vấn đề đánh giá. Giả sử như tôi là lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, và trong tay tôi có đủ vac-xin để tiêm cho khối dân cư (dưới 18 tuổi) này, thì câu hỏi đặt ra là cần biết được mức độ có kháng thể là bao nhiêu, chọn các điểm điều tra là nơi dịch nổ ra mạnh nhất, để xem xem trẻ em miễn nhiễm như thế nào. Để từ đó, cũng trên các đối tượng đó tiến hành điều tra xem trong vòng vài ba tuần qua, có hay không các biểu hiện lâm sàng của các bệnh đường hô hấp, để tìm ra mối liên hệ giữa khả năng hoành hành của dịch này ở trẻ dưới 18 tuổi và gánh nặng với hệ thống bệnh viện ra sao, để từ đó định lượng mức độ ác tính, mức độ khẩn thiết cần can thiệp dự phòng cho đối tượng này. Để có cơ sở đưa ra câu trả lời, có hay không cần tiêm chủng rộng rãi các trẻ dưới 18 tuổi. Tất nhiên, nếu có đủ vac-xin cho tất cả thì cứ làm, nhưng phải cân nhắc điều này vì trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, khi chưa có đủ vac-xin từ nay đến cuối năm, và chắc chắn dịch đã lan tràn sang các tỉnh khác, và đối tượng trên 18 tuổi cần tiêm vac-xin còn rất lớn.
RFI : Bác sĩ nghĩ gì về chính sách "xét nghiệm thần tốc" hiện nay về góc độ hiệu quả ?
Trần Tuấn : Vừa rồi Hà Nội, và tổng cộng 23 tỉnh, thành phố đã và đang thực hiện biện pháp "thần tốc" xét nghiệm toàn dân, để phát hiện và lọc ra hết các trường hợp nhiễm virus, gọi là F0, để thực hiện cách ly, nhằm trả lại cho cộng đồng tình trạng "không có người nhiễm", coi như khống chế hoàn toàn dịch bệnh. Khi tìm hiểu, tôi biết là quyết tâm này là dựa trên kinh nghiệm của Trung Quốc. Ở đây tôi có hai lời bàn.
Lời bàn thứ nhất là : Trung Quốc hiện nay là một nước mà công tác phòng chống dịch, kinh nghiệm mà họ đưa ra không được thể hiện bằng các nghiên cứu khoa học, tức không được đánh giá một cách khách quan. Nói khác đi, những gì mà Trung Quốc gọi là có kinh nghiệm trong phòng chống dịch, theo giới khoa học chúng tôi nhìn nhận là chưa đáng tin cậy. Cho nên tôi khuyến cáo là khi "học" kinh nghiệm của Trung Quốc cần hết sức cẩn thận. Bằng chứng là trong đại dịch Covid-19 này, ngay từ đầu, Trung Quốc không phải là nước có hệ thống giám sát tốt, và kiểm soát phòng chống dịch dẫn đường bởi khoa học. Tôi cho rằng Trung Quốc thiếu sự minh bạch.
Về điểm thứ hai, việc Việt Nam, 23 tỉnh thành thực hiện chính sách nói trên thì như thế nào. Có thể chia thành hai nhóm. Riêng về nhóm đã là nội sinh, như ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, cách làm này hết sức thiếu hiệu quả, và chi phí tốn kém không đáng có. Cụ thể là chi phí cho các xét nghiệm. Giá cả mỗi nơi một khác, nhưng nhìn chung có thể đưa ra con số 200.000 đồng cho một xét nghiệm, tức xấp xỉ 10 đô la. Ví dụ như Hà Nội đặt mục tiêu 5 triệu xét nghiệm, con số khổng lồ như thế mang lại kết quả thế nào ? Trong những ngày vừa rồi, Hà Nội làm khoảng từ 1,2 triệu đến 1,4 triệu, thì số ca dương tính tôi thấy đưa tin là chỉ có vài chục ca (theo sơ kết của báo Thanh Niên ngày 10/09, trên tổng số 900.000 xét nghiệm PCR và xét nghiệm nhanh tại Hà Nội đầu tháng 9, chỉ phát hiện được 9 ca dương tính). Mà, theo khoa dịch tễ học, trong số đó có những trường hợp "dương tính giả". Bỏ ra số tiền lớn như vậy mà chỉ phát hiện ra rất ít trường hợp. Mà trong số đó, một phần lớn lại là không có diễn biến lâm sàng, nhiễm rồi tự hết. Kết quả như vậy không có ý nghĩa phòng chống dịch về thực tế, trong lúc chi phí rất tốn kém. Chưa kể khi mình tổ chức làm như vậy, có những trường hợp "âm tính giả", tạo tâm lý chủ quan trong khi sinh hoạt trong cộng đồng. Trong khi đó, việc tập trung đông người khi làm xét nghiệm (cộng với thao tác sai của người làm xét nghiệm) tạo môi trường lây nhiễm. Chủ trương "xét nghiệm thần tốc" (phát hiện F0) này lợi bất cập hại và rất tốn kém. Tôi nghĩ rằng không có nước nào khi dịch bệnh về đường hô hấp đã ở trạng thái nội sinh mà lại làm như thế cả.
RFI : Xin cảm ơn Bác sĩ Trần Tuấn.
Trọng Thành thực hiện
Nguồn : RFI, 13/09/2021