Ông Chu Tiến Dũng – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh – cho biết đã đại diện cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nêu lên các đề xuất, kiến nghị tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp vào sáng 26/9, như sau :
Ông Phạm Tấn Công – chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho rằng nếu giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp sẽ sụp đổ. Ảnh minh họa : Người dân xếp hàng chờ được tiếp tế
Thứ nhất, tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, chỉ có 652/1.412 doanh nghiệp hoạt động "3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) với 51.000 công nhân, chiếm khoảng 18% năng lực sản xuất của toàn bộ các doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và khu chế xuất, tỉ lệ duy trì hoạt động "3 tại chỗ" chiếm khoảng 15%. Số lượng doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất trong 3 tháng qua là khoảng 70%, tương ứng năng lực sản xuất còn hoạt động của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm khoảng 30%.
Các doanh nghiệp "3 tại chỗ" đều báo cáo thua lỗ, chủ yếu bảo đảm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì nguồn lao động chủ chốt của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ngừng sản xuất cũng chịu thiệt hại nặng khi đứt gãy hoàn toàn thị trường, chuỗi cung ứng và không kiểm soát được nguồn nhân lực, chi phí duy trì. Đồng thời, chi phí lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng ăn mòn vào vốn của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp không có khả năng phục hồi.
Thứ hai, qua khảo sát nhanh các doanh nghiệp đầu tháng 9 vừa qua, có đến 40% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng vốn chỉ còn đủ hoạt động trong 1 tháng.
Theo chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tại hội nghị do Thủ tướng chủ trì, ông đã kiến nghị cần tháo gỡ vướng mắc trong 3 nhóm vấn đề, gồm : công tác phòng chống dịch, chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tháo gỡ các vướng mắc khi thực thi các chính sách đã ban hành.
Thứ ba, đối với công tác chống dịch, ông Dũng kiến nghị Chính phủ, chính quyền địa phương công bố công khai thông tin về chiến lược phòng chống dịch, bộ tiêu chí phòng chống dịch và kịch bản điều hành kinh tế xã hội tương ứng với các tình huống.
"Ý thức, trách nhiệm phòng chống dịch của người dân và doanh nghiệp nâng cao, vì vậy đề nghị ngành y tế không quy định bắt buộc các doanh nghiệp hoạt động phải xét nghiệm toàn bộ người lao động định kỳ 3 ngày hay 7 ngày/lần mà chuyển sang chỉ xét nghiệm đối với đối tượng có nguy cơ cao trong doanh nghiệp, nhân sự mới, để giảm bớt gánh nặng chi phí", ông Dũng nêu kiến nghị.
Bên cạnh đó, thời gian qua chính sách phòng chống dịch của các địa phương có nhiều khác biệt nên đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trong nước, do đó ông Dũng đề xuất Chính phủ cần có các quy định chỉ đạo nhất quán để các địa phương không ban hành các quy định gây cản trở ách tắc hoạt động lưu thông phân phối, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ tư, đối với chính sách tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ông Dũng cho hay dù dịch ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp, song mức độ thiệt hại khác nhau, nhất là đối với các doanh nghiệp ở trong vùng tâm dịch phải cách ly, giãn cách thời gian dài như Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, ông Dũng đề nghị Thủ tướng khi ban hành các chính sách cần có quan tâm ưu tiên tới tính chất đặc thù, có thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề sớm được phục hồi…
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới. Theo đó cần ban hành một văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… vốn được ban hành từ thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Văn bản pháp luật mới này có nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm "sống chung lâu dài với dịch bệnh".
Hơn nữa, "Chỉ thị của Thủ tướng" không phải một hình thức văn bản pháp luật, chỉ nên sử dụng trong trường hợp cấp bách, không nên sử dụng lâu dài như hiện nay.