Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/06/2022

Điểm báo Pháp – Covid-19 lan mạnh tại Pháp

RFI tiếng Việt

Pháp : Covid lan mạnh trở lại, chính phủ có dấu hiệu thờ ơ

Báo chí Pháp ra ngày 30/06/2022 quả là thiếu tập trung, với mỗi tờ một tựa lớn trang nhất khác nhau, dù hầu hết đều khai thác thời sự Pháp, từ tình trạng bất động tạm thời của chính phủ Macron trên Le Monde, gánh nặng lạm phát trên La Croix, cho đến ý nghĩa phiên tòa xét xử vụ khủng bố năm 2015 tại Paris trên Le Figaro, hay nguy cơ Covid bùng phát trở lại trên Libération. Riêng Les Echos nhìn ra quốc tế, lo ngại trước hướng suy giảm mạnh của các thị trường tài chánh. 

cov1

Ảnh minh họa Một quán cà phê tại Paris trong ngày Pháp dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19, hôm 14/03/2022.  AP - Francois Mori

Về nước Pháp, một vấn đề đáng lo ngại đã được nhật báo thiên tả Libération đưa lên ngay trang nhất trong tựa hàng tựa lớn đầy tính châm biếm : "Covid : Hãy che giấu ngay…", mô phỏng một lời thoại nổi tiếng trong vở kịch Tartuffe của Molière tố cáo tính đạo đức giả. 

Tờ báo nhấn mạnh : "Bất chấp sự bùng phát mạnh trở lại của các ca nhiễm Covid, chính phủ Pháp vẫn duy trì thái độ phủ nhận thực tế và từ chối tái lập các biện pháp hạn chế trong thời điểm hiện tại". 

Trong bài "Làn sóng Covid thứ bảy : Hành pháp đá ngược về gốc", chơi chữ trên thành ngữ đá bóng ra biên, chỉ việc né tránh hành động, Libération ghi nhận : "Số ca nhiễm đang tăng mạnh, nhưng không tạo ra được một phản ứng tương xứng nơi chính phủ. Tình trạng chia năm xẻ bảy về mặt chính trị trong Quốc hội Pháp khiến cho việc thông qua các biện pháp phòng chống mới không còn chắc chắn. 

Phản ứng rụt rè vào lúc ca nhiễm tăng mạnh 

Theo tờ báo : "Bị mắc kẹt giữa những tin tức đen tối về cuộc chiến ở Ukraine và những diễn biến không hay tại Quốc hội, sự trỗi dậy của dịch Covid-19 tại Pháp hiện mới chỉ là chủ đề của các chỉ thị và phát biểu rụt rè của chính phủ. Vào hôm 29/06, Pháp đã ghi nhận hơn 70.000 trường hợp dương tính hàng ngày (tính trung bình trong bảy ngày), một mức tăng khoảng 53% trong một tuần".

Thế nhưng không có vấn đề tái lập các biện pháp hạn chế, thậm chí không có cả biện pháp đeo khẩu trang tại những nơi khép kín. Bị chất vấn, bộ trưởng Y tế Brigitte Bourguignon chỉ kêu gọi mọi người thực hiện "nghĩa vụ công dân" để "bảo vệ người khác và đặc biệt là những người dễ bị bệnh nhất". Một hôm sau, chính thủ tướng Elisabeth Borne, thông qua một thông cáo báo chí, đã nêu lên "trách nhiệm của tất cả". Một cố vấn chính phủ giải thích : "Người Pháp biết rõ các cử chỉ phòng chống… Trong metro, người ta đã có phản xạ đeo khẩu trang khi đông người". 

Chính phủ tái lập sai lầm thời trước đại dịch ? 

Giới chuyên gia, theo Libération, rất bất bình trước phản ứng thụ động đó. Trả lời Libération, một giáo sư dịch tễ học và y tế công cộng tại Đại học Versailles-Saint-Quentin báo động : "Chẳng bao lâu Pháp sẽ lên đến mức 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, nhưng ai cũng nhắm mắt làm ngơ. Cứ như là cuộc khủng hoảng Covid-19 đã bị đẩy xuống hạng ba và bị bỏ xó, bất chấp 20.000 người chết từ tháng Giêng đến nay". 

Điều đáng ngại, theo tờ báo thiên tả, là chiến dịch tiêm chủng lại đang lâm vào một giai đoạn hết sức uể oải, mới chỉ có 2,5 triệu người được chích mũi thứ tư trong tổng số 8 triệu người cần được chích ngừa vì để bị nhiễm bệnh. 

Thái độ chần chờ, thiếu quyết đoán trong việc chống dịch có nguy cơ khiến chính phủ bị lên án – đúng theo nghĩa đen của từ ngữ này. Trong bài "Covid-19 : Nhà nước bị kết án là đã sai trong việc không dự trữ đủ khẩu trang, nhật báo Le Monde cho biết là tòa án hành chánh Paris vừa ra phán quyết cho rằng chính quyền Pháp đã phạm "nhiều lỗi" trong việc quản lý cuộc khủng hoảng y tế trong giai đoạn trước tháng 5 năm 2020. 

Hoạt động chính phủ bị tạm dừng

Về tình hình chính trị Pháp, dưới hàng tựa lớn : "Luật lệ, cải cách : Các công trình đang bị treo của ngành hành pháp", Le Monde ghi nhận rằng do việc đang cố gắng thành lập một "chính phủ hành động", tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Elisabeth Borne đã phải đặt các hồ sơ quan trọng vào tình trạng chờ đợi.

Tờ báo ghi nhận : Để tạo ra cảm tưởng là việc nước vẫn chạy đều, các bộ trưởng bị thất cử trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua – và trên nguyên tắc sẽ phải từ chức - vẫn tiếp tục tại chức và xử lý công việc hàng ngày, trong bối cảnh các vấn đề xã hội, kinh tế và sinh thái thiết yếu ngày càng chồng chất mà không ai dám giải quyết.

Bà Yaël Braun-Pivet, thuộc đảng của tổng thống Macron, người phụ nữ đầu tiên được bầu làm chủ tịch Quốc hội (tức là Hạ Viện) Pháp, sẽ phải gánh vác một nhiệm vụ nặng nề là điều hành một nghị viện không có đa số rõ ràng. 

Le Monde trích dẫn cựu thủ tướng Pháp Lionel Jospin thuộc đảng Xã hội trả lời phỏng vấn của tờ báo cho rằng: "Tổng thống (Macron) phải thừa nhận rằng ông sẽ không còn điều kiện ấn định tất cả các nhịp điệu của thời gian", ý muốn nói là việc mất đa số tuyệt đối tại Quốc hội sẽ không cho phép người đứng đầu Nhà nước muốn làm gì thì làm như trong nhiệm kỳ trước đây. 

"Dân Pháp vào thời lạm phát"

La Croix hết sức lo ngại trước tình trạng vật giá leo thang, mới đây còn được cho là chỉ tạm thời, hiện lại đang có dấu hiệu bám trụ lâu dài, và càng lúc càng đè nặng hơn trên sức mua của người dân.

Phóng viên của tờ báo đã đến tìm hiểu thực tế tại thành phố Chartres cách Paris không đầy 100 cây số, nơi mà từ các hộ gia đình, các hộ buôn bán, cho đến các cấp chính quyền, tất cả đều đã cảm giác được tình trạng giá cả leo thang từ nhiều tháng nay. Nếu thành phố là thủ phủ của tỉnh Eure et Loir này vẫn còn được thừa hưởng một bối cảnh kinh tế thuận lợi trước hai tháng hè truyền thống, thì mọi người đều lo sợ là từ tháng 9 tới đây, khi các hoạt động trở lại bình thường, tình hình sẽ khó khăn hơn. 

"Vụ 13 tháng 11 : Một phiên tòa cho lịch sử"

Theo Le Figaro, "Sau 10 tháng tranh tụng, được đánh dấu bằng những cảm xúc dâng trào và tính chất chặt chẽ về thủ tục, công lý đã được thực thi, nhưng các chấn thương vẫn còn đó". 

Đối với tờ báo đây quả là một phiên tòa lịch sử, nơi mà mọi tác nhân đều làm đúng vai trò của mình, đến nỗi mà cả bên nguyên cáo lẫn bên bị cáo đều lắng nghe và tôn trọng nhau. 

Dĩ nhiên là không có gì là hoàn hảo. Le Figaro đã hóm hỉnh điểm lại một số khuyết điểm mà người ta "sẽ quên đi" như những lời lẽ thừa thãi và tràng giang đại hải của những "nhân chứng vĩ đại", vốn đã kể lể mọi điều trên các phương tiện truyền thông và tập trung vào việc tự biện minh, đi đầu trong số này là cựu tổng thống Pháp Hollande. 

Theo tờ báo, cũng có thể kể đến những lời khai "quái dị" của các nhà điều tra Bỉ khiến người ta thắc mắc là làm thế nào mà họ đã qua được cuộc thi tuyển vào ngành cảnh sát; hoặc các bài "thuyết trình" về chủ nghĩa khủng bố đến từ các "học giả" dù không nắm vững hồ sơ nhưng vẫn cho rằng mình vượt trội về trí tuệ nên đã biến phiên tòa thành một hội nghị chuyên đề. 

"Thị trường tài chính : hướng đảo ngược dữ dội"

Theo Les Echos, sau một năm 2021 kỷ lục, nửa đầu năm 2022 kết thúc bằng những chỉ số tụt giảm khủng khiếp. Mọi loại tài sản đều bị áp lực nặng nề : Trong lúc lãi suất chỉ đạo tăng cao, thì các chỉ số trên các thị trường chứng khoán lớn đều tuột giảm, giá trị các loại tiền ảo đều sụp đổ.

Điều đáng ngại, theo Les Echos là trong những tháng tới đây, tình hình bấp bênh về mặt kinh tế được cho là sẽ tiếp tục đè nặng trên các thị trường.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 321 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)