Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/07/2022

Điểm báo Pháp - Tiết kiệm năng lượng tối đa…

RFI tiếng Việt

Tiết kiệm năng lượng tối đa : nước Pháp dưới áp lực

Chính trị gia cực tả được bầu làm chủ tịch Ủy ban Tài chính Quốc hội Pháp, cánh hữu bất bình là chủ đề chính của Le Figaro. Cuộc đua xe đạp Vòng quanh nước Pháp mở màn hôm nay, 01/07/2022, xuất phát từ Đan Mạch là tựa trang nhất La CroixLibération chú ý đến cuộc đình công lớn tại các sân bay ở Paris dự kiến hôm nay. Những bài học rút ra từ phiên tòa lịch sử xét xử vụ khủng bố 13/11 tại Pháp, là chủ đề chính của Le Monde.  

nangluong1

Pháp muốn cắt giảm mạnh mẽ tiêu thụ năng lượng, với tỉ lệ 10% trong vòng hai năm - Ảnh minh họa 

Cắt giảm 10% năng lượng : Hy vọng đặt vào các gia đình 

Nhật báo kinh tế Les Echos tập trung vào chủ đề Năng lượng và tiết kiệm. "Năng lượng : nước Pháp dưới áp lực" là nhan đề chính trang nhất trên nền hình ảnh thành phố Paris về đêm rực sáng, với tháp Eiffel, với các đại lộ sáng rực, ánh sáng tràn ngập thành phố. Ánh sáng từng là biểu tượng đầy tự hào để nói về thủ đô Pháp – Thành phố Ánh sáng, nhưng giờ đây là tiết kiệm năng lượng trở thành mệnh lệnh. Theo Les Echos, "chính phủ muốn cắt giảm mạnh mẽ tiêu thụ năng lượng, với tỉ lệ 10% trong vòng hai năm". Vấn đề là "khả năng tiết kiệm nhanh chóng là có giới hạn trong khu vực sản xuất công nghiệp. Đóng góp cơ bản cho mục tiêu này sẽ phải dựa vào các hộ gia đình và doanh nghiệp".

Ở một bài viết trang trong, Les Echos cho biết, theo một thăm dò của Elabe (cho báo Les Echos, đài Radio Classique và Viện Montaigne, công bố hôm qua), có khoảng 60% người Pháp sẵn sàng cắt giảm tiêu thụ năng lượng. Cụ thể như ngừng di chuyển bằng xe hơi, và sẵn sàng sử dụng năng lượng để sưởi ấm một cách phù hợp trong những tháng tới. Đi lại và sưởi ấm là hai lĩnh vực tiêu thụ năng lượng chủ yếu tại Pháp.  

Hiện tại "lý do tài chính" tức giá cả năng lượng tăng vọt (33% so với cùng kỳ năm ngoái) là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc thay đổi hành xử theo hướng tiết kiệm nói trên. Tuy nhiên, để đi xa hơn các cư dân thuộc nhóm này cũng yêu cầu hai điều kiện. Thứ nhất là nguyên tắc công bằng, tức tất cả mọi người phải tham gia. Thứ hai là chính phủ và các doanh nghiệp phải đóng góp để giá cả không gia tăng. Les Echos cũng chú ý đến việc không phải ai cũng dễ cắt giảm thêm tiêu thụ năng lượng. Theo điều tra Elabe có đến 31% người Pháp cho biết đã hạ đến mức tối thiểu nhu cầu về năng lượng cho đi lại và sưởi ấm.  

Biện pháp công bằng nào cho 31% người Pháp "đã giảm tiêu thụ tối đa" ?   

Xã luận Les Echos với nhan đề "Tiết kiệm năng lượng" nhấn mạnh là : giờ đây lối sống di chuyển ít hơn, sưởi ấm ít hơn, và có thể là ăn ít hơn không còn là một viễn cảnh tương lai nữa mà là vấn đề của cuộc sống hàng ngày của người Pháp, như điều tra nói trên của Elabe cho thấy. Les Echos báo động, đây chỉ là "điểm khởi đầu… những hạn chế mang tính bắt buộc này sẽ không kết thúc với việc chiến tranh tại Ukraine chấm dứt".  

Vì sao ? Nhật báo kinh tế Pháp giải thích rõ : "Cuộc chiến tranh tại Ukraine chỉ buộc chúng ta phải đi nhanh hơn, mạnh hơn là điều chúng ta từng hình dung", nhưng mệnh lệnh hành động này là không thể tránh khỏi. Bởi thế giới mà chúng ta đang bước vào là nơi mà giá cả năng lượng và thực phẩm "sẽ gia tăng đáng kể và sẽ còn tiếp tục như vậy trong thời gian lâu dài". Les Echos khuyên nhủ không nên ảo tưởng là giá xăng sẽ hạ trở lại xuống mức 1,5 euro/lít. Việc trợ giá hàng tỉ euro cho các năng lượng hóa thạch cũng như để khuyến khích tiêu thụ là vô lý. Khoản đầu tư này cần phải được chuyển hướng sang đầu tư cho các phương tiện tiết kiệm năng lượng (như thay lò sưởi dầu bằng một máy bơm nhiệt – "pompe à chaleur") hay hỗ trợ mua xe hơi điện, lắp đặt trạm nạp điện…  

Nhật báo kinh tế đặc biệt nhấn mạnh đến các chính sách đối với những hộ gia đình khó khăn (chiếm đến một nửa lượng tiêu thụ năng lượng sưởi ấm toàn quốc). Việc tầng lớp này phải đầu tư quá lớn cho các phương tiện tiết kiệm năng lượng (khi rất ít được hưởng trợ giúp : sau khi trừ các khoảng trợ giúp họ vẫn phải trả đến 75% giá mua một xe chạy điện nhỏ, hay 50% một máy bơm nhiệt), "trong lúc lượng khí thải khiến trái đất bị hâm nóng của họ lại thấp hơn rất nhiều so với các tầng lớp khá giả nhất, điều này chắc chắn sẽ gây ra những tình cảm phẫn nộ chính đáng về việc những người phải thiệt đơn, thiệt kép".  

Xã luận Les Echos khép lại với nhận xét : "bước đi hướng đến một xã hội tiết kiệm năng lượng sẽ mạnh mẽ tràn đầy năng lượng", nếu gánh nặng được "san sẻ", trước hết là với các chính sách từ Nhà nước. Không chỉ nhờ đầu tư tiền nhiều hơn, mà đặc biệt là do các chính sách định hướng ngày càng mang tính bó buộc, như hạn chế tốc độ xe, và nhất là các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng nhà cửa.  

Hội đồng cấp cao về Khí hậu Pháp kêu gọi chính phủ "bứt phá" 

Hội đồng cấp cao về Khí hậu chỉ trích chính phủ Pháp đã "không hành động đủ" cho khí hậu là một tựa trang nhất của Le Monde. Haut Conseil pour le Climat – tổ chức độc lập của Nhà nước chuyên về khí hậu do tổng thống Macron lập ra, trong báo cáo thường niên lần thứ 4 công bố hôm 29/4 - kêu gọi "bứt phá". Báo cáo nhấn mạnh là hành động bứt phá vì khí hậu sẽ cho phép nước Pháp giảm phụ thuộc vào bên ngoài về nhập khẩu năng lượng hóa thạch, đang trở nên rất nguy hiểm, trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraine và giá năng lượng tăng vọt.  

Giã từ năng lượng hóa thạch : "Hãy ngừng chơi đàn violon, khi tương lai đang bốc cháy"  

Gắn liền vấn đề năng lượng với an ninh là chủ đề một bài viết của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm nay trên Le Monde. Bài "Năng lượng tái tạo bảo đảm hòa bình cho thế kỷ 21" của lãnh đạo Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh đến giá cả năng lượng tăng vọt hiện nay với thực tế đầu tư quá chậm và quá ít cho các năng lượng tái tạo. Bài "Năng lượng tái tạo bảo đảm hòa bình cho thế kỷ 21" đề xuất kế hoạch 5 điểm nhằm kích thích năng lượng tái tạo trên khắp hành tinh.  

Một là đưa các công nghệ năng lượng tái tạo trở thành "tài sản chung của nhân loại", hủy bỏ các rào cản về sở hữu trí tuệ, hạn chế việc chuyển giao công nghệ. Thứ hai là cải thiện cơ hội tham vào chuỗi cung ứng toàn cầu về linh kiện và nguyên liệu cho các công nghệ năng lượng tái tạo. Thứ ba là xây dựng một liên minh toàn cầu về dự trữ điện, dự kiến sẽ tăng từ 5 Gigawatt (năm 2020) lên 600 Gigawatt (2030). Thứ tư chuyển mạnh luồng trợ giá cho năng lượng hóa thạch sang đầu tư cho cuộc chuyển đổi sang nền Kinh tế xanh, đặc biệt giúp cho các thành phần xã hội dễ tổn thương. Và thứ năm là đầu tư gấp ba lần cho các năng lượng tái tạo. 

Thông điệp của lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đặc biệt gửi đến các lãnh đạo chính trị. Tổng thư ký Antonio Guterres nêu hình ảnh nhà độc tài Neron năm xưa, nổi tiếng với hành động chơi đàn violon khi thành La Mã đang bốc cháy. "Hãy ngừng chơi đàn violon, khi tương lai chúng ta đang bốc cháy" là lời kết ông Guterres gửi đến công chúng.  

Đình công sân bay Paris : Lưu thông tăng vọt, nhân viên thiếu 

Cuộc bãi công ở các sân bay Paris là chủ đề chính của Libération. "Vận tải hàng không. Điều cảm thấy ở Roissy" là tựa trang nhất. Một bài viết của Libération cho biết là nhân viên Các sân bay Paris bãi công hôm nay với yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc và tăng lương 300 euro.   

Hành khách khổ sở, nhiều chuyến bay bị hủy, thiếu nhân công, tăng giá… Ngành vận tải hàng không, vốn bị đình đốn trong đại dịch và hiện đang quá tải với việc giao thông trở lại, đặt câu hỏi về mô hình hành không hiện nay.  

Xã luận Libération nhan đề "Hỗn loạn" vạch ra một nguyên nhân chính : các hãng và các sân bay kém dự đoán lưu lượng giao thông hàng không tăng vọt, với 211% tại hai sân bay Orly và Roissy trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Nhân viên trong mọi lĩnh vực đều thiếu – từ người phụ trách đồ gửi, tiếp viên, phi công, nhân viên kiểm soát, nhân viên an ninh… Lương quá thấp không thu hút. Nhưng liệu có thể tăng giá vé máy bay để bù cho các chi phí, để trả thêm lương ?  

Libération cũng gắn liền cuộc khủng hoảng hiện tại với những thay đổi trong nửa thế kỷ qua, khi giao thông hàng không ngày càng trở nên chuyện thường ngày. Nếu như vào năm 1970, tỉ lệ người trong giới trung lưu đi máy bay cao gấp 10 lần giới công nhân, thì giờ đây vào năm 2018, tỉ lệ này chỉ còn gấp 2. Xu thế "dân chủ hóa" trong giao thông hàng không này hiện nay có thể sẽ buộc phải dừng lại, bởi cuộc chiến hãm đà hâm nóng khí hậu đòi hỏi. Nhật báo thiên tả nhấn mạnh là : lẽ dĩ nhiên trong chuyện này, những người nghèo nhất sẽ phải chịu thiệt hơn.  

Hạn chế hàng không để hạn chế Biến đổi khí hậu 

Libération cũng nhân cuộc bãi công hàng không hôm nay tại Paris để đặt lại vấn đề "Cần phải giảm giao thông hàng không để hạn chế tác động môi trường". Chuyên gia về giao thông của hiệp hội môi trường Greepeace, Sarah Fayolle, nhấn mạnh đến phần đóng góp không nhỏ của ngành hàng không đối với tổng khí thải toàn cầu. Hiện tại chịu trách nhiệm 3,5% nhiệt độ nóng lên của trái đất kể từ đầu kỷ nguyên công nghiệp. Con số chưa hẳn cao, nhưng vấn đề là ngành hàng không đang có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 6,8% năm, tức cứ 10 năm sẽ tăng gấp đôi. Chuyên gia Greenpeace đề xuất một số biện pháp để việc đánh thuế vé máy bay sẽ không gây tổn hại cho những người nghèo, chỉ sử dụng máy bay vì nhu cầu thiết thân. Ngược lại, những người giàu thường xuyên đi lại trên trời sẽ phải trả giá đắt hơn.  

Một tín hiệu vui cho thấy ánh sáng cuối đường hầm. Theo một thăm dò, 70% giới trẻ cho rằng "không nhất thiết phải đi máy bay mới cảm thấy cuộc đời mới lạ". Một thay đổi trong cách nghĩ có thể dẫn đến những hệ quả lớn. Greenpeace vừa công bố một sổ tay gợi ý 41 hướng đi du lịch tại Châu Âu không cần đến máy bay.  

Tập Cận Bình, ông chủ của Hồng Kông 

Về thời sự quốc tế, chuyến đi của chủ tịch Trung Quốc đến Hồng Kông để kỉ niệm rầm rộ dịp 25 năm Hồng Kông được Anh trao lại cho Hoa lục là chủ đề của hầu hết các báo. Le Figaro có bài trang nhất : "Tại Hồng Kông, Tập Cận Bình thể hiện như chủ nhân tuyệt đối".  

Về chủ đề này, La Croix có bài "Hongkong bị thiêu chết dần từng chút một từ 25 năm nay", của đặc phái viên tại khu vực Đông Nam Á. Diễn đạt bị thiêu chết từng chút một để đối lại tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc khi đến Hồng Kông hôm qua. Ông Tập Cận Bình đã ca ngợi Hồng Kông "tái sinh từ tro tàn" sau bao bão táp phong ba. Bài viết dẫn trường hợp của giáo viên đại học và nhà tranh đấu cho nhân quyền Patrick Poon, 45 tuổi, rời Hồng Kông từ năm 2021. Tại một quán cà phê ở Tokyo, nhà tranh đấu này cho biết không có gì đáng để kỉ niệm dịp 25 năm nay, Hồng Kông trên thực tế "đang bị chế độ cộng sản Trung Quốc nô dịch trở lại".  

"Nhà tù khổng lồ" Hồng Kông : Thách thức với giới trẻ  

Về Hồng Kông, Libération có bài "Bản thân việc sống hạnh phúc ở Hồng Kông hiện tại cũng là một hành động kháng chiến". Nhật báo thiên tả không bi quan mà chọn cách đối diện với thực tại qua cặp mắt của giới trẻ, những người sinh ra sau khi Hồng Kông được trả lại Trung Quốc, tức thế hệ dưới 25 tuổi. "Dưới ách cai trị của Bắc Kinh, nhiều thanh niên Hồng Kông đang phân vân giữa quyết định rời bỏ quê hương hay nổi loạn" chống lại cỗ máy đàn áp.  

Làm thế nào để sống trong "nhà tù khổng lồ" Hồng Kông hiện nay là câu hỏi với rất nhiều bạn trẻ. Đối với Angèle, 23 tuổi, vừa trở thành giáo viên, nghề nghiệp mơ ước này giờ đây đang biến cô thành một con rối trong tay chính quyền, được sử dụng để nhào nặn thế hệ tương lai, làm "vô hiệu hóa thế hệ tương lai". Tiếp tục "được sống là chính mình" là thách thức thường trực đối với đông đảo giới trẻ Hồng Kông, đặc biệt những người đứng trên bục giảng.  

Thượng đỉnh Madrid : "Bứt phá mong manh" của NATO 

Hội nghị thượng đỉnh được đánh giá là lịch sử của khối NATO cũng là một chủ đề chính của nhiều báo. Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý, chỉ ra một góc nhìn khác nhấn mạnh đến những thách thức hết sức lớn lao với Liên minh quân sự này. Bài "Thượng đỉnh Madrid khẳng định bước bứt phá mong manh của Liên Minh Đại Tây Dương". Bứt phá là rõ ràng không thể không ghi nhận so với thời điểm cách đây hai năm rưỡi, khi tổng thống Pháp gọi NATO đang trong trạng thái "chết não". NATO đã đoàn kết và đưa ra nhiều quyết định rất được trông đợi về xung đột Nga – Ukraine, đoàn kết để đương đầu với Nga, về đe dọa Trung Quốc lần đầu tiên được đưa vào chiến lược NATO, về kết nạp thành viên mới. Nhưng đây là "một bứt phá mong manh". Vì sao lại mong manh ?  

Theo nhận định của Le Figaro, những gì đạt được chỉ là "phần dễ nhất của công việc". Những thách thức chủ yếu đặt ra là : "Làm thế nào để lập lại được hòa bình tại miền đông của Châu Âu ?". Chiến thắng của Nga, tất nhiên sẽ là thất bại nặng nề với các nền dân chủ phương Tây. Nhưng để Ukraine thắng, như điều mà phương Tây mong muốn, cần phải vũ trang mạnh mẽ hơn nhiều cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, theo Le Figaro, mới 4 tháng kể từ đầu chiến tranh, nhiều dấu hiệu mệt mỏi đã có thể cảm thấy tại một số nước Châu Âu. Trong lúc bối cảnh hiện nay là trừng phạt kinh tế Nga chưa có được hiệu quả mong muốn, mà chiến tranh kéo dài, nguy cơ xung đột leo thang sẽ cao.  

"Chiến tranh tại Ukraine và sức hấp dẫn của mô hình Châu Âu" 

Ngược lại với Le Figaro, Le Monde có cái nhìn lạc quan nhiều hơn về viễn cảnh khủng hoảng Ukraine đang đè nặng lên Châu Âu. Bài "Chiến tranh tại Ukraine và mô hình Châu Âu" khẳng định mặt tích cực trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga và quyết tâm gia nhập Liên Âu của Kiev "khẳng định tính chất hấp dẫn của mô hình Châu Âu". Trong tình huống đầy kịch tính như hiện nay, Liên Âu hiện ra "đầy quyến rũ", hay nói cách khác "sức mạnh mềm" của Liên Âu (hay "soft power trong Anh ngữ") càng trở nên nổi bật.  

Nhà bình luận Alain Frachon của Le Monde dự đoán, Liên Âu vào năm 2030 sẽ khác hẳn hiện nay. Rất nhiều khả năng Ukraine đã trở thành thành viên Liên Âu vào thời điểm đó. Và như vậy, Liên Âu sẽ có chung đường ranh giới với Nga trong nội địa Ukraine, với hai bên là các lực lượng quân đội trang bị tận răng, tương tự như đường biên giới Đông – Tây Berlin và giới tuyến Liên Triều hiện nay. Một Liên Âu như vậy sẽ làm gì để bảo vệ các thành viên mới và thành viên tương lai mới đang quá trình gia nhập ?  Sáng kiến thành lập "Cộng đồng chính trị Châu Âu" mà tổng thống Pháp nêu ra, theo Alain Frachon, là rất đáng xem xét.  

Rất nhiều câu hỏi đặt ra về vấn đề an ninh. Nhưng riêng về góc độ mô hình xã hội, nhà báo Le Monde khẳng định : hơn bao giờ hết, giữa một "nước Nga hiếu chiến", đang tiến hành cuộc xâm lăng tàn bạo, và Hoa Kỳ, bị giằng xé với cuộc "nội chiến thường trực", Liên Âu đang khẳng định rõ tính ưu việt của mình với "thành công tương đối với kinh tế, không khí đa nguyên, "khoan dung về lý tưởng xã hội" và "những thành tích đặc biệt trong nhiều lĩnh vực xã hội".  

Dân biểu cực tả nắm Ủy ban Tài chính Quốc hội   

Nhưng sống với chế độ đa nguyên về chính trị quả là điều không dễ dàng. Nhật báo thiên hữu Le Figaro ghi nhận một hiện tượng lịch sử trong chính trị Pháp. Ngày hôm qua, dân biểu đảng cực tả Nước Pháp bất khuất LFI Eric Coquerel được bầu làm chủ tịch Ủy ban Tài chính, cơ quan có ý nghĩa chiến lược Quốc hội Pháp.  

Sự ủng hộ của liên minh đối lập cánh tả NUPES cho phép sự đắc cử của vị dân biểu này. Chủ tịch Ủy ban Tài chính nằm giữ nhiều quyền hạn quan trọng, như kiểm tra việc thực thi ngân sách, được tiếp cận với các thông tin thuộc diện bí mật về thuế.  

Xã luận Le Figaro nhan đề "Cánh tả triệt để, cánh hữu đáng hổ thẹn" cảnh báo nếu giới chính trị cánh hữu tiếp tục hành động như hiện nay, thì "cánh tả triệt để" ("gauche radicale" hay "cánh tả cấp tiến") sẽ không dừng ở đó, và cánh hữu sẽ phải chấp nhận vị trí chứng kiến thụ động cuộc đấu tay đôi trong tương lai giữa hai đối thủ cực tả và cực hữu, Melenchon và Le Pen.  

Dân biểu cực hữu thành phó chủ tịch Quốc hội Pháp : Thế khó xử của RN trong "cuộc chơi dân chủ" 

Cũng về những bất ngờ tại Quốc hội Pháp, xã luận La Croix nhan đề "Vị trí gần gũi khó xử" chú ý đến việc đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (Rassemblement National – RN) cùng lúc giành được 2 ghế phó chủ tịch Quốc hội. Từ chỗ chỉ hy vọng có được 30 ghế dân biểu, đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc của bà Le Pen đã trở thành đảng đối lập số một trong Quốc hội Pháp. Hai phó chủ tịch Quốc hội của RN được bầu (ngay trong lần bỏ phiếu thứ nhất) dựa vào phiếu của các nghị sĩ của liên đảng đa số cầm quyền và của đảng cánh hữu LR.  

Theo La Croix, đảng này là bên duy nhất đại thắng trong cuộc bầu cử vừa qua. RN vốn được coi là một đảng chống đối hệ thống, nhưng với cuộc chơi dân chủ hiện nay, đảng này đã tham gia vào chính hệ thống chính trị Pháp. Thực tế này đặt ra một thách thức, thậm chí gây nguy hiểm cho chính đảng cực hữu. RN đứng trước khả năng, từ bỏ lập trường đả phá bài bác triệt để, để tham gia thực sự vào cuộc chơi dân chủ. Nhưng việc tham gia như vậy sẽ "phơi bày ra ánh sáng những bất nhất và tính nguy hiểm trong cương lĩnh của đảng". Theo La Croix, "nhiều dấu hiệu mâu thuẫn cho thấy đảng RN đang bối rối trong việc tìm ra cách giải quyết tình thế nửa nọ, nửa kia khó xử này".   

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 253 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)