Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/06/2022

Thượng đỉnh NATO 2022 Madrid : những vận động hành lang

RFI tổng hợp

Lần đầu tiên NATO coi Trung Quốc là "thách thức" đối với an ninh của khối

Trọng Thành, RFI, 30/06/2022

Cuộc thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp tại Madrid, Tây Ban Nha, khép lại hôm 30/06/2022, sau ba ngày hội nghị. Lần đầu tiên một "tài liệu chiến lược" của Liên minh quân sự NATO, được thông qua coi Trung Quốc là một "thách thức" đối với "các lợi ích" và "an ninh" của khối.

madrid1

Tổng thư Ký NATO Jens Stoltenberg phô trương tài liệu về những cam kết mới của khối này tại thượng đỉnh Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/06/2022.  AP - Paul White

Khối NATO cũng đặc biệt lên án "quan hệ đối tác chiến lược" giữa Trung Quốc và Nga đang được tăng cường, "các nỗ lực chung của Moskva cùng Bắc Kinh trong việc làm sói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật pháp". Theo giới quan sát, thượng đỉnh NATO tại Madrid có ý nghĩa "lịch sử". Ngoài thay đổi nói trên, thượng đỉnh này cũng mở ra cánh cửa cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối. Hỗ trợ Ukraine về quân sự và tài chính cũng là một trọng tâm của hội nghị. 

Đặc phái viên Romain Lemaresquier tường trình từ Madrid :

Cuộc thượng đỉnh này đã thực hiện được tất cả các hứa hẹn. Chấm dứt các bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia muốn gia nhập NATO. Một thỏa thuận giữa ba nước đã được ký kết, và kể từ giờ, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã từ bỏ quyền phủ quyết đối với việc kết nạp hai thành viên mới. Chiến tranh tại Ukraine, sợi chỉ đỏ thực sự của thượng đỉnh này, cũng đã được đề cập đến nhiều trong suốt thời gian hội nghị.

NATO cam kết cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính và quân sự hơn cho Kiev. 30 quốc gia thành viên đã thông qua cương lĩnh chiến lược mới, xác định các mục tiêu chính trị và quân sự trong những năm tới. Trong tài liệu này, Nga được khẳng định là mối đe dọa lớn nhất đối với các quốc gia thành viên, và đây là lần đầu tiên Trung Quốc được dẫn ra trong văn bản về chiến lược của NATO. Một bước ngoặt thực sự trong tiến trình hoạt động của Liên minh NATO.

Sáng nay 30 quốc gia thành viên NATO đã họp phiên cuối cùng. Nội dung cuộc họp liên quan chủ yếu đến thông cáo chung của thượng đỉnh. Thượng đỉnh sẽ phải khép lại với cuộc họp báo của tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, người Na Uy. Nguyên thủ các nước cũng sẽ phát biểu trong cuộc họp báo trước khi rời khỏi Madrid vào buổi chiều, khép lại cuộc thượng đỉnh, chắc chắn sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử.

Trọng Thành

*******************

NATO vẫn tranh cãi trong nội bộ về đối sách chống Trung Quốc

Trọng Nghĩa, RFI, 29/06/2022

Tại thượng đỉnh NATO 2022 trong hai ngày 29-30/06/2022, các lãnh đạo 30 nước trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ thông qua bản "khái niệm chiến lược" mới đầu tiên trong một thập kỷ, nêu bật mối đe dọa ngày càng tăng đến từ Nga và Trung Quốc. Thế nhưng, nếu hầu như tất cả các thành viên đều nhất trí trên cách đối phó với Nga, thì đối sách chống Trung Quốc vẫn gây chia rẽ trong nội bộ NATO.

madrid2

Lãnh đạo các nước dự thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha, chụp hình lưu niệm, ngày 29/06/2022. Reuters - Pool

Đối với giới quan sát, không phải là ngẫu nhiên mà một tài liệu chiến lược của NATO lần đầu tiên nêu đích danh Trung Quốc như là một đối tượng cần quan tâm. Lý do đến từ xu hướng của Bắc Kinh xích lại gần Moskva nhiều hơn sau khi Nga khởi động cuộc chiến xâm lược Ukraine và việc Trung Quốc ngày càng sử dụng sức mạnh địa chính trị và sức ép kinh tế để lấn lướt ở nước ngoài. 

Vấn đề là khi đi vào chi tiết, các thành viên NATO đang bất đồng với nhau trên hai điểm nổi bật : cách mô tả quốc gia hiện có quân đội lớn nhất thế giới và mối quan hệ của nước đó với Nga. 

Theo hãng tin Anh Reuters, một số nhà ngoại giao tại hội nghị NATO đã tiết lộ rằng hai nước Anh và Mỹ đã thúc đẩy việc dùng lời lẽ mạnh mẽ hơn để phản ánh những gì được hai nước này coi là tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và những mối lo ngại ngày càng nhiều về việc Bắc Kinh có thể tấn công Đài Loan.

Anh Quốc gần đây đã chính thức mô tả Nga là "mối đe dọa nghiêm trọng và trực tiếp (acute, direct threat)" và Trung Quốc là "thách thức chiến lược (strategic challenge)".

Còn báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc trước Quốc hội Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "đáp ứng được thách thức về tốc độ mà quân đội ngày càng có năng lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tham vọng toàn cầu của nước này đặt ra."

Trái với hai nước trên, Pháp và Đức lại muốn NATO sử dụng một ngôn từ chừng mực hơn khi đề cập đến Trung Quốc. 

Theo một nhà ngoại giao, một thỏa hiệp đang được đàm phán, theo đó Trung Quốc dù vẫn bị coi là một "thách thức hệ thống", nhưng vẫn được NATO gượng nhẹ với ý muốn "sẵn sàng làm việc trên các lĩnh vực có lợi ích chung" với Bắc Kinh.

Theo Reuters, vấn đề đánh giá quan hệ Trung-Nga cũng gây bất đồng và các nhà đàm phán cũng đang điều chỉnh cách mô tả mối quan hệ này. 

Theo một nhà ngoại giao, Cộng hòa Czech và Hungary là hai thành viên phản đối mạnh mẽ việc sử dụng thuật ngữ "hội tụ chiến lược" để định nghĩa quan hệ Trung-Nga hiện nay.

Hoa Kỳ, nước đứng đầu NATO, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa Trung Quốc vào khái niệm chiến lược được cập nhật của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Chính vì lý do đó mà 4 nước Châu Á-Thái Bình Dương là Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Mục đích là để báo hiệu rằng NATO không hề "rời mắt khỏi Trung Quốc" ngay cả vào lúc toàn khối đang tập trung vào việc tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.

Một quan chức Châu Âu đồng ý : "NATO không thể phớt lờ Trung Quốc… Châu Âu đã nhận thức ra điều này hơi muộn, nhưng rõ ràng đã phải thay đổi cái nhìn sau những gì diễn ra ở Hồng Kông". 

Một quan chức Nhà Trắng hôm 26/06 cho biết ông tin rằng tài liệu này sẽ bao gồm ngôn từ "mạnh mẽ" đối với Trung Quốc, nhưng xác nhận rằng đàm phán giữa các phái đoàn vẫn đang tiếp tục để hoàn thành bản khái niệm chiến lược kịp lúc mở ra thượng đỉnh Madrid. 

Trọng Nghĩa

***********************

Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận cho Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO

Thu Hằng, RFI, 29/06/2022

Tổ chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương - NATO chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự ngày 29/06/2022 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ phủ quyết. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, trong một cuộc họp hôm 28/06 bên lề thượng đỉnh Madrid, ba nước đã ký một biên bản ghi nhớ giải tỏa "những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề xuất khẩu vũ khí và chống khủng bố"

madrid3

Lễ ký biên bản ghi nhớ Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO ngày 28/06/2022, bên lề thượng đỉnh Madrid, Tây Ban Nha.  AP - Bernat Armangue

Thông tín viên RFI Anne Andlauer tại Istanbul giải thích :

"Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được những gì mình muốn". Tất cả các cơ quan truyền thông thân chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đều nói như vậy khi thông báo quyết định của Ankara không còn chống việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Thực vậy, trên giấy tờ, tổng thống Recep Tayyip Erdogan dường như nhận được tất cả những gì ông yêu cầu : Stockholm và Helsinki cam kết ngăn chặn hoạt động của PKK (Đảng Những người lao động Kurdistan) tại Thụy Điển và Phần Lan, đồng thời không ủng hộ việc lực lượng vũ trang Kurdistan YPG mở rộng hoạt động sang lãnh thổ Syria. Hai nước Bắc Âu cũng hứa xử lý "nhanh chóng" những đề nghị dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Ankara.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có thể trình bày thỏa thuận nói trên như là một chiến thắng của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như là chiến thắng của chính bản thân ông đối với công luận Thổ Nhĩ Kỳ, vì ông đã từng để truyền thông đưa tin rầm rộ về việc ông phản đối hai nước Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Giờ còn phải xem liệu sự thay đổi thái độ này có kéo dài không. Ba nước đã thông báo thành lập một "cơ chế thường trực" để theo dõi việc thực hiện những cam kết trên. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết là nước này vẫn có thể ngăn cản việc gia nhập của hai nước Bắc Âu, nếu Ankara thấy rằng những yêu cầu của họ cuối cùng lại không được thỏa mãn".

NATO "sẽ hùng mạnh hơn và vững chắc hơn"

Theo thông cáo của tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, bản ghi nhớ được ngoại trưởng ba nước ký trước ống kính truyền hình. Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson coi đây là "một bước tiến quan trọng". Nhiều nước thành viên NATO đã nhanh chóng hoanh nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Anh Boris Johnson đánh giá việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan sẽ giúp NATO trở nên "hùng mạnh hơn và vững chắc hơn". Trên mạng Twitter, tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh ba nước đã có "một bước quyết định cho việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan", đồng thời đây cũng là "cách tuyệt vời để khởi động thượng đỉnh".

Theo AFP, quyết định chính thức kết nạp hai nước Bắc Âu còn phải được Nghị Viện của 30 nước thành viên NATO phê chuẩn. Như vậy, con đường sẽ còn dài.

Thu Hằng

**********************

Lãnh đạo Mỹ - Nhật - Hàn sẽ gặp nhau bên lề thượng đỉnh NATO

Trần Công, RFI, 29/06/2022

Hôm 27/06/2022, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã lên đường đến Madrid, Tây Ban Nha để dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Trong chuyến đi lần này, ba nước Mỹ - Nhật - Hàn cũng sẽ họp với nhau lần đầu tiên sau gần 5 năm.

madrid4

Quốc vương Tây Ban Nha Felipe chụp hình lưu niệm với các lãnh đạo tham dự thượng đỉnh khối NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 28/06/2022.  Reuters – Jonathan Ernst

Nhân lời mời của NATO, tổng thống Yoon Suk-yeol đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông tại Madrid, Tây Ban Nha. Ông sẽ có bài phát biểu trước các đồng minh NATO. Thông điệp mà tổng thống Hàn Quốc gửi tới NATO là "tự do và hòa bình chỉ được đảm bảo bằng sự đoàn kết trong cộng đồng quốc tế". Dự kiến NATO cũng sẽ đánh giá cao các quyết định của Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và yêu cầu các đồng minh ủng hộ và hợp tác để "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".

Trong chuyến đi lần này, 3 nước Mỹ - Hàn - Nhật cũng sẽ có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên sau gần 5 năm. Việc tăng cường hợp tác về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, an ninh khu vực và phát triển kinh tế của ba nước dự kiến nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp.

Vấn đề cũng được quan tâm là liệu hội nghị thượng đỉnh song phương giữa Hàn Quốc và một loạt quốc gia phát triển như Nhật Bản, Úc, và New Zealand có được tổ chức hay không. Các quốc gia này cũng được NATO mời dự thượng đỉnh Madrid với tư cách là đối tác Châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng thống Yoon Suk-yeol và phu nhân cũng đã dự buổi dạ tiệc do nhà vua Tây Ban Nha khoản đãi. Sau đó, ông sẽ có một loạt hoạt động ngoại giao kinh tế với Châu Âu và đàm phán song phương với các nước Hà Lan, Ba Lan và Đan Mạch.

Sau khi phóng thành công tên lửa Nuri, Hàn Quốc đã chính thức bước vào nhóm 7 cường quốc vũ trụ của thế giới. Vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế sẽ được nâng cao hơn và chắc chắn chuyến đi lần này của ông Yoon Suk-yeol sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Hàn Quốc cả về an ninh, kinh tế và ngoại giao. 

Trần Công

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Trọng Nghĩa, Thu Hằng, Trần Công
Read 377 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)