Sau khi nỗ lực để đạt được khả năng phối hợp giữa các quân đội quốc gia, NATO hiện cần phải làm điều tương tự với khu vực tư nhân.
Biểu tượng Ngôi sao tại trụ sở của tổ chức NATO ở Brussels, Bỉ. Omar Havana/Getty Images
Bị đe dọa bởi các giá trị cốt lõi của liên minh NATO và được chia sẻ bởi Ukraine và nhiều quốc gia khác trên thế giới, Điện Kremlin đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022 với ý định xóa sổ đất nước này, đàn áp tự do và làm suy yếu nền dân chủ. Trong quá trình này, Nga nhận được sự hỗ trợ đáng kể, bao gồm cả việc cung cấp công nghệ tiên tiến, từ các đồng minh độc tài của mình, đặc biệt là Trung Quốc, Iran và Triều Tiên. Không chỉ sự tồn vong của Ukraine, mà an ninh của cả Châu Âu đang bị đe dọa. Trong khi một cuộc chiến toàn cầu đang diễn ra trên chiến trường Ukraine, các công nghệ tiên tiến đang được triển khai với tốc độ chưa từng có.
Trong nhiều thế kỷ, an ninh ở các xã hội dân chủ phương Tây đã gắn liền với khả năng đổi mới của họ. Từ cung tên đến xe tăng chiến đấu và từ lựu đạn đến tên lửa siêu thanh, những phát minh quân sự mới không chỉ thay đổi cách chúng ta chiến đấu và chiến thắng trong chiến tranh. Chúng còn củng cố khả năng của chúng ta trong việc định hình các xã hội thành công và kiên cường. Giờ đây, với một cuộc cách mạng công nghệ lớn đang diễn ra, chứng kiến sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo, hệ thống tự động và công nghệ lượng tử, chỉ có đổi mới không là không đủ. Chúng ta phải luôn đi đầu trong đổi mới. Bằng cách dẫn đầu đổi mới, chúng ta có thể tiếp tục định hình môi trường an ninh của mình. Nếu chúng ta không làm điều đó, những quốc gia khác sẽ làm thay.
Các quốc gia NATO, và đặc biệt là Mỹ, từ lâu đã có ưu thế về công nghệ. Nhưng NATO đang bị thách thức. Trung Quốc không chỉ đang nhanh chóng phát triển công nghệ, mà còn kết nối các công nghệ mới với nhau, nhân đôi tác động phá hủy tiềm tàng của chúng đối với xã hội, nền kinh tế và an ninh của chúng ta. Chất bán dẫn từ Trung Quốc là một thành phần quan trọng của điện thoại và máy tính mà chúng ta sử dụng hàng ngày – nhưng cũng là của các hệ thống và khả năng quân sự cao cấp mà chúng ta dựa vào để đảm bảo an ninh. Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đang làm sáng tỏ tốc độ đổi mới đáng kinh ngạc. Ukraine đang đổi mới nhanh chóng nhưng chưa đủ nhanh. Chỉ trong vài tuần, Nga đã vô hiệu hóa phần mềm tiên tiến mà Ukraine đã cài đặt vào drone.
Để giữ an toàn cho 1 tỷ công dân của mình, NATO phải đảm bảo rằng họ vượt trội hơn bất kỳ đối thủ cạnh tranh chiến lược và đối thủ tiềm năng nào. Đó là lý do tại sao chúng ta đang tăng gấp đôi nỗ lực để thúc đẩy đổi mới công nghệ trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Đây không phải là điều NATO làm một mình mà là cùng với các động lực đổi mới trong khu vực tư nhân. Ngày nay, họ sản xuất 90% công nghệ lưỡng dụng được sử dụng cho quốc phòng và an ninh. Khu vực tư nhân là một đối tác không thể thiếu.
Khi tôi đảm nhận công việc phó tổng thư ký NATO vào năm 2019, Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã yêu cầu tôi trở thành người dẫn đầu đổi mới của NATO. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của tôi là giúp thành lập Hội đồng Đổi mới NATO. Với tư cách là chủ tịch, tôi đã ưu tiên đổi mới trên toàn liên minh, và kết quả là NATO đã đẩy nhanh đáng kể quá trình chuyển đổi công nghệ của mình. Tại hội nghị thượng đỉnh Brussels năm 2021 và sau đó, các nhà lãnh đạo NATO đã đưa ra hai sáng kiến đột phá để thắt chặt mối liên kết giữa NATO và hệ sinh thái đổi mới lưỡng dụng. Một là Chương trình Gia tốc Đổi mới Quốc phòng Bắc Đại Tây Dương, tập hợp những nhà đổi mới trên khắp liên minh để hợp tác về các công nghệ quan trọng. Hai là Quỹ Đổi mới NATO, một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 1 tỷ euro cung cấp các khoản đầu tư chiến lược vào các công ty khởi nghiệp đang phát triển công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng đối với an ninh của đồng minh. NATO cũng đã thiết lập một cuộc đối thoại cấp cao thường xuyên với các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân, bao gồm cả các công ty như Google, Microsoft và Amazon Web Services. Gần đây hơn, NATO đã thành lập Cộng đồng Lượng tử xuyên Đại Tây Dương để đảm bảo một hệ sinh thái lượng tử an toàn, kiên cường và cạnh tranh, đồng thời ra mắt một nền tảng không gian thương mại (SPACENET) để thúc đẩy hợp tác hơn nữa với các ngành công nghiệp vũ trụ thương mại. Liên minh đã đi được một chặng đường dài. Tuy nhiên, thời khắc quan trọng mà chúng ta đang phải đối mặt đòi hỏi những điều chỉnh thậm chí còn lớn hơn và táo bạo hơn.
NATO cần đổi mới nhiều hơn và nhanh hơn. Trên hết, chúng ta cần dám đổi mới khác biệt. Điều này có nghĩa là xem xét lại cách chúng ta cấu trúc quan hệ đối tác với khu vực tư nhân trong lĩnh vực quốc phòng. NATO đã làm việc trong nhiều thập kỷ để đạt được khả năng tương tác giữa các quân đội quốc gia. Giờ đây, nó cần đạt được khả năng tương tác với hệ sinh thái đổi mới xuyên Đại Tây Dương để đảm bảo an ninh trong tương lai của chúng ta.
Đặc biệt, NATO cần điều chỉnh các cơ chế và quy trình mà họ đã xây dựng và dựa vào trong nhiều thập kỷ để phát triển và mua sắm các khả năng quốc phòng. Kế hoạch quốc phòng, chu kỳ mua sắm và mô hình mua lại là quan trọng và cần thiết để bảo vệ sự đổi mới và giúp giảm thiểu rủi ro tài chính. Nhưng chúng cũng dài dòng, cứng nhắc và phức tạp. Chúng có thể là một trở ngại cho sự đổi mới và là một rủi ro cho an ninh. Mốc thời gian mua sắm được thiết lập để mua lại các phần cứng lớn mà chúng ta đã chần chừ trong nhiều thập kỷ. Máy bay mới mà NATO đang mua lại hiện nay để thay thế phi đội máy bay trong chương trình Hệ thống Cảnh báo và Kiểm soát Trên không cũ kỹ sẽ chỉ hoạt động vào năm 2031. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nơi các yêu cầu là khác nhau và thay đổi rất nhanh chóng, các quy trình linh hoạt hơn là điều cần thiết để đảm bảo các quốc gia đồng minh và đối tác có được những gì họ cần khi họ cần – và không phải là 5 hoặc 10 năm sau.
Đồng thời, khi chúng ta xem xét lại mối quan hệ đối tác với khu vực tư nhân để thúc đẩy đổi mới, chúng ta phải luôn phù hợp với các giá trị của mình. Đổi mới công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng, có thể được sử dụng để hạn chế tự do và kiểm soát, thao túng con người. Đây là những gì các đối thủ cạnh tranh đang làm. Moscow và Bắc Kinh không đối mặt với các khía cạnh đạo đức quan trọng trong cuộc chạy đua phát triển và triển khai công nghệ của họ. Nhưng NATO thì có. NATO đã tích hợp cái gọi là các nguyên tắc sử dụng có trách nhiệm trong tất cả các chiến lược của mình liên quan tới các công nghệ mới nổi và đột phá, bao gồm AI, tự động hóa, công nghệ sinh học và nâng cao khả năng con người, không gian và lượng tử. Các nguyên tắc này đảm bảo rằng việc sử dụng các công nghệ mới tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng các giá trị dân chủ. Thay vì kìm hãm sự đổi mới, chúng kích hoạt sự đổi mới bằng cách tạo ra một môi trường có thể dự đoán, đáng tin cậy và có trách nhiệm, trong đó mọi người – những nhà đổi mới, bên áp dụng, người dùng cuối và công chúng – cảm thấy tự tin khi sử dụng các công nghệ này và hợp tác với nhau.
Hướng tới hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo tại The Hague vào tháng 6/2025, NATO sẽ theo đuổi công việc của mình để thúc đẩy sự phát triển những đổi mới mang tính cách mạng lâu dài cần thiết để duy trì lợi thế công nghệ của liên minh. Chiến lược Áp dụng Nhanh mới, sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh vào năm tới, cung cấp các khuyến nghị cho phép các đồng minh hợp lý hóa quy trình mua lại và mua sắm đồng thời tôn trọng các nguyên tắc cơ bản về công bằng, minh bạch, liêm chính, cởi mở, cạnh tranh và trách nhiệm giải trình, làm cơ sở cho việc mua lại và mua sắm trong môi trường quốc phòng và an ninh. Với công việc đang được tiến hành liên quan tới chiến lược mới này, liên minh đang tìm cách đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phát triển các loại công nghệ mang tính quyết định trong chiến đấu vào các cơ chế mua sắm của NATO. Nhu cầu trước mắt phát sinh từ chiến trường ở Ukraine là những bài học mà NATO đang tiếp thu khi chuẩn bị cho tương lai.
Tuần trước, tôi đã kết thúc nhiệm kỳ của mình với tư cách là phó tổng thư ký NATO và kết thúc nhiệm vụ của mình với tư cách là người dẫn đầu đổi mới của NATO. Nhìn lại, tôi ấn tượng bởi cách NATO đã thích ứng sâu sắc với những tiến bộ công nghệ trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng như thế nào. Khi các mối đe dọa đã phát triển và nhân lên – trên bộ, trên biển và trên không, cũng như trên không gian và không gian mạng – thì phản ứng của NATO cũng vậy, cả trong thế giới vật chất lẫn thế giới kỹ thuật số. Tôi rời khỏi một liên minh đang hướng tới những cách thức đổi mới mới, khác biệt và có trách nhiệm hơn. Nhìn về phía trước, tôi tin tưởng rằng điều này sẽ giúp NATO duy trì khả năng cạnh tranh, giữ an toàn cho các giá trị của chúng ta và khu vực xuyên Đại Tây Dương an toàn hơn – ngay bây giờ và cho các thế hệ mai sau.
Mircea Geoana
Nguyên tác : "NATO Needs to Innovate More and Faster", Foreign Affairs, 05/08/2024
Viên Đăng Huy biên dịch
Nguyễn Thế Phương hiệu đính
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 14/09/2024
Mircea Geoana là cựu phó tổng thư ký NATO.
NATO đứng trước hai hiểm họa : Putin và Trump
Les Echos ngày 17/07/2024 nhận định Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang đứng trước thách thức nhân đôi cả bên trong lẫn bên ngoài, đó là Vladimir Putin và cái bóng ngày càng lớn của Donald Trump.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản ngày 28/06/2019. Reuters - Sputnik
Chính phủ Attal từ chức, trong khi chưa hình thành được liên minh đa số trong Quốc hội, cánh tả vẫn bất đồng về ứng viên cho chức thủ tướng. Tại Mỹ, người được Donald Trump chỉ định đứng liên danh là thượng nghị sĩ J. D. Vance gây lo ngại cho Châu Âu. Đó là những vấn đề thời sự được chú ý nhất hôm nay.
J.D. Vance và "giấc mơ Mỹ"
Tất cả các báo đều có bài viết về James David Vance, thượng nghị sĩ 39 tuổi của bang Ohio, người được Donald Trump chính thức giới thiệu tại đại hội đảng Cộng hòa ở Milwaukee và được coi là "bản sao" của Trump. Theo Le Figaro, cựu tổng thống không những có được người phụ tá trung thành, mà còn đưa vào chiến dịch tranh cử một thế hệ Cộng hòa mới. Vance có tính cách mạnh mẽ, là một trong những thượng nghị sĩ nổi bật và đầy tham vọng. Từng tham gia lực lượng thủy quân lục chiến ở Iraq, tốt nghiệp ngành luật đại học Yale danh giá, nhà văn có sách bán chạy, mà còn là biểu tượng thăng tiến của một thanh niên vươn lên từ nghèo khó.
Vance bắt đầu sự nghiệp bằng cuốn hồi ký xuất bản năm 30 tuổi, thuật lại thời thơ ấu trong một gia đình nghèo da trắng – thất nghiệp, phiếu thực phẩm, ly dị, ma túy, rượu… và rốt cuộc sống với ông bà. La Croix cho biết cuốn sách trở thành best-seller và được đạo diễn Ron Howard chuyển thể thành phim. Vào lúc đó, Vance đứng ngoài hiện tượng Donald Trump, gọi Trump là "Hitler của nước Mỹ". Theo Le Monde, J.D. Vance được sự giới thiệu của Donald Trump Jr., cựu nhà báo Fox News Tucker Carlson và cựu cố vấn Steve Bannon. Vợ ông, Usha Vance, là người gốc Ấn Độ, một chi tiết đáng lưu ý khi cả hai ứng cử viên đều là đàn ông và da trắng.
Cặp Trump-Vance : Mối lo cho Châu Âu và Ukraine
Le Figaro nhận định "Cặp Donald Trump-J.D. Vance đặt Châu Âu trước trách nhiệm". Ứng cử viên Cộng hòa đã chọn người đứng liên danh theo chủ nghĩa biệt lập, muốn chấm dứt viện trợ cho Ukraine và xoay trục sang Châu Á, gây bất lợi cho Châu Âu. Nếu cựu tổng thống hừng hực khí thế trả thù đã đè bẹp hình ảnh Joe Biden lẩm cẩm, thì ứng viên phó tướng của ông Trump cũng vượt hẳn phó tổng thống Kamala Harris mờ nhạt. Một Donald Trump khó đoán, có cảm tình với các nhà độc tài, ngờ vực NATO, Liên Hiệp Châu Âu và các định chế quốc tế, phản đối viện trợ cho Ukraine đã là cơn ác mộng cho các nhà lãnh đạo Châu Âu, nay lại có thêm một khuôn mặt cực đoan.
Trong nhiệm kỳ đầu, Donald Trump phải hòa thuận với giới tinh hoa chính trị, kìm hãm lại phần nào những hành động quá lố. Nhưng từ bốn năm qua Trump đã chuẩn bị một ê-kíp trung thành với ý tưởng của mình. "America first" của cặp Trump-Vance trước hết là tin xấu cho Kiev. Ông Vance đã nhiều lần nói rằng cần đàm phán, dù Ukraine có phải từ bỏ mục tiêu tái chiếm lãnh thổ. Theo ông, Hoa Kỳ không thể hỗ trợ vô hạn định một cuộc chiến ở tận Châu Âu. Tại hội nghị quốc tế Munich hồi đầu năm, Vance đã tránh gặp tổng thống Volodymyr Zelensky.
Ông cũng đóng vai trò chính trong việc chặn suốt sáu tháng số 60 tỉ đô la viện trợ cho Kiev. Đối với James David Vance, Hoa Kỳ không bị đe dọa bởi Nga hay các nhà độc tài nước ngoài, mà bởi di dân. Volodymyr Zelensky là người đầu tiên ý thức được tình thế, nên đã đề nghị một hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình mới, có sự tham dự của Nga. Vance còn chỉ trích các nước Châu Âu đã không dành 2% GDP cho quốc phòng. Việc đặt trọng tâm vào Châu Á có thể tăng lên với cặp Trump-Vance, mà theo ông Vance đó là "chính sách Mỹ trong bốn mươi năm tới". Các chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc, dẫn đến đối đầu. Nhưng đây cũng có thể là tin tốt lành nếu gáo nước lạnh từ Mỹ khiến Châu Âu tỉnh thức.
NATO tuổi 75 : Thù trong giặc ngoài
Trong bài "NATO 75 tuổi : Giữa Putin và Trump", Les Echos cho rằng Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang đứng trước thách thức nhân đôi cả bên trong lẫn bên ngoài, đó là Vladimir Putin và cái bóng ngày càng lớn của Donald Trump. Hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc tuần qua trong bối cảnh đặc biệt sốc với vụ Nga oanh tạc vào bệnh viện dành cho trẻ em bị ung thư ở Kiev, và kết thúc vào lúc Donald Trump bị mưu sát. Liệu NATO có thể tồn tại nếu ứng cử viên Cộng hòa tái đắc cử ? Sự ủng hộ dành cho Ukraine trong thời Joe Biden có tiếp tục ?
Điều nghịch lý là NATO sẽ hành động nhiều hơn, nhưng Mỹ ít can thiệp hơn vào các vấn đề quốc tế. Có thể nói là "tạo vật" lại khỏe khoắn hơn người tạo tác. Liên minh Bắc Đại Tây Dương không hề "chết não" - như Emmanuel Macron nói - khi Putin đưa quân sang xâm lăng Ukraine. NATO cần thiết hơn bao giờ hết. Những nước như Phần Lan và Thụy Điển, vượt qua truyền thống trung lập, đã tham gia NATO, biến biển Baltic thành hồ lớn Đại Tây Dương.
Ngoài việc mở rộng, 23/32 quốc gia thành viên nay chi ra ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, trong khi cách đây một thập niên chỉ có 3 nước chịu chi ở mức này. Vấn đề là bên cạnh mối đe dọa từ Nga - mà Tập Cận Bình có giúp sức - NATO sẽ ra sao trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu quốc gia chủ chốt của Liên minh ngưng viện trợ cho Kiev ?
Liệu Ukraine có bị cắt viện trợ, ép đàm phán ?
Hiện nay viện trợ phương Tây vốn dường như chỉ nhằm giúp cho Ukraine khỏi thất bại, tránh một chiến thắng của Nga. Còn mai đây sẽ ra sao ? Bên cạnh nguy cơ ông Trump đắc cử, Pháp (và có thể kể cả Đức) đang yếu đi trước phe dân túy đang lên. Tại Berlin cũng như Paris, các phe cực đoan chừng như đều tỏ ra "thông cảm" với Moskva ; và chức chủ tịch luân phiên hiện do Hungary của Viktor Orban vốn thân cận với Putin nắm giữ.
Trong bối cảnh đó, có thể chờ đợi gì ở NATO ? Một số vũ khí đã bắt đầu đến Ukraine, trong đó có F-16, giúp Kiev trụ được, nhưng không phải để giành lại những vùng đất đã bị quân Nga chiếm. Mọi việc diễn ra kiểu như một kịch bản đã được ngầm chấp nhận : chịu mất 20% lãnh thổ, Ukraine sẽ được hội nhập với phương Tây, trở nên thành viên của NATO và Liên Hiệp Châu Âu (EU). "Bạn bị mất đất nhưng tự do, chỉ cần ký hiệp ước ngưng bắn kéo dài theo kiểu Triều Tiên, không nhất thiết phải chính thức từ bỏ Crimea và Donbass".
Nhưng trong khi chờ đợi kịch bản này, Nga liên tục tấn công đẫm máu vào thường dân Ukraine, mà chẳng phải chịu hậu quả. Narendra Modi đã "ôm hôn thắm thiết" Vladimir Putin vào lúc hỏa tiễn Nga rơi xuống các bệnh viện Kiev. Theo Les Echos, trong cuộc đối đầu giữa dân chủ với toàn trị, NATO cần sự đoàn kết, tình liên đới và tính kiên quyết của tất cả thành viên, mà đứng đầu là Hoa Kỳ. Donald Trump sau vụ ám sát hụt càng mang vẻ "Siêu nhân", tương phản hẳn với Joe Biden. Đảng Dân chủ Mỹ, vì nước Mỹ cũng như vì thế giới, cần khẩn cấp chọn một ứng cử viên mới, có thể là Kamala Harris. Còn ai khác nữa, trong thời hạn ngắn ngủi như vậy ?
Chủ tịch Nghị Viện Châu Âu vẫn là người ủng hộ Kiev
Trong khi đó, bà Roberta Metsola tiếp tục làm chủ tịch Nghị Viện Châu Âu đến 2027. Nghị sĩ bảo thủ từ Malta được bầu lại với số phiếu kỷ lục 562/699, đè bẹp ứng cử viên cực tả chỉ có 61 phiếu. Les Echos cho rằng đây có thể là tin vui cho Ukraine : bà Metsola là nhà lãnh đạo Châu Âu đầu tiên đến Kiev ngay sau khi Ukraine bị xâm lăng và đến nay vẫn coi cuộc xâm lược của Putin là mối quan ngại lớn nhất cho châu lục. Le Monde nhận xét Metsola là người thực dụng, biết cách thỏa hiệp, luôn tươi cười, xứng đáng đại diện cho Nghị Viện Châu Âu. Dân biểu thuộc cánh Dân chủ-Thiên Chúa giáo trong Đảng Nhân dân Châu Âu (PPE) cũng là viên chức đầu tiên đến thăm Israel ngay sau vụ khủng bố của Hamas tháng 10/2023.
Những kẻ sát nhân từ chiến trường Ukraine trở về gây kinh hoàng cho dân Nga
Còn tại Nga, Libération có bài phóng sự cho biết những tội phạm từ mặt trận Ukraine trở về đang gieo rắc kinh hoàng cho xã hội Nga. Mục tin hình sự của trang Mediazona chuyên về pháp luật hầu như cách vài ngày đều có tin về những vụ hành hung, giết người mà thủ phạm là các tù nhân xung phong đi chiến đấu ở Ukraine, hết hạn trở về hoặc về phép. Một bé gái 4 tuổi, một người đàn ông là bạn của hung thủ, một phụ nữ… mới đây đã thiệt mạng vì những kẻ này.
Từ tháng 6/2022 đến tháng 1/2023 đã có gần 50.000 tên tội phạm gia nhập lực lượng lính đánh thuê Wagner của Yevgeny Prigozhin, tuy về mặt chính thức thì luật pháp cấm. Chiếc hộp Pandore đã mở ra. Sau cái chết của Prigozhin, Bộ Quốc phòng Nga tiếp quản số lính đánh thuê, đưa vào lực lượng "Storm Z". Olga Romanova, người sáng lập tổ chức phi chính phủ "Nước Nga sau song sắt" và BBC tiếng Nga ước tính trong tháng 4/2024, Bộ Quốc phòng Nga đã gởi gần 60.000 tù nhân ra mặt trận. Khác với thời Yevgeny Prigozhin, sau sáu tháng có thể trở về, nay hợp đồng là một năm và tự động gia hạn.
Rất nhiều trường hợp tù nhân tái phạm được nêu ra, chẳng hạn Ivan Rossomakhin, chỉ một tuần sau khi trở về đã sát hại một bà cụ 85 tuổi, khủng bố hàng xóm, ngày ngày xách búa lang thang trên đường trong tình trạng say xỉn. Olga Romanova nói, kẻ sát nhân có thể bị bắt khi xác nạn nhân vẫn còn nóng, nhưng không phải vào tù nếu hắn ta lại muốn ra trận. Những tên tội phạm này hoàn toàn thoát khỏi lưới pháp luật. Một trường hợp kinh hoàng nữa là thủ lãnh một giáo phái từng giết chết, phân xác, ăn thịt bốn trẻ vị thành niên, sau khi chiến đấu với Storm Z và bị thương, nay trở về nhà. Theo Romanova, hậu quả của mọi chuyện này là sự phá hủy mối liên hệ giữa tội ác và trừng phạt.
Vở kịch đáng buồn của cánh tả Pháp
Về thời sự nước Pháp, nhật báo thiên tả Libération bực tức viết trong bài xã luận, cánh tả đang diễn một vở kịch đáng buồn, khác xa với hy vọng khi về đầu trong cuộc bầu cử vòng hai. Từ nay ít nhất mọi chuyện cũng đã rõ ràng. Với những thông tin được các cán bộ nòng cốt của đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) gởi đi trong 24 giờ qua, phong trào cực tả này không hề có ý định hợp sức, và có lẽ còn chẳng muốn tham gia lãnh đạo. Ứng viên sáng giá cho chức thủ tướng Laurence Tubiana được phe xã hội, sinh thái và cộng sản đề nghị bị LFI bác bỏ một cách thô bạo. Đặc biệt là Sophia Chikirou, cố vấn thân cận của ông Jean-Luc Mélenchon còn cáo buộc nhà kinh tế kiêm ngoại giao này quá gần với François Hollande và Emmanuel Macron, thậm chí còn so sánh với "rệp giường".
Trước đó vào tối thứ Bảy, đảng xã hội đã bác ứng cử viên Huguette Bello được đảng cộng sản và cực tả đề nghị, rồi chủ tịch đảng là Olivier Faure chấp nhận rút lui để nhường cho Laurence Tubiana của xã hội dân sự, nhưng vẫn chưa đủ. Khi tiếp tục bác tất cả những cái tên không do họ đưa ra, cực tả chứng tỏ muốn bỏ qua giai đoạn này để tập trung cho việc tranh cử tổng thống của ông Mélenchon, bất chấp mong muốn của cử tri Mặt trận Bình dân Mới. Dù vậy cần phải tìm cho được một cái tên thủ tướng, và nếu cánh tả không đồng thuận được, sẽ mở ra một đại lộ cho Emmanuel Macron. Nguyên thủ Pháp trong lá thư gởi người dân tuần trước đã đề nghị xây dựng một liên minh mà phe của ông là trụ cột.
Thụy My
Mỹ giúp các đồng minh ở Châu Âu, cũng như Châu Á, không phải vì muốn làm việc từ thiện, mà để phòng trước các mối đe dọa lâu dài nếu Nga và Trung Quốc lấn áp được những nước láng giềng.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, và ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký khối NATO, tại Thượng Đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania.
Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đóng vai chẩn bệnh cho liên minh NATO, tuyên bố nó đang trong tình trạng "mort cérébrale," chờ chết vì bộ não ngừng hoạt động. Hôm thứ Ba vừa rồi trong cuộc họp ở Vilnius, thủ đô Lithuania, ông Macron báo tin Pháp sẽ gửi cho Ukraine các hỏa tiễn SCALP, có thể bắn xa 250 km – giống như hỏa tiễn Storm Shadow mà Anh Quốc đã tặng.
Quân đội Ukraine đang cần những hỏa tiễn tầm xa này để mở cuộc tổng phản công chiếm lại các vùng đất phía Đông bị Nga chiếm. Tại Vilnius, các nước khác cũng cho biết đang viện trợ những loại vũ khí mới. Nước Đức sẽ tặng thêm 25 "xe tăng" Leopard sau đợt đầu vào tháng Ba ; hai giàn phóng hỏa tiễn Patriot của Mỹ và 40 xe chiến đấu cho bộ binh. Đức đã đồng ý cho các nước khác gửi xe Leopard cho Ukraine. Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store tuyên bố sẽ tăng thêm 240 triệu USD, nâng ngân sách vũ khí viện trợ lên 960 triệu USD, trong tổng số 1,4 tỷ USD kể cả viện trợ nhân đạo. NATO không có dấu hiệu nào là đang "chết não" mà NATO còn cựa quậy mạnh hơn !
Cuộc tấn công của Vladimir Putin đã khiến khối NATO phải đoàn kết chặt chẽ. Không những thế NATO còn tiếp nhận các quốc gia hội viên mới, Phần Lan trong tháng Tư vừa qua và Thụy Điển được thâu nhận trong hội nghị Vilnius.
Minh ước Bắc Đại Tây Dương, chính thức viết tắt là NATO (tiếng Anh) và OTAN (tiếng Pháp), được thành lập trong thời Chiến Tranh Lạnh, với mục đích đề phòng một cuộc tấn công của Liên bang Xô Viết. Nga chưa bao giờ đánh, cho nên khối NATO cũng không bàn đến việc phối hợp về quân sự, trong ba phần tư thế kỷ. Gần 100 sư đoàn của các nước NATO thua xa lực lượng Khối Warszawa (Warsaw), gồm Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu.
Khi Liên Xô sụp đổ, Chiến Tranh Lạnh coi như đã qua, mọi người đều nghĩ vai trò của NATO sẽ chấm dứt. Chính phủ Mỹ có lúc, 5, 6 năm trước đây, đã tỏ ý muốn rút khỏi NATO, coi như cả liên minh quân sự này bị giải tán. Nhưng NATO vẫn tồn tại vì nhiều nước đua nhau xin gia nhập ; gồm các nước cộng sản cũ ở Đông Âu và vùng biển Baltic. Vì họ cần hỗ trợ để tự vệ trước một đế quốc Nga mới.
Năm 1997, Cộng hòa Czech mở cuộc trưng cầu dân ý có nên gia nhâp NATO hay không. Đa số dân ưng thuận dù bị Nga dọa nạt ; hai năm sau Czech chính thức vào NATO. Việc xin gia nhập NATO trở thành một kỳ thi tuyển cho những nước đã sống dưới chế độ cộng sản, muốn được vào Liên Hiệp Châu Âu (Liên Âu - EU) để hưởng những lợi ích kinh tế. Các nước NATO cứu xét đơn gia nhập, coi những nước đó đã có tự do dân chủ, tôn trọng pháp luật, và thiết lập kinh tế thị trường hay chưa. Trong năm 2004, thêm bảy quốc gia hội viên mới ; dần dần lên đến 30 nước ; năm nay thêm Phần Lan và Thụy Điển.
Hai nước hội viên mới vốn vẫn giữ vai trò trung lập trong suốt thế kỷ 20, nhất là Phần Lan, nằm bên cạnh nước Nga. Cuộc chiến tranh Ukraine khiến họ thay đổi thái độ, không biết bao giờ sẽ đến lượt mình bị Vladimir Putin nhòm ngó. Nhưng đơn xin gia nhập của hai nước đã bị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngăn cản.
Một lý do là ông Erdogan vẫn muốn tỏ ra không chống Nga, một nước lớn cùng ở bên bờ Hắc Hải. Ông còn muốn giữ một quân bài để trao đổi khi thương thuyết với Tây Âu và Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong NATO nhưng đã nạp đơn xin gia nhập EU, Liên Hiệp Châu Âu từ năm 1987, đến năm 1999 mới được cứu xét ; năm 2005 bắt đầu thương thuyết nhưng đến nay vẫn chưa xong. Thường các nước xin gia nhập EU phải chờ đợi mươi năm, Thổ Nhĩ Kỳ chờ 18 năm, lâu quá. Lý do chính là bị Hy Lạp phủ quyết. Hai nước chưa thỏa hiệp được với nhau về phân chia ảnh hưởng trên đảo Cyprus, cũng là một hội viên EU khác.
Bây giờ, ông Tayyip Erdogan vẫn chưa thuyết phục được Hy lạp và Cyprus, nhưng nhận được một món quà trao đổi khác. Tổng thống Joe Biden nói sẽ xin phép Quốc hội Mỹ để bán cho Thổ Nhĩ Kỳ các máy bay chiến đấu tối tân F-16. Ông Biden mở cánh cửa này sau khi ông Erdogan tỏ thái độ coi thường Vladimir Putin. Nga và Ukraine mới trao đổi tù binh, nhờ Thổ Nhĩ Kỳ đứng môi giới. Theo thỏa ước, Putin muốn các tù binh Ukraine quan trọng không được về nước mà phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Erdogan bất chấp, để cho Tổng thống Volodymyr Zelensky được qua đón những chiến sĩ trong Lữ đoàn Azov đã chiến đấu ở thành phố Mariupol cho đến ngày cuối cùng, đưa họ về Ukraine như những vị anh hùng. Erdogan biết Putin đã hết thời nên thân thiện với Mỹ hơn !
NATO có ích lợi gì mà Mỹ phải tốn bao nhiêu tiền, gửi quân đội và vũ khí qua bảo vệ Châu Âu ?
Mỹ giúp các đồng minh ở Châu Âu, cũng như Châu Á, không phải vì muốn làm việc từ thiện, mà để phòng trước các mối đe dọa lâu dài nếu Nga và Trung Quốc lấn áp được những nước láng giềng. NATO cũng bảo đảm các nước Châu Âu liên kết chặt chẽ với Mỹ hơn trên các lãnh vực kinh tế, thương mại, chính sách tài chánh hoặc quan thuế.
Thực ra chi phí quân sự của Mỹ ở Châu Âu chỉ bằng dưới 6 phần trăm ngân sách ngũ giác đài. Đổi lại, các nước NATO mua vũ khí do các công ty Mỹ sản xuất, trước khi Nga đánh Ukraine đã chiếm một nửa số chi tiêu của họ. Bây giờ các nước đó cần tăng ngân sách quốc phòng để tự vệ và giúp Ukraine hoặc Ba Lan, Romania. Họ đang mua thêm xe thiết giáp, chiến đấu cơ và những hệ thống vũ khí mới, với những hợp đồng lâu năm.
Tổng thống Macron cũng không còn thấy khối NATO sắp chết nữa. Trong hội nghị ở Lithuania ông nói hỗ trợ Ukraine là "gửi một thông điệp cho thấy khối NATO đoàn kết và quyết tâm không để cho Nga thắng, không thể nào thắng được". Trong lúc hội nghị NATO sắp khai mạc, Pháp gửi 10 chiến đấu cơ qua thao dượt cùng quân đội Mỹ ở vùng các quần đảo Thái Bình Dương, để bắn tin cho Trung Quốc.
Trung Quốc cũng không thể nào không chú ý đến những người khách từ các nước Châu Á và Thái Bình Dương đã đến thăm hội nghị ở Vilnius : Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ; Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ; Thủ tướng Anthony Albanese nước Australia và Chris Hipkins từ New Zealand. Ông Yoon Suk Yeol còn mời ba người kia họp riêng bên lề hội nghị NATO để bàn việc hợp tác trước các vấn đề chung, trong đó có các mối lo về an ninh.
Trong thực tế, Anh Quốc đang gửi quân đội qua huấn luyện ở Nhật. Pháp gửi chiến hạm qua Biển Đông nước ta và eo biển Đài Loan, nơi chiến thuyền Canada cùng thao diễn với hải quân Mỹ. Bộ trưởng quốc phòng Đức Boris Pistorius mới báo trước, trong một hội nghị ở Singapore, rằng sang năm tới sẽ cho hai chiến hạm đến thăm vùng này.
Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký khối NATO, mới được tái nhiệm, xác nhận, "NATO không chỉ là một liên minh quân sự của Châu Âu và Mỹ, vì những thử thách trước mặt chúng ta nằm ở khắp toàn cầu".
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 18/07/2023
Nga hoàn toàn bất lực trước sự gia nhập của nhiều nước xung quanh vào NATO. Cản trở cuối cùng đối với Thụy Điển đã được hoàn toàn gỡ bỏ đêm hôm qua tại hôi nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius.
Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson bắt tay tại Vilnius, Litva, ngày 10 tháng 7 năm 2023. (Ảnh AA)
Việc Tổng thống Thổ nhĩ kỳ Erdogan tuyên bố đồng ý với sự gia nhập Nato của Thụy Điển đã gỡ bỏ cản trở cuối cùng từ một năm nay. Nó chấm dứt sự mặc cả của Thổ…
Một số bạn vẫn còn nghi ngờ thái độ của Thổ. Không. Thổ đã đồng ý không đòi hỏi những điều kiện kèm theo. Việc Thổ xin ra nhập Châu Âu là việc khác và chính bản thân Thổ phải chấp nhận các điều kiện gia nhập Châu Âu.
Hiện tại, Ukraine không thể ra nhập NATO, nhưng theo tôi Ukraine cũng sẽ vào NATO khi chiến tranh kết thúc và lúc đó NATO sẽ đảm bảo an ninh cho Ukraine theo bản đồ hậu chiến tranh. Tôi rất mong Ukraine sẽ thu hồi được những phần lãnh thổ bị chiếm đóng.
Ukraine sẽ vào NATO với một tư cách khác so với các thành viên mới của NATO vì Ukraine là nước có kinh nghiệm chiến tranh nhiều nhất, là quân đội mạnh nhất Châu Âu và là quân đội đã phải chiến đấu, hy sinh vì Châu Âu…
Khi Tầu chiếm 2 tỉnh phía bắc của Việt Nam, lính Tầu cũng đã phạm những tội ác tương tự như lính Nga ở Ukraine. Các bạn Việt Nam ủng hộ Nga ngày hôm nay, chắc các bạn cũng ủng hộ Tầu ngày đó. Nếu Tầu đánh Việt Nam hôm nay, không nghi ngờ gì là Nga sẽ ủng hộ Tầu. Chắc các bạn lúc đó cũng sẽ ủng hộ Nga ?
Thời sự mấy ngày qua cũng nói nhiều đến việc Mỹ cung cấp bom chùm cho Ukraine. Về việc này, trước tiên phải hiểu rằng đây không chỉ là bom (thả từ máy bay) mà là cả đạn pháo. Các bạn phò Nga không ngớt lời chửi Zelensky mang bom chum về giết dân mình…
Công bằng mà nói là cả Nga và Ukraine đều đã sử dụng loại vũ khí này từ khi bắt đầu có chiến tranh giữa hai nước. Cả hai nước đều có dự trữ vũ khí này từ thời Liên Xô. Vậy việc Mỹ cung cấp vũ khí này cho Ukraine hoàn toàn không có gì dính dáng đến vấn đề ĐẠO ĐỨC GIẢ của các bạn nhé.
Bọn ngố nói chuyện đạo đức. Khi vũ khí này đến Ukraine thì nó sẽ giúp Ukraine tiêu diệt có hiệu quả bọn vô đạo đức đi cướp nước người ta nhé. Bọn vô đạo đức nhất lại rất hay nói chuyện đạo đức, cũng như bọn đi giảng về chống tham nhũng hay bọn đi giải cứu đang hầu tòa.
Hoàng Quốc Dũng
(11/07/2023)
Khi tấn công Ukraine năm ngoái, một trong những lý do Vladimir Putin nêu ra là ngăn chặn không cho khối NATO bành trướng. Bây giờ kết quả ngược lại. Putin đã thua lớn trên mặt ngoại giao.
Cờ Phần Lan được kéo lên tại trụ sở NATO ở Brussels khi nước này trở thành thành viên thứ 31 của liên minh.
Một người tự cảm thấy mình đang hạnh phúc, nếu được hỏi có muốn thay đổi gì trong đời sống không, thì chắc sẽ nói "không !"
Một dân tộc thì khác. Dân Phần Lan, 5.5 triệu người, thấy họ sống rất hạnh phúc, đứng đầu thế giới suốt 5, 6 năm vừa qua. Nhưng họ lại muốn thay đổi : Nước Phần Lan vừa mới ký hợp đồng làm thành viên thứ 31 của khối NATO, Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Một người đang sống hạnh phúc chắc cũng làm như vậy : Kết thân với bà hàng xóm bên tay mặt vì lo ông hàng xóm bên trái có thể lấn áp, xâm phạm đến nhà mình.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto giải thích rằng chính phủ Nga không cho nước ông được tự do lựa chọn. Họ "muốn tạo ra một vùng trái độn chung quanh nước họ", nhưng "chúng tôi không phải là một cái vùng", ông nói khi đến Bruxelles họp kỷ niệm 74 năm ngày thành lập NATO.
Tổng Thư Ký NATO, ông Jens Stoltenberg nói rằng bây giờ "Nga không thể tính toán sai lầm, nghi ngờ quyết tâm của NATO sẵn sàng bảo vệ Phần Lan ; điều này giúp Phần Lan yên tâm hơn, mạnh hơn, và tất cả chúng ta bình an hơn".
Phần Lan gia nhập NATO làm chính phủ Nga nổi giận. Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grouchko coi đây là một hành động đe dọa trên nước Nga, và cảnh cáo sẽ áp dụng những "biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quân sự" tại biên giới hai nước.
Trước đây, biên giới này vẫn không yên ổn. Trong lịch sử, dân tộc Phần Lan đã phải đấu tranh giành độc lập giữa hai nước lớn là Thụy Điển và Nga. Khi chế độ Nga hoàng tan rã năm 1917, Phần Lan được độc lập, nhưng phải chấp nhận không bao giờ chống Nga. Trong thời Đại chiến Thứ Hai, quân Nga đã tiến đánh Phần Lan từ tháng 11 năm 1939. Cuộc Chiến tranh Mùa Đông đến tháng Tư năm 1940 chấm dứt vì người Phần Lan kháng chiến dũng cảm. Quân sĩ không nhiều, súng đạn ít hơn, họ mặc đồ mầu trắng, nấp dưới những tấm khăn trải giường trắng, trượt ski hoặc mang giầy có lưới đan đi trên tuyết, đánh du kích khi biến khi hiện, sau hai tháng rưỡi đuổi được quân Nga, ký hòa ước vào tháng Tư 1940, nhưng vẫn phải chấp nhận nhường một phần lãnh thổ. Trong thời Chiến tranh Lạnh, Phần Lan giữ vai trò trung lập giữa hai khối Nga, Mỹ, và tiếp tục chính sách đó sau khi Liên Xô sụp đổ, cho tới năm 2022.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Sauli Niinisto. Nga xâm lăng Ukraine khiến các nước trung lập ở Bắc Âu thay đổi chính sách ngoại giao. Các nước láng giềng khác của Nga cũng đều lo có thể bị Vladimir Putin nhòm ngó. Ba nước vùng Baltic, và Ba Lan, Bulgaria, Albania, Cộng Hòa Czech, Rumania đã vào khối NATO rồi.
Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập giữa năm 2022, ba tháng sau khi quân Nga đánh Ukraine. Cả hai nước đều gửi vũ khí giúp Ukraine không khác gì các nước NATO. Phần Lan đã gia nhập Liên hiệp Âu Châu từ năm 1995. Một cuộc nghiên cứu dư luận cuối năm 2022 cho biết 78% dân chúng ủng hộ việc vào khối NATO.
Thụy Điển còn phải chờ vì chưa được Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đồng ý. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Thụy Điển đang nhận những chiến binh trong lực lượng PKK được tị nạn. PKK là tổ chức của người Kurds, sống ở Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ muốn lập một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cũng có mặt tại Brusselles dự lễ thâu nhận Phần Lan.
Tổng thống Niinisto tuyên bố nếu Thụy Điển chưa được vào thì việc Phần Lan gia nhập NATO chưa hoàn tất. Ông Stoltenberg hy vọng đến tháng Bảy năm nay, khi NATO họp thượng đỉnh ở Lithuania thì sẽ thâu nhận thêm Thụy Điển. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã được mời tới dự khán.
Sau khi thu nhận Phần Lan, biên giới giữa khối NATO và nước Nga sẽ dài gấp đôi, thêm 1,340 km. Trước đây, chỉ có Estonia và Latvia nằm giáp nước Nga. Biên thùy Na Uy, một nước thuộc NATO, với Nga dài 200 km. Vùng Kaliningrad của Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania, hai nước trong NATO.
Về mặt quân sự, cuốnThe World Factbook của cơ quan tình báo Mỹ CIA chỉ kể Phần Lan có 22,000 quân hiện dịch, so với 850,000 quân Nga. Nhưng Phần Lan có thể huy động một lực lượng 280,000 binh sĩ trong chế độ quân dịch được trang bị vũ khí tân tiến, cùng với 900,000 quân trừ bị. Nhưng từ nay NATO được quyền sử dụng các hải cảng, đường biển và không phận Phần Lan nếu cần. Việc bảo vệ các nước đồng minh vùng Baltic và Na Uy, Thụy Điển sẽ dễ dàng hơn.
Ngay bây giờ, việc thâu nhận thêm Phần Lan vào NATO không thay đổi gì về mặt quân sự. Về mặt tâm lý, dân Phần Lan có thể yên tâm rằng nếu bị Nga tấn công, tất cả khối NATO sẽ đem quân đến giúp. Ngược lại, Phần Lan cũng sẵn sàng gửi quân đi chiến đấu ở các nước khác trong khối.
Chính phủ mới ở Phần Lan sẽ quyết định có cho phép quân đội nước ngoài vào trong nước hay không, như Ba Lan, Rumania và các nước Baltic đã chấp nhận. Họ cũng sẽ quyết định có nhận vũ khí nguyên tử hay không. Nhưng ngay bây giờ, được chiếc dù nguyên tử của Mỹ, Anh, Pháp bảo vệ, họ phải chuẩn bị một chiến lược về vũ khí hạch tâm và quan điểm về kiểm soát các vũ khí đó.
Khi tấn công Ukraine năm ngoái, một trong những lý do Vladimir Putin nêu ra là ngăn chặn không cho khối NATO bành trướng. Bây giờ kết quả ngược lại. Putin đã thua lớn trên mặt ngoại giao.
Phát ngôn viên chính phủ Nga Dmitry Peskov tuyên bố rằng việc Phần Lan gia nhập NATO chứng tỏ khối này nhắm bành trướng để bao vây nước Nga. Ông đe dọa Nga sẽ phản ứng thích đáng, tùy theo NATO sẽ đưa tới Phần Lan những thứ vũ khí nào. Ông nhắc lại rằng giữa hai nước hiện không có tranh chấp lãnh thổ, nhưng Nga sẽ có những biện pháp quân sự để trả đũa và đề phòng. Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO xác nhận sẽ không gửi quân đội tới Phần Lan, trừ khi nước này kêu cứu.
Trong khi đó các tin tặc từ nước Nga đã mở một chiến dịch tấn công tin học ở Phần Lan. Các hệ thống máy điện toán của quốc hội Phần Lan bị tràn ngập đến tê liệt. Bà Sanna Marin, cựu thủ tướng mới thất cử, cũng là một nạn nhân. Một nhóm tin tặc Nga mang tên NoName057 đứng ra nhận họ chủ mưu, vì muốn trừng phạt Phần Lan. Trước đây nhóm này đã từng nhận trách nhiệm đã đánh phá các hệ thống tin học ở Mỹ và các nước khác.
Đó là những hành động phản đối duy nhất mà Nga có thể thi hành. Trên chiến trường Ukraine, quân Nga đang tắc nghẽn không chiếm được thành phố Bakhmut. Trong khi các nước NATO đang gửi thêm xe thiết giáp, đại pháo tới giúp Ukraine chuẩn bị cuộc phản công mùa Xuân ; Mỹ đóng góp $2.6 tỷ mỹ kim. Cuộc tổng phản công mùa Xuân của quân Ukraine sắp bắt đầu.
Nhiều người cho rằng chế độ Vladimir Putin sẽ sụp đổ nếu quân Nga thất bại ở Ukraine. Điều đáng lo ngại nhất là biến cố này sẽ gây hỗn loạn không khác gì vụ sụp đổ của Liên bang Xô Viết năm 1991. Phần Lan, khối NATO đều phải chuẩn bị đối phó.
Ngô Nhân Dụng
Bốn tương lai khả dĩ cho liên minh xuyên Đại Tây Dương
Trong một thế giới liên tục thay đổi, sự bền vững của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương quả là điều đáng chú ý. NATO còn "lớn tuổi" hơn tôi, dù tôi không còn trẻ nữa. Nó đã tồn tại lâu hơn cả triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II ở Anh. Lý do tồn tại ban đầu của nó – "loại trừ Liên Xô, giữ chân Mỹ, và kiềm chế Đức" ("keep the Soviet Union out, the Americans in, and the Germans down") – đã không còn hợp thời như trước (bất chấp cuộc chiến của Nga ở Ukraine), nhưng nó vẫn tạo ra sự tôn trọng ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Nếu bạn là một chính khách đầy tham vọng đang mong muốn để lại dấu ấn của mình ở Washington, Berlin, Paris, London, học cách ca ngợi những đặc điểm bền bỉ của NATO vẫn là một nước cờ có ích cho sự nghiệp.
Sự trường tồn của NATO là đặc biệt đáng chú ý nếu xét đến những thay đổi đã xảy ra kể từ khi tổ chức này được thành lập và ý tưởng về một "cộng đồng xuyên Đại Tây Dương" bắt đầu thành hình. Khối Hiệp ước Warsaw nay đã tan rã, và Liên bang Xô viết đã sụp đổ. Người Mỹ đã dành hơn 20 năm chiến đấu trong những cuộc chiến tốn kém và không thành công ở Trung Đông. Trung Quốc đã vươn lên từ một quốc gia nghèo khó với ít ảnh hưởng toàn cầu trở thành quốc gia quyền lực thứ hai thế giới, và các nhà lãnh đạo của nước này đang kỳ vọng vào một vai trò toàn cầu lớn hơn nữa trong tương lai. Bản thân Châu Âu cũng đã trải qua sự thay đổi sâu sắc : nhân khẩu học thay đổi, khủng hoảng kinh tế lặp đi lặp lại, nội chiến ở Balkan, và một cuộc chiến hủy diệt nổ ra vào năm 2022 và có lẽ sẽ còn tiếp diễn thêm một thời gian nữa.
Thật ra, "quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương" cũng không hoàn toàn đứng yên. NATO đã có thêm nhiều thành viên mới xuyên suốt lịch sử của mình, bắt đầu với Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1952, tiếp theo là Tây Ban Nha vào năm 1982, sau đó là một loạt các cựu thành viên của Liên Xô kể từ năm 1999, và gần đây nhất là Thụy Điển và Phần Lan. Sự phân bổ gánh nặng trong liên minh cũng đã có biến động : phần lớn Châu Âu cắt giảm đáng kể đóng góp quốc phòng của họ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. NATO cũng đã trải qua nhiều lần thay đổi về học thuyết, một vài trong số đó quan trọng hơn so với những thay đổi khác.
Do đó, chúng ta cũng nên đặt câu hỏi về hình thức của liên minh xuyên Đại Tây Dương trong tương lai. NATO nên xác định sứ mệnh và phân bổ trách nhiệm của mình như thế nào ? Giống như một quỹ tương hỗ, thành công trong quá khứ không đảm bảo cho hiệu quả hoạt động trong tương lai, đó là lý do tại sao các nhà quản lý danh mục đầu tư thông minh có mong muốn đạt được lợi nhuận tốt nhất sẽ điều chỉnh tài sản của quỹ mỗi khi các điều kiện thay đổi. Xét đến những thay đổi trong quá khứ, các sự kiện hiện tại và các hoàn cảnh có thể xảy ra trong tương lai, tầm nhìn bao quát nào sẽ định hình quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương trong thời gian tới, giả sử rằng nó vẫn sẽ tiếp tục tồn tại ?
Cá nhân tôi xin đề xuất ít nhất bốn mô hình riêng biệt.
Cách tiếp cận dễ thấy nhất – và nếu tính đến sự cứng nhắc của bộ máy và sự thận trọng về chính trị, theo đó có thể là cách tiếp cận khả thi nhất – là giữ nguyên các thỏa thuận hiện tại và thay đổi càng ít càng tốt. Trong mô hình này, NATO sẽ vẫn chủ yếu tập trung vào an ninh Châu Âu (đúng như cụm từ "Bắc Đại Tây Dương" trong tên gọi của nó). Mỹ sẽ vẫn là "bên phản ứng đầu tiên" của Châu Âu và là nhà lãnh đạo không thể chối cãi của liên minh, như những gì đang xảy ra trong khủng hoảng Ukraine. Chia sẻ gánh nặng sẽ vẫn có chênh lệch : khả năng quân sự của Mỹ sẽ tiếp tục khiến Châu Âu hạn chế các lực lượng quân sự của mình, và chiếc ô hạt nhân của Mỹ sẽ tiếp tục che chở cho các thành viên khác của liên minh. Nhiệm vụ "ngoài khu vực" sẽ bị ngó lơ để tập trung nhiều hơn vào chính Châu Âu, một quyết định có thể hiểu được nếu dựa trên kết quả đáng thất vọng của những cuộc phiêu lưu trong quá khứ của NATO tại Afghanistan, Libya và Balkan.
Công bằng mà nói, mô hình này có một số ưu điểm rõ ràng. Nó là điều quen thuộc và giúp giữ vững vai trò duy trì hòa bình của Mỹ ở Châu Âu. Các quốc gia Châu Âu sẽ không phải lo lắng về những xung đột nảy sinh giữa họ, miễn là chú Sam vẫn ở đó để ngăn cản những cuộc cãi vã. Các chính phủ Châu Âu không muốn cắt giảm chương trình phúc lợi quốc gia hào phóng của họ để chi trả cho chi phí tái vũ trang sẽ rất vui lòng khi để Chú Sam gánh lấy phần lớn gánh nặng, và các quốc gia gần Nga nhất sẽ đặc biệt mong muốn một sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ từ Mỹ. Trong một liên minh có bản chất cực kỳ phức tạp, việc có một nhà lãnh đạo rõ ràng với năng lực nổi trội sẽ tạo điều kiện để ra quyết định được nhanh chóng và nhất quán hơn. Do đó, tồn tại những lý do chính đáng khiến những người trung thành ủng hộ chủ nghĩa Đại Tây Dương luôn lên tiếng cảnh báo mỗi khi ai đó đề xuất thay đổi công thức này.
Tuy nhiên, mô hình giữ nguyên như cũ này cũng có một số nhược điểm nghiêm trọng. Rõ ràng nhất là chi phí cơ hội : việc giữ Mỹ làm "nhân viên ứng phó khẩn cấp" của Châu Âu khiến Washington khó mà dành đủ thời gian, sự chú ý, và nguồn lực cho Châu Á, nơi các mối đe dọa với cân bằng quyền lực lớn hơn đáng kể và môi trường ngoại giao còn đặc biệt phức tạp. Một cam kết mạnh mẽ hơn của Mỹ với Châu Âu có thể giúp loại trừ một vài nguyên nhân tiềm ẩn của xung đột ở Châu lục này, nhưng nó đã không ngăn cản được các cuộc chiến tranh Balkan trong thập niên 1990, và nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm đưa Ukraine vào quỹ đạo an ninh của phương Tây đã góp phần khơi mào cho cuộc chiến hiện tại. Tất nhiên, điều đó không phải là ý định ban đầu của bất kỳ ai ở phương Tây, nhưng hậu quả mới là điều quan trọng. Những thành công gần đây của Ukraine trên chiến trường là rất đáng mừng, và tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục như vậy, nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều cho tất cả các bên nếu chiến tranh không xảy ra ngay từ đầu.
Thêm nữa, mô hình giữ nguyên như cũ còn khuyến khích Châu Âu tiếp tục là kẻ ngoài cuộc trong việc bảo vệ Châu lục, đồng thời góp phần gây ra thái độ tự mãn và thiếu hiện thực trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Châu Âu. Nếu bạn tự tin rằng cường quốc hùng mạnh nhất thế giới sẽ đến giúp mình ngay khi rắc rối xảy ra, thì bạn sẽ dễ dàng bỏ qua những rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung năng lượng nước ngoài, và sẽ khoan dung hơn với chủ nghĩa chuyên chế ở gần biên giới nước mình. Dù hầu như không ai muốn thừa nhận, nhưng mô hình này có khả năng kéo Mỹ vào các cuộc xung đột ngoại vi không thực sự quan trọng đối với an ninh hoặc thịnh vượng của chính nước Mỹ. Chí ít thì mô hình này không còn là cách tiếp cận mà chúng ta có thể ủng hộ mà không cần cân nhắc.
Mô hình thứ hai cho hợp tác an ninh xuyên Đại Tây Dương nêu bật tính dân chủ chung của (hầu hết) các thành viên NATO, cũng như sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các nền dân chủ và các chế độ chuyên chế (đặc biệt là Nga và Trung Quốc). Tầm nhìn này chính là nền tảng cho nỗ lực của chính quyền Biden nhằm nhấn mạnh các giá trị dân chủ chung, và cho mong muốn mà họ đã công khai : chứng minh rằng dân chủ vẫn có thể vượt trội hơn chuyên chế trên phạm vi toàn cầu. Tổ chức Liên minh các nền dân chủ (Alliance of Democracies Foundation) của cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng phản ánh quan điểm tương tự.
Khác với mô hình giữ nguyên như cũ, vốn tập trung chủ yếu vào an ninh Châu Âu, mô hình mới này bao hàm một chương trình nghị sự toàn cầu rộng lớn hơn. Nó xem nền chính trị thế giới đương đại như một cuộc cạnh tranh ý thức hệ giữa dân chủ và chuyên chế, đồng thời tin rằng cuộc đấu tranh này phải được tiến hành trên quy mô toàn cầu. Nếu Mỹ đang "xoay trục" sang Châu Á, thì các đối tác Châu Âu của họ cũng cần phải làm như vậy, nhưng với mục đích rộng hơn là để bảo vệ và thúc đẩy các hệ thống dân chủ. Phù hợp với tầm nhìn đó, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Đức đã kêu gọi tăng cường quan hệ với các nền dân chủ của khu vực này, và Bộ trưởng Quốc phòng Đức gần đây đã tuyên bố mở rộng sự hiện diện hải quân tại đây vào năm 2024.
Tầm nhìn này có ưu điểm là sự đơn giản – dân chủ thì tốt, chuyên chế thì xấu – nhưng những thiếu sót của nó lại quá lớn. Trước tiên, một khuôn khổ phân định rõ ràng như vậy chắc chắn sẽ làm phức tạp mối quan hệ với các chế độ chuyên chế mà Mỹ và/hoặc Châu Âu đã lựa chọn ủng hộ (chẳng hạn như Ả Rập Saudi, hoặc các chế độ quân chủ vùng Vịnh khác, hoặc các đối tác Châu Á tiềm năng như Việt Nam), và khiến cho hợp tác xuyên Đại Tây Dương phải đối mặt với những cáo buộc đạo đức giả. Thứ đến, việc phân chia thế giới thành các nền dân chủ thân thiện và các chế độ chuyên chế thù địch nhất định sẽ củng cố mối quan hệ giữa nước chuyên chế, và ngăn cản các nền dân chủ chơi trò chia để trị. Từ góc độ này, chúng ta nên thấy mừng vì cựu tổng thống Richard Nixon và cố vấn Henry Kissinger đã không áp dụng cách phân chia này vào năm 1971, khi mối quan hệ hợp tác của Mỹ với Trung Quốc của Mao Trạch Đông khiến Điện Kremlin phải đau đầu lo lắng.
Cuối cùng, việc đặt các giá trị dân chủ lên hàng đầu có nguy cơ biến quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương thành một tổ chức thập tự chinh chuyên tìm cách xây dựng nền dân chủ ở bất cứ nơi nào có thể. Dù mục tiêu này có hấp dẫn đến mức nào về mặt lý thuyết, thì 30 năm qua đã cho chúng ta thấy rằng không thành viên nào của liên minh biết cách hiện thực hóa mục tiêu một cách hiệu quả. Xuất khẩu dân chủ là việc cực kỳ khó thực hiện và thường sẽ thất bại, đặc biệt là khi những kẻ ngoại bang cố gắng áp đặt nó bằng vũ lực. Chưa kể, nếu xét đến tình trạng dân chủ lộn xộn ở một số nước thành viên NATO hiện tại, việc coi mô hình này là lý do tồn tại của tổ chức nghe thật viển vông.
Mô hình 3 là người em họ hàng gần của Mô hình 2, nhưng thay vì đưa quan hệ xuyên Đại Tây Dương xoay quanh dân chủ và các giá trị tự do khác, nó tìm cách lôi kéo Châu Âu vào nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ, nhằm kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy. Trên thực tế, nó tìm cách hợp nhất các đối tác đa phương ở Châu Âu của Mỹ với các thỏa thuận song phương đã tồn tại ở Châu Á, và tận dụng tiềm năng sức mạnh của Châu Âu để chống lại đối thủ ngang hàng duy nhất mà Mỹ có thể phải đối mặt trong nhiều năm tới.
Thoạt nhìn, đây là một mô hình hấp dẫn, và người ta có thể viện dẫn thỏa thuận AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia là một biểu hiện ban đầu của nó. Như Michael Mazarr của Tập đoàn Rand đã quan sát gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Châu Âu không còn coi Trung Quốc đơn giản là một thị trường béo bở và một đối tác đầu tư có giá trị, và đang bắt đầu "cân bằng mềm" chống lại nước này. Đứng trên quan điểm riêng của Mỹ, việc có thêm tiềm lực kinh tế và quân sự của Châu Âu để cùng chống lại kẻ thách thức chính sẽ là điều cực kỳ hấp dẫn.
Nhưng mô hình này có hai vấn đề rõ ràng. Thứ nhất, các quốc gia không chỉ cân bằng chống lại quyền lực mà còn chống lại các mối đe dọa, và địa lý đóng một vai trò quan trọng trong các đánh giá đó. Trung Quốc có thể ngày càng hùng mạnh và tham vọng, nhưng quân đội của họ sẽ không hành quân xuyên qua Châu Á và tấn công Châu Âu, đồng thời hải quân của họ sẽ không đi vòng quanh thế giới và phong tỏa các cảng Châu Âu. Nga yếu hơn nhiều so với Trung Quốc nhưng lại gần hơn rất nhiều, và lối hành xử gần đây của họ là rất đáng lo ngại, ngay cả khi các hành động của họ đã vô tình bộc lộ những hạn chế về quân sự. Do đó, chỉ nên mong đợi sự cân bằng mềm nhẹ nhàng từ Châu Âu, chứ không phải là một nỗ lực nghiêm túc để chống lại Trung Quốc.
Các thành viên Châu Âu của NATO không có khả năng quân sự để ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo bất kỳ cách nào đáng kể, và họ khó mà đạt được khả năng đó trong tương lai gần. Cuộc chiến ở Ukraine có thể khiến các quốc gia Châu Âu nghiêm túc hơn trong việc xây dựng lại lực lượng quân sự của mình, nhưng phần lớn nỗ lực của họ là để đạt được các khả năng tấn công và giám sát trên bộ, trên không, được thiết kế để chống lại và ngăn chặn Nga. Điều đó có thể hiểu được từ góc nhìn của Châu Âu, nhưng hầu hết các lực lượng này sẽ không can dự vào bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến Trung Quốc. Điều một vài tàu khu trục nhỏ của Đức đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể là một cách tốt để báo hiệu sự quan tâm của Đức đối với môi trường an ninh đang thay đổi trong khu vực, nhưng nó không đủ để làm thay đổi cân bằng quyền lực trong khu vực hoặc tạo ra nhiều khác biệt trong tính toán của Trung Quốc.
Dĩ nhiên, Châu Âu có thể giúp cân bằng Trung Quốc theo những cách khác – chẳng hạn như đào tạo lực lượng quân sự nước ngoài, bán vũ khí, tham gia các diễn đàn an ninh khu vực, … – và Mỹ nên hoan nghênh những nỗ lực đó. Nhưng không nên tin tưởng rằng Châu Âu sẽ đảm nhiệm phần lớn trọng trách cân bằng khó khăn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cố gắng triển khai mô hình này là công thức dẫn đến thất vọng và gia tăng mâu thuẫn giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Mô hình 4 : Phân công lao động kiểu mới
Đây là mô hình mà tôi cho là phù hợp. Như tôi đã lập luận trước đây (và lần gần nhất là trên tạp chí Foreign Policy ), mô hình tương lai tối ưu cho quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương là một sự phân công lao động mới, trong đó Châu Âu chịu trách nhiệm chính cho an ninh của mình và Mỹ dành sự quan tâm lớn hơn nhiều cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ sẽ vẫn là một thành viên chính thức của NATO, nhưng thay vì là nhân viên ứng phó khẩn cấp, nước này sẽ trở thành phương án cuối cùng của Châu lục. Nghĩa là Mỹ sẽ chỉ quay trở lại Châu Âu khi cân bằng quyền lực trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngoài ra không còn trường hợp nào khác.
Mô hình này sẽ không thể triển khai trong một sớm một chiều và cần được đàm phán trên tinh thần hợp tác, với việc Mỹ giúp các đối tác Châu Âu thiết kế và phát triển những khả năng mà họ cần. Bởi vì nhiều nước trong liên minh sẽ làm mọi cách để thuyết phục Chú Sam ở lại, Washington cần phải nói rõ rằng, từ giờ trở đi, đây là mô hình duy nhất mà họ ủng hộ. Trừ khi và cho đến khi các thành viên Châu Âu của NATO thực sự tin rằng mình sẽ phải tự lực cánh sinh, họ sẽ không thực sự quyết tâm thực hiện các cải tổ cần thiết, và sẽ lại tiếp tục lần lữa không thực hiện các cam kết của mình.
Khác với Donald Trump, người với những lời lẽ hung hăng suốt thời gian làm Tổng thống Mỹ đã khiến các đồng minh khó chịu chẳng vì lý do gì, người kế nhiệm Joe Biden đang ở một vị trí lý tưởng để bắt đầu quá trình này. Ông nổi tiếng là một người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa Đại Tây Dương, vì vậy việc thúc đẩy sự phân công lao động mới sẽ không bị coi là một dấu hiệu của sự bất bình hay giận dữ. Ông và đội ngũ của mình sở hữu một lợi thế để nói với các đối tác Châu Âu rằng bước đi này là vì lợi ích lâu dài của mọi người. Xin lưu ý, tôi không thực sự mong đợi chính quyền Biden sẽ thực hiện bước đi này — vì những lý do mà tôi đã giải thích trong một bài viết khác — nhưng họ nên làm như vậy.
Stephen M. Walt
Nguyên tác : "Which NATO Do We Need ?", Foreign Policy, 14/09/2022
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 05/10/2022
Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của tạp chí Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.
Trọng Thành, RFI, 30/06/2022
Cuộc thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp tại Madrid, Tây Ban Nha, khép lại hôm 30/06/2022, sau ba ngày hội nghị. Lần đầu tiên một "tài liệu chiến lược" của Liên minh quân sự NATO, được thông qua coi Trung Quốc là một "thách thức" đối với "các lợi ích" và "an ninh" của khối.
Tổng thư Ký NATO Jens Stoltenberg phô trương tài liệu về những cam kết mới của khối này tại thượng đỉnh Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/06/2022. AP - Paul White
Khối NATO cũng đặc biệt lên án "quan hệ đối tác chiến lược" giữa Trung Quốc và Nga đang được tăng cường, "các nỗ lực chung của Moskva cùng Bắc Kinh trong việc làm sói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật pháp". Theo giới quan sát, thượng đỉnh NATO tại Madrid có ý nghĩa "lịch sử". Ngoài thay đổi nói trên, thượng đỉnh này cũng mở ra cánh cửa cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối. Hỗ trợ Ukraine về quân sự và tài chính cũng là một trọng tâm của hội nghị.
Đặc phái viên Romain Lemaresquier tường trình từ Madrid :
Cuộc thượng đỉnh này đã thực hiện được tất cả các hứa hẹn. Chấm dứt các bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia muốn gia nhập NATO. Một thỏa thuận giữa ba nước đã được ký kết, và kể từ giờ, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã từ bỏ quyền phủ quyết đối với việc kết nạp hai thành viên mới. Chiến tranh tại Ukraine, sợi chỉ đỏ thực sự của thượng đỉnh này, cũng đã được đề cập đến nhiều trong suốt thời gian hội nghị.
NATO cam kết cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính và quân sự hơn cho Kiev. 30 quốc gia thành viên đã thông qua cương lĩnh chiến lược mới, xác định các mục tiêu chính trị và quân sự trong những năm tới. Trong tài liệu này, Nga được khẳng định là mối đe dọa lớn nhất đối với các quốc gia thành viên, và đây là lần đầu tiên Trung Quốc được dẫn ra trong văn bản về chiến lược của NATO. Một bước ngoặt thực sự trong tiến trình hoạt động của Liên minh NATO.
Sáng nay 30 quốc gia thành viên NATO đã họp phiên cuối cùng. Nội dung cuộc họp liên quan chủ yếu đến thông cáo chung của thượng đỉnh. Thượng đỉnh sẽ phải khép lại với cuộc họp báo của tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, người Na Uy. Nguyên thủ các nước cũng sẽ phát biểu trong cuộc họp báo trước khi rời khỏi Madrid vào buổi chiều, khép lại cuộc thượng đỉnh, chắc chắn sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử.
Trọng Nghĩa, RFI, 29/06/2022
Tại thượng đỉnh NATO 2022 trong hai ngày 29-30/06/2022, các lãnh đạo 30 nước trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ thông qua bản "khái niệm chiến lược" mới đầu tiên trong một thập kỷ, nêu bật mối đe dọa ngày càng tăng đến từ Nga và Trung Quốc. Thế nhưng, nếu hầu như tất cả các thành viên đều nhất trí trên cách đối phó với Nga, thì đối sách chống Trung Quốc vẫn gây chia rẽ trong nội bộ NATO.
Lãnh đạo các nước dự thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha, chụp hình lưu niệm, ngày 29/06/2022. Reuters - Pool
Đối với giới quan sát, không phải là ngẫu nhiên mà một tài liệu chiến lược của NATO lần đầu tiên nêu đích danh Trung Quốc như là một đối tượng cần quan tâm. Lý do đến từ xu hướng của Bắc Kinh xích lại gần Moskva nhiều hơn sau khi Nga khởi động cuộc chiến xâm lược Ukraine và việc Trung Quốc ngày càng sử dụng sức mạnh địa chính trị và sức ép kinh tế để lấn lướt ở nước ngoài.
Vấn đề là khi đi vào chi tiết, các thành viên NATO đang bất đồng với nhau trên hai điểm nổi bật : cách mô tả quốc gia hiện có quân đội lớn nhất thế giới và mối quan hệ của nước đó với Nga.
Theo hãng tin Anh Reuters, một số nhà ngoại giao tại hội nghị NATO đã tiết lộ rằng hai nước Anh và Mỹ đã thúc đẩy việc dùng lời lẽ mạnh mẽ hơn để phản ánh những gì được hai nước này coi là tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và những mối lo ngại ngày càng nhiều về việc Bắc Kinh có thể tấn công Đài Loan.
Anh Quốc gần đây đã chính thức mô tả Nga là "mối đe dọa nghiêm trọng và trực tiếp (acute, direct threat)" và Trung Quốc là "thách thức chiến lược (strategic challenge)".
Còn báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc trước Quốc hội Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "đáp ứng được thách thức về tốc độ mà quân đội ngày càng có năng lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tham vọng toàn cầu của nước này đặt ra."
Trái với hai nước trên, Pháp và Đức lại muốn NATO sử dụng một ngôn từ chừng mực hơn khi đề cập đến Trung Quốc.
Theo một nhà ngoại giao, một thỏa hiệp đang được đàm phán, theo đó Trung Quốc dù vẫn bị coi là một "thách thức hệ thống", nhưng vẫn được NATO gượng nhẹ với ý muốn "sẵn sàng làm việc trên các lĩnh vực có lợi ích chung" với Bắc Kinh.
Theo Reuters, vấn đề đánh giá quan hệ Trung-Nga cũng gây bất đồng và các nhà đàm phán cũng đang điều chỉnh cách mô tả mối quan hệ này.
Theo một nhà ngoại giao, Cộng hòa Czech và Hungary là hai thành viên phản đối mạnh mẽ việc sử dụng thuật ngữ "hội tụ chiến lược" để định nghĩa quan hệ Trung-Nga hiện nay.
Hoa Kỳ, nước đứng đầu NATO, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa Trung Quốc vào khái niệm chiến lược được cập nhật của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Chính vì lý do đó mà 4 nước Châu Á-Thái Bình Dương là Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Mục đích là để báo hiệu rằng NATO không hề "rời mắt khỏi Trung Quốc" ngay cả vào lúc toàn khối đang tập trung vào việc tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.
Một quan chức Châu Âu đồng ý : "NATO không thể phớt lờ Trung Quốc… Châu Âu đã nhận thức ra điều này hơi muộn, nhưng rõ ràng đã phải thay đổi cái nhìn sau những gì diễn ra ở Hồng Kông".
Một quan chức Nhà Trắng hôm 26/06 cho biết ông tin rằng tài liệu này sẽ bao gồm ngôn từ "mạnh mẽ" đối với Trung Quốc, nhưng xác nhận rằng đàm phán giữa các phái đoàn vẫn đang tiếp tục để hoàn thành bản khái niệm chiến lược kịp lúc mở ra thượng đỉnh Madrid.
Trọng Nghĩa
***********************
Thu Hằng, RFI, 29/06/2022
Tổ chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương - NATO chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự ngày 29/06/2022 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ phủ quyết. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, trong một cuộc họp hôm 28/06 bên lề thượng đỉnh Madrid, ba nước đã ký một biên bản ghi nhớ giải tỏa "những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề xuất khẩu vũ khí và chống khủng bố"
Lễ ký biên bản ghi nhớ Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO ngày 28/06/2022, bên lề thượng đỉnh Madrid, Tây Ban Nha. AP - Bernat Armangue
Thông tín viên RFI Anne Andlauer tại Istanbul giải thích :
"Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được những gì mình muốn". Tất cả các cơ quan truyền thông thân chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đều nói như vậy khi thông báo quyết định của Ankara không còn chống việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
Thực vậy, trên giấy tờ, tổng thống Recep Tayyip Erdogan dường như nhận được tất cả những gì ông yêu cầu : Stockholm và Helsinki cam kết ngăn chặn hoạt động của PKK (Đảng Những người lao động Kurdistan) tại Thụy Điển và Phần Lan, đồng thời không ủng hộ việc lực lượng vũ trang Kurdistan YPG mở rộng hoạt động sang lãnh thổ Syria. Hai nước Bắc Âu cũng hứa xử lý "nhanh chóng" những đề nghị dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Ankara.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có thể trình bày thỏa thuận nói trên như là một chiến thắng của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như là chiến thắng của chính bản thân ông đối với công luận Thổ Nhĩ Kỳ, vì ông đã từng để truyền thông đưa tin rầm rộ về việc ông phản đối hai nước Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
Giờ còn phải xem liệu sự thay đổi thái độ này có kéo dài không. Ba nước đã thông báo thành lập một "cơ chế thường trực" để theo dõi việc thực hiện những cam kết trên. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết là nước này vẫn có thể ngăn cản việc gia nhập của hai nước Bắc Âu, nếu Ankara thấy rằng những yêu cầu của họ cuối cùng lại không được thỏa mãn".
Theo thông cáo của tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, bản ghi nhớ được ngoại trưởng ba nước ký trước ống kính truyền hình. Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson coi đây là "một bước tiến quan trọng". Nhiều nước thành viên NATO đã nhanh chóng hoanh nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Anh Boris Johnson đánh giá việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan sẽ giúp NATO trở nên "hùng mạnh hơn và vững chắc hơn". Trên mạng Twitter, tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh ba nước đã có "một bước quyết định cho việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan", đồng thời đây cũng là "cách tuyệt vời để khởi động thượng đỉnh".
Theo AFP, quyết định chính thức kết nạp hai nước Bắc Âu còn phải được Nghị Viện của 30 nước thành viên NATO phê chuẩn. Như vậy, con đường sẽ còn dài.
Thu Hằng
**********************
Trần Công, RFI, 29/06/2022
Hôm 27/06/2022, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã lên đường đến Madrid, Tây Ban Nha để dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Trong chuyến đi lần này, ba nước Mỹ - Nhật - Hàn cũng sẽ họp với nhau lần đầu tiên sau gần 5 năm.
Quốc vương Tây Ban Nha Felipe chụp hình lưu niệm với các lãnh đạo tham dự thượng đỉnh khối NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 28/06/2022. Reuters – Jonathan Ernst
Nhân lời mời của NATO, tổng thống Yoon Suk-yeol đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông tại Madrid, Tây Ban Nha. Ông sẽ có bài phát biểu trước các đồng minh NATO. Thông điệp mà tổng thống Hàn Quốc gửi tới NATO là "tự do và hòa bình chỉ được đảm bảo bằng sự đoàn kết trong cộng đồng quốc tế". Dự kiến NATO cũng sẽ đánh giá cao các quyết định của Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và yêu cầu các đồng minh ủng hộ và hợp tác để "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".
Trong chuyến đi lần này, 3 nước Mỹ - Hàn - Nhật cũng sẽ có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên sau gần 5 năm. Việc tăng cường hợp tác về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, an ninh khu vực và phát triển kinh tế của ba nước dự kiến nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp.
Vấn đề cũng được quan tâm là liệu hội nghị thượng đỉnh song phương giữa Hàn Quốc và một loạt quốc gia phát triển như Nhật Bản, Úc, và New Zealand có được tổ chức hay không. Các quốc gia này cũng được NATO mời dự thượng đỉnh Madrid với tư cách là đối tác Châu Á - Thái Bình Dương.
Tổng thống Yoon Suk-yeol và phu nhân cũng đã dự buổi dạ tiệc do nhà vua Tây Ban Nha khoản đãi. Sau đó, ông sẽ có một loạt hoạt động ngoại giao kinh tế với Châu Âu và đàm phán song phương với các nước Hà Lan, Ba Lan và Đan Mạch.
Sau khi phóng thành công tên lửa Nuri, Hàn Quốc đã chính thức bước vào nhóm 7 cường quốc vũ trụ của thế giới. Vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế sẽ được nâng cao hơn và chắc chắn chuyến đi lần này của ông Yoon Suk-yeol sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Hàn Quốc cả về an ninh, kinh tế và ngoại giao.
Trần Công
Minh Anh, RFI, 16/05/2022
Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraine khiến các nước Bắc Âu, vốn chủ trương trung lập và không liên kết, lo sợ. Phần Lan thông báo đệ đơn xin gia nhập khối NATO – Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương. Một tiến trình tương tự cũng đang được đảng cầm quyền tại Thụy Điển ủng hộ và nhắm tới thực hiện. Phải chăng đây là một bước ngoặt chiến lược thật sự cho NATO ?
Thụy Điển, Phần Lan trước ngưỡng cửa NATO. Reuters - Dado Ruvic
Một hồi chuông báo tử cho chiến lược tự chủ quốc phòng của Châu Âu ? Hay một hồi kết vĩnh viễn cho quan hệ Nga – phương Tây ?
Ngần ấy câu hỏi đang được một số nhà quan sát độc lập đặt ra. Chủ nhật, 15/05/2022, hai nước Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển lần lượt thông báo ý định gia nhập Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Với những quyết định này, Helsinski xem như chấm dứt thế trung lập duy trì từ hơn nửa thế kỷ nay – một điều kiện cho việc ký kết hiệp ước hòa bình với Moskva, chấm dứt cuộc chiến với Liên Xô.
Về phía Stockholm, việc đảng cầm quyền Xã Hội – Dân Chủ, quyết định bật đèn xanh cho việc đệ đơn xin gia nhập, cũng đặt dấu chấm hết cho chính sách "không liên kết" - kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại của Thụy Điển từ hơn 200 năm qua.
Đang trong giai đoạn căng thẳng với Nga vì cuộc chiến tại Ukraine, những quyết định trên được cho là mang tính lịch sử, một bước ngoặt chiến lược của khối NATO. Từ chỉ có 12 nước thành viên lúc ban đầu (1949), NATO nay đã là một liên minh quân sự lớn nhất hành tinh có đến 30 nước tham gia, nhân danh chính sách "mở rộng cửa" được quy định trong điều khoản số 10.
Nếu như Thụy Điển và Phần Lan được kết nạp, với sự hậu thuẫn của Na Uy (một trong số 12 nước sáng lập ban đầu), biên giới của NATO với Nga mở rộng thêm 1.000 km về phía bắc. Liên minh quân sự này có thể tổ chức tập trận và thiết lập các cơ sở quân sự ngay sát biên giới với Nga. Và nhất là vùng biển Baltic có nguy cơ biến thành "ao nhà" của NATO, cô lập hơn nữa cảng biển Saint-Petersbourg và vùng lãnh thổ lọt thỏm Kaliningrad của Nga. Báo Pháp Le Figaro nhắc lại, việc mở rộng NATO luôn là chiếc gai trong quan hệ NATO – Nga.
Nhưng ông Anatol Lieven thuộc Quincy Institute for Responsible Statecraft, đặt câu hỏi : Thụy Điển và Phần Lan có nhất thiết phải gia nhập khối NATO, vốn dĩ đều là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, và đều được hưởng một hình thức bảo vệ chung cho dù không mạnh mẽ bằng điều khoản số 5 của NATO ?
Một lần nữa, nhà nghiên cứu về Nga và Châu Âu, nhắc lại, trước những màn trình diễn tồi tệ của quân đội Nga hiện nay ở Ukraine, chưa có gì cho thấy là Nga đe dọa đến NATO và hai nước Bắc Âu. Ngay cả trong thời Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô luôn tuân thủ nghiêm túc các điều khoản trong hiệp ước với Phần Lan. Và cũng giống như Ukraine, cuộc chiến anh dũng của người dân Phần Lan đã thuyết phục Nga hiểu rằng Moskva khó thể đè bẹp được Helsinski.
Thế nên, đối với ông Anatol Lieven, Thụy Điển xin vào NATO chỉ vì những lợi thế an ninh, muốn hưởng lợi chiếc ô quân sự của Mỹ mà không phải đóng góp gì nhiều, nhưng đồng thời vẫn tự do chỉ trích chính sách chủ nghĩa đế quốc và kỳ thị sắc tộc của Mỹ.
Còn với Phần Lan, nhà nghiên cứu người Anh lấy làm tiếc rằng Helsinksi đang từ bỏ vai trò cầu nối Đông – Tây, nhà trung gian giữa Nga và phương Tây. Ông Louis Clerc, trường đại học Turku ở Phần Lan, trên đài RFI không quên nhắc lại rằng "cuộc gặp thượng đỉnh giữa Vladimir Putin và Donald Trump từng được diễn ra ở Helsinki, Phần Lan – một nước hiểu rõ Nga và trung gian giữa Nga và thế giới".
Cuối cùng, từ những phân tích trên Anatol Lieven rút ra hai kết luận : Thứ nhất, sự việc cho thấy Châu Âu một lần nữa chối bỏ trách nhiệm và không muốn từ bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ. Chính sách của Hoa Kỳ và NATO đối với Nga trên thực tế là một "trò chơi có tổng bằng không" và Châu Âu ngoan ngoãn đi theo. Quan hệ tốt đẹp với Nga khó thể tái lập bất kể chế độ nào lên cầm quyền. Thứ hai là việc đẩy Nga ra khỏi các cấu trúc Châu Âu sẽ làm cho Moskva, về lâu dài, sẽ lệ thuộc chiến lược vào Trung Quốc và đưa siêu cường Châu Á này tiến gần hơn nữa đến biên giới phía đông của Châu Âu.
Minh Anh
*********************
Minh Anh, RFI, 16/05/2022
Theo chân Phần Lan, đến lượt Thụy Điển tiến thêm một bước mới. Đảng Xã Hội – Dân Chủ cầm quyền ở Thụy Điển hôm 15/05/2022, thông báo ủng hộ xin ứng cử gia nhập NATO – Khối Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tại cuộc họp báo ở trụ sở đảng Dân Chủ Xã Hội về quyết định gia nhập NATO, tại Stockhom, Thụy Điển, 15/05/2022 via Reuters - TT News Agency
AFP nhận định, điều đó có nghĩa là kể từ giờ không gì có thể ngăn cản Thụy Điển tham gia Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, cuộc tham vấn nội bộ đảng cầm quyền cho thấy có những chia rẽ, nhiều tiếng nói chỉ trích lên án một quyết định quá vội vã, nhằm đi theo lịch trình của Phần Lan.
Với sự thay đổi đường hướng đối ngoại này của đảng cầm quyền, Nghị Viện giờ đã có một đa số rõ nét hậu thuẫn cho tiến trình xin gia nhập. Các đảng cánh hữu và cực hữu từ lâu ủng hộ Thụy Điển tham gia vào khối quân sự này với điều kiện quy trình phải được tiến hành cùng Phần Lan.
Thông tín viên đài RFI, Frédéric Faux, đánh giá, đây thật sự là một bước ngoặt lịch sử, do việc từ hơn hai thế kỷ nay, vương quốc Thụy Điển luôn theo đuổi một chính sách "phi liên kết".
"Thông báo được đưa ra vào Chủ nhật, cuối buổi chiều, trong một buổi họp báo do nữ thủ tướng Thụy Điển chủ trì. Bà Magdalena Andersson tuyên bố : "Chúng tôi, đảng Xã Hội – Dân Chủ, nghĩ rằng điều tốt nhất cho Thụy Điển và an ninh của người dân Thụy Điển chính là chúng ta phải gia nhập NATO. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ rời xa một chính sách an ninh mà chúng ta đã ít nhiều theo đuổi từ hơn 200 năm qua".
Thụy Điển từ bỏ chính sách không liên kết, kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại kể từ khi thống chế Bernadotte lên ngôi vua của vương quốc Thụy Điển. Đương nhiên, đảng Xã Hội – Dân Chủ cầm quyền đã đề nghị không nên có căn cứ quân sự thường trực của NATO trên lãnh thổ quốc gia, hay vũ khí hạt nhân, nhưng quả thực đây là một sự sang trang cho đảng này và cho cả đất nước nữa, vốn dĩ từ lâu luôn ngờ vực về một liên minh quân sự do Mỹ thống trị.
Nhưng chiến tranh ở Ukraine đã thay đổi tất cả, và tiến trình tương tự cũng được thực hiện tại Phần Lan. Chủ nhật, nước này đã trình bày một dự án xin gia nhập, còn phải được bỏ phiếu thông qua ngay ngày thứ Hai này. Phần Lan và Thụy Điển muốn phối hợp hành động, và đây chính là những gì họ muốn thể hiện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước mà tổng thống Phần Lan sẽ tiến hành trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư (18/5) tại Thụy Điển".
Minh Anh
Tổng thống Pháp đã chọn được thủ tướng mới cho nhiệm kỳ thứ 2, bà Elisabeth Borne, nguyên là bộ trưởng Lao Động của chính phủ trước. Thông tin rơi xuống chiều 16/05 đã chiếm trang nhất tất cả các tờ báo Pháp ra hôm nay, trừ nhật báo Le Monde lên trang sớm từ trưa hôm trước.
Các máy bay tiêm kích Mỹ ở miền bắc Thụy Điển trong các cuộc tập trận của NATO hồi tháng 05/2015. AP - Susanne Lindholm
Trang bìa các báo in phủ kín hình ảnh của bà Elisabeth Borne cùng với những dòng tựa lớn ghi nhận những đánh giá ban đầu. Các báo đều dành rất nhiều trang bài để phân tích về tính cách, năng lực và xu hướng lãnh đạo cùng những thách thức sắp tới cho tân thủ tướng Pháp dưới nhiệm kỳ 2 của tổng thống Emmanuel Macron. Cũng như sau bất kỳ cuộc bầu cử tổng thống nào, danh tính của người lãnh đạo chính phủ mới luôn được dư luận Pháp mong chờ, nhất là lần này, tổng thống Macron dường như phải cân nhắc rất lâu để chọn được một người thực thi các chính sách và quyết định của mình, trong bối cảnh chính trị - xã hội mới của nước Pháp có rất nhiều thách thức, khó khăn.
Nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn : "Macron chọn Elisabeth Borne, một nhân vật cải cách "kỹ trị" xuất thân từ cánh tả". Tờ báo tập trung phản ánh hậu trường của quyết định, cho thấy tổng thống Pháp đã phải chịu nhiều áp lực trong việc chọn bà Elisabeth Borne liên quan đên nhiều khía cạnh tính cách con người cũng như năng lực. Bởi vì bà sẽ là người thực thi các ưu tiên chính sách của tổng thống và nhiều cải cách gai góc sắp tới đây. Quyết định cuối cùng đã gây nhiều tranh cãi trong giới cố vấn thân cận của tổng thống.
Báo La Croix nhận định : "Elisabeth Borne, sự lựa chọn hiệu quả". Theo tờ báo : "Emmanuel Macron đã bổ nhiệm vào phủ thủ tướng (Matignon) người phụ nữ nắm rất rõ các thách thức về vấn đề môi trường, đồng thời cũng rất nổi tiếng về năng lực làm việc và nghiêm khắc".
Nhật báo kinh tế Les Echos thì ghi nhận trên trang bìa : "Người phụ nữ của những thách thức". Tờ báo cho rằng "với bà Borne, ông Macron đã chọn năng lực và sự ổn định" vì bà đã từng là bộ trưởng của nhiều bộ trong nhiệm kỳ trước của ông và đã quá quen thuộc với các cải cách gai góc nhất. Theo Les Echos, bà Elisabeth Borne hội đủ các tiêu chí mà tổng thống đặt ra, nhất là bà rất thạo hồ sơ chuyển đổi năng lượng, môi trường sinh thái.
Trong khi đó, Libération hoài nghi, cho rằng việc bổ nhiệm bà Elisabeth Borne thay thế ông Jean Castex chẳng có gì thay đổi, "ông Emmanuel Macron chọn sự tiếp nối chính sách khi chỉ định một người từng là bộ trưởng các bộ Giao thông, Môi trường rồi đến bộ Lao động". Tờ báo cũng liệt kê những hồ sơ nóng đang ở trên bàn của bà tân thủ tướng Elisabeth Borne : Sức mua, môi trường, cải cách hưu trí.
Bản thân việc bà Elisabeth Borne, 61 tuổi, một người đã từng kinh qua các chức vụ quan trọng trong chính phủ của nhiều thời tổng thống, cả tả lẫn hữu, trở thành thủ tướng và đặc biệt bà là nữ thủ tướng thứ 2 trong nền Đệ ngũ Cộng Hòa Pháp, đã là một sự kiện của chính trị Pháp.
Chuyển qua các trang quốc tế, sự kiện gây ồn ào dư luận báo chí Pháp nhất là hai nước Bắc Âu, Phần Lan và Thụy Điển, quyết định gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO.
Đây là hồ sơ chính của nhật báo Le Monde với tựa chính trang nhất "Phần Lan, Thụy Điển sẵn sàng tăng viện NATO". Tờ báo dành nhiều bài viết đề cập đến các nội dung : Đoạn tuyệt với chủ trương không liên kết về quân sự, Stockholm và Helsinki hôm Chủ nhật đã chính thức quyết định xin gia nhập khối NATO vì những lo ngại từ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine. Bước ngoặt này của hai nước khiến Moskva không khỏi tức giận. Kremlin coi đó là mối đe dọa và hứa sẽ có biện pháp trả đũa.
Về phần NATO, các thành viên tỏ ý muốn đẩy nhanh quy trình thủ tục để kết nạp hai nước, đồng thời tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng sẽ không chống lại việc hai nước gia nhập NATO.
Ở một khía cạnh khác, Le Monde cũng cho thấy việc hội nhập Liên Minh của hai nước cũng là một thách thức cho NATO. Một khi kết nạp Phần Lan, đường biên giới của NATO với Nga sẽ dài thêm gấp đôi, từ 1215 km lên 2555 km trong tương lai. Nhưng hai ứng viên xin gia nhập NATO cũng có những thế mạnh về quân sự. Đó là họ có ngân sách quốc phòng khá cao, được trang bị vũ khí khí tài hiện đại và là những nước có vị trí chiến lược trong vùng biển Baltic. Việc gia nhập NATO của hai nước phát triển ở Bắc Âu này không hề là gánh nặng mà còn là sự chi viện cho Liên minh.
Le Monde cho biết, như trường hợp của Phần Lan, dù đất nước có 5,5 triệu dân chỉ có 12 nghìn quân nhân chuyên nghiệp, nhưng lại có tới 870 nghìn quân dự bị và có thể huy động ngay lập tức 280 nghìn quân. Phần Lan có lực lượng hải và không quân hiện đại, chủ yếu trang bị vũ khí Mỹ. Phần Lan dành 1,9% GDP cho ngân sách quốc phòng hàng năm, khoảng 5,1 tỷ euro. Tháng Tư vừa qua, Helsinki thông báo tăng thêm 2,2 tỷ trong 4 năm tới. Về phần Thụy Điển, năm 2021, chi tiêu quân sự của nước này lên tới 6,6 tỷ euro, tức chiếm 1,26% GDP. Tháng trước, chính phủ Thụy Điển dự kiến tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP, tuy chưa cho biết vào khi nào.
Le Monde trích dẫn các chuyên gia quân sự đều nhận định với việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, NATO sẽ diện diện quân sự trên biển, trên không và trên bộ ở khắp vùng Baltic, điều này sẽ đặt ra vấn đề chiến lược lớn cho nước Nga.
Cùng chủ đề, báo La Croix có bài : "NATO, trọng tâm Châu Âu chuyển về phía đông" đề cập đến tác động đến Châu Âu trong việc mở rộng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đang diễn ra.
Theo La Croix, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, hệ quả trực tiếp của việc Nga xâm lược Ukraine, sẽ không làm thay đổi đáng kể cân bằng quân sự trong NATO, nhưng sẽ góp phần làm thay đổi bàn cờ địa chính trị Châu Âu. La Croix dẫn phân tích của chuyên gia Andrew A. Michta, thuộc Trung nghiên cứu an ninh Châu Âu : "Chiến tranh Ukraine sẽ tổ chức lại việc phân chia quyền lực ở Châu Âu. Trọng tâm sẽ dịch chuyển từ phía tây sang trung tâm của lục địa. Một Ukraine tự do, phồn thịnh, nối với Ba Lan, Romania, Phần Lan và các quốc gia vùng Baltic sẽ tạo ra trong không gian giữa Baltic và Biển Đen một sự ảnh hưởng kinh tế và chính trị chưa từng có. Cấu hình mới này sẽ làm thay đổi căn bản tương quan lực lượng tổng thể tại Châu Âu".
Một câu hỏi La Croix đặt ra là chiến tranh ở Ukraine và việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển có làm tăng thêm sức mạnh quốc phòng Châu Âu, vốn đang bị giằng co giữa tự chủ và sự bảo hộ của Mỹ ? Chuyên gia Jean-Yves Haine, giáo sư trường Khoa học Chính trị (Science Po) cho rằng : "Về ngắn hạn, chừng nào mối đe dọa Nga còn, phòng thủ của Liên Minh Bắc Đại tây Dương vẫn là ưu tiên. Việc này sẽ tăng cường sức mạnh của những nước ở sườn đông của NATO". Nhưng về cơ bản, tự chủ chiến lược Châu Âu sẽ không thay đổi, vẫn cần thiết cho Châu Âu để bảo vệ lợi ích của mình.
Về tình hình chiến sự tại Ukraine, các báo đều phản ánh tin, bước sang ngày thứ 81 của cuộc chiến tranh, ngày 16/05 vừa qua, Kiev thông báo đã đẩy lùi quân Nga ra khỏi vùng Kharkov, về bên kia biên giới nước Nga. Tuy nhiên, tình hình chiến sự tiếp diễn ác liệt ở vùng Donbass, nhất là tại các khu vực Lugansk và Donetsk, chưa thể phân định thắng thua cho bên nào.
Báo Le Monde có bài "Phát ngôn chiến thắng của Kiev vấp phải những hạn chế trên thực địa". Bài viết của Le Monde ghi nhận : "Ukraine bắt đầu mơ đến việc giải phóng toàn bộ lãnh thổ của mình, không chỉ những vùng đang bị chiếm đóng từ hôm 24/02 vừa rồi, mà cả vùng Donbass "ly khai" và cả bán đảo Crimea bị sáp nhập vào Nga hồi năm 2014".
Liên tiếp thất bại về chiến thuật, quân Nga bị cầm chân trên chiến trường Donbass từ một tháng rưỡi qua và đang làm dấy lên tâm lý và phát ngôn hân hoan chiến thắng ở Kiev.
Quả thực, theo tờ báo, viện trợ quân sự của phương Tây ùn ùn đổ cho Ukraine đang tạo điều kiện thuận lợi để làm đảo lộn tương quan lực lượng theo hướng có lợi cho quân đội Ukraine. Quân Ukraine từ thế phòng thủ chống đỡ đã dần chuyển sang thế tấn công. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự được tờ báo trích dẫn thì đến giờ vũ khí nước ngoài cung cấp cho Ukraine vẫn không đủ để đẩy lui quân Nga trong vùng Donbass và miền nam Ukraine.
Vẫn trong đề tài chiến sự Ukraine, Libération có bài "Nga trả giá đắt cho tổn thất chiến xa". Bài viết cho biết : Ngay đầu cuộc xâm lược, trong vòng 13 ngày Nga đã mất ở Ukraine số lượng chiến xa bằng tổng số tổn thất trong 8 năm Liên Xô tham chiến ở Afghanistan. Ngày 08/03, blog Oryx, dựa trên các hình ảnh thu thập, đã thống kê được 148 chiến xa Nga bị phá hủy tại Ukraine. Từ đó đến nay, các tổn thất về chiến xa không ngừng tăng, giờ đã lên tới con số 671 chiếc, chiếm gần 20% toàn bộ lực lượng thiết giáp của Nga trước chiến tranh (khoảng 3.400 chiến xa). Quân đội Ukraine còn đưa ra con số chiến xa Nga bị họ phá hủy lên tới 1.195 chiếc, tuy nhiên không thể kiểm chứng được số liệu này.
Anh Vũ
Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO là sự kiện nổi bật nhất trên báo chí Pháp hôm 16/05/2022.
Các binh sĩ Anh tham gia cuộc tập trận Swift Response 22 của NATO tại căn cứ Krivolak, Bắc Macedonia ngày 12/05/2022. Reuters – Ognen Teofilovski
Le Figaro nhận thấy sự phối hợp gần như tuyệt hảo giữa hai chính phủ Bắc Âu hôm Chủ nhật 15/05. Đề án được chính quyền Phần Lan trình bày ở Helsinki, tổng thống Sauli Niinisto tuyên bố là "ngày lịch sử", "mở ra một kỷ nguyên mới". Tuần trước, hướng về Moskva, ông nói : "Quý vị đã tạo ra việc này, hãy nhìn vào gương trước đã !". Vài giờ sau tại Stockholm, đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền loan báo ý định gia nhập NATO - trừ việc cho lập căn cứ quân sự và đặt vũ khí nguyên tử trên lãnh thổ. Theo nữ thủ tướng Madgalena Andersson, điều này sẽ bảo vệ tốt hơn an ninh của nhân dân Thụy Điển trước các hành động của Nga.
Đáng chú ý là sự nhanh chóng của các quyết định. Công luận đã quay sang ủng hộ đông đảo việc tham gia NATO (48% ở Thụy Điển và 76% tại Phần Lan). Helsinki đang có quan hệ hòa dịu với Nga, Stockholm từ hai thế kỷ qua không biết đến chiến tranh, thoát được hai trận đại chiến thế giới. Nhưng cuộc xâm lăng Ukraine và ý định lập lại trật tự an ninh của Putin đã làm thay đổi tất cả. Công chúng hai nước hiểu rằng cuộc khủng hoảng không chỉ liên quan đến Ukraine. Trước sự coi thường sinh mạng con người và độc lập của một nước nhỏ, Phần Lan đã ngả về phía NATO và Thụy Điển cũng đi theo. Hai nước Bắc Âu cũng nằm trong số những quốc gia đầu tiên gởi vũ khí cho chính quyền Volodymyr Zelensky.
NATO sắp thu nhận hai tân binh sáng giá, có thể nhanh chóng hội nhập và đóng góp vào việc bảo vệ khu vực chiến lược là vùng Baltic và Bắc Cực, với quân đội được hiện đại hóa. Le Figaro coi đây là một sự chuyển đổi chiến lược đối với NATO. Việc mở rộng Liên minh vẫn là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ với Nga. Năm 2008, Ukraine và Gruzia muốn gia nhập NATO nhưng Pháp và Đức phản đối vì không muốn "khiêu khích" Moskva.
Khá là ngược đời : Ukraine bị Nga tấn công thì phải đứng ngoài NATO, còn Phần Lan và Thụy Điển trước mắt chưa hề hấn gì, thì sắp sửa đặt chân vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Là thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU), hai nước Bắc Âu đã được bảo vệ, cho dù không mạnh bằng điều 5 của NATO. Nhưng tất cả những nước kẹt giữa NATO và Nga đều lo lắng.
Với sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển, chiều dài biên giới giữa NATO và Nga tăng gấp đôi, biển Baltic trở thành "ao nhà của NATO", cảng Saint Petersburg và Kaliningrad bị cô lập. Một quan niệm chiến lược mới sẽ được xem xét trong hội nghị thượng đỉnh tháng Sáu tới tại Madrid, vì văn bản cũ có từ năm 2010, vào thời điểm Nga có thể là đối tác tiềm năng. Bảo vệ lãnh thổ sẽ có tầm quan trọng hơn, trong khi từ cuối chiến tranh lạnh NATO tập trung cho các cuộc khủng hoảng quốc tế, từ Nam Tư cũ đến Afghanistan. Hoa Kỳ muốn nhắm vào cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, nhưng cuộc chiến tranh ở Châu Âu khiến Washington phải xem lại.
Phần Lan có đến 870.000 quân dự bị trong đó 280.000 người có thể huy động lập tức. Hải quân nước này quen hoạt động trong điều kiện thời tiết biển Baltic, không quân cũng rất mạnh, vừa đặt mua thêm 64 chiếc F-35. Về phía Thụy Điển có 50.000 quân nhân trong đó phân nửa là dự bị. Nhưng sức mạnh chính nằm ở kỹ nghệ vũ khí hiện đại với phi cơ tiêm kích JAS 39 Gripen tự sản xuất, năm tàu ngầm, nhiều chiến hạm và một hệ thống cảm biến thu thập được dữ liệu ở toàn bộ biển Baltic. Với 2.400 km bờ biển và một phần lãnh thổ ở Bắc Cực, Thụy Điển mang tầm vóc quan trọng về địa chính trị.
Trong khi chờ đợi được Quốc hội của 30 nước thành viên thông qua, Phần Lan và Thụy Điển liệu có thể bị Nga tấn công hay không ? Ngay từ tối thứ Sáu 13/05, Moskva đã ngưng cung cấp điện (chiếm 1/10 nhu cầu của Phần Lan) và đã từng đe dọa dùng biện pháp quân sự ngay cả trước thời điểm xâm lược Ukraine.
Chuyên gia Jakob Hallgren nhận định, Vladimir Putin có hẳn một "catalogue" biện pháp trả đũa, từ bóp méo thông tin đến tấn công tin học, nhưng quân sự thì khó thể xảy ra. Ông ta quá bận rộn ở Ukraine, và NATO sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Những rủi ro tiềm tàng sẽ được nêu ra khi tổng thống Phần Lan công du cấp nhà nước ở Thụy Điển thứ Tư tới.
Trong khi đó, tin vui từ hai nước Bắc Âu mà các ngoại trưởng NATO đón nhận trong cuộc họp không chính thức cuối tuần qua tại Berlin, đã bị một thành viên ưa gây lộn xộn nhất là Thổ Nhĩ Kỳ phá ngang : Ankara dọa phủ quyết. Ý thức được cơ hội lịch sử - toàn bộ Bắc Âu nằm trong NATO - ngoại trưởng Luxembourg tuyên bố "Không nước nào trong số 30 thành viên có thể ngăn cản", còn thủ lãnh phe Dân chủ Thiên Chúa giáo ở Nghị Viện Châu Âu chỉ trích thẳng thừng "sự tự cô lập" của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara biện minh "không muốn đóng cửa NATO", nhưng chỉ trích Helsinki và Stockholm ủng hộ đảng PKK của người Kurdistan, đồng thời đòi hỏi một số thành viên như Canada bỏ cấm vận vũ khí xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bài xã luận "Mở rộng NATO : Vĩnh biệt Phần Lan hóa", Le Figaro nhận thấy Vladimir Putin đi từ thất bại này đến thất bại khác kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine. Sau 80 ngày chiến tranh, Putin không đạt được bất cứ mục tiêu nào của cuộc chiến : lật đổ chế độ Kiev, vô hiệu hóa quân đội Ukraine (mà ông ta gọi là "phi phát-xít hóa"). Thay vào đó, ông chủ điện Kremlin đã làm hại chính năng lực răn đe của mình, khi bộc lộ một quân đội Nga bệ rạc trước sự kháng cự anh dũng của Ukraine vốn sử dụng cách đánh vượt trội hơn từ NATO.
Sau khi lần lượt rút quân khỏi Kiev và Kharkov, Moskva lại lãnh chịu một thất bại chiến lược. Putin gây chiến để "rửa nhục" trước phương Tây và tránh NATO hiện diện sát bên ở Ukraine, nhưng sắp tới ngay bên cạnh Nga sẽ là Phần Lan và Thụy Điển !
Emmanuel Macron từng nói NATO "chết não", Putin nghĩ rằng sẽ hạ gục hẳn Liên minh qua cuộc chiến với Ukraine. "Sa hoàng" cảm thấy được khuyến khích trước sự do dự của Obama ở Syria và Mỹ rút khỏi Afghanistan. Nhưng thay vì giết được NATO, Putin đã chôn vùi khái niệm "Phần Lan hóa", có thời gian được cho là Ukraine nên đi theo. Gấu Nga tham lam đã làm hồi sinh và giúp NATO mở rộng gấp đôi đường biên giới với Nga. Thêm 1.340 km phải bảo vệ, trong khi Saint-Petersburg chỉ cách tầm đạn đối phương 150 km, và NATO có thể khống chế biển Baltic.
Muốn lập ra lằn ranh ngăn chặn dân chủ lan đến thế giới độc tài của mình, nhưng kết quả là cuộc chiến tranh này trở thành cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây. Giờ đây Âu-Mỹ sẵn sàng ủng hộ Ukraine "cho tới khi chiến thắng". Điều này là hiện thực cho dù phải nỗ lực lâu dài. Khi đó, ai có thể từ chối việc Kiev gia nhập NATO ? Tuy nhiên Le Figaro cho rằng cũng nên cảnh giác với nút bấm nguyên tử, khi con gấu bị dồn vào chân tường.
Le Monde cũng nhận thấy khi đưa quân sang xâm lăng Ukraine "Vladimir Putin làm NATO mạnh lên", gây phản ứng trái ngược với mong muốn của mình : hai nước Bắc Âu chính thức muốn xin gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Từ lâu vẫn do dự, hai quốc gia trung lập đã có quyết định lịch sử khi thấy hệ thống quyền lực Nga tập trung trong tay một con người duy nhất, trong khi thời Liên Xô cũ còn có tập thể Bộ Chính trị. Đề nghị này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ - trừ Thổ Nhĩ Kỳ - nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi về quân sự và chính trị mà tình trạng khẩn cấp hiện nay ở Ukraine đang che khuất. NATO sẽ phải xem lại việc phòng vệ ở đường biên giới rất dài Phần Lan-Nga, và cách bố trí lực lượng ở biển Baltic, vai trò của dải đất Kaliningrad thuộc Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania (Litva).
Là một liên minh phòng vệ như hiến chương của tổ chức này đã quy định, nhưng Putin coi việc mở rộng NATO là mối đe dọa, nhất là năng lực quân sự đáng kể của hai ứng cử viên mới. Tuy nhiên ông ta chỉ có thể tự trách chính mình. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Mỹ Joe Biden đã hết sức cố gắng để tránh thảm kịch, nhưng Putin vẫn quyết xâm lược nước láng giềng. Vladimir Putin nay là đối tượng hàng đầu mà liên minh phương Tây muốn làm yếu đi, tự ông ta đã siết lại gọng kềm quanh mình.
Les Echos nhìn cuộc chiến tranh ở Ukraine theo góc độ "Cuộc ly dị cảm xúc trên thế giới".Nếu ở Châu Âu, Anh quốc cảm thấy gần gũi nhất với Ukraine, có thể vì những hình ảnh trong métro Kiev nhắc lại métro Luân Đôn trong Đệ nhị Thế chiến. Trong ký ức tập thể của người Anh, sự kháng cự của Ukraine trước kẻ thù mạnh hơn đưa họ quay lại 80 năm về trước, với vinh quang xưa cũ.
Trên thực địa, Le Monde ghi nhận "Kharkov, thất bại mới của quân đội Nga". Lực lượng Ukraine đang phản công xung quanh thành phố lớn thứ nhì của đất nước, và quân Nga đang trong tư thế bại trận, mỗi ngày càng bị đẩy lùi về biên giới.
Các pháo thủ Ukraine khi nói chuyện với phóng viên tờ báo Pháp khẳng định sẽ tiến đến tận Crimea. Tuy hiện chưa phải là mục tiêu, nhưng điều này cho thấy tinh thần binh sĩ đang lên cao và quyết tâm chiến thắng quân xâm lược. Cuộc phản công được lặng lẽ tung ra trong tháng Tư, đã tăng tốc trong mười ngày qua, khoảng 20 làng đã được giải phóng. Trong khi biên giới Nga gần nhất chỉ cách Belgorod của Nga 35 km, các đơn vị Nga bị truy đuổi đến 20 km ở hướng bắc và 40 km ở phía đông. Kharkov sau hơn hai tháng dưới bão lửa, nay không còn bị pháo binh Nga đe dọa. Về mặt quân sự, bị đuổi khỏi Kharkov là một thất bại còn cay đắng hơn thất trận ở Kiev.
Cũng theo Le Monde, "Trung Quốc rút ra những bài học đầu tiên từ những khó khăn của Nga ở Ukraine", xem xét lại chiến lược đối với Đài Loan. Các chuyên gia quân sự Bắc Kinh hiện vẫn giữ im lặng. Nhật báo của quân đội, Đại học Quốc phòng hay Viện hàn lâm Khoa học Xã hội không đưa ra phân tích chính thức nào, do chính sách nhập nhằng của Tập Cận Bình trước đối tác Vladimir Putin. Nhưng theo chuyên gia Mathieu Duchâtel của Viện Montagne, Trung Quốc đang quan sát kỹ lưỡng những diễn biến ở Ukraine. "Trước thất bại toàn diện của việc tấn công ồ ạt với sự hỗ trợ của 1.500 hỏa tiễn nhằm giành cho được chiến thắng trong vòng ba ngày, chắc chắn Bắc Kinh phải xem lại kịch bản tương tự đối với Đài Loan để vô hiệu hóa bộ máy quốc phòng, buộc đối thủ phải đầu hàng lập tức trước khi Hoa Kỳ can thiệp".
Thất bại của Moskva cũng gây ngạc nhiên cho Bắc Kinh như với phương Tây. Theo nhà phân tích David Finkelstein, không phải Vladimir Putin - kẻ tấn công, mà là tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky đã thực hành rất tốt chiến lược "ba cuộc chiến tranh" của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đó là chiến tranh dư luận, chiến tranh cân não và chiến tranh pháp lý. Quân đội Trung Quốc nhất định phải chú ý đến các báo cáo về tinh thần suy sụp của quân Nga, thông tin liên lạc vô kỷ luật và các cáo buộc tội ác chiến tranh. Ông Duchâtel nhấn mạnh, Bắc Kinh cũng phải đặt câu hỏi về quyết tâm của người dân Đài Loan trong việc tổ chức du kích chiến lâu dài dọc theo duyên hải phía tây nếu quân Trung Quốc đổ bộ.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Phoenix News hôm 10/05 nhưng đã nhanh chóng bị kiểm duyệt, cựu đại sứ Trung Quốc ở Ukraine là Cao Ngọc Sinh (Gao Yusheng) công khai nói về sự "suy tàn" của Nga từ sau chiến tranh lạnh. Theo ông Cao, "Sức mạnh kinh tế tài chánh của quân đội Nga không tương xứng với siêu cường quân sự, không thể theo đuổi một cuộc chiến tranh công nghệ cao tốn kém hàng trăm triệu đô la mỗi ngày".Hơn nữa"Chiến tranh hiện đại phải là chiến tranh phức hợp gồm quân sự, kinh tế, chính trị, ngoại giao, công luận, tuyên truyền, tình báo và thông tin. Nga không chỉ thụ động trên chiến trường, mà còn thất bại trên các phương diện khác. Việc Nga bị đánh bại chỉ còn là vấn đề thời gian".
Hiệu lực của các hỏa tiễn vác vai phòng không và chống tăng (Stinger và Javelin) được Mỹ cung cấp cho Ukraine cũng làm Bắc Kinh lo lắng, vì đã gây thiệt hại nặng nề, bắn hạ các chiến đấu cơ Su-30 và Su-35 Nga, mà Trung Quốc cũng sử dụng. Một bài học khác là từ vụ soái hạm Moskva bị đánh đắm, Bắc Kinh sẽ phải củng cố lại các phương tiện như radar, thiết bị đánh lạc hướng... trong trường hợp tấn công Đài Loan.
Bao trùm lên tất cả, thất bại của Nga khiến Trung Quốc nhận ra tầm quan trọng của việc chỉ huy và nắm vững thông tin, khi những chỉ dẫn rất cụ thể của tình báo phương Tây mang lại ưu thế quyết định cho Kiev trên chiến trường.
Thụy My