Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/05/2022

Điểm báo Pháp - NATO mở rộng thêm với Phần Lan và Thụy Điển

RFI tiếng Việt

NATO mở rộng : Vĩnh biệt giải pháp "Phần Lan hóa" cho Ukraine

Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO là sự kiện nổi bật nhất trên báo chí Pháp hôm 16/05/2022.

finland1

Các binh sĩ Anh tham gia cuộc tập trận Swift Response 22 của NATO tại căn cứ Krivolak, Bắc Macedonia ngày 12/05/2022.  Reuters – Ognen Teofilovski

Le Figaro nhận thấy sự phối hợp gần như tuyệt hảo giữa hai chính phủ Bắc Âu hôm Chủ nhật 15/05. Đề án được chính quyền Phần Lan trình bày ở Helsinki, tổng thống Sauli Niinisto tuyên bố là "ngày lịch sử", "mở ra một kỷ nguyên mới". Tuần trước, hướng về Moskva, ông nói : "Quý vị đã tạo ra việc này, hãy nhìn vào gương trước đã !". Vài giờ sau tại Stockholm, đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền loan báo ý định gia nhập NATO - trừ việc cho lập căn cứ quân sự và đặt vũ khí nguyên tử trên lãnh thổ. Theo nữ thủ tướng Madgalena Andersson, điều này sẽ bảo vệ tốt hơn an ninh của nhân dân Thụy Điển trước các hành động của Nga.

Đáng chú ý là sự nhanh chóng của các quyết định. Công luận đã quay sang ủng hộ đông đảo việc tham gia NATO (48% ở Thụy Điển và 76% tại Phần Lan). Helsinki đang có quan hệ hòa dịu với Nga, Stockholm từ hai thế kỷ qua không biết đến chiến tranh, thoát được hai trận đại chiến thế giới. Nhưng cuộc xâm lăng Ukraine và ý định lập lại trật tự an ninh của Putin đã làm thay đổi tất cả. Công chúng hai nước hiểu rằng cuộc khủng hoảng không chỉ liên quan đến Ukraine. Trước sự coi thường sinh mạng con người và độc lập của một nước nhỏ, Phần Lan đã ngả về phía NATO và Thụy Điển cũng đi theo. Hai nước Bắc Âu cũng nằm trong số những quốc gia đầu tiên gởi vũ khí cho chính quyền Volodymyr Zelensky.

Nghịch lý : Ukraine, nạn nhân bị Nga xâm lược vẫn phải đứng ngoài NATO

NATO sắp thu nhận hai tân binh sáng giá, có thể nhanh chóng hội nhập và đóng góp vào việc bảo vệ khu vực chiến lược là vùng Baltic và Bắc Cực, với quân đội được hiện đại hóa. Le Figaro coi đây là một sự chuyển đổi chiến lược đối với NATO. Việc mở rộng Liên minh vẫn là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ với Nga. Năm 2008, Ukraine và Gruzia muốn gia nhập NATO nhưng Pháp và Đức phản đối vì không muốn "khiêu khích" Moskva.

Khá là ngược đời : Ukraine bị Nga tấn công thì phải đứng ngoài NATO, còn Phần Lan và Thụy Điển trước mắt chưa hề hấn gì, thì sắp sửa đặt chân vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Là thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU), hai nước Bắc Âu đã được bảo vệ, cho dù không mạnh bằng điều 5 của NATO. Nhưng tất cả những nước kẹt giữa NATO và Nga đều lo lắng.

Với sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển, chiều dài biên giới giữa NATO và Nga tăng gấp đôi, biển Baltic trở thành "ao nhà của NATO", cảng Saint Petersburg và Kaliningrad bị cô lập. Một quan niệm chiến lược mới sẽ được xem xét trong hội nghị thượng đỉnh tháng Sáu tới tại Madrid, vì văn bản cũ có từ năm 2010, vào thời điểm Nga có thể là đối tác tiềm năng. Bảo vệ lãnh thổ sẽ có tầm quan trọng hơn, trong khi từ cuối chiến tranh lạnh NATO tập trung cho các cuộc khủng hoảng quốc tế, từ Nam Tư cũ đến Afghanistan. Hoa Kỳ muốn nhắm vào cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, nhưng cuộc chiến tranh ở Châu Âu khiến Washington phải xem lại.

Phần Lan có đến 870.000 quân dự bị trong đó 280.000 người có thể huy động lập tức. Hải quân nước này quen hoạt động trong điều kiện thời tiết biển Baltic, không quân cũng rất mạnh, vừa đặt mua thêm 64 chiếc F-35. Về phía Thụy Điển có 50.000 quân nhân trong đó phân nửa là dự bị. Nhưng sức mạnh chính nằm ở kỹ nghệ vũ khí hiện đại với phi cơ tiêm kích JAS 39 Gripen tự sản xuất, năm tàu ngầm, nhiều chiến hạm và một hệ thống cảm biến thu thập được dữ liệu ở toàn bộ biển Baltic. Với 2.400 km bờ biển và một phần lãnh thổ ở Bắc Cực, Thụy Điển mang tầm vóc quan trọng về địa chính trị.

Moskva sẽ trả đũa ra sao ?

Trong khi chờ đợi được Quốc hội của 30 nước thành viên thông qua, Phần Lan và Thụy Điển liệu có thể bị Nga tấn công hay không ? Ngay từ tối thứ Sáu 13/05, Moskva đã ngưng cung cấp điện (chiếm 1/10 nhu cầu của Phần Lan) và đã từng đe dọa dùng biện pháp quân sự ngay cả trước thời điểm xâm lược Ukraine.

Chuyên gia Jakob Hallgren nhận định, Vladimir Putin có hẳn một "catalogue" biện pháp trả đũa, từ bóp méo thông tin đến tấn công tin học, nhưng quân sự thì khó thể xảy ra. Ông ta quá bận rộn ở Ukraine, và NATO sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Những rủi ro tiềm tàng sẽ được nêu ra khi tổng thống Phần Lan công du cấp nhà nước ở Thụy Điển thứ Tư tới.

Trong khi đó, tin vui từ hai nước Bắc Âu mà các ngoại trưởng NATO đón nhận trong cuộc họp không chính thức cuối tuần qua tại Berlin, đã bị một thành viên ưa gây lộn xộn nhất là Thổ Nhĩ Kỳ phá ngang : Ankara dọa phủ quyết. Ý thức được cơ hội lịch sử - toàn bộ Bắc Âu nằm trong NATO - ngoại trưởng Luxembourg tuyên bố "Không nước nào trong số 30 thành viên có thể ngăn cản", còn thủ lãnh phe Dân chủ Thiên Chúa giáo ở Nghị Viện Châu Âu chỉ trích thẳng thừng "sự tự cô lập" của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara biện minh "không muốn đóng cửa NATO", nhưng chỉ trích Helsinki và Stockholm ủng hộ đảng PKK của người Kurdistan, đồng thời đòi hỏi một số thành viên như Canada bỏ cấm vận vũ khí xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Helsinki hướng về NATO : Vĩnh biệt phương án "Phần Lan hóa" cho Ukraine

Trong bài xã luận "Mở rộng NATO : Vĩnh biệt Phần Lan hóa", Le Figaro nhận thấy Vladimir Putin đi từ thất bại này đến thất bại khác kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine. Sau 80 ngày chiến tranh, Putin không đạt được bất cứ mục tiêu nào của cuộc chiến : lật đổ chế độ Kiev, vô hiệu hóa quân đội Ukraine (mà ông ta gọi là "phi phát-xít hóa"). Thay vào đó, ông chủ điện Kremlin đã làm hại chính năng lực răn đe của mình, khi bộc lộ một quân đội Nga bệ rạc trước sự kháng cự anh dũng của Ukraine vốn sử dụng cách đánh vượt trội hơn từ NATO.

Sau khi lần lượt rút quân khỏi Kiev và Kharkov, Moskva lại lãnh chịu một thất bại chiến lược. Putin gây chiến để "rửa nhục" trước phương Tây và tránh NATO hiện diện sát bên ở Ukraine, nhưng sắp tới ngay bên cạnh Nga sẽ là Phần Lan và Thụy Điển !

Emmanuel Macron từng nói NATO "chết não", Putin nghĩ rằng sẽ hạ gục hẳn Liên minh qua cuộc chiến với Ukraine. "Sa hoàng" cảm thấy được khuyến khích trước sự do dự của Obama ở Syria và Mỹ rút khỏi Afghanistan. Nhưng thay vì giết được NATO, Putin đã chôn vùi khái niệm "Phần Lan hóa", có thời gian được cho là Ukraine nên đi theo. Gấu Nga tham lam đã làm hồi sinh và giúp NATO mở rộng gấp đôi đường biên giới với Nga. Thêm 1.340 km phải bảo vệ, trong khi Saint-Petersburg chỉ cách tầm đạn đối phương 150 km, và NATO có thể khống chế biển Baltic.

Muốn lập ra lằn ranh ngăn chặn dân chủ lan đến thế giới độc tài của mình, nhưng kết quả là cuộc chiến tranh này trở thành cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây. Giờ đây Âu-Mỹ sẵn sàng ủng hộ Ukraine "cho tới khi chiến thắng". Điều này là hiện thực cho dù phải nỗ lực lâu dài. Khi đó, ai có thể từ chối việc Kiev gia nhập NATO ? Tuy nhiên Le Figaro cho rằng cũng nên cảnh giác với nút bấm nguyên tử, khi con gấu bị dồn vào chân tường.

Xâm lăng Ukraine, Putin giúp NATO phục hồi sinh khí

Le Monde cũng nhận thấy khi đưa quân sang xâm lăng Ukraine "Vladimir Putin làm NATO mạnh lên", gây phản ứng trái ngược với mong muốn của mình : hai nước Bắc Âu chính thức muốn xin gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Từ lâu vẫn do dự, hai quốc gia trung lập đã có quyết định lịch sử khi thấy hệ thống quyền lực Nga tập trung trong tay một con người duy nhất, trong khi thời Liên Xô cũ còn có tập thể Bộ Chính trị. Đề nghị này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ - trừ Thổ Nhĩ Kỳ - nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi về quân sự và chính trị mà tình trạng khẩn cấp hiện nay ở Ukraine đang che khuất. NATO sẽ phải xem lại việc phòng vệ ở đường biên giới rất dài Phần Lan-Nga, và cách bố trí lực lượng ở biển Baltic, vai trò của dải đất Kaliningrad thuộc Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania (Litva).

Là một liên minh phòng vệ như hiến chương của tổ chức này đã quy định, nhưng Putin coi việc mở rộng NATO là mối đe dọa, nhất là năng lực quân sự đáng kể của hai ứng cử viên mới. Tuy nhiên ông ta chỉ có thể tự trách chính mình. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Mỹ Joe Biden đã hết sức cố gắng để tránh thảm kịch, nhưng Putin vẫn quyết xâm lược nước láng giềng. Vladimir Putin nay là đối tượng hàng đầu mà liên minh phương Tây muốn làm yếu đi, tự ông ta đã siết lại gọng kềm quanh mình.

Les Echos nhìn cuộc chiến tranh ở Ukraine theo góc độ "Cuộc ly dị cảm xúc trên thế giới".Nếu ở Châu Âu, Anh quốc cảm thấy gần gũi nhất với Ukraine, có thể vì những hình ảnh trong métro Kiev nhắc lại métro Luân Đôn trong Đệ nhị Thế chiến. Trong ký ức tập thể của người Anh, sự kháng cự của Ukraine trước kẻ thù mạnh hơn đưa họ quay lại 80 năm về trước, với vinh quang xưa cũ.

Kharkov : Thất bại cay đắng hơn cả trận Kiev đối với Nga

Trên thực địa, Le Monde ghi nhận "Kharkov, thất bại mới của quân đội Nga". Lực lượng Ukraine đang phản công xung quanh thành phố lớn thứ nhì của đất nước, và quân Nga đang trong tư thế bại trận, mỗi ngày càng bị đẩy lùi về biên giới.

Các pháo thủ Ukraine khi nói chuyện với phóng viên tờ báo Pháp khẳng định sẽ tiến đến tận Crimea. Tuy hiện chưa phải là mục tiêu, nhưng điều này cho thấy tinh thần binh sĩ đang lên cao và quyết tâm chiến thắng quân xâm lược. Cuộc phản công được lặng lẽ tung ra trong tháng Tư, đã tăng tốc trong mười ngày qua, khoảng 20 làng đã được giải phóng. Trong khi biên giới Nga gần nhất chỉ cách Belgorod của Nga 35 km, các đơn vị Nga bị truy đuổi đến 20 km ở hướng bắc và 40 km ở phía đông. Kharkov sau hơn hai tháng dưới bão lửa, nay không còn bị pháo binh Nga đe dọa. Về mặt quân sự, bị đuổi khỏi Kharkov là một thất bại còn cay đắng hơn thất trận ở Kiev.

Cựu đại sứ Trung Quốc : Việc Nga bị đánh bại chỉ là vấn đề thời gian

Cũng theo Le Monde, "Trung Quốc rút ra những bài học đầu tiên từ những khó khăn của Nga ở Ukraine", xem xét lại chiến lược đối với Đài Loan. Các chuyên gia quân sự Bắc Kinh hiện vẫn giữ im lặng. Nhật báo của quân đội, Đại học Quốc phòng hay Viện hàn lâm Khoa học Xã hội không đưa ra phân tích chính thức nào, do chính sách nhập nhằng của Tập Cận Bình trước đối tác Vladimir Putin. Nhưng theo chuyên gia Mathieu Duchâtel của Viện Montagne, Trung Quốc đang quan sát kỹ lưỡng những diễn biến ở Ukraine. "Trước thất bại toàn diện của việc tấn công ồ ạt với sự hỗ trợ của 1.500 hỏa tiễn nhằm giành cho được chiến thắng trong vòng ba ngày, chắc chắn Bắc Kinh phải xem lại kịch bản tương tự đối với Đài Loan để vô hiệu hóa bộ máy quốc phòng, buộc đối thủ phải đầu hàng lập tức trước khi Hoa Kỳ can thiệp".

Thất bại của Moskva cũng gây ngạc nhiên cho Bắc Kinh như với phương Tây. Theo nhà phân tích David Finkelstein, không phải Vladimir Putin - kẻ tấn công, mà là tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky đã thực hành rất tốt chiến lược "ba cuộc chiến tranh" của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đó là chiến tranh dư luận, chiến tranh cân não và chiến tranh pháp lý. Quân đội Trung Quốc nhất định phải chú ý đến các báo cáo về tinh thần suy sụp của quân Nga, thông tin liên lạc vô kỷ luật và các cáo buộc tội ác chiến tranh. Ông Duchâtel nhấn mạnh, Bắc Kinh cũng phải đặt câu hỏi về quyết tâm của người dân Đài Loan trong việc tổ chức du kích chiến lâu dài dọc theo duyên hải phía tây nếu quân Trung Quốc đổ bộ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Phoenix News hôm 10/05 nhưng đã nhanh chóng bị kiểm duyệt, cựu đại sứ Trung Quốc ở Ukraine là Cao Ngọc Sinh (Gao Yusheng) công khai nói về sự "suy tàn" của Nga từ sau chiến tranh lạnh. Theo ông Cao, "Sức mạnh kinh tế tài chánh của quân đội Nga không tương xứng với siêu cường quân sự, không thể theo đuổi một cuộc chiến tranh công nghệ cao tốn kém hàng trăm triệu đô la mỗi ngày".Hơn nữa"Chiến tranh hiện đại phải là chiến tranh phức hợp gồm quân sự, kinh tế, chính trị, ngoại giao, công luận, tuyên truyền, tình báo và thông tin. Nga không chỉ thụ động trên chiến trường, mà còn thất bại trên các phương diện khác. Việc Nga bị đánh bại chỉ còn là vấn đề thời gian".

Hiệu lực của các hỏa tiễn vác vai phòng không và chống tăng (Stinger và Javelin) được Mỹ cung cấp cho Ukraine cũng làm Bắc Kinh lo lắng, vì đã gây thiệt hại nặng nề, bắn hạ các chiến đấu cơ Su-30 và Su-35 Nga, mà Trung Quốc cũng sử dụng. Một bài học khác là từ vụ soái hạm Moskva bị đánh đắm, Bắc Kinh sẽ phải củng cố lại các phương tiện như radar, thiết bị đánh lạc hướng... trong trường hợp tấn công Đài Loan.

Bao trùm lên tất cả, thất bại của Nga khiến Trung Quốc nhận ra tầm quan trọng của việc chỉ huy và nắm vững thông tin, khi những chỉ dẫn rất cụ thể của tình báo phương Tây mang lại ưu thế quyết định cho Kiev trên chiến trường.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 331 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)