Mỹ giúp các đồng minh ở Châu Âu, cũng như Châu Á, không phải vì muốn làm việc từ thiện, mà để phòng trước các mối đe dọa lâu dài nếu Nga và Trung Quốc lấn áp được những nước láng giềng.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, và ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký khối NATO, tại Thượng Đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania.
Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đóng vai chẩn bệnh cho liên minh NATO, tuyên bố nó đang trong tình trạng "mort cérébrale," chờ chết vì bộ não ngừng hoạt động. Hôm thứ Ba vừa rồi trong cuộc họp ở Vilnius, thủ đô Lithuania, ông Macron báo tin Pháp sẽ gửi cho Ukraine các hỏa tiễn SCALP, có thể bắn xa 250 km – giống như hỏa tiễn Storm Shadow mà Anh Quốc đã tặng.
Quân đội Ukraine đang cần những hỏa tiễn tầm xa này để mở cuộc tổng phản công chiếm lại các vùng đất phía Đông bị Nga chiếm. Tại Vilnius, các nước khác cũng cho biết đang viện trợ những loại vũ khí mới. Nước Đức sẽ tặng thêm 25 "xe tăng" Leopard sau đợt đầu vào tháng Ba ; hai giàn phóng hỏa tiễn Patriot của Mỹ và 40 xe chiến đấu cho bộ binh. Đức đã đồng ý cho các nước khác gửi xe Leopard cho Ukraine. Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store tuyên bố sẽ tăng thêm 240 triệu USD, nâng ngân sách vũ khí viện trợ lên 960 triệu USD, trong tổng số 1,4 tỷ USD kể cả viện trợ nhân đạo. NATO không có dấu hiệu nào là đang "chết não" mà NATO còn cựa quậy mạnh hơn !
Cuộc tấn công của Vladimir Putin đã khiến khối NATO phải đoàn kết chặt chẽ. Không những thế NATO còn tiếp nhận các quốc gia hội viên mới, Phần Lan trong tháng Tư vừa qua và Thụy Điển được thâu nhận trong hội nghị Vilnius.
Minh ước Bắc Đại Tây Dương, chính thức viết tắt là NATO (tiếng Anh) và OTAN (tiếng Pháp), được thành lập trong thời Chiến Tranh Lạnh, với mục đích đề phòng một cuộc tấn công của Liên bang Xô Viết. Nga chưa bao giờ đánh, cho nên khối NATO cũng không bàn đến việc phối hợp về quân sự, trong ba phần tư thế kỷ. Gần 100 sư đoàn của các nước NATO thua xa lực lượng Khối Warszawa (Warsaw), gồm Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu.
Khi Liên Xô sụp đổ, Chiến Tranh Lạnh coi như đã qua, mọi người đều nghĩ vai trò của NATO sẽ chấm dứt. Chính phủ Mỹ có lúc, 5, 6 năm trước đây, đã tỏ ý muốn rút khỏi NATO, coi như cả liên minh quân sự này bị giải tán. Nhưng NATO vẫn tồn tại vì nhiều nước đua nhau xin gia nhập ; gồm các nước cộng sản cũ ở Đông Âu và vùng biển Baltic. Vì họ cần hỗ trợ để tự vệ trước một đế quốc Nga mới.
Năm 1997, Cộng hòa Czech mở cuộc trưng cầu dân ý có nên gia nhâp NATO hay không. Đa số dân ưng thuận dù bị Nga dọa nạt ; hai năm sau Czech chính thức vào NATO. Việc xin gia nhập NATO trở thành một kỳ thi tuyển cho những nước đã sống dưới chế độ cộng sản, muốn được vào Liên Hiệp Châu Âu (Liên Âu - EU) để hưởng những lợi ích kinh tế. Các nước NATO cứu xét đơn gia nhập, coi những nước đó đã có tự do dân chủ, tôn trọng pháp luật, và thiết lập kinh tế thị trường hay chưa. Trong năm 2004, thêm bảy quốc gia hội viên mới ; dần dần lên đến 30 nước ; năm nay thêm Phần Lan và Thụy Điển.
Hai nước hội viên mới vốn vẫn giữ vai trò trung lập trong suốt thế kỷ 20, nhất là Phần Lan, nằm bên cạnh nước Nga. Cuộc chiến tranh Ukraine khiến họ thay đổi thái độ, không biết bao giờ sẽ đến lượt mình bị Vladimir Putin nhòm ngó. Nhưng đơn xin gia nhập của hai nước đã bị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngăn cản.
Một lý do là ông Erdogan vẫn muốn tỏ ra không chống Nga, một nước lớn cùng ở bên bờ Hắc Hải. Ông còn muốn giữ một quân bài để trao đổi khi thương thuyết với Tây Âu và Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong NATO nhưng đã nạp đơn xin gia nhập EU, Liên Hiệp Châu Âu từ năm 1987, đến năm 1999 mới được cứu xét ; năm 2005 bắt đầu thương thuyết nhưng đến nay vẫn chưa xong. Thường các nước xin gia nhập EU phải chờ đợi mươi năm, Thổ Nhĩ Kỳ chờ 18 năm, lâu quá. Lý do chính là bị Hy Lạp phủ quyết. Hai nước chưa thỏa hiệp được với nhau về phân chia ảnh hưởng trên đảo Cyprus, cũng là một hội viên EU khác.
Bây giờ, ông Tayyip Erdogan vẫn chưa thuyết phục được Hy lạp và Cyprus, nhưng nhận được một món quà trao đổi khác. Tổng thống Joe Biden nói sẽ xin phép Quốc hội Mỹ để bán cho Thổ Nhĩ Kỳ các máy bay chiến đấu tối tân F-16. Ông Biden mở cánh cửa này sau khi ông Erdogan tỏ thái độ coi thường Vladimir Putin. Nga và Ukraine mới trao đổi tù binh, nhờ Thổ Nhĩ Kỳ đứng môi giới. Theo thỏa ước, Putin muốn các tù binh Ukraine quan trọng không được về nước mà phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Erdogan bất chấp, để cho Tổng thống Volodymyr Zelensky được qua đón những chiến sĩ trong Lữ đoàn Azov đã chiến đấu ở thành phố Mariupol cho đến ngày cuối cùng, đưa họ về Ukraine như những vị anh hùng. Erdogan biết Putin đã hết thời nên thân thiện với Mỹ hơn !
NATO có ích lợi gì mà Mỹ phải tốn bao nhiêu tiền, gửi quân đội và vũ khí qua bảo vệ Châu Âu ?
Mỹ giúp các đồng minh ở Châu Âu, cũng như Châu Á, không phải vì muốn làm việc từ thiện, mà để phòng trước các mối đe dọa lâu dài nếu Nga và Trung Quốc lấn áp được những nước láng giềng. NATO cũng bảo đảm các nước Châu Âu liên kết chặt chẽ với Mỹ hơn trên các lãnh vực kinh tế, thương mại, chính sách tài chánh hoặc quan thuế.
Thực ra chi phí quân sự của Mỹ ở Châu Âu chỉ bằng dưới 6 phần trăm ngân sách ngũ giác đài. Đổi lại, các nước NATO mua vũ khí do các công ty Mỹ sản xuất, trước khi Nga đánh Ukraine đã chiếm một nửa số chi tiêu của họ. Bây giờ các nước đó cần tăng ngân sách quốc phòng để tự vệ và giúp Ukraine hoặc Ba Lan, Romania. Họ đang mua thêm xe thiết giáp, chiến đấu cơ và những hệ thống vũ khí mới, với những hợp đồng lâu năm.
Tổng thống Macron cũng không còn thấy khối NATO sắp chết nữa. Trong hội nghị ở Lithuania ông nói hỗ trợ Ukraine là "gửi một thông điệp cho thấy khối NATO đoàn kết và quyết tâm không để cho Nga thắng, không thể nào thắng được". Trong lúc hội nghị NATO sắp khai mạc, Pháp gửi 10 chiến đấu cơ qua thao dượt cùng quân đội Mỹ ở vùng các quần đảo Thái Bình Dương, để bắn tin cho Trung Quốc.
Trung Quốc cũng không thể nào không chú ý đến những người khách từ các nước Châu Á và Thái Bình Dương đã đến thăm hội nghị ở Vilnius : Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ; Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ; Thủ tướng Anthony Albanese nước Australia và Chris Hipkins từ New Zealand. Ông Yoon Suk Yeol còn mời ba người kia họp riêng bên lề hội nghị NATO để bàn việc hợp tác trước các vấn đề chung, trong đó có các mối lo về an ninh.
Trong thực tế, Anh Quốc đang gửi quân đội qua huấn luyện ở Nhật. Pháp gửi chiến hạm qua Biển Đông nước ta và eo biển Đài Loan, nơi chiến thuyền Canada cùng thao diễn với hải quân Mỹ. Bộ trưởng quốc phòng Đức Boris Pistorius mới báo trước, trong một hội nghị ở Singapore, rằng sang năm tới sẽ cho hai chiến hạm đến thăm vùng này.
Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký khối NATO, mới được tái nhiệm, xác nhận, "NATO không chỉ là một liên minh quân sự của Châu Âu và Mỹ, vì những thử thách trước mặt chúng ta nằm ở khắp toàn cầu".
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 18/07/2023