Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/07/2024

Điểm báo Pháp - NATO đứng trước hai hiểm họa

RFI tiếng Việt

NATO đứng trước hai hiểm họa : Putin và Trump

Les Echos ngày 17/07/2024 nhận định Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang đứng trước thách thức nhân đôi cả bên trong lẫn bên ngoài, đó là Vladimir Putin và cái bóng ngày càng lớn của Donald Trump.  

hiemhoa1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản ngày 28/06/2019. Reuters - Sputnik

Chính phủ Attal từ chức, trong khi chưa hình thành được liên minh đa số trong Quốc hội, cánh tả vẫn bất đồng về ứng viên cho chức thủ tướng. Tại Mỹ, người được Donald Trump chỉ định đứng liên danh là thượng nghị sĩ J. D. Vance gây lo ngại cho Châu Âu. Đó là những vấn đề thời sự được chú ý nhất hôm nay.

J.D. Vance và "giấc mơ Mỹ"

Tất cả các báo đều có bài viết về James David Vance, thượng nghị sĩ 39 tuổi của bang Ohio, người được Donald Trump chính thức giới thiệu tại đại hội đảng Cộng hòa ở Milwaukee và được coi là "bản sao" của Trump. Theo Le Figaro, cựu tổng thống không những có được người phụ tá trung thành, mà còn đưa vào chiến dịch tranh cử một thế hệ Cộng hòa mới. Vance có tính cách mạnh mẽ, là một trong những thượng nghị sĩ nổi bật và đầy tham vọng. Từng tham gia lực lượng thủy quân lục chiến ở Iraq, tốt nghiệp ngành luật đại học Yale danh giá, nhà văn có sách bán chạy, mà còn là biểu tượng thăng tiến của một thanh niên vươn lên từ nghèo khó.

Vance bắt đầu sự nghiệp bằng cuốn hồi ký xuất bản năm 30 tuổi, thuật lại thời thơ ấu trong một gia đình nghèo da trắng – thất nghiệp, phiếu thực phẩm, ly dị, ma túy, rượu… và rốt cuộc sống với ông bà. La Croix cho biết cuốn sách trở thành best-seller và được đạo diễn Ron Howard chuyển thể thành phim. Vào lúc đó, Vance đứng ngoài hiện tượng Donald Trump, gọi Trump là "Hitler của nước Mỹ". Theo Le Monde, J.D. Vance được sự giới thiệu của Donald Trump Jr., cựu nhà báo Fox News Tucker Carlson và cựu cố vấn Steve Bannon. Vợ ông, Usha Vance, là người gốc Ấn Độ, một chi tiết đáng lưu ý khi cả hai ứng cử viên đều là đàn ông và da trắng.

Cặp Trump-Vance : Mối lo cho Châu Âu và Ukraine

Le Figaro nhận định "Cặp Donald Trump-J.D. Vance đặt Châu Âu trước trách nhiệm". Ứng cử viên Cộng hòa đã chọn người đứng liên danh theo chủ nghĩa biệt lập, muốn chấm dứt viện trợ cho Ukraine và xoay trục sang Châu Á, gây bất lợi cho Châu Âu. Nếu cựu tổng thống hừng hực khí thế trả thù đã đè bẹp hình ảnh Joe Biden lẩm cẩm, thì ứng viên phó tướng của ông Trump cũng vượt hẳn phó tổng thống Kamala Harris mờ nhạt. Một Donald Trump khó đoán, có cảm tình với các nhà độc tài, ngờ vực NATO, Liên Hiệp Châu Âu và các định chế quốc tế, phản đối viện trợ cho Ukraine đã là cơn ác mộng cho các nhà lãnh đạo Châu Âu, nay lại có thêm một khuôn mặt cực đoan.

Trong nhiệm kỳ đầu, Donald Trump phải hòa thuận với giới tinh hoa chính trị, kìm hãm lại phần nào những hành động quá lố. Nhưng từ bốn năm qua Trump đã chuẩn bị một ê-kíp trung thành với ý tưởng của mình. "America first" của cặp Trump-Vance trước hết là tin xấu cho Kiev. Ông Vance đã nhiều lần nói rằng cần đàm phán, dù Ukraine có phải từ bỏ mục tiêu tái chiếm lãnh thổ. Theo ông, Hoa Kỳ không thể hỗ trợ vô hạn định một cuộc chiến ở tận Châu Âu. Tại hội nghị quốc tế Munich hồi đầu năm, Vance đã tránh gặp tổng thống Volodymyr Zelensky.

Ông cũng đóng vai trò chính trong việc chặn suốt sáu tháng số 60 tỉ đô la viện trợ cho Kiev. Đối với James David Vance, Hoa Kỳ không bị đe dọa bởi Nga hay các nhà độc tài nước ngoài, mà bởi di dân. Volodymyr Zelensky là người đầu tiên ý thức được tình thế, nên đã đề nghị một hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình mới, có sự tham dự của Nga. Vance còn chỉ trích các nước Châu Âu đã không dành 2% GDP cho quốc phòng. Việc đặt trọng tâm vào Châu Á có thể tăng lên với cặp Trump-Vance, mà theo ông Vance đó là "chính sách Mỹ trong bốn mươi năm tới". Các chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc, dẫn đến đối đầu. Nhưng đây cũng có thể là tin tốt lành nếu gáo nước lạnh từ Mỹ khiến Châu Âu tỉnh thức.

NATO tuổi 75 : Thù trong giặc ngoài

Trong bài "NATO 75 tuổi : Giữa Putin và Trump", Les Echos cho rằng Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang đứng trước thách thức nhân đôi cả bên trong lẫn bên ngoài, đó là Vladimir Putin và cái bóng ngày càng lớn của Donald Trump. Hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc tuần qua trong bối cảnh đặc biệt sốc với vụ Nga oanh tạc vào bệnh viện dành cho trẻ em bị ung thư ở Kiev, và kết thúc vào lúc Donald Trump bị mưu sát. Liệu NATO có thể tồn tại nếu ứng cử viên Cộng hòa tái đắc cử ? Sự ủng hộ dành cho Ukraine trong thời Joe Biden có tiếp tục ?

Điều nghịch lý là NATO sẽ hành động nhiều hơn, nhưng Mỹ ít can thiệp hơn vào các vấn đề quốc tế. Có thể nói là "tạo vật" lại khỏe khoắn hơn người tạo tác. Liên minh Bắc Đại Tây Dương không hề "chết não" - như Emmanuel Macron nói - khi Putin đưa quân sang xâm lăng Ukraine. NATO cần thiết hơn bao giờ hết. Những nước như Phần Lan và Thụy Điển, vượt qua truyền thống trung lập, đã tham gia NATO, biến biển Baltic thành hồ lớn Đại Tây Dương.

Ngoài việc mở rộng, 23/32 quốc gia thành viên nay chi ra ít nhất 2% GDP cho quốc phòng,  trong khi cách đây một thập niên chỉ có 3 nước chịu chi ở mức này. Vấn đề là bên cạnh mối đe dọa từ Nga - mà Tập Cận Bình có giúp sức - NATO sẽ ra sao trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu quốc gia chủ chốt của Liên minh ngưng viện trợ cho Kiev ?

Liệu Ukraine có bị cắt viện trợ, ép đàm phán ?

Hiện nay viện trợ phương Tây vốn dường như chỉ nhằm giúp cho Ukraine khỏi thất bại, tránh một chiến thắng của Nga. Còn mai đây sẽ ra sao ? Bên cạnh nguy cơ ông Trump đắc cử, Pháp (và có thể kể cả Đức) đang yếu đi trước phe dân túy đang lên. Tại Berlin cũng như Paris, các phe cực đoan chừng như đều tỏ ra "thông cảm" với Moskva ; và chức chủ tịch luân phiên hiện do Hungary của Viktor Orban vốn thân cận với Putin nắm giữ.

Trong bối cảnh đó, có thể chờ đợi gì ở NATO ? Một số vũ khí đã bắt đầu đến Ukraine, trong đó có F-16, giúp Kiev trụ được, nhưng không phải để giành lại những vùng đất đã bị quân Nga chiếm. Mọi việc diễn ra kiểu như một kịch bản đã được ngầm chấp nhận : chịu mất 20% lãnh thổ, Ukraine sẽ được hội nhập với phương Tây, trở nên thành viên của NATO và Liên Hiệp Châu Âu (EU). "Bạn bị mất đất nhưng tự do, chỉ cần ký hiệp ước ngưng bắn kéo dài theo kiểu Triều Tiên, không nhất thiết phải chính thức từ bỏ Crimea và Donbass".

Nhưng trong khi chờ đợi kịch bản này, Nga liên tục tấn công đẫm máu vào thường dân Ukraine, mà chẳng phải chịu hậu quả. Narendra Modi đã "ôm hôn thắm thiết" Vladimir Putin vào lúc hỏa tiễn Nga rơi xuống các bệnh viện Kiev. Theo Les Echos, trong cuộc đối đầu giữa dân chủ với toàn trị, NATO cần sự đoàn kết, tình liên đới và tính kiên quyết của tất cả thành viên, mà đứng đầu là Hoa Kỳ. Donald Trump sau vụ ám sát hụt càng mang vẻ "Siêu nhân", tương phản hẳn với Joe Biden. Đảng Dân chủ Mỹ, vì nước Mỹ cũng như vì thế giới, cần khẩn cấp chọn một ứng cử viên mới, có thể là Kamala Harris. Còn ai khác nữa, trong thời hạn ngắn ngủi như vậy ?

Chủ tịch Nghị Viện Châu Âu vẫn là người ủng hộ Kiev

Trong khi đó, bà Roberta Metsola tiếp tục làm chủ tịch Nghị Viện Châu Âu đến 2027. Nghị sĩ bảo thủ từ Malta được bầu lại với số phiếu kỷ lục 562/699, đè bẹp ứng cử viên cực tả chỉ có 61 phiếu. Les Echos cho rằng đây có thể là tin vui cho Ukraine : bà Metsola là nhà lãnh đạo Châu Âu đầu tiên đến Kiev ngay sau khi Ukraine bị xâm lăng và đến nay vẫn coi cuộc xâm lược của Putin là mối quan ngại lớn nhất cho châu lục. Le Monde nhận xét Metsola là người thực dụng, biết cách thỏa hiệp, luôn tươi cười, xứng đáng đại diện cho Nghị Viện Châu Âu. Dân biểu thuộc cánh Dân chủ-Thiên Chúa giáo trong Đảng Nhân dân Châu Âu (PPE) cũng là viên chức đầu tiên đến thăm Israel ngay sau vụ khủng bố của Hamas tháng 10/2023.

Những kẻ sát nhân từ chiến trường Ukraine trở về gây kinh hoàng cho dân Nga

Còn tại Nga, Libération có bài phóng sự cho biết những tội phạm từ mặt trận Ukraine trở về đang gieo rắc kinh hoàng cho xã hội Nga. Mục tin hình sự của trang Mediazona chuyên về pháp luật hầu như cách vài ngày đều có tin về những vụ hành hung, giết người mà thủ phạm là các tù nhân xung phong đi chiến đấu ở Ukraine, hết hạn trở về hoặc về phép. Một bé gái 4 tuổi, một người đàn ông là bạn của hung thủ, một phụ nữ… mới đây đã thiệt mạng vì những kẻ này.

Từ tháng 6/2022 đến tháng 1/2023 đã có gần 50.000 tên tội phạm gia nhập lực lượng lính đánh thuê Wagner của Yevgeny Prigozhin, tuy về mặt chính thức thì luật pháp cấm. Chiếc hộp Pandore đã mở ra. Sau cái chết của Prigozhin, Bộ Quốc phòng Nga tiếp quản số lính đánh thuê, đưa vào lực lượng "Storm Z". Olga Romanova, người sáng lập tổ chức phi chính phủ "Nước Nga sau song sắt" và BBC tiếng Nga ước tính trong tháng 4/2024, Bộ Quốc phòng Nga đã gởi gần 60.000 tù nhân ra mặt trận. Khác với thời Yevgeny Prigozhin, sau sáu tháng có thể trở về, nay hợp đồng là một năm và tự động gia hạn.

Rất nhiều trường hợp tù nhân tái phạm được nêu ra, chẳng hạn Ivan Rossomakhin, chỉ một tuần sau khi trở về đã sát hại một bà cụ 85 tuổi, khủng bố hàng xóm, ngày ngày xách búa lang thang trên đường trong tình trạng say xỉn. Olga Romanova nói, kẻ sát nhân có thể bị bắt khi xác nạn nhân vẫn còn nóng, nhưng không phải vào tù nếu hắn ta lại muốn ra trận. Những tên tội phạm này hoàn toàn thoát khỏi lưới pháp luật. Một trường hợp kinh hoàng nữa là thủ lãnh một giáo phái từng giết chết, phân xác, ăn thịt bốn trẻ vị thành niên, sau khi chiến đấu với Storm Z và bị thương, nay trở về nhà. Theo Romanova, hậu quả của mọi chuyện này là sự phá hủy mối liên hệ giữa tội ác và trừng phạt.

Vở kịch đáng buồn của cánh tả Pháp

Về thời sự nước Pháp, nhật báo thiên tả Libération bực tức viết trong bài xã luận, cánh tả đang diễn một vở kịch đáng buồn, khác xa với hy vọng khi về đầu trong cuộc bầu cử vòng hai. Từ nay ít nhất mọi chuyện cũng đã rõ ràng. Với những thông tin được các cán bộ nòng cốt của đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) gởi đi trong 24 giờ qua, phong trào cực tả này không hề có ý định hợp sức, và có lẽ còn chẳng muốn tham gia lãnh đạo. Ứng viên sáng giá cho chức thủ tướng Laurence Tubiana được phe xã hội, sinh thái và cộng sản đề nghị bị LFI bác bỏ một cách thô bạo. Đặc biệt là Sophia Chikirou, cố vấn thân cận của ông Jean-Luc Mélenchon còn cáo buộc nhà kinh tế kiêm ngoại giao này quá gần với François Hollande và Emmanuel Macron, thậm chí còn so sánh với "rệp giường".

Trước đó vào tối thứ Bảy, đảng xã hội đã bác ứng cử viên Huguette Bello được đảng cộng sản và cực tả đề nghị, rồi chủ tịch đảng là Olivier Faure chấp nhận rút lui để nhường cho Laurence Tubiana của xã hội dân sự, nhưng vẫn chưa đủ. Khi tiếp tục bác tất cả những cái tên không do họ đưa ra, cực tả chứng tỏ muốn bỏ qua giai đoạn này để tập trung cho việc tranh cử tổng thống của ông Mélenchon, bất chấp mong muốn của cử tri Mặt trận Bình dân Mới. Dù vậy cần phải tìm cho được một cái tên thủ tướng, và nếu cánh tả không đồng thuận được, sẽ mở ra một đại lộ cho Emmanuel Macron. Nguyên thủ Pháp trong lá thư gởi người dân tuần trước đã đề nghị xây dựng một liên minh mà phe của ông là trụ cột.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 208 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)