Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/07/2024

Viktor Orban, vua bắt chẹt "ngọng" khi làm Chủ tịch luân phiên Liên Âu

RFI tổng hợp

Thủ tướng Hungary Viktor Orban lần đầu tiên đến Ukraine

Thanh Phương, RFI, 02/07/2024

Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm nay, 02/07/2024, đến thăm Ukraine lần đầu tiên kể từ khi Nga mở ở cuộc chiến tranh xâm lược nước láng giềng. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữu hai nước do ông Orban có lập trường thân Moskva và vẫn chống lại việc yểm trợ Kiev chống quân Nga.

viktor1

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) trao đổi với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp thượng đỉnh Liên Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 27/06/2024. AFP – Olivier Hoslet

Chuyến đi Ukraine của thủ tướng Voktor Orban diễn ra chỉ một ngày sau khi Hungary đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu trong 6 tháng. Cho tới nay, thủ tướng Hungary vẫn có lập trường hoàn toàn khác biệt với các lãnh đạo khác của Liên Âu trên vấn đề Ukraine. Ông Orban thường xuyên ngăn chận viện trợ của Liên Âu cho Ukraine và không ngừng kêu gọi một cuộc ngừng bắn. Vào đầu năm nay, thủ tướng Hungary đã phủ quyết khoản viện trợ 50 tỷ euro cho Kiev. Khoản viện trợ này sau đó cũng đã được thông qua, nhưng với sự chậm trễ, khiến các lãnh đạo Ukraine rất bất bình.

Lãnh đạo chính phủ Hungary cũng kiên quyết chống lại việc thương lượng để tiếp nhận Ukraine vào Liên Hiệp Châu Âu, cho rằng nước này chưa sẵn sàng. Chỉ đến tháng 12 vừa qua, ông Orban mới chấp nhận tạm rời khỏi bàn hội nghị, đủ thời gian để 26 lãnh đạo còn lại của Liên Âu quyết định mở thương lượng về kết nạp Kiev vào khối này. 

Trong khi các nước phương Tây trừng phạt Nga vì cuộc chiến tranh Ukraine thì thủ tướng Orban vẫn thân với tổng thống Vladimir Putin và tăng cường quan hệ với Moskva. Ông cũng đã nhiều lần xem cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine chỉ là "chiến dịch quân sự đặt biệt" như cách gọi của điện Kremlin. Lãnh đạo chính phủ Hungary đã gặp tổng thống Putin ở Bắc Kinh vào tháng 10 năm ngoái để thảo luận về hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng. 

Trong khi đó quan hệ giữa ông Orban với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn rất lạnh nhạt. Trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, lãnh đạo Ukraine đã chỉ trích thủ tướng Orban thiếu yểm trợ Kiev.

Theo hãng tin AFP, các quan chức Ukraine cho biết từ nhiều tháng qua hai bên đã thảo luận về việc tổ chức cuộc gặp giữa hai ông Orban và Zelensky. 

Về tình hình chiến sự, Bộ Quốc phòng Nga hôm nay khẳng định đã phá hủy 5 chiến đấu cơ Su-27 tại một căn cứ không quân ở Ukraine. Hãng tin AFP cho biết họ chưa thể kiểm chứng thông tin nói trên và phía Ukraine cũng chưa có bình luận gì. Dầu sao, thông tin này gây quan ngại về khả năng của Kiev bảo vệ các sân bay trước khi không quân Ukraine tiếp nhận các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo. 

Thanh Phương

***************************

Hungary mở điều tra nhắm vào một tổ chức chống tham nhũng

Chi Phương, RFI, 02/07/2024

Trong một thông cáo đăng tải ngày 01/07/2024, tổ chức phi chính phủ Transparency International, hoạt động ở Hungary, lên án cuộc điều tra "vô căn cứ" của thủ tướng Viktor Orban nhắm vào tổ chức này. Với các hoạt động chuyên chống tham nhũng, tổ chức phi chính phủ này bị cáo buộc là "tác nhân nước ngoài".

viktor2

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, tại trụ sở Liên Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 27/06/2024. AP - Geert Vanden Wijngaert

Giám đốc của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế - Transparency International , ông François Valérian cho biết Hungary "là quốc gia tham nhũng nhất tại Liên Hiệp Châu Âu trong hai năm liên tiếp", theo những dữ liệu mà tổ chức này thu được. Tổ chức phi chính phủ, chuyên chống tham nhũng, khẳng định rằng, Văn phòng bảo vệ chủ quyền – SPO, do chính quyền của thủ tướng Viktor Orban lập ra, mở cuộc điều tra nhắm vào tổ chức này là hành động trả đũa. SP0 cáo buộc tổ chức này sử dụng nguồn tại trợ từ nước ngoài để tác động đến cử tri. Thông báo mở điều tra chính thức đã được đưa ra từ ngày 25/06 và tổ chức Minh Bạch Quốc Tế phải trả lời 62 câu hỏi của văn phòng này trong thời hạn 30 ngày.

Luật sư của Transparency International , ông Miklos Ligeti, trả lời RFI Pháp ngữ, khẳng định rằng "cuộc điều tra này không phải ngẫu nhiên, mà là một trong những chiến lược của chính phủ Hungary, nhằm gây khó dễ cho các tổ chức phi chính phủ, đe dọa trừng phạt hoặc khiến họ hiểu được rằng họ có nguy cơ nằm trong tầm ngắm, chỉ đơn giản là vì đã chỉ trích chính phủ về các kế hoạch chống tham nhũng và Nhà nước pháp quyền… Chúng tôi cho rằng cơ quan này không tuân thủ Hiến Pháp, vi phạm quyền được tự bảo vệ trong tư pháp và quyền được tự do phát ngôn. Do vậy, chúng tôi đã đệ đơn kiện lên Tòa Bảo Hiến để yêu cầu sửa đổi luật điều chỉnh hoạt động của cơ quan này".

Văn phòng bảo vệ chủ quyền được lập ra theo một luật được thông qua vào cuối năm 2023, cho phép thu thập thông tin về bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào được hưởng lợi từ nguồn tài trợ nước ngoài và gây ảnh hưởng đến cuộc tranh luận công khai.

Các tổ chức bị điều tra và bị gắn mác "tác nhân nước ngoài" không có cách nào để tự vệ một cách hợp pháp trước các quyết định của văn phòng này.

Trong bối cảnh Hungary đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu từ đầu tháng Bảy, tổ chức Transparency International kêu gọi các nước trong khối này "cảnh giác", ngăn chặn các hành động trái với luật pháp, lợi dụng chức chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu để tạo tác động có lợi cho chính quyền của thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Ngoài Transparency International, cơ quan truyền thông độc lập Atlatszo ở Hungary cũng đang bị điều tra.

Chi Phương

***************************

Hungary bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu 6 tháng cuối năm 2024

Thùy Dương, RFI, 01/07/2024

Trong bối cảnh quan hệ giữa Budapest và Bruxelles vẫn đang căng thẳng trong nhiều hồ sơ như Nhà nước pháp quyền, kiểm soát nhập cư, viện trợ Ukraine… chính quyền Hungary của thủ tướng Victor Orban hôm nay 01/07/2024 chính thức đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu.

viktor3

Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC), tại Budapest, Hungary, ngày 25/04/2024. AP - Szilard Koszticsak

Khẩu hiệu cho nhiệm kỳ 6 tháng cuối năm 2024 làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu của thủ tướng Hungary Victor Orban là "Make Europe Great Again" (Làm cho Châu Âu vĩ đại trở lại), gợi nhắc đến khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Donald Trump, người mà Orban rất hâm mộ.

Theo AFP, tại Budapest, chính phủ Hungary trấn an Liên Âu, khẳng định sẵn sàng đảm nhiệm "các nghĩa vụ và trách nhiệm" trong nhiệm kỳ chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu. Khi công bố chương trình hoạt động của Budapest trên cương vị chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, bộ trưởng Các vấn đề Châu Âu, Janos Boka, giữa tháng 06 vừa qua cho biết : "Chúng tôi sẽ hành động như một nhà hòa giải công bằng, tuyệt đối trung thành với toàn thể các nước thành viên" và sẽ đưa ra "tầm nhìn Châu Âu" của Budapest.

Tuy nhiên, do đường hướng phản dân chủ và những mối liên hệ thân thiết của Budapest với điện Kremlin bất chấp cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine… việc Hungary làm chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu gây ra sự bất an trong Nghị Viện Châu Âu và tại nhiều nước thành viên Liên Âu.

Về mặt nguyên tắc, theo Reuters, nước giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Âu sẽ ấn định chương trình nghị sự, điều hành tất cả các cuộc họp của khối 27 nước, trừ những cuộc họp liên quan chính sách đối ngoại và khu vực đồng euro, tìm kiếm đồng thuận của các nước thành viên Liên Âu và chủ trì đàm phán với Nghị Viện Châu Âu về các dự luật.

Thùy Dương

**************************

Thủ tướng Hungary, kẻ hay "bắt chẹt", giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu

Chi Phương, RFI, 01/07/2024

Cứ sáu tháng một lần, theo cơ chế của Liên Hiệp Châu Âu, một quốc gia thành viên sẽ nắm quyền lãnh đạo Hội Liên Hiệp Châu Âu, kiểm soát chương trình nghị sự của khối 27 nước. Sau khi Bỉ giữ vị trí này, hôm nay, 01/07/2024, đến lượt Hungary lên nắm quyền. Điều này có thể khiến nhiều lãnh đạo Châu Âu lo lắng vì lập trường bảo thủ, hoài nghi các giá trị Châu Âu, và những lần chọc gậy bánh xe vào khối của thủ tướng Hungary Victok Orban.

viktor4

Thủ tướng Hungary Viktor Orban bên lề hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 23/03/2023. © Olivier Matthys / AP

Được coi là viên đá cản đường trong Liên Hiệp Châu Âu (EU), thủ tướng Hungary Viktor Orban không chỉ "bắt chẹt", "phá hoại Châu Âu", như nhận định của báo Thụy Sĩ Le Temps mà còn là cái gai ở chân của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Từ nhiều năm qua, lãnh đạo Hungary đã nhiều lần cản trở các cuộc đàm phán, dùng quyền phủ quyết tại các hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Châu Âu, để ngăn chặn, trì hoãn các quyết định về nhập cư, hay về Ukraine, và có lập trường hòa giải với Nga.

Trả lời France 24, cố vấn của Viện nghiên cứu Jean-Jaurès, Ernst Stetter cho rằng "nhiệm kỳ chủ tịch của Hungary rất đáng lo ngại vì Orban thân thiết với Nga, nhưng cũng thân với ông Donald Trump, người có khả năng giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 sắp tới tại Hoa Kỳ". Điều đáng lo hơn nữa là ông Viktor Orban nắm giữ chiếc ghế chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu vào thời điểm mà phe cực hữu đang trỗi dẫy ở Lục Địa Già.

"6 tháng khiến Liên Hiệp Châu Âu hồi hộp lo lắng"

France 24 cho rằng về cả màu sắc lẫn nội dung, nhiệm kỳ thủ tướng Hungary được đánh dấu bằng hệ tư tưởng bảo thủ. Để mở ra nhiệm kỳ này, Viktor Orban chọn Nhà thờ lớn Saints-Michel-et-Gudule ở Bruxelles làm nơi tổ chức buổi lễ thánh nhậm chức.

Budapest sẽ đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát biên giới Liên Hiệp Châu Âu, giảm tình trạng nhập cư bất hợp pháp, bảo vệ giới nông dân trước sự cạnh tranh được cho là không công bằng. Báo Mỹ Washington Post nhận định rằng 6 tháng tới Liên Âu sẽ phải hồi hộp lo lắng trước con ngựa bất kham Hungary.

Dù không thích Châu Âu, nhưng ông Orban sẽ tận dụng cơ hội này để "củng cố ảnh hưởng của mình ở Bruxelles, thúc đẩy mối quan hệ với Trung Quốc, Nga và cả Hoa Kỳ, đồng thời đẩy nhanh hồ sơ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu đối với đồng minh Serbia", theo nhận định của ông Agoston Samuel Mraz, viện tư vấn Nezopont ở Budapest, thân cận với chính phủ Hungary, được Le Temps trích dẫn.

Trong một bài đăng trên một diễn đàn chính trị gần đây, Viktor Orban đã đưa ra khẩu hiệu cho nhiệm kỳ này : "Make Europe Great Again" - "Làm cho Châu Âu vĩ đại trở lại". Điều này khiến người ta liên tưởng đến câu "Make America Great again" của cựu tổng thống bảo thủ Mỹ Donald Trump. Ông Orban cũng không ngần ngại bày tỏ quan điểm bảo thủ, chỉ trích Châu Âu trong bài đăng trên mạng xã hội X : "các lực lượng bảo thủ quốc gia, chủ quyền và chính thống giáo đang gia tăng khắp Châu Âu…" , "Bruxelles là cơn ác mộng tồi tệ nhất về bộ máy quan liêu".

Nghị sĩ Châu Âu Daniel Freund, thuộc đảng Xanh cho rằng khẩu hiệu nói trên chứng tỏ ông Orban muốn đưa Châu Âu theo hướng chuyên quyền. Vị nghị sĩ người Đức này còn viết một bài đăng kêu gọi đình chỉ chức vụ chủ tịch luân phiên của Hungary : "Đã đến lúc EU phải đứng lên chống lại sự bắt chẹt của một chính phủ có vấn đề trong việc tuân thủ các quyên tắc và giá trị cơ bản nhất của Châu Âu, kẻ lãnh đạo tội phạm không thể đại diện cho Châu Âu".

Về phần mình, nghị sĩ Châu Âu thuộc nhóm Renew, bà Katalin Scheh, trả lời RFI Pháp ngữ thì đặt ra nghi vấn : "Liệu ông Viktor Orban có thể trở giữ vai trò trung gian được hay không, chưa kể Hungary còn bị trừng phạt bởi Liên Âu vì vi phạm các quy định về Nhà nước pháp quyền. Tôi cũng lo ngại về việc liệu Liên Âu có khả năng tiếp tục thực hiện các biện pháp quan trọng hay không, chẳng hạn như viếc tái thiết Ukraine nhờ vào tài sản của Nga bị phong tỏa. Tôi hy vọng rằng Hungary hiểu được tầm quan trọng và trách nhiệm trong vị trí chủ tịch luân phiên, để không bị chi phối bởi chương trình nghị sự của Budapest và cuộc đấu tranh không ngừng với quả bong bóng "Bruxelles".

Khả năng hành động bị hạn chế

Tuy nhiên, khả năng hành động của Viktor Orban sẽ vẫn hạn chế. Dù nắm trong tay quyền kiểm soát chương trình nghị sự của khối 27 nước nhưng các hoạt động sẽ bị giảm bớt trong kỳ nghỉ hè sắp tới. Hơn nữa thể chế của Liên Âu hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp với những lãnh đạo mới vừa được bổ nhiệm sau cuộc bầu cử. Nhà nghiên cứu về xã hội học tại Viện dân chủ trung ương, trả lời Le Temps, ông Laszlo Bruszt, cho rằng "vai trò Hungary sẽ ít quan trọng hơn nhiệm kỳ của Bỉ, bởi vì nước này đã phải thông qua rất nhiều luật trước cuộc bầu cử ở Châu Âu".

Dù phe cực hữu có trỗi dậy ở Châu Âu trong cuộc bầu cử Nghị Viện vừa qua, đảng Liên minh dân sự Fidesz-Hungary - Fidesz của ông Orban, dù giành được thắng lợi với 44,4 % phiếu bầu nhưng tỷ lệ này lại thấp nhất từ 20 năm gia nhập Liên Âu của Hungary. Hơn nữa, đảng Fidesz đã bị buộc rời khỏi đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) vào năm 2021, và hiện thuộc những đảng "không đăng ký" ở Nghị Viện Châu Âu. Để củng cố ảnh hưởng của mình, ông Orban muốn liên minh với chính phủ bảo thủ ở Ý của bà Giorgia Meloni nhưng cả hai lại có quan điểm khác biệt về chiến tranh Ukraine, hay về nhập cư, khi mà Ý, nước tiếp nhận di dân muốn các nước thành viên san sẻ trách nhiệm thì Hungary phản đối. 

Ông Orban cũng phải hành động cẩn thận vì vẫn muốn được Liên Hiệp Châu Âu giải ngân hàng tỷ euro hỗ trợ nước này. Ông Viktor Orban cũng không có ý định rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu sau bài học về Brexit. Bởi nếu Hungary rời Liên Âu, thì quốc gia 9,6 triệu dân này không còn giá trị gì trong mắt Putin và Trump. Đó là lý do tại sao ông muốn tạo ảnh hưởng ở Bruxelles và là một thông điệp gửi đến cử tri của mình cũng như cho Putin và Trump.

Từ một người ủng hộ Châu Âu chuyển sang hoài nghi, "phá hoại" EU

Khi còn giữ chức thủ tướng trong nhiệm kỳ trước, Viktor Orban từng là người ủng hộ Hungary gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, nước này chính thức gia nhập khối vào năm 2004, vậy tại sao giờ đây lại tỏ nghi ngờ đối với các giá trị Châu Âu ?

Nhà sử học Maria Schmidt, một người thân cận với Viktor Orban, và cũng là giám đốc một bảo tàng lịch sử ở Budapest, trả lời Le Temps, cho rằng "nguyên do sâu xa là do Liên Hiệp Châu Âu ngày càng quan liêu. Trong khi theo đuổi xu hướng tập trung hóa, mở rộng quá mức, Liên Hiệp Châu Âu tước bỏ một số quyền của các nước thành viên. Điều này gây nguy hiểm cho chủ quyền của các quốc gia và ảnh hưởng đến tính đa dạng cũng như sáng tạo của liên minh".

Trong khi đó, bà Zsuzsanna Szelényi, tác giả của cuốn "Démocratie entachée. Viktor Orban et la subversion de la Hongrie" (Nền dân chủ bị vẩy mực. Viktor Orban và sụp đổ của Hungary) thì cho rằng sau hơn 30 năm dấn thân trên chính trường, ông Orban đã sử dụng lối lãnh đạo theo kiểu thống trị, biết cách che đậy chế độ độc tài của mình dưới hình thái của một phong trào ý thức hệ, đưa Hungary vào cuộc thử nghiệm phản dân chủ.

Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Hungary từ năm 2010, Viktor Orban dần dần ủng hộ mạnh mẽ khái niệm "dân chủ phi tự do", cai trị đất nước mình bằng luận điệu dân tộc chủ nghĩa. Bà Zsuzsanna cũng cho rằng ông Orban là một kẻ cơ hội và nhắc lại vào năm 2015, giữa cuộc khủng hoảng về người tị nạn vào khối, lần đầu tiên Viktor Orban công khai phản đối quyết định của Hội Đồng Châu Âu về việc chia sẻ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn, bác bỏ giải pháp chung Châu Âu. Ông Viktor cũng có lập trường thân với Trung Quốc và Nga hơn.

Theo ông Agoston, thuộc viện tư vấn Nezopont thái độ "chọc gậy bánh xe" của Viktor Orban trong các hội nghị thượng đỉnh Châu Âu trên hết phải được nhìn từ quan điểm chính trị trong nước. "Cử tri của đảng Fidesz phản đối tất cả các khoản viện trợ nào cho Ukraine. Nếu nhượng bộ thì cử tri của ông ta sẽ nổi loạn", ông ta trổ tài diễn kịch, để thuyết phục và giải thích cho cử tri rằng Hungary đang chiến đấu".

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Chi Phương, Thùy Dương
Read 522 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)