Đông Dương 70 năm sau : Những nhân chứng cuối cùng của văn hóa Pháp
Le Monde ngày 18/07/2024 khởi đăng bài phóng sự dài ba kỳ về Việt Nam, bài đầu tiên mang tựa đề "Bảy mươi năm sau hồi kết của Đông Dương, gặp gỡ những nhân chứng cuối cùng". Đặc phái viên tờ báo đến thăm Sài Gòn, Đà Lạt, Ban Mê Thuột và Huế, đi tìm những vết tích của quá khứ.
Khách sạn Continental Saigon. Ảnh chụp ngày 24/01/2006 của Nguyễn Thanh Quang/Wikipedia © Nguyễn Thanh Quang/Wikipedia
Bầu cử ở Quốc hội Pháp vẫn chưa ngã ngũ và cánh tả tiếp tục chia rẽ, Trump tranh giành các ông chủ Silicon Valley với Biden, tu sĩ Pierre quá cố bị cáo buộc quấy nhiễu tình dục là những đề tài chiếm trang nhất báo Pháp hôm nay. Ở các trang trong, từ tuần trước các tờ báo đã khởi đăng những loạt bài nhẹ nhàng cho mùa hè.
Hành trình tìm về quá khứ thuộc địa
Ở Sài Gòn, con đường Catinat nay là Đồng Khởi bắt đầu từ Nhà hát thành phố được Pháp xây dựng năm 1900, và kết thúc ở bến cảng, nơi vào đầu thế kỷ 20 những chiếc tàu từ Marseille thả xuống những hành khách là công chức, lính tráng, những người phiêu lưu và cả những kẻ vô lại tìm kiếm sự giàu sang.
Bảy thập niên sau Điện Biên Phủ, những hình ảnh thơ mộng như trong phim "Đông Dương" của Régis Wargnier (1992) trong đó có sự tham gia của nữ minh tinh Catherine Deneuve, đã xa vời. Đập vào mắt nhà báo là màu đỏ của mặt trời vừa lên sau những tòa nhà cao tầng, của tấm áp-phích lớn với ảnh một lính Việt Minh cắm cờ trên nóc hầm tướng de Castries, của một chiếc xe hơi Ferrari sang trọng đậu trước khách sạn huyền thoại Majestic.
Nhà văn Philippe Franchini, chủ cũ của khách sạn Continental Saigon - năm nay 96 tuổi, cha là người đảo Corse và mẹ là người Việt - gặp tại Paris trước chuyến đi nói rằng, người Pháp ảo tưởng về Việt Nam và chẳng hiểu gì về đất nước này. Tại Sài Gòn, tác giả bài viết gặp đạo diễn Xuân Phượng, 94 tuổi ; đi thăm "Cercle", câu lạc bộ sang trọng dành cho giới trưởng giả Pháp, nay là Nhà Văn hóa Lao động, trường Chasseloup-Laubat nay mang tên mới là Lê Quý Đôn.
Sau đó nhà báo Le Monde đến Đà Lạt, thành phố được người Pháp đặt tên, một Normandie nhiệt đới, nơi có Biệt điện Bảo Đại với kiến trúc Art Déco tuyệt đẹp và những ngôi nhà thời thuộc địa. Pierre Morère, 60 tuổi, sinh tại Sài Gòn năm 1963 và đã trở lại cách đây 18 năm để trồng cà phê Bourbon 100% arabica ở Đà Lạt, đồng thời làm luận án về "Lịch sử rừng Việt Nam và đa dạng sinh học". Tại Ban Mê Thuột, thành phố trung tâm của vùng đất cao nguyên xưa kia thuộc về người Thượng, bà Marie, 75 tuổi, người Êđê, giáo viên tiếng Pháp về hưu cho biết khi người Pháp đến, họ đã khuyến khích trẻ em đi học và xây dựng các khu nội trú theo mô hình nhà sàn truyền thống.
Đến cố đô Huế với sông Hương và Kinh thành nằm trong số những di sản quý giá của quốc gia, nhà báo gặp dịch giả Bửu Ý, 87 tuổi, một tên tuổi uyên bác của Đông Dương. Nhân vật hoàng tộc này rất yêu mến văn hóa Pháp, từng dịch các tác phẩm của André Gide, Antoine de Saint-Exupéry, Albert Camus, Michel Tournier. Đối với Bửu Ý, nước Pháp vừa là văn chương vừa là sự tiến bộ. Ông là một trong những chứng nhân cuối cùng của một đam mê nay đã lỗi thời : Pháp nay được coi là một thế lực không mấy quan trọng, một quá khứ đã xa.
Giữ lời hứa, đô trưởng Paris Hidalgo bơi trên sông Seine
Hồi năm 1990, ông Jacques Chirac là đô trưởng Paris lúc đó đã hứa : "Ba năm nữa, tôi sẽ đi bơi trên sông Seine, trước các nhân chứng, để cho thấy là dòng sông đã trở nên sạch". Phải đợi đến 34 năm sau mới thấy một trong những người kế nhiệm của ông xuống bơi trên dòng sông nổi tiếng của thủ đô nước Pháp. Sáng hôm qua, báo chí quốc tế tập trung trên bến sông gần Tòa Đô chánh để chứng kiến : trời nắng, nước 20°C, bà Anne Hidalgo xuống bơi cùng với chủ tịch Ủy ban Olympic Tony Estanguet và tỉnh trưởng vùng Paris Marc Guillaume.
Dù thời tiết thất thường và lưu lượng nước khoảng 400 m³/giây (bình thường mùa hè là 100 đến 150), từ cuối tháng 6 có thể bơi hàng ngày trên sông Seine, trừ phi hôm trước đó trời mưa. Dự báo khí tượng khá lạc quan cho những ngày thi đấu thế vận sắp tới của ba môn phối hợp, bơi dai sức đường dài, và trước đó là lễ khai mạc trên sông Seine mà theo ông Guillaume sẽ là "buổi trình diễn chưa từng thấy trên thế giới".
Hiện nay có 36 loài cá sống trong sông Seine, so với thập niên 70 chỉ có 3 loài. Nhưng "đếm cá" không chưa đủ, còn phải giám sát tỉ lệ vi khuẩn Escherichia coli và song cầu khuẩn. Tám năm qua, Nhà nước và các địa phương đã đầu tư 1,4 tỉ euro để chống hai loại vi khuẩn trên. Tốn kém nhất là việc giảm tối đa khả năng nhiễm khuẩn khi trời mưa, bằng cách xây hồ chứa 220.000 m3 nước và đường ống dài trên 8 kilomet.
Kể từ năm tới, người dân có thể tha hồ bơi lội trên sông Seine. Được mời dự, tổng thống Emmanuel Macron hôm qua không đến, trong khi ông cũng cam kết sẽ bơi ở dòng sông chảy qua thủ đô trước Thế vận hội. Macron vẫn còn đến ngày 26/07 để tung tăng trên sông Seine.
Bà Leyen vẫn là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu : Tin xấu cho những kẻ thù của EU
Tại Pháp, không hẹn mà nên, hôm nay có đến hai cuộc bỏ phiếu ở Nghị Viện, nhưng cuộc bầu cử quan trọng cho tương lai không phải ở Paris, mà tại Strasbourg. Theo Les Echos, việc bà Ursula von der Leyen tiếp tục làm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu là tin xấu cho những kẻ thù của châu lục.
Nhật báo, xuất bản trước khi có kết quả chính thức nhận định, dù được sự ủng hộ của các nghị sĩ bảo thủ, cánh trung và dân chủ xã hội, chủ tịch mãn nhiệm vẫn không chắc sẽ được bầu lại. Bên cạnh đó tư pháp Châu Âu còn cho rằng bà thiếu minh bạch trong việc thương lượng với Pfizer về vac-xin Covid. Nhưng trong nhiệm kỳ vừa qua, "VDL" đã thúc đẩy được Thỏa ước xanh để giảm khí thải carbonic, huy động được 800 tỉ euro cho kế hoạch NextGenerationEU, đầu tư vào siêu máy tính, bình điện và Thỏa ước di dân.
Ngay từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine, khi tổng thống Pháp nói rằng không nên sỉ nhục Putin, Ursula von der Leyen là động lực trong việc gia tăng trừng phạt Nga và quốc phòng Châu Âu, là bộ mặt tốt đẹp của châu lục. Vào lúc công chúng bắt đầu mỏi mệt trong việc hỗ trợ Kiev, và Viktor Orban lợi dụng vị trí chủ tịch luân phiên EU để xun xoe với tổng thống Nga, EU có lợi khi "VDL" tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai.
Hungary, chế độ phi tự do ngay trong Liên Hiệp Châu Âu
Về Hungary, trong loạt bài về các nền dân chủ, Les Echos mô tả một Nhà nước "phi tự do" ngay trong Liên Hiệp Châu Âu. Dưới sự lãnh đạo của Viktor Orban từ 14 năm qua, quốc gia 10 triệu dân này là một ngoại lệ ở EU. Báo cáo thường niên của Freedom House xếp Hungary vào dạng "tự do một phần", với số điểm 65/100, tương đương với Ấn Độ, Sénégal, Albania. Nghị Viện Châu Âu năm ngoái nhận định Hungary không thể được coi là một Nhà nước hoàn toàn dân chủ. Theo chuyên gia Michael Smeltzer, Hungary là chế độ nằm giữa dân chủ và độc tài.
Trên lý thuyết, nước này có đầy đủ tiêu chuẩn với Quốc hội được bầu lại mỗi bốn năm, một ít truyền thông độc lập, xã hội dân sự... Những quyền tự do căn bản được tôn trọng như tự do ngôn luận, biểu tình, không có nhà đối lập chính trị nào bị bỏ tù. Peter Magyar, đối lập với Viktor Orban đã đạt gần 30% số phiếu, gởi được 7 dân biểu đến Nghị Viện Strasbourg. Ông Magyar có thể đi khắp đất nước để vận động tranh cử, tổ chức mít-tinh tại mấy trăm địa điểm và trước ngày bầu cử, một cuộc biểu tình mấy chục ngàn người đã diễn ra ở quảng trường Anh Hùng để ủng hộ ông, chỉ cách trụ sở đảng Fidesz của Orban có vài trăm mét.
Nhưng phía sau mặt tiền dân chủ, Viktor Orban đã phá hoại lâu dài các định chế chính trị, tư pháp, truyền thông, giáo dục, hiệp hội… Hiến Pháp Hungary trong 10 năm qua đã bị sửa đổi ít nhất một chục lần. Các tổ chức phi chính phủ như Minh bạch Quốc tế bị nhắm đến, truyền thanh truyền hình công trở thành công cụ tuyên truyền, nhiều tờ báo tư nhân bị các tài phiệt thân chính phủ mua lại. Trường đại học do tỉ phú George Soros thành lập bị cấm hoạt động, phải dời sang Vienna.
Viktor Orban còn tỏ ra khiêu khích khi chỉ trong vài ngày đã đi gặp Vladimir Putin, Tập Cận Bình và Donald Trump với danh nghĩa chủ tịch luân phiên EU, bị cho là "đánh boxe ở hạng cân cao hơn". Liên Hiệp Châu Âu bèn tạm phong tỏa ngân quỹ dành cho Hungary, một số quốc gia thành viên và Nghị Viện Châu Âu còn muốn truất quyền bỏ phiếu trong EU, nhưng bị đồng minh Slovakia của Hungary phản đối.
Ba Lan và các nước Baltic "xây thành đắp lũy" chống Nga
Trong khi đó, trước mối đe dọa từ Nga, Ba Lan khởi công "chiến lũy Maginot" của mình : Warszawa loan báo xây dựng một phòng tuyến quy mô chưa từng thấy tại Châu Âu kể từ Đệ nhị Thế chiến. Ba Lan đã có hàng rào ngăn các di dân được Nga và Belarus cấp visa tràn sang biên giới từ cuối tháng 6/2021, và nay muốn có thêm "lá chắn phương Đông".
Đó là một loạt chiến lũy dọc theo đường biên với Belarus và vùng Kaliningrad thuộc Nga, dài 700 kilomet, rộng vài trăm mét, dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Phía sau những bức tường kẽm gai, sẽ có những ụ đất, hào chắn xe tăng, bãi mìn, chướng ngại vật bê-tông dạng con nhím, boong-ke, các kho vũ khí bí mật. Bổ sung vào đó là công nghệ giám sát hiện đại gồm cảm biến âm thanh, điện từ và hình ảnh, hệ thống chống drone, giám sát vệ tinh. Chi phí ước tính 2,4 tỉ euro, và chính phủ Donald Tusk hy vọng được EU tài trợ để bảo vệ sườn đông. Hàn Quốc và Anh có thể đóng góp về chuyên môn.
Ba Lan đã dành đến 4% GDP cho quốc phòng, với tham vọng có lực lượng bộ binh lớn nhất Châu Âu. Nhà nghiên cứu Amélie Zima của IFRI nhận định đây là chương trình quy mô nhất kể từ 1945. Dự án hầu như không gặp chống đối, dù chạy qua khu rừng nguyên sinh cuối cùng của Châu Âu và các cánh đồng. Các nước vùng Baltic cũng đã gia tăng bảo vệ biên giới.
Estonia, nằm sát Nga, dự định xây trên 600 boong-ke, rào chắn, "răng rồng", hào sâu dọc theo 200 kilomet biên giới. Latvia láng giềng cũng muốn đào hầm trú ẩn dưới từng tòa nhà ở thủ đô Riga. Cả hai nước hợp tác với Litva để tạo ra vùng phòng thủ chung. Mặc dù sau khi Nga xâm lăng Ukraine, NATO đã tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, điều đến những đơn vị đa quốc gia ; Hoa Kỳ lần đầu tiên có đội quân viễn chinh 10.000 binh sĩ đóng thường trực trên đất Ba Lan, nhưng Warszawa và các quốc gia Baltic vẫn sợ một phần lãnh thổ sẽ bị Nga chiếm đóng.
Suýt chết, Donald Trump trở nên lành tính ?
Liên quan đến nước Mỹ, La Croix bình luận về việc một nhân vật chuyên gây chia rẽ như ông Donald Trump nay kêu gọi đoàn kết. Trả lời báo The Washington Examiner, cựu tổng thống cho biết vụ ám sát hụt khiến ông viết lại bài diễn văn bế mạc đại hội đảng Cộng hòa ở Milwaukee.
Thay vì tập trung chỉ trích Joe Biden, Trump coi đây là "cơ hội để đoàn kết đất nước và thậm chí cả thế giới", nên đó là một bài diễn văn khác hẳn. Từ sau vụ tấn công, những lời kêu gọi "hạ nhiệt" đến từ cả hai phía, và ứng cử viên Cộng hòa muốn lợi dụng cảm tình đang có để làm dịu nhẹ hình ảnh. Ông mời đối thủ trong bầu cử sơ bộ là bà Nikki Haley, người bị ông gọi là "óc chim sẻ", đến phát biểu trong đại hội. Theo gương Trump, một số nhân vật cũng sửa lại bài nói chuyện để chừng mực hơn.
Dù vậy, Donald Trump đã từng phổ biến những hình ảnh chế nhạo đối thủ. Những lời kêu gọi hòa dịu từ một nhân vật được cho là phải chịu trách nhiệm vụ tấn công đồi Capitol đã gây ngạc nhiên. Còn bốn tháng nữa đến bầu cử, những người ngờ vực coi đây là thủ thuật để đóng vai ôn hòa nhằm thuyết phục những cử tri còn do dự và hóa giải các đòn tấn công của Dân chủ.
Luật sư Ed Tarpley ở Louisiana thì tin vào sự thành thực của nhà tỉ phú."Khi suýt chết, người ta nhận ra thời gian của mình có hạn, và phải sử dụng một cách khôn ngoan". Đến thứ Ba, Donald Trump dường như ngựa quen đường cũ. Trên mạng xã hội Truth Social, ông gọi phe Dân chủ là "những người cộng sản" toan "lũng đoạn kết quả bầu cử và phá hoại hệ thống tư pháp".
Thụy My