Khi ông Putin chính thức yêu cầu NATO phải ngưng thâu nhận các hội viên mới, các nước Âu Mỹ đã trả lời bằng quan niệm chủ quyền quốc gia : Không nước nào có thể ép buộc các nước khác gia nhập hay không gia nhập bất cứ liên minh nào.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (phải) và người đồng nhiệm Thụy Điển Magdalena Andersson trong lần gặp gỡ báo chí tại Helsinki, Phần Lan, 5 tháng Ba, 2022.
Hai nước Phần Lan và Thụy Điển có thể trở thành hội viên Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong mấy tháng tới. Chủ trương ngoại giao của ông Vladimir Putin thất bại. Đây cũng là một bài học cho ông Tập Cận Bình.
Vladimir Putin và Tập Cận Bình quan niệm rằng nước lớn có quyền ra lệnh cho các nước nhỏ. Đó là lối suy nghĩ của các vị hoàng đế ngày xưa, kể cả các "Sa hoàng" cầm đầu đế quốc Nga hay các vị "thiên tử" thay trời "bình thiên hạ".
Trước khi đánh Ukraine, Putin nêu một lý do là khối NATO đã bành trướng về phía Đông, đe dọa an ninh Nga. Trung Quốc không kết án Nga xâm lăng Ukraine vì cũng đồng ý, thông cảm với mối lo lắng này. Nếu có ngày một nước láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam, Lào, Miến Điện hay Kyrgyzstan muốn liên minh với một khối an ninh khác, Trung Quốc có thể nói mình bị đe dọa để ra tay trước.
Thế giới phải lo có ngày các nước nhỏ bị một cường quốc nêu cùng một lý do đó để xâm lăng, như số phận Ukraine. Họ đã công khai bác bỏ chủ trương cường quyền đó. Một tuần sau khi ông Putin đánh Ukraine, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhắc lại chủ trương phải tôn trọng chủ quyền các quốc gia, 141 nước đã bỏ phiếu yêu cầu Nga rút quân. Chỉ có 5 phiếu chống và 35 nước không tỏ ý kiến.
Đại sứ Martin Kimani nước Kenya đã ví cuộc xâm lăng của ông Putin như một nước thực dân trở lại đánh thuộc địa cũ. Ông Kimani rút kinh nghiệm Châu Phi, nơi nhiều sắc dân sống rải rác trong các quốc gia mới thành lập, biên giới dễ gây tranh tụng. Ông nhấn mạnh quy tắc chống các nước lớn bành trướng bằng vũ lực, ép nước khác phải theo mình.
Nhưng các nước đồng ý phong tỏa kinh tế Nga vì xâm lăng Ukraine chỉ chiếm một phần ba dân số thế giới ; phần lớn là các nước Âu Mỹ. Một phần ba thuộc những nước ủng hộ Nga, trong đó có Trung Quốc. Một phần ba còn lại sống trong các nước không bày tỏ thái độ, đặc biệt là Ấn Độ, các nước Saudi Arabia và United Arab Emirates vốn là đồng minh của Mỹ.
Những nước nhỏ ủng hộ Nga hoặc giữ thái độ trung lập không biết rằng chính họ có thể đến ngày bị xâm lăng với những lý do dựng đứng như ông Putin đã nêu ra. Cộng sản Việt Nam, Lào, quân phiệt Miến Điện ủng hộ Nga đánh Ukraine thì đến lúc bị Trung Quốc đánh sẽ chờ được nước nào cứu giúp ?
Ông Putin nói rằng chính phủ Ukraine theo chủ nghĩa Quốc Xã (Nazi) và đàn áp người nói tiếng Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói tiếng Nga từ lúc ra đời ; ông gốc Do Thái, một sắc dân đã bị Đức Quốc Xã giết sáu triệu người ! Nước Ukraine có hàng trăm sắc tộc thiểu số, dân Nga đông nhất. Khi bị tấn công nhiều người gốc Nga đã chống cự hoặc bỏ chạy về phía quân đội Ukraine. Các nước khác ở Âu Châu cũng rất nhiều dân gốc Nga ; không những trong các nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ mà ngay nước Đức cũng có ba bốn triệu người nói tiếng Nga. Rất nhiều nước sẽ bị đe dọa nếu ông Vladimir Putin tiếp tục tham vọng.
Tham vọng của ông Putin không chỉ giới hạn trong việc đánh chiếm lãnh thổ một nước láng giềng. Đánh Ukraine chỉ là một bước đầu ; nếu thắng thế, ông sẽ có cơ hội xếp đặt một "trật tự" mới ở Âu Châu ; dùng áp lực buộc các nước nhỏ chung quanh ký hay không được ký các hiệp ước an ninh, thương mại, ngoại giao.
Đó cũng là ước muốn của ông Tập Cận Bình. Ngoại trưởng Trung Quốc đã từng nói thẳng rằng các nước nhỏ phải biết phận mình, không thể đứng ngang hàng nước lớn. Tất cả các lãnh tụ độc tài đều muốn một "trật tự thế giới" kiểu như vậy.
Trong thế giới văn minh, loài người sống với luật lệ. Một trật tự thế giới dựa trên pháp luật, các quốc gia lớn nhỏ đều phải được tôn trọng, như vậy mới hy vọng có hòa bình. Các quốc gia tự do dân chủ vẫn có tranh chấp nhưng thường không gây chiến với nhau bao giờ. Những lãnh tụ hiếu chiến chắc sẽ không được cử tri tín nhiệm lần thứ hai.
Ông Putin gieo gió nên gặt bão. Dân Ukraine đoàn kết chiến đấu, không phải vì ông tổng thống kêu gọi mà vì trong lịch sử các bộ lạc Cossacks là một thành phần quan trọng lập nên dân tộc này. Tên Cossack gốc từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ "kazak" có nghĩa là "dân tự do," gồm các nhóm dân Tartar từ Châu Á qua tụ tập trong vùng sông Dnieper từ thế kỷ 15. Họ đã được các Nga hoàng công nhận quyền tự trị.
Nhưng thất bại lớn nhất của ông Putin là chỉ hai tháng sau khi đánh Ukraine, các nước trong NATO đoàn kết với nhau hơn và sắp mở rộng thêm khi Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập. Cả hai nước này đều bảo vệ vai trò trung lập trong cả thế kỷ trước. Trong ba nước Bắc Âu chỉ có Na Uy ký kết vào NATO.
Tháng Giêng năm 2022, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin còn nói rằng tham gia khối NATO là một chuyện xa vời, khó xảy ra. Ngày 13 tháng 4, Bà Marin gặp Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ; rồi tuyên bố đang xin khối NATO thu nhận. Bà Andersson cũng nói sẽ quyết định sớm.
Các chính phủ Phần Lan và Thụy Điển hành động theo ý muốn của cử tri. Năm 2019 hơn một nửa trong 5.5 triệu dân Phần Lan chống việc gia nhập NATO. Ngày 28 tháng Hai năm nay, bốn ngày sau khi Putin đánh Ukraine, tâm lý đã đảo ngược, theo báo Economist. Ngày 30 tháng Ba, 61% muốn vào, chỉ còn 16% chống, 23% không có ý kiến.
NATO là liên minh quân sự ra đời trong Chiến Tranh Lạnh gồm Mỹ và các nước Tây Âu nhằm đối phó với Liên Xô. Trong hơn nửa thế kỷ, NATO và Nga chỉ chung một đường biên giới dài 196 cây số, nơi Nga giáp với Na Uy. Sau khi Liên Xô và các chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ, nhiều nước Đông Âu đã xin vào NATO. Năm 1999, thêm Ba Lan, ranh giới giữa NATO và Nga dài thêm 428 cây số, giữa Ba Lan và vùng Kalinigrad. Năm 2004, ba nước Estonia, Latvia và Lithuania miền Baltic mới tách khỏi Liên Xô cũng xin vào NATO, đường ranh dài thêm 1.233 km. Nếu thêm Phần Lan biên giới giữa NATO và Nga sẽ dài gấp đôi, thêm 1.340 km nữa.
Khi ông Putin chính thức yêu cầu NATO phải ngưng thâu nhận các hội viên mới, các nước Âu Mỹ đã trả lời bằng quan niệm chủ quyền quốc gia : Không nước nào có thể ép buộc các nước khác gia nhập hay không gia nhập bất cứ liên minh nào.
Sau năm 1990, khi các chế độ cộng sản sụp đổ, Ba Lan, Romania, Hungary, Bulgaria ở Đông Âu lần lượt xin vào NATO. Các nước thuộc Liên Xô cũ như Moldova, Lithuania, Latvia và Estonia cũng lần lượt gia nhập.
Bây giờ, ông Putin đánh Ukraine vì muốn chặn không cho NATO mở rộng, nhưng kết quả ngược lại. Đây sẽ là một bài học cho Tập Cận Bình. Dân Ukraine chịu gian khổ, đã hy sinh giúp cả thế giới ý thức về tai họa nước lớn bắt nạt nước nhỏ. Các quốc gia nằm cạnh Trung Quốc cần phải ủng hộ dân Ukraine, vì không biết bao giờ sẽ đến lượt mình !
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ : Nguyên thủ Pháp "chết não, nghiệp dư" (RFI, 30/11/2019)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 29/11/2019 đã chỉ trích thô bạo đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron, cho rằng nguyên thủ Pháp đang "trong tình trạng chết não".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron sau cuộc họp báo tại điện Elysée, Paris ngày 05/01/2018. LUDOVIC MARIN / POOL / AFP
Erdogan đặc biệt tức giận vì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích việc chính quyền Ankara tấn công lực lượng Kurdistan tại Syria. Nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn chê bai đồng nhiệm Pháp là "nghiệp dư" và "không có kinh nghiệm" về chống khủng bố.
Phát biểu của Erdogan bị chính quyền Pháp coi là mang tính lăng nhục. Paris đã triệu mời đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đến bộ Ngoại Giao Pháp và yêu cầu quan chức này giải thích. Tuy nhiên, nhìn từ Thổ Nhĩ Kỳ, những phát biểu của Tổng thống Erdogan nhắm vào Tổng thống Pháp Macron, cho dù có cay độc đến mấy đi chăng nữa, thì cũng không có gì thực sự gây ngạc nhiên.
Từ Istanbul, thông tín viên RFI Anne Andlauer giải thích :
"Trong những tháng gần đây, qua những câu từ khi trả lời phỏng vấn hoặc tuyên bố trên diễn đàn, người ta cảm nhận được là Tổng thống Erdogan ngày càng oán giận và bực tức đồng nhiệm Pháp, người mà ông Erdogan đã từng hy vọng sẽ quan hệ chặt chẽ hơn gần gũi khi mới được bầu lên.
Vào tháng trước, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định đã nói với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron là nên "tự soi mình trong gương" sau khi chủ nhân điện Elysée chỉ trích chính quyền Ankara về chiến dịch tấn công lực lượng Kurdistan tại Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng chút nào với đồng nhiệm Pháp, vì khác lãnh đạo các nước Châu Âu khác, ông Macron không chỉ phản đối Ankara bằng lời nói, mà còn mời đại diện lực lượng Kurdistan đến thăm điện Elysée để bày tỏ sự ủng hộ.
Trong một số hồ sơ khác, chẳng hạn như về vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), quan hệ của Ankara với Liên Hiệp Châu Âu, hay việc khai thác khí đốt trên vùng biển của Chrypre, ông Tayyip Erdogan cho rằng điện Elysée đều có quan điểm bài Thổ Nhĩ Kỳ.
Đương nhiên là khi công khai trước công luận mối oán giận ông Macron thay vì trao đổi riêng với nguyên thủ Pháp, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chủ yếu nhắm tới công chúng Thổ Nhĩ Kỳ. Erdogan đang xây dựng hình ảnh một vị lãnh đạo đối đầu với phương Tây".
Thùy Dương
******************
Tổng thống Pháp hài lòng vì đã "đánh thức" được NATO (RFI, 29/11/2019)
Sau cuộc gặp kéo dài một tiếng đồng hồ với tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg tại điện Elysée hôm 28/11/2019, Tổng thống Pháp Emmuanuel Macron một lần nữa lên tiếng bảo vệ nhận định gây tranh cãi của ông theo đó Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO đang ở trong trạng thái "chết não".
Ảnh tư liệu : Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) tiếp tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại điện Elysée, Paris, ngày 15/05/2018 Reuters
Phát biểu với báo chí, Tổng thống Pháp khẳng định : "Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc đã vạch rõ những điểm mập mờ" trong hiện trạng của khối NATO. Đồng thời, ông kêu gọi Liên Minh tập trung nhiều hơn cho những mục tiêu chiến lược, nhất là chống khủng bố.
NATO sẽ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh trong hai ngày 03-04/12/2019 tại Luân Đôn nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Liên Minh. Công việc chuẩn bị cho sự kiện này, với sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã phần nào bị xáo trộn sau phát biểu gây sốc của Tổng thống Pháp về NATO khi trả lời tuần báo Anh The Economist, ngày 07/11.
Phát biểu của ông Macron đã lập tức làm dấy lên những lời phản đối từ Washington, Berlin, Luân Đôn, cho đến Vacxava, Ankara.
Khi được hỏi là vì sao ông lại đưa ra nhận định gây sốc như vậy, Tổng thống Pháp giải thích là sau khi thấy rằng NATO, trong hai thượng đỉnh gần đây nhất, đã hoàn toàn lơ là các mục tiêu chiến lược của mình để chỉ bàn về việc "giảm gánh nặng tài chánh cho Mỹ", nên ông nghĩ rằng "cần phải có một lời đánh thức".
Tổng thống Pháp nói tiếp : "Lời đánh thức đó đã được đưa ra và tôi rất hoan nghênh việc ưu tiên đề ra lúc này : Suy nghĩ về vai trò thực thụ và những mục tiêu chiến lược" của NATO.
Về phần mình, tổng thư ký Liên Minh Jens Stoltenberg bảo đảm là NATO vừa hiện đại hóa học thuyết và cách vận hành của mình, vừa tăng cường phương tiện hành động đặc biệt là ở phía đông Châu Âu, những nơi giáp giới với Nga.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh là trong tình hình hiện nay, một mình Liên Hiệp Châu Âu không thể bảo vệ cho Châu Âu và không thể thay thế NATO. Hai khối Liên Âu và NATO, theo ông, là hai mặt của một chiếc mề đai.
Quan điểm này cũng đã được tân Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, chia sẻ. Hôm 28/11/2019, bà nhận định là Liên Hiệp Châu Âu và NATO không "đối địch" mà "bổ sung" cho nhau.
Theo điện Elysée, từ đây cho đến cuộc họp thượng đỉnh, Tổng thống Pháp sẽ còn gặp một số lãnh đạo khác. Tại Luân Đôn, ông Macron sẽ có một cuộc gặp 4 bên với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, thủ tướng Đức Merkel và thủ tướng Anh Boris Johnson.
Trọng Nghĩa
NATO ngậm bồ hòn làm ngọt trước thành viên ngỗ nghịch Thổ Nhĩ Kỳ (RFI, 25/10/2019)
Là một thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, nhưng mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ lại ngang nhiên đưa quân sang Syria tấn công vào đồng minh của khối trong cuộc chiến chống Daesh là lực lượng người Kurdistan, sau đó lại liên kết với Nga, đối thủ của khối, để kiểm soát vùng chiếm đóng. Trước các hành động trên, nhiều tiếng nói đã vang lên đòi trục xuất Ankara ra khỏi liên minh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan (P) và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. YASIN BULBUL / TURKISH PRIME MINISTER PRESS OFFICE / AFP
Thế nhưng vào hôm qua, 24/10/2019 nhân cuộc họp đầu tiên của NATO từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân qua Syria, các lãnh đạo Liên Minh như đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận các lập luận của thành viên ngỗ nghịch, để khỏi bị mất đi một đồng minh chiến lược của toàn khối.
Theo hãng tin Pháp AFP, chính tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã xác nhận rằng tranh cãi đã bùng lên gay gắt giữa các thành viên NATO, mà theo các nhà quan sát là giữa các nước Phương Tây với Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, ông Jens Stoltenberg từ chối lên án các hành đông của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí tán thành "những lo ngại chính đáng về an ninh quốc gia" mà Ankara đưa ra để biện minh cho sự can thiệp quân sự vào Syria.
Một nhà ngoại giao cấp cao tham gia cuộc họp đã nói thẳng thừng rằng NATO không thể trừng phạt hay trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ vì hai lý do : Một là trong điều lệ NATO không có thủ tục trục xuất, và hai là "NATO không muốn mất Thổ Nhĩ Kỳ vì đây là một đồng minh chiến lược".
Về giá trị chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong hệ thống bố phòng của khối NATO, trả lời câu hỏi của đài truyền hình Pháp BFMTV mới đây, ông Jean Marcou, giáo sư trường Khoa Học Chính trị (Sciences Po) ở Grenoble, đồng thời là chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh đến thực tế theo đó Ankara là cường quốc quân sự lớn thứ hai của NATO.
Bên cạnh đó, về mặt địa dư, Thổ Nhĩ Kỳ nhìn ra cả Hắc Hải lẫn Địa Trung Hải, là giao lộ của các luồng di cư và là cầu nối giữa Châu Âu và toàn bộ vùng Cận Đông.
Do vậy, theo giáo sư Jean Marcou, cho dù bị Ankara gây căng thẳng, Phương Tây không thể mạo hiểm cắt cầu với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ như đã hiểu rất rõ điều đó. Ngay từ trước khi nổ ra vụ tấn công vào Syria, Ankara đã phớt lờ các khuyến cáo của NATO để đăt mua hệ thống tên lửa S400 của Nga. Thế mà NATO vẫn không thể trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên bình diện pháp lý cũng vậy, NATO khó có thể đụng tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trả lời đài truyền hình France24, nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier, thuộc Học Viện Địa Chính Trị Pháp và Viện Thomas More, cho biết là trường hợp trục xuất không hề được dự trù trong khối NATO. Dĩ nhiên là giới lãnh đạo NATO có quyền đề ra khả năng này, nhưng do vị trí địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, một quyết định trục xuất nước này có nguy cơ làm cho NATO suy yếu hẳn đi.
Vả lại, theo chuyên gia Mongrenier, dù chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đánh vào người Kurdistan ở Syria đặt ra một vấn đề đạo đức đối với NATO, nhưng chiến dịch này không gây tổn hại cho lợi ích thiết yếu của các thành viên NATO.
Chỉ cần Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành nghĩa vụ trong khuôn khổ phòng thủ chung, và đừng gây nên những chuyện quá đáng tại Syria, thì các thành viên còn lại của NATO sẽ chấp nhận sự đã rồi.
Nhìn chung, chính những tính toán chiến lược kể trên đã khiến cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nhẹ tay với Thổ Nhĩ Kỳ cho dù nước này đã tỏ ra ngang bướng.
Theo giới quan sát, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan biết rất rõ điều đó, và trong thời gian sắp tới đây, ông sẽ tiếp tục đóng vai ngỗ nghịch, nhưng sẽ cẩn thận để không đi quá trớn.
Trọng Nghĩa
******************
Syria : Ankara và Damascus đấu khẩu tại Hội đồng Bảo an (RFI, 25/10/2019)
Washington thông báo sẽ tăng cường quân sự, hợp tác với lực lượng Dân chủ Kurdisatan-Syria FDS để bảo vệ các mỏ dầu hỏa ở miền bắc Syria. Tại Liên Hiệp Quốc hôm qua 24/10/2019, đại sứ của Damascus lên án Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược.
Một đoàn quân xa Thổ Nhĩ Kỳ ở Kilis gần biên giới Thổ-Syria, ngày 09/10/2019. Mehmet Ali Dag/ Ihlas News Agency (IHA) via Reuters
Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho 300.000 thường dân Kurdistan đi lánh nạn. Tình trạng nạn nhân chiến cuộc được thảo luận tại Hội đồng Bảo an ngày thứ Năm. Đại diện Syria và Thổ Nhĩ Kỳ làm bầu không khí căng thẳng.
Từ NewYork, thông tín viên Carrie Nooten tường thuật :
Lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an, các thành viên dường như đồng thuận với nhau trên hồ sơ Syria : cần phải có một hành lang nhân đạo an toàn ở vùng biên giới bắc Syria. Tất cả thành viên, kể cả nước Nga, tỏ ra hài lòng thấy được bước đầu của một giải pháp chính trị : Hội đồng (soạn thảo) Hiến pháp Syria sẽ họp trong vài ngày nữa đây tại Genève.
Thế rồi, khi cuộc họp của Hội đồng Bảo an đến những giờ cuối thì bầu không khí trở nên căng thẳng : Đại diện của Syria cực lực lên án Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược và kêu gọi mọi lực lượng ngoại nhập bất hợp pháp phải rút khỏi Syria. Đáp lại lời công kích này, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên Hiệp Quốc khẳng định, đối với Ankara, "mục tiêu đích thực" của chiến dịch quân sự "Nguồn hòa bình" là để "tiêu diệt khủng bố" mà thôi, và không có ý đồ gây hấn với Damascus.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhân cơ hội phát biểu để công kích các nước Tây phương đang lo âu về viễn ảnh thánh chiến Hồi giáo trốn thoát : Ankara cam kết sẽ giam giữ nghiêm ngặt các chiến binh Daesh bị lực lượng Kurdistan-Syria bắt được và canh giữ trong thời gian qua, nhưng giải pháp hay nhất vẫn là đem các chiến binh Hồi giáo này về quê hương gốc.
Mỹ tăng quân tại Syria
Một viên chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ sẽ tăng cường quân sự cùng với lực lượng Dân chủ Kurdisatan-Syria FDS, bảo vệ các mỏ dầu hỏa ở miền bắc Syria, chống khủng bố Daesh. Diễn biến mới này chứng tỏ Hoa Kỳ không có ý định rút khỏi Syria. Trái lại, các đơn vị còn ở lại sẽ được tăng viện "ngăn chận Daesh và những phần tử gây rối" đánh phá trung tâm dầu khí. Theo AFP, hiện nay vẫn còn 200 binh sĩ Mỹ ở Deir Ezzor, miền đông Syria, gần biên giới Irak, nơi có khu mỏ dầu lớn nhất của Syria.
Trên thực địa, Tổ chức Nhân quyền Syria, một cơ quan phi chính phủ có mạng lưới quan sát đáng tin cậy cho biết thêm là lực lượng FDS đã rời một số căn cứ ở miền đông, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trái lại, nhiều đơn vị YPG, dân quân bảo vệ dân nhân Kurdistan mà Ankara xem là khủng bố, vẫn tiếp tục bám trụ dọc theo 440 km chiều dài biên giới.
Theo AFP, tuy lên án Mỹ phản bội, nhưng phe Kurdistan ở Syria vẫn giữ quan hệ tốt với Washington và phương Tây. Đại diện của FDS, ông Mazloum Abdi tuyên bố ủng hộ một đề xuất của bộ trưởng Quốc Phòng Đức, thành lập một vùng an toàn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở miền bắc Syria, một sáng kiến rất khó thực hiện vì Nga sẽ dùng quyền phủ quyết. Quân đội Nga hôm nay loan báo đưa thêm 300 biệt kích từ Tchetchenia sang vùng biên giới Syria.
Tú Anh
Tổng thống Trump tấn công mạnh mẽ Đức trong ngày đầu tiên họp hội nghị Châu Âu (CaliToday, 11/07/2018)
The Guardian – Ngay trong ngày đầu tiên họp hội nghị thượng đỉnh NATO hôm thứ tư 11/7 ở Brussels, Tổng thống Trump đã tung ra những chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào Đức, khi cho là Nga đã "kiểm soát" Đức và Đức đóng góp quá ít cho tài chính của NATO.
Trong ngày đầu tiên họp hội nghị thượng đỉnh NATO hôm thứ tư 11/7 ở Brussels, Tổng thống Trump đã tung ra những chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào Đức - Photo Credit : The Guardian
Nữ thủ Tướng Đức Angela Merkel đã bác bỏ những nhận định của Tổng thống Trump và cho hay ‘bà biết phải làm sao đối đầu với các thể chế độ tài’, vì bà nhắc lại mình xuất thân từ Đông Đức ngày trước, vốn là quốc gia bị Moscow ảnh hưởng rất nặng nề trước những năm 1990.
Bà Merkel nói : "Tôi có kinh nghiệm bản thân khi một phần nước Đức bị Liên Xô kiểm soát, cho nên hôm nay tôi rất hạnh phúc là chúng tôi đã là một khối thống nhất, vì thế chúng tôi luôn có những quyết định độc lập, điều này rất tốt cho dân chúng vùng Đông Đức cũ"
Bà nói về NATO như sau : "Đức đóng góp rất nhiều, chúng tôi cung cấp quân số cho NATO cao vào hàng thứ nhì, nhưng chiếm hạng đầu trong đóng góp khả năng quốc phòng, ngày nay vẫn còn giữ cam kết mạnh ở Afghanistan, vì thế có thể nói chúng tôi cũng chiến đấu bảo vệ quyền lợi cho Hoa Kỳ".
Tổng thống Trump trong cuộc gặp gỡ với Tổng Thư Ký NATO là ông Jens Stoltenberg, nhận định là mối quan hệ giữa Nga và Đức là ‘hoàn toàn không thích hợp’.
Những tuyên bố đầu tiên của Tổng thống Trump cho thấy đây là cuộc họp thượng đỉnh ‘sóng gió nhất’ của NATO trong 69 năm tồn tại của tổ chức này. Tổng thống Trump than phiền chính trị gia Đức thì làm việc cho các công ty dầu khí Nga, sau khi về hưu, khiến Moscow được lợi lộc nhiều tỉ đô la. Tổng thống Trump bảo : "Nga đã kiểm soát hoàn toàn Đức".
Tổng thống Trump cho là những tổng thống Hoa Kỳ trước đây từng nêu vấn đề tài chính của NATO, nhưng ông cho hay ông sẽ là người ‘giải quyết’ chuyện này. Tổng thống Trump nói : "Chúng tôi bảo vệ Đức, chúng tôi bảo vệ Pháp, Đức chỉ đóng góp có 1% GDP của họ cho ngân sách của NATO, tôi nghĩ thật không công bằng, tăng 2% vào năm 2030 cũng không tốt, tăng ngay ngày mai thì tốt hơn".
Trần Vũ
**********************
Khẩu chiến Trump - Merkel trước thượng đỉnh NATO (BBC, 11/07/2018)
Tổng thống Donald Trump bất đồng quan điểm với Thủ tướng Đức Angela Merkel về ảnh hưởng của Nga và chi tiêu quân sự ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels hôm 11/7.
Ông Trump nói Đức "hoàn toàn bị Nga chi phối" vì Đức nhập lượng khí thiên nhiên lớn từ Nga, và đây là "một điều tồi cho NATO".
Bà Merkel phản ứng lại bằng lời khẳng định nước Đức độc lập và ra các quyết định và chính sách riêng của mình.
Tại cuộc họp bữa sáng ở Brussels với Chủ tịch NATA ông Jens Stoltenberg, ông Trump nói : "Đức hoàn toàn bị chi phối bởi Nga vì họ sẽ nhập từ 60% đến 70% nhiên liệu từ Nga, và một đường ống mới, và các vị nói cho tôi biết xem điều đó có phải là đúng đắn không, bởi vì tôi nghĩ nó không đúng và tôi nghĩ đó là một điều rất xấu cho Nato".
Theo số liệu của EU, Nga cung cấp từ 50% đến 75% nguồn khí nhập khẩu của Đức, nhưng khí đốt chỉ chiếm chưa đầy 20% năng lượng của Đức.
Vị tổng thống Mỹ cũng chỉ trích nước Đức chỉ dành "hơn 1% một chút" GCP cho quốc phòng, so với 4,2% của Mỹ "theo con số thực".
Theo ước tính mới nhất của NATO, Đức chi 1,24% và Mỹ chi 3,5% GDP cho quốc phòng.
Dùng ngôn từ không thẳng thừng như vị tổng thống Mỹ, bà Merkel đáp trả rằng bà không cần bài học nào về cách quan hệ với các chế độ chuyên quyền, và nhắc lại bà đã từng lớn lên ở Đông Đức, nơi từng chịu ảnh hưởng của Liên Xô.
Tới trụ sở NATO chỉ vài giờ sau khi ông Trump chỉ trích nước Đức, bà Merkel nói : "Bản thân tôi đã trải nghiệm cuộc sống ở một phần nước Đức bị kiểm soát bởi Liên Xô. Tôi rất vui là hôm nay chúng tôi thống nhất trong tự do, Cộng hòa Liên bang Đức. Vì điều đó chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi có thể đưa ra các chính sách độc lập và đưa ra các quyết định độc lập. Điều đó rất tốt, nhất là cho những người ở Đông Đức".
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần trước, hai vị lãnh đạo cũng có ý kiến bất đồng về thương mại. Hai vị lãnh đạo sẽ gặp nhau hôm thứ Tư ở Brussels.
Bà Merkel (giữa) dẫn đầu nỗ lực đàm phán với ông Trump về thương mại tại Thượng đỉnh G7 ở Canada hồi tháng trước
Thượng đỉnh NATO lần này diễn ra chỉ chưa đầy một tuần trước khi ông Trump có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với tổng thống Nga Vladimir Putin ở Helsinki, làm dấy lên lo ngại một lần nữa của các đông minh Mỹ về mức độ gần gũi giữa Trump và Putin.
Ông Trump nói Mỹ đang bị "lợi dụng" bởi những thành đồng minh khác trong khối NATO, được thành lập năm 1946 để đối trọng với Liên Xô.
Vị tổng thống Mỹ cũng gây sốc khi cho rằng thượng đỉnh NATO có thể sẽ khó khăn hơn cuộc gặp với ông Putin vào thứ Hai tuần sau.
Ông Trump sẽ sang thăm Anh quốc vào hai ngày 12 và 13/7. Các cuộc biểu tình hòa bình phản đối ông Trump dự tính sẽ diễn ra ở một số địa điểm tại thủ đô London.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk hôm 10/7 cáo buộc ông Trump chỉ trích Châu Âu "gần như hàng ngày".
Ông viết trên Twitter : "Nước Mỹ thân mến, hãy tri ân các đồng minh của các bạn, rốt cuộc thì các bạn cũng không có nhiều [đồng minh]".
**************************
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu : Mỹ sẽ không thể nào có được đồng minh nào tốt hơn EU (CaliToday, 10/07/2018)
CNN – Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk hôm thứ ba 10/7 có viết trên Twitter cho Tổng thống Trump là ‘Hoa Kỳ sẽ không thể nào có được đồng minh nào tốt hơn là EU cả’, trước khi Tổng thống Trump thực hiện chuyến đi sang Châu Âu trong tuần này.
Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu - Photo Credit : CNN
Ông Tusk viết như sau : "Hoa Kỳ không sao có được, trong quá khứ cũng như trong tương lai, một đồng minh nào tốt hơn EU đâu. Chúng tôi chi xài về quân sự nhiều hơn Nga và tương đương với Trung Quốc đấy".
Ông Tusk là nhân vật từng chỉ trích mạnh mẽ thái độ của Tổng thống Trump đối với NATO. Khi Tổng thống Trump ra lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định nguyên tử đã ký với Iran, ông từng viết trên Twitter vào tháng 5 như sau : "Với kiểu bạn bè như ông Trump thì cần chi đến kẻ thù làm gì".
Trong tuyên bố chung hôm nay của NATO và khối EU có đoạn được ông Tusk nhắc lại như sau : "ông luôn luôn cần biết ai là chiến hữu chiến lược của mình và ai là kẻ gây cho ông vấn đề có tính cách chiến lược".
Ngoài ra trên bức điện Twitter gửi cho Tổng thống Trump, ông Tusk còn viết : "Tôi hy vọng ông hiểu đây là mối đầu tư vào an ninh của chúng ta, không thể cho là chi tiêu của Trung Quốc hay của Nga giống như với chúng ta được".
Tổng thống Trump cứ nhắc đi nhắc lại, trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Bỉ là ‘Hoa Kỳ chi xài nhiều lần hơn bất cứ thành viên nào của NATO chỉ để bảo vệ họ, thật là không công bằng cho người thọ thuế ở Mỹ, đó là chưa kể chúng tôi còn thua thiệt 151 tỉ đô la về mậu dịch với EU nữa’.
Ngoài vấn đề đóng góp tài chính cho quốc phòng, bầu không khí nặng nề ở hội nghị ở Bỉ lần này còn u ám thêm do cuộc chiến mậu dịch giữa Mỹ và Châu Âu, sau khi Tổng thống Trump loan báo cho tăng thêm thuế đánh vào các mặt hàng nhập cảng từ Châu Âu vào Mỹ.
Trường Giang
Các đồng minh NATO đang phản bác chỉ trích của Mỹ nói rằng họ chi tiêu chưa đủ cho quốc phòng, trong khi Tổng thống Donald Trump gia tăng sức ép trước một hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này vào tuần sau.
Một bản của lá thư mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi cho Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đòi Na Uy tăng chi tiêu quốc phòng cho NATO, chụp ở Washington, ngày 3 tháng 7, 2018.
Trong những tuần gần đây trước hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng 7 của NATO tại Brussels, ông Trump đã gửi thư đến Na Uy, các đồng minh Châu Âu khác và Canada yêu cầu họ gia tăng chi tiêu quốc phòng.
Sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, các đồng minh NATO đã nhất trí vào năm đó là sẽ chấm dứt cắt giảm ngân sách quốc phòng, bắt đầu chi tiêu nhiều hơn trong khi nền kinh tế của họ tăng trưởng và tiến tới mục tiêu 2 phần trăm GDP cho chi tiêu quốc phòng trong vòng một thập niên.
Trong một email gửi hôm thứ Ba cho hãng tin AP, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen nói "Na Uy vẫn tán thành quyết định của Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014 và đang có hành động theo sau quyết định này".
Na Uy đã chi "nhiều hơn nhiều" so với mục tiêu của NATO về thiết bị quân sự mới, ông nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen hôm thứ Ba nói "chúng tôi vẫn tán thành mục tiêu 2 phần trăm mà chúng tôi đã ấn định". Bà nói thêm "chúng tôi đang trên đường đạt được mục tiêu đó. Và chúng tôi đã sẵn sàng… gánh vác trách nhiệm đáng kể trong liên minh".
Khi nghe ý kiến nói rằng những lời giải thích của Đức về việc không chi tiêu 2 phần trăm GDP có thể vẫn không gây ấn tượng với ông Trump, bà vặn lại : "Chúng tôi không muốn gây ấn tượng với bất cứ ai".
Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới là cuộc họp quan trọng đầu tiên kể từ các cuộc họp G7 đầy những bất đồng ở Canada vào tháng trước. Các quan chức NATO lo ngại những chia rẽ xuyên Đại Tây Dương về vấn đề thuế quan thương mại và việc Mỹ rút khỏi hiệp định khí hậu toàn cầu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran có thể làm suy yếu sự thống nhất liên minh.
Trong thư gửi Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, đề ngày 19 tháng 6, ông Trump viết rằng dù đất nước của bà đóng vai trò quan trọng trong liên minh, song Na Uy "vẫn là đồng minh NATO duy nhất có chung đường biên giới với Nga mà vẫn không có một kế hoạch khả tín để chi tiêu 2 phần trăm tổng thu nhập quốc nội cho quốc phòng".
Lập trường này được nhắc lại trong một lá thư tương tự gửi cho Bỉ, trong đó ông Trump nói rằng "sẽ ngày càng khó biện minh với người dân Mỹ là tại sao một số nước tiếp tục không đáp ứng các cam kết an ninh tập thể của chúng ta".
Năm ngoái, ông Trump đã phê phán gay gắt các đối tác NATO của Mỹ, công khai chỉ trích họ vì chi tiêu chưa đủ và tuyên bố họ nợ tiền của Mỹ. Khi ông mới nhận nhiệm sở, ông thậm chí còn gợi ý rằng Mỹ - tới giờ là đồng minh hùng mạnh nhất của NATO - có thể không phòng vệ cho các quốc gia không làm tròn nghĩa vụ của họ.
Bất chấp những luận điệu chính trị từ chính quyền Trump, con số 2 phần trăm không liên quan đến chi tiêu cho NATO và không nước nào nợ liên minh hay bất kì đồng minh nào bất kì khoản tiền nào.
Mỹ chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn so với tất cả các nước khác cộng lại — 3,61 phần trăm GDP trong năm 2016, hoặc khoảng 664 tỉ đôla.