Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/05/2022

Phần Lan và Thụy Điển vào NATO, Nga hoàn toàn bị bao vây

RFI tổng hợp

Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO và những hệ lụy đối với Châu Âu

Minh Anh, RFI, 16/05/2022

Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraine khiến các nước Bắc Âu, vốn chủ trương trung lập và không liên kết, lo sợ. Phần Lan thông báo đệ đơn xin gia nhập khối NATO – Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương. Một tiến trình tương tự cũng đang được đảng cầm quyền tại Thụy Điển ủng hộ và nhắm tới thực hiện. Phải chăng đây là một bước ngoặt chiến lược thật sự cho NATO ? 

phanlan1

Thụy Điển, Phần Lan trước ngưỡng cửa NATO.  Reuters - Dado Ruvic

Một hồi chuông báo tử cho chiến lược tự chủ quốc phòng của Châu Âu ? Hay một hồi kết vĩnh viễn cho quan hệ Nga – phương Tây ?  

Ngần ấy câu hỏi đang được một số nhà quan sát độc lập đặt ra. Chủ nhật, 15/05/2022, hai nước Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển lần lượt thông báo ý định gia nhập Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Với những quyết định này, Helsinski xem như chấm dứt thế trung lập duy trì từ hơn nửa thế kỷ nay – một điều kiện cho việc ký kết hiệp ước hòa bình với Moskva, chấm dứt cuộc chiến với Liên Xô.  

Về phía Stockholm, việc đảng cầm quyền Xã Hội – Dân Chủ, quyết định bật đèn xanh cho việc đệ đơn xin gia nhập, cũng đặt dấu chấm hết cho chính sách "không liên kết" - kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại của Thụy Điển từ hơn 200 năm qua.   

Đang trong giai đoạn căng thẳng với Nga vì cuộc chiến tại Ukraine, những quyết định trên được cho là mang tính lịch sử, một bước ngoặt chiến lược của khối NATO. Từ chỉ có 12 nước thành viên lúc ban đầu (1949), NATO nay đã là một liên minh quân sự lớn nhất hành tinh có đến 30 nước tham gia, nhân danh chính sách "mở rộng cửa" được quy định trong điều khoản số 10.  

Nếu như Thụy Điển và Phần Lan được kết nạp, với sự hậu thuẫn của Na Uy (một trong số 12 nước sáng lập ban đầu), biên giới của NATO với Nga mở rộng thêm 1.000 km về phía bắc. Liên minh quân sự này có thể tổ chức tập trận và thiết lập các cơ sở quân sự ngay sát biên giới với Nga. Và nhất là vùng biển Baltic có nguy cơ biến thành "ao nhà" của NATO, cô lập hơn nữa cảng biển Saint-Petersbourg và vùng lãnh thổ lọt thỏm Kaliningrad của Nga. Báo Pháp Le Figaro nhắc lại, việc mở rộng NATO luôn là chiếc gai trong quan hệ NATO – Nga.  

Nhưng ông Anatol Lieven thuộc Quincy Institute for Responsible Statecraft, đặt câu hỏi : Thụy Điển và Phần Lan có nhất thiết phải gia nhập khối NATO, vốn dĩ đều là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, và đều được hưởng một hình thức bảo vệ chung cho dù không mạnh mẽ bằng điều khoản số 5 của NATO ?   

Một lần nữa, nhà nghiên cứu về Nga và Châu Âu, nhắc lại, trước những màn trình diễn tồi tệ của quân đội Nga hiện nay ở Ukraine, chưa có gì cho thấy là Nga đe dọa đến NATO và hai nước Bắc Âu. Ngay cả trong thời Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô luôn tuân thủ nghiêm túc các điều khoản trong hiệp ước với Phần Lan. Và cũng giống như Ukraine, cuộc chiến anh dũng của người dân Phần Lan đã thuyết phục Nga hiểu rằng Moskva khó thể đè bẹp được Helsinski.  

Thế nên, đối với ông Anatol Lieven, Thụy Điển xin vào NATO chỉ vì những lợi thế an ninh, muốn hưởng lợi chiếc ô quân sự của Mỹ mà không phải đóng góp gì nhiều, nhưng đồng thời vẫn tự do chỉ trích chính sách chủ nghĩa đế quốc và kỳ thị sắc tộc của Mỹ.  

Còn với Phần Lan, nhà nghiên cứu người Anh lấy làm tiếc rằng Helsinksi đang từ bỏ vai trò cầu nối Đông – Tây, nhà trung gian giữa Nga và phương Tây. Ông Louis Clerc, trường đại học Turku ở Phần Lan, trên đài RFI không quên nhắc lại rằng "cuộc gặp thượng đỉnh giữa Vladimir Putin và Donald Trump từng được diễn ra ở Helsinki, Phần Lan – một nước hiểu rõ Nga và trung gian giữa Nga và thế giới".  

Cuối cùng, từ những phân tích trên Anatol Lieven rút ra hai kết luận : Thứ nhất, sự việc cho thấy Châu Âu một lần nữa chối bỏ trách nhiệm và không muốn từ bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ. Chính sách của Hoa Kỳ và NATO đối với Nga trên thực tế là một "trò chơi có tổng bằng không" và Châu Âu ngoan ngoãn đi theo. Quan hệ tốt đẹp với Nga khó thể tái lập bất kể chế độ nào lên cầm quyền. Thứ hai là việc đẩy Nga ra khỏi các cấu trúc Châu Âu sẽ làm cho Moskva, về lâu dài, sẽ lệ thuộc chiến lược vào Trung Quốc và đưa siêu cường Châu Á này tiến gần hơn nữa đến biên giới phía đông của Châu Âu. 

Minh Anh

*********************

Thụy Điển từ bỏ chính sách "không liên kết", muốn gia nhập NATO

Minh Anh, RFI, 16/05/2022

Theo chân Phần Lan, đến lượt Thụy Điển tiến thêm một bước mới. Đảng Xã Hội – Dân Chủ cầm quyền ở Thụy Điển hôm 15/05/2022, thông báo ủng hộ xin ứng cử gia nhập NATO – Khối Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương.  

phanlan2

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tại cuộc họp báo ở trụ sở đảng Dân Chủ Xã Hội về quyết định gia nhập NATO, tại Stockhom, Thụy Điển, 15/05/2022  via Reuters - TT News Agency

AFP nhận định, điều đó có nghĩa là kể từ giờ không gì có thể ngăn cản Thụy Điển tham gia Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, cuộc tham vấn nội bộ đảng cầm quyền cho thấy có những chia rẽ, nhiều tiếng nói chỉ trích lên án một quyết định quá vội vã, nhằm đi theo lịch trình của Phần Lan.  

Với sự thay đổi đường hướng đối ngoại này của đảng cầm quyền, Nghị Viện giờ đã có một đa số rõ nét hậu thuẫn cho tiến trình xin gia nhập. Các đảng cánh hữu và cực hữu từ lâu ủng hộ Thụy Điển tham gia vào khối quân sự này với điều kiện quy trình phải được tiến hành cùng Phần Lan. 

Thông tín viên đài RFI, Frédéric Faux, đánh giá, đây thật sự là một bước ngoặt lịch sử, do việc từ hơn hai thế kỷ nay, vương quốc Thụy Điển luôn theo đuổi một chính sách "phi liên kết". 

"Thông báo được đưa ra vào Chủ nhật, cuối buổi chiều, trong một buổi họp báo do nữ thủ tướng Thụy Điển chủ trì. Bà Magdalena Andersson tuyên bố : "Chúng tôi, đảng Xã Hội – Dân Chủ, nghĩ rằng điều tốt nhất cho Thụy Điển và an ninh của người dân Thụy Điển chính là chúng ta phải gia nhập NATO. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ rời xa một chính sách an ninh mà chúng ta đã ít nhiều theo đuổi từ hơn 200 năm qua". 

Thụy Điển từ bỏ chính sách không liên kết, kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại kể từ khi thống chế Bernadotte lên ngôi vua của vương quốc Thụy Điển. Đương nhiên, đảng Xã Hội – Dân Chủ cầm quyền đã đề nghị không nên có căn cứ quân sự thường trực của NATO trên lãnh thổ quốc gia, hay vũ khí hạt nhân, nhưng quả thực đây là một sự sang trang cho đảng này và cho cả đất nước nữa, vốn dĩ từ lâu luôn ngờ vực về một liên minh quân sự do Mỹ thống trị. 

Nhưng chiến tranh ở Ukraine đã thay đổi tất cả, và tiến trình tương tự cũng được thực hiện tại Phần Lan. Chủ nhật, nước này đã trình bày một dự án xin gia nhập, còn phải được bỏ phiếu thông qua ngay ngày thứ Hai này. Phần Lan và Thụy Điển muốn phối hợp hành động, và đây chính là những gì họ muốn thể hiện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước mà tổng thống Phần Lan sẽ tiến hành trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư (18/5) tại Thụy Điển".

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 439 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)