"Cách mạng sinh thái" tại Pháp : Chính quyền Macron có đủ khả năng thực thi ?
Những thách thức với tân thủ tướng Pháp, trước hết trong lĩnh vực sinh thái, môi trường, là chủ đề chính trang nhất của nhiều báo Pháp hôm nay. Cuộc đối đầu phương Tây – Nga trên nhiều "mặt trận" tiếp tục là chủ đề chính khác : từ mặt trận NATO, với sự lùi bước của Nga khi Phần Lan, Thụy Điển quyết định gia nhập khối, đến mặt trận khí đốt với việc Nga giành thắng lợi bước đầu khi buộc Châu Âu gánh chịu nhiều tổn thất tài chính.
Một cuộc tuần hành của giới trẻ vì Khí hậu tại Paris, ngày 25/03/2022, trước vòng một bầu cử tổng thống Pháp. Khẩu hiệu trong ảnh : "2018 – 2022 : Chúng tôi đã lớn lên. Nỗi giận dữ của chúng tôi cũng vậy". © AFP – Thomas Samson
Trước hết về chính trị nước Pháp, việc tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm thủ tướng mới chiều tối thứ Hai 15/05/2022 tiếp tục là chủ đề chính của các báo. Le Monde chạy tít lớn trang nhất : "Elisabeth Borne, thủ tướng của sự tiếp nối". Le Monde nhấn mạnh đến việc tổng thống Macron chọn lựa một nhân vật "xuất thân từ cánh tả nhưng không khiến cánh hữu lo ngại", và "nữ thủ tướng, không thực sự có một trọng lượng về chính trị, nên không có khả năng lấn át tổng thống".
Trúng cử Quốc hội : Thách thức lớn đầu tiên của tân thủ tướng Pháp
Xã luận Le Monde nhan đề "Nhà kỹ thuật cần phải trở thành chính trị gia" khẳng định thế mạnh của tân thủ tướng. Nữ thủ tướng Elisabeth Borne từng đảm nhiệm nhiều chức vụ bộ trưởng, bộ trưởng Lao động, bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái, bộ trưởng Giao thông. Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, và Đại học Cầu Đường nổi tiếng (Ecole nationale des Ponts et Chaussées), nữ thủ tướng Borne nắm vững khía cạnh kỹ thuật của các hồ sơ lớn, từ sinh thái đến bảo vệ sức mua, hay việc làm… Bà được coi là "đại diện cho giới tinh hoa kỹ trị" của nước Pháp.
Tuy nhiên, theo Le Monde, ưu điểm này có thể trở thành một nhược điểm với thách thức tranh cử Quốc hội trước mắt, "nếu nhà kỹ thuật không tỏ ra là một chính trị gia". Một nhược điểm khác là việc một đại diện cho giới tinh hoa kỹ trị được cử làm thủ tướng có nguy cơ làm gia tăng "sự rạn nứt giữa thượng đỉnh quyền lực và xã hội bên dưới" tại Pháp.
Việc nữ thủ tướng Borne ra tranh cử Quốc hội ngay sau khi được bổ nhiệm, có thể coi là một thách thức lớn đầu tiên. Đây cũng là lần đầu tiên, Elisabeth Borne ra tranh cử. Nếu không vượt qua được thử thách sống còn này, bà Borne sẽ không thể tiếp tục đảm nhiệm cương vị người đứng đầu chính phủ.
Theo Le Monde, việc tổng thống Macron đưa Elisabeth Borne lên tuyến đầu cho thấy nguyên thủ Pháp hiểu rằng "cuộc đối đầu của ông với cánh tả triệt để và cánh cực hữu diễn ra trước hết trên lĩnh vực xã hội". Đối với tổng thống Macron, Elisabeth Borne đã đóng vai trò quan trọng trong việc "giảm căn bản tình trạng thất nghiệp". Ngược lại, đối với các lãnh đạo cực tả và cực hữu, bà Borne được coi là hiện thân cho "cuộc cải cách bảo hiểm thất nghiệp, chống lại lợi ích của nhiều nghiệp đoàn". Le Monde dự đoán lĩnh vực mâu thuẫn cao độ này "hứa hẹn những đối đầu đặc biệt quyết liệt".
Tổng thống Macron không vội lập chính phủ
Trong lúc Le Monde quan tâm đến thách thức lớn sống còn đầu tiên đón đợi tân thủ tướng, Le Figaro tìm cách làm sáng tỏ chiến lược của tổng thống Macron với tít lớn trang nhất : "Elisabeth Borne được bổ nhiệm, Macron chuẩn bị phần tiếp". Le Figaro nhấn mạnh đến chủ trương hành động của tổng thống. Trái ngược với sự chờ đợi của nhiều người, thành phần chính phủ sẽ chỉ được công bố "trong những ngày tới".
Bài "Macron muốn xây dựng chính phủ theo hai giai đoạn" của Le Figaro cho biết rõ là tổng thống và tân thủ tướng bảo đảm "việc xử lý các hồ sơ hiện tại vẫn tiếp tục diễn ra bình thường cho đến khi bổ nhiệm chính phủ mới". Không có cuộc họp Hội đồng bộ trưởng mới dự kiến hôm nay. Chính quyền Macron không vội vã trong việc thúc đẩy các hồ sơ lớn của nhiệm kỳ thứ hai.
Thay vì bổ nhiệm đồng loạt các thành viên chính phủ, tổng thống Macron chọn việc bổ nhiệm trước hết lãnh đạo một số bộ quan trọng, như Y tế, Giáo dục và Lao động, được xác định có tầm cỡ tương đương với lĩnh vực Sinh thái. Tiếp theo đó là các bộ lớn khác, như Kinh tế và Tài chính, và bốn bộ trụ cột của chính quyền, là Nội vụ, Tư pháp, Ngoại giao và Quốc phòng. Cuối cùng mới đến lượt các bộ khác.
Theo Le Figaro, mục tiêu của tổng thống Macron khi xây dựng chính phủ thận trọng, dần từng bước như trên là nhằm huy động được đông đảo sự ủng hộ từ phía các đảng phái chính trị, cánh hữu cũng như cánh tả "theo xu hướng tự do", nhằm giành được đủ đa số đáng kể tại Quốc hội. Le Figaro nhấn mạnh đến thành công bước đầu của "phương pháp Macron". Cựu ứng viên tổng thống cánh hữu đảng LR Valérie Pécresse "nhiệt liệt hoan nghênh" tân thủ tướng ngay lập tức sau khi bà Borne được bổ nhiệm.
Sinh thái : Phát biểu "yếu ớt" của tân thủ tướng gây lo ngại
Trong lúc tổng thống Macron tỏ ra không vội vã trong việc xây dựng chính phủ mới, hàng tựa lớn trang nhất của nhật báo thiên tả Libération nhấn mạnh đến tính chất khẩn cấp của cuộc chiến Khí hậu : "Biến đổi khí hậu. Tình hình đã khẩn lắm rồi : Khẩn tương đối ? Khẩn nhiều ? … hay … ?".
Libération nhận định : "Kể từ giờ, thủ tướng Elisabeth Borne 'trực tiếp phụ trách kế hoạch hóa sinh thái' phải trực tiếp đối mặt với các công trình lớn (liên quan đến khí hậu) mà nước Pháp đang bị chậm trễ nghiêm trọng".
Libération có hồ sơ "Elisabeth Borne : Nhà sinh thái chừng mực" khẳng định tân thủ tướng "nắm rõ hồ sơ này, nhưng hiện tại còn xa bà mới thuyết phục được công chúng". Thủ tướng sẽ là người chịu trách nhiệm về "kế hoạch hóa sinh thái" vốn là một đề xuất bất ngờ, gây ấn tượng của tổng thống tái tranh cử Emmnuel Macron, chỉ một tuần trước vòng hai cuộc bầu cử tổng thống. Hay nói cách khác là nâng tầm cỡ của mục tiêu sinh thái trong nhiệm kỳ tới. Ý tưởng "kế hoạch hóa sinh thái" - vốn là một cốt lõi trong cương lĩnh tranh cử của ứng viên tổng thống cực tả Jean-Luc Mélenchon - đã được tổng thống Macron sử dụng để thu hút các cử tri cánh tả, vốn thiện cảm với đảng Xã hội và đảng Xanh.
Về nguyên tắc, mục tiêu chuyển sang xã hội sinh thái cũng là điều vốn dĩ đã được chính quyền Macron đề cao. Tuy nhiên, Libération tỏ ra nghi ngờ về khả năng của tân thủ tướng có thể dẫn dắt chính phủ thực thi mục tiêu chuyển đổi sinh thái, cho dù "lẽ dĩ nhiên còn phải đợi thành phần chính phủ mới" và đặc biệt là diễn văn về chính sách chung của bà Borne, sau cuộc bầu cử Quốc hội. Xã luận Libération nhan đề "Đường hướng" đưa ra cảm nhận không an tâm sau phát biểu nhậm chức của tân thủ tướng. "Cần phải hành động nhanh hơn và mạnh hơn" trước "các thách thức khí hậu và sinh thái" - câu nói ngắn ngủi không gây ấn tượng của tân thủ tướng Elisabeth Borne "không tạo cảm giác an tâm" trước các thách thức khổng lồ hiện nay trong lĩnh vực này.
Theo Libération, diễn đạt yếu ớt này không tương đương với tầm cỡ của cuộc chiến vì sinh thái và khí hậu, mà nhiều nhà môi trường gọi là "cuộc chiến của thế kỷ". "Cuộc chiến của thế kỷ" cũng là diễn đạt mà chính bản thân tổng thống Macron đã sử dụng trong bài diễn văn tại Marseilles, trong cuộc mít tinh tranh cử lớn duy nhất của ứng viên tổng thống mãn nhiệm giữa hai vòng bầu cử.
Libération đặt câu hỏi : Liệu hai lãnh đạo hành pháp, tổng thống và thủ tướng, có hiểu được rằng chính phủ Pháp sẽ không có lựa chọn nào khác là tiến hành một cuộc "cách mạng sinh thái" ?
Tân chính phủ cần thực thi ngay các mục tiêu của "Hội nghị Công dân vì Khí hậu"
Nhật báo thiên tả có bài phỏng vấn nghị sĩ đảng Xanh Châu Âu Marie Toussaint, nhan đề "Marie Toussaint : Tôi hy vọng bà ấy sẽ làm ngược lại với những gì tôi dự đoán (dự đoán về khả năng tân thủ tướng sẽ thất bại trong mục tiêu sinh thái)". Việc bổ nhiệm một phụ nữ làm thủ tướng Pháp được khen ngợi là "một quyết định có ý nghĩa biểu tượng", thế nhưng theo nữ nghị sĩ đảng Xanh, những gì chính quyền Macron đã làm trong lĩnh vực môi trường 5 năm vừa qua "là rất tệ hại".
Thay vì những "thay đổi mang tính hệ thống", chính quyền Macron lại chỉ đưa ra các biện pháp mang tính thỏa hiệp. Theo nghị sĩ đảng Xanh Châu Âu Marie Toussaint, "quyết định đầu tiên" mà tân thủ tướng cần đưa ra là thực thi "các đề xuất" của Hội nghị Công dân về Khí hậu. Hội nghị Công dân về Khí hậu ra đời sau phong trào phản kháng Áo Vàng, do chính tổng thống Macron bật đèn xanh cho việc tổ chức. Theo nhiều nhà môi trường, nhiều đề xuất của Hội nghị Công dân về Khí hậu sau đó đã bị chính quyền gạt đi, hoặc hạ thấp tầm mức.
Theo Libération, có "5 lĩnh vực lớn" mang tính khẩn cấp về sinh thái, đón đợi tân thủ tướng. Cụ thể là : xem xét lại chiến lược về năng lượng để phát triển mạnh năng lượng tái tạo, thúc đẩy các cách tân trong tiết kiệm năng lượng sưởi ấm nhà ở, bảo vệ đa dạng sinh học, chuyển đổi nông nghiệp, và cải tổ ngành giao thông. Libération nhấn mạnh đến nhiều điểm tụt hậu của Pháp, cụ thể như vào thời điểm hiện tại Pháp là quốc gia duy nhất của Châu Âu không đạt mục tiêu về năng lượng tái tạo.
Pháp : Cần phá bỏ "các rào cản với năng lượng tái tạo"
Thách thức sinh thái với chính phủ Pháp cũng là nhan đề trang nhất của La Croix, với hồ sơ trang nhất "Các năng lượng tái tạo : Phá bỏ các rào cản". Nhật báo Công giáo không nghi ngờ gì về việc liên đảng cầm quyền của tổng thống Macron sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6 tới, nhưng nêu bật thách thức số một với tân chính phủ trong lĩnh vực sinh thái.
Cũng như Libération, đối với La Croix, năng lượng là lĩnh vực số một. Quốc hội mới sẽ phải thông qua ngay từ mùa hè này các biện pháp giúp cho việc triển khai mạnh mẽ điện gió và điện mặt trời. Và một thảo luận lớn toàn quốc về năng lượng sẽ phải được khởi sự ngay khi ra hè. Ưu tiên đầu tiên sẽ phải là điện mặt trời, bởi đây là loại điện rẻ tiền và dễ hòa nhập với cảnh quan hơn nhiều. Điện gió ngoài khơi cũng sẽ phải là một ưu tiên khác.
Cần huy động "đủ phương tiện" để thực thi các mục tiêu…
Khác với Libération, La Croix tỏ ra tin tưởng vào "lộ trình hành động" của tân chính phủ, với một cương lĩnh và lịch trình đã được biết trong việc ra các luật mới về chuyển đổi sinh thái. Theo kế hoạch của chính quyền Macron, Quốc hội mới sẽ ra một luật về chương trình nhiều năm về năng lượng (PPE) đến 2033, dự kiến sẽ bỏ phiếu trước tháng 7/2023.
Tin tưởng vào "lộ trình" của chính quyền Macron, nhưng La Croix cũng ghi nhận "thách thức lớn nhất" là "tạo các điều kiện" để lộ trình về nguyên tắc nói trên có thể được thực thi. Trả lời La Croix, một chuyên gia nhận định : "nước Pháp không thiếu các kế hoạch" về chuyển đổi năng lượng, vấn đề là "không có các phương tiện để thực thi mục tiêu". Nhiều kế hoạch tương tự trong lĩnh vực này đã thất bại.
…và "thu hút" đông đảo dân chúng tham gia
Bên cạnh các phương tiện của chính quyền, điều quan trọng hàng đầu là phải huy động được đông đảo dân chúng tham gia vào công cuộc "chuyển đổi sinh thái" là thông điệp của ông Thierry Pech, tổng giám đốc viện tư vấn Terre Nova, trong bài trả lời phỏng vấn La Croix "Nghệ thuật của chính trị chỉ nằm ở chỗ thu hút được đông đảo dân chúng". Ông Thierry Pech là đồng chủ tịch ủy ban điều hành Hội nghị Công dân vì Khí hậu (cùng với nhà khí hậu học Laurence Taubiana, một kiến trúc sư của Hiệp định Khí hậu Paris 2015). Ủy ban có sự tham gia của bộ trưởng sinh thái và nhiều chuyên gia hàng đầu về khí hậu.
Chuyên gia Thierry Pech nhấn mạnh đến bài học để lại từ cuộc nổi dậy của phong trào xã hội Áo Vàng tại Pháp năm 2018, chống giá xăng dầu tăng do "thuế sinh thái". Theo tổng giám đốc viện tư vấn Terre Nova, để cuộc chuyển đổi sinh thái thành công trong những năm tới, cần có các chính sách ưu tiên nhắm vào các thành phần khó khăn nhất, mang lại cho họ các giải pháp thiết thực. Vừa giúp họ cải thiện được "sức mua", vừa góp phần cho việc thoát khỏi các năng lượng hóa thạch. Theo chuyên gia Thierry Pech, trách cứ Macron là đã "không hành động vì khí hậu" là "quá đáng và bất công", nhưng thách thức hiện nay là vô cùng lớn. "Thời gian của những hứa hẹn to lớn đã qua", giờ là lúc phải có "các hành động thiết thực" để thực thi các mục tiêu đã đề ra.
Phần Lan và Thụy Điển : "Putin lùi bước trước NATO"
Về thế đối đầu phương Tây – Nga, La Croix có bài xã luận : "Putin lùi bước trước NATO". Hôm qua, Quốc hội Phần Lan đã bỏ phiếu thông qua quyết định gia nhập NATO. Hôm trước đó Thụy Điển cũng quyết định gia nhập NATO, chấm dứt chính sách trung lập có tuổi đời hai thế kỷ.
Đây là "một đòn đau" với chính quyền Putin theo nhật báo công giáo Pháp, nhất là khi Moskva "không dự đoán được trước hệ quả này" khi tấn công Ukraine. Bởi một trong những đích chính của ông Putin khi tấn công Ukraine là để ngăn Kiev gia nhập NATO, thế nhưng hệ quả là gậy ông đập lưng ông. Hành động táo tợn của chính quyền Nga đã đẩy hai quốc gia Bắc Âu quyết định gia nhập NATO để được bảo vệ.
La Croix cũng ghi nhận phản ứng chừng mực của chính quyền Nga, khi tổng thống Putin khẳng định việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối không phải là một "đe dọa trực tiếp" với Nga.
Khí đốt : "Chiếc bẫy đáng sợ của Putin"
Năng lượng cũng là đấu trường chính giữa phương Tây và Nga. Quân đội Nga gặp nhiều thất bại trên trên chiến trường, nhưng cuộc chiến Nga tại Ukraine hứa hẹn sẽ lâu dài, và cuộc chiến về năng lượng giữa Châu Âu và Nga chắc chắn sẽ còn nhiều căng thẳng. Nhật báo kinh tế Les Echos có hồ sơ trang nhất : "Khí đốt : chiếc bẫy đáng sợ của Putin", cho biết việc Châu Âu quyết định hướng đến ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga, coi như một biện pháp trừng phạt mạnh với hy vọng ngăn chặn quyết tâm chiến tranh của tổng thống Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, với Châu Âu đây thực sự là một con dao hai lưỡi.
Hiện tại chính quyền Nga đã thu hoạch được nhiều lợi ích về kinh tế. Chiến tranh Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây thúc đẩy giá năng lượng tăng thêm. Năm nay, dự kiến Nga sẽ thu được 100 tỉ đô la tiền khí đốt từ Châu Âu, gần gấp đôi với năm ngoái. Và hiện tại, số tiền lời do Nga thu được từ bán khí đốt cho Châu Âu tăng vọt, cho dù số lượng khí nhập giảm sút, nhờ việc giá tăng mạnh.
Hai mục tiêu trong một : Thoát khí đốt Nga và chuyển sang kinh tế Xanh
Nước Nga đang thắng hiệp đầu trong cuộc chiến khí đốt với Châu Âu. Tuy nhiên, cuộc chiến về khí đốt hứa hẹn còn kéo dài. Les Echos có bài "Châu Âu đang khẩn trương hoàn tất kế hoạch từ bỏ khí đốt Nga". Les Echos nhấn mạnh là : "vấn đề hiện tại không còn là Châu Âu sẽ từ bỏ khí đốt của Nga hay không, mà là từ bỏ bằng cách nào, và làm thế nào để làm được nhanh". Đây là chủ đề trọng tâm của các định chế Châu Âu trong tuần này.
Kế hoạch RePowerEU (hay "Lấy lại Sức mạnh cho Châu Âu") dựa trên ba trục chính : tăng cường tiết kiệm năng lượng, đa dạng hóa các nguồn cung (trong đó có việc xây dựng các đường ống khí đốt khác) và thúc đẩy mạnh các năng lượng tái tạo. Ủy Ban Châu Âu dự kiến giảm 13% tiêu thụ năng lượng từ đây đến 2030 (so với 9% trước đó). Tăng năng lượng tái tạo lên 45% (so với 40% trước đó).
Để tránh gây áp lực quá mức đối với một số quốc gia, Ủy Ban Châu Âu không đặt mục tiêu về thời hạn để thoát khỏi hoàn toàn năng lượng hóa thạch Nga. Tốc độ rời bỏ phụ thuộc nhiều vào khả năng chi trả cho kế hoạch RePowerEU của mỗi nước.
Tình hình "giá cả năng lượng tăng vọt và việc Nga gia tăng các biện pháp bắt chẹt" buộc Liên Âu phải tăng tốc. Về chủ đề này, Le Figaro có bài "Châu Âu : Kế hoạch 210 tỉ để thoát khỏi Moskva". Ủy Ban Châu Âu hôm nay giới thiệu kế hoạch để Liên Âu ngừng phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch Nga. Mỗi thành viên Liên Hiệp Châu Âu có trách nhiệm bổ sung một chương về RePowerEU trong kế hoạch chấn hưng đã có.
Một nguồn tin của Le Figaro cho biết dự án RePowerEUcó thể ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển sang nền kinh tế không năng lượng hóa thạch vào năm 2050 (New Geen Deal). Trên thực tế, ngoài việc phải đưa vào một số thay đổi ngược với dự án chuyển sang kinh tế Xanh, như phải đầu tư thêm cho đường ống khí đốt mới…, hai trục chính còn lại trùng với dự án chuyển sang nền kinh tế không phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Trọng Thành