Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/02/2022

Tấn công vào Ukraine : Tổng thống Nga bị bỏng tay và cô lập

RFI tổng hợp

Tổng thống Nga "sẵn sàng" đàm phán với Ukraine ở Minsk

Thanh Phương, RFI, 26/02/2022

Trong lúc chiến sự đang diễn ra ác liệt tại Kiev, Nga đề nghị đàm phán với Ukraine. Theo các hãng thông tấn Nga, được AFP trích dẫn, ngày 25/02/2022, phát ngôn viên của tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẵn sàng gởi một phái đoàn đến thủ đô Minsk của Belarus để đàm phán với Ukraine. Belarus là quốc gia đã cho phép quân đội Nga sử dụng lãnh thổ để xâm lược Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm qua tuyên bố Moskva sẵn sàng đàm phán nếu Ukraine chấp nhận "buông súng".

tancong1

Ảnh ghép : Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensk.  Tiziana FABI, ludovic Marin / AFP

Trước khi phát động cuộc tấn công vào Ukraine, điện Kremlin vẫn dứt khoát từ chối đàm phán với Kiev, mặc dù tổng thống Zelensky đã liên tục đề nghị. Vài giờ trước khi quân Nga tiến vào Ukraine, ông Zelensky đã cố liên lạc qua điện thoại với tổng thống Putin nhưng không được.

Theo hãng tin Reuters, qua các mạng xã hội, phát ngôn viên của tổng thống Zelensky tối qua cho biết Ukraine và Nga đang thảo luận về địa điểm và lịch trình đàm phán. Phía Kiev thì đề nghị chọn thủ đô Vacxava của Ba Lan làm nơi đàm phán.

Tối qua, Hungary đã đề nghị đón tiếp hòa đàm Nga-Ukraine tại Budapest. Trên trang Facebook, ngoại trưởng Peter Szijarto cho biết ông đã đưa ra đề nghị này với ngoại trưởng Nga Lavrov và giám đốc văn phòng tổng thống Ukraine Andriy Yermak, cả hai đều cho biết sẽ "nghiên cứu" đề nghị của Hungary.

Là thành viên Liên Hiệp Châu Âu, kể từ khi ông Viktor Orban lên làm thủ tướng, Hungary trong những năm gần đây đã xích gần lại nước Nga. Tuy nhiên, hôm thứ năm vừa qua, ông Orban đã lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine.

Trong khi đó, Washington chỉ trích đề nghị đàm phán của Nga. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố Hoa Kỳ nghĩ rằng Ukraine không nên chấp nhận đề nghị đàm phán của Nga, bởi vì theo ông, thảo luận dưới sự đe dọa "không phải là ngoại giao thật sự".

Thanh Phương

********************

Phương Tây trừng phạt tổng thống Nga Putin và ngoại trưởng Lavrov

Thu Hằng, RFI, 26/02/2022

Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngoại trưởng Lavrov bị các nước phương Tây cáo buộc "chịu trách nhiệm" gây chiến tại Ukraine. Ngày 25/02, tổng thống Joe Biden thông báo Washington cấm hai lãnh đạo này của Nga vào lãnh thổ Mỹ.

tancong2

Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc gặp với tổng thống Mỹ Joe Biden tại Genève, Thụy Sĩ, ngày 16/06/2021.  AP - Patrick Semansky

Đây là quyết định hiếm hoi và mang tính biểu tượng cao của Mỹ. Ông Putin và ông Lavrov nằm trong danh sách những nhà lãnh đạo bị Mỹ trừng phạt trực tiếp, gồm lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, tổng thống Syria Bachar Al Assad.

Cũng trong ngày 25/02, Liên Hiệp Châu Âu thông qua việc trừng phạt tổng thống Putin và ngoại trưởng Lavrov.

Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :

"Tổng thống Vladimir Putin và ngoại trưởng Sergey Lavrov sẽ bị phong tỏa toàn bộ tài sản mà họ có ở Liên Hiệp Hiệp Châu Âu. Hiện tại, tiến trình thẩm định tài sản, nếu có, ở Liên Âu của hai quan chức cao nhất điện Kremlin vẫn chưa diễn ra, dù hôm Chủ Nhật (20/02), người ta nói rất nhiều đến việc một du thuyền mà ông Putin sở hữu đột nhiên rời khỏi một cảng ở Đức. Nhưng dù sao các biện pháp trừng phạt này trước hết mang ý nghĩa biểu tượng.

Tuy nhiên, tổng thống Putin và ngoại trưởng Lavrov không bị cấm vào lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu, vì đây là cách để ngỏ cánh cửa cho khả năng nối lại con đường ngoại giao.

Đại sứ thường trực của 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles đã đưa ra quyết định trừng phạt đích danh hai lãnh đạo Nga hôm thứ Sáu (25/02). Những biện pháp này được các ngoại trưởng Liên Âu thông qua trong cuộc họp bất thường ở Bruxelles sau thượng đỉnh trong đêm thứ Năm của các lãnh đạo EU. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh rằng Liên Hiệp Châu Âu phải "trừng phạt nghiêm khắc" hai lãnh đạo chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine. Còn đối với ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, "cần phải bóp nghẹt chế độ".

Cùng lúc, các bộ trưởng Tài chính cũng đang nghiên cứu những biện pháp trừng phạt tài chính mới đối với lĩnh vực ngân hàng Nga. Còn Ngân hàng Trung ương Châu Âu đang đánh giá tác động của việc loại trừ Nga khỏi hệ thống liên ngân hàng Swift".

Anh, Canada cũng quyết định phong tỏa tài sản của tổng thống Nga và ngoại trưởng Lavrov, nếu có, ở những nước này. Ngày 26/02, Úc cho biết đang chuẩn bị biện pháp tương tự sau khi đã trừng phạt 8 nhà tài phiệt thân tổng thống Putin và toàn bộ 339 nghị sĩ Nga công nhận độc lập của hai nước Cộng Hòa tự xưng ở vùng Donbass.

Trong lĩnh vực hàng không, sau Moldova, đến lượt Ba Lan, Cộng Hòa Séc, Bulgari thông báo đóng không phận đối với các hãng hàng không Nga, kể từ 0 giờ ngày 26/02. Trước đó, theo AFP, Anh Quốc thông báo cấm máy bay tư nhân Nga vào không phận nước này.

Thu Hằng

**********************

Nga tấn công Ukraine : Châu Âu thông qua hàng loạt biện pháp trừng phạt Moskva

Chi Phương, RFI, 25/02/2022

Ngay sau khi Nga tấn công Ukraine rạng sáng thứ Năm, 24/2, tối cùng ngày, lãnh đạo 27 quốc gia Liên Hiệp Châu Âu họp khẩn cấp, tại Bruxelles, Bỉ, thông qua hàng loạt các biện pháp trừng phạt Moskva. Các biện pháp mới được cho là nghiêm khắc hơn so với các trừng phạt được đưa ra vào đầu tuần.

tancong3

Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell (phải) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu với báo giới về hồ sơ Ukraine, từ Bruxelles, ngày 24/02/2022.  © AP/Pool AFP

Các lãnh đạo Liên Âu cho biết sẽ "tấn công" trừng phạt Nga trong 5 lĩnh vực : tài chính, năng lượng, vận tải, cũng như cấm vận xuất khẩu và các chính sách thị thực. 

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet cho biết thêm : 

"Thông qua các trừng phạt, Châu Âu cho rằng có thể "tấn công trực diện" vào 70 % lĩnh vực ngân hàng của Nga, theo đó các ngân hàng Nga sẽ không còn quyền tiếp cận thị trường vốn cũng như nhiều doanh nghiệp lớn của Nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng. Châu Âu hy vọng các trừng phạt này sẽ làm xói mòn ngành công nghiệp và khả năng vay, cũng như làm lạm phát trầm trọng hơn. 

Sẽ có cấm vận đối với xuất khẩu và việc tài trợ cho xuất khẩu trong các lĩnh vực chủ chốt của Nga. Đầu tiên là lĩnh vực năng lượng, nhằm ngăn cản Moskva duy trì và hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu. Tiếp đó là lĩnh vực vận tải hàng không, ngăn chặn việc cung ứng cho Nga các linh kiện phụ tùng, bởi vì 3/4 máy bay thương mại Nga là do Châu Âu và Bắc Mỹ chế tạo. Cuối cùng là nguồn cung ứng căn bản phục vụ ngành công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn nhằm ngăn chặn kinh tế Nga phát triển.

Tuy nhiên, Châu Âu vẫn chưa quyết định ngăn chặn các tổ chức tài chính Nga tham gia vào hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT. Nếu thực hiện biện pháp trừng phạt này, các tổ chức tài chính Nga sẽ bị ngắt kết nối với lĩnh vực tài chính toàn cầu".

Theo AFP, sáng thứ Sáu, 25/2, trước khi tham dự cuộc họp của các bộ trưởng tài chính của Liên Hiệp Châu Âu, bộ trưởng tài chính Pháp, Bruno Le Maire, tuyên bố mong muốn "cắt đứt tất cả liên hệ của Nga với hệ thống tài chính toàn cầu". Liên quan đến hệ thống trao đổi ngân hàng quốc tế SWIFT, ông Le Maire cho biết Liên Âu vẫn chưa đưa ra quyết định, đặc biệt là vì sự miễn cưỡng từ Đức : "Đó là lựa chọn cuối cùng". 

Chi Phương

**********************

Khủng hoảng Ukraine : Mỹ ban hành loạt trừng phạt mới nhắm vào Nga

Trọng Nghĩa, RFI, 25/02/2022

Đúng như đã đe dọa, Hoa Kỳ ngày 24/02/2022 ban hành một loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga nhằm đáp trả hành động gây hấn quân sự của Nga đối với Ukraine. Đích thân tổng thống Mỹ Joe Biden đã loan báo quyết định này, kèm theo lời cảnh cáo là lệnh trừng phạt mới sẽ có những hậu quả "nghiêm trọng, tức thời và lâu dài" đối với nền kinh tế Nga.

tancong4

Tổng thống Mỹ Joe Biden sau bài phát biểu về khủng hoảng Ukraine, ngày 24/02/2022, tại Nhà Trắng, Washington. AP - Alex Brandon

Phát biểu tại Washington, chỉ vài giờ sau khi tiếp xúc trực tuyến với các nhà lãnh đạo khác trong nhóm G7 nhằm phối hợp hành động để đối phó với các diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng, ông Biden đã chỉ trích tổng thống Nga Vladimir Putin về việc khởi động "một cuộc chiến một cách vô cớ", đồng thời cảnh báo là Washington sẵn sàng triển khai các biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn để cô lập Nga khỏi kinh tế thế giới. 

Loạt trừng phạt bổ sung của Mỹ tập trung trên hai lãnh vực : Hạn chế xuất khẩu qua Nga và hạn chế khả năng của Nga trong việc giao thương bằng đô la Mỹ, đồng euro Châu Âu, đồng bảng Anh và đồng yen Nhật Bản. 

Theo chính phủ Hoa Kỳ, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ cắt đứt hơn một nửa nhập khẩu công nghệ cao của Nga, hạn chế nghiêm trọng khả năng nước này tiếp cận công nghệ và các mặt hàng khác để duy trì "khả năng quân sự năng động". 

Washington cũng quyết định cắt đứt kết nối của Sberbank, ngân hàng tín dụng lớn nhất của Nga, với hệ thống tài chính của Hoa Kỳ. Tài sản của Ngân Hàng VTB, định chế tài chính lớn thứ hai của Nga có liên kết với hệ thống tài chính Hoa Kỳ, cũng bị phong tỏa. 

Từ Washington, thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường thuật :

"Đây là phát biểu đầu tiên của ông Joe Biden kể từ khi chiến sự bùng lên ở Ukraine. Tổng thống Mỹ tố cáo quyết định có tính toán trước của một bạo chúa.  

Hoa Kỳ không gửi binh sĩ đến Ukraine nhưng tiếp tục đánh vào túi tiền của Nga. Tài sản của các nhân vật quan trọng tại Nga cũng bị phong tỏa, tương tự như 4 ngân hàng Nga khác, ngoài hai ngân hàng đã bị đưa vào sổ đen. Khả năng hoạt động của các thực thể bị trừng phạt trên các thị trường phương Tây sẽ bị hạn chế đáng kể.  

Tuy nhiên, việc Nga tiếp cận hệ thống SWIFT, cơ chế hỗ trợ trao đổi giữa các ngân hàng quốc tế, vẫn được duy trì. Cấm Nga sử dụng SWIFT là một đòn rất nặng, nhưng khả năng này chưa được tất cả các đồng minh nhất trí và Joe Biden đã thẳng thắn nêu bật điều này : 

"Trước hết, các biện pháp trừng phạt mà chúng ta áp dụng đối với các ngân hàng có hậu quả tương đương, thậm chí có thể là hậu quả quan trọng hơn việc không cho Nga tiếp cận cơ chế SWIFT. Phương án này vẫn được thảo luận, nhưng vào lúc chúng tôi đang nói, đó không phải là một quyết định mà phần còn lại của Châu Âu mong muốn. Các biện pháp trừng phạt mà chúng ta áp đặt còn đi xa hơn bao giờ hết, và được 2/3 thế giới cùng tham gia. Đây là những hình phạt nặng nề. Chúng ta sẽ bàn lại về các biện pháp này một lần nữa trong vòng một tháng tới đây để xem xét hiệu quả. 

Xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ sang Nga hầu như bị cấm. Đối với ông Joe Biden, điều đó sẽ cản trở các dự án công nghiệp trong tương lai của Điện Kremlin. Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt này sẽ khiến Nga phải trả giá đắt ngay tức thời, nhưng cũng nói rằng một số tác động chỉ được nhìn thấy trong dài hạn, tức rất lâu sau cuộc xâm lược Ukraine".

Trọng Nghĩa

**********************

Liên Hiệp Quốc : Nga phủ quyết nghị quyết lên án cuộc xâm lược Ukraine

Thu Hằng, RFI, 26/02/2022

Không ngoài dự đoán, ngày 25/02/2022, Nga đã dùng quyền phủ quyết để bác bản dự thảo nghị quyết do Mỹ và Albani đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm chiếm Ukraine và kêu gọi rút quân ngay lập tức.

tancong5

Đại sứ Nga Vassily Nebenzya tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ngày 25/02/2022.  AP - Seth Wenig

Thông tín viên RFI Carrie Nooten tường trình từ New York :

"11 nước thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thuận, 81 nước thành viên Liên Hiệp Quốc, có nghĩa là hơn một nửa cộng đồng quốc tế, ủng hộ văn bản lên án các chiến dịch quân sự do Nga tiến hành và lên án việc Moskva công nhận nền độc lập của các vùng ly khai ở Ukraine.

Tuy nhiên, bất chấp những vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, cơ quan được coi là để bảo vệ hòa bình, an ninh toàn cầu, văn bản này sẽ không thành nghị quyết do bị Nga bỏ phiếu chống và như vậy sẽ không được áp dụng.

Nếu như đối với công chúng, tình hình có vẻ quái lạ, thì các nhà ngoại giao đánh giá rằng việc Nga bị cô lập mới là quan trọng. Nhưng bản dự thảo đã bị giảm tầm quan trọng chỉ vài giờ trước khi bỏ phiếu, do Trung Quốc, một đồng minh của Nga, gây sức ép. Dù vậy, có ba nước đã bỏ phiếu trắng là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong buổi họp, chỉ có đại sứ Kenya bên cạnh Liên Hiệp Quốc là tỏ ra thực tế và nêu rõ quan điểm ngoại giao của ông. Ông không ngần ngại lên án những hạn chế của Hội đồng Bảo an, một cơ chế mà theo ông gây ra nhiều khủng hoảng hơn là giải quyết".

Theo AFP, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã lấy làm tiếc về cuộc họp không đạt kết quả, nhưng khẳng định cần "tạo cơ hội mới cho hòa bình". Ông Antonio Guterres kêu gọi "quân đội Nga trở về doanh trại" trong khi "dân thường đang chết" tại Ukraine.

Thu Hằng

**********************

Trung Quốc ủng hộ đàm phán Nga-Ukraine

Phan Minh, RFI, 26/02/2022

Hôm 25/02/2022, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin để bàn về cuộc chiến tranh ở Ukraine. Lãnh đạo họ Tập tuyên bố ủng hộ việc giải quyết xung đột thông qua con đường ngoại giao. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, được hãng tin Reuters trích dẫn, cho biết Bắc Kinh ủng hộ Nga giải quyết xung đột bằng cách đàm phán với Ukraine.

tancong6

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/02/2022  via Reuters - Sputnik

Tuy nhiên, cho tới nay Bắc Kinh vẫn không lên án cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, trong khi đó truyền thông nhà nước Trung Quốc hầu như không đưa tin gì về cuộc tấn công này.  

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

Trong các chuyến đi và trong các phát biểu, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có một tuyên bố nào về Ukraine trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo. Phải vào các trang trong của tờ báo của Đảng cộng sản Trung Quốc, chúng ta mới đọc được vài dòng về cuộc điện đàm ngày hôm qua giữa hai ngoại trưởng Nga và Trung Quốc.

Hầu hết các tờ báo chính thức vẫn chỉ đưa tin về "thành công của Thế vận hội Mùa đông". Một sự im lặng phản ánh sự bối rối của chính quyền Trung Quốc, cho tới nay vẫn từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga và vẫn muốn dựa vào liên minh với Moskva để chống lại sự bá quyền của Mỹ.

Tuy nhiên, đến cuối ngày, trên các báo đã có những lời kể từ Ukraine, với các phóng sự về việc một bộ phận trong số 6.000 công dân Trung Quốc sinh sống ở Ukraine chạy sang Nga tị nạn.

Cũng có lời kể của một nhà báo Ukraine trên trang web bằng tiếng Pháp của kênh truyền hình CGTN, một chi nhánh của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Một nhân viên của cơ quan truyền thông nhà nước nói với chúng tôi rằng các đường lối biên tập về tình hình Ukraine vẫn còn rất mập mờ. Thông thường chính quyền Trung Quốc sẽ đợi một vài ngày khi căng thẳng ở Ukraine lắng xuống rồi mới nêu rõ lập trường.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Thu Hằng, Chi Phương, Trọng Nghĩa, Phan Minh
Read 503 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)