Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

05/01/2023

Bắc Kinh lúng túng trước đại dịch Covid hoành hành

RFI tổng hợp

WHO chỉ trích Bắc Kinh không minh bạch số liệu Covid-19

Thùy Dương, RFI, 05/01/2023

Bắc Kinh hôm 05/01/2023 kêu gọi Tổ Chức Y Tế Thế Giới ( WHO ) có quan điểm "đúng đắn, dựa trên cơ sở khoa học khách quan và công bằng" về dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi hôm qua, ông Michael Ryan, phụ trách các tình huống khẩn cấp y tế của WHO, nhận định các số liệu mà Bắc Kinh công bố không phản ánh đúng thực tế dịch Covid-19.

tq1

Trụ sở của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tại Genève, Thụy Sĩ. Reuters - Denis Balibouse

Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche tường trình :

"Không thể chấp nhận được", Bắc Kinh nói như vậy khi đề cập đến biện pháp xét nghiệm Covid-19 áp dụng đối với hành khách đến từ Trung Quốc. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đáp lại : "Đó là điều bình thường". Định chế của Liên Hiệp Quốc nhận định cho dù biện pháp nói trên không hẳn phù hợp dưới góc độ y tế, nhưng vẫn có thể hiểu được. Đó là bởi vì Trung Quốc không minh bạch, từ chối chia sẻ dữ liệu về tình hình bùng phát Covid hiện nay.

Michael Ryan, giám đốc đặc trách các hoạt động khẩn cấp tại WHO, phát biểu : "Việc bắt buộc mọi người xét nghiệm không cản trở việc di chuyển. Đây không phải là một chính sách quá nghiêm ngặt. Xin quý vị nhớ lại : Chính Trung Quốc đã có một chính sách rất gắt gao đối với tất cả những ai muốn đến nước này trong suốt 3 năm qua. Thực tế là nhiều nước không có đủ thông tin về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, nên họ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa bằng cách yêu cầu du khách xét nghiệm".

Cuộc họp hôm thứ Ba (03/01) giữa các nhà khoa học Trung Quốc và các thành viên của WHO không mang lại thay đổi lớn nào. Chúng ta vừa biết rằng các biến thể lây lan tại Trung Quốc tạm thời vẫn giống trước đây, nhưng lại không có số liệu mới về bệnh nhân tại khoa chăm sóc đặc biệt hay số ca tử vong. Nói tóm lại là không có các số liệu đáng tin cậy. Ông Michael Ryan nói tiếp : "Chúng tôi nghĩ rằng các số liệu Trung Quốc hiện giờ công bố chưa phản ánh đúng tác động thực sự của dịch bệnh". Theo lối nói ngoại giao, một lần nữa điều đó có nghĩa là Bắc Kinh đang nói dối về chủ đề này".

Thùy Dương

************************

Covid-19 tại Trung Quốc : Nguy cơ xuất hiện biến thể nguy hiểm hơn ?

Chi Phương, RFI, 04/01/2023

Theo Financial Times, tại Trung Quốc hiện nay ít nhất 250 triệu người đã bị nhiễm Covid-19. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng ít nhất 1 triệu người Trung Quốc có nguy cơ tử vong vì Covid-19 trong năm 2023. Với tốc độ lây lan chóng mặt của dịch bệnh, giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến thể mới, nguy hiểm hơn và lây lan nhanh hơn.

tq2

Bệnh nhân tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 03/01/2023. Reuters - Staff

Kể từ ngày 07/12/2022, Trung Quốc đã chính thức thông báo chấm dứt chính sách Zero Covid nghiêm ngặt với các đợt xét nghiệm hàng loạt, cách ly và phong tỏa nhiều thành phố từ 3 năm qua. Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng dịch, được cho là chủ yếu do BF.7 (tên đầy đủ là BA.5.2.1.7), một biến thể phụ của Omicron BA.5 - được phát hiện vào tháng 05/2022. Kể từ ngày 25/12, chính quyền Bắc Kinh ngừng cung cấp thông tin thường nhật về số ca nhiễm mới. Do vậy có rất ít thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, trong khi nhiều bệnh viện, nhà mai táng quá tải.

Thế giới lo ngại vì thiếu thông tin từ Trung Quốc

Trước thông tin Trung Quốc mở cửa biên giới, cho phép người dân tự do di chuyển kể từ ngày 08/01, chính phủ nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Pháp, đã nhanh chóng thực hiện biện pháp kiểm soát, xét nghiệm Covid-19 với hành khách đến từ Trung Quốc, vì lo ngại một làn sóng dịch mới bùng lên, khó kiểm soát. Trên mạng xã hội Twitter, giám đốc của Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) Tedros Adhanom Grebreyesus cho rằng "vì thiếu thông tin đầy đủ từ Trung Quốc, rất dễ hiểu khi các quốc gia trên toàn giới có hành động như vậy vì họ muốn bảo vệ công dân của họ".

Ngày 16/12 vừa qua, giám đốc Viện sức khỏe toàn cầu, trực thuộc Đại học Geneva, ông Antoine Flahaul cho biết trên Twitter rằng : "BF.7 sẽ có tỷ lệ sinh sản (RO) từ 10 đến 18,6. Điều này có nghĩa là trung bình một người nhiễm bệnh sẽ truyền virus cho từ 10 đến 18,6 người khác, so với mức trung bình là 5,08 đối với Omicron". Theo viện nghiên cứu Pasteur, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với RO của chủng SARS-CoV-2 ban đầu, ước tính là 3, hoặc là 6 hoặc 7 đối với biến thể Delta. 

Các triệu chứng của người nhiễm chủng BF.7 tương tự như với các triệu chứng nhiễm Omicron vốn nhẹ hơn so với chủng corona virus được phát hiện ở Vũ Hán. Bệnh nhân có thể bị sốt, ho, đau họng, sổ mũi và mệt mỏi, một số ít trường hợp có biểu hiện nôn mửa và tiêu chảy. Tuy nhiên, BF.7 có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch. Điều này có nghĩa là những người đã có kháng thể do đã nhiễm Covid-19 hoặc đã được chích ngừa, đều có thể bị nhiễm BF.7. Ngoài ra, biến thể phụ này có một đột biến R346T, nằm trong gen mã hoá protein tăng đột biến. Đây là loại protein ở trên bề mặt của virus cho phép bám và lây nhiễm vào tế bào của con người. Đột biến này cho phép BF.7 có thể chống lại khả năng vô hiệu hoá virus mà vac-xin tạo ra hoặc kháng thể có được vì đã nhiễm corona virus.

"Lò thử nghiệm" tạo ra biến thể mới

Nhà virus học Christian Bréchot, kiêm giám đốc của Global Virus Network, trả lời trên đài truyền hình BFMTV ngày 26/12, cho biết mặc dù về mặt chính thức, chính quyền Bắc Kinh không cung cấp nhiều thông tin, nhưng các nhà khoa học Trung Quốc vẫn duy trì trao đổi thông tin với các đồng nghiệp nước ngoài. Bắc Kinh dường như không còn kiểm soát được số ca nhiễm, nhưng giới nghiên cứu Trung Quốc vẫn có các thước đo giám sát, theo dõi dịch bệnh. Tuy vậy, ông Christian Bréchot cũng bày tỏ quan ngại :

"Khi có tới 250 triệu người nhiễm bệnh đồng loạt, một cách nhanh chóng, thì đây chẳng khác nào cuộc thử nghiệm tạo ra các loại biến thể mới và nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn. Thêm vào đó, cũng còn một nguy cơ khác về kinh tế, đó là Trung Quốc đóng cửa".

BQ.1.1, BQ.1, BA.2.3.20, BA.2.75.2, BF.7, BJ.1, XBB... L’Express miêu tả các biến thể phụ của Omicron, Delta hoặc Alpha, giống như một bầy thú có sức tấn công lớn, lây lan nhanh. Các biến thể phụ này thông thường được tạo ra khi những người có hệ miễn dịch kém nhiễm bệnh và không có khả năng loại bỏ virus ra khỏi cơ thể. Do vậy, virus có thời gian để thực hiện đột biến, đến mức tạo ra một nhánh mới trong cây phả hệ của Sars-CoV-2. Đối với các biến thể phụ từ Omicron, giáo sư sinh học tiến hoá tại Đại học Guelph ở Canada, trả lời l’Express rằng "virus càng lưu thông nhanh, thì càng có cơ hội tạo đột biến. Việc sửa đổi bộ gen xảy ra ngẫu nhiên, nhưng sau đó một số được giữ lại khi virus thấy có lợi thế để tồn tại". Theo tạp chí khoa học Science et Vie của Pháp, virus cần phải biến đổi để có thể tiếp tục tồn tại được. Đó là nguyên tắc của quá trình chọn lọc tự nhiên, nghĩa là sinh vật nào thích ứng tốt hơn với môi trường mới thì có thể tồn tại lâu hơn.

Tỷ lệ lây nhiễm cao vì dân Trung Quốc chưa được miễn dịch

Riêng đối với loại biến thể phụ BF.7, đang hoành hành tại Trung Quốc, bác sĩ về nhiễm trùng học Benjamin Davido, tại bệnh viện Raymond-Poincarée, ở Garches, Pháp, trả lời đài truyền hình France 5 ngày 30/12, nhận định rằng : "Mức độ cảnh báo là tối đa. Bởi vì trước khi nói đến một loại biến thể mới thì chúng ta cần phải hiểu đằng sau nó vẫn luôn là Covid. Trong mỗi làn sóng dịch Covid-19, thường có một loại biến thể mới".

Tuy nhiên, BF.7 lại không phải là biến thể phụ nguy hiểm nhất hiện nay. Tờ IndianExpress cho biết biến thể phụ khác của Omircon BQ.1 có thể chống lại khả năng trung hoà virus của vac-xin, cao gấp 10 lần so với BF.7. Các chuyên gia cho rằng không phải biến thể BF.7 có khả năng lây truyền cao hơn hay có cơ chế lẩn trốn hệ miễn dịch cao hơn khiến các ca bệnh ở Trung Quốc gia tăng, mà là do dân số chưa được miễn dịch. Tiến sĩ Anurag Agarwal, cựu giám đốc của Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG), một mạng lưới các phòng thí nghiệm do chính phủ thành lập để theo dõi các biến chủng của Covid-19, đã thực hiện giải trình tự bộ gen Covid-19, cho biết : "Trung Quốc hiện đang trải qua sự gia tăng của các ca nhiễm do Omicron và các biến thể phụ như các quốc gia khác. Điều này cũng giống như trường hợp của Hồng Kông khi nới lỏng các hạn chế". 

Nghi vấn về vac-xin do Trung Quốc sản xuất

Tại Trung Quốc, hai loại vac-xin chủ yếu được sử dụng là CoronaVac và Sinopharm, các hai đều được phát triển và sản xuất ở Trung Quốc. 90 % dân số Trung Hoa được trích ngừa ít nhất 2 liều vac-xin này. Khi dịch bùng phát mạnh, nhiều tin đồn được loan ra cho rằng các loại vac-xin Trung Quốc sản xuất không hiệu quả. Nhà dịch tễ học Ben Cowling tại Đại Học Hồng Kông bác bỏ thông tin này, đồng thời cho biết trên trang National Public Radio (NPR) của Hoa Kỳ, là "vac-xin Trung Quốc không giống các loại vac-xin của phương Tây (mRNA) như Pfizer hay Moderna". Công nghệ mà Trung Quốc sử dụng cũ hơn, nhưng đã được khoa học chứng minh rằng có thể vô hiệu hoá hoặc loại bỏ các hình thức của virus SARS-CoV-2.

Phòng hơn là tránh

Theo bà Anne Sénéquier, bác sĩ và đồng giám đốc của Viện theo dõi sức khoẻ (IRIS) trả lời trong chương trình C’est dans l’air của đài truyền hình France 5 hôm 30/12, việc đóng cửa biên giới không có hiệu quả để ngăn ngừa dịch, mà thay vào đó phải củng cố hệ thống y tế :

"Hiện giờ, mục đích là làm sao để truy dấu vết và cố gắng dự phóng và không phải lúc nào cũng trong tình trạng "phản ứng ra sao" và chịu tác động từ dịch bệnh như thế nào. Chúng tôi đã bị chỉ trích rất nhiều trong những năm qua vì không có khả năng dự phóng. Chúng tôi cũng đã học được khá nhiều từ 3 năm qua. Chúng ta biết virus lây nhiễm như thế nào và làm sao để tự bảo vệ, có khẩu trang, làm thoáng khí, v.v. Đúng là có hiện tượng chán nản mệt mỏi với dịch trong dân chúng ở khắp các nước trên thế giới. Nhưng thật đáng buồn là, giống như những vấn đề lớn khác của thế kỷ XXI, chúng ta cần phải học cách sống cùng nó và không để virus trở thành một hạn chế". 

Biến thể Omicron đã xuất hiện từ tháng 12 năm 2021 và được cho là biến thể có độ lây nhiễm cao nhất, đã tạo ra vô số "hậu duệ". Trong vòng hơn một năm qua, khoảng hơn 500 biến thể phụ của Omicron đã được phát hiện trên toàn thế giới. Giới chuyên gia cho rằng không cần phải quá lo lắng vì các biến thể phụ lây nhiễm ở Trung Quốc vốn đã xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới, tại Châu Âu hay Châu Á. Các loại vac-xin hiện nay vẫn có hiệu quả và tỷ lệ chủng ngừa cao.

Tuy nhiên, theo tạp chí Nature, nguy cơ xuất hiện một biến thể mới hung hãn hơn là hoàn toàn có thể xảy ra. Những gì xảy ra ở Trung Quốc cho thấy sang năm 2023 không nên tự mãn, cho rằng Covid-19 đã qua đi. Một biến thể mới được cho là đáng lo ngại nếu có cơ chế lẩn tránh hệ miễn dịch tốt hơn và gây ra những chứng bệnh nghiêm trọng hơn và dễ lây lan hơn các biến thể hiện hành. 

Chi Phương

*************************

Liên Âu khuyến khích nước thành viên xét nghiệm du khách đến từ Trung Quốc

Thu Hằng, RFI, 05/01/2023

Sau cuộc họp ngày 04/01/2023, các chuyên gia dịch tễ Châu Âu đã khuyến nghị 27 nước thành viên yêu cầu hành khách đến từ Trung Quốc phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 48 tiếng trước khi lên máy bay. Nhiều biện pháp cũng được thông qua và sẽ được triển khai "từ giờ đến giữa tháng 1".

tq3

Một du khách từ Trung Quốc qua điểm xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Charles de Gaulle ở Roissy, ngoại ô Paris, ngày 01/01/2023. AFP – Julien de Rosa

Thông tín viên RFI Laure Broulard tại Bruxelles cho biết thêm :

"Sau nhiều giờ thảo luận, các đại diện của khối 27 nước đã nhất trí về nhiều khuyến cáo. Trước tiên, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu rất được khuyến khích đòi hỏi kết quả xét nghiệm âm tính đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc. Xét nghiệm phải được thực hiện trong vòng 48 tiếng trước khi khởi hành. Các nước cũng khuyên hành khách đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay.

Thông cáo chính thức cũng nêu nhiều biện pháp bổ sung, như triển khai xét nghiệm ngẫu nhiên khi hành khách đến các nước thành viên hoặc phân tích nước thải tại các sân bay đón các chuyến bay đến từ Trung Quốc.

Những quyết định của cơ chế phối hợp đối phó khủng hoảng của Hội Đồng Châu Âu (IPCR - The integrated political crisis response) không mang tính ràng buộc về pháp lý, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu có quyền chọn áp dụng hoặc không. Nguồn tin từ một người tham dự cuộc họp cho biết : "Tất cả các nước thành viên nhất trí về việc phải có tầm nhìn phối hợp ở Châu Âu về hồ sơ này".

Một số khuyến nghị, như xét nghiệm lúc khởi hành hoặc tại nơi đến, đã được Ý, Tây Ban Nha và Pháp thông qua - những biện pháp mà Bắc Kinh coi là "không chấp nhận được". Trong khi đó, Áo và Bỉ thông báo ý định phân tích nước thải của các chuyến bay đến từ Trung Quốc".

Liên Hiệp Châu Âu hoàn toàn có cơ sở để lo ngại tình hình dịch bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Theo trang RTL, ngày 04/01, người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Veran cho biết một sân bay của Pháp đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 đối với hành khách trên một chuyến bay từ Trung Quốc hôm 03/01. Kết quả là 1/3 số hành khách nhiễm Covid-19. Kể từ ngày 05/01, Pháp bắt buộc hành khách đến từ Trung Quốc phải có xét nghiệm âm tính Covid trong vòng 48 tiếng trước khi xuất phát.

Về phía Đức, bộ trưởng Y Tế Karl Lauterbach lo ngại về độ nguy hiểm của biến thể Omicron XBB.1.5 đang hoành hành tại Mỹ, chiếm đến 40% số ca nhiễm. Trên mạng Twitter, ông cho biết Berlin "đang theo dõi liệu XBB.1.5 đã có ở Đức chưa và lây như thế nào" và hy vọng nước Đức "sẽ qua được mùa đông trước khi một biến thể như vậy lây lan mạnh".

Thu Hằng

*************************

Liên Âu có thể yêu cầu xét nghiệm Covid đối với hành khách đến từ Trung Quốc

Thu Hằng, RFI, 04/01/2023

Có nhiều khả năng Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu du khách đến từ Trung Quốc phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 để nhập cảnh vào khối này. Biện pháp được dự kiến đưa ra trong cuộc họp ngày 04/01/2023 tại Bruxelles. Trước đó, chuyên gia dịch tễ của các nước thành viên đã nhất trí về biện pháp trên.

tq4

Nhân viên y tế tại khu vực chờ xét nghiệm Covid-19 ở sân bay Charles de Gaulle, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 01/01/2023. AP - Aurelien Morissard

Thông tín viên RFI Jean-Jacques Héry tường trình từ Bruxelles :

"Tất cả các nước thành viên đã nhất trí về "cách tiếp cận có phối hợp", theo giải thích của Ủy Ban Châu Âu. Tại Bruxelles, mọi người cũng thở phào sau một tuần do dự và chỉ có các biện pháp đơn phương. Thực vậy, khối 27 nước bị chia rẽ nặng nề. Một mặt là do phía các cơ quan dịch tễ Châu Âu không hề báo động. Mặt khác do thông tin từ Trung Quốc được cho là không đáng tin cậy về khả năng xuất hiện của một biến thể mới.

Ủy Ban Châu Âu cũng nhấn mạnh rằng hiện giờ, "đa số áp đảo các nước thành viên Liên Âu thông báo ủng hộ biện pháp xét nghiệm Covid-19 triệt để đối với hành khách đến từ Trung Quốc trước khi họ khởi hành đến Châu Âu".

Nhiều biện pháp khác cũng được tính đến. Trước tiên là bắt buộc hành khách đến từ Trung Quốc đeo khẩu trang, tiếp theo là xác định khả năng có những biến thể mới, kiểm tra nước thải của các máy bay và tăng số lượng xét nghiệm giải trình tự gien tại các sân bay.

Những biện pháp này được đưa ra thảo luận tại Bruxelles hôm nay (04/01) trong cuộc họp của IPCR, một cơ quan đặc biệt của Châu Âu chịu trách nhiệm đưa ra quyết định nhanh chóng và phối hợp giữa 27 nước thành viên của Hội Đồng Châu Âu. Những khuyến nghị cũng sẽ được nêu lên tại cuộc họp và sau đó sẽ được các nước thành viên bảo đảm".

Song song với các biện pháp kiểm dịch đối với du khách đến từ Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu cũng đề xuất cung cấp miễn phí vac-xin thích ứng với biến thể Omicron cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong buổi họp báo ngày 03/01, người phát ngôn của Ủy Ban Châu Âu không nêu rõ là loại vac-xin nào. Chính quyền Bắc Kinh chưa trả lời về đề xuất này. Trả lời Reuters, một người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định tỉ lệ tiêm phòng và khả năng xử lý dịch bệnh tiếp tục gia tăng ở Trung Quốc và nước này có kho dự phòng "phù hợp".

Mỹ : Yêu cầu xét nghiệm "chỉ dựa trên khoa học"

Tokyo cũng tăng cường biện pháp phòng dịch với du khách trên các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc đến Nhật Bản, cụ thể là từ ngày 08/01/2023, phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi lên máy bay. Theo Reuters, trong buổi họp báo ngày 04/01, thủ tướng Fumio Kishida cho biết biện pháp này bổ trợ cho các biện pháp kiểm soát có hiệu lực từ ngày 30/12/2022. Chính phủ Nhật Bản tiếp tục yêu cầu các hãng hàng không hạn chế số chuyến bay đến từ Trung Quốc.

Về phía Mỹ, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Ned Price khẳng định hôm 03/01 rằng yêu cầu của Washington về việc du khách đến từ Trung Quốc phải trình xét nghiệm âm tính Covid-19 tại cửa khẩu là "chỉ dựa trên khoa học". Trước đó, Bắc Kinh chỉ trích biện pháp được vài chục nước áp dụng là "thiếu khoa học" và "không chấp nhận được".

Thu Hằng

*************************

Bắc Kinh lại lên án các nước siết chặt kiểm soát dịch tễ với khách Trung Quốc

Trọng Thành, RFI, 04/01/2023

Ngày càng có thêm nhiều quốc gia siết chặt kiểm soát dịch tễ với khách từ Trung Quốc, trong bối cảnh dịch Covid bùng lên với quy mô chưa từng có tại quốc gia 1,4 tỷ dân, cùng lúc với việc Bắc Kinh bãi bỏ các hạn chế, khiến số người Trung Quốc ra nước ngoài sẽ tăng vọt. Bắc Kinh phản ứng dữ dội với những biện pháp nói trên.

tq5

Du khách đến từ Trung Quốc tại khu vực chờ xét nghiệm Covid-19 ở sân bay Charles de Gaulle, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 01/01/2023. AP - Aurelien Morissard

Hôm 03/01/2022, Trung Quốc một lần nữa khẳng định việc các nước đòi khách Trung Quốc phải có xét nghiệm âm tính là "không có cơ sở khoa học". Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục đòi xét nghiệm âm tính với Covid đối với người nhập cảnh Trung Quốc.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

"Đây là lần thứ ba liên tiếp bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên án điều mà họ cho là quyết định ‘‘không có cơ sở khoa học’’. Trước báo giới, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) chỉ trích ‘‘một số quốc gia đã đưa ra các hạn chế chỉ nhắm vào du khách đến từ Trung Quốc. Những hành vi này là không thể chấp nhận được’’. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết thêm là Bắc Kinh có thể áp dụng các biện pháp trả đũa, trên nguyên tắc có đi có lại.

Các tuyên bố nói trên của chính quyền Trung Quốc được đưa ra một tháng sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, gây ra làn sóng lây nhiễm ở các vùng đô thị lớn của Trung Quốc, khiến hệ thống bệnh viện quá tải.

Các tuyên bố này cũng được đưa ra sau gần 3 năm Trung Quốc đóng cửa biên giới, với các biện pháp kiểm dịch khắc nghiệt đối với những người nhập cảnh. Các biện pháp nói trên, đặc biệt là việc cách ly đối với người nhập cảnh sẽ bị bãi bỏ từ Chủ Nhật 08/01, nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn buộc hành khách đến từ các nước khác phải có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ".

Bắc Kinh phản bác mọi chỉ trích về chính sách Covid 

Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc hôm qua một lần nữa tỏ ra lạc quan, khi khẳng định "Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc chắc chắn sẽ chiến thắng hoàn toàn dịch bệnh", đồng thời bác bỏ mọi phê phán về các chính sách đã dẫn đến phong trào phản kháng chưa từng có tại Trung Quốc cuối năm qua. 

Việc Bắc Kinh che giấu thông tin về mức độ trầm trọng của dịch khiến người dân phẫn nộ. Trung Quốc chỉ thừa nhận trung bình chưa đến 5 người chết/ngày kể từ khi từ bỏ chính sách "Zero Covid". Reuters hôm nay 04/01/2022 dẫn lời một cư dân ở Bắc Kinh, xin ẩn danh, cho biết riêng trong gia đình ông đã có "bốn người thân" chết từ đầu đợt dịch lớn này. Ông kêu gọi chính quyền "hãy thành thật với người dân, với thế giới về những gì đang thực sự diễn ra" tại Trung Quốc.

Hôm qua, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới đã có buổi làm việc với giới y tế Trung Quốc để một lần nữa yêu cầu Bắc Kinh minh bạch thông tin về dịch bệnh.

Trọng Thành

*************************

Covid-19 : Trung Quốc hạ thấp mức độ nghiêm trọng trước cuộc gặp với WHO

Minh Anh, RFI, 03/01/2022

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đà lây nhiễm Covid-19 trước cuộc họp với các nhà khoa học thuộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS), dự kiến diễn ra hôm 03/01/2023. 

tq6

Bệnh nhân được xe cứu thương chở đến một bệnh viện ở tỉnh Tứ Xuyên,Trung Quốc, ngày 31/12/2022. AP

Reuters cho biết, hôm qua, Trung Quốc loan báo có 3 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì nhiễm Covid-19 lên thành 5.253 người kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các chuyên gia Trung Quốc trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, còn cho rằng căn bệnh do virus gây ra là tương đối nhẹ đối với mọi người.

Đồng Triệu Huy (Tong Zhaohui), phó giám đốc bệnh viện Triều Dương tại Bắc Kinh, khẳng định : "Số ca bệnh nặng và nguy kịch chiếm từ 3-4% số bệnh nhân nhập viện để điều trị tại các bệnh viện được chỉ định ở Bắc Kinh". Lãnh đạo bệnh viện Tianfu, thuộc đại học Tứ Xuyên ở miền Tây Trung Quốc, thì đưa ra tỉ lệ 1% số ca được đưa vào chăm sóc đặc biệt. 

Nhưng trong khi đó ở Thượng Hải, hãng tin Anh thuật lại lời một nhân chứng cho biết khu cấp cứu ở bệnh viện Trung Sơn chật cứng bệnh nhân trong ngày hôm nay, phần đông là người lớn tuổi. Nhiều người phải nằm ngoài hành lang, đắp chăn và được điều trị bằng truyền dịch qua tĩnh mạch, trong khi một hàng người dài chờ được khám bệnh. 

Những con số này được đưa ra vào lúc WHO mời họp các nhà khoa học Trung Quốc, đề nghị chia sẻ dữ liệu về số ca nhập viện, tử vong và tiêm ngừa. Một số nhà quan sát tỏ ra bi quan, "không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiết lộ thông tin" như nhận định của Alfred W, phó giáo sư Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu, đại học Quốc gia Singapore với Reuters. 

Bắc Kinh hôm nay đã phản đối mạnh mẽ việc nhiều nước phương Tây ban hành các quy định hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ Trung Quốc, mà họ cho là "không thể chấp nhận được", "thiếu cơ sở khoa học" và "không hợp lý". Bắc Kinh dọa sẽ đưa ra "những biện pháp đáp trả theo nguyên tắc có qua có lại". 

Trong bối cảnh này, Liên Hiệp Châu Âu hôm nay đã tiếp xúc với Bắc Kinh đề nghị cung cấp miễn phí vac-xin ngừa Covid-19 để hỗ trợ ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc. 

Liên Hiệp Châu Âu cũng thông báo mở cuộc họp khẩn cấp vào ngày mai, thứ Tư 04/01 nhằm tìm kiếm một đối sách chung ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 đến từ Trung Quốc.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Chi Phương, Thu Hằng, Trọng Thành, Minh Anh
Read 446 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)