Nhiều nước tăng cường kiểm soát khách đến từ Trung Quốc
Anh Vũ, RFI, 02/01/2022
Tình hình lây nhiễm Covid 19 tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu dịu xuống, chính quyền Bắc Kinh dường như vẫn thả nổi dịch sau khi đã gỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch ngặt nghèo. Bóng đen của những ngày đầu đại dịch năm 2020 đang trở lại khi thế giới vừa bước sang năm mới 2023.
Người dân chờ xét nghiệm tại thủ đô Bắc Kinh ngày 30/11/2022. AFP – Noel Celis
Dịch Covid vẫn tiếp tục căng thẳng đang khiến phần còn lại của thế giới lo lắng. Những ngày qua, hàng loạt các nước từ Châu Á, qua Châu Mỹ rồi Châu Âu, hay Châu Phi đã lần lượt thông báo các biện pháp tăng cường kiểm soát du khách đến từ Trung Quốc. Sau Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ, Canada… Trong ngày đầu năm mới, Úc thông báo từ ngày 05/01 áp dụng biện pháp bắt buộc những du khách đến từ Trung Quốc phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid mới được nhập cảnh.
Riêng với nước Pháp thì biện pháp kiểm soát phòng dịch trên với những người đến từ Trung Quốc có hiệu lực ngay từ ngày 01/01. Đích thân bộ trưởng Y tế Pháp François Baume đã ra tận phi trường quốc tế Charles de Gaulle để kiểm tra việc triển khai quyết định, để chứng tỏ tính chất quan trọng của sự việc. Tất cả các nước đều ý thức rõ được mối đe dọa Covid mới, khẳng định phải có những biện pháp phòng xa trước tình hình bùng phát Covid dường như không kiểm soát được tại Trung Quốc.
Chính phủ Canada lý giải cho các biệt pháp siết chặt kiểm soát y tế với khách đến từ Trung Quốc là để "đối phó với làn sóng Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và vì lý do có ít dữ liệu dịch tễ và giải trình tự gien của các ca nhiễm mới", trích thông cáo của bộ Y tế Canada. Một số nước khác như Maroc còn áp dụng các biện pháp triệt để hơn là đóng cửa hoàn toàn với các du khách đến từ Trung Quốc từ ngày 03/01.
Liên Hiệp Châu Âu, có đường biên giới rộng lớn và có nhiều cửa vào nhất, đến ngày thứ Tư tới sẽ phải ra quyết định có áp đặt các biện pháp kiểm soát đồng bộ hay không. Một lần nữa, như cách đây 3 năm, Liên Âu lại có vẻ chậm trễ trong việc tìm ra một chiến lược chung kiểm soát dịch, trong khi các nước thành viên như Tây Ban Nha, Ý hay Pháp đã chủ động thông báo các biện pháp kiểm soát phòng dịch của mỗi nước từ hôm 30/12 và mong đợi các biện pháp hạn chế sẽ của họ được áp dụng đồng bộ trên quy mô toàn khối, như vậy thì mới hiệu quả thực sự.
Tuy nhiên, nhiều nước thành viên Liên Âu vẫn còn cân nhắc. Berlin, Lisboa hay Vienna đều tỏ ý các biện pháp hạn chế trở lại với du khách Trung Quốc là không cần thiết trong hoàn cảnh độ phủ vac-xin trong Liên Hiệp đã đạt khá cao. Đằng sau những lập luận đó là nỗi lo thiệt hại kinh tế khi mà Liên Âu đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc.
Thực ra những biện pháp hạn chế mà các nước vừa thông báo đều đã được áp dụng ở vào thời điểm Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc bùng lên thành đại dịch lan ra cả thế giới hồi đầu năm 2020.
Nhưng các ứng phó của các nước trước tình hình dịch Covid ở Trung Quốc, như mọi khi, khiến Bắc Kinh không hài lòng. Truyền thông chính thức của Trung Quốc lên án các biện pháp hạn chế vùa được nhiều nước ban hành đối với du khách đến từ Trung Quốc là "không có cơ sở và phân biệt đối xử".
Về phần Tổ chức Y tế Thế giới, tổng giám đốc định chế ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng những phản ứng của các nước là "có thể hiểu được", nhất là khi mà những thông tin về tình hình dịch ở trong nước không được chính quyền Bắc Kinh công bố đầy đủ và chính xác.
Từ giữa tháng 12/2022, Trung Quốc quay ngoắt, hủy bỏ chính sách kiểm soát hà khắc "zero Covid", một làn sóng lây nhiễm chưa từng có đã bùng lên khắp cả nước, gây tình trạng hệ thống y tế quá tải, tử vong số lượng lớn. Thế nhưng đến giờ chính quyền vẫn chỉ xác nhận chỉ có khoảng hơn 5000 ca nhiễm mỗi ngày và con số tử vong cũng chỉ vài chục ca, những số liệu quá xa với thực tế,
Diễn biến dịch Covid-19 tại Trung Quốc lúc này có một chút giống với tình hình hồi đầu năm 2020, tuy hoàn cảnh thế giới bây giờ đã khác nhờ có vac-xin. Hiện tại đã có ít nhất 11 quốc gia áp dụng biện pháp kiểm soát y tế với du khách đến từ Trung Quốc với lý do lo sợ biến thể mới hoặc do thiếu thông tin về tình hình dịch tại Trung Quốc. Nhưng có điểm chung là không nước nào muốn lại phải trả giá đắt vì mất cảnh giác.
Anh Vũ
************************
EU sắp thảo luận về phản ứng phối hợp đối với tình hình Covid ở Trung Quốc
Reuters, VOA, 02/01/2023
Các quan chức y tế của chính phủ các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tổ chức các cuộc đàm phán vào ngày thứ Tư về phản ứng phối hợp đối với sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc, Thụy Điển, Chủ tịch hiện thời của EU, cho biết hôm thứ Hai.
Ủy viên Y tế Châu Âu Stella Kyriakides.
Cuộc họp này được tổ chức sau khi các cuộc thảo luận hồi tháng 12 kết thúc mà không có quyết định nào về vấn đề này.
Tại một cuộc họp tương tự, được tổ chức trực tuyến vào ngày 29/12, với sự tham dự của hơn 100 đại diện từ các chính phủ thuộc EU, các cơ quan y tế của EU và Tổ chức Y tế Thế giới, Ý đã kêu gọi các nước khác trong khối EU làm theo quốc gia này và tiến hành xét nghiệm Covid đối với du khách tới từ Trung Quốc khi Bắc Kinh chuẩn bị dỡ bỏ các hạn chế đi lại vào ngày 8/1.
Nhưng những nước khác trong khối gồm 27 quốc gia nói rằng họ thấy không cần phải làm như vậy, dù Trung Quốc nới lỏng các hạn chế về đại dịch trong bối cảnh xảy ra làn sóng lây nhiễm mới.
Ủy viên Y tế Châu Âu Stella Kyriakides nói trong một bức thư gửi các chính phủ EU vào ngày 29/12 rằng họ nên xem xét ngay lập tức mở rộng quy mô giải trình tự bộ gen của các trường hợp nhiễm Covid-19 và giám sát nước thải, kể cả tại các sân bay, để phát hiện bất kỳ biến thể mới nào, do sự gia tăng đột biến các ca nhiễm ở Trung Quốc.
Bà Kyriakides nói rằng EU nên "hết sức cảnh giác" vì dữ liệu xét nghiệm và dịch tễ học đáng tin cậy của Trung Quốc rất khan hiếm, đồng thời khuyên các bộ trưởng y tế EU nên đánh giá các hoạt động hiện tại của họ về giải trình tự bộ gen của Covid là "một bước đi tức thời".
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu tuần trước cho biết rằng tổ chức này hiện không khuyến nghị các biện pháp đối với khách du lịch từ Trung Quốc.
Cơ quan này cho biết rằng các biến thể lây lan ở Trung Quốc đã có ở Liên minh Châu Âu, rằng các công dân EU có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao và khả năng lây nhiễm từ bên ngoài thấp so với các ca nhiễm hàng ngày ở EU mà các hệ thống chăm sóc y tế hiện đang đối phó.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 02/01/2023