Thao dượt hạt nhân chung : Hoa Kỳ nói không, Hàn Quốc vẫn nói có
Chi Phương, RFI, 03/01/2022
Hôm 03/01/2023, Seoul vẫn khẳng định đang thảo luận với Washington về các cuộc diễn tập chung sử dụng các phương tiện hạt nhân của Mỹ để chống lại đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Xác nhận trên được đưa ra sau khi tổng thống Hoa Kỳ hôm qua phủ nhận khả năng này.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong cuộc họp nội các tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/12/2022. AP
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc, đăng ngày 02/01/2023, tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết Hàn Quốc thảo luận với Hoa Kỳ về khả năng tổ chức cuộc thao dượt chung, bao gồm việc sử dụng các phương tiện hạt nhân của Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc cho biết "vũ khí hạt nhân là của Hoa Kỳ, nhưng việc chuẩn bị, chia sẻ thông tin, các cuộc thao dượt, huấn luyện phải được cả Hàn Quốc và Hoa Kỳ thực hiện". Ông Yoon cũng khẳng định rằng Washington đón nhân "khá tích cực" đề xuất này.
Nhưng hôm qua, khi báo giới hỏi về các cuộc thảo luận với Seoul liên quan đến cuộc thao dượt hạt nhân chung, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã phủ nhận thông tin này.
Theo Yonhap, trước phản ứng của ông Biden, hôm nay, văn phòng tổng thống Hàn Quốc chỉ ra rằng "khi nhà báo của Reuters hỏi ông Biden liệu cuộc tập trận hạt nhân chung có đang được thảo luận, dĩ nhiên là Biden phải nói không", vì câu hỏi không được đặt trong bối cảnh cụ thể nào. Seoul tái khẳng định rằng hai bên đang thảo luận về việc "chia sẻ thông tin và lập kế hoạch cho các cuộc thao dượt chung, sử dụng đến các loại vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ, để đối phó với vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên".
AFP nhắc lại lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hôm Chủ Nhật vừa qua đã tuyên bố sẽ tăng "theo cấp số nhân" kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, cũng như phát triển các kiểu tên lửa liên lục địa (ICBM) mới, để chống lại "thái độ thù nghịch" của Seoul và Washington. Trong năm 2022, Bình Nhưỡng đã phá kỷ lục số lần thử tên lửa, nhất là thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM tiên tiến nhất.
Chi Phương
**************************
Mỹ-Hàn thảo luận về thao dượt chung đối phó với mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên
Thùy Dương, RFI, 02/01/2023
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, hôm 02/01/2023, cho biết Seoul đang thảo luận với Hoa Kỳ để tiến hành các cuộc thao dượt chung với các lực lượng hạt nhân của Mỹ nhằm chống lại các mối đe dọa của Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Yoon Suk-yeol phát biểu tại Cơ Quan Phát Triển Quốc Phòng ở Daejeon, Hàn Quốc, ngày 29/12/2022. AP
Theo hãng tin Yonhap, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhấn mạnh, để có khả năng răn đe mở rộng và hiệu quả, nhằm đối phó tốt hơn với mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên, Seoul muốn tham gia vào hoạt động của các lực lượng hạt nhân của Mỹ và đôi bên đang thảo luận về việc "lập kế hoạch", "chia sẻ thông tin, thao dượt và huấn luyện" về năng lực hạt nhân. cho biết Seoul coi đây là một bước tiến lớn so với khái niệm răn đe mở rộng trước đây.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Chosun Ilbo hôm 02/01/2022, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói rằng việc Mỹ cung cấp một "ô hạt nhân" hoặc một biện pháp răn đe mở rộng tại Hàn Quốc là chưa đủ để trấn an người dân nước này. Tổng thống Yoon giải thích : "Trong quá khứ, khái niệm ô hạt nhân là một sự chuẩn bị để đối phó với Liên Xô và Trung Quốc, trước khi Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Điều mà chúng ta gọi là răn đe mở rộng, đó là chúng ta đừng lo lắng vì đã có Hoa Kỳ lo liệu mọi việc, nhưng bây giờ thật khó để thuyết phục người dân của chúng ta chỉ với điều đó (…) Chính phủ Mỹ ở một mức độ nào đó cũng hiểu điều này".
Cuộc phỏng vấn được nhật báo Chosun Ilbo đăng tải một ngày sau khi hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên (KCNA) đưa tin lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi tăng cường "theo cấp số nhân" kho vũ khí hạt nhân của Bắc Tiều Tiên và xem Hàn Quốc là một "kẻ thù hiển nhiên".
Trong khi đó, hôm qua 01/01/2023, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng dự kiến chia sẻ theo thời gian thực thông tin về các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên. Cho đến nay, hai nước vẫn chia sẻ dữ liệu nhưng không phải theo thời gian thực. Việc chia sẻ thông tin theo kiểu mới sẽ giúp Nhật Bản cải thiện hệ thống bắn chặn tên lửa và báo động cho dân chúng sớm hơn.
Thùy Dương
**************************
Lãnh tụ Triều Tiên kêu gọi phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới
Reuters, VOA, 02/01/2023
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới và kho vũ khí hạt nhân lớn hơn để chống lại các mối đe dọa do Hoa Kỳ lãnh đạo, truyền thông nhà nước đưa tin hôm Chủ nhật, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên leo thang.
Người Hàn Quốc xem tin tức về Triều Tiên phóng tên lửa.
Tại một cuộc họp của Đảng Lao động cầm quyền, ông Kim nêu bật sự cần thiết phải đảm bảo "sức mạnh quân sự áp đảo" để bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng xuyên biên giới liên quan đến việc máy bay không người lái của Triều Tiên tuần trước xâm nhập vào Hàn Quốc, và một loạt các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, trong các cuộc điện đàm với các chỉ huy quân đội, đã kêu gọi "sẵn sàng về tinh thần và huấn luyện thực tế" để đảm bảo rằng bất kỳ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên sẽ bị đáp trả, theo một tuyên bố từ văn phòng của ông.
Ông Kim cáo buộc Washington và Seoul cố gắng "cô lập và bóp nghẹt" Bình Nhưỡng bằng khí tài tấn công hạt nhân của Mỹ liên tục được triển khai ở Hàn Quốc, gọi đó là "chưa từng có trong lịch sử loài người".
Ông tuyên bố sẽ phát triển một hệ thống ICBM khác "với nhiệm vụ chính là phản công hạt nhân nhanh chóng" theo kế hoạch củng cố lực lượng hạt nhân của đất nước, hãng thông tấn chính thức KCNA cho biết.
Tin tức được đăng tải vài giờ sau khi Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngoài khơi bờ biển phía đông, trong một vụ thử vũ khí hiếm hoi vào đêm khuya ngày đầu năm mới.
Quốc gia bị cô lập này cũng đã phóng ba tên lửa đạn đạo vào thứ Bảy, đánh dấu một năm tiến hành các vụ thử tên lửa kỷ lục.
(Reuters)
**************************
Hàn Quốc và Mỹ thảo luận tập trận hạt nhân giữa căng thẳng với Triều Tiên
Reuters, VOA, 02/01/2023
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết rằng Hàn Quốc và Hoa Kỳ đang thảo luận về các cuộc tập trận chung có thể sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ, trong khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gọi Hàn Quốc là "kẻ thù rõ ràng" trong việc làm bùng phát căng thẳng xuyên biên giới.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.
Bình luận của ông Yoon, trong một cuộc phỏng vấn đăng trên báo hôm thứ Hai, được đưa ra sau khi ông kêu gọi "chuẩn bị chiến tranh" với khả năng "áp đảo", sau một năm được đánh dấu bằng số vụ thử tên lửa kỷ lục của Triều Tiên và sự xâm nhập của máy bay không người lái của Triều Tiên vào miền Nam hồi tuần trước.
"Vũ khí hạt nhân là của Mỹ, nhưng việc lên kế hoạch, chia sẻ thông tin, tập trận và huấn luyện nên được Hàn Quốc và Mỹ cùng tiến hành", ông Yoon nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Chosun Ilbo.
Tờ báo dẫn lời ông Yoon nói rằng việc lập kế hoạch và các cuộc tập trận chung nhằm mục đích triển khai hiệu quả hơn việc "răn đe tăng cường" của Mỹ và rằng Washington cũng "khá tích cực" về ý tưởng này.
Thuật ngữ "răn đe tăng cường" có nghĩa là khả năng của quân đội Hoa Kỳ, đặc biệt là lực lượng hạt nhân, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào các đồng minh của Hoa Kỳ.
Khi được hỏi về bình luận của ông Yoon, người phát ngôn của Lầu Năm Góc nói rằng "chúng tôi không có gì để thông báo hôm nay", đồng thời nói thêm rằng liên minh vẫn "vững chắc".
Bình luận của ông Yoon được công bố một ngày sau khi truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin rằng lãnh tụ Kim kêu gọi phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới và "tăng theo cấp số nhân" kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Mối quan hệ liên Triều từ lâu đã căng thẳng nhưng thậm chí còn căng thẳng hơn kể từ khi ông Yoon nhậm chức vào tháng 5 với cam kết có một lập trường cứng rắn hơn đối với Triều Tiên.
Triều Tiên hôm Chủ nhật đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngoài khơi bờ biển phía đông, trong một vụ thử vũ khí hiếm hoi vào đêm khuya vào ngày đầu năm mới, sau vụ phóng ba tên lửa đạn đạo hôm thứ Bảy.
(Reuters)
**************************
Bắc Triều Tiên thay đổi nhân sự lãnh đạo quốc phòng
Chi Phương, RFI, 02/01/2022
Hôm 01/01/2023, hãng tin chính thức KCNA của Bắc Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng đã thay thế nhiều lãnh đạo quân sự cấp cao, trong đó có ông Pak Jong-chon, nhân vật quyền lực chỉ đứng sau Kim Jong-un.
Ảnh do chính phủ Bắc Triều Tiên cung cấp : Pak Jong-chon tại lễ diễu binh kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội. Quảng trường Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 25/04/2022. AP
Ông Pak Jong-chon, bí thư Trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của đảng cầm quyền Bắc Triều Tiên đã bị cách chức. Theo KCNA, được Yonhap trích dẫn, ông Ri Yong Gil, cựu bộ trưởng Quốc Phòng, sẽ thay thế ông Pak Jong-Chon. Theo Reuters, vào năm 2020, ông Pak Jong-chon đã được thăng chức vào Bộ Chính Trị và được phong nguyên soái, quân hàm cao nhất dưới chính quyền Kim Jong-un. Ông Pak cũng là đại diện của Bắc Triều Tiên lên tiếng phản đối các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn vào tháng 11 năm ngoái.
Theo nhà nghiên cứu Oh Gyeong-sup, thuộc Viện nghiên cứu thống nhất quốc gia, trụ sở ở Seoul, được hãng tin Reuters trích dẫn, việc thay đổi nhân sự này có thể liên quan tới vụ Hàn Quốc điều 3 drone xâm nhập vào Bắc Triều Tiên mà Bình Nhưỡng đã không có phản ứng nào. Ông Oh Gyeong-sup cho rằng "ông Pak có thể phải nhận trách nhiệm" vì đã thất bại trong việc bảo vệ hàng rào an ninh
Ngoài ra, ông Kang Sun-nam sẽ lên làm bộ trưởng Quốc Phòng. Ông Pak Su-il được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên, thay thế ông Ri Thae-sop, được chuyển sang nắm bộ Công An.
Theo Yonhap, Bắc Triều Tiên không nêu ra lý do của sự thay đổi nhân sự này. Trong những năm gần đây, Kim Jong-un đã nhiều thay đổi bộ máy quan chức cấp cao. Đây được coi là để củng cố lòng trung thành cũng như khả năng kiểm soát quyền lực của ông Kim.
Đợt thay đổi quan chức cấp cao về an ninh diễn ra ngay sau khi ông Kim Jong-un nêu ra các mục tiêu quốc phòng cho năm 2023 : phát triển tên lửa liên lục địa mới và tăng cường kho vũ khí hạt nhân.
Chi Phương
*************************
Bắc Triều Tiên 2023 : Mục tiêu phát triển ICBM mới và tăng kho vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân
Trần Công, RFI, 01/01/2023
Theo thông tin từ bộ tổng tham mưu liên quân Mỹ-Hàn, Bắc Triều Tiên đã bắn 1 tên lửa tầm ngắn về phía biển Nhật Bản vào rạng sáng ngày 01/01/2023, theo giờ địa phương. Tên lửa này sử dụng nguyên liệu rắn và bay được khoảng 400 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Tên lửa được Bình Nhưỡng bắn ra bằng "pháo phản lực cỡ nòng siêu lớn".
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tham dự một buổi lễ giới thiệu bệ phóng đa nòng ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 01/01/2023. © via Reuters - KCN
Động thái này của Bình Nhưỡng được cho là để đáp trả việc Hàn Quốc đã chế tạo thành công nguyên liệu rắn cho các tên lửa mang vệ tinh lên vũ trụ.
Cũng trong ngày hôm nay, hãng tin Yonhap đã trích dẫn hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA thông tin về việc chủ tịch Kim Jong-un đã tuyên bố lộ trình tăng cường sức mạnh quân sự và lập trường cứng rắn với liên minh Mỹ Hàn. Ông Kim đề xuất chiến lược phát triển mẫu tên lửa liên lục địa - ICBM phóng bằng nhiên liệu rắn, phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật và gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân.
Lãnh đạo họ Kim cũng đã nâng cao mức độ đe dọa đối với Hàn Quốc bằng cách đề cập đến việc sử dụng hai bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Điều này được đánh giá là Bình Nhưỡng đã bộc lộ ý đồ tiếp tục gia tăng căng thẳng quân sự trong năm mới.
Kim Jong-un cũng nói rằng Bình Nhưỡng sẽ sớm phóng vệ tinh quân sự trong năm sau.
Về phía Seoul, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết rằng chế độ Kim Jong-un sẽ phải đối mặt với nguy cơ chấm dứt nếu Bắc Triều Tiên dám sử dụng vũ khí hạt nhân.
Theo Reuters, văn phòng tổng thống đã dẫn lời tổng thống Yoon về việc Bắc Triều Tiên sẽ phải đối mặt với nguy cơ trả đũa quân sự nếu tiếp tục có những hành động leo thang khiêu khích với Hàn Quốc.
Trần Công
*****************************
Bắc Triều Tiên tiếp tục phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn
Trần Công, RFI, 31/12/2022
Theo thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, 8 giờ sáng ngày 31/12/2022, Bắc Triều Tiên đã bắn 3 quả tên lửa tầm ngắn từ xe phóng di động (TEL) về phía biển Nhật Bản.
Một người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên tại một trạm tầu điện ngầm ở Seoul, ngày 31/12/2022. AP - Lee Jin-man
Tên lửa tầm ngắn này là dòng KN, tức là dòng sử dụng nhiên liệu rắn mà Bắc Triều Tiên phóng trong thời gian gần đây. Nhiều nguồn tin nhận định rằng việc bắn 3 quả tên lửa này nhằm thể hiện khả năng sản xuất nhiên liệu rắn của chính quyền Bình Nhưỡng.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là một hành động khiêu khích nghiêm trọng làm suy yếu hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cho biết thêm : "Để chuẩn bị cho các hành động khiêu khích bổ sung của Triều Tiên, quân đội của chúng tôi sẽ theo dõi và giám sát các xu hướng liên quan với sự hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, đồng thời duy trì tư thế sẵn sàng vững chắc dựa trên khả năng đáp trả áp đảo mọi hành động khiêu khích từ Triều Tiên".
Như vậy trong năm nay, Triều Tiên đã phóng 70 tên lửa đạn đạo trong 38 lần, bao gồm 8 tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM và 3 tên lửa hành trình.
Vụ việc Bắc Triều Tiên bắn tên lửa diễn ra sau khi Hàn Quốc phóng thành công tên lửa đẩy vũ trụ sử dụng nguyên liệu rắn.
Việc phát triển và sản xuất nguyên liệu rắn là một thành công mới của Hàn Quốc trong ngành công nghiệp vũ trụ. Nguyên liệu rắn có giá thành rẻ, dễ sản xuất đại trà và thích hợp với các loại vệ tinh cỡ nhỏ tới siêu nhỏ.
Trần Công
**************************
Hàn Quốc sẽ thành lập đơn vị máy bay không người lái để đối phó với Bắc Triều Tiên
Trần Công, RFI, 27/12/2022
Sau khi Bắc Triều Tiên điều 5 máy bay không người lái (drone) xâm phạm không phận Hàn Quốc hôm 26/12/2022, Seoul đẩy nhanh kế hoạch thành lập một đơn vị máy bay không người lái. Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :
Tổng thống Yoon Suk-yeol phát biểu trong cuộc họp của nội các hôm nay, 27/12/2022, tại văn phòng tổng thống ở Seoul, Hàn Quốc. AP
Trong một cuộc họp của nội các Hàn Quốc, tổng thống Yoon Suk-yeol hôm nay tuyên bố : "Vụ này cho thấy sự thiếu sót của quân đội trong việc chuẩn bị và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi đã lên kế hoạch thành lập một đơn vị máy bay không người lái để giám sát và do thám các cơ sở quân sự của Bắc Triều Tiên. Nhưng với sự cố hôm qua, Hàn Quốc sẽ đẩy nhanh việc thành lập đơn vị này".
Vụ Bắc Triều Tiên điều máy bay không người lái xâm phạm không phận Hàn Quốc đã làm lộ ra rất nhiều lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Hàn Quốc. Quân đội bị chỉ trích vì lớp phòng không cao nhất tại thủ đô Seoul cũng đã bị chọc thủng. Câu hỏi đặt ra là liệu quân đội có đã tuân thủ đúng quy trình phản ứng với máy bay không người lái hay không.
Máy bay không người lái của Bắc Triều Tiên đã không hề bị theo dõi "liên tục" trên bầu trời Seoul, chúng chỉ bị phát hiện qua các tín hiệu "chập chờn" ẩn hiện trên màn hình radar, đường di chuyển của chúng không được biểu hiện dưới dạng tuyến tính mà chỉ ở dạng chấm.
Theo thông tin từ Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, drone của Bắc Triều Tiên đã không tiếp cận được Yongsan, nơi đặt văn phòng tổng thống Hàn Quốc. Tuy nhiên, họ cũng cho biết "các drone có kích thước dưới 3m rất khó bị phát hiện và nhận dạng".
Để đáp trả vụ hôm qua, Hàn Quốc cũng đã điều máy bay trinh sát có người lái và không người lái vượt qua đường phân định quân sự 19/9 và tiến vào lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Hành động này đã đánh dấu việc hiệp định 19/9 gần như đã bị vô hiệu hóa, do cả hai bên Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đều đã vượt qua ranh giới của hiệp định.
Trần Công