Ngày hôm qua (09/06/2024), đã có một cuộc bầu cử các đại biểu của Pháp cho quốc hội Châu Âu.
Tôi cố gắng viết một cách đơn giản nhất.
Bản đồ kết quả của bầu cử Quốc hội lập pháp Châu Âu tại Pháp ngày 9/6/2024 : Đảng cực hữu (màu xanh dương đậm) dẫn đầu 90% tổng số đơn vị bầu cử.
Kết quả rất tồi tệ cho đảng cầm quyền của Macron : 14,56%. Và ngược lại tỷ lệ rất cao cho hai đảng cực hữu : Rasemblement national (RN) : 31,5% và đảng Reconquête ,5,5%. Nếu cộng lại tổng số số phiếu dồn cho hai đảng cực hữu này thì tỷ lệ này sẽ là 37%.
Cũng nên biết, tùy theo tỷ lệ phần trăm số phiếu bầu cho đảng này hoặc đảng kia, sẽ được quy ra số ghế. Cùng nên biết Quốc hội Liên Âu có 720 ghế được chia theo tổng số dân mỗi nước, theo đó Cộng hòa Pháp được 81 ghế. Cuộc bầu cử Quốc hội Châu Âu hôm 09/06/2024 vừa qua tại Pháp là để chia số 82 ghế đó cho những đảng chính trị có trên 5% số phiếu.
Thực ra các đại biểu quốc hội Châu Âu không có ảnh hưởng trực tiếp đến việc lãnh đạo nước Pháp. Nhưng kết quả bầu này là thước đo để thấy lòng dân đối với đảng cầm quyền. Có thể nói đây là một kết quả trầm trọng nhất của nền Cộng hòa thứ 5 của nước Pháp.
Trước kết quả tồi tệ này, Tổng thống Emmanuelle Macron đã lấy một quyết định vô cùng bất ngờ là giải tán Quốc hội Pháp để bầu lại vào cuối tháng 6 này, mặc dù rất nhiều người can ngăn Tổng thống Macron.
Bình luận về chuyện này thì rất dài dòng và rắc rối. Tôi chỉ nghĩ đến hậu quả của việc bầu lại Quốc hội.
Nếu đảng cực hữu RN (do bà Marine Le Pen làm Chủ tịch và Jordan Bardella là người đứng đầu danh sách ứng cử viên Quốc hội Châu Âu) thắng, chiếm đa số trong Quốc hội thì đảng RN sẽ nắm quyền lãnh đạo nước Pháp và thành lập chính phủ của họ. Tất nhiên, Tổng thống Pháp vẫn là ông Macron, nhưng vị Thủ tướng lúc đó sẽ có một người thuộc đảng RN thắng cử (có thể sẽ là ông Bardella, 28 tuổi). Đây là trường hợp mà những nhà lãnh đạo của nền Đê ngũ Cộng hòa Pháp rất ngại vì phải chia sẻ quyền lực với đảng đối lập thắng cử ; người Pháp gọi là sống chung (cohabitation). Sống chung có nghĩa là Tổng thống của đảng cầm quyền đa số trước kia bị thất cử chỉ làm nhiệm vụ duy trì sự thống nhất đất nước và lãnh đạo chính sách ngoại giao quốc tế, trong khi vị thủ tướng đảng đối lập thắng cử đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và điều hành đất nước, nghĩa là thành lập một chính phủ khác. Lãnh đạo một nước dân chủ đã cực kỳ khó, nếu ở tình trạng "ông chẳng bà chuộc" thì còn khó gấp vạn lần.
Nói một cách tóm tắt nhất RN là một đảng cực hữu, bài ngoại, thân Nga. Phong trào cực hữu đang lên rất cao không riêng ở Pháp mà ở Châu Âu nói chung. Đó là một điều rất có lợi cho Putin.
Khả năng RN nắm quyền lãnh đạo và điều hành nước Pháp là rất cao. Tôi chỉ hy vọng là hơn 48% người không đi bỏ phiếu ngày hôm qua sẽ đi bỏ phiếu vào cuối tháng 6 này để may ra làm thay đổi cục diện "trận đấu", hoặc các đảng chính trị khác phải thành lập những liên minh để tranh ghế với đảng RN trong Quốc hội Pháp.
Nếu đảng RN thắng ở Pháp, rồi anh "Chum" thắng ở Mỹ thì đó sẽ là một bước lùi khổng lồ của phe dân chủ sau cả trăm năm chiếm thế thượng phong.
Các bạn có thể vui mừng hay buồn một phút về những tin này, tùy thuộc vào các bạn thích gì, yêu gì, yêu ai.
Tôi rất buồn nhưng không bao giờ mất hy vọng. Dân chủ không bao giờ là một điều tồi tệ đối với tất cả các dân tộc. Tất cả các cuộc đấu tranh đều gian khổ, đặc biệt là các cuộc đấu tranh chống độc tài và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Hoàng Quốc Dũng
(10/06/2024)
Bầu cử Châu Âu : "Làn sóng Xanh" thay đổi diện mạo chính trị Châu lục
Ý nghĩa của cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu tiếp tục là chủ đề lớn.
Cuộc tuần hành của giới trẻ vì khí hậu toàn cầu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 24/05/2019. Reuters/Yves Herman
Tựa trang nhất Le Monde : "Giới trẻ tham gia đông đảo khiến thế cuộc Châu Âu đảo lộn". Les Echos chú ý đến "Cuộc chiến giành các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Châu Âu bắt đầu", trong lúc tổng thống Pháp "trở lại trung tâm" bàn cờ chính trị Châu lục. Tít chính Le Figaro : "Cánh hữu tìm đường sống, sau thảm bại".
Trước hết xin giới thiệu xã luận của Le Monde : "Làn sóng Xanh tràn đến Châu Âu". Le Monde quả quyết với độc giả không nên để bị vẻ ngoài đánh lừa. Ý nghĩa của "sự trỗi dậy của quyền lực Xanh vượt xa" số 69 ghế dân biểu (trên tổng số 751), mà các đảng phái vì Sinh thái, Môi trường vừa giành được trong cuộc bầu cử này. Số lượng dân biểu được bầu vào Nghị viện của các đảng Xanh, tăng vọt đến 40%, một phần chủ yếu là nhờ sự tham gia của đông đảo cử tri, vốn không mặn mà với các cuộc bầu cử Châu Âu.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng phái Môi trường đi liền với "sự suy tàn" của một thế giới chính trị cũ, vốn dựa trên sự thống trị của thế phân cực tả - hữu truyền thống, đảng cánh hữu PPE và đảng xã hội dân chủ S&D, thay nhau ngự trị chính trường. Xu hướng đi xuống của hai đảng phái lớn Châu Âu nói trên vốn đã được khẳng định trước đó, trong nhiều cuộc bầu cử cấp quốc gia từ hai năm nay.
Các đảng cực hữu, dân túy, dân tộc chủ nghĩa - cho dù giành được tổng cộng khoảng 90 ghế - đã không đủ sức tạo ảnh hướng lớn, do quá phân tán, và chỉ dựa trên "sự bài bác", hơn là nhờ vào một "dự án" mang tính xây dựng.
Đòi hỏi khẩn cấp của cử tri, của giới trẻ
Trong khi đó, Sinh thái đã thực sự trở thành một nhân tố trung tâm trong cuộc tranh cử vào Nghị Viện Châu Âu, vượt xa các đối lập tả - hữu truyền thống. Các đảng phái tả cũng như hữu đều phải đưa các mục tiêu Môi trường mang tính khẩn cấp vào cương lĩnh tranh cử, do đòi hỏi của đông đảo cử tri. Theo Le Monde, một bộ phận đáng kể cử tri Châu Âu giờ đây đã sẵn sàng "từ bỏ các đảng phái truyền thống", với khát vọng tìm kiếm "một mô hình kinh tế xã hội khác".
Một điểm đáng chú ý khác dẫn đến sự bật dậy của làn sóng Xanh là do sự tham gia mạnh mẽ của "xã hội dân sự, đặc biệt là giới trẻ". Le Monde nhấn mạnh đến "hiệu ứng Greta Thunberg", cuộc chiến của thiếu nữ Thụy Điển để cứu hành tinh là hiện thân cho một thế hệ, không còn bị hấp dẫn bởi "các ý thức hệ cũ", mà sẵn sàng tham gia vào các dự án hành động tập thể, vì Khí hậu, vì Môi trường.
Một dự án hành động vì Sinh thái, vì Môi trường mang tính rộng mở, cho phép mọi thành phần xã hội tham gia, chính là nằm trong bản sắc của Châu Âu. Trong cuộc chiến toàn cầu vì Khí hậu, vì Môi trường, Châu Âu đóng vai trò tiên phong. Chính vì vậy, sự đột phá của làn sóng Xanh tại Nghị Viện Châu Âu là "một tin vui", "đối với hành tinh, đối với sự đổi mới chính trị".
Sự mù quáng của "một thế giới già nua"
Cũng về bầu cử Châu Âu, Le Monde có bài phân tích đi sâu hơn vào trường hợp nước Pháp, với tựa đề "Sự mù quáng của một thế giới già nua". Nhà báo Françoise Fressoz nêu bật hai ví dụ tiêu biểu. Thứ nhất là đảng cánh hữu LR (Những Người Cộng Hòa), với tỉ lệ phiếu ủng hộ 8,2%, so với 27,8% trong cuộc bầu cử tổng thống 2012 và 20% hồi 2017. Nhà báo Le Monde chỉ ra một nguyên nhân thất bại chính của đảng chính trị lớn này là đã chủ yếu dựa vào các tuyên truyền siết chặt nhập cư và đề cao bản sắc dân tộc. Lập trường này gây phân hóa mạnh mẽ, khiến một bộ phận lớn cử tri ngả sang phe cực hữu (18 % theo thăm dò của Ipsos/Sopra Steria), và một bộ phận có quan điểm "tự do" ngả theo đảng cầm quyền của Macron (27%).
Ví dụ thứ hai mà Le Monde nêu ra là đảng Xã Hội. Với khoảng 6% tỉ lệ cử tri ủng hộ, đảng chính trị này rõ ràng đang đi vào cõi chết, do không hiểu thực sự điều gì đang xảy ra. Một bộ phận lớn cử tri truyền thống của đảng cánh tả này đã dồn phiếu cho đảng Xanh.
Cánh hữu đối diện với nguy cơ tan rã
"Cánh hữu đối diện với chính mình" là tựa bài xã luận Le Figaro. Tờ báo thiên hữu nêu rõ sự tương phản giữa thất bại trong cuộc bầu cử Châu Âu với vị thế hiện tại của đảng cánh hữu LR. Hiện tại đảng LR lãnh đạo hầu hết các thành phố lớn, các tỉnh và các vùng của nước Pháp, cũng như kiểm soát Thượng Viện. Tuy nhiên, Le Figaro đặt câu hỏi : "Tình trạng này còn kéo dài bao lâu nữa ?". Bởi đảng LR "không còn cử tri nữa". Muốn hồi sinh, đảng này buộc phải đổi mới triệt để. Vấn đề là, theo Le Figaro, đảng cánh hữu hiện nay không có người nào xứng tầm lãnh đạo, cũng không có một cương lĩnh hành động nào xứng đáng.
Mắt xích quan trọng : Khối Visegrad
Trên cấp độ Châu Âu, trong lúc Le Monde thừa nhận cho dù là một nhân tố quan trọng, làm thay đổi diện mạo chính trị Châu lục, "làn sóng Xanh" hiện tại chưa tràn sang được khu vực miền đông và nam Châu Âu, thì Le Figaro chú ý đến vai trò của Visegrad, khối các nước trung và đông Châu Âu (bao gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia), được coi là "mắt xích quyết định của thế cân bằng lực lượng tương lai".
Le Figaro nhấn mạnh đến thái độ "không phải là bài Châu Âu", nhưng cũng không ủng hộ "các lực lượng cấp tiến của Châu Âu" của đảng bảo thủ dân tộc chủ nghĩa cầm quyền tại Ba Lan, một thành viên trụ cột của khối Visegrad. Theo nhà nghiên cứu Pawel Zerka của ECFR, các lực lượng cấp tiến vì Châu Âu cần tạo dựng được liên minh với nhiều đảng phái chính trị miền đông Châu Âu, đồng thời vẫn duy trì "các lằn ranh đỏ", không chấp nhận trong hàng ngũ của mình các thế lực phản dân chủ.
Vị trí trung tâm của tổng thống Pháp
Báo chí Pháp có nhiều bài nói về vị trí trung tâm của tổng thống Pháp trong cục diện chính trị mới của Châu Âu. Le Figaro lưu ý là khát vọng xây dựng Châu Âu đã là mục tiêu hàng đầu của nguyên thủ Pháp ngay sau khi ông đắc cử năm 2017. Giờ đây, với kết quả bầu cử thuận lợi, với hơn 20 dân biểu đắc cử, đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Pháp trở thành nhóm trụ cột của đảng Tự Do Dân Chủ Châu Âu.
Trong ba ngày vừa qua, tổng thống Macron liên tục có các tiếp xúc với các đối tác Châu Âu, từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đến các nước nhóm Visegrad, với Đức… Hôm qua, đảng Tự Do Dân Chủ Châu Âu (Alde), sức mạnh chính trị thứ ba của Châu lục, tuyên bố lập một nhóm "cải cách" tại Nghị Viện Châu Âu. Đây được coi là bước đi đầu tiên để việc hình thành một liên minh mới, bao gồm các lực lượng xã hội dân chủ, đảng bảo thủ PEE, đảng Xanh.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhấn mạnh đến rất nhiều thách thức chờ đợi tổng thống Pháp. Trước hết là các bất đồng với Đức trong việc lựa chọn cương vị chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu, chức vụ được coi là "có ảnh hưởng nhất".
Từ Tokyo, Trump dịu giọng với Tehran và Bình Nhưỡng
Le Monde quan tâm đến chuyến công du Nhật Bản của tổng thống Hoa Kỳ và nhận thấy, "Từ Tokyo, Donald Trump dịu giọng với Tehran và Bình Nhưỡng".
Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngày 27/05, khi đề cập đến Iran, Donald Trump tuyên bố : "Chúng tôi không tìm cách thay đổi chế độ, tôi muốn nói rõ điều này. Điều mà chúng tôi muốn, đó là Iran không có vũ khí nguyên tử", và ông vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Iran. Tuyên bố trên trái ngược với các tweet trước đó của nguyên thủ Hoa Kỳ. Ngày 19/05, Trump dọa : "Nếu Iran muốn đánh nhau, thì đó sẽ là sự kết liễu đối với nước này" ; ngày 24/05, ông thông báo cho triển khai thêm 1.500 binh sĩ trong vùng Trung Đông.
Chưa hết, tổng thống Mỹ lại còn ủng hộ thủ tướng Nhật làm trung gian để giải quyết khủng hoảng trong khu vực. Do Nhật Bản và Iran chuẩn bị kỷ niệm 90 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, thủ tướng Shinzo Abe, từ năm 2013 đến nay, thường xuyên gặp lãnh đạo Iran bên lề khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, tổng thống Mỹ ngỏ ý : "Tôi biết rõ rằng ngày thủ tướng rất gần gũi với các lãnh đạo Iran".
Trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ cũng có phát biểu làm dịu tình hình. Trái ngược với những tuyên bố cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, tố cáo các vụ bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên, tổng thống Trump lại cho rằng Kim Jong-un muốn gây sự chú ý và muốn Bắc Triều Tiên có được kinh tế hùng mạnh. Đồng thời, tổng thống Mỹ ủng hộ đề nghị của thủ tướng Nhật sẵn sàng gặp Kim Jong-un mà không có điều kiện tiên quyết, để giải quyết vấn đề người Nhật bị tình báo Bắc Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970-1980.
Le Monde đặt câu hỏi một cách hài hước : Phải chăng không khí Nhật Bản, đi đánh golf và xem đấu vật Sumo đã giúp cho Trump dịu giọng như vậy ?
Bắc Triều Tiên : Nguy cơ khủng hoảng lương thực mới
Vẫn liên quan đến Châu Á, trang quốc tế của báo Le Figaro báo động "Nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực mới bao trùm Bắc Triều Tiên". Nhiều tín hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên đang phải đối mặt với nạn khan hiếm lương thực nghiêm trọng nhất kể từ nhiều thập niên qua. Các áp-phích tuyên truyền của chế độ cũng nhắc nhở người dân rằng "gạo quý hơn vàng".
Theo tổ chức Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), sản lượng vụ thu hoạch năm ngoái của Bắc Triều Tiên bị giảm 12%, tệ hại nhất kể từ năm 2008. Từ tháng Giêng năm nay, khẩu phần lương thực của người dân giảm xuống còn 300 gram mỗi ngày, thay vì 380 gram như trong năm 2018. Tình trạng này làm sống lại ký ức về nạn đói trên quy mô lớn tại Bắc Triều Tiên, làm một triệu người chết, trong những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ.
Hôm qua, bà Michelle Bachelet, lãnh đạo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền tố cáo chính sách trấn áp của chế độ Bình Nhưỡng trong lúc đang xẩy ra nạn khan hiếm lương thực. Theo lời các nhân chứng Bắc Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc, 75% người dân Bắc Triều Tiên sống nhờ vào mạng lưới "chợ trời" tự phát. Thế nhưng, người dân có thể bị bắt, giam giữ khi mua bán những thứ hàng thiết yếu. Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, Bắc Triều Tiên đã không tìm cách thay đổi hệ thống phân phối lương lượng không hiệu quả, không hỗ trợ thiết lập một nền kinh tế tư nhân tiện lợi để cải thiện điều kiện sinh sống của người dân.
Những cáo buộc trên đây trái ngược với những lời hứa hẹn của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ưu tiên cải thiện đời sống cho người dân. Theo giới chuyên gia được Le Figaro trích dẫn, thì Kim Jong-un chấp nhận mạo hiểm trong hồ sơ nguyên tử nhưng lại quá thận trọng trong cải cách kinh tế. Có thể ông ta không hiểu biết nhiều về lĩnh vực kinh tế. Dường như, Kim Jong-unvẫn bị ám ảnh lo sợ về tình trạng hỗn loạn do cuộc cải cách tiền tệ mà người cha Kim Jong-il đã tiến hành năm 2009.
Từ sau thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Trump ở Hà Nội hồi cuối tháng Hai, bộ máy tuyên truyền của chính quyền Bình Nhưỡng nhấn mạnh đến khẩu hiệu "Tự túc về lương thực", nhằm chuẩn bị tinh thần cho người dân đối phó với tình trạng khó khăn, thiếu thốn.
Trung Quốc : Dấu hiệu khủng hoảng ngân hàng ?
Về Trung Quốc, Les Echos có bài đáng chú ý mang tựa đề "Việc một ngân hàng nhỏ của Trung Quốc bị đặt dưới sự kiểm soát thổi bùng lên lo ngại". Baoshang Bank là một ngân hàng nhỏ thuộc xứ Nội Mông, miền bắc, đứng thứ 50 trong bảng xếp hạng các ngân hàng Trung Quốc. Các hoạt động hàng ngày của ngân hàng này kể từ giờ bị đặt dưới sự bảo trợ của ngân hàng lớn thứ hai nước này do "nguy cơ tín dụng nghiêm trọng". Đây là điều chưa từng thấy tại Trung Quốc kể từ năm 1998. Việc ngân hàng nói trên bị đặt dưới sự kiểm soát diễn ra đúng vào lúc nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nguy cơ nợ không đòi tăng cao. Hồi năm ngoái, chính quyền Trung Quốc cũng buộc một công ty bảo hiểm hàng đầu (An Bang) dưới sự kiểm soát.
Trọng Thành
Bầu cử Châu Âu : Sự quan tâm đặc biệt của các nước lớn
Chủ đề bao trùm các báo Pháp ngày 24/05/2019 là bầu cử. Châu Âu bầu lại Nghị Viện. Còn tại Châu Á, cuộc bầu cử ở Ấn Độ vừa khép lại với chiến thắng của đảng dân tộc chủ nghĩa Hindu BJP. Trong khi ở Châu Âu, người ta đang lo ngại tỷ lệ đi bầu thấp, làn sóng dân túy cực hữu lên cao. Ở ngoài Châu Âu, cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu đang được nhiều nước để ý, đặc biệt là các nước lớn.
Lá cờ của Liên Hiệp Châu Âu trước trụ sở Ủy Ban Châu Âu. Reuters/Yves Herman
Với hàng tựa lớn trang nhất : "Cuộc bỏ phiếu Châu Âu, thách thức tầm thế giới", nhật báo công giáo La Croix tập trung phản ánh mối quan tâm của các nước lớn, Mỹ, Nga, Trung Quốc vào cuộc bầu cử lần này, trong bối cảnh làn sóng dân túy dân tộc chủ nghĩa cực đoan đang dâng cao.
Trước hết nhìn từ Mỹ. Thường thì dư luận Mỹ không mấy khi quan tâm đến bầu cử ở Châu Âu, thế nhưng kỳ bầu cử này lại được người Mỹ rất chú ý, ít ra là trong phạm vi của chính quyền Washington. Theo chuyên gia Charles Kupchan, chuyên gia về Châu Âu tại trung tâm tư vấn Council on Foreign Relation, trụ sở tại Washington : "Chưa bao giờ lại có nhiều quan tâm đến thế. Ngày nào các cơ quan truyền thông lớn của Mỹ cũng nói về bầu cử Châu Âu".
La Croix ghi nhận kỳ bầu cử Châu Âu lần này đánh dấu bằng việc các đảng dân tộc chủ nghĩa và dân túy đang lên mạnh trong các cuộc thăm dò dư luận. Vì thế mà cuộc bầu cử Châu Âu được người đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương nhìn nhận như là chiếc hàn thử biểu đo ý tưởng bảo thủ hiện đang được chủ nhân Nhà Trắng bảo vệ.
Sự kiện nhân vật Steve Bannon, cựu cố vấn của tổng thống Trump, mới đây đích thân đến Châu Âu vận động cho các đảng cực hữu cũng là vì lợi ích Mỹ, tờ báo nhấn mạnh.
Chuyên gia Kupchan giải thích : "Donald Trump và những người hoài nghi Châu Âu cùng chung quan điểm về nước Nga, hôn nhân đồng giới, Hồi giáo và nhập cư. Ông ta nghĩ rằng Châu Âu bị thống trị bởi những người chủ trương tự do và những thành phần quan liêu không hiểu về bản sắc dân tộc. Donald Trump thiên về các dân tộc da trắng và Thiên Chúa giáo".
La Croix ghi nhận, từ khi lên lãnh đạo nước Mỹ, tổng thống Donald Trump đã gây xáo động cả thế giới, trong đó có quan hệ với Châu Âu. Nicholas Dungan, nhà nghiên cứu thuộc Atlantic Council nhận định : "Châu Âu càng suy yếu, lộn xộn và mất đoàn kết bao nhiêu thì càng khó thực thi quyền lực. Dưới quan điểm của người luôn kêu gào "Nước Mỹ trước tiên" thì như thế tốt hơn. Ông ta không muốn thấy một sức mạnh có tổ chức trước mặt ông".
Còn chuyên gia Charles Kupchan cho rằng nếu các trào lưu tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và mị dân thắng thế ở Châu Âu thì điều đó càng có lợi cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Trung Quốc : Phe nào cũng chơi, dân túy càng hay
Còn Trung Quốc, sự quan tâm đến Châu Âu lúc này cũng không hề kém Mỹ dù có phần kín đáo hơn. Theo ghi nhận của La Croix : "Trước một Châu Âu chia rẽ xung quanh dự án con đường tơ lụa mới, Trung Quốc không giấu chiến lược ủng hộ các lãnh tụ dân túy. Tuy nhiên, Trung Quốc thích nghi với mọi kịch bản miễn sao tìm được lợi ích của mình trong đó".
Quan điểm ngoại giao chính thức thì luôn tỏ ra ủng hộ một Châu Âu thống nhất, nhưng thực tế, Bắc Kinh không ngừng tạo mâu thuẫn trong nội bộ Châu Âu để dễ dàng cắm chân vào lục địa này, La Croix nhận định.
Câu hỏi được đặt ra : Đâu là lợi ích của Trung Quốc ở Châu Âu ? Chuyên gia Sophie Boisseau du Rocher, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung tâm Châu Á của Pháp, được tờ báo trích dẫn nhận định : "Với Trung Quốc, Châu Âu không được quá mạnh để có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của họ, vì thế Bắc Kinh từ nhiều năm qua tìm cách để chia rẽ Châu Âu" và họ ít nhiều đã thành công. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ hiện nay, thì mối quan tâm đến Châu Âu của Bắc Kinh càng lớn.
Moskva hy vọng Nghị Viện mới của Châu Âu bớt ghét Nga
Nhìn sang nước Nga, dù truyền thông tỏ ra hờ hững nhưng ở thượng tầng chính quyền, Kremlin lại theo dõi rất sát cuộc bầu cử Châu Âu.
Lý do : "Sau cuộc bầu cử Nghị Viện là đến bầu lại Ủy Ban Châu Âu. Chính quyền Nga hy vọng các ủy viên Châu Âu mới sẽ cởi mở, các nghị sĩ Châu Âu đỡ chống Nga hơn những người cũ".
Mặc dù căng thẳng ngoại giao với Nga, nhưng Liên Âu vẫn là đối tác thương mại chính của Nga, nhập 40% hàng xuất khẩu của Châu Âu. Ngược lại, Nga là nguồn cung cấp khí đốt chính của Liên Hiệp Châu Âu, đồng thời là đối tác kinh tế đứng hàng thứ 4 của Châu Âu, sau Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ.
Tuy nhiên các phong trào, đảng phái dân túy, cực hữu ở khắp Châu Âu, từ Hungary qua Áo, Ý đến Pháp đều được cho là thân Moskva.
Châu Âu đã làm được gì trong nhiệm kỳ qua ?
Vẫn liên quan đến Châu Âu, Le Figaro nhìn lại một số công việc mà Liên Hiệp Châu Âu đã làm được trong nhiệm kỳ vừa qua với câu hỏi : Châu Âu có bảo vệ được cư dân mạng trước sự thao túng của GAFA ?
Le Figaro ghi nhận trong 5 năm, Châu Âu đã không ngừng nghỉ tìm cách tự khẳng định mình trong lĩnh vực công nghệ số. Ủy Ban Châu Âu dưới thời ông Juncker đã đề xuất 30 văn kiện trong đó có 28 đã được thông qua. Đó là các biện pháp liên quan từ quyền của người tiêu dùng đến quyền tác giả, hay thương mại điện tử, xóa cước phí chuyển vùng viễn thông trong các nước thành viên… Tất cả các văn bản đó nằm trong quyết sách biến 28 nước thành viên thành một thị trường số hóa đồng bộ và để chống lại sự thống trị của Mỹ với đại diện là nhóm GAFA, 4 ông lớn internet : Google, Amazon, Facebook và Apple. Đối phó với 4 tác nhân lĩnh vực công nghệ số có tiềm lực mạnh không kém nhiều quốc gia, nắm trong tay hơn 3.000 tỷ đô la, Bruxelles đã có nhiều quyết định can đảm như truy thuế của Apple 13 tỷ đô la, phạt Google hơn 6 tỷ euro vì vi phạm luật cạnh tranh hay phạt Facebook hơn 100 triệu cũng vì độc quyền. Từ nay đến cuối tháng 10 dự kiến Ủy Ban Châu Âu còn phải tuyên phạt nốt Amazon.
Nỗ lực tự bảo vệ của Châu Âu được ghi nhận là có kết quả, tuy nhiên Liên Âu vẫn loay hoay không thể làm xuất hiện những nhà mạng khổng lồ của riêng mình ?
Ấn Độ tiếp tục với phe dân tộc Hindu
Chuyển qua Ấn Độ với kết quả cuộc bầu cử kéo dài cả tháng trời, vừa có kết quả hôm 23/05/2019, đảng cầm quyền của thủ tướng Modi tiếp tục chiến thắng.
Nhật báo Libération nhận xét, đảng của thủ tướng Narendra Modi đã giành đa số ở Quốc hội, lần thứ 2 liên tiếp, bất chấp tình hình kinh tế đất nước tồi tệ.
Thành công đó là nhờ vào chiến dịch vận động tranh cử của đảng cầm quyền BJP tập trung khai thách chia rẽ tôn giáo, thổi phồng đe dọa khủng bố.
Nhiều nhà quan sát chính trị Ấn Độ bình luận : "Chiến thắng này cho thấy ở Ấn Độ, từ giờ người ra có thể thắng trong một cuộc bầu cử lớn mà không cần có một kết quả kinh tế tốt". Ấn Độ giờ đây cũng giống như ở nhiều nước trên thế giới, cử tri dễ dàng lắng nghe những giọng điệu dân túy mị dân dựa chủ yếu vào nỗi hoang mang về an ninh, nhập cư, tinh thần dân tộc của người dân.
Nhân sự kiện này, Libération cũng có một bài dài mô tả chân dung vị thủ lĩnh của phe dân tộc chủ nghĩa Hindu, Narendra Modi, có tựa đề "Từ một người bán trà đến sự sùng bái cá nhân". Bài báo cho thấy thủ tướng Ấn Độ, một người xuất thân trong một gia đình thuộc giai tầng thấp của xã hội, nhưng với tài hùng biện dân túy tuyệt đỉnh, biết tận dụng triệt để các phương tiện truyền thông hiện đại ông đã thuyết phục được dân chúng cho dù những hứa hẹn của ông hầu như chỉ là hứa suông.
Botswana : Voi Châu Phi bị đe dọa trở lại
Liên quan đến môi trường, Le Figaro loan tin : "Botswana bỏ lệnh cấm săn voi". Tờ báo cho biết trong một bối cảnh chính trị đặc biệt, Botswana vừa quyết định bỏ lệnh cấm săn voi trên đất nước ở miền nam Châu Phi. Voi là loài động vật nằm trong số những loài bị đe dọa diệt chủng bởi nạn săn bắt lấy sừng. Năm 1970 Châu Phi có khoảng hơn 1 triệu con voi, đến nay chỉ còn 415 nghìn con. Riêng Botswana còn khoảng 130 nghìn con. Quyết định trên của Botswana gây bất ngờ là vì từ lâu nay, đất nước này vẫn luôn là tấm gương trong cuộc chiến chống săn bắt voi. Lý do được chính phủ Botswana đưa ra là vì quần thể voi tập trung quá đông gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân.
Anh Vũ
Dân Pháp "hờ hững" với bầu cử Nghị Viện Châu Âu
Bầu cử Nghị Viện Châu Âu và hồ sơ hạt nhân Iran là hai hồ sơ lớn trên các nhật báo Pháp ngày 09/05/2019. Còn chưa đầy ba tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu.
Nghị Viện Châu Âu trong một phiên họp ngày 17/04/2019, Strasbourg, Pháp. FREDERICK FLORIN / AFP
Thế nhưng tại Pháp, bầu không khí vẫn tĩnh lặng. Les Echos ghi nhận : "Người Pháp hờ hững với chiến dịch bầu cử Châu Âu".
Theo một cuộc thăm dò của EuroTrack OpinionWay-Tilder thực hiện cho nhật báo kinh tế Les Echos và đài Radio Classique, tỉ lệ tham gia bầu cử hy vọng ở mức 41%, thấp hơn mức tham gia kỳ bầu cử năm 2014 là 1,4 điểm. Dù tỷ lệ này tăng nhẹ so với mức thăm dò được thực hiện hồi tháng Ba, nhưng kết quả trên cho thấy cử tri Pháp không mấy hào hứng với cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, các nhà phân tích ghi nhận là mức độ quan tâm cuộc bầu cử của người dân Pháp vẫn ở mức ổn định là 55%. Với đảng cầm quyền, cuộc bỏ phiếu này mang tính chất quyết định cho tương lai của Châu Âu. Nhưng các đảng đối lập Nước Pháp Bất Khuất và Tập Hợp Quốc Gia thì lại xem đợt bỏ phiếu này như là một cuộc trưng cầu dân ý bài Macron.
Dù hờ hững với Nghị Viện Châu Âu, nhưng khi được hỏi các lãnh đạo Châu Âu nên có ưu tiên kinh tế nào cho những năm sắp tới, thì 42% số người được hỏi đặt trọng tâm vào "mãi lực" của người dân và 28% số người được hỏi ưu tiên "cuộc chiến chống thất nghiệp". Điều này cho thấy "các thách thức quốc gia là mối bận tâm chính của cử tri Pháp" như phân tích của Frédéric Micheau, giám đốc viện nghiên cứu OpinionWay.
Trong khi các vấn đề như thỏa thuận thương mại, thành lập các ngành kinh tế đầu tàu cho Châu Âu được xếp cuối bảng các ưu tiên của dân Pháp. Một tầm nhìn ngắn hạn ?
Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Macron đổi màu giờ chót
Cũng liên quan đến bầu cử Nghị Viện Châu Âu, trang nhất Libération, đăng hình tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên phông ảnh mầu xanh lá cây đưa tít lớn : "Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Macron, quân bài xanh lá cây".
Nhật báo thiên tả đặt ra một loạt các câu hỏi : "Phải chăng Macron đang chuyển sang sinh thái ?", "Emmanuel Macron, người khổng lồ mầu xanh mới ?". Bởi vì trong chương trình tranh cử Nghị Viện Châu Âu, đảng Những người Cộng hòa Tiến bước LREM của tổng thống Pháp đặt ưu tiên cho chuyển đổi sinh thái. Thế nhưng, sự thành tâm này của tổng thống Pháp vẫn khiến Libération nghi ngờ. Thật là khó tin thiện chí bảo vệ môi trường của ông Macron khi mà trong suốt buổi họp báo hôm 25/04 trình bày các giải pháp để thoát cuộc khủng hoảng Áo Vàng, tổng thống Pháp không một lời nhắc đến cụm từ "đa dạng sinh thái".
Iran phản công dồn Châu Âu vào chân tường
Hồ sơ hạt nhân Iran chiếm lĩnh nhiều trang báo Pháp. Chính quyền Tehran hôm qua bất ngờ thông báo tạm ngưng thực thi một phần thỏa thuận hạt nhân Iran được đúc kết với sáu cường quốc khác năm 2015. Mục tiêu là nhằm đáp trả quyết định của Hoa Kỳ rút ra khỏi thỏa thuận cách nay một năm và tái lập các lệnh trừng phạt nhắm vào chế độ Cộng hòa Hồi giáo này.
Không còn gì để mất, Iran quyết định phản đòn, đánh lá chủ bài "được ăn cả ngã về không". Hôm qua, 08/05/2019, tròn một năm Hoa Kỳ rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tổng thống Hassan Rohani gia hạn cho các nước còn lại bao gồm Anh, Pháp, Nga, Đức và Trung Quốc có 60 ngày để bảo vệ thỏa thuận này cũng như là Iran trước các đòn trừng phạt của Mỹ, bằng không Iran sẽ ngưng thực thi một số các cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân.
Như vậy là "Iran đang dồn Châu Âu vào chân tường" như nhận xét của Le Figaro và Les Echos. "Chính quyền Tehran cáo buộc các nước có tham gia ký kết còn lại đã không hoàn thành nghĩa vụ của mình", tựa trên La Croix. Từ một năm qua, nền kinh tế Iran bị các lệnh trừng phạt của Mỹ bóp nghẹt. Xuất khẩu dầu khí giảm đến một nửa tác động mạnh đến nguồn thu ngoại tệ chính của đất nước, khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái trầm trọng.
Quyết định này đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran lên đến cực điểm. Phía Tehran đe dọa đóng cửa eo biển Ormuz lối thông thương hàng hải quan trọng. Còn Washington vừa thông báo gởi hàng không mẫu hạm cùng với oanh tạc cơ B-52 đến vịnh Ba Tư.
Châu Âu giờ trong thế lưỡng nan, giữa một bên là giữ chặt thỏa thuận hạt nhân đạt được mà Anh, Pháp, Đức cũng như là Liên Hiệp Châu Âu dầy công gầy dựng và bên kia là "áp lực" tối đa của Hoa Kỳ, mang hơi hướm của một chiến lược đòi "thay đổi chế độ".
Lời đe dọa này của Iran có nguy cơ làm cho Châu Âu thêm chia rẽ. Dù vậy, Les Echos vẫn còn thấy chút tia hy vọng : Thời hạn 60 ngày, dấu hiệu cho thấy cánh cửa đối thoại vẫn chưa khép hẳn. Thỏa thuận chưa bị xé bỏ và các biện pháp đưa ra vẫn còn có thể "đảo chiều" bất kỳ lúc nào.
Trung Quốc : "Tang lễ sinh thái"
Thời sự Châu Á khá hiếm hoi trên các mặt báo Pháp. Ngoài thông tin giáo dân Asia Bibi được phép rời Pakistan sau 10 năm bị giam trong tù chờ ngày thi hành án tử vì tội xúc phạm đạo Hồi, báo Le Figaro có bài phóng sự khá dài đề tựa "Tại Trung Quốc, tang lễ xanh làm thay đổi các lễ tục truyền thống".
Trung Quốc dự báo từ đây đến năm 2050, mỗi năm có khoảng 20 triệu người tạ thế. Đảng cộng sản Trung Quốc muốn rằng vào năm 2020, 50% tang lễ phải được thực hiện với các chất liệu có thể phân hủy "sạch". Chính quyền Bắc Kinh cũng hy vọng giải tỏa được tình trạng khan hiếm chỗ tại các nghĩa trang và giảm dần vị trí của tôn giáo trong xã hội.
Béo phì không chừa một ai !
Trong lĩnh vực sức khỏe, Le Figaro có bài viết báo động tình trạng béo phì đang có xu hướng tăng nhanh tại các vùng nông thôn.
Từ lâu giới chuyên gia luôn cho rằng hiện tượng đô thị hóa là động cơ chính cho nạn dịch béo phì trên thế giới. Thế nhưng, khi thực hiện các khảo sát về chiều cao và cân nặng có tính cả yếu tố giới tính, tuổi tác và nơi sinh sống của khoảng 112 triệu người lớn, trong vòng 33 năm (1985 – 2017), các nhà khoa học nhận thấy là xu hướng thân hình đẫy đà đang tăng nhanh trên khắp mọi vùng thế giới.
Từ năm 1985, chỉ số khối cơ thể (BMI – Body Mass Index) tăng trung bình hai điểm ở phụ nữ và 2,2 điểm ở nam giới. Con số này tương đương với mức tăng thêm từ 5-6 kg cho một người có chiều cao trung bình.
Trên bình diện quốc tế, mức tăng này thể hiện rõ ở những vùng nông thôn (2,1 điểm) hơn là ở chốn đô thị (1,3 cho phụ nữ và 1,6 cho nam giới). Các nhà khoa học trường Imperial College of London lưu ý là "năm 1985 tại ¾ nước trên thế giới, người dân đô thị có chỉ số BMI cao hơn người dân nông thôn. Cùng với thời gian, cách biệt này được rút ngắn, thậm chí bị đảo chiều".
Hiện tượng này thấy rõ ở những quốc gia có thu nhập thấp hay ở mức trung bình như Thổ Nhĩ Kỳ, Chilê hay Malaysia. Theo giả định của các nhà khoa học, chính việc cơ giới hóa nông nghiệp và việc sử dụng xe ô tô ngày càng thường xuyên hơn tại các vùng nông thôn đã dẫn đến việc giảm các hoạt động thể lực, trong khi mà việc cải thiện mức sống đã cho phép họ có thể tiếp cận các loại thực phẩm chế biến giá rẻ, nhiều chất béo và kém dinh dưỡng.
Dân Pháp thích để râu, dao cạo "ế ẩm"
Cuối cùng mục điểm báo xin được khép lại với một bài viết khá thú vị trên tờ Les Echos với hàng tựa "Ngành công nghiệp dao cạo đối diện với chiếc gương thần nam giới".
Chăm sóc gương mặt không chỉ là mối bận tâm của các quý bà quý cô, mà giờ là của cả đấng mày râu nữa. Nếu như việc cạo râu vẫn là một hoạt động chính của nam giới để giữ gìn khuôn mặt và thân thể, thói quen cạo râu ngày nay đang có xu hướng thay đổi. Les Echos trích quan sát của tạp chí "GQ" dành cho nam giới ghi nhận chỉ có "32% nam giới vẫn thích một gương mặt nhẵn nhụi"… Gần hai phần ba số người được hỏi cho biết bắt đầu để râu và "6% thích để ria".
Khảo sát của hãng Wilkinson còn nêu chi tiết hơn. Số người thích cạo râu mỗi buổi sáng, nằm trong độ tuổi trên 45, chiếm 50%. Số còn lại là những người thích có vẻ mặt thay đổi. Nghĩa là đôi khi có cạo râu, đôi khi thích để râu ba ngày hay nhiều hơn nữa.
Hệ quả là thị trường dao cạo râu trong những năm gần đây sụt giảm. Tại Pháp, trong năm 2018, lượng dao cạo bán ra giảm mất 6,1%, tương đương với khoản thất thu 317,9 triệu euro. Trong bối cảnh này, các nhà sản xuất bắt đầu có những thay đổi các thiết kế và mẫu mã dao cạo cho phù hợp với thị hiếu, đồng thời gia tăng và nâng cấp các dòng sản phẩm chăm sóc râu cho các quý ông.
Minh Anh