Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/05/2019

Điểm báo Pháp - "Làn sóng Xanh" thay đổi diện mạo chính trị Châu lục

RFI tiếng Việt

Bầu cử Châu Âu : "Làn sóng Xanh" thay đổi diện mạo chính trị Châu lục

Ý nghĩa của cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu tiếp tục là chủ đề lớn.

xanh1

Cuộc tuần hành của giới trẻ vì khí hậu toàn cầu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 24/05/2019. Reuters/Yves Herman

Tựa trang nhất Le Monde : "Giới trẻ tham gia đông đảo khiến thế cuộc Châu Âu đảo lộn". Les Echos chú ý đến "Cuộc chiến giành các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Châu Âu bắt đầu", trong lúc tổng thống Pháp "trở lại trung tâm" bàn cờ chính trị Châu lục. Tít chính Le Figaro : "Cánh hữu tìm đường sống, sau thảm bại".

Trước hết xin giới thiệu xã luận của Le Monde : "Làn sóng Xanh tràn đến Châu Âu". Le Monde quả quyết với độc giả không nên để bị vẻ ngoài đánh lừa. Ý nghĩa của "sự trỗi dậy của quyền lực Xanh vượt xa" số 69 ghế dân biểu (trên tổng số 751), mà các đảng phái vì Sinh thái, Môi trường vừa giành được trong cuộc bầu cử này. Số lượng dân biểu được bầu vào Nghị viện của các đảng Xanh, tăng vọt đến 40%, một phần chủ yếu là nhờ sự tham gia của đông đảo cử tri, vốn không mặn mà với các cuộc bầu cử Châu Âu.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng phái Môi trường đi liền với "sự suy tàn" của một thế giới chính trị cũ, vốn dựa trên sự thống trị của thế phân cực tả - hữu truyền thống, đảng cánh hữu PPE và đảng xã hội dân chủ S&D, thay nhau ngự trị chính trường. Xu hướng đi xuống của hai đảng phái lớn Châu Âu nói trên vốn đã được khẳng định trước đó, trong nhiều cuộc bầu cử cấp quốc gia từ hai năm nay.

Các đảng cực hữu, dân túy, dân tộc chủ nghĩa - cho dù giành được tổng cộng khoảng 90 ghế - đã không đủ sức tạo ảnh hướng lớn, do quá phân tán, và chỉ dựa trên "sự bài bác", hơn là nhờ vào một "dự án" mang tính xây dựng.

Đòi hỏi khẩn cấp của cử tri, của giới trẻ

Trong khi đó, Sinh thái đã thực sự trở thành một nhân tố trung tâm trong cuộc tranh cử vào Nghị Viện Châu Âu, vượt xa các đối lập tả - hữu truyền thống. Các đảng phái tả cũng như hữu đều phải đưa các mục tiêu Môi trường mang tính khẩn cấp vào cương lĩnh tranh cử, do đòi hỏi của đông đảo cử tri. Theo Le Monde, một bộ phận đáng kể cử tri Châu Âu giờ đây đã sẵn sàng "từ bỏ các đảng phái truyền thống", với khát vọng tìm kiếm "một mô hình kinh tế xã hội khác".

Một điểm đáng chú ý khác dẫn đến sự bật dậy của làn sóng Xanh là do sự tham gia mạnh mẽ của "xã hội dân sự, đặc biệt là giới trẻ". Le Monde nhấn mạnh đến "hiệu ứng Greta Thunberg", cuộc chiến của thiếu nữ Thụy Điển để cứu hành tinh là hiện thân cho một thế hệ, không còn bị hấp dẫn bởi "các ý thức hệ cũ", mà sẵn sàng tham gia vào các dự án hành động tập thể, vì Khí hậu, vì Môi trường.

Một dự án hành động vì Sinh thái, vì Môi trường mang tính rộng mở, cho phép mọi thành phần xã hội tham gia, chính là nằm trong bản sắc của Châu Âu. Trong cuộc chiến toàn cầu vì Khí hậu, vì Môi trường, Châu Âu đóng vai trò tiên phong. Chính vì vậy, sự đột phá của làn sóng Xanh tại Nghị Viện Châu Âu là "một tin vui", "đối với hành tinh, đối với sự đổi mới chính trị".

Sự mù quáng của "một thế giới già nua"

Cũng về bầu cử Châu Âu, Le Monde có bài phân tích đi sâu hơn vào trường hợp nước Pháp, với tựa đề "Sự mù quáng của một thế giới già nua". Nhà báo Françoise Fressoz nêu bật hai ví dụ tiêu biểu. Thứ nhất là đảng cánh hữu LR (Những Người Cộng Hòa), với tỉ lệ phiếu ủng hộ 8,2%, so với 27,8% trong cuộc bầu cử tổng thống 2012 và 20% hồi 2017. Nhà báo Le Monde chỉ ra một nguyên nhân thất bại chính của đảng chính trị lớn này là đã chủ yếu dựa vào các tuyên truyền siết chặt nhập cư và đề cao bản sắc dân tộc. Lập trường này gây phân hóa mạnh mẽ, khiến một bộ phận lớn cử tri ngả sang phe cực hữu (18 % theo thăm dò của Ipsos/Sopra Steria), và một bộ phận có quan điểm "tự do" ngả theo đảng cầm quyền của Macron (27%).

Ví dụ thứ hai mà Le Monde nêu ra là đảng Xã Hội. Với khoảng 6% tỉ lệ cử tri ủng hộ, đảng chính trị này rõ ràng đang đi vào cõi chết, do không hiểu thực sự điều gì đang xảy ra. Một bộ phận lớn cử tri truyền thống của đảng cánh tả này đã dồn phiếu cho đảng Xanh.

Cánh hữu đối diện với nguy cơ tan rã

"Cánh hữu đối diện với chính mình" là tựa bài xã luận Le Figaro. Tờ báo thiên hữu nêu rõ sự tương phản giữa thất bại trong cuộc bầu cử Châu Âu với vị thế hiện tại của đảng cánh hữu LR. Hiện tại đảng LR lãnh đạo hầu hết các thành phố lớn, các tỉnh và các vùng của nước Pháp, cũng như kiểm soát Thượng Viện. Tuy nhiên, Le Figaro đặt câu hỏi : "Tình trạng này còn kéo dài bao lâu nữa ?". Bởi đảng LR "không còn cử tri nữa". Muốn hồi sinh, đảng này buộc phải đổi mới triệt để. Vấn đề là, theo Le Figaro, đảng cánh hữu hiện nay không có người nào xứng tầm lãnh đạo, cũng không có một cương lĩnh hành động nào xứng đáng.

Mắt xích quan trọng : Khối Visegrad

Trên cấp độ Châu Âu, trong lúc Le Monde thừa nhận cho dù là một nhân tố quan trọng, làm thay đổi diện mạo chính trị Châu lục, "làn sóng Xanh" hiện tại chưa tràn sang được khu vực miền đông và nam Châu Âu, thì Le Figaro chú ý đến vai trò của Visegrad, khối các nước trung và đông Châu Âu (bao gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia), được coi là "mắt xích quyết định của thế cân bằng lực lượng tương lai".

Le Figaro nhấn mạnh đến thái độ "không phải là bài Châu Âu", nhưng cũng không ủng hộ "các lực lượng cấp tiến của Châu Âu" của đảng bảo thủ dân tộc chủ nghĩa cầm quyền tại Ba Lan, một thành viên trụ cột của khối Visegrad. Theo nhà nghiên cứu Pawel Zerka của ECFR, các lực lượng cấp tiến vì Châu Âu cần tạo dựng được liên minh với nhiều đảng phái chính trị miền đông Châu Âu, đồng thời vẫn duy trì "các lằn ranh đỏ", không chấp nhận trong hàng ngũ của mình các thế lực phản dân chủ.

Vị trí trung tâm của tổng thống Pháp

Báo chí Pháp có nhiều bài nói về vị trí trung tâm của tổng thống Pháp trong cục diện chính trị mới của Châu Âu. Le Figaro lưu ý là khát vọng xây dựng Châu Âu đã là mục tiêu hàng đầu của nguyên thủ Pháp ngay sau khi ông đắc cử năm 2017. Giờ đây, với kết quả bầu cử thuận lợi, với hơn 20 dân biểu đắc cử, đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Pháp trở thành nhóm trụ cột của đảng Tự Do Dân Chủ Châu Âu.

Trong ba ngày vừa qua, tổng thống Macron liên tục có các tiếp xúc với các đối tác Châu Âu, từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đến các nước nhóm Visegrad, với Đức… Hôm qua, đảng Tự Do Dân Chủ Châu Âu (Alde), sức mạnh chính trị thứ ba của Châu lục, tuyên bố lập một nhóm "cải cách" tại Nghị Viện Châu Âu. Đây được coi là bước đi đầu tiên để việc hình thành một liên minh mới, bao gồm các lực lượng xã hội dân chủ, đảng bảo thủ PEE, đảng Xanh.

Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhấn mạnh đến rất nhiều thách thức chờ đợi tổng thống Pháp. Trước hết là các bất đồng với Đức trong việc lựa chọn cương vị chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu, chức vụ được coi là "có ảnh hưởng nhất".

Từ Tokyo, Trump dịu giọng với Tehran và Bình Nhưỡng

Le Monde quan tâm đến chuyến công du Nhật Bản của tổng thống Hoa Kỳ và nhận thấy, "Từ Tokyo, Donald Trump dịu giọng với Tehran và Bình Nhưỡng".

Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngày 27/05, khi đề cập đến Iran, Donald Trump tuyên bố : "Chúng tôi không tìm cách thay đổi chế độ, tôi muốn nói rõ điều này. Điều mà chúng tôi muốn, đó là Iran không có vũ khí nguyên tử", và ông vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Iran. Tuyên bố trên trái ngược với các tweet trước đó của nguyên thủ Hoa Kỳ. Ngày 19/05, Trump dọa : "Nếu Iran muốn đánh nhau, thì đó sẽ là sự kết liễu đối với nước này" ; ngày 24/05, ông thông báo cho triển khai thêm 1.500 binh sĩ trong vùng Trung Đông.

Chưa hết, tổng thống Mỹ lại còn ủng hộ thủ tướng Nhật làm trung gian để giải quyết khủng hoảng trong khu vực. Do Nhật Bản và Iran chuẩn bị kỷ niệm 90 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, thủ tướng Shinzo Abe, từ năm 2013 đến nay, thường xuyên gặp lãnh đạo Iran bên lề khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, tổng thống Mỹ ngỏ ý : "Tôi biết rõ rằng ngày thủ tướng rất gần gũi với các lãnh đạo Iran".

Trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ cũng có phát biểu làm dịu tình hình. Trái ngược với những tuyên bố cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, tố cáo các vụ bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên, tổng thống Trump lại cho rằng Kim Jong-un muốn gây sự chú ý và muốn Bắc Triều Tiên có được kinh tế hùng mạnh. Đồng thời, tổng thống Mỹ ủng hộ đề nghị của thủ tướng Nhật sẵn sàng gặp Kim Jong-un mà không có điều kiện tiên quyết, để giải quyết vấn đề người Nhật bị tình báo Bắc Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970-1980.

Le Monde đặt câu hỏi một cách hài hước : Phải chăng không khí Nhật Bản, đi đánh golf và xem đấu vật Sumo đã giúp cho Trump dịu giọng như vậy ?

Bắc Triều Tiên : Nguy cơ khủng hoảng lương thực mới

Vẫn liên quan đến Châu Á, trang quốc tế của báo Le Figaro báo động "Nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực mới bao trùm Bắc Triều Tiên". Nhiều tín hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên đang phải đối mặt với nạn khan hiếm lương thực nghiêm trọng nhất kể từ nhiều thập niên qua. Các áp-phích tuyên truyền của chế độ cũng nhắc nhở người dân rằng "gạo quý hơn vàng".

Theo tổ chức Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), sản lượng vụ thu hoạch năm ngoái của Bắc Triều Tiên bị giảm 12%, tệ hại nhất kể từ năm 2008. Từ tháng Giêng năm nay, khẩu phần lương thực của người dân giảm xuống còn 300 gram mỗi ngày, thay vì 380 gram như trong năm 2018. Tình trạng này làm sống lại ký ức về nạn đói trên quy mô lớn tại Bắc Triều Tiên, làm một triệu người chết, trong những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ.

Hôm qua, bà Michelle Bachelet, lãnh đạo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền tố cáo chính sách trấn áp của chế độ Bình Nhưỡng trong lúc đang xẩy ra nạn khan hiếm lương thực. Theo lời các nhân chứng Bắc Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc, 75% người dân Bắc Triều Tiên sống nhờ vào mạng lưới "chợ trời" tự phát. Thế nhưng, người dân có thể bị bắt, giam giữ khi mua bán những thứ hàng thiết yếu. Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, Bắc Triều Tiên đã không tìm cách thay đổi hệ thống phân phối lương lượng không hiệu quả, không hỗ trợ thiết lập một nền kinh tế tư nhân tiện lợi để cải thiện điều kiện sinh sống của người dân.

Những cáo buộc trên đây trái ngược với những lời hứa hẹn của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ưu tiên cải thiện đời sống cho người dân. Theo giới chuyên gia được Le Figaro trích dẫn, thì Kim Jong-un chấp nhận mạo hiểm trong hồ sơ nguyên tử nhưng lại quá thận trọng trong cải cách kinh tế. Có thể ông ta không hiểu biết nhiều về lĩnh vực kinh tế. Dường như, Kim Jong-unvẫn bị ám ảnh lo sợ về tình trạng hỗn loạn do cuộc cải cách tiền tệ mà người cha Kim Jong-il đã tiến hành năm 2009.

Từ sau thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Trump ở Hà Nội hồi cuối tháng Hai, bộ máy tuyên truyền của chính quyền Bình Nhưỡng nhấn mạnh đến khẩu hiệu "Tự túc về lương thực", nhằm chuẩn bị tinh thần cho người dân đối phó với tình trạng khó khăn, thiếu thốn.

Trung Quốc : Dấu hiệu khủng hoảng ngân hàng ?

Về Trung Quốc, Les Echos có bài đáng chú ý mang tựa đề "Việc một ngân hàng nhỏ của Trung Quốc bị đặt dưới sự kiểm soát thổi bùng lên lo ngại". Baoshang Bank là một ngân hàng nhỏ thuộc xứ Nội Mông, miền bắc, đứng thứ 50 trong bảng xếp hạng các ngân hàng Trung Quốc. Các hoạt động hàng ngày của ngân hàng này kể từ giờ bị đặt dưới sự bảo trợ của ngân hàng lớn thứ hai nước này do "nguy cơ tín dụng nghiêm trọng". Đây là điều chưa từng thấy tại Trung Quốc kể từ năm 1998. Việc ngân hàng nói trên bị đặt dưới sự kiểm soát diễn ra đúng vào lúc nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nguy cơ nợ không đòi tăng cao. Hồi năm ngoái, chính quyền Trung Quốc cũng buộc một công ty bảo hiểm hàng đầu (An Bang) dưới sự kiểm soát.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 479 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)