Mỹ sẽ sớm bố trí hỏa tiễn mới ở Á Châu, đối đầu với đe dọa từ Trung Quốc (Người Việt, 04/08/2019)
Washington nay muốn sớm bố trí loại hỏa tiễn tầm trung mới ở Á Châu, để đương đầu với sự gia tăng sức mạnh quân sự Trung Quốc trong khu vực, theo lời tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper hôm Thứ Bảy, 3 tháng Tám.
Hỏa tiễn tầm trung loại Iskander-K của Nga. (Hình : Russian Defense Ministry Press Service via AP/File)
Theo bản tin của tờ South China Morning Post, ông Esper khẳng định là Mỹ đang tính tới việc sớm đặt hỏa tiễn tầm trung loại mới tại Á Châu vì nay Washington không còn bị ràng buộc bởi hiệp ước Hỏa Tiễn Nguyên Tử Tầm Trung (INF).
Thỏa ước này trước đây cấm cả hai bên Mỹ và Nga bố trí các hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử hay đầu đạn quy ước, có tầm xa từ 500 km (310 dặm) tới 5,500 km (3,420 dặm) trên bộ.
"Chúng tôi muốn bố trí hỏa tiễn này càng sớm càng tốt," ông Esper nói với các các ký giả tháp tùng trên chuyến bay tới Sydney, trong cuộc công du các quốc gia Á Châu kéo dài một tuần.
"Tôi muốn thời gian tính bằng tháng… nhưng những điều này thường mất nhiều thời giờ hơn dự tưởng."
Ông Esper không cho biết là Mỹ dự tính đặt các hệ thống hỏa tiễn này ở đâu.
"Tôi không muốn nói ra vì những điều này tùy thuộc theo kế hoạch. Đây là những điều mà chúng tôi luôn thảo luận với đồng minh của mình," ông Esper nói.
Mỹ chính thức rút khỏi thỏa ước INF hôm Thứ Sáu, sau khi từng cáo buộc Nga vi phạm thỏa ước này trong nhiều năm qua.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Sáu nói rằng nếu có thương thảo về một thỏa ước mới, ông muốn có sự tham dự của Trung Quốc lẫn Nga.
Mỹ hiện đang đối đầu với mối đe dọa hỏa tiễn từ Trung Quốc. Kho võ khí của Bắc Kinh phần lớn gồm những loại bị cấm theo thỏa ước INF trước đây, và Trung Quốc không hề ký vào thỏa ước này.
Ông Esper nói Trung Quốc không nên ngạc nhiên về các kế hoạch của Mỹ do đây là điều Washington đã từng nhiều lần báo trước.
V.Giang
******************
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ủng hộ đặt phi đạn ở Châu Á (VOA, 03/08/2019)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm thứ Bảy nói rằng ông ủng hộ đặt các phi đạn tầm trung phóng từ mặt đất ở Châu Á tương đối sớm, một ngày sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí mang tính bước ngoặt.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đến Sydney, Úc, Saturday, ngày 3 tháng 8, 2019.
Phát biểu của ông Esper có thể sẽ khơi lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang và có thể càng làm cho quan hệ với Trung Quốc thêm căng thẳng.
"Có, tôi muốn như vậy", ông Esper nói, khi được hỏi liệu ông có đang cân nhắc đặt những phi đạn như vậy ở Châu Á hay không.
"Tôi muốn nó diễn ra trong những tháng tới ... nhưng những việc thế này thường mất nhiều thời gian hơn mong đợi", ông nói với các phóng viên tháp tùng đến Sydney khi được hỏi về thời biểu triển khai những phi đạn này.
Mỹ chính thức rời bỏ hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga vào ngày thứ Sáu sau khi xác định Moscow vi phạm hiệp ước, một cáo buộc mà Điện Kremlin bác bỏ.
Hôm thứ Sáu, các quan chức cao cấp của Mỹ nói rằng sẽ mất vài năm nữa mới triển khai loại vũ khí như vậy.
Các quan chức Mỹ đã cảnh báo từ nhiều năm qua rằng Mỹ đang gặp bất lợi khi Trung Quốc phát triển lực lượng tên lửa đất đối không ngày càng tinh vi mà Lầu Năm Góc không thể sánh được do hiệp ước của Mỹ với Nga.
Mỹ cho đến nay vẫn dựa vào các năng lực khác như một đối trọng với Trung Quốc, chẳng hạn như phi đạn bắn từ tàu hoặc máy bay của Mỹ. Nhưng những người ủng hộ việc Mỹ đặt phi đạn trên mặt đất nói đó là cách tốt nhất để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các lực lượng phi đạn hùng hậu của họ đặt trên mặt đất.
"Tôi không thấy một cuộc đua vũ trang đang diễn ra, tôi thấy chúng tôi đang thực hiện các biện pháp chủ động để phát triển một năng lực mà chúng tôi cần cho cả chiến trường Châu Âu và chắc chắn chiến trường này", ông Esper nói, nhắc đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Dù chưa có quyết định nào được đưa ra, nhưng trên lí thuyết, Mỹ có thể đặt các phi đạn dễ che giấu và cơ động trên đường ở những nơi như đảo Guam.
Ông Esper không nói ông đang cân nhắc đặt phi đạn ở đâu ở Châu Á, nhưng ông dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo cao cấp trong khu vực trong chuyến thăm Châu Á.
******************
Pompeo chỉ trích Trung Quốc, cổ vũ ASEAN xích gần lại với Mỹ (RFI, 02/08/2019)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm nay 02/08/2019 tại Bangkok chỉ trích các hành vi của Trung Quốc, đồng thời cổ vũ các nước ASEAN đặt lòng tin vào Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đứng cạnh ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và các đồng nhiệm khác tại Diễn Đàn Khu Vực ASEAN, Bangkok, ngày 02/08/2019. Reuters/Jonathan Ernst/Pool
Ông Mike Pompeo tuyên bố với các ngoại trưởng ASEAN : "Hoa Kỳ nay là nền kinh tế mạnh mẽ nhất thế giới, và tiêu thụ của Mỹ làm tăng nhu cầu các sản phẩm Đông Nam Á. Ngược lại, kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm nhất (…). Đầu tư của Mỹ không phục vụ cho một chính phủ hay một đảng chính trị nào".
Ông nói thêm, Hoa Kỳ không tài trợ xây cầu để đòi hỏi lòng trung thành, đầu tư để đáp ứng nhu cầu của người tiêu thụ chứ không tạo ra bẫy nợ. Ngoại trưởng Mỹ khuyến khích các nước ASEAN xích lại gần với Washington thay vì Bắc Kinh, trong bối cảnh tổng thống Donald Trump tái thúc đẩy cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ tố cáo "những hành vi xấu trong nhiều thập niên qua" khi Trung Quốc lợi dụng các lợi thế thương mại, làm tổn hại đến tự do mậu dịch. "Tình hình này phải chấm dứt",và tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chỉnh đốn.
Hôm qua, phát biểu sau cuộc gặp đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị nhân hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM) tại Thái Lan, ông Mike Pompeo chỉ trích các hành động "cưỡng bức"của Bắc Kinh tại Biển Đông. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Trung Quốc cho các tàu hải cảnh gây hấn với các tàu Việt Nam tại bãi Tư Chính và bao vây đảo Thị Tứ đang do Philippines quản lý.
Thụy My
Những điều mà ngoại trưởng Mỹ phải làm rõ trong chuyến đi Trung Quốc (RFI, 16/2017)
Thứ Bảy 18/3/2017, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ đến Bắc Kinh, sau khi dừng chân tại Tokyo hôm qua (15/3) và thăm Seoul vào ngày mai (17/3). Đây cũng là chuyến viếng thăm Bắc Kinh của một quan chức cao cấp Hoa Kỳ đầu tiên, kể từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Theo giới chuyên gia được báo mạng Forbes trích dẫn, có ít nhất 5 vấn đề mà ngoại trưởng Mỹ cần phải làm sáng tỏ về mối quan hệ nhập nhằng và bấp bênh này giữa Washington và Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến Trung Quốc vào thứ Bảy 18/3/2017. REUTERS/Franck Robichon/Pool
Thứ nhất, cũng như bao quốc gia khác, Trung Quốc trông đợi một lập trường rõ ràng và nhất quán từ ông Trump. Sau cú trao đổi điện thoại với tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, gây căng thẳng cho đôi bên, Bắc Kinh giờ muốn biết xem Hoa Kỳ nghiêm túc đến đâu trong việc giúp đỡ Nhật Bản và Hàn Quốc phòng thủ chống lại chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Bắc Kinh cũng tò mò muốn biết Tillerson có ý gì khi hồi tháng Giêng năm 2017 nói rằng nên ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo tại Biển Đông mà nước này đòi hỏi chủ quyền và có tranh chấp với các nước láng giềng. Ngoại trưởng Mỹ còn tuyên bố là "muốn thiết lập một sân chơi bình đẳng cho các lợi ích thương mại và đầu tư của đôi bên". Trung Quốc rất muốn biết điều đó có ý nghĩa gì cho quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Thứ hai, Bắc Kinh chắc chắn vẫn sẽ bổn cũ soạn lại : Đưa ra những luận điệu và cam kết cũ. Cách tiếp cận này sẽ ngày càng được dùng đến nhiều hơn cho đến khi nào Trung Quốc biết rõ là ông Trump đang dở trò gì tại Châu Á. Nghĩa là, Trung Quốc vẫn cam kết gây áp lực lên Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân, nhưng phản đối Hoa Kỳ và Hàn Quốc cho lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa THAAD. Về căng thẳng trên Biển Đông, Bắc Kinh vẫn lập lại yêu sách chủ quyền tại những đảo mà họ đòi hỏi và kêu gọi hợp tác với bốn nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh hải. Lãnh đạo đảng Cộng Sản lại sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung đối với các doanh nghiệp và các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ trên cả hai phía ra sao.
Điểm thứ ba chính là quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật – Hàn. Ông Rex Tillerson đến Nhật Bản hôm qua 15/3 để trấn an đồng minh trước mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên, cũng như là trước những động thái quân sự của Trung Quốc tại những đảo đang có tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản. Và thứ Sáu này, ngoại trưởng Mỹ sẽ có cuộc gặp đầu tiên với tổng thống tạm quyền Hwang Kyo-Ahn tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trang mạng Forbes trích nhận định của giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales, Úc cho rằng việc "việc Hoa Kỳ quay lại tập trung vào vùng Đông Bắc Á và viện dẫn điều khoản số 5 trong Hiệp ước song phương an ninh Mỹ - Nhật sẽ không làm cho Bắc Kinh hài lòng".
Từ đó, người ta có thể hình dung ra bước đi thứ tư của Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực, kể cả hồ sơ Biển Đông : "Nhã nhặn từ chối mọi nhượng bộ". Tất cả những lời nhạo báng chỉ trích từ Tillerson hay từ những nước xung quanh đều phải dừng tại đây. Nếu nói về hành động gây hấn trên Biển Đông ư, Trung Quốc sắp có bộ Quy Tắc Ứng Xử với các nước Đông Nam Á. Ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Bắc Triều Tiên ư, Bắc Kinh đồng ý nhưng từ chối gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Như nhận định của ông Sean King, phó chủ tịch Hội đồng Tư Vấn Park Strategies tại New York, những lời phàn nàn của Tillerson về những hồ sơ trên sẽ được lịch sự lắng nghe, nhưng Trung Quốc sẽ "không đưa ra một giải pháp nào khác".
Và bước cuối cùng là đôi bên sẽ lên kế hoạch cho chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng Tư sắp tới, dự kiến cho một cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ - Trung kể từ lúc Nhà Trắng có chủ nhân mới. Chuyến đi Bắc Kinh lần này của Tillerson có lẽ để thiết lập một chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh nhằm tránh những yếu tố bất ngờ có thể làm tổn hại đến mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Đó là những gì giới chuyên gia dự đoán. Tuy nhiên, năm điểm này có thành hiện thực hay không vẫn còn lệ thuộc nhiều vào chính bản thân ông Donald Trump, một người nổi tiếng với những dòng "tweet" gây bất ngờ và những phát biểu đầy khiêu khích. Rex Tillerson chỉ là người thừa hành những gì ông Trump và vị cố vấn chính của tổng thống, Stephen Bannon vạch ra. Đó là chưa kể đến mối đe dọa bị cắt giảm đến 30% ngân sách ngành ngoại giao mà ông Trump đề xuất.
Minh Anh
***********************
Các thách thức đầu tiên cho tân ngoại trưởng Mỹ (BBC, 16/03/2017)
Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson
Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đang có chuyến công du đầu tiên tới Á châu, nơi căng thẳng ngoại giao có xu hướng gia tăng.
Ông Tillerson, người trước đây chưa có kinh nghiệm về chính trị, sẽ thăm một số quốc gia trực tiếp liên quan khủng hoảng hạt nhân Bắc Hàn.
Trung Quốc với tư cách cường quốc thế giới có thể là chìa khóa cho mọi vấn đề, cũng như cho sự ổn định trong khu vực, thế nhưng quan hệ giữa nước này với Hoa Kỳ đang gặp trắc trở, một phần cũng vì các bình luận của chính ông Tillerson.
Nhiều người nhận xét thử thách đầu tiên của ông trong cương vị ngoại giao không khác gì một thùng thuốc súng.
Cao cấp nhưng kín tiếng
Rex Tillerson giữ hình ảnh vô cùng kín đáo trong tháng đầu tại vị. Suốt sáu tuần liền ông không tổ chức họp báo mà chỉ cung cấp các thông cáo đã viết sẵn.
Ngay cả chuyến đi này ông không có phóng viên tháp tùng như thông lệ.
Thay vào đó, ông Tillerson sẽ chỉ cho phép một phóng viên duy nhất của website bảo thủ Independent Journal Review đi với mình. Lý do Bộ Ngoại giao đưa ra là máy bay quá nhỏ.
Người nữ phóng viên này, Erin McPike, gần đây có viết bài về ông Tillerson tựa đề "ExxonMobil's special treatment from the White House" ("Cách đối xử đặc biệt của Nhà Trắng dành cho ExxonMobil").
Chuyến đi được xem là tối quan trọng vì ông Tillerson sẽ tìm cách thực hiện ngoại giao cấp cao trong một khu vực đang tranh cãi về các bình luận công khai của ông.
Tổng thống Donald Trump từng tweet rằng cần đối đầu với Trung Quốc và chỉ trích các "cơ sở quân sự" của nước này tại Biển Đông.
Ngoài ra ông tổng thống cũng cho rằng Nam Hàn đã "thu bộn tiền" từ Mỹ trong khi Washington tìm đủ cách bảo vệ Seoul. Ông Trump còn cáo buộc Nhật Bản "lũng đoạn hối đoái".
Các bình luận như vậy đã gây tình trạng bất an trong khu vực về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Vấn đề Bắc Hàn
Ông Tillerson bắt đầu chuyến đi từ Nhật Bản, được cho là chặng dễ dàng nhất trong chuyến công du lần này.
Ông có kế hoạch gặp ngoại trưởng Nhật cũng như Thủ tướng Shinzo Abe - người đã có cuộc gặp "tuyệt vời" với ông Trump.
Đe dọa quân sự từ Bắc Hàn dường như là chủ đề thống lĩnh các cuộc gặp.
Bắc Hàn đang tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân cho dù đã bị chế tài và đe dọa từ cộng đồng quốc tế. Hai vụ thử hạt nhân và hơn 20 lần phóng hỏa tiễn trong một năm đã đẩy căng thẳng lên cao.
Cả Nhật Bản và Nam Hàn, đều là đồng minh và cho phép binh lính của Hoa Kỳ đồn trú, cùng nằm trong tầm che phủ của tên lửa Bắc Hàn.
Chỉ có Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bắc Hàn, là có thể thay đổi tình hình.
Donald Trump từng chỉ trích Trung Quốc tảng lờ tình hình Bắc Hàn, để cho nó ngày càng tồi tệ.
Thế nhưng những tuần qua Bắc Kinh dường như có những quyết định mạnh mẽ. Đầu tháng Ba, Trung Quốc yêu cầu Bắc Hàn dừng thử hỏa tiễn để giải tỏa khủng hoảng và trước đó trừng phạt bạn đồng minh bằng cách cấm nhập khẩu than.
Ông Tillerson có lẽ sẽ yêu cầu Trung Quốc có thêm hành động nhưng cùng lúc lại phải dàn xếp làm dịu một cuộc cãi cọ khác xung quanh hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Thaad đặt ở Nam Hàn.
Vấn đề Biển Đông
Tranh cãi nổi lên lâu nay quanh chương trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hồi tháng Một, ông Tillerson nói tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện : "Chúng ta cần phải đưa ra những tín hiệu rõ ràng cho Trung Quốc rằng họ cần ngừng ngay việc xây đảo nhân tạo và không được tiếp cận các đảo này.
Ông cũng ví hoạt động của Trung Quốc như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
***********************
Trung Quốc bác bỏ chỉ trích của Mỹ về hồ sơ Bắc Triều Tiên (RFI, 16/03/2017)
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại một cuộc họp báo sau khi kỳ họp Quốc Hội bế mạc, ngày 15/03/2017. REUTERS/Damir Sagolj
Trong cuộc họp báo ngày 15/03/2017, khi kết thúc khóa họp thường niên Quốc Hội Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường đã bác bỏ những chỉ trích của Hoa Kỳ về vai trò của Trung Quốc trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt gửi về bài tường trình :
"Thứ Bảy (18/03), tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Hoa Kỳ dự tính thuyết phục Trung Quốc gia tăng sức ép đối với đồng minh Bắc Triều Tiên nhằm chấm dứt các vụ bắn thử tên lửa. Thế nhưng, chỉ hai ngày trước chuyến công du Trung Quốc rất được mong đợi này của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, thủ tướng Lý Khắc Cường đã bác bỏ những phê phán nhắm vào Trung Quốc và nhắc lại rằng Bắc Kinh đã luôn luôn ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ông Lý Khắc Cường khẳng định : "Trung Quốc đang thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Đúng là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí trong toàn khu vực Đông Á, đã gia tăng thêm. Do vậy, chúng tôi hy vọng là các bên liên quan sẽ cùng nhau làm việc để làm dịu tình hình. Chúng ta cần phải tìm ra con đường đối thoại. Đương nhiên, không ai muốn xẩy ra tình trạng hỗn loạn ngay trước cửa nhà mình".
Tháng trước, Bắc Kinh đã thông báo ngừng nhập khẩu than của Bắc Triều Tiên cho đến tận cuối năm nay, làm mất đi một nguồn thu nhập quan trọng của nước láng giềng này. Tuy nhiên, cho dù chống lại chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, chính quyền Bắc Kinh không sẵn sàng chấp nhận hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD mà Hoa Kỳ đang triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc".
Vẫn trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, trong chuyến công du tới Tokyo, hôm nay 16/03/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã trấn an chính phủ Nhật Bản là Washington sẽ ủng hộ Tokyo trước mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Rex Tillerson khẳng định với đồng nhiệm Nhật Bản rằng liên minh Mỹ-Nhật sẽ là hòn đá tảng cho hòa bình và sự ổn định của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
*********************
Mỹ xem hành động quân sự là ‘một lựa chọn’ với Bắc Hàn (BBC, 16/03/2017)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói hành động quân sự chống lại Bắc Hàn là "một lựa chọn".
Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Hàn Quốc sau khi thăm Nhật Bản
Tuyên bố được đưa ra trong chuyến thăm Hàn Quốc nơi ông nói rằng chính sách "kiên nhẫn chiến lược" đã chấm dứt và Hoa Kỳ đang tìm kiếm một loạt các biện pháp ngoại giao, an ninh và kinh tế mới.
Bắc Hàn gây quan ngại bằng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân gần đây.
Ông Tillerson phát biểu ngay sau khi thăm Vùng Phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên.
Ông đến Hàn Quốc sau khi thăm Nhật Bản, nơi ông nói rằng 20 năm cố gắng thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ tham vọng hạt nhân của họ đã thất bại.
Khi được hỏi liệu có khả năng có hành động quân sự hay không, ông nói : "Chắc chắn chúng tôi không mọi chuyện dẫn tới xung đột quân sự".
Nhưng ông nói : "Nếu họ tăng mối đe dọa chương trình vũ khí của họ đến một mức độ mà chúng tôi tin rằng đòi hỏi hành động thì sự lựa chọn đó là có".
Vào ngày 13/02/2017, Bắc Hàn khẳng định vụ phóng tên lửa đạn đạo một hôm trước đó với sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là "thành công".
Đây là "quả tên lửa đất đối đất", thông tấn xã KCNA đưa tin.
Các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bắc Hàn đang gây quan ngại lớn.
Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn giúp tên lửa đạn đạo vươn tới phạm vi xa hơn.
Nam Hàn và Mỹ nói quả tên lửa bay về hướng Biển Nhật Bản được 500km.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khi đó nói vụ thử là "không thể dung thứ".
Bộ ngoại giao Nam Hàn nói "các lần khiêu khích liên tục của Bắc Hàn chứng tỏ chính thể Kim Jong-un có bản chất phi lý, ám ảnh chuyện phát triển tên lửa và hạt nhân".
Mỹ, Nhật và Nam Hàn yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn về vụ việc và NATO cũng lên án.