Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ấn Độ-Thái Bình Dương : Mặt trận chung chống bá quyền Trung Quốc

Thời sự liên quan đến Mỹ và Trung Quốc chiếm chỗ áp đảo trên báo Pháp hôm nay theo nghĩa tiêu cực. Con đường tái tranh cử của Donald Trump thêm chông gai. Chính sách đàn áp bên trong và phô trương vũ lực bên ngoài làm Trung Quốc của Tập Cận Bình tiêu hao uy tín.

indo0

Các lãnh đạo Úc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật trong Bộ Tứ Indo-Pacific.  Reuters - Ảnh minh họa 

Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ thách thức ở Thượng Karabakh. Ankara công khai ủng hộ Azerbaijan và chính thức giúp vũ khí cho Baku trong khi Moskva làm ngơ trước những lời xin trợ giúp của thủ tướng Armenia Nikol Pachinian, tựa lớn của Le Monde trên trang nhất. Tuy nhiên, hai nhân vật chiếm chỗ nhiều nhất trên báo Pháp hôm nay là Donald Trump và Tập Cận Bình.

Phải chăng Donald Trump đánh nước cờ liều ?

Bị Joe Biden bỏ xa trong các kết quả thăm dò, tổng thống Donald Trump dàn cảnh phục hồi sức khỏe : đánh bại Covid-19 trong thời gian kỷ lục 4 ngày. Donald Trump còn gây áp lực với các bác sĩ để ông có thể về Phòng Bầu Dục và thông báo long trọng.

Thái độ kiên cường này không mang lại kết quả như ý. Theo ABC, 23 cộng sự viên ở Nhà Trắng bị dương tính với virus corona, toàn bộ tướng lãnh tham mưu trưởng các binh chủng phải cách ly. Kết quả thăm dò ý kiến đầu tiên từ khi Donald Trump nhập viện không thuận lợi : 57% ủng hộ Joe Biden, 41% ủng hộ Donald Trump (CNN), Le Monde lược kê một số sự kiện.

"Tâm trạng căng thẳng đang lan ra trong phe của Donald Trump". Les Echos ghi nhận một loạt phản ứng được xem là không hợp tình hợp lý của chủ nhân Nhà Trắng mà phi lý nhất là quyết định đình chỉ thảo luận với phe Dân chủ một kế hoạch vực dậy kinh tế từ 1.200 đến 1.500 tỷ đôla. Chỉ còn không đầy một tháng là đến ngày bầu cử, tại sao Donald Trump tặng cho đối thủ món quà vô giá này ? Cử tri Cộng hòa không thể hiểu được vì sao tổng thống quan tâm chuyện bổ nhiệm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện hơn là công ăn việc làm ? Cử tri trên 65 tuổi bắt đầu bỏ ông Trump. Thị trường tài chính cũng không hài lòng.

Trung Quốc ép Ấn Độ, Mỹ bày trận chống Trung Quốc

Trung Quốc tăng sức ép quân sự ở Himalaya, Tập Cận Bình tiếp tục chính sách cưỡng bách đồng hóa dân Tây Tạng, Mỹ vận động lập mặt trận chung ở Châu Á chống Trung Quốc, Le Figaro dành hai trang quốc tế cho các chủ đề này.

Theo nhật báo thiên hữu, tất cả những sự kiện xảy ra trong, ngoài Trung Quốc đều có quan hệ nhận quả. Để khống chế toàn khu vực biên giới phía tây, kiểm soát chặt chẽ Tây Tạng Phật giáo và Tân Cương Hồi giáo, Bắc Kinh phô trương tham vọng bằng sức mạnh quân sự. Trong bối cảnh này, Ấn Độ yếu thế hơn từ quân sự cho đến kinh tế, huyết mạch của chiến tranh, phân tích của Le Figaro trong bài "Ấn Độ gặp khó khăn tại Ladakh" nơi xảy ra những xung đột đẫm máu vừa qua. Cũng trong chiều hướng muốn khống chế các dân tộc vùng biên cương, Tập Cận Bình tìm cách biện minh cho chính sách cưỡng bách Hán hóa, trại tập trung được gọi là trung tâm dạy nghề từ Tây Tạng cho đến Tân Cương. Bây giờ đến lượt Mông Cổ, tuy rằng Nội Mông từ trước đến nay được Bắc Kinh khen ngợi là "tấm gương sáng". Tại Nội Mông, công an Trung Quốc treo giải thưởng cho những ai cung cấp thông tin để bắt những người biểu tình chống Hán hóa. Gia đình từ chối cho con cái học tiếng Hoa sẽ bị cắt trợ cấp xã hội.

Trong lúc tình hình Châu Á căng thẳng từ eo biển Đài Loan, Biển Đông và tận đến biên giới Ấn-Trung, Hoa Kỳ huy động một mặt trận chung ở Châu Á chống Trung Quốc. Theo phân tích của Le Figaro, sự kiện ngoại trưởng Mỹ hủy bỏ vòng thăm viếng Hàn Quốc và Mông Cổ trong bối cảnh tổng thống nhập viện mà vẫn giữ điểm hẹn tại Tokyo với Nhật, Úc, Ấn trong bộ tứ Kim Cương gọi tắt là Quad cho thấy tầm quan trọng của liên minh không chính thức này. Phương châm "Bảo vệ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do lưu thông" rõ ràng là mang âm hưởng chống tham vọng bá chủ Biển Đông của Bắc Kinh tuy không nói ra. Báo chí Trung Quốc thì khỏi nói, lên án "tập hợp của những kẻ mang não trạng chiến tranh lạnh đê điều Trung Quốc".

Theo nhật báo thiên hữu, hội nghị Tokyo là cơ hội để hai ngoại trưởng Mỹ, Ấn bày tỏ hữu hảo. Từ sau vụ chạm súng Ấn-Trung hồi tháng Sáu, quan hệ Washington và New Delhi được thắt chặt một cách ngoạn mục. Từ khi sáng kiến "kim cương" quy tụ bốn nước dân chủ trong vùng đối đầu với Trung Quốc, do thủ tướng Shinzo Abe vào năm 2007 đề xuất, với sự đồng ý của Washington, nhưng chưa bao giờ Mỹ đáp ứng tham vọng của lãnh đạo phe hữu Nhật Bản muốn "be bờ Trung Quốc". Úc và Ấn trong một thời gian dài cũng bị áp lực thương mại của Trung Quốc nên tránh đi sâu vào chiến lược "kim cương". Canberra, vào năm 2008, dưới thời thủ tướng Kevin Rudd, thân Trung Quốc, còn rút ra khỏi công thức "bốn bên" vì đánh cược Trung Quốc sẽ trỗi dậy một cách hòa bình. Phải hơn 10 năm sau, khi Tập Cận Bình quân sự hóa Biển Đông theo một chiến lược đặt đối phương vào "chuyện đã rồi" thì lúc đó "chiến lược kim cương phục hồi sinh khí". Bài phân tích của Le Figaro rất dài, xin mượn nhận xét của chuyên gia chiến lược Mỹ James Green : "Chính quyền Trung Quốc đã làm tất cả thế giới bực tức cùng một lúc. Do vậy, họ rơi vào chiếc bẫy tự đặt ra".

Số phận người Duy Ngô Nhĩ gây ra cuộc chạm trán tại Liên Hiệp Quốc

Sự kiện diễn ra hồi đầu tuần được Le Monde Les Echos tường thuật và bình luận.

Bị các nước Tây phương công kích, Trung Quốc huy động đồng minh đối đầu. Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, 39 nước Tây phương do Đức dẫn đầu, lên án Bắc Kinh chà đạp những quyền căn bản của người dân ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông. Tập họp này lấy làm tiếc là cho đến nay, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Michèle Bachelet, nguyên là tổng thống Chile, cũng không thể đến Tân Cương và những nơi "bà muốn đến". Năm trước chỉ có 23 nước lên án Trung Quốc, năm nay có thêm 14 nước. Sophie Richardson, đặc trách tình trạng nhân quyền Trung Quốc, trong hiệp hội Human Rights Watch, cho rằng "một loạt biến cố từ Tân Cương, Covid-19 và Hồng Kông đã làm cho các nước này sực tỉnh". Một nhà ngoại giao nhận định : "Chúng ta không muốn chiến tranh lạnh với Trung Quốc, chúng ta chỉ bảo vệ các giá trị về nhân quyền của chúng ta".

Trung Quốc không thụ động. Với sự ủng hộ của 53 nước, phần đông là Châu Phi, và hai nước Ả Rập có trọng lượng là Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bắc Kinh bác bỏ các chỉ trích.

Trung Quốc còn phản công lên án các biện pháp trừng phạt quốc tế do các nước Tây phương đề xuất là "vi phạm nhân quyền" trong bối cảnh đại dịch.

Theo Le Monde, chính sách ngoại giao đối đầu của Bắc Kinh đã làm cho hình ảnh Trung Quốc ngày càng xấu xí trong nhãn quan của công luận. Một kết quả thăm dò ý kiến của viện Pew Research công bố hôm 06/10/2020, "tại nhiều nước Tây phương, hơn ba phần tư dân chúng cho biết họ mất thiện cảm với Trung Quốc".

Cùng đề tài, Les Echos đưa tựa : Hình ảnh Trung Quốc bị xuống cấp về lâu về dài do Covid-19. Trong vòng một năm mà hình ảnh Trung Quốc, qua thăm dò ý kiến công luận tại 14 nước, bị suy sụp rất nhiều. Tập Cận Bình, do thiếu minh bạch trong việc thông tin về nguồn gốc siêu vi, nên càng ngày càng đánh mất uy tín : Cụ thể, công luận Úc bất tín nhiệm Trung Quốc từ 32%, cách nay ba năm, vọt lên 81%. Tại Nhật 86%, Pháp 70%, Hàn Quốc 75%, Thụy Điển 85%...

Theo nhật báo kinh tế : chính quyền Trung Quốc mà nhất là Tập Cận Bình trả giá đắt vì không trả lời minh bạch khi bị các nước yêu cầu cho biết nguồn gốc siêu vi corona gây đại dịch.

Pew Research cũng cho biết thêm là chính quyền Mỹ cũng bị công luận mất tin tưởng nhiều từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng

Thái Lan : Ký ức cuộc thảm sát sinh viên năm 1976

Hôm thứ Ba vừa qua 06/10/2020, kỷ niệm 46 năm vụ sinh viên Thái Lan bị lực lượng bán quân sự thảm sát, Le Monde phỏng vấn một số nhân chứng từng tham gia phong trào cách nay 44 năm.

Bao nhiêu người chết ? Theo lời một nữ sinh viên thời đó kể lại, khi cha cô đến trụ sở cảnh sát đòi con thì nghe một cảnh sát viên trả lời ai đó qua điện thoại : "Mọi việc đều tốt, chỉ chết có 200 thôi".

Năm 1976, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, tình thế đúng là khác với hiện nay. Một năm trước, cộng sản chiếm Phnom Penh và Sài Gòn. Chế độ Cam Bốt và Nam Việt Nam sụp đổ làm Thái Lan lo sợ "hiệu ứng domino", theo đó, Thái Lan, đồng minh của Hoa Kỳ, sẽ rơi vào quỹ đạo thân Liên Xô và Trung Quốc. Sinh viên đại học Thammasat, thành trì của "phe thiên tả" bị thành phần cực hữu xem là "đạo quân thứ 5" phải tiêu diệt. Hiện nay, cả sinh viên và chính phủ của Chan-O-Cha đều không muốn xung đột đổ máu. Nhưng trong bối cảnh phong trào sinh viên hiện nay tranh đấu đòi cải cách chế độ chính trị mà đứng đầu là một viên (thủ) tướng đảo chính thì kỷ niệm 1976 là dịp nhắc nhở cái giá đôi khi phải trả khi tham gia phản kháng tại "xứ sở của nụ cười".

Môi trường, Nobel

La Croix Libération ít bài về thời sự quốc tế. Nhật báo công giáo chọn một hiện tượng về xã hội đưa lên trang nhất : Tại sao số trường hợp phá thai gia tăng tại Pháp ?

Nhật báo thiên tả dành nhiều trang cho chủ đề bảo vệ môi trường, động vật hoang dã với một loạt phóng sự về hoạt động của "cảnh sát môi trường". Đề tài thứ hai đang gây sóng gió trong giới hoạt động cứu thuyền nhân trên biển Địa Trung Hải : Hy Lạp tuyên chiến chống các tổ chức phi chính phủ, chuẩn bị chứng cớ truy tố một số ra tòa về tội "tổ chức vượt biên".

Giải Nobel Hóa học 2020 cũng chiếm các cột quan trọng trên báo Pháp. Tất cả đều giải thích lợi ích của phát minh "kéo phân tử" để thay đổi ADN trị bệnh cho con người hay để tăng năng xuất nông phẩm. Điểm khác biệt là La Croix nhấn mạnh yếu tố đạo lý, nhắc lại trường hợp một bác sĩ Trung Quốc áp dụng biện pháp này, tiếng là giúp một thai nhi tránh một bệnh di truyền, nhưng đã bị lãnh án tù nhiều năm. Giới khoa học gia chống lại việc thay đổi "gen" ảnh hưởng cả một dòng con cháu nối dõi.

Còn Les Echos thì lưu ý đây là lần đầu tiên chỉ có hai phụ nữ, không có đấng mày râu nào, chen vào một giải Nobel khoa học. Xin nhắc lại tên hai khôi nguyên : Emmanuelle Charpentier người Pháp và Jennifer Doudna người Mỹ. Sau Marie Curie, hai nhà khoa học này là phụ nữ thứ sáu và thứ bảy được Nobel Hóa học kể từ khi được lập ra cách nay 120 năm.

Tú Anh

Published in Châu Á

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí đến Việt Nam

RFA, 01/10/2020

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ, ông Marshall Billingslea vừa đến Việt Nam vào ngày 30/9 trong chuyến công du Châu Á của ông từ ngày 27/9.

bd1

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshal Billingslea trả lời câu hỏi của báo chí ở Vienna, Áo hôm 23/6/2020  Reuters

Trả lời câu hỏi của phóng viên về mục đích chuyến thăm của ông Billingslea đến Việt Nam lần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, trong cuộc họp báo hôm 1/10, nói rằng : "Chuyến thăm của Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí Marshal Billingslea đến Hà Nội là nhằm trao đổi quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao".

Trước khi đến Hà Nội, ông Billingslea đã đến Nam Hàn và Nhật Bản.

Chuyến thăm tới Nam Hàn của ông Billingslea được cho là để gây sức ép lên Nam Hàn trong việc cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở Châu Á nhằm chống lại việc Trung Quốc đang gia tăng kho vũ khí tên lửa của mình.

Ngay trước khi tới Nam Hàn, trong một phỏng vấn với hãng tin Yonhap của Nam Hàn, ông Billingslea cho biết mục đích chuyến thăm của ông là để thảo luận "sự gia tăng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo và quy ước của Trung Quốc".

Ông Billingslea đồng thời cho biết ông đã có "các thông tin tình báo bổ sung để chia sẻ với đồng minh của Mỹ về các chương trình này của Trung Quốc".

Theo Japantimes, trong chuyến thăm tới Tokyo, ông Billingslea cũng thảo luận về vấn đề triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ để đối phó với kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Hôm 30/9, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ có chuyến thăm Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 10 tới đây.

Tại Nhật Bản, ông Pompeo sẽ dự hội nghị ngoại trưởng các nước thuộc Bộ tứ kim cương (Quad) với những người đồng cấp Nhật, Ấn Độ và Úc.

********************

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí thăm Việt Nam

VOA, 01/10/2020

Đại sứ Marshall Billingslea, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về kiểm soát vũ khí, đang có chuyến công du tại Việt Nam bàn về mối đe dọa của việc phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực, một phần trong chuyến công du Châu Á của ông nhằm ngăn cản hành vi hung hăng của Trung Quốc.

bd2

Đại sứ Marshall Billingslea, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về việc kiểm soát vũ khí và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung tại Hà Nội ngày 01/10/2020. Photo Twitter Ambassador Marshall S. Billingslea.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến vào chiều ngày 1/10 tại Hà Nội, trang VNExpress dẫn lời Đặc sứ Billingslea nói : "Việt Nam được chọn làm điểm đến trong chuyến công du này vì những lý do rất rõ ràng, không chỉ nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mà còn vì Việt Nam đang là nước Chủ tịch ASEAN và có nhiều nhà ngoại giao cấp cao dày dạn kinh nghiệm, có nhiều thành tích trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí".

Cũng hôm 1/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết rằng chuyến thăm của đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea đến Hà Nội là "nhằm trao đổi quan hệ song phương, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm".

Các nguồn tin trong nước cho biết Đại sứ Billingslea đã đến Hà Nội vào chiều 30/9 sau khi thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Tháp tùng với ông Billingslea trong chuyến công du đến Hà Nội có tướng Thomas Bussiere, phó Chỉ huy Bộ tư lệnh Chiến lược quân đội Mỹ.

bd3

Đại sứ Marshall Billingslea, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về việc kiểm soát vũ khí thăm Hàn Quốc, ảnh đăng ngày 28/9/2020 trên Twitter Ambassador Marshall Billingslea.

Nội dung bàn bạc của ông Billingslea với các quan chức ở Hà Nội vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc trước chuyến công du Châu Á, ông Billingslea nói mục đích chuyến đi của ông là thảo luận "sự tăng cường nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo và quy ước của Trung Quốc".

Sau cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Takeo Mori, ông Billingslea thông báo trên Twitter hôm 29/9: "Đã thảo luận về cách Mỹ và Nhật sẽ làm việc cùng nhau để đảm bảo ổn định và an ninh khu vực trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc".

Trước đó, hôm 28/9, ông Billingslea viết trên Twitter sau cuộc gặp với quan chức Hàn Quốc: "Vừa có một số cuộc họp quan trọng với các đồng minh Hàn Quốc của chúng tôi về hành vi gây bất ổn của Trung Quốc và sự hỗ trợ của Mỹ đối với an ninh bán đảo Triều Tiên".

Hãng tin Yonhap cho biết chuyến công du Châu Á của ông Billingslea diễn ra giữa lúc Washington đẩy mạnh triển khai tên lửa tầm trung ở Châu Á thông qua việc kêu gọi các đồng minh và các quốc gia thân hữu ở Châu Á tham gia các sáng kiến khác nhau để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc, bao gồm cả phát triển khả năng phòng thủ.

Nhật và Hàn Quốc là hai đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực. Còn Việt Nam và Hoa Kỳ hiện có quan hệ "Đối tác Toàn diện," nhưng thực chất được chính giới Washington đánh giá là một "Quan hệ Chiến lược."

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Billingslea được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Đặc phái viên về kiểm soát vũ khí tháng 4/2020. Trong vai trò này, ông Billingslea sẽ thay mặt Chính phủ Mỹ dẫn dắt các đàm phán về kiểm soát vũ khí.

**********************

Biển Đông : Việt Nam và Anh Quốc "quan ngại sâu sắc" và nhấn mạnh vai trò của UNCLOS

RFI, 01/10/2020

Nhân chuyến công du Việt Nam kết thúc vào hôm qua, 30/09/2020 của ngoại trưởng Anh Dominic Raab, Hà Nội và Luân Đôn đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, và đã công bố một bản Tuyên Bố Chung trong đó vấn đề Biển Đông đã được nêu rõ. Hai nước đều bày tỏ thái độ "quan ngại sâu sắc" về các diễn biến gần đây và nhất là đều nhấn mạnh đến vai trò tối thượng của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

bd4

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và đồng nhiệm Anh Quốc Dominic Raab, trước cuộc hội đàm tại Hà Nội, ngày 30/09/2020.  AFP - Nhac Nguyen

Sau cuộc hội đàm ngày 30/09 tại Hà Nội giữa ngoại trưởng Anh Dominic Raab với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh, hai bên đã công bố bản "Tuyên bố Chung về Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Việt Nam-Vương Quốc Anh : "Định hướng phát triển trong 10 năm tới - Joint Declaration on the Vietnam - UK Strategic Partnership : Forging Ahead for Another 10 Years", bao gồm một phần mở đầu và 7 phần chính bao trùm mọi lãnh vực từ "Hợp tác chính trị-ngoại giao" cho đến hợp tác trên "Những vấn đề toàn cầu và khu vực".

Trong phần thứ 7 nói về các vấn đề toàn cầu và khu vực, Việt Nam và Vương Quốc Anh đã "bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến ở Biển Đông, bao gồm các hoạt động cản trở, cải tạo và quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế khi tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc làm leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định".

Dù không nêu đích danh Trung Quốc, đoạn văn nói trên rõ ràng là nhắm vào các hành vi bành trướng và dọa nạt của Bắc Kinh trên Biển Đông để áp đặt yêu sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc.

Cũng trong phần thứ 7 này, vấn đề an ninh trên biển đã được Việt Nam và Anh Quốc nêu bật khi cùng khẳng định trở lại "tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không… không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS).

Nhóm từ "tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý" được cho là nhắc đến bản Phán Quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye không công nhận các yêu sách chủ quyền "lịch sử" của Trung Quốc về Biển Đông, một phán quyết đã bị Bắc Kinh phủ nhận.

Tuyên Bố Chung Việt-Anh, Hà Nội và Luân Đôn đã nhấn mạnh rằng "UNCLOS là cơ sở để xác định phạm vi các vùng biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển, và UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn diện mà tất cả các hoạt động ở các vùng biển và đại dương phải tuân thủ".

Khi khẳng định rằng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là cơ sở (basis) để giải quyết các vấn đề trên biển, và là và "khuôn khổ pháp lý toàn diện" chi phối mọi hoạt động ở các vùng biển và đại dương, Việt Nam và Anh Quốc đã mặc nhiên bác bỏ lập luận mới được Trung Quốc nêu ra trong công hàm gởi Liên Hiệp Quốc ngày 18/09 vừa qua, trong đó Bắc Kinh cho rằng "UNCLOS không bao trùm mọi vấn đề về trật tự trên biển".

Nhìn chung bản Tuyên Bố Chung Việt Nam-Anh Quốc đi theo chiều hướng phản ứng cứng rắn hơn của Luân Đôn đối với đà bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, mà ví dụ điển hình nhất được thấy trong công hàm mà Anh Quốc cùng với Đức và Pháp đã gởi đến Liên Hiệp Quốc ngày 16/09 vừa qua, nội dung khẳng định giá trị tối thượng của UNCLOS được cho là "khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương", đồng thời bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông dựa theo "quyền lịch sử" vốn đã bị Phán Quyết Biển Đông 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye cho là không có cơ sở pháp lý.

Trọng Nghĩa

*******************

Nhật Bản công bố ngân sách quốc phòng kỷ lục

RFI, 30/09/2020

Hôm 30/09/2020, bộ quốc phòng Nhật Bản công bố một ngân sách quốc phòng mới, với số tiền kỷ lục tương đương 52 tỷ đôla, trong bối cảnh quốc gia này phải đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên và tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.

bd5

Bộ trưởng quốc phòng Nhật, Nobuo Kishi, trong một cuộc họp báo tại Tokyo, ngày 16/09/2020.  Reuters – Kim Kyung-hoon

Bộ quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ yêu cầu Quốc Hội biểu quyết thông qua ngân sách quốc phòng nói trên cho tài khóa tới, bắt đầu từ ngày 01/04/2021. Đây sẽ là lần thứ 9 liên tiếp ngân sách quốc phòng của Nhật tăng thêm.

Tokyo dự trù sẽ trang bị hai khu trục hạm mới và một tàu ngầm, trị giá tổng cộng hơn 1,6 tỷ đôla. Bộ quốc phòng nước này cũng đang chuẩn bị thay thế các máy bay tiêm kích Mitsubishi F-2, một chương trình rất tốn kém về mặt nghiên cứu - phát triển và kéo dài nhiều năm.

Tuy nhiên, bộ quốc phòng không yêu cầu một ngân sách riêng cho hệ thống thay thế hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore mà chính phủ Tokyo đã từ bỏ vào tháng Tư 2020. Hệ thống này theo lẽ sẽ được lắp đặt tại hai địa điểm ở Nhật Bản, nhưng dự án gây lo người dân tại các địa phương. Cộng thêm những trở ngại về mặt kỹ thuật, chi phí cho dự án có thể cao hơn nhiều so với mức dự kiến là 4,2 tỷ đôla.

Chính phủ Tokyo đã cam kết từ đây đến cuối năm sẽ tìm một hệ thống thay thế Aegis Ashore. Trước khi từ chức vì lý do sức khỏe vào giữa tháng 9, thủ tướng Shinzo Abe một lần nữa nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật Bản. Người kế nhiệm ông, Yoshihide Suga, dường như cũng có cùng lập trường. Về phần tân bộ trưởng quốc phòng Nobuo Kishi, gần đây, ông tuyên bố muốn đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển.

Thanh Phương

***********************

Biển Đông : bị Mỹ chỉ trích, Trung Quốc mở đợt tập trận thứ ba ở Hoàng Sa

RFI, 29/09/220

Ngày 28/09/2020, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận gần quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp. Đây là cuộc tập trận thứ ba trong năm của Trung Quốc trong khu vực. Chiến dịch quân sự này diễn ra sau khi Washington lên tiếng tố cáo Bắc Kinh có những hành động quân sự hóa mạo hiểm và khiêu khích tại những tiền đồn có tranh chấp.

bd6

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc cùng đội tầu hộ tống trong một đợt thao diễn tại Biển Đông tháng 12/2016. Reuters/Stringer  Reuters

Hôm thứ Bảy, 26/09/2020, Cơ quan An Toàn Hàng Hải Trung Quốc ra thông báo lập hai vùng cấm từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều, nhưng không nêu rõ chi tiết về cuộc tập trận. Tờ South China Morning Post hôm nay 29/09 trích dẫn một nguồn tin quân sự khẳng định đây là một cuộc tập trận bắn đạn thật.

Đấu khẩu Mỹ-Trung

Hôm qua, Trung Quốc đã có phản ứng về việc Mỹ tố cáo chủ tịch Tập Cận Bình nuốt lời hứa về việc Không quân sự hóa Biển Đông.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, việc "xây dựng cơ sở hạ tầng phòng thủ cần thiết ở Biển Đông là quyền hợp pháp của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế".

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn khẳng định "việc Trung Quốc xây dựng trên lãnh thổ của mình ở Biển Đông chủ yếu phục vụ nhu cầu dân sự… điều này là hợp lẽ, hợp lý và hợp pháp, không liên quan gì đến việc quân sự hóa. Điều này về cơ bản giống như bất kỳ quốc gia nào xây dựng cơ sở hạ tầng phòng thủ trên lãnh thổ của mình".

Chủ Nhật, 27/9, tờ South China Morning Post đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ tố cáo Bắc Kinh đã thất hứa trong hồ sơ Biển Đông. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn ghi : "Năm năm trước… tổng bí thư Tập Cận Bình từng tuyên bố "Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa quần đảo Trường Sa và các tiền đồn của Trung Quốc sẽ không nhắm mục tiêu hoặc tác động đến bất kỳ quốc gia nào".

Thông cáo còn ghi thêm rằng thay vào đó, Trung Quốc đã theo đuổi việc quân sự hóa liều lĩnh và khiêu khích các tiền đồn đang tranh chấp đó. Bộ Ngoại giao Mỹ lên án "Đảng cộng sản Trung Quốc sử dụng những tiền đồn quân sự hóa đó như là những cơ sở cưỡng chế hòng khẳng định quyền kiểm soát các vùng lãnh hải mà Bắc Kinh không có một đòi hỏi lãnh hải nào là hợp pháp cả".

Quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, bị Bắc Kinh chiếm lấy năm 1974 nhưng Hà Nội và Đài Bắc đều có đòi hỏi chủ quyền. Chính tại khu vực này, Trung Quốc đã cho tiến hành hai cuộc tập trận có quy mô lớn vào ngày 18/6 và 01/7 năm nay. Sự kiện đã bị Việt Nam và Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ.

Minh Anh

Published in Quốc tế