Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/10/2020

Biển Đông : Mỹ và Anh Quốc hợp tác chống bá quyền

Tổng hợp

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí đến Việt Nam

RFA, 01/10/2020

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ, ông Marshall Billingslea vừa đến Việt Nam vào ngày 30/9 trong chuyến công du Châu Á của ông từ ngày 27/9.

bd1

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshal Billingslea trả lời câu hỏi của báo chí ở Vienna, Áo hôm 23/6/2020  Reuters

Trả lời câu hỏi của phóng viên về mục đích chuyến thăm của ông Billingslea đến Việt Nam lần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, trong cuộc họp báo hôm 1/10, nói rằng : "Chuyến thăm của Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí Marshal Billingslea đến Hà Nội là nhằm trao đổi quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao".

Trước khi đến Hà Nội, ông Billingslea đã đến Nam Hàn và Nhật Bản.

Chuyến thăm tới Nam Hàn của ông Billingslea được cho là để gây sức ép lên Nam Hàn trong việc cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở Châu Á nhằm chống lại việc Trung Quốc đang gia tăng kho vũ khí tên lửa của mình.

Ngay trước khi tới Nam Hàn, trong một phỏng vấn với hãng tin Yonhap của Nam Hàn, ông Billingslea cho biết mục đích chuyến thăm của ông là để thảo luận "sự gia tăng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo và quy ước của Trung Quốc".

Ông Billingslea đồng thời cho biết ông đã có "các thông tin tình báo bổ sung để chia sẻ với đồng minh của Mỹ về các chương trình này của Trung Quốc".

Theo Japantimes, trong chuyến thăm tới Tokyo, ông Billingslea cũng thảo luận về vấn đề triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ để đối phó với kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Hôm 30/9, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ có chuyến thăm Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 10 tới đây.

Tại Nhật Bản, ông Pompeo sẽ dự hội nghị ngoại trưởng các nước thuộc Bộ tứ kim cương (Quad) với những người đồng cấp Nhật, Ấn Độ và Úc.

********************

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí thăm Việt Nam

VOA, 01/10/2020

Đại sứ Marshall Billingslea, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về kiểm soát vũ khí, đang có chuyến công du tại Việt Nam bàn về mối đe dọa của việc phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực, một phần trong chuyến công du Châu Á của ông nhằm ngăn cản hành vi hung hăng của Trung Quốc.

bd2

Đại sứ Marshall Billingslea, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về việc kiểm soát vũ khí và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung tại Hà Nội ngày 01/10/2020. Photo Twitter Ambassador Marshall S. Billingslea.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến vào chiều ngày 1/10 tại Hà Nội, trang VNExpress dẫn lời Đặc sứ Billingslea nói : "Việt Nam được chọn làm điểm đến trong chuyến công du này vì những lý do rất rõ ràng, không chỉ nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mà còn vì Việt Nam đang là nước Chủ tịch ASEAN và có nhiều nhà ngoại giao cấp cao dày dạn kinh nghiệm, có nhiều thành tích trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí".

Cũng hôm 1/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết rằng chuyến thăm của đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea đến Hà Nội là "nhằm trao đổi quan hệ song phương, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm".

Các nguồn tin trong nước cho biết Đại sứ Billingslea đã đến Hà Nội vào chiều 30/9 sau khi thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Tháp tùng với ông Billingslea trong chuyến công du đến Hà Nội có tướng Thomas Bussiere, phó Chỉ huy Bộ tư lệnh Chiến lược quân đội Mỹ.

bd3

Đại sứ Marshall Billingslea, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về việc kiểm soát vũ khí thăm Hàn Quốc, ảnh đăng ngày 28/9/2020 trên Twitter Ambassador Marshall Billingslea.

Nội dung bàn bạc của ông Billingslea với các quan chức ở Hà Nội vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc trước chuyến công du Châu Á, ông Billingslea nói mục đích chuyến đi của ông là thảo luận "sự tăng cường nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo và quy ước của Trung Quốc".

Sau cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Takeo Mori, ông Billingslea thông báo trên Twitter hôm 29/9: "Đã thảo luận về cách Mỹ và Nhật sẽ làm việc cùng nhau để đảm bảo ổn định và an ninh khu vực trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc".

Trước đó, hôm 28/9, ông Billingslea viết trên Twitter sau cuộc gặp với quan chức Hàn Quốc: "Vừa có một số cuộc họp quan trọng với các đồng minh Hàn Quốc của chúng tôi về hành vi gây bất ổn của Trung Quốc và sự hỗ trợ của Mỹ đối với an ninh bán đảo Triều Tiên".

Hãng tin Yonhap cho biết chuyến công du Châu Á của ông Billingslea diễn ra giữa lúc Washington đẩy mạnh triển khai tên lửa tầm trung ở Châu Á thông qua việc kêu gọi các đồng minh và các quốc gia thân hữu ở Châu Á tham gia các sáng kiến khác nhau để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc, bao gồm cả phát triển khả năng phòng thủ.

Nhật và Hàn Quốc là hai đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực. Còn Việt Nam và Hoa Kỳ hiện có quan hệ "Đối tác Toàn diện," nhưng thực chất được chính giới Washington đánh giá là một "Quan hệ Chiến lược."

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Billingslea được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Đặc phái viên về kiểm soát vũ khí tháng 4/2020. Trong vai trò này, ông Billingslea sẽ thay mặt Chính phủ Mỹ dẫn dắt các đàm phán về kiểm soát vũ khí.

**********************

Biển Đông : Việt Nam và Anh Quốc "quan ngại sâu sắc" và nhấn mạnh vai trò của UNCLOS

RFI, 01/10/2020

Nhân chuyến công du Việt Nam kết thúc vào hôm qua, 30/09/2020 của ngoại trưởng Anh Dominic Raab, Hà Nội và Luân Đôn đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, và đã công bố một bản Tuyên Bố Chung trong đó vấn đề Biển Đông đã được nêu rõ. Hai nước đều bày tỏ thái độ "quan ngại sâu sắc" về các diễn biến gần đây và nhất là đều nhấn mạnh đến vai trò tối thượng của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

bd4

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và đồng nhiệm Anh Quốc Dominic Raab, trước cuộc hội đàm tại Hà Nội, ngày 30/09/2020.  AFP - Nhac Nguyen

Sau cuộc hội đàm ngày 30/09 tại Hà Nội giữa ngoại trưởng Anh Dominic Raab với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh, hai bên đã công bố bản "Tuyên bố Chung về Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Việt Nam-Vương Quốc Anh : "Định hướng phát triển trong 10 năm tới - Joint Declaration on the Vietnam - UK Strategic Partnership : Forging Ahead for Another 10 Years", bao gồm một phần mở đầu và 7 phần chính bao trùm mọi lãnh vực từ "Hợp tác chính trị-ngoại giao" cho đến hợp tác trên "Những vấn đề toàn cầu và khu vực".

Trong phần thứ 7 nói về các vấn đề toàn cầu và khu vực, Việt Nam và Vương Quốc Anh đã "bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến ở Biển Đông, bao gồm các hoạt động cản trở, cải tạo và quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế khi tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc làm leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định".

Dù không nêu đích danh Trung Quốc, đoạn văn nói trên rõ ràng là nhắm vào các hành vi bành trướng và dọa nạt của Bắc Kinh trên Biển Đông để áp đặt yêu sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc.

Cũng trong phần thứ 7 này, vấn đề an ninh trên biển đã được Việt Nam và Anh Quốc nêu bật khi cùng khẳng định trở lại "tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không… không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS).

Nhóm từ "tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý" được cho là nhắc đến bản Phán Quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye không công nhận các yêu sách chủ quyền "lịch sử" của Trung Quốc về Biển Đông, một phán quyết đã bị Bắc Kinh phủ nhận.

Tuyên Bố Chung Việt-Anh, Hà Nội và Luân Đôn đã nhấn mạnh rằng "UNCLOS là cơ sở để xác định phạm vi các vùng biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển, và UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn diện mà tất cả các hoạt động ở các vùng biển và đại dương phải tuân thủ".

Khi khẳng định rằng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là cơ sở (basis) để giải quyết các vấn đề trên biển, và là và "khuôn khổ pháp lý toàn diện" chi phối mọi hoạt động ở các vùng biển và đại dương, Việt Nam và Anh Quốc đã mặc nhiên bác bỏ lập luận mới được Trung Quốc nêu ra trong công hàm gởi Liên Hiệp Quốc ngày 18/09 vừa qua, trong đó Bắc Kinh cho rằng "UNCLOS không bao trùm mọi vấn đề về trật tự trên biển".

Nhìn chung bản Tuyên Bố Chung Việt Nam-Anh Quốc đi theo chiều hướng phản ứng cứng rắn hơn của Luân Đôn đối với đà bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, mà ví dụ điển hình nhất được thấy trong công hàm mà Anh Quốc cùng với Đức và Pháp đã gởi đến Liên Hiệp Quốc ngày 16/09 vừa qua, nội dung khẳng định giá trị tối thượng của UNCLOS được cho là "khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương", đồng thời bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông dựa theo "quyền lịch sử" vốn đã bị Phán Quyết Biển Đông 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye cho là không có cơ sở pháp lý.

Trọng Nghĩa

*******************

Nhật Bản công bố ngân sách quốc phòng kỷ lục

RFI, 30/09/2020

Hôm 30/09/2020, bộ quốc phòng Nhật Bản công bố một ngân sách quốc phòng mới, với số tiền kỷ lục tương đương 52 tỷ đôla, trong bối cảnh quốc gia này phải đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên và tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.

bd5

Bộ trưởng quốc phòng Nhật, Nobuo Kishi, trong một cuộc họp báo tại Tokyo, ngày 16/09/2020.  Reuters – Kim Kyung-hoon

Bộ quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ yêu cầu Quốc Hội biểu quyết thông qua ngân sách quốc phòng nói trên cho tài khóa tới, bắt đầu từ ngày 01/04/2021. Đây sẽ là lần thứ 9 liên tiếp ngân sách quốc phòng của Nhật tăng thêm.

Tokyo dự trù sẽ trang bị hai khu trục hạm mới và một tàu ngầm, trị giá tổng cộng hơn 1,6 tỷ đôla. Bộ quốc phòng nước này cũng đang chuẩn bị thay thế các máy bay tiêm kích Mitsubishi F-2, một chương trình rất tốn kém về mặt nghiên cứu - phát triển và kéo dài nhiều năm.

Tuy nhiên, bộ quốc phòng không yêu cầu một ngân sách riêng cho hệ thống thay thế hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore mà chính phủ Tokyo đã từ bỏ vào tháng Tư 2020. Hệ thống này theo lẽ sẽ được lắp đặt tại hai địa điểm ở Nhật Bản, nhưng dự án gây lo người dân tại các địa phương. Cộng thêm những trở ngại về mặt kỹ thuật, chi phí cho dự án có thể cao hơn nhiều so với mức dự kiến là 4,2 tỷ đôla.

Chính phủ Tokyo đã cam kết từ đây đến cuối năm sẽ tìm một hệ thống thay thế Aegis Ashore. Trước khi từ chức vì lý do sức khỏe vào giữa tháng 9, thủ tướng Shinzo Abe một lần nữa nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật Bản. Người kế nhiệm ông, Yoshihide Suga, dường như cũng có cùng lập trường. Về phần tân bộ trưởng quốc phòng Nobuo Kishi, gần đây, ông tuyên bố muốn đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển.

Thanh Phương

***********************

Biển Đông : bị Mỹ chỉ trích, Trung Quốc mở đợt tập trận thứ ba ở Hoàng Sa

RFI, 29/09/220

Ngày 28/09/2020, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận gần quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp. Đây là cuộc tập trận thứ ba trong năm của Trung Quốc trong khu vực. Chiến dịch quân sự này diễn ra sau khi Washington lên tiếng tố cáo Bắc Kinh có những hành động quân sự hóa mạo hiểm và khiêu khích tại những tiền đồn có tranh chấp.

bd6

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc cùng đội tầu hộ tống trong một đợt thao diễn tại Biển Đông tháng 12/2016. Reuters/Stringer  Reuters

Hôm thứ Bảy, 26/09/2020, Cơ quan An Toàn Hàng Hải Trung Quốc ra thông báo lập hai vùng cấm từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều, nhưng không nêu rõ chi tiết về cuộc tập trận. Tờ South China Morning Post hôm nay 29/09 trích dẫn một nguồn tin quân sự khẳng định đây là một cuộc tập trận bắn đạn thật.

Đấu khẩu Mỹ-Trung

Hôm qua, Trung Quốc đã có phản ứng về việc Mỹ tố cáo chủ tịch Tập Cận Bình nuốt lời hứa về việc Không quân sự hóa Biển Đông.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, việc "xây dựng cơ sở hạ tầng phòng thủ cần thiết ở Biển Đông là quyền hợp pháp của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế".

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn khẳng định "việc Trung Quốc xây dựng trên lãnh thổ của mình ở Biển Đông chủ yếu phục vụ nhu cầu dân sự… điều này là hợp lẽ, hợp lý và hợp pháp, không liên quan gì đến việc quân sự hóa. Điều này về cơ bản giống như bất kỳ quốc gia nào xây dựng cơ sở hạ tầng phòng thủ trên lãnh thổ của mình".

Chủ Nhật, 27/9, tờ South China Morning Post đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ tố cáo Bắc Kinh đã thất hứa trong hồ sơ Biển Đông. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn ghi : "Năm năm trước… tổng bí thư Tập Cận Bình từng tuyên bố "Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa quần đảo Trường Sa và các tiền đồn của Trung Quốc sẽ không nhắm mục tiêu hoặc tác động đến bất kỳ quốc gia nào".

Thông cáo còn ghi thêm rằng thay vào đó, Trung Quốc đã theo đuổi việc quân sự hóa liều lĩnh và khiêu khích các tiền đồn đang tranh chấp đó. Bộ Ngoại giao Mỹ lên án "Đảng cộng sản Trung Quốc sử dụng những tiền đồn quân sự hóa đó như là những cơ sở cưỡng chế hòng khẳng định quyền kiểm soát các vùng lãnh hải mà Bắc Kinh không có một đòi hỏi lãnh hải nào là hợp pháp cả".

Quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, bị Bắc Kinh chiếm lấy năm 1974 nhưng Hà Nội và Đài Bắc đều có đòi hỏi chủ quyền. Chính tại khu vực này, Trung Quốc đã cho tiến hành hai cuộc tập trận có quy mô lớn vào ngày 18/6 và 01/7 năm nay. Sự kiện đã bị Việt Nam và Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 591 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)