Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/4 cảnh báo sự hỗn loạn trên chính trường thế giới nếu các nước phương Tây lại mở các cuộc oanh kích nhắm vào Syria, trong khi có dấu hiệu cho thấy Moscow và Washington muốn xử lý cuộc khủng hoảng được coi là nghiêm trọng nhất trong quan hệ giữa hai nước trong nhiều năm, theo Reuters.
Ông Putin nhận định như vậy trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Iran Hassan Rouhani sau khi Mỹ, Pháp và Anh thực hiện các cuộc oanh kích vào Syria hôm 14/4 để đáp trả vụ tấn công bằng khí độc gây nhiều chết chóc trước đó.
Thông cáo do Điện Kremlin công bố nói rằng nguyên thủ hai nước cùng cho rằng vụ không kích của phương Tây gây tổn hại tới cơ hội đạt được một giải pháp chính trị trong cuộc xung đột giữa nhiều bên kéo dài nhiều năm qua, khiến ít nhất nửa triệu người thiệt mạng.
"Đặc biệt, ông Vladimir Putin nhấn mạnh rằng nếu các hành động vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc tiếp diễn, nó sẽ gây hỗn loạn trong quan hệ quốc tế", tuyên bố của Kremlin có đoạn.
Cả ba nước tham gia oanh kích đều cho rằng vụ tấn công bằng tên lửa không nhằm mục đích lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad hay can thiệp vào cuộc xung đột.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng cuộc tấn công "bất hợp pháp và không thể chấp nhận được".
Phát biểu của ông Putin được công bố ngay sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tỏ ra dịu giọng khi nói rằng Moscow sẽ nỗ lực hết sức để cải thiện quan hệ với phương Tây.
Theo hãng TASS của Nga, khi được hỏi rằng liệu Nga có sẵn lòng hợp tác với các đề xuất của các quốc gia phương Tây tại Liên Hiệp Quốc hay không, ông Ryabkov nói : "Tình hình chính trị hiện nay rất căng thẳng, không khí hết sức nhiễu loạn, nên tôi không thể đưa ra bất kỳ dự đoán nào".
Theo Reuters, ông Vladimir Ermakov, quan chức của Bộ Ngoại giao Nga, nói rằng Washington sẽ muốn duy trì đối thoại với Moscow về sự ổn định chiến lược sau các cuộc tấn công.
Trong khi đó, tại Damascus, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad đã gặp với các giám sát viên từ cơ quan giám sát vũ khí hóa học toàn cầu OPCW trong vòng ba giờ đồng hồ với sự hiện diện của các quan chức Nga và một nhân viên an ninh cấp cao của Syria.
Các giám sát viên dự kiến sẽ tới thị sát khu vực xảy ra vụ tấn công bằng khí độc hóa học ở Douma hôm 7/4 mà các tổ chức cứu trợ nói rằng làm hàng chục người chết.
Moscow lên án Mỹ, Pháp và Anh đã không đợi tới sau khi OPCW công bố kết quả điều tra trước khi mở các cuộc oanh kích.
*****************
Đồng minh ‘chưa có kế hoạch’ tái không kích Syria (VOA, 15/04/2018)
Các cường quốc phương Tây chưa có kế hoạch thực hiện thêm các cuộc oanh kích bằng tên lửa nhắm vào Syria, nhưng sẽ cân nhắc các giải pháp nếu chính quyền Damascus lại sử dụng vũ khí hóa học, ngoại trưởng Anh cho biết hôm 15/4.
Hiện trường một trung tâm nghiên cứu của Syria trúng tên lửa của liên minh hôm 14/4.
Hoa Kỳ, Pháp và Anh đã phối hợp thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào chương trình vũ khí hóa học của Syria hôm 14/4 để trả đũa cho vụ tấn công bằng khí độc một tuần trước đó.
Ba quốc gia trên nhấn mạnh rằng các cuộc oanh kích không nhắm mục tiêu lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad hoặc can thiệp vào cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua, theo Reuters.
Trong khi Tổng thống Donald Trump ca ngợi thành công của cuộc oanh kích, chính quyền Damascus và các đồng minh coi đó là một hành động xâm lược, "không thể chấp nhận được".
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 15/4.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm 15/4 đã bảo vệ quyết định tham gia cuộc tấn công của Thủ tướng Theresa May, và cho rằng nó sẽ ngăn chặn việc Syria sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai.
"Đây không phải là chuyện thay đổi chế độ… Đây không phải là chuyện tìm cách lật ngược tình thế trong cuộc xung đột ở Syria", ông Johnson nói với hãng BBC.
"Hiện không có kế hoạch tấn công tiếp theo vì tới nay chính quyền Assad không ngốc nghếch tới mức thực hiện một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nữa".
"Nếu khi nào chuyện đó chuẩn bị xảy ra, thì rõ ràng chúng ta (Anh) sẽ cùng các đồng minh cân nhắc các giải pháp", ông Johnson nói, tương tự như lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, phát biểu trước phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an trước đó.
Người hậu thuẫn ông Assad diễu hành ủng hộ nhà lãnh đạo này và Nga sau khi phương Tây mở cuộc oanh kích hôm 14/4.
Trong khi đó tại Damascus, theo truyền thông Nga, Tổng thống Assad nói với một nhóm các dân biểu Nga hiện thăm nước này rằng cuộc tấn công bằng tên lửa của phương Tây là hành động xâm lược.
Các hãng tin trên cũng dẫn lời các nhà lập pháp Nga nói rằng ông Assad "có tâm trạng tốt".
Nhà lãnh đạo bị nhiều nước cô lập này cũng ca ngợi hệ thống phòng không thời Xô Viết đã ngăn chặn các cuộc oanh kích của Mỹ, Anh và Pháp, và tin cho hay, đã chấp nhận lời mời thăm Nga tại một thời điểm chưa rõ là khi nào.
*****************
Vụ Syria : Vì sao TT Trump sử dụng lời của ông Bush ? (VOA, 15/04/2018)
Tổng thống Trump hôm 15/4 lên tiếng bảo vệ quyết định sử dụng cụm từ "sứ mạng hoàn tất" khi nói về các cuộc không kích bằng tên lửa do Mỹ dẫn đầu nhắm vào các mục tiêu ở Syria, sau khi truyền thông đề cập nhiều tới việc này.
Ông Trump thông báo về cuộc không kích nhắm vào Syria hôm 13/4.
Cụm từ trên gắn liền với cựu Tổng thống George W. Bush, khi nhà lãnh đạo này sử dụng nó trong chiến tranh Iraq, nhưng lại là điều "ám ảnh" ông suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ, theo Reuters.
Hoa Kỳ, Pháp và Anh sớm ngày 14/4 thực hiện hàng chục cuộc không kích nhắm vào các địa điểm được cho là có liên quan tới một chương trình vũ khí hóa học.
Tổng thống Assad và đồng minh thân cận, Nga, bác bỏ chuyện quân chính phủ sử dụng vũ khí khóa học tấn công thường dân.
Tên lửa Tomahawk bắn vào Iraq từ tàu chiến USS Donald Cook hôm 20/3/2003.
Ông Trump viết trên Twitter : "Cuộc không kích vào Syria được thực hiện hết sức hoàn hảo, với độ chính xác cao, và Truyền thông Tin Giả chỉ còn cách duy nhất để hạ nhục tôi bằng thuật ngữ "Sứ mạng Hoàn tất" tôi sử dụng".
Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm : "Tôi biết là họ sẽ nắm lấy chuyện này nhưng cảm thấy đó là một thuật ngữ quân sự tuyệt vời, nên nó cần được nêu lại. Sử dụng thường xuyên !"
Hồi năm 2003, ông George W. Bush từng đứng dưới biểu ngữ viết "Sứ mạng Hoàn tất" khi ông tuyên bố rằng chiến dịch ở Iraq đã kết thúc sáu tuần sau cuộc xâm chiếm.
Nhưng cuộc chiến ở nước này đã kéo dài nhiều năm sau đó, theo AP.
Tại sao Kremlin không làm to chuyện người Nga bị Mỹ oanh kích ở Syria ? (RFI, 20/02/2018)
Nhiều chiến binh mang quốc tịch Nga bị chết hoặc bị thương ngày 07/02/2018 tại Deir Ezzor, Syria, trong trận oanh kích của quân đội Mỹ được triển khai trong vùng. Sau một tuần nhùng nhằng, ngày 15/02, Moskva chính thức xác nhận có 5 công dân Nga bị thiệt mạng (Vladimir Loginov, Kirill Ananyev, Igor Kosoturov, Stanislav Matveev, Alexei Ladygin), trong khi Reuters nêu con số vài trăm người chết và bị thương. Điều ngạc nhiên là cả Nga và Mỹ đều tránh làm ầm vụ việc. Tại sao ?Câu trả lời được đài France 24 phân tích ngày 16/02/2018.
Trung tâm Quân y Thứ ba Vishnevskiy ở Krasnogorsk, gần Moskva, nơi được cho là đang điều trị một số công dân Nga bị thương ở Deir Ezzor (Syria), trong vụ oanh kích của liên quân quốc tế ngày 07/02/2018. Ảnh chụp ngày 16/02/2018. Reuters/Sergei Karpukhin
Theo Bộ quốc phòng Mỹ, ít nhất 100 chiến binh ủng hộ chế độ Syria đã bị thiệt mạng trong trận oanh kích ngày 07/02 nhằm đáp trả một vụ tấn công vào trụ sở của Lực Lượng Dân Chủ Syria (SDF), được liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu yểm trợ. Ngày 13/02, tướng Jeffrey Harrigian, chỉ huy lực lượng không quân Mỹ tại Trung Đông, xác nhận là liên quân quốc tế đã "tự vệ chính đáng" trong cuộc oanh kích kéo dài hơn 3 giờ, huy động nhiều chiến đấu cơ, oanh tạc cơ chiến lược, máy bay trực thăng chiến đấu và máy bay tự hành.
Tướng Harrigian không nêu rõ các mục tiêu bị tấn công là của nước nào, mà chỉ khẳng định : "Chúng tôi chỉ nhắm đến một kẻ thù duy nhất : tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Chúng tôi không tìm cách chiến đấu với bất kỳ lực lượng nào khác, như bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis đã phát biểu vào tuần trước". Như nhiều tướng lĩnh Mỹ khác, bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho biết không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến các nạn nhân, được cho là người Nga.
300 công dân Nga chết và bị thương ở Deir Ezzor ?
Điện Kremlin cũng khẳng định không được thông tin về bất kỳ sự mất mát nào bên phía Nga, đồng thời cảnh báo sự lan truyền "thông tin thất thiệt" về chủ đề này. Cho đến khi nhiều tổ chức bán quân sự và dân tộc chủ nghĩa Nga thống kê số nạn nhân trong hàng ngũ của họ sau loạt tấn công ngày 07/02. Phát ngôn viên đảng Nước Nga Khác theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cực tả, Alexander Averin, thông báo Kirill Ananyev, một chiến binh thuộc đảng này đã bị thiệt mạng và khẳng định "người này không chết một mình". Vẫn theo nguồn tin nói trên, nhiều người Nga khác thiệt mạng là "chuyện thật".
Sau nhiều lần phủ nhận, cuối cùng ngày 15/02, bộ Ngoại Giao Nga, thông qua phát ngôn viên Maria Zakharova, khẳng định với báo giới : "Theo những thông tin sơ bộ, có thể nói là 5 người chết, được cho là công dân Nga, vì đụng độ có vũ trang và nguyên nhân vẫn đang được tìm hiểu". Bà cũng khẳng định "đó không phải là quân nhân của Nga", đúng với phát biểu của Bộ quốc phòng Nga là không có "bất kỳ quân nhân Nga nào ở Deir Ezzor".
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin khác được hãng tin Reuters phỏng vấn, lại nhắc đến số nạn nhân Nga ở một quy mô lớn hơn : khoảng 300 người làm việc cho công ty quân sự tư nhân Wagner đã bị chết hoặc bị thương trong loạt oanh kích trên không và trên bộ của liên quân quốc tế. Trước hết, theo một bác sĩ quân y Nga được Reuters đặt câu hỏi, có ít nhất ba máy bay chở người bị thương từ Syria về Moskva từ ngày 09 đến 12/02.
Ngoài ra, ông Yevgeny Shabayev, một lãnh đạo của tổ chức bán quân sự Cozack, có quan hệ với lính đánh thuê, cho Reuters biết là vào ngày 14/02, ông đã đến thăm một số người bị thương được đưa từ Syria về và được điều trị ở viện quân y trung ương của Bộ quốc phòng ở Khimki, ngoại ô Moskva. Những người bị thương này kể lại là khoảng 550 tay súng của công ty Wagner đã tham gia vào trận đánh hôm 07/02. Vẫn theo ông Yevgeny Shabayev, khoảng 300 người trong số họ đã bị chết hoặc bị thương. Nhiều tay súng đánh thuê khác được điều trị ở ba nơi khác nhau : Trung tâm Quân y Thứ ba Vishnevskiy ở Krasnogorsk, gần Moskva, Bệnh viện Burdenko ở thủ đô và ở Viện Hàn lâm Quân y ở Saint-Peterburg. Nhưng khi được Reuters liên lạc, các cơ sở này đều bác bỏ thông tin hoặc từ chối bình luận.
Wagner, công ty ngầm và "không tồn tại" với Moskva
Thực ra, Moskva khó có thể công nhận rằng nhiều công dân Nga chết khi chiến đấu ở Syria. Để tránh bị mang tiếng là có quân nhân tham chiến ở Syria, trên thực tế, Nga luôn khẳng định chỉ can thiệp bằng cách tiến hành oanh kích trên không và từ ngoài khơi. Theo lập trường chính thống này, nếu công dân Nga tham chiến trên thực địa, thì chỉ có thể là những tay súng độc lập, đến chiến đấu tại Syria vì lợi ích riêng của họ.
Ngoài ra, Moskva còn phủ nhận sự tồn tại của công ty Wagner vì việc đánh thuê bị cấm ở Nga, vì vậy, công ty này không tồn tại một cách hợp pháp. Nhưng thực ra, công ty Wagner đã từng được nhắc đến vào năm 2014 khi điều lính đánh thuê đến miền đông Ukraina. Sau đó, kể từ năm 2015, Wagner có lẽ đã gửi lính đến Syria, thường là trong số chiến binh đã hoạt động ở Ukraina.
Thông tín viên đài France 24 tại Moskva, Elena Volochine, đã gặp một người trong số họ. Người này cho biết : "Tôi đến chiến đấu ở Ukraina vì nước Nga, tôi sẽ đến chiến đấu ở Syria vì tiền". Quả thực, lính đánh thuê của công ty Wagner được trả thù lao hậu hĩnh, có thể gấp 10 lần so với mức lương trung bình ở Nga. Nhưng không phải tất cả những người đó sống sót trở về, và những người đã hồi hương thì nhắc đến "một lò sát sinh" với thiệt hại rất lớn về nhân mạng. Trước khi đến chiến đấu ở Syria, những lính đánh thuê này được huấn luyện tại một căn cứ bí mật ở miền nam nước Nga.
"Không bên nào muốn khiêu chiến"
Theo nhiều nhà quan sát, các cuộc đụng độ xảy ra giữa một bên là vài trăm tay súng Nga, chiến đấu cùng lực lượng thân chính phủ Syria, và bên kia là quân nhân Hoa Kỳ vào ngày 07/02 tại Syria, có quy mô chưa từng có kể từ sau Chiến Tranh lạnh. Nhưng phải giải thích thế nào về việc cả Moskva và Washington đều không đưa ra phản ứng ?
Phóng viên của France 24 đã liên lạc với ông Vladimir Frolov, một cựu quan chức ngoại giao Nga hiện là nhà phân tích chính trị độc lập ở Moskva. Theo ông, lời giải thích rất đơn giản : "Nga, cũng như Mỹ, tìm cách giảm thiểu những gì đã xảy ra, vì không bên nào muốn gây chiến". Và chắc chắn tổng thống Vladimir Putin cũng không muốn làm to chuyện này, vì ông đang vận động tranh cử để tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư. Vì vậy, ông Vladimir Frolov đánh giá đây không phải là sự xung đột giữa Nga và Mỹ, mà là "sự nhầm lẫn của chiến tranh".
Tổng thống Vladimir Putin và đồng nhiệm Donald Trump đã điện đàm vào thứ Hai 12/02, nhưng không đề cập đến hồ sơ Syria, theo thông báo của phát ngôn viên điện Kremlin Dimitri Peskov. Do Washington chấp nhận quan điểm của Moskva, theo đó Nga không liên can với vụ tấn công hôm 07/02, nên vấn đề đối đầu quân sự giữa hai cường quốc chính thức được gác sang một bên. Tuy nhiên, sau trận oanh kích của Mỹ, Nga đã chỉ trích Washington về "sự hiện diện bất hợp pháp" tại Syria và ý đồ "kiểm soát các nguồn lợi kinh tế của Syria".
Ngoài ra, theo truyền thông Nga, lính đánh thuê của công ty Wagner có thể là do tổng thống Bachar Al Assad hoặc do các lực lượng đồng minh của chính quyền Syria tuyển mộ để bảo vệ nguồn năng lượng của nước này, như các giếng dầu, các khu khai thác khí đốt, có rất nhiều trong vùng Deir Ezzor.
Công luận liệu có bao giờ biết được những bí mật và bối cảnh của vụ đối đầu ngày 07/02 tại Deir Ezzor hay không ?Hãng tin Mỹ Bloomberg nhận định, giai đoạn này cho thấy mọi "phức tạp của cuộc xung đột tại Syria" : từ chuyện về "cuộc đàn áp của chính phủ đã biến thành một cuộc chiến ủy nhiệm".
RFI tiếng Việt
********************
Nga cảnh cáo Mỹ : "đừng đùa với lửa ở Syria" (CaliToday, 19/02/2018)
Theo báo The Hill, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ hai 19/2 đã ra một cảnh cáo nghiêm khắc với Hoa Kỳ về chuyện Washington đang ủng hộ người Kurd ở Syria và bảo ‘Hoa Kỳ chớ nên đùa với lửa’ như thế.
Các lực lượng vũ trang tại Syria tranh nhau từng tất đất trong các khu phố - Ảnh : The Hill
Trong một cuộc hội thảo có tên Middle East Conference được tổ chức ở Moscow, ông Lavrov nói : "Hoa Kỳ nên chấm dứt chơi những trò nguy hiểm vì chúng có thể dẫn đến chuyện làm phân rã quốc gia Syria, chúng ta chứng kiến có toan tính muốn khai thác những âm mưu của người Kurd ở Syria"
Được biết Hoa Kỳ đang tiến hành sự ủng hộ cho việc thành lập một lực lượng do người Kurd lãnh đạo, vốn có 30,000 cư dân sinh sống ở vùng đông bắc của Syria. Lực lượng này chống lại thể chế al-Assad
Những lực lực lượng ủng hộ thể chế của TT Syria al-Assad, bao gồm cả Nga và Iran, lên tiếng tố cáo Hoa Kỳ ủng hộ nhóm người Kurd trong vùng là nhằm ‘thành lập một khu vực ở Syria nơi mà Hoa Kỳ có thể duy trì ảnh hưởng của mình’
Một vụ oanh kích do Không Quân Mỹ thự chiện vào đầu tháng 2 nhắm vào một lực lượng ủng hộ thể chế al-Assad đã giết chết một số công dân Nga. Chính phủ Nga cho hay có 5 thường dân Nga bị tử thương trong vụ này.
Một viên chức Hoa Kỳ lại cho hay cón số người chết do vụ oanh kích dữ dội này có thể lên đến 100 người và con sô người bị thương là từ 200 đến 300 người. Nếu đúng như thế, thì đây là là vụ ‘đụng độ’ đẫm máu nhất giữa Nga và Mỹ kể từ khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến đến nay.
Ngoài ra Hoa Kỳ cũng ‘đụng chạm’ với Thổ Nhĩ Kỳ khi quân đội xứ này tấn công người Kurd ở khu Afrin thuộc vùng tây bắc Syria.
Đào Nguyên
**************
Syria : quân chính phủ oanh kích làm hàng trăm thường dân chết và bị thương (RFI, 20/02/2018)
Chiến sự giữa quân chính phủ Damas và quân nổi dậy lại bùng lên dữ dội từ ngày 19/02/2018. Ít nhất 100 thường dân, trong đó có 20 trẻ em đã bị thiệt mạng vì các vụ oanh kích dày đặc của quân đội Syria nhằm vào vùng đất của quân nổi dậy Ghouta, gần thủ đô Damas. Tính đến ngày 20/02, các cuộc oanh kích của chính phủ đã làm gần 200 người chết và hơn 300 người bị thương, theo tổ chức phi chính phủ Đài Quan sát Nhân quyền Syria tại hiện trường.
Làng Mesraba, trong vùng do phe nổi dậy kiểm soát ở phía tây Ghouta, đang bị quân đội Syria bao vây, ngày 19/02/2018. AFP/Hamza Al-Ajweh
Thông tín viên RFI tại Beyrouth, Paul Khalifeh, cho biết thêm thông tin :
Tiếng đại bác rền vang khắp Damas trong ngày hôm qua (19/02) gây không khí hoảng loạn trong dân chúng ở thủ đô. Truyền hình Syria cho thấy những cột lửa do quân đội chính phủ nã pháo vào các vị trí của quân "khủng bố", từ ngữ vẫn được truyền thông chính phủ chỉ quân nổi dậy thánh chiến.
Các đợt oanh kích trở lại sau hai ngày yên tĩnh cùng với các cuộc đàm phán giữa chế độ Damas với lực lượng nổi dậy hiện đang giữ một vùng đất rộng lớn bị bao vây mà ở bên trong vẫn còn 400 nghìn thường dân sinh sống. Tuy nhiên, ông Mohammad Allouchen, chỉ huy Jaych al Islam, một lực lượng nổi dậy lớn nhất Ghouta, đã cải chính tin nhóm đã thương lượng với chính quyền Damas.
Giám đốc tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria (OSDH), ông Ami Abdel Rahman cho biết, 300 quả rốc két đã bắn xuống Ghouta cùng với hàng chục vụ không kích. Nhiều đạn pháo của quân nổi dậy đã rơi xuống thủ đô Damas, làm một số người bị thương.
Xung đột leo thang nổ ra sau khi có tăng viện lớn của quân đội Syria đến Ghouta. Các đơn vị tinh nhuệ do viên tướng nổi tiếng Souhail al-Hassan chỉ huy, được trang bị hàng chục chiến xa và đại bác đã được triển khai ở phía đông Damas để đề phòng các cuộc tấn công lớn của quân nổi dậy. Các khâu chuẩn bị đã xong, binh sĩ chỉ còn chờ lệnh tấn công.
Anh Vũ
Bắn máy bay Syria : Mỹ bắt đầu cuộc chơi giăng bẫy Nga (Đất Việt, 20/06/2017)
Vị thế của Damascus được nâng lên đồng nghĩa lực lượng đối lập do Mỹ bảo trợ sẽ mất thế, thực tế này buộc Washington phải có những điều chỉnh...
Mỹ áp dụng chiến lược mới trong ván cờ Syria
Phản ứng với hành động của Mỹ khi bắn hạ chiến đấu cơ của quân đội Syria, Damascus cho rằng vụ tấn công này "nhằm làm suy yếu những nỗ lực của quân đội Syria, lực lượng duy nhất phối hợp với các đồng minh có hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố trên khắp đất nước Syria".
"Vụ việc diễn ra đúng vào lúc quân đội Syria và các đồng minh của mình đang đạt được những bước tiến rõ rệt trong cuộc chiến chống khủng bố IS", tuyên bố của quân đội Syria nêu rõ.
Trong khi đó, lý giải cho hành động của mình, Lầu Năm Góc cho rằng đó là hành động phòng vệ tập thể, khi máy bay của quân đội Syria đã tấn công các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn.
Mỹ đã thay đổi lối hành xử tại Syria với những hành động quyết liệt và thách thức
Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ ngày 18/6 ra tuyên bố cho biết, tiêm kích F/A-18E Super Hornet của Mỹ đã bắn rơi máy bay chiến đấu SU-22 của Syria "nhằm phòng vệ tập thể cho những lực lượng đối tác thuộc liên minh".
Đối tác này là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - liên minh người Kurd-Arab do Washington hậu thuẫn, đóng quân gần thành phố Tabqa, tỉnh Raqqa.
Cũng theo tuyên bố trên, liên minh không tìm cách chống lại chính phủ Syria, Nga hay các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria, nhưng sẽ không do dự bảo vệ mình và các lực lượng đối tác trước bất cứ mối đe dọa nào.
"Ý định thù địch và hành động thù địch của các lực lượng ủng hộ chế độ Syria đối với liên minh và các lực lượng đối tác ở Syria đang tiến hành các hoạt động chống IS một cách hợp pháp, sẽ không thể được dung thứ", BBC trích dẫn thông báo từ Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ.
Trong khi đó, đại diện chính thức của liên quân do Mỹ đứng đầu tại Syria thì lại cho phóng viên CNN biết một sự thật khác :
"Đây là lần đầu tiên Mỹ bắn rơi máy bay của chế độ Syria. Mặc dù vào thời điểm này không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với quân đội Mỹ trong khu vực, nhưng đây là nơi Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ đang huấn luyện cho các lực lượng mà Mỹ đang cố gắng bảo vệ".
Dù với bất cứ lý gì, thì việc Mỹ bắn rơi máy bay của quân đội Syria cho thấy dường như Washington đã có thay đổi quan trọng trong lối hành xử của mình tại cuộc chiến Syria, mà thề hiện ra là hành động dứt khoát và mang tính thách thức.
Có thể thấy, sau khi Tổng thống Trump cho "Tomahawk bay vào Syria", trừng phạt Damascus về "Sự kiện Idlib", Moscow và đồng minh đã có những hành động và đạt được những thành quả. mà từ đó đưa Washington và lực lượng được Mỹ bảo trợ vào thế bất lợi.
Để Nga lập vùng an toàn tại Syria là một thất bại của Mỹ, buộc Washington phải thay đổi chiến lược
Thứ nhất, việc lập các "vùng an toàn" tại Syria.
Đây là một thất bại của Mỹ, bởi một là Moscow đã chủ động thực hiện, Washington buộc phải chấp nhận và hai là nó đã sàng lọc lực lượng khủng bố ra khỏi lực lượng đối lập ôn hòa, khiến Mỹ không thể "thiên biến vạn hoá" trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria và Iraq.
Thứ hai, những hiệu ứng tích cực sau các cuộc hòa đàm tại Astana do Nga và các đồng minh của mình bảo trợ, giúp cho một giải pháp chính trị cho Syria sẽ sớm thành hình, khiến Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế đã phải nhìn nhận Hòa đàm Astana là bước tiền trạm cho Hội nghị Geneve về một giải pháp toàn diện cho ván cờ Syria.
Thứ ba, những chiến thắng liên tục của Nga cùng quân chính phủ Syria và các đồng minh của mình trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, khiến Washington mất dần vai trò tại Syria, bởi Mỹ xuất hiện tại Syria là dưới danh nghĩa chống khủng bố.
Có những phương thức khác nhau hướng đến những mục đích giống nhau và có những phương thức giống nhau hướng đến những mục đích khác nhau, Mỹ và Nga tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố tại Syria nằm ở trường hợp thứ hai - mục đích khác nhau.
Trong khi Nga và quân chính phủ Syria cùng các đồng minh của mình tập trung tấn công khủng bố và đạt được những thành quả quan trọng, thì Mỹ và lực lượng được Mỹ bảo trợ lại không chù trọng vào cuộc chiến chống khủng bố, mà chỉ lấy danh nghĩa chống khủng bố để thực hiện những mưu đồ khác.
Khi Moscow và Damascus cùng các đồng minh giành được những chiến thắng quyết định trong cuộc chiến chống khủng bố, Washington đã nhận ra sai lầm của mình. Bởi chiến thắng trước khủng bố luôn là chiến thắng của chính nghĩa, điều đó giúp cho chính phủ Syria ngày càng củng cố được vị thế của mình.
Vị thế của Damascus được nâng lên đồng nghĩa lực lượng đối lập do Mỹ bảo trợ sẽ mất thế, thực tế này buộc Washington phải có những điều chỉnh để sửa sai, hy vọng có thể làm thay đổi vai trò của Mỹ và vị thế của lực lượng được Mỹ bảo trợ trong ván cờ Syria.
Tổng thống Trump trao toàn quyền cho Lầu Năm Góc - một thay đổi quan trọng trong chiến lược của Mỹ
Theo CNN, Tổng thống Trump đã quyết định phải dành ưu thế về quân sự tại các mặt trận mà Mỹ và đồng minh của Mỹ đang mất thế hay yếu thế, qua việc trao cho Lầu Năm Góc toàn quyền thiết lập và tổ chức lực lượng cũng như kế hoạch hành động tại các chiến trường.
Trước đây, khi Washington chú trọng sử dụng công cụ ngoại giao để xác lập vị thế cho lực lượng thân Mỹ tại Syria nhưng kết quả là lực lượng này luôn thất thế, còn Washington thì luôn phải "lấp ló sau cánh gà", tạo điều kiện cho Moscow đạo diễn ván cờ Syria
Nay Washington ưu tiên biện pháp quân sự và Lầu Năm Góc được hoàn toàn chủ động trong hành động mà không chịu sự kiềm chế của Bộ ngoại giao, thậm chí cả Nhà Trắng, vì vậy hành động của Mỹ tại Syria sẽ quyết liệt và mạnh mẽ hơn.
Washington đang giăng bẫy với Moscow
Sau khi hầu hết những bàn cờ chính trị được Mỹ sắp đặt lại thời hậu Chiến tranh Lạnh đều không như mong muốn của Washington, mà nguyên nhân chính là lực lượng thân Mỹ hay chính quyền thân Mỹ đều yếu về lực, cho nên dù thế mà Mỹ tạo ra cho họ cũng không thể bù đắp được yếu điểm đó.
Từ Afghanistan đến Iraq rồi Libya, dù Mỹ gần như độc diễn ván cờ, song kết quả luôn là các lực lượng thân Mỹ, chính quyền thân Mỹ ngày càng yếu dần về lực, rối từ đó kém dần về thế.
Và hệ luỵ Mỹ mất dần chỗ đứng, thậm chí bị quay lưng. Thực tế tại Syria cũng không khác là bao.
Khi chính quyền Trump xem việc Mỹ tạo ưu thế trên chiến trường quyết định vị thế trên chính trường cho lực lượng thân Mỹ, được Mỹ bảo trợ, sẽ khiến cho các chiến trường ác liệt hơn, nhất là khi các kênh ngoại giao không hoàn toàn được phát huy trong những tình thế đặc biệt.
Việc kết nối giữa Wasington mà Moscow có thể sẽ không diễn ra liên tục và dễ dàng khi quân đội Mỹ quyết làm nóng tình hình tại Syria
Do vậy, dù Moscow chỉ trích quân đội Mỹ xâm lược Syria, xâm phạm chủ quyền Syria, cho dù Moscow có vạch giới hạn đỏ, thì giới phân tích nhận định cũng không làm thay đổi thực chất chính sách và hành động của quân đội Mỹ đối với cuộc chiến Syria trong thời điểm hiện nay.
Khi Tổng thống Trum quyết định trao toàn quyền cho Lầu Năm Góc thực hiện chiến lược "Búa - Đinh", cho thấy Washington đã chọn "đôi công" với Moscow, không để Moscow tiếp tục đạo diễn ván cờ Syria.
Do vậy, nếu không tỉnh táo Moscow sẽ rơi vào bẫy của washington.
Nếu Moscow không phản ứng quyết liệt mà xem xét lập trường của Nhà Trắng sẽ có thể khiến Lầu Năm Góc thừa cơ manh động, còn nếu Moscow phản ứng quyết liệt thì chiến trường Syria sẽ trở nên ác liệt, khiến thành quả của Nga và các đồng minh đạt được trong thời gian qua có nguy cơ sẽ tan thành mây khói.
Việc Mỹ bắn hạ máy bay Syria diễn ra trong bối cảnh quân đội Syria tuyên bố ngừng bắn, Liên Hiệp Quốc thì đang chuẩn bị cho đàm phán hòa bình giữa các bên về vấn đề Syria vào tháng 7 tới tại Geneva và Moscow, cho thấy dường như Washington không quan tâm đến các hoạt động ngoại giao quan trọng ấy.
Có thể thấy rằng, Lầu Năm Góc đang thách thức Moscow và việc bắn rơi máy bay Syria là một hành động gây hấn, muốn kéo quân đội Nga vào cuộc, từ đó làm xáo trộn hoàn toàn ván cờ Syria, tạo điều kiện cho việc thực hiện các mưu đồ - mà giới phân tích cho rằng không trong sáng - của Washington.
Ngọc Việt
*******************
Binh sĩ Syria được triển khai gần biên giới Syria-Iraq ở Al-Tanf thuộc tỉnh Homs, Syria ngày 12/6. Ảnh : EPA/TTXVN
Theo CNN, hai quan chức Mỹ đã tiết lộ thông tin này. Đây là lần thứ ba Mỹ bắn hạ một máy bay của lực lượng thân chính phủ Syria trong tháng này.
Chiếc máy bay bị bắn hạ chỉ cách "khu vực giảm căng thẳng" ở Syria 55km.
Đây là một chiếc Shahed 129 do Iran chế tạo, được cho là được trang bị vũ khí và trong tầm bắn của các binh sĩ Mỹ.
Một quan chức Mỹ cho hay chiếc máy bay bị bắn hạ do nó "bị coi là một mối đe dọa".
Chiếc máy bay Shahed 129 do Iran chế tạo cùng loại với chiếc máy bay bị Mỹ bắn hạ hồi đầu tháng này sau khi nó thả một số vũ khí gần khu vực tập luyện của binh sĩ liên quân và các lực lượng địa phương chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Những vụ bắn hạ liên tiếp đánh dấu nấc thang căng thẳng mới ở khu vực xung quanh căn cứ At Tanf gần biên giới Syria-Jordan được lực lượng liên quân sử dụng để đào tạo, huấn luyện lực lượng vũ trang đối lập Syria chống tổ chức IS.
Vụ việc cũng xảy ra chỉ một ngày sau khi chiếc máy bay tiêm kích F/A-18E Super Hornet của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đã bắn hạ một máy bay ném bom Su-22 (Sukhoi Su-17) của quân đội Syria.
Trần Minh
******************
Mặc Nga đe dọa, Mỹ tiếp tục cho tiêm kích bắn hạ máy bay Syria (Infonet, 20/06/2017)
Theo hãng tin CNN, một phi cơ F-15E của Mỹ vừa bắn rơi một máy bay không người lái của lực lượng thân chính phủ Syria tại khu vực phía Đông Syria.
Được biết, máy bay không người lái này đã bị bắn hạ gần al-Tanf (Syria), cách khu vực không giao tranh khoảng 55km. Loại máy bay này có tên là Shahed 129 do Iran sản xuất, được cho là có trang bị vũ khí.
Máy bay không người lái Shahed 129 do Iran sản xuất.
Một quan chức quân đội Mỹ cho biết máy bay không người lái này đã bị bắn hạ bởi Mỹ "coi đây là một hiểm họa lớn".
Cụ thể, máy bay đã bị bắn rơi sau khi nó thả xuống một trong số những quả bom mà nó mang theo xuống địa điểm các binh sĩ của liên quân do Mỹ đứng đầu đang huấn luyện cho các lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho các cuộc tấn công các phiến quân IS tại Syria.
Vụ việc này đã đánh dấu sự leo thang căng thẳng trong khu vực quanh al-Tanf, nơi có căn cứ quân sự của Mỹ gần biên giới Syria và Jordan được thiết lập nhằm hỗ trợ các lực lượng đồng minh.
Nó cũng diễn ra vài ngày sau khi một máy bay F/A-18 của Mỹ bắn rơi phi cơ tiêm kích của quân chính phủ Syria với lý do rằng máy bay Syria đã thả bom gần khu vực mà Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn đang giao tranh chống lại IS gần thành phố Tabqa, phía Bắc Syria.
Trước đó vào đầu tháng này, Mỹ cũng đã bắn rơi một máy bay Shahed 129 tương tự, sau khi nó thả một loại bom xuống vị trí gần nơi binh lính của liên quân và các lực lượng nổi dậy đang tuần tra gần đó.
Anh Tuấn (lược dịch)