Tổng thống Putin cảnh báo ‘hỗn loạn’ trên thế giới vì Syria (VOA, 16/04/2018)
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/4 cảnh báo sự hỗn loạn trên chính trường thế giới nếu các nước phương Tây lại mở các cuộc oanh kích nhắm vào Syria, trong khi có dấu hiệu cho thấy Moscow và Washington muốn xử lý cuộc khủng hoảng được coi là nghiêm trọng nhất trong quan hệ giữa hai nước trong nhiều năm, theo Reuters.
Ông Putin nhận định như vậy trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Iran Hassan Rouhani sau khi Mỹ, Pháp và Anh thực hiện các cuộc oanh kích vào Syria hôm 14/4 để đáp trả vụ tấn công bằng khí độc gây nhiều chết chóc trước đó.
Thông cáo do Điện Kremlin công bố nói rằng nguyên thủ hai nước cùng cho rằng vụ không kích của phương Tây gây tổn hại tới cơ hội đạt được một giải pháp chính trị trong cuộc xung đột giữa nhiều bên kéo dài nhiều năm qua, khiến ít nhất nửa triệu người thiệt mạng.
"Đặc biệt, ông Vladimir Putin nhấn mạnh rằng nếu các hành động vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc tiếp diễn, nó sẽ gây hỗn loạn trong quan hệ quốc tế", tuyên bố của Kremlin có đoạn.
Hiện trường một địa điểm bị Mỹ không kích ở Damascus, Syria
Cả ba nước tham gia oanh kích đều cho rằng vụ tấn công bằng tên lửa không nhằm mục đích lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad hay can thiệp vào cuộc xung đột.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng cuộc tấn công "bất hợp pháp và không thể chấp nhận được".
Phát biểu của ông Putin được công bố ngay sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tỏ ra dịu giọng khi nói rằng Moscow sẽ nỗ lực hết sức để cải thiện quan hệ với phương Tây.
Theo hãng TASS của Nga, khi được hỏi rằng liệu Nga có sẵn lòng hợp tác với các đề xuất của các quốc gia phương Tây tại Liên Hiệp Quốc hay không, ông Ryabkov nói : "Tình hình chính trị hiện nay rất căng thẳng, không khí hết sức nhiễu loạn, nên tôi không thể đưa ra bất kỳ dự đoán nào".
Theo Reuters, ông Vladimir Ermakov, quan chức của Bộ Ngoại giao Nga, nói rằng Washington sẽ muốn duy trì đối thoại với Moscow về sự ổn định chiến lược sau các cuộc tấn công.
Trong khi đó, tại Damascus, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad đã gặp với các giám sát viên từ cơ quan giám sát vũ khí hóa học toàn cầu OPCW trong vòng ba giờ đồng hồ với sự hiện diện của các quan chức Nga và một nhân viên an ninh cấp cao của Syria.
Các giám sát viên dự kiến sẽ tới thị sát khu vực xảy ra vụ tấn công bằng khí độc hóa học ở Douma hôm 7/4 mà các tổ chức cứu trợ nói rằng làm hàng chục người chết.
Moscow lên án Mỹ, Pháp và Anh đã không đợi tới sau khi OPCW công bố kết quả điều tra trước khi mở các cuộc oanh kích.
*****************
Đồng minh ‘chưa có kế hoạch’ tái không kích Syria (VOA, 15/04/2018)
Các cường quốc phương Tây chưa có kế hoạch thực hiện thêm các cuộc oanh kích bằng tên lửa nhắm vào Syria, nhưng sẽ cân nhắc các giải pháp nếu chính quyền Damascus lại sử dụng vũ khí hóa học, ngoại trưởng Anh cho biết hôm 15/4.
Hiện trường một trung tâm nghiên cứu của Syria trúng tên lửa của liên minh hôm 14/4.
Hoa Kỳ, Pháp và Anh đã phối hợp thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào chương trình vũ khí hóa học của Syria hôm 14/4 để trả đũa cho vụ tấn công bằng khí độc một tuần trước đó.
Ba quốc gia trên nhấn mạnh rằng các cuộc oanh kích không nhắm mục tiêu lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad hoặc can thiệp vào cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua, theo Reuters.
Trong khi Tổng thống Donald Trump ca ngợi thành công của cuộc oanh kích, chính quyền Damascus và các đồng minh coi đó là một hành động xâm lược, "không thể chấp nhận được".
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 15/4.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm 15/4 đã bảo vệ quyết định tham gia cuộc tấn công của Thủ tướng Theresa May, và cho rằng nó sẽ ngăn chặn việc Syria sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai.
"Đây không phải là chuyện thay đổi chế độ… Đây không phải là chuyện tìm cách lật ngược tình thế trong cuộc xung đột ở Syria", ông Johnson nói với hãng BBC.
"Hiện không có kế hoạch tấn công tiếp theo vì tới nay chính quyền Assad không ngốc nghếch tới mức thực hiện một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nữa".
"Nếu khi nào chuyện đó chuẩn bị xảy ra, thì rõ ràng chúng ta (Anh) sẽ cùng các đồng minh cân nhắc các giải pháp", ông Johnson nói, tương tự như lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, phát biểu trước phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an trước đó.
Người hậu thuẫn ông Assad diễu hành ủng hộ nhà lãnh đạo này và Nga sau khi phương Tây mở cuộc oanh kích hôm 14/4.
Trong khi đó tại Damascus, theo truyền thông Nga, Tổng thống Assad nói với một nhóm các dân biểu Nga hiện thăm nước này rằng cuộc tấn công bằng tên lửa của phương Tây là hành động xâm lược.
Các hãng tin trên cũng dẫn lời các nhà lập pháp Nga nói rằng ông Assad "có tâm trạng tốt".
Nhà lãnh đạo bị nhiều nước cô lập này cũng ca ngợi hệ thống phòng không thời Xô Viết đã ngăn chặn các cuộc oanh kích của Mỹ, Anh và Pháp, và tin cho hay, đã chấp nhận lời mời thăm Nga tại một thời điểm chưa rõ là khi nào.
*****************
Vụ Syria : Vì sao TT Trump sử dụng lời của ông Bush ? (VOA, 15/04/2018)
Tổng thống Trump hôm 15/4 lên tiếng bảo vệ quyết định sử dụng cụm từ "sứ mạng hoàn tất" khi nói về các cuộc không kích bằng tên lửa do Mỹ dẫn đầu nhắm vào các mục tiêu ở Syria, sau khi truyền thông đề cập nhiều tới việc này.
Ông Trump thông báo về cuộc không kích nhắm vào Syria hôm 13/4.
Cụm từ trên gắn liền với cựu Tổng thống George W. Bush, khi nhà lãnh đạo này sử dụng nó trong chiến tranh Iraq, nhưng lại là điều "ám ảnh" ông suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ, theo Reuters.
Hoa Kỳ, Pháp và Anh sớm ngày 14/4 thực hiện hàng chục cuộc không kích nhắm vào các địa điểm được cho là có liên quan tới một chương trình vũ khí hóa học.
Tổng thống Assad và đồng minh thân cận, Nga, bác bỏ chuyện quân chính phủ sử dụng vũ khí khóa học tấn công thường dân.
Tên lửa Tomahawk bắn vào Iraq từ tàu chiến USS Donald Cook hôm 20/3/2003.
Ông Trump viết trên Twitter : "Cuộc không kích vào Syria được thực hiện hết sức hoàn hảo, với độ chính xác cao, và Truyền thông Tin Giả chỉ còn cách duy nhất để hạ nhục tôi bằng thuật ngữ "Sứ mạng Hoàn tất" tôi sử dụng".
Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm : "Tôi biết là họ sẽ nắm lấy chuyện này nhưng cảm thấy đó là một thuật ngữ quân sự tuyệt vời, nên nó cần được nêu lại. Sử dụng thường xuyên !"
Hồi năm 2003, ông George W. Bush từng đứng dưới biểu ngữ viết "Sứ mạng Hoàn tất" khi ông tuyên bố rằng chiến dịch ở Iraq đã kết thúc sáu tuần sau cuộc xâm chiếm.
Nhưng cuộc chiến ở nước này đã kéo dài nhiều năm sau đó, theo AP.