Năm 2022, khoảng 200.000 nhân viên trên thế giới của ngành công nghệ mất việc. High tech có nguy cơ "vỡ bong bóng" trên các sàn chứng khoán. Các ông chủ GAFAM mất hàng tỷ, hàng chục tỷ đô la. Thung lũng Silicon mạnh tay sa thải nhân viên khiến Ireland rúng động. Dublin mất đi từ 10 đến 20% thuế doanh nghiệp. Ireland có nguy cơ trở thành miếng mồi ngon của một số tập đoàn công nghệ Trung Quốc ?
Ảnh minh họa các ứng dụng Google, Amazon, Facebook, Apple (GAFA) Lionel Bonaventure / AFP
Ngay trong những ngày đầu năm mới 2023, Microsoft, rồi Amazon, Google, mỗi tên tuổi trong làng High Tech thông báo sa thải hơn một chục ngàn nhân viên. Hôm 23/01/2022 đến lượt công ty cung cấp dịch vụ nghe nhạc qua streaming Spotyfi của Thụy Điển cho biết sẽ phải chia tay với một phần nhân viên.
Tổng giám đốc của tập đoàn phần mềm Microsoft Satya Nadella phát biểu tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos Thụy Sĩ hồi tuần trước nêu lên "nguy cơ ngành công nghệ bị suy thoái" sau khi thông báo cho 5% nhân viên nghỉ việc. Microsoft trông thấy "tất cả các lĩnh vực khác nhau trong thế giới công nghệ, tại tất cả các khu vực địa lý đều đang thận trọng vào lúc mà một phần thế giới rơi vào suy thoái và tại những nơi khác thì mọi người chờ đợi là sớm muộn gì kịch bản suy thoái cũng sẽ xảy ra".
Tăng trưởng toàn cầu chậm lại và xung đột Ukraine là hai lý do khiến ông vua trong lĩnh vực phân phối trên mạng là Amazon ngừng hợp đồng với 18.000 nhân viên trên. Khu vực Châu Mỹ bị tác động mạnh nhất. Chủ nhân Amazon Jeff Bezos cố gắng đợi sau Tết nguyên đán mới công bố danh sách các nhân viên tại Trung Quốc bị sa thải.
Lãnh đạo cổng tìm kiếm thông tin Google, Sundar Pichai dự trù cắt giảm 6% thành phần nhân sự vào lúc công ty đang "trải qua những ngày tháng khó khăn nhất" từ khi được thành lập. Thật vậy công ty mẹ của Google là Alphabet đang bị nhiều đối thủ mới nổi lên như Chat GPT, hay YOU cạnh tranh dữ dội.
Trên các sàn chứng khoán, chỉ số Nasdaq gắn liền với hoạt động của các tập đoàn công nghệ Mỹ trượt giá 33%. Giới trong ngành nói đến hiện tượng "vỡ bong bóng" như vào thời điểm đầu những 2000 trong ngành tin học, rồi 2007-2008 đến lượt ngành địa ốc. Báo tài chính The Wall Street Journal nói tới hiện tượng GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft) "rớt đài". Nếu tính luôn thêm cả Tesla, hãng xe hơi điện của ông chủ Elon Musk, nhóm 6 đại công ty nói trên trong năm 2022 đã để gần 4.500 tỷ đô la chứng khoán "bốc hơi".
Hiện tượng đổ dốc kéo dài hay đây là một sự điều chỉnh hiển nhiên ?
Vào lúc dịch Covid hoành hành trên thế giới, các tập đoàn trong ngành công nghệ cao phát đạt hơn bao giờ hết. Doanh thu và chỉ giá chứng khoán tăng mạnh. Để đáp ứng với môi trường trong thời gian đó, các tập đoàn GAFAM liên tục tuyển dụng thêm người. Đội ngũ nhân viên của Microsoft trong hai năm 2020-2021 tăng thêm 36% đang từ 163.000 đã mở rộng tới 221.000 tính đến trước đợt thông báo sa thải hồi mùa thu vừa qua.
Quá sớm để "chôn" GAFAM
Trước ngần ấy dấu hiệu báo trước ngành công nghệ của Mỹ gặp khó khăn nhưng giới trong ngành đồng loạt cho rằng "tương lai vẫn ở phía trước" đối với nhóm GAFAM và kể cả Tesla : trên các sàn chứng khoán, chỉ riêng hai tập đoàn là Apple và Microsoft nặng ký hơn 40 tập đoàn hàng đầu của Pháp trong chỉ số CAC40 và trong chỉ số DAX 40 của Đức cộng lại. Nhìn đến trường hợp của Meta, dù tài sản cá nhân của sáng lập viên Mark Zuckerberg đã vơi đi hàng tỷ đô la, và 1/3 trị giá chứng khoán của tập đoàn này đã "tan chảy" trong năm 2022 thế nhưng Meta vẫn là một ông khổng lồ nặng đến 310 tỷ đô la. Báo tài chính Pháp Les Echo cho rằng cổ phiếu có mất giá đến 1/3 trong năm qua cũng mới chỉ là những "vết thương nhẹ và rất dễ chóng lành" bởi cùng thời kỳ, mức lãi của nhóm GAFAM không hề giảm sụt. Một chuyên gia về chứng khoán được báo Les Echos hôm 31/10/2022 trích dẫn lưu ý : mặc dù cổ phiếu của Microsoft và Google có mất giá 35%, nhưng nhóm GAFAM vẫn là những điểm đầu tư "an toàn" nhất.
Hiện tượng mất giá chứng khoán vừa qua theo lời David Older thuộc cơ quan tư vấn Carmignac trụ sở tại Luxembourg, là do "thời buổi khó khăn hơn nên ngay cả các tập đoàn thuộc nhóm được mệnh danh là BIG TECH cũng không là những ngoại lệ". GAFAM cũng phải thận trọng hơn trong các khoản chi tiêu, trong các dự án đầu tư và nhất là phải "đánh hơi thấy đúng những lĩnh vực chiến lược để chuẩn bị cho những trận đấu sắp tới trong thế giới công nghệ số".
Kinh tế gia ngân hàng Rothschild Jacques Aurélien Marcireau giải thích thêm : một mình Google chiếm gần một nửa ngân sách quảng cáo trên mạng của thị trường thế giới. Với một môi trường bất thuận lợi đương nhiên tập đoàn này cũng phải cắt giảm chi tiêu"
Tuy nhiên trên hành tinh công nghệ ngoài 5 tên tuổi lớn như nhóm GAFAM thì còn phải kể đến vô số những hãng nhỏ và các công ty khởi nghiệp. Trong số này theo chuyên gia của ngân hàng Rothschild, Jacques Aurélien Marcireau "sẽ có không ít hãng khó mà tồn tại". Đối với ngành công nghệ "những năm sắp tới đây sẽ không còn thuận lợi" như trong giai đoạn vừa qua
Ireland "lãnh đủ"
Dự phóng ảm đạm đó khiến Ireland lo ngại hơn bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, có lẽ là kể cả Hoa Kỳ. Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế và Xã Hội Ireland (ESRI) trong quý 2/2022 ngành công nghệ và thông tin chiếm đến 18% GDP. Đây là lĩnh vực tuyển dụng trực tiếp 6% nguồn lực lao động quốc gia.
Tháng 11/2022 Twitter thông báo sa thải 50% nhân sự trên toàn cầu : một gáo nước lạnh dội vào 250 trong số 500 nhân viên tại chi nhánh của tập đoàn ở thủ đô Dublin. Chỉ vài ngày sau đến lượt Meta, chia tay với 350 trên tổng số 3.000 cộng tác viên. Ngoài các mạng xã hội, những tên tuổi khác trong thế giới tin học, phần mềm, trong các dịch vụ tài chính hay mua bán trên mạng, trong làng công nghệ kỹ thuật số nói chung như Intel, Stripe hay Amazon… lần lượt cắt giảm nhân sự.
Trả lời thông tín viên đài RFI, Laura Taouchakov tại Dublin, Charlie Brun, một công dân Pháp, 34 tuổi, làm việc cho hãng Stripe của Mỹ trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến cho biết : sau 9 cuộc phỏng vấn liên tiếp anh đã được tuyển vào công ty này. Nhưng rồi vài tuần lễ trước lễ Giáng Sinh 2022, trong chưa đầy 30 phút Charlie đã mất việc :
"Đầu tháng 11 tôi nhận được email của chủ tịch tổng giám đốc trình bày rằng công ty đang phải đối mặt với một môi trường không mấy thuận lợi. Năm phút sau đến lượt ban nhân sự gửi email thứ nhì, thông báo rằng ê-kíp của tôi có thể thuộc diện có thể phải được tổ chức lại. Thế rồi chỉ 5 phút sau đó nữa tôi được chính thức thông báo đến cuối tháng 12, hợp đồng của tôi sẽ không được triển hạn thêm. Tiếp theo đó mọi người hoàn toàn im lặng. Không có thêm bất kỳ một trao đổi nào nữa với ban giám đốc. Một hãng Mỹ hoạt động như vậy đấy !".
Trong hai năm đại dịch Covid, Ireland là quốc gia duy nhất tại Châu Âu kinh tế vẫn thịnh vượng. Phép lạ đó có được nhờ ngành công nghệ đã "ăn nên làm ra" trong suốt thời gian một phần thế giới bị phong tỏa.
Nhờ có một chính sách thuế khóa ưu đãi - thuế doanh nghiệp 12,5% được coi là mức thấp nhất trong số các quốc gia ở tây Âu, Ireland trở thành "mảnh đất hứa" của đại đa số các hãng high tech của Mỹ. Theo thẩm định của báo Irish Times 10 tập đoàn Mỹ gồm Apple, Microsoft, Google, Facebook, Intel, Pfizer, Merck, Johnson&Johnson, Medtronic và Coca-Cola bảo đảm 10% thu nhập cho Dublin.
Trả lời đài RFI, giáo sư Ory O’Farrell đại học Kỹ Thuật Dublin phân tích về tác động đối với kinh tế Ireland khi mà các ông vua trong ngành công nghệ cao làm ăn thất bát :
"Đây là những công việc được trả lương cao và đội ngũ này đã thực sự tăng lên rất mạnh kể từ 2008. Trong hai năm đại dịch Covid, lĩnh vực high tech đã tuyển dụng thêm rất nhiều. Phải nói là lĩnh vực này đã phát triển rất nhanh khối lượng nhân sự tăng lên thêm khoảng 1 phần ba, đang từ 90.000 người nhẩy vọt lên tới hơn 120.000. Giờ đây theo tôi giai đoạn đó đã qua. Vấn đề đặt ra là nhân viên trong ngành công nghệ này được trả lương cao, tức là họ cũng đóng thuế nhiều cho Nhà nước. Thế rồi Ireland là điểm đến của các tập đoàn ngoại quốc trong lĩnh vực tin học và công nghệ kỹ thuật số. Các công ty này thịnh vượng nên là một nguồn đóng thuế doanh nghiệp lớn : ít nhất 20% thuế doanh nghiệp Ireland thu vào là nhờ các tập đoàn high tech nước ngoài, chủ yếu là của Mỹ. Giờ đây khi gió đã xoay chiều, chính phủ Ireland đột nhiên cũng mất đi một nguồn thu nhập rất lớn. Khó có thể lấp vào chỗ trống khoản thuế doanh nghiệp hàng chục tỷ đô la mà các tập đoàn high tech của Mỹ để lại. Khi được thuận buồm xuôi gió, thì không khác gì tiền trên trời rơi xuống. Tiếc rằng hiện tượng đó đến một lúc nào đó cũng phải dừng".
Từ hơn 40 năm nay, đầu tư nước ngoài là một trong những cột trụ của kinh tế Ireland. Năm 2021 Apple tuyển dụng thêm 1.300 nhân viên để tăng cường cho đội ngũ vốn đã có hơn 6.000 người đã làm việc cho nhãn hiệu Quả Táo này từ lâu nay tại đây. Intel cùng thời điểm đầu tư thêm 12 tỷ đô la vào nhà máy ở Leixlip gần thủ đô Dublin. Tại một quốc gia với hơn 5 triệu dân này, có tới gần một nửa triệu người lao động làm việc cho các công ty ngoại quốc.
Một khi "gió đã xoay chiều", Dublin dự báo trong tài khóa 2023 ngân sách Nhà nước mất đi từ 8 đến 10 tỷ đô la do các con chim đầu đàn trong thế giới công nghệ lãi ít đi. Bao nhiêu người trong số 6% dân số Ireland trong tuổi lao động giữ được việc làm ?
Ireland, điểm đến của các nhà đầu tư Trung Quốc ?
Bộ trưởng Thương Mại và Công Nghệ Số Dara Calleary cuối tháng 11/2022 nhận định, là một trong những nền kinh tế mở rộng nhất ra thế giới bên ngoài, Ireland cần liên tục đánh giá lại và cập nhật hóa mô hình phát triển của mình. Dublin nhìn nhận tiến trình "phi toàn cầu hóa" và những khó khăn trong thương mại quốc tế có nguy cơ là những "trở ngại trong chiến lược kinh tế mà tới nay đã giúp Ireland khá thành công".
Và để cập nhật hóa mô hình phát triển, dường như Ireland bắt đầu chú ý nhiều đến một số dự án của Trung Quốc. Tập đoàn dược phẩm Wuxi quyết định đầu tư vào một nhà máy sản xuất gần biên giới giữa Cộng Hòa Ireland với Bắc Ireland (thuộc Vương Quốc Anh). Hoa Vi đầu tư vào một trung tâm gần Dublin để phát triển "công nghệ cloud" với hứa hẹn tuyển dụng ít nhất 200 nhân viên.
Phó thủ tướng Leo Varadkar khá hài lòng vì theo ông đây là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy quốc tế coi Ireland là một môi trường thuận lợi để làm ăn. Ngoại trưởng Simon Ceveney xua tan mọi nghi vấn Ireland có thể trở thành một mặt trận để Mỹ và Trung Quốc đọ sức. Ông tuyên bố : Trung Quốc quá lớn để có thể bỏ qua những đề xuất đầu tư của nước này. Dublin chủ trương "đối xử với các hãng của Trung Quốc như với bất kỳ một công ty ngoại quốc nào khác".
Thanh Hà
Covid-19 : Toàn cầu hóa giám sát công nghệ số
Hồ sơ chính của nhật báo Pháp Les Echos dành để nói về kế hoạch tái khởi động kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu, nhất là việc Pháp và Đức, hai đầu tầu của khối, đồng ý về việc đề xuất Ủy Ban Châu Âu thành lập một quỹ hỗ trợ lớn chưa từng có với 500 tỉ euro để trợ giúp các nước thành viên và các lĩnh vực bị tác động nặng nhất từ khủng hoảng Covid-19, đặc biệt là Ý và Tây Ban Nha.
Ứng dụng tầm soát người nhiễm virus corona của Singapore. Ảnh minh họa. AFP
Đề xuất này sẽ phải được 27 nước thông qua, nhất là các nước Bắc Âu, vốn ít bị dịch bệnh ảnh hưởng hơn và không tán thành phương án mà họ gọi là "sự dịch chuyển ngân sách".
Báo kinh tế Les Echos cũng quan tâm đến phương thức làm việc từ xa trong mùa dịch và cho biết theo kết quả một cuộc khảo sát thực hiện cho Les Echos, 40% số người làm việc từ xa tại Pháp trong giai đoạn phong tỏa muốn tiếp tục phương thức làm việc này. Les Echos còn lưu ý đến những khó khăn của các sinh viên đi thực tập trong giai đoạn dịch bệnh.
Mục điều tra của báo kinh tế Les Echos dành để nói về "Sự giám sát công nghệ số đang toàn cầu hóa". Khắp nơi trên thế giới đang nở rộ những ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động nhằm cho phép xác định những người bị nhiễm virus corona và nguy cơ virus lây lan. Hiện tượng này đang khiến các nhà bảo vệ quyền tự do cá nhân của người dùng lo ngại, nhất là về việc sử dụng những dữ liệu đã thu thập được.
Les Echos cho biết hiện nay có nhiều nước đã hoặc sắp sử dụng những ứng dụng giám sát nói trên. Chẳng hạn CovidSafe của Úc, TraceTogether của Singapore, Aarogia Setu của Ấn Độ hay ứng dụng Healthy Together tại bang Utah, Mỹ… Các ứng dụng này chia làm hai nhóm dựa trên phương pháp công nghệ giao tiếp Bluetooth hoặc công nghệ định vị. Tại Tây Ban Nha, chưa có ứng dụng chung cho toàn quốc, nhưng đã có 7 ứng dụng độc lập hoạt động trong các cộng đồng khác nhau.
Tại Trung Quốc, hai tập đoàn Tencent và Alibaba đã phát triển công nghệ mã vạch QR code trên điện thoại di động với ba màu xanh, đỏ, vàng tùy theo vị trí, tình trạng sức khỏe và hành trình đi lại của người dùng. Màu xanh cho phép người dùng đi lại tự do, thoải mái, màu vàng có nghĩa là người dùng phải bị cách ly ở nhà còn nếu là màu đỏ thì họ phải bị cách ly tại một nơi chuyên biệt. Hồng Kông thì sử dụng vòng điện tử có kết nối với điện thoai di động qua Bluetooth và một ứng dụng định vị sử dụng GPS hoặc mạng wifi để theo dõi chuyển động của người đến/trở về từ nước ngoài hoặc trong quá trình bị cách ly 14 ngày.
Theo dự kiến, trong vài ngày tới Apple và Google cũng sẽ cho ra mắt những phiên bản đầu tiên của hệ thống tìm tiếm những người đã tiếp xúc với người nhiễm virus corona. Hệ thống giám sát sẽ được hoàn thiện trong những tháng tới với hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google.
Tại Châu Âu, công nghệ định vị chính là điều nhiều người không muốn, vì nó có liên quan đến an ninh và sự tôn trọng đời sống riêng tư của các cá nhân. Từ vài tuần nay, nhiều nhà nghiên cứu tham gia vào dự án chung PEPP-PT dựa trên nền tảng công nghệ Bluetooth và sử dụng chung được cho các nước. Công nghệ này cho phép, chẳng hạn, một người Pháp bị nhiễm virus corona khi sang Đức, Ý thì những ai tiếp xúc với người này đều có thể được xác định.
Tuy nhiên, dự án về ứng dụng mới này đang gây nhiều tranh cãi và có khả năng không thể hoàn thành. Ý tưởng của Pháp về việc lưu trữ tập trung thông tin cá nhân người dùng tại một cơ sở dữ liệu chung ngày càng bị phản đối, nước Đức ưu tiên khả năng chỉ lưu trữ dữ liệu ngay trong điện thoại của người dùng. Về vấn đề an toàn, điều khiến nhiều người lo ngại là nguy cơ gián điệp, đánh cắp thông tin từ kẽ hở của các mạng lưới.
Ông Vivien Raoul, giám đốc công nghệ của công ty Pradeo, chuyên về an ninh mạng di động, lưu ý là các nhà xây dựng và khai thác ứng dụng định vị khi thể hiện sự minh bạch thì phải chú ý để không bị các hacker lợi dụng sự minh bạch thông tin đó để đánh cắp dữ liệu, bởi vì đối với ông, điều này giống như các nhà sản xuất két sắt an toàn công khai chi tiết cơ chế bảo mật két sắt.
Pradeo mới đây công bố một kết quả nghiên cứu về các ứng dụng định vị Covid-19 tại khoảng 30 nước, theo đó, hơn 1/2 số ứng dụng mà chính phủ hoặc các cơ quan công quyền ủng hộ lại có biểu hiện vi phạm đời sống riêng tư của người dùng.
Hội đồng Y tế Thế giới : Thế khó xử của Trung Quốc
Về nước Pháp, Le Monde tập trung vào các vấn đề xã hội thời dịch bệnh như "Liệu phương thức làm việc từ xa có dành cho tất cả mọi người ?", "Các trường đại học lo ngại cho thế hệ Covid" hay "Người dân hạ mức cảnh giác quá sớm"… Nhìn ra thế giới, báo Le Monde, phát hành từ chiều hôm trước, lo ngại đất nước Brazil ngập trong khủng hoảng Covid-19, còn tổng thống Bolsonaro chìm trong khủng hoảng chính trị. Tờ báo cũng quan tâm đến sự hình thành nội các mới ở Israel sau 500 ngày vận động…
Tuy nhiên, hồ sơ chính được Le Monde đặc biệt chú ý là Hội đồng Y tế Thế giới diễn ra trong hai ngày 18-19/05, với hai chủ đề đặc biệt nhạy cảm mà Trung Quốc không hề muốn các nước thảo luận lần này : Yêu cầu đánh giá độc lập về khủng hoảng đại dịch và vị thế của Đài Loan ở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS). Đối với Le Monde, việc Hội đồng Y tế Thế giới thảo luận hai chủ đề nói trên là một minh chứng cho sự thất bại của ngành ngoại giao Trung Quốc vốn từ cuối tháng 02 đến nay luôn nhấn mạnh đã kiểm soát được dịch bệnh và giúp đỡ phần còn lại của thế giới kiềm chế đại dịch.
Lần này, không phải Mỹ mà Úc mới là nước đòi có một cuộc điều tra độc lập về virus corona. Báo chí Úc cho biết có 62 nước ủng hộ WHO tiến hành sớm nhất việc đánh giá dịch bệnh một cách "công minh, độc lập và toàn diện". Ngoài Châu Âu và Úc, còn có nhiều quốc gia khác như New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Brazil, Nhật Bản, Indonesia cũng ủng hộ. Bắc Kinh luôn bác bỏ những lời tố cáo của các nước về đại dịch. Nhưng lần này, theo Le Monde, Trung Quốc lâm vào thế khó, bởi vì Bắc Kinh, vốn luôn tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa đa phương, không thể từ chối cuộc điều tra của WHO, tổ chức mà Bắc Kinh không ngớt ca tụng.
Bài xã luận ngày 18/05 của Hoàn Cầu Thời Báo nói rằng Trung Quốc sẽ không phản đối một cuộc điều tra khoa học về nguồn gốc virus corona chủng mới và đặt điều kiện là cuộc điều tra phải do WHO tiến hành chứ không phải là do một quốc gia hay một tổ chức khu vực. Ngoài ra, công tác điều tra phải bảo đảm khoa học, công bằng, không chỉ về các yếu tố liên quan đến Trung Quốc mà cả những yếu tố liên quan đến Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Liên quan đến chủ đề về sự hiện diện của Đài Loan trong Hội đồng Y tế Thế giới, Hoàn Cầu Thời Báo gọi đó là một "trò hề". Đối với Trung Quốc, hòn đảo 23 triệu dân này chỉ là một "tỉnh của Trung Quốc". Các nước phương Tây không có "đại sứ", mà chỉ có "đại diện" ở Đài Loan. Năm 2009, Bắc Kinh đã đồng ý để Đài Loan làm quan sát viên ở WHO. Thế nhưng, kể từ khi bà thái Anh Văn, thuộc đảng Dân Tiến ủng hộ đòi độc lập cho Đài Loan trở thành tổng thống, Đài Loan bị Trung Quốc phản đối, không cho làm quan sát viên ở WHO nữa. Vấn đề là theo ý kiến nói chung, Đài Loan đã quản lý thành công cuộc khủng hoảng Covid-19. Mặc dù nằm sát cạnh đại lục, nhưng ở Đài Loan chỉ có 7 ca tử vong vì virus corona.
Theo Le Monde, được Mỹ ủng hộ, Đài Bắc đã biết khai thác khủng hoảng theo hướng có lợi cho mình, sử dụng ngoại giao khẩu trang như Bắc Kinh, nhưng không tuyên truyền kiểu phản tác dụng như chế độ Cộng Sản Trung Quốc. Hôm 13/05, báo chí Đài Loan không bỏ lỡ cơ hội tiết lộ khẩu trang mà nhiều lãnh đạo Mỹ đeo là do Đài Loan sản xuất. Theo Bộ Ngoại giao Đài Loan, có 29 nước, trong đó có Mỹ, Canada, Úc, Nhật, New Zealand muốn Đài Loan được hưởng lại quy chế quan sát viên của WHO. Hơn 100 dân biểu Châu Âu cũng ký vào một lá thư kiến nghị theo hướng này. Tờ Nhân Dân Nhật Báo cho rằng những người muốn "khu Đài Loan" tham gia WHO đang biến "vấn đề y tế thành chính trị".
Tuy nhiên, theo Le Monde, sau những năm cô lập đài Loan về chính trị (hiện giờ chỉ còn một số nước nhỏ ở vùng Caribê và Thái Bình Dương vẫn tiếp tục công nhận Đài Loan), giờ đây Trung Quốc chỉ còn cách thừa nhận là Đài Loan đã đạt được một tính chính đáng mới trên trường quốc tế.
Sự ra đi của một tượng đài điện ảnh Pháp
Khác với Le Monde, Les Echos, Le Figaro, La Croix vốn tập trung vào các vấn đề thời sự, kinh tế, xã hội quốc tế và trong nước có liên quan đến đại dịch Covid-19, báo Libération vốn thường chú trọng đến các vấn đề mang tính văn hóa, nghệ thuật, hôm nay đặc biệt dành trang nhất, bài xã luận và nhiều bài viết ở 6 trang trong để tưởng niệm Michel Piccoli, một trong những tượng đài của nền điện ảnh Pháp. Michel Piccoli từ trần ở tuổi 94 hôm 12/05 nhưng đến hôm 18/05 gia đình mới công bố thông tin. Gia tài điện ảnh của ông là sự góp mặt trong hơn 200 bộ phim.
"Cặp đôi" Pháp - Đức : Cú nhảy vọt về phía trước
Một chủ đề khác được Libération quan tâm là việc tổng thống Pháp Macron và thủ tướng Đức Merkel bắt tay nhau đề xuất Liên Âu thành lập quỹ tương trợ 500 tỉ euro để hỗ trợ các nước khắc phục hậu quả Covid-19. Đối với Libération, ngày mà hai lãnh đạo Pháp-Đức ra quyết định nói trên là ngày tang tóc đối với những người có tư tưởng bài xích Liên Hiệp Châu Âu, những người cho rằng cuộc khủng hoảng Covid-19, kéo theo thảm họa kinh tế, sẽ chứng minh sự vô ích của Liên Âu, giúp họ thoát khỏi cộng đồng mà theo họ là "không tưởng", khôi phục tình trạng "ai ở nhà nấy" và nói lời vĩnh biệt Bruxelles.
Thế nhưng, "cặp đôi Pháp - Đức" đã cho thấy điều ngược lại. Dưới sự bảo trợ của cặp đôi Pháp - Đức, mà nhiều người trước đây cho là "không tồn tại", Liên Hiệp Châu Âu đã tái khẳng định mong muốn chung sức hành động chống khủng hoảng Covid-19. Libération nhấn mạnh, đề xuất của hai nhà lãnh đạo Macron và Merkel mang lại cho Liên Âu một ngày lịch sử : đây là lần đầu tiên có một sự chuyển giao nguồn tài chính khổng lồ từ các nền kinh tế mạnh nhất sang các khu vực hoặc quốc gia bị dịch bệnh tác động nhiều nhất.
Tất nhiên, Libération lưu ý Liên Âu vẫn còn phải thuyết phục một số quốc gia bắc Âu. Bruxelles cũng phải chứng minh kế hoạch phù hợp với lợi ích tất cả các nước và hệ sinh thái. Nhưng trên hết, đối với Libération, đây là một bước nhảy vọt về hội nhập mà cách nay 3 tháng mọi người coi là hoàn toàn không thể có. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hiểu ra rằng đối mặt với mối đe dọa của chủ nghĩa dân tộc, Liên Âu có nguy cơ sụp đổ và sự thờ ơ của nước Đức cũng đe dọa hất ngã các nước đối tác cần nhất cho nền kinh tế Đức.
Còn đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ý chí xây dựng Liên Âu của ông vốn bị chế giễu nay đã được đền đáp. Liên Âu bị rung chuyển trong cuộc khủng hoảng, nhưng thay vì bị nhấn chìm, con thuyền Liên Hiệp Châu Âu vẫn được chèo lái.
Đức cắt đứt quan điểm truyền thống
Báo La Croix cũng dành bài xã luận "Ngân sách chung" để nói việc Pháp - Đức đề xuất một bước tiến lớn cho Liên Âu. Nhưng khác với Libération, La Croix tập trung lý giải việc thủ tướng Đức Angela Merkel cắt đứt quan điểm truyền thống. Trước đây, bà luôn coi Liên Âu không phải là cơ cấu chính trị để các nước giàu nhất bù đắp sự thiếu hụt ngân sách cho các nước nghèo nhất. Thủ tướng Đức Merkel đã từng rất kiên quyết như vậy thời xảy ra khủng hoảng Hy Lạp.
Thế nhưng, lần này, theo La Croix, lãnh đạo Đức đã "nhảy một bước" để đối phó với nguy cơ Liên Âu tan rã dưới tác động của đại dịch và cú sốc kinh tế do biện pháp phong tỏa. Theo La Croix, lý do là về mặt chính trị, sự thiếu đoàn kết sẽ là cơ sở để các đảng phái dựa vào để đòi rút các quốc gia khỏi Liên Âu, đặc biệt là Ý.
Về kinh tế, các nước năng động nhất cần có một Châu Âu mạnh mẽ thì mới có thể tiếp tục thịnh vượng. Về mặt pháp lý, Đức gần đây cho rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu trong nhiều năm qua đã có chính sách quá dễ dãi, trong khi chính chính sách tiền tệ đã tạo ra sự đoàn kết trong khu vực đồng euro. Chính vì vậy, La Croix kết luận, việc hỗ trợ ngân sách là không thể tránh khỏi.
Thùy Dương
Nghiện màn hình : Căn bệnh của thời đại công nghệ số
Pháp-Đức đạt thỏa thuận về ngân sách cho khu vực đồng euro và về chính sách nhập cư của Liên Hiệp Châu Âu, đọ sức thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, Kim Jong-un cấp tập các chuyến đi Trung Quốc trong vòng chưa đầy ba tháng qua và diễn biến sôi động của Cúp bóng đá Thế giới tại Nga, là những chủ đề chung của hầu hết các báo Pháp ra hôm nay.
Giám đốc điều hành Apple, ông Tim Cook phát biểu tại hội nghị Apple Worldwide Developer ở San Jose, California, 04/06/2018. Reuters/Elijah Nouvelage
Tuy nhiên chủ đề chính của Le Figaro và Libération liên quan đến vấn đề của xã hội công nghệ hiện đại.
Dán mắt vào màn hình và trò chơi điện tử giờ đã trở thành một chứng nghiện. Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : "Nghiện màn hình : Các bậc cha mẹ kêu gọi trợ giúp". Theo tờ báo, ngày càng có nhiều trẻ nhỏ được trang bị và mất hàng giờ trước các loại màn hình của chúng. Năm 2017, mỗi tuần các em nhỏ tuổi từ 1-6 trung bình có 4 giờ 37 phút trên internet. Với lứa tuổi 13-19 thì con số đó là 15 giờ 11 phút.
Trước tình trạng này các ông bố bà mẹ thường bất lực không biết làm gì. Ngành giáo dục đang đặt vấn đề làm sao sử dụng cho đúng công nghệ số, trong khi đó thì tổ chức Y Tế Thế Giới vừa xếp trò chơi điện tử vào danh sách các bệnh nghiện…
Le Figaro cho hay, riêng tại Pháp "để hỗ trợ các bậc phụ huynh dứt con cái mình ra khỏi các màn hình, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp được huy động vào cuộc". Trẻ em bây giờ ngày càng dành thêm nhiều thời gian cho các thiết bị như điện thoại, iPad, máy tính.
Tình hình có vẻ như đã đến mức độ nghiêm trọng và giờ là mối lo ngại đầu tiên của nhiều gia đình, trước cả khi con cái họ đến trường.
Xã luận của Le Figaro gióng tiếng chuông "báo động kỹ thuật số". Ngay cả lãnh đạo của Facebook, Google cũng ý thức được nguy cơ mới của thế giới kết nối, thế giới của những chiếc màn hình. Có lẽ vì thế mà theo Le Figaro, "các lãnh đạo ở California có xu hướng gửi con cái họ đến các trường chuyên của Thung lũng Silicon, tại đó các loại iPhone, iPad đều bị cấm sử dụng. Người ta đồn rằng gia đình Bill Gates và Steves đều không có máy tính bảng trong nhà".
Tờ báo nhấn mạnh là : "Béo phì, cận thị, mất tập trung, học kém, giảm năng lực sáng tạo, rối loạn giấc ngủ và tính cách… Các viện nghiên cứu y khoa trên khắp thế giới đã lập ra một danh sách dài các chứng bệnh đang rình rập những đứa trẻ trong thời đại công nghệ số". Hậu quả không chỉ dừng lại ở vấn đề thể chất như vậy, mà còn cả về các vấn đề xã hội rộng hơn.
Xã luận của Le Figaro nhận thấy : "Các viện nghiên cứu giờ đây đang hô hào dùng Web "hợp lý". Nhưng chính các Nhà nước phải đóng vai trò đầy đủ trong việc điều tiết thế giới mới, không để phó mặc các giá trị căn bản về văn hóa xã hội và chính trị cho một nhúm các nhà khổng lồ công nghệ số".
Nghiện trò chơi điện tử là một bệnh
Cùng chủ đề trên, nhật báo Libération tập trung vào quyết định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hôm thứ Hai tuần này (18/06), xếp chứng nghiện trò chơi điện tử vào danh sách những chứng bệnh rối loạn tâm thần, bên cạnh các bệnh nghiện ma túy.
Theo tờ báo thì quyết định này có thể gây bất ngờ với người chơi và các nhà sản xuất ra trò chơi vì trò chơi điện tử, một trò giải trí có tới 2,5 tỉ người chơi trên thế giới. Theo Libération, Tổ Chức Y Tế Thế Giới nhằm khuyến cáo một nguy cơ có thực và giảm bớt lo ngại cho các bậc phụ huynh mà thôi, chứ không phải để loại bỏ một trò chơi trí tuệ. Đó cũng là tiếng chuông cảnh báo cho các nhà quản lý chính quyền, tạo tiền đề để giới chuyên môn nghiên cứu về hậu quả của trò chơi điện tử đối với trẻ.
Thương mại Mỹ-Trung : Cuộc đấu giá đầy đe dọa
Chuyển qua các đề tài thời sự chính trị quốc tế. Trung Quốc và Mỹ thay phiên nhau gia tăng áp lực trong quan hệ thương mại. Các cuộc khẩu chiến dọa dẫm nhau của hai bên trong những ngày qua như một cuộc đấu giá.
Trang kinh tế của Le Figaro ghi nhận : Donald Trump tăng sức ép với Trung Quốc. Sau phản ứng đáp trả tương xứng và tức thì của Bắc Kinh trước việc Mỹ dọa tăng thuế đánh vào 50 tỉ đô la hàng Trung Quốc, giờ đây tổng thống Mỹ yêu cầu nhà đàm phán thương mại Robert Lighthizer chuẩn bị danh sách bổ sung thuế đánh vào hàng nhập của Trung Quốc với cường độ lớn hơn : 200 tỉ đô la, gấp 4 lần đe dọa trước. Tổng thống Donald Trump đã khẳng định trong một thông cáo : "Những sáng kiến bổ sung này nhằm thúc đẩy Trung Quốc phải thay đổi cách làm ăn bất chính, mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ và chấp nhận một quan hệ buôn bán cân bằng hơn".
Tất nhiên là Trung Quốc không chậm trễ đáp trả lại ngay, dọa có các biện pháp tương ứng cả về "lượng và chất" nếu các đe dọa mới của Mỹ thành hiện thực.
Tất cả mới chỉ dừng lại ở khẩu chiến, cho đến đầu tháng 7 nằy thì vẫn chỉ có khoảng 34 tỉ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ phải chịu thuế cao. Tuy nhiên nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận : "Lần này viễn cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là nghiêm túc. Thị trường tài chính đã lao dốc, chỉ số Dow Jones tại chứng khoán Wall Street hôm qua đã giảm 1,5% khi mở cửa. Các chuyên gia phân tích đã bắt đầu tính toán thiệt hại lớn cho nền kinh tế của hai nước cũng như của cả thế giới".
Les Echos dẫn nhận định của ông Louis Kuijs, kinh tế gia trưởng chuyên về khu vực Châu Á thuộc Oxford Economics : "Một cuộc leo thang xung đột giữa hai nước như vậy nếu được hiện thực hóa sẽ gây tác động kinh tế đáng kể ở Trung Quốc cũng như Mỹ, nhất là vào thời điểm nhạy cảm đối với nền kinh tế thế giới". Theo chuyên gia này thì không hề đơn giản cho Hoa Kỳ để xác định 200 tỉ đô la đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, mà không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Kim Jong-un liên tiếp công du
Tiếp tục với nhật báo kinh tế Les Echos, tờ báo quan tâm đến chuyến công du hôm qua của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến đi Trung Quốc lần thứ ba trong vòng chưa đầy ba tháng qua. Trọng tâm của chuyến đi này ai cũng hiểu là để Kim Jong-un báo cáo lại tình hình và nội dung cuộc gặp với tổng thống Donald Trump hôm 12/06 vừa qua. Les Echos nhận định : "Cho dù Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn duy trì một mối quan hệ truyền thống, nhưng đó là mối quan hệ rất tế nhị và hai bên vẫn dè chừng nhau. Lần này thì lãnh đạo hai nước có thể ăn mừng về việc cường quốc Mỹ nhanh chóng mất ảnh hưởng trong khu vực". Bắc Triều Tiên và Trung Quốc từ nhiều thập kỷ qua vẫn sát cánh bên nhau, phối hợp chiến lược nhằm thúc đẩy sự suy tàn của uy lực Hoa Kỳ.
Khi Donald Trump chấp nhận đến Singapore bắt tay Kim Jong-un, nhiều nhà quan sát nghĩ rằng Trung Quốc bị đẩy ra ngoài lề của câu chuyện lớn. Thế nhưng thực tế không hề như vậy. Les Echos trích dẫn nhà nghiên cứu Jonathan Berkshire Miller, thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Tokyo, Nhật Bản, nhận định : "Giống như ở rạp chiếu phim, Trung Quốc theo dõi mọi việc từ xa trong ghế ngồi của mình, vừa ăn bỏng ngô vừa xem sự tan rã từ từ các đồng minh Mỹ trong khu vực".
Cúp bóng đá thế giới : Iran trông cậy vào huấn luyện viên trưởng
Hầu hết các báo ra hàng ngày đều dành ít nhất một trang báo cho ngày hội bóng đá thế giới đang diễn ra sôi động trên đất Nga.
Báo La Croix có bài : Người thứ 12 giúp Iran đối phó với đối thủ, nói về huấn luyện viên 65 tuổi người Bồ Đào Nha, Carlos Queiroz. La Croix cho hay, dù phải đối phó với những vấn đề nghiêm trọng về mặt tổ chức, bởi các nhà cung cấp thiết bị thể thao Mỹ tẩy chay, đội tuyển Iran trông cậy hoàn toàn vào huấn luyện viên người Bồ Đào Nha - hy vọng thành công trong trận gặp Tây Ban Nha hôm nay. Bài báo ca ngợi huấn luyện viên đội tuyển Iran, Carlos Queiroz là một người có nghệ thuật biến yếu thành mạnh. Mặc dù đối mặt với Tây Ban Nha, ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch năm nay, nhưng người Iran vẫn mơ có được chiến thắng thứ hai, hay ít nhất là có được 1 điểm, để tiến xa hơn nữa ở giải này.
Trong khi đó thì Le Figaro bàn về vấn đề hỗ trợ video trọng tài ở World Cup. Tờ báo thống kê từ đầu vòng chung kết Cúp thế giới đến nay, mới chưa hết loạt trận thứ hai vòng bảng, đã có 10 quả phạt penalty, trong đó 3 lần nhờ công cụ hỗ trợ video (VAR). Tuy nhiên, khá nhiều tranh luận bắt đầu nổi lên xung quanh việc sử dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài, vì vẫn còn quá nhiều lỗi bị bỏ sót, trong đó nhất là trong các pha va chạm giữa các cầu thủ.
Anh Vũ