Covid-19 : Toàn cầu hóa giám sát công nghệ số
Hồ sơ chính của nhật báo Pháp Les Echos dành để nói về kế hoạch tái khởi động kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu, nhất là việc Pháp và Đức, hai đầu tầu của khối, đồng ý về việc đề xuất Ủy Ban Châu Âu thành lập một quỹ hỗ trợ lớn chưa từng có với 500 tỉ euro để trợ giúp các nước thành viên và các lĩnh vực bị tác động nặng nhất từ khủng hoảng Covid-19, đặc biệt là Ý và Tây Ban Nha.
Ứng dụng tầm soát người nhiễm virus corona của Singapore. Ảnh minh họa. AFP
Đề xuất này sẽ phải được 27 nước thông qua, nhất là các nước Bắc Âu, vốn ít bị dịch bệnh ảnh hưởng hơn và không tán thành phương án mà họ gọi là "sự dịch chuyển ngân sách".
Báo kinh tế Les Echos cũng quan tâm đến phương thức làm việc từ xa trong mùa dịch và cho biết theo kết quả một cuộc khảo sát thực hiện cho Les Echos, 40% số người làm việc từ xa tại Pháp trong giai đoạn phong tỏa muốn tiếp tục phương thức làm việc này. Les Echos còn lưu ý đến những khó khăn của các sinh viên đi thực tập trong giai đoạn dịch bệnh.
Mục điều tra của báo kinh tế Les Echos dành để nói về "Sự giám sát công nghệ số đang toàn cầu hóa". Khắp nơi trên thế giới đang nở rộ những ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động nhằm cho phép xác định những người bị nhiễm virus corona và nguy cơ virus lây lan. Hiện tượng này đang khiến các nhà bảo vệ quyền tự do cá nhân của người dùng lo ngại, nhất là về việc sử dụng những dữ liệu đã thu thập được.
Les Echos cho biết hiện nay có nhiều nước đã hoặc sắp sử dụng những ứng dụng giám sát nói trên. Chẳng hạn CovidSafe của Úc, TraceTogether của Singapore, Aarogia Setu của Ấn Độ hay ứng dụng Healthy Together tại bang Utah, Mỹ… Các ứng dụng này chia làm hai nhóm dựa trên phương pháp công nghệ giao tiếp Bluetooth hoặc công nghệ định vị. Tại Tây Ban Nha, chưa có ứng dụng chung cho toàn quốc, nhưng đã có 7 ứng dụng độc lập hoạt động trong các cộng đồng khác nhau.
Tại Trung Quốc, hai tập đoàn Tencent và Alibaba đã phát triển công nghệ mã vạch QR code trên điện thoại di động với ba màu xanh, đỏ, vàng tùy theo vị trí, tình trạng sức khỏe và hành trình đi lại của người dùng. Màu xanh cho phép người dùng đi lại tự do, thoải mái, màu vàng có nghĩa là người dùng phải bị cách ly ở nhà còn nếu là màu đỏ thì họ phải bị cách ly tại một nơi chuyên biệt. Hồng Kông thì sử dụng vòng điện tử có kết nối với điện thoai di động qua Bluetooth và một ứng dụng định vị sử dụng GPS hoặc mạng wifi để theo dõi chuyển động của người đến/trở về từ nước ngoài hoặc trong quá trình bị cách ly 14 ngày.
Theo dự kiến, trong vài ngày tới Apple và Google cũng sẽ cho ra mắt những phiên bản đầu tiên của hệ thống tìm tiếm những người đã tiếp xúc với người nhiễm virus corona. Hệ thống giám sát sẽ được hoàn thiện trong những tháng tới với hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google.
Tại Châu Âu, công nghệ định vị chính là điều nhiều người không muốn, vì nó có liên quan đến an ninh và sự tôn trọng đời sống riêng tư của các cá nhân. Từ vài tuần nay, nhiều nhà nghiên cứu tham gia vào dự án chung PEPP-PT dựa trên nền tảng công nghệ Bluetooth và sử dụng chung được cho các nước. Công nghệ này cho phép, chẳng hạn, một người Pháp bị nhiễm virus corona khi sang Đức, Ý thì những ai tiếp xúc với người này đều có thể được xác định.
Tuy nhiên, dự án về ứng dụng mới này đang gây nhiều tranh cãi và có khả năng không thể hoàn thành. Ý tưởng của Pháp về việc lưu trữ tập trung thông tin cá nhân người dùng tại một cơ sở dữ liệu chung ngày càng bị phản đối, nước Đức ưu tiên khả năng chỉ lưu trữ dữ liệu ngay trong điện thoại của người dùng. Về vấn đề an toàn, điều khiến nhiều người lo ngại là nguy cơ gián điệp, đánh cắp thông tin từ kẽ hở của các mạng lưới.
Ông Vivien Raoul, giám đốc công nghệ của công ty Pradeo, chuyên về an ninh mạng di động, lưu ý là các nhà xây dựng và khai thác ứng dụng định vị khi thể hiện sự minh bạch thì phải chú ý để không bị các hacker lợi dụng sự minh bạch thông tin đó để đánh cắp dữ liệu, bởi vì đối với ông, điều này giống như các nhà sản xuất két sắt an toàn công khai chi tiết cơ chế bảo mật két sắt.
Pradeo mới đây công bố một kết quả nghiên cứu về các ứng dụng định vị Covid-19 tại khoảng 30 nước, theo đó, hơn 1/2 số ứng dụng mà chính phủ hoặc các cơ quan công quyền ủng hộ lại có biểu hiện vi phạm đời sống riêng tư của người dùng.
Hội đồng Y tế Thế giới : Thế khó xử của Trung Quốc
Về nước Pháp, Le Monde tập trung vào các vấn đề xã hội thời dịch bệnh như "Liệu phương thức làm việc từ xa có dành cho tất cả mọi người ?", "Các trường đại học lo ngại cho thế hệ Covid" hay "Người dân hạ mức cảnh giác quá sớm"… Nhìn ra thế giới, báo Le Monde, phát hành từ chiều hôm trước, lo ngại đất nước Brazil ngập trong khủng hoảng Covid-19, còn tổng thống Bolsonaro chìm trong khủng hoảng chính trị. Tờ báo cũng quan tâm đến sự hình thành nội các mới ở Israel sau 500 ngày vận động…
Tuy nhiên, hồ sơ chính được Le Monde đặc biệt chú ý là Hội đồng Y tế Thế giới diễn ra trong hai ngày 18-19/05, với hai chủ đề đặc biệt nhạy cảm mà Trung Quốc không hề muốn các nước thảo luận lần này : Yêu cầu đánh giá độc lập về khủng hoảng đại dịch và vị thế của Đài Loan ở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS). Đối với Le Monde, việc Hội đồng Y tế Thế giới thảo luận hai chủ đề nói trên là một minh chứng cho sự thất bại của ngành ngoại giao Trung Quốc vốn từ cuối tháng 02 đến nay luôn nhấn mạnh đã kiểm soát được dịch bệnh và giúp đỡ phần còn lại của thế giới kiềm chế đại dịch.
Lần này, không phải Mỹ mà Úc mới là nước đòi có một cuộc điều tra độc lập về virus corona. Báo chí Úc cho biết có 62 nước ủng hộ WHO tiến hành sớm nhất việc đánh giá dịch bệnh một cách "công minh, độc lập và toàn diện". Ngoài Châu Âu và Úc, còn có nhiều quốc gia khác như New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Brazil, Nhật Bản, Indonesia cũng ủng hộ. Bắc Kinh luôn bác bỏ những lời tố cáo của các nước về đại dịch. Nhưng lần này, theo Le Monde, Trung Quốc lâm vào thế khó, bởi vì Bắc Kinh, vốn luôn tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa đa phương, không thể từ chối cuộc điều tra của WHO, tổ chức mà Bắc Kinh không ngớt ca tụng.
Bài xã luận ngày 18/05 của Hoàn Cầu Thời Báo nói rằng Trung Quốc sẽ không phản đối một cuộc điều tra khoa học về nguồn gốc virus corona chủng mới và đặt điều kiện là cuộc điều tra phải do WHO tiến hành chứ không phải là do một quốc gia hay một tổ chức khu vực. Ngoài ra, công tác điều tra phải bảo đảm khoa học, công bằng, không chỉ về các yếu tố liên quan đến Trung Quốc mà cả những yếu tố liên quan đến Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Liên quan đến chủ đề về sự hiện diện của Đài Loan trong Hội đồng Y tế Thế giới, Hoàn Cầu Thời Báo gọi đó là một "trò hề". Đối với Trung Quốc, hòn đảo 23 triệu dân này chỉ là một "tỉnh của Trung Quốc". Các nước phương Tây không có "đại sứ", mà chỉ có "đại diện" ở Đài Loan. Năm 2009, Bắc Kinh đã đồng ý để Đài Loan làm quan sát viên ở WHO. Thế nhưng, kể từ khi bà thái Anh Văn, thuộc đảng Dân Tiến ủng hộ đòi độc lập cho Đài Loan trở thành tổng thống, Đài Loan bị Trung Quốc phản đối, không cho làm quan sát viên ở WHO nữa. Vấn đề là theo ý kiến nói chung, Đài Loan đã quản lý thành công cuộc khủng hoảng Covid-19. Mặc dù nằm sát cạnh đại lục, nhưng ở Đài Loan chỉ có 7 ca tử vong vì virus corona.
Theo Le Monde, được Mỹ ủng hộ, Đài Bắc đã biết khai thác khủng hoảng theo hướng có lợi cho mình, sử dụng ngoại giao khẩu trang như Bắc Kinh, nhưng không tuyên truyền kiểu phản tác dụng như chế độ Cộng Sản Trung Quốc. Hôm 13/05, báo chí Đài Loan không bỏ lỡ cơ hội tiết lộ khẩu trang mà nhiều lãnh đạo Mỹ đeo là do Đài Loan sản xuất. Theo Bộ Ngoại giao Đài Loan, có 29 nước, trong đó có Mỹ, Canada, Úc, Nhật, New Zealand muốn Đài Loan được hưởng lại quy chế quan sát viên của WHO. Hơn 100 dân biểu Châu Âu cũng ký vào một lá thư kiến nghị theo hướng này. Tờ Nhân Dân Nhật Báo cho rằng những người muốn "khu Đài Loan" tham gia WHO đang biến "vấn đề y tế thành chính trị".
Tuy nhiên, theo Le Monde, sau những năm cô lập đài Loan về chính trị (hiện giờ chỉ còn một số nước nhỏ ở vùng Caribê và Thái Bình Dương vẫn tiếp tục công nhận Đài Loan), giờ đây Trung Quốc chỉ còn cách thừa nhận là Đài Loan đã đạt được một tính chính đáng mới trên trường quốc tế.
Sự ra đi của một tượng đài điện ảnh Pháp
Khác với Le Monde, Les Echos, Le Figaro, La Croix vốn tập trung vào các vấn đề thời sự, kinh tế, xã hội quốc tế và trong nước có liên quan đến đại dịch Covid-19, báo Libération vốn thường chú trọng đến các vấn đề mang tính văn hóa, nghệ thuật, hôm nay đặc biệt dành trang nhất, bài xã luận và nhiều bài viết ở 6 trang trong để tưởng niệm Michel Piccoli, một trong những tượng đài của nền điện ảnh Pháp. Michel Piccoli từ trần ở tuổi 94 hôm 12/05 nhưng đến hôm 18/05 gia đình mới công bố thông tin. Gia tài điện ảnh của ông là sự góp mặt trong hơn 200 bộ phim.
"Cặp đôi" Pháp - Đức : Cú nhảy vọt về phía trước
Một chủ đề khác được Libération quan tâm là việc tổng thống Pháp Macron và thủ tướng Đức Merkel bắt tay nhau đề xuất Liên Âu thành lập quỹ tương trợ 500 tỉ euro để hỗ trợ các nước khắc phục hậu quả Covid-19. Đối với Libération, ngày mà hai lãnh đạo Pháp-Đức ra quyết định nói trên là ngày tang tóc đối với những người có tư tưởng bài xích Liên Hiệp Châu Âu, những người cho rằng cuộc khủng hoảng Covid-19, kéo theo thảm họa kinh tế, sẽ chứng minh sự vô ích của Liên Âu, giúp họ thoát khỏi cộng đồng mà theo họ là "không tưởng", khôi phục tình trạng "ai ở nhà nấy" và nói lời vĩnh biệt Bruxelles.
Thế nhưng, "cặp đôi Pháp - Đức" đã cho thấy điều ngược lại. Dưới sự bảo trợ của cặp đôi Pháp - Đức, mà nhiều người trước đây cho là "không tồn tại", Liên Hiệp Châu Âu đã tái khẳng định mong muốn chung sức hành động chống khủng hoảng Covid-19. Libération nhấn mạnh, đề xuất của hai nhà lãnh đạo Macron và Merkel mang lại cho Liên Âu một ngày lịch sử : đây là lần đầu tiên có một sự chuyển giao nguồn tài chính khổng lồ từ các nền kinh tế mạnh nhất sang các khu vực hoặc quốc gia bị dịch bệnh tác động nhiều nhất.
Tất nhiên, Libération lưu ý Liên Âu vẫn còn phải thuyết phục một số quốc gia bắc Âu. Bruxelles cũng phải chứng minh kế hoạch phù hợp với lợi ích tất cả các nước và hệ sinh thái. Nhưng trên hết, đối với Libération, đây là một bước nhảy vọt về hội nhập mà cách nay 3 tháng mọi người coi là hoàn toàn không thể có. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hiểu ra rằng đối mặt với mối đe dọa của chủ nghĩa dân tộc, Liên Âu có nguy cơ sụp đổ và sự thờ ơ của nước Đức cũng đe dọa hất ngã các nước đối tác cần nhất cho nền kinh tế Đức.
Còn đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ý chí xây dựng Liên Âu của ông vốn bị chế giễu nay đã được đền đáp. Liên Âu bị rung chuyển trong cuộc khủng hoảng, nhưng thay vì bị nhấn chìm, con thuyền Liên Hiệp Châu Âu vẫn được chèo lái.
Đức cắt đứt quan điểm truyền thống
Báo La Croix cũng dành bài xã luận "Ngân sách chung" để nói việc Pháp - Đức đề xuất một bước tiến lớn cho Liên Âu. Nhưng khác với Libération, La Croix tập trung lý giải việc thủ tướng Đức Angela Merkel cắt đứt quan điểm truyền thống. Trước đây, bà luôn coi Liên Âu không phải là cơ cấu chính trị để các nước giàu nhất bù đắp sự thiếu hụt ngân sách cho các nước nghèo nhất. Thủ tướng Đức Merkel đã từng rất kiên quyết như vậy thời xảy ra khủng hoảng Hy Lạp.
Thế nhưng, lần này, theo La Croix, lãnh đạo Đức đã "nhảy một bước" để đối phó với nguy cơ Liên Âu tan rã dưới tác động của đại dịch và cú sốc kinh tế do biện pháp phong tỏa. Theo La Croix, lý do là về mặt chính trị, sự thiếu đoàn kết sẽ là cơ sở để các đảng phái dựa vào để đòi rút các quốc gia khỏi Liên Âu, đặc biệt là Ý.
Về kinh tế, các nước năng động nhất cần có một Châu Âu mạnh mẽ thì mới có thể tiếp tục thịnh vượng. Về mặt pháp lý, Đức gần đây cho rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu trong nhiều năm qua đã có chính sách quá dễ dãi, trong khi chính chính sách tiền tệ đã tạo ra sự đoàn kết trong khu vực đồng euro. Chính vì vậy, La Croix kết luận, việc hỗ trợ ngân sách là không thể tránh khỏi.
Thùy Dương