Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khái niệm toàn cầu hóa đã thực sự thịnh hành vào những năm 90 với mô hình thị trường thương mại tự do mà con người luôn muốn hướng tới. Tuy nhiên, dường như toàn cầu hóa cũng có những điều khiến các nhà kinh tế phải đặt câu hỏi, đó có phải là điều tối ưu hay không ?

RFI xin trích dịch bài phân tích đăng trên trang mạng The Conversation ngày 29/11/2022.

global01

Nếu hệ quả của toàn cầu hóa chỉ là tích cực, thì làm sao giải thích được rằng nó gây ra sự phản đối mạnh mẽ như vậy?

Liệu thời kỳ toàn cầu hóa đã trôi qua ? Có hai lập trường đối lập nhau khi trả lời câu hỏi này. Đối với nhiều nhà kinh tế, thương mại tự do là một lẽ tự nhiên của hệ thống kinh tế toàn cầu. Bất kỳ sự gián đoạn nào, dù là Covid-19, chiến tranh ở Ukraine hay chủ nghĩa bảo hộ mới đều chỉ là sự gián đoạn tạm thời của những thứ mà sớm muộn gì cũng phải thay đổi : sự phi lý gia tăng, sự trỗi dậy nhất thời của các lực lượng chính trị làm đảo lộn sự cân bằng kinh tế hài hòa... 

Dĩ nhiên, các nhà kinh tế theo quan điểm nói trên không phủ nhận rằng thương mại tự do đôi khi có thể gây tác động xấu (ô nhiễm, bất bình đẳng gia tăng). Tuy nhiên, cũng như quan điểm của nhà kinh tế Mỹ Paul Krugman từng đoạt giải Nobel, các kinh tế gia này cho rằng trước tiên, việc duy trì thương mại tự do gần như luôn là điều tối ưu, để rồi, sau đó, có thể sử dụng các của cải gặt hái từ chính sách đó để khắc phục những hệ quả xấu này. 

Nếu kiên định với quan điểm này, thì phi toàn cầu hóa sẽ dường như trở thành một bóng ma đáng sợ, che khuất những thành tựu đạt được trong hai thế kỷ rưỡi về mặt lý thuyết kinh tế và đẩy chúng ta trở lại thời kỳ đen tối. Tuy nhiên, có một vấn đề là nếu những hệ quả của toàn cầu hóa hoàn toàn tích cực, thì tại sao chúng lại khơi dậy sự phản đối mạnh mẽ một cách lặp đi lặp lại và lâu đến vậy ? 

Để làm sáng tỏ điều này, cần phải suy nghĩ lại về thương mại tự do một cách sâu sắc và hiểu rằng nó có cái giá phải trả và cái giá này đã bị các nhà kinh tế đánh giá thấp một cách có hệ thống. Từ một góc nhìn khác, chúng ta có thể thấy thương mại tự do, khi vượt qua một mức độ nhất định nào đó, thì cái giá phải trả có thể còn cao hơn so những lợi ích đạt được. 

Toàn cầu hóa là gì ? 

Sự hiểu lầm lớn xuất phát từ định nghĩa về toàn cầu hóa. Nhiều nhà kinh tế có một tầm nhìn rất trừu tượng về giao thương, có thể tóm tắt như sau : nếu A và B nhất trí giao thương, điều đó có nghĩa là có "những lợi ích thu được từ giao thương". Trong trường hợp này, việc họ giao thương với nhau sẽ tạo ra giá trị. 

Lập luận này có thể áp dụng đối với việc kinh doanh của một người làm bánh ở địa phương cũng như đối với hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia ở tận cùng thế giới. Nếu chúng ta lập luận theo cách này, sẽ không có sự khác biệt về bản chất giữa giao thương gần và xa. Chính xác là sẽ chỉ có sự khác biệt về khoảng cách, điều này đã khiến nhiều nhà kinh tế coi toàn cầu hóa không phải cái gì khác một quá trình kéo dài khoảng cách địa lý trong giao thương. 

Nhìn vào lịch sử cho phép chúng ta thấy được mọi việc dưới một góc độ rất khác biệt. Chắc chắn rằng, sự giao thương xa vẫn luôn tồn tại. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nó vẫn phải tuân theo các quy định luật pháp và chính trị của từng vùng lãnh thổ. Di chuyển, đối với hàng hóa hay một thương nhân, là băng qua một loạt lãnh thổ mà tất cả mọi nơi đều áp dụng luật lệ, thuế má, với tầm nhìn riêng của họ về lợi ích chung. Việc giao thương từ xa không phải là không tồn tại, nhưng nó phải tuân theo các mục tiêu chính trị nhất định của từng lãnh thổ. 

Luật thương mại – về bản chất mang tính cá nhân và vị lợi hơn – luôn bị coi là yếu thế so với luật dân sự, vốn hướng đến các mục đích chung và chính trị nhiều hơn. Bản thân giao thông hàng hải vẫn bị lãnh thổ hóa mạnh mẽ, vì trong một thời gian dài, nó đã bị coi như một hoạt động vận chuyển duyên hải, gần bờ. Ở một mức độ lớn, chính sách kinh tế lúc đó nhằm dung hòa lợi ích cá nhân của các thương nhân với tầm nhìn về lợi ích chung. Chừng nào thương mại vẫn bị lãnh thổ hóa, thì việc hạn chế thương mại tự do để ưu tiên cho lợi ích chung không gây ra bất kỳ khó khăn lớn nào. 

Thay đổi lớn nhất là quá trình phi lãnh thổ hóa của giao thương, từ "những khám phá vĩ đại" của thế kỷ 15-16 cho đến ngày nay. Đặc biệt, với việc mở cửa các vùng biển, các thương nhân dần tách mình ra khỏi thế giới được phân chia thành các lãnh thổ của các Nhà nước, mang tính chính trị và của luật dân sự. Giao thông hàng hải đã đưa tất cả các quốc gia vào thế cạnh tranh và tránh những quốc gia có luật pháp không thuận lợi cho lợi ích cá nhân của các thương nhân. 

Theo thời gian, luật thương mại và các nguyên tắc của nó (chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vị lợi) đã thay thế luật dân sự cũ. Các mục đích riêng đã dần lấn át các mục đích chung. Quá trình này đã tăng tốc đáng kể trong thế kỷ 20 với việc chi phí vận chuyển giảm, đặc biệt sau khi việc vận chuyển hàng theo container được phát minh. 

Nhìn từ góc độ này, toàn cầu hóa giờ đây thể hiện một sự thay đổi sâu sắc trong bản chất của thương mại. Ở những nơi giao thương từ xa theo truyền thống vẫn tuân theo luật chung, thì toàn cầu hóa phải được coi là một quá trình giải phóng khỏi thế giới của những lợi ích chung, chính trị, lãnh thổ. Đặc điểm cơ bản của toàn cầu hóa là quá trình phi lãnh thổ hóa các giao thương : khả năng tách mình ra khỏi các mục đích tập thể địa phương. 

Nhưng còn có một điều khác nữa : trong khi các nhà kinh tế thường lập luận rằng những tác động tiêu cực nẩy sinh do thương mại tự do có thể được điều chỉnh sau đó bằng cách tái phân phối, nhưng việc này sẽ trở nên bất khả thi khi các trao đổi thương mại bị phi lãnh thổ hóa. Đó là vì các tác nhân linh hoạt nhất có thể rời bỏ những nơi luật lệ kém dễ dài hơn, ví dụ các thiên đường luật pháp hoặc thuế khóa. 

Không chỉ các mục tiêu tập thể dần bị lãng quên, mà việc đền bù cho những người thua cuộc trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng trở nên khó khăn hơn !

Cái giá của phi lãnh thổ hóa 

Thiệt hại tập thể gây ra phi lãnh thổ hóa các giao thương này có thể được minh họa bằng một ví dụ, cờ phương tiện có lợi. Ngày nay, 80 đến 90% hàng hóa giao dịch quốc tế được thực hiện bằng đường biển (tàu container, tàu chở dầu). Cho đến những năm 1980, phần lớn các tàu thương mại được đăng ký ở "các nước lớn", và do đó phải tuân theo các quy định về kỹ thuật, xã hội, môi trường và tài chính của các quốc gia như Pháp, Đức, Hy Lạp, Hoa Kỳ hay Nhật Bản. 

Kể từ đó, quá trình phi lãnh thổ hóa đối với vận tải hàng hải đã thực sự diễn ra : đại đa số các tàu thương mại trên thế giới được đăng ký tại những khu vực áp dụng quy chế cờ phương tiện dễ dãi như Panama, Liberia hoặc Quần đảo Marshall. Các quốc gia này cho phép chủ tàu treo cờ của họ, mặc dù các tàu sẽ không bao giờ cập cảng và không có liên kết trực tiếp với những nước này. Cờ phương tiện hoạt động như một dạng thị trường buôn bán quốc tịch thuần túy cho các tàu – điều này rõ ràng làm gia tăng cạnh tranh liên quan đến các quy định và thuế để thu hút các chủ tàu. 

Cuối cùng, những con tàu trở thành "xương sống" của toàn cầu hóa ít bị quản lý hơn, kém an toàn hơn, gây ô nhiễm nhiều hơn và ít bị đánh thuế hơn so với các tàu có mối liên hệ chặt chẽ hơn với đất liền. 

Trong bối cảnh này, có thể khẳng định rằng có một sự luồn lách không lương thiện, với mục tiêu chính là lách các quy định của môi trường pháp lý hoặc tài chính được thực hiện bởi các quốc gia tham gia giao thương. Các quốc gia này đang mất đi một phần khả năng thực hiện các chính sách phục vụ lợi ích chung. 

Đây là lý do tại sao không nên xem nhẹ những phản đối nhất định đối với thương mại tự do : chúng phản ánh một thực tế rằng một số lợi ích chung đã bị hy sinh trong quá trình toàn cầu hóa. Cụ thể hơn, quá trình này đã góp phần phân chia thế giới xã hội thành hai : một bên là những chủ thể linh hoạt nhất, những người được hưởng lợi rất nhiều từ việc phi lãnh thổ hóa (ví dụ như trốn thuế) ; mặt khác, những người kém linh hoạt nhất, họ thấy các lợi ích chung ở địa phương bị xuống cấp. 

Cái giá phải trả cho thương mại tự do có thể biện minh cho các hình thức bảo hộ mới và phi toàn cầu hóa. Do đó, chủ nghĩa bảo hộ được thiết kế lại chủ yếu không nhằm mục đích cắt đứt quan hệ với các quốc gia, mà nhằm khẳng định lợi ích chung của chính mình – môi trường tự nhiên hoặc vùng biển cần được bảo vệ, bí quyết hoặc lợi ích chiến lược cần được bảo tồn. Nó nhằm mục đích tạo ra mối liên kết giữa các hoạt động kinh tế và pháp lý của chúng, bao gồm cả việc bảo đảm rằng các hoạt động này phụ thuộc vào các giá trị chung. Đây là ý nghĩa của việc tái lãnh thổ hóa.

Guillaume Vuillemey

Nguyên tác : Le temps de la mondialisation est-il fini ?, 29/11/2022

Phan Minh dịch

Nguồn : RFI, 01/12/2022

Guillaume Vuillemey là Giáo sư tài chính trường HEC Business School

Published in Diễn đàn

Sau một số chính sách "nước Mỹ trên hết" phản toàn cầu hóa của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, thì đại dịch Covid-19 và tiếp theo là cuộc chiến Nga – Ukraine đã và đang làm thay đổi bộ mặt của toàn cầu hóa.

toancauhoa1

Sự ra đời của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 1995 phản ánh chính xác mong muốn của nhiều quốc gia sau thời chiến tranh lạnh : xây dựng một thế giới trao đổi thương mại tự do, không rào cản hay phân biệt đối xử.

Một điều khó có thể phủ nhận, đó là toàn cầu hóa làm cho thế giới giàu có hơn về mặt khoa học và văn hóa, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế cho rất nhiều người. Theo thống kê, toàn cầu hóa đã giúp hơn một tỉ người thoát khỏi đói nghèo. Đỉnh cao thành công của tiến trình này là vào năm 2008, khi giá trị xuất khẩu chiếm tới 31% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu.

Tất nhiên, toàn cầu hóa không có tác động tích cực tới mọi quốc gia, hay mọi cá nhân. Theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế, các nước Châu Á hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa. Tại các nước này, số lượng người dân trung lưu nhờ vào toàn cầu hóa đã tăng mạnh mẽ. Giáo sư kinh tế Richard Baldwin chỉ ra các nước hưởng lợi nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan. Ngoài ra, một số nước khác, trong đó có Việt Nam, cũng nhờ vào toàn cầu hóa mà thay đổi tích cực.

Đối với nhiều người, cuộc chiến Nga – Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho mô hình thương mại tự do toàn cầu ổn định và cân bằng. Gần đây, những nỗ lực của Mỹ và nhiều nước Châu Âu để loại trừ Nga ra khỏi hệ thống thương mại toàn cầu có thể sẽ dẫn đến kết quả là tạo ra các phe đối đầu nhau, và các quốc gia sẽ chỉ ưu tiên ký kết hiệp định thương mại tự do với các nước "bạn bè".

Trong quyển The Great Convergence, Giáo sư Baldwin viết : "Việt Nam đã từ một nước nhập khẩu phụ tùng xe máy thành nơi xuất khẩu các phụ tùng". Một trong những đặc điểm lớn nhất của toàn cầu hóa là offshoring (hoạt động sản xuất hoặc đầu tư ra nước ngoài, cụ thể là các doanh nghiệp bắt đầu chuyển công đoạn đoạn sản xuất từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, nơi nhân công rẻ hơn rất nhiều). Khuynh hướng này xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu tiên của toàn cầu hóa (từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai) và tồn tại đến giờ.

Tất nhiên, toàn cầu hóa cũng bị chỉ trích bởi một số nhà kinh tế học. Ông Joseph Stiglitz cho rằng nó không cải thiện tình trạng phân biệt giàu nghèo ngày càng tăng. Theo ông Dani Rodrik, toàn cầu hóa đã có nhiều thay đổi, giờ đây nó đang biến thành một hệ thống "rối loạn và không mang lại sự bình đẳng".

Không chỉ có những nhà kinh tế từng nhiệt tình ủng hộ xu hướng này bắt đầu thay đổi dần niềm tin của họ. Một số nhà chính trị chủ chốt trên thế giới, như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã theo đuổi chính sách rút khỏi một số hiệp định thương mại tự do và hô khẩu hiệu thay toàn cầu hóa bằng "chủ nghĩa Mỹ" (Americanism). Ở Pháp cũng thế, dù thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, bà Marine Le Pen cũng đã thu hút được sự ủng hộ của không ít người dân nước này vì quan điểm cho rằng toàn cầu hóa là mối nguy hại đối với nền văn minh phương Tây.

Không khó để có thể nhận ra rằng từ những năm gần đây, tiến trình toàn cầu hóa càng bị lung lay rõ rệt. Sau một số chính sách "nước Mỹ trên hết" phản toàn cầu hóa của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, thì đại dịch Covid-19 và tiếp theo là cuộc chiến Nga – Ukraine đã và đang làm thay đổi bộ mặt của toàn cầu hóa.

Khuynh hướng "tạm biệt Trung Quốc"

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Châu Âu mà hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và do cuộc chiến Nga – Ukraine đang xem xét khả năng đưa hoạt động sản xuất từ nước ngoài trở lại Châu Âu. Trung Quốc – công xưởng của thế giới – không còn là một nơi hấp dẫn về giá thành nhân công như trước đây nữa.

Đồng thời, dịch Covid-19 dẫn đến việc hoạt động sản xuất ngưng trệ ở Trung Quốc, và các doanh nghiệp nhận ra rằng họ đang ở trong một tình thế phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc. Thêm vào đó, việc Trung Quốc không tỏ rõ quan điểm đối với Nga trong cuộc chiến với Ukraine cũng làm họ lo lắng.

Giờ đây Mango, Inditex, Nike hay Adidas đã dần dần chuyển một số nhà máy ra khỏi Trung Quốc để đặt tại các quốc gia Châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc sang Morocco. Làn sóng dịch chuyển này được gọi là reshoring, và nhiều người phương Tây hy vọng rằng nó sẽ có tác dụng mang lại công ăn việc làm tại đất nước của họ.

Ở thời điểm này, cũng có thể thấy việc sản xuất hàng hóa đại trà với giá rẻ mạt có thể sẽ sớm trở thành quá khứ. Một thời, nhiều nước phương Tây, nhất là Mỹ được tận hưởng tự do mua bán vô số các mặt hàng giá thành vô cùng thấp, như đồ chơi, đồ điện gia dụng, quần áo và nhiều mặt hàng khác. Nhưng Covid-19 cũng như cuộc chiến Nga – Ukraine có thể chấm dứt "giai đoạn vàng" này, khi các doanh nghiệp đưa các nhà máy sản xuất trở lại Mỹ hay đặt ở các nước Châu Âu ít có biến động về chính trị.

Tự do thương mại toàn cầu đang dần giảm sút ?

Đối với nhiều người, cuộc chiến Nga – Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho mô hình thương mại tự do toàn cầu ổn định và cân bằng. Gần đây, những nỗ lực của Mỹ và nhiều nước Châu Âu để loại trừ Nga ra khỏi hệ thống thương mại toàn cầu (loại các ngân hàng Nga ra khỏi mạng lưới tài chính quốc tế, tìm cách khai trừ Nga ra khỏi WTO, hay không còn áp dụng chế độ "có đi có lại" trong thương mại quốc tế) có thể sẽ dẫn đến kết quả là tạo ra các phe đối đầu nhau, và các quốc gia sẽ chỉ ưu tiên ký kết hiệp định thương mại tự do với các nước "bạn bè" (friendshoring, hoặc ally-shoring), có cùng quan điểm về cuộc chiến Nga - Ukraine.

Theo bà Jenniger Hillman, giảng viên của Đại học Georgetown, "thương mại quốc tế dựa trên (các nguyên tắc) WTO và hệ thống các quy định về trao đổi thương mại, đang dần sụp đổ". Tất nhiên, trước đây đã xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo điều này, như năm 2018 Tổng thống Donald Trump đã dấy lên cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Một khuynh hướng đang dần hiện rõ hơn, đó là các hiệp định thương mại khu vực, như hiệp định của Mỹ, Canada và Mexico, ký năm 2020. Tất nhiên, việc Nga tấn công Ukraine cũng đồng thời cho thấy, toàn cầu hóa thương mại không hề đi cùng với hòa bình, cho dù các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.

Toàn cầu hóa vẫn tiếp tục

Cho dù việc "hồi hương" các nhà máy sản xuất có dần trở thành khuynh hướng, thì toàn cầu hóa vẫn tiếp tục. Dịch Covid-19 và cuộc chiến Nga – Ukraine rõ ràng là những thách thức lớn tới toàn cầu hóa, nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ biến mất. Nếu như thương mại hàng quốc tế có giảm sút, thì thương mại dịch vụ, dữ liệu lại tăng lên. Đồng thời, cho dù có tồn tại một số "căng thẳng" giữa các quốc gia phương Tây với Nga và Trung Quốc, thì hoạt động thương mại vẫn tiếp diễn, thậm chí còn tăng lên trong trường hợp của Trung Quốc.

Lịch sử đã cho thấy một số biến động đe dọa toàn cầu hóa, như vụ tấn công ngày 11-9-2001 vào tòa tháp đôi của Mỹ, dịch SARS năm 2003, hay như khủng hoảng tài chính năm 2008. Sau mỗi lần, toàn cầu hóa sau một chút chững lại, lại tiếp tục tiến trình của nó. Tuy nhiên, lần này có thể thấy, mô hình toàn cầu hóa đã thực sự thay đổi.

Lê Thiên Hương

Nguồn : Kinh Tế Sài Gòn, 30/05/2022

Published in Diễn đàn

Trong thương mại quốc tế không chỉ nói đến sự trao đổi hàng hóa mà còn bàn luận về sự tín nhiệm và các giá trị.

1133003665
Thượng Hải trong suốt một thời gian dài có niềm tin cho rằng một mô hình lịch sử sẽ lặp lại ở Trung Quốc - Ảnh: Xiaodong Qiu / Getty Images

Trong thương mại quốc tế không chỉ nói đến sự trao đổi hàng hóa mà còn bàn luận về sự tín nhiệm và các giá trị.

Lịch sử toàn cầu hóa đặc biệt cho đến nay là một lịch sử về Trung Quốc và giờ đây câu chuyện lịch sử này có lẽ đã kết thúc – vì Trung Quốc.

Trong vòng ba thập kỷ, Nước Cộng hòa Nhân dân đã biến từ một quốc gia kém phát triển trở thành một cường quốc thế giới. Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu hàng hóa kỹ nghệ lớn nhất và là nhà nhập khẩu lớn thứ ba trên thế giới. Năm 1990, sản lượng kinh tế bình quân đầu người tương đương 1.600 Mỹ kim, nay là 18.000 Mỹ kim, ngang bằng với Mễ Tây Cơ.

Một mặt, đây là một câu chuyện thành công vĩ đại.

Mặt khác, xét theo quan điểm của phương Tây,sự việc có vấn đề : Trung Quốc không có dân chủ và không phải là một quốc gia pháp quyền. Điều này đặt ra những vấn nạn cho trật tự kinh tế thế giới bởi vì sự mậu dịch quốc tế không chỉ đơn thuần là trao đổi sản phẩm, mà còn liên hệ đến tri ​​thc và thông tin nghĩa là sự tín nhiệm và giá trị.

Giầu có và phi tự do 

Từ lâu,có một quan niệm ngự trị cho rằng một mô hình lịch sử sẽ lập lại ở Trung Quốc : Phát triển kinh tế sẽ dẫn đến Tự do hóa chính trị. Từ thứ dân sẽ trở thành công dân có quyền tham dự biểu quyết vể vận mệnh của đất nước , phát biểu ý kiến ​​và phn biện. Các định chế độc lập vững mạnh sẽ đảm bảo sự thực thi luật pháp cho người dân nội điạ và người ngọai quốc sinh hoạt trong nước.

Cơ hội doanh lợi tốt với một lương tâm rõ ràng

Lợi nhuận, may rủi, thanh khoản. Nay có thêm nhiều ngân hàng triển khai cách tiếp cận đầu tư vốn thuần túy này với tiêu chí thứ tư : bền vững.

Chẳng hạn, Hàn Quốc đã thực hiện bước nhảy vọt từ độc tài sang dân chủ và pháp quyền vào cuối thập niên 1980.Sản lượng kinh tế bình quân đầu người vào lúc đó chưa được 10.000 Mỹ kim, thấp hơn nhiều so với mức phồn vinh của Trung Quốc hiện nay.

Với hy vọng về một sự phát triển như vậy, phương Tây đã hướng tới Trung Quốc : Vương quốc Anh chuyển giao Hồng Kông vào năm 1997. Bắc Kinh cam kết theo thỏa thuận là thuộc địa cũ được duy trì hệ thống chính trị của mình trong 50 năm, bao gồm cả tư pháp độc lập và các quyền tự do dân sự.

Cũng như các quốc gia khác, Trung Quốc trong những năm qua sẽ trở thành một quốc gia bình thường theo nghĩa phương Tây. Sự hội nhập kinh tế khởi động một sự chuyển hoá xã hội sẽ làm cho quá trình tự do hóa chính trị không thể tránh khỏi.

Trong tinh thần này, Hoa Kỳ đã mời Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và mở đường cho việc gia nhập vào năm 2001. Đó là một thời gian lạc quan. Lúc bấy giời báo chí , truyền thông liên tục tường thuật về kỳ vọng và đánh giá đây là một bước chiến thắng kế tiếp của hệ thống tự do, như chúng tôi đã trình bầy trong một nghiên cứu cho Quỹ Bertelsmann. Vào thời điểm đó, "cải cách" và "hy vọng" thường được đề cập – những cơ hội mà Trung Quốc sẽ mang lại cho các công ty phương Tây qua sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Nhưng rồi loạt tường thuật đã đi vào lịch sử. Trung Quốc vẫn là trường hợp ngoại lệ lớn : Đất nước ngày càng giàu có hơn nhưng lại kém tự do hơn. Trong những năm gần đây, đường lối chính trị dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, thậm chí còn trấn áp mạnh bạo hơn ở trong nước và nhiều hung hăng,hiếu chiến về mặt đối ngoại. Giới lãnh đạo đã từ bỏ sự khiêm nhượng trước đây của mình trên trường quốc tế. Điển hình, diễn biến ở Hồng Kông cho thấy Bắc Kinh không quan tâm nhiều đến các thỏa thuận quốc tế nữa : Thay vì tôn trọng thoả thuận chuyển giao,Trung Quốc đã mở rộng bộ máy đàn áp của mình sang thuộc địa cũ của Anh .

Tỉnh ngộ rồi lại lo sợ

Rõ ràng là nền kinh tế chủ yếu quốc doanh của Trung Quốc không phù hợp với những tư tưởng cạnh tranh công bằng của phương Tây. Từ lâu trước khi Donald Trump bước vào Toà Bạch Ốc, một làn sóng tố tụng chống bán phá giá đã bắt đầu vì các nhà cung cấp được bao cấp của Trung Quốc làm tràn ngập thế giới với thép, nhôm giá rẻ và nhiều loại hàng hóa khác.

Năm ngoái, Hiệp hội liên bang các ngành kỹ nghệ Đức (BDI) công bố một tài liệu lên án các hành vi không công bằng của Trung Quốc và kêu gọi "đảm bảo trật tự kinh tế thị trường ở Đức và Châu Âu". Sự công kích này cho thấy nhiều tập đoàn Đức đầu tư mạnh vào Trung Quốc với kỳ vọng về sự chuyển hoá chính trị xã hội dần dần – đã tỉnh ngộ lâu rồi và nay đang lo sợ.

Có còn một căn bản để tiếp tục tăng cường toàn cầu hóa hay không ?

Cuộc chiến thương mại của Trump chống Trung Quốc, mà Tổng thống Mỹ phát động vào năm 2018 nhằm buộc Trung Quốc mở cửa thị trường và chơi công bằng, đã dẫn đến nhiều vòng thương thuyết tăng thuế khác nhau, nhưng ngoài ra đã không mang lại tác động xây dựng nào khác cả. Không giống như những người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ không nỗ lực tìm một hành động chung của phương Tây mà thay vào đó đã lăng mạ các đối tác phương Tây. Bằng động thái này, ảnh hưởng phi dân chủ của Trung Quốc rất khó bị kìm chế.

From things to thoughts

Nhà kinh tế học Richard Baldwin, giảng dậy ở Geneva nói chủ nghĩa tư bản toàn cầu phát triển "from things to thoughts". Tuy nhiên, hệ thống thương mại quốc tế đã không kiến tạo theo hướng này. Từ những năm 1990, cộng đồng các quốc gia đã không thống nhất về việc cập nhật hoá các quy tắc của WTO và bây giờ phải nhìn hậu qủa.

Chỉ vài năm trước, toàn cầu hóa bao gồm các thương vụ trao đổi đơn giản : xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Sau khi giao hàng và thanh toán, thương vụ xem như đã được thực hiện. Xe hơi hoặc chuyên chờ dầu có thể được sử dụng và tiêu thụ. Sau khi thực hiện cuộc buôn bán, các nhà sản xuất và người mua hầu như chẳng còn liên hệ đến nhau.

Lý luận của toàn cầu hóa 1.0 : Sản xuất diễn ra nơi có các điều kiện tốt nhất và thường có nghĩa là nơi chi phí thấp nhất. Với biên giới mở, mọi nền kinh tế sẽ chuyên môn hoá những gì mà mình thực hiện tốt nhất. Phân công lao động quốc tế sẽ nâng cao năng suất, trong khi giá giảm và lựa chọn nhiều.Chủ nghĩa bảo hộ – bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước cạnh tranh nước ngoài – Kịch bản này tác động cực kỳ hại.

Nhưng thương mại quốc tế không còn giới hạn nữa trong việc trao đổi đơn giản sản phẩm mà còn triển khai sang các luồng dữ liệu, tức là thông tin. Máy móc, hệ thống thiết bị và ngày cả lượng xe hơi gia tăng sẻ truyền những dữ liệu, được theo dõi, kiểm soát, bảo dưỡng và cập nhật từ xa.Trong thời đaị toàn cầu hóa 2.0 cũng là những vấn đề liên quan đến việc kiểm soát và truy cập cấu trúc hạ tầng thông tin, tìm dữ liệu tiềm tàng trên điện toán đám mây , thực hiện dịch vụ dữ liệu. 

Dữ liệu là sức mạnh và nó không chỉ dựa trên lợi thế quy mô kinh tế mà các công ty như Google hay Amazon truyền cho khách hàng dưới dạng chi phí thấp và chất lượng cao, mà còn dựa trên ý chí của các cơ quan nhà nước để kiềm chế các công ty thu thập dữ liệu cho mục đích của họ. Lợi thế chi phí được bù đắp bởi rủi ro bảo mật. Cuộc đấu tranh cho nhà cung cấp mạng Trung Quốc Huawei và vai trò của nó trong việc mở rộng mạng vô tuyến di động 5G phương Tây cho thấy cuộc xung đột này là một ví dụ.

Phương Tây là gì ? Và nó có giá trị gì ?

Thương mại tự do trong những điều kiện này có còn là sự lựa chọn tốt nhất không ? Câu hỏi cơ bản về toàn cầu hóa này không thể được trả lời đơn giản bằng có. So với trước đây, các giá trị cơ bản – pháp quyền, nhân quyền và các quyền tự do – nay được gắn kết trực tiếp với các vấn đề thương mại. Để bảo vệ các quyền này, cần phải có một bộ quy tắc quốc tế mới – một WTO cho thế kỷ 21. Các thỏa thuận của các quốc gia thương mại lớn ký kết riêng biệt với Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục địch nhiều. Trung Quốc hiện lớn và mạnh đến mức có thể khai thác các quốc gia chống lại nhau.

Sự lưạ chọn : Hoặc là phương Tây – và có nghĩa là Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Gia Nã Đại, Úc, và nhìn xa cũng là Ấn Độ, Nam Dương, Ba Tây, Mễ Tây Cơ – cùng nhau thiết lập những tiêu chuẩn chung và bảo vệ chống lại những người không tuân thủ , ngay cả khi họ có sự chống lưng của tân cường quốc thế giới Trung Quốc.

Hoặc các biện pháp quốc gia không tổ chức gia tăng sẽ đe dọa tình trạng các vấn đề an ninh, môi trường và an sinh xã hội bị pha trộn với vận động hành lang theo hướng bảo hộ cổ điển của từng công ty và tập đoàn. Vì sợ trước các cuộc tấn công của Trung Quốc, phương Tây, sẽ rút về các căn cứ tự vệ của quốc gia, cũng như của Châu Âu-EU.

Trong trường hợp đầu tiên, phương Tây sẽ tiếp tục toàn cầu hóa với một lập trường rõ ràng nhưng vẫn mở cho các nước khác. Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác hiện đang bị độc tài cai trị, có thể trở thành một phần của những thỏa thuận – miễn là họ tuân thủ các quy tắc của phương Tây. Trong trường hợp thứ hai, toàn cầu hóa như chúng ta đang biết sẽ kết thúc. Thiệt hại sẽ rất lớn. Đối với các cường quốc kinh tế lớn như Hoa Kỳ và EU thì sự thiệt hại phỏng đoán không nhiều. Trong khi các quốc gia nhỏ không có tiềm năng chống trả sẽ trở thành những quả banh của trò chơi quyền lực không phối hợp này.

Cuối cùng, một câu hỏi lớn được nêu ra : Phương Tây có còn không – và nếu có, nó có giá trị gì ?

Nếu người không trả lời câu hỏi này được, thì coi như thất bại rồi…

Henrik Müller

Nguyên tác : Wie China die Globalisierung beenden könnte, Der Spiegel, 26/07/2020

Vũ Ngọc Yên biên dịch

Nguồn : VNTB, 29/07/2020

 

Tiến sĩ kinh tế Henrik Müller là giáo sư nghành báo chí kinh tế tại Đại học Kỹ thuật Dortmund và đã từng làm phó chủ biên tạp chí mannager magazin.Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách về các chính sách kinh tế và tiền tệ. Cho tuần báo Spiegel, Müller viết bình luận mỗi tuần về các sự kiện kinh tế quan trọng nhất trong tuần.

Published in Diễn đàn

Covid-19 : Toàn cầu hóa giám sát công nghệ số

Hồ sơ chính của nhật báo Pháp Les Echos dành để nói về kế hoạch tái khởi động kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu, nhất là việc Pháp và Đức, hai đầu tầu của khối, đồng ý về việc đề xuất Ủy Ban Châu Âu thành lập một quỹ hỗ trợ lớn chưa từng có với 500 tỉ euro để trợ giúp các nước thành viên và các lĩnh vực bị tác động nặng nhất từ khủng hoảng Covid-19, đặc biệt là Ý và Tây Ban Nha.

congngheso1

Ứng dụng tầm soát người nhiễm virus corona của Singapore. Ảnh minh họa. AFP

Đề xuất này sẽ phải được 27 nước thông qua, nhất là các nước Bắc Âu, vốn ít bị dịch bệnh ảnh hưởng hơn và không tán thành phương án mà họ gọi là "sự dịch chuyển ngân sách".

Báo kinh tế Les Echos cũng quan tâm đến phương thức làm việc từ xa trong mùa dịch và cho biết theo kết quả một cuộc khảo sát thực hiện cho Les Echos, 40% số người làm việc từ xa tại Pháp trong giai đoạn phong tỏa muốn tiếp tục phương thức làm việc này. Les Echos còn lưu ý đến những khó khăn của các sinh viên đi thực tập trong giai đoạn dịch bệnh.

Mục điều tra của báo kinh tế Les Echos dành để nói về "Sự giám sát công nghệ số đang toàn cầu hóa". Khắp nơi trên thế giới đang nở rộ những ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động nhằm cho phép xác định những người bị nhiễm virus corona và nguy cơ virus lây lan. Hiện tượng này đang khiến các nhà bảo vệ quyền tự do cá nhân của người dùng lo ngại, nhất là về việc sử dụng những dữ liệu đã thu thập được.

Les Echos cho biết hiện nay có nhiều nước đã hoặc sắp sử dụng những ứng dụng giám sát nói trên. Chẳng hạn CovidSafe của Úc, TraceTogether của Singapore, Aarogia Setu của Ấn Độ hay ứng dụng Healthy Together tại bang Utah, Mỹ… Các ứng dụng này chia làm hai nhóm dựa trên phương pháp công nghệ giao tiếp Bluetooth hoặc công nghệ định vị. Tại Tây Ban Nha, chưa có ứng dụng chung cho toàn quốc, nhưng đã có 7 ứng dụng độc lập hoạt động trong các cộng đồng khác nhau. 

Tại Trung Quốc, hai tập đoàn Tencent và Alibaba đã phát triển công nghệ mã vạch QR code trên điện thoại di động với ba màu xanh, đỏ, vàng tùy theo vị trí, tình trạng sức khỏe và hành trình đi lại của người dùng. Màu xanh cho phép người dùng đi lại tự do, thoải mái, màu vàng có nghĩa là người dùng phải bị cách ly ở nhà còn nếu là màu đỏ thì họ phải bị cách ly tại một nơi chuyên biệt. Hồng Kông thì sử dụng vòng điện tử có kết nối với điện thoai di động qua Bluetooth và một ứng dụng định vị sử dụng GPS hoặc mạng wifi để theo dõi chuyển động của người đến/trở về từ nước ngoài hoặc trong quá trình bị cách ly 14 ngày.

Theo dự kiến, trong vài ngày tới Apple và Google cũng sẽ cho ra mắt những phiên bản đầu tiên của hệ thống tìm tiếm những người đã tiếp xúc với người nhiễm virus corona. Hệ thống giám sát sẽ được hoàn thiện trong những tháng tới với hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google.

Tại Châu Âu, công nghệ định vị chính là điều nhiều người không muốn, vì nó có liên quan đến an ninh và sự tôn trọng đời sống riêng tư của các cá nhân. Từ vài tuần nay, nhiều nhà nghiên cứu tham gia vào dự án chung PEPP-PT dựa trên nền tảng công nghệ Bluetooth và sử dụng chung được cho các nước. Công nghệ này cho phép, chẳng hạn, một người Pháp bị nhiễm virus corona khi sang Đức, Ý thì những ai tiếp xúc với người này đều có thể được xác định.

Tuy nhiên, dự án về ứng dụng mới này đang gây nhiều tranh cãi và có khả năng không thể hoàn thành. Ý tưởng của Pháp về việc lưu trữ tập trung thông tin cá nhân người dùng tại một cơ sở dữ liệu chung ngày càng bị phản đối, nước Đức ưu tiên khả năng chỉ lưu trữ dữ liệu ngay trong điện thoại của người dùng. Về vấn đề an toàn, điều khiến nhiều người lo ngại là nguy cơ gián điệp, đánh cắp thông tin từ kẽ hở của các mạng lưới.

Ông Vivien Raoul, giám đốc công nghệ của công ty Pradeo, chuyên về an ninh mạng di động, lưu ý là các nhà xây dựng và khai thác ứng dụng định vị khi thể hiện sự minh bạch thì phải chú ý để không bị các hacker lợi dụng sự minh bạch thông tin đó để đánh cắp dữ liệu, bởi vì đối với ông, điều này giống như các nhà sản xuất két sắt an toàn công khai chi tiết cơ chế bảo mật két sắt.

Pradeo mới đây công bố một kết quả nghiên cứu về các ứng dụng định vị Covid-19 tại khoảng 30 nước, theo đó, hơn 1/2 số ứng dụng mà chính phủ hoặc các cơ quan công quyền ủng hộ lại có biểu hiện vi phạm đời sống riêng tư của người dùng.

Hội đồng Y tế Thế giới : Thế khó xử của Trung Quốc

Về nước Pháp, Le Monde tập trung vào các vấn đề xã hội thời dịch bệnh như "Liệu phương thức làm việc từ xa có dành cho tất cả mọi người ?", "Các trường đại học lo ngại cho thế hệ Covid" hay "Người dân hạ mức cảnh giác quá sớm"… Nhìn ra thế giới, báo Le Monde, phát hành từ chiều hôm trước, lo ngại đất nước Brazil ngập trong khủng hoảng Covid-19, còn tổng thống Bolsonaro chìm trong khủng hoảng chính trị. Tờ báo cũng quan tâm đến sự hình thành nội các mới ở Israel sau 500 ngày vận động…

Tuy nhiên, hồ sơ chính được Le Monde đặc biệt chú ý là Hội đồng Y tế Thế giới diễn ra trong hai ngày 18-19/05, với hai chủ đề đặc biệt nhạy cảm mà Trung Quốc không hề muốn các nước thảo luận lần này : Yêu cầu đánh giá độc lập về khủng hoảng đại dịch và vị thế của Đài Loan ở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS). Đối với Le Monde, việc Hội đồng Y tế Thế giới thảo luận hai chủ đề nói trên là một minh chứng cho sự thất bại của ngành ngoại giao Trung Quốc vốn từ cuối tháng 02 đến nay luôn nhấn mạnh đã kiểm soát được dịch bệnh và giúp đỡ phần còn lại của thế giới kiềm chế đại dịch.

Lần này, không phải Mỹ mà Úc mới là nước đòi có một cuộc điều tra độc lập về virus corona. Báo chí Úc cho biết có 62 nước ủng hộ WHO tiến hành sớm nhất việc đánh giá dịch bệnh một cách "công minh, độc lập và toàn diện". Ngoài Châu Âu và Úc, còn có nhiều quốc gia khác như New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Brazil, Nhật Bản, Indonesia cũng ủng hộ. Bắc Kinh luôn bác bỏ những lời tố cáo của các nước về đại dịch. Nhưng lần này, theo Le Monde, Trung Quốc lâm vào thế khó, bởi vì Bắc Kinh, vốn luôn tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa đa phương, không thể từ chối cuộc điều tra của WHO, tổ chức mà Bắc Kinh không ngớt ca tụng.

Bài xã luận ngày 18/05 của Hoàn Cầu Thời Báo nói rằng Trung Quốc sẽ không phản đối một cuộc điều tra khoa học về nguồn gốc virus corona chủng mới và đặt điều kiện là cuộc điều tra phải do WHO tiến hành chứ không phải là do một quốc gia hay một tổ chức khu vực. Ngoài ra, công tác điều tra phải bảo đảm khoa học, công bằng, không chỉ về các yếu tố liên quan đến Trung Quốc mà cả những yếu tố liên quan đến Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Liên quan đến chủ đề về sự hiện diện của Đài Loan trong Hội đồng Y tế Thế giới, Hoàn Cầu Thời Báo gọi đó là một "trò hề". Đối với Trung Quốc, hòn đảo 23 triệu dân này chỉ là một "tỉnh của Trung Quốc". Các nước phương Tây không có "đại sứ", mà chỉ có "đại diện" ở Đài Loan. Năm 2009, Bắc Kinh đã đồng ý để Đài Loan làm quan sát viên ở WHO. Thế nhưng, kể từ khi bà thái Anh Văn, thuộc đảng Dân Tiến ủng hộ đòi độc lập cho Đài Loan trở thành tổng thống, Đài Loan bị Trung Quốc phản đối, không cho làm quan sát viên ở WHO nữa. Vấn đề là theo ý kiến nói chung, Đài Loan đã quản lý thành công cuộc khủng hoảng Covid-19. Mặc dù nằm sát cạnh đại lục, nhưng ở Đài Loan chỉ có 7 ca tử vong vì virus corona.

Theo Le Monde, được Mỹ ủng hộ, Đài Bắc đã biết khai thác khủng hoảng theo hướng có lợi cho mình, sử dụng ngoại giao khẩu trang như Bắc Kinh, nhưng không tuyên truyền kiểu phản tác dụng như chế độ Cộng Sản Trung Quốc. Hôm 13/05, báo chí Đài Loan không bỏ lỡ cơ hội tiết lộ khẩu trang mà nhiều lãnh đạo Mỹ đeo là do Đài Loan sản xuất. Theo Bộ Ngoại giao Đài Loan, có 29 nước, trong đó có Mỹ, Canada, Úc, Nhật, New Zealand muốn Đài Loan được hưởng lại quy chế quan sát viên của WHO. Hơn 100 dân biểu Châu Âu cũng ký vào một lá thư kiến nghị theo hướng này. Tờ Nhân Dân Nhật Báo cho rằng những người muốn "khu Đài Loan" tham gia WHO đang biến "vấn đề y tế thành chính trị".

Tuy nhiên, theo Le Monde, sau những năm cô lập đài Loan về chính trị (hiện giờ chỉ còn một số nước nhỏ ở vùng Caribê và Thái Bình Dương vẫn tiếp tục công nhận Đài Loan), giờ đây Trung Quốc chỉ còn cách thừa nhận là Đài Loan đã đạt được một tính chính đáng mới trên trường quốc tế.

Sự ra đi của một tượng đài điện ảnh Pháp

Khác với Le Monde, Les Echos, Le Figaro, La Croix vốn tập trung vào các vấn đề thời sự, kinh tế, xã hội quốc tế và trong nước có liên quan đến đại dịch Covid-19, báo Libération vốn thường chú trọng đến các vấn đề mang tính văn hóa, nghệ thuật, hôm nay đặc biệt dành trang nhất, bài xã luận và nhiều bài viết ở 6 trang trong để tưởng niệm Michel Piccoli, một trong những tượng đài của nền điện ảnh Pháp. Michel Piccoli từ trần ở tuổi 94 hôm 12/05 nhưng đến hôm 18/05 gia đình mới công bố thông tin. Gia tài điện ảnh của ông là sự góp mặt trong hơn 200 bộ phim.

"Cặp đôi" Pháp - Đức : Cú nhảy vọt về phía trước

Một chủ đề khác được Libération quan tâm là việc tổng thống Pháp Macron và thủ tướng Đức Merkel bắt tay nhau đề xuất Liên Âu thành lập quỹ tương trợ 500 tỉ euro để hỗ trợ các nước khắc phục hậu quả Covid-19. Đối với Libération, ngày mà hai lãnh đạo Pháp-Đức ra quyết định nói trên là ngày tang tóc đối với những người có tư tưởng bài xích Liên Hiệp Châu Âu, những người cho rằng cuộc khủng hoảng Covid-19, kéo theo thảm họa kinh tế, sẽ chứng minh sự vô ích của Liên Âu, giúp họ thoát khỏi cộng đồng mà theo họ là "không tưởng", khôi phục tình trạng "ai ở nhà nấy" và nói lời vĩnh biệt Bruxelles.

Thế nhưng, "cặp đôi Pháp - Đức" đã cho thấy điều ngược lại. Dưới sự bảo trợ của cặp đôi Pháp - Đức, mà nhiều người trước đây cho là "không tồn tại", Liên Hiệp Châu Âu đã tái khẳng định mong muốn chung sức hành động chống khủng hoảng Covid-19. Libération nhấn mạnh, đề xuất của hai nhà lãnh đạo Macron và Merkel mang lại cho Liên Âu một ngày lịch sử : đây là lần đầu tiên có một sự chuyển giao nguồn tài chính khổng lồ từ các nền kinh tế mạnh nhất sang các khu vực hoặc quốc gia bị dịch bệnh tác động nhiều nhất.

Tất nhiên, Libération lưu ý Liên Âu vẫn còn phải thuyết phục một số quốc gia bắc Âu. Bruxelles cũng phải chứng minh kế hoạch phù hợp với lợi ích tất cả các nước và hệ sinh thái. Nhưng trên hết, đối với Libération, đây là một bước nhảy vọt về hội nhập mà cách nay 3 tháng mọi người coi là hoàn toàn không thể có. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hiểu ra rằng đối mặt với mối đe dọa của chủ nghĩa dân tộc, Liên Âu có nguy cơ sụp đổ và sự thờ ơ của nước Đức cũng đe dọa hất ngã các nước đối tác cần nhất cho nền kinh tế Đức.

Còn đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ý chí xây dựng Liên Âu của ông vốn bị chế giễu nay đã được đền đáp. Liên Âu bị rung chuyển trong cuộc khủng hoảng, nhưng thay vì bị nhấn chìm, con thuyền Liên Hiệp Châu Âu vẫn được chèo lái.

Đức cắt đứt quan điểm truyền thống

Báo La Croix cũng dành bài xã luận "Ngân sách chung" để nói việc Pháp - Đức đề xuất một bước tiến lớn cho Liên Âu. Nhưng khác với Libération, La Croix tập trung lý giải việc thủ tướng Đức Angela Merkel cắt đứt quan điểm truyền thống. Trước đây, bà luôn coi Liên Âu không phải là cơ cấu chính trị để các nước giàu nhất bù đắp sự thiếu hụt ngân sách cho các nước nghèo nhất. Thủ tướng Đức Merkel đã từng rất kiên quyết như vậy thời xảy ra khủng hoảng Hy Lạp.

Thế nhưng, lần này, theo La Croix, lãnh đạo Đức đã "nhảy một bước" để đối phó với nguy cơ Liên Âu tan rã dưới tác động của đại dịch và cú sốc kinh tế do biện pháp phong tỏa. Theo La Croix, lý do là về mặt chính trị, sự thiếu đoàn kết sẽ là cơ sở để các đảng phái dựa vào để đòi rút các quốc gia khỏi Liên Âu, đặc biệt là Ý.

Về kinh tế, các nước năng động nhất cần có một Châu Âu mạnh mẽ thì mới có thể tiếp tục thịnh vượng. Về mặt pháp lý, Đức gần đây cho rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu trong nhiều năm qua đã có chính sách quá dễ dãi, trong khi chính chính sách tiền tệ đã tạo ra sự đoàn kết trong khu vực đồng euro. Chính vì vậy, La Croix kết luận, việc hỗ trợ ngân sách là không thể tránh khỏi.

Thùy Dương

Published in Quốc tế
dimanche, 12 avril 2020 17:40

Việt Nam sẽ ra sao sau Covid-19?

Gần 110.000 người đã tử vong vì Covid-19 trên khắp thế giới với số ca nhiễm vượt mốc 1,8 triệu người. Điều đáng buồn là Mỹ đã trở thành quốc gia lây nhiễm lớn nhất thế giới với hơn 530.000 người bệnh và hơn 20.000 người tử vong. Châu Phi đang là điểm nóng tiếp theo của dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới có lý do để lo lắng cho Châu Phi, số người chết vì Covid-19 tại đây sẽ vượt mọi dự báo do hệ thống y tế yếu kém ở khu vực này.

Việt Nam cũng đã có 260 ca nhiễm Covid-19. Nhiều biện pháp mạnh đã được chính quyền ban bố như đóng cửa các dịch vụ kinh doanh không cấp thiết, bắt buộc đeo khẩu trang ra đường và kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc với người khác. Lệnh cách ly toàn quốc đã có hiệu lực từ 1/4/2020.

Chưa ai có thể biết và hình dung được khi nào Covid-19 sẽ kết thúc và hậu quả mà nó để lại sẽ ra sao tuy nhiên ngay từ bây giờ chúng ta có thể biết chắc chắn một điều là hậu quả mà nó để lại sẽ rất kinh khủng và thế giới sẽ thay đổi sâu sắc sau khi đại dịch kết thúc.

Mỹ đã thông qua gói cứu trợ 2.200 tỉ USD và các nước G20 cũng cam kết một gói cứu trợ 7.000 tỉ USD, EU 500 tỉ EUR, Nhật 1.000 tỉ USD…chưa kể các cường quốc kinh tế khác. Cho dù vậy, khủng hoảng kinh tế thế giới là không thể tránh khỏi. 40 thị trường chứng khoán lớn đã “bốc hơi” 30.000 tỉ USD. Thiệt hại trên thực tế có thể lớn hơn rất nhiều.

cachli11111111

Đường phố Hà Nội vắng vẻ vì lệnh cách ly của chính phủ.

Việc tìm hiểu, phân tích tình hình thế giới và rút ra các bài học cho Việt Nam là công việc thường xuyên và bắt buộc của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp). Nhiều người Việt Nam, trong đó có cả những người là trí thức và giới tranh đấu cũng chưa ý thức được tầm quan trọng của công việc phân tích và dự báo chính trị thế giới. Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thế giới nên phải biết và hiểu rõ tình hình thế giới để có những hoạch định đúng về các chính sách. Việt Nam không thể một mình một con đường riêng mà phải hòa mình vào dòng chảy chung của thế giới, của thời đại. Các ý kiến của anh em Tập Hợp đều dựa trên những dữ liệu và phân tích rõ ràng, có cơ sở và có thảo luận trong nội bộ. Những ai quan sát và theo dõi Tập Hợp thường xuyên đều thấy các ý kiến của chúng tôi về thế giới đều đúng và thậm chí đi trước cả dư luận. Từ việc từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ dưới thời Donald Trump, sự tác hại của các nhà lãnh đạo dân túy, sự xét lại chủ nghĩa tân phóng khoáng, sự “khủng hoảng” của các nước dân chủ, sự xét lại phong trào toàn cầu hóa và khái niệm quốc gia...cho đến các bài báo gây nhiều tiếng vang như của giáo sư Jonathan London hay của nhà sử học nổi tiếng người Do Thái Yuval Harari…đều đúng như những gì mà Tập Hợp đã trình bày trước đó.

Tập Hợp cũng đã dành một sự quan tâm đặc biệt cho Trung Quốc, vì đó là quốc gia có ảnh hưởng lớn đến trật tự thế giới và nhất là với Việt Nam. Theo nhận định của Tập Hợp thì có hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch này là Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc sẽ rút lui và con cụm lại dù có hay không Covid-19. Sự kiện này chỉ khiến Trung Quốc rút lui và co cụm lại nhanh hơn. Từ giờ đến cuối năm chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Trái với lo ngại của nhiều người là Trung Quốc sẽ gia tăng ảnh hưởng sau Covid-19, Tập Hợp cho rằng hiện tại cả thế giới đang lo dập dịch nên chưa có thời gian để “tính sổ” với Trung Quốc. Quan hệ giữa các nước dân chủ và Trung Quốc sẽ thay đổi hoàn toàn sau đại dịch. Cô lập và phong tỏa Trung Quốc bằng cách rút các công ty khỏi khỏi đây là điều mà thế giới phải làm cho dù có tốn kém đến đâu đi nữa. Đây cũng là sự thay đổi bắt buộc của phong trào toàn cầu hóa. Thay vì bỏ hết trứng vào cái giỏ của Trung Quốc thì thế giới sẽ “khu vực hóa” chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa ra khắp năm châu…

Việt Nam sẽ ra sao sau Covid-19 là điều mà mọi người đều quan tâm. Trái với không khí tự tin và “ngạo nghễ” của chính quyền và một số người trước đại dịch thì chúng tôi đã rất thận trọng và lo lắng cho tương lai Việt Nam. Việt Nam quá phụ thuộc vào ngoại thương (xuất nhập khẩu), khi thế giới bị khủng hoảng thì Việt Nam sẽ vạ lây, kể cả nếu không bị đại dịch. Khi bị phụ thuộc quá nhiều vào các nước bên ngoài thì Việt Nam phải chịu những tai họa không phải do mình gây ra. Tai họa đó đang đến. Hàng triệu người Việt Nam sẽ bị thất nghiệp vì hàng hóa Việt Nam làm ra sẽ không ai mua hoặc chưa mua. Không phải người dân Việt Nam nào cũng có tiền dự trữ để dùng trong lúc nghỉ việc ở nhà. Nếu đại dịch kéo dài thì cuộc sống của hàng triệu người thu nhập thấp hoặc không có thu nhập sẽ đi đâu về đâu?

cachly2

Toàn cầu hóa là không thể đảo ngược nhưng sẽ có những thay đổi sâu sắc…

Cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra cho thế giới là chưa từng có trong lịch sử từ sau thế chiến lần thứ Hai. Sẽ không có thuốc chữa cho kinh tế thế giới dù có bơm bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Thế giới chỉ có thể hồi phục dần dần sau những cố gắng kiên trì trong nhiều năm. Sự kiện này sẽ khiến nhiều quốc gia thay đổi các dự định mang tầm quốc tế và khu vực.

Tiến trình toàn cầu hóa là không thể đảo ngược, tuy nhiên thế giới phải “xét lại” việc bỏ hết trứng vào cái giỏ Trung Quốc. Họ sẽ phải phân tán các rủi ro ra khỏi khu vực Trung Quốc. Việt Nam là địa điểm được thế giới nhắm đến và ưu tiên trước tiên trong chính sách kéo Việt Nam ra khỏi quĩ đạo Trung Quốc. Vì ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này nên các điều kiện của thế giới đặt ra cho Việt Nam để họ chuyển các nhà máy sang Việt Nam sẽ cao hơn. Tức là họ yêu cầu Việt Nam phải thay đổi và cải cách mạnh mẽ hơn. Liệu Đảng cộng sản Việt Nam có thể đáp ứng các đòi hỏi và thách thức của thời cuộc hay không? Tùy theo đánh giá của mỗi người nhưng với Tập Hợp thì Đảng cộng sản Việt Nam không còn là giải pháp cho đất nước.

Sau 30 năm “đổi mới” kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi tích cực nhưng vẫn chỉ là bề nổi thay vì chiều sâu. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn kinh tế nước ngoài (vốn FDI). Các ngành nghề được ưu tiên là bất động sản, du lịch, xây dựng, nông nghiệp, gia công hàng hóa như may mặc, da giầy…đều là những ngành nghề cần nhiều lao động chân tay và không cần nhiều kỹ thuật cao. Lợi nhuận và thành quả của kinh tế Việt Nam vì vậy thấp và không bền vững.

Muốn hay không thì sau cuộc đại dịch này chính quyền Việt Nam cũng phải lấy một số quyết định quan trọng để nền kinh tế không sụp đổ. Đầu tiên là phải chấp nhận hy sinh và sút giảm của một số ngành nghề như bất động sản và du lịch. Đây là những lĩnh vực mang lại phồn vinh giả tạo cho một số ít người. Tập trung các nguồn lực cho kinh doanh và sản xuất thông qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần có một chiến lược rõ ràng cho các ngành kỹ thuật cao để tạo ra giá trị lợi nhuận bền vững và có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Muốn làm được những việc như thế đòi hỏi Đảng cộng sản Việt Nam phải có một bản lĩnh và một đồng thuận lớn trong nội bộ. Họ không có cả hai thứ đó. Các nhóm lợi ích sẽ ngăn cản và phái hoại mọi quyết sách của đảng cộng sản. Để lập lại trật tự trong lĩnh vực bất động sản không khó. Chỉ cần đánh thuế từ căn nhà hoặc miếng đất thứ hai trở đi và đánh thuế các giao dịch bất động sản trong thời hạn 3 năm…là có thể giảm nhiệt thị trường bất động sản ngay lập tức. Vấn đề là Đảng cộng sản Việt Nam không thể làm thế được vì chính họ là người bị thiệt hại nhất. Các quan chức của đảng là những người giàu có nhất và sở hữu nhiều đất đai nhất. Việc sân golf Tân Sơn Nhất vẫn hoạt động một cách “ngạo nghễ” bất chấp mọi phản đối là một ví dụ.

Một biện pháp đối phó với khủng hoảng kinh tế là kêu gọi người dân tiết kiệm, “thắt lưng buộc bụng”. Người dân chỉ có thể “đồng hành” cùng chính phủ để vượt qua khó khăn khi họ có niềm tin vào một chính phủ có năng lực, uy tín và lương thiện. Người dân phải tin chính phủ là giải pháp cho khủng hoảng chứ không phải nguyên nhân gây ra khủng hoảng. Đảng cộng sản Việt Nam có được uy tín và năng lực đó không? Chúng tôi nghĩ là không. Một vài ví dụ, việc có nên xuất khẩu gạo hay không cũng đã “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Đây là một quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người nông dân nên cần có những đánh giá và nghiên cứu rõ ràng và chính xác chứ không thể làm theo cảm tính. Việc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh ra một văn bản cho các cơ sở hỏa táng trong đó có câu "hỏa táng các bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong do Covid-19" có lẽ chỉ là sai sót trong cách viết chứ không phải họ muốn “thiêu cả người còn sống”. Tuy vậy sự việc cũng nói lên một điều là trình độ của quan chức rất thấp, họ không viết và nói rõ, ngay cả tiếng Việt và hơn hết, họ không còn tấm lòng với trọng trách được giao, tất cả chỉ làm chiếu lệ. Cuộc sống xa hoa của ông giáo sư, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Nguyễn Quang Thuấn cũng làm cho dư luận Việt Nam phẫn nộ.

Một sự kiện chấn động nhân tâm nhưng đang bị Covid-19 làm cho người dân tạm thời quên đi đó là vụ tấn công vào làng Hoành và giết chết cụ Lê Đình Kình. Đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng chính quyền Việt Nam vẫn không hề có một hành động sửa sai nào, dù chỉ là một lời xin lỗi chiếu lệ hay trả tự do cho những người đang còn bị giam giữ. Đây là một vụ án giết người nhằm mục đích lấy khu đất Đồng Sênh. Toàn bộ ban lãnh đạo đảng cộng sản đều phải chịu trách nhiệm cho vụ việc này.

Đảng cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục là một giải pháp cho đất nước mà phải có một giải pháp khác từ một tổ chức khác. Cho dù họ có “lắng nghe” những ý kiến khác chiều đến đâu đi nữa thì họ cũng tự khám phá ra là họ ngày càng bất lực. Tham vọng quyền lực trong ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, vì vậy, ngày càng giảm đi chứ không tăng lên. Việc giữ ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị cao nhất của đảng và nhà nước cho thấy không ai muốn ngồi vào ghế nóng đó. “Thành tích” nổi bật nhất của ông Trọng và ban lãnh đạo đảng trong nhiệm kỳ 12 chỉ là việc “đốt lò”. Hơn 70 quan chức cao cấp và tướng lĩnh bị tống giam và kỷ luật. Nhưng thay vì làm trong sạch nội bộ đảng thì nó chỉ có tác dụng ngược lại là tăng thêm sự thù oán trong nội bộ đảng. Những người bị làm “củi” chắc chắn không tham và xấu hơn những người phe “lò” là bao nhiêu. Họ bị tống vào lò chỉ vì thuộc phe củi. Không một ai tâm phục và khẩu phục với các bản án dành cho họ.

Đại hội 13 đang đến gần với tất cả những bất lợi cho Đảng cộng sản Việt Nam. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra và xảy ra như thế nào với họ trước và sau đại hội nhưng có lẽ đây là một kỳ đại hội vô cùng sóng gió cho đảng. Người Việt Nam không nên chờ đợi và hy vọng vào bất cứ một giải pháp nào từ họ. Đã đến lúc tìm hiểu về những giải pháp khác của các tổ chức chính trị khác.

Việt Hoàng

(12/04/2020)

Published in Quan điểm

Thế giới khởi đầu một thập niên mới với cơn ác mộng mang tên đại dịch Covid-19. Khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc con virus dần lan rộng đến toàn thế giới, làm xáo trộn và hốt hoảng từ chính quyền đến người dân. Các hoạt động kinh tế bị đình trệ, các hoạt động di chuyển bị giới hạn, các sàn chứng khoán đỏ lửa và sự quá tải của hệ thống y tế... Tất cả dường như nhuốm một màu bi quan lên cả những người lạc quan nhất.

Chúng ta sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa trước khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn với những thống kê nghiêm chỉnh những con số thiệt hại về mặt kinh tế, xã hội… thì mới có thể biết được nó đã tác động lên toàn cầu ra sao. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng cơn đại dịch này không khác nào một bước ngoặt để thế giới xét lại vấn đề "toàn cầu hoá" và "phát triển kinh tế" trong tương lai. Táo bạo hơn, đã có những ý kiến nêu ra việc xét lại các nền "Dân Chủ" và "Toàn Trị" trên thế giới. Người ta so sánh tính hiệu quả khi phải đương đầu với những vấn đề cấp bách và ảnh hưởng lên toàn xã hội như vậy, phải chăng công dân sẽ an toàn và dịch bệnh sẽ được đẩy lùi nhanh chóng hơn khi hạn chế quyền tự do cá nhân, người dân "được" cai trị và giám sát bởi những chế độ toàn trị, độc tài ?

cov1

Một tác phẩm nổi tiếng bàn về các chế độ độc tài kiểm soát công dân

Vậy phải hiểu như thế nào ? Thế giới đã thay đổi so với trước khi phải đối mặt với cơn đại dịch Covid-19 này. Nhưng chúng ta có cần hoảng sợ không, vì một lần nữa, cơn ác mộng của thời chủ nghĩa quốc gia sô-vanh đã tạo ra những chế độ phát-xít, hay những tranh cãi về dân chủ hoặc toàn trị diễn ra cao điểm ở Châu Âu suốt thời kì chiến tranh lạnh hiển hiện ra trước mắt ? Liệu giữa cơn hoảng loạn của đại dịch, sẽ xảy ra kịch bản các thể chế dân chủ ổn vững nhất sẽ dõi mắt và học theo theo những nước độc tài toàn trị với đại diện là Trung Quốc, Nga, hay Việt Nam… bắt đầu từ cách giám sát công dân, cho đến những bước tiếp theo để làm tê liệt hoàn toàn nền dân chủ ?

Câu trả lời là không. Vì sao ?

Đầu tiên, để trả lời câu hỏi này tôi xin dẫn lại hai ý chính của Yuvah Noah Harari trong bài viết gần đây. Harari là một nhà sử học, một học giả uyên bác, tác giả của những tác phẩm xuất sắc như Homo Sapiens, Homo Deus hay Những bài học cho thế giới trong thế kỉ 21 được đông đảo người dân đón nhận. Theo tác giả, có hai ý kiến cần được làm cho sáng tỏ giữa cơn đại dịch lan rộng đến toàn thế giới vào lúc này :

- Đầu tiên là chọn lựa giữa an toàn cá nhân và tự do cá nhân, giữa một nhà nước toàn trị áp dụng mọi biện pháp giám sát công dân từ hơi thở cho đến giấc ngủ hay một nhà nước tự do dân chủ tôn trọng quyền tự do cá nhân.

- Hai là trước sự chao đảo của thế giới vì con virus Covid-19, khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc, rồi lan rộng ra toàn thế giới. Liệu chúng ta phải chọn lựa giữa một sự cố thủ rút lui về biên giới quốc gia hay tăng thêm sự liên đới toàn cầu.

cov2

Tác phẩm của Yuvah Noah Harari

Chọn lựa nhà nước toàn trị hay một nhà nước dân chủ ?

Nếu bạn là độc giả nhiệt thành của Harari, ắt hẳn ý kiến này bạn đã đọc được trong những bài viết, tác phẩm của ông ngay trước khi có sự bùng phát cơn đại dịch này rồi đúng không ? Từ trước khi có đại dịch Covid-19, các chế độ độc tài toàn trị, tiêu biểu nhất là Trung Quốc đã bị tố giác với hàng loạt biện pháp giám sát công dân của họ như lắp đặt camera ở khắp mọi ngóc ngách, kiểm soát những ứng dụng mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, hay theo dõi lược sử thanh toán, chi tiêu của người dân bằng nhưng ứng dụng We-Chat… Họ đưa ra một hệ thống phân loại và đánh giá công dân tốt, công dân xấu bằng việc sàng lọc dữ liệu online của người dân. Những hành động đàn áp, tẩy não người dân ở Tân Cương thông qua những trại cải tạo, những tuyên truyền sai trái về lịch sử Trung Quốc vốn đã bị các tổ chức nhân quyền, báo chí… lên án từ nhiều năm qua rồi.

cov3

Trung Quốc giám sát chặt chẽ công dân của mình

Giữa lúc dịch bệnh hoành hành và làm chao đảo các nước dân chủ, lập luận cần một nhà nước toàn trị để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả chắc chắn lại được chế độ cộng sản Trung Quốc và bộ máy tuyên truyền của nó ra sức khuếch trương thêm. Nhưng trong một thế giới ngày càng nhỏ lại bởi những tiến bộ về truyền thông, người ta chỉ có thể bối rối khi chưa tìm ra được một lập luận sáng tỏ giữa dân chủ và độc tài, chứ không ai có thể cổ suý cho những hành động nhẫn tâm mà chế độ cộng sản Trung Quốc đã áp dụng triệt để lên người dân Vũ Hán. Trong đó, người ta thấy sự phẫn nộ của người dân, sự phơi bày yếu kém về hệ thống y tế, cũng như những hành động cưỡng chế người nghi nhiễm bệnh mà cứ tưởng như đang diễn ra ở thời Trung Cổ. Trung Quốc đã đi qua đỉnh dịch và chuẩn bị tuyên bố thắng lợi, nhưng cả thế giới vẫn nhìn họ với con mắt dè dặt và nghi ngại, khi những số liệu thực bị vốn thường xuyên bị nhào nặn tùy thích ở những chế độ độc tài.

Ngược lại, các quốc gia dân chủ như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hongkong, Singapore… Châu Âu, Mỹ sau thời gian đầu bối rối đã dần dần kiểm soát được dịch hiệu quả. Không nước nào đặt ra vấn đề phải hạn chế quyền tự do cá nhân, hay tăng cường việc giám sát công dân để ưu tiên cho sự an toàn về mặt sức khỏe và tư duy chính trị của người dân. Những biện pháp hạn chế đi lại, cách ly toàn thành phố đều là những hành động được người dân hưởng ứng và tuân thủ một cách kỉ luật trong thời gian này, vì họ hiểu điều này làm giảm thiểu rủi ro tối đa lây nhiễm cộng đồng cũng như chính quyền có được sự tín nhiệm của người dân.

Từ trước khi đại dịch diễn ra, đã có rất nhiều cuộc thảo luận về sự suy yếu của nền dân chủ hay nền dân chủ đã bị thao túng như thế nào, vì sao chủ nghĩa dân tuý lên ngôi… Nhưng đã không một học giả nào phản bác dân chủ, phản bác quyền con người để cổ súy cho một thể chế độc tài toàn trị. Câu hỏi về quyền tự do cá nhân trên không gian mạng cũng đã ngã ngũ. Các thể chế dân chủ phương Tây đã ban hành các biện pháp để đảm bảo quyền tự do cá nhân đối với những đại công ty như Google, Facebook, Amazon… Bên cạnh đó, trong cơn đại dịch này, nếu nhìn ở mặt tích cực, chúng ta càng có cơ sở vững chắc để tin vào quyền con người. Những thảo luận về sự nguy hại lên nền kinh tế nếu đóng cửa hay áp dụng những biện pháp hạn chế quá lâu đã không được thực thi. Trước một lựa chọn ưu tiên về việc duy trì tăng trưởng kinh tế 3% nhưng hy sinh 1% dân số vì đại dịch đã không được đặt ra, con người phải là cứu cánh trước tiên. Ngay cả các chế độ độc tài, trong sự túng quẫn kinh tế của nó, cũng không dám phản bác lập luận này. Thế giới đã tiến tới một trình độ văn minh hơn mà ở đó quyền con người phải là giá trị cao quý nhất chứ không thể bị khước từ nhân danh bởi một chủ thuyết, chủ thể nào cả. Không có gì quý hơn sinh mạng con người. Chủ nghĩa phúc lợi, hiểu giản dị là lấy quyết định mang lại phúc lợi tối đa cho mọi người, bị phủ quyết bởi quyền con người. Một chính quyền phải làm trong mọi khả năng để bảo vệ quyền con người trước khi bàn về những vấn đề như tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng sàn chứng khoán…

Chọn lựa cố thủ về biên giới quốc gia hay tăng cường thêm sự liên đới toàn cầu ?

Những phong trào dân tuý bùng phát lên trong những năm gần đây, được ủng hộ bởi những tiếng nói hẹp hòi theo chủ nghĩa dân tộc quá khích, bởi những người bị bỏ lại và đứng bên lề lợi ích của toàn cầu hoá và cơn đại dịch toàn cầu này càng là một lý cớ để nhiều người đả phá toàn cầu hoá và đòi rút lại, cố thủ trong biên giới quốc gia của dân tộc mình. Thế giới dần chia làm hai phe, ủng hộ toàn cầu hoá và những người theo chủ nghĩa quốc gia (nationalism).

Liệu chúng ta có cần chọn giữa chủ nghĩa quốc gia và toàn cầu hóa ?

Làm sao để có một kế hoạch toàn cầu theo lời tác giả Harari nếu như quốc gia vẫn được xem như một biên giới, một vùng lãnh thổ riêng biệt của một cộng đồng những người sống chung với nhau, chia sẻ một văn hóa, một ngôn ngữ và một lịch sử. Quốc gia là cứu cánh duy nhất, là không gian trách nhiệm duy nhất, như lời Donald Trump nói : America First ? Liệu chúng ta có thể tìm ra được một đồng thuận chung, một kế hoạch toàn cầu giữa những nước, những thế chế khác biệt nhau hoàn toàn như Trung Quốc, Nga, Việt Nam, Triều Tiên với các thể chế dân chủ Mỹ, Tây Âu, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… ?

Câu trả lời là không chừng nào chúng ta còn quan niệm quốc gia như một không gian riêng biệt, như những người theo chủ nghĩa quốc gia nationalism. Trong quyển Tổ Quốc Ăn Năn, tác giả Nguyễn Gia Kiểng đã đưa ra một tóm lược như sau, những nhận định đã được viết ra từ những năm đầu thập niên 2000s :

"Những nhà nước đầu tiên ra đời đã là những nhà nước-quốc gia. Nhưng từ nửa sau thế kỷ 19 trở đi đã bùng ra một cuộc tranh cãi sôi nổi về các ý niệm quốc gia và nhà nước. Karl Marx tỏ ra đặc biệt tích cực trong cuộc tranh luận này. Một trong những sai lầm cơ bản của chủ nghĩa cộng sản là đã không đánh giá đúng vai trò của các nhà nước-quốc gia. Sự tập trung quyền lực trên toàn thế giới không những là điều không thể thực hiện được mà còn là điều không nên thực hiện vì nặng nề và trói buộc. Ngay cả những nước lớn cũng còn phải tản quyền thành những địa phương tự quản với một chính quyền trung ương làm công tác điều hợp. Thế giới đại đồng trong tương lai sẽ là thế giới của sự phối hợp giữa những quốc gia chung sống và hợp tác với nhau, cùng chia sẻ với nhau một số giá trị phổ cập và cùng chấp nhận một số qui ước chung chứ không phải thế giới trong đó các quốc gia bị xóa bỏ. Sự ra đời của những nhà nước-quốc gia thay thế cho những nhà nước quân chủ đã là là một biến cố trọng đại thúc đẩy tiến bộ. Các nhà nước-quốc gia đầu tiên đã hình thành tại phương Tây và đã đem lại cho các dân tộc phương Tây một sức mạnh hơn hẳn.

Ý niệm quốc gia, như một thực thể của chung thay vì của một người hay một nhóm người, đã động viên được sinh lực và sáng kiến của mọi người và đã khai sinh ra tổ chức nhà nước hiện đại. Khi đi chinh phục thế giới vào thế kỷ 18 và 19, sức mạnh chính của người phương Tây không phải là vũ khí và kỹ thuật hiện đại mà là tổ chức nhà nước hiện đại phục vụ cho một quốc gia được quan niệm như là không gian liên đới của một tập thể người có nhiều điểm chung và cùng xây dựng một tương lai chung. Quan niệm này khiến quốc gia vừa có ích vừa cần thiết, nó cũng đem lại cho nhà nước sự chính đáng và, do đó, sức mạnh.

Một chú thích. Cũng như tất cả mọi ý niệm mới, ý niệm quốc gia đã không tránh khỏi những tật bệnh trong quá trình hình thành và trưởng thành ; mà tật bệnh độc hại nhất là chủ nghĩa quốc gia [nationalisme] coi quốc gia như là cứu cánh duy nhất và không gian trách nhiệm duy nhất. Chủ nghĩa quốc gia đồng hóa sự thù ghét các dân tộc khác với sự quí mến dân tộc mình. Nó lẫn lộn tinh thần bài ngoại với lòng yêu nước, nó là một quan niệm hẹp hòi về dân tộc. Nhưng tật bệnh này ngày càng được nhận diện và điều trị, và một khi đã được điều trị xong, ý niệm quốc gia sẽ lấy lại được ý nghĩa thực sự của nó, sẽ đẹp hơn, mạnh hơn chứ không yếu đi".

Trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng đã đưa ra một định nghĩa về ý niệm quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, thế giới dần nhỏ lại và trở thành một mái nhà chung của nhân loại, quốc gia phải được quan niệm như một tình cảm, một đồng thuận, một dự án tương lai chung và một không gian liên đới. Một quốc gia không đảm bảo an ninh và nhân phẩm, không đem lại phúc lợi và niềm tự hào cho người dân chắc chắn sẽ tan rã, càng tan rã nhanh hơn và bi đát hơn nếu biên giới quốc gia được coi như tường thành ngăn cản các giá trị tiến bộ và quy định một vùng lộng hành an toàn của các tập đoàn bạo ngược. Trong thời đại mới này, chúng ta cần ý thức rằng các tập đoàn cầm quyền thiếu văn hóa và thiếu tầm nhìn là những tai họa cho sự tồn vong của các quốc gia. Các chế độ độc tài bạo ngược giết chết các quốc gia, càng tồi dở và độc ác bao nhiêu chúng càng giết chết nhanh chóng các quốc gia bấy nhiêu. Những tiếng nói khơi gợi chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, gây chia rẽ giữa các thành phần người dân trong quốc gia bởi những lãnh đạo dân tuý cũng sẽ bị chìm dần vào quên lãng.

Như vậy, để có một kế hoạch toàn cầu như Harari đề nghị, trước tiên ý niệm quốc gia cần phải được xét lại triệt để. Chủ nghĩa tự do phóng khoáng, chủ nghĩa thực tiễn vốn lấy lợi nhuận làm kim chỉ nam vốn là nguyên nhân chính, chứ không phải toàn cầu hoá, đã tạo ra sự bất bình đẳng giai cấp giữa những tầng lớp trong quốc gia với nhau, giữa các quốc gia với nhau, và giữa con người với chính môi trường mà chúng ta đang sống… Chúng ta sẽ tạo ra được một hợp tác quốc tế mà ở đó chúng ta cũng không mất đi quốc gia. Câu trả lời không phải lựa chọn giữa quốc gia và toàn cầu hoá, câu trả lời nên là một khái niệm mới để tạo sinh khí cho quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Các chế độ độc tài không tôn trọng quyền con người, không được hiểu như là một đồng thuận và một dự án tương lai chung sẽ bị đào thải.

Lựa chọn nào cho Việt Nam ?

Thế giới đang vất vả chống đại dịch, thì tình hình Việt Nam càng đau nhức gấp bội. Nền kinh tế Việt Nam, với tổng ngoại thương hơn 500 tỷ đô gấp đôi GDP cả nước. Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên liệu thô của Trung Quốc khoảng 70 tỷ đô la, để gia công xuất khẩu sang nhiều nước dân chủ, với phần chính là Mỹ và Tây Âu. Nền kinh tế vốn tập trung vào kỹ nghệ du lịch, bất động sản càng phơi bày ra những nhược điểm, tổn thương chí mạng giữa lúc cơn đại dịch vẫn được kiểm soát tốt theo thông tin của bộ máy truyền thông Đảng cộng sản. Tổng nợ quốc gia, nếu tính cả khối doanh nghiệp nhà nước tương đương hơn 200% GDP. Tiền thu thuế dùng để chi ngân sách thường xuyên, trả lương cho bộ máy Đảng, Đoàn, chính quyền tới hơn 70% tổng thu ngân sách. Chế độ cộng sản trong suốt nhiều năm cầm quyền của họ, đã thả nổi sự dễ dãi vào các hoạt động du lịch, nhà đất và gia công hàng hoá giá rẻ mà không tập trung nâng đỡ thị trường nội địa. Nhưng đó là điều họ không thể làm, vì để phát triển thị trường nội địa thì đất nước cần dân chủ, quyền con người cần được bảo đảm, luật pháp cần được tôn trọng để sinh lực và tiềm lực của mọi thành tố trong xã hội được giải tỏa.

Layout 2

Việc thị trường EU và Mỹ tạm ngưng nhập hàng dệt may từ Việt Nam khiến không ít doanh nghiệp khó tiếp tục chồng khó - Nguồn : Tổng cục Hải quan - Đồ họa : Hồng Sơn - Ảnh : Ngọc Thắng

Cứ giả thử như chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt, điều mà chúng ta cần hết sức thận trọng trước những số liệu thống kê của Đảng cộng sản Việt Nam, thì chúng ta vẫn lệ thuộc nặng nề vào bối cảnh thế giới. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu khối lượng lớn người dân, người lao động, thậm chí bộ máy cán bộ công chức rơi vào tình trạng thất nghiệp, túng quẫn trong khi chế độ cộng sản, dù ý thức được tính hệ trọng của nó, cũng lực bất tòng tâm vì hết tiền và cũng không phải là giải đáp cho mọi vấn đề của đất nước ta.

Đảng cộng sản Việt Nam đã phơi bày bản chất đạo tặc của họ khi dùng bộ máy công an để khủng bố, cướp đất người dân Đồng Tâm. Mọi việc tạm thời ít bị chú ý hơn giữa tâm dịch này. Nhưng Covid-19 càng làm lộ rõ sự yếu kém về y tế khi một nền kinh tế vốn quá lệ thuộc vào ngoại thương và phải dành một khoản ngân sách quá lớn để chi thường xuyên, để trả nợ…Họ cũng nhận ra họ không phải là giải đáp cho Việt Nam. Ước mơ của nhiều đảng viên cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam, của những ông lớn, bà lớn hiện tại chỉ là làm sao để hạ cánh an toàn, tẩu tán tài sản, của cải tích luỹ được trong thời gian nắm giữ quyền lực ra nước ngoài càng sớm càng tốt. Một đảng phái chính trị được xem là chết lâm sàng là khi nó không đưa ra được một dự án chính trị nào cho tương lai nữa. Phát biểu của ông Trần Quốc Vượng, một ứng viên Tổng bí thư khóa mới, về sự tất yếu của kinh tế tập thể, hợp tác xã càng phơi bày thêm sự tuyệt vọng về nhân sự của bộ máy Đảng, bị sàng lọc bởi chính hệ thống độc đoán của nó, trước nhiều vấn đề nhức nhối của đất nước.

cov5

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành kết luận về tiếp tục phát triển kinh tế tập thể - Ảnh Ngọc Thắng

Vào lúc này, giữa sự chú ý của mọi người dân vào công tác chống dịch, chúng ta - Những người tranh đấu cho dân chủ, tự do cho Việt Nam, cần phải bình tĩnh suy nghĩ lại đâu là giải pháp để dân chủ hoá cho Việt Nam? Chúng ta cần ủng hộ cho những tổ chức chính trị nghiêm chỉnh và có một dự án chính trị làm điểm hẹn tương lai cho đất nước. Dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của chúng tôi ở trong một nỗ lực như vậy :

"Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn. Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện. Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát".

Việt Dân

(29/3/2020)

Published in Quan điểm

Đại dịch virus corona đang làm đảo lộn hành tinh. Điều chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai. Hàng chục quốc gia thực thi chính sách phong tỏa toàn bộ hoặc một phần với hy vọng hãm đà bùng phát của dịch. Phong tỏa là cần thiết, nhưng không thể kéo dài. Vác-xin cũng không thể sớm có. Để tránh dịch bùng trở lại sau thời kỳ phong toả, xã hội hiện nay cần nhiều thay đổi triệt để.

toancauhoa1

Cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine. © RFI/Sébastien Bonijol@

Trong bài trả lời phỏng vấn Le Figaro hôm 22/03/2020, cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine đặc biệt chỉ ra rằng chính tiến trình toàn cầu hoá, với hai đặc điểm tiêu biểu là giới tài chính được rảnh tay mặc sức làm mưa làm gió, và sản xuất công nghiệp được bố trí tại những nơi giá nhân công rẻ mạt nhất, đã là một cội nguồn căn bản dẫn đến cuộc khủng hoảng virus corona hiện nay. Du lịch thương mại hóa cũng bị điểm mặt là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng. Nhận định về cội nguồn sâu xa của đại dịch, Hubert Védrine đề xuất những hướng đi cho tương lai, để cho các xã hội, trước hết là các xã hội phương Tây, tránh rơi vào vết xe đổ.

RFI giới thiệu cuộc phỏng vấn của Le Figaro với cựu ngoại trưởng Pháp, mang tựa đề "Đại dịch virus corona đang khiến nhiều niềm tin sâu xa tan thành tro bụi". Phỏng vấn do nhà báo Anne Fulda thực hiện.

***

Le Figaro : Theo ông, cuộc khủng hoảng virus corona cho thấy điều gì trên phương diện quốc tế ?

Hubert Védrine : Cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra, điều chưa từng có kể từ thời kỳ các cuộc chiến tranh thế giới, cho thấy hoặc xác nhận một sự việc là : hiện tại vẫn chưa có một cộng đồng quốc tế thực sự, hoặc cộng đồng quốc tế chưa được chuẩn bị để đối mặt với một đại dịch toàn cầu. Bille Gates và nhiều chuyên gia quân sự đã nói về chuyện này, kể từ dịch Ebola. Chúng ta biết rằng, cho đến nay, tiến trình toàn cầu hóa về cơ bản - trong nhiều thập niên qua - là tiến trình dỡ bỏ các chế ước đối với giới tài chính và việc bố trí các nhà máy, công xưởng tại những nơi nào có giá nhân công thấp nhất, như tại Trung Quốc, và một số quốc gia đang trỗi dậy (với khẩu hiệu "chuỗi giá trị" rất được cổ vũ), mọi vấn đề khác chỉ là thứ yếu…. Chúng ta thấy, không tồn tại các hệ thống đa phương thực sự có khả năng hành động hiệu quả (từ Liên Hiệp Quốc, đến Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO, từ G7 đến G20…). Và chúng ta cũng thấy Liên Hiệp Châu Âu… đã được hình dung như một thế giới lý tưởng, một thế giới không phải đương đầu với bi kịch. Chúng ta cũng từng biết là đã có nhiều phong trào phản kháng, mang tính thường trực, thu hút đông đảo người tham gia và đầy thách thức, nhưng chính cuộc khủng hoảng hiện nay mới cho thấy rõ thực trạng này.

Le Figaro : Việc Liên Âu thúc thủ, Trung Quốc giang tay giúp nước Ý, với việc gửi trang thiết bị y tế… phải chăng đó cũng là một dấu hiệu cho thấy có một chuyển biến lớn đang diễn ra ?

Hubert Védrine : Hoàn toàn đúng như vậy, nhưng thực ra điều này đã diễn ra từ khá lâu, cho dù các cường quốc có vị thế, các nước phương Tây, đã cố gắng cưỡng lại tiến trình này, và họ có các thế mạnh trong tay. Trung Quốc là siêu cường hàng đầu, và Bắc Kinh không còn che giấu điều này. Chúng ta hãy xem quy mô khổng lồ và tham vọng của dự án Con đường tơ lụa mới, và đồng thời cả cách truyền thông mang tính bề trên của Trung Quốc, cũng như của chúng ta. Cũng đừng nên trách Trung Quốc đã tìm lấy cái lợi cho họ trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay. Chính chúng ta, Châu Âu chúng ta, cần phải tự hỏi mình, về chiến lược của mình, về sự ngây thơ của mình. Đây là điều rất khó khăn với người Châu Âu, vốn vẫn còn tự coi mình như là lực lượng tiên phong của nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, đã có một thay đổi, về Châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu vừa quyết định chi ra hơn 1.000 tỉ euro (tương đương 9% GDP), và Uỷ Ban Châu Âu quyết định "đình chỉ toàn bộ" các quy định khống chế chi tiêu công ! Đây là cơ sở cho sự trỗi dậy của một Châu Âu mới !

Le Figaro : Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng phơi bày một tình trạng dễ tổn thương, bị coi nhẹ hoặc không được nhận ra, cho đến nay : cụ thể là sự phụ thuộc về mặt kinh tế của Pháp, về một số sản phẩm mang tính chiến lược, như dược phẩm…

Hubert Védrine : Đúng, và điều này không chỉ liên quan đến nước Pháp. Trong thế giới của nền kinh tế thị trường toàn cầu hiện nay, không chỉ là do "ý thức hệ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới", thì gần như không còn thứ gì được coi là chiến lược, ngoài lĩnh vực thuần tuý quân sự. Điều này cũng đi liền với việc việc chủ quyền của các Nhà nước và vai trò của Nhà nước bị hạ thấp một cách ầm ĩ, một cách thái quá, một cách phi lý.

Le Figaro : Phải chăng là một quan niệm về toàn cầu hóa đang có nguy cơ bị xem xét lại một cách nghiêm túc ?

Hubert Védrine : Có rất nhiều sự mù quáng, sự phóng đại, những thói tật sai lầm cần phải được xem xét lại. Cho dù một số người sẽ cố gắng ngăn cản việc này. Trong số những điều đó, hiển nhiên là có quan điểm về một tiến trình toàn cầu hóa mang lại hạnh phúc… Hạnh phúc ư ? Đúng là, trong một giai đoạn nhất định, toàn cầu hóa đã từng được coi là như vậy, đối với những người nghèo tại các quốc gia nghèo, và những người giàu tại các quốc gia giầu. Cho đến khi mà sự thất vọng của các tầng lớp dân nghèo và trung lưu của các quốc gia phát triển biến thành nỗi thất vọng và chủ nghĩa dân tuý. Tuy nhiên, bên ngoài chuyện đó, phải chăng là chính lối sống vô tư lự, coi khoái lạc là trên hết, cá nhân chủ nghĩa và vui thú hội hè - dường như đã trở thành cái quyền căn bản nhất trong nhân quyền (với một số người, quyền đó còn cao hơn cả quyền tự do ngôn luận) - đang bị xem xét lại ? Chính lối sống này, đối với toàn bộ hay một phần nhân loại, là nguồn gốc của thói quen di chuyển liên tục, không giới hạn, không bị cản trở, một sự chuyển động hỗn loạn. Với các cuộc du hành không ngừng nghỉ của giới làm ăn, du lịch đại chúng (1,4 tỉ khách du lịch trong năm 2019), chúng ta có tổng cộng 4 tỉ cuộc đi lại vào năm 2017, và khoảng 8 tỉ "được trông đợi" vào năm 2035 (như dự đoán, trước đại dịch).

Cũng cần phải xem xét lại nền kinh tế "sòng bạc" tài chính toàn cầu, hoàn toàn không bị giới hạn (điều mà Obama đã bắt đầu làm và Trump đã huỷ bỏ), và các "chuỗi giá trị", tức các hoạt động sản xuất được rải ra trên khắp thế giới, được coi là mang lại hiệu quả tối ưu, nhưng hàng hóa sản xuất ra lại không bao gồm những cái giá phải trả về mặt sinh thái. Nếu chúng ta không cố tình tự bịt mắt mình, thì toàn bộ những điều này sẽ không chỉ đặt lại vấn đề về lối sống, mà cả về toàn bộ một nền văn minh : Nền văn minh của chúng ta. Quả là kinh hoàng !

Le Figaro : Trong số các tín điều bị tan vỡ với cuộc khủng hoảng này, phải chăng cũng có cả một tín điều - cho đến nay vẫn được coi là bất di, bất dịch và liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu - tín điều về việc mở tung các đường biên giới ?

Hubert Védrine : Tín điều này vốn đã bị thách thức nghiêm trọng trong nội bộ khối Schengen, với làn sóng nhập cư cách đây ít nay, là hệ quả của cuộc chiến tranh tại Syria. Tuy nhiên, cú sốc virus corona đang làm tan thành tro bụi khá nhiều tập quán tư duy, ý thức hệ và những niềm tin vốn được coi là bắt rễ sâu sắc. Điều gây ngạc nhiên là việc tự do đi lại trong nội bộ Châu Âu đã trở thành một biểu tượng tuyệt đối về chính Liên Âu. Trên thực tế, các thỏa thuận Schengen chỉ được khởi động từ năm 1985 (trong lúc Hiệp ước Roma có từ năm 1957). Thoạt tiên, đó chỉ là một sáng kiến khiêm tốn - và thông minh - từ phía các bộ trưởng phụ trách vấn đề Châu Âu của một số quốc gia thành viên. Rồi dần dần, theo năm tháng, điều này đã trở thành một yếu tố trung tâm (trong đời sống của Châu Âu), nhưng cũng đáng tiếc là gắn liền với nó là một sự khinh suất tội lỗi liên quan đến đường biên giới bên ngoài của khối Schengen, do ý thức hệ về "một chủ nghĩa không biên giới". Bởi vào lúc đó, người ta cho rằng các thỏa thuận quốc tế về nhân đạo và về kinh tế cũng sẽ mở rộng ra mãi mãi. Tương tự như trước đây, người ta đã từng đi truyền giáo, từng thực dân hoá, từng khai hóa văn minh, người ta đã từng tin tưởng là thế giới sẽ mở toang. Có thể nói đây là một lối hành xử cùng một lúc vừa đầy xúc cảm, vừa gây thiện cảm, vừa ngây thơ, nhưng cũng vừa ngạo mạn. Hệ quả là, hiệp định Schengen, tự do đi lại, đã trở thành biểu tượng cho chính Châu Âu. Việc từ bỏ đường biên giới đã trở thành một thứ tín điều mang tính tôn giáo, không được phép nghi ngờ. Sylvain Tesson (nhà văn, nhà du hành người Pháp) đã hoàn toàn có lý khi tuyên bố (trên Le Figaro ngày 20/03 vừa qua) : "Ai phản đối, về mặt tinh thần, cái tôn giáo của việc tự do lưu thông, người đó là đồ chó má. Bức tường là hiện thân của cái ác". Tuy nhiên, toàn bộ lối nghĩ đó đã bị lay chuyển dữ dội bởi những gì đang diễn ra. Kể từ đây, chúng ta cần phải học cách quay lại với tinh thần thực tiễn.

Le Figaro : Cần rút ra những bài học nào từ đại dịch đang diễn ra ? Liệu chúng ta có thể hy vọng một "thế giới mới" trỗi dậy sau cuộc khủng hoảng này ?

Hubert Védrine : Sẽ có nhiều bài học rút ra và nhiều thay đổi cần thực hiện. Dĩ nhiên, sẽ có các thế lực rất mạnh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và xã hội đòi hỏi quay trở lại với nếp sống "bình thường", đặc biệt nếu như các điều trị của Hàn Quốc và của bác sĩ Raoult (với chloroquine) ra hiệu quả. Tuy nhiên, không nên nhường bước cho các đòi hỏi như vậy, sau giai đoạn phong toả. Bắt đầu bằng yêu cầu tiếp tục duy trì các hành vi tạo khoảng cách an toàn phòng dịch (gestes barrières de précaution). Tiếp theo đó, phải tiến hành xem xét kỹ lưỡng toàn bộ những gì cần sửa chữa hay từ bỏ trên cấp độ quốc tế, Châu Âu, quốc gia, về mặt khoa học, về mặt hành chính, về mặt tập thể cũng như về mặt cá nhân. Cần phải lập ra một hệ thống hợp tác quốc tế liên chính phủ có khả năng hành động - đáng tin cậy hơn là một "cơ chế điều hành toàn cầu" hữu danh vô thực như hiện nay - để phát hiện ngay lập tức các nguy cơ, báo động và tổ chức các biện pháp phòng ngừa và các phương thức xử lý đối với các đại dịch trong tương lai. Cũng cần phải làm rõ các điều kiện có thể dẫn đến sự xuất hiện các bệnh dịch truyền nhiễm, từ động vật sang người. Cần phải duyệt xét lại toàn bộ hệ thống của Liên Hiệp Quốc - Breton Woods - G7 - G20, v.v.

Cũng đồng thời cần sinh thái hóa mọi lĩnh vực : Từ nông nghiệp đến công nghiệp thực phẩm, các ngành công nghiệp (bao gồm công nghiệp hóa chất), giao thông, xây dựng, năng lượng, các phương pháp tính toán về kinh tế vĩ mô (loại hình GDP). Tất cả những điều này sẽ dẫn đến việc kéo trở lại nhiều hơn các dòng lưu thông kinh tế về với các nền kinh tế mang tính khu vực. Làm sao để cho hoạt động sản xuất và nền kinh tế nói chung trở nên xoay vòng (có nhiều sản phẩm tái chế hơn, ít rác thải hơn). Tất cả những điều đó sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn của nền nông nghiệp và nông nghiệp thực phẩm trong vòng 10 hay 15 năm nữa. Xu thế sinh thái hóa này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong giao thông, và trong nhiều lĩnh vực khác. Tất cả những chuyện này đã khởi sự, tại các quốc gia phát triển nhất, nhưng sẽ cần phải được tăng tốc và phổ biến rộng rãi.

Le Figaro : Phải chăng thực hiện tất cả những hướng đi, mà ông vạch ra, bao hàm việc chúng ta phải thay đổi triệt để lối sống của mình ?

Hubert Védrine : Ồ ! Dù không cần phải trở về với cuộc sống thời Pascal (triết gia, nhà toán học Pháp thế kỉ XVII Blaise Pascal), nhưng rõ ràng chúng ta cũng cần phải giảm bớt thói quen dịch chuyển thường xuyên ! Nhưng mà ai có thể làm được điều đó ? 7 tỉ thành viên của nhân loại hiện nay chắc chắn sẽ không thể trở lại với lối sống của những người săn bắt - hái lượm xưa kia, suốt đời sống quanh quẩn tại một nơi. Di chuyển nhiều đã trở thành bản tính của nhân loại thế kỷ XXI. Những ai bị loại trừ cũng chỉ mong được hưởng quyền lợi này. Tuy nhiên, ta có thể sẽ phải ý thức rõ về các thảm hoạ do du lịch đại chúng thương mại hóa (đừng đồng nhất phương thức du lịch này với những cuộc du hành). Thắng cảnh Dubrovnik (Croatia), hòn đảo Santorin (Hy Lap), hay khu đền Angkor (Cam Bốt) đã từng là các nạn nhân, và sắp tới sẽ là thành phố Venise (Ý). Phải chăng chúng ta thực sự cần đến con số 100 triệu khách du lịch tại Pháp ? Và "với bất cứ giá nào" ? Diễn đạt nói trên có thể hàm nghĩa là sẽ có các khoản thu nhập thiếu hụt cần được bù lấp.

Le Figaro : Một số người đã cổ vũ cho việc phi toàn cầu hóa về năng lượng, ông nghĩ gì về việc này…

Hubert Védrine : Chúng ta nên nói đến việc "phi các-bon hoá". Tôi cũng xin nhắc lại là nước Pháp được hưởng loại năng lượng phi các-bon, nhiều nhất trong số các nước phát triển (nhờ năng lượng hạt nhân). Ta có thể hình dung là điều đó trước hết cho phép giảm từ từ năng lượng than (vấn đề là làm thế nào để thuyết phục được Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan và Đức về điều này ?) và tiếp tục theo đuổi hạt nhân - loại năng lượng không phát thải - cho đến khi nào chúng ta có được phương tiện để dự trữ được điện, do các năng lượng tái tạo sản xuất ra, với giá thành hợp lý.

Le Figaro : Thế còn Châu Âu ? Châu Âu có thể rút ra được những bài học nào từ cuộc khủng hoảng này ?

Hubert Védrine : Châu Âu sẽ phải tiếp tục và có thể tìm thấy, với cuộc khủng hoảng đặc biệt này, các phương tiện để tự giải thoát được khỏi một số trói buộc và những khuyết tật mang tính hệ thống, bằng cách phối hợp một cách tốt hơn chủ quyền quốc gia - cần được bảo tồn, và chủ quyền Châu Âu - cần được cụ thể hoá, theo nguyên tắc phụ trợ (la subsidiarité), thẩm quyền được trao cho cấp nào có khả năng hành động hiệu quả hơn.

Le Figaro : Ông nghĩ thế nào về cách thức tổng thống Emmanuel Macron xử lý cuộc khủng hoảng này ? Về ngôn từ mang tính chiến tranh của ông ấy, về lời kêu gọi "hãy đọc sách" của tổng thống Macron ?

Hubert Védrine : Chiến tranh (chống đại dịch) ư ? Rõ ràng là như vậy ! Đọc ư ? Nếu như người ta nghe lời ông ấy ! Nhưng ông ấy cũng đã nói "sau đây sẽ không còn điều gì như trước nữa". Rộng hơn mà nói, cuộc khủng hoảng hiện nay mang lại thêm các phương tiện hành động cho những người "bị toàn cầu hoá" trong cuộc đối đầu với "những người tổ chức cuộc toàn cầu hoá" hiện nay, mang lại các phương tiện cho phía những người có thẩm quyền lập ra các quy tắc (cho quá trình toàn cầu hoá) trong cuộc đối đầu với phía những người phá bỏ các quy tắc, những kẻ vô trách nhiệm. Điều khẩn cấp trước mắt hiện này lẽ dĩ nhiên là phải chấm dứt dịch bệnh và tránh cho nền kinh tế bị suy sụp (và kèm theo đó là sự suy sụp của xã hội). Tuy nhiên, mọi người cũng trông đợi ở tài nhạc trưởng của tổng thống Emmanuel Macron, trong giai đoạn sau đó (giai đoạn hậu phong toả, và sau khi đại dịch lui bước), trên tất cả mọi cấp độ. Và đây chính là một cơ hội lịch sử.

Trọng Thành dịch

Nguồn : RFI, 25/03/2020

Published in Diễn đàn

Giống virus Vũ Hán, xuất hiện tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái đang làm cho thế giới chao đảo. Nhân loại đang sống trong thời gian kinh hoàng và chưa có được thuốc giải hiệu nghiệm.

Trong cơn dịch bệnh này nhiều thứ trên thế giới đang đảo lộn, nhưng các quốc gia đã cảm nhận được đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

"Chết bởi Trung Quốc"

Người chết vì virus Vũ Hán từ Trung Quốc trên thế giới đã vượt qua con số 14 ngàn người và tăng nhanh. Số người nhiễm bệnh bởi virus này phủ khắp toàn cầu. Tăng lên từng phút. Bệnh viện, nhân lực ngành y tế tại nhiều quốc gia quá tải dù đã huy động từ người về hưu đến sinh viên chưa tốt nghiệp. Khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra tại chính các quốc gia phát triển, do phải chọn người để điều trị như tại Ý, sắp tới có thể là Tây Ban Nha…

chet1

Sách "Chết bởi Trung Quốc" của Peter Navarro và Gregory Autry (1).

Học sinh, sinh viên phải nghỉ học dài ngày. Vô số doanh nghiệp tại nhiều quốc gia bị buộc ngừng hoạt động để hy vọng ngăn chặn được sự lây lan của virus Vũ Hán. Nhiều công ty, cơ quan công quyền yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. Chứng khoán, được xem như nhiệt kế của nền kinh tế tại nhiều quốc gia tụt dốc.

 

 

Bất kể dân chủ hay độc tài, từ Iran, Việt Nam, sang Ý, sang Tây Ban Nha, Pháp, đến Mỹ… hàng loạt quốc gia đóng cửa biên giới, đưa ra các biện pháp hạn chế việc đi lại, giới nghiêm, khoanh vùng cô lập…

Tình hình sẽ còn nguy cấp hơn, nếu dịch bệnh virus Vũ Hán bùng phát tại các nước chưa phát triển như nhiều nước ở Châu Á và hàng loạt nước tại Châu Phi. Nơi ngành y tế chưa được trang bị tốt như các nước đang bị dịch bệnh này hoành hành.

Con virus Vũ Hán từ Trung Quốc đang không ngừng gây tang thương trên toàn cầu.

Lệ thuộc vào Trung Quốc

Hơn một tháng trước thế giới còn thản nhiên nói về nền kinh tế của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào sau dịch bệnh bùng phát tại thành phố Vũ Hán của quốc gia này. Thì nay họ đang cảm nhận được sự chao đảo của nền kinh tế giới ngay hiện tại và trong tương lai. Thấy rõ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, làm giảm sự chủ động của quốc gia. Ngay cả với các mặt hàng thiết yếu như các hoạt chất sản xuất thuốc, khẩu trang…

Tại thời điểm dịch SARS, trọng lượng nền kinh tế Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 4% GDP toàn cầu, thì hiện nay con số đó đã tăng lên khoảng 16%. Trong nhiều chục năm qua Trung Quốc được mệnh danh "công xưởng của thế giới" nhờ lực lượng nhân công rẻ, dồi dào, có tay nghề, nhiều quy định về môi trường, an toàn không quá khó, các lĩnh vực hậu cần đáp ứng tốt.

Bởi thế hàng loạt doanh nghiệp từ nhỏ, vừa, đến đại công ty đã tìm đến Trung Quốc làm nơi sản xuất để giảm chi phí đầu tư, sản xuất, tăng lợi nhuận và khai thác thị trường đông dân đang phát triển của quốc gia này. Có thể khẳng định tất cả các công ty tầm vóc thế giới đều đang có nhà máy sản xuất, hoặc gia công một phần tại Trung Quốc.

Trung Quốc trưng ra ‘miếng bánh thơm phức" mời gọi đến đầu tư và siết chặt dần qua việc buộc họ phải chuyển giao công nghệ. Điều này đã cho phép Trung Quốc nhanh chóng nâng cấp được các lĩnh vực sản xuất, làm chủ những công nghệ đỉnh của thế giới hiện nay như 5G, nhận diện hình ảnh, trí tuệ nhân tạo, giao thông, chế tạo…

Các doanh nghiệp Trung Quốc lớn mạnh và quay lại thâu tóm, mua cổ phần nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ thế giới như Lenovo, Volvo, đến Daimler AG (công ty mẹ của hãng xe Mercedes Benz)… Đến mua cảng biển tại Hy Lạp, Bỉ, Úc, Sri Lanka…

Nghĩ miếng bánh thơm của Trung Quốc dễ ăn, từ tầm mức quốc gia đến hoạt động doanh nghiệp đã dành quá nhiều ưu ái cho người Hán. Hậu quả, trong dịch bệnh virus Vũ Hán thế giới nhận ra đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc từ nguyên vật liệu, linh kiện, máy móc, đến thành phẩm. Từ Apple, đến Samsung, Huyndai… nhiều quốc gia phát triển đang như ngồi trên đống lửa.

Cụ thể Trung Quốc đang cung cấp 50% khẩu trang tiêu chuẩn cho thế giới. Ấn Độ đang phụ thuộc đến khoảng 90% các hoạt chất dược liệu từ Trung Quốc để sản xuất thuốc.

Đến chủ tịch Tiểu ban Năng lượng và Thương mại Sức khỏe của Mỹ, bà Anna G. Eshoo, hồi cuối tháng hai này cũng nhìn nhận, các công ty điều chế dược phẩm của Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu từ Trung Quốc, một điều không thể chấp nhận.

Không ít nhà máy tại nhiều quốc gia đã phải đóng cửa, ngừng sản xuất, chậm ra sản phẩm... vì nguồn cung từ Trung Quốc gián đoạn, từ Huyndai, iPhone, tới những doanh nghiệp nhỏ hơn.

Nắm trong tay những điều kiện do doanh nghiệp từ nước ngoài mang đến, trong cơn dịch bệnh của thế giới Trung Quốc trở thành kẻ lớn giọng ban phát, đánh bóng hình ảnh nghĩa hiệp cho thế giới. Chẳng hạn qua việc hỗ trợ cho Ý máy trợ thở, khẩu trang, đồ bảo hộ và y bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị virus Vũ Hán.

Toàn cầu hóa đang khiến quá nhiều quốc gia tự trao mình để trở nên lệ thuộc vào Trung Quốc. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu Trung Quốc cũng đang ‘nắm chìa khóa’.

Qua dịch virus Vũ Hán, đâu chỉ Việt Nam cần thoát Trung. Hàng loạt các quốc gia từ đã phát triển, đang phát triển, đến bắt đầu phát triển đều nhận ra cần phải thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Võ Ngọc Ánh 

(23/3/2020)

(1) Chết dưới tay Trung Quốc :

Phần 1

Phần 2 và tiếp theo

 

Thì nay họ đang cảm nhận được sự chao đảo của nền kinh tế giới ngay hiện tại và trong tương lai. Thấy rõ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, làm giảm sự chủ động của quốc gia. Ngay cả với các mặt hàng thiết yếu như các hoạt chất sản xuất thuốc, khẩu trang…

 

Published in Diễn đàn
mercredi, 19 septembre 2018 22:42

Toàn cầu hóa đang cáo chung ?

Việc Chính quyền Hoa Kỳ vừa tung ra đợt áp thuế thứ ba trong trận thương chiến với Trung Quốc khiến nhiều người bình luận về hậu quả. Nhưng mục Điễn đàn Kinh tế lại nhìn vào nguyên nhân và nêu câu hỏi về hiện tượng toàn cầu hóa.

global1

Bảng quảng cáo hiển thị các chỉ số chứng khoán toàn cầu tại sàn chứng khoán Đài Loan - AFP

Thương chiến Mỹ-Trung

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. 

Thưa ông, chiều Thứ Hai 17 vừa qua, Chinh quyền Mỹ đã công bố một quyết định áp thuế nữa trên một lượng hàng hóa của Trung Quốc có trị giá tương đương với 200 tỷ đô la. Ông nghĩ sao về quyết định này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất, chiến tranh thương mại hay thương chiến giữa hai nước mới chỉ bắt đầu. Thứ hai, khi dự đoán về hậu quả, giới kinh tế cứ bị ý thức hệ chi phối nên có thể tính sai. Thứ ba, trận thương chiến chỉ là hậu quả của nhiều chuyện bất thường trước đó. Và nếu suy ngẫm cho kỹ, có lẽ người ta phải kết luận rằng hiện tượng toàn cầu hóa đang chấm dứt trước mắt chúng ta. Đề tài này rất phức tạp rắc rối nên tôi sẽ cố gắng trình bày thật chậm, có khi qua vài kỳ.

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta có lẽ đã quen với phương pháp hay khảo hướng lý luận của ông với khá nhiều nghịch lý nên Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho những lập luận này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu tiên, trận thương chiến mới chỉ bắt đầu và sẽ không dứt. Sau hai đợt áp thuế đầu tiên trên 34 tỷ rồi 16 tỷ hàng hóa của Trung Quốc, Hoa Kỳ áp thuế đợt ba, nhưng qua hai bước, là 10% từ hôm 24 này cho tới cuối năm, sau đó là 25% từ đầu năm tới. Danh mục 6000 ngàn mặt hàng của Tầu bị áp thuế có một số thay đổi căn cứ trên yều cầu của doanh nhiệp Hoa Kỳ. Trong khi đó, ông Trump còn nói đến biện pháp tăng thuế trên một lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá tới 260 tỷ đô la nữa. Có nhiều lý do giải thích diễn biến này.

Thứ nhất, Hoa Kỳ không chỉ áp thuế để điều chỉnh thất quân bình mậu dịch, nôm na là nạn nhập siêu khi Mỹ mua nhiều hơn bán cho Tầu mà muốn gây áp lực để Bắc Kinh phải cải cách hệ thống kinh tế chính trị của họ. Cụ thể là phải tháo gỡ chế độ bảo hộ nội địa là bảo về các doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc ; là chấm dứt vai trò chủ đạo của hệ thống doanh nghiệp nhà nước ; là bãi bỏ chế độ cưỡng bách chuyển giao công nghệ, thậm chí ăn cắp công nghệ cao cấp của Hoa Kỳ qua việc không chấp hành luật lệ bảo vệ tác quyền.

Lý do thứ hai là cho thấy Hoa Kỳ không sợ đòn trả đũa của Bắc Kinh, như tác động vào các địa phương bỏ phiếu cho Chính quyền Donald Trump và đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày sáu Tháng 11 tới đây và vào cuộc Tổng tuyển cử năm 2020. Hoa Kỳ không sợ biện pháp trả đũa này vì tình hình kinh tế khả quan hơn mọi dự đoán trước đây và vì một số doanh nhiệp Mỹ cũng đã thấy ra gian ý của Bắc Kinh khi bị gây khó khăn ở tại Trung Quốc.

Lý do thứ ba nằm ngoài lĩnh vực kinh tế, là Hoa Kỳ muốn ngăn chặn và đẩy lui đà bành trướng lẫn tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên nhiều khu vực địa dư khi chính kinh tế của Trung Quốc cũng có bao khó khăn nội tại. Vì vậy, tôi trộm nghĩ rằng trận thương chiến sẽ không dứt mà còn kéo dài nhiều năm.

Kinh tế và ý thức hệ

Nguyên Lam : Qua bước thứ hai, Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích cho tại sao ông nói rằng giới kinh tế đôi khi dự báo sai về hậu quả chỉ vì họ bị ý thức hệ chi phối. Chẳng hóa ra giới kinh tế cũng có thể thiếu khách quan ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chuyện này không sai ! Khi nói Mỹ sẽ áp thuế thêm 10% trên một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc, nhiều kinh tế gia dự đoán hay tri hô sai rằng giới tiêu thụ các mặt hàng đó sẽ phải trả giá đắt hơn 10% ! Sự thật ít khi xảy ra như vậy vì mỗi mặt hàng lại có sự vận hành khác chứ không đồng dạng. Và thuế cao sẽ dẫn tới ba kịch bản. Một là sản phẩm có thể đắt hơn 10%, hai là nhà tiêu thụ có thể mua ít hơn ; ba là doanh nghiệp nhập khẩu có thể ít lời hơn nên sẽ tính toán lại về sự lợi hại. Vì vậy, việc áp thuế không nhất thiết là làm giới tiêu thụ bị nghèo đi. Những nhà kinh tế muốn bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc cứ chỉ nói về hậu quả này để dọa nạt dư luận.

Họ quên hoặc cố tình quên rằng các doanh nghiệp nhập khẩu hay sử dụng hàng của Trung Quốc trong tiến trình sản xuất để bán cho dân Mỹ cũng biết tính. Họ có thể chịu một phần thiệt lại, doanh lợi bị giảm, hầu giới tiêu thụ vẫn mua số lượng cũ với giá xưa, nhất là nếu mặt hàng đó là loại có giá trị, điển hình là đồng hồ cao cấp. Biện pháp áp thuế chỉ chuyển nguồn lợi từ phía Trung Quốc về Hoa Kỳ làm các doanh nghiệp Mỹ phải tìm chiến lược khác hơn là đầu tư và tạo ra việc làm cho lao động Trung Quốc mà gây thiệt hại cho Mỹ.

Nguyên Lam : Câu chuyện này quả là phức tạp chứ không dễ hiểu. Nguyên Lam xin trở lại điểm thứ ba ông trình bày hồi nãy. Rằng "trận thương chiến này chỉ là hậu quả của nhiều chuyện bất thường trước đó." Xin ông khai triển thêm cho thính giả của chúng ta về những chuyện bất thường này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ mấy chục năm qua, quốc gia nào cũng đề cao tự do thương mại, kể cả một nước ăn gian theo diện chính sách như Trung Quốc hay các nước dân chủ tiên tiến theo quy luật thị trường như Âu-Mỹ-Nhật. Dù đề cao như vậy, xứ nào cũng ngầm bảo vệ một số khu vực nội địa của mình, vì lý do này hay lý do khác. Đấy là một chuyện bất thường mà nhiều nhà kinh tế chẳng nói ra có khi còn tìm lý do biện hộ cho chế độ bảo hộ mậu dịch trá hình. Trong trò gian đó thì bất lương nhất là các kinh tế gia Trung Quốc.

Bất thường nghiêm trọng hơn thế là các nước đều tìm đà tăng trưởng cao nhờ lương thấp vì vậy, họ khai tử toàn cầu hóa mà cứ nói là bảo vệ tự do mậu dịch !

Tăng trưởng cao nhờ lương thấp

Nguyên Lam : Có lẽ ông đang đi vào điểm chính của đề tài hôm nay. Thưa ông, thế nào là "tìm đà tăng trưởng cao nhờ lương thấp" ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong khi lãnh đạo xứ nào cũng nói đến nhu cầu bảo vệ dân nghèo, họ đều áp dụng chung một chiến lược là tìm cách sản xuất cho nhiều cho rẻ để đạt mức tăng trưởng cao. Hậu quả bất thường và trái ngược của toàn cầu hóa là các nước tìm những nơi có nhân công rẻ nhất để sản xuất và các nước nghèo thì ép lương của giới lao động để thu hút đầu tư từ các nước giàu hơn.

Nhưng trong đà hồ hởi về toàn cầu hóa, người ta không thấy ra sự thật kinh tế là lương rẻ lại đánh sụt số cầu. Số cầu là nhu cầu tiêu thụ của con người, nếu lợi tức giảm vì lương thấp hay lương sụt thì số cầu đó cũng giảm. Kinh tế gọi số cầu đó là "tổng cầu", hoặc "aggregate demand". Chiến lược sản xuất cho nhiều và rẻ dẫn tới sự giảm sút của tổng cầu, nhưng một thiểu số lại chiếm lợi nhiều hơn chính là nhờ việc mua bán hay xuất nhập bất thường như vậy. Hãy tưởng tượng đến một cái bánh nhỏ hơn mà thiểu số mua qua bán lại thì chiếm phần lớn hơn.

Thí dụ cụ thể như tại Việt Nam, giới đầu tư ngoại quốc đem tiền vào tìm nhân công rẻ lại được nhà nước Việt Nam ưu đãi cũng vì chiến lược kinh tế dại dột ấy. Giới đầu tư thì giàu to và rút tiền lời về nước, còn Việt Nam được tiếng xuất nhập khẩu cao nhất mà lao động Việt Nam chẳng có miếng nào ! Nếu giới đầu tư lại là của Trung Quốc thì ta thấy ra tai họa nhiều mặt. Đó là "toàn cầu hóa... dại".

Nguyên Lam : Ông đã nói rằng đề tài kỳ này khó hiểu nhưng Nguyên Lam là chẳng ngờ nó lại rắc rối tới mức đó vì nhân danh toàn cầu hóa nhiều quốc gia cũng theo đuổi chiến lược này.

global2

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, Việt nam. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, khoa kinh tế gọi hiện tượng này là "bần cùng hóa người láng giềng". Nếu xứ nào cũng cạnh tranh nhờ nhân công rẻ và lương bổng thấp thì mọi người đều bị nghèo đi. Các biện pháp lý thuyết về tự do thương mại như hạ thuế quan hay hạn ngạch đến mức tối thiểu cũng chỉ phục vụ chiến lược đó mà thôi vì thuế rẻ mua nhiều lại là mua từ nơi sản xuất rẻ hơn cả.

Quốc gia duy nhất gặp hoàn cảnh bất thường là không thể áp dụng chiến lược "bần cùng hóa người láng giềng" chính là Hoa Kỳ vì không thể có thặng dư cán cân thương mại là được xuất siêu, trong khi thị trường tư bản vẫn được tự do. Vì vậy, khu vực chế biến của Hoa Kỳ bị rút ruột khi doanh nghiệp Mỹ đầu tư kiếm lời ở xứ khác nhờ nhân công rẻ và nhiều tiểu bang bị kẹt giữa các tiểu bang duyên hải cứ lao vào toàn cầu hóa với các tổ hợp giàu có nhất. Chính vì vậy, Donald Trump mới đắc cử năm 2016. Ông ta chỉ là triệu chứng phản ảnh những bất lợi cho một thành phần quần chúng Mỹ mà thôi, chứ ông không gây ra tình trạng khủng hoảng ngày nay như nhiều người vẫn tố cáo.

Nguyên Lam : Nếu vậy thưa ông, rồi đây thì tình hình sẽ biến chuyển ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trở lại chuyện thương chiến Mỹ-Hoa, thời điểm này là bất lợi cho Bắc Kinh. Trước hết thì họ khó trả đũa vì hết đũa để trả khi chỉ nhập chừng 185 tỷ từ Hoa Kỳ mà có thể bị áp thuế tới 50 tỷ rồi 200 tỷ và có thể 260 tỷ nữa, tức là còn cao hơn số xuất khẩu của họ vào Mỹ trong năm ngoái là 505 tỷ.

Thứ nữa, Trung Quốc rơi vào cảnh chưa giàu đã già vì dân số bị lão hóa và lực lượng lao động sẽ sụt. Thứ ba, trong nội bộ thì dị biệt về lợi tức và nhận thức chỉ tăng chứ không giảm và là bài toán chính trị cho lãnh đạo Bắc Kinh. Thứ tư, khác với Hoa Kỳ là quốc gia có tiềm năng sáng tạo rất cao và đang bước lên bậc thang dịch vụ thay cho chế biến, Trung Quốc có nền văn hóa triệt tiêu sáng tạo vì không cho ai nghĩ khác hay nói khác với chân lý độc quyền của đảng. Sau cùng, xứ này không thể có đà tăng trưởng cao như trước và đang chìm trong một núi nợ dễ sụp đổ. Thương chiến kéo dài thì Bắc Kinh sẽ phải tăng chi và bơm tiền để kích thích kinh tế nên sẽ còn mắc nợ nhiều hơn.

Nguyên Lam : Thế còn chuyện toàn cầu hóa, thưa ông, tình hình rồi sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi e là tình hình sẽ này một tệ hơn cho tới khi các nước đành nói thật và không chơi trò gian nữa, là điều có xác suất rất thấp, tức là khó xảy ra. Kịch bản ở giữa là các nước đều sẽ thi đua áp thuế và hạn chế tự do vận chuyển tư bản cho tới khi bế tắc thì sẽ rà soát lại thực chất của toàn cầu hóa. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã, người ta nói đến "Thế giới Nhất thể hóa" là các nước tự do buôn bán với nhau trong một tập thể hợp nhất. Từ đó mới có trào lưu toàn cầu hóa. Trào lưu đó đang chấm dứt trước mắt chúng ta cho tới khi các nước nói thật và tìm ra một trật tự khác. Trật tự đó không thể là do Bắc Kinh lập ra vì khi đó, Trung Quốc đã lâm họa với những bế tắc bên trong.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 18/09/2018

Published in Diễn đàn

Toàn cầu hóa "kiểu Trung Quốc" đe dọa nước yếu

Thứ Hai, 15/05/2017, báo Pháp nhất loạt nói về tân tổng thống Macron, người vừa nhậm chức hôm trước. Libération : "Hãy cố lên". Les Echos : "Vào cuộc". Báo Le Figaro nói đến "Những thách thức lớn". Về thời sự quốc tế, Le Monde chú ý đến thượng đỉnh "Con Đường Tơ Lụa Mới" tại Bắc Kinh, diễn ra trong hai ngày, 14 và 15/05, với bài phân tích : "Một cuộc toàn cầu hóa kiểu Trung Quốc".

toancau1

Bản đồ Con Đường Tơ Lụa thời cổ đại nối liền Âu-Á - ảnh : Wikipedia

Le Monde ghi nhận một thực tế rất mới là, kể từ một năm nay, cứ mỗi tuần lại có một đoàn tàu chở hàng từ Trung Quốc vượt qua hơn 10.000 km, tới khoảng 15 thành phố Châu Âu, từ Lyon, đến Luân Đôn, Madrid, Duisburg (Đức)… Việc hàng hóa lưu chuyển bằng đường sắt từ Đông qua Tây, và ngược lại, là một trụ cột trong dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh, còn gọi là dự án "Một vành đai, một con đường", khởi sự từ năm 2013, có tham vọng bao trùm hơn 60 quốc gia, với hai phần ba dân số và gần một nửa GDP toàn cầu.

Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy một "thời kỳ vàng son" cho thương mại song phương Châu Âu – Trung Quốc đang đến ?

"Hoàn toàn không có gì chắc chắn" ! Bên cạnh một loạt các cản trở hiện tại, như hàng rào thuế quan còn tồn tại ở nhiều nơi, tuyến đường sắt hiện chưa được nối liền hoàn toàn, an ninh tại nhiều khu vực bất ổn suốt dọc tuyến đường sắt… Le Monde nhấn mạnh đến "tính chất nguy hiểm của dự án đối với các nước dễ tổn thương nhất".

Đầu tư rất khó hoàn vốn

Hồi tháng 1/2017, công ty thẩm định tài chính Ficht cho rằng các nước nghèo rất ít có khả năng hoàn trả các khoản tín dụng khổng lồ, để xây dựng các cơ sở hạ tầng, vay từ Trung Quốc. Cụ thể như, dự án đường sắt cao tốc qua Lào, có trị giá ước tính 7 tỉ đô la, tương đương một nửa GDP quốc gia nghèo nhất hành tinh này. Theo chuyên gia văn phòng tư vấn Gavekal Dragonomics, một số quan chức Trung Quốc thừa nhận rằng sẽ phải chấp nhận mất đến 80% số vốn đầu tư vào Pakistan chẳng hạn.

Dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc, về mặt hình thức, có vẻ rất hấp dẫn. Khoảng 140 thỏa thuận về giao thông các loại đã được Trung Quốc ký kết với các đối tác, riêng tại khu vực Trung Á. Thế nhưng theo chuyên gia François Godement của một viện tư vấn hàng đầu của Châu Âu (European Council on Foreign Relations), cách làm ăn của Trung Quốc rõ ràng mang tính manh mún, bởi các thỏa thuận song phương như vậy hoàn toàn không thể thay thế cho một thỏa thuận thương mại toàn thể.

Theo chuyên gia nói trên, phần lớn các dự án bắt nguồn từ mục tiêu "địa chính trị" hơn là "thuần túy thương mại". Rất nhiều quốc gia ký kết hợp đồng với Trung Quốc ở trong trạng thái rất mong manh về tài chính, bất ổn về an ninh và nạn tham nhũng đè nặng.

Chủ yếu để giải quyết hàng dư thừa

Phân tích của Le Monde nhấn mạnh đến động lực ẩn đằng sau quyết tâm mở ra dự án "toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc" này, trước hết là để Bắc Kinh xuất khẩu khối lượng lớn hàng hóa công nghiệp đang dư thừa trong nước, sau nhiều thập niên tăng trưởng quá nóng. Bao nhiêu thép, xi măng, máy móc không có người tiêu thụ tại Trung Quốc cần đến các thị trường mới.

Theo Ngân hàng Phát Triển Châu Âu, từ nay đến 2030, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng riêng tại Châu Á ước tính là 26.000 tỉ đô la. Với lý do này, nhiều người hy vọng, nếu được quản lý tốt dự án Một Vành Đai Một Con Đường có thể thúc đẩy nhiều khu vực kinh tế "chậm phát triển nhất". Nhưng nhiều thực tế như đã dẫn ở trên cho thấy trong hiện tại, dự án khổng lồ của Trung Quốc rõ ràng là một mối nguy với nhiều nước nghèo.

Cũng về chủ đề này, báo La Croix dẫn nhận định của đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Trung Quốc, ông Hans Dietmar Schweisgut, lưu ý : để khẳng định thiện chí thúc đẩy tự do thương mại của mình, trước hết Trung Quốc nên thực hiện, ngay tại nước mình, những điều mà Bắc Kinh thường "rao giảng" trên trường quốc tế, cụ thể là không ngăn cản hàng hóa của Châu Âu vào Trung Quốc.

Bắc Triều Tiên dùng tên lửa mặc cả với Mỹ

Về thời sự Châu Á, Le Figaro cũng chú ý đến vụ Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa hôm qua, với bài "Bình Nhưỡng thách thức sự kiên nhẫn của tổng thống Mỹ". Vụ bắn tên lửa diễn ra chỉ bốn ngày sau khi tổng thống Hàn Quốc, một người chủ trương đối thoại với Bắc Triều Tiên, tuyên thệ nhậm chức.

Le Figaro cũng ghi nhận vụ bắn thử diễn ra song song với việc đại diện ngoại giao Bắc Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ, kể cả với mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân, một hồ sơ vốn bị bế tắc từ năm 2008.

Theo Le Figaro, thử tên lửa, đối lại chiến lược xoa dịu của Donald Trump, Bình Nhưỡng đang đi vào một con đường nguy hiểm. Theo đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, việc Bình Nhưỡng thử tên lửa càng khiến Washington không chấp nhận đàm phán với Bắc Triều Tiên.

Pháp : Macron hãy cố lên !

Về tân tổng thống Macron, Libération chạy tựa "Hãy cố lên", với bức hình cuộc chia tay của Emmanuel Macron với người tiền nhiệm tại Điện Elysée. Báo Les Echos chọn tựa lớn trang nhất : "Vào cuộc", trên nền bức ảnh tân tổng thống đầu trần dưới trời mưa bụi trên đại lộ Champs-Elysées.

Xã luận báo Le Figaro thiên hữu, mang tựa đề "Điều cơ bản, đó là nước Pháp", bày tỏ : "Mong sao ông ấy thành công", "với tư cách là người Pháp, với tư cách các công dân, hãy thực sự mong muốn điều đó ! Đừng sa đà vào những mặc cả vụn vặt". Điều quan trọng "không phải là cánh tả, cánh hữu hay cánh trung, mà là nước Pháp… Nước Pháp nghìn lần xứng đáng hơn là những cuộc tranh cãi thấp kém". Le Figaro kêu gọi hãy thừa nhận một điều là Emmanuel Macron phải kế thừa một nước Pháp đang trong tình trạng được gọi là "thê thảm", về kinh tế, tài chính và xã hội.

"Sự hồi sinh kỳ diệu"

Trong khi đó, với tựa trang nhất "Bước đi đầu tiên", báo công giáo La Croix dẫn lại lời hiệu triệu mang đầy hy vọng của tân tổng thống : "Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một sự hồi sinh kỳ diệu". Bài xã luận "Hương vị của tương lai" nhắc lại một diễn đạt đặc biệt của tân tổng thống Macron trong thời gian tranh cử : "En même temps" (tạm dịch là "Cùng lúc"). Cụm từ - vốn bị một bộ phận công luận Pháp nhạo báng – được Emmanuel Macron khẳng định như là tiêu biểu cho "khát vọng nhìn nhận toàn bộ tính phức tạp của thực tế, thay vì lập trường đơn giản hóa, đối lập triệt để thiện với ác".

La Croix đúc kết lại thông điệp của tân tổng thống. Đó là trước mắt cần đến "một nỗ lực bền bỉ", nhằm "trả lại cho người Pháp niềm tự tin, vốn bị suy yếu từ quá lâu, để làm sống dậy "khát vọng tương lai", với ba trọng điểm : giải phóng (thị trường) lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích sáng kiến.

Xã luận của tờ báo thiên tả Libération, với tựa đề "Di sản", ghi nhận một loạt đòi hỏi trái ngược, đang chờ đợi người tổng thống thứ tám của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Tân tổng thống Emmanuel Macron có tham vọng kế thừa "toàn bộ tinh hoa" của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, trong khi nhiều người cho rằng định chế này đang rơi vào giai đoạn "kiệt sức" ; người được cử tri hy vọng sẽ nhúng tay giải quyết mọi việc, lại chủ trương là một nguyên thủ đứng bên trên để điều hành, một tổng thống "rất kiệm lời"…

Macron phải thuyết phục được Châu Âu và Đức

Bên cạnh cuộc tranh cử Quốc hội, hồ sơ số một đợi tân tổng thống là Châu Âu. Chuyến công du Đức của Emmanuel Macron hôm nay cũng là chủ đề chính của nhiều báo. Báo Libération có bài "Châu Âu : Macron còn phải quyến rũ được Bruxelles và Berlin".

Libération ghi nhận một nghịch lý là : Nước Đức nằm ở trung tâm trong chiến lược tương lai của Emmanuel Macron, nhưng dịp thể hiện đầu tiên lập trường của lãnh đạo 39 tuổi về vấn đề này lại là một bài diễn văn bằng tiếng Anh, đọc tại Đại học Humboldt, Đức, hôm 10/01/2017. Một phát biểu gần như không được công chúng Pháp và Đức biết đến.

Trong bài diễn văn này, ứng cử viên Macron cho biết để lấy lại niềm tin với Đức, ông chủ trương thực thi cam kết không bội chi quá 3%, giảm nợ công và cải cách thị trường lao động. Cùng lúc đó là một loạt dự kiến cải cách táo bạo, đặc biệt là việc cải cách khu vực đồng euro, ngay từ cuộc họp đầu tiên của Hội Đồng Châu Âu vào tháng 6 tới. Theo Libération, dự án cải cách khu vực đồng euro của lãnh đạo Pháp trẻ tuổi bị Bộ trưởng tài chính Đức cho là "phi thực tế".

Ngân sách riêng cho khối euro, hồ sơ hàng đầu

Báo kinh tế Les Echos giới thiệu 6 hồ sơ chính về Châu Âu trong cuộc hội kiến giữa tổng thống Pháp và thủ tướng Đức hôm nay, trong đó có việc xây dựng ngân sách chung của khối euro, thúc đẩy đầu tư công, xây dựng nền quốc phòng Châu Âu, khuyến khích mua hàng sản xuất tại Châu Âu (Buy European Act), chính sách phân bổ người tị nạn.

Về ngân sách chung của khối Euro, được coi là một hồ sơ hàng đầu, theo tân tổng thống Pháp, cần có một bộ trưởng Tài Chính chung của khối, hoạt động dưới sự kiểm soát của một Nghị Viện của toàn khối. Đề nghị này của ông Macron vốn được đảng Xã Hội Dân Chủ Đức ủng hộ, nhưng đảng này vừa lãnh thêm một thất bại nặng nề tại cuộc bầu cử Nghị Viện vùng Nordrhein-Westphalen.

Dầu sao, theo Les Echos, Bộ trưởng tài chính Đức không bác bỏ hoàn toàn sáng kiến của Pháp, nhưng cho rằng "trước mắt" đề nghị nói trên là bất khả thi. Vì để thực hiện, cần điều chỉnh một loạt các hiệp ước của Châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc phải tổ chức trưng cầu dân ý tại nhiều quốc gia thành viên. Theo phía Đức, nên sử dụng các cơ chế sẵn có, như chuyển đổi Cơ Chế Bình Ổn Châu Âu (MES) thành Quỹ Tiền Tệ Châu Âu, có vai trò quản lý ngân sách của khối các nước sử dụng đồng euro.

Bài "Liên Âu nín thở chờ đợi dự án Châu Âu của tổng thống Macron" của Le Figaro tỏ ra lạc quan là : khác với năm 2016, "năm của những kịch bản đen tối nhất, sau khi Anh Quốc quyết định rời Liên Âu và Donald Trump dự kiến Liên Hiệp Châu Âu tan vỡ", năm 2017 này có thể sẽ là năm khởi đầu cho một "sự trỗi dậy tập thể". Theo Le Figaro, Paris và Berlin đã tìm được đồng thuận trong nhiều chủ đề : đoàn kết trong hồ sơ Brexit, bảo vệ các giá trị dân chủ tại khu vực các nước Đông Âu, hay chính sách an ninh…

Bắc Cực : Ngoại trưởng Mỹ lại khẳng định sẽ thực thi Thỏa thuận khí hậu

Trong lĩnh vực môi trường, báo kinh tế Les Echos có bài thông báo Mỹ vừa thông qua một tuyên bố về Bắc Cực, trong một thượng đỉnh được tổ chức hai năm một lần, cùng với 7 quốc gia vùng Bắc Cực.

Tuyên bố nói trên kêu gọi thực thi Thỏa thuận khí hậu Paris, một hiệp ước quốc tế được coi là thành tựu hàng đầu của thời Obama, vốn bị Tổng thống kế nhiệm Donald Trump đe dọa hủy bỏ. Tuyên bố được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ký tại Fairbanks, Alaska, hôm 11/05.

Tuy nhiên, Les Echos không mấy lạc quan với lập trường của Ngoại trưởng Mỹ, vì tuyên bố nói trên không mang tính ràng buộc. Mặt khác, cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí ExxonMobil khẳng định Hoa Kỳ không vội vã.

Tốc độ nóng lên của Bắc Cực được dự đoán sẽ nhanh gấp từ hai đến ba lần so với tốc độ trung bình của Trái đất. Nếu vào cuối thế kỷ, nhiệt độ Trái đất tăng 2°C, thì xứ sở của loài gấu trắng sẽ nóng lên từ 4°C đến 6°C. Hệ quả của mức tăng nhiệt độ này gây lo sợ.

Thành tựu sinh thái thời Hollande : Công lớn của bà Royal

Vẫn về sinh thái, báo Le Monde có bài tổng thuật "Sinh thái bị coi nhẹ" đáng chú ý, điểm lại những hay, dở của nhiệm kỳ tổng thống Pháp Hollande trong lĩnh vực môi trường. Ngoài Thỏa thuận khí hậu Paris, được coi là một "chiến thắng ngoại giao mang tính lịch sử không thể phủ nhận được", theo Le Monde, nhiệm kỳ của tổng thống Hollande để lại hai bộ luật quan trọng : luật chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và luật đa dạng sinh thái (xem thêm : Môi trường : Bất đồng sâu sắc giữa 2 ứng cử viên tổng thống Pháp).

Điều đáng chú ý là vấn đề sinh thái đã từng là con ghẻ của tổng thống trong hai năm đầu của nhiệm kỳ. Chỉ đến khi chính trị gia Segolène Royal, vợ cũ của tổng thống Hollande, trở thành bộ trưởng Môi Trường thì lĩnh vực này mới thực sự khởi sắc. Lần đầu tiên, tội gây "tổn hại cho sinh thái" được ghi vào luật Dân Sự. Tuy nhiên, bộ trưởng Môi Trường đã bị thua trong cuộc chiến chống nạn bùn đỏ, do công ty Alteo sản xuất alumium, xả vào khu bảo tồn biển Calanques, Địa Trung Hải.

Nhìn chung, cho dù nhiệm kỳ của tổng thống Hollande đã tạo lập được một số nền tảng quan trọng cho cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, nhưng chính sách chung về môi trường của tổng thống tiền nhiệm thiếu một đường lối nhất quán. Hàng loạt mảng quan trọng bị bỏ ngỏ, như cuộc chiến chống ô nhiễm không khí, chống thuốc trừ sâu, các chất gây rối loạn nội tiết tố, thiết lập một sắc thuế thực sự vì sinh thái, hay bảo vệ đại dương…

Trọng Thành

Published in Quốc tế