Giống virus Vũ Hán, xuất hiện tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái đang làm cho thế giới chao đảo. Nhân loại đang sống trong thời gian kinh hoàng và chưa có được thuốc giải hiệu nghiệm.
Trong cơn dịch bệnh này nhiều thứ trên thế giới đang đảo lộn, nhưng các quốc gia đã cảm nhận được đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
"Chết bởi Trung Quốc"
Người chết vì virus Vũ Hán từ Trung Quốc trên thế giới đã vượt qua con số 14 ngàn người và tăng nhanh. Số người nhiễm bệnh bởi virus này phủ khắp toàn cầu. Tăng lên từng phút. Bệnh viện, nhân lực ngành y tế tại nhiều quốc gia quá tải dù đã huy động từ người về hưu đến sinh viên chưa tốt nghiệp. Khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra tại chính các quốc gia phát triển, do phải chọn người để điều trị như tại Ý, sắp tới có thể là Tây Ban Nha…
Sách "Chết bởi Trung Quốc" của Peter Navarro và Gregory Autry (1).
Học sinh, sinh viên phải nghỉ học dài ngày. Vô số doanh nghiệp tại nhiều quốc gia bị buộc ngừng hoạt động để hy vọng ngăn chặn được sự lây lan của virus Vũ Hán. Nhiều công ty, cơ quan công quyền yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. Chứng khoán, được xem như nhiệt kế của nền kinh tế tại nhiều quốc gia tụt dốc.
Bất kể dân chủ hay độc tài, từ Iran, Việt Nam, sang Ý, sang Tây Ban Nha, Pháp, đến Mỹ… hàng loạt quốc gia đóng cửa biên giới, đưa ra các biện pháp hạn chế việc đi lại, giới nghiêm, khoanh vùng cô lập…
Tình hình sẽ còn nguy cấp hơn, nếu dịch bệnh virus Vũ Hán bùng phát tại các nước chưa phát triển như nhiều nước ở Châu Á và hàng loạt nước tại Châu Phi. Nơi ngành y tế chưa được trang bị tốt như các nước đang bị dịch bệnh này hoành hành.
Con virus Vũ Hán từ Trung Quốc đang không ngừng gây tang thương trên toàn cầu.
Lệ thuộc vào Trung Quốc
Hơn một tháng trước thế giới còn thản nhiên nói về nền kinh tế của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào sau dịch bệnh bùng phát tại thành phố Vũ Hán của quốc gia này. Thì nay họ đang cảm nhận được sự chao đảo của nền kinh tế giới ngay hiện tại và trong tương lai. Thấy rõ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, làm giảm sự chủ động của quốc gia. Ngay cả với các mặt hàng thiết yếu như các hoạt chất sản xuất thuốc, khẩu trang…
Tại thời điểm dịch SARS, trọng lượng nền kinh tế Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 4% GDP toàn cầu, thì hiện nay con số đó đã tăng lên khoảng 16%. Trong nhiều chục năm qua Trung Quốc được mệnh danh "công xưởng của thế giới" nhờ lực lượng nhân công rẻ, dồi dào, có tay nghề, nhiều quy định về môi trường, an toàn không quá khó, các lĩnh vực hậu cần đáp ứng tốt.
Bởi thế hàng loạt doanh nghiệp từ nhỏ, vừa, đến đại công ty đã tìm đến Trung Quốc làm nơi sản xuất để giảm chi phí đầu tư, sản xuất, tăng lợi nhuận và khai thác thị trường đông dân đang phát triển của quốc gia này. Có thể khẳng định tất cả các công ty tầm vóc thế giới đều đang có nhà máy sản xuất, hoặc gia công một phần tại Trung Quốc.
Trung Quốc trưng ra ‘miếng bánh thơm phức" mời gọi đến đầu tư và siết chặt dần qua việc buộc họ phải chuyển giao công nghệ. Điều này đã cho phép Trung Quốc nhanh chóng nâng cấp được các lĩnh vực sản xuất, làm chủ những công nghệ đỉnh của thế giới hiện nay như 5G, nhận diện hình ảnh, trí tuệ nhân tạo, giao thông, chế tạo…
Các doanh nghiệp Trung Quốc lớn mạnh và quay lại thâu tóm, mua cổ phần nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ thế giới như Lenovo, Volvo, đến Daimler AG (công ty mẹ của hãng xe Mercedes Benz)… Đến mua cảng biển tại Hy Lạp, Bỉ, Úc, Sri Lanka…
Nghĩ miếng bánh thơm của Trung Quốc dễ ăn, từ tầm mức quốc gia đến hoạt động doanh nghiệp đã dành quá nhiều ưu ái cho người Hán. Hậu quả, trong dịch bệnh virus Vũ Hán thế giới nhận ra đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc từ nguyên vật liệu, linh kiện, máy móc, đến thành phẩm. Từ Apple, đến Samsung, Huyndai… nhiều quốc gia phát triển đang như ngồi trên đống lửa.
Cụ thể Trung Quốc đang cung cấp 50% khẩu trang tiêu chuẩn cho thế giới. Ấn Độ đang phụ thuộc đến khoảng 90% các hoạt chất dược liệu từ Trung Quốc để sản xuất thuốc.
Đến chủ tịch Tiểu ban Năng lượng và Thương mại Sức khỏe của Mỹ, bà Anna G. Eshoo, hồi cuối tháng hai này cũng nhìn nhận, các công ty điều chế dược phẩm của Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu từ Trung Quốc, một điều không thể chấp nhận.
Không ít nhà máy tại nhiều quốc gia đã phải đóng cửa, ngừng sản xuất, chậm ra sản phẩm... vì nguồn cung từ Trung Quốc gián đoạn, từ Huyndai, iPhone, tới những doanh nghiệp nhỏ hơn.
Nắm trong tay những điều kiện do doanh nghiệp từ nước ngoài mang đến, trong cơn dịch bệnh của thế giới Trung Quốc trở thành kẻ lớn giọng ban phát, đánh bóng hình ảnh nghĩa hiệp cho thế giới. Chẳng hạn qua việc hỗ trợ cho Ý máy trợ thở, khẩu trang, đồ bảo hộ và y bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị virus Vũ Hán.
Toàn cầu hóa đang khiến quá nhiều quốc gia tự trao mình để trở nên lệ thuộc vào Trung Quốc. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu Trung Quốc cũng đang ‘nắm chìa khóa’.
Qua dịch virus Vũ Hán, đâu chỉ Việt Nam cần thoát Trung. Hàng loạt các quốc gia từ đã phát triển, đang phát triển, đến bắt đầu phát triển đều nhận ra cần phải thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Võ Ngọc Ánh
(23/3/2020)
(1) Chết dưới tay Trung Quốc :
. Thì nay họ đang cảm nhận được sự chao đảo của nền kinh tế giới ngay hiện tại và trong tương lai. Thấy rõ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, làm giảm sự chủ động của quốc gia. Ngay cả với các mặt hàng thiết yếu như các hoạt chất sản xuất thuốc, khẩu trang…