Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

29/03/2020

Từ đại dịch Covid-19, bàn về quốc gia và toàn cầu hóa

Việt Dân

Thế giới khởi đầu một thập niên mới với cơn ác mộng mang tên đại dịch Covid-19. Khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc con virus dần lan rộng đến toàn thế giới, làm xáo trộn và hốt hoảng từ chính quyền đến người dân. Các hoạt động kinh tế bị đình trệ, các hoạt động di chuyển bị giới hạn, các sàn chứng khoán đỏ lửa và sự quá tải của hệ thống y tế... Tất cả dường như nhuốm một màu bi quan lên cả những người lạc quan nhất.

Chúng ta sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa trước khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn với những thống kê nghiêm chỉnh những con số thiệt hại về mặt kinh tế, xã hội… thì mới có thể biết được nó đã tác động lên toàn cầu ra sao. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng cơn đại dịch này không khác nào một bước ngoặt để thế giới xét lại vấn đề "toàn cầu hoá" và "phát triển kinh tế" trong tương lai. Táo bạo hơn, đã có những ý kiến nêu ra việc xét lại các nền "Dân Chủ" và "Toàn Trị" trên thế giới. Người ta so sánh tính hiệu quả khi phải đương đầu với những vấn đề cấp bách và ảnh hưởng lên toàn xã hội như vậy, phải chăng công dân sẽ an toàn và dịch bệnh sẽ được đẩy lùi nhanh chóng hơn khi hạn chế quyền tự do cá nhân, người dân "được" cai trị và giám sát bởi những chế độ toàn trị, độc tài ?

cov1

Một tác phẩm nổi tiếng bàn về các chế độ độc tài kiểm soát công dân

Vậy phải hiểu như thế nào ? Thế giới đã thay đổi so với trước khi phải đối mặt với cơn đại dịch Covid-19 này. Nhưng chúng ta có cần hoảng sợ không, vì một lần nữa, cơn ác mộng của thời chủ nghĩa quốc gia sô-vanh đã tạo ra những chế độ phát-xít, hay những tranh cãi về dân chủ hoặc toàn trị diễn ra cao điểm ở Châu Âu suốt thời kì chiến tranh lạnh hiển hiện ra trước mắt ? Liệu giữa cơn hoảng loạn của đại dịch, sẽ xảy ra kịch bản các thể chế dân chủ ổn vững nhất sẽ dõi mắt và học theo theo những nước độc tài toàn trị với đại diện là Trung Quốc, Nga, hay Việt Nam… bắt đầu từ cách giám sát công dân, cho đến những bước tiếp theo để làm tê liệt hoàn toàn nền dân chủ ?

Câu trả lời là không. Vì sao ?

Đầu tiên, để trả lời câu hỏi này tôi xin dẫn lại hai ý chính của Yuvah Noah Harari trong bài viết gần đây. Harari là một nhà sử học, một học giả uyên bác, tác giả của những tác phẩm xuất sắc như Homo Sapiens, Homo Deus hay Những bài học cho thế giới trong thế kỉ 21 được đông đảo người dân đón nhận. Theo tác giả, có hai ý kiến cần được làm cho sáng tỏ giữa cơn đại dịch lan rộng đến toàn thế giới vào lúc này :

- Đầu tiên là chọn lựa giữa an toàn cá nhân và tự do cá nhân, giữa một nhà nước toàn trị áp dụng mọi biện pháp giám sát công dân từ hơi thở cho đến giấc ngủ hay một nhà nước tự do dân chủ tôn trọng quyền tự do cá nhân.

- Hai là trước sự chao đảo của thế giới vì con virus Covid-19, khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc, rồi lan rộng ra toàn thế giới. Liệu chúng ta phải chọn lựa giữa một sự cố thủ rút lui về biên giới quốc gia hay tăng thêm sự liên đới toàn cầu.

cov2

Tác phẩm của Yuvah Noah Harari

Chọn lựa nhà nước toàn trị hay một nhà nước dân chủ ?

Nếu bạn là độc giả nhiệt thành của Harari, ắt hẳn ý kiến này bạn đã đọc được trong những bài viết, tác phẩm của ông ngay trước khi có sự bùng phát cơn đại dịch này rồi đúng không ? Từ trước khi có đại dịch Covid-19, các chế độ độc tài toàn trị, tiêu biểu nhất là Trung Quốc đã bị tố giác với hàng loạt biện pháp giám sát công dân của họ như lắp đặt camera ở khắp mọi ngóc ngách, kiểm soát những ứng dụng mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, hay theo dõi lược sử thanh toán, chi tiêu của người dân bằng nhưng ứng dụng We-Chat… Họ đưa ra một hệ thống phân loại và đánh giá công dân tốt, công dân xấu bằng việc sàng lọc dữ liệu online của người dân. Những hành động đàn áp, tẩy não người dân ở Tân Cương thông qua những trại cải tạo, những tuyên truyền sai trái về lịch sử Trung Quốc vốn đã bị các tổ chức nhân quyền, báo chí… lên án từ nhiều năm qua rồi.

cov3

Trung Quốc giám sát chặt chẽ công dân của mình

Giữa lúc dịch bệnh hoành hành và làm chao đảo các nước dân chủ, lập luận cần một nhà nước toàn trị để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả chắc chắn lại được chế độ cộng sản Trung Quốc và bộ máy tuyên truyền của nó ra sức khuếch trương thêm. Nhưng trong một thế giới ngày càng nhỏ lại bởi những tiến bộ về truyền thông, người ta chỉ có thể bối rối khi chưa tìm ra được một lập luận sáng tỏ giữa dân chủ và độc tài, chứ không ai có thể cổ suý cho những hành động nhẫn tâm mà chế độ cộng sản Trung Quốc đã áp dụng triệt để lên người dân Vũ Hán. Trong đó, người ta thấy sự phẫn nộ của người dân, sự phơi bày yếu kém về hệ thống y tế, cũng như những hành động cưỡng chế người nghi nhiễm bệnh mà cứ tưởng như đang diễn ra ở thời Trung Cổ. Trung Quốc đã đi qua đỉnh dịch và chuẩn bị tuyên bố thắng lợi, nhưng cả thế giới vẫn nhìn họ với con mắt dè dặt và nghi ngại, khi những số liệu thực bị vốn thường xuyên bị nhào nặn tùy thích ở những chế độ độc tài.

Ngược lại, các quốc gia dân chủ như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hongkong, Singapore… Châu Âu, Mỹ sau thời gian đầu bối rối đã dần dần kiểm soát được dịch hiệu quả. Không nước nào đặt ra vấn đề phải hạn chế quyền tự do cá nhân, hay tăng cường việc giám sát công dân để ưu tiên cho sự an toàn về mặt sức khỏe và tư duy chính trị của người dân. Những biện pháp hạn chế đi lại, cách ly toàn thành phố đều là những hành động được người dân hưởng ứng và tuân thủ một cách kỉ luật trong thời gian này, vì họ hiểu điều này làm giảm thiểu rủi ro tối đa lây nhiễm cộng đồng cũng như chính quyền có được sự tín nhiệm của người dân.

Từ trước khi đại dịch diễn ra, đã có rất nhiều cuộc thảo luận về sự suy yếu của nền dân chủ hay nền dân chủ đã bị thao túng như thế nào, vì sao chủ nghĩa dân tuý lên ngôi… Nhưng đã không một học giả nào phản bác dân chủ, phản bác quyền con người để cổ súy cho một thể chế độc tài toàn trị. Câu hỏi về quyền tự do cá nhân trên không gian mạng cũng đã ngã ngũ. Các thể chế dân chủ phương Tây đã ban hành các biện pháp để đảm bảo quyền tự do cá nhân đối với những đại công ty như Google, Facebook, Amazon… Bên cạnh đó, trong cơn đại dịch này, nếu nhìn ở mặt tích cực, chúng ta càng có cơ sở vững chắc để tin vào quyền con người. Những thảo luận về sự nguy hại lên nền kinh tế nếu đóng cửa hay áp dụng những biện pháp hạn chế quá lâu đã không được thực thi. Trước một lựa chọn ưu tiên về việc duy trì tăng trưởng kinh tế 3% nhưng hy sinh 1% dân số vì đại dịch đã không được đặt ra, con người phải là cứu cánh trước tiên. Ngay cả các chế độ độc tài, trong sự túng quẫn kinh tế của nó, cũng không dám phản bác lập luận này. Thế giới đã tiến tới một trình độ văn minh hơn mà ở đó quyền con người phải là giá trị cao quý nhất chứ không thể bị khước từ nhân danh bởi một chủ thuyết, chủ thể nào cả. Không có gì quý hơn sinh mạng con người. Chủ nghĩa phúc lợi, hiểu giản dị là lấy quyết định mang lại phúc lợi tối đa cho mọi người, bị phủ quyết bởi quyền con người. Một chính quyền phải làm trong mọi khả năng để bảo vệ quyền con người trước khi bàn về những vấn đề như tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng sàn chứng khoán…

Chọn lựa cố thủ về biên giới quốc gia hay tăng cường thêm sự liên đới toàn cầu ?

Những phong trào dân tuý bùng phát lên trong những năm gần đây, được ủng hộ bởi những tiếng nói hẹp hòi theo chủ nghĩa dân tộc quá khích, bởi những người bị bỏ lại và đứng bên lề lợi ích của toàn cầu hoá và cơn đại dịch toàn cầu này càng là một lý cớ để nhiều người đả phá toàn cầu hoá và đòi rút lại, cố thủ trong biên giới quốc gia của dân tộc mình. Thế giới dần chia làm hai phe, ủng hộ toàn cầu hoá và những người theo chủ nghĩa quốc gia (nationalism).

Liệu chúng ta có cần chọn giữa chủ nghĩa quốc gia và toàn cầu hóa ?

Làm sao để có một kế hoạch toàn cầu theo lời tác giả Harari nếu như quốc gia vẫn được xem như một biên giới, một vùng lãnh thổ riêng biệt của một cộng đồng những người sống chung với nhau, chia sẻ một văn hóa, một ngôn ngữ và một lịch sử. Quốc gia là cứu cánh duy nhất, là không gian trách nhiệm duy nhất, như lời Donald Trump nói : America First ? Liệu chúng ta có thể tìm ra được một đồng thuận chung, một kế hoạch toàn cầu giữa những nước, những thế chế khác biệt nhau hoàn toàn như Trung Quốc, Nga, Việt Nam, Triều Tiên với các thể chế dân chủ Mỹ, Tây Âu, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… ?

Câu trả lời là không chừng nào chúng ta còn quan niệm quốc gia như một không gian riêng biệt, như những người theo chủ nghĩa quốc gia nationalism. Trong quyển Tổ Quốc Ăn Năn, tác giả Nguyễn Gia Kiểng đã đưa ra một tóm lược như sau, những nhận định đã được viết ra từ những năm đầu thập niên 2000s :

"Những nhà nước đầu tiên ra đời đã là những nhà nước-quốc gia. Nhưng từ nửa sau thế kỷ 19 trở đi đã bùng ra một cuộc tranh cãi sôi nổi về các ý niệm quốc gia và nhà nước. Karl Marx tỏ ra đặc biệt tích cực trong cuộc tranh luận này. Một trong những sai lầm cơ bản của chủ nghĩa cộng sản là đã không đánh giá đúng vai trò của các nhà nước-quốc gia. Sự tập trung quyền lực trên toàn thế giới không những là điều không thể thực hiện được mà còn là điều không nên thực hiện vì nặng nề và trói buộc. Ngay cả những nước lớn cũng còn phải tản quyền thành những địa phương tự quản với một chính quyền trung ương làm công tác điều hợp. Thế giới đại đồng trong tương lai sẽ là thế giới của sự phối hợp giữa những quốc gia chung sống và hợp tác với nhau, cùng chia sẻ với nhau một số giá trị phổ cập và cùng chấp nhận một số qui ước chung chứ không phải thế giới trong đó các quốc gia bị xóa bỏ. Sự ra đời của những nhà nước-quốc gia thay thế cho những nhà nước quân chủ đã là là một biến cố trọng đại thúc đẩy tiến bộ. Các nhà nước-quốc gia đầu tiên đã hình thành tại phương Tây và đã đem lại cho các dân tộc phương Tây một sức mạnh hơn hẳn.

Ý niệm quốc gia, như một thực thể của chung thay vì của một người hay một nhóm người, đã động viên được sinh lực và sáng kiến của mọi người và đã khai sinh ra tổ chức nhà nước hiện đại. Khi đi chinh phục thế giới vào thế kỷ 18 và 19, sức mạnh chính của người phương Tây không phải là vũ khí và kỹ thuật hiện đại mà là tổ chức nhà nước hiện đại phục vụ cho một quốc gia được quan niệm như là không gian liên đới của một tập thể người có nhiều điểm chung và cùng xây dựng một tương lai chung. Quan niệm này khiến quốc gia vừa có ích vừa cần thiết, nó cũng đem lại cho nhà nước sự chính đáng và, do đó, sức mạnh.

Một chú thích. Cũng như tất cả mọi ý niệm mới, ý niệm quốc gia đã không tránh khỏi những tật bệnh trong quá trình hình thành và trưởng thành ; mà tật bệnh độc hại nhất là chủ nghĩa quốc gia [nationalisme] coi quốc gia như là cứu cánh duy nhất và không gian trách nhiệm duy nhất. Chủ nghĩa quốc gia đồng hóa sự thù ghét các dân tộc khác với sự quí mến dân tộc mình. Nó lẫn lộn tinh thần bài ngoại với lòng yêu nước, nó là một quan niệm hẹp hòi về dân tộc. Nhưng tật bệnh này ngày càng được nhận diện và điều trị, và một khi đã được điều trị xong, ý niệm quốc gia sẽ lấy lại được ý nghĩa thực sự của nó, sẽ đẹp hơn, mạnh hơn chứ không yếu đi".

Trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng đã đưa ra một định nghĩa về ý niệm quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, thế giới dần nhỏ lại và trở thành một mái nhà chung của nhân loại, quốc gia phải được quan niệm như một tình cảm, một đồng thuận, một dự án tương lai chung và một không gian liên đới. Một quốc gia không đảm bảo an ninh và nhân phẩm, không đem lại phúc lợi và niềm tự hào cho người dân chắc chắn sẽ tan rã, càng tan rã nhanh hơn và bi đát hơn nếu biên giới quốc gia được coi như tường thành ngăn cản các giá trị tiến bộ và quy định một vùng lộng hành an toàn của các tập đoàn bạo ngược. Trong thời đại mới này, chúng ta cần ý thức rằng các tập đoàn cầm quyền thiếu văn hóa và thiếu tầm nhìn là những tai họa cho sự tồn vong của các quốc gia. Các chế độ độc tài bạo ngược giết chết các quốc gia, càng tồi dở và độc ác bao nhiêu chúng càng giết chết nhanh chóng các quốc gia bấy nhiêu. Những tiếng nói khơi gợi chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, gây chia rẽ giữa các thành phần người dân trong quốc gia bởi những lãnh đạo dân tuý cũng sẽ bị chìm dần vào quên lãng.

Như vậy, để có một kế hoạch toàn cầu như Harari đề nghị, trước tiên ý niệm quốc gia cần phải được xét lại triệt để. Chủ nghĩa tự do phóng khoáng, chủ nghĩa thực tiễn vốn lấy lợi nhuận làm kim chỉ nam vốn là nguyên nhân chính, chứ không phải toàn cầu hoá, đã tạo ra sự bất bình đẳng giai cấp giữa những tầng lớp trong quốc gia với nhau, giữa các quốc gia với nhau, và giữa con người với chính môi trường mà chúng ta đang sống… Chúng ta sẽ tạo ra được một hợp tác quốc tế mà ở đó chúng ta cũng không mất đi quốc gia. Câu trả lời không phải lựa chọn giữa quốc gia và toàn cầu hoá, câu trả lời nên là một khái niệm mới để tạo sinh khí cho quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Các chế độ độc tài không tôn trọng quyền con người, không được hiểu như là một đồng thuận và một dự án tương lai chung sẽ bị đào thải.

Lựa chọn nào cho Việt Nam ?

Thế giới đang vất vả chống đại dịch, thì tình hình Việt Nam càng đau nhức gấp bội. Nền kinh tế Việt Nam, với tổng ngoại thương hơn 500 tỷ đô gấp đôi GDP cả nước. Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên liệu thô của Trung Quốc khoảng 70 tỷ đô la, để gia công xuất khẩu sang nhiều nước dân chủ, với phần chính là Mỹ và Tây Âu. Nền kinh tế vốn tập trung vào kỹ nghệ du lịch, bất động sản càng phơi bày ra những nhược điểm, tổn thương chí mạng giữa lúc cơn đại dịch vẫn được kiểm soát tốt theo thông tin của bộ máy truyền thông Đảng cộng sản. Tổng nợ quốc gia, nếu tính cả khối doanh nghiệp nhà nước tương đương hơn 200% GDP. Tiền thu thuế dùng để chi ngân sách thường xuyên, trả lương cho bộ máy Đảng, Đoàn, chính quyền tới hơn 70% tổng thu ngân sách. Chế độ cộng sản trong suốt nhiều năm cầm quyền của họ, đã thả nổi sự dễ dãi vào các hoạt động du lịch, nhà đất và gia công hàng hoá giá rẻ mà không tập trung nâng đỡ thị trường nội địa. Nhưng đó là điều họ không thể làm, vì để phát triển thị trường nội địa thì đất nước cần dân chủ, quyền con người cần được bảo đảm, luật pháp cần được tôn trọng để sinh lực và tiềm lực của mọi thành tố trong xã hội được giải tỏa.

Layout 2

Việc thị trường EU và Mỹ tạm ngưng nhập hàng dệt may từ Việt Nam khiến không ít doanh nghiệp khó tiếp tục chồng khó - Nguồn : Tổng cục Hải quan - Đồ họa : Hồng Sơn - Ảnh : Ngọc Thắng

Cứ giả thử như chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt, điều mà chúng ta cần hết sức thận trọng trước những số liệu thống kê của Đảng cộng sản Việt Nam, thì chúng ta vẫn lệ thuộc nặng nề vào bối cảnh thế giới. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu khối lượng lớn người dân, người lao động, thậm chí bộ máy cán bộ công chức rơi vào tình trạng thất nghiệp, túng quẫn trong khi chế độ cộng sản, dù ý thức được tính hệ trọng của nó, cũng lực bất tòng tâm vì hết tiền và cũng không phải là giải đáp cho mọi vấn đề của đất nước ta.

Đảng cộng sản Việt Nam đã phơi bày bản chất đạo tặc của họ khi dùng bộ máy công an để khủng bố, cướp đất người dân Đồng Tâm. Mọi việc tạm thời ít bị chú ý hơn giữa tâm dịch này. Nhưng Covid-19 càng làm lộ rõ sự yếu kém về y tế khi một nền kinh tế vốn quá lệ thuộc vào ngoại thương và phải dành một khoản ngân sách quá lớn để chi thường xuyên, để trả nợ…Họ cũng nhận ra họ không phải là giải đáp cho Việt Nam. Ước mơ của nhiều đảng viên cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam, của những ông lớn, bà lớn hiện tại chỉ là làm sao để hạ cánh an toàn, tẩu tán tài sản, của cải tích luỹ được trong thời gian nắm giữ quyền lực ra nước ngoài càng sớm càng tốt. Một đảng phái chính trị được xem là chết lâm sàng là khi nó không đưa ra được một dự án chính trị nào cho tương lai nữa. Phát biểu của ông Trần Quốc Vượng, một ứng viên Tổng bí thư khóa mới, về sự tất yếu của kinh tế tập thể, hợp tác xã càng phơi bày thêm sự tuyệt vọng về nhân sự của bộ máy Đảng, bị sàng lọc bởi chính hệ thống độc đoán của nó, trước nhiều vấn đề nhức nhối của đất nước.

cov5

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành kết luận về tiếp tục phát triển kinh tế tập thể - Ảnh Ngọc Thắng

Vào lúc này, giữa sự chú ý của mọi người dân vào công tác chống dịch, chúng ta - Những người tranh đấu cho dân chủ, tự do cho Việt Nam, cần phải bình tĩnh suy nghĩ lại đâu là giải pháp để dân chủ hoá cho Việt Nam? Chúng ta cần ủng hộ cho những tổ chức chính trị nghiêm chỉnh và có một dự án chính trị làm điểm hẹn tương lai cho đất nước. Dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của chúng tôi ở trong một nỗ lực như vậy :

"Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn. Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện. Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát".

Việt Dân

(29/3/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Dân
Read 1454 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)