Trọng Nghĩa, RFI, 18/12/2020
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc tiếp tục căng thẳng, chính quyền Donald Trump chuẩn bị đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại.
Một số nguồn thạo tin vào hôm qua 17/12/2020 đã tiết lộ với hãng tin Anh Reuters là khoảng 80 công ty và chi nhánh lớn nhỏ của Trung Quốc được bổ sung vào danh sách trừng phạt của bộ Thương Mại Mỹ.
Quyết định chính thức có thể được đưa ra hôm nay, 18/12. Đó là những doanh nghiệp bị Mỹ cáo buộc có quan hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc, tham gia vào việc bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng trên Biển Đông hay dính líu đến những vụ vi phạm nhân quyền. Nhiều tập đoàn trong số này đã nằm trong danh sách đen của bộ quốc phòng Mỹ như SMIC, nhà sản xuất chip số một của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã phản ứng tức tối trước việc các công ty của họ bị Washington trừng phạt.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay đã lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ ngừng các hành động mà họ cho là đàn áp "phi lý" đối với các công ty Trung Quốc. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân, Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Theo Reuters, đây là nỗ lực mới nhất của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump nhằm củng cố chính sách trừng phạt Trung Quốc, vài tuần trước khi tổng thống đắc cử Joe Biden của đảng Dân Chủ nhậm chức.
Trọng Nghĩa
*********************
Hoa Kỳ đưa thêm 60 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt
RFA, 18/12/2020
Hoa Kỳ sắp sửa đưa hàng chục công ty Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (Semiconductor Manufacturing International Corp-SMIC) vào danh sách trừng phạt thương mại.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross - AFP
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross xác nhận thông tin vừa nêu vào sáng ngày 18/12. Ông Ross nói rằng bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ đưa thêm 80 công ty, trong đó chủ yếu là các công ty của Trung Quốc, vào danh sách được gọi là vì lý do quốc phòng của quốc gia. Các công ty đó cũng sẽ tương tự như Huawei, nằm trong danh sách bị từ chối tiếp cận công nghệ của Hoa Kỳ. Ông Ross cho biết thêm có gần 700 công ty trong danh sách mà trong đó có đến 296 công ty của Trung Quốc và 150 công ty liên quan tới Huawei.
Trong cuộc phỏng vấn với FOX Business, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross nói rằng SMIC rõ ràng có thể sẽ bị cấm mua lại công nghệ để sản xuất chất bán dẫn ở mức độ tiên tiến, tức là có mạch 10 nanomet trở xuống. Và, ông Ross nhấn mạnh rằng tất cả những công ty đó có mối quan hệ chặt chẽ với Quân đội Nhân dân Trung Hoa.
SMIC được cho là công ty sản xuất con chip và cung cấp cho các công ty chuyên về công nghệ bao gồm Qualcomme và Broadcomm.
Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Wilbur Ross khẳng định việc đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt là cần thiết nhằm "bảo đảm rằng Trung Quốc, thông qua SMIC, không thể tận dụng các công nghệ của Mỹ để cho phép các cấp độ công nghệ tiên tiến hỗ trợ các hoạt động quân sự gây bất ổn của Trung Quốc".
Quyết định đưa thêm 60 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ được cho là có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, trong cuộc họp báo vào ngày 18/12 tại Bắc Kinh, tuyên bố rằng Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ cần phải ngưng những hành động sai trái trong việc đàn áp các công ty Trung Quốc.
Bắc Kinh tuyên bố bảo vệ các công ty Trung Quốc, chống đe dọa từ Mỹ (RFI, 22/11/2018)
Sau thông báo hồi đầu tuần của bộ Thương Mại Mỹ về việc giám sát chặt chẽ hơn xuất khẩu công nghệ trong 14 lãnh vực, và một hôm sau khi bị Washington tiếp tục tố cáo là kẻ cắp công nghệ, Bắc Kinh hôm nay 22/11/2018 chính thức phản pháo, tuyên bố sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp Trung Quốc.
Một con chip Trung Quốc trưng bày tại Hội chợ quốc tế xuất nhập khẩu ở Thượng Hải ngày 06/11/2018. Reuters/Aly Song
Trong một buổi họp báo hàng tuần, phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc Cao Phong xác nhận rằng Bắc Kinh đang đánh giá tác động tiềm tàng bắt nguồn từ các quyết định mới đây của Washington nhằm tăng cường kiểm soát việc xuất khẩu công nghệ Mỹ.
Bên cạnh đó, bộ Thương Mại Trung Quốc cũng khẳng định sẽ thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ lợi ích "chính đáng" của các công ty Trung Quốc. Ông Cao Phong cũng đồng thời bác bỏ những cáo buộc được cho là "không có cơ sở".
Tuyên bố cứng rắn trên đây là phản ứng chính thức của Bắc Kinh về việc bộ Thương Mại Mỹ, hôm 19/11 vừa qua, đã đề ra những quy định mới nhằm siết chặt hơn các vụ sát nhập, thâu tóm công ty Mỹ, cũng như các hợp đồng xuất khẩu lớn trong 14 lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có thông minh nhân tạo và công nghệ vi xử lý.
Theo các nhà phân tích, các đề xuất của Mỹ rõ ràng là nhằm đối phó với Trung Quốc, nhất là khi một hôm sau, văn phòng đại diện thương mại Mỹ đã lại đả kích đích danh Trung Quốc.
Trong bản cập nhật cuộc điều tra - trong khuôn khổ điều 301 bộ Luật Thương Mại Mỹ - về chính sách chuyển giao công nghệ và bảo vệ sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, Washington đã tố cáo Bắc Kinh là vẫn không từ bỏ các cung cách làm ăn "không công bằng", vốn là vấn đề cốt lõi làm dấy lên cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Phát biểu vào hôm nay, phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc cho biết là Bắc Kinh hết sức quan ngại về bản cập nhật cuộc điều tra trong khuôn khổ Điều 301 vừa được Mỹ công bố.
Mỹ-Trung tố cáo nhau "đạo đức giả" trước tổ chức OMC/WTO
Đấu khẩu Mỹ-Trung trong lãnh vực Thương Mại còn bùng lên tại Genève (Thụy Sĩ) vào hôm qua, 21/11/2018 nhân một cuộc họp của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO (OMC theo tiếng Pháp) để xem xét các tranh chấp pháp lý liên quan đến chính sách thương mại tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đại sứ Mỹ tại OMC, Dennis Shea đã cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng Tổ Chức Thương Mại Thế Giới để theo đuổi những chính sách "phi thị trường", trong lúc đại diện Trung Quốc tố cáo ngược lại là chính Washington mới là bên không tuân thủ luật lệ.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, cả hai bên đều đã tố cáo nhau là "đạo đức giả", lên tiếng tố cáo đối phương là vi phạm luật lệ của thương mại thế giới trong khi chính mình lại là nước không tuân thủ các quy định của tổ chức OMC/WTO.
Trọng Nghĩa
*******************
Hàn Quốc phá bỏ lò mổ chó lớn nhất (RFI, 22/11/2018)
Các nhà hoạt động bảo vệ súc vật ở Hàn Quốc vừa giành được một thắng lợi : Hôm nay, 22/11/2018, chính quyền tại một địa phương ở Hàn Quốc bắt đầu phá bỏ hệ thống lò mổ chó lớn nhất ở nước này.
Một cửa hàng bán thịt chó tại Ngọc Lâm (Yulin), Quảng Tây (Guangxi), Trung quốc. Ảnh chụp ngày 22/06/2015 Reuters/Kim Kyung-Hoon
Hệ thống lò mổ Taepyeong-dong, nằm tại Seongnam, ở phía nam thủ đô Seoul, bao gồm 6 lò chuyên giết mổ chó, có thể "xử lý" hàng trăm con chó cùng một lúc, và là một trong những nguồn cung cấp chính cho các nhà hàng thịt chó ở Hàn Quốc. Chính quyền địa phương cho biết là các lò mổ sẽ được tháo dỡ trong vòng hai ngày và khu này sau đó sẽ được xây dựng thành một công viên.
Các nhà hoạt động bảo vệ súc vật vẫn lên án những người điều hành hệ thống lò mổ Taepyeong-dong về việc hành hạ chó, giết chúng một cách tàn bạo, thậm chí chích điện cho chết ngay trước mặt những con chó khác đang bị nhốt trong lồng. Theo tổ chức Humane Society International của Mỹ, khi đến các lò mổ này hôm nay, các nhà hoạt động bảo vệ súc vật đã tìm thấy các thiết bị chích điện vào chó, cùng với nhiều xác chó bị bỏ lại.
Trên trang blog của mình, hiệp hội Những người Triều Tiên bảo vệ quyền của súc vật rất phấn khích viết : "Đây quả là một thời điểm lịch sử. Việc này sẽ mở đường cho việc đóng cửa các lò chuyên giết mổ chó khác trên khắp Hàn Quốc và đẩy nhanh sự suy tàn của ngành công nghiệp thịt chó nói chung".
Đối với dân Triều Tiên, thịt chó từ lâu vẫn là món "quốc hồn quốc túy". Theo các thẩm định, mỗi năm có đến 1 triệu con chó được đưa lên bàn ăn. Nhưng theo hãng tin AFP, truyền thống ẩm thực này đang mai một dần. Ngày càng có nhiều người dân Hàn Quốc xem chó là bạn của người hơn gia súc nuôi để ăn. Các thế hệ trẻ thì lại càng không ăn thịt chó, trong bối cảnh mà giới hoạt động bảo vệ súc vật có tiếng nói ngày càng mạnh.
Theo kết quả một cuộc thăm dò được thực hiện năm ngoái, có đến 70% người dân Hàn Quốc không ăn thịt chó, nhưng chỉ có 40% yêu cầu cấm ăn thịt chó. Tuy vậy, khoảng 65% số người được hỏi cho rằng nên chăn nuôi và giết mổ chó trong những điều kiện tốt hơn.
Hiện giờ ở Hàn Quốc không có quy định nào về giết mổ chó. Các nhà chăn nuôi chó muốn chính phủ đưa ngành này vào trong cùng quy định đối với các gia súc. Nhưng các nhà hoạt động bảo vệ súc vật thì yêu cầu phải cấm triệt để việc giết mổ chó làm món ăn.
RFI tiếng Việt