Cải cách hưu bổng tại Pháp : Giới công đoàn thắng trận đầu tiên trong cuộc đọ sức với chính phủ
Phong trào biểu tình trên toàn nước Pháp huy động được hơn một triệu người xuống đường chống dự án cải tổ chế độ hưu bổng của chính quyền vào hôm qua dĩ nhiên là đề tài chiếm trọn trang nhất các nhật báo Pháp ra ngày hôm 20/01/2023, với nhận định chung là các công đoàn đã thắng được keo đầu trong cuộc đọ sức với chính quyền Macron.
Đoàn người biểu tình chống cải cách hưu trí tại Nice, Pháp ngày 19/01/2023. Reuters – Eric Gaillard
Điều đáng chú ý đầu tiên là các báo đều dùng đến từ ngữ "bras de fer" (nghĩa là "đọ sức"), để nói về các cuộc biểu tình, ngay trong tựa chính trang nhất trên các tờ Les Echos, La Croix, hay ở trang trong đối với tờ Le Figaro.
Không hẹn mà gặp, hai tờ La Croix và Les Echos gần như chạy cùng một tựa chính. Trong lúc tờ báo công giáo (La Croix) nhìn thấy là "Cuộc đọ sức đã bắt đầu", thì tờ báo kinh tế (Les Echos) cũng ghi nhận "Cuộc đọ sức khai diễn". Đối lập nhau là hai tờ Libération, thiên tả, và Le Figaro, thiên hữu đã nêu bật hai cách nhìn chủ quan hơn về sự việc.
Trong tựa lớn trang nhất của mình, Libération đã nêu bật tính chất rầm rộ của phong trào chống cải tổ trong tít lớn ngắn gọn "En force", vừa có nghĩa là "đông đảo", vừa có nghĩa là "mạnh mẽ", một cái tựa được bổ sung ngay bằng bài xã luận mang tựa rất sắc : "Thành công". Le Figaro thì chừng mực hơn, ghi nhận trong hàng tựa lớn trang nhất cả hai vế : "Công đoàn huy động lực lượng, Macron giữ vững hướng đi".
Riêng tờ Le Monde thì nhấn mạnh : "Cải cách chế độ hưu bổng : Một cuộc huy động lực lượng hiếm thấy cho một ngày hành động mang tính trắc nghiệm".
Cuộc biểu tình rầm rộ nhất dưới thời Macron
Đối với tất cả các tờ báo, nếu căn cứ vào số người tham gia các cuộc biểu tình khắp nơi trên khắp nước Pháp vào hôm qua, thì các công đoàn Pháp đã rất thành công trong việc huy động lực lượng chống kế hoạch cải tổ hưu bổng, lôi kéo được từ một đến hai triệu người xuống đường.
Libération có vẻ rất phấn khởi, nêu lên ngay trang nhất : "Hơn 1 triệu người đã biểu tình hôm thứ Năm trên khắp nước Pháp để phản đối kế hoạch cải cách hưu bổng. Các công đoàn đã hoàn thành tốt bài trắc nghiệm đầu tiên, qua đó làm suy yếu chính phủ".
Trong bài viết bên trong mang tựa đề "Tới một lúc nào đó, đủ rồi" - tức là không chịu đựng thêm được nữa - tờ báo không ngần ngại nhấn mạnh rằng hôm qua đã diễn ra "cuộc biểu tình quan trọng nhất của thời kỳ Emmanuel Macron". Thống nhất được với nhau lần đầu tiên kể từ năm 2010, các công đoàn đã thành công hơn trong việc huy động biểu tình, tập hợp được 2 triệu người trên khắp nước Pháp - theo số liệu của công đoàn CGT. Ngay cả chính quyền cũng phải công nhận là đã có đến 1,12 triệu người xuống đường, theo như thống kê của Bộ nội vụ.
Trong bài xã luận mang tựa ngắn gọn : "Thành công", nhật báo thiên tả Pháp đã nêu bật sự kiện là biểu tình không chỉ rầm rộ ở các thành phố lớn như Paris hay Marseille, mà tại rất nhiều thành phố, thị trấn nhỏ, các cuộc xuống đường cũng "đầy người".
Theo Libération, các công đoàn rất muốn thành công như vào năm 1995, khi sau nhiều tuần tranh đấu họ đã đạt được con số 2 triệu người xuống đường, buộc được chính quyền Chirac-Juppé thời đó rút lại kế hoạch cải cách hưu bổng.
Chính vì vậy mà ngay từ hôm qua, các công đoàn đã kêu gọi một ngày hành động khác vào hôm 31/01 tới đây, vào lúc chính phủ chuyển dự luật cải tổ qua Quốc hội.
Không nên lùi bước trước đường phố
Nếu Libération có vẻ rất tâm đắc với thành công bước đầu của phong trào phản đối cải cách hưu bổng, thì Le Figaro lại thận trọng hơn, nêu bật quyết tâm của chính phủ muốn đưa kế hoạch cải cách đến nơi đến chốn vì đó là một công cuộc cải tổ "công bằng và có trách nhiêm"
Tờ báo thiên hữu thừa nhận rằng cuộc xuống đường hôm qua đã "đáp ứng được tham vọng của những người chủ trương". Chính bộ trưởng Bộ lao động Pháp Olivier Dussopt, đã phải công nhận rằng đó là một cuộc "huy động lực lượng đáng kể", và cho rằng cần phải "lắng nghe các thông điệp của người biểu tình".
Tờ báo đã ghi nhận tuyên bố đắc thắng của Jean-Luc Mélenchon, thuộc đảng Nước Pháp Bất Khuất đối lập, cho rằng "Chính phủ đã thua trận đầu tiên".
Đối với Le Figaro, các công đoàn có vẻ như được củng cố thêm với thành công của cuộc biểu tình. Thế nhưng trước sự phô trương sức mạnh của các công đoàn, tổng thống Pháp đã nêu bật tính chính đáng mà cử tri đã dành cho ông để tiến hành cải cách, đồng thời tỏ rõ quyết tâm đi đến cùng trong kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng.
Trong bài xã luận ngay trang nhất mang tựa đề "Thế nhưng", Le Figaro cho rằng "Một triệu người biểu tình có là bao so với 30 triệu người lao động ? Đó chỉ là một giọt nước, luôn luôn bao gồm những gương mặt quen thuộc với những cuộc xuống đường, và nhất là ít bị ảnh hưởng nhất từ công cuộc cải tổ.
Đối với tờ báo, kế hoạch chắc chắn sẽ được Quốc hội thông qua, nhất là khi Chính phủ được hậu thuẫn của các dân biểu thuộc đảng Những Người Cộng Hòa bên cánh hữu, cũng như ở Thượng Viện cũng với đa số trong tay cánh hữu.
Theo Le Figaro, về nội dung, cuộc cải cách này không mang thay đổi nào lớn, thậm chí còn tốt hơn chế độ hiện hành. Vì tất cả những lý do đó, cho rằng, đối mặt với sự đe dọa của đường phố, chính quyền không có lý do gì để lui bước.
Ukraine : Xe tăng phương Tây chắc chắn sẽ đến
Cuộc đọ sức trên vấn đề hưu bổng tại Pháp đã đẩy tất cả các vấn đề thời sự khác xuống hàng thứ yếu. Tuy nhiên, hồ sơ chiến tranh Ukraine cũng vẫn thu hút sự chú ý của các báo, đặc biệt là khả năng Phương Tây sẽ chi viện xe tăng hạng nặng cho Ukraine.
Trong bài "Viện trợ cho Ukraine : Phương Tây không còn chặn xe tăng nữa", Libération ghi nhận là một tuần sau thông báo của Vương quốc Anh, các đồng minh của Kiev đang đẩy mạnh các đề xuất gửi vũ khí hạng nặng qua Ukraine. Tuy rất miễn cưỡng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, vào hôm nay các nước chi viện cho Kiev sẽ gặp nhau tại Đức để phối hợp kế hoạch cung cấp xe tăng và vũ khí nặng cho Ukraine.
Theo Libération, trong gần mười một tháng kể từ khi Nga xâm lược đất nước của mình, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không ngừng lặp lại ước mong, muốn NATO thiết lập vùng cấm bay trên Ukraine, và cung cấp cho mình vũ khí hạng nặng, đạn dược và xe tăng hiện đại kiểu phương Tây. Lần đầu tiên, các đồng minh của Kiev dường như sẵn sàng thực hiện điều ước của ông.
Gặp nhau vào hôm nay tại căn cứ quân sự của NATO ở Ramstein, Đức, họ sẽ thảo luận về sự phối hợp và phương pháp gửi vũ khí hạng nặng. Và điều này bất chấp lời cảnh báo vào hôm qua từ Điện Kremlin về nguy cơ "leo thang" xung đột trong trường hợp "chuyển giao vũ khí tầm xa" cho Kiev.
Cho đến nay, Liên Hiệp Châu Âu và NATO đã thận trọng không xem xét việc cung cấp xe tăng hiện đại cho Ukraine. Thế nhưng, việc Moskva gia tăng các cuộc tấn công vào dân thường – đặc biệt là cuộc tàn sát ở Dnipro vào ngày 14/01 – và viễn cảnh về một cuộc chiến tranh kéo dài, rốt cuộc đã thuyết phục phương Tây về việc phải giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Vì Ukraine, Nga trở thành chư hầu của Trung Quốc ?
Cũng liên quan đến vấn đề cuộc chiến tranh Ukraine, nhật báo Le Monde hôm nay đã nêu bật tình trạng lệ thuộc Trung Quốc của Nga một năm sau khi Moskva phát động cuộc xâm lược Ukraine.
Theo Le Monde, tình hữu nghị giữa hai nước Nga và Trung Quốc, được phô trương là "không giới hạn" kể từ thông cáo báo chí ngày 4/2/2022, thực ra không mấy hoàn hảo, và từ vai trò anh cả trước đây, Moskva đang rơi vào hoàn cảnh bị lệ thuộc, thậm chí là chư hầu của Bắc Kinh.
Khi Chiến Tranh Lạnh bắt đầu, vào những năm 1950, nước Trung Quốc của Mao đã phải phục tùng người anh cả Liên Xô. Trong phe "Đỏ", Trung Quốc phải chịu sự giám hộ của Liên Xô, với Stalin chiếm thế thượng phong. Ngày nay, tình hình đã đảo ngược. Sau một năm của cuộc chiến mà họ phát động chống lại Ukraine, Nga ngày càng thấy mình phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong mối quan hệ "hữu nghị vô bờ bến" mà Moskva và Bắc Kinh tuyên bố đã thiết lập, Tập Cận Bình là nhân tố chiếm ưu thế – mỗi ngày một nhiều hơn.
Theo Le Monde, trong cặp đôi Trung-Nga, kinh tế và dân số tạo nên ưu thế của Trung Quốc. Hai nước có chung 4.200 km đường biên giới. Với khoảng 18.000 tỷ đô la, Trung Quốc (1,4 tỷ dân) có GDP lớn gấp mười lần Nga (144 triệu dân). Các lệnh trừng phạt sau ngày 24/2/2022 và việc Liên Hiệp Châu Âu quyết định tẩy chay các dầu khí của Nga đã làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc – một tình huống mà nhà khoa học chính trị người Nga Alexander Gabuev, thuộc Quỹ Carnegie, đã trình bày chi tiết trong một bài báo trên tạp chí Foreign Affairs (tháng 8/2022) với tựa đề "Chư hầu mới của Trung Quốc".
Để bù đắp cho sự mất đi của các khách hàng Châu Âu giàu có, Nga không có lựa chọn nào khác cho dầu khí của mình ngoài thị trường Trung Quốc (và Ấn Độ). Bắc Kinh là bạn bè của Moskva, nhưng lại là người bạn biết tính toán, mua dầu khí của nước bạn với giá bèo, thấp hơn mức trung bình của thế giới. Để thanh toán, Trung Quốc áp đặt việc dùng nhân dân tệ. Về phần mình, người Nga mua nhiều hàng sản xuất tại Trung Quốc hơn : vào năm 2021, từ 15% đến 18% hàng nhập khẩu của Nga đến từ Trung Quốc ; 29% vào năm 2022, chủ yếu là do chiến tranh.
Theo nhà nghiên cứu Gabuev, Bắc Kinh đang nắm trong tay những quân bài tốt nhất. Cuộc chiến đang tiến hành buộc Nga phải khuất phục trước Trung Quốc. Với việc nền tài chính công của Nga phụ thuộc vào mức độ bán hydrocarbon cho nước láng giềng lớn, Bắc Kinh có đòn bẩy mạnh mẽ đối với "người bạn" Nga của mình.
Hệ quả rõ nét về mặt chính trị-ngoại giao, Trung Quốc thúc đẩy Nga hạn chế bán vũ khí cho Ấn Độ hoặc Việt Nam, hai quốc gia bị cho là đứng về phía Mỹ trong cuộc đối đầu Bắc Kinh-Washington.
Tóm lại, theo Le Monde, Nga đang mất quyền tự chủ chiến lược.
Trọng Nghĩa
Pháp tiếp tục tê liệt vì làn sóng chống cải cách hưu bổng
Thời sự chiếm trang nhất của các báo Pháp ngày 10/12/2019 vẫn là cải cách hưu bổng và các cuộc đình công biểu tình tiếp tục phong tỏa cả nước Pháp trước khi dự luật được thủ tướng chính thức công bố ngày 11/12. Nước Pháp tiếp tục bị tê liệt kéo dài bởi phong trào biểu tình đình công chống dự án cải cách hưu bổng.
Đoàn người biểu tình chống cải cách chế độ hưu trí tại thành phố Marseille, miền nam Pháp, ngày 10/12/2019. Reuters/Jean-Paul Pelissier
Báo La Croix đến với đối tượng giáo viên, những người đang lo ngại sẽ bị thiết thòi nhất trong chương trình cải cách hưu bổng. Tờ báo dành nhiều bài viết để giải thích giáo viên thực sự là những người sẽ bị thiệt trong cách tính lương hưu theo dự án cải cách của chính phủ. Đó cũng lý do để họ huy động tham gia đông đảo vào phong trào phản đối cải cách hưu bổng.
Nhật báo Libération có phóng sự dài trong các cuộc xuống đường chống cải cách hưu bổng ở khắp mọi miền đất nước để tìm hiểu căn nguyên nỗi phẫn nộ của phong trào phản kháng. Tờ báo cảnh báo sẽ có hàng trăm nghìn người trên khắp nước Pháp xuống đường ngày 10/12, trong bối cảnh mà nỗi bất bình dấy từ phong trào Áo Vàng vẫn còn đó.
Nhật báo Le Monde chạy tựa chính : "Hưu bổng : Chính phủ tới giờ lựa chọn". Le Monde gọi đây là "tuần đầy nguy hiểm của hành pháp". Tờ báo cho biết : Ngày thứ 5 đình công, các cuộc họp liên tiếp ở phủ tổng thống và thủ tướng để có được quyết định mấu chốt trước khi trình toàn bộ cuộc cải cách ngày 11/12. Các tổ chức công đoàn vẫn không chịu lùi bước trong khi chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện bằng được chương trình cải cách bị phản đối rộng khắp.
Trong khi đó, Le Figaro ngắn gọn bằng hàng tựa lớn trang nhất : "Phong tỏa lớn". Tờ báo dành tới 6 trang báo cho sự kiện. Trong bài xã luận, Le Figaro nhấn mạnh vấn đề cốt lõi của cuộc cải cách hưu bổng : "Đó là hệ thống hưu trí của chúng ta không thể chịu được về mặt tài chính. Ở đất nước của chúng ta cũng như nhiều nơi khác, mọi người giờ ngày càng sống lâu hơn, tức là thời gian không làm việc cũng kéo dài hơn. Không tính đến thực tế hiển nhiên này tức là để lại cho thế hệ tương lai gánh nặng không chịu nổi. Các nước trên thế giới đều hành động, quyết định kéo dài tuổi về hưu, thường là 65 tuổi, muộn hơn Pháp 3 năm. Vậy thì phải đợi đến bao giờ chúng ta mới hành động cho có trách nhiệm".
Một trong những điểm gai góc nhất của cuộc cải cách này là chính phủ muốn xóa bỏ một số chế độ đặc biệt về hưu bổng, những ưu đãi có từ thế kỷ trước mà chỉ có nhân viên đường sắt và một số ngành nghề hay ngạch công chức được hưởng. Đây cũng là điểm mà các công đoàn quyết giữ bằng được.
Le Figaro cũng cho biết thêm, theo một thăm dò dư luận của Viện Elabe, 43% người dân Pháp cho rằng phong trào đình công hiện nay trước hết là cuộc huy động chống lại chính sách của tổng thống Emmanuel Macron trước khi phản đối cải cách hưu bổng. Người ta đang chờ đợi chính phủ sẽ nhượng bộ đến đâu để chèo lái con thuyền cải cách rất cần phải có đi trong trong bão tố xã hội.
Giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi ra trước tòa án quốc tế
Về chủ đề quốc tế, các báo Pháp đặc biệt chú ý tới sự kiện, ngày 10/12, lãnh đạo chính quyền Miến Điện, giải Nobel Hòa Bình 1991, bà Aung San Suu Kyi ra trước Tòa Án Quốc Tế La Haye giải trình về những cáo buộc Miến Điện phạm tội diệt chủng trong các cuộc đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Hiện nắm giữ chức cố vấn đặc biệt Nhà nước, bà Aung San Suu Kyi từ năm 2016 thực chất là lãnh đạo chính quyền Miến Điện.
Le Monde nhận xét việc bà Aung San Su Kyi phải đích thân đến Tòa Án Quốc tế để biện minh cho đất nước Miến Điện là một trớ trêu của số phận. Trong thời gian dài là nhà ly khai, kình địch của giới quân sự Miến Điện, từng bị chính quyền quân sự quản thúc tại gia trong suốt 15 năm, giờ bà Aung San Suu Kyi đích thân đến Hà Lan làm một cái việc đầy nghịch lý mà thực chất là biện hộ cho những hành động tàn bạo của quân đội.
Le Monde nhận thấy, từ đầu thảm kịch của người Rohingya, bà Aung San Suu Kyi đã tạo cảm giác cho thấy dường như bà là người đang bênh vực các tướng lĩnh quân đội. Bà vẫn lập luận là các nước phương Tây không hiểu gì về thực tế chính trị, xã hội ở bang Rakhine (Arakan), nơi có đa số dân là người Rohingya.
Theo tác giả của bài viết, thực tế thì bà Aung San Suu Kyi quan tâm trước hết là vấn đề đối nội Miến Điện khi đến La Haye. Người dân tộc Miến, chiếm 70% dân số của nước này, hầu hết thù ghét người Rohingya do nhiều yếu tố lịch sử để lại. Tờ báo phân tích : "Đến La Haye để bảo vệ đất nước sẽ được người ủng hộ trong nước nhìn nhận như là một hành động can đảm". Đó sẽ là một hình ảnh đẹp, có lợi cho bà trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2020. Trong kỳ bầu cử trước 2015, đảng của bà Aung San Suu kyi, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (LND) đã giành chiến thắng lớn, giờ đây đang chuẩn bị cho một cuộc đua mới.
Cùng thời sự này, La Croix có bài "Diệt chủng người Rohingya, Aung San Suu Kyi lên tuyến đầu". Biểu tượng của dân chủ ở Miến Điện một thời sẽ ăn nói thế nào với các quan tòa ? Tờ báo trích dẫn nhận định của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu chính trị. Theo các nhà nghiên cứu, tại La Haye, "bà Aung San Suu Kyi sẽ đề nghị cộng đồng quốc tế kiên nhẫn, bà sẽ biện hộ cho tính chất vô cùng phức tạp của tình hình và công cuộc tái thiết đang diễn ra trong đất nước bà. Bà sẽ bảo đảm người Rohingya có thể trở về…".
Nhưng dù sao thì lần xuất hiện trước tòa án Quốc Tế La Haye lần này cũng làm mờ nhạt thêm hình ảnh của một giải Nobel Hòa Bình, từng là "nhà vô địch" của phương Tây về dân chủ.
Hồ sơ Bắc Triều Tiên trở lại vạch xuất phát
Liên quan đến Châu Á, báo Les Echos đề cập đến hồ sơ Bắc Triều Tiên với nhận định : "Bắc Triều Tiên cố tình khuấy động lại căng thẳng". Tờ báo nhận thấy, "Từ hàng thập kỷ qua luôn là bên kiểm soát lịch trình ngoại giao, giờ đây Bình Nhưỡng đã khép lại giai đoạn hòa dịu hai năm vừa qua bằng một loạt các vụ thử tên lửa và ngày càng cứng giọng với Washington. Bắc Triều Tiên cũng vừa cho mở lại căn cứ quân sự chiến lược mà họ đã cho đóng cửa năm 2018".
Sau thời gian hai năm thử hòa hoãn đàm phán không được như ý muốn, Bình nhưỡng bắt đầu thay đổi chiến thuật, thậm chí đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song hôm thứ Bảy 07/12 còn tuyên bố : "Vấn đề giải trừ hạt nhân không còn đặt trên bàn đàm phán nữa". Dường như thái độ cứng rắn trở lại của Bắc Triều Tiên cũng lại một lần nữa tìm sự chú ý của Washington.
Nga bị xóa tên trên bản đồ thể thao thế giới
Một thời sự khác đang gây xáo động làng thể thao thế giới "Nga bị gạch tên khỏi bản đồ thể thao thế giới", tựa của báo Le Figaro. Cơ quan Chống doping Thế giới (AMA) tại Lausanne Thụy Sĩ hôm 09/12 vừa thông báo một loạt trừng phạt chưa từng có, cấm các vận động viên Nga trong vòng 4 năm tham gia các cuộc thi đấu quốc tế.
Như vậy, các vận động viên Nga sẽ bị loại khỏi Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2020 và mùa Đông Bắc Kinh 2022. Trong thời gian trên, Nga còn bị cấm đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế. Nga sẽ phải rút quyền tổ chức giải vô địch thế giới bóng chuyền và vật vào năm 2022. Tất nhiên Nga và Cơ quan chống doping của mình (Rusada) có 21 ngày để kháng nghị lên Tòa án Trọng tài Thể thao, định chế phán xử cao nhất.
Le Figaro ghi nhận, đây là "những trừng phạt nặng nề nhất trong lịch sử của Cơ quan Chống doping Thế giới" (thành lập năm 1999). Đây cũng là sự đáp trả mạnh mẽ vụ bê bối từ nhiều tháng qua đã đầu độc bầu không khí thế thao thế giới.
Ngược lại thời gian, Le Figaro cho biết : Năm 2014, Sochi đã trở thành biểu tượng của niềm kiêu hãnh khi Nga đứng đầu bảng tổng sắp huy chương ở Thế vận hội mùa Đông. Mặt trái của vị thế thống trị của thể thao Nga lộ ra sau phát giác vụ bê bối tổ chức cho các vận động viên Nga sử dụng doping một cách có hệ thống từ năm 2011 đến 2015, trong đó có sự tham gia chỉ đạo của nhiều cơ quan của chính phủ như Bộ Thể thao và cơ quan tình báo FSB. Từ đó đến nay, các vận động viên Nga đã bị nhiều trừng phạt cấm tham gia các giải thi đấu quốc tế lớn.
Xác định cơ quan chống doping Nga đã cung cấp các dữ liệu sử dụng doping giả mạo, không đúng sự thật, MAM quyết định ra đòn trừng phạt nặng lần này. Nhật báo Libération ghi nhận quyết định đã tác động tới cả một thế hệ vận động viên chân chính. Họ vừa cảm thấy bất công nhưng đồng thời phẫn nộ với chính định chế thể thao của nước nhà.
Các vận động viên Nga vẫn có cơ hội được tham gia các cuộc thi đấu quốc tế nhưng dưới màu cờ trung lập. Đặc ân này sẽ trở nên vô nghĩa khi các vận động viên thể thao đến so tài ở các cuộc thi đấu quốc tế là vì màu cờ sắc áo của đất nước và vì niềm tự hào của dân tộc.
Anh Vũ