Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Diễn đàn Kinh tế Davos : Oxfam tố cáo "virus bất bình đẳng"

Minh Anh, RFI, 25/01/2021

Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, hôm 25/01/2021, lần đầu tiên phải tổ chức dưới hình thức trực tuyến do dịch bệnh. Như thông lệ, một ngày trước khi diễn đàn khai mạc, tổ chức Oxfam công bố báo cáo về tình trạng bất bình đẳng trên thế giới.

davos1

Ảnh trích từ video khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ngày 25/01/2021 : Người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Klaus Schwab và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. © AFP

Trong báo cáo năm nay, Oxfam một lần nữa tỏ ra gay gắt khi tố cáo "virus của sự bất bình đẳng". Bất chấp dịch bệnh Covid-19, vốn đã làm cho hơn 99 triệu người nhiễm bệnh và hơn 2 triệu người chết, 1.000 người giầu nhất thế giới, trong vòng 9 tháng, vẫn tìm lại được mức độ giầu có như trước khi có dịch bệnh. Trong khi đó, những người nghèo nhất phải mất ít nhất 10 năm để có thể vực dậy sau cuộc khủng hoảng dịch tễ này.

Oxfam dẫn chứng con số cụ thể : tài sản của 10 nhà tỷ phú hàng đầu theo bảng xếp hạng của Forbes tăng tổng cộng lên tới 540 tỷ đô la, tính từ đầu mùa dịch đến nay. Một số tiền lớn đủ để tài trợ mua vắc-xin ngừa Covid-19 cho tất cả mọi người và có thể tránh cho bất kỳ ai rơi vào cảnh bần hàn do đại dịch gây ra.

Trong khi đó, tại những nước đang phát triển, một nửa số người lao động sống trong cảnh nghèo khó, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO. 75% số người lao động không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, như trợ cấp thất nghiệp hay nghỉ phép chữa bệnh, và 3 tỷ người không có bảo hiểm y tế.

Trong bối cảnh này, phát ngôn viên tổ chức Oxfam tại Pháp, Quentin Parrinello, kêu gọi các nước đang phát triển "tăng cường các biện pháp an sinh xã hội, đầu tư trong các ngành dịch vụ thiết yếu, nhất là trong y tế, để nền kinh tế có thể chống cự được với đại dịch và những cuộc khủng hoảng trong tương lai".

AFP cho biết, do dịch bệnh, các cuộc thảo luận trong kỳ họp đầu tiên của diễn đàn Davos năm nay được tổ chức trực tuyến. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn khai mạc. Kỳ họp thứ hai của Davos sẽ được tổ chức tại Singapore vào tháng 5/2021. 

Minh Anh

***********************

Trung Quốc vượt Mỹ giành vị trí số một về điểm đến đầu tư

BBC, 25/01/2021

Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành điểm đến hàng đầu thế giới về đầu tư trực tiếp mới từ nước ngoài, theo số liệu của Liên Hiệp quốc công bố hôm Chủ nhật.

davos2

Các mô hình phát triển kinh tế mới của Trung Quốc được cho là nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. (Nguồn : Getty Images)

Các khoản đầu tư mới vào Mỹ từ các công ty nước ngoài đã giảm gần một nửa trong năm ngoái, khiến Mỹ mất vị thế số một.

Ngược lại, số liệu của Liên hiệp quốc cho thấy đầu tư trực tiếp vào các công ty Trung Quốc tăng 4%, đưa Trung Quốc lên vị trí số một trên toàn cầu.

Thứ hạng hàng đầu cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới.

Trung Quốc có 163 tỷ đôla đầu tư trực tiếp từ các công ty nước ngoài năm ngoái, so với 134 tỷ đôla mà Mỹ thu hút, Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết trong báo cáo của mình.

Năm 2019, Mỹ nhận được 251 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới trong khi Trung Quốc chỉ nhận được 140 tỷ USD.

Trong khi Trung Quốc có thể đứng số một về đầu tư mới từ nước ngoài, Mỹ vẫn chiếm ưu thế khi nói đến tổng số đầu tư nước ngoài.

Điều này phản ánh nhiều thập kỷ Mỹ đã như một địa điểm hấp dẫn nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng ra nước ngoài.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các con số này nhấn mạnh việc Trung Quốc đang tiến tới trung tâm của nền kinh tế toàn cầu, vốn từ lâu đã bị thống trị bởi Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc, hiện đang tham gia vào cuộc chiến thương mại với Mỹ, được dự đoán sẽ vượt lên vị trí số một vào năm 2028, theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR).

Sa sút thời Trump

Đầu tư nước ngoài vào Mỹ đạt đỉnh vào năm 2016 là 472 tỷ USD, khi đó đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc là 134 tỷ USD.

Kể từ đó, đầu tư vào Trung Quốc tiếp tục tăng, trong khi ở Mỹ, con số này giảm mỗi năm kể từ năm 2017.

Chính quyền Trump khuyến khích các công ty Mỹ rời Trung Quốc và tái thiết lập hoạt động tại Mỹ.

Chính quyền Trump cũng cảnh báo các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc rằng họ sẽ phải đối mặt với sự giám sát mới khi đầu tư vào Mỹ, dựa trên cơ sở an ninh quốc gia.

Trong khi nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn kể từ khi bùng phát Covid-19 vào năm ngoái, kinh tế Trung Quốc đã tăng tốc.

Dữ liệu chính thức cho thấy trong tháng này, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, được tính bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng 2,3% vào năm 2020.

Điều này khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tránh được tăng trưởng âm trong năm ngoái. Nhiều nhà kinh tế đã ngạc nhiên với tốc độ phục hồi của nó, đặc biệt là khi Trung Quốc, phải lèo lái mối quan hệ căng thẳng với Mỹ.

Nhìn chung, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu giảm mạnh vào năm 2020, giảm 42%, theo báo cáo của UNCTAD. FDI thường liên quan đến việc một công ty nắm quyền kiểm soát một công ty ở nước ngoài, thường thông qua sáp nhập hoặc mua lại.

Vương quốc Anh đã chứng kiến đầu tư trực tiếp nước ngoài mới giảm hơn 100% vào năm ngoái từ 45 tỷ đôla năm 2019 xuống - 1,3 tỷ đôla.

Published in Quốc tế
lundi, 29 juin 2020 23:21

Đi vào vô tận

Rất nhiều bản tin hôm nay, đặc biệt là tin giải trí, hay nói tới tiền. Dù là mang tính chê bai hay ca ngợi, tiền đang được đề cập đến như một khát vọng cháy bỏng khác thường trong xã hội cộng sản hôm nay.

votan1

Cả xã hội đang phản ánh một điều đáng lo ngại trong việc kính ngưỡng sự giàu có, bất kỳ ai giàu có đều có thể thành trung tâm thông tin - Ảnh minh họa

Ông bạn giáo viên lâu ngày gặp lại, nói được đôi câu đã bắt sang thời sự. "Sao chuyện như vầy mà người ta có thể viết thành một bài báo ?", ông bạn chìa cho tôi xem một bản tin về người đẹp nào đó đang xách chiếc túi hàng hiệu trị giá vài ngàn USD, nội dung của một bài viết dài, cũng chỉ quanh chuyện chiếc túi đắt tiền và người đẹp sang trọng đó đã bỏ tiền mua.

Đâu chỉ có riêng bài báo đó, mà dường như cả thế giới thông tin hôm nay đang nóng bỏng nhìn ngó xem ai có nhà tiền tỷ, ai là đại gia, ai đang thất thế, ai dám tung tiền gây chú ý… những câu chuyện vô bổ, không biết để làm gì đang dẫy đầy trên báo chí, truyền hình. Cả xã hội đang phản ánh một điều đáng lo ngại trong việc kính ngưỡng sự giàu có, bất kỳ ai giàu có đều có thể thành trung tâm thông tin, thậm chí trở thành nhân vật lên bìa của một tờ báo, mà nội dung thì nhạt nhẽo.

Có tiền, những kẻ vô danh được tung hô một cách kệch cỡm. Không tiền, thì bị đẩy xuống tận bùn sâu. Mới đây chẳng bao lâu, một người kinh doanh trẻ tuổi được báo chí ca ngợi, giới thiệu dàn xe hơi đắt tiền nhất nhì Việt Nam của anh, thế rồi lúc anh kinh doanh khó khăn, lại thấy những tin tức diễu cợt không mục đích, nói rằng anh đang cùng cực vì ngồi trên món nợ 3000 tỷ.

Mới đây, một "đại gia" đeo vàng xuất hiện ở Hà Nội – cũng là đề tài báo chí giật lên, xôn xao, rồi có hẳn một tờ báo đi tận Tuyên Quang để tìm ra nhà của người giàu có đó. Bài viết giới thiệu, kính cẩn gọi nhân vật đó, nhắc đi nhắc lại là "vị đại gia". Ngay trong từng câu chữ, người ta cũng đọc được sự thèm khát của tác giả trước cảnh giàu có một người khác.

Những điều đó, có thể chỉ là chuyện lá cải tầm phào, không đáng quan tâm, nhưng giờ đây, khi đầy dẫy trên các trang tin tức, cũng là một góc nhìn cho thấy một xu thế mê đắm vật chất. Một hiện trạng tôn thờ đồng tiền và chạy theo nó một cách vô nghĩa. Nó phản ánh cháu giết bà chỉ vì cần vài chục ngàn chơi game, con giết mẹ chỉ vì nuôi ăn tốn kém. Thậm chí với thần thánh cũng chỉ cần nhét tiền lên bàn thờ, vào tượng là sẽ mua được may mắn, phước đức.

Thế nhưng cần một lời nói đúng, chia sẻ cho hoàn cảnh của 90.000 công nhân của công ty PouYuen đang đình công thì thật khó tìm lúc này. 90.000 con người lao động chân chính hốt hoảng khi nghe tin chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi, đã kinh hoàng ngừng việc và yêu cầu công bằng cho họ. Thế nhưng chuyện 90.000 con người tranh đấu với yêu cầu đúng của mình, vẫn bị chìm ngập và cố tình cho lãng quên trong những dòng thông tin hưởng thụ và giải trí xa rời thực tế.

Theo chính sách mới, điều luật 60 BHXH, người lao động khi không được nhận tiền bảo hiểm, ngoại trừ khi họ đến tuổi hưu. Giả như một công ty thuê công nhân chỉ trong 5 năm, sau đó đóng cửa. Những công nhân này phải đợi đến tuổi hưu của họ mới được nhận tiền BHXH, dù lúc đó, có thể họ chỉ mới 21 tuổi. Mức bảo hiểm xã hội ấy dù chỉ ở mức 300-400 ngàn, lại phải đợi đến tuổi hưu mới được nhận.

Những câu chuyện về tiền quẩn quanh đất nước này. Và như có liên đới với nhau. Khi chính sách mới về không phát tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động như thường lệ, cũng là lúc mà người dân nhận được tin Qủy bảo hiểm xã hội tự nhiên không cánh mà bay 1.052 tỷ đồng. Phiên họp của Quốc hội năm ngoái công bố như vậy. Thậm chí sau khi thanh tra, hồ sơ gốc chỉ thấy có 700 tỉ, còn bao nhiêu biệt dạng. Đã vậy, chỉ tính đến năm 2013, báo cáo về chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội lại cao ngất trời : 3.718 tỉ đồng.

Tiền thật lạ. Tiền quyến rũ dân đen phạm pháp, hấp dẫn quan chức tham nhũng, và tiền cũng tự biến mất, mà không lời hồi đáp. Tiền có thể biến một người công nhân cùng khổ thành người tranh đấu, và biến những công chức thành kẻ cắp.

Tiền thật thú vị, nhất là trong một quốc gia tuyên bố mình là ngọn cờ của giai cấp vô sản. Dường ít có ai phải chịu trách nhiệm về nó trong hệ thống công quyền. Chỉ có nhân dân kiệt sức đóng thuế là người ngẫm nghĩ về nó, và giống như ông bạn thầy giáo của tôi, chìa tờ báo ra, với câu hỏi không bao giờ được giải đáp, như một số 0 đi vào vô tận.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 29/06/2020 (tuankhanh's blog)

Published in Diễn đàn