Trung Quốc sẽ đáp trả cấm vận của Mỹ về quyền của người Uighur (VOA, 10/07/2020)
Trung Quốc hôm thứ Sáu 10/7 tuyên bố sẽ có biện pháp tương xứng để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vàocác quan chức cấp cao Trung Quốc bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền của nhóm thiểu số người Uighur theo Hồi giáo.
Bí thư Tỉnh ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), quan chức Trung Quốc cấp cao nhất bị Washington trừng phạt vì vi phạm các quyền của người Uighur.
Theo Reuters, Bắc Kinh mô tả các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ là ‘vô cùng bất lợi’ cho mối quan hệ song phương, vốn đã căng thẳng vì những bất đồng về cách Trung Quốc xử lý vụ bột phát dịch Covid-19 và việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát đối với Hong Kong.
Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bí thư Tỉnh ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) và ba quan chức cấp cao khác tại khu tự trị Tân Cương, gồm ông Wang Mingshan - Giám đốc kiêm Bí thư đảng ủy Công an Tân Cương, ông Zhu Hailun - bí thư đảng ủy Ủy ban Chính trị và Luật pháp Tân Cương và ông Huo Liujun - cựu quan chức công an tại Tân Cương.
Một quan chức cấp cao của Mỹ mô tả ông Trần Toàn Quốc, một Ủy viên Bộ Chính trị, là quan chức Trung Quốc cấp cao nhất bị chính phủ Hoa Kỳ áp lệnh trừng phạt. Ông nói :
"Biện pháp này không phải là một trò đùa. Không những nó mang tính biểu tượng và tác động tới uy tín của người bị phạt, mà nó còn có hệ quả thực tế, cản trở khả năng di lại trên thế giới và công việc làm ăn của đối tượng".
Từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), nói quyết định của Hoa Kỳ là một sự can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ Trung Quốc.
"Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ hãy sửa lại quyết định sai lầm này. Nếu Hoa Kỳ tiến hành ý định, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ".
Vẫn theo Reuters, các biện pháp trừng phạt của Washington được áp dụng theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu, cho phép chính phủ Mỹ trừng phạt những cá nhân đã vi phạm nhân quyền trên kháp thế giới bằng cách đóng băng tài sản của họ tại Hoa Kỳ, cấm du lịch sang Mỹ, và đồng thời, cấm công dân Mỹ làm ăn với họ.
Nghị hội Uighur Thế giới, nhóm Uighur lưu vong lớn nhất, hoan nghênh động thái này và kêu gọi Liên minh Châu Âu và các nước khác hãy đề ra các biện pháp cấm vận tương tự.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio là người bảo trợ cho dự luật đã được Tổng thống Trump ký thành luật vào tháng 6.
*****************
Mỹ trừng phạt quan chức Trung Quốc vụ đàn áp người Uighur ở Tân Cương (BBC, 10/07/2020)
Hoa Kỳ vừa công bố các biện pháp trừng phạt đối với các chính trị gia Trung Quốc chịu trách nhiệm cho các vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương.
Người Duy Ngô Nhĩ biểu tình năm 2009
Trung Quốc bị buộc tội giam giữ hàng loạt, đàn áp tôn giáo và buộc người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) và những người khác phải triệt sản.
Các lệnh trừng phạt nhắm vào tài sản tại Hoa Kỳ của bốn quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đó là ông Trần Toàn Quốc, Bí thư đảng Cộng sản khu tự trị Tân Cương.
Ông Chu Hải Luân, cựu Phó Bí thư đảng Cộng sản khu tự trị Tân Cương.
Ông Vương Minh Sơn, Giám đốc và Bí thư đảng ủy cục công an Tân Cương.
Ông Hoắc Lưu Quân, cựu Bí thư đảng ủy cục công an Tân Cương.
Trung Quốc phủ nhận mọi hành vi ngược đãi người Hồi giáo ở Tân Cương.
Nhà chức trách Trung Quốc được cho là đã giam giữ khoảng một triệu người Uighur Hồi giáo trong các trại cải tạo trong những năm gần đây. Họ nói "đào tạo nghề" là cần thiết để chống lại chủ nghĩa cấp tiến và ly khai.
Ông Trần Toàn Quốc, thành viên Bộ Chính trị quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc từng bị Mỹ trừng phạt, chính quyền Trump cho hay nói. Ông này được coi là kiến trúc sư cho các chính sách của Bắc Kinh chống lại người thiểu số.
Mỹ hiện quy định việc thực hiện giao dịch tài chính với cả bốn người nói trên là phạm tội. Tài sản tại Mỹ của bốn quan chức Trung Quốc này cũng sẽ bị đóng băng.
Tuy nhiên, ông Hoắc Lưu Quân sẽ không bị trừng phạt về thị thực - lệnh cấm gia đình họ và những người khác vào Mỹ.
Các lệnh trừng phạt cũng đã được gửi tới Văn phòng Công an Tân Cương nói chung.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng Hoa Kỳ đã hành động chống lại "sự lạm dụng khủng khiếp và có hệ thống" trong khu vực.
"Hoa Kỳ sẽ không đứng yên khi ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền nhắm vào người Uighur, người dân tộc Kazakhstan và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương," ông nói trong một tuyên bố.
Ông Pompeo nói rằng Hoa Kỳ cũng đang đặt thêm các hạn chế về thị thực đối với các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc khác không được nêu tên được cho là chịu trách nhiệm về các vụ lạm dụng ở Tân Cương. Thành viên gia đình họ cũng có thể phải chịu những lệnh cấm này.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng cao do đại dịch virus corona.
Quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia của Trung Quốc lên Hong Kong cũng phải đối mặt với trích gay gắt từ phương Tây.
Trung Quốc đang làm gì ở Tân Cương ?
Các nhóm quyền cho biết có tới một triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại tù canh gác nghiêm ngặt trên khắp tỉnh Tân Cương.
Năm ngoái, BBC đã thấy các tài liệu bị rò rỉ cho thấy 15.000 người từ miền nam Tân Cương đã được đưa đến các trại chỉ trong một tuần.
Các tài liệu tương tự cho thấy các tù nhân chỉ có thể được tự do khi họ "hiểu sâu sắc bản chất bất hợp pháp, hình sự và nguy hiểm của hoạt động trong quá khứ của họ".
Chính quyền Trung Quốc nói rằng người Uighur đang được giáo dục trong "các trung tâm đào tạo nghề" để chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy nhiều người đang bị giam giữ vì chỉ đơn giản là bày tỏ đức tin của họ - ví dụ, cầu nguyện hoặc đeo khăn che mặt - hoặc vì có kết nối ở nước ngoài như với Thổ Nhĩ Kỳ.
Những trại cải tạo như thế này giống như nhà tù quân đội hơn là một trung tâm giáo dục, đào tạo nghề, theo các tài liệu bị rò rỉ
Người Uighur, hầu hết là người Hồi giáo, là người Thổ Nhĩ Kỳ và chiếm khoảng 45% dân số Tân Cương.
Tháng trước, một báo cáo của học giả Trung Quốc, ông Adrian Zenz, phát hiện Trung Quốc đang buộc phụ nữ ở Tân Cương phải triệt sản hoặc dùng dụng cụ tránh thai.
Báo cáo đã thúc đẩy các lời kêu Liên Hiệp Quốc mở một cuộc điều tra.
*********************
Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc đầu tiên bị Mỹ trừng phạt vì Tân Cương (RFI, 10/07/2020)
Lần đầu tiên Hoa Kỳ hôm 09/07/2020 đã ban hành trừng phạt một ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc cùng với ba quan chức cao cấp khác theo luật Magnitsky, vì đã đàn áp người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bắc Kinh đe dọa trả đũa.
Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Tân Cương, Trần Toàn Quốc. Ảnh chụp ngày 12/03/2019. Reuters - Jason Lee
Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Tân Cương, Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) 64 tuổi bị đưa vào danh sách đen cùng với ba quan chức cao cấp khác. Trần Toàn Quốc và Chu Hải Luân (Zhu Hailun), phó bí thư Tân Cương ; Vương Minh Sơn (Wang Mingshan), giám đốc kiêm bí thư đảng ủy Công an Tân Cương, cùng với người thân từ nay không còn được đặt chân lên đất Mỹ. Hoắc Lưu Quân (Huo Liujun), cựu bí thư đảng ủy Công an Tân Cương cũng nằm trong danh sách nhưng không bị hạn chế nhập cảnh.
Lệnh trừng phạt được đưa ra theo luật Magnitsky, cho phép chính phủ Mỹ phong tỏa tài sản, cấm nhập cảnh những đối tượng vi phạm nhân quyền, cấm công dân Mỹ làm ăn với những người này. Một viên chức bộ Ngoại Giao Mỹ nói với Reuters, danh sách đen không phải là trò đùa, không chỉ mang tính biểu tượng mà còn ảnh hưởng đến tên tuổi, hạn chế khả năng di chuyển và kinh doanh.
Hệ thống trại tập trung quy mô đã mọc lên tại Tân Cương từ khi Trần Toàn Quốc được điều về làm bí thư tháng 8/2016. Trước đó khi làm bí thư Tây Tạng (2011-2016), ông ta đã trị vì với bàn tay sắt, dẫn đến hàng loạt vụ tự thiêu của các nhà sư Tây Tạng. Ngay trong năm đầu tiên tại Tân Cương, Trần Toàn Quốc đã tuyển mộ số lượng nhân viên an ninh tương đương với 5 năm ở Tây Tạng. Về mặt bắt người tùy tiện, ông ta là lãnh đạo tống giam nhiều người nhất tại Tân Cương trong 40 năm qua, theo nhà nghiên cứu Shawn Zhang, trường đại học British Columbia ở Canada.
Tổ chức Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, đại diện những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong hoan nghênh quyết định trên, đồng thời kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu và các nước khác theo chân. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người bảo trợ đạo luật nói rằng động thái này đã được chờ đợi từ lâu, cần có những bước tiếp theo.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc ước lượng có khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương. Tháng trước hãng tin AP cho biết Trung Quốc buộc triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ.
Hôm nay 10/07 Bắc Kinh loan báo sẽ có "các biện pháp trả đũa tương ứng đối với các tổ chức và cá nhân Mỹ có thái độ không tốt về các vấn đề liên quan đến Tân Cương", tuy nhiên không cho biết thêm chi tiết.
Thụy My
Anh Quốc trừng phạt tướng tá ngoại quốc - những suy nghĩ về Đồng Tâm
Từ nữ đại tá Nga cho tới thống tướng Myanmar, nước Anh hậu EU lần đầu tiên đã quyết định trừng phạt gần 50 nhân vật vi phạm nhân quyền trên thế giới bằng cách cấm họ vào Anh cũng như phong tỏa tài sản của họ tại vương quốc này.
Tại một buổi tưởng niệm nhà báo Jamal Khashoggi tại Washington, 2 tháng Mười, 2018. Hai mươi công dân Arab Saudi liên quan tới cái chết của nhà báo này nằm trong danh sách trừng phạt của nước Anh.
Danh sách gồm 47 cá nhân ở Nga, Arab Saudi, Myanmar và hai tổ chức của Bắc Triều Tiên. Trang web của chính phủ Anh nêu chi tiết :
- 25 công dân Nga liên quan tới việc ngược đãi và cái chết của kiểm sát viên Sergei Magnitsky, người phát hiện ra vụ tham nhũng hàng loạt tại Nga của một nhóm các quan chức thuế và cảnh sát.
- 20 công dân Arab Saudi liên quan tới cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.
- 2 tướng quân đội cao cấp của Myanmar liên quan tới bạo lực tàn ác và có hệ thống đối với người Rohingyia và các sắc dân thiểu số khác.
- 2 tổ chức liên quan tới lao động cưỡng bức, tra tấn và giết người tại các trại cải tạo của Bắc Triều Tiên.
Nữ Đại tá Nga Natalya Vinogradova là cục phó chuyên điều tra tội phạm tài chính và sở hữu ở Bộ Nội vụ Nga. Người phụ nữ sinh năm 1973 này bị tố cáo liên quan tới việc đối xử tệ bạc với ông Magnitsky khiến ông chết trong khi bị giam giữ hôm 16/11/2009. Vị đại tá nằm trong nhóm điều tra vốn không xem xét các khiếu nại của ông Magnitsky về chuyện bị ngược đãi trong trại giam và đã hỗ trợ cho những thuộc hạ trực tiếp có các hành động ngược đãi. Anh cấm bà đại tá vào nước Anh cũng như phong tỏa tài sản. Một nữ thẩm phán Nga, Svetlana Ukhnalyova, cũng sinh năm 1973, chịu trừng phạt tương tự vì đã ra quyết định gia hạn tạm giữ ông Magnitsky.
Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar là quan chức cao cấp nhất trong danh sách 47 người bị cấm tới Anh và bị phong tỏa tài sản. Ông Hlaing là người đứng sau hai chiến dịch quân sự ở tỉnh Rakhine hồi năm 2017 và 2019 vốn gây ra các vụ thảm sát, tra tấn và hãm hiếp người Rohingya.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab, người từng là luật sư về nhân quyền, nói Anh sẽ tiếp tục cho thêm vào danh sách trừng phạt các cá nhân vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở bất kỳ đâu trên thế giới. Điều này có nghĩa là các quan chức độc tài và tàn ác ở mọi quốc gia, kể cả ở Việt Nam, cũng đều có thể bị đưa vào danh sách.
Vụ Đồng Tâm xảy ra hồi đầu năm nay trong đó một cụ già bị bắn chết tại chỗ, vợ ông bị đánh đập, con ông có những dấu hiệu bị tra tấn có tiềm năng bị đưa vào tầm ngắm. Dĩ nhiên điều này còn tuỳ thuộc vào sự vận động của các tổ chức dân sự khác nhau đối với chính giới Anh cũng như quan hệ của Anh với Việt Nam. Hai tổ chức dân sự, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền hôm 7/7 đã lên tiếng về vụ Đồng Tâm và nói quy trình xét xử quốc tế và các tiêu chuẩn xét xử công bằng không được áp dụng cho những người bị giam giữ. Họ nói các quan chức Việt Nam đã không điều tra vụ giết chết ông Lê Đình Kình mà lại chính trị hóa việc xử lý vụ việc.
Dựa vào danh sách những người mới bị Anh trừng phạt, người ta có thể thấy London sẵn sàng ra tay với bất cứ ai liên quan tới những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng dù đó là thẩm phán, coi ngục hay tướng tá. Nước Anh không còn bị ràng buộc bởi quy chế quyết định tập thể của EU và sẽ có các quyết định chóng vánh hơn đối với những quan chức vi phạm quyền sống, quyền được đối xử tử tế và quyền không bị cưỡng bức lao động. Điều này chắc chắn buộc những chính thể cộng sản muốn trục lợi từ quan hệ với các cường quốc trên thế giới phải cân nhắc mỗi khi có những vi phạm nhân quyền trắng trợn. Không loại trừ trường hợp các quan chức đang xử lý vụ Đồng Tâm, vụ mà nhà văn Nguyên Ngọc nói là "tội ác trời không dung đất không tha", sẽ có ngày có tên trong danh sách.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 10/07/2020