Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Năm 23/9 rằng hải quân nước này thực hành việc dùng hệ thống tên lửa phòng thủ duyên hải Bastion bắn phá các mục tiêu ở Biển Đen ngoài khơi bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập, giữa lúc Ukraine tập trận chung với Mỹ.
Hệ thống tên lửa Bastion của Nga trên đảo Alexandra Land gần Nagurskoye, tháng 5/2021.
Cuộc tập trận ở Ukraine với sự tham gia của binh sĩ Mỹ và các nước NATO khác sẽ diễn ra cho đến ngày 1/10. Cuộc tập trận này diễn ra sau khi hai nước láng giềng là Nga và Belarus tiến hành cuộc tập trận cực lớn đầu tháng 9 khiến phương Tây thấy đáng báo động.
Mối quan hệ của Kyev với Moscow xấu đi nghiêm trọng hồi năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ tay Ukraine và ủng hộ lực lượng ly khai thân Nga ở vùng Donbass của Ukraine. Cuộc xung đột kéo dài 7 năm với lực lượng ly khai đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng Hạm đội Biển Đen đã thực hành phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu trên biển bằng hệ thống Bastion, một hệ thống di động phòng thủ chống hạm và đất đối đất tiên tiến.
Hình ảnh video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy các đơn vị thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa gắn trên xe tải. Các nhóm điều khiển đã bắn từ các vị trí ẩn nấp và sử dụng máy bay không người lái để bám theo một nhóm tàu địch mô phỏng, bộ cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết hệ thống Bastion có thể tấn công các mục tiêu trên biển ở khoảng cách 350 kilomet và các mục tiêu trên đất liền ở khoảng cách 450 km.
Theo Reuters
Việt Nam muốn Nga đóng vai trò tích cực trên Biển Đông (VOA, 01/07/2017)
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng giải pháp hòa bình theo luật lệ quốc tế.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang được Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón nồng hậu tại điện Kremlin. Hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung kêu gọi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng phương pháp hòa bình.
Hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại điện Kremlin hôm 29/6 để bàn việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ chiến lược và ký kết thêm các hợp đồng hợp tác song phương, theo trang web của điện Kremlin.
Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật rằng trong bản tuyên bố chung được đọc cho báo chí tại điện Kremlin, 2 nhà lãnh đạo đồng ý rằng bất cứ tranh chấp nào về lãnh thổ và biên giới cần được giải quyết một cách hòa bình và không sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển 1982 (UNCLOS) của Liên Hiệp Quốc.
Kênh truyền hình tin tức của Nga Ruptly TV trích dẫn Chủ tịch nước Việt Nam nói : "Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Nga và muốn Nga tiếp tục đóng vai trò quan trọng và tích cực trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương".
Người biểu tình bên ngoài Lãnh sự Trung Quốc ở Manila, Philippines, hôm 12/7/2016 trước khi Tòa trọng tài quốc tế ở La Hague phán quyết bác bỏ những tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam và nhiều nước trong khu vực đều có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Cả 2 nhà lãnh đạo kêu gọi nhanh chóng thông qua một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC-Code of Conduct). Tuyên bố chung nêu rõ "Nga và Việt Nam ủng hộ và thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông".
Hai bên còn đồng ý tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng. Báo chí trong nước đặc biệt nêu bật tầm quan trọng của hợp tác đào tạo quân sự trong quan hệ Việt-Nga.
Nga đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Việt Nam để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Mosow tại Đông Nam Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định rằng để thoát dần ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam đang tìm cách tăng cường quan hệ hợp tác với cả Hoa Kỳ và Nga.
Một cuộc thăm dò công chúng do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện vào năm ngoái cho thấy 75% người Việt có quan điểm tích cực về nước Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từng lên tiếng ủng hộ "vai trò lớn hơn của Nga trong các vấn đề toàn cầu".
Việt Nam và Nga đặt chỉ tiêu tăng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 10 tỷ USD trước năm 2020. Dầu khí sẽ tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa 2 nước, theo tổng thống Putin. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác và mở rộng vùng thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam.
Vietsovpetro, một liên doanh dầu khí giữa Việt Nam và Nga, chiếm 1/3 lượng dầu thô được khai thác ở Việt Nam.
Tranh cãi về khai thác dầu trên Biển Đông được cho là lý do khiến mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc căng thẳng sau chuyến thăm bị cắt ngắn của một quan chức quốc phòng Trung Quốc tới Hà Nội.
Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer trên The Diplomat, vụ việc này "là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trở nên quyết đoán hơn trong vấn đề đối phó với các hoạt động khai thác dầu của Việt Nam và Philippines trên Biển Đông".
******************
Biển Đông : Nga-Việt Nam kêu gọi nhanh chóng thông qua Bộ Quy Tắc Ứng Xử (RFI, 30/06/2017)
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang trao đổi với tổng thống Nga Putin tại điện Kremlin, ngày 29/06/2017. Reuters
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm ngày 29/06/2017 tại Moskva. Tại cuộc họp báo, tổng thống Nga cho biết hai bên đã thông qua hơn 20 dự án kinh tế, đồng thời kêu gọi giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng con đường hòa bình.
Bản tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo ủng hộ việc áp dụng hoàn toàn và hiệu quả Tuyên bố 2002 về ứng xử các bên ở tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên nhanh chóng thông qua bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Cả Nga và Việt Nam cũng kêu gọi các tranh chấp biên giới, lãnh thổ và các tranh chấp khác trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương "cần được các bên liên quan giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực", phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.
Trên lĩnh vực kinh tế, theo phát biểu của tổng thống Nga, được hãng thông tấn TASS trích dẫn, "hai bên đã thống nhất về hơn 20 dự án đầu tư chung (giữa Nga và Việt Nam) với trị giá là 10 tỉ đô la". Ngoài ra, quỹ đầu tư Nga-Việt dự kiến chi khoảng 500 triệu đô la cho các dự án phi tài nguyên, cụ thể là trong lĩnh vực bào chế dược phẩm hay nông nghiệp.
Thu Hằng