Tại trung tâm hội chợ ExCel ở thủ đô Luân Đôn, từ ngày 12 tới ngày 16/09/2017 đã diễn ra hội chợ vũ khí lớn nhất thế giới, với hơn 1600 gian hàng trưng bày của 54 quốc gia. Chỉ trong hai ngày đầu, đã có trên 36.000 khách đến xem và mua hàng. Đa số khách vào đây là từ 2.500 cơ quan ban ngành của chính phủ các nước, và nhân thân từng người đã được kiểm tra kỹ lưỡng từ trước rất lâu. Bên ngoài, thường xuyên túc trực người biểu tình phản đối. Hàng trăm người bị bắt giam. Bộ trưởng quốc phòng Anh trong phiên khai mạc hội chợ đã kỳ vọng nhiều vào ngành công nghiệp vũ khí của Anh sau ngày Brexit.
Một nhân viên bán hàng giới thiệu máy bay không người lái ELIX-XL tại hội chợ vũ khí DSEI 2017 ở London, Anh. Ảnh chụp ngày 12/09/2017. Reuters/Hannah McKay
Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết thêm chi tiết.
Lê Hải : Đây là phiên hội chợ được bảo vệ an ninh có thể nói là chặt chẽ nhất trên thế giới, khi mà ngay cả phóng viên cũng phải đăng ký từ trước rất lâu để ban tổ chức kiểm tra lý lịch tư pháp và xét tên trong danh sách đặc biệt của cơ quan an ninh, trước khi chỉ cấp thẻ ra vào cho tờ báo nào họ nghĩ là cần thiết và có lợi cho hội chợ. Ngay cả khách vào xem cũng vậy, bên cạnh giá vé rất cao cũng phải gửi lý lịch từ trước để kiểm tra.
Vấn đề chủ yếu là bên ngoài các đối tượng khủng bố hay các băng nhóm có thể trộm cướp vũ khí, thì Luân Đôn là nơi tập trung rất nhiều tổ chức ủng hộ hòa bình một cách cực đoan bằng những hành động phá hoại mà một số phiên hội chợ vũ khí đã không thể diễn ra vào phút chót, tốn kém rất lớn cho ban tổ chức. Lần này cũng không phải là ngoại lệ khi hàng trăm người đã kéo đến chặn đường để các công ty không thể đem thiết bị vào lắp đặt gian hàng và giới thiệu các loại vũ khí mới.
Trong suốt một tuần lễ cảnh sát đã bắt giữ trên 100 người như vậy, khi họ xích tay vào với nhau để cản đường. Không chỉ có các nhóm hành động, mà nhiều tổ chức từ thiện ôn hòa cũng rầm rộ lên tiếng phản đối, như là quĩ Oxfam, lên tiếng phản đối việc bán vũ khí tràn lan cho các nước đang khủng hoảng nhân quyền, đưa câu chuyện ra thành nghị trình bàn cãi của quốc hội. Về phía mình, hai bộ trưởng quốc phòng Michael Fallon và thương mại quốc tế Liam Fox dẫn đầu nhóm ủng hộ, và báo chí ghi nhận có cả Việt Nam trong số các quốc gia được mời để lên tiếng ủng hộ, bên cạnh Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông.
RFI : Xưa nay nước Mỹ nổi tiếng trong vai trò bán vũ khí, qua sự vụ này thì hóa ra nước Anh cũng bị dư luận chỉ trích rất nhiều về việc kinh doanh bất chấp tình hình nhân quyền và mục đích sử dụng vũ khí, vậy thì dư luận nước Anh chỉ có duy nhất biện pháp biểu tình bạo lực để ngăn cản ?
Lê Hải :Nói một cách chính xác thì nước Anh không có nhiều cơ sở sản xuất vũ khí nhưng lại là nơi môi giới mua bán vũ khí lợi hại nhất, cho nên người ta mới tập trung vào ngăn cản phiên hội chợ này, để các bên mua và bán không gặp được nhau, không thể tự do xem và thử chơi đùa với vũ khí để bàn thảo điều kiện hợp đồng. Ngoài ra, nước Anh nổi tiếng với các nhóm bảo vệ hòa bình bằng cách chống vũ khí, như một chiến dịch gần đây có tên gọi là CAAT (Campaign Against Arms Trade) còn đưa cả chính phủ Anh ra tòa để ngăn hợp đồng bán vũ khí cho Arab Saudi vì tin rằng số vũ khí đó bị tuồn sang Yemen để sát hại thường dân.
Một số bài xã luận trên báo như phóng viên Owen Jones của tờ Guardian cho rằng nước Anh vấy máu của 10.000 thường dân Yemen chết trong 2 năm qua vì đã sản xuất và bán bom ra nước ngoài qua hợp đồng vũ khí trị giá 3.3 tỷ Bảng. Tờ Guardian chính thức nêu quan điểm coi hợp đồng vũ khí của nước Anh là vô đạo đức, và nói rằng đa số người dân Anh tin rằng bán vũ khí cho Arab Saudi là không thể chấp nhận được. Bán vũ khí ngoài các yếu tố bí mật quốc phòng còn là vấn đề mà các đời chính phủ của Anh không muốn gây ồn ào trên báo chí.
Tờ Independent tổng hợp rằng có hai phần ba số vũ khí của Anh được xuất sang các nước Trung Đông, và hiện nước Anh đứng thứ hai trên thế giới trong danh sách xuất khẩu vũ khí. Và nghiêm trọng hơn, chính phủ Anh giao vũ khí cho 22 nước trong số 30 quốc gia mà chính bản thân mình nêu tên để theo dõi về nhân quyền.
Khủng hoảng nhân đạo ở Miến Điện trong những ngày qua cũng đặt ra câu hỏi về việc chính phủ Anh bán vũ khí và huấn luyện quân sự cho nước này. Nhóm di dân người Kurd thì kéo về phản đối hợp đồng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ vì tin rằng vũ khí đó sẽ được dùng để tấn công đồng hương của họ, ngay chính những người đang chiến đấu chống lại lực lượng Daesh ở Syria. Các hợp đồng vũ khí cần được các bộ trưởng trong chính phủ phê duyệt, cho nên sự bực tức của dư luận dồn nén vào quốc hội và sự kiện hội chợ chính là thời điểm để tranh cãi quyết liệt.
RFI : Trước áp lực dư luận phản đối mà chính phủ Anh vẫn kỳ vọng vào ngành công nghiệp và xuất khẩu vũ khí, coi đây là lối thoát cho nền kinh tế Anh sau ngày Brexit, vậy đâu là cơ sở cho lòng tin đó hay chỉ là khẩu hiệu chính trị ?
Lê Hải : Trước hết phát biểu của bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại thương Anh không phải là đơn lẻ hay chỉ trong phiên khai mạc hội chợ vũ khí lớn nhất thế giới ở Luân Đôn. Hồi giữa tháng Tám khi hàng chục ngàn người hiếu kỳ đổ về cảng Portmouth để xem chiếc hàng không mẫu hạm trị giá 3 tỷ bảng Anh cặp bến thì bộ trưởng ngoại giao Boris Johnson đã từng tuyên bố sẽ đưa hải quân Anh sang các vùng nóng như biển Đông Việt Nam để bảo đảm trật tự hàng hải quốc tế.
Phát triển quốc phòng cùng với xuất khẩu vũ khí là con đường mà ngay cả lãnh đạo bên phía đối lập Jeremy Corbyn cũng bị những người ủng hộ Công đảng chỉ trích vì không lên tiếng phản đối. Có lẽ trên thế giới chỉ có vài nước như Anh quốc là Bắc Triều Tiên có tùy viên quân sự và thường xuyên gặp gỡ với trên 150 tùy viên quân sự từ các nước khác, trong đó có Việt Nam, tạo điều kiện rất tốt để chính phủ Anh thực hiện mục tiêu quân sự này. Trong phiên khai mạc hội chợ vũ khí DSEI 2017 (Defense and Security Equipment International), nước Anh hứa hẹn sẽ sải cánh bay khắp thế giới, khi mà tranh chấp và xung đột gia tăng trên thế giới khiến nhu cầu hiện đã vượt trần của các nhà cung cấp, đặc biệt là khả năng của Anh quốc trong ngành đóng tàu chiến, máy bay tuần tra trên biển, và máy bay tiêm kích F-35.
Trị giá các hợp đồng vũ khí trong năm ngoái của Anh là 5.6 tỷ Bảng và ngân sách quốc phòng của Anh sẽ tăng lên thành 37 tỷ trong năm tới để mua nhiều loại khí tài hiện đại. Bộ trưởng ngoại thương Anh nói rằng thà bán vũ khí một cách hợp pháp cho các nước để kiểm soát còn hơn là để họ mua trái phép và làm giàu cho các nước xuất khẩu vũ khí một cách bất chính.
Trong danh sách các nước có đến xem hội chợ vũ khí năm nay có tên Việt Nam, nhưng một số ý kiến cho rằng vũ khí của Anh giá quá cao so với súng ống của Israel hay máy bay và tàu ngầm của Ukraina, dù rằng mua vũ khí của Anh đồng thời tạo ra một thay đổi về đồng minh chiến lược trong tranh chấp biển đảo ở Đông Nam Á.
Người dân Luân Đôn đã đòi thị trưởng Sadiq Khan bắt ban tổ chức hội chợ phải trả chi phí huy động cảnh sát bảo vệ trong những ngày qua chứ không được lấy từ tiền thuế của dân cư.
Thùy Dương
Xe tăng Nhật diễn tập dưới chân núi Phú Sĩ hồi tháng 8/2016. Ảnh : Kyodo
Các đại diện từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand và Việt Nam được Bộ Quốc phòng Nhật mời tới một hội thảo công nghệ quân sự riêng rẽ, nhằm đảm bảo sự tham dự đối với triển lãm Hệ thống và Công nghệ Hàng hải, Hàng không Châu Á (MAST-Maritime/Air Systems & Technologies) kéo dài ba ngày gần Tokyo, Reuters dẫn lời hai nguồn tin hôm nay cho biết.
"Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo ngay sau khi MAST kết thúc", một nguồn tin am hiểu kế hoạch nói.
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe muốn biến các thương vụ vũ khí và hợp tác công nghệ quân sự là một điểm mới trong chính sách ngoại giao của Nhật tại Đông Nam Á, khi nước này đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Lượng hàng hóa trị giá khoảng 5 nghìn tỷ USD được vận chuyển qua vùng biển chiến lược này mỗi năm, trong đó có nhiều hàng hóa được chuyển đi và đến Nhật.
Thị trường vũ khí nhỏ của Đông Nam Á đang phát triển khi tăng trưởng kinh tế thúc đẩy chi tiêu quốc phòng. Nhật có thể sẽ tìm cách đẩy lùi những lời mời chào cung cấp vũ khí của Trung Quốc với khu vực.
Trọng Giáp
**********************
Nhật mời Việt Nam dự hội chợ vũ khí (VOA, 12/06/2017)
Chính quyền Tokyo đã mời một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, tham dự hội chợ vũ khí duy nhất của Nhật Bản, trong nỗ lực củng cố ảnh hưởng của chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe ở Đông Nam Á.
Thủ tướng Nhật Bản trong lễ đón ông Nguyễn Xuân Phúc ở Tokyo hôm 6/6.
Reuters đưa tin rằng ngoài việt Nam, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã mời đại diện quân sự của các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan tới tham dự hội chợ về công nghệ và hệ thống phòng không hàng hải kéo dài ba ngày gần thủ đô Tokyo.
Hãng tin của Anh dẫn lời hai nguồn tin nói rằng Việt Nam cũng được mời tham dự một cuộc hội thảo riêng về công nghệ quân sự. Phía Hà Nội chưa xác nhận có cử người tới Nhật hay không.
Tin cho hay, ít nhất 16 công ty Nhật sẽ trưng bày sản phẩm tại hội chợ. Ngoài ra, các tập đoàn vũ khí nước ngoài cũng tham dự trong đó có cả công ty sản xuất máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ là Lockheed Martin.
Công ty sản xuất chiến đấu cơ F-35 cũng sẽ có mặt ở Nhật Bản.
Reuters cho rằng chính quyền của ông Abe đang muốn bán vũ khí cũng như hợp tác về công nghệ quân sự với các nước Đông Nam Á trong khi Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng ở vùng này.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới công du Nhật Bản, sau chuyến thăm Mỹ mà Hà Nội và Washington kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hóa giải tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Tại Tokyo, ông Phúc "khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là đối tác quan trọng của nhau" đồng thời đôi bên cam kết "hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế ; an ninh, an toàn hàng hải như cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển thông qua trao đổi thông tin giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển", theo trang web của chính phủ Việt Nam.
Theo Reuters, Nhật cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực của lực lượng tuần duyên cũng như chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng.