Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mỹ-Nhật tỏ quan ngại về Biển Đông và vũ khí hạt nhân Trung Quốc

Thanh Phương, RFI, 07/08/2021

Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), diễn ra trực tuyến hôm qua, 06/08/20221, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. 

hatnhan1

Cờ của các thành viên hiệp hội ASEAN.  Reuters - Willy Kurniawan - Ảnh minh họa

Cuộc họp của ARF, bao gồm 27 thành viên, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, được tổ chức dưới sự chủ tọa của Brunei, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung, tại diễn đàn, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã yêu cầu Trung Quốc "chấm dứt thái độ gây hấn trên Biển Đông", đồng thời bày tỏ mối quan ngại về các vụ vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và cũng như ở Hồng Kông và Tây Tạng. 

Lãnh đạo ngoại giao Mỹ còn bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về sự phát triển nhanh chóng của kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc, nhấn mạnh là Bắc Kinh "đã đi chệch hướng rất xa" khỏi chiến lược hạt nhân đã có từ nhiều thập niên, đó là chiến lược dựa trên ngăn chận phòng thủ.

Về phía Nhật Bản, theo hãng tin Kyodo, trích thông báo của bộ Ngoại Giao nước này, ngoại trưởng Toshimitsu Motegi tuyên bố tại ARF rằng ông muốn cùng với các nước khác khuyến khích Trung Quốc thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của một cường quốc hạt nhân. Ông kêu gọi Bắc Kinh tiến hành đối thoại song phương với Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí.

Về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, ngoại trưởng Nhật Motegi ghi nhận là những mưu toan đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực " đang tiếp diễn và gia tăng" tại hai vùng biển này, ngầm chỉ trích Bắc Kinh về những hành động nhằm áp đặt chủ quyền của họ. Ông Motegi tuyên bố : "Nhật cực lực chống lại điều đó".

Cũng theo Kyodo, trích thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đáp lại các tuyên bố nói trên của hai ngoại trưởng Mỹ, Nhật, ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định "sự can thiệp của các nước bên ngoài khu vực là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định" ở vùng Biển Đông. Ông Vương Nghị kêu gọi các nước trong khu vực chống lại việc "lạm dụng" quyền tự do hàng hải, chủ yếu ám chỉ các cuộc tuần tra của các chiến hạm Mỹ ở Biển Đông nhằm bảo vệ tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp này.

Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, phát biểu tại ARF, một trong những diễn đàn an ninh hiếm hoi có sự tham dự của Bắc Triều Tiên, cùng với đại diện các nước khác, ngoại trưởng Blinken đã kêu gọi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa, đồng thời kêu gọi các nước thành viên ARF thúc ép tập đoàn quân sự Miến Điện chấm dứt bạo lực đối với người dân nước này.

Cũng về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Nhật Motegi bày tỏ hy vọng là Bình Nhưỡng và Washington sẽ nối lại đối thoại, đồng thời nhắc lại là thủ tướng Yoshihide Suga vẫn muốn gặp trực tiếp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un mà không đặt bất cứ điều kiện tiên quyết nào. 

Nhưng theo Tân Hoa Xã, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu quốc tế trước hết nên giảm nhẹ các trừng phạt Bắc Triều Tiên để tạo một sự đột phá trong hồ sơ này.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 07/08/2021

**********************

Năm 2021, Bắc Triều Tiên vẫn phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa

Thanh Phương, RFI, 07/08/2021

Bắc Triều Tiên đã tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong nửa đầu năm 2021, vi phạm các trừng phạt của quốc tế và mặc dù tình hình kinh tế nước này đang ngày càng trầm trọng, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc mà hãng tin Reuters đọc được hôm qua, 06/08/2021. 

hatnhan2

Hình ảnh do Bắc Triều Tiên công bố hôm 25/03/2021 về vụ thử tên lửa chiến thuật thế hệ mới. AP

Báo cáo của một nhóm giám sát viên độc lập gởi cho ủy ban đặc trách các trừng phạt của Hội Đồng Bảo An đối với Bắc Triều Tiên ghi nhận là Bình Nhưỡng "đã tiếp tục tìm kiếm các nguyên vật liệu và công nghệ ở nước ngoài cho các chương trình này". Báo cáo nhấn mạnh "mặc dù tình hình kinh tế trong nước ngày càng trầm trọng, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã tiếp tục duy trì và phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo".

Vào năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã ban hành lệnh phong tỏa rất gắt gao để ngăn chận dịch Covid-19, gây tác hại nặng nề cho nền kinh tế vốn đã gặp nhiều khó khăn do các trừng phạt của quốc tế. Vào tháng 6 vừa qua, chính lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong-un đã thừa nhận là tình hình lương thực tại nước này đang rất "căng".

Liên Hiệp Quốc đã ban hành các trừng phạt Bắc Triều Tiên từ năm 2006 do Bình Nhưỡng vẫn không ngưng các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Hội Đồng Bảo An sau đó đã tăng cường các trừng phạt này nhằm ngăn chận nguồn tài chính cho các chương trình đó. Trong số các biện pháp được ban hành, có lệnh cấm xuất khẩu than đá và các mặt hàng khác từ Bắc Triều Tiên và lệnh cấm nhập dầu hỏa vào Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, báo cáo của các giám sát viên lưu ý là Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục xuất khẩu than đá và các mặt hàng khác qua đường biển. Bắc Triều Tiên cũng tiếp tục được tiếp cận các định chế tài chính quốc tế và các lao động xuất khẩu của Bắc Triều Tiên tiếp tục đóng góp vào nguồn tài chính được sử dụng cho các chương trình của nhà nước.

Theo hãng tin Reuters, phái bộ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc hiện chưa có bình luận gì về báo cáo nói trên.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 07/08/2021

*********************

Diễn đàn khu vực ASEAN đặt trọng tâm vào Bắc Triều Tiên

Trọng Nghĩa, RFI, 06/08/2021

Hôm 06/08/2021, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra trực tuyến với trọng tâm là an ninh trên bán đảo Triều Tiên và nếu Bình Nhưỡng cử một đại diện tham dự, đây sẽ là dịp để quốc gia khép kín này đối thoại với cộng đồng quốc tế.

hatnhan3

Kim Jong-un thừa biết rằng phải cải thiện quan hệ với Washington thì mới hy vọng được quốc tế giảm nhẹ trừng phạt.

Diễn đàn an ninh khu vực thường niên này do ASEAN chủ trì, quy tụ tổng cộng 27 thành viên, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Đây là một hội nghị quốc tế hiếm hoi có sự tham gia thường xuyên của Bắc Triều Tiên.

Đa số các nước thành viên cử ngoại trưởng tham dự diễn đàn ARF, nhưng theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap hôm qua, Bình Nhưỡng không cử ngoại trưởng Ri Son Gwon, mà sẽ giao cho đại sứ Bắc Triều Tiên tại Jakarta An Kwang Il đại diện nước này dự họp. Trong 2 diễn đàn của 2 năm trước, ngoại trưởng của Bắc Triều Tiên cũng không có mặt, mà Bình Nhưỡng chỉ cử đại sứ tham gia.

Diễn đàn ARF năm 2021, do Brunei chủ trì với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN, diễn ra sau khi có những thông tin về việc Bắc Triều Tiên lại tiến hành thử nghiệm tại cơ sở hạt nhân Yongbyon.

Theo lời giáo sư Yongwook Ryu, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, được trang mạng Nikkei Asia trích dẫn hôm nay, Bắc Triều Tiên nhắm tới 2 mục tiêu tại Diễn đàn ARF lần này. Thứ nhất là tìm kiếm sự trợ giúp của quốc tế để đối phó với dịch Covid-19 đang trầm trọng hơn và giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực. Mục tiêu thứ 2 là tìm cách nối lại đối thoại với Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Joe Biden, bởi vì lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un thừa biết rằng phải cải thiện quan hệ với Washington thì mới hy vọng được quốc tế giảm nhẹ trừng phạt.

Trọng Nghĩa

Published in Diễn đàn

Trung Quốc đang xây dựng hơn 100 hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa, đó là tiết lộ của báo chí Mỹ trong tuần qua và thông tin này khiến Hoa Kỳ thêm lo ngại về kho vũ khí hạt nhân mà Bắc Kinh đang phát triển.

nguyentu1

Tên lửa DF-41 của Trung Quốc trong kỳ lễ diễu binh mừng 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, ngày 01/10/2019.  AP - Mark Schiefelbein

Theo phân tích các ảnh vệ tinh của Trung tâm James Martin về nghiên cứu không phổ biến hạt nhân, được tờ Washington Post trích dẫn tuần trước, 119 hầm chứa tên lửa liên lục địa đang được Trung Quốc bí mật xây dựng tại một sa mạc gần Yumen, một thành phố ở vùng tây bắc Trung Quốc. Tờ Washington Post nhận định, việc xây dựng 119 hầm chứa tên lửa này là một "thay đổi mang tính lịch sử" của Trung Quốc. Đối với tờ báo này, như vậy là kể từ nay Bắc Kinh cũng tham gia vào "tâm lý Chiến tranh lạnh".

Hiện người ta khó biết được Trung Quốc thật sự đang phát triển 119 tên lửa đạn đạo liên lục địa, hay là Bắc Kinh xây thêm nhiều hầm để đánh lừa quốc tế về kho vũ khí tên lửa của họ, hoặc dựng kế nghi binh để tránh cho những hầm chứa tên lửa thật sự bị tấn công. Những địa điểm mà vệ tinh chụp được có thể là những nơi đang phát triển loại tên lửa DF-41, với tầm bắn dường như lên tới 15.000 km, tức là có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Trả lời về những tiết lộ của tờ Washington Post, hôm qua, 08/07/2021, đại sứ Mỹ tại Hội nghị Genève về giải trừ vũ khí, Robert Wood, đã bày tỏ mối quan ngại trước việc Trung Quốc đang tiến thêm một bước quan trọng theo hướng tăng cường kho vũ khí hạt nhân. Đồng thời, ông Robert Wood kêu gọi Bắc Kinh đối thoại để tránh một cuộc chạy đua vũ khí, để "giảm thiểu các hiểm họa hạt nhân" và "tránh những tính toán sai lầm".

Đối với đại sứ Mỹ tại hội nghị Genève về giải trừ vũ khí, "khi nào Trung Quốc vẫn chưa đối thoại song phương với Hoa Kỳ, thì nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang sẽ tiếp tục gia tăng và điều này không có lợi cho bất cứ ai".

Ông Robert Wood còn nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn tuyên bố họ là "một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm" và kho vũ khí hạt nhân rất, rất nhỏ" của họ chỉ nhằm mục đích "phòng thủ", nhưng "những gì mà Trung Quốc làm lại trái ngược với những gì họ nói".

Đại sứ Mỹ nêu lên một loạt các hệ thống vũ khí mà Bắc Kinh đang tìm cách phát triển, kể cả các tên lửa có thể bắn tới Hoa Kỳ. Đó là những vũ khí "có tiềm năng lớn làm thay đổi hoàn toàn thế ổn định chiến lược thế giới". Vẫn theo ông Robert Wood, một trong những vấn đề chính yếu đó là sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong lĩnh vực này, bởi vì Bắc Kinh không cung cấp bất cứ chi tiết nào về kho vũ khí hạt nhân của họ.

Trong báo cáo đánh giá đầu tiên về khả năng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được công bố vào năm 2020, Lầu Năm Góc thẩm định Bắc Kinh hiện có trong tay hơn 200 đầu đạn hạt nhân và Trung Quốc dường như muốn tăng gấp đôi số đầu đạn này trong thập niên tới.

Dầu sao cũng cần biết rằng số đầu đạn mà Trung Quốc được cho là đang nắm giữ vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tổng số 11.000 đầu đạn hạt nhân của Hoa Kỳ và Nga cộng lại.

Nhưng trong cuộc điều trần ở Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 4/2021, đô đốc Charles Richard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, đã lên tiếng cảnh báo về sự phát triển rất nhanh của chương trình vũ khí hạt nhân Trung Quốc. Bắc Kinh dường như hiện đã có đủ "bộ ba nguyên tử", tức là khả năng phóng các tên lửa từ trên bộ, trên không và trên biển. Cũng giống như Nga, Trung Quốc dường như đang phát triển các vũ khí siêu thanh và các vũ khí hạt nhân công suất thấp.

Điều chính yếu, theo như lời đại sứ Robert Wood, đó là nếu Trung Quốc không đối thoại với Hoa Kỳ thì không ai biết thật sự là Bắc Kinh đang làm gì với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 09/07/2021

Published in Quốc tế