Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nga lộ mặt dùng khí đốt làm công cụ chính trị

Lần đầu tiên Moskva hầu như nhìn nhận việc dùng khí đốt làm vũ khí chính trị, sau nhiều lần viện đủ mọi lý do kỹ thuật để ngưng cung cấp cho Châu Âu. Số khí này bị đốt bỏ - một thảm họa môi trường và kinh tế, trong khi cuộc xâm lăng Ukraine khiến Nga khó hồi phục trước năm 2030.

khidot1

Ảnh minh họa. Reuters – Dado Ruvic

Lần đầu tiên ba binh chủng Trung Quốc tập trận với Nga

Le Figaro chú ý đến việc "Putin muốn củng cố sức mạnh quân sự tại Châu Á-Thái Bình Dương", trong khi "Bắc Kinh hỗ trợ đồng minh Nga đối phó với Hoa Kỳ". "Đối tác không giới hạn" giữa đôi bên trải rộng xa khỏi biển Okhotsk : quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vostok ở vùng Viễn Đông Nga, nhằm gây áp lực lên Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á. Vostok 2022 có sự tham gia của 50.000 binh sĩ thuộc 14 nước chủ yếu ở Trung Á và Đông Á. Riêng với Trung Quốc, lần đầu tiên cả ba binh chủng lục quân, không quân và hải quân cùng có mặt với 2.000 lính và 300 xe quân sự, khoảng 20 phi cơ và trực thăng. Một đội tàu trong đó có khu trục hạm thế hệ mới nhất Nam Xương (Nanchang) type 055 vượt qua eo biển Tsushima.

Cuộc tập trận này khẳng định Bắc Kinh vẫn ngầm ủng hộ Moskva trong cuộc đối đầu với phương Tây, và ngược lại Kremlin cũng lên tiếng hòa giọng với Trung Quốc khi bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan. Nhà nghiên cứu Trương Hân (Zhang Xin) ở Thượng Hải nhận định : "Hợp tác quân sự Nga-Trung rất chặt chẽ trong hơn một chục năm qua, và sự kiện cả ba binh chủng tham gia Vostok 2022 cho thấy đôi bên ngày càng tin nhau hơn. Trung Quốc ít có dịp phối hợp liên quân, nên sẽ thu được nhiều kinh nghiệm". Tuy vậy Bắc Kinh thận trọng nhấn mạnh việc tập trận với Nga "không liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine", nhằm giữ một sự trung lập bề ngoài.

Gấu Nga chỉ để dọa Nhật và tiếp xăng dầu

Con rồng Trung Quốc có lợi khi sát cánh với gấu Nga tại Thái Bình Dương, cho dù không hề ảo tưởng về năng lực của Moskva - đã yếu đi rất nhiều khi xâm lược Ukraine. Hơn hai phần ba số quân Nga ở Viễn Đông đã bị gởi đi tham gia "chiến dịch đặc biệt". Nhưng phối hợp với Nga có thể dọa được Nhật Bản trong viễn cảnh xung đột với Đài Loan : các phi cơ Nga từ tây bắc sẽ gây được áp lực với người Nhật. Tokyo vốn căng thẳng với Bắc Kinh lẫn Moskva do tranh chấp quần đảo Kurils, lo ngại trước quan hệ hợp tác Nga-Trung.

Tuy vậy Trung Quốc vẫn chỉ dựa vào sức mạnh của chính mình để so găng với Hoa Kỳ. Đinh Nhất Phàm (Ding Yifan), giám đốc một cơ quan tư vấn chính phủ ở Bắc Kinh khẳng định "Chúng tôi không cần Nga để giải quyết vấn đề Đài Loan, Giải phóng quân Trung Quốc hiện đại hơn quân đội Nga nhiều". Điều này cho thấy quan hệ đối tác mất cân bằng, trọng lượng luôn nghiêng về Trung Quốc. Nga chỉ có ích lợi về năng lượng : trong trường hợp chiến tranh, xăng dầu không còn đến được bằng đường biển thì Moskva có thể tiếp tế qua đường bộ.

Về phía Nga, Ivan Chilov, phó chỉ huy trưởng chiến hạm chống tàu ngầm Marechal Chapochnikov nói rằng nếu trong các cuộc tập trận NATO hải quân Anh, Pháp, Tây Ban Nha phối hợp chặt chẽ, thì Nga với Trung Quốc trong tương lai cũng vậy. Nhưng Pavel Felgenhauer, chuyên gia Nga về quốc phòng nhắc nhở, Bắc Kinh có thể là đối tác chiến lược với Nga, nhưng việc liên minh thì không bao giờ. Đôi bên vẫn nghi ngờ lẫn nhau, và Bắc Kinh từng cảnh báo Moskva về việc sử dụng vũ khí nguyên tử ở Ukraine.

Tiếp tục phản công, Ukraine tái chiếm một số làng miền nam

Về tình hình Ukraine, Le Monde cho biết quân đội nước này đã bẻ gãy được tuyến phòng vệ của quân Nga và chiếm được nhiều địa điểm ở miền nam. Một sĩ quan tác chiến Ukraine giấu tên kể lại, quân Nga đã huy động rất nhiều phương tiện, tốn nhiều công sức để củng cố công sự tại vùng đất mà họ định tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga. Trong mỗi làng, lực lượng Ukraine đều phải đối mặt với xe tăng, pháo binh, những cánh đồng gài đầy mìn nên tiến khá chậm. Tuy nhiên họ cảm thấy tâm trạng sợ hãi bao phủ lên lính Nga. Ở tuyến đầu, nơi lính tráng bị coi là bia thịt, họ thường bỏ chạy mà không chiến đấu. Và theo tình báo quân đội Ukraine, các sĩ quan Nga ở sở chỉ huy bất ngờ khi bị đánh vào sâu như vậy.

Dân Kherson di tản dưới mưa bom

Đặc phái viên Le Monde ở Zaporijia thuật lại "Cuộc chạy trốn dưới mưa bom của cư dân Kherson". Những đoàn xe hơi, xe minibus liên tục chạy vào Epicentr, ngoại ô Zaporijia. Đó là điểm đến duy nhất của người dân ở những vùng bị Nga chiếm đóng : 1.500 người/ngày, và từ đầu cuộc chiến đến nay đã là 240.000 người. Rất nhiều người tình nguyện, cảnh sát, quân nhân giúp làm thủ tục và hướng dẫn họ. Hầu hết bảng số xe mang chữ BT của Kherson : những ngày gần đây những người di tản kiệt lực nhưng mừng rỡ khi đến nơi đều từ Kherson - đang chịu đựng những trận oanh kích của lực lượng Ukraine nhằm tái chiếm.

Oleksandr, công nhân xây dựng 38 tuổi mệt mỏi thuật lại chuyến đi đầy gian nan giữa những trận bom và trạm kiểm soát, nỗi sợ, chờ đợi dưới nắng nóng trong dòng xe kéo dài vô tận. Phó thị trưởng Kherson cũng đang tị nạn tại Zaporijia, đã cho mở một trại tạm cư. Olena, một trong những người đang tạm ngụ kể lại, cô đăng ký vào một nhóm trên Telegram để được các tình nguyện viên giúp ra đi miễn phí nhưng không mấy hy vọng, vì nhiều người phải trả tiền để được ra khỏi Kherson. Tình hình đang xấu đi, trước cuộc phản công chỉ có khoảng 6 báo động oanh kích một ngày, nhưng nay thì thường xuyên.

Một hôm Olena nhận được một cuộc gọi giấu số, một giọng nói ngắn gọn "Cô đã sẵn sàng chưa ?". Tuy trong lòng không hề muốn ra đi nhưng cô biết khó có cơ hội khác, nên trả lời vâng. "Cô sẽ ra đi ngày mai". Bảy giờ sáng hôm sau, một người tình nguyện đưa Olena và năm đứa con ra khỏi khu phố đầy xe tăng, ngôi chợ cháy đen và nhiều căn nhà đã bị phá hủy. Giờ đây tuy phải chen chúc trong chiếc giường tầng ở khu tạm cư, mẹ con cô đều có nụ cười rạng rỡ.

Moskva lộ mặt dùng khí đốt làm vũ khí chính trị

Liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng, trong bài "Khí đốt, vũ khí chính trị của Moskva", Le Monde nhận thấy lần này mọi chuyện đã quá rõ. Khi loan báo ngưng cung cấp khí đốt cho Liên Hiệp Châu Âu (EU) qua đường ống Nord Stream 1, lần đầu tiên Moskva hầu như nhìn nhận việc gây sức ép, sau nhiều lần viện đủ mọi lý do kỹ thuật để làm chậm lại hoặc cắt nguồn khí. Điện Kremlin hôm thứ Hai 05/09 nói rằng sẽ không cung ứng lại đầy đủ nếu "tập thể phương Tây" không dỡ bỏ trừng phạt. 

Ban đầu chỉ tạm ngưng hôm 31/08 để duy tu theo lịch trong ba ngày, nhưng đến 03/09 Gazprom loan báo không cung cấp tiếp vì phải tháo dỡ một động cơ của tua-bin khí. Lập tức chính nhà sản xuất tua-bin Siemens Energy lên tiếng, khẳng định đây không phải là lý do kỹ thuật để cho ngưng hệ thống. Chuyên gia Mikhail Kroutikhine cho biết, việc bảo trì các tua-bin không bị ảnh hưởng bởi cấm vận. Có 8 tua-bin để vận hành thì Gazprom nói rằng 3 chiếc không hoạt động, 1 bị kẹt ở Đức vì Nga tìm cách ngăn trở, 4 chiếc còn lại đều nằm ở Nga.

Loan báo của Moskva khiến giá khí đốt tăng vọt lên 242 euro/MWh, trong khi cách đó một năm chỉ là 28 euro/MWh ; chứng khoán Châu Âu xuống giá. Theo ông Kroutikhine, mục tiêu của Nga rất rõ : chứng tỏ Gazprom sẵn sàng để cho dân Châu Âu rét run trong mùa đông năm nay, trừ phi EU hủy bỏ hoặc ít nhất là giảm nhẹ trừng phạt và ngưng hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Đốt bỏ khí đốt trong lúc kinh tế xuống dốc

Báo chí Nga từ nhiều ngày qua tỏ ra đắc chí. Komsomolskaia Pravda viết "Một cuộc khủng hoảng kinh tế khổng lồ cùng với những đảo lộn xã hội sẽ diễn ra". Phó thủ tướng Nga Alexandre Novak tuyên bố "Chúng ta đang thấy sự sụp đổ các thị trường năng lượng Châu Âu (...) Nhưng chưa phải là hết, vì vẫn còn đang trong mùa hè nóng nực, mùa đông chưa đến...". Tuy nhiên Kremlin tránh không nói khí đốt không bán cho Châu Âu được sử dụng vào việc gì : chỉ có thể đốt bỏ số lượng khí khổng lồ này, một thảm họa môi trường và kinh tế ! Moskva không có khả năng dự trữ và không thể hướng các đường ống dẫn khí sang Châu Âu qua nơi khác.

Điều nghịch lý là Nga tỏ thái độ vô cùng cứng rắn đối với EU vào lúc các nhà lãnh đạo ở Moskva nhận ra tầm cỡ cuộc khủng hoảng kinh tế tại nước mình. Một bản báo cáo mật trong nội bộ hôm thứ Hai bị rơi vào tay hãng tin Bloomberg, trong đó dự báo kinh tế Nga xuống dốc nhanh chóng. Hai trong số ba kịch bản nhận định chỉ có thể trở lại với mức độ trước chiến tranh vào khoảng năm 2030.

Đám tang sơ sài, phân ưu chiếu lệ cho cha đẻ glasnost

Cũng về nước Nga, sự nghiệp của nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô vừa quá cố Mikhail Gorbachev và mối quan hệ với Putin cũng như phương Tây tiếp tục được nhiều tờ báo đề cập đến. Nhà cựu ngoại giao Pháp Hubert Védrine trên Le Figaro tiếc nuối "Từ Gorbachev tới Putin, những cơ hội mất đi của chúng ta". Gorbachev lên nắm quyền năm 1985, khi lãnh đạo toàn những ông già bệnh tật. Ông muốn thay đổi sâu sắc để cứu vãn Liên Xô, chứ không phải để làm biến mất.

Gorbachev can đảm tung ra perestroika (cải tổ), nhưng làm thế nào xây dựng được trên đống tro hoang tàn ? Tiếp theo là glasnost (minh bạch), nhưng tự do ngôn luận lại làm hại cho ông. Védrine cho rằng Gorbachev có cơ hội thành công nếu chủ trương glasnost không được đưa ra từ đầu, mà sau khi có được quan hệ đối tác với phương Tây để tiến hành cải tổ và hội nhập với thế giới. Quá tin tưởng vào Liên bang Xô viết đa sắc tộc, ông không lường được việc những lực lượng quốc gia (Nga, Ukraine, Kazakhstan, Kapkaz, Baltic…) trỗi dậy.

Le Monde tố cáo "đám tang đại hạ giá" dành cho Mikhail Gorbachev, bức điện chia buồn của Vladimir Putin gởi cho gia đình ông mang lời lẽ khô khốc tối đa. Công chúng chỉ có hai tiếng đồng hồ để chào vĩnh biệt nhân vật đã làm thay đổi số phận của hàng trăm triệu người trên thế giới. Do quá đông người đến viếng, phải kéo dài thành bốn tiếng mà vẫn có nhiều người kiên nhẫn chờ đợi trên đường phố để rồi thất vọng. Nhà chính trị học Andrei Gratchev viết trên Libération, Mikhail Gorbachev không có được quốc tang lẫn sự hiện diện của các nguyên thủ, trừ thủ tướng Hungary. Thi hài Gorbachev cũng được đặt trong Nhà Nghiệp đoàn như Lênin, Stalin, Brejnev, nhưng điểm khác biệt là các nhà lãnh đạo này chỉ thôi cầm quyền khi đã chết.

Biển máu tránh được thời Gorbachev, nay đang diễn ra

Gratchev tự hỏi, Vladimir Putin nghĩ gì khi đứng trước di hài của người tiền nhiệm. Nếu không có perestroika, Putin vẫn sẽ tiếp tục là một sĩ quan KGB bình thường còn Gorbachev vẫn là ông chủ điện Kremlin, làm tổng bí thư suốt đời. Mikhail Gorbachev mất đi quyền lực nhưng để lại phía sau một đất nước được giải thoát khỏi một chế độ độc tài thuộc loại hung bạo nhất, một Châu Âu đoàn kết và một thế giới tránh xa được chiến tranh nguyên tử. Ngược lại, Vladimir Putin muốn tái lập chế độ toàn trị, độc đảng kiểu mới, coi sức mạnh quân sự là cột trụ cho chính sách đối ngoại.

Trong khi Gorbachev rút quân Liên Xô khỏi Đông Âu và Afghanistan, giúp bức tường Berlin sụp đổ dẫn đến thống nhất nước Đức, thì Putin không ngần ngại gởi quân ra nước ngoài, đưa chiến tranh quay lại với Châu Âu và tranh chấp những đường biên giới đã có. "Chiến dịch quân sự đặc biệt" của ông ta ở Ukraine có nguy cơ biến thành một phiên bản mới của lò lửa Afghanistan đối với người xô-viết, đã đẩy nhanh hồi kết của Liên Xô. Ngay cả nếu Vladimir Putin vượt qua được kỷ lục cầm quyền lâu năm của Brejvev, xích gần lại thần tượng Stalin của ông, vẫn không thể mơ đến một chỗ trong đền Panthéon của lịch sử nước Nga và thế giới.

Đối với nhà văn Luba Jurgenson sinh ở Nga và định cư tại Pháp, năm 1975 khi rời Liên Xô, bà vẫn nghĩ rằng chế độ chỉ có thể sụp đổ trong biển máu. Tuy nhiên Liên Xô đã tự giải thể một cách êm thắm, ngỡ như trong mơ. Nền độc lập được trao cho các nước cộng hòa xô-viết như Ukraine, các nước Baltic, hầu như là siêu thực. Nhưng biển máu từng tránh được nay đã diễn ra, không phải do Liên Xô mà là nước Nga của Putin ngày nay.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Khí đốt : Châu Âu điều độ ngay từ mùa hè để an toàn vào mùa đông

Cắt giảm tiêu thụ chất đốt là đề tài được các báo Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hôm 20/07, Ủy Ban Châu Âu công bố kế hoạch khẩn cấp, đề xuất 27 nước thành viên giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong 8 tháng tới đây để đề phòng nguy cơ Nga cắt hẳn nguồn cung.

khidot1

Một trạm chuyển tiếp khí đốt tại Lubmin, Đức, trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1. Ảnh chụp ngày 21/06/2022.  AP - Stefan Sauer

Ở trang nhất, trên nền ảnh chụp van đường ống vận chuyển khí đốt, Libération chạy tựa lớn trang nhất "Sử dụng năng lượng điều độ : Chúng ta không còn khí đốt nhưng không thiếu ý tưởng". Les Echos thì hướng cụ thể đến nước Pháp qua hàng tít "Giá xăng : Bộ tài chính sẵn sàng cho biện pháp mới".

Từ tự nguyện đến bắt buộc

Trong bài viết "Khí đốt : Châu Âu chuẩn bị cho tình huống xấu nhất", Les Echos nhấn mạnh để đối phó với nguy cơ khan hiếm khí đốt, mỗi nước thành viên Liên Âu sẽ phải tự cố gắng nhiều hơn so với dự kiến, vì Châu Âu dường như đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng nhiên liệu nghiêm trọng nhất. Trong bối cảnh Châu Âu mới chỉ tiết kiệm được 5% năng lượng so với mức tiêu dùng trước đây, Ủy Ban Châu Âu hôm qua đề nghị các nước "làm mọi điều có thể" để giảm 15% lượng khí đốt trong giai đoạn từ tháng 08/2022 đến tháng 03/2023, so với mức trung bình cung kỳ 5 năm gần đây nhất.

Các lĩnh vực bị xem là không thiết yếu sẽ bị nhắm tới đầu tiên. Ngược lại, các ngành y tế, sản xuất lương thực - thực phẩm, quốc phòng, lọc dầu sẽ được ưu tiên. Hiện nay, các biện pháp mới chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện của các nước, nhưng nếu tình hình xấu đi hoặc chỉ cần 3 nước thành viên đề xuất là Bruxelles sẽ chuyển các biện pháp này thành quy định bắt buộc.

Lấy "mỏ điều độ" thay nguồn cung ứng của Nga

"Điều độ" là từ được Libération nhắc đến nhiều trong các bài viết : sự điều độ có tổ chức, sự điều độ đặc biệt, sự điều độ về năng lượng… Libération chơi chữ, nhận định là không có khí đốt của Nga, ngoài việc đa dạng hóa các nguồn cung ứng, Châu Âu chỉ còn cách khai thác "mỏ điều độ". "Điều độ" bỗng dưng trở thành "một khái niệm phổ biến trong mùa hè" này, bởi mới sang hè, Châu Âu đã phải lo cho một "mùa đông sắp tới".

Riêng về nước Pháp, Libération cho biết, không cần đợi có kế hoạch mới của Liên Âu, ngay từ cuối tháng 06, nhiều nhóm công tác đã được thành lập để đưa ra các biện pháp thay đổi làm giảm mức tiêu thụ năng lượng ở các địa phương, công sở, doanh nghiệp... Phát ngôn viên chính phủ Olivier Véran, sau cuộc họp của Hội đồng bộ trưởng, hôm qua đã đưa ra "lời kêu gọi công dân" mới. Tuy nhiên, Libération lấy làm ngạc nhiên là Hội đồng bộ trưởng Pháp chưa đưa ra các biện pháp tiết kiệm mới mang tính bắt buộc. Theo Libération, chính quyền phải tăng tốc chuyển các biện pháp sử đụng diều độ năng lượng thành quy định bắt buộc.

Châu Âu chuẩn bị bước vào nền kinh tế chiến tranh

Đối với báo Le Figaro, ngày 20/07/2022 là ngày "Liên Âu chuyển sang nền nền kinh tế chiến tranh" với "kế hoạch chiến đấu"  "một mùa đông an toàn", chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất : Nga cắt hoàn toàn khí đốt sang Châu Âu. Ba cột trụ của kế hoạch "chạy đua với thời gian" lần này của Liên Âu là "thay thế", "đoàn kết"  "điều độ". Hôm qua, Ủy ban Châu Âu đã công bố danh sách các lĩnh vực hoạt động được ưu tiên bảo vệ khi nổ ra khủng hoảng, trong đó có cả ngành sản xuất phân bón và môi trường. Ngược lại, lĩnh vực sản xuất hàng xa xỉ, cao cấp sẽ bị nhắm tới cắt giảm đầu tiên nếu tình hình năng lượng trở nên trầm trọng.

Chiến tranh Ukraine : Moskva gia tăng "Nga hóa" các vùng chiếm được

Về chiến tranh Ukraine, La Croix quan tâm đến mối lo của Ukraine và Mỹ về việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ đã chiếm được ở miền đông nam Ukraine trong bối cảnh chính quyền phe chiếm đóng củng cố ảnh hưởng và gia tăng nỗ lực Nga hóa các vùng Kherson và Zaporijia.

Ngày 17/07, tờ báo mới, Zaporojskiy Vestnk, do phe chiếm đóng ở Zaporijia lập ra, tuyên truyền "Chúng ta là một dân tộc duy nhất" với hình tổng thống Nga Vladimir Putin và câu phát biểu của ông về hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Louhansk ở miền đông Ukraine : "Chính những người dân sống ở các vùng lãnh thổ này sẽ quyết định tương lai của họ, và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ, bất kể sự lựa chọn đó là gì". La Croix nhấn mạnh điều này càng làm gia tăng mối lo ngại về một cuộc "trưng cầu dân ý về thống nhất" để Nga sáp nhập hai vùng này và cả các vùng Kherson và Zaporijia, như điện Kremlin đã từng làm với bán đảo Crimea hồi năm 2014.

Nhà Trắng cho biết hôm thứ Ba 19/07 rằng chính phủ Nga dường như có "các kế hoạch chi tiết để sáp nhập một số khu vực ở Ukraine, trong đó có Kherson, Zaporijia và toàn bộ vùng Donetsk và Luhansk". Mỹ cũng tố cáo các nỗ lực "Nga hóa" các vùng lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng, bao gồm việc lập các ngân hàng của Nga để phổ biến việc sử dụng đồng rup, bổ nhiệm các công chức Nga và cộng tác viên địa phương vào các vị trí chủ chốt, phát hộ chiếu Nga, xóa sổ tiếng Ukraine, định lại lưu lượng truy cập mạng Internet qua Nga và triển khai hệ thống giám sát kỹ thuật số của Nga, thậm chí tuyển dụng nhiều giáo viên Nga để dạy học ở các địa phương đã chiếm được từ Ukraine.

Sri Lanka : "Nhiệm vụ bất khả thi" của chính quyền mới

Dành tựa trang nhất cho Bolsonaro và bóng tối phủ lên kỳ bầu cử tổng thống Brasil, với rất nhiều chủ đề từ thời sự đến xã hội, dàn trải ở các trang trong, từ chiến tranh Ukraine, thượng đỉnh Tehran, đến tác động của nắng nóng đối với cơ thể con người, các biện pháp đề xuất với giới doanh nghiệp để cải thiện sức mua của người lao động, nhưng xã luận Le Monde lại dành để nói về việc xử lý cuộc khủng hoảng Sri Lanka, mà tờ báo gọi là "nhiệm vụ bất khả thi" của chính quyền mới. 

Thay vì phải lường trước là sẽ còn nhiều khó khăn nghiêm trọng trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tới đây, người dân Sri Lanka dường như chỉ chú ý đến các biện pháp mà chính quyền của tân tổng thống Ranil Wichkremesinghe phải triển khai ngay để bảo đảm cho sự sống sót của dân chúng. Từ nhiều tháng nay, không gì còn có thể vận hành, từ trường học đến bệnh viện, cả xăng và nhu yếu phẩm đều cạn kiệt - hệ quả của nhiều năm gia tộc Rajapaksa thâu tóm quyền hành.

Do Sri Lanka đã mất khả năng thanh khoản, dĩ nhiên hiện giờ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) là điểm tựa lớn nhất. IMF mới đây hy vọng có thể tái lập thảo luận với tân chính quyền Sri Lanka về một chương trình ưu đãi. Theo Le Monde, dù IMF không áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng đối với Sri Lanka bởi sẽ chỉ gây thêm tổn hại, thì Sri Lanka cũng sẽ không thể thoát được một cuộc cải cách đau đớn. Tăng thuế trở lại, cắt giảm các khoản trợ cấp sẽ nằm trong tầm ngắm của IMF để giải quyết tình trạng tài chính công suy yếu, trong khi Bắc Kinh thì vẫn đề phòng, từ chối hoãn nợ cho Sri Lanka.

Nhưng điều mà người dân, vốn đã hoàn toàn mất niềm tin vào tầng lớp chính trị, nay đòi hỏi trước tiên và trên hết là cải cách chính trị. Nhiều người tham gia Aragalaya, phong trào lật đổ tổng thống, đòi bầu cử sớm, sang trang chế độ. Nhưng theo Le Monde, việc bầu một người có thâm niên trong chính giới Sri Lanka làm tổng thống mới không giúp xoa dịu tình hình.

Trong bối cảnh bất ổn, sau một cuộc cách mạng nhân dân chưa từng có, rất có thể những người cách mạng ở Sri Lanka sẽ gây áp lực lên các nhà lãnh đạo mới, đòi hỏi tính minh bạch, trung thực và hiệu quả cao hơn. Sau những gì vừa trải qua, 22 triệu người Sri Lanka chỉ mong muốn sự ổn định trong xã hội, sự ôn hòa trong chính trị và sự hợp lý trong nền kinh tế. Nhưng vì ngay từ đầu đã không được ủng hộ mạnh mẽ, tân tổng thống Ranil Wickremesinghe đang đứng trước "nhiệm vụ bất khả thi".

Tân tổng thống được bầu hợp hiến, nhưng không hợp lòng dân

Báo La Croix gọi Ranil Wichkremesinghe là "vị tân tổng thống không được lòng dân" dù ông có nhiều kinh nghiệm trên chính trườngQuốc hội Sri Lanka đang bị tố cáo là không đại diện cho nhân dân, việc Quốc hội bầu Ranil Wichkremesinghe làm tổng thống là hợp hiến, nhưng không hợp đạo lý.

Đặc phái viên La Croix tại Colombo ghi nhận phát biểu của những người đấu tranh lật đổ chế độ cũ : "Quay lại vạch xuất phát", "tân tổng thống đại diện cho hệ thống đã đẩy đất nước đến thảm họa", "Lá phiếu này (của Quốc hội) cũng cho thấy những mong muốn của công dân suốt 4 tháng qua đã bị Quốc hội gạt bỏ. Dân chúng muốn một sự thay đổi, nhưng với Ranil Wichkremesinghe thì sẽ không có sự thay đổi. Quốc hội đã gửi đi một thông điệp tồi tệ đến dân chúng, những người từng cố phản kháng một cách ôn hòa". Nhiều người cảnh báo sẽ huy động sức mạnh của phong trào để "đánh bật Ranil ra khỏi phủ tổng thống". 

Thiếu nhân công - thảm họa của nền kinh tế Pháp

Về tình hình nước Pháp, báo kinh tế Les Echos dành nhiều bài viết cho tình trạng thiếu lao động diện trọng trong nhiều lĩnh vực. Báo kinh tế Pháp khái quát ngắn gọn : "Không có một lĩnh vực nào thoát khỏi những khó khăn về tuyển dụng", đáng báo động nhất là ngành du lịch, nhà hàng, nông nghiệp, giao thông, ngành hàng xa xỉ phẩm và công nghiệp. Thiếu nhân lực hiện đang gây ra "thảm họa" cho ngành công nghiệp Pháp. Các bệnh viện tư cũng thiếu nhân viên chăm sóc y tế đến mức phải kêu gọi sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước để dễ bề tuyển dụng y tá, hộ lý.

Xì gà : Quyền lực mềm của Fidel Castro

Trong chuyên mục đặc biệt giới thiệu một đồ vật gắn liền với một nhân vật nổi tiếng, Le Monde giới thiệu "cigare của Castro". Các nhà tài cũng có quyền có "quyền lục mềm". Đối với nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro, đó chính là điếu cigare thương hiệu Cohiba. Chính nhà lãnh đạo Castro đã yêu cầu cigare Cohiba phải được sản xuất thủ công và được chứng nhận "mang tính cách mạng". Ban đầu, chỉ dành cho giới tinh hoa cộng sản, các nhà ngoại giao hoặc lãnh đạo các nước bằng hữu, từ năm 1982 Cohiba đã được xuất khẩu và khách hàng tranh nhau mua.

Niềm say mê cigare của Castro đã tạo cảm hứng cho các kế hoạch đen tối nhưng vô ích của tình báo Mỹ. CIA tìm cách đầu độc Fidel Castro bằng cigare, chẳng hạn nhồi thuốc nổ hoặc tẩm ma túy gây ảo giác LSD. Để đối phó với những mối đe dọa này, nhà máy Cohiba được bảo vệ cẩn mật như căn cứ quân sự Fort Knox của Mỹ, nơi từng được dùng để chứa vàng.

Sau này, khi bị chỉ trích về sự cứng rắn của chế độ, Castro đã dựa vào "ngoại giao cigare". Năm 1985, bị thuyết phục bởi các chiến dịch chống hút thuốc lá, Castro tuyên bố đã bỏ xì gà và nói "Sự hy sinh cuối cùng mà tôi phải làm cho nhân dân Cuba là bỏ hút thuốc".

Tại sao món ăn có hại cho sức khỏe lại khó cưỡng ?

Về lĩnh vực sức khỏe, nếu như Le Monde quan tâm đến tác động của các đợt nắng nóng tới tỉ lệ tử vong, La Croix lại chạy tựa trang nhất : Béo, mặn, ngọt… Tại sao món ăn có hại cho sức khỏe lại khó cưỡng ? Tờ báo chú ý đến các lý do sinh lý, tâm lý xã hội, văn hóa và kinh tế khiến nhiều người dù biết tác hại nhưng vẫn thích những món không tốt cho sức khỏe. Và đương nhiên, một phần trách nhiệm thuộc về các tập đoàn công nghiệp với các chiêu bài marketing, quảng cáo cho các sản phẩm chế biến sẵn, nghèo dinh dưỡng nhưng lại giàu chất béo, đường và muối. Hôm nay 21/07 chính là Ngày thế giới cảnh báo về các thói quen ăn uống không lành mạnh.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author Thùy Dương
Published in Quốc tế

Một nghịch lý đang diễn ra tại Châu Âu : đe dọa cấm vận Nga vì chiến tranh Ukraine nhưng không biến lời nói thành hành động, nên Liên Âu phải mua khí đốt của Nga với "giá đắt như vàng". Bất chấp các biện pháp trừng phạt và những tuyên bố mạnh mẽ, mỗi ngày Liên Âu vẫn chi hàng trăm triệu euro cho tập đoàn Nga Gazprom để mua khí đốt, mang lại nguồn thu cao kỷ lục cho Moskva để chính quyền Putin tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine.

khidot1

Một tàu lai dắt tham gia đặt đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối Nga đến Đức, tại cảng Wismar, Đức, ngày 14/01/2021. AP - Jens Buettner

Trên đây là nhận định của báo kinh tế Pháp, Les Echos, trong bài  "Khí đốt : Cái bẫy đáng sợ mà Putin giăng ra", đăng ngày 18/05/2022.

Chiến thắng không thể phủ nhận của Putin ngay từ hiệp đầu

Theo tính toán của Thierry Bros, giáo sư đại học Khoa học chính trị Sciences Po Paris, chỉ tính riêng khí đốt, mỗi ngày Liên Âu phải trả cho Gazprom, công ty Nhà nước độc quyền về xuất khẩu khí đốt của Nga qua các đường ống dẫn khí ga, 200 triệu euro. Nhờ đó Nga có nguồn ngân sách cho bộ Quốc Phòng, mà Trung tâm nghiên cứu về khí đốt và năng lượng sạch nhận định là lên tới 180 triệu euro/ngày hồi năm 2020. Nhờ giá khí đốt tăng vọt, Nga có thể thu được 100 tỉ đô la từ Liên Âu trong năm 2022, gần như gấp đôi so với năm 2021. Đó là chưa kể các khoản thu từ dầu lửa, than đá và các nguyên liệu khác.

Les Echos nhấn mạnh sự lệ thuộc của các nước Châu Âu vào nguồn khí đốt của Nga đã biến thành một cái bẫy mà Putin đã phát huy hiệu quả một cách đáng sợ. Theo quan sát của Anne-Sophie Corbeau, nghiên cứu gia của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu, đại học Columbia, Mỹ, "ngay khi giá cả vừa dịu đi một chút, chỉ cần một tuyên bố hay một lời đe dọa cắt khí đốt của Nga là đủ để làm giá tăng bùng trở lại".

Tương tự Les Echos, đài France Inter ngày 18/05 nói tới "cái bẫy ngày càng siết chặt" đối với Châu Âu, nhưng không chỉ về khí đốt và còn cả về dầu lửa. France Inter nhắc lại chuyện Putin từng mỉm cười và giải thích là Châu Âu nói về trừng phạt và cấm vận, nhưng kết quả là lại làm tăng giá dầu lửa. Tổng thống Nga khẳng định : "Điều đó đã mang lại cho chúng tôi rất, rất nhiều tiền" và "dẫu sao thì Châu Âu cũng không thể thiếu chúng tôi". Sự lưỡng lự của Liên Hiệp Châu Âu, việc Bruxelles có các tuyên bố có vẻ cứng rắn nhưng lại không thể có được sự thống nhất, chủ yếu do Hungary, đã tạo nên sự bấp bênh, không chắc chắc và chính điều này đã đẩy giá tăng vọt. 

Trở lại với khí đốt, hiện nay, giá Châu Âu mua của Nga đã tăng cao gấp 5-6 lần so với mức bình thường hồi cuối năm 2021. Ngay từ trước khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Gazprom đã bắt đầu giảm chuyển khí đốt sang Châu Âu, làm bùng lên nỗi lo chưa từng có trên thị trường khí đốt. Không thể phủ nhận là Vladimir Putin đã thắng ngay từ hiệp đầu trong trận chiến năng lượng với Châu Âu, bởi ngay cả khi Liên Hiệp bắt đầu giảm mua khí đốt từ Nga thì sự bùng nổ giá cả cũng đã đủ bù đắp, thậm chí Nga còn lãi nhiều hơn trước.

Lấy giá cả bù số lượng

Cho đóng van đường ống dẫn khí ga cung cấp cho Ba Lan và Bulgarie, ông chủ điện Kremlin cho thấy đã sẵn sàng biến các đe dọa thành hành động. Chỉ sau 2 ngày, giá khí đốt đã tăng hơn 15%, đủ bù cho Gazprom phần doanh thu bị giảm vốn dĩ cũng khá khiêm tốn so với quy mô của tập đoàn Nhà nước Nga. Nói tóm lại, Nga lấy giá cả bù cho số lượng bán ra. Bằng cách này, chỉ trong quý 3 tháng hồi cuối năm 2021, lợi nhuận vượt trội của tập đoàn Gazprom đã đủ bù toàn bộ kinh phí 10 tỉ đô la mà Nga bỏ ra để xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Nhà phân tích Collen của Les Echos nhận định rất có thể đường ống dẫn khí đốt dưới biển Baltic nối từ Nga sang Đức sẽ chẳng bao giờ được đưa vào khai thác do các lệnh trừng phạt của Liên Âu, nhưng với Nga thì điều này không quan trọng, bởi toàn bộ chi phí đầu tư đã được hoàn lại nhờ khí đốt tăng giá.

Tình hình khiến nhiều người tự hỏi đâu là chiến thuật của Liên Hiệp Châu Âu. Một nhà công nghiệp khí đốt than phiền chính việc Bruxelles cứ đe dọa trừng phạt Nga đã đẩy giá khí đốt tăng cao, thế nhưng Liên Âu lại không biến các đe dọa thành hành động, khiến lượng khí đốt Nga bán sang Châu Âu vẫn rất nhiều. Và Putin lại thắng ! Vẫn theo nhân vật này, giải pháp là Châu Âu phải nói rõ ràng rằng về ngắn hạn Bruxelles sẽ không cấm vận khí đốt của Nga. Điều đó sẽ ngay lập tức làm hạ giá khí đốt bởi hiện giờ giá khí đốt của Nga không phản ánh đúng thực tế trên thị trường khí đốt tại Châu Âu : Liên Hiệp vẫn đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu của các nước.

Theo Mike Fulwood, thuộc Viện nghiên cứu năng lượng của Đại học Oxford, giải pháp nói trên có thể sẽ không ngăn cản Moskva tiếp tục dọa khóa van ống dẫn khí đốt sang Châu Âu, nhưng chí ít sự chắc chắn mà Bruxelles tạo ra cho các nhà nhập khẩu của Liên Âu cũng có thể giúp trấn an thị trường, làm hạ giá khí đốt, cắt giảm thu nhập của Nhà nước Nga, trong khi chờ đợi vài năm để Châu Âu có thể thực sự thoát khỏi việc lệ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.

Thế nhưng, vướng mắc là ở chỗ về mặt chính trị, Châu Âu không thể thừa nhận rằng không thể cấm vận khí đốt của Nga ngay trong ngắn hạn, cho dù đây đúng là một thực tế, bởi làm như vậy tức là "đầu hàng Putin". Les Echos kết luận Châu Âu hoàn toàn vướng bẫy của Nga.

Chiến lược gây bất ổn cho Châu Âu

Ngoài vấn đề về giá cả, dùng khí đốt để chia rẽ 27 nước thành viên Liên Âu cũng là một mưu đồ của tổng thống Nga Vladimir Putin. Một nguồn tin thông thạo hồ sơ cho Les Echos biết "Putin vẫn luôn có thể lấy một cớ cụ thể nào đó để trừng phạt nước này hay nước kia ở Châu Âu nếu ông ta muốn". Cách nay 2 tuần, Moskva đã viện cớ trừng phạt các chi nhánh Châu Âu của Gazprom để ngưng vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức và "trò chơi của Putin là nhằm tìm cách chia rẽ 27 nước thành viên Liên Âu và duy trì một mối căng thẳng thường trực để có thể giữ giá khí đốt ở mức cao". Vậy là một mũi tên trúng hai đích, một công đôi việc, nước Nga dùng lá bài năng lượng để vừa thu bộn tiền, vừa gây chia rẽ khách hàng Châu Âu.

L’Express ngày 13/05 cũng trích dẫn Nicolas Goldberg, chuyên gia năng lượng của Terra Nova, một cơ quan tư vấn độc lập của Pháp, và Columbus Consulting, theo đó chiêu trò của Nga "chẳng có gì đáng ngạc nhiên", bởi "Putin vẫn đang chơi trò chia rẽ Châu Âu và gây sức ép". Còn chuyên gia Phuc Vinh Nguyen, thuộc Trung tâm Khí hậu và Năng lượng của viện Jacques-Delors, nhận định : "Kiến tha lâu đầy tổ, Putin sử dụng nhiều biện pháp để giữ giá chất đốt ở mức cao. Điều này không phải vô cớ, trong bối cảnh các nước Liên Âu đang ra sức thương lượng với nhau, đặc biệt về việc cấm vận dầu lửa" của Nga. 

Các nước Châu Âu hiện vẫn còn phải lệ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga nhưng buộc quay lưng lại với nguồn cung ứng của Nga, liệu Putin có thể gây hại cho an ninh năng lượng của các nước Châu Âu hay không ? Theo tình hình hiện nay thì điều này về ngắn hạn là ít có khả năng xảy ra, bởi việc tiêu dùng khí đốt của Châu Âu chủ yếu mang tính mùa vụ, mùa đông đã qua nên nhu cầu khí đốt tại Liên Âu đã giảm dần, nguồn khí tự nhiên hóa lỏng cũng khá dồi dào do nhu cầu của Trung Quốc giảm : Bắc Kinh phong tỏa nhiều địa phương để chống dịch Covid-19.

Việc tích cực dự trữ khí đốt từ nhiều tuần nay có thể giúp Châu Âu vượt qua mùa đông tới, nhưng dẫu sao các biện pháp đối phó của Nga cũng có thể ảnh hưởng phần nào tới việc dự trữ khí đốt của Liên Âu và duy trì tình trạng căng thẳng ở Châu lục này. Và theo chuyên gia Phuc Vinh Nguyen, không dễ gì mà Putin để yên cho Châu Âu.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author Thùy Dương
Published in Diễn đàn