Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/07/2022

Điểm báo Pháp – Châu Âu tồn trữ khí đốt cho mùa đông

RFI tiếng Việt

Khí đốt : Châu Âu điều độ ngay từ mùa hè để an toàn vào mùa đông

Cắt giảm tiêu thụ chất đốt là đề tài được các báo Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hôm 20/07, Ủy Ban Châu Âu công bố kế hoạch khẩn cấp, đề xuất 27 nước thành viên giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong 8 tháng tới đây để đề phòng nguy cơ Nga cắt hẳn nguồn cung.

khidot1

Một trạm chuyển tiếp khí đốt tại Lubmin, Đức, trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1. Ảnh chụp ngày 21/06/2022.  AP - Stefan Sauer

Ở trang nhất, trên nền ảnh chụp van đường ống vận chuyển khí đốt, Libération chạy tựa lớn trang nhất "Sử dụng năng lượng điều độ : Chúng ta không còn khí đốt nhưng không thiếu ý tưởng". Les Echos thì hướng cụ thể đến nước Pháp qua hàng tít "Giá xăng : Bộ tài chính sẵn sàng cho biện pháp mới".

Từ tự nguyện đến bắt buộc

Trong bài viết "Khí đốt : Châu Âu chuẩn bị cho tình huống xấu nhất", Les Echos nhấn mạnh để đối phó với nguy cơ khan hiếm khí đốt, mỗi nước thành viên Liên Âu sẽ phải tự cố gắng nhiều hơn so với dự kiến, vì Châu Âu dường như đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng nhiên liệu nghiêm trọng nhất. Trong bối cảnh Châu Âu mới chỉ tiết kiệm được 5% năng lượng so với mức tiêu dùng trước đây, Ủy Ban Châu Âu hôm qua đề nghị các nước "làm mọi điều có thể" để giảm 15% lượng khí đốt trong giai đoạn từ tháng 08/2022 đến tháng 03/2023, so với mức trung bình cung kỳ 5 năm gần đây nhất.

Các lĩnh vực bị xem là không thiết yếu sẽ bị nhắm tới đầu tiên. Ngược lại, các ngành y tế, sản xuất lương thực - thực phẩm, quốc phòng, lọc dầu sẽ được ưu tiên. Hiện nay, các biện pháp mới chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện của các nước, nhưng nếu tình hình xấu đi hoặc chỉ cần 3 nước thành viên đề xuất là Bruxelles sẽ chuyển các biện pháp này thành quy định bắt buộc.

Lấy "mỏ điều độ" thay nguồn cung ứng của Nga

"Điều độ" là từ được Libération nhắc đến nhiều trong các bài viết : sự điều độ có tổ chức, sự điều độ đặc biệt, sự điều độ về năng lượng… Libération chơi chữ, nhận định là không có khí đốt của Nga, ngoài việc đa dạng hóa các nguồn cung ứng, Châu Âu chỉ còn cách khai thác "mỏ điều độ". "Điều độ" bỗng dưng trở thành "một khái niệm phổ biến trong mùa hè" này, bởi mới sang hè, Châu Âu đã phải lo cho một "mùa đông sắp tới".

Riêng về nước Pháp, Libération cho biết, không cần đợi có kế hoạch mới của Liên Âu, ngay từ cuối tháng 06, nhiều nhóm công tác đã được thành lập để đưa ra các biện pháp thay đổi làm giảm mức tiêu thụ năng lượng ở các địa phương, công sở, doanh nghiệp... Phát ngôn viên chính phủ Olivier Véran, sau cuộc họp của Hội đồng bộ trưởng, hôm qua đã đưa ra "lời kêu gọi công dân" mới. Tuy nhiên, Libération lấy làm ngạc nhiên là Hội đồng bộ trưởng Pháp chưa đưa ra các biện pháp tiết kiệm mới mang tính bắt buộc. Theo Libération, chính quyền phải tăng tốc chuyển các biện pháp sử đụng diều độ năng lượng thành quy định bắt buộc.

Châu Âu chuẩn bị bước vào nền kinh tế chiến tranh

Đối với báo Le Figaro, ngày 20/07/2022 là ngày "Liên Âu chuyển sang nền nền kinh tế chiến tranh" với "kế hoạch chiến đấu"  "một mùa đông an toàn", chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất : Nga cắt hoàn toàn khí đốt sang Châu Âu. Ba cột trụ của kế hoạch "chạy đua với thời gian" lần này của Liên Âu là "thay thế", "đoàn kết"  "điều độ". Hôm qua, Ủy ban Châu Âu đã công bố danh sách các lĩnh vực hoạt động được ưu tiên bảo vệ khi nổ ra khủng hoảng, trong đó có cả ngành sản xuất phân bón và môi trường. Ngược lại, lĩnh vực sản xuất hàng xa xỉ, cao cấp sẽ bị nhắm tới cắt giảm đầu tiên nếu tình hình năng lượng trở nên trầm trọng.

Chiến tranh Ukraine : Moskva gia tăng "Nga hóa" các vùng chiếm được

Về chiến tranh Ukraine, La Croix quan tâm đến mối lo của Ukraine và Mỹ về việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ đã chiếm được ở miền đông nam Ukraine trong bối cảnh chính quyền phe chiếm đóng củng cố ảnh hưởng và gia tăng nỗ lực Nga hóa các vùng Kherson và Zaporijia.

Ngày 17/07, tờ báo mới, Zaporojskiy Vestnk, do phe chiếm đóng ở Zaporijia lập ra, tuyên truyền "Chúng ta là một dân tộc duy nhất" với hình tổng thống Nga Vladimir Putin và câu phát biểu của ông về hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Louhansk ở miền đông Ukraine : "Chính những người dân sống ở các vùng lãnh thổ này sẽ quyết định tương lai của họ, và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ, bất kể sự lựa chọn đó là gì". La Croix nhấn mạnh điều này càng làm gia tăng mối lo ngại về một cuộc "trưng cầu dân ý về thống nhất" để Nga sáp nhập hai vùng này và cả các vùng Kherson và Zaporijia, như điện Kremlin đã từng làm với bán đảo Crimea hồi năm 2014.

Nhà Trắng cho biết hôm thứ Ba 19/07 rằng chính phủ Nga dường như có "các kế hoạch chi tiết để sáp nhập một số khu vực ở Ukraine, trong đó có Kherson, Zaporijia và toàn bộ vùng Donetsk và Luhansk". Mỹ cũng tố cáo các nỗ lực "Nga hóa" các vùng lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng, bao gồm việc lập các ngân hàng của Nga để phổ biến việc sử dụng đồng rup, bổ nhiệm các công chức Nga và cộng tác viên địa phương vào các vị trí chủ chốt, phát hộ chiếu Nga, xóa sổ tiếng Ukraine, định lại lưu lượng truy cập mạng Internet qua Nga và triển khai hệ thống giám sát kỹ thuật số của Nga, thậm chí tuyển dụng nhiều giáo viên Nga để dạy học ở các địa phương đã chiếm được từ Ukraine.

Sri Lanka : "Nhiệm vụ bất khả thi" của chính quyền mới

Dành tựa trang nhất cho Bolsonaro và bóng tối phủ lên kỳ bầu cử tổng thống Brasil, với rất nhiều chủ đề từ thời sự đến xã hội, dàn trải ở các trang trong, từ chiến tranh Ukraine, thượng đỉnh Tehran, đến tác động của nắng nóng đối với cơ thể con người, các biện pháp đề xuất với giới doanh nghiệp để cải thiện sức mua của người lao động, nhưng xã luận Le Monde lại dành để nói về việc xử lý cuộc khủng hoảng Sri Lanka, mà tờ báo gọi là "nhiệm vụ bất khả thi" của chính quyền mới. 

Thay vì phải lường trước là sẽ còn nhiều khó khăn nghiêm trọng trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tới đây, người dân Sri Lanka dường như chỉ chú ý đến các biện pháp mà chính quyền của tân tổng thống Ranil Wichkremesinghe phải triển khai ngay để bảo đảm cho sự sống sót của dân chúng. Từ nhiều tháng nay, không gì còn có thể vận hành, từ trường học đến bệnh viện, cả xăng và nhu yếu phẩm đều cạn kiệt - hệ quả của nhiều năm gia tộc Rajapaksa thâu tóm quyền hành.

Do Sri Lanka đã mất khả năng thanh khoản, dĩ nhiên hiện giờ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) là điểm tựa lớn nhất. IMF mới đây hy vọng có thể tái lập thảo luận với tân chính quyền Sri Lanka về một chương trình ưu đãi. Theo Le Monde, dù IMF không áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng đối với Sri Lanka bởi sẽ chỉ gây thêm tổn hại, thì Sri Lanka cũng sẽ không thể thoát được một cuộc cải cách đau đớn. Tăng thuế trở lại, cắt giảm các khoản trợ cấp sẽ nằm trong tầm ngắm của IMF để giải quyết tình trạng tài chính công suy yếu, trong khi Bắc Kinh thì vẫn đề phòng, từ chối hoãn nợ cho Sri Lanka.

Nhưng điều mà người dân, vốn đã hoàn toàn mất niềm tin vào tầng lớp chính trị, nay đòi hỏi trước tiên và trên hết là cải cách chính trị. Nhiều người tham gia Aragalaya, phong trào lật đổ tổng thống, đòi bầu cử sớm, sang trang chế độ. Nhưng theo Le Monde, việc bầu một người có thâm niên trong chính giới Sri Lanka làm tổng thống mới không giúp xoa dịu tình hình.

Trong bối cảnh bất ổn, sau một cuộc cách mạng nhân dân chưa từng có, rất có thể những người cách mạng ở Sri Lanka sẽ gây áp lực lên các nhà lãnh đạo mới, đòi hỏi tính minh bạch, trung thực và hiệu quả cao hơn. Sau những gì vừa trải qua, 22 triệu người Sri Lanka chỉ mong muốn sự ổn định trong xã hội, sự ôn hòa trong chính trị và sự hợp lý trong nền kinh tế. Nhưng vì ngay từ đầu đã không được ủng hộ mạnh mẽ, tân tổng thống Ranil Wickremesinghe đang đứng trước "nhiệm vụ bất khả thi".

Tân tổng thống được bầu hợp hiến, nhưng không hợp lòng dân

Báo La Croix gọi Ranil Wichkremesinghe là "vị tân tổng thống không được lòng dân" dù ông có nhiều kinh nghiệm trên chính trườngQuốc hội Sri Lanka đang bị tố cáo là không đại diện cho nhân dân, việc Quốc hội bầu Ranil Wichkremesinghe làm tổng thống là hợp hiến, nhưng không hợp đạo lý.

Đặc phái viên La Croix tại Colombo ghi nhận phát biểu của những người đấu tranh lật đổ chế độ cũ : "Quay lại vạch xuất phát", "tân tổng thống đại diện cho hệ thống đã đẩy đất nước đến thảm họa", "Lá phiếu này (của Quốc hội) cũng cho thấy những mong muốn của công dân suốt 4 tháng qua đã bị Quốc hội gạt bỏ. Dân chúng muốn một sự thay đổi, nhưng với Ranil Wichkremesinghe thì sẽ không có sự thay đổi. Quốc hội đã gửi đi một thông điệp tồi tệ đến dân chúng, những người từng cố phản kháng một cách ôn hòa". Nhiều người cảnh báo sẽ huy động sức mạnh của phong trào để "đánh bật Ranil ra khỏi phủ tổng thống". 

Thiếu nhân công - thảm họa của nền kinh tế Pháp

Về tình hình nước Pháp, báo kinh tế Les Echos dành nhiều bài viết cho tình trạng thiếu lao động diện trọng trong nhiều lĩnh vực. Báo kinh tế Pháp khái quát ngắn gọn : "Không có một lĩnh vực nào thoát khỏi những khó khăn về tuyển dụng", đáng báo động nhất là ngành du lịch, nhà hàng, nông nghiệp, giao thông, ngành hàng xa xỉ phẩm và công nghiệp. Thiếu nhân lực hiện đang gây ra "thảm họa" cho ngành công nghiệp Pháp. Các bệnh viện tư cũng thiếu nhân viên chăm sóc y tế đến mức phải kêu gọi sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước để dễ bề tuyển dụng y tá, hộ lý.

Xì gà : Quyền lực mềm của Fidel Castro

Trong chuyên mục đặc biệt giới thiệu một đồ vật gắn liền với một nhân vật nổi tiếng, Le Monde giới thiệu "cigare của Castro". Các nhà tài cũng có quyền có "quyền lục mềm". Đối với nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro, đó chính là điếu cigare thương hiệu Cohiba. Chính nhà lãnh đạo Castro đã yêu cầu cigare Cohiba phải được sản xuất thủ công và được chứng nhận "mang tính cách mạng". Ban đầu, chỉ dành cho giới tinh hoa cộng sản, các nhà ngoại giao hoặc lãnh đạo các nước bằng hữu, từ năm 1982 Cohiba đã được xuất khẩu và khách hàng tranh nhau mua.

Niềm say mê cigare của Castro đã tạo cảm hứng cho các kế hoạch đen tối nhưng vô ích của tình báo Mỹ. CIA tìm cách đầu độc Fidel Castro bằng cigare, chẳng hạn nhồi thuốc nổ hoặc tẩm ma túy gây ảo giác LSD. Để đối phó với những mối đe dọa này, nhà máy Cohiba được bảo vệ cẩn mật như căn cứ quân sự Fort Knox của Mỹ, nơi từng được dùng để chứa vàng.

Sau này, khi bị chỉ trích về sự cứng rắn của chế độ, Castro đã dựa vào "ngoại giao cigare". Năm 1985, bị thuyết phục bởi các chiến dịch chống hút thuốc lá, Castro tuyên bố đã bỏ xì gà và nói "Sự hy sinh cuối cùng mà tôi phải làm cho nhân dân Cuba là bỏ hút thuốc".

Tại sao món ăn có hại cho sức khỏe lại khó cưỡng ?

Về lĩnh vực sức khỏe, nếu như Le Monde quan tâm đến tác động của các đợt nắng nóng tới tỉ lệ tử vong, La Croix lại chạy tựa trang nhất : Béo, mặn, ngọt… Tại sao món ăn có hại cho sức khỏe lại khó cưỡng ? Tờ báo chú ý đến các lý do sinh lý, tâm lý xã hội, văn hóa và kinh tế khiến nhiều người dù biết tác hại nhưng vẫn thích những món không tốt cho sức khỏe. Và đương nhiên, một phần trách nhiệm thuộc về các tập đoàn công nghiệp với các chiêu bài marketing, quảng cáo cho các sản phẩm chế biến sẵn, nghèo dinh dưỡng nhưng lại giàu chất béo, đường và muối. Hôm nay 21/07 chính là Ngày thế giới cảnh báo về các thói quen ăn uống không lành mạnh.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 259 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)