Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/07/2022

Điểm báo Pháp - Hậu cần Nga bị rối loạn vì Himars

RFI tiếng Việt

Ukraine : Hệ thống hậu cần Nga bị rối loạn vì hỏa tiễn Himars của Mỹ

Le Monde nhận thấy "Hệ thống hậu cần Nga bị rối loạn vì hỏa tiễn Himars của Mỹ". Khoảng vài chục kho đạn Nga ở Ukraine đã bị vũ khí tầm xa do Washington cung cấp cho Kiev phá hủy, gây ra nỗi kinh hoàng cho quân xâm lược.

haucan1

Hệ thống pháo phản lực cơ động Himars của Mỹ trong một cuộc thao dượt ở trung tâm huấn luyện Yakima, bang Washington, Hoa Kỳ. Ảnh tư liệu chụp ngày 23/05/2011.  AP - Tony Overman

Himars, khắc tinh của các kho đạn Nga

Lo sợ các cơ sở ở Crimea sẽ bị tấn công, cựu tổng thống Nga Dimitri Medvedev vào Chủ nhật 17/07 đã phải đe dọa "ngày phán xử cuối cùng" cho Ukraine. Trước đó một hôm, đại diện tình báo quân đội Ukraine, Vadym Skibitsky tuyên bố cầu Crimea (được xây dựng bốn năm sau khi Nga chiếm) và các mục tiêu khác trong vùng cần phải bị tiêu diệt vì an toàn của người dân, do Crimea "được sử dụng làm hậu cứ cho việc vận chuyển vũ khí của Nga" sang miền nam Ukraine. Kiev hứa hẹn sẽ tái chiếm bán đảo, và Skibitsky nhấn mạnh sắp tới sẽ có được các hỏa tiễn Mỹ MGM-140 ATACMS có tầm bắn đến 300 km. Khu vực mà quân đội Ukraine kiểm soát gần nhất hiện cách cầu Crimea 270 km.

Từ cuối tháng Sáu, quân đội Ukraine đã gây ấn tượng với hệ thống pháo phản lực đa nòng Himars, mà theo chuyên gia Rob Lee thì Kiev có đến 12 khẩu. Những khẩu pháo này có tầm bắn 80 km, gấp đôi so với những vũ khí Ukraine có được. Kết quả hết sức ngoạn mục : các video trên mạng xã hội cho thấy những vụ nổ khổng lồ (thường xảy ra vào ban đêm) tại các vùng bị Nga chiếm đóng. Thay vì chỉ một tiếng nổ, Himars gây ra một loạt "pháo bông" rực sáng bầu trời, do đủ loại đạn thi nhau nổ loạn xạ về mọi hướng.

Bước ngoặt của cuộc chiến

Trong bối cảnh trang bị kém xa Nga, kết quả đầy ấn tượng mà Himars mang lại đương nhiên gây phấn khởi cho phía Ukraine. Cố vấn tổng thống Oleksiy Arestovytch nói rằng đây là "bước ngoặt của cuộc chiến", nhờ Himars rốt cuộc đã giúp "quân bình hỏa lực" với pháo binh Nga.

Cộng với thông tin tình báo cụ thể về tọa độ các kho đạn của Nga, Himars đã làm ảnh hưởng nặng nề đến việc vận chuyển đạn được ra tiền tuyến. Theo cựu phó tổng tham mưu trưởng Igor Romanenko, mỗi ngày quân Nga bắn sang 50.000 đến 60.000 quả đạn, gấp 10 lần so với Ukraine, tức khoảng 3.000 tấn. Ông ước lượng Himars đã làm giảm 25% vụ bắn pháo của Nga.

Tuy nhiên điều đó liệu có đủ để đảo ngược tình hình ? Nhà phân tích Rusian Leviev nhận định, việc Himars tham chiến tạo nên một bước ngoặt, nhưng chỉ một mình loại vũ khí này không đủ để mang lại chiến thắng. Một cuộc phản công trên bộ cần rất nhiều xe bọc thép. Hiện Himars chỉ giúp làm tiêu hao lực lượng Nga, khiến đạn dược không được tiếp tế. Nếu quân Nga phải dời các kho đạn xa khỏi tầm bắn của hỏa tiễn này, tức cách tiền tuyến trên 100 km, số lượng và tốc độ cung ứng đạn dược sẽ giảm mất phân nửa.

Uy lực của Himars khiến Moskva thực sự lo sợ

Trước "vấn đề Himars", một số nhà bình luận tên tuổi của Nga đã công khai bày tỏ sự lo lắng. Một cựu chỉ huy ly khai nói rằng hệ thống phòng không Nga tỏ ra không hiệu quả, hỏa tiễn Himars đã gây ra thiệt hại khủng khiếp về nhân mạng và thiết bị. Thông tín viên Alexander Sladkov của kênh truyền hình công Rossiya 1 vốn quen ca khúc khải hoàn, phải nhìn nhận Himars đã tàn phá nặng nề các sở chỉ huy và kho vũ khí của Nga.

Cho dù vận tốc rất nhanh (Mach 2), các hỏa tiễn được Himars bắn đi vẫn có thể bị hệ thống phòng không Pantsir-C1 của Nga chận được. Pháo binh Ukraine bèn áp dụng chiến thuật "gây bão hòa" : bắn hàng loạt rốc-kết Tornado hay Smerch để phòng không Nga phải lo đối phó, trước khi bắn hỏa tiễn Himars. Hôm thứ Hai 18/07 bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu ra lệnh cho các tướng lãnh phải ưu tiên nhắm vào "các hỏa tiễn tầm xa của Ukraine".

Truyền thông Nga vội vã tìm cách giảm nhẹ tác động của Himars. Nhật báo có số phát hành lớn nhất Komsomolskaia Pravda đăng bài ca ngợi một người "anh hùng" dùng súng trường bắn hạ một hỏa tiễn Himars – vốn bọc thép vô cùng chắc chắn và được bắn đi từ khoảng cách xa tít tắp với chiến trường.

Le Monde kết luận, hỏa tiễn nổi tiếng này chỉ có thể mang lại tác động lâu dài trên hệ thống logistic Nga nếu Washington chuyển giao được cho Ukraine một số lượng lớn. Và nhất là với điều kiện sản xuất ra các hỏa tiễn MGM-140 ATACMS có tầm bắn xa hơn, mà số lượng hiện nay quá ít ỏi.

Nga bắn không tiếc đạn, Ukraine sắp cạn nguồn

Trong khi đó Libérationbáo động "Ukraine sắp sửa cạn kiệt đạn dược". Trước một kẻ thù không bao giờ tiếc vũ khí lẫn nhân mạng, đất nước bị xâm lăng giờ đây hoàn toàn lệ thuộc vào vũ khí phương Tây để hy vọng chiến thắng, nhưng viện trợ quân sự nhất là từ Pháp còn quá thấp so với nhu cầu.

Cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen trên The Atlantic cảnh báo, viện trợ vũ khí của Pháp cho Kiev chỉ tương đương với Đan Mạch, một nước có GDP kém đến 7 lần. Mykhailo Podoliak, một cố vấn của tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, "Quân Nga tung ra trên chiến địa tất cả những gì không phải là nguyên tử, kể cả vũ khí hạng nặng, sử dụng từ hệ thống phóng rốc-kết đến phòng không". Ông đề ra một danh sách vũ khí cần thiết để "kết thúc chiến tranh" : 1.000 khẩu pháo 155 ly, 300 giàn phóng rốc-kết, 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép, 1.000 drone. Thực tế hãy còn quá xa.

Về mặt chính thức, Paris chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine 193 triệu đô la, ít hơn Washington 123 lần. Giữa tháng Tư, lần đầu tiên tổng thống Pháp loan báo trợ giúp 100 triệu euro trong đó có vài chục hỏa tiễn chống tăng Milan và 12 khẩu đại pháo Caesar nổi tiếng về độ chính xác cũng như hiệu quả. Trong chuyến thăm Kiev, ông Emmanuel Macron hứa tặng thêm 6 khẩu nữa và một số xe bọc thép. Chuyên gia Alexandre Papaemmanuel cho rằng 18 khẩu Caesar (1/4 số mà Pháp có) cùng với hệ thống cung ứng đạn pháo, đáng giá hơn là nhiều loại đạn dược khác, sẽ tạo ra tác động chiến lược trên chiến địa. Paris chỉ có thể hỗ trợ hạn chế vì còn phải hiện diện trên nhiều chiến trường khác.

Bộ máy tình báo cồng kềnh, lãnh đạo không kinh nghiệm

Chưa hết "giặc ngoài", Kiev còn phải đối phó với "thù trong". Các báo tiếp tục bàn luận về việc tổng thống Volodymyr Zelensky thanh lọc mạng lưới tình báo Ukraine. Le Figaro cho rằng các vụ phản quốc đều để lại dư vị cay đắng, nhất là trong thời chiến.

Tờ báo cho biết việc bổ nhiệm Ivan Bakanov, người bạn thời thơ ấu của tổng thống làm giám đốc cơ quan tình báo (SBU), từng gây bất bình, vì Bakanov hoàn toàn không có kinh nghiệm. Luật gia 47 tuổi phụ trách các vấn đề pháp lý cho công ty của Zelensky bỗng trở thành người đứng đầu bộ máy khổng lồ thừa hưởng từ KGB thời Liên Xô, có nhiều nhân viên hơn cả FBI, trong khi Ukraine có dân số ít hơn Hoa Kỳ 16 lần. Phụ trách thu thập tin tức tình báo và phản gián, 30.000 nhân viên SBU còn có nhiệm vụ chống tham nhũng, nhưng thường bị chỉ trích. Ivan Bakanov bị cáo buộc không quản lý được cấp dưới vào thời điểm nước sôi lửa bỏng của cuộc xâm lăng.

Kherson bị quân Nga chiếm dễ dàng nhờ những kẻ phản quốc

Trái với mệnh lệnh của Zelensky, một tướng SBU ở Kherson đã ra lệnh cho nhân viên di tản ngay ngày đầu khi quân Nga tràn vào, khiến Kherson trở nên thành phố lớn nhất ở miền nam bị Nga chiếm được trước tiên, một cây cầu tại đây cũng không bị đánh sập để chận bước quân Nga. Hồi tháng 10/2020, Bakanov bổ nhiệm một người phó là Ihor Sadokhin cho viên tướng trên, tuy người này đã bị cho là thân Moskva. Sadokhin, bị nghi ngờ đã trao cho Nga những thông tin về những địa điểm gài mìn của Ukraine, giúp kẻ thù giải tỏa các tuyến đường từ Crimea sang. Tháng 5/2022, Zelensky đã sa thải giám đốc tình báo ở Kherson. Một sĩ quan SBU khác vội vã rời Ukraine chỉ vài giờ trước khi Nga đổ quân sang, đã bị bắt ở Serbia với rất nhiều tiền mặt.

Trước đó hồi tháng Giêng và tháng Hai, do nghi ngờ nên Washington không chia sẻ tất cả thông tin về cuộc xâm lược cho SBU, chỉ làm việc với tình báo quân đội Ukraine. Hiện tại các phó của cựu chưởng lý Iryna Venediktova và Ivan Bakanov được tạm đôn lên thay, giải pháp này tránh được phải chờ Quốc hội thông qua.

Hai người tạm quyền lại thân cận với chánh văn phòng tổng thống, Andriy Yermak, bản thân ông này bị các nhà đấu tranh chống tham nhũng nghi là có liên hệ với Moskva ! Le Mondedẫn lời luật gia Nadia Volkovacho biết thêm, thượng nghị sĩ Cộng hòa gốc Ukraine, Victoria Spartz, sau sáu chuyến thăm Ukraine, trong một lá thư gởi cho tổng thống Joe Biden đã đề nghị mở điều tra về Yermak.

Cảnh sát trưởng là gián điệp Nga nằm vùng ?

Đặc phái viên Le Monde ghi nhận, việc bất ngờ sa thải hai viên chức cao cấp của chính phủ đã đưa ra ánh sáng một chủ đề cấm kỵ từ khi Ukraine bị xâm lăng : những nội gián nằm vùng do Nga cài cắm.

Mykhailo Netiazhuk, thị trưởng của Fastiv - thành phố nằm trên con đường nối Kiev với Odessa - kể lại với tờ báo nỗi kinh ngạc hôm 27/02, khi nghe giám đốc cảnh sát Yevgeny Kabatov ra lệnh phải lập tức đầu hàng Nga "để tránh chết chóc". Ông kinh hoàng tự hỏi, chẳng lẽ cảnh sát trưởng lại là gián điệp Nga ? Trước đó vào đúng ngày quân Nga bắt đầu xâm lược 24/02, khi mọi người dân lũ lượt xung phong gia nhập lực lượng phòng vệ lãnh thổ, người duy nhất không tham gia là Kabatov. Giám đốc cảnh sát còn ra lệnh cho cư dân phải ở yên trong nhà, rồi sau đó lẳng lặng biến mất.

Tại sao lại có những người nhảy sang phía kẻ thù ? Vì tiền chăng ? Yuri Sobolevsky, viên chức ở Kherson nay tị nạn tại Kiev cho rằng có những người bị mua chuộc dần dà, số khác mưu cầu chức quyền. Chẳng hạn một nữ hiệu trưởng ở Kiev vừa bị bắt vì cung cấp thông tin cho Nga, thú nhận đã được hứa cho làm bộ trưởng giáo dục trong chính quyền do Moskva dựng lên. Cũng có những trường hợp hiếm hoi do thực sự tin vào các luận điệu của Nga.

Những thành phố ma được Nga "giải phóng" ở Donbass

Tại trung tâm thành phố Lysychansk đã bị tàn phá sau nhiều tuần lễ chiến trận ác liệt, dọc theo đường Dovjenko, những chiếc xe tăng Nga xếp thành hàng dài, vài người lính hãnh diện đứng bên cạnh. Đối diện là nhiều loại vũ khí khác nhau được trưng bày. Le Figaro nhận thấy bên chiến thắng muốn gây ấn tượng cho các phóng viên được mời đến tham quan.

Nhưng xung quanh màn dàn dựng này là khung cảnh hoang tàn đổ nát. Những tòa nhà bị bom đạn lột trần, ám khói đen, nóc gãy làm đôi hoặc sụp đổ thành gạch vụn. Vài con chó hoang lang thang, những thân cây đổ gục xuống mặt đường nhựa, Nhà văn hóa mang phong cách tân cổ điển chỉ còn lại lớp vỏ ngoài. Không còn một cửa hàng nào hoạt động. Những người dân hiếm hoi còn ở lại phải đi nhận thực phẩm cứu trợ do kẻ chiến thắng cung cấp.

Cũng như ở Mariupol, sau khi san bằng thành bình địa, Moskva hứa sẽ tái thiết thành phố. Người đứng đầu nước Cộng hòa tự xưng Luhansk hôm 12/07 đã giới thiệu một bệnh viện mới do… quân đội Nga tài trợ. Tờ báo nhắc lại, trong một Mariupol đầy chết chóc một ngày sau khi chiếm được thành phố này, việc xây dựng một trung tâm y tế mới đã được trình bày trước báo chí, cũng do Quỹ phát triển quốc phòng Nga ủng hộ. "Thực ra, trước hết đó chỉ là nhà xác" - một trong những công nhân bí mật nói nhỏ với nhà báo.

Lê Đức Thọ, người đầu tiên từ chối giải Nobel Hòa bình

Liên quan đến Việt Nam, trong loạt bài mùa hè về những người đã từ chối những giải thưởng danh giá như Pulitzer, Oscar… Libérationnói về Lê Đức Thọ, nhà ngoại giao Việt Nam đã được tặng giải Nobel Hòa bình cùng với Henry Kissinger năm 1973.

Noel 1972, Hà Nội bị oanh tạc trong 11 ngày theo lệnh của tổng thống Richard Nixon, nhưng trên thực tế, mọi việc diễn ra trong hậu trường. Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger đàm phán tại Paris với phái đoàn Bắc Việt do Lê Đức Thọ dẫn đầu. Họ đã đạt được một thỏa thuận vào ngày 27/01/1973 sau 39 tiếng đồng hồ thương lượng, Mỹ sẽ rút quân. Ông Thọ vốn không hề nhượng bộ, nói rằng đây là "một chiến thắng lớn cho nhân dân Việt Nam".

Vài tháng sau đó, trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, cặp Kissinger-Thọ được tặng giải Nobel Hòa bình, vượt qua nhà vật lý Liên Xô Andrei Sakharov, thống chế Tito và tổng giám mục Hélder Câmara, người đấu tranh chống tra tấn ở Brazil. Thượng nghị sĩ Dân chủ George McGovern bình phẩm, "lẽ ra nên trao giải thưởng cho những ai đã cảnh báo rằng cuộc chiến sẽ bi thảm, thay vì những người đi thu nhặt mảnh vỡ sau tai nạn". Hai thành viên Ủy ban Nobel từ chức để phản đối "giải Nobel chiến tranh" này.

Bản thân ông Lê Đức Thọ cũng nói rằng hòa bình chưa thực sự đến với miền Nam Việt Nam, nên ông không thể nhận giải. Lê Đức Thọ trở thành người đầu tiên từ chối giải Nobel Hòa bình. Henry Kissinger thì sẵn sàng nhận phân nửa giải Nobel, nhưng ông ta không dám đến Oslo vì sợ bị người biểu tình la ó, do chiến tranh vẫn tiếp diễn. Hơn ai hết, Lê Đức Thọ biết rằng đảng của ông chuẩn bị cho trận tấn công vào Sài Gòn. Năm 1975, quân đội Bắc Việt tiến vào thủ đô Việt Nam Cộng Hòa, chiến tranh Việt Nam mới kết thúc. Tờ báo ghi chú rằng cuộc đời Lê Đức Thọ là cả một bí mật, ngay cả cái tên của ông cũng chẳng phải là tên thật.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 272 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)