Mỹ chi 1,5 tỷ đô la để chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương (RFI, 12/02/2020)
Chính phủ Mỹ quyết định dành riêng khoản ngân sách 1,5 tỉ đô la trong năm 2021 để khống chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đây là một trong những điểm chính trong bản "Ngân sách vì Tương lai Hoa Kỳ" (A budget for America’s Future) được Nhà Trắng công bố ngày 10/02/2020.
Các tàu sân bay lớp Nimitz USS John C. Stennis (CVN 74) và USS Ronald Reagan (CVN 76) thực hiện chiến thuật tấn công kết hợp nhóm tàu sân bay kép trong vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thuộc khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Hoa Kỳ. Ảnh hải quân Mỹ
Khoản tiền 1,5 tỉ đô la được giao cho Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong khuôn khổ "các chương trình quốc tế" (intenational programs), đứng đầu mục "những ưu tiên cạnh tranh quyền lực" của chính phủ Mỹ là "đảm bảo cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương luôn tự do, mở, độc lập và ngăn chặn tuyên truyền của Trung Quốc".
Washington luôn nhấn mạnh đến việc bảo vệ lợi ích về kinh tế và an ninh của mình trong dài hạn tại khu vực chiến lược, nơi có gần một nửa dân số thế giới sinh sống và có nhiều nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Nhà Trắng khẳng định "ngân sách 1,5 tỉ đô la dành cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương thể hiện rõ cam kết của chính quyền trong việc đảm bảo khu vực luôn tự do, mở và độc lập trước ảnh hưởng thâm hiểm của Trung Quốc".
Vẫn theo bản Ngân sách 2021 của Mỹ, khoản tiền trên được tài trợ cho các chương trình thúc đẩy dân chủ, tăng cường hợp tác an ninh, cải thiện quản trị kinh tế và tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế của lĩnh vực tư nhân. Trong đó, có 30 triệu đô la được đưa vào ngân sách của Trung tâm Cam kết Toàn cầu (Global Engagement Center, GEC) chuyên chống lại truyên truyền và thông tin sai lệch xuất phát từ Trung Quốc.
Trong ngân sách 2021 dành cho Bộ Ngoại giao, chính phủ Mỹ chỉ chi 0,7 tỉ đô la để hỗ trợ các nước Châu Âu, Trung Á chống lại ảnh hưởng của Nga.
Thu Hằng
*********************
Tổng thống Trump đề xuất ngân sách 4,8 nghìn tỷ USD cho năm 2021 (VOA, 11/02/2020)
Nhiều khả năng ngân sách đề xuất 4,8 nghìn tỷ đô la cho năm tài chính 2021 của Tổng thống Donald Trump sẽ nhận được sự lạnh nhạt từ các nhà lập pháp Mỹ vào ngày 10/2, trong đó có các đề xuất cắt giảm chi tiêu cho các chương trình viện trợ nước ngoài và mạng lưới an toàn xã hội.
Nhiều khả năng ngân sách đề xuất cho năm tài chính 2021 của Tổng thống Trump sẽ nhận được sự lạnh nhạt từ các nhà lập pháp Mỹ.
Theo Reuters, Nhà Trắng dự định công bố kế hoạch chi tiêu ngân sách cho năm tài chính, bắt đầu từ ngày 1/10. nhưng các quan chức chính quyền đã xác nhận các số liệu quan trọng trong tài liệu vào cuối tuần qua.
Dự kiến, Đảng Dân chủ sẽ phản đối việc cắt giảm chi tiêu mạnh cho các chương trình trong nước, trong khi một số đảng viên Cộng hòa có thể lo ngại về nợ và thâm hụt.
Ngân sách đề xuất sẽ cắt giảm 21% viện trợ nước ngoài xuống còn 44,1 tỷ đô la, giảm xuống từ 55,7 tỷ đô la trong năm tài khóa 2020. Việc cắt giảm sẽ tiết kiệm chi tiêu trong các chương trình mạng lưới an toàn, bao gồm 130 tỷ đô la Medicare thông qua cải cách giá thuốc, 292 tỷ đô la cho tem phiếu thực phẩm và các chương trình Medicaid bằng cách đưa ra yêu cầu công việc mới cho những người thụ hưởng, và 70 tỷ đô la thông qua việc kiểm soát việc hội đủ điều kiện nhận trợ cấp khuyết tật của liên bang.
Một giới chức chính quyền cho biết Nhà Trắng đang đưa ra các đề xuất cắt giảm đáng kể, mặc dù có thể Quốc hội sẽ phân bổ nhiều tiền cho việc chi tiêu hơn là ý ông Trump muốn.
Với dự báo tăng trưởng kinh tế mạnh, ngân sách đưa ra dự đoán khoảng 3,7 nghìn tỷ đô la thu nhập cho chính phủ trong năm tài chính 2021.
Năm ngoái, ông Trump đã ký một thỏa thuận ngân sách kéo dài hai năm với Quốc hội, tăng chi tiêu liên bang cho quốc phòng và một số chương trình trong nước khác, tăng thêm cho khoản nợ chính phủ. Phía lập pháp đã thông qua 2,75 nghìn tỷ đô la cho các khoản chi tiêu quốc phòng và phi quốc phòng mới cho đến ngày 30 tháng 9 năm 2021.
Ngân sách ông Trump đề xuất phần lớn là một tài liệu về chính trị.
Nó bao gồm chi tiêu cho các khoản ưu tiên của ông Trump khi ông tìm cách để tái đắc cử vào cuối năm nay, bao gồm 2 tỷ đô la để tài trợ xây dựng thêm trên bức tường biên giới với Mexico, một dự án đặc biệt đối với sự nghiệp chính trị của ông, và tài trợ cho dự luật cơ sở về hạ tầng mà được xem là khó có thể được lưỡng đảng thông qua trong Quốc hội.
Chi tiêu quân sự sẽ tăng 0,3% lên 740,5 tỷ USD.
Ngân sách dự báo sẽ giảm 4,6 nghìn tỷ đô la thâm hụt trong 10 năm và giả định tăng trưởng kinh tế với tốc độ hàng năm khoảng 3% trong những năm tới, Reuters dẫn lời các quan chức cho biết.
Ông Trump được ghi nhận đã góp phần tăng sức mạnh cho nền kinh tế Hoa Kỳ, một phần nhờ vào việc cắt giảm thuế mà ông ủng hộ và Quốc hội đã thông qua trước đó trong nhiệm kỳ của ông. Ngân sách tài trợ cho việc gia hạn những khoản cắt giảm trong thời gian 10 năm với 1,4 nghìn tỷ đô la.
Nhà Trắng đề xuất cắt giảm chi tiêu 4,4 nghìn tỷ đô la trong 10 năm và giảm thâm hụt 4,6 nghìn tỷ đô la trong khoảng thời gian đó.
****************
Tổng thống Trump đề xuất tăng quỹ cho võ khí hạt nhân (VOA, 11/02/2020)
Đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump về 740,5 tỷ đô la ngân sách quốc phòng gửi sang cho Quốc hội hôm 10/2 có đề xuất tăng ngân quỹ cho võ khí hạt nhân và đẩy mạnh chi tiêu cho phát triển và nghiên cứu để chuẩn bị cho chiến tranh trong tương lai.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Đề xuất chi tiêu quốc phòng này bao gồm ngân sách lớn nhất về phát triển và nghiên cứu cho Ngũ Giác Đài, một giới chức cao cấp cho biết, trong lúc quân đội Mỹ nhắm xây dựng các khả năng kế tiếp để đối phó với sức mạnh ngày càng tăng từ Nga và Trung Quốc.
Trong các ưu tiên ở Ngũ Giác Đài, đề nghị ngân quỹ cho hiện đại hóa võ khí hạt nhân tăng 18% so với năm ngoái, nghĩa là tăng thêm 29 tỷ đô la, một nguồn tin quốc phòng cho Reuters biết.
Ngân sách đề nghị cho Bộ Quốc phòng cũng bao gồm 69 tỷ đô la tài trợ cho các cuộc chiến đang tiếp diễn và các nhu cầu khác của Ngũ Giác Đài.
Đề nghị của Tổng thống Trump cũng kêu gọi tăng thêm 79 chiếc F-35, hơn số yêu cầu hồi năm ngoái 1 chiếc.
Theo Reuters