ProPublica, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về báo chí điều tra phục vụ công chúng, tuần này đăng một bài báo (bản tiếng Việt ởđây) mô tả những mối quan hệ và sự dàn xếp đằng sau cuộc gọi điện thoại đầu tiên của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 12 năm 2016.
Bài báo tiết lộ người đứng sau cuộc gọi này là luật sư riêng của ông Trump, Marc Kasowitz, mà không có sự tham gia của Bộ Ngoại giao Mỹ, và ông Kasowitz cũng đại diện một thân chủ có lợi ích kinh doanh ở Việt Nam.
Nhà báo Justin Elliott của ProPublica
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA Tiếng Việt, tác giả bài báo Justin Elliott cho biết thêm chi tiết về tường trình của anh đằng sau câu chuyện gây sửng sốt này.
VOA : Có phản ứng hay phản hồi mới nào không kể từ khi câu chuyện của anh được đăng lên ?
Justin Elliott : Tôi chưa nghe thấy điều gì mới từ bất kỳ người nào trong chuyện này. Tôi biết là độc giả rất quan tâm tới chuyện này nhưng tôi chưa nghe thấy bất kỳ điều gì mới từ những nhân vật chính trong câu chuyện.
VOA : Sao anh biết về liên lạc này ? Đầu mối đầu tiên của anh cho câu chuyện này là gì ?
Justin Elliott : Chúng tôi là ProPublica và WNYC, một đài phát thanh công cộng địa phương ở thành phố New York. Chúng tôi hiện đang hợp tác làm một podcast [chương trình phát thanh trên mạng] và nó được gọi là "Trump, Inc." Podcast này tập trung vào những hoạt động kinh doanh của Tổng thống Trump và những mâu thuẫn lợi ích tiềm năng và đại loại như vậy. Và một phần của podcast này là chúng tôi nhờ thính giả báo tin cho chúng tôi nếu họ biết hoặc nghe thấy bất cứ điều gì về bất cứ chuyện gì mà chúng tôi có thể quan tâm. Chúng tôi nhận được rất nhiều tin báo và câu chuyện về Việt Nam và sòng bạc khởi nguồn từ một người nghe podcast và người này đã nghe một tin đồn về chuyện đó. Tôi đi tìm hiểu tin đồn rồi viết bài báo này.
VOA : Một trong những điểm chính trong bài báo của anh là Bộ Ngoại giao Mỹ không tham gia thu xếp cuộc gọi này. Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam nghe tin về cuộc gọi này từ Hồ Tràm và họ biết được những gì đã được bàn bạc từ các quan chức Việt Nam. Việc này dường như phá vỡ nghi thức. Anh có thể giải thích chuyện này bất thường tới mức nào không ?
Marc Kasowitz, luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump
Justin Elliott : Tôi đã nói chuyện với nhiều người từng tham gia quá trình chuyển tiếp quyền hành của ông Obama, lần chuyển tiếp gần đây nhất trước ông Trump vào năm 2008 và 2009. Tôi dẫn lời Susan Rice [cố vấn an ninh quốc gia từ 2013-2017] trong bài báo, bà ấy là một trong những nhân vật cao cấp trong quá trình chuyển tiếp của ông Obama. Bà ấy và những người khác nói với tôi rằng nói chung, ngay sau cuộc bầu cử sẽ có những cú điện thoại đầu tiên với các nhà lãnh đạo nước ngoài, nhưng bạn muốn làm điều đó một cách rất cẩn thận, thường là theo thứ tự chính xác ai được gọi trước tiên hoặc ai được gọi lại trước tiên.
Từ trước đến giờ việc này được suy tính cẩn thận, xem nước nào quan trọng hơn để gọi vì lý do này kia. Thường là Bộ Ngoại giao tham gia vào việc thu xếp các cuộc gọi này, báo cáo thông tin tổng quát cho tổng thống đắc cử và ghi chú. Bài báo của tôi tường trình rằng không có bất cứ việc nào trong số những việc nói trên diễn ra, trong trường hợp này là giữa ông Trump với thủ tướng Việt Nam. Và đây không phải là ví dụ duy nhất về một cuộc gọi bất thường.
Cũng đã có một cuộc gọi bất thường khác giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan. Vào thời điểm đó hoặc không lâu sau đó thì lộtin cho hay cuộc gọi đó đã được thu xếp bởi một trong những người vận động hành lang cho Đài Loan, cựu thượng nghị sĩ Bob Dole. Cuộc gọi đó phá vỡ rất nhiều tiền lệ. Trung Quốc đã rất bực tức. Tất cả tường trình của tôi và tường trình của những người khác cho thấy giai đoạn chuyển tiếp hết sức hỗn loạn. Các nhà lãnh đạo nước ngoài và đại sứ quán nước ngoài khi đó đang hối hả tìm cách tiếp cận ông Trump bằng mọi cách có thể.
VOA : Anh dẫn lời phát biểu chính thức của bà Susan Rice trong bài báo. Anh có hỏi bà ấy là Nhà Trắng dưới quyền ông Obama biết về vụ việc này vào lúc nào không ?
Justin Elliott : Tôi không thể bình luận gì thêm ngoài phát biểu của bà ấy mà tôi dẫn ra trong bài báo.
VOA : Một số người có thể lập luận rằng đội ngũ của ông Trump không được chuẩn bị kỹ vì ít ai ngờ tới chiến thắng bầu cử của ông ấy. Họ không nắm hết các nghi thức, tất cả mọi chuyện diễn ra cùng lúc và quá trình chuyển tiếp, như anh nói, hết sức hỗn loạn. Anh có nghĩ chuyện phá vỡ nghi thức một phần là vì như vậy không ?
Justin Elliott : Ngay cả một số người tham gia trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nói rằng họ ngạc nhiên về kết quả bầu cử. Tin tức loan tải vào thời điểm đó cho biết có rất nhiều sự hỗn loạn trong quá trình chuyển tiếp. Có một thời gian Chris Christie [thống đốc bang New Jersey, một trong những ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa bỏ cuộc và quay sang ủng hộ ông Trump] điều hành quá trình chuyển tiếp và rồi ông ta bị sa thải. Họ trải qua một loạt những thay đổi lãnh đạo chỉ trong khoảng thời gian sau cuộc bầu cử vào tháng 11 và lễ nhậm chức vào tháng 1. Tôi nghĩ đó là một bối cảnh quan trọng cho những gì mà chúng ta thấy đã xảy ra với một số cuộc gọi điện thoại này. Tôi nghĩ bối cảnh đó phần nào lý giải vì sao có các cuộc gọi điện thoại này. Và tôi nghĩ nhìn chung chính quyền Trump và đội ngũ của ông Trump, ngay cả trước khi họ nhận nhiệm sở, họ đã nói rằng họ sẽ gạt bỏ hết cách làm việc thông thường. Đây không phải là lĩnh vực duy nhất mà trong đó họ phá vỡ những quy chuẩn có từ lâu nay.
VOA : Tường trình của anh nhất quán với những gì chúng ta biết về việc chính quyền Trump kết hợp những lợi ích kinh doanh riêng tư với lợi ích của đất nước. Câu chuyện của anh gợi nhớ câu chuyện về Jared Kushner [con rể của ông Trump và cố vấn Nhà Trắng cao cấp] tìm cách thiết lập một kênh liên lạc ngầm với Nga thông qua đại sứ quán Nga và bỏ qua Bộ Ngoại giao. Anh có thấy nét tương đồng giữa tường trình của anh và tường trình đó không ?
Justin Elliott : Tôi không chắc. Tôi thực sự không thể bình luận vì tôi không viết về chuyện đó. Tôi biết về chuyện đó từ tin tức trên báo chí. Tôi nghĩ rằng chúng ta biết từ nhiều tường trình là có hàng loạt những liên lạc bất thường giữa đội ngũ của ông Trump và nhiều loại thực thể nước ngoài trong giai đoạn chuyển tiếp. Rõ ràng đã có rất nhiều bài báo viết về những tương tác với Israel và nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đang được biểu quyết vào thời điểm đó. Rõ ràng là đã có một số những tương tác bất thường nhưng tôi không thể so sánh chúng vì tôi chỉ tường trình về chuyện này thôi.
Hoàng Long
Người dàn xếp điện đàm Trump-Phúc nhắm mở sòng bài ở Việt Nam (Người Việt, 27/04/2018)
Tổ chức truyền thông ProPublica vừa đăng một phóng sự điều tra liên quan đến việc ai vận động cho cuộc điện đàm giữa ông Trump, lúc vừa đắc cử tổng thống Mỹ, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam, và vận động để dân Việt Nam được cờ bạc, qua bài viết "The Hidden Hand of a Casino Company in Trump’s Contact with Vietnam - ‘Trump, Inc,’" đăng ngày 25 tháng Tư.
Tổng thống Donald Trump (trái) bắt tay Thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại cửa Tòa Bạch Ốc hôm 31 tháng Năm, 2017. (Hình : Chip Somodevilla/Getty Images)
Cú điện thoại "qua mặt" Bộ ngoại giao Mỹ
Theo ProPublica, vào ngày 14 tháng Mười Hai, 2016, khoảng một tháng sau khi thắng cử, ông Donald Trump có một cuộc điện đàm với ông Phúc. Đây là lúc nhiều chính quyền nước ngoài tìm cách liên lạc với ông Trump, và cuộc nói chuyện với ông Phúc được coi là một thắng lợi ngoại giao cho Việt Nam.
Cuộc điện đàm này được truyền hình nhà nước Việt Nam phát hình, cho thấy ông Phúc cùng các viên chức chính quyền tươi cười vui vẻ.
Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Mỹ lại lúng túng, không biết chuyện gì xảy ra.
Vẫn theo ProPublica, về nguyên tắc, điện đàm giữa tổng thống đắc cử với lãnh đạo nước ngoài vẫn phải được Bộ ngoại giao phối hợp thực hiện.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, nhóm chuyển giao quyền hành của ông Trump đã "qua mặt" Bộ ngoại giao.
Thực ra, cú điện đàm này do ông Marc Kasowitz, một luật sư riêng của ông Trump, dàn xếp, theo ProPublica.
Luật sư Marc Kasowitz, đại diện Tổng thống Donald Trump, phát biểu tại National Press Club, Washington, DC, hôm 8 tháng Sáu, 2017, nói về chuyện cựu Giám Đốc FBI James Comey điều trần tại Quốc Hội. (Hình : Win McNamee/Getty Images)
Trong khi đó, các giới chức ở tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội biết trước cuộc điện đàm này, qua Harbinger Capital, do ông Philip Falcone đứng đầu, chứ không phải từ nhóm chuyển giao quyền hành của ông Trump.
Theo Bloomberg News, Harbinger Capital bỏ ra $450 triệu đầu tư vào sòng bài kiểu Las Vegas trong khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm, tọa lạc tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tòa đại sứ Mỹ cũng không biết nội dung cuộc điện đàm, mà chỉ biết là nó xuất phát từ phía Việt Nam, theo một người biết chuyện bên trong cho ProPublica biết.
Dàn xếp cuộc điện đàm
Ngoài ông Trump, Luật sư Kasowitz còn có một khách hàng khác, rất quan tâm đến Việt Nam, theo ProPublica.
Đó là ông Philip Falcone.
Trong một cuộc phỏng vấn với ProPublica, ông Falcone bác bỏ tin cho rằng ông yêu cầu dàn xếp cuộc điện đàm.
Nhưng ông nói thêm là chẳng có gì sai trái khi dàn xếp cuộc điện đàm như vậy.
Một phát ngôn viên của ông Kasowitz xác nhận với ProPublica là chính ông luật sư này dàn xếp cuộc điện đàm hồi tháng Mười Hai, 2016.
Ông Philip Falcone tại một buổi điều trần ở Hạ Viện Mỹ hôm 13 tháng Mười Một, 2008. (Hình : Tim Sloan/AFP/Getty Images)
"Theo yêu cầu của đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Kasowitz đưa số điện thoại liên lạc để phía Việt Nam có thể sử dụng nhằm sắp xếp cú điện thoại chúc mừng ông Trump", phát ngôn viên của ông Kasowitz nói với ProPublica.
Vẫn theo ProPublica, không rõ là ông Trump có nhắc gì tới sòng bài ở Hồ Tràm trong điện đàm với ông Phúc hay không, hoặc trong bất cứ liên lạc nào với phía Việt Nam.
Khi được ProPublica hỏi, nữ phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc yêu cầu hỏi ông Kasowitz.
Còn tòa đại sứ Việt Nam thì không trả lời khi ProPublica đặt câu hỏi.
Marc Kasowitz là ai ?
Ông Kasowitz đại diện cho ông Trump ít nhất là trong 15 năm, theo ProPublica, bao gồm cả vụ lừa đảo của đại học Trump University mà nay đã đóng cửa, các vụ ông Trump bị tố sách nhiễu tình dục, và mới đây nhất, vụ điều tra liên quan tới người Nga.
Theo ProPublica, không rõ khi nào ông Kasowitz có liên quan đến dự án Hồ Tràm, nhưng công ty luật của ông đại diện cho ông Falcone và doanh nghiệp của ông này ít nhất là từ năm 2013.
Ông Kasowitz còn có một cộng sự nữa, đó là ông David Friedman, người sau này được Tổng thống Donald Trump đề cử làm đại sứ tại Israel. Ông Friedman cũng từng đại diện công ty của ông Falcone, theo ProPublica.
Trong năm 2017, ông Kasowitz đến Việt Nam cùng với ông Falcone, nhưng không phải với "tư cách là luật sư cho ông Falcone, mà chỉ đến để nắm tình hình, để hiểu những gì đang xảy ra ở đây", theo ông Falcone nói với ProPublica.
Ông Falcone kể là hai ông có gặp một số giới chức Việt Nam.
Trong khi đó, phát ngôn viên của ông Kasowitz nói với ProPublica là ông Kasowitz đến Việt Nam "để cố vấn ông Falcone một số vấn đề pháp lý", và không cho biết gì thêm.
Hồ Tràm và ông Philip Falcone
Quyền lợi thương mại của ông Falcone tại Việt Nam bắt đầu cách đây hàng chục năm.
Hồ Tràm, tên chính thức là "The Grand Ho Tram Strip", một khu nghỉ dưỡng có sòng bài, khách sạn, sân golf, phòng hội họp… tọa lạc ngay sát bờ biển, trên đường đi giữa Long Hải và suối nước nóng Bình Châu.
Tuy nhiên, vì luật Việt Nam không cho phép người dân đánh bài, nên Hồ Tràm gặp khó khăn, và gần như trống vắng khách du lịch, theo ProPublica. Tại đây, nhân viên nhiều hơn du khách, đến nỗi, một quan sát viên phải nói rằng "người ta có thể lái một chiếc xe vận tải đi xuyên qua sòng bài mà không đụng vào bất cứ ai cả".
Và để cứu dự án này, theo ProPublica, ông Falcone phải vận động chính quyền Việt Nam đổi luật, cho người dân được đánh bài.
Nhưng cho tới nay, luật Việt Nam chưa thay đổi.
Theo ProPublica, ông Falcone tốt nghiệp đại học Harvard University, từng là tỷ phú, nằm trong danh sách tạp chí Forbes, tuy nhiên, ông gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng tài chánh hồi năm 2008.
Trong một vụ dàn xếp với Ủy Ban Trao Đổi Chứng Khoán Hoa Kỳ, ông bị cấm hoạt động trong lãnh vực chứng khoán trong 5 năm vì có liên quan đến việc ông mượn quỹ đầu tư $100 triệu một cách không đúng thủ tục. Thế là ông Falcone bị "biến mất" khỏi danh sách của Forbes.
Theo ProPublica, hai tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhóm của ông Falcone tung ra một chiến dịch quảng cáo dự án Hồ Tràm, bổ nhiệm hai thành viên mới vào hội đồng quản trị.
Đó là ông Tony Podesta, anh ruột của ông John Podesta, chủ tịch ủy ban tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton và từng là chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc thời Tổng thống Bill Clinton, và bà Loretta Pickus, cựu phó chủ tịch phụ trách pháp lý của Trump Entertainment Resorts, quản trị công ty sòng bài của ông Trump trước đây mà nay không còn nữa.
Vẫn theo ProPublica, một tuần sau khi ông Trump thắng cử, Hồ Tràm tung ra một thông cáo báo chí, khen ngợi sự bổ nhiệm bà Pickus, nói rằng bà này từng đại diện cô Ivanka Trump, con gái ông Trump, và có đề cập nhẹ nhàng đến các cố gắng của công ty trong việc vận động cho người dân Việt Nam được đánh bài.
"Với kinh nghiệm dày dạn trong các công ty kinh doanh của ông Trump, bà Pickus hy vọng ‘The Grand Ho Tram’ có thể tiếp tục đầy mạnh quan hệ Việt-Mỹ trong chính quyền Donald Trump sắp tới", thông cáo báo chí biết, theo ProPublica.
Thông cáo còn viết thêm sự bổ nhiệm bà Pickus là "một cơ hội tuyệt vời để chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tốt nhất của Mỹ trong lúc Việt Nam cân nhắc các cơ hội để cải tổ luật lệ liên quan đến lãnh vực khách sạn và cờ bạc".
Vận động Việt Nam cho người dân đánh bài
Theo điều tra của ProPublica, chỉ vài tuần sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Phúc, ông Falcone đến Hà Nội để gặp thủ tướng Việt Nam và vận động cho việc hợp pháp hóa việc đánh bài và sòng bài ở Hồ Tràm.
Truyền thông nhà nước Việt Nam tường thuật rằng ông Falcone "yêu cầu chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo thuận lợi cho các công ty Mỹ, bao gồm cả Harbinger, để làm ăn lâu dài và ổn định tại Việt Nam".
Ngoài ra, ông Falcone còn tuyển một số nhà vận động, cố vấn, và cố vấn truyền thông Việt Nam để thuyết phục chính quyền thay đổi luật liên quan đến cờ bạc.
Hồ Tràm còn tìm cách để hình ông Falcone lên trang bìa tạp chí ‘Quý Ông Esquire’ của Việt Nam, dàn xếp nhiều buổi họp giữa ông Falcone và các giới chức cao cấp Việt Nam, và ngay cả nhờ tòa đại sứ Mỹ giúp đỡ, theo ProPublica.
Ông Trump tiếp ông Phúc, ông Kasowitz "tình cờ" có mặt
Hôm 30 tháng Năm, 2017, một ngày trước cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Phúc, nhóm Asia Group làm việc với ông Falcone để tổ chức một hội nghị tại New York, có 20 nhà tài phiệt hàng đầu của Mỹ gặp ông Phúc, mà trong đó có cả cựu Đại Tướng David Petraeus, từng là giám đốc CIA và hiện là chủ tịch quỹ đầu tư KKR, theo ProPublica.
Asia Group do ông Kurt Campbell làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc. Ông này từng là phụ tá ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Ngày hôm sau, Tổng thống Trump bước ra tận cửa Tòa Bạch Ốc chìa tay ra bắt tay Thủ tướng Phúc, trước khi hai người bước vào bên trong, thảo luận về thương mại và Bắc Hàn.
Theo ProPublica, khi ông Trump và ông Phúc rời đám đông để bước vào phòng Cabinet Room, ông Marc Kasowitz đã ở đó, rõ ràng là đang chờ đợi, theo một người biết chuyện cho biết. Ông Kasowitz có chào ông Trump và bắt tay ông Phúc.
Tòa Bạch Ốc và tòa đại sứ Việt Nam từ chối có ý kiến về cuộc họp của hai nhà lãnh đạo, và không có bằng chứng nào cho thấy ông Trump nêu vấn đề Hồ Tràm với ông Phúc, theo ProPublica.
Phát ngôn viên của ông Kasowitz bác bỏ với ProPublica chuyện ông Kasowitz đang chờ để chào ông Phúc.
"Ông Kasowitz có mặt trong Tòa Bạch Ốc ngày 31 tháng Năm, 2017 vì chuyện khác",’ phát ngôn viên của ông Kasowitz nói với ProPublica. "Ông Kasowitz không biết là thủ tướng Việt Nam đến Tòa Bạch Ốc hôm đó, ông không đứng chờ ông thủ tướng, mà đây hoàn toàn chỉ là tình cờ ông gặp hai người, chứ không có nói gì với ông thủ tướng cả".
Phát ngôn viên của ông Kasowitz nói thêm : "Không có bất cứ ai, kể cả ông Kasowitz, tại công ty, sử dụng sự tiếp cận với ông Trump để giúp khách hàng của công ty".
"Tôi cảm thấy sốc là người ta dám tin rằng chính quyền Mỹ sẽ nói đến vụ Hồ Tràm, hoặc ngay cả nghĩ đến chuyện có dính vào vụ này", ông Falcone nói với ProPublica.
Ông Falcone, người không ủng hộ tài chánh trong cuộc tranh cử của ông Trump, nói với ProPublica sòng bài trong Hồ Tràm chẳng có lợi gì sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo quốc gia.
"Thẳng thừng mà nói, không có gì thay đổi từ khi (Mỹ) có chính quyền mới", ông Falcone giải thích với ProPublica. (Đ.D.)
***********************
Bàn tay bí ẩn đàng sau cuộc điện thoại Trump - Phúc (VOA, 27/04/2018)
VOA : ProPublica ngày 25 tháng 4 đăng bài báo cho biết cuộc gọi điện thoại đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được thu xếp bởi Marc Kasowitz, luật sư riêng của ông Trump và cũng đại diện một thân chủ có các lợi ích kinh doanh ở Việt Nam. Với sự đồng ý của ProPublica, VOA Tiếng Việt dịch toàn bộ và nguyên văn bài báo sang tiếng Việt và đăng ở đây.
Ông Marc Kasowitz, luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, đồng thời có thân chủ là một nhà đầu tư Mỹ có sòng bài ở Việt Nam.
***
Ngày 14 tháng 12, 2016, một tháng sau cuộc bầu cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump có cuộc gọi điện thoại với thủ tướng Việt Nam. Vào thời điểm các chính phủ nước ngoài đang vội vã liên lạc với ông Trump, cuộc điện đàm này là một thắng lợi cho phía Việt Nam. Truyền hình nhà nước chiếu hình ảnh được nói là cuộc gọi của thủ tướng, với các quan chức khác ngồi xung quanh tươi cười.
Nhưng bên trong Bộ Ngoại giao Mỹ, các quan chức bối rối và lo lắng. Từ lâu nay, các cuộc gọi sau cuộc bầu cử cho các nguyên thủ quốc gia là công tác được thu xếp bài bản. Việc tổng thống đắc cử nói chuyện với ai trước và việc các nhà ngoại giao chuyên nghiệp báo cáo về những vấn đề cần nêu và nên tránh đều được suy xét kỹ càng.
Ban phụ trách chuyển tiếp quyền hành của ông Trump đã phớt lờ những quy ước đó. Bộ Ngoại giao Mỹ đã không đứng ra liên lạc với Việt Nam. Thay vào đó, luật sư cá nhân của ông Trump, Marc Kasowitz, đã giúp thu xếp cuộc gọi này.
Ông Kasowitz có một thân chủ khác hết sức quan tâm đến Việt Nam : Philip Falcone, một nhà đầu tư người Mỹ với một sòng bạc lớn bên ngoài Thành phố Hồ Chí Minh. Sau cuộc gọi của ông Trump, ông Kasowitz sang Việt Nam cùng với ông Falcone. Họ đã gặp gỡ các quan chức chính phủ trong một nỗ lực nhằm thuyết phục Việt Nam bỏ lệnh cấm đánh bạc đối với công dân của mình. Một sự thay đổi như vậy sẽ khiến nhiều khách hơn đổ tới sòng bạc của ông Falcone.
"Phil hỏi liệu Marc có thể sắp xếp một cuộc điện đàm giữa tổng thống và thủ tướng Việt Nam hay không", một người biết về cuộc gọi này nói. "Marc đã làm chuyện đó".
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Falcone phủ nhận ông đã yêu cầu cuộc gọi này. Ông nói thêm rằng không có gì là không thích đáng khi sắp xếp một cuộc gọi như vậy cả. "Chỉ là giúp một tay khi người ta nhờ thôi", ông nói. Một phát ngôn viên của ông Kasowitz thừa nhận ông đã cung cấp một "liên lạc qua điện thoại" cho chính phủ Việt Nam để gọi ông Trump.
Ông Kasowitz đã đại diện ông Trump hơn 15 năm qua, bao gồm trong vụ lừa đảo Đại học Trump, chống lại cáo buộc quấy rối tình dục, và gần đây nhất là trong cuộc điều tra Nga.
Ông Falcone, người đã bị cấm tham gia ngành chứng khoán vài năm trước sau khi thừa nhận có hành vi sai trái trong việc quản lý quỹ phòng hộ (hedge fund) của mình, trong mấy năm qua vẫn đang cố gắng cứu vãn khoản đầu tư hàng trăm triệu đôla của ông vào ngành kinh doanh sòng bạc ở Việt Nam. Tới giờ, khoản đầu tư đó vẫn chưa thu lãi, phần lớn là vì các quy định hạn chế các sòng bạc mở ra cho người đánh bạc nước ngoài.
Không rõ liệu ông Trump có nhắc tới sòng bạc trong cuộc điện đàm vào tháng 12 năm 2016 hay trong bất kỳ liên lạc nào khác với ông Phúc hay không. Một phát ngôn viên Nhà Trắng nói nên chuyển các câu hỏi sang cho ông Kasowitz. Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Các quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nghe tin về cuộc gọi này trước từ công ty sòng bạc của ông Falcone, không phải từ ban phụ trách chuyển tiếp của ông Trump. Và họ không bao giờ nhận được thông tin nào từ ban phụ trách chuyển tiếp của ông Trump về những gì được thảo luận trong cuộc điện đàm. Họ chỉ nghe kể lại từ các quan chức Việt Nam, theo lời một người biết rõ về vụ việc này.
"Bạn muốn Bộ Ngoại giao Mỹ thu xếp cuộc gọi và ghi chép lại", Susan Rice, một cố vấn cấp cao phụ trách giai đoạn chuyển tiếp của ông Barack Obama trong năm 2008-09, người sau này trở thành cố vấn an ninh quốc gia, cho biết. "Những liên lạc phải được thực hiện theo một cung cách mà tổng thống đắc cử có thể chịu trách nhiệm. Tổng thống đắc cử phải được báo cáo tổng quát".
Vào tháng 11 năm 2008, ban phụ trách chuyển tiếp của ông Obama đã cảnh báo thẳng thừng những người ủng hộ có tiếng trong chiến dịch tranh cử của ông rằng "trong bất kỳ hoàn cảnh nào" cũng không được nói chuyện với "bất kỳ quan chức nước ngoài hoặc đại sứ quán nào thay mặt cho ban phụ trách chuyển tiếp hoặc Tổng thống đắc cử Obama".
Cuộc gọi cho Việt Nam chỉ là một ví dụ về cách thức mà chính quyền Trump xóa mờ ranh giới giữa các lợi ích kinh doanh tư nhân và những lợi ích của đất nước. Ông Trump, người đã không thoái vốn khỏi đế chế bất động sản của mình, đã tuyên bố nước Mỹ "đang mở cửa làm ăn". Nhiều người đã tranh thủ nắm lấy lời hứa đó. Những doanh nhân, những người vận động hành lang, bạn bè, và các chức sắc nước ngoài đều đã tranh nhau tiếp cận ông Trump kể từ khi ông đắc cử, tin rằng họ có thể giành được các hợp đồng béo bở, nới lỏng các quy định, hoặc là cho các đối tác tiềm năng của họ thấy họ gần với quyền lực và ảnh hưởng.
Ông Falcone, người không đóng góp cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói với ProPublica rằng sòng bạc của ông vẫn chưa thu lợi gì từ cuộc điện đàm. "Thật sự là không có gì thay đổi kể từ khi có chính quyền mới".
Lợi ích kinh doanh của ông Falcone tại Việt Nam có từ một thập niên nay. Quỹ Harbinger Capital của ông đã đổ tiền — Bloomberg ước tính ở mức hơn 450 triệu đôla — vào một khu nghỉ dưỡng - sòng bạc tên là The Grand Hồ Tràm Strip. Tọa lạc ve bờ biển ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 120 km, khu phức hợp này bao gồm một tòa tháp bóng loáng mang phong cách Las Vegas, một sân golf được thiết kế bởi huyền thoại Greg Norman, và một casino với 90 bàn và một khu vực riêng tư cho những tay đánh bạc lớn được đặt tên là Pearl Room.
Nhưng vì việc đánh bạc là bất hợp pháp ở Việt Nam, nó đề ra một trở ngại gần như không thể vượt qua được. Trong một chuyến thăm gần đây, sòng bạc rộng lớn này gần như vắng tanh. Nhân viên đông hơn khách. Một người quan sát ngành đánh bạc nói vui rằng, "bạn có thể lái một chiếc xe tải qua sòng bạc này và chẳng tông trúng ai cả".
Để cứu dự án này, ông Falcone mấy năm qua đã vận động chính phủ Việt Nam cho phép công dân của mình đánh bạc trong sòng bạc của ông.
Sòng bạc đã cho thấy nó không phải là phương tiện giúp ông Falcone phất lên trở lại như ông có thể đã hy vọng. Là một cầu thủ khúc côn cầu theo học Đại học Harvard rồi trở thành nhà quản lý quỹ phòng hộ rất thành công, ông từng có tên trong danh sách tỉ phú của tạp chí Forbes và tích lũy một cổ phần lớn trong Công ty của báo The New York Times. Nhưng tiền tài của ông Falcone tiêu tán trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính. Trong một thỏa thuận dàn xếp vào năm 2013 với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, ông bị cấm tham gia ngành chứng khoán trong năm năm và thừa nhận đã vay 100 triệu đôla không thích đáng từ quỹ của mình. Ông Falcone bị mất tên khỏi danh sách của Forbes.
Hai tháng trước cuộc bầu cử năm 2016, đội ngũ của ông Falcone đi một nước cờ nhằm tăng thêm sức nặng chính trị cho dự án Hồ Tràm bằng việc bổ nhiệm hai thành viên hội đồng quản trị mới cho công ty sòng bạc : Tony Podesta, nhà vận động hành lang kỳ cựu và là anh trai của nhà quản lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton ; và Loretta Pickus, cựu phó chủ tịch đặc trách sự vụ pháp lý tại Trump Entertainment Resorts, công ty sòng bạc giờ đã phá sản của ông Donald Trump.
Một tuần sau khi ông Trump đắc cử, công ty sòng bạc của ông Falcone gửi một thông cáo báo chí mới ca ngợi việc bà Pickus được bổ nhiệm. Thông cáo nhắc đến vai trò của bà là đại diện cho Ivanka Trump và nói bóng gió tới nỗ lực của Hồ Tràm xin giấy phép đánh bạc địa phương tại Việt Nam.
"Với kinh nghiệm dày dạn của bà Pickus với các bất động sản của ông Trump, bà hy vọng The Grand Hồ Tràm có thể tiếp tục đóng vai trò như một dự án ủng hộ mối quan hệ Mỹ-Việt cho Chính quyền Trump sắp nắm quyền", thông cáo nói, gọi việc bổ nhiệm bà là "một cơ hội tuyệt vời để chia sẻ những tập tục kinh doanh tốt nhất từ Mỹ trong khi Việt Nam cân nhắc các cơ hội cải tổ hệ thống quy định cho lĩnh vực nhà hàng khách sạn và đánh bạc của mình".
Một trong những nhiệm vụ của bà Pickus tại công ty của ông Trump là giám sát việc thực thi chống rửa tiền. Sòng bạc Trump Taj Mahal ở Thành phố Atlantic, bang New Jersey, đã liên tục vi phạm luật chống rửa tiền, và đã nộp nhiều khoản tiền phạt vì thiếu sự giám sát thỏa đáng. Bà Pickus nói với ProPublica rằng bà có mối quan hệ kéo dài nhiều hàng thập niên với ông Trump nhưng chưa liên lạc với ông hay chính quyền của ông kể từ khi ông đắc cử. Bà cũng bênh vực các chương trình chống rửa tiền của sòng bạc của ông Trump là "tinh vi" và thích hợp.
Sau chiến thắng bầu cử bất ngờ, ông Trump, một thân chủ lâu năm của ông Kasowitz, đột nhiên trở thành tổng thống đắc cử. Một phát ngôn viên của luật sư này thừa nhận vai trò của ông Kasowitz trong việc thu xếp cuộc gọi vào tháng 12 năm ngoái giữa ông Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. "Theo yêu cầu của văn phòng Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Kasowitz đã cung cấp một liên lạc qua điện thoại mà phía Việt Nam có thể sử dụng để cố gắng thu xếp một cuộc gọi chúc mừng tới Tổng thống đắc cử Trump", người phát ngôn nói.
(Đây không phải là cuộc gọi bất thường duy nhất của ông Trump trong giai đoạn chuyển tiếp đầy hỗn loạn. Tranh cãi bùng lên khi tin tức cho hay cựu Thượng nghị sĩ Bob Dole, người làm việc như một người vận động cho Đài Loan, đóng một vai trò trong việc thu xếp một cuộc gọi phá vỡ tiền lệ giữa ông Trump và Tổng thống Đài Loan.)
Chỉ vài tuần sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Phúc, ông Falcone đến Hà Nội để gặp Thủ tướng Việt Nam và hối thúc ông Phúc về dự án sòng bạc. Truyền thông nhà nước đưa tin ông Falcone "đã yêu cầu chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty của Mỹ, bao gồm cả quỹ Harbinger, để kinh doanh lâu dài và ổn định ở Việt Nam".
Ông Falcone đã thuê một loạt các nhà vận động hành lang, tư vấn, và cố vấn truyền thông để thuyết phục chính phủ Việt Nam thay đổi các quy định về đánh bạc. Nỗ lực này bao gồm đưa Falcone lên trang bìa của tập chí Esquire Việt Nam, sắp xếp các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa ông Falcone và các quan chức hàng đầu của Việt Nam, và tìm kiếm sự trợ giúp từ đại sứ quán Mỹ.
Không rõ lần đầu tiên ông Kasowitz can dự vào dự án Hồ Tràm là khi nào. Công ty luật của ông đại diện ông Falcone và các công ty liên quan của ông từ ít nhất là năm 2013. David Friedman, một luật sư đối tác tại công ty của ông Kasowitz cho đến khi được ông Trump bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Israel, cũng đại diện quỹ của ông Falcone.
Năm 2017, ông Kasowitz đến Việt Nam cùng với ông Falcone. Nhưng ông Kasowitz đi "không phải với tư cách là luật sư của tôi, chỉ là để tìm hiểu chuyện gì đang diễn ra ở đó", ông Falcone nói với ProPublica. Ông Falcone cho biết ông Kasowitz đã tham dự một số cuộc gặp gỡ với ông Falcone và các quan chức Việt Nam. Một phát ngôn viên của ông Kasowitz nói ông Kasowitz đã đến Việt Nam "để tư vấn cho ông Falcone về các vấn đề pháp lý" và từ chối bình luận thêm.
Cũng trong chuyến đi này có Jerry Abbruzzese, một chuyên gia tư vấn của ông Falcone có lịch sử tận dụng các mối quan hệ trong chính phủ cho các lợi ích kinh doanh. Ông được biết đến nhiều nhất trong vai trò nhân chứng chính trong các phiên tòa tham nhũng xét xử cựu lãnh đạo Thượng viện bang New York, Joe Bruno. Vụ việc tập trung vào việc ông Bruno nhận một hợp đồng tư vấn và khoản thanh toán lớn cho một con ngựa đua từ ông Abbruzzese. Ông Bruno cuối cùng được tha bổng. Ông Abbruzzese không bị cáo buộc trong vụ việc. Ông từ chối bình luận về vai trò của mình trong dự án Hồ Tràm.
Hai công ty có trụ sở tại Washington với nhân sự bao gồm các nhà ngoại giao từ các chính quyền của Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, BowerGroupAsia và The Asia Group, cũng có làm việc giúp dự án sòng bạc của Falcone. Theo ông Falcone, Asia Group hỏi xin ông một liên lạc với ông Kasowitz vì mối quan hệ thân cận của luật sư này với chính quyền Trump. Một phát ngôn viên của Asia Group nói : "The Asia Group không bình luận về thông tin kinh doanh bí mật, bao gồm tên của khách hàng của chúng tôi và các điều khoản hợp đồng của chúng tôi".
Asia Group cộng tác với ông Falcone để tổ chức một hội nghị các nhà đầu tư tại New York cho chuyến thăm của Thủ tướng Phúc đến Mỹ vào tháng 5 năm ngoái. Tham dự hội nghị này có các nhân vật tiếng tăm bao gồm Tướng hồi hưu David Petraeus, giờ làm cho công ty KKR.
Ngày hôm sau, ông Phúc tới Washington để hội kiến trực tiếp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về thương mại và Triều Tiên. Khi ông Trump và ông Phúc rời khỏi một cuộc họp lớn trong Phòng Nội các, ông Marc Kasowitz cũng có mặt ở đó, dường như đang chờ đợi, theo một người nắm rõ chuyến thăm này. Ông Kasowitz chào ông Trump và bắt tay ông Phúc.
Nhà Trắng và Đại sứ quán Việt Nam từ chối bình luận về cuộc gặp của ông Trump và ông Phúc. Không có bằng chứng cho thấy ông Trump nêu ra dự án Hồ Tràm.
Phát ngôn viên của ông Kasowitz phủ nhận ông ta khi đó đang đứng đợi để chào thủ tướng : "Ông Kasowitz có mặt tại Nhà Trắng vào ngày 31 tháng 5 năm 2017 vì việc khác. Ông ấy không hề biết Thủ tướng Việt Nam có mặt ở đó vào ngày hôm đó, ông ấy không đợi bên ngoài một phòng họp để gặp Thủ tướng, việc ông ấy gặp Thủ tướng với Tổng thống là một sự trùng hợp ngẫu nhiên và ông ấy không có cuộc trò chuyện có thực chất nào với Thủ tướng".
Người phát ngôn này nói thêm, "Ông Kasowitz và bất cứ ai khác trong công ty đều không sử dụng bất kỳ sự tiếp cận nào [với ông Trump] để giúp một thân chủ của công ty".
Những nỗ lực của ông Falcone tới giờ vẫn chưa thành công : sòng bạc Hồ Tràm vẫn chưa được cấp giấy phép địa phương cho việc tổ chức đánh bạc. Một chuyên gia trong ngành nhận định đó là do có những bất đồng trong nội bộ nhà nước do Đảng Cộng sản kiểm soát.
"Tôi cảm thấy rất sốc khi người ta cho rằng chính quyền sẽ nêu chuyện Hồ Tràm hoặc thậm chí nghĩ đến chuyện can dự vào", ông Falcone nói.